Dân Chúa Âu Châu

Kết quả bầu cử nghị viên thành phố tại Pháp 2014

BY: HÀ MINH THẢO

Đúng 20 giờ ngày 30.03.2014, tất cả các phòng phiếu bầu cử nghị viên các thành phố lớn đóng cửa, các cơ quan truyền thông lập tức công bố các dự đoán tỷ lệ vắng mặt (hay tham gia) đầu phiếu. Tiếp theo, kết quả các khảo sát ý kiến những cử tri đầu phiếu xong được loan truyền và chính khách từ các đảng phái tranh luận về các kết quả này: đảng xã hội (PS) cầm quyền thất bại, các đảng Liên minh vì một Phong trào Nhân dân (UMP), Liên minh Dân chủ và Độc lập (UDI) và Mặt trận Quốc gia (FN) chia nhau thắng lợi.

I. NGƯỜI DÂN KHIỂN TRÁCH CHÍNH PHỦ

Trong chế độ đệ Ngũ Cộng hòa Pháp, quyền Hành pháp được hành xử bởi Tổng thống và Chánh phủ, Thủ tướng và các Tổng, Bộ trưởng. Ngày 06.05.2012, cử tri Pháp đã bầu ông François Hollande vào chức vụ Tổng thống nhiệm kỳ 2012-2017. Ngày 15.05.2012, ông cử Dân biểu Trưởng khối PS, Jean-Marc Ayrault, vào chức vụ Thủ tướng và thành lập Chánh phủ. Theo Hiến pháp, khi cùng một đảng phái (ở đây là PS), Tổng thống hoạch định chính sách, đúng nguyên tắc, phải phù hợp với những điều đã hứa với cử tri khi tranh cử, và Chánh phủ thực thi.
Trong những tháng vận động tìm sự tín nhiệm nơi đồng bào, điều quan trọng nhất ông Hollande hứa sẽ tăng sức mua của người tiêu thụ để gia tăng kinh tế hầu giảm bớt số người thất nghiệp. Đây là niềm ước muốn của mọi người, nên cử tri đã "dè dặt" bầu phiếu cho ông với 51,90% số phiếu hợp lệ. Ông chê Tổng thống tiền nhiệm Nicolas Sarkozy phung phí Ngân sách quốc gia như mua và xài phi cơ "sang trọng" mà nay ông vẫn tiếp tục xử dụng…

Do đó, công chi vẫn gia tăng mà tăng trưởng kinh tế không thấy, nên buộc phải ngày càng gia tăng thuế khiến mãi lực (hay sức mua, Pouvoir d"achat) người dân ngày càng giảm. Trích nạp bắt buộc (prélèvements obligatoires) tức tiền thuế các loại và trích nạp các quỹ an ninh xã hội mà các xí nghiệp và tư nhân phải nộp cho Ngân sách quốc gia và các Quỹ này (năm 2011: cư dân ở Pháp phải đóng 32% số tiền trích nạp bắt buộc cho Ngân sách, 14% cho địa phương, 53% cho các Quỹ an ninh xã hội và khoảng 1% cho Ngân sách Liên hiệp Âu châu). Số bách phân tiền trích nạp bắt buộc này năm 2011 là 43,90% Tổng sản lượng nội địa (TSLNĐ). Điều này có nghĩa là khi cư dân ở Pháp lãnh lương nguyên (salaire brut) 100 euro thì phải đóng các loại thuế và trích nạp các quỹ an ninh xã hội hết 43,90 euro. Số còn lại gọi là sức mua. Bách phân Trích nạp này tăng lên 44,90% năm 2012 và 46,30% năm 2013. Tính thành tiền, những số tiền trích nạp bắt buộc hàng năm lần lượt là 876,3 tỷ euro cho năm 2011, 913,9 (2012) và 966,9 (2013). Sang năm 2014, Chính phủ dự trù giảm 0,30% so với năm 2013, theo yêu cầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Ngày 01.01.2014, chánh phủ, do sự chỉ đạo của Tổng thống và ủng hộ của phe đa số tại hai viện Lập pháp), đã tăng Thuế Trị giá Gia tăng (TVA, Taxe sur Valeur Ajoutée) với các thuế suất như sau:
- 19,60% lên tròn 20%;
- 7% lên 10%;
- 5,50% không thay đổi (Hành pháp đề nghị làm tròn thành 5%, nhưng các Dân biểu thân chính không đồng ý).
Người dân không có khả năng để mua thì xí nghiệp cung cấp sản phẩm và dịch vụ không sản xuất vì "cung" chỉ để đáp ứng "cầu" (trừ sản xuất cho mức "tồn kho an toàn"). Khi không sản xuất, nhà kinh doanh buộc phải "cám ơn" công nhân. Mức tăng trưởng kinh tế nước Pháp năm 2012 là 0% so với năm 2011 và, năm 2013 chỉ là 0,3% so với năm trước. Do đó, tỷ lệ người thất nghiệp ngày càng tăng: 10,2% số người trong tuổi lao động năm 2012 và 10,9% vào cuối tháng 12.2013. Trong một quốc gia xã hội chủ nghĩa thứ thật như Pháp, hiện tượng thất nghiệp cao là một nguy hiểm chính trị, kinh tế và xã hội. Về chính trị, sự bất lực của cánh hữu lẫn tả phái, để lên tiếng chống đôi bên, cử tri bất mãn bầu các đảng mà đôi khi họ nuôi ít nhiều hy vọng. Ngày xưa, đảng cộng sản hô hào chống "chủ bóc lột", nay chủ không thèm bóc lột mà chỉ mời "thôi việc", cử tri hết tín nhiệm… Ngày nay, Pháp gặp khủng hoảng, một phần thực sự do Khu vực Euro, nên Mặt trận quốc gia (Font National, FN) nêu cao lá cờ "chống Euro" và hứa sẽ bắt đầu bằng giảm thuế địa phương (impôts locaux) và tăng cường bảo vệ an ninh khi các ứng cử viên FN đắc cử Thị trưởng tại các thành phố.

Nước Pháp bảo đảm cư dân ở Pháp (kể cả ngoại kiều với những điều kiện nhiều hơn về lưu trú) một số tiền thu hàng tháng không thấp hơn mức Lợi tức Tương trợ Sinh động (Revenu de Solidarité active, RSA): độc thân (499,31 euro), vợ chồng (kể cả đồng phái) hay độc thân với 1 con (748,97), vợ chồng với 1 con hay độc thân với 2 con (898,76), vợ chồng với 2 con hay độc thân với 3 con (1.048,55). Từ đây, mỗi con tăng thêm thì số tiền được tăng tương ứng là 199,79 euro. Số tiền này còn được tăng thêm một khoản cô đơn (tức cho cha hay mẹ nuôi con một mình, majoration pour isolement). RSA được tài trợ bởi Thuế Tương trợ trên Tài sản (Taxe de Solidarité sur la Fortune) đánh hàng năm trên những tài sản có trị giá từ 1,3 triệu euro. Đây là một biện pháp "lấy của nhà giầu chia cho người nghèo", chủ trương của xã hội chủ nghĩa thứ thật. Tại nước "ngụy XHCN" như Việt Nam thì đánh thuế đồng bào để nuôi những kẻ tự cho mình là "đầy tớ nhân dân", kể cả những linh mục, sư sãi quốc doanh. Người dân khổ sở chỉ được ăn "bánh vẽ":
Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết
là bánh vẽ
Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn
cùng bè bạn
Cầm lên nhấm nháp.
Chả là nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối
Đêm vui
Bảo anh không còn có khả năng
nhai
Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc...
Thế thì đâu còn dịp nhai thứ thiệt?
Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn
Như không có gì xảy ra hết
Và những người khác thấy anh ngồi,
Họ cũng ngồi thơi
Nhai ngồm ngồm...
(Chế Lan Viên 8-1991)

Trở lại nước Pháp. Một thành quả duy nhất để biện minh cho sự "có giữ lời hứa", Chính phủ PS đưa ra dự luật "Mariage pour Tous", nhưng "cấm" những tranh luận công khai vì "khi bầu ông Hollande làm Tổng thống" người Pháp đã đồng thuận đề nghị này. Những cuộc biểu tình với nhiều trăm ngàn hay triệu người không được lắng nghe. Nhiều cử tri coi như nguyên tắc dân chủ bị nhà nước vi phạm. Ngoài ra, luật này tạo ra bất công vì chỉ bình quyền (hưởng tiền trợ cấp gia đình) mà không đồng nghĩa vụ (mang nặng đẻ đau để sinh tạo thế hệ mới dân Pháp) đã đẩy cả triệu người xuống đường gây bao đổ vỡ cho tình đoàn kết đồng bào. Khi phán quyết tính cách hợp hiến của đạo luật, Hội đồng Hiến pháp ghi nhận đạo luật chỉ do ý muốn của các nhà lập pháp, chứ đâu phải do nguyện vọng toàn dân Pháp. Do đó, trong cuộc tuyển cử này, nhiều cử tri đã từ chối xử dụng lá phiếu của mình.
Ngoài ra, cuộc bầu cử lần này diễn ra trong bối cảnh nhiều chính trị gia cả hai phe tả - hữu bị tai tiếng. Cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy bị nghi ngờ từng lạm dụng quyền thế. Bên PS, Tổng trưởng Tư pháp Christiane Taubira bị tố cáo nói dối khi tuyên bố không được báo cáo về chuyện thẩm phán điều tra "nghe lén điện thoại" cựu Tổng thống Sarkozy với luật sư để tìm bằng cớ.

II. KẾT QUẢ TUYỂN CỬ TOÀN QUỐC

Trong năm nay, số ứng cử viên từ khoảng 270.000, lần tuyển cử trước vào năm 2008, tăng đến 928.901 vì, trước khi, chỉ buộc nộp đơn ghi danh tại các thành phố có từ 3.500 cư dân trở lên. Từ năm nay, con số này đã đem xuống chỉ còn 1.000. Tại các thành phố có từ 3.500 cư dân trở lên, số ứng viên cũng đã tăng 12%, từ 8.578 liên danh năm 2008 đã tăng lên thành 9.630 cho năm 2014.
Tính về tuổi, tuổi trung bình ứng cử viên là 50. Ứng cử viên trẻ nhất là nột người nữ vừa đúng 18 tuổi vào ngày 22.03.2014, ghi danh tại thành phố Mémont (Doubs) có khoảng 300 cư dân. Ứng viên cao tuổi nhất cũng là người nữ gần 103 tuổi (sinh ngày 14.05.1911), ứng cử tại Marseille.

A. Vòng Một ngày 23.03.2014.

1. Số cử tri:
- ghi danh: 45.773.248;
- tham gia đầu phiếu: 29.088.710;
- vắng mặt: 16.684.538 tức 36,45% so với số ghi danh (lần trước 2008: 33,46%) kỷ lục.
2. Kết quả:
- cực tả: 3,83%;
- tả phái: 33,91%;
- EELV xanh: 1,16%;
- độc lập: 9,16%;
- trung phái: 3,38%;
- hữu phái: 43,48%;
- mặt trận quốc gia: 4,76%;
- cực hữu: 0,12%.
Tại vòng này, 30.136 thành phố (trong tổng số 36.682 đơn vị hành chánh này ở Pháp) đã chọn được các nghị viên lãnh đạo. Một thành phố duy nhất, Hénin-Beaumont, thắng bởi Mặt trận quốc gia.
B. Vòng Hai ngày 30.03.2014.
1. Số cử tri:
- ghi danh: 18.336.841;
- tham gia đầu phiếu: 11.393.287;
- vắng mặt: 6.943.287 tức 37,87% so với số ghi danh (lần trước 2008: 34,90%) kỷ lục.
2. Kết quả:
- cực tả: 1,89%;
- tả phái: 39,25%;
- EELV xanh: 0,47%;
- độc lập: 5,87%;
- trung phái: 2,01%;
- hữu phái: 43,64%;
- mặt trận quốc gia: 6,75%;
- cực hữu: 0,12%.
Sự thất bại nặng nề của Chính phủ và PS đem lại thắng lợi lớn cho FN và đảng này trở thành lực lượng chánh trị thứ ba tại Pháp với sự điều hành 12 thành phố và tham gia sinh hoạt chính trị trong các thành phố có từ 1.000 cư dân trở lên với 1.546 nghị viên thành phố. Đảng này chỉ tham gia tranh cử tại 597 thành phố có từ 1.000 cư dân trở lên (gần 50% các thành phố này có trên 10.000 dân).
Khi kết quả được công bố, Thủ tướng Jean-Marc Ayrault ngỏ lời với đồng bào chấp nhận sự thất bại và giải thích những khó khăn Chính phủ đã gặp phải và đã cố gắng giải quyết. Ông sẽ có quyết định…

III. ẢNH HƯỞNG TỪ KẾT QUẢ TUYỂN CỬ

Quyết định toàn dân qua lá phiếu tín nhiệm, tiến trình truyền thống dân chủ bắt buộc mọi công dân phải chấp hành, dù ai cũng biết kết quả các cuộc tranh cử giữa kỳ thường rất khó cho Chánh phủ tại chức.

A. Thủ tướng từ chức để Tổng thống đề cử Thủ tướng mới.

Trưa thứ hai 31.03.2014, Thủ tướng Jean-Marc Ayrault vào điện Elysée gặp Tổng thống Francois Hollande để hội kiến và đưa đơn từ chức. Tổng thống chấp nhận. Sau đó, từ Điện Matignon, Phủ Thủ tướng loan báo Thủ tướng và Chính phủ từ chức đã xuất nhiệm. Sau đó, ông cùng phu nhân đáp xe hỏa về Nantes và chờ ngày nhận lại nhiệm vụ Dân biểu Quốc hội. Trong chế độ "tam quyền phân lập", nhân viên hành pháp không thể kiêm nhiệm chức vụ lập pháp hay tư pháp để tránh cảnh vừa đá bóng vừa thổi còi.
Đến tối, chiếu kết quả cuộc tuyển cử nghị viên thành phố mà cử tri trừng phạt mình, Tổng thống François Hollande đã ngỏ lời cùng đồng bào qua các hệ thống truyền thông về việc bổ nhiệm ông Manuel Valls, Tổng trưởng Bộ Nội vụ, 51 tuổi, gốc Tây ban nha, từng là Thị trưởng Evry, ngoại ô Paris năm 2001 và Dân biểu Quốc hội, một năm sau đó, vào chức vụ Thủ tướng để thành lập một "Chính phủ chiến đấu và nhất quán" với nhiệm vụ "đem lại sinh lực mới cho kinh tế Pháp". Ông trấn an giới doanh nhân qua "khế ước trách nhiệm" (pacte de responsabilité), giảm phần đóng góp xã hội, đổi lại tăng sức tuyển dụng nhân viên. Đồng thời, ông cũng đề nghị "khế ước liên đới" (pacte de responsabilité) với kế hoạch giảm thuế cho dân từ nay đến 2017.

B. Thành phần chính phủ mới.

Sự bổ nhiệm ông Manuel Valls (có người gọi ông là "Sarkozy tả phái"), chính khách được đồng bào mến mộ nhất hiện nay, vẫn không làm vừa lòng nhiều người như bà Cécile Duflot, đảng Xanh, tổng trưởng xuất nhiệm Bộ Gia cư. Do đó, đảng này không tham chính và đe dọa không bỏ phiếu thuận khi Thủ tướng trình bầy chính sách tổng quát trước Quốc hội ngày 08.04.2014.
Ngày 02.04.2014, chính phủ Manuel Valls với 16 Tổng trưởng (8 ông và 8 bà) được thông báo đến quốc dân. Ngoài Thủ tướng Jean-Marc Ayrault, ba Tổng trưởng khác đã rời nội các. Bên cạnh những vị thay đổi Bộ quản nhiệm và hai vị mới, sự tham chính của bà Ségolène Royal, người bạn đời cũ của ông Hollande với 4 con và đã chia tay sau khi thất cử vòng hai Tổng thống năm 2007 và đã tham gia nhiều lần các nội các. Sự ngạc nhiên nhất dịp này được dành cho bà Christiane Taubira vẫn còn là tổng trưởng Tư pháp.
Thành phần chính phủ mới chưa hoàn tất vì ông Manuel Valls còn phải bổ nhiệm khoảng 12 Bộ trưởng vào thứ tư 09.04.2014.

IV. TIẾN TRÌNH DÂN CHỦ TIẾP TỤC

Dân biểu Claude Bartolone, chủ tịch quốc hội, sáng hôm 02.04.2014, cho biết Thủ tướng Manuel Valls sẽ đọc diễn văn về chánh trị tổng quát (Discours de politique générale) trước Quốc hội vào ngày 08.04.2014 và hứa sự tín nhiệm của Viện cho tân Chánh phủ. Sau đó, quyết định này đã được sự chấp thuận của Hội đồng Tổng trưởng trong phiên họp ngày 04.04.2014.
Đây là một tập tục tốt thời Đệ ngũ Cộng hòa Pháp để Thủ tướng tân cử trình bầy long trọng trước các dân biểu những đường hướng mà Chính phủ sẽ thực thi trong việc điều khiển quốc sự. Vượt hẳn tính cách giới thiệu của diễn văn, Chính phủ, sau đó, còn cần được sự biểu quyết tín nhiệm của Viện Lập pháp này, chiếu Điều 49.1 Hiến pháp.
Nói đến việc biểu quyết thì cần nhớ phải biết có đủ Đa số tuyệt đối hay không. Quốc hội gồm 577 dân biểu, tức đa số tuyệt đối là (577+1)/2 = 288. Nhóm PS hiện có 290, nhưng chỉ có 289 vào tháng sau khi bà Cécile Duflot (tổng trưởng vừa xuất nhiệm, đảng Xanh) nhận lại "ghế" Dân biểu từ tay bà Danièle Hoffman-Rispal, dự khuyết thuộc PS. Tuy nhiên, hiện đang có khoảng 80 Dân biểu xã hội đang dọa không bỏ phiếu thuận cho Thủ tướng Valls nếu ông không đồng ý giảm bớt giúp đỡ cho giới chủ để dành nhiều trợ cấp hơn cho giới nghèo và lao động. Chúng ta nghĩ đó chỉ là những tự "quảng cáo" bằng bênh vực chiếu lệ và mị dân mà thôi.

Trong thực tế, họ phải hiểu rằng chống Thủ tướng Valls có nghĩa là không thuận với Tổng thống Hollande và ông này còn vũ khí chánh trị khác là: Giải tán Quốc hội. Khi đó, họ phải đối mặt với cử tri và, chẳng may, những "chủ" này không đồng ý việc làm của đảng họ trong gần hai năm qua, với lá phiếu, họ tín nhiệm người khác. Nếu điều xấu đến cho tả phái, Quốc hội đổi mầu "xanh thay hồng", đảng UMP cử người ra làm Thủ tướng và Tổng thống ngồi chơi chờ năm 2017 tái ứng cử. Người Pháp mau quên như cố Tổng thống François Mitterand đã thắng Thủ tướng Jacques Chirac năm 1988. Hơn nữa, từ đó tới nay, có Thủ tướng nào tại chức thắng Tổng thống đâu, chưa kể Thủ tướng Lionel Jospin còn bị loại ngay vòng một.
Đặc tính siêu việt của chế độ đa đảng là khi người dân thực sự làm chủ thì họ có thể thay người giỏi vào thay họ điều hành quốc sự và cho kẻ "hồng hơn chuyên" nghỉ. Nghĩ thật thương hại đồng bào chúng ta.