Dân Chúa Âu Châu

Chúa Nhật III Phục Sinh, Năm B

Bài đọc: Acts 3:13-15, 17-19; I Jn 2:1-5; Lk 24:35-48.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đức Kitô sống lại nằm trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa.

Đức Giêsu Kitô có sống lại thật không? Câu trả lời cho câu hỏi này rất quan trọng, vì nó sẽ xác định niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa và vào cuộc sống đời sau. Thánh Phaolô xác quyết: Nếu Đức Kitô không sống lại, niềm tin của chúng ta sẽ ra vô ích. Làm sao để biết Đức Kitô có sống lại thật không? Sự kiện tìm thấy ngôi mộ trống với các khăn niệm để lại không đủ bằng chứng để một người tin Chúa đã sống lại, vì người khác có thể đánh cắp xác Chúa và phao tin đồn thất thiệt như người Do-thái và ngay cả các môn đệ của Chúa Giêsu đã nghi ngờ. Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta 3 bằng chứng hùng hồn về việc Chúa sống lại.

(1) Trong Phúc Âm, thánh-sử Lucas tường thuật việc Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ với lời mời gọi hãy rờ vào thi thể của Ngài, và với việc ăn khúc cá nướng trước mắt các ông, để chứng tỏ Ngài đã sống lại thật. Bên cạnh lần hiện ra hôm nay, các thánh-sử đã tường thuật việc Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ nhiều lần: với Mary Magdala, với các phụ nữ trên đường về từ mộ, với hai môn đệ trên đường Emmaus, với 10 Tông-đồ không có Thomas, với 11 Tông-đồ có cả Thomas, với các Tông-đồ đi đánh cá; tổng cộng tất cả có ít nhất là 7 lần Chúa đã hiện ra.

(2) Trong Bài Đọc I cũng như trong Phúc Âm, các Tông-đồ cũng như Chúa Giêsu nhắc nhở cho độc giả biết: hãy đọc lại những lời Kinh Thánh và những gì Ngài đã dạy dỗ và báo trước, để biết chính Kinh Thánh đã làm chứng cho Chúa; chẳng hạn: Đấng Thiên Sai sinh ra từ giòng dõi David, tại Bethlehem (Mic 5:4). Thánh Thần Chúa xức dầu tấn phong và sai Ngài đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, chữa lành những người bệnh, phóng thích kẻ bị giam cầm (Isa 61:1). Đấng Thiên Sai phải chịu nhiều đau khổ để gánh tội cho con người (4 Bài ca về Người Tôi Trung của Isaiah). Đấng Thiên Sai sẽ phải chịu chết và ngày thứ ba Người sẽ sống lại (Hos 6:2). Thiên Chúa không “đành bỏ mặc con trong cõi âm ty, không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ” (Psa 16:10).

(3) Trong Bài Đọc I và II, các Tông-đồ và các tín hữu đã can đảm làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh. Các ngài đã nhân danh Đức Kitô rao giảng Tin Mừng và chữa lành bệnh, cuộc sống huynh đệ bỏ mọi sự làm của chung của các cộng đoàn tiên khởi, sự phát triển và vững bền của Giáo Hội hơn 2,000 năm qua với hàng triệu thánh nhân đã làm chứng cho Chúa, mỗi năm cả hàng trăm ngàn các anh chị em tân tòng gia nhập đạo.

Với 3 bằng chứng tổng quát và hàng triệu các nhân chứng, việc Chúa sống lại là điều chắc chắn đã xảy ra, và niềm tin của chúng ta sẽ được cùng sống lại với Ngài được đặt trên một nền tảng vững vàng, chắc chắn hơn xây nhà trên đá.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Đức Kitô đã chết và sống lại nằm trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa.

1.1/ Lầm lỡ của kiếp người: Đã là con người, không ai không phán đoán sai lầm và làm những điều tội lỗi. Thánh Phêrô nhắc lại tội của những người trong Thượng Hội Đồng và của toàn dân Do-thái đã làm trong Cuộc Thương Khó của Đức Kitô: “Thiên Chúa của các tổ phụ Abraham, Isaac và Jacob, Thiên Chúa của cha ông chúng ta, đã tôn vinh Tôi Trung của Người là Đức Giêsu, Đấng mà chính anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt quan Philatô, dù quan ấy xét là phải tha. Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công Chính, mà lại xin ân xá cho một tên sát nhân. Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết: về điều này, chúng tôi xin làm chứng.”

1.2/ Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa: Theo Kế Hoạch này, Đức Kitô phải chịu đau khổ (Isa 52:13-53:12), chết, và sống lại (Hos 6:1-2); để gánh tội cho con người (Jn 1:29) và bảo đảm cho họ sẽ được sống đời đời (Isa 49:6, Jn 6:39-40). Vì thế, thánh Phêrô quả quyết việc người Do-thái lầm lỗi kết tội Con Thiên Chúa nằm trong Kế Hoạch của Thiên Chúa: "Thưa anh em, giờ đây tôi biết anh em đã hành động vì không hiểu biết, cũng như các thủ lãnh của anh em. Nhưng, như vậy là Thiên Chúa đã thực hiện những điều Người dùng miệng tất cả các ngôn sứ mà báo trước, đó là: Đấng Kitô của Người phải chịu khổ hình.” Điều quan trọng không hệ tại ở chỗ lầm lỡ kết tội; nhưng ở chỗ biết nhận ra tội của mình, như Phêrô kêu gọi dân chúng: “Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xoá bỏ tội lỗi cho anh em.”

2/ Bài đọc II: Đức Kitô đã chết và sống lại để xóa bỏ tội lỗi và làm cho con người khỏi chết.

2.1/ Đức Kitô là của lễ đền bù tội của nhân loại: Tiếp tục ý tưởng của thánh Phêrô trong Bài Đọc I, thánh Gioan cũng khuyên các môn đệ của Ngài về sự hiện hữu của tội, và nhu cầu cần phải ăn năn sám hối mỗi khi lầm lỡ để được tha tội: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của tôi, tôi viết cho anh em những điều này, để anh em đừng phạm tội. Nhưng nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha: đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng Công Chính.

Chính Đức Giêsu Kitô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa.” Vì có Đức Kitô sẵn sàng tha thứ tội, con người không còn làm nô lệ cho tội và cho sự chết nữa; nếu họ biết ăn năn thú tội mỗi khi lầm lỡ.

2.2/ Yêu mến Thiên Chúa là giữ cẩn thận các giới răn của Ngài: Theo thánh Gioan, yêu Thiên Chúa không phải chỉ bằng lời nói, nhưng phải biểu tỏ qua hành động như Chúa Giêsu cũng đã từng dạy dỗ các môn đệ của Ngài: “Căn cứ vào điều này, chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa: là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người. Ai nói rằng mình biết Người mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy. Còn hễ ai giữ lời Người dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo. Căn cứ vào đó, chúng ta biết được mình đang ở trong Thiên Chúa.” Dĩ nhiên, thánh Gioan không phủ nhận sự yếu đuối và sa ngã của con người; tuy nhiên, con người phải cố gắng sống những gì Chúa dạy. Nếu con người sa ngã vì yếu đuối, Chúa Giêsu sẵn sàng tha tội cho họ qua Bí-tích Giải Tội.

3/ Phúc Âm: Chúa thân hành hiện ra và Kinh Thánh là hai bằng chứng của Mầu Nhiệm PS.

3.1/ Chúa Giêsu hiện ra với các Tông-đồ: Thánh-sử Lucas chú trọng đến những chi tiết về thi thể của Chúa Giêsu Phục Sinh trong trình thuật hôm nay.

(1) Chúa Phục Sinh có hình dạng để con người nhận ra: Khi một người nhìn thấy người chết hiện về, cảm tưởng của họ chắc cũng giống như các môn đệ trong trình thuật hôm nay: Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. Tuy nhiên, như trong trình thuật của 2 môn đệ trên đường Emmaus, Chúa Giêsu phải có một hình dạng con người để các môn đệ có thể nhận ra và có tay để bẻ bánh.

(2) Chúa Phục Sinh có thân xác để mọi người có thể sờ vào: Thấy các ông còn nghi ngờ Người là ma, Người mời gọi các ông sờ vào Người: "Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ sờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?" Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem.

(3) Chúa Phục Sinh có thể ăn uống như một con người: Thấy các ông còn đang ngỡ ngàng, Người quyết định tiến xa hơn: "Ở đây anh em có gì ăn không?" Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông. Ma quỉ không thể ăn như Chúa Giêsu ăn trước mắt các môn đệ, vì chúng không có thi thể của con người.

3.2/ Giải thích Lời Kinh Thánh cho các Tông-đồ:Rồi Người bảo các ông: "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Moses, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm." Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh. Theo truyền thống Do-thái, Kinh Thánh bao gồm cả 3 phần: Sách Luật, Sách Ngôn-sứ, và các Thánh Vịnh. Cả ba đều làm chứng Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai của Thiên Chúa.

(1) Lời Kinh Thánh được ứng nghiệm: Trong 4 Tin Mừng cũng như Sách CVTĐ, rất nhiều lần nói tới việc: “như lời các ngôn sứ loan báo,” hay “để lời Kinh Thánh nên trọn.” Trong giới hạn của Bài Giảng, chúng tôi chỉ nêu lên một ví dụ cụ thể cho mỗi phần của Kinh Thánh:

- Sách Luật: (Jn 6:45) dẫn chứng (Deut 18:15): “Từ giữa anh em, trong số các anh em của anh em, Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi để giúp anh em; anh em hãy nghe vị ấy.”

- Sách Ngôn-sứ: (Mt 8:17 và 12:18) lặp lại (Isa 42:1-4, 49:1-6, 50:4-9, 52:13-53:12) về Người Tôi Trung chịu đau khổ. (Mt 12:40) lặp lại (Hos 6:2 và Jon 2:1): “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại.” (Mt 21:5) dẫn chứng Zech 9:9 về một vị vua khiêm nhường: “Nào thiếu nữ Sion, hãy vui mừng hoan hỷ! Hỡi thiếu nữ Jerusalem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ.”

- Thánh Vịnh: (Mk 12:10) dẫn chứng (TV 118:22): “Các ông chưa đọc câu Kinh Thánh này sao? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường.” (Jn 10:35) dẫn chứng (TV 82:6 và Exo 7:1): “Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị huỷ bỏ.” (Jn 13:18) dẫn chứng (TV 41:10) về sự phản bội của Judah: “Thầy không nói về tất cả anh em đâu. Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con.”

(2) Nhiệm vụ của các Tông-đồ: Sau khi đã củng cố niềm tin của các ông bằng việc hiện ra và cắt nghĩa Kinh Thánh, người truyền cho các ông “Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Jerusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta không bao giờ được để báo chí, dư luận, và cám dỗ thế gian, làm lung lay niềm tin của chúng ta vào sự Phục Sinh của Đức Kitô và vào sự sống đời sau; vì chúng ta đã có quá nhiều bằng chứng và nhân chứng về niềm tin này.

- Khi chúng ta đã tin vào sự sống lại của Đức Kitô, chúng ta cũng phải tin vào những gì Ngài dạy dỗ: sự hiện diện của tội lỗi và nhu cầu được tha thứ, con đường đau khổ là con đường của những người môn đệ Chúa, và phải giữ các giới răn của Ngài.

- Chúng ta phải tin tưởng và năng đọc toàn bộ Kinh Thánh, không được bỏ một phần hay một Sách nào cả, vì toàn bộ Kinh Thánh liên quan đến Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa. Kế Hoạch này được Đức Kitô thi hành đến chỗ toàn hảo.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP