Dân Chúa Âu Châu

Chuyến tông du Hàn Quốc của ĐTC Phanxicô

BY: VŨ BÌNH, MAI TÂM

LTS. Mặc dầu chuyến tông du của ĐTC Phanxicô sang thăm giáo hội Nam Hàn đã khép lại gần một tháng qua, nhưng vì những âm hưởng đạo đời vẫn vang dội trên toàn thế giới và nhất là những bài học quan trọng mà các giáo hội Công giáo châu Á nói chung và Giáo hội Công giáo tại Việt Nam nói riêng, có thể rút lấy những bài học phong phú về mọi phương diện, nên nguyệt san Dân Chúa Âu Châu xin tóm lược và mời quý độc giả cùng ôn lại biến cố này trong mục BIẾN CỐ TRONG THÁNG...

1. "MộT DÂN TộC KHÔN NGOAN VÀ VĨ ĐạI KHÔNG CHỉ TRÂN TRọNG TRUYềN THốNG CủA Tổ TIÊN MÀ CÒN BIếT QUÝ TRọNG NGƯờI TRẻ"

Ngày thứ nhất chuyến tông du Hàn Quốc của ĐTC Phanxicô:

Khởi hành từ sân bay Fiumicino, Roma lúc 16g thứ tư 13.08, ĐTC đã đến Seoul vào lúc gần 10g30 sáng thứ năm 14.08 theo giờ địa phương. Sau nghi lễ tiếp đón tại căn cứ không quân Seoul, ĐTC đã lên xe về Tòa Sứ thần Tòa Thánh để cử hành Thánh lễ riêng, sau đó dùng bữa và nghỉ trưa.
Lúc 4 giờ chiều, ĐTC đã đến dinh tổng thống, gọi là "Nhà Xanh", và được bà Tổng thống Park Geun-hye đón tiếp. Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc hội kiến riêng ngắn gọn và trao đổi quà tặng.

Gặp giới chức chính quyền

Sau đó ĐTC gặp gỡ giới chức chính quyền dân sự, gồm các nhà lãnh đạo chính trị Hàn Quốc, một đại diện của phái đoàn ngoại giao và các nhà lãnh đạo khác.
ĐGH cũng nói về hai sự kiện chính trong chuyến tông du của ngài: Đại hội Giới trẻ châu Á lần thứ sáu, và tôn phong chân phước 124 vị tử đạo Hàn Quốc.

Gặp các giám mục Hàn Quốc

Khoảng 17g30, ĐTC đã đến trụ sở HĐGM Hàn Quốc để gặp gỡ các giám mục. Đây là dịp để ngài trao đổi với một trong những Giáo hội năng động nhất ở châu Á và trên thế giới. Trong bài huấn từ, ĐTC ca ngợi "sức sống mạnh mẽ" này, nhưng cũng không ngần ngại cảnh báo các giám mục Hàn Quốc trước một "tinh thần thế tục về phương diện thiêng liêng và mục vụ, bóp nghẹt tinh thần, thay vì hoán cải lại tự mãn và rốt cuộc dập tắt nhiệt tình truyền giáo".
Kết thúc bài huấn từ, ĐTC đưa ra lời phê phán cứng rắn. Ngài thừa nhận rằng Giáo Hội tại Hàn Quốc "sống và hoạt động trong một xã hội thịnh vượng, nhưng ngày càng tục hoá và duy vật". Nhưng "trong những hoàn cảnh ấy, cám dỗ của những người làm mục vụ không chỉ là việc áp dụng những mô hình hiệu quả trong quản lý, lập kế hoạch và tổ chức của giới kinh doanh, mà còn là một lối sống và suy nghĩ được hướng dẫn theo các tiêu chuẩn thành công của thế gian, kể cả quyền lực, hơn là các tiêu chuẩn được Chúa Giêsu trình bày trong Phúc Âm".
Vì thế, ĐTC khích lệ tất cả các giám mục: "Ước gì chúng ta thoát khỏi tinh thần thế tục về phương diện thiêng liêng và mục vụ; nó bóp nghẹt tinh thần, thay vì hoán cải lại tự mãn và rốt cuộc dập tắt nhiệt tình truyền giáo".

2. "HÃY TRở NÊN NHữNG THừA SAI LOAN BÁO TIN MừNG"

Ngày thứ hai chuyến tông du Hàn Quốc của ĐTC Phanxicô:

Ngày thứ hai của chuyến tông du Hàn Quốc của ĐTC Phanxicô được đánh dấu bởi hai sự kiện lớn: Thánh lễ trọng thể kính Đức Mẹ Lên Trời được cử hành vào buổi sáng tại sân vận động "Cúp Bóng đá Thế giới" ở Daejeon, và cuộc gặp gỡ giới trẻ Á châu tại Đền Solmoe vào buổi chiều.
Những mô hình kinh tế phi nhân
Khoảng 50.000 người tụ hội tại sân vận động đã nồng nhiệt chào đón ĐTC tiến vào sân vận động trên một chiếc xe dành riêng cho Giáo hoàng "made in Korea". Bầu khí đã được hâm nóng trước đó bởi giọng ca của các ca sĩ nổi tiếng nhất Hàn Quốc.

Đây là thánh lễ đầu tiên ĐTC cử hành cùng với cộng đoàn tại Hàn Quốc trong chuyến tông du này. Trong bài giảng, ĐTC kêu gọi "các Kitô hữu của dân tộc này" hãy là "một sức mạnh quảng đại của sự canh tân tinh thần ở mọi môi trường của xã hội". ĐTC cũng nhắc lại lời cảnh báo ngài đã đưa ra hôm trước đó khi gặp gỡ các giám mục Hàn Quốc về mối nguy cơ có thể bị chết chìm trong một xã hội thế tục hóa và duy vật, và ngài kêu gọi các tín đồ phải cương quyết chống lại "sự lôi cuốn của chủ nghĩa duy vật đang bóp nghẹt các giá trị tinh thần và văn hóa, cũng như chống lại óc cạnh tranh không gì kềm hãm được đang làm nảy sinh sự ích kỷ và các mâu thuẫn".
Trở về với chủ đề ngài tha thiết, ĐTC bày tỏ lòng mong ước được thấy người Hàn Quốc "tránh xa các mô hình kinh tế phi nhân vốn đang tạo ra những hình thức mới của sự nghèo khổ và đang đẩy người lao động ra ngoài lề xã hội, tránh xa nền văn hóa sự chết đang hạ giá hình ảnh của Thiên Chúa, Chúa của sự sống, và vi phạm phẩm giá của từng con người, nam, nữ và trẻ em".
Solmoe, trái tim sống động của Công giáo Hàn Quốc

Điểm nhấn của buổi chiều ngày thứ hai của chuyến tông du này là cuộc gặp gỡ giữa ĐTC Phanxicô với giới trẻ công giáo châu Á tại Solmoe.
Địa điểm được chọn làm nơi gặp gỡ mang tính biểu tượng bởi vì chính đây là cửa ngõ đạo Công giáo đi vào xã hội Hàn Quốc. Theo tiếng Hàn Quốc, Solmoe có nghĩa là "quả đồi nhỏ với rừng thông". Chính tại nơi đây Thánh Anrê Kim Taegon, linh mục đầu tiên người Nam Hàn Quốc, đã ra đời vào năm 1820 và đây cũng là nơi gia đình ngài sinh sống. Anrê Kim Taegon đã được chịu phép rửa tội vào năm 1836, lúc 16 tuổi, do tay linh mục người Pháp Pierre Philibert Maubant.

Ngài đã thực hiện một cuộc đi bộ kéo dài sáu tháng tới Macao bên Trung Quốc để học đạo Công giáo, và khi về lại nước năm 1846, ngài đã dấn thân trong hoạt động truyền giáo. Sự nhiệt thành truyền giáo của những người Công giáo tiên khởi Hàn Quốc đã bị nhà nước ra sức dập tắt. Anrê Kim Taegon bị giải tới Seoul và bị tống giam, trước khi bị treo cổ ngày 16.9.1846. Lúc ấy, ngài mới vừa 25 tuổi và mới được phong chức linh mục 13 tháng trước đó. Trước khi mất, cha Anrê Kim đã để lại một di chúc trong đó ngài ghi: "Tôi chết vì Chúa, nhưng đó lại là khởi đầu của một cuộc sống đời đời". Máu của ngài và của các vị tử đạo của Giáo hội Hàn Quốc đã đổ ra là một giai đoạn quan trọng trong lịch sử của đạo Công giáo tại nước này.
Những người trẻ châu Á đặt câu hỏi với ĐTC

Cuộc gặp gỡ giữa ĐGH Phanxicô với những người tham dự Ngày Giới Trẻ châu Á đã bắt đầu với chứng từ của ba người trẻ, đại diện cho các thực tại khác nhau của châu Á: một thiếu nữ người Hàn Quốc, một người Hoa sinh sống tại Hồng Kông và một thiếu nữ người Campuchia.
Thiếu nữ người Campuchia chia sẻ tâm tình bị giằng xé giữa ơn gọi làm tu sĩ và nhu cầu tiếp tục việc học để giúp gia đình và những người nghèo khổ nhất.
Chứng từ thứ hai là của Giovanni, một người Hoa, 24 tuổi, sống tại Hongkong, nói đến tình cảnh của Giáo hội tại lục địa Trung Hoa luôn bị kiểm soát một cách gắt gao nhưng vẫn trung thành với đức tin Công giáo. Đồng thời, Gioavanni cũng bày tỏ ý muốn của đông đảo người trẻ tại Hongkong được tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế giới tại thành phố của họ.
Marina Park Giseon, người Hàn Quốc, cũng đưa ra những câu hỏi tế nhị về tình cảnh đất nước Hàn Quốc bị chia hai: "Nếu chúng con đã phải sống 60 năm trong hận thù lẫn nhau với miền Bắc, con nghĩ rằng lỗi không chỉ ở một phía". Cô cũng nhấn mạnh đến ý tưởng cho rằng chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa duy vật của xã hội Hàn Quốc đôi khi đã dẫn đến chỗ đánh mất các giá trị. "Xem ra chủ nghĩa tư bản tại Hàn Quốc không mấy đặt trọng tâm vào sự an ninh và hạnh phúc của con người", cô nhận định.

ĐTC đã chăm chỉ lắng nghe, ghi chép và nồng nhiệt cám ơn chứng từ của mỗi người, và trả lời ứng khẩu bằng tiếng Ý, sau khi đọc bài diễn văn của ngài với các người trẻ bằng tiếng Anh.
Với chứng từ thứ nhất, ĐTC khuyên nên đi theo con đường Chúa đã chọn cho cô chứ không phải chọn một trong hai con đường mình tính chọn.
Với người Hàn Quốc, ĐTC nói: "Anh chị em nói cùng một ngôn ngữ, hãy nghĩ tới anh chị em của mình ở miền Bắc, và khi trong gia đình, người ta nói cùng một ngôn ngữ, ở đó cũng có một niềm hy vọng của con người".
Với các người trẻ, ĐTC nói: "Thần Khí Đức Giêsu có thể đem lại một sự sống mới cho con tim của mỗi người và có thể biến đổi từng hoàn cảnh, cho dù bề ngoài xem ra tuyệt vọng nhất".
Cuối cùng, ĐTC kêu gọi các người trẻ tập họp tại Solmoe hãy là những thừa sai loan báo Tin Mừng, "Tin Mừng về niềm hy vọng, tại trường học, nơi làm việc, trong gia đình, tại đại học và trong các cộng đoàn".

3. "CHỉ CÓ CHứNG TÁ CủA NIềM VUI MớI LÔI CUốN NGƯờI KHÁC"

Ngày thứ ba chuyến tông du Hàn Quốc của ĐTC Phanxicô:

WHĐ (17.08.2014) – Sự kiện chính trong ngày thứ ba của chuyến tông du Hàn Quốc của ĐTC Phanxicô là cử hành Thánh Lễ tôn phong chân phước cho Tôi tớ Chúa Paul Yun Ji-Chung và 123 bạn tử đạo, tại cổng Gwanghwamun ở Seoul vào lúc 10 giờ sáng. Buổi chiều, sau khi đến thăm trung tâm phục hồi chức năng của người khuyết tật "Nhà Hy vọng" ở Kkottongnae, ĐTC có hai cuộc gặp gỡ: gặp các cộng đoàn tu sĩ Hàn Quốc tại trung tâm "Ngôi trường Tình yêu" ở Kkottongnae và gặp các nhà lãnh đạo tông đồ giáo dân tại trung tâm linh đạo ở Kkottongnae. Vào buổi sáng, trước khi cử hành Thánh Lễ tôn phong chân phước, ĐTC đã đến viếng Đền thánh Tử đạo Seo So mun.

Thánh Lễ tôn phong chân phước

ĐTC Phanxicô đã ca ngợi "sự hy sinh cao cả" của các vị tử đạo và lời mời gọi của các ngài "hãy đặt Chúa Kitô lên trên hết".
"Tất cả các ngài đã sống và chết cho Chúa Kitô, và bây giờ được cùng với Người thống trị trong niềm vui và vinh quang".
Việc tôn phong Chân phước Paul Yun Ji-Chung và các bạn của Người là dịp để chúng ta trở về những thời khắc đầu tiên, thời kỳ phôi thai của Giáo hội tại Hàn Quốc. Đây là dịp mời gọi anh chị em, những người Công giáo Hàn Quốc, nhớ lại những điều lớn lao mà Thiên Chúa đã thực hiện ở vùng đất này và trân trọng di sản đức tin và đức ái đã được tổ tiên giao phó cho anh chị em.
Kitô giáo Hàn Quốc được khai sinh từ thế kỷ 18, khi các học giả Hàn Quốc nghe nói đức tin được loan báo ở Trung Quốc. Họ đã đến Trung Quốc để học hỏi về đạo Thiên Chúa với các nhà thừa sai Dòng Tên, rồi trở về giảng dạy giáo lý, rửa tội cho hàng ngàn người, dù không có linh mục.

Nhưng nhà cầm quyền Hàn Quốc bắt đầu bách hại các Kitô hữu và cấm sách vở Công giáo. Paul Yun Ji-chung và James Kwong Sang-yon, cả hai đều xuất thân từ tầng lớp quý tộc, đã bị chém đầu năm 1791 vì vi phạm các nghi lễ của Nho giáo. Cuộc hành quyết đánh dấu sự bắt đầu một cuộc bách hại lớn đối với giáo dân Hàn Quốc.
Sau khi ĐTC công bố chính thức tôn phong Chân phước cho các vị tử đạo, khắp quảng trường Gwanghwamun vang dậy tiếng hò reo vui mừng của cộng đoàn tham dự gần một triệu người, cùng tiếng kèn trống rộn rã. Các màn hình khổng lồ đặt ở hai bên bàn thờ chiếu hình vẽ các vị Tân chân phước.
Bài giảng của ĐTC nói về nguồn gốc của Kitô giáo Hàn Quốc cho thấy "tầm quan trọng, phẩm giá và nét đẹp" của ơn gọi của người giáo dân Công giáo.
"Trong sự quan phòng mầu nhiệm của Thiên Chúa, đức tin Kitô giáo đã không đến với đất nước Hàn Quốc qua các nhà thừa sai; nhưng qua tim óc của chính người dân Hàn Quốc". Họ được thúc đẩy bởi sự tò mò tri thức để tìm kiếm chân lý tôn giáo. Qua cuộc gặp gỡ đầu tiên với Phúc Âm, các Kitô hữu Hàn Quốc đầu tiên đã mở rộng tâm trí mình cho Chúa Giêsu. Họ muốn biết thêm về Đấng Kitô đã chịu đau khổ, chịu chết và đã sống lại từ cõi chết ấy".

Đã có các vị tử đạo khác của Hàn Quốc được tuyên thánh: Thánh Gioan Phaolô II tuyên thánh cho 103 vị tử đạo Hàn Quốc vào ngày 6.5.1984 trong chuyến viếng thăm Hàn Quốc.
ĐTC Phanxicô khẩn cầu những vị thánh này, thánh Anrê Kim Taegon, thánh Paul Chong Hasang và các bạn, cùng với các vị tử đạo vừa mới được tôn phong Chân phước.
ĐTC đã giảng về bài Phúc Âm trong chương 17 của Phúc Âm theo thánh Gioan và sự liên quan với các vị tử đạo vừa được tôn phong Chân phước.
Với các tu sĩ: Chỉ có chứng tá của niềm vui mới lôi cuốn người khác

Ngỏ lời với các cộng đoàn tu sĩ của Hàn Quốc, ĐTC Phanxicô kêu gọi tín thác vào lòng Chúa thương xót và tập trung vào đời sống cộng đoàn trong việc truyền bá niềm vui Phúc Âm cho thế giới: "Chỉ khi chứng tá của chúng ta vui tươi, chúng ta mới lôi cuốn được người khác đến với Chúa Kitô".
ĐTC cảm ơn các tu sĩ trong nỗ lực dựng xây Nước Thiên Chúa, và ngài nói rằng đời sống tu sĩ là một món quà lớn lao làm phong phú cho Giáo hội.
Ngài kêu gọi các tu sĩ suy tư về vai trò trung tâm của niềm vui trong cuộc sống của người sống đời thánh hiến.
ĐTC cũng cảnh báo về những xao lãng và gương xấu, và lưu ý rằng nghèo khó trong đời sống thánh hiến vừa là một "thành trì" bảo vệ, vừa là một "người mẹ" hướng dẫn chúng ta đi theo đường ngay chính.

ĐTC còn cảnh báo về cơn cám dỗ "chấp nhận một não trạng thế tục, hoàn toàn thực dụng, dẫn đến việc đặt niềm hy vọng của chúng ta nơi phương tiện của con người mà thôi và phá huỷ chứng từ về đời sống khó nghèo mà Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta đã sống và dạy chúng ta".
ĐTC kêu gọi các tu sĩ ý thức vai trò của mình trong việc định hướng ơn gọi trong tương lai, và thúc giục họ "hãy làm tất cả những gì anh chị em có thể làm được để cho thấy rằng đời sống dâng hiến là một món quà quý giá cho Giáo hội và thế giới. Đừng giữ lại cho riêng mình; nhưng hãy chia sẻ, mang Chúa Kitô đến mọi ngõ ngách trên đất nước thân yêu này".

4. "CHỉ CÓ THể ĐốI THOạI NếU CHÚNG TA BIếT RÕ MÌNH LÀ AI"

Ngày thứ tư chuyến tông du Hàn Quốc của ĐTC Phanxicô:
Chúa nhật 17.08, ngày thứ tư trong chuyến tông du Hàn Quốc của ĐTC Phanxicô, có hai sự kiện chính: ĐTC gặp các giám mục Á châu tại Đền Haemi lúc 11 giờ và cử hành Thánh Lễ bế mạc Đại hội Giới trẻ châu Á lần thứ sáu, tại lâu đài Haemi lúc 16 giờ.

Gặp các giám mục Á châu

Trước hết, ĐHY Oswald Gracias, TGM Mumbai, Ấn Độ, với tư cách chủ tịch HĐGM Á châu, đã đại diện các giám mục chào mừng ĐTC.
Trong phần đáp từ, ĐTC khai triển đề tài về "đối thoại".
Ngài bày tỏ hy vọng rằng "các quốc gia mà Toà Thánh chưa có quan hệ đầy đủ sẽ không ngần ngại thúc đẩy một cuộc đối thoại vì lợi ích của tất cả".
ĐTC nói rằng "Giáo hội được kêu gọi linh động và sáng tạo trong việc làm chứng cho Tin Mừng, nhờ đối thoại và mở ra với mọi người".
ĐTC giải thích thêm: "Căn tính này chính là đức tin sống động trong Chúa Kitô", và ngài đặt câu hỏi với các giám mục: "Liệu căn tính ấy có được thể hiện rõ ràng trong các chương trình giáo lý và mục vụ giới trẻ, trong việc phục vụ người nghèo và những người sống vất vưởng bên lề xã hội giàu có của chúng ta và trong những nỗ lực thúc đẩy ơn gọi linh mục và đời sống tu trì hay không?"
Nhưng để xác định căn tính ấy không phải là điều dễ dàng. Có nhiều trở ngại cản đường, bởi vì "chúng ta sẽ luôn bị cám dỗ bởi tinh thần thế tục". Trong những trở ngại ấy, có "sự sai lầm của thuyết tương đối, làm lu mờ ánh quang chân lý". Và ĐTC xác định rằng ngài đang nói về "chủ nghĩa tương đối thực dụng, diễn ra hằng ngày, làm suy yếu căn tính của chúng ta mà rất khó nhận ra".

Một nguy cơ khác là "tính hời hợt", nói cách khác, đó là "xu hướng chạy theo thời trang, những tiện nghi và thú tiêu khiển, hơn là chú tâm vào những điều thực sự quan trọng". Tính hời hợt này cũng có thể thấy trong việc "bị cuốn hút vào những chương trình mục vụ và lý thuyết, làm phương hại đến việc gặp gỡ trực tiếp và hiệu quả với các tín hữu, nhất là những người trẻ, những người cần có nền tảng giáo lý vững chắc và được hướng dẫn về mặt thiêng liêng"
Và cám dỗ cuối cùng rình chực mỗi Kitô hữu là "sự an toàn giả tạo ẩn dưới những câu trả lời dễ dàng, những công thức có sẵn, những lề luật và quy định".

Thánh Lễ bế mạc Đại hội Giới trẻ châu Á

ĐTC mở đầu bài giảng bằng cách lặp lại chủ đề của Đại hội Giới trẻ châu Á tại Hàn Quốc: "Vinh quang của các thánh tử đạo tỏa sáng trên bạn! Đây là một đoạn chủ đề của Đại hội Giới trẻ châu Á lần thứ sáu, điều này an ủi và củng cố tất cả chúng ta. Hỡi những người trẻ Á châu: các con là những người thừa kế của một chứng từ cao cả, của chứng nhân cao quý về Chúa Kitô. Ngài là ánh sáng thế gian; Ngài là ánh sáng của cuộc sống chúng ta! … ".

ĐTC cũng khai triển một đoạn khác trong chủ đề của Đại hội: "Hỡi bạn trẻ châu Á, hãy thức tỉnh!"
Về từ "Châu Á", ĐTC ghi nhận rằng "Lục địa châu Á, vốn được thấm nhuần những truyền thống triết học và tôn giáo rất phong phú, là một môi trường tuyệt vời để các con làm chứng cho Chúa Kitô "là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống" (Ga 14, 6)". Vì thế, ngài khích lệ các bạn trẻ châu Á: "Đừng sợ đem sự khôn ngoan của đức tin vào mọi hoàn cảnh của đời sống xã hội!"
Và ĐTC cho biết, nhờ Chúa Thánh Thần đồng thời hiệp nhất với các chủ chăn, các bạn trẻ sẽ phân định được những giá trị tích cực trong các nền văn hóa đa dạng ở Á Châu.
Về từ "Giới trẻ", ĐTC nêu lên những đặc tính của người trẻ: lạc quan, đầy sức sống và thiện chí. Và ngài khuyến khích các bạn trẻ: "Hãy để Đức Kitô biến những lạc quan vốn có nơi các con thành niềm hy vọng Kitô giáo, biến sức sống của các con thành các nhân đức, và thiện chí của các con thành tình yêu tự hiến đích thực!... Như thế, tuổi trẻ của các con sẽ trở nên quà tặng cho Chúa Giêsu và cho thế giới".

ĐTC cũng nói đến một cám dỗ của người trẻ là "xua đuổi những người xa lạ, những người nghèo và người đau khổ". Họ đang kêu cứu, đang van xin.
Cuối cùng, với từ "Thức tỉnh!", ĐTC nói rằng Chúa đã trao trách nhiệm cho người trẻ.
Kết thúc bài giảng, ĐTC hy vọng các bạn trẻ hiệp nhất với Chúa Kitô và Giáo hội và bước đi trên con đường ấy, con đường chắc chắn sẽ mang lại nhiều niềm vui.
Sau Thánh lễ bế mạc Đại hội Giới trẻ châu Á lần thứ sáu, ĐHY Oswald Gracias, TGM Mumbai, Ấn Độ kiêm chủ tịch HĐGM Á châu, đã ngỏ lời cám ơn ĐTC và loan báo Đại hội Giới trẻ châu Á lần thứ bảy sẽ được tổ chức tại Indonesia vào năm 2017.

5. "HÃY ĐÓN NHậN ƠN HOÀ GIảI VÀO TRONG TÂM HồN VÀ CHIA Sẻ ƠN ấY CHO NGƯờI KHÁC!"

Ngày thứ năm chuyến tông du Hàn Quốc của ĐTC Phanxicô:

Hai sự kiện cuối cùng trong chuyến tông du của ĐTC Phanxicô đều diễn ra tại Seoul vào buổi sáng thứ hai 18.08: gặp các nhà lãnh đạo tôn giáo tại toà TGM Seoul cũ lúc 9 giờ và cử hành Thánh Lễ cầu cho cho hoà bình và hoà giải, tại nhà thờ chính toà Myeong-dong ở Seoul lúc 9 giờ 45. Sau đó, ĐTC đến căn cứ không quân Seoul để trở về Roma. Sau nghi lễ tạm biệt tại đây, chiếc máy bay của hãng hàng không Hàn Quốc chở ĐTC và phái đoàn cùng đi đã cất cánh lúc 13 giờ.

Gặp các nhà lãnh đạo tôn giáo

Đứng trước một bức hoạ các vị tử đạo Hàn Quốc, trọng tâm của chuyến viếng thăm này, ĐTC chào từng người một, trong đó có Giám mục Anh giáo của giáo phận Seoul, chủ tịch Giáo hội Luther và lãnh đạo các Giáo hội Trưởng lão. Các vị lãnh đạo Phật giáo và đại diện của các cộng đồng Kitô giáo khác cũng có mặt, cùng với Đức TGM Chính thống giáo. Đức TGM Chính thống giáo đã tặng ĐTC một cây thánh giá Byzantine. ĐTC rất hài lòng về món quà này; ngài nói sẽ dùng để ban phép lành cuối lễ (và ngài đã làm như vậy).
Kết thúc buổi gặp gỡ, ĐTC đã ứng khẩu nói bằng tiếng Tây Ban Nha và được cha John Che-chon Chong S.J. - tân giám tỉnh Dòng Tên Hàn Quốc, phiên dịch.
Các quan sát viên về tôn giáo cho rằng mối quan hệ giữa các tín ngưỡng khác nhau tại Hàn Quốc là thân thiện (ít là ở bề ngoài), và hiếm khi xảy ra những căng thẳng như ở những nơi khác trên thế giới.

Điều mà họ không nói, đó là sự thân thiện ấy là kết quả của tinh thần bao dung tôn giáo đáng ca ngợi hay của tình trạng dửng dưng về tôn giáo đang gia tăng. Một cuộc thăm dò mới đây về vấn đề này cho thấy gần một nửa số dân Hàn Quốc không theo bất cứ tín ngưỡng nào.
Tình trạng này giúp ta hiểu được nhiều lời kêu gọi của ĐTC dành cho họ: ngài là một khuôn mặt mới trong một không gian đang trống rỗng niềm tin ở Hàn Quốc.

Thánh Lễ cầu cho cho hoà bình và hoà giải

ĐTC kết thúc chuyến tông du Hàn Quốc với Thánh Lễ cầu cho cho hoà bình và hoà giải, cử hành tại Nhà thờ chính toà Myeong-dong. Sau đây là vài ý chính bài giảng trong Thánh Lễ:
"Cao điểm chuyến viếng thăm của tôi là Thánh lễ xin ơn hoà bình và hoà giải này. Lời cầu xin này có một âm vang đặc biệt trên bán đảo Triều Tiên. Đầu tiên và trước hết, Thánh Lễ hôm nay là lời nguyện xin ơn hòa giải trong gia đình Hàn Quốc. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng khi hai hoặc ba người cùng cầu xin điều gì (x. Mt 18,19-20) thì lời cầu xin ấy sẽ có sức mạnh. Vậy khi cả một dân tộc dâng lời nguyện xin chân thành lên trời cao thì lời cầu xin ấy càng thêm mạnh mẽ biết bao!
Trong Thánh lễ này, tất nhiên chúng ta nghe lời hứa ấy trong bối cảnh của kinh nghiệm lịch sử của dân tộc Triều Tiên, kinh nghiệm về chia rẽ và xung đột kéo dài đã hơn sáu mươi năm. Nhưng lời mời gọi hoán cải tha thiết của Thiên Chúa cũng thách đố những người theo Chúa Kitô tại Hàn Quốc xem lại mình đã góp phần xây dựng một xã hội thực sự công bằng và nhân đạo ra sao... Và nó thách đố anh chị em, vừa là Kitô hữu và cũng là người Hàn Quốc, quyết từ khước một não trạng dựa trên ngờ vực, đối đầu và cạnh tranh, và thay vào đó hình thành một nền văn hóa xây dựng trên giáo huấn Phúc Âm và các giá trị truyền thống cao quý nhất của dân tộc Triều Tiên.

Chúa Giêsu đòi chúng ta tin rằng tha thứ là cánh cửa dẫn đến hòa giải. Khi dạy chúng ta tha thứ cho anh em mình không ngần ngại, Người đòi buộc chúng ta thực hiện một điều thật quyết liệt, nhưng Người cũng ban ơn cho chúng ta để làm điều đó...

Vậy, đây là sứ điệp mà tôi để lại cho anh chị em khi tôi kết thúc chuyến viếng thăm Hàn Quốc: Anh chị em hãy tín thác vào quyền năng của thập giá Chúa Kitô! Hãy đón nhận ơn hoà giải vào trong tâm hồn và chia sẻ ơn ấy cho người khác! Xin anh chị em hãy làm chứng một cách thuyết phục về sứ điệp hòa giải của Chúa Kitô trong gia đình, trong cộng đoàn của anh chị em và ở mọi lĩnh vực đời sống quốc gia. Tôi tin tưởng rằng, trong tình thân hữu và hợp tác với các Kitô hữu khác, với những người theo các tôn giáo khác, và với mọi người thiện chí quan tâm đến tương lai của xã hội Hàn Quốc, anh chị em sẽ là men của Nước Thiên Chúa nơi đất nước này...

Vậy, chúng ta hãy cầu nguyện để có những cơ hội mới cho đối thoại, gặp gỡ và vượt qua những khác biệt, để luôn có sự quảng đại trợ giúp nhân đạo cho những ai túng thiếu, và để ngày càng có sự nhìn nhận rằng mọi người Triều Tiên đều là anh chị em với nhau, thuộc về một gia đình duy nhất, một dân tộc duy nhất và cùng nói một ngôn ngữ.
Trước khi rời Hàn Quốc, tôi muốn cảm ơn Tổng thống Park Geun-hye, giới chức chính quyền dân sự và Giáo hội, và tất cả những ai góp phần làm nên chuyến viếng thăm này. Đặc biệt tôi muốn gửi lời ca ngợi đối với các linh mục Hàn Quốc, hằng ngày lao động phục vụ Tin Mừng và xây dựng Dân Chúa trong đức tin, cậy, mến.
Kết thúc Thánh Lễ, ĐHY Andrew Yeom Soo-jung, TGM Seoul, dâng lời cám ơn ĐTC "tận đáy lòng" về cuộc viếng thăm của ngài: "ĐTC đã tỏ cho người trẻ thấy rằng Ngài là vị mục tử tốt lành, đồng hành với họ và đi bên cạnh họ". Đức hồng y cũng cám ơn "ĐTC đã tôn phong Chân phước cho các vị tử đạo của chúng con là Paul Yun Ji-Chung và 123 người bạn." Vì thế, ngài nhấn mạnh thêm rằng "từ nay chúng con thấy mình càng có trách nhiệm hơn đối với công cuộc loan báo Tin Mừng ở Hàn Quốc".

GIớI TRẻ VIệT NAM THAM Dự ĐạI HộI GIớI TRẻ CHÂU Á LầN THứ SÁU

DAEGU, HÀN QUỐC – Tham dự Đại hội Giới trẻ châu Á lần thứ sáu tại giáo phận Daejeon, Hàn Quốc, đoàn Việt Nam gồm 1 giám mục, 3 linh mục, 3 tu sĩ và 28 bạn trẻ đã đặt chân đến sân bay Incheon lúc 7g00 sáng ngày 10.08/2014. Đoàn được các bạn trẻ tại giáo phận Daegu, Hàn Quốc đón tiếp rất nồng hậu từ lúc vừa xuống khỏi máy bay cho đến tận khi di chuyển vào hội trường Đại hội Giới trẻ chính thức tại Daejeon.

Đoàn đã ở ở tại Daegu 3 ngày rưỡi. Cùng được đón tiếp với đoàn Việt Nam là một nhóm nhỏ của đoàn Hong Kong. Các bạn trẻ đến từ Việt Nam và Hong Kong được chia thành các nhóm nhỏ cùng với các tình nguyện viên tại Daegu. Đó là các nhóm cùng hoạt động, thi đua và sẻ chia với nhau trong 3 ngày rưỡi tại Daegu. Các bạn trẻ cùng ăn, cùng cầu nguyện, cùng dâng lễ, cùng hát, cùng múa.... Những quãng đường dọc ngang trong thành phố đã nối kết những con người nói các ngôn ngữ khác nhau, đến từ các quốc gia khác nhau trở thành một tập thể yêu thương và cố gắng cùng nhau. Những buổi cầu nguyện, những Thánh lễ đã hòa nhịp sống của những bạn trẻ đến từ các múi giờ khác nhau. Những món ăn Hàn Quốc và cả buổi buffet tự nấu chỉ toàn đặc sản Hàn Quốc đã giúp người trẻ trở nên một trong tình thân và tình yêu của Đức Kitô.

Trong 3 ngày rưỡi này, ngoài những hoạt động chung với nhóm nhỏ, người trẻ còn được trải nghiệm cuộc sống tại các gia đình (homestay) và đón nhận sự tiếp đãi nồng hậu, nhiệt tình của các gia đình tại đây. Những trải nghiệm này có lẽ sẽ theo các tham dự viên suốt thời gian dài và sẽ phần nào ảnh hưởng đến đời sống thường ngày và trong đời sống đức tin. Tham dự viên học hỏi được cách người Hàn hiểu đạo và sống đạo để chắt lọc và áp dụng cho mình để ngày càng biết yêu thương hơn nữa.
Kết thúc thời gian này là những món quà được trao tặng cho nhau từ các bạn trẻ của 3 quốc gia, những đặc trưng, đặc sản và những gì truyền thống, tinh hoa nhất được các bạn trân trọng gửi trao nhau trước lúc chia tay.


(Thiên Thanh)