Sống Lời Chúa Hôm Nay
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Năm Tuần IV PS
Bài đọc: Acts 13:13-25; Jn 13:16-21.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa hoàn tất mọi ý định và lời hứa của Ngài.
Có một sự khác biệt giữa ý định và lời Thiên Chúa hứa với ý định và lời hứa của con người. Những gì Thiên Chúa muốn, Ngài sẽ hòan thành; không một ai có thể cản trở ý định của Ngài. Những gì Thiên Chúa hứa, Ngài sẽ ban; vì Ngài có uy quyền làm mọi sự. Những gì con người muốn luôn thay đổi, và những gì con người hứa ít khi được hoàn thành vì con người giới hạn và không đủ uy quyền để hoàn thành lời hứa. Nhìn lại lịch sử được ghi chép trong Kinh Thánh, con người phải ngạc nhiên và phải tin vững vàng vào Thiên Chúa, vì tất cả những gì Thiên Chúa đã muốn và hứa đều được làm trọn đến từng chi tiết. Khi những biến cố xảy ra trong hiện tại, con người nghĩ họ đang thực hiện ý định của họ; nhưng thực ra, họ chỉ đang làm theo ý Thiên Chúa đã muốn.
Các Bài Đọc hôm nay muốn nói lên sức mạnh và sự trung thành của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, Phaolô dùng lịch sử để chứng minh cho khán giả biết Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa: Ngài hòan thành hai lời hứa với Abraham sẽ ban cho ông con cháu và Đất Hứa. Ngài hoàn thành lời hứa sẽ ban cho Israel một Đấng Cứu Độ xuất thân từ giòng dõi vua David. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tiên báo một người trong các Tông-đồ, là người cùng ăn uống với Chúa, sẽ "giơ gót đạp Chúa" như lời TV 41:9 tuyên bố; điều này được ứng nghiệm qua sự phản bội của Judah. Chúa Giêsu tiên đoán các Tông-đồ sẽ cùng chịu chung số phận bị bắt và giết chết như Chúa. Lời tiên đoán này cũng được làm trọn qua sự tử đạo của các Tông-đồ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa đã thực hiện những gì Ngài hứa với tổ-phụ Abraham và vua David.
Ngày Sabbath, hai ông Phaolô và Barnabas vào hội đường ngồi tham dự. Sau phần đọc sách Luật và sách Các Ngôn Sứ, các trưởng hội đường cho người đến nói với hai ông: "Thưa anh em, nếu anh em muốn khuyên nhủ dân điều gì, xin cứ nói. Ông Phaolô đứng dậy, giơ tay xin mọi người lưu ý, rồi nói:
1.1/ Thiên Chúa làm trọn lời hứa với Abraham: Vì Abraham luôn vâng lời Thiên Chúa trong mọi sự, nên Ngài hứa với ông hai điều:
(1) Ban cho ông con đàn cháu đống (Gen 17:7): Mục đích của Phaolô là muốn khán giả nhìn lại lịch sử để xem lời Thiên Chúa hứa được hoàn thành thế nào: "Thiên Chúa của dân Israel đã chọn cha ông chúng ta, đã làm cho dân này thành một dân lớn trong thời họ cư ngụ ở đất Ai-cập (Deut 4:37, 10:15), và đã giơ cánh tay mạnh mẽ của Người mà đem họ ra khỏi đó. Và trong thời gian chừng bốn mươi năm, Người đã nuôi dưỡng họ trong sa mạc (Deut 4:34, 5:15, 9:26, 29, Exo 6:1-6, 12:42). Tất cả những điều này đã được ghi chép cẩn thận trong Lề Luật của họ.
(2) Ban cho ông Đất Hứa (Gen 17:8): Sau 40 năm thanh luyện trong sa mạc, Thiên Chúa dùng Joshua để đưa dân vào Đất Hứa: " Rồi Người đã tiêu diệt bảy dân tộc ở đất Canaan và ban đất của chúng cho họ làm gia sản: tất cả đã xảy ra trong khoảng bốn trăm năm mươi năm (Exo 16:35, Num 14:33ff, Deut 1:31). Sau đó, Người ban cho họ các vị thủ lãnh cho đến thời ngôn sứ Samuel."
1.2/ Thiên Chúa làm trọn lời hứa với David: Sau thời của Joshua, Thiên Chúa ban cho Israel các vị Thủ Lãnh để lãnh đạo dân chúng; nhưng khi Israel thấy các dân tộc khác có vua, họ đòi tiên tri Samuel cho họ cũng có vua cai trị họ.
(1) Israel có vua cai trị: "Rồi họ đòi có vua, Thiên Chúa ban cho họ ông Saul, con ông Kish thuộc chi tộc Benjamin, trị vì bốn mươi năm. Sau khi truất phế vua Saul, Người đã cho ông David xuất hiện làm vua cai trị họ. Người đã làm chứng về ông rằng: Ta đã tìm được David, con của Jesse, một người đẹp lòng Ta và sẽ thi hành mọi ý muốn của Ta. Từ dòng dõi vua này, theo lời hứa, Thiên Chúa đã đưa đến cho Israel một Đấng Cứu Độ là Đức Giêsu (2 Sam 7:12, 22:51).
(2) Gioan Tẩy Giả làm chứng cho Chúa Giêsu: Lời hứa ban Đấng Cứu Độ được thực hiện khi để dọn đường cho Đức Giêsu, ông Gioan đã rao giảng kêu gọi toàn dân Israel chịu phép rửa tỏ lòng sám hối (Mt 3:11). Khi ông sắp hoàn thành sứ mệnh và được tra vấn bởi các kinh sư và luật sĩ nếu ông là Đấng Thiên sai, ông Gioan đã tuyên bố: "Tôi không phải là Đấng mà anh em tưởng đâu, nhưng kìa Đấng ấy đến sau tôi, và tôi không đáng cởi dép cho Người" (Jn 1:20, 27, Mc 1:7f). Khi ông nhìn thấy Chúa Giêsu đi ngang, ông chỉ vào Ngài và nói với các môn đệ: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian." (Jn 1:29).
2/ Phúc Âm: Thầy nói với anh em điều đó ngay từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, anh em tin là Thầy Hằng Hữu.
2.1/ Nếu người ta đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em: Cuộc Thương Khó đã gần kề, Chúa Giêsu biết trước những gì sẽ xảy ra cho Ngài và những gì sẽ xảy ra cho các môn đệ; nên Ngài muốn chuẩn bị tâm hồn cho các ông. Ngài nói với các ông: "Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi." Chúa Giêsu muốn các tông-đồ biết trước điều đó và biết cách đối phó khi điều ấy xảy đến. Trong Cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Giêsu, tất cả những gì Chúa đã tiên báo đều ứng nghiệm đến từng chi tiết. Trong Sách CVTĐ, chúng ta đã nghe tường thuật đầy đủ tất cả những bắt bớ, tù đày, roi đòn, và tử đạo của các môn đệ Chúa.
2.2/ Chúa Giêsu tuyên bố về sự phản bội của Judah: Chúa Giêsu dẫn chứng lời TV 41:9 "Thầy không nói về tất cả anh em đâu. Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con." Ngài muốn nói với các ông ngay cả việc bị một người trong số các ông phản bội, Judah, không phải là chuyện tình cờ, nhưng đã được xếp đặt và báo trước bởi Thiên Chúa. Sở dĩ Ngài nói với các ông điều đó ngay từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, các ông tin là "Ngài Hằng Hữu." Biệt hiệu này chỉ dành cho Thiên Chúa mà thôi vì Ngài luôn hiện hữu.
Chúa nói trước về sứ vụ tương lai của các Tông-đồ; các ông là sứ giả mang Tin Mừng của Ngài. Ai đón tiếp sứ giả loan Tin Mừng là đón tiếp Đức Kitô và Thiên Chúa, vì Thiên Chúa sai Đức Kitô, và Đức Kitô sai các sứ giả. Điều cần là các sứ giả phải loan báo những gì Đức Kitô muốn nói cho dân chúng. Bổn phận của dân chúng là phải nhận ra ai là sứ giả thật từ những sứ giả mạo danh.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Tất cả mọi biến cố xảy ra trong cuộc đời là do ý định và sự quan phòng của Thiên Chúa. Điều gì Thiên Chúa muốn, Ngài sẽ làm cho thành tựu; điều gì Thiên Chúa hứa, Ngài sẽ ban.
- Con người chúng ta chỉ thi hành những gì Thiên Chúa muốn; không một ai có thể chống lại ý định hay vô hiệu hóa lời hứa của Thiên Chúa.
- Hạnh phúc của chúng ta là cố gắng tìm ra và vui vẻ làm điều Thiên Chúa muốn. Dĩ nhiên, chúng ta có thể làm ngược lại; nhưng có ích lợi gì đâu!
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Tư Tuần IV PS
Bài đọc: Acts 12:24-13:5; Jn 12:44-50.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sẵn sàng vâng lời Thiên Chúa.
Có rất nhiều khác biệt giữa lời của Thiên Chúa và lời của con người: Lời của Thiên Chúa khôn ngoan tuyệt đỉnh, không thay đổi, và mang lại sự sống cả đời này và đời sau; trong khi lời của con người không thể khôn ngoan bằng Lời Chúa, thay đổi, chưa chắc đã mang lại sự sống đời này, và không thể mang sự sống đời sau.
Các Bài Đọc hôm nay dạy con người phải biết vâng lời Thiên Chúa qua sự thúc đẩy của Thánh Thần và thực thi những gì Chúa Giêsu nói. Trong Bài Đọc I, tuy Hội Thánh Antioch mới lập, nhưng họ sẵn sàng theo sự hướng dẫn của Thánh Thần, hy sinh Barnabas, Phaolô, và Gioan Marcô, để các ông lên đường rao giảng Tin Mừng đến các nơi chưa được nghe. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tuyên bố: Ngài chỉ nói những gì Ngài nghe được nơi Thiên Chúa. Vì thế, tuân giữ Lời Ngài là tuân giữ Lời Thiên Chúa; nếu không, những Lời này sẽ trở nên quan tòa xét xử con người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hội Thánh tại Antioch vâng lời Thiên Chúa.
1.1/ Lời Chúa tiếp tục lan tràn và phát triển đến mọi nơi: Đây là mục đích trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa nên Ngài tạo mọi cơ hội cho các sứ giả loan báo Tin Mừng. Vài ví dụ cho chúng ta thấy điều này: Phải có cuộc bách hại tại Jerusalem sau khi Stephanô chịu tử đạo, các môn đệ Chúa mới chịu tản mác đi các nơi và rao giảng Tin Mừng; trong khi các Tông-đồ ở lại Jerusalem để củng cố Hội Thánh Trung Ương. Phó-tế Philip xuống Samaria và rao giảng Tin Mừng cho dân ở đây. Ông cũng gieo hạt giống cho dân Ethiopia khi rao giảng Tin Mừng và làm Phép Rửa cho viên Thái Giám. Ngài làm cho Saul, kẻ nhiệt thành bắt bớ đạo thánh, được trở lại; và giờ đây sẵn sàng để nhiệt thành rao giảng Tin Mừng như tường thuật hôm nay. Nơi nào Tin Mừng được rao giảng, Thiên Chúa cũng ban cho có các ngôn sứ và thầy dạy, như trong Hội Thánh tại Antioch, có các ông Barnabas, Simeon biệt hiệu là Đen, Lucius người Cyrene, Manaen, bạn thời thơ ấu của tiểu vương Herode, và Phaolô.
1.2/ Giáo đoàn tại Antioch sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần.
- Sứ vụ riêng cho Phaolô và Barnabas: Một hôm, đang khi họ làm việc thờ phượng Chúa và ăn chay, thì Thánh Thần phán bảo: "Hãy dành riêng Barnaba và Phaolô cho Ta, để lo công việc Ta đã kêu gọi hai người ấy làm." Đây là lệnh truyền không dễ làm cho Hội Thánh tại Antioch, vì hai ông là hai cột trụ của cộng đoàn và Hội Thánh địa phương còn non nớt. Theo sự suy nghĩ loài người: nếu mất hai ông, cộng đoàn sẽ suy xụp và không phát triển được. Nhưng họ quyết định không sống theo sự suy nghĩ của con người; nhưng theo niềm tin vào Thiên Chúa và sự hướng dẫn của Thánh Thần: "Bấy giờ họ ăn chay cầu nguyện, rồi đặt tay trên hai ông và tiễn đi."
- Đây là bài học quí giá cho mọi tín hữu: Phải hy sinh cho việc rao giảng Tin Mừng sao cho mỗi ngày một lan rộng, chứ không ích kỷ giữ người cho mình. Hơn nữa, khi nhà lãnh đạo đương nhiệm ra đi, Thiên Chúa sẽ gởi người khác tới, và mọi người trong Hội Thánh địa phương sẽ ý thức được vai trò của mình và cộng tác đắc lực hơn.
- Phaolô, Barnabas, và Gioan Marcô bắt đầu thành các cộng đoàn mới: "Vậy, được Thánh Thần sai đi, hai ông xuống Seleucia, rồi từ đó đáp tàu đi đảo Cyprius. Đến Salamis, hai ông loan báo lời Thiên Chúa trong các hội đường người Do-thái. Có ông Gioan giúp hai ông."
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu vâng lời Chúa Cha.
2.1/ Con người phải tin và vâng lời Chúa Giêsu: Đức Giê-su lớn tiếng nói rằng:
- "Ai tin vào tôi, thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi." Người được sai đi có đầy đủ chức vị và thẩm quyền như Đấng sai đi. Vì thế, tin vào sứ giả là tin vào người sai sứ giả; từ chối sứ giả là từ chối người sai sứ giả.
- "Ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi." Đây là lời mặc khải mới lạ. Đối với con người, Người sai đi và sứ giả là hai chủ thể riêng biệt. Đối với Thiên Chúa, Người sai đi (Chúa Cha) và Người được sai đi (Chúa Con) là một; vì cả hai đều là Thiên Chúa, nhưng làm các việc khác nhau. Điều này cũng được Chúa Giêsu xác tín, khi Philip yêu cầu: "Xin Thầy chỉ cho chúng con thấy Cha, thế là chúng con mãn nguyện rồi." Chúa Giêsu trả lời: "Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philíp, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: "Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha!" Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình" (Jn 14:9-10).
- "Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối." Ánh sáng và bóng tối là hai điều trái nghịch nhau: khi có ánh sáng thì không có bóng tối; và ngược lại. Người tin vào Đức Kitô không thể ở trong bóng tối, vì Đức Kitô là ánh sáng. Điều này không có ý nói, người nào đã tin Đức Kitô là sẽ không còn bóng tối trong mình; nhưng nếu người tin Ngài chịu để cho ánh sáng của Ngài soi dẫn vào mọi ngóc ngách trong tâm hồn, họ sẽ chỉ còn là ánh sáng.
- "Ai nghe những lời tôi nói mà không tuân giữ, thì không phải chính tôi xét xử người ấy, vì tôi đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian." Câu này lặp lại những gì Chúa Giêsu đã nói trong Jn 3:16-21. Chương 12 của Gioan là chương cuối cùng của cuộc đời công khai rao giảng của Đức Kitô, vì từ chương 13 tới 21 dành cho các môn đệ và Cuộc Thương khó của Ngài. Vì thế, chương 12 tóm gọn những đạo lý chính của Chúa Giêsu.
- "Ai từ chối tôi và không đón nhận lời tôi, thì có quan toà xét xử người ấy - chính lời tôi đã nói sẽ là quan tòa xét xử người ấy trong ngày sau hết." Theo Jn 3:18, con người xét xử chính mình khi không tin vào Đức Kitô. Với những người không có cơ hội gặp Chúa Giêsu và những người thuộc các thế hệ sau như chúng ta, Lời Chúa trở thành quan tòa xét xử cho những ai không chịu tin vào Lời Ngài.
2.2/ Chúa Giêsu vâng lời Chúa Cha: "Thật vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì." Người được sai đi phải nói những gì người sai đi muốn nói; nếu không, họ sẽ không còn là sứ giả hay ngôn sứ của người đã sai họ đi.
Tuy nhiên, sự vâng lời của Chúa Giêsu không có tính cách nô lệ hay mù quáng, vì Ngài phán: "Và tôi biết: mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời. Vậy, những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi." Nói cách khác, Ngài biết Lời của Chúa Cha là sự thật, và có khả năng giải thoát con người khỏi tội, và cho con người được sống muôn đời.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải luôn nhớ Thiên Chúa vẫn đang hoạt động và điều khiển mọi sự trong vũ trụ. Bổn phận của chúng ta là cầu nguyện để nhận ra và mau mắn thi hành thánh ý của Ngài.
- Chúng ta phải chịu trách nhiệm trong việc rao giảng Tin Mừng cho mọi người, chứ không ích kỷ chỉ biết lo lắng cho mình hay cho giáo xứ. Khi đã hiêu biết Lời Chúa rồi, chính chúng ta phải sống và làm chứng cho Tin Mừng.
- Đừng khinh thường Lời Chúa vì những Lời này sẽ trở thành quan tòa để phán xét chúng ta; hơn nữa, đó là những Lời mà vì yêu chúng ta, Thiên Chúa nói với chúng ta những Lời này.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Ba Tuần IV PS
Bài đọc: Acts 11:19-26; Jn 10:22-30.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Ai thuộc về đoàn chiên của Thiên Chúa nghe tiếng Chúa Giêsu.
Có những tiếng nói hay tiếng cười đã quá quen thuộc khiến con người chẳng cần nhìn cũng nhận ra người đang nói hay đang cười là ai. Chẳng hạn, khi Chúa Giêsu hiện ra với Mary Magdala, Chúa chỉ cần gọi một tiếng ngắn ngủi: “Mary.” Bà nhận ra ngay và kêu lên: “Lạy Thầy!” Trong mối liên hệ giữa Thiên Chúa với con người cũng thế. Vì Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh và các đức tính của Ngài, con người theo tính tự nhiên dễ hướng chiều về sự thật, về yêu thương và tha thứ, và nhất là về Thiên Chúa, Đấng dựng nên con người.
Các Bài Đọc hôm nay muốn nói lên mối liên hệ mật thiết giữa Thiên Chúa và con người. Trong Bài Đọc I, Sách CVTĐ tường thuật sự thành công trong việc rao giảng Tin Mừng của các môn đệ Chúa: Vì có bàn tay Chúa ở với họ, nên một số đông đã tin và trở lại cùng Chúa; không chỉ những người Do-thái, mà còn rất nhiều Dân Ngoại. Chính tại Antioch mà lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Kitô hữu. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tuyên bố với các đối phương của Ngài: "Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi."
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Vì có bàn tay Chúa ở với họ, nên một số đông đã tin và trở lại cùng Chúa.
1.1/ Tin Mừng bắt đầu được loan truyền ra ngoài lãnh thổ của Do-thái: Sau cuộc bách hại xảy ra nhân vụ ông Stephanô, các môn đệ phải tản mác đi đến tận miền Phoenicia, đảo Cyprius và thành Antioch. Họ không rao giảng Lời Chúa cho ai ngoài người Do-thái. Nhưng trong nhóm, có mấy người gốc Cyprius và Cyrene; những người này, khi đến Antioch, đã giảng cho cả người Hy-lạp nữa, loan Tin Mừng Chúa Giêsu cho họ.
Điều làm chúng ta ngạc nhiên là sự trở lại của rất nhiều người và trong nhiều trường hợp rất ly kỳ, như sự trở lại của Phaolô, của viên Thái Giám người Ethiopia, và của viên Đại Đội Trưởng người Roma. Trình thuật hôm nay cho chúng ta lý do chính xác của các cuộc trở lại: "Vì có bàn tay Chúa ở với họ, nên một số đông đã tin và trở lại cùng Chúa." Nói cách khác, những người này luôn khao khát sự thật, khao khát được biết về Thiên Chúa, và khao khát được sống muôn đời; nên khi họ nghe những lời các môn đệ của Chúa rao giảng Tin Mừng, họ nhận ra ngay những khao khát của họ được đáp ứng, nên họ tuyên xưng đức tin và chịu Phép Rửa.
1.2/ Chính tại Antioch mà lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Kitô hữu: Khi Hội Thánh tại Jerusalem nghe tin nhiều người trở lại tại Antioch, họ cử ông Barnabas đi Antioch để thành lập cộng đoàn tại đó. "Khi tới nơi và thấy ơn Thiên Chúa như vậy, ông Barnabas mừng rỡ và khuyên nhủ ai nấy bền lòng gắn bó cùng Chúa, vì ông là người tốt, đầy ơn Thánh Thần và lòng tin. Và đã có thêm một đám rất đông theo Chúa." Tên của ông Barnabas có nghĩa "con của khuyên nhủ," vì ông được Chúa ban cho có biệt về "khuyên nhủ." Điều này cho ta thấy người mục tử phải là người sống gần gũi với Thiên Chúa, trước khi có thể dẫn dắt con người đến với Thiên Chúa. Nếu người mục tử không nghe được tiếng Thiên Chúa, làm sao ông có thể giảng giải cho dân và khuyên nhủ họ đến với Ngài?
Sau đó, ông Barnabas trẩy đi Tarsus tìm ông Phaolô. Khi tìm được rồi, ông đưa ông Phaolô đến Antioch. Hai ông cùng làm việc trong Hội Thánh ấy suốt một năm và giảng dạy cho rất nhiều người. Sứ vụ của hai ông tại Antioch khởi sự cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng đặc biệt cho Dân Ngoại. Chính tại Antioch mà lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Kitô hữu. Danh xưng này có nghĩa là những người theo Đức Kitô. Để theo Ngài, họ cần biết nghe và thực hành những gì Ngài giảng dạy, chứ không phải chỉ là Kitô hữu trên danh nghĩa. Nói cách khác, họ là những môn đệ của Đức Kitô, và có bổn phận phải họa lại cuộc đời của Ngài cho người khác thấy và tin vào Ngài.
2/ Phúc Âm: Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi.
2.1/ Người Do-thái thắc mắc về căn tính của Chúa Giêsu: "Khi ấy, ở Jerusalem, người ta đang mừng lễ Cung Hiến Đền Thờ. Bấy giờ là mùa Đông. Đức Giêsu đi đi lại lại trong Đền Thờ, tại hành lang Solomon. Người Do-thái vây quanh Đức Giêsu và nói: "Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đấng Kitô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết." Ngày lễ Cung Hiến Đền Thờ cũng là ngày lễ hội ánh sáng (Hanukka) của người Do-thái. Họ cử hành lễ để tôn vinh ánh sáng vì ngày trở nên ngắn và đêm tối trở nên dài hơn (tháng 12). Ánh sáng và bóng tối có một ý nghĩa đặc biệt trong Gioan.
Tại sao cũng những lời rao giảng của Chúa Giêsu, mà có người tin vào Ngài, và có những người không tin vào Ngài? Thái độ cần phải khiêm nhường khi đi tìm sự thực là điều quan trọng, vì nếu đã hãnh diện biết rồi, còn cần gì phải đi tìm nữa! Khi người Do-thái hỏi Chúa Giêsu câu hỏi như trên, họ không có ý nhiệt thành muốn đi tìm sự thực; nhưng coi Chúa Giêsu như lý do làm họ phải nhức đầu, và họ không muốn thay đổi lề lối suy nghĩ của họ. Với một thái độ như thế, làm sao họ có thể học hỏi những gì Chúa Giêsu muốn mặc khải cho họ! Lý do khác làm họ cứng lòng vì họ muốn ở trong bóng tối (Jn 3:19-20).
2.2/ Mối liên hệ giữa Chúa Giêsu với Chúa Cha, và với con người:
(1) Liên hệ giữa Chúa Giêsu và con người: Chúa Giêsu thẳng thắn cho họ biết lý do tại sao họ không nghe Ngài: "Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin. Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi. Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đoàn chiên của tôi. Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi." Họ không tin Chúa Giêsu không phải vì không có các lý do chắc chắn để tin; nhưng vì họ từ chối không chịu lắng nghe và suy nghĩ những gì Chúa Giêsu đã nói và đã làm. Họ muốn thấy dấu lạ, Chúa Giêsu đã làm nhiều dấu lạ. Họ muốn nghe lời chân lý, Chúa Giêsu đã mặc khải bao nhiêu sự thật của Thiên Chúa. Nếu những người thiện chí muốn đi tìm sự thật, họ đã nhận ra Ngài đến từ Thiên Chúa từ lâu rồi. Nhưng họ đã nhìn và đã nghe đến độ Chúa phải dùng lời tiên tri Isaiah mà nói: "Chúng ra đui mù và lòng chúng ra chai đá, kẻo mắt chúng thấy và lòng chúng hiểu được mà hoán cải, rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành" (Jn 12:40).
(2) Liên hệ giữa Chúa Giêsu với Chúa Cha: Chúa nói: "Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Chúa Cha là một."
Trong Kế Hoạch Cứu Độ, con người được Chúa Cha ban cho Chúa Giêsu bằng cách tạo cơ hội để họ nghe Chúa Giêsu rao giảng; đồng thời ban Thánh Thần để họ nhận ra sự thật và thúc đẩy họ tin vào Đức Kitô. Vì thế, cả hai: Chúa Cha và Chúa Con đều hoạt động cho cùng một mục đích là để con người có thể tin vào Đức Kitô và được hưởng cuộc sống muôn đời. Khi các tín hữu đã tin vào Đức Kitô, Ngài sẽ bảo vệ họ; nếu họ trung thành nghe tiếng Ngài hướng dẫn, không một quyền lực nào có thể động đến các tín hữu, và cuộc sống muôn đời là của họ (Jn 6:39-40).
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta có bổn phận loan truyền Lời Chúa cho mọi người và cho mọi dân tộc trên thế giới; vì tất cả được Thiên Chúa dựng nên và có khả năng để đón nhận sự thật.
- Chúng ta là đoàn chiên của Đức Kitô, chúng ta phải biết lắng nghe để nhận ra tiếng của Ngài, và theo sự hướng dẫn của Ngài, thì mới mong tránh được mọi nguy hiểm trong cuộc đời.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Hai Tuần IV PS
Bài đọc: Acts 11:1-18; Jn 10:1-10.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người phải vâng theo Kế Hoạch của Thiên Chúa.
Có hai giai đọan trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa: Trong giai đoạn thứ nhất, Ngài chọn dân Do-thái để chuẩn bị cho Đấng Thiên Sai tới; sau đó, đến giai đọan thứ hai, Tin Mừng Cứu Độ được loan báo cho tất cả mọi người. Nhiều người Do-thái chỉ dừng lại ở giai đọan thứ nhất. Họ tin chỉ có họ mới là con Thiên Chúa và xứng đáng được hưởng ơn Cứu Độ; Dân Ngoại không phải là con Thiên Chúa, họ xứng đáng để chịu hình phạt và bị hư mất.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh tình thương Thiên Chúa và Kế Hoạch Cứu Độ dành cho mọi người. Trong Bài Đọc I, Sách CVTĐ mô tả sự xung đột giữa các môn đệ về việc giao tiếp và chấp nhận Dân Ngoại vào đạo thánh Chúa. Phêrô phải dùng thị kiến chiếc lưới từ trời và kinh nghiệm mục vụ để thuyết phục họ: Trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, Dân Ngoại cũng được lãnh nhận Thánh Thần và ơn sám hối để được sự sống đời đời. Loài người chúng ta không thể ngăn cản Kế Hoạch của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tuyên bố Ngài là Mục Tử Tốt Lành đến để qui tụ tất cả các chiên và cho chúng được sống dồi dào.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ơn Cứu Độ được Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người.
1.1/ Xung đột xảy ra giữa người Do-thái và ông Phêrô: Theo truyền thống Do-thái, họ sống cách biệt với các dân tộc khác, và không bao giờ vào nhà của Dân Ngoại. Các người Do-thái chỉ trích Phêrô đã giao tiếp với Dân Ngoại, vào nhà những kẻ không cắt bì, và ăn uống với họ. Bấy giờ ông Phêrô trình bày cho họ biết thị kiến mà ông đã chứng kiến, ông nói: Tôi đang cầu nguyện tại thành Joppa, trong lúc xuất thần, tôi thấy thị kiến này: Có một vật gì sà xuống, trông như một tấm khăn lớn buộc bốn góc, từ trời thả xuống đến tận chỗ tôi. Nhìn chăm chú và xem xét kỹ, tôi thấy các giống vật bốn chân sống trên đất, các thú rừng, rắn rết và chim trời. Và tôi nghe có tiếng phán bảo tôi: "Phêrô, đứng dậy, làm thịt mà ăn!” Tôi đáp: "Lạy Chúa, không thể được, vì những gì ô uế và không thanh sạch không bao giờ lọt vào miệng con!” Có tiếng từ trời phán lần thứ hai: "Những gì Thiên Chúa đã tuyên bố là thanh sạch, thì ngươi chớ gọi là ô uế! Việc ấy xảy ra đến ba lần, rồi tất cả lại được kéo lên trời.”
Thị kiến này đòi Phêrô phải xét lại truyền thống Do-thái của mình: Vì tất cả những gì Thiên Chúa dựng nên đều tốt lành và thanh sạch, ông không thể giữ thái độ khinh thường Dân Ngoại, coi họ là dân không cắt bì, nô lệ, hay không thanh sạch.
1.2/ Thiên Chúa cũng ban cho các Dân Ngoại ơn sám hối để được sự sống!
(1) Tin Mừng được rao truyền cho Dân Ngoại: Phêrô tiếp tục kể: "Ngay lúc đó, có ba người đến nhà chúng tôi ở: họ được sai từ Caesarea đến gặp tôi. Thần Khí bảo tôi đi với họ, đừng ngần ngại gì. Có sáu anh em đây cùng đi với tôi. Chúng tôi đã vào nhà ông Cornelius. Ông này thuật lại cho chúng tôi nghe việc ông đã thấy thiên sứ đứng trong nhà ông và bảo: "Hãy sai người đi Joppa mời ông Simon, cũng gọi là Phêrô. Ông ấy sẽ nói với ông những lời nhờ đó ông và cả nhà ông sẽ được cứu độ.” Cornelius là viên Đại Đội Trưởng Roma, tuy là Dân Ngoại, nhưng ông đối xử rất tốt với người Do-thái. Nhân cơ hội đó, Phêrô đã rao giảng Tin Mừng về Đức Kitô cho tất cả những người trong gia đình Cornelius. Điều đáng chú ý là Thiên Chúa hoạt động trong biến cố này: Ngài gởi thiên sứ tới báo tin cho Cornelius, đồng thời dùng Thần Khí tác động trên Phêrô, để thúc đẩy ông cùng đi với 3 sứ giả của Cornelius.
(2) Không ai có thể ngăn cản Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa: Tôi vừa mới bắt đầu nói, thì Thánh Thần đã ngự xuống trên họ, như đã ngự xuống trên chúng ta lúc ban đầu. Tôi sực nhớ lại lời Chúa nói rằng: "Ông Gioan thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì sẽ được rửa trong Thánh Thần. Vậy, nếu Thiên Chúa đã ban cho họ cùng một ân huệ như Người đã ban cho chúng ta, vì chúng ta tin vào Chúa Giêsu Kitô, thì tôi là ai mà dám ngăn cản Thiên Chúa?" Phêrô nhắc lại biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các Tông-đồ trong ngày Lễ Ngũ Tuần; và nhờ biến cố này, Phêrô nhận ra Thiên Chúa ban Thánh Thần cho tất cả mọi người, chứ không riêng gì những người Do-thái. Sau đó, Phêrô làm Phép Rửa cho tất cả gia đình ông Cornelius.
Nghe Phêrô trình bày đầu đuôi, người Do-thái mới hiểu ra. Họ tôn vinh Thiên Chúa và nói: "Vậy ra Thiên Chúa cũng ban cho các Dân Ngoại ơn sám hối để được sự sống!"
2/ Phúc Âm: Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.
2.1/ Chúa Giêsu là Cửa chuồng chiên: Trong các làng mạc của Do-thái, họ có chỗ chung để nhốt tất cả các chiên trong làng ban đêm. Chỗ nhốt này chỉ có một cửa duy nhất có khóa, và chìa khóa chỉ người giữ cửa mới có. Người giữ cửa biết tất cả các người chăn chiên, và chỉ mở cửa cho những người này. Tuy nhiên, cũng có những người chăn chiên không vào làng, nhưng giữ chiên ngoài cánh đồng như tại Bethlehem. Trong trường hợp này, người chăn chiên sẽ tìm những hang đá mà chỉ có một ngõ ra vào. Đêm đến, họ sẽ lùa chiên vào trong hang đá, và họ sẽ nằm ngủ ngay cửa ra vào. Trong trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu đề cập đến cả hai trường hợp:
(1) "Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra.”
(2) "Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là Cửa cho chiên ra vào. Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ. Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ.”
2.2/ Liên hệ giữa mục tử và chiên: Có một sự liên hệ mật thiết giữa mục tử và đàn chiên. Người mục tử biết tất cả các chiên của mình và thói quen của từng con một; nhiều mục tử còn đặt tên riêng cho mỗi con như “vằn” nếu con nào có những vằn quanh như sóng trên người, “trắng,” “đen,” “khoang”... Đồng thời, các con chiên cũng biết đánh hơi, hay nhận ra chủ của chúng nhờ tiếng gọi đặc biệt, hay tiếng chuông, tiếng kèn, tiếng sáo mà người mục tử đeo trên mình. Đó là lý do tại sao Chúa nói: “Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ."
Chúa cũng đề cập đến sự khác biệt giữa Mục Tử và trộm cướp: “Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.” Người chăn chiên thật phải chịu trách nhiệm về đàn chiên của mình với chủ; nếu chiên bị ăn thịt, anh phải có bằng chứng rõ ràng để trình cho chủ. Người chăn chiên đích thực phải chăm sóc bằng cách tìm những đồng cỏ xanh và nước trong lành cho chiên ăn uống. Anh phải bảo vệ chiên khỏi mọi nguy hiểm như: chó sói, sư tử, kẻ trộm, kẻ cướp... Qua hình ảnh thân thương này, Chúa Giêsu muốn ví Ngài như Mục Tử Tốt Lành và các tín hữu được ví như đàn chiên. Ngài đến để cho chúng ta được sống, và sống dồi dào.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Tất cả mọi người đều có thể nhận được ơn Cứu Độ trong Kế Hoạch của Thiên Chúa, và Tin Mừng cần được loan báo cho mọi dân tộc.
- Để được hưởng ơn Cứu Độ, chúng ta cần biết lắng nghe và tin tưởng vào Đức Kitô, Người Mục Tử Tốt Lành mà Thiên Chúa gởi tới con người.
- Người mục tử tốt lành là người phải vào qua Cửa là Đức Kitô: họ phải nhân danh Đức Kitô giảng dạy, chữa lành; và bắt chước Đức Kitô để săn sóc và bảo vệ đòan chiên của mình.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
“TÔI CHÍNH LÀ MỤC TỬ NHÂN LÀNH”
CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH NĂM B (26/04/2015)
[CHÚA NHẬT CHÚA CHIÊN LÀNH:
Cầu cho Ơn Thiên Triệu Linh Mục và Tu Sĩ]
[Cv 4,8-12; 1 Ga 3,1-2; Ga 10,11-18]
I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Chúa Giê-su đã mượn hình ảnh “người chăn chiên và đoàn chiên” rất quen thuộc với người Do-thái để mạc khải về mình: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên!”
Chúa Ki-tô Giê-su không chỉ hy sinh mạng sống vì đoàn chiên và chăm lo cho đoàn chiên một cách trực tiếp mà ngài còn giao cho các Ki-tô hữu nhiệm vụ chăm lo cho đoàn chiên, thay cho ngài.
Ông William Barclay đã viết mấy dòng rất sâu sắc và cụ thể về sự việc ấy khi ông diễn giải ý nghĩa của giáo huấn “Hội Thánh là Thân Thể Chúa Ki-tô” trong thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô của Thánh Phao-lô:
“Chúa Giê-su không còn trong xác thịt trên trần gian này nữa, do đó, nếu Ngài muốn làm một việc gì trên đời này, Ngài phải tìm một người để làm công việc ấy.
Nếu Ngài muốn dậy dỗ một đứa trẻ, Ngài tìm một thầy giáo để dậy bảo nó.
Nếu muốn chữa lành một người bệnh, Ngài tìm một bác sĩ hay một nhà giải phẫu để làm công việc đó cho Ngài.
Nếu Ngài muốn kể lại một câu chuyện về mình, Ngài phải tìm một người để kể. Tóm lại chúng ta là thân thể của Chúa Ki-tô,
là những bàn tay để làm việc cho Ngài,
những bàn chân để chạy việc cho Ngài,
là tiếng nói để phát ngôn cho Ngài.
“Ngài không có tay, chỉ có đôi tay của chúng ta
để làm công việc ngày hôm nay của Ngài.
Ngài không có chân, chỉ có đôi chân của chúng ta
để dẫn người ta theo đường lối Ngài.
Ngài không có tiếng nói, chỉ có tiếng nói của chúng ta
để nói với loài người rằng Ngài đã chịu chết như thế nào.
Ngài không có cách giúp đỡ nào khác ngoài sự giúp đỡ của chúng ta
để đưa họ đến bên cạnh Ngài.”
(Thư gửi tín hữu Cô-rin-tô, NXB Tôn giáo 2008, trang 100)”
Cử hành LỄ CHÚA CHIÊN LÀNH cách tốt nhất là chúng ta tham gia và chia sẻ công việc chăm lo cho đoàn chiên của Thiên Chúa, cho cả những người đã ở trong ràn và cho cả những người chưa thuộc về ràn của Chúa Ki-tô.
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Trong bài đọc 1 (Cv 4, 8-12): Không có một danh nào khác để chúng ta phải nhờ vào dang đó mày được cứu độ.
(8) Bấy giờ, ông Phê-rô được đầy Thánh Thần, liền nói với họ: "Thưa quý vị thủ lãnh trong dân và quý vị kỳ mục, (9) hôm nay chúng tôi bị thẩm vấn về việc lành chúng tôi đã làm cho một người tàn tật, về cách thức người ấy đã được cứu chữa. (10) Vậy xin tất cả quý vị và toàn dân Ít-ra-en biết cho rằng: nhân danh chính Đức Giê-su Ki-tô, người Na-da-rét, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người này được lành mạnh ra đứng trước mặt quý vị. (11) Đấng ấy là tảng đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, chính tảng đá ấy lại trở nên đá tảng góc tường. (12) Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ."
2.2 Trong bài đọc 2 (1 Ga 3,1-2): Thiên Chúa thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.
(1) Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa -mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa. Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người. (2) Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Ki-tô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.
2.3 Trong bài Tin Mừng (Ga 10,11-18): Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống cho đoàn chiên.
(11) Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. (12) Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, (13) vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên. (14) Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, (15) như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.
(16) Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử. (17) Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. (18) Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được."
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân Dung của Thiên Chúa
1°) Bài đọc 1 (Cv 4,8-12) là lời chứng hùng hồn của ông Phê-rô trước Thượng Hội đồng Do Thái gồm các thủ lãnh và kỳ mục trong dân. Tông đồ Phê-rô quả quyết chính nhờ Danh Đức Giê-su Na-da-rét mà ông đã chữa lành người què. Đấng mà Phê-rô nhân danh để làm phép lạ chính là người mà giới lãnh đạo Đền thờ đã giết hại bằng cách kết án trên cây thập tự. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho người trỗi dậy từ cõi chết để minh oan, siêu tôn người và trả lại cho người tất cả quyền năng mà người đã tự ý khước từ khi nhập thể làm người. Cái chết hy sinh trên thập giá chứng tỏ Đức Giê-su là Vị Mục tử nhân lành mà Chúa đã khẳng định trong Tin Mừng Gio-an.
2°) Bài đọc 2 (1 Ga 3,1-2) cho chúng ta biết Thánh Gio-an muốn các tín hữu tin vào Lòng Yêu Thương vô bờ vô bến của Chúa Cha. Bằng chứng của Tình Yêu ấy là Thiên Chúa Cha đã làm cho mọi người nên con cái của Người, trong và nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Con Một Yêu Dấu của Thiên Chúa.
3°) Bài Tin Mừng (Ga 10,11-18) là lời khẳng định của chính Đức Giê-su về CHÂN DUNG đích thực của mình: “Chính tôi là mục tử nhân lành. Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.” Mối liên hệ giữa mục tử và con hay đoàn chiên là gắn bó, mật thiết, sống động: con chiên hay đoàn chiên thuộc về mục tử, biết và nghe lời mục tử. Còn mục tử thì biết rõ từng con chiên một và sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì con chiên và vì đoàn chiên của mình. Mục tử nhân lành tự ý, tự nguyện hy sinh mạng sống vì con chiên và đoàn chiên. Mục tử còn có rất nhiều chiên khác chưa tập trung cùng đàn mà còn tản mác khắp chốn khắp nơi, nên trong lòng Người còn nặng trĩu nỗi bức xúc phải tập hợp tất cả mọi con chiên vào một đàn duy nhất.
3.2 Sứ điệp của Lời Chúa
Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay có hai phần:
* Phần thứ nhất là: Chúa Giê-su được Chúa Cha sai đền trần gian để yêu thương và chăm lo cho hết mọi người. Người đã hết lòng yêu thương, chăm sóc những kẻ thuộc về Người đến độ Người đã hy sinh mạng sống vì chúng ta. Vì thế chúng ta được mời gọi hãy đón nhận - với lòng biết ơn - sự yêu thương, chăm sóc và hy sinh của Chúa Giêsu và hãy có mối liên hệ mật thiết với Người.
* Phần thứ hai là: Mỗi Ki-tô hữu được mời gọi trở thành “mục tử nhân lành” đối với những người thuộc về mình hay được giao phó cho mình, tức có bổn phận yêu thương, chăm sóc và hy sinh cho những người ấy theo gương Chúa Giê-su đã yêu thương, chăm sóc và hy sinh mạng sống cho chúng ta và mọi người. Những người có chức thánh và những người có trách nhiệm hướng dẫn cộng đoàn thì có càng phải chăm lo cho người khác nhiều hơn.
IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA LỜI CHÚA HÔM NAY
4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng quyền năng và yêu thương nên đã sai Con Một xuống thế làm người và làm Chúa Chiên Lành (Mục Tử) hy sinh mạng sống cho loài người, cho mỗi người được sống và được sống dồi dào trong ân nghĩa của Thiên Chúa.
4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa
Để giúp mỗi người/cộng đoàn thực thi sứ điệp Lời Chúa một cách dễ dàng và cụ thể, xin hãy trả lời mấy câu hỏi sau đây:
- Tôi và cộng đoàn tôi nhận thức và trân trọng như thế nào vai trò và chức năng mục tử của Chúa Ki-tô Giê-su? của các người lãnh đạo khác trong cộng đoàn Giáo xứ, Giáo phận, Dòng Tu, Hội đoàn?
- Tôi và cộng đoàn tôi có cảm thấy hạnh phúc khi được là “những bàn tay để làm việc cho Chúa Ki-tô”, là “những bàn chân để chạy việc cho Ngài”, là “tiếng nói để phát ngôn cho Ngài” không?
V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI & HỘI THÁNH
[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý: ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]
5.1 “Chính Tôi là Mục Tử nhân lành.” Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa ban các dân tộc trên thế giới mau chóng nhận ra Chúa Giê-su là Mục Tử Nhân Lành mà Cha đã sai đến trần gian để chăm sóc và chết thay cho hết mọi người và hết mọi dân tộc.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.2 “Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.” Chúng ta hãy cầu nguyện cho các Ki-tô hữu, nhất là cho Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ, để mọi thành phần Dân Chúa noi guơng Chúa Giê-su Ki-tô là Mục Tử Nhân Lành mà yêu thương và chăm sóc những người Thiên Chúa Cha giao phó cho.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.3 “Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa - mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa.” Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người thuộc giáo xứ chúng ta, nhất là cho những người tham dự Thánh Lễ này, để ai nấy đều ý thức địa vị cao quý là con Thiên Chúa mà họ đã được ban cho cách “nhưng không”.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.4 “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về.” Chúng ta hãy cầu nguyện cho các linh mục, tu sĩ và tông đồ giáo dân để họ tìm hết cách đem mọi người về với Chúa Ki-tô.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Chủa Nhật IV Phục Sinh, Năm B
Bài đọc: Acts 4:8-12; I Jn 3:1-2; Jn 10:11-18.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Những nguồn sức mạnh vô biên tiềm ẩn nơi các tín hữu.
Người Kitô hữu, tuy bề ngoài cũng giống như bao nhiêu con người khác, nhưng họ có những nguồn sức mạnh vô biên đang tiềm ẩn nơi con người của họ; mà chính họ nhiều khi không ý thức là mình có hay không biết cách xử dụng chúng. Khi các tín hữu biết xử dụng các nguồn sức mạnh này, họ có thể chữa lành bệnh tật, cho người chết sống lại, khai trừ ma quỉ, vượt qua các khó khăn của cuộc sống, và đạt được đích điểm là cuộc sống muôn đời mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho họ.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong các nguồn sức mạnh vô biên đang tiềm ẩn nơi các tín hữu. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Công Vụ Tông Đồ nhấn mạnh đến Danh Đức Kitô mà các Kitô hữu tin tưởng, và mầm sống Phục Sinh mà họ đang mang trong mình. Thánh Phêrô dùng Danh Đức Giêsu Kitô để chữa lành người bại liệt, và Ngài quả quyết con người phải tin vào Danh này mới được ơn cứu độ. Trong Bài Đọc II, thánh Gioan đề cập đến đặc quyền làm con Thiên Chúa của các tín hữu, và gia tài họ sẽ được thừa hưởng sau này. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tuyên bố Ngài là Mục Tử Tốt Lành, Ngài đến để qui tụ tất cả con chiên lạc để bảo vệ chúng, và làm cho chiên được sống dồi dào. Người Kitô hữu có một người bảo vệ uy quyền, yêu thương, và sẵn sàng hy sinh tính mạng cho họ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Các tín hữu mang Danh Đức Kitô và mầm sống Phục Sinh nơi mình.
Người Kitô hữu chúng ta có một danh thánh quyền năng, mà không một danh nào trên địa cầu này có uy quyền như danh thánh đó. Danh mà thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Philipphê xác tín: “Khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Giêsu Kitô là Chúa" (Phi 2:10-11).
1.1/ Nhân Danh Đức Kitô, Phêrô chữa lành bệnh: Thượng Hội Đồng chất vấn hai ông Phêrô và Gioan: “Các ông lấy quyền năng nào và nhân danh ai để chữa bệnh?” Bấy giờ, ông Phêrô được đầy Thánh Thần, liền nói với họ: "Thưa quý vị thủ lãnh trong dân và quý vị kỳ mục, hôm nay chúng tôi bị thẩm vấn về việc lành chúng tôi đã làm cho một người tàn tật, về cách thức người ấy đã được cứu chữa. Vậy xin tất cả quý vị và toàn dân Israel biết cho rằng: nhân danh chính Đức Giêsu Kitô, người Nazareth, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người này được lành mạnh ra đứng trước mặt quý vị.” Người Kitô hữu chúng ta không phải ai cũng có thể chữa bệnh như Phêrô, cha Piô, hay cha Bửu Diệp; nhưng niềm tin của chúng ta vào Đức Kitô có thể giúp chúng ta tránh những nguy cơ của bệnh tật và giúp chúng ta vui sống bình an với mọi người.
1.2/ Chỉ nhờ danh Đức Kitô, con người mới được cứu độ: Trên đồi Calgary, những người trong Thượng Hội Đồng tưởng rằng họ đã loại trừ Chúa Giêsu và tránh được hậu quả mà họ lo sợ là dân chúng bỏ họ mà theo Ngài, nhưng Phêrô nhắc nhở cho họ biết sự sai lầm của họ: “Đấng ấy là tảng đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, chính tảng đá ấy lại trở nên đá tảng góc tường. Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ." Chính Chúa Giêsu đã từng mặc khải điều này cho các môn đệ: “Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết" (Jn 6:40). Bằng niềm tin vào Danh Đức Kitô, người tín hữu bảo đảm được hưởng cuộc sống muôn đời.
2/ Bài đọc II: Các tín hữu được hưởng đặc quyền làm con Thiên Chúa.
2.1/ Người tín hữu là con Thiên Chúa: Bằng niềm tin nơi Đức Kitô và chịu Phép Rửa, người tín hữu trở thành con Thiên Chúa, như thánh Gioan xác nhận: “Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Jn 1:12). Người Kitô hữu được hưởng đặc quyền này không phải do liên hệ máu mủ hay họ hàng, cũng không phải vì họ tốt lành hay đã làm nên công trạng gì; nhưng đơn giản là vì Thiên Chúa yêu họ, ban cho họ Người Con Một của Ngài là Đức Kitô, để họ có thể trở thành những người con nuôi của Ngài nhờ niềm tin vào Đức Kitô, như Gioan cắt nghĩa: “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa - mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa. Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người.”
Người tín hữu không phải là con của thế gian: Thế gian ở đây hiểu là những người không tin và chống lại Thiên Chúa. Khi người tín hữu tin Đức Kitô, họ đã thắng thế gian vì thế gian không tin Người; nhưng giá họ phải trả giá là thế gian sẽ ghét và truy tố họ, vì họ không chịu sống theo những tiêu chuẩn của thế gian. Đức Giêsu nhắn nhủ các môn đệ điều này trước Cuộc Thương Khó của Ngài: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em” (Jn 15:18-19).
2.2/ Quyền lợi của những người con Thiên Chúa: Gioan tóm gọn trong một câu đơn giản: “Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.”
Trước tiên, người tín hữu được bảo đảm quyền sống lại và mang một thi thể Phục Sinh bất tử như Đức Kitô. Điều này gợi lại ý hướng của Thiên Chúa khi dựng nên con người giống hình ảnh và những đặc tính của Thiên Chúa (Gen 1:26), mà tội lỗi đã bôi bẩn và làm hoen ố con người. Đức Kitô đến không những để cất đi tội lỗi, mà còn thánh hóa các tín hữu bằng ơn thánh qua các Bí-tích, và khôi phục lại hình ảnh tốt lành và thánh thiện nguyên thủy của con người.
Thứ đến, các tín hữu được thừa hưởng những kho tàng vô cùng quí giá do Chúa Giêsu để lại. Chúng ta có thể tóm gọn trong 4 gia tài thánh:
(1) Toàn bộ Thánh Kinh về Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa. Đây là một kho tàng khôn ngoan mà không một Sách nào hay tất cả các khôn ngoan của thế gian có thể so sánh được. Nó cung cấp cho người tín hữu mọi giải đáp cho cuộc đời.
(2) Thánh Thần là nguồn mạch 7 ơn thiêng. Ngài họat động trong tâm hồn các tín hữu, và sẽ giúp các tín hữu hiểu sự thật, sống sự thật, và có can đảm làm chứng cho sự thật, giữa bao nhiêu sai trá và cám dỗ của thế gian.
(3) Thánh Giá là khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa. Thánh Giá giúp các tín hữu nhận ra tình yêu Thiên Chúa dành cho họ, và thúc đẩy họ chấp nhận và đi đường gian khổ như Chúa Giêsu, để mang sự sống cho bản thân và cho tha nhân.
(4) Thánh Thể là nguồn sức mạnh nuôi dưỡng các tín hữu, giúp họ luôn có cuộc sống thần linh trong tâm hồn, để có thể vượt qua mọi khó khăn và trở ngại trong cuộc sống.
3/ Phúc Âm: Các tín hữu được bảo vệ bởi Người Mục Tử Nhân Lành.
3.1/ Mục Tử Tốt Lành sẵn sàng hy sinh tính mạng cho đòan chiên: Trong Tân Ước, Chúa Giêsu ví các tín hữu như chiên và Ngài như người chăn chiên hay Mục Tử. Trong Cựu Ước, tiên tri Ezekiel đã ví Israel như chiên và Thiên Chúa như người Mục Tử (Eze 34). Theo tiên tri, không phải các mục tử đều tốt lành, có những mục tử trong Israel không săn sóc và hướng dẫn chiên, mà chỉ để ý đến lông chiên và thịt chiên. Đó là lý do tại sao Thiên Chúa quở trách họ và Ngài muốn chính Ngài là Mục Tử để chăn dắt chiên. Ba đặc tính về Mục Tử Tốt Lành Chúa muốn nêu bật trong trình thuật hôm nay:
(1) Sự khác biệt giữa Mục Tử Tốt Lành và người chăn chiên: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói rình đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên.”
(2) Mục Tử Tốt Lành biết tất cả chiên của mình: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.”
(3) Mục Tử Tốt Lành đến để tìm kiếm các chiên thất lạc và đưa về một đàn: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử.”
Người tín hữu phải biết mình có một Mục Tử Tốt Lành luôn chú tâm săn sóc, hướng dẫn, và bảo vệ họ mọi giây phút trong cuộc đời. Điều cần là họ phải luôn lắng nghe, vâng lời, và làm theo những gì Ngài chỉ dạy, thì mới có thể được nuôi dưỡng, an vui, và tránh khỏi nguy hiểm.
3.2/ Mục Tử Tốt Lành có uy quyền hy sinh và cũng có uy quyền lấy lại sự sống: Các tín hữu không chỉ có một Mục Tử Tốt Lành, mà Ngài còn là một Mục Tử uy quyền. Chúa Giêsu cắt nghĩa: “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được."
Nếu chúng ta chỉ có Mục Tử Tốt Lành biết yêu thương và hy sinh cho đoàn chiên thôi, điều đó chưa đủ, vì khi thế gian giết người Mục Tử Tốt Lành, đoàn chiên sẽ tan tác; nhưng chúng ta cần có một Mục Tử Tốt Lành và uy quyền, Ngài có thể tự mình sống lại và cứu đòan chiên khỏi chết. Chúa Giêsu là Mục Tử vừa tốt lành vừa uy quyền; Ngài yêu thương con người tới độ sẵn sàng hy sinh chết vì tội lỗi con người, và Ngài có uy quyền để sống lại từ cõi chết và phục hồi sự sống vĩnh cửu cho con người.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải nhận ra và biết cách xử dụng những nguồn năng lực vô biên mà Thiên Chúa ban tặng, để sinh ích cho cá nhân, gia đình, xã hội và Giáo Hội.
- Chúng ta đừng khinh thường những sức mạnh mà mình đang mang trong mình; chúng có thể giúp chúng ta làm những điều vượt quá sức con người, như Sách CVTĐ đã chứng minh.
- Chúng ta là con Thiên Chúa, không phải là con cái thế gian; nên đừng sống theo tiêu chuẩn của thế gian. Với những nguồn sức mạnh của Thiên Chúa ban, chúng ta có khả năng chiến thắng mọi cám dỗ của ma quỉ và thế gian. Đừng sợ bất cứ một quyền lực nào, vì chúng ta được bảo vệ bởi người Mục Tử Tốt Lành, sẵn sàng thí mạng để bảo vệ chúng ta.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Nguồn: Tổng Giáo Phận Huế
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Lễ Thánh Marcô Thánh Sử (Ngày 25 tháng 4)
Bài đọc: 1 Pet 5:5b-14; Mk 16:15-20.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Trung thành với sứ vụ rao giảng Tin Mừng.
Theo truyền thống, Marcô Thánh Ký được đồng nhất với John Mark (Acts 12:12, 25; 15:37; Col 4:10; 2 Tim 4:11; Phi 24). Thánh Phêrô trong bài đọc I hôm nay gọi Marcô là “con của ngài” (1 Pet 5:13). Marcô là anh em họ (anepsios) của Barnabas (Col 4:10), là con của bà Mary. Bà này là bạn với thánh Phêrô, sống tại Jerusalem (Acts 21:12), và là một thành phần quan trọng của giáo hội sơ khai tại Jerusalem. Chính tại nhà Bà mà thánh Phêrô đến, sau khi được sứ thần của Thiên Chúa giải thoát khỏi ngục tù (Acts 12:12-13).
Khi nạn đói xảy ra vào năm 45-46 AD, Barnabas và Phaolô sau khi đã hoàn thành sứ vụ tại Jerusalem, họ mang Marcô đi với họ trong hành trình trở về Antioch (Acts 12:25). Không lâu sau đó, khi bắt đầu hành trình truyền giáo thứ nhất, họ đem Marcô theo như một trợ tá (hupereten, Acts 13:5). Theo văn mạch ám chỉ, Marcô có thể đã giúp hai ông ngay cả trong việc rao giảng Tin Mừng. Khi hai ông tiếp tục cuộc hành trình từ Perga tiến vào trong vùng trung tâm của Asia Minor, Marcô bỏ hai ông và trở về Jerusalem (Acts 13:13). Tại sao Marcô trở lại Jerusalem, không ai biết rõ lý do; nhưng có thể Marcô sợ khổ cực (Acts 15:38). Phaolô không quên biến cố này, nên ông từ chối cho Marcô đi theo trong hành trình truyền giáo thứ hai. Sự từ chối này dẫn tới việc phân ly giữa Phaolô và Barnabas, Phaolô tiếp tục cuộc hành trình, Barnabas và Marcô xuống thuyền tới đảo Cyprus (Acts 15:37-40). Sau biến cố này (khoảng 49-50 AD), chúng ta mất dấu Marcô trong CVTĐ, cho tới khi Marcô xuất hiện khoảng 10 năm sau như một bạn đồng hành của Phaolô, và đi theo Phêrô tại Rôma.
Theo cuốn Lịch Sử Giáo Hội của Eusebius (III,39), viết khoảng năm 130 AD, đặt căn bản trên thế giá của một kỳ mục, Marcô là “người thông dịch” (hermeneutes) của Phêrô, và đã viết cách chính xác, mặc dù không theo niên lịch, giáo huấn của Phêrô. Nhiều người giả sử chàng thanh niên ở trần trốn chạy từ vườn Gethsemane là Marcô (Mk 14:51). Điều này có thể vì nhà mẹ của Marcô nằm trong Jerusalem và là nơi các môn đệ hay lui tới. Ngày chết của Marcô không chắc chắn, thánh Jerome cho là năm thứ tám của triều đại Nero (62-63 AD). Thánh Marcô là quan thầy của Alexandria, Ai-cập; và là quan thầy của thành phố Venice, nước Ý.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hội-thánh ở Babylon, và Marcô, con tôi, gửi lời chào anh em.
1.1/ Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường.
Trình thuật hôm nay là phần khuyên nhủ và kết thúc Thư I của thánh Phêrô. Ngài tóm tắt những điều cần khuyên nhủ quan trọng tới các tín hữu.
(1) Hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, để Người cất nhắc anh em khi đến thời Người đã định: Đây là đức tính quan trọng hàng đầu người tín hữu cần luyện tập; nếu không có đức tính này, họ sẽ dễ dàng rơi vào bẫy giăng của ma quỉ và sa ngã như ông Adam và bà Eva trong Vườn Địa Đàng
(2) Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em: Lo lắng làm con người bất an và nghi ngờ tình thương của Thiên Chúa. Để diệt lo lắng, con người cần tin tưởng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa, chẳng lẽ Ngài bỏ rơi con cái trông đợi nơi tình thương của Ngài!
(3) Hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé: Tin tưởng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa không có nghĩa con người không cần phải làm chi cả. Thánh Phêrô khuyên con người hãy tập luyện để biết sống tiết độ. Nói cách khác, con người cần tập luyện nhân đức mới có thể thắng vượt các chước cám dỗ của ba thù.
(4) Hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế: Đức tin cần được thử thách bằng những gian khổ, ai cũng phải trải qua tiến trình rèn luyện để vượt qua những gian khổ. Người chiến thắng là người kiên vững trong đức tin cho dù phải gian nan, đau khổ, ngay cả phải chấp nhận cái chết.
1.2/ Phần thưởng của các tín hữu là cuộc sống mai sau: Các Kitô hữu phải chịu đau khổ để thử luyện đức tin trước khi được lãnh nhận vinh quang: “Thiên Chúa là nguồn mọi ân sủng, cũng là Đấng đã kêu gọi anh em vào vinh quang đời đời của Người trong Đức Kitô. Phần anh em là những kẻ phải chịu khổ ít lâu, chính Thiên Chúa sẽ cho anh em được nên hoàn thiện, vững vàng, mạnh mẽ và kiên cường.”
Ân sủng của Thiên Chúa đủ cho các tín hữu: Khi phải chịu thử thách nặng nề, thay vì kêu trách Thiên Chúa và tha nhân, các tín hữu cần chạy đến với Thiên Chúa để xin gia tăng ơn thánh, hầu có thể đứng vững trong đức tin. Thánh Phêrô, cũng như thánh Phaolô, tin chắc ơn thánh của Thiên Chúa ban đủ sức giúp các tín hữu vượt qua mọi trở ngại trong cuộc đời: “Tôi viết ít lời để khuyên nhủ anh em và làm chứng rằng đó thật là ân sủng của Thiên Chúa: anh em hãy sống vững vàng trong ân sủng đó.”
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu trao sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho các môn đệ.
2.1/ Trao sứ vụ rao giảng Tin Mừng: Người nói với các ông: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án." Khi Chúa Giêsu phục sinh và lên trời, Ngài đã hoàn tất sứ vụ mang lại ơn cứu độ cho con người. Giờ đây Ngài trao sứ vụ loan báo Tin Mừng cho các môn đệ, để các ông mang ơn cứu độ này cho mọi người sống trên trần thế. Để được hưởng ơn cứu độ, con người cần tin vào Đức Kitô và chịu Phép Rửa.
3.2/ Ban uy quyền cho các môn đệ để khán giả tin vào lời các ông rao giảng: Chúa hứa với các nhà rao giảng: "Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ:
(1) Khai trừ quỷ: Phaolô truyền cho quỉ xuất khỏi người đầy tớ tại Philippi (Acts 16:18)
(2) Nói được những tiếng mới lạ: Các Tông-đồ nói tiếng của thổ dân trong ngày Lễ Ngũ Tuần (Acts 2:1-11)
(3) Tránh được nguy hiểm: "Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao."
(4) Chữa lành: "Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ." Điều này đã được làm bởi Phêrô, Phaolô, và rất nhiều môn đệ.
"Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Trung thành theo Chúa đến cùng không phải là điều dễ dàng vì chúng ta phải đương đầu với ba kẻ thù nặng ký là ma quỉ, thế gian và xác thịt.
- Để có thể vượt qua các thử thách, con người cần tập luyện nhân đức và cầu nguyện xin Thiên Chúa ban ơn thánh. Chúng ta phải trỗi dậy sau mỗi lần bị ngã và tiếp tục tiến bước. Ngoài ra, chúng ta cũng phải giúp nhau để trung thành trong ơn gọi của mình.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Sáu Tuần III PS
Bài đọc: Acts 9:1-20; Jn 6:52-59.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa có thể làm chuyện không thể đối với con người.
Con người thường lấy những gì mình suy nghĩ để áp dụng cho Thiên Chúa. Họ quan niệm Thiên Chúa cũng giống như họ: nếu họ không thể làm được, Thiên Chúa cũng không thể làm được. Họ quên đi một điều là Thiên Chúa khác và vượt xa con người: Ngài làm được mọi sự và không có điều gì là không thể đối với Ngài. Tiên-tri Isaiah nhắc nhở con người phải luôn nhớ điều này: “Trời cao hơn đất chừng nào, thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Isa 55:9).
Các Bài Đọc hôm nay mở mắt cho chúng ta thấy những kỳ công Chúa thực hiện. Trong Bài Đọc I, Chúa biến đổi ông Saul từ một người Pharisees dữ dằn và khốc liệt truy tố các tín hữu, trở thành một người hăng say rao giảng Tin Mừng và sẵn sàng chết để làm chứng cho Ngài; một điều không thể xảy ra với sức con người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tuyên bố: Tất cả những ai ăn thịt và uống máu Ngài sẽ được sống muôn đời; người Do-thái ngạc nhiên thắc mắc: “Làm sao ông ấy có thể lấy thịt cho chúng ta ăn được?”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa tạo cơ hội cho Saul ăn năn trở lại.
1.1/ Xung đột ý kiến giữa Thiên Chúa và Saul.
(1) Ý của ông Saul: Ông đi Damascus với mục đích là để đi bắt các tín hữu theo Đạo mới về để trị tội, như Sách CVTĐ tường trình: “Ông Saul vẫn còn hằm hằm đe doạ giết các môn đệ Chúa, nên đã tới gặp thượng tế xin thư giới thiệu đến các hội đường ở Damascus, để nếu thấy những người theo Đạo, bất luận đàn ông hay đàn bà, thì bắt trói giải về Jerusalem.”
(2) Ý của Thiên Chúa: Ngài không ghét Saul đến nỗi phải tiêu diệt ông như thói quen của con người thường làm; nhưng Ngài muốn dùng lòng nhiệt thành của ông để rao giảng Tin Mừng của Ngài cho Dân Ngoại. Vậy đang khi ông đi đường và đến gần Damascus, thì bỗng nhiên có một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông. Ông ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với ông: "Saul, Saul, tại sao ngươi bắt bớ Ta?" Ông nói: "Thưa Ngài, Ngài là ai?" Người đáp: "Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ. Nhưng ngươi hãy đứng dậy, vào thành, và người ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì."
“Những người cùng đi với ông dừng lại, sững sờ: họ nghe có tiếng nói, nhưng không trông thấy ai. Ông Saul từ dưới đất đứng dậy, mắt thì mở nhưng không thấy gì. Người ta phải cầm tay dắt ông vào Damascus. Suốt ba ngày, ông không nhìn thấy, cũng chẳng ăn, chẳng uống.” Biến cố này được lặp lại 3 lần trong Sách CVTĐ vì là một biến cố quan trọng không những cho bản thân Saul, mà còn cho tất cả mọi người.
1.2/ Không ai có thể cưỡng lại ý muốn của Thiên Chúa.
(1) Làm sao một người bắt đạo như thế có thể ăn năn trở lại: “Bấy giờ ở Damascus có một môn đệ tên là Hananiah. Trong một thị kiến, Chúa phán với ông: "Hananiah!" Ông thưa: "Dạ, lạy Chúa, con đây." Chúa bảo ông: "Đứng lên, đi tới phố gọi là Phố Thẳng, đến nhà Judah tìm một người tên là Saul quê ở Tarsus: người ấy đang cầu nguyện.” Ông Hananiah thưa: "Lạy Chúa, con đã nghe lắm kẻ nói về người ấy, về tất cả những điều ác người ấy đã làm cho dân thánh Chúa tại Jerusalem. Còn ở đây, người ấy được các thượng tế cho quyền bắt trói tất cả những ai kêu cầu danh Chúa."
(2) Kế họach của Thiên Chúa cho Saul: Nhưng Chúa phán với ông: "Cứ đi, vì người ấy là lợi khí Ta chọn để mang danh Ta đến trước mặt các dân ngoại, các vua chúa và con cái Israel. Thật vậy, chính Ta sẽ chỉ cho người ấy thấy tất cả những đau khổ người ấy phải chịu vì danh Ta."
Ông Hananiah liền đi; ông vào nhà, đặt tay trên ông Saul và nói: "Anh Saul, Chúa đã sai tôi đến đây, Người là Đức Giêsu, Đấng đã hiện ra với anh trên đường anh tới đây. Người sai tôi đến để anh lại thấy được và để anh được đầy Thánh Thần."
Lập tức có những cái gì như vảy bong ra khỏi mắt ông Saul, và ông lại thấy được. Ông đứng dậy và chịu Phép Rửa. Rồi ông ăn và khoẻ lại. Lập tức ông bắt đầu rao giảng Đức Giêsu trong các hội đường rằng Người là Con Thiên Chúa.
Saul đi Damascus với mục đích để bắt các tín hữu; khi ông trở lại Jerusalem là để rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Đấng ông đã không nương tay bắt bớ. Điều này chứng minh: Chẳng có chuyện gì là không thể đối với Thiên Chúa!
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu có thể nuôi dưỡng con người bằng Mình Ngài.
2.1/ Chuyện không thể đối với con người: Người Do-thái có thể hiểu “bánh từ trời xuống,” vì cha ông họ đã từng ăn Manna trong sa mạc; nhưng khi Chúa Giêsu đồng hóa “bánh từ trời xuống” với thịt của Ngài (sárk), họ liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: "Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?"
Chúa Giêsu cắt nghĩa chi tiết hơn: "Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.” Không những chỉ dùng hai danh từ thịt (sárk) và máu (aima), Ngài dùng hai động từ nhai (trogein) và uống (piein), như khi con người ăn và uống lương thực phần xác. Điều này chứng tỏ Chúa Giêsu muốn nói tới nghĩa đen, chứ không còn là nghĩa biểu tượng nữa. Con người qua mọi thời vẫn chối bỏ sự hiện diện sống động và đích thực của Chúa Giêsu qua Bí-tích Thánh Thể: có người cho Bánh đây là Lời Chúa, có người cho sự hiện diện chỉ có tính cách thiêng liêng; đơn giản vì họ cho việc nuôi dưỡng bằng thịt và máu Chúa là điều không thể!
2.2/ Phải ăn Mình Chúa mới có thể sống muôn đời: Chúa Giêsu tiếp tục nhấn mạnh tới sự cần thiết của Bí-tích Thánh Thể: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời." Sự sống Chúa Giêsu muốn đề cập tới ở đây không chỉ là sự sống thể lý (psyche), nhưng là sự sống thần linh và muôn đời (zoe). Điều khác biệt giữa hai lương thực: lương thực phần xác chỉ có thể đem lại sự sống thể lý; nhưng Mình và Máu Chúa sẽ mang lại cho con người sự sống thần linh, và họ sẽ được sống muôn đời.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta đừng bao giờ giới hạn Thiên Chúa vào sự hạn hẹp của con người. Khi nào chưa hiểu những điều Thiên Chúa làm, hãy lấy đức tin bù lại.
- Chúng ta phải luôn tin tưởng Thiên Chúa có thể làm mọi sự. Hãy mau mắn thi hành những gì Ngài truyền; nhất là năng lãnh nhận Bí-tích Thánh Thể.
- Những ai chống lại Thiên Chúa thì cũng giống như người đưa chân đạp mũi nhọn: chân sẽ rách nát chảy máu mà mũi nhọn chẳng hề hấn gì!
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Năm Tuần III PS
Bài đọc: Acts 8:26-40; Jn 6:44-51.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lời Chúa và Bí-tích là hai nguồn sức mạnh chính của con người.
Để một người có thể tin vào Đức Kitô đòi hỏi sự phối hợp của nhiều yếu tố. Về phía con người, họ phải có lòng thành đi tìm sự thật và phải bỏ giờ để học hỏi. Về phía Thiên Chúa, Ngài phải tạo cơ hội cho con người bằng cách gởi tới những người rao giảng Tin Mừng; nhưng quan trọng hơn cả là Thiên Chúa ban Thánh Thần để soi sáng cho con người hiểu và nhận ra sự thật trong Tin Mừng, đồng thời thúc đẩy con người tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô. Nếu không có sự trợ giúp của Thiên Chúa, con người không thể tin vào Đức Kitô.
Các Bài Đọc hôm nay muốn nhấn mạnh đến sự trợ giúp của Thiên Chúa để mọi người có thể tin vào Đức Kitô. Trong Bài Đọc I, nếu Thiên Chúa không gởi Thánh Thần, thiên sứ, và Philip, viên quan Thái Giám Ethiopia không có Phó-tế Philip để cắt nghĩa cho ông những gì trong Sách của ngôn-sứ Isaiah, và ông sẽ không có cơ hội để tin vào Đức Kitô và được chịu Bí-tích Rửa Tội. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu quả quyết: không ai có thể đến được với Ngài, nếu Cha Ngài không “lôi kéo” người ấy. Điều mà Chúa Cha lôi kéo đây là cung cấp cơ hội (nghe Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng), và ban Thánh Thần để thúc đẩy họ tin vào Đức Kitô.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Quan Thái Giám người Ethiopia tin vào Đức Kitô.
1.1/ Thiên Chúa sắp đặt cơ hội cho ông quan trở lại.
(1) Thiên sứ mặc khải cho Philip: Thiên sứ của Chúa nói với ông Philíp: "Đứng lên, đi về hướng Nam, theo con đường từ Jerusalem xuống Gaza; con đường này vắng." Gaza, Ashdod, và Ashkelon là 3 thành phố của Palestine, nằm trên đường ven biển Mediterranean, trước khi xuống Ai-cập và đi qua lục địa Phi-châu. Ít người dám dùng con đường này để đi từ Jerusalem xuống Gaza, vì đường vắng và địa thế gập ghềnh rất khó di chuyển; đa số sẽ dùng con đường từ Jerusalem xuống Joppa, rồi lần theo đường ven biển xuống Gaza.
Khi Philip tới Gaza, ông gặp một viên quan Thái Giám người Ethiopia, ông là quan lớn trong triều của bà Candace, Nữ Hoàng nước Ethiopia. Ông này làm tổng quản kho bạc của bà. Ông đã lên Jerusalem hành hương và bấy giờ đang trên đường về. Ngồi trên xe nhà, ông đọc sách ngôn sứ Isaiah. Viên quan này có lẽ là người trở lại theo Đạo Do-thái, nhưng không phải giữ tất cả mọi Lề Luật. Thần Khí nói với ông Philíp: "Tiến lên, đuổi kịp xe đó."
(2) Philip cắt nghĩa Kinh Thánh cho quan Thái Giám: Ông Philíp vâng lời chạy lên; khi ông nghe thấy ông kia đọc sách ngôn sứ Isaiah, thì hỏi: "Ngài có hiểu điều ngài đọc không?" Ông quan đáp: "Làm sao tôi hiểu được, nếu không có người dẫn giải?" Rồi ông mời ông Philíp lên ngồi với mình.
Đoạn Kinh Thánh ông đang đọc là đoạn trong Bài ca thứ tư về Người Tôi Trung của Thiên Chúa, Isa 53:7-8: “Như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, Người chẳng mở miệng kêu ca. Bởi Người bị hạ xuống, nên bản án của Người đã được huỷ bỏ. Dòng dõi Người, ai sẽ kể lại, vì cuộc sống của Người trên trần gian đã bị chấm dứt.” Viên Thái Giám ngỏ lời với ông Philíp: "Xin ông cho biết: vị ngôn sứ nói thế về ai? Về chính mình hay về một ai khác?" Ông Philíp khởi đầu từ đoạn Kinh Thánh ấy mà loan báo Tin Mừng Đức Giêsu cho ông. Chúa Giêsu là Người Tôi Trung ấy, Ngài chịu đựng đau khổ cho con người, để cứu chuộc con người khỏi chết và cho con người được sống muôn đời. Để được hưởng những đặc quyền này, con người phải tin vào Đức Kitô và chịu Phép Rửa.
1.2/ Philip rửa tội cho quan Thái Giám: Dọc đường, khi các ông tới một chỗ có nước, viên thái giám mới nói: "Sẵn nước đây, có gì ngăn trở tôi chịu phép rửa không?" Ông Philíp đáp: "Nếu ngài tin hết lòng, thì được." Viên thái giám tuyên xưng: "Tôi tin Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa." Ông truyền dừng xe lại. Ông Philíp và viên thái giám cùng xuống chỗ có nước, và ông Philíp làm phép rửa cho ông quan. Khi hai ông lên khỏi nước, Thần Khí Chúa đem ông Philíp đi mất, và viên Thái Giám không còn thấy ông nữa; nhưng ông tiếp tục cuộc hành trình, lòng đầy hoan hỷ. Còn ông Philíp thì người ta gặp thấy ở Ashdod. Ông loan báo Tin Mừng cho mọi thành thị ông đi qua, cho tới khi đến Caesarea.
2/ Phúc Âm: Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.
2.1/ Chúa Giêsu dạy dỗ con người: Ngài tuyên bố: “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết.” Có nhiều người dựa vào câu tuyên bố này để bênh vực chủ thuyết Tiền Định: Tất cả mọi người đã được Thiên Chúa tiền định cho được lên Thiên Đàng hay phải xuống hỏa ngục. Nếu Thiên Chúa lôi kéo ai, người đó mới có thể đến và tin vào Đức Kitô, và được lên Thiên Đàng. Nếu Thiên Chúa không lôi kéo, làm sao một người có thể đến và tin vào Đức Kitô? Hậu quả là người đó sẽ phải sa hỏa ngục, cho dù có muốn lên Thiên Đàng!
Điều quan trọng là phải hiểu hai chữ “lôi kéo.” Bằng cách nào Thiên Chúa “lôi kéo” con người đến với Chúa Giêsu? Thiên Chúa lôi kéo con người đến với Đức Kitô không phải như người ta xỏ mũi để kéo con bò, hay như bộ máy kéo theo các toa xe lửa, nhưng Ngài: (1) Cung cấp cơ hội để con người có thể nghe Lời Chúa và được dạy dỗ, như Chúa Giêsu nói: “Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi.” Lời ngôn sứ mà Chúa đề cập đến ở đây là Isa 54:13 và Jer 31:33. (2) Ban Thánh Thần để Ngài hoạt động bên trong con người, giúp con người nhận ra sự thật, và thúc đẩy con người để mạnh dạn tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô.
2.2/ Chúa Giêsu nuôi dưỡng con người bằng chính Mình Người: Niềm tin vào Đức Kitô không phải chỉ một lúc con người tuyên xưng đức tin và chịu Phép Rửa; nhưng trải dài trong suốt cuộc đời các tín hữu. Để giữ đức tin sống động và trung thành đến cùng, con người cần được nuôi dưỡng như Chúa Giêsu nói với dân chúng: “Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn Manna trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống." Bí-tích Thánh Thể không phải là việc làm cũng được, không làm cũng không sao; nhưng là việc tối quan trọng: Ai không ăn Mình Chúa, sẽ không có nghị lực để chống trả chước cám dỗ của thế gian và ma quỉ, và sẽ khó lòng trung thành với Đức Kitô trọn đời.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Sự trở lại của con người và tin vào Đức Kitô nằm trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa: Ngài cho con người có cơ hội để nghe Tin Mừng, đồng thời cung cấp ơn thánh bên trong để giúp con người nhận ra sự thật và thúc đẩy con người tin vào Đức Kitô.
- Chúa Giêsu vẫn không ngừng dạy dỗ chúng ta qua Lời Chúa, và nuôi dưỡng chúng ta bằng chính mình Ngài qua Bí-tích Thánh Thể. Chúng ta hãy năng chạy đến với hai nguồn sức mạnh chính này để học khôn ngoan và được nuôi dưỡng hằng ngày.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Tư Tuần III PS
Bài đọc: Acts 8:1-8; Jn 6:35-40.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa
Trong Kế Hoạch Cứu Độ, Thiên Chúa muốn cho tất cả mọi người tin vào Đức Kitô để được hưởng Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa. Để mọi người có thể tin vào Đức Kitô, cần có những người nhiệt thành rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Thiên Chúa, như lời thánh Justin nói: “Máu các thánh tử đạo là hạt giống sẽ trổ sinh niềm tin Công-giáo.” Để có người làm chứng, cần có người bách hại. Vì thế, mặc dù Giáo Hội sơ khai còn non nớt, làn sóng bách hại đạo đã bắt đầu. Thiên Chúa để việc bách hại xảy ra để có người làm chứng; và nhờ việc làm chứng, nhiều người sẽ nhận ra và tin vào Chúa Giêsu. Thiên Chúa là người điều khiển và cung cấp sức mạnh cho các tín hữu để họ giúp bành trướng Giáo Hội khắp nơi.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, vì Hội Thánh tại Jerusalem bị bắt bớ dữ dội sau cái chết tử đạo của Phó-tế Stephanô, các môn đệ và các tín hữu phải tản mác về các vùng miền quê của Judah và Samaria để hoạt động. Phó-tế Philip xuống vùng Samaria và thành công trong việc rao giảng Tin Mừng tại đó. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mặc khải long trọng và rõ ràng thánh ý của Thiên Chúa cho con người: Ngài muốn mọi người tin vào Đức Kitô để khỏi phải chết và được sống muôn đời.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Giáo Hội từ Jerusalem lan rộng tới Samaria.
1.1/ Giáo Hội tại Jerusalem bị bắt bớ dữ dội: “Hồi ấy, Hội Thánh tại Jerusalem trải qua một cơn bắt bớ dữ dội. Ngoài các Tông Đồ ra, mọi người đều phải tản mác về các vùng quê miền Judah và Samaria.”
(1) Các Tông-đồ là những người ở lại để trấn thủ: Có hai lý do tại sao các Tông-đồ ở lại Jerusalem: Thứ nhất, các ông là những người can đảm, các ông ở lại để truyền bá Tin Mừng và củng cố Giáo Hội tại Jerusalem, nơi phát sinh Kitô-giáo và giữ một vị trí quan trọng của thế giới. Thứ hai, các ông ở lại để làm gương sáng cho các tín hữu. Là những người lãnh đạo, các ông không thể bỏ đàn chiên Chúa trao để trốn chạy.
(2) Saolô, tên thánh Phaolô trước khi trở lại: Ông là một trong những người nhiệt thành bắt bớ Giáo Hội sơ khai; chẳng những ông tán thành việc giết ông Stephanô, mà ông còn đi đến từng nhà, lôi cả đàn ông lẫn đàn bà đi tống ngục.
1.2/ Giáo hội từ Jerusalem bắt đầu lan tràn ra khắp nơi: Vì vậy, các tín hữu phải tản mác đi khắp nơi loan báo lời Chúa. Phó-tế Philip đi rao giảng Tin Mừng tại Samaria. Sách CVTĐ tường thuật kết quả cuộc rao giảng Tin Mừng của ông như sau: “Đám đông một lòng chú ý đến những điều ông Philíp giảng, bởi được nghe đồn và được chứng kiến những dấu lạ ông làm. Thật vậy, các thần ô uế vừa kêu lớn tiếng vừa xuất khỏi nhiều người trong số những kẻ bị chúng ám. Nhiều người tê bại và tàn tật được chữa lành. Trong thành, người ta rất vui mừng.”
Mấy điều cần lưu ý: ông không phải là một trong số 12 Tông-đồ, ông là một trong 7 Phó-tế với Stephanô. Philip cũng được ban sự khôn ngoan và uy quyền làm phép lạ. Điều này chứng minh sự khôn ngoan và uy quyền làm phép lạ không phải chỉ ban cho các Tông-đồ mả thôi.
Chúa Giêsu rất ít khi rao giảng cho các vùng Samaria và Dân Ngoại, lý do như Chúa nói: “Thầy chỉ được sai đến với các chiên lạc nhà Israel.” Tuy những người Samaria bị ghét bỏ và không được giao thiệp với người Do-thái, nhưng họ lại được cảm tình đặc biệt của Chúa Giêsu. Điều này được chứng minh qua các trình thuật của Tin Mừng:
(1) Câu truyện đàm thoại giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ xứ Samaria kết thúc bằng việc Bà loan báo cho mọi dân trong làng ra gặp Chúa (Jn 4).
(2) Trong Tin Mừng Luca, người Samaritan nhân hậu là người được Chúa Giêsu khen, vì ông đã hết lòng giúp đỡ người gặp nạn trên đường từ Jerusalem xuống Jericho (Lk 10:30-36).
(3) Một người cùi trong số 10 người được khỏi bệnh trở lại cám ơn Chúa, cũng là người Samaria (Lk 17:11).
Dân nghèo chất phác quê mùa là những người hăng hái đón nhận Tin Mừng; trong khi những người đã biết Chúa và biết Kinh Thánh lâu năm không những làm ngơ, lại còn đấu tố những người rao giảng Tin Mừng.
2/ Phúc Âm: Ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời.
2.1/ Chúa Giêsu là Bánh Trường Sinh: Đức Giêsu bảo họ: "Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ! Nhưng tôi đã bảo các ông: các ông đã thấy tôi mà không tin.”
Khi Chúa Giêsu nhập thể và loan báo Tin Mừng cho người Do-thái, họ bị đặt trong tình trạng buộc phải lựa chọn một trong hai điều: tin hay không tin vào Ngài. Nếu họ chọn để tin vào Ngài, họ sẽ đạt được cuộc sống muôn đời. Nếu họ chọn không tin vào Ngài, họ sẽ không đạt được cuộc sống muôn đời.
Bằng sự tự do lựa chọn tin hay không tin nơi Chúa Giêsu, con người tự phán xét lấy mình; vì Thiên Chúa không sai Người Con của Ngài đến luận phạt thế gian, nhưng là để cứu thế gian (Jn 3:16-21). Chúa Giêsu mở rộng vòng tay để đón mọi người: “Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi.” Không có sự tiền định cho ai phải lên thiên đàng hay phải xuống hỏa ngục trong Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa.
2.2/ Chúa Giêsu mặc khải thánh ý của Thiên Chúa cho mọi người: “Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết."
Theo Kế Họach của Thiên Chúa, Ngài muốn cho mọi người được cứu độ, và Máu Thánh của Chúa Giêsu đổ ra là cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, nói như thánh Augustinô, để cứu độ con người, Chúa cần sự cộng tác của cá nhân đó bằng cách đòi họ phải tin vào Đức Kitô.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúa Giêsu đã được Chúa Cha sai đến để thi hành Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa. Ngài đã chết và sống lại để hoàn thành Kế Hoạch của Thiên Chúa. Vì thế, mọi người đều có thể được cứu độ nếu họ tin vào Chúa Giêsu.
- Để mọi người tin vào Chúa Giêsu, cần có những người đi rao giảng Tin Mừng và dám làm chứng cho Ngài.
- Tất cả chúng ta có đức tin vì đã được nghe những nhà truyền giáo rao giảng Tin Mừng và hưởng ơn phúc của những chứng nhân đã đổ máu làm chứng cho Chúa. Chúng ta có bổn phận phải tiếp tục loan truyền Tin Mừng và trở thành những chứng nhân, để mọi người nhận biết và tin vào Đức Kitô.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- 21/4 Người môn đệ họa lại cuộc đời của Thầy mình
- 20/4 Hãy tin vào Đấng mà Thiên Chúa sai đến
- Ý Định và Đường Lối của Thiên Chúa
- 19/4 Đức Kitô sống lại nằm trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa
- 18/4 Làm sao để giải quyết các khó khăn trong cuộc đời?
- 17/4 Nếu quả thật là việc do Thiên Chúa, quý vị không thể nào phá huỷ được
- 16/4 Con người cần khiêm nhường nhận ra và chấp nhận uy quyền của Thiên Chúa
- 15/4 Con người ghét ánh sáng vì các việc làm của họ mờ ám
- 14/4 Thánh Thần hoạt động trong mỗi cá nhân và trong cộng đoàn
- Thần Khí Là Quà Tặng Của Chúa Ki-Tô Phục Sinh