Sống Lời Chúa Hôm Nay
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Năm Tuần 8 TN1, Năm B
Bài đọc: Sir 42:15-25; Mk 10:46-52.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự quí trọng của con mắt.
Trong năm giác quan của con người, con mắt là quan năng cao trọng hơn cả; vì chúng cung cấp cho trí khôn những ảnh niệm để suy luận. Con mắt được dùng để nhìn và để đọc. Con người có thể dùng con mắt để nhìn thấy những kỳ công của Thiên Chúa tạo dựng, hay để đọc những gì hay mà người khác viết về Ngài. Con mắt luôn đi đôi với trí khôn suy luận. Con người có thể suy luận để biết có Thiên Chúa qua tất cả những gì con người nhìn thấy hay đọc được.
Các bài đọc hôm nay tập trung trong sự quan trọng của con mắt. Trong bài đọc I, tác giả Sách Huấn Ca dùng con mắt để chiêm ngưỡng những kỳ công Thiên Chúa tạo dựng, và dùng trí khôn để suy niệm sự quan phòng của Thiên Chúa, trước khi ông có thể tường thuật lại những gì Ngài làm để cho thế hệ tương lai được biết. Trong Phúc Âm, anh mù Bartimê đã cảm nghiệm được sự đau khổ của việc mù lòa, nên khi biết Đức Kitô đi ngang qua, anh nhất định la to lên xin chữa lành, và Ngài đã cho anh nhìn thấy.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Những điều mắt thấy, tôi sẽ kể lại.
1.1/ Sự tạo dựng tuyệt vời của Thiên Chúa: Rất nhiều tác giả của Kinh Thánh đã buộc tội con người khi họ có mắt nhìn mà vẫn không tin Thiên Chúa như tác giả của Thánh Vịnh, Isaiah, Job... Thánh Phaolô cáo buộc những người không tin như sau: "Những gì người ta có thể biết về Thiên Chúa, thì thật là hiển nhiên trước mắt họ, vì chính Thiên Chúa đã cho họ thấy rõ. Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người. Do đó, họ không thể tự bào chữa được, vì tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh hay cảm tạ Người cho phải đạo. Trái lại, đầu óc họ suy luận viển vông và tâm trí ngu si của họ hoá ra mê muội. Họ khoe mình khôn ngoan, nhưng đã trở nên điên rồ" (Rom 1:18-22). Tác giả Sách Huấn Ca bày tỏ niềm tin tương tự: "Tôi sẽ nhắc lại những công trình của Đức Chúa, những điều mắt thấy, tôi sẽ kể lại. Do lời Đức Chúa mà có những công trình của Người."
1.2/ Sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa: Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ cách tuyệt vời như thế, Ngài còn quan phòng mọi sự cách kỳ diệu hơn nữa. Tác giả liệt kê một số những điều quan sát thấy:
(1) Thiên Chúa biết tất cả mọi sự xảy ra trong trời đất, ngay cả những ý nghĩ sâu thẳm trong tâm hồn con người: "Người dò thấu vực thẳm và cõi lòng nhân thế, hiểu rõ toan tính của con người... Không một ý nghĩ nào Người không thấu suốt, chẳng một lời nào là bí ẩn đối với Người."
(2) Thiên Chúa không những biết hiện tại, mà còn thấu suốt mọi dĩ vãng, tương lai: "Người công bố dĩ vãng và tương lai, và mặc khải dấu vết của những điều bí ẩn." Vì đối với Thiên Chúa, mọi sự đều xảy ra trong hiện tại.
(3) Thiên Chúa quan phòng mọi sự cách khôn ngoan: Trong sự quan phòng, Ngài chẳng cần phải thay đổi điều chi cả, và cũng chẳng cần ai làm cố vấn cho Ngài. Thiên Chúa điều khiển mọi sự xảy ra trong vũ trụ, những gì con người có thể thấy hay hiểu và những gì con người không thể thấu hiểu. Tất cả mọi sự đều vâng phục Ngài. Tác giả cho chúng ta hai ví dụ về sự quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa: Thứ nhất, Thiên Chúa dựng nên các sinh vật đều có đôi để truyền sinh, để bổ túc cho nhau, và để giúp nhau tìm được niềm vui. Thứ hai, là sự hòa điệu nhịp nhàng của muôn vật trong vũ trụ: "Vật này làm tôn vẻ đẹp của vật kia, nhìn ngắm vinh quang của Người, ai mà chán được?"
2/ Phúc Âm: "Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được."
2.1/ Niềm tin vững chắc của anh mù Bartimê: Trình thuật Marcô cho ta biết những đức tính của anh.
(1) Anh biết nhu cầu của mình: Mù lòa là sống trong tăm tối, nhìn đâu cũng toàn thấy một màu đen, đi đâu cũng phải có người dắt. Còn gì khổ hơn người suốt đời không nhìn thấy ánh sáng. Vì mù lòa nên anh không thể tự kiếm ăn, anh phải ăn xin vệ đường và chịu mọi người khinh bỉ. Mù lòa thể xác dẫn tới mù lòa trí tuệ và tinh thần, những mù lòa này còn khổ hơn vì phải sống trong sự giả trá sai lạc. Mù lòa thiêng liêng chỉ có thể được soi sáng bằng những sự thật đến từ Thiên Chúa. Chỉ có Ngài mới có thể cất đi mù lòa và soi sáng tâm hồn. Chúa Giêsu từng xác nhận: "Ta là ánh sáng thế gian... Ta là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống." Còn gì khổ hơn người suốt đời không biết sự thật, nhất là sự thật về đích điểm của cuộc đời. Anh biết mình cần được sáng mắt; vì thế khi được Chúa Giêsu hỏi: "Anh muốn Ta làm gì cho anh?" Anh không chút ngần ngại trả lời: "Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được."
(2) Anh biết người nào có thể chữa mình: Bartimê mù chứ không điếc, anh để ý nghe ngóng những gì người ta đồn thổi. Qua sự nghe ngóng, anh tin chỉ có Chúa Giêsu mới có thể chữa anh khỏi mù. Khi cơ hội gặp Chúa Giêsu đến, anh nhất định không chịu bỏ qua.
(3) Anh không để bất cứ một trở ngại nào ngăn cản mình đến với thầy thuốc: Khi Chúa Giêsu đi ngang qua, anh mù gọi Chúa hai lần, lần thứ hai to hơn lần thứ nhất dù đã bị đám đông ngăn cấm. Khi biết Chúa gọi mình, anh tung áo choàng, bỏ tất cả mọi của cải anh có, đứng phắt dậy và chạy đến với Ngài. Người đang sống trong mù lòa đường thiêng liêng cũng cần có thái độ tương tự như anh. Đừng bỏ lỡ cơ hội học hỏi về Chúa, vì biết đâu khi cơ hội đã qua, nó sẽ không bao giờ trở lại nữa.
(4) Anh là người biết ơn và trả ơn Thiên Chúa: Sau khi được chữa lành, anh không bỏ đi như 9 người phong hủi; anh tung tăng đi theo Chúa Giêsu, có lẽ để ca tụng tình thương của Ngài đã dành cho anh cho mọi người được biết.
2.2/ Lòng thương xót của Chúa Giêsu: Thiên Chúa không bao giờ từ chối con cái vững lòng trông cậy nơi Ngài. Chúa Giêsu ban ánh sáng cho người mù vì Ngài nhìn thấy khát vọng được có ánh sáng và niềm tin của anh. Người nói: "Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!" Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.
Thiên Chúa chắc chắn không để những người muốn tìm hiểu về Ngài phải thất vọng. Ngài ban cho mọi người có rất nhiều cơ hội để học hỏi về Ngài và về Đức Kitô, qua việc gởi các sứ giả đến rao giảng Tin Mừng bên ngoài và gởi Thánh Thần làm việc bên trong tâm hồn con người. Ai thành tâm đi tìm Ngài, chắc chắn sẽ được Ngài cho gặp.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Đôi mắt là cửa sổ của linh hồn, chúng ta hãy biết dùng đôi mắt để nhận ra những điều kỳ diệu Thiên Chúa đã làm và tin vào Ngài.
- Người mù phần xác đã khổ, người mù về tâm linh còn khổ hơn. Chúng ta đừng nhìn những gì Thiên Chúa tạo dựng cách thờ ơ, lãnh đạm; nhưng phải biết suy nghĩ để nhận ra Người đã tạo dựng nên chúng và tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Tư Tuần 8 TN1, Năm B
Bài đọc: Sir 36:1, 4-5a, 10-17; Mk 10:32-45.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tình thương vô bờ của Thiên Chúa và tình yêu toan tính của con người.
Chúng ta không thể nào so sánh tình yêu vô biên của Thiên Chúa với tình yêu ích kỷ và hạn hẹp của con người. Thiên Chúa yêu thương và làm mọi sự cho con người hoàn toàn vô vị lợi, vì con người chẳng thêm thắt được cho Thiên Chúa điều gì dù nhỏ mọn. Trái lại, con người nhận được bao nhiêu hồng ân đến từ Thiên Chúa qua các biến cố tạo dựng, quan phòng, và cứu chuộc. Con người cần học hỏi để cảm nghiệm và xác tín vào tình yêu Thiên Chúa, để rồi đừng đòi hỏi bất cứ điều kiện gì nữa từ Thiên Chúa.
Các bài đọc hôm nay giúp chúng ta cảm nhận tình thương Thiên Chúa bằng cách so sánh tình yêu bao la của Thiên Chúa và tình yêu ích kỷ của con người. Trong bài đọc I, tuy Thiên Chúa đã chứng tỏ không biết bao lần tình yêu trung thành và tha thứ cho nhà Israel, họ vẫn có khuynh hướng xin Ngài tiếp tục tái diễn những tình yêu đó, để họ và các dân tộc nhận ra và tin tưởng vào Ngài. Trong Phúc Âm, trong khi Chúa Giêsu tiếp tục cuộc hành trình cuối cùng lên Jerusalem để chịu nộp, chịu đánh đập, và chịu chết trên Thập Giá cho con người; hai môn đệ Giacôbê và Gioan xin cho được ngồi hai bên với Chúa Giêsu trong vương quốc của Ngài. Điều này gây chia rẽ trong hàng ngũ các tông đồ, vì ai cũng muốn được như thế.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Mọi người trên mặt đất sẽ nhìn nhận Ngài là Đức Chúa muôn thuở muôn đời.
1.1/ Phải nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa: Trong lịch sử Cựu Ước, Thiên Chúa đã từng dủ lòng thương đến dân Ngài và đã từng làm cho các dân chung quanh phải kinh hồn sợ hãi uy danh của Ngài. Biến cố Xuất Hành và đưa dân vào Đất Hứa là một ví dụ chứng tỏ tình thương và uy quyền của Thiên Chúa. Qua biến cố này, người Do-thái phải không còn nghi ngờ gì về tình thương và uy quyền của Thiên Chúa. Biến cố Lưu Đày Babylon và cho dân trở về xây dựng lại Đền Thờ và xứ sở là một chứng tích khác cho tình thương tha thứ và uy quyền của Thiên Chúa.
Nhìn lại quá khứ, người Do-thái phải nhận ra tình yêu trung thành của Thiên Chúa. Ngài yêu thương họ với một tình yêu vô bờ bến dù họ chẳng có gì đáng yêu cả. Họ vẫn "xin cho tái diễn những điềm thiêng và lại làm những dấu lạ khác" để các thế hệ được nhận ra tình yêu của Ngài.
1.2/ Xin tình thương Thiên Chúa chảy tràn lan trên muôn người: Dân tộc Do-thái nhớ lại tình thương Thiên Chúa đã dành cho cha ông họ. Họ luyến tiếc thời huy hoàng của triều đại David, khi 12 chi tộc đoàn kết và bờ cõi quốc gia mở mang. Họ nhớ lại cảnh huy hoàng của Đền Thờ Jerusalem và sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa họ. Họ xin cho những điều này trở lại để họ lại được chứng kiến tình yêu Thiên Chúa.
Tuy thế, họ không thể cứ đòi buộc Thiên Chúa phải tỏ tình mãi mãi. Họ phải biết khi Thiên Chúa làm giao ước, Thiên Chúa hoàn toàn tự nguyện và làm vì lòng thương yêu họ; dân tộc Do-thái chẳng làm thêm được gì cho Ngài. Ngược lại, họ ngang nhiên xé bỏ giao ước, để rồi Thiên Chúa lại phải ký kết với họ một giao ước mới hoàn hảo hơn, giao ước này được thực hiện qua Đức Kitô và máu của Ngài. Dân tộc Do-thái và chúng ta chẳng có quyền đòi hỏi gì hơn nữa nơi Thiên Chúa. Ngược lại, chúng ta phải mở mắt để nhận ra những gì Thiên Chúa đã, đang, và sẽ làm, để cảm nghiệm được tình yêu sâu xa Thiên Chúa dành cho chúng ta. Sau đó, chúng ta phải biết đáp trả tình yêu Thiên Chúa bằng cách trung thành giữ các Luật truyền, và rao giảng tình yêu của Thiên Chúa cho mọi người, để họ cũng nhận ra tình yêu Thiên Chúa và tin tưởng nơi Ngài.
2/ Phúc Âm: "Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người."
2.1/ Tình yêu tính toán của các tông đồ: Không giống như Matthew, người đặt lời yêu cầu nơi miệng của người mẹ; Marcô đặt lời thỉnh nguyện vào hai người con ông Zebedee là Giacôbê và Gioan. Họ đến gần Đức Giêsu và nói: "Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang." Chúng ta có thể nhận ra 3 điều từ cuộc đàm thoại của các ông với Chúa Giêsu và với nhau.
(1) Theo Chúa để được làm lớn: Hai ông muốn ngồi chỗ cao nhất, chỉ thua có Đức Kitô. Con người khi yêu thương ai luôn có những tính toán hơn thiệt, chứ ít có những ai muốn "mong ước điều tốt cho người khác" như định nghĩa đúng của tình yêu. Các tông đồ cũng chưa vượt qua tính ích kỷ nhỏ nhen này. Marcô không ngại phơi bày tính xấu của các tông đồ.
(2) Các ông sẵn sàng hy sinh dẫu chưa biết nguy hiểm sẽ xảy đến: Đức Giêsu bảo: "Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?" Các ông đáp: "Thưa được." Đức Giêsu bảo: "Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được." Đây là điểm đáng khen của hai ông, vì có những người chỉ muốn vinh quang chứ không muốn hy sinh gian khổ.
(3) Tham vọng sinh ghen tức: Trình thuật kể: "Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Giacôbê và ông Gioan." Các ông có thể nghĩ: Chỉ có hai chỗ nhất, mà hai anh em dành hết, bọn này sẽ ngồi đâu? Các ông hầu như không để ý một chút gì đến việc chia sẻ với Chúa Giêsu và biến cố trước mặt, mà chỉ để ý đến việc chia chỗ sau khi Chúa Giêsu đã chiến thắng vinh quang.
2.2/ Tình yêu hy hiến của Chúa Giêsu: Đây là lần thứ ba Chúa Giêsu báo trước Cuộc Thương Khó của Ngài, và càng ngày càng chi tiết hơn (x/c Mk 8:31; 9:31; 10:33). Chúng ta có thể nhận ra 3 đặc điểm chính của tình yêu của Chúa Giêsu.
(1) Người lãnh đạo luôn dẫn đầu, chứ được sợ như những môn đệ. Người lãnh đạo phải biết chuẩn bị tinh thần cho các môn đệ và căn dặn những điều cần thiết để các môn đệ biết cách ứng xử.
(2) Chúa dạy các ông bài học quan trọng của tình yêu: phục vụ. Chúa Giêsu chắc chắn cảm thấy buồn khi điều này xảy ra cho Ngài, và Ngài cũng biết nếu cứ để các ông hành xử theo tính con người, những dự tính tương lai của Ngài cho các ông sẽ tan tành mây khói. Vì thế, Ngài phải dạy cho các ông một bài học quan trọng: "Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người."
(3) Chúa Giêsu không chỉ dạy, Ngài làm gương cho các môn đệ. Chúa Giêsu áp dụng lời dạy vào chính Ngài: "Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người." Ngài đang cất bước đi trước, sẵn sàng chấp nhận khổ giá để làm gương cho các tông đồ.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta cần học hỏi để cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa.
- Bổn phận của chúng ta là nhận ra và đáp trả, chứ không thể tiếp tục đòi Thiên Chúa phải bày tỏ tình yêu; cũng đừng bao giờ đòi điều kiện với Ngài trước khi đáp trả.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Ba Tuần 8 TN1, Năm B
Bài đọc: Sir 35:1-12; Mk 10:28-31.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa thưởng công xứng đáng những người rộng lượng cho đi.
Con người thường rất tính toán trong việc đối xử với nhau, họ nghĩ: “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại;” có nghĩa mọi người phải công bằng trong cách xử thế: Nếu tôi mừng cho con anh 100 đồng trong lễ cưới thì anh cũng phải mừng cho con tôi 100 đồng khi nó thành hôn. Nếu con tôi không nhận được đồng nào hay chỉ nhận 50 đồng, mối liên hệ hai bên sẽ có vấn đề.
Các bài đọc hôm nay tập trung trong cách cư xử của con người với Thiên Chúa. Con người cần nhận ra những hồng ân Thiên Chúa đã đổ xuống trên cuộc đời mình, để biết cách đáp trả làm sao cho xứng đáng. Trong bài đọc I, tác giả sách Huấn Ca mô tả những cách thức khác nhau con người có thể làm để trả ơn Thiên Chúa, và thái độ rộng lượng và chân thành con người cần có khi dâng lễ vật. Trong Phúc Âm, thánh Phêrô hỏi thẳng Chúa Giêsu những gì ông sẽ nhận được, sau khi ông đã bỏ tất cả để đi theo làm môn đệ của Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Đức Chúa là Đấng thưởng công, sẽ trả lại cho con gấp bảy lần.
1.1/ Có nhiều cách để dâng lễ vật làm đẹp lòng Thiên Chúa: Tác giả sách Huấn Ca chỉ ra bốn việc con người có thể làm đẹp lòng Thiên Chúa, chứ không phải chỉ việc dâng lễ phẩm:
(1) Nghe và giữ lệnh truyền của Thiên Chúa: “Tuân giữ Lề Luật là làm cho lễ phẩm thêm phong phú. Gắn bó với lệnh truyền là dâng lễ kỳ an.” Thiên Chúa chắc chắn sẽ không nhận lễ vật của những người xúc phạm đến Lề Luật, và Ngài hài lòng vì người biết bước đi trong đường lối Thiên Chúa hơn người dâng nhiều lễ vật mà sống ngoài vòng pháp luật.
(2) Biết cám ơn những gì Thiên Chúa đã làm cho trong cuộc đời: Nhiều người tuy nghèo, nhưng biết nhận ra và cám ơn những hồng ân Thiên Chúa làm, được kể như “dâng bột tinh hảo.”
(3) Giúp đỡ người nghèo: Làm ơn cho tha nhân là làm cho chính Thiên Chúa. Ngài kể “làm việc bố thí là dâng lễ ngợi khen.”
(4) Từ bỏ gian tà, bất công: Khi dâng lễ vật, Thiên Chúa đòi người dâng phải “tay sạch, lòng thanh.” Không có điều kiện này, lễ vật của người dâng sẽ không bao giờ được Thiên Chúa nhận lời. Thiên Chúa kể những người “từ bỏ gian tà thì đẹp lòng Đức Chúa,” và những người “chấm dứt bất công là dâng lễ đền tội.”
1.2/ Thái độ phải có khi dâng lễ vật: Tuy nhiên, cách thông thường nhất người Do-thái hay làm là dâng lễ vật để cám ơn và đền tội. Tác giả sách Huấn Ca mô tả bổn phận và thái độ cần có của người dâng lễ vật.
(1) Bổn phận: “Đừng đến trước nhan Đức Chúa tay không, vì tất cả những gì phải dâng đều do lệnh truyền. Lễ phẩm của người công chính như mỡ đổ trên bàn thờ xông mùi thơm ngào ngạt trước Đấng Tối Cao. Hy lễ của người công chính được chấp nhận, và phần kỷ vật sẽ không bị lãng quên.” Lề Luật mô tả rõ bổn phận của mỗi người phải làm đối với Thiên Chúa: Họ phải dâng toàn bộ của đầu mùa để được Thiên Chúa chúc lành. Tác giả khuyên: “đừng bớt xén của đầu mùa tay con làm ra.” Luật cũng buộc dân phải dâng thuế thập phân, tức là 1/10 các hoa lợi thâu nhập được.
(2) Thái độ: Khi con người dâng lễ vật cho Thiên Chúa, họ phải có thái độ vui vẻ và quảng đại: “Dâng cúng chi, cũng phải giữ nét mặt tươi cười... Với tấm lòng quảng đại, hãy dâng hiến Đấng Tối Cao tuỳ theo những gì Người ban tặng và tuỳ theo khả năng con có.” Trong lịch sử, Thiên Chúa đoái nhận của lễ của Abel hơn của lễ của Cain, vì Abel dâng cho Thiên Chúa với lòng quảng đại và vui vẻ, vì ông biết Thiên Chúa thấu suốt tâm hồn con người.
1.3/ Phần thưởng cho người dâng lễ vật: Thiên Chúa không bao giờ chịu thua lòng quảng đại của con người, Ngài “sẽ trả cho con gấp bảy lần.” Nếu mỗi lần dâng lễ vật, người dâng nhận lại nơi Thiên Chúa gấp bảy lần, tại sao không dâng cho Thiên Chúa mà lại keo kiệt giữ lại cho mình? Điều quan trọng khi dâng lễ vật cho Thiên Chúa là phải có tấm lòng chân thành. Dâng lễ vật là để cám ơn những gì Thiên Chúa đã làm cho mình, chứ không phải dâng như dâng quà hối lộ để được Thiên Chúa nhận lời. Cũng không phải dâng lễ vật để cầu xin Thiên Chúa cho trúng số hay cho thành công trong những thương vụ bất chính.
2/ Phúc Âm: Những ai rộng lượng dâng hiến cho Thiên Chúa sẽ nhận lại gấp trăm.
2.1/ Phần thưởng cho những người từ bỏ mọi sự để theo Chúa: Phêrô là con người rất chân thật, có lẽ Chúa thương chọn ông vì đức tính rất thành thật của ông. Phêrô không e dè khi hỏi Chúa Giêsu, dù mới bị Thầy mắng là Satan: "Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!" Đức Giêsu đáp: "Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.”
Câu trả lời của Chúa Giêsu cần được phân tích cẩn thận:
(1) Nhận được gấp trăm ở đời này: Chúng ta chỉ cần lấy cuộc đời của Phaolô làm ví dụ. Sự trở lại của Phaolô làm gia đình và bạn bè công khai khước từ ông; nhưng ông đã được Thiên Chúa cho nhận lại cả hàng ngàn anh/chị/em tín hữu từ các cộng đoàn ở khắp nơi, trong đó có những môn đệ thân tín mà ông coi như con của mình, có những cộng sự viên đắc lực sẵn sàng đóng góp mọi sự cho việc rao giảng Tin Mừng.
(2) Cùng với sự ngược đãi: Chúa Giêsu không giấu Phêrô những ngược đãi mà ông sẽ phải trả giá cho việc làm môn đệ của Ngài. Ông và Phaolô cũng phải chịu biết bao gian khổ, tù đày, roi đòn, và sau cùng chịu chết để làm chứng cho Đức Kitô. Những sự ngược đãi được coi như phần thưởng, vì nó cung cấp cho các ông cơ hội nhận phúc lành của Thiên Chúa.
(3) Sự sống vĩnh cửu đời sau: Chúa Giêsu muốn nhắc nhở cho Phêrô biết phần thưởng ở đời này cho dù lớn đến đâu chăng nữa, cũng không thể so sánh với sự sống vĩnh cửu mà Ngài sẽ ban cho các môn đệ trung thành ở đời sau.
2.2/ Trong Nước Thiên Chúa, mọi giá trị của thế gian bị đảo ngược. Chúa Giêsu tiếp tục nói với Phêrô: “Quả thật, nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu." Ngài có ý muốn nói với ông: đừng phán xét mình theo tiêu chuẩn của thế gian, cũng đừng phán xét theo những gì mình nghĩ. Phêrô có thể hãnh diện vì sự từ bỏ của ông, và ông có thể nghĩ ông xứng đáng được hưởng những ân thưởng của Chúa. Cách hay nhất của người môn đệ là hãy cố gắng hết sức chu toàn bổn phận Thiên Chúa trao, việc ân thưởng sẽ tới và hoàn toàn tùy thuộc nơi Thiên Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải khôn ngoan nhận ra mọi sự Thiên Chúa đã làm cho chúng ta để biết cách đền đáp cho xứng đáng.
- Chúng ta đừng bao giờ so đo và tính toán với Thiên Chúa, vì Ngài là Cha rất nhân lành. Ngài sẽ ban cho chúng ta gấp trăm lần những gì chúng ta dâng cho Ngài hay giúp đỡ tha nhân.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Hai Tuần 8 TN1, Năm Lẻ
Bài đọc: Sir 17:20-24; Mk 10:17-27.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy làm việc lành phúc đức để giúp đỡ mọi người.
Hầu như niềm tin của tất cả các tôn giáo lớn đều dạy “ở hiền gặp lành và ở ác gặp ác.” Giáo thuyết của Phật Giáo dạy: “Dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc giúp cho một người,” có nghĩa việc giúp cho một người quan trọng hơn là việc xây tháp chín tầng để kính nhớ Phật. Trong Kitô Giáo, Đức Giêsu đã cho chúng ta biết trước tiêu chuẩn Ngài sẽ dùng để phán xét trong Ngày Tận Thế: “việc gì anh em làm cho một trong những kẻ bé mọn nhất là làm cho Ta.”
Các bài đọc hôm nay tập trung trong sự quan trọng của việc làm phúc. Trong bài đọc I, tác giả sách Huấn Ca dẫn chứng cho chúng ta lý do phải làm lành lánh dữ là vì Thiên Chúa nhìn thấy tất cả. Ngài ghi nhớ tất cả những việc lành chúng ta làm và thưởng công xứng đáng. Trong Phúc Âm, khi một người chạy đến hỏi Chúa Giêsu về con đường nên trọn lành, Ngài bảo anh hãy về bán tài sản để giúp đỡ người nghèo, rồi trở lại theo Ngài. Khi làm như thế là anh sắm cho mình một kho tàng trên trời; nhưng anh buồn rầu bỏ đi vì quá tiếc của.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Việc từ thiện ai làm thì tựa như dấu ấn đối với Người.
1.1/ Thiên Chúa nhìn thấy tất cả những gì con người làm: Người Việt-nam chúng ta tin “trời cao có mắt.” Tác giả sách Huấn Ca tin không một điều gì con người làm mà Thiên Chúa không biết: “Những điều bất chính chúng làm không giấu Người được, mọi tội lỗi chúng phạm đều lộ ra trước mặt Đức Chúa. Việc từ thiện ai làm thì tựa như dấu ấn đối với Người, ân đức của người ta, Người giữ mãi như con ngươi trong mắt.” Nếu một người tin Thiên Chúa hay Ông Trời nhìn thấy mọi sự, họ phải cố gắng làm điều lành, tránh điều dữ; nếu không họ sẽ phải trả giá cho những điều bất chính họ làm, vì “ác giả, ác báo.”
1.2/ Thiên Chúa sẽ ân thưởng xứng đáng những ai làm phúc: Truyền thống các tôn giáo lớn đều tin “ở hiền gặp lành.” Cho dù những tôn giáo không tin có cuộc sống đời sau, họ vẫn tin ông Trời sẽ phù hộ cho những ai mạnh tay làm phúc cho người nghèo khổ. Họ sẽ được chúc lành, làm ăn nên, con đàn cháu đống, và sống lâu trăm tuổi. Tác giả sách Huấn Ca cũng dạy sự ban thưởng của Thiên Chúa cho những người giúp kẻ hoạn nạn: “Cuối cùng, Người sẽ đứng lên và ban thưởng, và phần thưởng ấy, Người sẽ đặt trên đầu chúng.” Không những thế, truyền thống Do-thái còn tin ai làm việc lành, sẽ đền bù tội lỗi của mình: “ai sám hối thì Người ban cho ơn trở về, và những kẻ sờn lòng nản chí, Người cũng sẽ ủi an.”
2/ Phúc Âm: Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời.
2.1/ Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp? Bối cảnh quan trọng của cuộc đàm thoại giữa Chúa Giêsu với chàng thanh niên và các môn đệ là “phải làm gì để đạt được cuộc sống đời đời.” Anh thanh niên đã tin có cuộc sống đời đời và anh muốn biết cách làm sao để đạt được cuộc sống này. Sau khi đã hỏi anh về những giới răn quan trọng, nhưng không đòi nhiều cố gắng lắm để vượt qua, Chúa Giêsu đi vào điểm then chốt. Người bảo anh ta: "Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi." Chúa Giêsu đòi anh phải lựa chọn một trong hai: cuộc sống đời đời hay cuộc sống đời này. Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. Anh muốn bắt cá hai tay: được cả đời này và đời sau.
2.2/ Người giàu có khó vào Nước Thiên Chúa. Sau khi người giàu có bỏ đi, Đức Giêsu rảo mắt nhìn chung quanh, rồi nói với các môn đệ: "Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!" Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ. Nhưng Người lại tiếp: "Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa."
Trước tiên, chúng ta cần làm sáng tỏ vấn đề: Chúa Giêsu không kết tội người giàu. Ngài không bảo người giàu có không thể vào Nước Thiên Chúa; nhưng Ngài bảo "những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!" Tại sao giàu có làm cho con người khó vào Nước Thiên Chúa? Chúng ta có thể liệt kê 3 lý do chính sau đây:
(1) Giàu có làm con người quên đi mục đích cuộc đời, để rồi chỉ biết tập trung mọi thời gian và cố gắng để thu quét của cải và hưởng thụ.
(2) Giàu có làm con người chỉ biết đánh giá trị mọi sự trên đồng tiền, và bỏ quên tập luyện những giá trị tinh thần hay vĩnh cửu. Ví dụ, họ chỉ dành thời giờ cho những việc mang lại lợi nhuận vật chất, mà không chịu bỏ thời giờ học Kinh Thánh để biết về Thiên Chúa và những lời dạy dỗ khôn ngoan của Ngài.
(3) Giàu có làm con người kiêu căng, phách lối, và khinh thường người khác. Họ quên đi rằng “Ở đời muôn sự của chung.” Mọi người đều có quyền hưởng của cải Thiên Chúa ban như một phương tiện để sinh sống khi còn ở đời này. Họ không có quyền tích trữ của cải trong khi tha nhân đói khát, chứ chưa nói việc đánh cắp công ơn Thiên Chúa và khinh thường tha nhân.
2.3/ Tại sao các môn đệ sững sờ và sửng sốt? Hai lần trong trình thuật đề cập tới thái độ ngạc nhiên của các môn đệ về những lời giảng dạy của Chúa Giêsu, và các ông hỏi nhau: “Thế thì ai có thể được cứu?”
Lý do các ông ngạc nhiên vì truyền thống Do-thái tin giàu có là dấu hiệu Thiên Chúa chúc phúc cho những người biết kính sợ Thiên Chúa và ăn ở ngay lành, cùng với các ơn lành khác như con đàn cháu đống và sống lâu trăm tuổi. Nếu sự thịnh vượng là dấu hiệu của mối liên hệ tốt đẹp giữa con người với Thiên Chúa, tại sao Chúa Giêsu lại đảo ngược niềm tin truyền thống? Chúa Giêsu chắc chắn không nói tới việc giàu có do Thiên Chúa chúc lành, Ngài muốn nói tới việc con người tự vơ vét làm giàu, mà không cần biết có công bằng hay không. Ngài cũng muốn đề cập đến việc con người không biết quản lý các tài sản mà Thiên Chúa đã trao phó cho họ.
Vì thế, con người sẽ bị Thiên Chúa phán xét về cách thâu nhận tài sản, công bằng hay bất công, và cách tiêu xài của cải, đúng hay không đúng. Vì con người chỉ là quản lý chứ không phải chủ nhân của tài sản, Thiên Chúa là chủ nhân của tài sản. Người càng giàu sẽ bị Thiên Chúa phán xét càng nhiều. Nếu họ không biết cách tiêu xài, sự giàu có sẽ sinh thiệt hại cho họ nhiều hơn làm lợi ích.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta hãy cố gắng làm việc lành nhiều để đền bù tội lỗi của mình, vì đó là cơ hội Thiên Chúa ban và Ngài kể là làm cho chính Ngài.
- Chúng ta cần xác tín vào sự quan phòng của Thiên Chúa, để rồi đừng mặc sức vơ vét của cải cho mình và cho gia đình. Hãy bằng lòng với những gì Thiên Chúa trao ban và học biết cách xử dụng để sinh lời cho Thiên Chúa.
- Hãy biết dành thời giờ để chú trọng vào những giá trị cao hơn vật chất: sự hiểu biết và lòng yêu mến Thiên Chúa, sự sống vĩnh cửu, và việc rao giảng Tin Mừng.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Năm ABC
Bài đọc: Acts 2:1-11; I Cor 12:3-7, 12-13; Jn 20:19-23.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Các hoạt động của Thánh Thần.
Thánh Thần là Thiên Chúa bị bỏ quên. Để trắc nghiệm, chúng ta thử coi mình có nói về Thánh Thần được hơn 5 phút không! Thời đại của chúng ta, thời đại từ khi Chúa Giêsu về trời cho đến Ngày Tận Thế là thời đại của Thánh Thần; thế mà chúng ta lại biết rất ít về Ngài. May mắn cho chúng ta, Giáo Hội dùng ngày hôm nay để giúp chúng ta ôn lại giáo lý về Chúa Thánh Thần.
Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta nhìn thấy các khía cạnh khác nhau của Ngôi Ba Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, Sách CVTĐ tường thuật Thánh Thần hiện xuống và đậu lại trên mỗi Tông-đồ qua hình ảnh của cơn gió mạnh, hình lưỡi lửa, và sự kiện nói tiếng lạ. Trong Bài Đọc II, Thánh Phaolô đề cập đến những công việc của Thánh Thần làm nơi mỗi cá nhân và toàn thể Giáo Hội. Ngài nhấn mạnh đến sự hiệp nhất trong cùng một đức tin, một Phép Rửa, và một tình yêu; vì tất cả đều hoạt động trong cùng một Thánh Thần. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến vai trò của Thánh Thần trong việc sở hữu bình an và quyền tha thứ cho con người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần.
1.1/ Lễ (Ngũ) Tuần: Việt-nam dịch không đúng, lẽ ra phải dịch Lễ Các Tuần hay Lễ Năm Mươi Ngày (Pentecost, 50 ngày, hay 7 tuần). Lễ Các Tuần là một trong 3 lễ trọng thể của người Do-thái, mà tất cả các người nam của họ, sống trong vòng 20 dặm của Jerusalem, phải về Jerusalem để dự lễ. Hai lễ trọng kia là Lễ Vượt Qua và Lễ Lều. Lễ Các Tuần xảy ra đúng 50 ngày sau Lễ Vượt Qua. Lễ Vượt Qua thường xảy ra vào trung tuần tháng Nissan (tháng tư); vì thế, Lễ Các Tuần rơi vào đầu tháng 6. Tháng 6 là tháng du hành vì thời tiết đã tốt đẹp hơn và thuận tiện cho việc đi lại. Đó là lý do tại sao trong trình thuật hôm nay có bao nhiêu sắc dân, những người theo Đạo Do-thái lên Jerusalem để mừng lễ. Lễ Các Tuần kỷ niệm hai biến cố quan trọng:
(1) Lịch sử: Mừng kỷ niệm Thiên Chúa ban Thập Giới cho Moses trên núi Sinai;
(2): Nông nghiệp: Hai ổ bánh làm bằng bột lúa miến được dâng lên Thiên Chúa để cám ơn Ngài đã cho gặt hái được mùa màng. Trong 3 ngày Lễ Trọng, mọi người phải tuân giữ luật ngày Sabbath.
1.2/ Những gì đã xảy ra trong ngày Lễ Các Tuần:
(1) Tiếng gió mạnh: “Khi đến ngày lễ Các Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp.”
+ Từ ngữ: Trong tiếng Do-thái cũng như Hy-lạp, họ chỉ có một danh từ dùng cho cả Thánh Thần lẫn gió: ruah trong tiếng Do-thái, và pneuma trong tiếng Hy-lạp. Vì thế, Thánh Thần được đồng nhất với gió.
+ Thánh Thần là gió, Ngài ban cho con người hơi thở và sự sống: Trong Sách Sáng Thế, khi vũ trụ còn hỗn mang, Thánh Thần của Thiên Chúa bay là là trên mặt nước (Gen 1:2). Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa thổi hơi vào trong lỗ mũi của con người và họ được sống (Gen 2:7), khi Chúa rút hơi thở ra, con người trở về cát bụi (Psa 104:29). Trong cuộc đàm thoại giữa Chúa Giêsu và Nicodemus, Chúa Giêsu ví hoạt động của Thánh Thần trong con người như gió: “Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói: các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thánh Thần sinh ra thì cũng vậy” (Jn 3:7-8).
+ Công dụng của gió: Gió có thể cuốn đi tất cả các rác rưởi và làm cho nơi đó được sạch. Chúng ta cứ nhìn những trận gió bão, sẽ biết sức mạnh của gió: Nó cuốn hết những gì trước mặt và hoàn toàn làm đổi mới nơi nào gió đi qua. Tương tự như thế cho hoạt động của Thánh Thần trong con người: Ngài có thể quét sạch những tật xấu trong con người, nếu chúng ta để cho Ngài hoạt động. Gió cũng có thể làm cho con người cảm thấy mát mẻ, dễ chịu, như cơn gió mùa hè, mùa Xuân. Thánh Thần cũng đem lại sự tươi trẻ cho tâm hồn con người.
(2) Hình lưỡi lửa: “Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một.” Sách Khải Huyền đồng hóa Thánh Thần với lửa (Rev 4:5). Matthew nói tới việc chịu Phép Rửa bởi Thánh Thần và lửa (Mt 3:11, Lk 3:16). Các công dụng của lửa:
+ Lửa dùng cho sự thanh luyện, như lửa dùng để luyện kim như thử vàng (I Pet 1:7). Thánh Thần cũng thanh luyện mọi bất toàn trong con người, và thánh hóa bằng cách làm cho con người trở nên hoàn thiện hơn (I Cor 3:12-15).
+ Lửa cũng dùng để nấu nướng, sưởi ấm, hay kích thích lòng người (Lk 12:49). Ca Tiếp Liên cho chúng ta thấy Thánh Thần có thể sưởi ấm chỗ lạnh lùng trong tâm hồn con người bằng cách ban tình yêu. Thánh Thần giúp tín hữu có lòng nhiệt thành để hăng say rao giảng và làm chứng cho Chúa.
+ Cột Lửa cũng dùng để soi sáng cho dân Israel biết đường đi (Exo 13:21). Thánh Thần soi sáng cho con người nhận ra sự thật, đường đi, và xua tan bóng đêm tội lỗi.
+ Lửa cũng dùng để thiêu rụi và tiêu diệt (Gen 19:24, Rev 8:7). Thị kiến của Moses về lửa cháy mà bụi gai không bị thiêu rụi (Exo 3:2) là hình ảnh của Thánh Thần tạo Ngôi Lời trong lòng Mẹ Maria mà Mẹ vẫn trinh khiết vẹn tuyền (Lk 1:35).
(3) Nói tiếng lạ: “Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho. Lúc đó, tại Jerusalem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. Họ sửng sốt, thán phục và nói: “Những người đang nói đó không phải là người Galilee cả ư? Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta?”
+ Trong tiếng Hy-lạp, danh từ dùng để chỉ cái lưỡi (gnôssa) cũng được dùng để chỉ các ngôn ngữ khác nhau, nhưng chỉ dùng ở số nhiều (gnôssai). Khi dùng danh từ ở số nhiều, nó cũng có ý nghĩa là nói tiếng lạ.
+ Phaolô dành cả một chương 14 để bàn về việc nói tiếng lạ trong Thư I Corintô: Nói tiếng lạ là tiếng con người nói với Chúa khi con người trong trạng thái xuất thần. Để người khác có thể hiểu, cần có người thông dịch; ví dụ, để hiểu một người ngoại quốc nói, chúng ta cần có người thông dịch. Nếu không có người thông dịch, nói tiếng lạ cũng như không. Phaolô cho ơn gọi ngôn sứ cao hơn ơn gọi nói tiếng lạ, vì nó xây dựng Giáo Hội; trong khi người nói tiếng lạ chỉ xây dựng cho chính mình.
+ Biến cố Tháp Babel: là hậu trường để hiểu biến cố hôm nay. Trong biến cố Tháp Babel, Thiên Chúa phân tán con người đi khắp nơi bằng cách cho họ không hiểu ngôn ngữ của nhau. Trong biến cố hôm nay, Thánh Thần qui tụ con người lại bằng cách cho họ hiểu ngôn ngữ của các Tông-đồ đang nói.
+ Nói ngoại ngữ hay nói ngôn ngữ của trái tim? Nhiều tác giả cho các Tông-đồ không thực sự nói tiếng lạ, nhưng nói ngôn ngữ của trái tim. Điều này chỉ là suy đoán theo kiểu của mình rồi áp dụng cho Thiên Chúa. Họ quên đi quyền năng của Thiên Chúa: Nếu Ngài có thể bắt họ nói các thứ tiếng khác nhau để phân tán họ đi, Ngài cũng có thể cho họ nói cùng một ngôn ngữ để hiệp nhất trở lại. Hơn nữa, nói bằng ngôn ngữ của trái tim, làm sao những người ngoại cuộc có thể hiểu được? Biến cố nói tiếng lạ hôm nay là do quyền lực của Thánh Thần. Ngài “phiên dịch” lời các ông nói trong trí óc khán giả, để chỉ một ngôn ngữ các ông nói ra bằng tiếng Aramaic, mọi người đều hiểu theo ngôn ngữ của họ. Họ nói: “chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa.”
2/ Bài đọc II: Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thánh Thần.
2.1/ Công việc của Thánh Thần:
- Hướng dẫn nhận ra sự thật và tất cả mọi sự thật, vì Ngài là Thần Chân Lý. Sự thật trên hết mọi sự thật là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Thánh Phaolô quả quyết: “Chẳng có ai ở trong Thánh Thần của Thiên Chúa mà lại nói: “Giêsu là đồ khốn kiếp!” cũng không ai có thể nói rằng: “Đức Giêsu là Chúa,” nếu người ấy không ở trong Thánh Thần.”
- Thánh Thần ban cho mỗi tín hữu các đặc sủng khác nhau; nhưng tất cả các đặc sủng Thánh Thần ban là cho việc xây dựng Nhiệm Thể Đức Kitô là Giáo Hội: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thánh Thần. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa.” Đặc sủng cao trọng hơn cả mà mọi người cần có là tình yêu Thiên Chúa (I Cor 13).
- Thánh thần hiệp nhất và liên kết tất cả trong cùng một Phép Rửa, một đức tin, và một tình yêu: “Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung. Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu Phép Rửa trong cùng một Thánh Thần để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thánh Thần duy nhất.”
2.2/ Làm sao để nhận ra Thánh Thần từ những thần khí sai lạc của thế gian? Thánh Gioan khuyên các tín hữu: “Anh em thân mến, anh em đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không, vì đã có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian” (I Jn 4:1).
- Thánh Thần và công việc của Ngài được Chúa Giêsu hứa trước, chứ không đột xuất và liên quan tới bất cứ điều gì như nhiều người lầm tưởng. Chúa Giêsu nói rõ ràng với các môn đệ: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Jn 16:13-14). Vì thế, Lời Chúa là thước đo những gì Thánh Thần hướng dẫn.
- Một cách nhận ra công việc của Thánh Thần là xét xem kết quả có đem lại sự thật, yêu thương, và hiệp nhất; hay đưa đến sai lạc, ghen tị, và chia rẽ. Quà tặng khác nhau không tự nhiên mang lại hiệp nhất, nhưng có thể mang lại giận hờn, ghen tị, và chia rẽ trong cộng đoàn.
3/ Phúc Âm: Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.”
3.1/ Thánh Thần và bình an: Thánh Thần làm cho các môn đệ nhận ra tất cả sự thật liên quan tới Đức Kitô và Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa. Các Tông-đồ phải nhận ra tất cả sự thật này trước khi các ông có bình an. Đây mới là sự bình an thật sự, và không một quyền lực nào có thể lấy đi được, vì nó đến từ sự xác tín của niềm tin trong tâm hồn con người.
Trình thuật kể các Tông-đồ sợ sệt phải đóng kín cửa vì sợ người Do-thái; nhưng một khi các ông đã nhìn thấy Chúa toàn thắng tử thần và phục sinh vinh hiển, và được Thánh Thần giúp nhớ lại và hiểu biết những gì Chúa Giêsu đã nói trước, các ông mở tung cửa ra đi loan báo Tin Mừng, và can đảm đối chất với những người Do-thái trong Thượng Hội Đồng để làm chứng cho Chúa. Chúng ta chỉ cần nhìn đời sống các Tông-đồ trước và sau biến cố Phục Sinh, chúng ta nhận ra sức mạnh của Thánh Thần hoạt động nới các Tông-đồ.
3.2/ Thánh Thần và tha thứ: Chúa Giêsu thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” Một sự nhìn lại 4 phần chính của Bí-tích Giải Tội cho chúng ta thấy vai trò của Thánh Thần trong việc tha thứ các tội của con người:
(1) Xét mình: Thánh Thần giúp cho con người nhận ra sự thật: những gì họ đã xúc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân. Nếu không ngang qua bước đầu quan trọng này, con người không thể ăn năn, xám hối: không nhận ra tội của mình, sẽ không cần thú tội. Thánh Phêrô trong Bài Giảng đầu tiên của Ngài cho người Do-thái tại Jerusalem là một ví dụ cho điều này (Acts 2:36-38).
(2) Ăn năn và dốc lòng chừa: Thánh Thần giúp hối nhân tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa: tội của họ có thể được tha thứ nếu họ thành tâm thống hối và thú tội với các Tông-đồ và linh mục, những người đại diện của Thiên Chúa.
(3) Xưng tội: Thánh Thần giúp hối nhân can đảm đến thú tội nơi tòa cáo giải. Trong Lời Xá Giải của linh mục đọc để tha tội, chúng ta nhận thấy rõ vai trò của Thánh Thần trong Bí-tích Xá Giải: “Thiên Chúa là Cha Toàn Năng đã hòa giải với thế gian qua cái chết và sự sống lại của Con Một Ngài, lại ban Thánh Thần để tha tội. Nhờ tác vụ của Giáo Hội, xin Chúa ban cho con ơn tha thứ và bình an. Giờ đây Cha tha tội cho con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.”
(4) Đền tội và sửa chữa các khuyết điểm: Sau khi hối nhân nhận được ơn tha thứ, Thánh Thần giúp họ làm lại cuộc đời bằng việc ban các ân sủng cần thiết để họ làm lại cuộc đời và sống thánh thiện, xứng đáng như những người con cái Thiên Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải luôn ý thức sự hiện diện của Ngài trong tâm hồn, như thánh Phaolô nói: “Thân thể anh em là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần;” và chúng ta phải cầu nguyện thường xuyên với Ngài, nhất là những giờ phút nghi ngờ, do dự, và không biết quyết định làm sao.
- Chúng ta không thể hiểu biết và nhận ra sự thật của Thiên Chúa nếu không nhận được sự hướng dẫn của Thánh Thần. Vì thế, chúng ta phải cầu nguyện với Ngài trên đường đi tìm sự thật.
- Thánh Thần thánh hóa con người bằng cách quét sạch những xấu xa, tội lỗi; và làm đầy tâm hồn bằng sự thật và ân sủng. Ngài cũng giúp chúng ta có sức mạnh và can đảm làm chứng cho Thiên Chúa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
“ANH EM HÃY NHẬN LẤY THÁNH THẦN’’
CHÚA NHẬT LỄ HIỆN XUỐNG NĂM B (24/05/2015)
[Cv 2,1-11; 1 Cr 12,3a-7.12-13); Ga 20,19-23]
I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Đối với các Ki-tô hữu thì việc đón nhận Thánh Thấn của Thiên Chúa là vô cùng quan trọng, vì không ai có thể sống đời sống đức tin cậy mến mà không có Thánh Thần. Vì thế mà lời mời “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” của Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh dành cho các Tông Đồ và tất cả các Ki-tô hữu là lời mời chan chứa ân tình. Có Thánh Thần các Ki-tô hữu mới có thể sống tư cách môn đệ Chúa Ki-tô trong các môi trường gia đình, nghề nghiệp và cộng đồng xã hội của mình. Đã đành mỗi Ki-tô hữu đã đón nhận Thánh Thần ngày người ấy chịu phép Rửa. Nhưng phải nói là mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng…, các Ki-tô hữu cần phải nhận lấy Thánh Thần của Chúa Ki-tô Phục Sinh, để được đổi mới liên tục và làm chứng cho Niềm Tin của mình.
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI SÁCH THÁNH
2.1 Trong bài đọc 1 (Cv 2,1-11): Ai nấy đều được tràn ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng.
1 Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, 2 bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. 3 Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. 4 Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.
5 Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. 6 Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. 7 Họ sửng sốt, thán phục và nói: "Những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ư? 8 Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta? 9 Chúng ta đây, có người là dân Pác-thi-a, Mê-đi, Ê-lam, Mê-xô-pô-ta-mi-a, Giu-đê, Cáp-pa-đô-ki-a, Pon-tô, và A-xi-a, 10 có người là dân Phy-ghi-a, Pam-phy-li-a, Ai-cập, và những vùng Li-by-a giáp giới Ky-rê-nê; nào là những người từ Rô-ma đến đây; 11 nào là người Do-thái cũng như người đạo theo; nào là người đảo Cơ-rê-ta hay người Ả-rập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa! "
2.2 Trong bài đọc 2 (1 Cr 12,3a-7.12-13): Chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể.
3 Thưa anh em, không ai có thể nói rằng: "Đức Giê-su là Chúa", nếu người ấy không ở trong Thần Khí. 4 Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. 5 Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. 6 Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. 7 Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung.
12 Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Ki-tô cũng vậy. 13 Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất.
2.3 Trong bài Tin Mừng (Ga 20,19-23): Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em. Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.
19 Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em! " 20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21 Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ."
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG & SỨ ĐIỆP CỦA CHÚA TRONG BA BÀI SÁCH THÁNH
3.1 Chân Dung của Thiên Chúa:
1°) Bài đọc 1 (Cv 2,1-11) là bài tường thuật của Sách Công vụ Tông Đồ về biến cố xảy ra trong ngày Lễ Ngũ Tuần là một lễ lớn của người Do Thái, một thời gian sau Lễ Vượt Qua. Biến cố được kể lại là sự “hiện xuống” của Thánh Thần Thiên Chúa trên các môn đệ Chúa Giê-su. Chúa Thánh Thần được nhìn thấy giống như những lưỡi lửa. Chúa Thánh Thần đổ xuống trên từng người và tràn ngập tâm hồn họ khiến những người này nói các thứ tiếng không phải ngôn ngữ của mình mà người nghe (bất kể thuộc ngôn ngữ nào) đều hiểu được điều các tông đồ nói.
2°) Bài đọc 2 (1 Cr 12,3a-7.12-13) là một đoạn của thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô trong đó trước hết Thánh Phao-lô Tông đồ khẳng định tầm quan trọng của Chúa Thánh Thần trong đời sống của người Ki-tô hữu; kế đến ngài giảng giải về các đặc sủng phong phú và khác nhau mà Chúa Thánh Thần ban cho bất kỳ tín hữu nào cũng nhằm ích lợi chung của Hội Thánh là Thân Mình mầu nhiệm Chúa Ki-tô; và sau cùng ngài kết luận về tính hiệp nhất của cộng đoàn kẻ tin: “Tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất.”
3°) Bài Tin Mừng (Ga 20,19-23 ) là tường thuật của Thánh Gio-an Tông đồ về lần hiện ra đầu tiên của Chúa Giê-su Phục Sinh với các môn đệ vào chiều ngày thứ nhất trong tuần. Trước hết Chúa Giê-su cho các môn đệ xem tay và cạnh sườn là dấu tích của cuộc Khổ Nạn ba ngày trước đó. Kế tiếp Chúa Giê-su chúc bình an cho các môn đệ và giao cho các ông sứ mạng rao giảng Tin Mừng Cứu Độ mà Người đã nhận từ Thiên Chúa Cha. Và sau cùng Chúa Giê-su ban Thánh Thần và quyền tha tội cho các môn đệ của Ngài.
3.2 Sứ điệp của Lời Chúa:
Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là Thánh Thần của Chúa Giê-su (cũng là Thần Khí của Thiên Chúa) đã được ban cho các tín hữu là môn đệ Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng đã chết và phục sinh. Vậy việc quan trọng nhất là chúng ta hãy nhận lấy Thánh Thần như chính Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh mời gọi: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”
Thánh Thần Thiên Chúa sẽ củng cố và đổi mới niềm tin Ki-tô của mỗi người và sẽ gắn kết mọi người thành một cộng đoàn hiệp nhất. Thánh Thần sẽ ban sức mạnh cần thiết để mọi người thực hiện sứ mạng rao giảng, làm chứng cho Tin Mừng và phục vụ con người như chính Chúa Giê-su Ki-tô đã thực hiện và mời gọi các môn đệ làm theo.
IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA LỜI CHÚA HÔM NAY
4.1 Sống với Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần, Đấng thực hiện mọi công trình tạo dựng, cứu độ và thánh hóa các tín hữu và ban cho họ tràn đầy ân sủng mà làm vinh danh Thiên Chúa và xây dựng Hội Thánh là Cộng đoàn của Chúa Ki-tô Phục Sinh.
4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa hôm nay là chúng ta mở lòng, mở trí, mở linh hồn và cuộc sống của chúng ta để Chúa Thánh Thần ngự vào và tự do hoạt động, bằng hai cách:
(a) Nỗ lực canh tân đời sống, xây dựng sự hiệp thông trong cộng đoàn, dùng những ơn huệ Chúa Thánh Thần đã ban, nhất là những đặc sủng, mà phục vụ Vương Quốc của Thiên Chúa và Hội Thánh.
(b) Thực hiện những gợi ý, soi sáng, thúc đẩy của Chúa Thánh Thần mà chúng ta nhận được, khi chúng ta cầu nguyện, dâng thánh lễ, nghe giảng, đọc Thánh Kinh, tĩnh tâm và tiếp xúc với người nghèo.
V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI & HỘI THÁNH
[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý: ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]
5.1 “Bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp.” Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người trong thế giới hôm nay để họ nhận ra dấu chỉ của Thiên Chúa trong đời sống cá nhân và xã hội mà tin vào Thiên Chúa.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.2 “Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.” Chúng ta hãy cầu nguyện cho các Ki-tô hữu, nhất là cho Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ, để mọi thành phần Dân Chúa được tràn đầy Thánh Thần mà nói Lời Chúa cho những người xung quanh.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.3 “Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.” Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người thuộc giáo xứ chúng ta, nhất là cho những người tham dự Thánh Lễ này, để ai nấy biết mở lòng mở trí nhận lấy Thánh Thần của Chúa Ki-tô Phục Sinh.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.4 “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” Chúng ta hãy cầu nguyện cho các vị lãnh đạo trong Giáo hội cũng như ngoài xã hội, để các vị ấy biết thục thi quyền bính của mình, cách bao dung và nhân ái, mà đem lại sự bình an và hạnh phúc cho mọi người.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Bảy Tuần VII PS
Bài đọc: Acts 28:16-20, 30-31: Jn 21:20-25.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Chúa trong mọi hoàn cảnh.
Mùa Phục Sinh sẽ kết thúc sau ngày hôm nay, để đón mừng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống ngày Chủ Nhật, và sau đó tiếp tục tuần 11 mùa Thường Niên, bắt đầu ngày thứ hai.
Các Bài Đọc hôm nay đều rút ra từ chương cuối cùng của hai Sách: Công Vụ Tông Đồ và Tin Mừng Gioan mà chúng ta đã nghe suốt từ ngày đầu của Mùa Phục Sinh cho tới giờ. Đây là cơ hội thuận tiện để chúng ta nhìn lại hai Sách này và rút ra những điểm thần học chính yếu từ đấy. Mục đích của Sách CVTĐ là tường thuật sự thành hình của Giáo Hội qua sự rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh, bắt đầu từ Jerusalem, đến khắp vùng Judea và Samaria, rồi cho đến tận cùng trái đất (Acts 1:8). Vì mục đích này mà thánh-sử Lucas chấm dứt Sách CVTĐ khi Phaolô đặt chân tới Rôma và bắt đầu rao giảng Tin Mừng trong trình thuật hôm nay. Rôma được coi là trung tâm của thế giới, một khi Tin Mừng đạt tới trung tâm của thế giới là có thể lan ra đến tận cùng trái đất. Trong cuộc hành trình rao giảng Tin Mừng từ Jerusalem đến Roma, niềm tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh đã biến đổi các Tông-đồ và các môn đệ, từ những người nhát đảm sợ sệt thành những người can đảm, lợi khẩu, dám đương đầu với mọi quyền lực, và vượt qua mọi khó khăn để làm chứng cho Tin Mừng. Niềm tin vào Chúa Phục Sinh cũng biến đổi Phaolô, từ một người hăng say bắt đạo đến chỗ thành một người nhiệt thành rao giảng đạo, qua 3 cuộc hành trình đầy khó khăn, cam go, nguy hiểm.
Mục đích của Tin Mừng Gioan là tường trình những biến cố chính và quan trọng liên quan tới Chúa Giêsu, để khơi dậy niềm tin nơi khán giả; và vì niềm tin, họ được hưởng Ơn Cứu Độ. Đoạn kết của Tin Mừng hôm nay nói rõ: "Chính môn đệ này (Gioan) làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực. Còn có nhiều điều khác Đức Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.'' Hai điều thần học quan trọng chúng ta nghe nhắc đi nhắc lại trong suốt Mùa Phục Sinh là tình yêu Thiên Chúa và lời hứa ban Thánh Thần: Để có thể rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Chúa Giêsu, hai điều này không thể thiếu nơi người rao giảng, và được ban cho từ Thiên Chúa, qua Đức Kitô.
Điểm quan trọng của mỗi ngày là Giáo Hội cố gắng sắp xếp song song, giữa những gì Chúa Giêsu nói hay những biến cố liên quan đến Ngài trong Phúc Âm, với những gì các môn đệ nói hay những biến cố liên quan tới các ông, để làm nổi bật một chủ đề hay hoàn thành lời hứa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Phaolô làm chứng cho Chúa Giêsu tại Roma.
1.1/ Phaolô tập họp các tín hữu tại Rôma để cho họ biết tình trạng của ông: Khi tới Rôma, ông Phaolô được phép ở nhà riêng cùng với người lính canh giữ ông. Ba ngày sau, ông mời các thân hào Do-thái đến. Khi họ đã tới đông đủ, ông nói với họ: "Thưa anh em, tôi đây, mặc dầu đã không làm gì chống lại dân ta hay các tục lệ của tổ tiên, tôi đã bị bắt tại Jerusalem và bị nộp vào tay người Rôma."
Giống như trường hợp của Chúa Giêsu, mặc dù quan Philatô không nhận thấy Chúa Giêsu làm điều gì đáng chết cả; nhưng những người Do-thái vẫn muốn xin Philatô cho đóng đinh Chúa vào Thập Giá. Trường hợp của Phaolô cũng thế, Phaolô tâm sự với giáo đoàn Rôma: "Sau khi điều tra, họ muốn thả tôi, vì tôi không có tội gì đáng chết. Nhưng vì người Do-thái chống đối, nên bó buộc tôi phải kháng cáo lên hoàng đế Caesar; tuy vậy không phải là tôi muốn tố cáo dân tộc tôi. Đó là lý do khiến tôi xin được gặp và nói chuyện với anh em, bởi chính vì niềm hy vọng của Israel mà tôi phải mang xiềng xích này."
1.2/ Phaolô tiếp tục rao giảng Tin Mừng trong khi bị giam cầm: "Suốt hai năm tròn, ông Phaolô ở tại nhà ông đã thuê, và tiếp đón tất cả những ai đến với ông. Ông rao giảng Nước Thiên Chúa và dạy về Chúa Giêsu Kitô, một cách rất mạnh dạn, không gặp ngăn trở nào."
Phaolô chứng minh mặc dù ông bị giam cầm, nhưng Lời Chúa không bị xiềng xích. Ông đã có thể loan báo Tin Mừng ngay trong ngục tù cho những lính cai tù thay phiên nhau canh gác ông trong suốt hai năm; tranh luận để thuyết phục những người Do-thái; và viết các Thư Ngục Tù để yên ủi và khích lệ các tín hữu của các cộng đoàn mà ông đã thành lập. Đi tới đâu ông luôn tìm dịp để Lời Chúa được thấm nhập tới đó.
2/ Phúc Âm: Phần anh, hãy theo Thầy!
2.1/ Phêrô muốn biết số phận của người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến: Khi Phêrô quay lại và nhìn thấy người môn đệ Đức Giêsu thương mến đi theo sau (ông này là người đã nghiêng mình vào ngực Đức Giêsu trong bữa ăn tối và hỏi: "Thưa Thầy, ai là kẻ nộp Thầy?"), ông Phêrô nói với Đức Giêsu: "Thưa Thầy, còn anh này thì sao?" Đức Giêsu đáp: "Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh, hãy theo Thầy."
Chúa Giêsu mời gọi các ông luôn nhìn thẳng tới phía trước và cố gắng hoàn thành trọng trách Chúa trao phó; chứ đừng phí thời giờ nhìn chung quanh để so sánh hay ghen tị với người khác. Khi nghe Chúa Giêsu nói thế, các môn đệ đồn thổi giữa các ông là môn đệ ấy sẽ không chết. Nhưng Đức Giêsu đã không nói với ông Phêrô là: "Anh ấy sẽ không chết," mà chỉ nói: "Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh?"
2.2/ Người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến làm chứng cho Chúa Giêsu: Có nhiều giả thuyết về "người môn đệ Chúa Giêsu thương mến:" Có người cho là tác giả của Sách Tin Mừng không muốn chỉ rõ là ai, nhưng để độc giả có thể đặt tên mình vào đó; nhưng đa số đều cho đó là Gioan. Nhất là theo trình thuật hôm nay, khi Phêrô nói rõ là người môn đệ đã ngả đầu vào ngực Chúa trong Bữa Tiệc Ly.
Mục đích Chúa Giêsu chọn các Tông-đồ và các môn đệ là cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Chúa Giêsu. Có nhiều cách làm chứng khác nhau, nhưng Gioan làm chứng cho Chúa Giêsu bằng cách viết sách Tin Mừng để làm chứng cho những gì Chúa đã nói và làm. Tác giả xác tín: "Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực. Còn có nhiều điều khác Đức Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh phải là bổn phận quan trọng hàng đầu của những người môn đệ Chúa. Bao lâu Tin Mừng chưa được rao giảng cho đến tận cùng trái đất, chúng ta chưa làm tròn bổn phận Chúa trao.
- Phải tìm dịp rao giảng Tin Mừng mọi nơi, mọi lúc, và trong mọi hoàn cảnh: khi thuận tiện cũng như lúc bất tiện. May mắn hơn Phaolô và các môn đệ thuở ban đầu, với kỹ thuật hiện đại, chúng ta có thể ngồi nhà và rao truyền Tin Mừng cho mọi người qua mạng internet.
- Sống trong tình yêu Thiên Chúa và theo sự hướng dẫn của Thánh Thần là hai điều kiện không thể thiếu để việc rao giảng Tin Mừng được bền bỉ và có kết quả tốt đẹp.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Sáu Tuần VII PS
Bài đọc: Acts 25:13-21: Jn 21:15-19.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Người môn đệ phải lãnh trách nhiệm coi sóc và hy sinh cho đoàn chiên.
Trong cuộc đời, chúng ta rất dễ tìm người lãnh đạo ngoài xã hội, vì ai cũng mong có địa vị, uy quyền, và các lợi lộc vật chất; nhưng không dễ tìm người lãnh đạo trong Giáo Hội, vì chẳng những không có lợi lộc vật chất, mà còn đòi phải chịu phê bình, bắt bớ, tù đày, và ngay cả phải hy sinh đến tính mạng. Vì thế, chẳng lạ gì mà càng ngày càng thiếu những người tình nguyện hy sinh cuộc đời làm mục tử để lãnh đạo Dân Chúa, nhất là trong những quốc gia phát triển, nơi mà sự thành công được đo lường trên địa vị và lương bổng. Điều gì đã thúc đẩy các mục tử trong Giáo Hội sẵn sàng hy sinh quên mình, để chăm sóc cho đoàn chiên của Thiên Chúa?
Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta thấy những mẫu gương và lý do của việc hy sinh phục vụ. Trong Bài Đọc I, Phaolô bị các người Do-thái trong Thượng Hội Đồng bắt nộp cho Thống-đốc Rôma, vì niềm tin vào Đức Kitô và sự loan truyền đạo lý của Ngài. Những nhà cầm quyền Rôma không dám tha cho Phaolô, dù không tìm thấy nơi ông tội gì đáng chết, vì họ sợ người Do-thái. Phaolô kháng cáo lên hoàng đế Caesar vì ông có quốc tịch Rôma. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu hỏi Phêrô ba lần: "Anh có yêu mến Thầy không?" trước khi trao cho ông nhiệm vụ chăm sóc đoàn chiên của Ngài. Nếu không có tình yêu dành cho Chúa Giêsu, Phêrô không bao giờ có thể hy sinh nghề nghiệp để chăm sóc đoàn chiên, nhất là phải chịu tù đày và hy sinh mạng sống.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Phaolô được chuyển đi Rôma để được xét xử bởi Hoàng-đế Caesar.
1.1/ Các nguyên cáo đã không đưa ra một tội trạng nào như tôi tưởng: Khi vua Agrippa trị vì lãnh thổ của Galilee và Perea, và Bernice, chị em với bà Drussila, vợ của Felix, tới Judea thăm Festus, là Thống-đốc của Judea, Festus biết Agrippa có kiến thức sâu rộng về Đạo Do-thái và truyền thống, nên đã đề nghị ông có cuộc nói chuyện về trường hợp của Phaolô. Ông nói với Agrippa: "Ở đây có một người tù do ông Felix để lại. Khi tôi tới Jerusalem, các thượng tế và các kỳ mục Do-thái đến kiện và xin tôi kết án người ấy. Tôi đã trả lời họ rằng người Rôma không có lệ nộp bị cáo nào, trước khi đương sự ra đối chất với nguyên cáo, và được cơ hội biện hộ về lời tố cáo. Vậy họ cùng đến đây với tôi, và không chút trì hoãn, ngày hôm sau tôi ra ngồi toà và truyền điệu đương sự đến. Đứng quanh đương sự, các nguyên cáo đã không đưa ra một tội trạng nào như tôi tưởng."
1.2/ Tranh luận về tôn giáo: Giống như trong trường hợp của Chúa Giêsu, Philatô không tìm được một lý do chính trị hay luật pháp nào để buộc tội Chúa. Người Do-thái phải họp nhau để lập mưu và tìm một lý do chính trị "Chúa Giêsu xưng mình là Vua! Ai xưng mình là Vua, kẻ ấy chống lại Caesar!" Với lý do đó, Philatô sợ và trao Chúa Giêsu cho họ mang đi đóng đinh. Trong trường hợp của Phaolô, Festus nói: "Họ chỉ tranh luận với ông ta về một số vấn đề liên quan đến tôn giáo riêng của họ, và liên quan đến một ông Giêsu nào đó đã chết, mà Phaolô quả quyết là vẫn sống. Phần tôi, phân vân trước cuộc tranh luận về những chuyện ấy, tôi hỏi xem ông ta có muốn đi Jerusalem để được xử tại đó về vụ này không. Nhưng Phaolô đã kháng cáo, xin dành vụ này cho Thánh Thượng xét xử, nên tôi đã ra lệnh giữ ông ta lại cho đến khi giải lên hoàng đế." Phaolô rất khôn ngoan, vì ông biết nếu họ xử ông ở Jerusalem, ông chắc chắn sẽ bị buộc tội và bị chết.
2/ Phúc Âm: Hãy chăm sóc chiên của Thầy.
2.1/ Chúa Giêsu trao cho Phêrô nhiệm vụ chăm sóc đoàn chiên của Ngài: Trình thuật hôm nay nằm trong chương cuối cùng của Tin Mừng Gioan. Nhiều học giả Kinh Thánh cho chương 21 không phải chính Gioan viết, nhưng là do các môn đệ của ông thêm vào; nhưng có rất nhiều điểm Gioan đã trình bày trong các chương trước được nêu bật trong chương này:
(1) Sự quan trọng của tình yêu: Trong các chương 13-16, Chúa Giêsu đã đề cập rất nhiều với các môn đệ về việc liên hệ giữa tình yêu và giữ các giới răn: Nếu anh em yêu mến Thầy, hãy giữ các giới răn của Thầy; và giới răn quan trọng nhất trong Tin Mừng Gioan là giới luật yêu thương. Trong trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu hỏi Phêrô đến 3 lần: "Này anh Simon, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?" Điều này làm chúng la liên tưởng ngay đến 3 lần Phêrô đã chối Chúa Giêsu trong Cuộc Thương Khó của Ngài.
(2) Phải có tình yêu của Thiên Chúa trước khi có thể phục vụ tha nhân: Bắt đầu chương 13, khi Chúa Giêsu biết đã sắp đến giờ Ngài phải về với Chúa Cha; và để tỏ tình yêu thương cho các môn đệ, Ngài đã hạ mình làm công việc của người đầy tớ phục vụ chủ: Ngài rửa chân cho các ông! Sau khi rửa chân, Ngài đã nói với các môn đệ đang sững sờ ngạc nhiên về hành động của Ngài: " Anh em gọi Thầy là "Thầy," là "Chúa," điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau" (Jn 13:13-14).
Chúa Giêsu phải hỏi Phêrô tới 3 lần trước khi trao cho ông nhiệm vụ chăn dắt các chiên con và chiên mẹ của Ngài. Chúa Giêsu muốn nhắc nhở cho Phêrô biết phải có tình yêu Chúa ông mới có thể hoàn tất sứ vụ Ngài trao; vì đó là sứ vụ rất khó khăn và đòi nhiều hy sinh và kiên nhẫn. Đó cũng là sứ vụ rất dễ bị nản chí và bỏ cuộc, vì không được đền bù bằng địa vị và lương bổng.
2.2/ Phải sẵn sàng hy sinh tính mạng vì đòan chiên: Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu cũng dạy dỗ các môn đệ: "Không có tình yêu nào cao quí cho bằng tình của người sẵn sàng hy sinh tính mạng cho người mình yêu." Chúa Giêsu không chỉ dạy như một điều lý tưởng; nhưng Ngài đi tiên phong vác Thập Giá và chết cho các ông và con người, để khuyến khích các ông cũng phải làm như vậy cho nhau và cho đoàn chiên Chúa như người Mục Tử Tốt Lành. Trong trình thuật hôm nay, Ngài nói với Phêrô: "Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn." Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: "Hãy theo Thầy!"
Noi gương Thầy Chí Thánh, Phêrô can đảm từ bỏ mọi sự: gia đình, nghề nghiệp, danh vọng, để lãnh trách nhiệm coi sóc đoàn chiên Chúa là Giáo Hội, trong giai đoạn đầu cực kỳ khó khăn; và trong khi về già, ông sẵn sàng chịu chết vì Danh Chúa. Chỉ có một điều khác với Chúa Giêsu là ông xin cho được chịu đóng đinh ngược, vì ông cảm thấy mình không xứng đáng để chịu đóng đinh như Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Lãnh đạo các tín hữu trong Giáo Hội rất khác với lề lối lãnh đạo dân chúng ngoài xã hội. Chúa Giêsu đòi hỏi người mục tử phải thấm nhuần tình yêu Thiên Chúa, và lãnh đạo bằng tình yêu và phục vụ; chứ không bằng quyền hành và ra lệnh.
- Vì yêu Thiên Chúa, người mục tử được trao phó đoàn chiên để săn sóc, bảo vệ, và yêu thương. Để hoàn tất sứ vụ, người mục tử nhiều khi phải hy sinh đến tính mạng của mình.
- Người mục tử sẽ không được đền bù theo kiểu của thế gian: địa vị, quyền hành, và lợi nhuận vật chất; nhưng ông sẽ tìm được niềm vui và yêu thương nơi Thiên Chúa, vì đã được đáp trả tình yêu của Ngài dành cho ông.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Năm Tuần VII PS
Bài đọc: Acts 22:30, 23:6-11: Jn 17:20-26.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chia rẽ và hiệp nhất
Hiệp nhất là điều ao ước của con người cho gia đình, cộng đoàn, Giáo Hội, và toàn thế giới. Nhưng sự hiệp nhất hệ tại điều gì? Có phải là cùng chung một màu da hay nói cùng một ngôn ngữ? Nếu hiệp nhất chỉ cần như thế, thì đã không có những cuộc nội chiến tương tàn như chiến tranh Nam-Bắc tại Việt Nam! Có phải là mang cùng một tên gọi? Nếu thế, đã không có quá nhiều giáo phái giữa các Kitô hữu! Hay tin vào cùng một Chúa? Cả ba tôn giáo độc thần: Do-thái, Kitô Giáo, và Hồi Giáo đều tin vào một Chúa mà vẫn không hiệp nhất với nhau! Các Đức Giáo Hoàng sau này đã kêu gọi và cổ võ cho sự hiệp nhất bằng cách chú trọng nhiều đến điểm tương đồng giữa các tôn giáo, để cùng nhau làm việc và làm cho mọi người nhận biết Thiên Chúa.
Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta thấy sự hiệp nhất hòan hảo phải đặt căn bản trên sự thật và yêu thương quí trọng nhau. Trong Bài Đọc I, Phaolô tuy là người rao giảng về hiệp nhất về nền học thần học thân thể, đã nói những lời gây ra cuộc ẩu đả dữ dội giữa hai phái Pharisees và Saduccees. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chú trọng đến việc làm theo thánh ý Thiên Chúa và yêu thương. Đây là hai điều căn bản xây dựng sự hiệp nhất.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chính vì hy vọng rằng kẻ chết sẽ sống lại mà tôi bị đưa ra xét xử.
1.1/ Phaolô gây chia rẽ giữa những người Pharisees và Saduccees trong THĐ:
(1) Sự sống lại: Phaolô rất tinh ý. Ông biết cả hai giáo phái đều chống ông về niềm tin vào Đức Kitô, nên ông không đề cập trực tiếp đến Đức Kitô; nhưng ông đề cập đến sự sống lại mà hai giáo phái khác biệt nhau, nên ông nói lớn tiếng giữa hội nghị: "Thưa anh em, tôi là người Pharisee, thuộc giòng dõi Pharisees; chính vì hy vọng rằng kẻ chết sẽ sống lại mà tôi bị đưa ra xét xử."
(2) Hậu quả của những gì Phaolô nói: Ông vừa nói thế, thì người Pharisees và người Saduccees chống đối nhau, khiến hội nghị chia rẽ. Thật vậy, người Saduccees chủ trương rằng chẳng có sự sống lại, chẳng có thiên sứ hay quỷ thần; còn người Pharisees thì lại tin là có.
Người ta la lối om sòm. Có mấy kinh sư thuộc phái Pharisees đứng lên phản đối mạnh mẽ: "Chúng tôi không thấy người này có gì là xấu. Biết đâu một vị thần hay một thiên sứ đã nói với ông ấy?" Hai bên chống đối gay gắt đến nỗi vị chỉ huy sợ người ta xé xác ông Phaolô, nên mới ra lệnh cho lính xuống lôi ông ra khỏi đám người đó mà đưa về đồn.
1.2/ Niềm tin của Phaolô vào sự sống lại: Một người có thể trách Phaolô đã gây chia rẽ trong THĐ, và đã không là sứ giả mang hòa bình tới cho mọi người; nhưng Phaolô hoàn toàn có lý khi làm như thế vì những lý do sau:
+ Hiệp nhất lý tưởng là hiệp nhất trong sự thật; chứ không hiệp nhất trong sự gian dối. Những người trong THĐ đã không theo hướng dẫn của Lề Luật khi xét xử Chúa Giêsu, Phêrô, Phaolô, và các môn đệ của Ngài. Một THĐ gồm những người như thế, con người không buộc phải tuân theo, như Phêrô và Gioan đã từng nói: "Chúng tôi phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người đời." Phaolô không nói điều gì gian dối, nhưng hoàn toàn đúng theo sự thật: Ông tin có sự sống lại, và chính vì điều này mà ông vào tin Đức Kitô, khi Ngài hiện ra khuyến cáo ông trên đường ngã ngựa tại Damascus. Sự sống lại là nền tảng chính yếu cho đức tin của Kitô Giáo, đến nỗi Phaolô đã phải nói mạnh: "Nếu Đức Kitô không sống lại, niềm tin của chúng ta sẽ ra vô ích."
+ Hiệp nhất đòi con người phải công bằng: Người Kitô hữu không phải ngây thơ đến độ "cứ đưa má cho người ta vả;" nhưng có lúc họ phải chất vấn những người bắt nạt, như Chúa Giêsu đã chất vấn viên sĩ quan của Thượng Tế, khi hắn vả mặt Ngài: "Nếu Ta nói sai, hãy chứng minh; nếu ta nói phải, sao ngươi đánh Ta" (Jn 18:22)?
+ Hiệp nhất đòi người môn đệ phải khôn ngoan: Phaolô biết cách phân tán lực lượng của kẻ thù; đồng thời ông cũng biết cách đặt vấn đề cho con người phải suy nghĩ. Chính Chúa Giêsu cũng hài lòng về những gì ông làm, khi "đêm ấy Chúa đến bên ông Phaolô và nói: "Hãy vững lòng! Con đã long trọng làm chứng cho Thầy ở Jerusalem thế nào, thì con cũng phải làm chứng như vậy tại Rôma nữa.""
2/ Phúc Âm: Để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha.
2.1/ Mô hình lý tưởng của sư hiệp nhất: Sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi Thiên Chúa.
+ Hiệp nhất trong sự thật: mọi người cùng chung một niềm tin vào Đức Kitô. Đây là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho hết mọi người, trong đó có chúng ta, những người đã tin vào Ngài: "Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con." Trong lời cầu nguyện này, chúng ta thấy biểu lộ một niềm tin không lay chuyển của Chúa Giêsu vào Thiên Chúa và vào con người, cho dẫu Ngài đã thấy trước sự phản bội của các môn đệ trong Cuộc Thương Khó. Ngài tin các môn đệ, sau khi đã trải qua sóng gió, sẽ nhận ra sự thật, sẽ tin và làm chứng cho Ngài.
+ Hiệp nhất trong tình yêu: mọi người cùng chung một tình yêu đến từ Thiên Chúa. Chúa Giêsu biết rõ hai điều căn bản cho sự hiệp nhất là sự thật và tình yêu, nên Ngài cầu xin với Chúa Cha: "Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con." Tình yêu phải là đồng phục của hiệp nhất: các tín hữu có thể khác biệt về những điều khác, nhưng phải cùng một tình yêu, như Chúa đã nhấn mạnh: "Người ta cứ dấu này, mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau" (Jn 13:35).
2.2/ Vinh quang của Chúa Cha ban cho Chúa Giêsu: Tình yêu đòi hỏi sự hiệp nhất với nhau trong mọi nơi và mọi lúc, khi vinh quang cũng như lúc gian khổ. Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha liên kết Ngài với các môn đệ luôn: "Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành." Vinh quang Thiên Chúa đã ban cho Chúa Giêsu là những điều gì?
(1) Thập Giá là vinh quang của Chúa Giêsu: Theo Gioan, khi chịu treo trên Thập Giá là lúc Chúa Giêsu được vinh quang. Thiên Chúa cũng được vinh quang vì Kế Hoạch Cứu Độ của Ngài hoàn tất. Con người cũng được vinh quang vì từ nay con người không ở dưới ách của tử thần nữa. Vì thế, khi các môn đệ chịu đựng đau khổ vì Chúa Giêsu, họ mang lại vinh quang cho chính họ và cho Thiên Chúa.
(2) Hoàn toàn vâng lời làm theo thánh ý Thiên Chúa là vinh quang của Chúa Giêsu: Trong giờ phút hấp hối ở Vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu đã cầu nguyện để làm theo thánh ý Thiên Chúa. Vì thế, vượt qua mọi gian khổ để chu toàn thánh ý Thiên Chúa, làm Chúa Giêsu được vinh quang.
(3) Làm cho các môn đệ nhận biết Chúa là vinh quang: "Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa."
Khi các môn đệ làm cho mọi người nhận biết Thiên Chúa, họ làm cho Danh Chúa được cả sáng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Để có hiệp nhất trong gia đình và cộng đoàn, chúng ta cần biết sống theo sự thật và yêu thương nhau bằng tình yêu Thiên Chúa.
- Mỗi con người đều có ý kiến khác nhau. Điều làm cho con người liên kết với nhau là cùng làm theo ý Thiên Chúa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Tư Tuần VII PS
Bài đọc: Acts 20:28-38: Jn 17:11-19.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Nỗi quan tâm của mục tử khi phải rời bỏ đoàn chiên của mình.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã từng phân biệt người mục tử tốt lành khác với người chăn chiên. Các Bài Đọc hôm nay đi xa hơn, khi nói lên mối quan tâm của những người mục tử tốt lành lo lắng cho đoàn chiên khi ông phải xa cách đoàn chiên mình. Người mục tử tốt lành không những lo chăm sóc, dạy dỗ, và bảo vệ đoàn chiên khi còn sống; mà còn kiếm người bảo vệ và săn sóc chiên khi biết mình sắp qua đời. Người chăn chiên có tốt lắm cũng chỉ săn sóc và bảo vệ chiên khi còn sống, ông không quan tâm đến đoàn chiên khi phải từ giã cuộc đời.
Trong Bài Đọc I, Thánh Phaolô giao đoàn chiên mình cho những kỳ mục tại Ephesô. Ngài muốn họ hãy chăm sóc đòan chiên một cách vui vẻ và vô vị lợi, bảo vệ họ khỏi những nanh vuốt của quỉ dữ và của thế gian. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cầu nguyện và đặt đoàn chiên dưới sự che chở của Chúa Cha. Ngài cầu xin Chúa cha thánh hiến các môn đệ của Ngài trong sự thật, và gìn giữ họ khỏi thế gian và ác thần.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Lời căn dặn của Phaolô cho các kỳ mục tại Ephesus trước khi về Jerusalem.
1.1/ Họ phải ý thức bổn phận cao quí và quan trọng của họ: Đó là họ phải bảo vệ món quà vô giá là đức tin của họ và của đoàn chiên. Phaolô khuyên nhủ họ: "Anh em hãy ân cần lo cho chính mình và toàn thể đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt anh em làm người coi sóc, hãy chăn dắt Hội Thánh của Thiên Chúa, Hội Thánh Người đã mua bằng máu của chính mình." Để bảo vệ đức tin, Phaolô nêu bật hai điều quan trọng hơn cả:
(1) Họ phải bảo vệ sự thật giữa bao điều giả trá: Phaolô biết rõ tầm quan trọng của việc biết sự thật, và sự nguy hiểm của bao điều giả trá, từ kinh nghiệm mục vụ của mình. Ông cảnh giác giới lãnh đạo: "Phần tôi, tôi biết rằng khi tôi đi rồi, thì sẽ có những sói dữ đột nhập vào anh em, chúng không tha đoàn chiên. Ngay từ giữa hàng ngũ anh em sẽ xuất hiện những người giảng dạy những điều sai lạc, hòng lôi cuốn các môn đệ theo chúng." Đoàn chiên còn ngây thơ, non dại; chúng chưa biết tất cả sự thật. Vì thế, bổn phận của các mục tử là không ngừng dạy dỗ đòan chiên để chúng biết nhận ra sự thật giữa bao sự gian xảo.
(2) Họ phải canh thức và khuyên nhủ: Các con chiên không luôn nghe tiếng chủ: có con ham chơi rồi đi lạc, có con cứng đầu chống lại cần phải sửa phạt; nhưng người mục tử tốt lành không bao giờ bỏ rơi bất cứ con nào. Vì thế, việc chăm sóc đòan chiên đòi người mục tử phải để ý tới từng cá nhân khi có thể, như Phaolô trưng dẫn kinh nghiệm của mình: "Vì vậy anh em phải canh thức, và nhớ rằng, suốt ba năm, ngày đêm tôi đã không ngừng khuyên bảo mỗi người trong anh em, lắm khi phải rơi lệ."
1.2/ Những điều quan trọng khác:
(1) Sức mạnh của Lời Chúa: Nhận ra sự khẩn thiết của việc biết sự thật như đã nêu trên, Phaolô chỉ cho họ biết kho tàng khôn ngoan của Lời Chúa: "Giờ đây, tôi xin phó thác anh em cho Thiên Chúa và cho lời ân sủng của Người, lời có sức xây dựng và ban cho anh em được hưởng phần gia tài cùng với tất cả những người đã được thánh hiến." Lãnh đạo khôn ngoan cần đặt căn bản trên Lời Chúa, và xây dựng trên niềm tin vào Thiên Chúa.
(2) Phần thưởng của người mục tử không dựa trên những lợi lộc vật chất: Khác với những nhà lãnh đạo thế gian, họ quan tâm đến địa vị, uy quyền, và những lợi lộc vật chất; người lãnh đạo dân Chúa phải biết hy sinh cách vô vị lợi, và cố gắng sinh sống bằng bàn tay của mình, như Phaolô đã làm: "Vàng bạc hay quần áo của bất cứ ai, tôi đã chẳng ham. Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp." Dĩ nhiên, đó là điều lý tưởng; nhưng như Chúa Giêsu dạy và Phaolô nói sau này: "thợ làm vườn đáng được trả công." Hơn nữa, việc khai mở và nuôi dưỡng đức tin phải được ưu tiên hơn việc kiếm kế sinh sống.
(3) Hãy lo lắng cho những người yếu kém: "Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giêsu đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận." Trong đoàn chiên, sức mạnh và khả năng của mỗi con chiên khác nhau; người mục tử cần chú ý hơn đến những con chiên yếu ớt, bệnh tật.
Khi đã khuyên bảo xong, ông Phaolô cùng với tất cả các anh em quỳ gối xuống cầu nguyện. Ai nấy oà lên khóc và ôm cổ ông mà hôn. Họ đau đớn nhất vì lời ông vừa nói là họ sẽ không còn thấy mặt ông nữa. Rồi họ tiễn ông xuống tàu.
2/ Phúc Âm: Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật.
2.1/ Chúa Giêsu biết sự nguy hiểm cho các môn đệ khi sống trong thế gian.
Chúa Giêsu biết đã đến giờ Ngài phải bỏ thế gian, nên Ngài tâm sự với Chúa Cha: "Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian; phần con, con đến cùng Cha." Giờ Chúa Giêsu phải rời bỏ các môn đệ, cũng là giờ mà các ông phải đương đầu với quyền lực của thế gian một mình. Ngài biết hậu quả sẽ nghiêm trọng chừng nào, như Ngài đã từng nói với các môn đệ: "Họ sẽ tiêu diệt chủ chăn và đoàn chiên sẽ tan tác." Nhìn lại kết quả việc chăn chiên của mình, Chúa Giêsu hãnh diện nói với Chúa Cha: "Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh."
Thế gian sẽ ghét bỏ và truy tố các môn đệ như họ sắp ghét bỏ và truy tố Chúa Giêsu. Lý do là vì cả Chúa Giêsu và các môn đệ không thuộc về thế gian. Ngài muốn cho các ông biết rõ điều này; để các ông không ngạc nhiên khi điều đó xảy đến.
2.2/ Chúa Giêsu cầu xin cho các môn đệ: Biết những nguy hiểm sẽ xảy đến cho các môn đệ như thế, Ngài cầu xin Chúa Cha ban cho các ông những điều quan trọng sau:
(1) Xin Chúa Cha bảo vệ các môn đệ khỏi ác thần: "Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian." Chúa Giêsu không xin "cất các môn đệ khỏi thế gian;" nhưng Ngài xin "gìn giữ họ khỏi ác thần." Các ông phải ở lại thế gian để tiếp tục sứ vụ rao giảng của Ngài.
(2) Xin Chúa Cha thánh hiến các môn đệ trong sự thật: Giống như Phaolô, Chúa Giêsu biết nguy hiểm của sự sai lạc: "Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật." Sự thật đây là Lời Kinh Thánh và những lời tâm huyết Chúa Giêsu vừa dạy dỗ họ. Ngài biết mọi hành động sai bắt đầu từ sự hiểu biết sai; vì thế, hiểu biết sự thật là điều không thể thiếu cho các môn đệ của Chúa.
Cả hai điều cầu xin này đều được Chúa Cha ban cho các môn đệ qua việc ban Thánh Thần. Ngài là thần sự thật, Ngài sẽ giúp các ông nhận ra sự thật và sẽ hướng dẫn các ông tới tất cả sự thật. Ngài cũng là người bảo vệ và giúp các ông có sức mạnh làm chứng nhân cho Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Mỗi người chúng ta đều được kêu gọi để trở thành mục tử nhân lành: hoặc một số người con như bậc làm cha mẹ, hoặc một số đông như bậc linh mục, giám mục. Chúng ta phải lo cho đoàn chiên không chỉ lúc còn sống, mà còn cả khi chúng ta phải rời bỏ họ.
- Người mục tử nhân lành phải xây dựng đời mình trên đức tin và Lời Chúa. Họ phải làm hết cách sao cho đoàn chiên có một đức tin vững mạnh và hiểu biết Lời Chúa cách sâu xa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- 19/5 Nhìn lại công cuộc rao giảng Tin Mừng
- 18/5 Ngôn ngữ xử dụng trong việc rao giảng Tin Mừng
- 17/5 Chúa Giêsu lên trời.
- 17/5 Loan báo tin mừng cho người thời nay
- 16/5 Cùng nhau hoạt động để mang Ơn Cứu Độ cho mọi người
- 15/5 Cần phải trung thành trong mọi hoàn cảnh
- 14/5 Thiên Chúa là Đấng chọn, yêu thương, dạy dỗ, và sai các Tông-đồ đi
- 13/5 Con người có khả năng nhận biết Thiên Chúa và các hoạt động của Ngài
- 12/5 Hiệu quả của đức tin
- 11/5 Vinh quang và đau khổ cần thiết cho cuộc đời