Sống Lời Chúa Hôm Nay
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Ba Tuần 12 TN1, Năm lẻ
Bài đọc: Gen 13:5-18; Mt 7:6, 12-14.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chọn đường khó khăn và hẹp để đi.
Phần đông con người thích chọn lựa đường bằng phẳng và ngắn nhất để đi, cách nào ít đòi cố gắng nhất để làm, việc nào dễ dàng nhất nhưng có tiền nhiều nhất. Thực tế chứng minh, người thành công là người phải chọn lựa ngược lại, như chí sĩ Nguyễn Thái Học đã nói: "Nếu đường đời bằng phẳng cả; anh hùng hào kiệt có hơn ai?" Vài ví dụ cho chúng ta thấy điều này: Các lực sĩ trước khi đoạt huy chương vàng, họ phải hy sinh luyện tập nhiều giờ và kiêng khem ăn uống. Binh lính phải luyện tập nhiều giờ, vì họ tin: ''thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu.''
Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta lời dạy quí giá của Chúa Giêsu và gương chọn lựa con đường khó đi của tổ phụ Abraham. Trong Bài Đọc I, vì muốn bảo vệ tình nghĩa gia đình, tổ-phụ Abraham đề nghị với cháu là ông Lot, phải sống xa nhau; và cho cháu quyền ưu tiên chọn đất trước. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy các môn đệ: "Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy."
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chúng ta đừng tranh chấp, vì chúng ta là anh em họ hàng với nhau!
1.1/ Sự giàu có dễ làm con người tranh chấp với nhau: Giàu có dễ làm thay đổi tâm tính con người. Khi nghèo đói, con người dễ sống đùm bọc với nhau; nhưng khi trở nên giàu có, con người bắt đầu thay đổi cách sống, và dễ dàng tranh chấp để dành thắng lợi. Thuở còn hàn vi, đôi bạn kết nghĩa uống máu để thề sẽ coi nhau như anh em suốt đời; nhưng khi một hay cả hai trở nên giàu có, tình bạn bắt đầu đổi khác. Tục ngữ Việt-nam có câu: giàu đổi vợ, sang đổi bạn là thế.
Hai cậu cháu Abram và Lot cũng thế: Khi họ còn nghèo, hai cậu cháu luôn sống gắn bó với nhau; nhưng khi tài sản lớn dần, họ bắt đầu sự tranh cấp từ những người đầy tớ, như trình thuật hôm nay kể: ''Ông Lót, người cùng đi với ông Abram, cũng có chiên bò và những chiếc lều. Đất ấy không đủ chỗ cho họ ở chung: họ có quá nhiều tài sản nên không thể ở chung với nhau được. Một cuộc tranh chấp xảy ra giữa những người chăn súc vật của ông Abram và những người chăn súc vật của ông Lót.''
1.2/ Cách giải quyết bằng tình nghĩa của Abram: Nhận ra mối nguy hiểm của việc tranh chấp, Abram biết đã đến lúc hai cậu cháu phải sống xa nhau để bảo toàn tình nghĩa, nên ông Abram bảo ông Lót: "Sao cho đừng có chuyện tranh chấp giữa bác và cháu, giữa người chăn súc vật của bác và người chăn súc vật của cháu. Vì chúng ta là anh em họ hàng với nhau!''
Không dùng uy quyền của kẻ cả, ông Abram rộng lượng, để cho cháu chọn trước: ''Tất cả xứ chẳng ở trước mặt cháu đó sao? Cháu hãy xa bác đi. Nếu cháu đi về bên trái thì bác sẽ đi về bên phải; nếu cháu đi về bên phải thì bác sẽ đi về bên trái." Con người tranh chấp vì ai cũng muốn cho mình được phần hơn; nhưng người kính sợ Thiên Chúa sẽ không cần tranh chấp, vì ông biết Thiên Chúa sẽ luôn luôn chúc lành cho ông: Có phúc mặc sức mà ăn là thế.
(1) Lựa chọn của ông Lót: ''Ông Lót ngước mắt lên và nhìn cả vùng sông Jordan: chỗ nào cũng có nước. Trước khi Đức Chúa tiêu diệt thành Sodom và thành Gomorrah, thì vùng đó, cho đến tận Zoar, giống như vườn của Đức Chúa, giống như đất Ai-cập. Ông Lót chọn cho mình cả vùng sông Jordan và đi về hướng đông. Thế là họ xa nhau.'' Ông Lót rất khôn khi chọn chỗ có nước; vì làm nghề chăn nuôi nên ông cần cỏ: không có nước làm sao có cỏ! Còn ông Abram ở đất Canaan, vùng đất chảy sữa và mật.
(2) Thiên Chúa ban Đất Hứa Canaan và chúc lành cho Abram và giòng dõi của ông: Đức Chúa phán với ông Abram sau khi ông Lót xa ông: "Ngước mắt lên, từ chỗ ngươi đang đứng, hãy nhìn về phía bắc, phía nam, phía đông, phía tây, vì tất cả miền đất ngươi đang thấy đó, Ta sẽ ban cho ngươi và cho dòng dõi ngươi mãi mãi. Ta sẽ làm cho dòng dõi ngươi nhiều như bụi trên mặt đất; nếu người ta đếm được bụi trên mặt đất, thì mới đếm được dòng dõi ngươi! Đứng lên! Hãy đi ngang dọc khắp miền đất này, vì Ta sẽ ban nó cho ngươi."
2/ Phúc Âm: Cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong.
2.1/ Phải hiểu thì mới biết quí trọng Lời Chúa: Để dẫn chứng sự cao quí của Lời Chúa, Chúa Giêsu đưa ra 2 hình ảnh cho các môn đệ suy nghĩ: "Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em.'' Có nhiều cách phiên dịch và áp dụng câu này trong lịch sử:
(1) Các tín hữu Do-thái quá khích dùng câu này để loại trừ Dân Ngoại. Họ nghĩ chỉ có họ mới xứng đáng được hưởng những của thánh, và Dân Ngoại bị so sánh với chó và heo.
(2) Giáo Hội sơ khai dùng câu này để bảo vệ Mình Thánh Chúa. Khẩu hiệu "của thánh dành cho người thánh" được dùng để ngăn cản những người không cùng niềm tin đến lãnh nhận Mình Thánh Chúa.
(3) Giáo Hội sơ khai cũng dùng lời này để bảo vệ Lời Chúa và đức tin Công Giáo, vì luôn có những lạc thuyết nổi lên đe dọa đức tin hay muốn thích ứng với những trào lưu hiện hành. Nói tóm, các tín hữu cần phải học hỏi để hiểu, thì mới biết quí trọng Lời Chúa.
2.2/ Hai ví dụ của việc sống Lời Chúa
(1) Luật Vàng của nhân loại còn kém xa Lời Chúa: Luật Vàng dạy: "Điều gì mình không muốn người khác làm cho mình, mình đừng làm cho người khác." Luật này chỉ tiêu cực, vì nó ngăn cản không cho tội xảy ra; nhưng không giúp con người phát triển vác mối liên hệ với tha nhân. Chúa Giêsu đẩy các môn đệ đến một bước tiến xa hơn: "Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Moses và lời các ngôn sứ là thế đó.'' Đây là luật tích cực, vì nó giúp xây dựng và phát triển các mối liên hệ.
(2) Con người thích đường rộng rãi thênh thang, Chúa Giêsu dạy: "Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.''
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Sống xứng đáng như những con cái Thiên Chúa không dễ dàng. Ngài đòi chúng ta phải yêu mến Ngài hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, và trên hết mọi sự. Đồng thời, chúng ta cũng phải yêu thương tha nhân như yêu chính mình nữa.
- Con đường trở nên người môn đệ thực sự của Đức Kitô không phải là con đường dễ dàng như nhiều người lầm tưởng. Ngài đòi chúng ta phải biết từ bỏ ý riêng mình, vác thập giá của mình hằng ngày và theo Ngài.
- Để đáp ứng ơn gọi làm con cái Thiên Chúa và môn đệ của Đức Kitô, chúng ta phải hy sinh để sống theo các giới răn; nhưng chúng ta sẽ làm chủ cuộc đời và sẽ đạt được đích mà chúng ta mong muốn.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Hai Tuần 12 TN, Năm B
Bài đọc: Gen 12:1-9; Mt 7:1-5.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Không xét đoán tha nhân và tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa.
Con người thích xét đoán vì nó là dịp để đề cao mình và giảm danh giá tha nhân. Không những xét đoán tha nhân, nhiều người còn nghi ngờ quyền năng Thiên Chúa và xét đoán luôn cả sự quan phòng của Ngài, khi họ chất vấn hay than phiền những đau khổ Thiên Chúa bắt họ phải chịu. Con người xét đoán không năng xét mình; vì thế, họ thấy họ tốt lành và dễ xét đóan tha nhân; nhưng nếu họ chịu khó xét mình, họ sẽ thấy họ mang đầy những khuyết điểm, và không dám xét đoán tha nhân. Con người dễ xét đoán, vì họ nghĩ chẳng có ai rỗi hơi kiểm điểm những lời xét đoán của họ; nhưng nếu họ biết Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự, họ sẽ cẩn thận hơn khi phải xét đoán tha nhân.
Các Bài Đọc hôm nay dạy chúng ta hai bài học rất quan trọng trong cuộc đời. Trong Bài Đọc I, tổ-phụ Abram nêu gương sáng cho chúng ta phải tuyệt đối tin tưởng vào những gì Thiên Chúa dạy. Khi được Thiên Chúa truyền: "Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi;'' tổ phụ Abram tin tưởng lên đường ngay, vì ông hoàn toàn tin tưởng nơi Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy con người tuyệt đối không được đoán xét để khỏi bị đoán xét; vì con người không toàn thiện để đoán xét người khác.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Abram tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa.
1.1/ Abram can đảm vâng lời lên đường để xây đắp tương lai:
(1) Lời hứa của Thiên Chúa với Tổ-phụ Abraham: Đức Chúa phán với ông Abram: "Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành. Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi; Ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa. Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc." Đây là lời hứa khơi mào Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, và sẽ được hoàn thành bởi Đức Kitô. Lời hứa này đòi thời gian 2,000 năm để hoàn thành.
(2) Thái độ tin tưởng và hành động vâng lời của Abram: Không chút do dự về tương lai vô định, Abram ra đi, như Đức Chúa đã phán với ông. Ông Abram được bảy mươi lăm (75) tuổi khi ông rời Haran. Ông Abram đem theo vợ là bà Sarai, cháu là ông Lót, và mọi tài sản họ đã gầy dựng được, cùng với gia nhân họ đã có tại Haran. Họ ra đi về phía đất Canaan và đã tới đất đó. Có rất nhiều lý do ngăn cản Abram đừng làm theo ý Chúa: tuổi già, sức khỏe, họ hàng, tương lai vô định ... nhưng một điều duy nhất giúp Abram vượt qua mọi trở ngại là niềm tin của ông vào Thiên Chúa. Ông tin: những gì Thiên Chúa hứa, Ngài sẽ làm.
1.2/ Thiên Chúa ban Đất Hứa cho giòng dõi của Abram: Đức Chúa hiện ra với ông Abram và phán: "Ta sẽ ban đất này cho giòng dõi ngươi." Đất mà Thiên Chúa hứa ban là Đất Hứa nơi mà các người Canaan đang cư ngụ. Đất Hứa này chỉ thực sự là của giòng dõi ông, khi họ xuất hành ra khỏi Ai-cập, và Thủ-lãnh Joshua lãnh đạo họ đánh bại người Canaan, và phân phối Đất Hứa cho 12 chi tộc của Israel; lúc đó, Abram không còn sống trên trần gian!
Dẫu vậy, Abram cũng vẫn đo lường giải đất mà con cháu ông sẽ làm chủ sau này: ''Tại Shechem, ông dựng một bàn thờ để kính Đức Chúa, Đấng đã hiện ra với ông. Từ chỗ ấy, ông sang miền núi, ở phía đông Bethel. Ông cắm lều giữa Bethel ở phía tây và Ai ở phía đông. Tại đây ông dựng một bàn thờ để kính Đức Chúa và ông kêu cầu danh Đức Chúa. Rồi ông đi từ chặng nọ qua chặng kia đến miền Negeb.''
2/ Phúc Âm: Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán.
2.1/ Tuyệt đối không xét đoán: Chúa Giêsu truyền: "Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy.'' Có ít nhất 3 lý do ngăn cấm con người xét đoán tha nhân:
(1) Con người không biết hết hoàn cảnh và các dữ kiện liên quan: Con người dễ phê phán tha nhân vì họ nhìn từ bên ngoài; nhưng để phê phán đúng, họ phải đặt mình vào bên trong để hiểu hòan cảnh của đương sự. Ví dụ, một người nghèo đói phải ăn cắp để có của ăn nuôi sống là điều hợp lý phải làm; chứ không phải trường hợp ăn cắp nào cũng xấu. Tục ngữ Việt-nam có câu: "Có ở trong chăn mời biết chăn có rận." Hay trong truyện Kiều của Nguyễn Du có câu: "Đoạn trường ai có qua cầu mới hay." Nàng Kiều phải bán mình để chuộc cha để trả ơn sinh thành nuôi dưỡng là điều một người con hiếu thảo phải làm, chứ không phải trường hợp mãi dâm nào cũng bị kết án.
(2) Con người bị chi phối bởi rất nhiều thành kiến: ngôn ngữ, chủng tộc, màu da, giai cấp, liên hệ, quyền lợi ... Một khi đã có những thành kiến, rất khó để con người phán đoán cách chí công vô tư. Người Hy-lạp có thói quen phân xử nạn nhân trong phòng tối để tránh thành kiến; nhưng cả hai bên vẫn có thể nghe tiếng nói của nhau và đoán được nguồn gốc của nhau.
(3) Con người không sạch hoàn toàn để phán xét: Trong câu truyện "Người phụ nữ ngoại tình" của Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu thách thức những người đòi kết án và ném đá người phụ nữ: "Ai trong các ông sạch tội, hãy quăng viên đá trước." Và họ dần dần rút lui đến khi chỉ còn mình Chúa Giêsu, Đấng có quyền phán xét mọi người vì Ngài không bao giờ phạm tội. Nhưng Ngài nói với chị: "Tôi cũng vậy, tôi không phán xét chị. Thôi! chị về đi và từ nay đừng phạm tội nữa" (Jn 8:12).
Có những trường hợp con người buộc phải xét xử như: bề trên, quan tòa, cha mẹ ... Trong những trường hợp buộc phải xét xử, hãy xét xử cách rộng lượng, phải có đầy đủ các dữ kiện, và theo sự hướng dẫn của Thánh Thần, vì theo Lời Chúa cảnh cáo: "Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em."
2.2/ Hãy kiểm điểm mình trước: Một trong những cách giúp con người đừng đóan xét tha nhân là năng kiểm điểm bản thân mình. Khi con người thành thật với chính mình, họ tìm ra trong người họ cũng đầy dẫy những tính hư, nết xấu, nhiều khi còn to lớn hơn của tha nhân gấp bội. Nhận ra bản thân như thế, họ sẽ dễ dàng thông cảm và không đoán xét tha nhân. Ngược lại, khi con người không năng xét mình, họ dễ dàng đoán xét tha nhân, vì họ nghĩ họ sạch tội. Chúa Giêsu đưa ra một ví dụ để cảnh cáo hạng người này: ''Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại nói với người anh em: ''Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn," trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em.''
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa, và đừng bao giờ xét đoán sự quan phòng của Ngài.
- Chúng ta cần tập thói quen tuyệt đối không xét đoán tha nhân, vì đó không phải là việc của chúng ta. Trường hợp vì bổn phận phải xét xử, hãy theo sự hướng dẫn của Thánh Thần, có tất cả các bằng chứng liên quan, hiểu hoàn cảnh của đương sự, và phán xét cách rộng lượng.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Chúa Nhật 12 Thường Niên, Năm B
Bài đọc: Job 38:1, 8-11; 2 Cor 5:14-17; Mk 4:35-41.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa có uy quyền trên sóng gió.
Con người đã tiến bộ rất nhanh vế các nghành hàng không (máy bay, phi thuyền, vệ tinh nhân tạo), hàng hải (tàu ngầm, chiến hạm, thương thuyền, du thuyền), đường bộ (xe hơi, điện tử ...); nhưng khi phải đương đầu với núi lửa, động đất, bão táp, hay sóng gió: con người phải bó tay đầu hàng. Dù con người biết sáng chế ra những dụng cụ để biết trước khi nào các thiên tai xảy ra và cường độ mạnh thế nào; nhưng con người vẫn không tìm ra cách ngăn cản để những thiên tai đừng xảy ra.
Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng uy quyền của Thiên Chúa trên gió bão và biển cả. Trong Bài Đọc I, ông Gióp trăn trở với câu hỏi tại sao người lành như ông phải chịu đau khổ, nên đã muốn có được câu trả lời từ Thiên Chúa. Để trả lời ông, Thiên Chúa muốn ông suy nghĩ về uy quyền Thiên Chúa trên gió bão và biển cả. Đây mới chỉ là một ví dụ trong muôn ngàn ví dụ dẫn chứng uy quyền về sự quan phòng của Thiên Chúa mà trí óc con người không sao hiêu được. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô cho chúng ta một điều vĩ đại con người không thể hiểu được là tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người qua Đức Kitô. Tình yêu này có sức biến đổi con người thành những tạo vật mới để có thể đáp ứng những đòi hỏi của Thiên Chúa mà sức riêng con người không thể đáp ứng. Trong Phúc Âm, Các môn đệ kinh ngạc đến độ sững sờ, vì họ không thể nào ngờ chỉ một lời truyền của Chúa Giêsu mà trận cuồng phong dữ dội của biển cả phải im lặng như tờ. Chúa Giêsu nhắc nhở cho họ biết: họ cần có một đức tin vững mạnh trong những cơn phong ba bão táp như vậy.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Con người không nên thử thách sự quan phòng của Thiên Chúa.
1.1/ Ông Gióp không hiểu tại sao người lành phải đau khổ: Sách Gióp được viết vào khoảng thế kỷ 2-3 BC. Trong khoảng thời gian này, con người vẫn chưa có ý niệm rõ ràng về cuộc sống đời sau như chúng ta hiện giờ. Vì thế, tất cả những gì con người mong ước tập trung vào hạnh phúc đời này: giàu có, sống lâu, khỏe mạnh, con đàn cháu đống ... Ông Gióp là một người công chính, biết kính sợ Thiên Chúa và luôn ăn ngay ở lành; thế mà Satan, được phép của Thiên Chúa, lấy đi hết những gì ông sở hữu: giàu có, sức khỏe, các con cháu. Mục đích của Satan là để chứng minh cho Thiên Chúa biết ông Gióp kính sợ Thiên Chúa là vì Ngài che chở và chúc phúc cho ông; trong khi Thiên Chúa nghĩ ngược lại, ông Gióp kính mến Ngài thật tình, và đây là cơ hội để thử đức tin của ông. Phần ông Gióp, ông hoàn toàn không biết ý định của Thiên Chúa và Satan. Giống như người đương thời, ông không thể hiểu nổi tại sao người lành phải đau khổ và tại sao cần thử luyện đức tin. Các bạn ông cố gắng thuyết phục ông lý do ông phải đau khổ là tại tội lỗi của ông hay tội của tổ tiên, cha mẹ, và những người trong gia đình. Ông Gióp từ chối lý luận này vì ông xét thấy mình không có tội chi cả, và ông ước ao nhận được câu trả lời xác đáng từ Thiên Chúa.
1.2/ Thiên Chúa trả lời ông Gióp: Một ví dụ Thiên Chúa đưa ra để giúp ông Gióp phải suy nghĩ là uy quyền của Ngài trên biển cả và bão táp, mà con người hằng sợ hãi và đầu hàng. Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, Ngài định liệu những điều sau đây cho biển cả:
(1) Định lượng nước vừa đủ cho biển cả sông ngòi: Bấy giờ, giữa cơn bão táp, Đức Chúa lên tiếng trả lời ông Gióp như sau: "Cửa đại dương, ai ra tay khép lại khi nước tuôn trào từ đáy vực sâu?" Nếu lượng nước dâng cao quá, nó sẽ gây thiệt hại kinh khủng cho con người. Lụt Hồng Thủy là một ví dụ điển hình. Tác giả Thánh Vịnh 33:7 suy gẫm về điều này đã phải thốt lên: "Nước trời cao Chúa định cho có chốn. Người đem biển cả trữ vào kho."
(2) Định bốn mùa thay đổi nối tiếp nhau: ''Khi Ta giăng mây làm áo nó mặc, phủ sương mù làm tã che thân?'' Trong kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa, nắng mưa phải điều hòa. Khi trời nắng quá, đất đai sẽ khô cằn không thể trồng cấy và mang lại của ăn cho con người, hậu quả là dân chúng sẽ bị đói khát. Khi trời mưa nhiều quá hay lạnh quá, sẽ gây ngập lụt và phá hủy mùa màng, hậu quả là dân chúng cũng sẽ bị đói khát và chết chóc.
(3) Vạch ranh giới cho biển cả: ''Đường ranh giới của nó, chính Ta vạch sẵn, lại đặt vào nơi cửa đóng then cài; rồi Ta phán: "Ngươi chỉ tới đây thôi, chứ không được tiến xa hơn nữa, đây là nơi các đợt sóng cao phải vỡ tan tành!"'' Khi dạo chơi ngoài bãi biển, chúng ta phải ngạc nhiên vì ranh giới của biển. Mặc dù thủy triều lên xuống khác nhau, nhưng những đợt sóng ngoài khơi vào cũng chỉ trong giời hạn của nó. Khi những đợt sóng dâng quá giới hạn, chúng sẽ gây thiệt hại ghê gớm cho con người.
2/ Bài đọc II: Phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới.
2.1/ Tình yêu Thiên Chúa được biểu lộ qua Đức Kitô: Trong lãnh vực tình yêu, sự quan phòng của Thiên Chúa còn cao vời bao la hơn nữa. Đức Kitô nói về tình yêu Thiên Chúa như sau: ''Thiên Chúa đã quá yêu thế gian đến nỗi ban Con Một Người'' (Jn 3:16). Con người không thể hiểu nổi tại sao Thiên Chúa thương con người đến nỗi ban Người Con Một để chết thay cho con người. Tại sao một Thiên Chúa uy quyền không dùng sức mạnh vinh quang, lại chọn con đường qua Thập Giá để cứu độ con người?
Khi con người cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa, họ muốn làm mọi cách để đáp trả tình yêu này, ngay cả chấp nhận cái chết, như Phaolô kinh nghiệm: ''Tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi, vì chúng tôi nghĩ rằng: nếu một người đã chết thay cho mọi người, thì mọi người đều chết.'' Phaolô ý thức rõ ràng, con người phải chết cho tội để sống cho Thiên Chúa. Khi dìm mình trong Nước Rửa Tội, con người muốn lột bỏ con người cũ cùng với mọi xấu xa tội lỗi; để khi trồi lên khỏi mặt nước, con người mặc lấy con người mới là Đức Kitô, với đầy đủ nhân đức và tình yêu. Vì thế, con người có sức mạnh để sống như Ngài: "Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình." Nếu con người chung phần trong sự đau khổ với Đức Kitô, con người cũng được chung phần với sự sống và vinh quang của Ngài.
2.2/ Tình yêu của Đức Kitô có sức mạnh biến đổi con người thành tạo vật mới: Kinh nghiệm của thánh Phaolô về sự thay đổi đột ngột khi con người sở hữu Đức Kitô, đã thúc đẩy Ngài viết lên những lời sau: ''Vì thế, từ đây chúng tôi không còn biết một ai theo quan điểm loài người. Và cho dù chúng tôi đã được biết Đức Kitô theo quan điểm loài người, thì giờ đây chúng tôi không còn biết Người như vậy nữa.''
- Thánh Phaolô đã từng biết Đức Kitô theo quan điểm của loài người: một người xúi giục dân chúng vi phạm Lề Luật và đi ngược lại với truyền thống của tổ tiên. Đó là lý do tại sao ông nhiệt thành bắt bớ các tín hữu để trừng phạt và bỏ tù.
- Khi nhận được mặc khải bởi Đức Kitô trên đường đi Damascus, ông trở thành một tạo vật mới và làm những hành động hoàn toàn ngược lại. Từ giờ đó, ông trở thành một người hăng say rao giảng Đức Kitô cho mọi người, mặc dù phải chịu đựng bắt bớ và gian khổ trăm chiều.
Phaolô xác tín: ''Cho nên, phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi.'' Khi con người thấm nhuần đạo lý và tình yêu của Đức Kitô, họ trở thành người rao truyền tình yêu Thiên Chúa, và đối xử với tha nhân như những con cái của Thiên Chúa, và như những người anh/chị/em của Đức Kitô.
3/ Phúc Âm: Người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?
3.1/ Khi con người phải đương đầu với cuồng phong bão táp của biển cả: Phản ứng đầu tiên là con người sợ hãi vì nó đe dọa mạng sống con người. Trong quá khứ, nhiều dân chài đã thờ các thần sông, thần biển, để hộ phù họ khỏi sóng gió bão táp khi ra khơi đánh cá.
(1) Phản ứng của các môn đệ: Khi một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: "Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?"
(2) Phản ứng của Chúa Giêsu: Trái với phản ứng sợ hãi của các tông-đồ, Đức Giêsu đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các tông-đồ không thể nào ngờ sóng gió to lớn như thế mà Chúa Giêsu có thể an giấc ngủ được, nên các ông đánh thức Ngài dậy. Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển chỉ với hai câu ngắn ngủi: "Im đi! Câm đi!" Gió liền tắt, và biển lặng như tờ.
Các tông đồ còn đang ngạc nhiên thì Người bảo các ông: "Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?" Chúa Giêsu luôn nhắc nhở các ông phải có lòng tin để dẹp bỏ các nghi ngờ; khi một người có lòng tin tưởng, họ sẽ không còn sợ hãi. Các ông đang có Thiên Chúa uy quyền ở với mình, còn lo chi nữa? Nhưng các ông vẫn chưa hoàn toàn tin vào Ngài, nên các ông hoảng sợ và nói với nhau: "Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?"
3.2/ Khi con người phải đương đầu với sợ hãi, sóng gió, và lo âu của biển đời: Rất nhiều tác giả đã ví cuộc đời con người như chiếc thuyền lênh đênh trên biển cả, và sóng gió bão táp như những nghịch cảnh mà con người phải đương đầu với như: chiến tranh, thiên tai, bệnh tật, đói khát, chia ly, bắt bớ, hiểu lầm. Làm sao con người có sức mạnh để đương đầu với những phong ba bão táp của biển đời?
Trước tiên chúng ta cần có một thái độ tin tưởng vững mạnh vào Thiên Chúa, vì Ngài đã từng căn dặn các môn đệ: "Can đảm lên, đừng sợ, vì Thầy đã thắng thế gian." Không có một quyền lực nào của ma quỉ hay của thế gian có thể chiến thắng nổi quyền lực của Thiên Chúa. Thứ đến, chúng ta phải trông cậy hoàn toàn vào sự yêu thương và quan phòng của Thiên Chúa. Ngài biết tất cả những gì chúng ta đang quan tâm, lo lắng; và như người Cha, Ngài sẽ lo liệu và ban những ơn cần thiết cho chúng ta, cho gia đình, và cho những người chúng ta cầu nguyện cho. Chỉ có một điều chúng ta cần làm là kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, và yêu thương tha nhân như yêu chính mình. Phần còn lại, Chúa sẽ lo liệu.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa có uy quyền trên mọi quyền lực của ma quỉ và thế gian; vì thế, chúng ta phải tuyệt đối tin tưởng vào sự quan phòng thương yêu của Ngài.
- Đức Kitô là sự khác biệt trong cuộc đời. Nếu chúng ta mặc lấy Đức Kitô, Ngài sẽ biến đổi chúng ta thành tạo vật hoàn toàn mới, có khả năng làm những điều quá giới hạn con người.
- Khi phải đương đầu với phong ba bão táp của biển cả cũng như biển đời, chúng ta cần có một đức tin vững mạnh nơi Thiên Chúa và một niềm cậy trông không lay chuyển nơi tình yêu của Ngài.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
SÓNG GIÓ CUỘC ĐỜI
CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN NĂM B (21/06/2015)
[G 38,1.811; 2 Cr 5,1417; Mc 4,3541]
I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Không tuần nào mở mail mà tôi không nhận được một tin buồn về một người nào đó
vừa qua đời. Một người qua đời khiến nhiều người khổ đau. Cuộc sống là thế!
Thật vậy, mấy ai trong chúng ta có được một cuộc sống hoàn toàn phẳng lặng,
không gặp khó khăn trở ngại gì đáng kể, không bị phong ba bão táp cách này cách
khác. Dường như thân phận con người gắn liền với khổ đau, bệnh tật, tai ương, trắc
trở. Muốn tránh cũng không khỏi, muốn chạy cũng không thoát! Có lẽ vì thế mà
cuộc đời này được xem là "bể khổ"!
Nhưng điều quan trọng là giữa sóng gió cuộc đời, chúng ta phải ứng xử và đối phó
như thế nào? chúng ta có thể cậy dựa vào đâu? chạy đến với ai? Đó mới là phao cứu
sinh cho người trần thế chúng ta!
Các bài Thánh Kinh hôm nay đưa ra cho chúng ta một gợi ý: người mà chúng ta có
thể tin tưởng, chạy đến và kêu cứu là Thiên Chúa, là Chúa Giêsu Kitô là Đấng vừa
có quyền năng vừa dạt dào tình yêu thương! Chúng ta hãy đọc và suy niệm ba bài
Thánh Kinh hôm nay để củng cố long tin tưởng cậy trông vững vàng trong mọi gian
nan thử thách của cuộc đời.
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Trong bài đọc 1 (G 38,1.811): Đây là nơi các dợt sóng cao phải vỡ tan tành.
1 Bấy giờ, giữa cơn bão táp, Đức Chúa lên tiếng trả lời ông Gióp như sau: 8 Cửa đại
dương, ai ra tay khép lại khi nước tuôn trào từ đáy vực sâu, 9 khi Ta giăng mây làm
áo nó mặc, phủ sương mù làm tã che thân? 10 Đường ranh giới của nó, chính Ta vạch
sẵn, lại đặt vào nơi cửa đóng then cài; 11 rồi Ta phán: "Ngươi chỉ tới đây thôi, chứ
không được tiến xa hơn nữa, đây là nơi các đợt sóng cao phải vỡ tan tành! "
2.2 Trong bài đọc 2 (2 Cr 5,1417): Cái cũ đã qua, cái mới đã có đây rồi.
14 Thưa anh em, tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi, vì chúng tôi nghĩ rằng: nếu
một người đã chết thay cho mọi người, thì mọi người đều chết.15 Đức Kitô đã chết
thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà
sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình. 16 Vì thế, từ đây chúng tôi không còn
biết một ai theo quan điểm loài người. Và cho dù chúng tôi đã được biết Đức Kitô
theo quan điểm loài người, thì giờ đây chúng tôi không còn biết Người như vậy
nữa.17 Cho nên, phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái
mới đã có đây rồi.
2.3 Trong bài Tin Mừng ( Mc 4,3541): Đức Giêsu dẹp sóng gió
35 Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giêsu nói với các môn đệ: "Chúng ta sang bờ bên
kia đi!" 36 Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên
thuyền; có những thuyền khác cùng theo Người. 37 Và một trận cuồng phong nổi lên,
sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. 38 Trong khi đó, Đức Giêsu đang ở
đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói:
"Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao? " 39 Người thức dậy, ngăm
đe gió, và truyền cho biển: "Im đi! Câm đi! " Gió liền tắt, và biển lặng như tờ. 40 Rồi
Người bảo các ông: "Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?" 41 Các ông hoảng sợ và nói với nhau: "Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng
tuân lệnh? "
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG & SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA
BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân dung hay dung mạo Thiên Chúa:
1o) Trong bài đọc 1 (G 38,1.811), qua câu trả lời của Thiên Chúa cho những thắc
mắc của ông Gióp trước những khó hiểu, đau khổ và bí ẩn của một cuộc đời, chúng
ta khám phá ra Thiên Chúa là Đấng làm chủ biển khơi và sóng gió, làm chủ tất cả vũ
trụ vạn vật. Thiên Chúa mời gọi ông Gióp (và chúng ta) hãy tin tưởng, phó thác và
cậy trông vào Người!
2o) Trong bài đọc 2 (2 Cr 5,1417), một đoạn của thư thứ 2 của Thánh Phaolô gửi
tín hữu Côrintô, chúng ta được Thánh Tông Đồ dậy cho biết RẰNG Chúa Giêsu
đã chết để cứu chuộc nhân loại và để biến đổi con người thành một tạo vật mới.
Nhận thức được điều ấy chúng ta sẽ:
* Vững lòng tin tưởng, cậy trông (vào Đấng đã chết cho mình) trước và trong mọi
biến cố của cuộc sống;
* Không sống cho chính mình nữa mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình (là
Chúa Kitô Giêsu); không sống cho chính mình nữa mà sống cho tha nhân theo
gương Chúa Giêsu Kitô.
3o) Trong bài Tin Mừng (Mc 4,3541) là tường thuật của Phúc Âm Máccô về một
lần Chúa Giêsu cùng với các môn đệ vượt Biển Hồ sang bờ bên kia vào một buổi
chiều, chúng ta được Thánh Máccô chứng minh cho thấy quyền năng của Chúa
Giêsu trên sóng to gió lớn của biển. Chỉ cần Ngài ra lệnh: "Im đi! Câm đi!" là sóng
to gió lớn không còn nữa. Các môn đệ hết sức kinh ngạc và nói với nhau: "Vậy
Người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?" 3.2 Sứ điệp Lời Chúa Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là:
* Thiên Chúa làm chủ mọi biến cố của cuộc đời.
* Chúa Giêsu Kitô không chỉ là Đấng làm chủ cả biển rộng nước sâu và phong ba
bão táp theo nghĩa đen và nghĩa bóng mà Ngài còn là Đấng đã tự nguyện chết cho
nhân loại. Chúa Giêsu làm chủ biển rộng nước sâu theo nghĩa đen là Người làm chủ
thiên nhiên và các qui luật của nó. Chúa Giêsu làm chủ biển rộng nước sâu theo
nghĩa bóng là Người làm chủ mọi biến cố, mọi sự kiên xẩy ra, mọi tâm hồn con
người.
IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA LỜI CHÚA
4.1 Sống với Thiên Chúa là Chủ Tể vạn vật và mọi sự xầy ra trong cuộc đời con
người; là Đấng đã chết cho con người được sống. Thái độ xứng hợp là tin tưởng,
phó thác và biết ơn. Hành động xứng hợp là trả/đền ơn Chúa bằng đời sống hy sinh
phục vụ.
4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa hôm nay là tin tưởng, cậy trông, phó thác cách
tuyệt đối vào Thiên Chúa, vào Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Trong cụ thể mỗi người, mỗi cộng đoàn cần nhìn lại thái độ và cách hành xử của
mình, xem mình có thật sự và tuyệt đối tin tưởng, cậy trông, phó thác vào Thiên
Chúa, vào Chúa Kitô không?
Cách kiểm chứng dễ nhất là xem trước những khó khăn, trở ngại, khổ đau mình nghĩ
tới ai đầu tiên và chạy tới đâu trước hết? Có phải là Thiên Chúa không? hay là ông
thày tướng, bà thày bói hoặc là những người có chức, có quyền, có tiền có thể giúp
mình thoát khỏi tình trạng bế tắc?
V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
5.1 «Bấy giờ, giữa cơn bão táp, Đức Chúa lên tiếng trả lời ông Gióp.» Chúng ta
hiệp lời cầu nguyện cho hết mọi người, nhất là cho những người gặp gian nan, khốn
khó trong cuộc sống ngày hôm nay biết kêu cầu Chúa và được Người lên tiếng trả
lời như ông Gióp trong Thánh Kinh.
Hát: Chúa ơi, xin nghe lời chúng con nguyện cầu!
5.2 «Thưa anh em, tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi,» Chúng ta hiệp lời cầu
nguyện cho Đức Thánh Cha Phanxicô, cho các Đức Hồng Y, Tổng Giám Mục và
Giám Mục, cho các linh mục và phó tế, luôn được tình yêu Chúa Kitô thôi thúc
trong mọi lời nói và việc làm. Hát: Chúa ơi, xin nghe lời chúng con nguyện cầu!
5.3 «Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: "Im đi! Câm đi! " Gió liền
tắt, và biển lặng như tờ.» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện để cầu xin Chúa Giêsu Kitô
dùng quyền năng Thiên Chúa mà dẹp tan những cơn phong ba bão táp trong lòng
xã hội Việt Nam hôm nay. Hát: Chúa ơi, xin nghe lời chúng con nguyện cầu!
5.4 «Rồi Người bảo các ông: "Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có
lòng tin?» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho giáo dân thuộc giáo xứ chúng ta là
những kẻ vừa nhát sợ vừa thiếu lòng tin, để mọi người biết phó thác cuộc đời mình
cho quyền nằng của Chúa Kitô Giêsu, Đấng đã chết vì chúng ta. Hát: Chúa ơi, xin nghe lời chúng con nguyện cầu!
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Sáu Tuần 11 TN1, Năm lẻ
Bài đọc: 2 Cor 11:18, 21-30; Mt 6:19-23.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải có mắt sáng và trí tuệ khôn ngoan để nhận ra sự thật.
Mắt dùng để nhìn hay để quan sát người hay các sự việc xảy ra chung quanh; nhưng nếu chỉ dùng mắt để quan sát rồi đưa đến kết luận ngay, con người sẽ lầm to, vì có những điều ẩn giấu bên trong con người hay sự vật mà một người không thể nhìn thấy. Để có kết luận khôn ngoan, con người cần dùng trí tuệ để suy xét cẩn thận về những điều đã nhìn thấy. Không phải ai có mắt cũng nhìn thấy; không phải ai có trí khôn cũng biết lựa chọn cách khôn ngoan. Nhiều người rất tự hào là họ khôn ngoan và sáng suốt, nhưng lại bị người khác đánh lừa để lấy đi tất cả những gì họ có. Nhiều cha mẹ tự hào là khôn ngoan, nhưng khi phải chọn vợ chồng cho con lại chọn những người chẳng mang lại hạnh phúc cho cuộc đời con của họ.
Các bài đọc hôm nay nhấn mạnh đến hai việc phải quan sát kỹ để nhìn thấy tất cả, và phải có sự khôn ngoan để lựa chọn những giá trị vĩnh cửu thay vì những giá trị hào nhoáng bên ngoài. Trong bài đọc I, thánh Phaolô phải dùng đến cách ngài không muốn, đó là tự hào kể công, để giúp các tín hữu Corintô nhận ra ai là người thương yêu và lo lắng cho họ thật lòng; chứ đừng vội theo những "tông đồ giả hiệu." Họ có thể dùng cách ăn nói khôn ngoan và ngọt ngào của họ như của con cáo già, để mê hoặc các tín hữu non nớt ra khỏi tay của Phaolô và nhất là của Đức Kitô. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cũng khuyên các môn đệ phải dùng mắt sáng và trí khôn ngoan để nhận ra đâu là những giá trị vĩnh cửu nên theo đuổi, và đâu là những giá trị hào nhoáng cần phải gạt đi.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Nếu phải tự hào, thì tôi sẽ tự hào về những yếu đuối của tôi.
1.1/ Có lắm kẻ tự hào theo tính xác thịt, thì tôi đây, tôi cũng tự hào: Sở dĩ có trình thuật hôm nay là vì có một số những người Do-thái, ngay cả các tín hữu Do-thái, luôn theo sau để phá đổ những công trình của Phaolô. Mỗi khi Phaolô đến một thành phố nào để rao giảng Tin Mừng, để thiết lập giáo hội địa phương, và rời bỏ nơi đó qua thành khác, là những người này theo sau để phá hoại công việc của Phaolô, bằng cách dèm pha, nói xấu đủ điều, và lạm dụng lòng tin của các tín hữu để tìm lợi nhuận cho riêng họ.
Các tín hữu Corintô còn non nớt trong đức tin, nên đã không nhận ra những thủ đoạn của hạng người này, và một số người đã rơi vào bẫy của họ. Phaolô không muốn tự hào hay kể công, nhưng vì để kéo các tín hữu Corintô về với sự thật mà ông buộc lòng phải biện minh. Ông cảm thấy khó chịu và nhục nhã khi phải làm những điều này. Chúng ta có thể tóm tắt những gì Phaolô cắt nghĩa vào 3 lãnh vực chính:
(1) Nguồn gốc dân tộc Israel: "Họ là người Do-thái ư? Tôi cũng vậy! Họ là người Israel ư? Tôi cũng vậy! Họ là dòng giống Abraham ư? Tôi cũng vậy!" Có lẽ địch thù của Phaolô cho ông sinh ra và lớn lên tại Tarsus, Asia Minor, nên không phải là người Do-thái chính hiệu ở Israel.
(2) Gian khổ phải chịu trên đường rao giảng Tin Mừng: "Họ là người phục vụ Đức Kitô ư? Tôi nói như người điên: tôi còn hơn họ nữa! Hơn nhiều vì công khó, hơn nhiều vì ở tù, hơn gấp bội vì chịu đòn, bao lần suýt chết. Năm lần tôi bị người Do-thái đánh bốn mươi roi bớt một; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị đắm tàu; một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi! Tôi còn hơn họ, vì phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em. Tôi còn phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng." (3) Mối lo lắng cho Hội Thánh mỗi ngày thêm tăng trưởng: "Không kể các điều khác, còn có nỗi ray rứt hằng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội Thánh!" Không chỉ việc giúp niềm tin cho các giáo hội địa phương, Phaolô còn lo cho Hội Thánh được bành trướng khắp nơi, đến tận Rôma và Âu-châu. Điều này đối phương của Phaolô không thể so sánh.
1.2/ Nếu phải tự hào, thì tôi sẽ tự hào về những yếu đuối của tôi: Phaolô muốn cho các tín hữu biết lý do tại sao ông phải nói lên những điều này: thứ nhất là để họ nhận ra tình thương thật của ông dành cho họ; thứ hai là ông có thể vượt qua tất cả gian khổ không bằng sức mạnh của ông, nhưng bằng sức mạnh của Đức Kitô và của Thánh Thần đang hoạt động trong ông; sau cùng như một lời khích lệ tinh thần, nếu họ để cho Đức Kitô làm việc, họ cũng có sức mạnh để vượt qua những yếu đuối và giới hạn của con người.
2/ Phúc Âm: Kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó.
2.1/ Hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời: Con người có thói quen tích trữ; nhưng phải biết khôn ngoan để tích trữ những gì không hư hoại và vào nơi tích trữ an toàn không ai có thể động tới được. Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ so sánh về kho tàng dưới đất với kho tàng trên trời.
(1) Kho tàng dưới đất: Nhiều người nghĩ tiền là tiện nhất và nhẹ nhàng, nên họ cẩn thận bao bọc tiền có được đem chôn dưới đất. Ít lâu sau cần tiền họ đào đất mang lên, tiền đã mục nát và trở thành vô giá trị. Người khác lại cho chẳng gì bằng của ăn như: gạo, bột mì, khoai sắn; nên họ xây những vựa to để chứa thực phẩm. Vài năm sau ra thăm, họ thấy vựa đã bị chuột cắn phá, gạo và lúa mì bị tràn đầy mối mọt. Người khác rút kinh nghiệm và kết luận: chẳng gì bằng vàng bạc, vừa không mất giá, vừa không bị mối mọt, và họ yên trí cất giấu. Nhưng cất đâu cũng chẳng khỏi "tai vách, mặt rừng." Họ bị kẻ trộm đến khoét vách lấy đi vàng bạc, và những đồ quí giá.
(2) Kho tàng trên trời: Những gì con người có thể làm và tích trữ trong kho tàng trên trời. Trước tiên là những việc lành phúc đức được thu tóm trong 7 mối thương phần xác và 7 mối thương phần linh hồn. Thứ đến, là những hiểu biết về Thiên Chúa và tình yêu dành cho Ngài. Hai điều này không thể tách rời vì chúng ta không thể yêu người ta không biết. Kiến thức về Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta yêu Ngài mỗi ngày một hơn. Sau cùng, Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh của Ngài, và Ngài mời gọi chúng ta trở nên hoàn thiện giống như Ngài. Tiến trình nên hoàn thiện không phải chỉ dứt bỏ tội lỗi mà thôi; nhưng còn phải tập luyện các nhân đức nữa.
2.2/ Nếu mắt anh sáng, thì toàn thân anh sẽ sáng: Chúa Giêsu dạy: "Đèn của thân thể là con mắt. Vậy nếu mắt anh sáng, thì toàn thân anh sẽ sáng. Còn nếu mắt anh xấu, thì toàn thân anh sẽ tối. Vậy nếu ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối, thì tối biết chừng nào!" Mắt sáng mới thấy đường. Mắt mù, loạn thị và loạn sắc sẽ ảnh hưởng trên tầm nhìn của con người. Người mù lòa sẽ khổ vô cùng vì cả vũ trụ đối với anh là một màu đen. Đi đâu anh cũng phải có người hướng dẫn, nếu không anh sẽ bị té ngã vì những đồ vật trước mặt.
Như mắt sáng cần cho thân thể thế nào, sự khôn ngoan cũng cần cho đời sống tinh thần như vậy. Ít người chịu để ý đến sự mù lòa của trí khôn và tâm hồn; nhưng ảnh hưởng của nó trên con người còn lớn hơn là sự mù lòa trên cơ thể. Trình thuật Chúa chữa người mù trong chương 9 của Gioan giúp chúng ta nhận ra có những người mù mà mắt vẫn sáng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải biết dùng con mắt để quan sát cẩn thận những việc xảy ra trong trời đất. Một sự quan sát cẩu thả sẽ dẫn tới việc không đủ chất liệu để làm một kết luận khôn ngoan.
- Chúng ta phải dùng trí tuệ, nhất là việc học hỏi Kinh Thánh, để biết phân biệt sự thật từ những sự gian tà, giá trị vĩnh cửu từ những giá trị tạm thời, người yêu mình thật từ những người chỉ biết lợi dụng để tìm kiếm lông chiên hay thịt chiên.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Năm Tuần 11 TN1, Năm lẻ
Bài đọc: 2 Cor 11:1-11; Mt 6:7-15.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải đặt cùng đích của cuộc đời lên trên những lợi lộc vật chất.
Mục đích chính của cuộc đời chúng ta là cố gắng sống làm sao để mưu cầu ơn cứu độ cho chính chúng ta và cho mọi người. Vì thế, chúng ta phải dồn mọi thời gian, cố gắng, và sức lực để đạt được mục đích này. Nhưng thực tế chứng minh chúng ta đã không làm những điều đó: Có những người dành hết mọi thời gian và sức lực để kiếm tiền hưởng thụ. Có những người đặt quyền lợi cá nhân lên trên việc mở mang Nước Chúa. Có những người lợi dụng ngay cả Tin Mừng để mưu cầu lợi ích cá nhân.
Các Bài Đọc hôm nay cung cấp cho chúng ta những trường hợp cụ thể để suy gẫm xem chúng ta đã làm gì để đạt mục đích của cuộc đời. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô muốn chứng tỏ cho các tín hữu Corintô biết ông đã lo lắng mọi cách để chuẩn bị cho họ sống mối liên hệ với Đức Kitô; chứ không quan tâm đến việc đáp trả lợi lộc vật chất của họ, như kẻ thù tố cáo. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu muốn các môn đệ đặt việc làm vinh danh Chúa, làm Nước Chúa trị đến, làm theo thánh ý Chúa, trước khi lo việc có lương thực hằng ngày và các nhu cầu khác.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Tôi đã đính hôn anh em với một người độc nhất là Đức Kitô.
1.1/ Phaolô chú trọng đến phần linh hồn của các tín hữu Corintô.
(1) Phaolô yêu hội thánh Corintô bằng tình yêu chân thành: Mục đích của Phaolô khi nhiệt thành rao giảng Tin Mừng là mang ơn cứu độ của Thiên Chúa đến cho mọi người. Nỗi lo âu của ngài là lo lắng làm sao để các tín hữu được kết hiệp mật thiết với Đức Kitô, và không bị lôi cuốn bởi những cám dỗ của thế gian. Vì yêu Đức Kitô và yêu các tín hữu, Phaolô muốn liên kết cả hai trong cuộc "kết hôn " mà Isaiah, Hosea, và tác giả của Sách Diễm Tình Ca đã xử dụng: "Thật thế, vì anh em, tôi ghen cái ghen của Thiên Chúa, bởi tôi đã đính hôn anh em với một người độc nhất là Đức Kitô, để tiến dâng anh em cho Người như một trinh nữ thanh khiết."
(2) Phaolô lo sợ các tín hữu bị đánh lừa bởi những người rao giảng giả hiệu: Phaolô chắc đã nhìn thấy những dấu hiệu phản bội nơi các tín hữu, nên ngài đã cảnh cáo các tín hữu: ''Nhưng tôi sợ rằng như xưa con rắn đã dùng mưu chước mà lừa dối bà Evà thế nào, thì nay trí lòng anh em cũng dần dần đâm ra hư hỏng, mất sự đơn sơ đối với Đức Kitô như vậy.'' Phaolô nói mỉa mai các tín hữu; nhưng cũng đề phòng họ phải xác quyết ba điều chân thật: Đức Kitô, Thánh Thần, và Tin Mừng: ''Quả thật, nếu có ai đến rao giảng một Đức Giêsu khác với Đức Giêsu mà chúng tôi rao giảng, hay nếu anh em lãnh nhận một Thần Khí nào khác với Thần Khí anh em đã lãnh nhận, hoặc nếu anh em lãnh nhận một Tin Mừng nào khác với Tin Mừng anh em đã đón nhận, thì anh em sẵn lòng chịu đựng được ngay!''
1.2/ Lời biện hộ của Phaolô: Phaolô muốn dùng việc làm để chứng minh những gì ông đã làm cho hội-thánh ở Corintô, để vạch ra những gian trá của các "tông đồ giả hiệu." Các tín hữu có thể chứng nhận những gì ông nói.
(1) Về sự hiểu biết: ''Tôi nghĩ rằng tôi chẳng có thua gì các Tông Đồ siêu đẳng kia. Giả như tôi có thua kém về khoa ăn nói, thì về sự hiểu biết, tôi chẳng thua kém đâu! Trong mọi dịp và trước mặt mọi người, chúng tôi đã tỏ cho anh em thấy điều đó rồi.'' Sự hiểu biết của Phaolô chính là khôn ngoan của Thiên Chúa mà kiến thức của các tông đồ giả hiệu không thể so sánh được.
(2) Về sự rao giảng không công: Phaolô rao giảng cho các tín hữu Corintô không vì lý do tài chánh, nhưng ông đã tự mưu sinh bằng nghề chế lều và sự giúp đỡ của các hội-thánh khác. Ông nhắc nhở họ: ''Phải chăng tôi có lỗi, vì đã hạ mình xuống để tôn anh em lên, khi rao giảng không công cho anh em Tin Mừng của Thiên Chúa? Tôi đã bóc lột các Hội Thánh khác, ăn lương của họ, để phục vụ anh em. Hồi ở giữa anh em, những khi lâm cảnh túng thiếu, tôi đã chẳng phiền luỵ ai, bởi vì các anh em từ Macedonia đến đã cung cấp đầy đủ những gì tôi cần. Trong mọi dịp, tôi đã tránh không trở nên gánh nặng cho anh em, và tôi cũng sẽ còn tránh như vậy.''
(3) Về sự yêu mến của các hội-thánh khác dành cho ông: Không phải vì bị các hội-thánh khác từ bỏ mà Phaolô đến ở với hội-thánh Corintô; nhưng vì tình yêu chân thành Phaolô dành cho họ. Ông muốn họ nhận thức điều này: ''Nhân danh chân lý của Đức Kitô ở trong tôi, tôi xin nói với anh em rằng: chẳng ai cấm được tôi có niềm vinh dự đó trong các miền xứ Achaia. Tại sao thế? Có phải vì tôi không yêu mến anh em chăng? Có Thiên Chúa biết!''
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu dạy môn đệ cách cầu nguyện.
2.1/ Thái độ phải tránh khi cầu nguyện: Chúa Giêsu dạy các môn đệ một thái độ cần phải tránh: "Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.''
Chúng ta đừng lấy những gì con người suy nghĩ và hành động để áp dụng cho Thiên Chúa. Nhiều người phải lải nhải nhiều lần, vì họ không biết Thiên Chúa có nghe thấy tiếng họ kêu xin hay không; nhưng Chúa Giêsu dạy: Thiên Chúa là Đấng thông suốt mọi sự, Ngài biết rõ tất cả nhu cầu của từng người trước khi chúng ta mở miệng cầu xin.
Như vậy, có cần phải cầu xin vì Thiên Chúa đã biết? Chúng ta cần phân biệt giữa cầu xin và cầu nguyện. Chúa Giêsu không ngăn cấm việc cầu xin; ngược lại, Ngài luôn khuyến khích các môn đệ phải cầu nguyện. Tuy nhiên, việc cầu nguyện không phải thuần túy chỉ cầu xin, nhưng còn để đào sâu mối liên hệ giữa chúng ta và Thiên Chúa.
2.2/ Cách cầu nguyện đúng: Kinh Lạy Cha. Chúng tôi đã phân tích chi tiết Kinh Lạy Cha nhiều lần. Trong bài chia sẻ này, chúng tôi muốn chú trọng đến thứ tự ưu tiên của các lời cầu.
(1) Cầu xin cho nhu cầu của Thiên Chúa: Phần đầu của Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu chú trọng đặc biệt đến "nhu cầu" của Thiên Chúa. Ngài dạy: Anh em hãy cầu nguyện như thế này: "Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Nước Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.'' Nếu người con thực tình yêu thương Cha, người con sẽ chú tâm đến nhu cầu của Cha hơn nhu cầu của mình. Hơn nữa, những "nhu cầu" của Cha, thực sự chẳng phải cho Cha, nhưng là cho phần rỗi linh hồn của mọi người con.
(2) Cầu xin cho nhu cầu của con người: Chỉ sau khi chú tâm đến nhu cầu của Thiên Chúa, con người mới chú tâm đến nhu cầu của mình khi cầu xin: "Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày.'' Chúa Giêsu chú trọng đến việc xin lương thực hằng ngày, chứ không xin để có tiền mua lương thực cả đời! Sau đó, Chúa trở lại với nhu cầu thiêng liêng: "Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con.'' Và lời cầu nguyện sau cùng cũng hướng về ơn cứu độ: ''Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.''
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa cho chúng ta sống trong cuộc đời này không phải để kiềm tiền hưởng thụ; nhưng muốn chúng ta sống làm sao để đạt tới ơn cứu độ cho mình và cho mọi người. Ngài đã từng nhắc nhở: "Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn, được ích chi!"
- Nếu mục đích cuộc đời là ơn cứu độ, chúng ta phải chú trọng và dành mọi thời gian và nỗ lực cho việc làm vinh danh Chúa, làm cho Nước Chúa trị đến, làm theo thánh ý Chúa; chứ không dành toàn thời gian và nỗ lực để mưu cầu các lợi lộc vật chất.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Tư Tuần 11 TN1, Năm B
Bài đọc: 2 Cor 9:6-11; Mt 6:1-6, 16-18.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Bổn phận làm việc lành phúc đức
Đã vay, phải trả; đã nhận lãnh, phải cho đi. Vì con người đã nhận lãnh quá nhiều từ Thiên Chúa (mọi sự đều là của Ngài) và tha nhân (tổ tiên, ông bà, cha mẹ, quốc gia, thầy cô ...), nên họ có bổn phận phải cho đi. Vì con người không thể cho lại Thiên Chúa, nên họ cho đi bằng các giúp đỡ các anh chị em cần thiếu. Đó là lý do tại sao đôi khi chúng ta thấy có những người dám hiến cả tài sản họ đã vất vả tạo được cho những dòng tu hay các cơ quan từ thiện, mà không để lại cho con cháu hay người thân.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong bổn phận con người phải làm các việc lành phúc đức. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu Corintô bổn phận phải đóng góp và cách đóng góp cho Giáo Hội Mẹ tại Jerusalem: Vì họ đã lãnh nhận nhiều từ Thiên Chúa và Giáo Hội, nên giờ họ cũng phải rộng lượng trả lại và cho đi. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cảnh cáo những người làm phúc, cầu nguyện, và ăn chay để được tiếng khen. Họ đã được con người trả ơn rồi, và sẽ không được phần thưởng từ Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Phải trả lại cho Thiên Chúa những gì Ngài ban tặng.
1.1/ Thái độ cần có về của cải: Trước tiên, chúng ta cần nhận định: mọi sự chúng ta có là thuộc về Thiên Chúa, chúng ta không phải là chủ của, mà chỉ là những người quản lý. Nếu chúng ta chỉ là người quản lý, chúng ta phải biết cách tiêu pha làm sao cho đúng; chứ không phải tiêu xài hoang phí của cải do Thiên Chúa ban.
Thứ đến, của cải Thiên Chúa ban là để xây dựng cho bản thân, cho gia đình, và cho xã hội, như thánh Phaolô nói hôm nay: "Thiên Chúa có đủ quyền tuôn đổ xuống trên anh em mọi thứ ân huệ, để anh em vừa được luôn đầy đủ mọi mặt, vừa được dư thừa mà làm mọi việc thiện, theo như lời đã chép: Kẻ túng nghèo, Người rộng tay làm phúc; đức công chính của Người tồn tại muôn đời."
Khi đã có của cải dư thừa, người quản lý phải biết cách đầu tư để sinh lợi cho Thiên Chúa, cho tha nhân, và cho chính mình. Anh phải biết rộng lượng cho đi, vì càng cho đi bao nhiêu anh sẽ càng được cho lại bấy nhiêu. Thánh Phaolô dùng hình ảnh nhà nông: "Tôi xin nói điều này: gieo ít thì gặt ít; gieo nhiều thì gặt nhiều." Điều này quá hiển nhiên, nếu người quản lý biết đầu tư đúng cách, anh sẽ thu về gấp bội.
Sau cùng, một trong những điều ngăn cản con người không dám cho đi là sợ không có đủ của để lo cho mình trong tương lai khi phải đối diện với thất nghiệp, tuổi già, bệnh tật ... Thánh Phaolô trả lời những người có mối lo này như sau: ''Đấng cung cấp hạt giống cho kẻ gieo, và bánh làm của ăn nuôi dưỡng, tất sẽ cung cấp dư dật hạt giống cho anh em gieo, và sẽ làm cho đức công chính của anh em sinh hoa kết quả dồi dào.'' Hơn nữa, Chúa Giêsu còn cảnh cáo anh nhà giàu xây những vựa lúa to để tích trữ của cải: "Đồ ngốc! ngay đêm nay Ta gọi ngươi, ngươi mang theo mình được gì?"
1.2/ Thái độ cần có khi cho đi: Cách cho quan trọng hơn là của cho; vì thế, thánh Phaolô khuyên các tín hữu Corintô: ''Mỗi người hãy cho tuỳ theo quyết định của lòng mình, không buồn phiền, cũng không miễn cưỡng, vì ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương.'' Có ít nhất là ba thái độ khác nhau khi con người làm phúc:
(1) Cho để được tiếng khen: Đây là thái độ của những người làm phúc để được người ta khen ngợi. Một thái độ như thế sẽ không được phúc lành của Chúa, vì họ đã được trả ơn rồi.
(2) Cho cách miễn cưỡng, buồn phiền: Đây là thái độ của những người bị bắt buộc phải làm, bị gài vào tình thế không thể từ chối, nên bắt buộc phải cho.
(3) Cho cách tự nguyện, vui vẻ, và rộng lượng: Đây là thái độ của những người biết bổn phận của mình, biết nhu cầu của người xin, và vui vẻ góp phần dâng hiến. Những người như vậy sẽ được Thiên Chúa thưởng công xứng đáng.
2/ Phúc Âm: Cách thức đúng đắn khi làm phúc, cầu nguyện, và ăn chay.
Đây là ba bổn phận con người phải làm để sinh lợi ích cho mình, chứ không phải những việc thặng dư: làm cũng được hay không làm cũng được. Vì các kinh-sư, biệt-phái, và nhiều người giả hình chú trọng đến hình thức bên ngoài để được người ta khen ngợi, Chúa dạy các môn đệ hãy chú trọng đến ý hướng bên trong. Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn trong tâm hồn, Ngài sẽ cho lại phần thưởng.
2.1/ Làm phúc: Chúa Giêsu dạy: "Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng.''
(1) Thái độ không nên làm: "Khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi.''
(2) Thái độ nên làm: ''Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.''
2.2/ Cầu nguyện
(1) Đừng cầu nguyện cho người ta thấy: Chúa dạy: "Khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi.''
(2) Cầu nguyện với Thiên Chúa: ''Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.''
2.3/ Ăn chay
(1) Đừng ăn chay để lấy tiếng khen: "Khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi.''
(2) Ăn chay để người khác có của ăn: ''Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.''
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Biết cho đi là biết cách đầu tư cho mình và cho gia đình. Chúng ta chú trọng rất nhiều đến cách đầu tư để lo tương lai vật chất cho con cái; mà rất ít khi để ý đến đầu tư để sinh lợi ích tinh thần cho mình và cho những người trong gia đình của mình.
- Cùng một việc thiện chúng ta làm có thể sẽ không sinh lợi ích thiêng liêng gì cho chúng ta cả nếu chúng ta chú trọng đến tiếng khen của người đời. Chúng ta hãy làm tất cả vì lòng yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, để chính Thiên Chúa ban tặng phần thưởng cho chúng ta.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Ba Tuần 11 TN1, Năm lẻ
Bài đọc: 2 Cor 8:1-9; Mt 5:43-48.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Bổn phận trở nên hoàn thiện
Có nhiều lý do khiến con người từ chối ơn gọi trở nên hoàn thiện: (1) Họ đang sống giữa thế gian, và phải bon chen với đời để sống còn; (2) Ơn gọi nên hoàn thiện chỉ dành riêng cho một số người, chứ không phải cho tất cả mọi người. Họ muốn khiêm nhường làm người ẩn dật bình thường; và (3) Đức Kitô đòi con người phải làm những điều vượt quá sức lực và khả năng của con người! Làm sao con người có thể trút bỏ mọi sân si để trở nên hoàn thiện đang khi mang trong mình một thân xác?
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong những đòi hỏi mà người tín hữu phải cố gắng hoàn thành. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô kêu gọi các tín hữu nhiệt thành đóng góp cho Giáo Hội Mẹ tại Jerusalem, để giúp cho Giáo Hội có phương tiện rao giảng Tin Mừng đến mọi nơi. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đòi các môn đệ phải vượt quá tiêu chuẩn của thế gian để yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những người bách hại các ông.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Bổn phận phải đóng góp để giúp đỡ Giáo Hội.
Tuy Jerusalem là Giáo Hội Mẹ, nhưng rất nghèo vì hoàn cảnh địa dư, và chưa có sự tổ chức đóng góp từ các giáo hội địa phương như chúng ta có bây giờ. Vì thế, Phaolô tổ chức cuộc quên góp từ các giáo hội địa phương để giúp Giáo Hội tại Jerusalem.
1.1/ Gương đóng góp của Hội Thánh ở Macedonia: Để khích lệ các tín hữu Corintô biết nhiệt thành đóng góp, Phaolô lấy gương sáng của hội thánh ở Macedonia để làm gương cho họ.
(1) Người nghèo là người quảng đại đóng góp: Macedonia là một vùng không giầu có và gặp nhiều thiên tai đau khổ, nhưng khi nghe chương trình của Phaolô muốn lạc quên giúp Giáo Hội Mẹ, ''họ đã tự nguyện theo sức họ, và tôi xin làm chứng là quá sức họ nữa; trải qua bao nỗi gian truân, họ vẫn được chan chứa niềm vui; giữa cảnh khó nghèo cùng cực, họ lại trở nên những người giàu lòng quảng đại.''
Thông thường, người giàu có là người có phương tiện để đóng góp nhất, nhưng thực tế chứng minh không luôn luôn như vậy; càng giàu càng giữ chặt của. Những người nghèo là những người quảng đại hơn cả, như chúng ta thường nói: "Lá rách đùm lá tả tơi;" vì họ có kinh nghiệm sống thiếu thốn nên dễ cảm thông với những ai đồng cảnh ngộ.
(2) Lòng yêu thương Giáo Hội đàng sau việc đóng góp: Không những sẵn sàng đóng góp, ''họ khẩn khoản nài xin chúng tôi cho họ được phúc tham dự vào việc phục vụ các người trong dân thánh. Họ đã vượt quá điều chúng tôi mong ước là tự hiến mình phụng sự Chúa trước, rồi phục vụ chúng tôi theo ý Thiên Chúa." Đức tin con người có được là món quà vô giá Thiên Chúa ban qua tay của các môn đệ và các nhà truyền giáo. Nếu không có Giáo Hội Mẹ, chẳng bao giờ có các giáo hội con. Vì thế, như những người con thảo sẵn sàng giúp cha mẹ khi về già, các tín hữu cũng phải đóng góp cho Giáo Hội Mẹ để cùng chung mối lo làm sao cho Tin Mừng được rao truyền khắp cùng bờ cõi trái đất.
1.2/ Phaolô muốn Hội Thánh ở Corintô cũng quảng đại đóng góp cho Hội Thánh ở Jerusalem: Vì vậy chúng tôi đã xin anh Titô hoàn thành công việc lạc quyên đó nơi anh em, như anh ấy đã bắt đầu làm. Thánh Phaolô nêu bật 2 lý do nữa để khuyến khích các tín hữu Corintô nên nhiệt thành đóng góp:
(1) Đã nhận nhiều, cũng phải rộng lượng cho đi nhiều: ''Cũng như anh em từng trổi vượt về mọi mặt: về đức tin, lời giảng, sự hiểu biết, lòng nhiệt thành trong mọi lãnh vực, và về lòng bác ái mà anh em đã học được nơi chúng tôi, thì anh em cũng phải trổi vượt về lòng quảng đại trong dịp lạc quyên này nữa.''
(2) Gương của Đức Kitô: ''Quả thật, anh em biết Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có.'' Con người không thể so sánh với Đức Kitô; nhưng gương sáng của Ngài phải trở thành mẫu gương cho chúng ta noi theo.
2/ Phúc Âm: Bổn phận phải yêu thương kẻ thù.
2.1/ Luật người xưa: ''Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù.'' Luật Đức Kitô: ''Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.''
(1) Phân tích từ ngữ: Có ba động từ yêu trong Hy-lạp: erein, philein, agapan. Động từ yêu dùng ở đây là "agapan'' động từ này chỉ được dùng trong khuôn khổ của Kitô Giáo. Đức Kitô không đòi chúng ta yêu kẻ thù với tình yêu tự nhiên dành cho người yêu, hay dành cho những người trong gia đình (erein, philein). Nếu Chúa đòi như thế, Ngài bắt chúng ta đi ngược lại tự nhiên. Điều khác biệt giữa tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tự nhiên là ở chỗ khi yêu cách tự nhiên, con người dùng trái tim; nhưng khi yêu kẻ thù với tình yêu Thiên Chúa, con người phải dùng tới ý muốn của mình, nó là một thỏa thuận giữa trí tuệ và lòng muốn.
(2) Con người chỉ có thể yêu kẻ thù khi con người đã được thấm nhuần đạo lý và tình yêu của Đức Kitô: Theo Gioan, tình yêu này phát xuất từ Thiên Chúa và được thông ban cho con người qua Đức Kitô. Chúa Giêsu luôn đòi các môn đệ phải ở lại trong tình yêu này qua việc giữ các giới răn, trước khi truyền cho các ông phải "yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em."
(3) Theo lời dạy của Đức Kitô: Để có thể yêu kẻ thù, con người cần cầu nguyện cho họ. Khi con người có thể cầu nguyện cho họ, Chúa sẽ giúp con người có thể tha thứ hoàn toàn cho kẻ thù. Trên Thánh Giá, Chúa Giêsu cầu nguyện: "Lạy Cha! Xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm." Noi gương Đức Kitô, thánh Stephanô, vị tử đạo tiên khởi, cũng cầu nguyện cho những người ném đá mình: ''Lạy Chúa! Xin đừng chấp họ tội này.'' Và còn biết bao gương của các vị tử đạo khác nữa; điều này chứng minh đời hỏi của Đức Kitô không vượt quá giới hạn của con người.
2.2/ Những lý do tại sao phải yêu kẻ thù: Chúa Giêsu đưa ra 4 lý do:
(1) Để trở nên con cái của Thiên Chúa: Con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh. Điều làm con người nên giống Thiên Chúa nhất là yêu thương. ''Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.''
(2) Người môn đệ phải khác với người thường: ''Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao?''
(3) Người có đạo phải khác với người vô đạo: ''Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?''
(4) Để trở nên hoàn thiện: "Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.'' Hoàn thiện là mục đích của Thiên Chúa khi dựng nên con người, như Sách Sáng Thế viết: "Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa" (Gen 1:27).
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải trả lại cho Thiên Chúa những hồng ân Ngài đã ban tặng chúng ta. Chúng ta cũng phải giúp đỡ Giáo Hội vì niềm tin chúng ta có được là do tình yêu và lòng nhiệt thành truyền giáo Tin Mừng của Giáo Hội và các nhà truyền giáo.
- Chúng ta là những con cái của Thiên Chúa, và có bổn phận sống theo tiêu chuẩn của những công dân Nước Trời; chứ không được bằng lòng với những tiêu chuẩn của trần thế. Một trong những tiêu chuẩn làm chúng ta giống Thiên Chúa là yêu thương và cầu nguyện cho kẻ thù.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Hai Tuần 11 TN1, Năm lẻ
Bài đọc: 2 Cor 6:1-10; Mt 5:38-42.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Những đòi hỏi của người môn đệ Đức Kitô
Làm môn đệ ai là mong muốn được trở nên giống người đó. Làm môn đệ của Đức Kitô là chúng ta phải cố gắng học hỏi cuộc đời của Ngài, và diễn tả cách sống động bằng chính cuộc đời của chúng ta, để những người khác cũng muốn trở thành môn đệ của Ngài. Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong những lời dạy dỗ và cố gắng đáp ứng những đòi hỏi của người môn đệ Đức Kitô. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô khuyên các tín hữu đừng để các ân huệ Thiên Chúa ban trở nên vô hiệu, họ phải biết cách dùng nó cho việc phục vụ Tin Mừng như ông đã từng làm. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ của Ngài không chỉ giữ Luật công bằng như người xưa; nhưng còn phải sống luật yêu thương, để chứng tỏ cho người ta biết các ông là môn đệ Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chịu đựng đau khổ cho Nước Chúa trị đến.
1.1/ Đừng để ân huệ của Thiên Chúa ban trở nên vô hiệu:
(1) Các tín hữu phải biết sinh lời cho Chúa: Ân huệ Chúa ban cho con người không phải giữ lại để hưởng thụ, nhưng để cho việc phục vụ và loan báo Tin Mừng. Thánh Phaolô nhận thức rõ được điều này, nên ông khuyên các tín hữu: ''Vì được cộng tác với Thiên Chúa, chúng tôi khuyên nhủ anh em: anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa, thì đừng để trở nên vô hiệu. Quả thế, Chúa phán rằng: Ta đã nhận lời ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ ngươi trong ngày Ta cứu độ. Vậy, đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ.''
(2) Noi gương Phaolô: Nhìn lại công cuộc rao giảng Tin Mừng của mình, Phaolô tâm sự với các tín hữu, mục đích không phải để đánh bóng cá nhân, nhưng để các tín hữu bắt chước ông như ông đã bắt chước Đức Kitô: "Phần chúng tôi, chúng tôi chẳng làm gì gây cớ cho ai vấp phạm, để không người nào có thể đàm tiếu về công việc phục vụ của chúng tôi. Trái lại, trong mọi sự, chúng tôi luôn chứng tỏ mình là những thừa tác viên của Thiên Chúa.'' Trong khi phục vụ Tin Mừng, Phaolô đã phải chịu khó khăn đến từ mọi phía, Phaolô liệt kê những áp lực này như sau:
+ Phải chịu đựng những áp lực đến từ bên trong: căng thẳng, sợ hãi, lo âu.
+ Phải chịu đựng những áp lực đến từ bên ngoài: đòn vọt, tù đày, chống đối.
+ Phải hy sinh chịu đựng khi rao giảng: lao nhọc, mất ngủ, mất ăn.
Khi phải đương đầu với những áp lực khó khăn này, chúng tôi đều rất mực kiên trì chịu đựng (u'pomonh/|). Chúa Giêsu cũng đã báo trước cho các môn đệ biết những khó khăn mà các ông phải đương đầu với; nhưng Ngài hứa với các ông: Đừng sợ! vì Thầy ở cùng anh em.
1.2/ Người rao giảng phải được trang bị đầy đủ để sẵn sàng đối phó với nghịch cảnh: Thánh Phaolô chắc đã quá quen với binh giáp của người chiến sĩ Rôma, nên khi mô tả hình ảnh nhà rao giảng, ông dựa trên những binh giáp này. Hai khí cụ chính người chiến sĩ cần có là khiên thuẫn để bảo vệ thân mình và gươm giáo để tấn công địch thù. Tương tự, nhà rao giảng cũng cần có 4 đức tính để bảo vệ mình và 4 vũ khí để giao chiến.
(1) Những đức tính và vũ khí người môn đệ phải có:
- 4 đức tính phải sở hữu để tự vệ như thuẫn đỡ khiên che: trong sạch để không bị lôi cuốn vào lối sống của thế gian, khôn khéo để biết cách đương đầu với con người và thích ứng với những hoàn cảnh khác nhau, nhẫn nhục để chịu đựng mọi gian khổ và xỉ nhục, và có lòng nhân hậu để thông cảm và tha thứ.
- 4 vũ khí cần thiết để tấn công như gươm giáo:
+ một tinh thần thánh thiện để thánh hóa đời, chứ không để đời lôi cuốn.
+ một tình thương không giả dối: để yêu thương và cho đi cách vô vị lợi.
+ lời chân lý: thông hiểu và nhiệt thành rao giảng Tin Mừng.
+ sức mạnh của Thiên Chúa: người môn đệ tin vào sức mạnh của Thiên Chúa, chứ không cậy dựa vào sức mình. Nói như thánh Phaolô: "Chúng tôi lấy sự công chính làm vũ khí tấn công và tự vệ, khi vinh cũng như khi nhục, lúc được tiếng tốt cũng như khi mang tiếng xấu.''
(2) Những thái độ tự tin người môn đệ phải có: Bên cạnh các vũ khí được trang bị, người chiến sĩ cần có một thái độ tự tin khi giao chiến. Nếu không có thái độ tự tin, người chiến sĩ sẽ dễ đầu hàng trước nghịch cảnh. Một cách tương tự, nhà rao giảng cũng phải có thái độ vững tin nơi Thiên Chúa và nơi mình. Dựa trên kinh nghiệm cá nhân, thánh Phaolô liệt kê một số những thái độ tự tin nhà rao giảng cần có:
- bị coi là giả hiệu (impostor), nhưng kỳ thực chúng tôi chân thành;
- bị coi là vô danh, nhưng kỳ thực chúng tôi được mọi người biết đến;
- bị coi là sắp chết, nhưng kỳ thực chúng tôi vẫn sống;
- bị coi như trừng phạt, nhưng kỳ thực không bị giết chết;
- bị coi như phải ưu phiền, nhưng kỳ thực chúng tôi luôn vui vẻ;
- bị coi như nghèo túng, nhưng kỳ thực chúng tôi làm cho bao người trở nên giàu có;
- bị coi như không có gì, nhưng kỳ thực chúng tôi có tất cả.
2/ Phúc Âm: Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.
2.1/ Đòi hỏi tối thiểu của Luật công bằng: "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng." Đây là Luật Talionis xưa nhất trên thế giới, được tìm thấy trong Bộ Luật Hammurabi, khỏang 2250 BC. Luật này cũng được tìm thấy trong Cựu Ước ít là 3 lần (Exo 21:23-25, Lev 24:19-20, Deut 19:21). Mấy điều quan trọng về Luật này cần lưu ý: (1) Nó ngăn cấm việc gia tăng báo thù; (2) Nó được thi hành bởi quan án và ngăn cấm việc báo thù cá nhân; (3) Nó không được thi hành theo nghĩa đen, nhưng được tính bằng tiền bồi thường; và (4) nó không phải là tất cả Luật của Cựu Ước, vì vẫn còn những luật yêu thương và tha thứ (Lev 19:18, Pro 25:21, Lam 3:30).
2.2/ Sự hoàn thiện của Luật Yêu Thương: "Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa; nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài; nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi." Chúa Giêsu không bảo chúng ta hiểu theo nghĩa đen, nhưng Ngài muốn dạy chúng ta 3 nguyên tắc chính yếu của luân lý Kitô Giáo: (1) Người môn đệ không bao giờ được khinh bỉ hay tìm cách báo thù người đã gây thiệt hại cho họ; (2) Người môn đệ không bao giờ được đòi hỏi quyền mình phải được hưởng; (3) Người môn đệ không bao giờ được vịn vào quyền và tự do để làm những gì mình thích, nhưng phải luôn nghĩ tới bổn phận phải làm để giúp tha nhân và xây dựng Nước Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta là những môn đệ của Đức Kitô; vì thế, chúng ta phải cố gắng học hỏi và minh họa đời sống của Đức Kitô trong chính bản thân mình cho người khác nhận ra và tin vào Ngài.
- Chúng ta không thể bằng lòng với việc giữ cẩn thận Thập Giới, vì đó chỉ là nhưng điều kiện tối thiểu; nhưng phải đáp ứng đòi hỏi của giới luật yêu thương để chinh phục con người về cho Thiên Chúa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Chúa Nhật 11 Thường Niên, Năm B
Bài đọc: Eze 17:22-24; II Cor 5:6-10; Mk 4:26-34.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Uy quyền tối thượng của Thiên Chúa trên mọi hoạt động của con người.
Trong cuộc đời, có những điều xảy ra vượt quá khả năng hiểu biết của con người. Chẳng hạn, chúng ta không cắt nghĩa được sự sống, không giải thích nổi đức tin; vì những điều này đến từ Thiên Chúa. Một ví dụ rõ ràng hơn là sự thành hình của Giáo Hội Công Giáo. Đức Kitô đã thiết lập Giáo Hội từ con số 12 các tông đồ, và Giáo Hội đã không ngừng phát triển và tồn tại hơn 2,000 năm qua, cho dẫu phải đương đầu với biết bao những bắt bớ và thăng trầm của lịch sử.
Các bài đọc muốn nhấn mạnh đến tác nhân chính của công trình cứu độ là chính Thiên Chúa, con người chỉ giữ phần phụ thuộc trong công trình này. Trong bài đọc I, Thiên Chúa là Người tìm ngọn hương bá, vun trồng nó, và cho nó phát triển từ một chồi non thành một cây hương bá to lớn, đến nỗi "muông chim đến nương mình bên nó, và ẩn thân dưới bóng lá cành." Trong bài đọc II, thánh Phaolô nhấn mạnh vai trò của đức tin trong cuộc sống con người. Nếu các tín hữu để ngọn đèn đức tin của Thiên Chúa ban cho hướng dẫn cuộc đời, họ sẽ vượt qua được mọi gian nan thử thách và sống đẹp lòng Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu so sánh Nước Thiên Chúa giống như hạt giống gieo xuống đất, con người có biết đến hay không thì hạt giống vẫn sống: nó nẩy mầm, bén rễ, mọc lên, sinh hoa kết trái, và sẵn sàng cho mùa gặt. Ngài cũng so sánh Nước Thiên Chúa như hạt cải, tuy nhỏ bé nhất trong các hạt giống, nhưng có tiềm năng trở thành cây lớn cho muôn chim kéo đến làm tổ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa là tác nhân chính trong việc tìm ra, vun trồng, và làm cho cây hương bá lớn mạnh.
1.1/ Nó sẽ trổ cành và kết trái thành một cây hương bá huy hoàng: Các ngôn sứ, đặc biệt Isaiah và Ezekiel, muốn nhấn mạnh đến uy quyền tối thượng của Thiên Chúa trong việc tạo dựng, điều khiển và cứu chuộc; con người chỉ giữ một vai trò rất nhỏ là cộng tác với Thiên Chúa để mang ơn cứu độ đã có sẵn đến cho mình, và loan truyền ơn cứu độ của Thiên Chúa cho tha nhân.
Hình ảnh chồi non của cây hương bá mà Thiên Chúa chọn lựa và đem trồng có thể so sánh với hình ảnh chồi non của gốc tổ Jesse trong Isaiah 11:1-10. Chồi non này cách chính yếu là chính Đức Kitô, và cách thứ hai là Giáo Hội mà Đức Kitô thiết lập. Theo Ezekiel, Đức Kitô sẽ trở thành cây hương bá to lớn, thay thế các vua của dòng tộc David để cai trị không chỉ dân Do-thái, nhưng còn mọi quốc gia trên thế giới. Đó chính là ý nghĩa của câu "muông chim đến nương mình bên nó, và ẩn thân dưới bóng lá cành."
1.2/ Chính Ta là Đức Chúa, Ta đã phán là Ta thực hiện: Trong Kế Hoạch Cứu Độ, Thiên Chúa là Người phác họa, thi hành, và mang nó đến chỗ thành công. Một khi Thiên Chúa bắt đầu thi hành, không một uy quyền hay chính thể nào trên thế giới có thể chống lại hay ngăn cản ý định của Ngài. Thiên Chúa có toàn quyền chọn lựa và định đoạt: "Ta hạ thấp cây cao và nâng cao cây thấp, Ta làm cho cây xanh tươi phải khô héo và cây khô héo được xanh tươi." Con người thuộc mọi thời đại phải nhận ra và phục tùng uy quyền tối thượng của Thiên Chúa.
Đọc lại lịch sử Cứu Độ, một điều được các nhà lãnh đạo và các ngôn sứ lặp đi lặp lại sau các lời tuyên sấm cùa Thiên Chúa là "Đức Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã phán." Lịch sử Cựu Ước chứng nhận những lời này là trung thực: Thiên Chúa trung thành thực thi những gì Ngài đã hứa. Ví dụ: lời hứa ban cho Abraham một dòng dõi, Đất Hứa; lời hứa ban cho nhân loại Đấng Thiên Sai, lời hứa sẽ thiết lập một giao ước mới...
2/ Bài đọc II: Chúng ta tiến bước nhờ lòng tin.
2.1/ Vai trò của đức tin trong cuộc đời của các tín hữu: Theo thánh Phaolô, khi sống trong cuộc đời này, chúng ta không thấy Thiên Chúa; nhưng chúng ta vẫn mạnh dạn tiến bước là nhờ niềm tin vào những lời Chúa nói. Nhiều tác giả ví đức tin như ngọn hải đăng dẫn đường cho con thuyền đời của mỗi người chúng ta trong đêm tăm tối. Trong lịch sử, chúng ta có hàng ngàn hàng vạn những chứng nhân của niềm tin như : Abraham, Isaac, Jacob, Moses, Joshua, Isaiah, Jeremiah, Thánh Giuse, Đức Mẹ, các thánh... Họ can đảm bước đi không phải vì đã thấy; nhưng hoàn toàn do bởi niềm tin vào những gì Thiên Chúa hứa. Kinh Thánh chứng nhận: họ đã không phải hổ thẹn, vì tất cả những gì Thiên Chúa hứa, Ngài đã làm.
Nhiều người phản kháng rằng họ chỉ tin và bước đi khi nhìn thấy kết quả. Điều này khôi hài, vì biết bao lần trong cuộc đời, họ đã làm khi chưa nhìn thấy hậu quả. Họ đã làm theo ý của cha mẹ, thầy cô, các nhà lãnh đạo ngoài đời cũng như trong tôn giáo. Họ đã đặt niềm tin vào những con người phàm này để tiến tới. Tại sao họ lại không đặt niềm tin vào một Thiên Chúa uy quyền có khả năng biến đổi sự vật từ không ra có, và chẳng gì là không thể đối với Người!
Quan niệm của thánh Phaolô về cuộc đời tương tự như truyền thống của Việt-nam: Sống gởi, thác về. Còn sống trong thân xác là con người lưu lạc xa Thiên Chúa; khi dứt bỏ thân xác là con người trở về với Thiên Chúa. Làm sao chúng ta biết điều này là thật? Chúng ta phải tin tưởng vào những gì Thiên Chúa mặc khải và sự suy luận của lý trí. Mặc khải về sự sống lại và sự sống đời sau đã được chứng nhận bởi Đức Kitô trong Kinh Thánh. Suy luận của lý trí về sự trường sinh bất tử của linh hồn được chứng thực bởi các triết gia Hy-lạp.
2.2/ Mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm. Tin tưởng và làm theo thánh ý Thiên Chúa trong cuộc đời là điều mà một người khôn ngoan phải làm, chứ không phải là điều tùy thuộc; vì sống làm sao, Thiên Chúa sẽ trả cho chúng ta như vậy.
(1) Nếu chúng ta cố gắng tìm ra và sống theo thánh ý của Thiên Chúa, chứ không theo sở thích của chúng ta, Thiên Chúa chắc chắn sẽ cho chúng ta sống lại và hưởng hạnh phúc bên Ngài.
(2) Nếu chúng ta chỉ sống theo ý riêng, chúng ta không đẹp lòng Thiên Chúa. Chúng ta chắc chắn sẽ phải trả giá cho lối sống đó. Chúng ta sẽ không được sống hạnh phúc với Thiên Chúa và sẽ bị tiêu diệt muôn đời.
3/ Phúc Âm: Con người không thể hiểu thấu công trình của Thiên Chúa.
Trong trình thuật của Marcô hôm nay, Nước Thiên Chúa được Chúa Giêsu diễn giải qua 2 ví dụ. Mục đích của việc diễn giải là để nói lên: (1) Nước Thiên Chúa lớn mạnh là do Thiên Chúa, không do công sức của con người; và (2), Nước Thiên Chúa tuy bắt đầu bé nhỏ, nhưng có tiềm năng lan rộng khắp thế giới.
3.1/ Nước Thiên Chúa được ví như một hạt giống chứa đựng tiềm năng của sự sống. Chúa Giêsu nói: "Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa." Qua ví dụ này, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến 3 điều sau đây:
(1) Con người không phải là tác giả của sự sống: Sự sống đến từ Thiên Chúa và được trao ban cho muôn vật. Trong sự tạo dựng của Thiên Chúa, hạt giống tự nó đã có tiềm năng của sự sống. Con người không cho hạt giống sự sống, nhưng có thể giúp nó tăng trưởng và cho kết quả tốt hơn. Cũng vậy, Nước Thiên Chúa đến từ Thiên Chúa và đã có tiềm năng phát triển. Con người không tạo nên Nước Thiên Chúa, nhưng có thể giúp cho Nước Thiên Chúa mau đến.
(2) Đặc điểm của Nước Thiên Chúa:
* Sự tăng trưởng của nó không hiểu được: Con người có thể nhìn thấy sự tăng trưởng của hạt giống, nhưng không thể cắt nghĩa sự tăng trưởng của nó. Cũng vậy, con người có thể nhìn thấy Nước Thiên Chúa lớn mạnh dần, nhưng không thể cắt nghĩa lý do của sự lớn mạnh này.
* Sự tăng trưởng của nó cứ phát triển đều đặn: Không giống như sự tiến bộ của con người, có lúc tăng trưởng có lúc suy thóai. Sự tăng trưởng của hạt giống và của Nước Thiên Chúa cứ phát triển đều đặn và lớn mạnh dần.
(3) Mùa màng sẽ tới: Khi gieo giống xuống, con người chờ đợi mùa màng tới. Cũng vậy, khi Thiên Chúa bắt đầu triều đại của Ngài, là sẽ có ngày vinh quang. Con người cần kiên nhẫn và chuẩn bị xứng đáng cho Ngày đó.
Đức tin được ví như hạt giống gieo vào tâm hồn con người. Đức tin đến từ Thiên Chúa, chứ không phải từ con người; nhưng con người có thể cộng tác với Thiên Chúa để làm cho đức tin phát triển. Đức tin có tiềm năng lớn mạnh để giúp con người luôn tin tưởng nơi Thiên Chúa cho dù phải đương đầu với bao nhiêu sóng gió của cuộc đời.
3.2/ Tiềm năng của sự sống không lệ thuộc vào hình dạng bên ngoài: Hạt cải là hạt bé nhỏ nhất nhưng có tiềm năng trở thành cây lớn. Hạt cải bên Palestine là hạt có thể trở thành cây, chứ không phải chỉ trở thành rau như của chúng ta. Trong thế giới thời đó, các đế quốc thường được ví như cây, và các nước chư hầu được ví như cành. Chúa Giêsu có ý muốn nói: Nước Thiên Chúa bắt đầu với một nhóm người Do-Thái nhỏ; nhưng có tiềm năng trở thành cây lớn, và tất cả con người thuộc mọi quốc gia đến tìm chỗ nương tựa. Điều này đã được chứng minh bằng con số hơn một nửa dân số của thế giới đã tin vào Ngài.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Đức tin là quà tặng quí giá Thiên Chúa đã gieo vào tâm hồn con người. Chúng ta phải biết quí trọng, phát triển, và giữ vững đức tin.
- Chúng ta sống là nhờ đức tin và hy vọng vào Đức Kitô. Nếu không đặt niềm tin nơi Đức Kitô và thi hành những gì Ngài dạy bảo, chúng ta sẽ không có hy vọng được sống muôn đời.
- Đức tin có tiềm năng lớn mạnh và thực hiện những chuyện vượt quá sức con người. Vì thế, khi chúng ta chưa thực hiện được những gì Thiên Chúa đòi, đức tin của chúng ta còn non nớt, yếu kém. Chúng ta cần xin Thiên Chúa củng cố niềm tin cho chúng ta.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- 14/6 Nước Thiên Chúa giống như hạt cải
- 13/6 Yêu thương thành thật
- 12/6 Thánh Tâm Chúa Giêsu
- 11/6 Phải cảm nhận được tình thương Thiên Chúa và tin vào Đức Kitô
- 10/6 Giao Ước mới kiện toàn Giao Ước cũ
- 09/6 Con người được trang bị để làm vinh danh Thiên Chúa
- 08/6 Nghịch lý giữa Thiên Chúa và con người
- 07/6 Chúa Giêsu hy sinh Mình và Máu Người cho chúng ta được sống
- 07/6 Giao Ước Tình Yêu
- 06/6 Làm thế nào để sống mối liên hệ với Thiên Chúa?