Sống Lời Chúa Hôm Nay
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Bảy Tuần 17 TN1, Năm B
Bài đọc: Lev 25:1, 8-17; Mt 14:1-12.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải kính sợ Thiên Chúa và thi hành những gì Ngài truyền dạy.
Thiên Chúa quan tâm đến đời sống của tất cả tạo vật: đất đai, cây cỏ, thú vật, và loài người; vì tất cả đều do Ngài dựng nên. Ngài tin tưởng trao tất cả vào tay con người; đồng thời, Ngài cũng dạy họ biết quản lý cách khôn ngoan, và chia sẻ cho nhau để đừng ai phải sống thiếu thốn quá. Ngược lại, con người luôn ích kỷ để tích trữ cho mình, và chất chứa hận thù để tìm dịp hại nhau.
Các Bài Đọc hôm nay muốn nêu bật sự đối nghịch giữa Thiên Chúa và con người. Trong Bài Đọc I, Thiên Chúa truyền cho ông Moses phải cử hành Năm Thánh mỗi 50 năm, với mục đích là để cho mọi người có cơ hội làm lại cuộc đời và san phẳng các bất công xã hội qua việc: phóng thích tù nhân, và trả lại nhà cửa và ruộng đất cho những ai đã phải cầm để có phương tiện sinh sống. Trong Phúc Âm, Gioan Tẩy Giả bị bà Herodia ghen ghét vì đã ngăn cản cuộc hôn nhân giữa Bà và Herode. Khi cơ hội tới, Bà đã bảo con gái xin vua Herode cái đầu của Gioan Tẩy Giả đặt trên mâm cho Bà!
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Năm Thánh (Jubilee) và các việc phải tuân hành:
1.1/ Thời gian: được cử hành mỗi 50 năm, căn cứ trên những gì Đức Chúa đã phán với ông Moses trên núi Sinai: "Các ngươi phải tính bảy tuần năm, nghĩa là bảy lần bảy năm; thời gian của bảy tuần năm đó là bốn mươi chín năm. Tháng thứ bảy, ngày mồng mười trong tháng, các ngươi sẽ thổi tù và giữa tiếng reo hò; vào Ngày Xá Tội, các ngươi sẽ thổi tù và trong toàn xứ các ngươi."
1.2/ Mục đích: Năm Thánh này có mục đích để nhắc nhở cho con người hai điều:
(1) Chỉ một mình Thiên Chúa là người sở hữu tất cả tài sản, con người chỉ là những người quản lý: được Thiên Chúa trao ban để sinh lợi mà thôi.
(2) Hễ kính mến Thiên Chúa, cũng phải biết yêu người. Thiên Chúa truyền lệnh: "Không ai trong các ngươi được làm thiệt hại người đồng bào, nhưng các ngươi phải kính sợ Thiên Chúa của các ngươi, vì Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi."
1.3/ Những việc phải thi hành:
(1) Phóng thích tù nhân và giải phóng nô lệ: "Các ngươi sẽ công bố năm thứ năm mươi là năm thánh và sẽ tuyên cáo trong xứ lệnh ân xá cho mọi người sống tại đó. Đối với các ngươi, đó là thời kỳ toàn xá: mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình, mỗi người sẽ trở về giòng họ của mình."
(2) Không được canh tác đất và thu hoạch mùa màng: "Đối với các ngươi, năm thứ năm mươi sẽ là thời kỳ toàn xá: các ngươi không được gieo, không được gặt lúa tự nhiên mọc, không được hái trong vườn nho không cắt tỉa. Vì đó là thời kỳ toàn xá, một năm thánh đối với các ngươi, các ngươi sẽ ăn hoa lợi của đồng ruộng."
+ Đất cũng cần phải được "nghỉ ngơi" vào năm thứ bảy (Sabbatical year) sau mỗi 6 năm canh tác (Lev 25:2-7). Năm này cũng rơi vào trong Năm Thánh. Đây là một lệnh truyền khôn ngoan: con người có cơ hội nghỉ ngơi cho lại sức, và đất có cơ hội để cho nhiều hoa quả hơn năm sau.
+ Để cho người nghèo có cơ hội sống bằng cách ăn những hoa quả do ruộng đồng mang lại trong năm đó.
(3) Trả lại ruộng đất và nhà cửa cho những ai đã cầm: "Năm toàn xá đó, mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình. Nếu các ngươi bán cái gì cho người đồng bào hoặc mua cái gì từ tay người đồng bào, thì đừng ai làm thiệt hại người anh em mình." Vì Thiên Chúa là chủ của các bất động sản, không ai có quyền mua bán của cải đó mãn đời.
(4) Giao kèo khi mua bán: "Ngươi sẽ mua của người đồng bào theo số năm sau năm toàn xá, và nó sẽ bán cho ngươi theo số năm thu hoạch. Còn nhiều năm thì ngươi mua giá cao, còn ít năm thì ngươi mua giá thấp, vì nó bán cho ngươi một số năm thu hoạch." Lý do, người mua sẽ phải hoàn lại những gì đã mua cho người bán khi Năm Thánh tới.
2/ Phúc Âm: Con người tích trữ hận thù và dùng thủ đoạn để giết nhau.
Thời ấy, tiểu vương Herode nghe danh tiếng Đức Giêsu, thì nói với những kẻ hầu cận rằng: "Đó chính là ông Gioan Tẩy Giả; ông đã từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ."
2.1/ Lý do của thù hận: Có hai lý do chính:
(1) Vì Gioan Tẩy Giả dám nói thật: "Số là vua Herode đã bắt trói ông Gioan và tống ngục vì bà Herodia, vợ ông Philíp, anh của nhà vua. Ông Gioan có nói với vua: "Ngài không được phép lấy bà ấy." Vua muốn giết ông Gioan, nhưng lại sợ dân chúng, vì họ coi ông là ngôn sứ." Herode Antipas đã phạm hai tội: (1) tội rẫy người vợ trước của mình là con vua Nabatean Arabs; và (2), tội loạn luân, lấy chị dâu của anh mình là Philip.
(2) Vì sợ ảnh hưởng của Gioan Tẩy Giả trên dân chúng: Sử gia Josephus cho đây là lý do chính để Herode giết Gioan Tẩy Giả (Ant 18, 5, 2). Là tiểu vương, ông không muốn có bất kỳ sự đối nghịch nào. Đây cũng là lý do tại sao Thượng Hội Đồng muốn tiêu diệt Chúa Giêsu.
2.2/ Cái chết của Gioan Tẩy Giả: Cả vua Herode và bà Herodia đều phải chịu trách nhiệm cho cái chết của Gioan Tẩy Giả. Trình thuật kể nguyên do cái chết như sau: "Nhân ngày sinh nhật của vua Herode, con gái bà Herodia đã biểu diễn một điệu vũ trước mặt quan khách, làm cho nhà vua vui thích. Bởi đó, vua thề là hễ cô xin gì, vua cũng ban cho."
(1) Phản ứng của bà Herodia: Cô con gái không biết nên xin gì; vì thế, cô chạy lại để hỏi mẹ. Nghe lời mẹ xui bảo, cô thưa với vua Herode: "Xin ngài ban cho con, ngay tại chỗ, cái đầu ông Gioan Tẩy Giả đặt trên mâm."
Một bà mẹ nuôi thù hận, tàn nhẫn, vô luân, và phản giáo dục như bà mẹ này, làm sao Bà có thể giáo dục con nên người? Sóng trước đổ đâu, sóng sau theo đó. Cô con gái sau này cũng sống một cuộc đời loạn luân và tàn nhẫn như mẹ cô vậy.
(2) Phản ứng của vua Herode: "Nhà vua lấy làm buồn, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên truyền lệnh ban cho cô. Vua sai người vào ngục chặt đầu ông Gioan. Người ta đặt đầu ông trên mâm, mang về trao cho cô, và cô ta đem đến cho mẹ."
Tất cả mọi sự kiện chứng minh Herode không phải là một anh quân: ly dị vợ, lấy vợ của anh, thề hứa vô lối, giữ lời thề cách không công bằng, và vi phạm đến sự sống của người công chính.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Mọi người trong thế gian đều là con chung của một cha trên trời; vì thế, chúng ta đều là anh/chị/em với nhau. Thiên Chúa muốn chúng ta phải yêu thương và chia sẻ cho nhau tất cả những hồng ân và của cải Ngài ban.
- Chúng ta phải loại trừ mọi hình thức ghen ghét, thù hận, bất công, và giết người dưới bất cứ hình thức nào; đồng thời, biết noi gương Thiên Chúa để luôn yêu thương và tha thứ cho mọi người.
- Khi làm chứng cho sự thật và đấu tranh cho công bằng, chúng ta có thể bị cầm tù và bị chém đầu như Gioan Tẩy Giả.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Sáu Tuần 17 TN1, Năm B
Bài đọc: Lv 23:1, 4-11, 15-16, 27, 34b-37; Mt 13:54-58.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải sống những gì mình cử hành.
Kitô Giáo không phải chỉ là niềm tin vào Thiên Chúa, được cử hành qua những nghi thức trong thánh đường; nhưng niềm tin này phải được biểu lộ trong đời sống của các Kitô hữu, như có một tác giả đã diễn tả "cuộc đời ta là Thánh Lễ nối dài." Các nghi thức giúp chúng ta thấu hiểu những mầu nhiệm của Thiên Chúa qua các biến cố lịch sử; để rồi chúng ta biết sống những mầu nhiệm đó trong đời sống hằng ngày. Chỉ như thế, tôn giáo mới mang lại lợi ích cho con người.
Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng nhu cầu cần thấu hiểu những gì con người cử hành trước khi sống niềm tin đó. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Levi trình bày ý nghĩa và những gì cần làm trong 4 ngày đại lễ của người Do-thái để thờ phượng Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu trở về quê để rao giảng và làm ích cho những người đồng hương; nhưng họ đã vấp phạm vì Ngài ngay trong hội đường.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Bốn đại lễ của Đức Chúa và những điều dân chúng phải làm.
Đức Chúa phán với ông Moses rằng: Đây là các đại lễ của Đức Chúa, các cuộc họp để thờ phượng mà các ngươi phải triệu tập vào thời gian ấn định:
1.1/ Lễ Vượt Qua (Passover) và Lễ Bánh Không Men (Unleaven Bread):
(1) Ý nghĩa: Hai ngày lễ này gần nhau vì cùng chung một biến cố lịch sử để kỷ niệm ngày con cái Israel được Thiên Chúa giải thoát khỏi làm nô lệ cho người Ai-cập.
+ Lễ Vượt Qua (Pasch): "Tháng thứ nhất, ngày mười bốn trong tháng, vào lúc chập tối, là Lễ Vượt Qua kính Đức Chúa." Các thiên thần "vượt qua" những nhà có máu chiên bôi trên cửa, và con cái Israel "vượt qua" Biển Đỏ ráo chân; trong khi quân đội của Pharao bị nhận chìm trong biển.
+ Lễ Bánh Không Men (massôt): "Ngày mười lăm tháng ấy là Lễ Bánh Không Men kính Đức Chúa. Trong vòng bảy ngày, các ngươi phải ăn bánh không men."
(2) Những việc cần làm:
- Ngày đầu tiên, các ngươi phải họp nhau để thờ phượng Ta, các ngươi không được làm một công việc nặng nhọc nào. Mục đích là để nhớ lại tình thương, uy quyền, và cảm tạ Thiên Chúa.
- Trong vòng bảy ngày, các ngươi phải tiến dâng lễ hoả tế lên Đức Chúa. Ngày thứ bảy, có cuộc họp để thờ phượng Ta, các ngươi không được làm một công việc nặng nhọc nào.
- Khi các ngươi vào đất Ta ban cho các ngươi, và gặt mùa ở đó, thì phải đem đến cho tư tế một bó lúa, sản phẩm đầu mùa gặt hái của các ngươi. Mục đích là để tạ ơn Thiên Chúa đã đưa dân vào Đất Hứa và chúc lành cho mùa màng đầu năm của họ.
- Nó sẽ làm nghi thức tiến dâng trước nhan Đức Chúa để các ngươi được đoái nhận; tư tế sẽ làm nghi thức tiến dâng hôm sau ngày Sabbath.
1.2/ Lễ Năm Mươi (Pentecost): còn được gọi là Lễ Tuần (Weeks)
(1) Ý nghĩa: Bảy tuần chẵn hay 50 ngày sau khi chấm dứt Lễ Bánh Không Men: "Từ hôm sau ngày Sabbath, các ngươi phải tính bảy tuần, bảy tuần chẵn. Các ngươi phải tính năm mươi ngày cho đến hôm sau ngày Sabbath, và các ngươi sẽ tiến dâng một lễ phẩm mới lên Đức Chúa." Truyền thống mừng lễ này để kỷ niệm biến cố Thiên Chúa ban cho con cái Israel Thập Giới qua ông Moses trên núi Sinai, 50 ngày sau biến cố vượt qua Biển Đỏ.
(2) Việc phải làm: Các ngươi đem bó lúa đến để làm nghi thức tiến dâng. Các chi tiết khác được mô tả rõ ràng trong (Lev 23:15-21).
1.3/ Ngày Xá Tội (Day of Atonement):
(1) Ý nghĩa: "Ngày mồng mười tháng bảy là Ngày Xá Tội." Mục đích là để xin Thiên Chúa tha thứ các tội mà con cái Israel đã xúc phạm tới Ngài và với nhau.
(2) Việc cần làm: Các ngươi phải họp nhau để thờ phượng Ta, phải ăn chay hãm mình và tiến dâng một lễ hoả tế lên Đức Chúa. Chi tiết về lễ này, xin đọc Sách Levi, chương 16.
1.4/ Lễ Lều (sukkôt): còn được gọi là Booth, Tent, hay Tabernacle.
(1) Ý nghĩa: Ngày mười lăm tháng bảy là Lễ Lều kính Đức Chúa, trong vòng bảy ngày. Mục đích là để cám ơn Thiên Chúa đã cho mùa màng thứ hai được kết quả tốt đẹp (nho và ôliu). Truyền thống sau này kỷ niệm việc con cái Israel sống trong lều khi lang thang suốt 40 năm trong sa mạc.
(2) Việc phải làm:
+ Ngày đầu tiên, phải họp nhau để thờ phượng Ta, các ngươi không được làm một công việc nặng nhọc nào.
+ Trong vòng bảy ngày, các ngươi phải tiến dâng lễ hoả tế lên Đức Chúa. Ngày thứ tám, các ngươi phải họp nhau để thờ phượng Ta, và phải tiến dâng một lễ hoả tế lên Đức Chúa: đó là một buổi họp long trọng, các ngươi không được làm một công việc nặng nhọc nào. Chi tiết về lễ này, xin xem (Num 29:12-38).
2/ Phúc Âm: Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin.
2.1/ Người đồng hương Nazareth không tin vào Chúa: Để giúp người đồng hương có cơ hội tin vào Ngài, Chúa Giêsu về quê và vào trong hội đường của họ để giảng dạy dân chúng.
(1) Họ nhận ra lập tức sự khôn ngoan và uy quyền của Chúa: Họ sửng sốt và nói: "Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế?" Nếu cứ tìm hiểu lý do, họ có thể tiến tới chỗ tin Ngài là Con Thiên Chúa.
(2) Phán đoán sai lầm: Nhưng họ để cho tính kiêu căng và ích kỷ chi phối phán đoán của họ: "Ông ta không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Maria; anh em của ông không phải là các ông Giacôbê, Joseph, Simon và Judah sao? Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông ta được như thế? Và họ vấp ngã vì Người."
Họ vấp ngã vì đã phán đoán không đúng đối tượng: thay vì phán đoán các dữ kiện Chúa nói và làm, họ lại phán đoán gia cảnh, họ hàng, và các môn đệ của Ngài! Họ nghĩ, một gia đình thợ mộc tầm thường không thể có con khôn ngoan và uy quyền như thế, vì "con sãi chùa phải quét lá đa!"
2.2/ Bụt nhà không thiêng: Đức Giêsu bảo họ: "Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi." Quá quen đưa đến khinh thường hay "gần chùa gọi bụt bằng anh."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta không thể tách rời những gì chúng ta cử hành trong thánh đường với đời sống của chúng ta ngoài thánh đường. Để sinh lợi ích, chúng ta phải đem ra áp dụng trong cuộc đời những gì chúng ta đã cử hành trong thánh đường.
- Chúng ta không thể chỉ là người công giáo ngày Chúa Nhật trong thánh đường và sống như những người vô thần khi ra khỏi nơi thánh đó. Làm như thế, chúng ta chỉ là những kẻ giả hình và thờ Thiên Chúa bằng môi miệng, còn lòng chúng ta thì xa Chúa vạn dặm.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Năm Tuần 17 TN1, Năm B
Bài đọc: Exo 40:16-21, 34-38; Mt 13:47-53.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải luôn sẵn sàng thích ứng với mọi thay đổi của cuộc sống theo thánh ý Thiên Chúa.
Con người thường có hai khuynh hướng: (1) Khuynh hướng bảo thủ chủ trương phải bảo vệ truyền thống và không được thay đổi điều gì cả. Những người theo khuynh hướng này thường sống với quá khứ vinh quang hơn là thích ứng với những thay đổi của hiện tại. (2) Khuynh hướng cấp tiến chủ trương phải đạp đổ quá khứ để chạy theo những gì tân thời. Những người theo khuynh hướng này chủ trương phải thay đổi tất cả cho kịp với đà tiến của xã hội. Cả hai khuynh hướng đều cực đoan. Người khôn ngoan phải là người có con mắt tinh đời để giữ lại những tinh hoa nền tảng của truyền thống và tìm cách thích ứng cho hợp với đà tiến của xã hội.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong thái độ khôn ngoan này. Trong Bài Đọc I, ông Moses cho xây dựng Nhà Tạm trong Lều Hội Ngộ như Thiên Chúa truyền. Mục đích là để cho con cái Israel luôn ý thức được sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa họ và hướng dẫn họ qua "cột mây" trước Nhà Tạm. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu bảo các môn đệ: sở dĩ họ hiểu được các mầu nhiệm Nước Trời là vì họ đã có những kiến thức căn bản của Lề Luật và Ngôn Sứ. Trong thời gian hiện tại, Thiên Chúa muốn cả người lành và kẻ dữ chung sống với nhau; nhưng trong Ngày Tận Thế, các thiên thần của Ngài sẽ phân biệt hai loại người và sẽ tiêu diệt kẻ dữ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa luôn hiện diện với con người.
1.1/ Kiến thiết Nhà Tạm trong Lều Hội Ngộ: Thiên Chúa có thể hiện diện với dân mà không cần có Lều Hội Ngộ hay Nhà Tạm, vì Ngài vô hình; nhưng dân chúng cần có những thứ này, để họ xác tín Thiên Chúa luôn ở với họ, vì con người hữu hình. Chúng ta còn nhớ biến cố dân chúng bắt ông Aaron phải đúc cho họ một con bê bằng vàng để thờ, vì họ không thấy Thiên Chúa và ông Moses trong một thời gian khá lâu, khi ông lên núi để đàm đạo với Thiên Chúa. Những gì hữu hình có sức mạnh nhắc con người đừng quên sự hiện diện và tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người.
Đó là lý do ông Moses làm mọi sự đúng y như Đức Chúa đã truyền cho ông. "Ông Moses cho dựng Nhà Tạm. Ông cho đặt đế, ghép ván, đặt thanh ngang và dựng cột. Ông cho căng lều trên Nhà Tạm, lấy bạt che phía trên lều, như Đức Chúa đã truyền cho ông Moses. Ông lấy Thập Giới đặt vào Hòm Bia, xỏ đòn vào Hòm Bia, đặt nắp xá tội lên trên đó. Ông rước Hòm Bia vào trong Nhà Tạm và treo bức trướng để che khuất Hòm Bia Thập Giới, như Đức Chúa đã truyền cho ông."
Sau này, khi đã vào Đất Hứa, con cái Israel vẫn còn thói quen để Thiên Chúa trong Lều Thánh, cho đến khi vua Solomon thay Lều Thánh bằng Đền Thờ, và đặt Hòm Bia vào Nơi Cực Thánh trong Đền Thờ. Sang thời Tân Ước, Nhà Tạm vẫn tiếp tục hiện diện trong các thánh đường; nhưng Hòm Bia được thay thế bằng Mình Thánh Chúa.
1.2/ Thiên Chúa hướng dẫn con cái Israel trong sa mạc: Thiên Chúa không chỉ hiện diện giữa dân chúng, nhưng Ngài còn hướng dẫn họ suốt 40 năm lang thang trong sa mạc. Để biết khi nào Thiên Chúa muốn họ cắm trại hay nhổ trại, ông Moses và con cái Israel căn cứ theo "cột mây:"
+ Khi nào đám mây bay lên khỏi Nhà Tạm, thì con cái Israel nhổ trại.
+ Nếu mây không bay lên, thì họ không nhổ trại cho đến ngày mây lại bay lên. Quả vậy, đám mây của Đức Chúa đậu trên Nhà Tạm ban ngày, còn ban đêm thì có lửa trong mây, trước mắt toàn thể con cái Israel, ở mỗi chặng đường họ đi.
2/ Phúc Âm: Nước Trời giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ.
2.1/ Nước Trời như chiếc lưới thả xuống biển: Chúa Giêsu nói với dân chúng: "Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài."
(1) Giai đoạn hiện tại: Có hai trường phái giải thích dụ ngôn này như sau:
+ Giáo Hội chỉ dành cho người tốt: Giáo Hội do Đức Kitô thiết lập chỉ dành cho những người tốt, sống theo những gì Chúa truyền dạy; những kẻ xấu, không vâng lời những gì Chúa truyền dạy phải bị khai trừ như ngư phủ quăng cá xấu vậy.
+ Giáo Hội dành cho mọi người: tốt cũng như xấu. Trong giai đoạn hiện tại, Giáo Hội là cho tất cả mọi người. Thiên Chúa muốn cho mọi người có cơ hội để ăn năn trở lại. Hơn nữa, ngoài Thiên Chúa, không ai có quyền xét xử và xếp loại ai tốt, ai xấu cả. Quan niệm này hợp với đường lối của Thiên Chúa hơn.
(2) Ngày Tận Thế chắc chắn sẽ đến: Chúa Giêsu tiếp tục giải thích: "Đến Ngày Tận Thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng." Điều mọi người cần ý thức ở đây là Ngày Tận Thế: nhiều người chỉ nghĩ đến Ngày Tận Thế của thế giới, mà không nghĩ tới ngày tận thế của đời mình, khi họ từ giã dương gian về với Thiên Chúa. Vì thế, mọi người cần ăn năn xám hối trước khi từ giã cuộc đời kẻo sẽ phải hối hận sau này.
2.2/ Nước Trời như kho tàng có cả cái cũ lẫn cái mới: Người bảo họ: "Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ."
(1) Kiến thức mới có được là do căn bản của kiến thức cũ: Điều này đúng cho mọi lãnh vực tri thức của con người. Nếu không bắt đầu từ kiến thức căn bản, con người sẽ không hiểu được những kiến thức cao hơn. Trong lãnh vực Kinh Thánh cũng thế, con người phải bỏ thời gian để học hỏi những điều căn bản, trước khi họ có thể phân tích và hiểu biết những mầu nhiệm cao siêu hơn. Ví dụ, để hiểu Tân Ước cách rõ ràng, giả sử một người phải hiểu về Cựu Ước.
(2) Kiến thức mới hoàn hảo hóa kiến thức cũ: Hầu hết các phát minh mới đều dựa trên những kiến thức cũ, nhưng được làm cho hoàn hảo hơn. Chúa Giêsu đã từng nói Ngài đến không để phá hủy Lề Luật; nhưng làm cho hoàn hảo hơn. Người môn đệ khi theo Đức Kitô không từ bỏ các kiến thức cũ: khoa học, nghề nghiệp, chuyên môn ... nhưng biết dùng chúng cho một mục đích tốt đẹp hơn.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải có thái độ khôn ngoan để biết giữ lại những gì không thể thay đổi như đức tin và tình yêu; đồng thời biết thay đổi những gì có thể thay đổi, cho phù hợp với thánh ý Thiên Chúa và theo kịp đà tiến của xã hội.
- Ngoan cố để giữ lại tất cả truyền thống sẽ bị thời gian đào thải; nhưng thích ứng hòan toàn sẽ bị hụt hẫng như cây không bám rễ, hay sẽ bị khô cạn như suối nước không có nguồn.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Tư Tuần 17 TN, Năm lẻ. Nhớ Thánh Martha
Bài đọc: Exo 34:29-35; Lk 10:38-42.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lựa chọn phần tốt nhất: lắng nghe và đàm đạo với Thiên Chúa.
Khi đương đầu với cuộc sống quá bận rộn, nhiều người không còn biết phải chọn điều gì và bỏ điều gì nữa. Rốt cuộc, họ chỉ còn biết phản ứng và làm điều gì tới trước. Phản ứng như thế không khôn ngoan, vì mọi việc phải có thứ tự ưu tiên của chúng. Nhiều lần chúng tôi đã đề cập đến chiếc kiềng ba chân mà chúng ta phải đứng vững trên đó, và thứ tự ưu tiên của chúng: (1) mối liên hệ với Thiên Chúa, (2) mối liên hệ với tha nhân, và (3) mối liên hệ với của cải vật chất. Theo thứ tự của Thập Giới và thứ tự của chiếc kiềng ba chân này, mối liên hệ của con người với Thiên Chúa chiếm vị thế hàng đầu trong cuộc sống. Con người phải thờ phượng và kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự.
Các Bài Đọc hôm nay muốn làm nổi bật các người đã chọn phần tốt nhất. Trong Bài Đọc I, ông Moses được diễm phúc nhìn thấy Thiên Chúa và đàm đạo với Ngài. Hậu quả là vinh quang của Thiên Chúa phản chiếu rạng ngời trên khuôn mặt ông đến độ con cái Israel không dám nhìn ông vì sợ hãi. Ông phải đeo một tấm vải để che bớt sự rạng rỡ này. Phúc Âm tường thuật biến cố Chúa Giêsu đến thăm hai chị em Martha và Maria. Chị Martha than phiền vì em Maria không chịu giúp chị lo việc phục vụ Chúa, mà chỉ ngồi dưới chân để lắng nghe Ngài. Chúa Giêsu sửa lỗi chị Martha: "Martha! Martha ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi."
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Vinh quang Thiên Chúa biểu tỏ trên mặt ông Moses.
1.1/ Lý do của việc chiếu sáng: "Ông Moses không biết rằng da mặt ông sáng chói bởi đã đàm đạo với Thiên Chúa." Tục ngữ Việt-nam có câu: "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng." Câu tục ngữ này có nghĩa: khi một người làm bạn với những người tốt lành, thánh thiện, anh sẽ được chiếu sáng và học được những thói quen tốt lành này; ngược lại, nếu anh giao du với phường trộm cướp gian manh, anh sẽ trở nên tối tăm vì nhiễm lây những thói quen xấu xa của họ. Vì ông Moses gần gũi Thiên Chúa và đàm đạo với Ngài thường xuyên, nên vinh quang của Ngài chiếu tỏa và ở lại trên khuôn mặt ông.
Trong biến cố Chúa Giêsu biến hình trên núi Thabor, các thánh ký cũng tường thuật mặt của Chúa Giêsu sáng chói như mặt trời và áo của Ngài trở nên trắng như tuyết. Điều này dạy chúng ta bài học: phải để vinh quang của Thiên Chúa chiếu sáng trong cuộc đời chúng ta qua việc cầu nguyện, tham dự Thánh Lễ, và kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa; nếu không, sự tối tăm của ma quỉ sẽ bao trùm cuộc sống, và chúng ta sẽ sợ hãi và tránh né những con cái của sự sáng, như con cái Israel tránh né ông Moses vậy. Nếu họ không dám nhìn mặt của Moses, chỉ là phản chiếu của vinh quang Thiên Chúa, làm sao họ dám nhìn Thiên Chúa, là nguồn sáng như chính mặt trời?
1.2/ Thiên Chúa nói với dân qua người lãnh đạo: Ông Moses gọi họ: "ông Aaron và các đầu mục của cộng đồng trở lại với ông, và ông nói chuyện với họ. Sau đó, toàn thể con cái Israel lại gần ông, và ông truyền cho họ tất cả những điều Đức Chúa đã phán với ông trên núi Sinai."
Bên cạnh vinh quang bên ngoài, ông Moses còn được soi sáng trong tâm hồn để hiểu biết những điều bí nhiệm của Thiên Chúa; nếu Thiên Chúa không mặc khải, không ai có thể hiểu biết những bí nhiệm này. Vì thế, chúng ta cần tôn trọng và năng chạy đến với các nhà lãnh đạo thánh thiện, các ngài thay mặt Chúa để dạy dỗ và mặc khải những bí nhiệm của Thiên Chúa cho chúng ta.
2/ Phúc Âm: Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.
2.1/ Em Maria chọn ngồi bên chân Chúa để nghe Ngài giảng dạy: Nhiều người chắc cũng nghĩ như chị Martha: con bé này lười quá hay "mồm miệng đỡ tay chân!" Nhưng đây là một lựa chọn rất tính toán và khôn ngoan, như Chúa Giêsu đã phải khen Maria bên dưới. Một số lý do có thể Maria đã dựa vào để làm sự lựa chọn này:
+ Cô biết rõ thứ tự ưu tiên của cuộc đời: phải chọn Thiên Chúa trước hết. Maria biết chẳng có ai có những lời khôn ngoan và mang lại sự sống như Chúa Giêsu; vì thế, cô phải hoãn tất cả các việc khác để lắng nghe những gì Ngài muốn truyền đạt.
+ Cô biết nắm lấy cơ hội khi nó xảy đến: Một người bận rộn rao giảng như Chúa không dễ gặp. Cô biết cơ hội để đàm đạo với Chúa không thường xảy ra: nếu không biết nắm lấy ngay, cô không biết có còn cơ hội nào khác không! Chúng ta phải học nơi Maria điều này, để khi Chúa gởi những nhà rao giảng đến, chúng ta biết sắp xếp công việc hàng ngày để nghe những gì họ rao giảng. Đừng giả sử cơ hội sẽ có mãi, kẻo phải tiếc nuối sau này!
+ Khách đến nhà không chỉ để ăn, nhưng còn để chuyện vãn, tâm sự. Maria thấy chị bận rộn nấu nướng; cô chọn để trò chuyện với Chúa. Nhiều người chúng ta không chịu để ý đến khía cạnh tế nhị này; nên đã để cho khách ngồi một mình trong phòng khách chờ đợi trong khi chúng ta chuẩn bị thức ăn dưới bếp. Hiểu như thế, quyết định của Maria thật sáng suốt: chị lo nấu ăn, em lo tiếp khách.
2.2/ Chị Martha chọn để vất vả lo việc phục vụ Chúa Giêsu: Khi một thượng khách như Chúa Giêsu đến nhà, đó là lúc để chủ nhà biểu tỏ tài nội trợ, nấu nướng, và tính hiếu khách. Chúng ta không lạ gì khi Martha quá vất vả lo lắng tới độ cô tiến lại Chúa Giêsu và than phiền với Ngài: "Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!" Ngược lại với những gì Martha mong đợi, Chúa Giêsu đáp: "Martha! Martha ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi." Có nhiều điều chúng ta có thể học hỏi từ câu trả lời của Chúa Giêsu:
+ Martha không hiểu rõ thứ tự ưu tiên của cuộc đời: Chúa Giêsu sữa chữa lỗi lầm cho cô khi Ngài nói: "Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi." Thức ăn có ngon mấy chăng nữa rồi cũng qua đi; nhưng Lời Chúa sẽ ở lại trong tâm hồn và soi sáng cho con người biết cách sống thế nào để có hạnh phúc trong cuộc đời.
+ Martha không quan tâm đến người khác: Cô có thể nghĩ chỉ có việc của cô mới đáng làm, việc của Maria không quan trọng! Đây là một lỗi lầm mà nhiều người chúng ta mắc phải. Chúng ta đừng bắt người khác phải suy nghĩ và hành động như mình, vì mỗi người có những suy nghĩ và hành động khác nhau. Chúng ta cũng không hiểu đủ để xác quyết việc nào là việc tốt nhất, cho đến khi được tuyên bố rõ ràng bởi Thiên Chúa.
+ Martha không biết sắp xếp thời giờ: Có thể Martha không biết khi nào Chúa đến, vì ngày xưa không có thói quen có giờ hẹn như thời nay. Dù sao chăng nữa, Martha không nên lo lắng quá nhiều đến chuyện ăn uống, vì khách tới nhà để thăm viếng chứ không chỉ để ăn! Các gia đình Việt-nam chúng ta cần chú trọng điều này, để đừng làm quá nhiều thức ăn mỗi khi tiếp khách. Hầu hết trong các bữa tiệc, khách không dùng hết một nửa các thức ăn của chủ nhà bày ra. Hậu quả là gia chủ phải ăn đồ thừa hay phải lãng phí thức ăn cách không cần thiết.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải dành ưu tiên hàng đầu cho mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa bằng cách dành thời giờ để cầu nguyện, lắng nghe, học hỏi, và thực hành những gì Chúa dạy.
- Lời Chúa soi sáng cho chúng ta biết cách lựa chọn những điều xảy ra cho phù hợp với thánh ý của Thiên Chúa; đồng thời cũng cung cấp cho chúng ta sức mạnh để làm theo.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Ba Tuần 17 TN1, Năm B
Bài đọc: Exo 33:7-11, 34:5-9, 28; Mt 13:35-43.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa sẽ trả lại cho con người tùy theo việc làm của họ.
Không ai có thể phủ nhận sự hiện diện của ác thần mà chúng ta gọi là ma quỉ trong cuộc sống. Trong khi người thiện tâm và cầu tiến luôn tìm cách vươn lên; thì có một thế lực luôn kéo ghì con người xuống. Thánh Phaolô đã trình bày kinh nghiệm này như sau: "Điều tôi muốn, tôi không làm; nhưng lại làm điều tôi không muốn... Ai có thể cứu tôi khỏi tình trạng thảm thương này?" Nhiều người lo sợ ác thần đang có cơ hội thắng thế và một ngày sẽ làm chủ thế giới này!
Các Bài Đọc hôm nay muốn nêu bật sự đối nghịch giữa tình thương của Thiên Chúa dành cho con người với sự phá hủy của ma quỉ, muốn lôi kéo con người về phía chúng. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Xuất Hành trình bày sự hiện diện của Thiên Chúa giữa con người qua "cột mây" trước Lều Hội Ngộ và sự đàm đạo với ông Moses như một người bạn để mặc khải kế hoạch của Ngài cho dân chúng; trong khi quỉ thần luôn tìm cách khích động dân phản động quay lưng lại với Thiên Chúa và các nhà lãnh đạo của họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu giải thích dụ ngôn cỏ lùng cho các môn đệ. Thiên Chúa luôn gieo những hạt giống tốt vào thế gian; trong khi quỉ thần luôn tìm cách gieo những cỏ lùng. Ngài sẽ kiên nhẫn chờ đợi cho đến Ngày Tận Thế, khi các thiên thần của Ngài sẽ đi gom nhặt tất cả các quỉ thần và đồng bọn của chúng để tiêu diệt muôn đời.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa luôn hiện diện với dân Ngài qua "cột mây" trước Lều Hội Ngộ.
1.1/ Thiên Chúa hiện diện với con cái Israel dưới nhiều hình thức: Suốt 40 năm lang thang trong sa mạc, Thiên Chúa luôn tỏ sự hiện diện của Ngài dưới nhiều hình thức khác nhau:
(1) Lều Hội Ngộ và cột mây: "Ông Moses lấy một chiếc lều và đem dựng cho mình bên ngoài trại, cách một quãng xa. Ông gọi lều ấy là Lều Hội Ngộ. Ai thỉnh ý Đức Chúa thì ra Lều Hội Ngộ, ở ngoài trại. Mỗi khi ông Moses ra Lều, toàn dân đứng lên, ai nấy đứng ở cửa lều mình và nhìn theo ông Moses cho đến khi ông vào trong Lều. Mỗi khi ông Moses vào trong Lều, thì cột mây đáp xuống, đứng ở cửa Lều, và Đức Chúa đàm đạo với ông Moses. Khi thấy cột mây đứng ở cửa Lều, toàn dân đứng dậy; và ai nấy phủ phục ở cửa lều mình."
Ngày nay, Thiên Chúa vẫn hiện diện với con người dưới hình thức khác nhau, nhất là trong Nhà Tạm, nơi Ngài chờ con người đến thăm viếng và tâm sự với Ngài. Giống như con cái Israel, chúng ta cần có thái độ cung kính trước sự hiện diện của Thiên Chúa, mỗi khi chúng ta đến thăm viếng Thiên Chúa trong nhà thờ.
(2) Thiên Chúa nói với dân qua người lãnh đạo: Trình thuật kể: "Đức Chúa đàm đạo với ông Moses, mặt giáp mặt, như hai người bạn với nhau."
+ Đây là một đặc quyền Thiên Chúa ban cho ông Moses, được đàm đạo với Ngài diện đối diện mà không phải chết, dù đây chỉ là kiểu nói của người đời vì Thiên Chúa không có mặt người. Đây cũng là hy vọng tối cao cho mỗi người chúng ta, khi chúng ta được nhìn thấy Thiên Chúa như Ngài là, trong thị kiến tuyệt hảo (beatific vision). Theo mối thứ sáu của Bát Phúc, chỉ có những ai có lòng thanh sạch mới được nhìn thấy Thiên Chúa. Ông Moses phải là người có tâm hồn trong sạch.
+ Thiên Chúa vẫn đang nói với chúng ta qua các nhà lãnh đạo: Đức Giáo Hoàng, các Đức Giám Mục, các cha, thầy, sơ, và các cha mẹ chúng ta; để qua họ, chúng ta nhìn thấy rõ hơn những gì Ngài muốn trong cuộc đời chúng ta.
1.2/ Thiên Chúa luôn trung tín và công bằng: Trong thị kiến hôm nay, Đức Chúa mặc khải cho ông Moses những sự thật về Ngài: "Đức Chúa! Đức Chúa! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi, nhưng không bỏ qua điều gì, và trừng phạt con cháu đến ba bốn đời vì lỗi lầm của cha ông."
(1) Tội lỗi và hình phạt: Vì Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, Ngài sẽ tha thứ tội lỗi nếu tội nhân biết ăn năn hối cải; nhưng họ vẫn phải lãnh nhận hình phạt tùy theo tội trạng của mình. Hình phạt có thể là chính những thiệt hại con người gây nên cho mình; ví dụ, tội kiêu căng sẽ bị mọi người xa tránh. Hay con người phải chịu những hình phạt vì đã xúc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân; ví dụ, 3 năm tù vì đã gây thiệt hại vật chất cho tha nhân.
(2) Ông Moses bầu cử cho dân chúng: Ông Moses vội vàng phục xuống đất thờ lạy và thưa: "Lạy Chúa, nếu quả thật con được nghĩa với Chúa, thì xin Chúa cùng đi với chúng con. Dân này là một dân cứng đầu cứng cổ, nhưng xin Ngài tha thứ những lỗi lầm và tội lỗi của chúng con, và nhận chúng con làm cơ nghiệp của Ngài." Giống như tổ-phụ Abraham bầu cử cho dân thành Sodom, ông Moses cũng bầu cử cho con cái Israel. Ông xin Thiên Chúa luôn hiện diện với dân và nhận họ làm dân riêng của Ngài. Chỉ những người được coi là nghĩa thiết với Thiên Chúa, mới có thể làm được điều này.
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng cho các môn đệ.
2.1/ Nghĩa biểu tượng (allegorical) của dụ ngôn cỏ lùng: Bấy giờ, Đức Giêsu bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: "Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe." Rất ít dụ ngôn có nhiều những nghĩa biểu tượng như Chúa Giêsu cắt nghĩa về dụ ngôn cỏ lùng:
+ Kẻ gieo hạt giống tốt: là Con Người, chính Đức Kitô.
+ Kẻ thù đã gieo cỏ lùng: là quỷ thần, những kẻ đối nghịch với Thiên Chúa.
+ Ruộng: là thế gian. Nhiều người ví thế gian như một bãi chiến trường giữa thiện và ác.
+ Hạt giống tốt: là con cái Nước Trời, những người muốn sống theo sự thật và sự tốt lành.
+ Cỏ lùng: là con cái Ác Thần, những người từ chối sống theo đường lối của Thiên Chúa.
+ Mùa gặt: Như mùa gặt phải đến với nhà nông, Ngày Tận Thế chắc chắn sẽ đến với con người. Thợ gặt là các thiên thần.
2.2/ Ngày Tận Thế sẽ xảy đến: Mục đích của dụ ngôn thường chỉ muốn nói lên một điều chính yếu. Điều chính yếu trong dụ ngôn cỏ lùng là sự hiện diện của quỉ thần trong cuộc sống con người. Chúng cạnh tranh với Thiên Chúa để lôi kéo con người theo chúng; nhưng chúng chỉ có quyền hạn trên con người cho tới Ngày Tận Thế. Trong ngày đó, quỉ thần và con cái của chúng sẽ bị tiêu diệt muôn đời, như lời Chúa Giêsu tuyên bố hôm nay: "Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến Ngày Tận Thế cũng sẽ xảy ra như vậy."
(1) Số phận của ma quỉ và con cái của chúng: "Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng."
(2) Số phận của con cái Nước Trời: "Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải chịu trách nhiệm về tất cả hành động khi còn sống trên dương gian này. Vì thế, chúng ta phải cố gắng hết sức để sống theo những gì Thiên Chúa dạy bảo.
- Ngày Tận Thế chắc chắn sẽ tới như ngày thu hoạch mùa màng của nhà nông. Trong Ngày đó, quỉ thần và ác nhân sẽ bị tiêu diệt như cỏ lùng; còn người công chính sẽ được hưởng hạnh phúc muôn đời. Chúng ta đừng dại dột để sống theo cám dỗ của chúng để khỏi bị tiêu diệt muôn đời.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Hai Tuần 17 TN1, Năm B
Bài đọc: Exo 32:15-24, 30-34; Mt 13:31-35.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đức tin vững mạnh cần thiết để vượt qua gian khổ cuộc đời.
Trong thực tế, biết bao ví dụ đã chứng minh: càng sung sướng hạnh phúc bao nhiêu, con người càng dễ dàng quay lưng lại với Thiên Chúa và chạy theo những cám dỗ của ba thù bấy nhiêu. Vì thế, con người cần học hỏi để biết làm chủ vật chất, trước khi đương đầu với sự thành đạt cuộc đời. Một khí cụ tối cần thiết để con người có thể làm chủ cuộc đời là sự vững mạnh của đức tin và cuộc sống kết hợp mật thiết với Thiên Chúa.
Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng cho chúng ta thấy sự cần thiết của đức tin trong việc đối đấu với những chước cám dỗ. Trong Bài Đọc I, con cái Israel bỏ quên Thiên Chúa để tự tạo cho mình một con bê bằng vàng để thờ lạy, đang khi Thiên Chúa và ông Moses vất vả để thiết lập Thập Giới cho họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đưa ra hai dụ ngôn để dẫn chứng sự cần thiết phải làm cho đức tin vững mạnh.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Các ngươi không được thờ thần nào khác ngoại trừ Ta.
1.1/ Con cái Israel tự tạo cho mình một thần bê vàng để thờ lạy.
(1) Thiên Chúa quan tâm dạy dỗ dân qua Thập Giới: Đã dùng cánh tay uy hùng để đưa dân ra khỏi đất nô lệ cho người Ai-cập, Thiên Chúa còn thân hành dạy dỗ bằng cách ban Thập Giới cho con cái Israel qua vị lãnh đạo là ông Moses. Sau khi đã nhận lãnh Thập Giới từ Thiên Chúa, trình thuật kể: "Ông Moses từ núi trở xuống, tay cầm hai tấm bia Giao Ước; những bia ấy có viết cả hai mặt, mặt trước cũng như mặt sau. Những bia ấy là do Thiên Chúa làm ra, chữ là chữ của Thiên Chúa, khắc trên các bia."
Khi tiến đến gần chân núi, hai ông nghe tiếng dân reo hò. Ông Joshua nói với ông Moses: "Có tiếng giao tranh trong trại!" Nhưng ông Moses nói: "Tôi nghe không phải tiếng ca chiến thắng, không phải lời than bại trận mà là tiếng ca đối đáp!" Và khi đến gần trại, ông thấy con bê và những bọn người đang nhảy múa: "Ông tức giận và ném các tấm bia đang cầm trong tay và đập vỡ dưới chân núi. Ông lấy con bê họ đã làm, đốt đi, tán nhuyễn ra, rắc lên mặt nước, rồi bắt con cái Israel uống."
Ông Moses có ít nhất hai lý do để nổi giận với dân: Thứ nhất, con cái Israel đã mù quáng quay lưng lại với tình yêu của Thiên Chúa: thay vì phải kính mến yêu thương Người đã làm biết bao điều tốt lành cho mình lại chạy theo thờ phượng một con bò vô tri vô giác. Thứ hai, con cái Israel đã quá ngu dốt: trong khi Thiên Chúa đang lo lắng xây đắp một tương lai huy hoàng và vinh quang cho dân, họ lại chạy theo một bức tượng do bàn tay con người nhào lặn nên, chẳng có tí quyền năng gì cả.
(2) Lý do thờ bê vàng: Ông Moses hỏi ông Aaron, người đã ở lại với dân khi ông lên núi gặp gỡ Chúa: "Dân này đã làm gì ông mà ông đưa họ tới chỗ phạm một tội lớn như thế?" Ông Aaron nói: "Xin ngài chớ bừng bừng nổi giận; chính ngài biết dân này có khuynh hướng xấu. Họ nói với tôi: Xin ông làm cho chúng tôi một vị thần để dẫn đầu chúng tôi, vì chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra cho cái ông Moses này, là người đã đưa chúng tôi lên từ đất Ai-cập. Tôi nói với họ: Ai có vàng? Họ đã gỡ đồ vàng đeo tai và đưa cho tôi; tôi ném vào lửa, và đã ra con bê này."
Tục ngữ Việt-nam có câu rất thích hợp cho trường hợp này: "no cơm rửng mỡ." Khi con người sống sung sướng hạnh phúc quá, họ bắt đầu làm chuyện đồi bại. Ngược lại, khi con người phải vất vả làm ăn và nghèo khó, họ biết thờ phượng, kính mến, và năng chạy đến với Chúa để kêu xin. Nhiều người lấy làm lạ tại sao trong hoang địa, không có dụng cụ luyện kim, mà ông Aaron có thể tạo thành con bê vàng này? Mục đích của tác giả không phải ở chỗ làm sao có con bê vàng; nhưng ở chỗ muốn chứng minh khuynh hướng sai lạc của con người khi đã có đầy đủ vật chất.
1.2/ Phạm tội phải đền tội:
(1) Ông Moses bầu cử cho dân: Tuy rất cương nghị trong khi sửa phạt con cái Israel; nhưng ông Moses rất có lòng thương họ. Ngày hôm sau, ông Moses nói với dân: "Anh em đã phạm một tội lớn, nhưng giờ đây tôi sắp lên gặp Đức Chúa; may ra tôi sẽ xin được Người xá tội cho anh em." Đây phải là đức tính của những người lãnh đạo trong Giáo Hội và các bậc làm cha mẹ: vừa phải dứt khoát theo sự thật khi giáo dục, vừa phải thương yêu và tha thứ khi họ đã nhận ra lỗi lầm. Ông Moses trở lại với Đức Chúa và thưa: "Than ôi, dân này đã phạm một tội lớn! Họ đã làm cho mình một tượng thần bằng vàng! Nhưng giờ đây, ước gì Ngài miễn chấp tội họ! Bằng không, thì xin Ngài xoá tên con khỏi cuốn sách Ngài đã viết." Ông Moses sẵn sàng hy sinh chết để toàn dân được sống.
(2) Thiên Chúa công bằng: Đức Chúa phán với ông Moses: "Kẻ nào phạm tội làm mất lòng Ta, Ta sẽ xoá tên nó khỏi cuốn sách của Ta. Bây giờ, ngươi hãy đi, đưa dân tới nơi Ta đã chỉ cho ngươi. Này thiên sứ của Ta sẽ đi trước mặt ngươi; nhưng đến ngày Ta trừng phạt, Ta sẽ trừng phạt chúng vì tội đã phạm." Tội của ai, người ấy chịu; ông Moses không được phép gánh lấy các hình phạt của dân. Thiên Chúa sẽ sửa phạt họ, nhưng Ngài vẫn cho họ có cơ hội để ăn năn và sửa chữa các khuyết điểm. Nếu cứ ngoan cố trong tội lỗi, họ sẽ tự cách biệt họ khỏi Thiên Chúa ngay từ đời này, chứ chưa cần phải đợi tới đời sau. Con cái Israel bị rắn lửa cắn chết là một điển hình.
2/ Phúc Âm: Phải làm sao cho đức tin lớn mạnh.
2.1/ Dụ ngôn hạt cải: Đức Giêsu còn trình bày cho họ nghe một dụ ngôn khác về sự cần thiết của Lời Chúa trong tiến trình tăng trưởng của đức tin. Người nói: "Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được."
+ Hạt cải của Palestine có thể trở thành cây: chứ không giống như hạt rau cải của Việt-nam. Nó có thể cho trở thành cây cao rợp bóng cho chim trời đến trú ngụ.
+ Đức tin là quà tặng Thiên Chúa ban cho con người khi họ lãnh nhận Bí-tích Rửa Tội, tuy bắt đầu nhỏ bé; nhưng con người có thể làm cho đức tin trở nên vững mạnh để sinh ích cho mình và cho người khác.
2.2/ Dụ ngôn nắm men: Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác: "Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men."
+ Men cũ: là chút bột lấy từ lần làm bánh trước; tuy nhỏ nhưng có khả năng làm dậy tới ba thúng bột.
+ Đức tin của con người cũng thế, các tín hữu phải làm sao cho đức tin tăng trưởng và thấm nhập mọi khía cạnh của cuộc sống; để không những sinh ích cho bản thân, mà còn lan rộng đến những người trong gia đình, trong cộng đoàn giáo xứ, và toàn thế giới.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta luôn luôn phải đương đầu hằng ngày với những cám dỗ của cuộc sống; nếu không có một đức tin vững mạnh, chúng ta dễ bỏ Thiên Chúa để chạy theo cám dỗ của ba thù.
- Đức tin vững mạnh chúng ta có được là do sự luyện tập mỗi ngày qua việc cầu nguyện, tham dự Thánh Lễ, và học hỏi Kinh Thánh để biết về Thiên Chúa và thực hành mỗi ngày.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Chúa Nhật 17 Thường Niên, Năm B
Bài đọc: II Kgs 4:42-44; Eph 4:1-6; Jn 6:1-15.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải tin tưởng quyền năng Thiên Chúa và rộng lượng san sẻ cho mọi người.
Ca dao Việt-nam có câu: "Ở đời muôn sự của chung. Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi." Tư tưởng này rất gần với quan niệm của người Công Giáo: Thiên Chúa, Đấng dựng nên trời đất và ban cho mọi người cùng hưởng. Ngài muốn con người san sẻ cho nhau để đừng có cảnh người quá giàu trong khi người khác không có của ăn. Để làm được điều này, ca dao Việt-nam đòi con người phải có nhân đức anh hùng; Thiên Chúa đòi con người phải tin tưởng hoàn toàn vào sự quan phòng của Ngài. Con người không dám chia sẻ cho tha nhân những gì mình có, vì sợ sẽ không đủ cho mình; nhưng nếu con nguời biết rộng lượng cho đi, Thiên Chúa sẽ cho lại dư đầy. Chúa Giêsu đã từng nói với các môn đệ: "Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa. Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy mất" (Mk 4:24-25).
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong hai tư tưởng này. Trong Bài Đọc I, tiên tri Elisha truyền tiểu đồng phát quà tặng dân chúng mang đến cho ông, mặc dù chẳng thấm vào đâu; nhưng Đức Chúa đã cho toàn dân ăn no. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô kêu gọi các tín hữu bảo vệ sự hiệp nhất mà họ đã được kêu gọi bằng cách ăn ở khiêm tốn, hiền từ, nhẫn nại, và bác ái. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu làm phép lạ nuôi năm ngàn người đàn ông ăn và còn dư thừa 12 thúng, từ năm chiếc bánh và hai con cá.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Đức Chúa phán thế này: Họ sẽ ăn, mà vẫn còn dư.
1.1/ Phải có lòng rộng lượng để chia sẻ cho tha nhân: "Có một người từ Baal-Shalisha đến, đem bánh đầu mùa biếu người của Thiên Chúa: hai mươi chiếc bánh lúa mạch và cốm đựng trong bị. Ông Elisha nói: "Phát cho người ta ăn.""
Trình thuật hôm nay nằm trong phần cuối của chương 4 trong Sách Các Vua II. Trong suốt chương 4, tác giả tường thuật sự kiện: Vì hành động tử tế của người đàn bà thành Shunem, tiên-tri Elisha đáp lại bằng cách cho bà có đứa con trai và cứu sống đứa bé khi nó chết vì nhức đầu (II Kgs 4:1-44).
1.2/ Phải tin tưởng nơi quyền năng Thiên Chúa: Nhưng tiểu đồng hỏi ông: "Có bằng này, sao con có thể phát cho cả trăm người ăn được?" Ông bảo: "Cứ phát cho người ta ăn! Vì Đức Chúa phán thế này: Họ sẽ ăn, mà vẫn còn dư." Tiểu đồng phát cho người ta. Họ đã ăn, mà vẫn còn dư, như lời Đức Chúa phán. Chúng ta còn nhớ trình thuật: Vì hành động tử tế của bà góa thành Zarephath mà tiên-tri Elijah đã làm phép lạ cho hũ bột và chai dầu olive của bà không bao giờ vơi và còn cứu sống con trai của Bà (I Kgs 17:1-18).
2/ Bài đọc II: Hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em.
2.1/ Ơn gọi hiệp nhất của người Kitô hữu: Thánh Phaolô viết lá thư này cho các tín hữu Ephesô, khi người đang bị tù tại Rôma. Ngài khuyên các tín hữu như sau: "Vậy, tôi là người đang bị tù vì Chúa, tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em. Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau."
Để hiệp nhất, con người cần biết những lý do tại sao họ phải hiệp nhất. Thánh Phaolô đưa ra 7 lý do quan trọng:
(1) Chỉ có một thân thể: Tất cả các tín hữu là chi thể của một thân thể là Hội Thánh với Đức Kitô là Đầu. Thân thể của Đức Kitô lành mạnh khi tất cả chi thể lành mạnh. Chi thể nào tách rời khỏi thân thể sẽ không thể tồn tại.
(2) Một Thánh Thần: Có nhiều quà tặng khác nhau, nhưng chỉ có một Thánh Thần, Đấng ban mọi quà tặng cho việc xây dựng Nhiệm Thể của Đức Kitô.
(3) Một niềm hy vọng: Tất cả các tín hữu đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng là cuộc sống hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa và với nhau.
(4) Chỉ có một Chúa: là Đức Kitô.
(5) Một niềm tin: là tin vào Đức Kitô.
(6) Một phép rửa: bởi Nước và bởi Thánh Thần.
(7) Chỉ có một Thiên Chúa: Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người, và trong mọi người.
2.2/ Những đức tính cần thiết của người Kitô hữu: "Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau." Đây là những đức tính tối quan trọng không chỉ cho người Kitô hữu, mà còn cho tất cả những ai muốn thành công và sống bình an với mọi người.
+ Khiêm tốn (tapeinofrosu,nh): Con người khiêm tốn nhận ra chỗ đứng thực sự của mình trong mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân. Những người kiêu ngạo không nhận ra điều này, họ tự cho mình đã biết quá nhiều, quá hay, quá đủ; nên bỏ qua những gì Chúa dạy, và lấy mình như tiêu chuẩn để phán xét tha nhân. Họ quên đi một sự thật là sự khôn ngoan của họ chỉ là một giọt nước trong biển khôn ngoan của nhân loại, và chẳng là gì so với sự khôn quan của Thiên Chúa. Người khiêm tốn sẽ được Thiên Chúa đoái thương nhìn tới và được mọi người quí mến; trong khi kẻ kiêu căng sẽ bị Thiên Chúa và tha nhân khai trừ.
+ Hiền từ (prau
+ Nhẫn nại (makroqumi,a): Con người nhẫn nại luôn biết kiên trì và tìm mọi cách để vượt qua những khó khăn và gian khổ trong cuộc đời. Họ không dễ nản lòng, ta thán, và bỏ cuộc.
+ Bác ái (avga,ph): Thánh Phaolô nêu bật tầm quan trọng của nhân đức này: "Trên hết mọi sự, anh em hãy có nhân đức yêu thương, vì đó là sợi giây ràng buộc mọi điều toàn thiện." Chúng ta đã nói nhiều lần về nhân đức này, nó chỉ tìm thấy trong khuôn khổ của Kitô Giáo, vì nhân đức này đến từ Thiên Chúa qua Đức Kitô. Chỉ khi nào một người có nhân đức này, họ mới có thể thi hành những điều khó khăn Đức Kitô dạy: phải cầu nguyện, tha thứ, và làm ơn cho kẻ thù; họ mới có thể sẵn sàng hy sinh chết để làm chứng cho Thiên Chúa và bảo vệ tha nhân.
3/ Phúc Âm: Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi.
3.1/ Con người phải tin nơi quyền năng của Thiên Chúa: "Sau đó, Đức Giêsu sang bên kia Biển Hồ Galilee, cũng gọi là Biển Hồ Tiberia. Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm. Đức Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái. Ngước mắt lên, Đức Giêsu nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Philíp: "Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?""
(1) Uy quyền của Thiên Chúa trong biến cố Vượt Qua: Sự kiện Gioan đề cập đến Lễ Vượt Qua không phải là chuyện tình cờ, nhưng mang ý nghĩa thần học. Ngài có ý nhắc cho dân Do-thái nhớ lại uy quyền lớn lao của Thiên Chúa đã mang dân vượt Biển Đỏ an toàn; trong khi quân đội của vua Pharao bị nhận chìm giữa lòng đại dương. Nếu một Thiên Chúa có quyền năng đưa dân Do-thái vượt qua Biển Đỏ, Ngài cũng có thể làm cho dân có bánh ăn no nê trong sa mạc, điều bị coi là không thể đối với con người.
(2) Uy quyền của Chúa Giêsu khi nuôi năm ngàn người ăn: Đức Giêsu nói: "Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi." Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. Vậy, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý. Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: "Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi." Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng.
(3) Hình bóng của Bí-tích Thánh Thể: Chúa Giêsu dư biết sự cứng lòng của con người, nên Ngài chuẩn bị cho họ bằng phép lạ "Bánh hóa nhiều." Nếu Chúa Giêsu có thể làm phép lạ "Bánh hóa nhiều" để nuôi năm ngàn người đàn ông ăn no nê, Ngài cũng có thể hiến thân mình để trở nên của ăn nuôi dân hàng ngày. Hơn nữa trong Tin Mừng Gioan, chúng ta không thấy tường thuật sự kiện Chúa Giêsu lập BT Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly, chúng ta chỉ có công thức truyền phép "Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó," và diễn từ về Thánh Thể trong phần kế tiếp của chương 6.
3.2/ Thiên Chúa đòi hỏi sự cộng tác của con người.
(1) Con người chỉ quan tâm đến mình: Hai lý do làm con người sợ không dám chia sẻ:
+ Sợ tốn tiền: Ông Philíp đáp: "Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút." Các môn đệ không muốn bỏ tiền của mình để mua bánh cho người khác, nhất là với một số dân đông đảo như thế. Trong Tin Mừng Nhất Lãm, các môn đệ khuyên Chúa Giêsu giải tán dân để họ vào các thành mà mua lương thực. Ngược lại, Chúa Giêsu truyền: "Chính anh em hãy cho họ ăn."
+ Sợ không đủ cho mình: Một trong các môn đệ, là ông Anrê, anh ông Simon Phêrô, thưa với Người: "Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!" Phản ứng của con người là lo đầu cơ tích trữ, nhất là trong những lúc khan hiếm lương thực và mạng sống bị đe dọa.
(2) Thiên Chúa muốn sự cộng tác của con người: Thiên Chúa làm được mọi sự, nhưng Ngài muốn con người biểu lộ niềm tin giống như em bé sẵn sàng đưa cho Chúa 5 chiếc bánh lúa mạch và hai con cá để chia sẻ với mọi người. Trong Kinh Tiền Tụng, chúng ta cũng dâng bánh và rượu là hoa mầu ruộng đất và lao công của con người lên Thiên Chúa, để xin Ngài làm cho trở thành Bánh Trường Sinh và của uống thiêng liêng cho chúng ta.
Khi linh mục dâng bánh và rượu lên cho Thiên Chúa, người linh mục cũng dâng những đau khổ của chính mình và của dân chúng, cộng với lễ hy sinh đau khổ của Đức Kitô. Tất cả những điều này có sức mạnh để Thiên Chúa chấp nhận và sinh ích cho con người.
(3) Thiên Chúa không muốn con người chỉ quan tâm đến nhu cầu vật chất: Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giêsu làm thì nói: "Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!" Con người chỉ quan tâm đến những nhu cầu vật chất. Họ muốn tôn Chúa Giêsu làm vua để Ngài cung cấp bánh ăn cho họ, như ma quỉ đã từng cám dỗ Chúa trong sa mạc để biến đá thành bánh. Chúa Giêsu từ chối việc dân tôn Ngài làm vua để có bánh ăn nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình. Ngài muốn họ yêu mến Ngài và thực sự muốn mời Ngài làm vua trong lòng của họ.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta có dám rộng lượng cho đi để được Thiên Chúa cho lại dư thừa không? Nếu không dám cho đi, ngay cả cái chúng ta đang có cũng sẽ dần dần hao hụt dần.
- Thiên Chúa vì yêu thương đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể để gia tăng nghị lực cho tâm hồn chúng ta. Sau khi đã lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể, chúng ta cũng phải trở nên tấm bánh để nuôi sống anh em về phần hồn cũng như về phần xác.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thánh Giacôbê Tông Đồ
Bài đọc: II Cor 4:7-15; Mt 20:20-28.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sức mạnh của Thiên Chúa hoạt động trong sự yếu đuối của con người.
Con người bị bao vây bởi những yếu đuối về thể xác cũng như tinh thần: về thể xác: nghèo đói, bệnh tật, nguy hiểm, chết chóc; về tinh thần: ghen ghét, hận thù, tội lỗi. Tuy thế, lịch sử Giáo Hội không ngừng chứng minh: sức mạnh của Thiên Chúa hoạt động nơi những con người yếu đuối. Ví dụ: Phêrô chối Chúa 3 lần thành người điều khiển Giáo Hội, Phaolô nhiệt thành bắt bớ Đạo thành người nhiệt thành rao truyền Đạo, Augustino một thanh niên chơi bời hư hỏng thành thánh Giám-mục loan truyền tình yêu và sự khôn ngoan của Thiên Chúa ...
Các Bài Đọc hôm nay muốn làm sáng tỏ tư tưởng Thiên Chúa hoạt động trong sự yếu đuối và tội lỗi của con người. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô so sánh sức mạnh của Thiên Chúa như kho tàng chứa đựng trong bình sành là thân xác yếu đuối và tội lỗi của con người. Trong Phúc Âm, vì ham muốn quyền bính và địa vị, người mẹ của Giacôbê và Gioan xin với Chúa Giêsu cho hai con mình được một đứa ngồi bên phải và một đứa ngồi bên trái trong vương quốc của Ngài. Điều này gây sự ghen tị và chia rẽ trong hàng ngũ các môn đệ. Chúa Giêsu gọi các ông lại và chỉ dạy các ông con đường lãnh đạo: hy sinh chịu gian khổ và phục vụ mọi người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Sự chết hoạt động nơi chúng tôi, còn sự sống thì lại hoạt động nơi anh em.
1.1/ Kho tàng chứa đựng trong bình sành: Kho tàng là các hồng ân của Thiên Chúa và sức mạnh của Đức Kitô. Một sự phân tích những tư tưởng sau cho chúng ta thấy kho tàng của Thiên Chúa chứa đựng trong bình sành là thân xác yếu đuối của con người:
+ Bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp: Phaolô phải chịu bao áp lực nhưng ông vẫn có thể tìm cách thoát ra. Ví dụ: khi bị giam hãm trong lao tù, ông vẫn có thể cầu nguyện và kết hiệp với Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa muốn, Ngài vẫn có cách để giải thoát ông nhiều lần.
+ Bị hoang mang, nhưng không tuyệt vọng: Nhiều lần trong đời, Phaolô cũng như chúng ta hoang mang không biết đâu là thánh ý Chúa để theo. Thánh Gioan Thánh Giá gọi đây là "những đêm tăm tối," khi chúng ta không cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa; nhưng chúng ta vẫn dùng đức tin để vượt qua và tiến tới. Khi đã trải qua rồi, chúng ta nhìn lại và nhận ra sự quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa.
+ Bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi: Người môn đệ của Đức Kitô sẽ bị người đời ngược đãi: nói hành, bôi nhọ, bắt bớ, tù đày... vì họ không sống theo tiêu chuẩn và đường lối của thế gian; nhưng Thiên Chúa không bỏ rơi họ. Ngài hứa sẽ ở cùng các môn đệ mọi ngày cho đến tận thế, và Thánh Thần sẽ giúp họ biết phải nói gì và làm gì khi bị thế gian ngược đãi.
+ Bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt: Phaolô cũng như các tín hữu đã nhiều lần bị quật ngã: hoặc cách thể lý như bị ngược đãi bởi người đời, hoặc cách tâm linh như những lúc sa ngã phạm tội. Nhưng với sức mạnh và ơn thánh của Chúa, họ lại trỗi dậy, giao hòa với Chúa, và tiếp tục phấn đấu cho đến hơi thở cuối cùng.
Hiểu như thế, cuộc đời mỗi tín hữu là cuộc đời luôn vác thánh giá theo chân Đức Kitô, như Phaolô diễn tả: "Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi. Thật vậy, tuy sống, chúng tôi hằng bị cái chết đe doạ vì Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân xác phải chết của chúng tôi."
1.2/ Sự chết hoạt động nơi chúng tôi, còn sự sống thì lại hoạt động nơi anh em: Trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa: Đức Kitô là người đi tiên phong mở đường cứu độ bằng cách mặc lấy thân xác yếu đuối của con người để rao truyền Tin Mừng, để huấn luyện các môn đệ trước khi sai đi, và hy sinh chịu gian khổ để chuộc tội cho con người.
Noi gương Đức Kitô, Phaolô và các môn đệ cũng đi theo con đường đó: Các ông được sai đi rao giảng Tin Mừng, thu thập và huấn luyện các môn đệ để tiếp tục sai đi, và cũng phải hy sinh chịu gian khổ để làm chứng cho Đức Kitô và cho Tin Mừng được lan rộng khắp nơi. Các môn đệ dám hy sinh tất cả cho dẫu phải đổ máu vì các ông biết rằng: "Đấng đã làm cho Chúa Giêsu trỗi dậy cũng sẽ làm cho các ông được trỗi dậy với Chúa Giêsu, và đặt các ông bên hữu Người."
Các tín hữu sau khi đã nhận được đức tin từ Phaolô và các môn đệ lại tiếp tục tiến trình đó, và cứ như vậy cho đến ngày Đức Kitô trở lại. Nếu tất cả đều trung thành với sứ vụ của mình và làm chứng cho Đức Kitô, toàn thế giới sẽ được nghe Tin Mừng và trở thành những môn đệ của Ngài. Lúc đó Nước Chúa sẽ trị đến, như Phaolô hy vọng: "Như thế, ân sủng càng dồi dào, thì càng có đông người hơn dâng lên Thiên Chúa muôn ngàn lời cảm tạ, để tôn vinh Người."
2/ Phúc Âm: Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em.
2.1/ Tính mỏng giòn yếu đuối của con người:
(1) Lòng ham muốn địa vị: "Bấy giờ bà mẹ của các con ông Zebedee đến gặp Đức Giêsu, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. Người hỏi bà: "Bà muốn gì?" Bà thưa: "Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy."
Có sự khác biệt giữa hai trình thuật giữa Marcô và Matthew về biến cố này: Theo trình thuật của Marcô, chính hai anh em yêu cầu điều này với Chúa Giêsu. Theo trình thuật của Matthew, lời yêu cầu được làm qua người mẹ. Dù sao chăng nữa, đây cũng là điều yếu đuối rất thường xảy ra nơi con người: ai cũng mong được hơn người, có quyền hành và địa vị, và được người khác kính nể, phục vụ. Hai anh em không ngại đi theo Chúa, nhưng đi theo để đạt mục đích trần thế của mình.
(2) Lòng ghen tị khi thấy người khác hơn mình: "Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó." Điều này cũng là yếu đuối con người nữa: Dưới mắt các ông, chỉ có hai chỗ cao trọng nhất mà hai anh em nhà Zebedee đã giành, còn mình ngồi đâu? Hơn nữa, hai anh em cùng với Phêrô, thường được coi là những người "thân tín" của Chúa!
2.2/ Sự khôn ngoan của Thiên Chúa:
(1) Lãnh đạo bằng hy sinh chịu đựng gian khổ: Đức Giêsu bảo họ: "Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?" Họ đáp: "Thưa uống nổi."
Đức Giêsu bảo: "Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được." Lịch sử chứng minh Giacôbê cũng uống chén đắng của Chúa bằng việc tử đạo tại Jerusalem (Acts 12:1-2), và Gioan uống chén đắng bằng cách sống trung thành với Đức Kitô cho đến tuổi già.
(2) Lãnh đạo bằng khiêm nhường phục vụ tha nhân: Đức Giêsu gọi các ông lại và nói: "Anh em biết thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy. Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta đừng bao giờ nản chí khi phải đương đầu với yếu đuối của thân xác và sa ngã của linh hồn, vì sức mạnh của Thiên Chúa vẫn đang hoạt động trong chúng ta.
- Chúng ta phải sống theo chỉ đạo và đường lối của Thiên Chúa: lãnh đạo bằng hy sinh và phục vụ. Đừng sống theo tiêu chuẩn và đường lối của thế gian để đòi danh vọng và chức quyền.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Sáu Tuần 16 TN1, Năm B
Bài đọc: Exo 20:1-17; Mt 13:18-23.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Giữ cẩn thận Lời của Thiên Chúa.
Có hai quan niệm rất khác nhau về Lề Luật: Thứ nhất, quan niệm đương thời cho Lề Luật là những gì gò bó, ngăn cản sự tự do của con người. Vì thế, họ chủ trương càng ít luật càng tốt. Hiện đang có phong trào chống lại việc trưng bày Mười Điều Răn nơi các tòa án. Thứ hai, quan niệm của người Do-thái, họ rất hãnh diện với Thập Giới, vì đây là những điều mà Thiên Chúa đã thân hành ban cho họ để biết cách sống hạnh phúc.
Các Bài Đọc hôm nay muốn nói lên sự quan trọng tuyệt đối của Lời Chúa. Trong Bài Đọc I, Thiên Chúa đã thân hành hiện ra và ban Thập Giới cho dân Israel qua Moses trước khi họ vào Đất Hứa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cắt nghĩa cho các môn đệ dụ ngôn "Người gieo giống." Ngài đưa ra những lý do tại sao tất cả cùng nghe Lời Chúa, thế mà có người chẳng được lợi ích chi cả; trong khi những người khác sinh hoa kết trái, người được 30, được 60, hay được 100.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thập Giới (deca-logue tiếng Anh, deka-logoi, tiếng Hy-lạp): là mười lời hay 10 câu mà Thiên Chúa ban cho dân Israel. Những lời này là món quà vô giá của Thiên Chúa. Ngài mong muốn con người phải tuyệt đối thi hành để được sống hạnh phúc muôn đời. Theo trình thuật của Sách Xuất Hành hôm nay và Sách Đệ Nhị Luật (Deut 5:6-21), Thiên Chúa là tác giả của Thập Giới, vì những lời ngay từ đầu: "Thiên Chúa phán tất cả những lời sau đây." Một số học giả Kinh Thánh cho đây là những qui luật mà các nhà lãnh đạo Israel tổng hợp lại qua các thời đại. Thập Giới được chia thành hai phần: phần một gồm 3 điều và phần hai gồm 7 điều.
1.1/ Phần một: Phải kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự: Phần này mô tả sự liên hệ giữa Thiên Chúa và con người.
(1) "Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi ... Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta" là phần chính yếu. Các câu khác thêm vào có mục đích cắt nghĩa cho rõ ràng hơn. Giới răn thứ nhất ngăn cấm con người không được thờ bất cứ thần nào khác ngoài Thiên Chúa.
(2) Ngươi không được dùng danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng. Giới răn thứ hai ngăn cấm con người kêu tên cực trọng của Thiên Chúa, YHWH, cách vô cớ: chỉ được kêu để chúc lành (Gen 4:26, Psa 72:19); không được kêu để chửi rủa hay thề thốt.
(3) Ngươi hãy nhớ ngày Sabbath. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày Sabbath kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi.
1.2/ Yêu thương tha nhân: Nhiều người gọi 7 luật kế tiếp là những luật tự nhiên (natural laws), những điều này mô tả sự liên hệ giữa con người với con người.
(4) Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi. Đây là giới răn duy nhất có kèm theo lời hứa được sống lâu.
(5) Ngươi không được giết người. Giới răn thứ năm muốn bảo vệ sự thánh thiêng của sự sống. Giết người ngoài chiến trận được phép vì để bảo vệ quyền sống của mình.
(6) Ngươi không được ngoại tình. Giới răn thứ sáu bảo vệ sự thánh thiêng của hôn nhân và bảo vệ quyền của cả hai vợ chồng.
(7) Ngươi không được trộm cắp. Giới răn thứ 7 bảo vệ quyền sở hữu của tất cả mọi người trong xã hội.
(8) Ngươi không được làm chứng gian hại người. Giới răn thứ 8 ngăn cấm việc làm chứng gian cả nơi tòa án lẫn đời sống thường ngày.
Truyền thống Công Giáo chia giới răn cuối cùng làm hai phần. Hai giới răn thứ 9 và 10 ngăn cấm tất cả những ham muốn bất chính.
(9) Ngươi không được ham muốn vợ (hay chồng) người ta. Giới răn này dựa trên lời Chúa Giêsu dạy: "Ai nhìn xem người phụ nữ và ước ap phạm tội với họ, thì đã phạm tội ngoại tình rồi."
(10) Ngươi không được ham muốn nhà người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta.
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu cắt nghĩa dụ ngôn người gieo giống.
Như nhà nông phải chuẩn bị thửa ruộng bằng cách cầy bừa để nhặt đi tất cả sỏi đá và gai góc, san phẳng và giữ đất cho ẩm trước khi gieo hạt giống vào; con người cũng phải chuẩn bị tâm hồn bằng cách dành thời gian cho tâm hồn lắng đọng xuống, xua đi tất cả những lo toan và bất an của cuộc sống, cầu xin Thánh Thần soi sáng và hướng dẫn trước khi nghe Lời Chúa. Chúa Giêsu đưa ra 4 trường hợp cụ thể của những người nghe Lời Chúa và hậu quả:
(1) Miền vệ đường: Chúa Giêsu cắt nghĩa: "Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường."
Đây là những người có thái độ khinh thường hay không quan tâm đến những gì Chúa dạy: Những người tham dự Thánh Lễ cách chiếu lệ, đi lễ trễ khi Lời Chúa đã bắt đầu, ra ngoài hút thuốc, hay nói chuyện, hay ngủ gật, hay để trí óc viễn du, khi linh mục cắt nghĩa Lời Chúa. Những người không bao giờ chịu tham dự các dịp tĩnh tâm giáo xứ hay học hỏi Lời Chúa dưới bất cứ hình thức nào. Với thái độ khinh thường Lời Chúa như thế, làm sao Lời Chúa có thể vào trong tâm hồn để sinh lợi ích được!
(2) Miền sỏi đá: Chúa Giêsu cắt nghĩa: "Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời, khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay."
Đây là những người cũng chịu chú ý nghe Lời Chúa, nhưng không chịu bỏ thời gian để học hỏi, để suy gẫm, và để đào sâu Lời Chúa. Họ dành rất nhiều thời gian để giải trí, trò chuyện, hay đọc những sách vô bổ; nhưng luôn than không có giờ để đọc Lời Chúa hay Lời Chúa khó hiểu! Nếu họ không hiểu Lời Chúa, làm sao họ có thể áp dụng trong cuộc sống để sinh ích cho cuộc đời họ!
(3) Miền bụi gai: "Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì."
Đây là những người chỉ quan tâm hay quá đặt nặng sự quan trọng của đời sống vật chất: Họ đặt những mối lợi vật chất trên sự kính mến Thiên Chúa và hiểu biết Lời Chúa. Họ chọn đi lễ nào cha giảng ngắn nhất, giờ lễ tiện nhất, mặc dù chẳng hiểu gì Lời Chúa hay Bài Giảng; để còn kịp giờ làm hay có nhiều giờ đi chơi, giải trí. Đây cũng là những người đặt lợi lộc vật chất trên tình nghĩa anh em. Họ không dám hy sinh lợi lộc vật chất để sống và làm chứng cho Lời Chúa.
(4) Miền đất tốt: "Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục."
Đây là những người luôn đặt Thiên Chúa trên hết mọi sự, ham muốn học hỏi, và thi hành Lời Chúa. Họ biết chuẩn bị tâm hồn, đọc trước và suy gẫm Lời Chúa trước khi tới nhà thờ tham dự Thánh Lễ. Hơn nữa, họ luôn tìm dịp để học hỏi và nghiên cứu thêm; đồng thời biết áp dụng Lời Chúa trong mọi trường hợp của cuộc đời. Không lạ gì khi đời sống của họ luôn tăng trưởng về mọi phương diện: tâm linh, trí tuệ, tình cảm, và nhân bản.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thập Giới không giới hạn tự do của con người, nhưng là những điều tối cần để con người sống hạnh phúc và tránh cho con người những nguy hiểm trong cuộc đời.
- Để Lời Chúa có thể vào tâm hồn, đâm rễ sâu, và sinh hoa kết trái, chúng ta cần chuẩn bị tâm hồn, cầu xin sự soi sáng của Thánh Thần, và chuyên chăm học hỏi mỗi khi nghe Lời Chúa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Năm Tuần 16 TN, Năm B
Bài đọc: Exo 19:1-2, 9-11, 16-20; Mt 13:10-17.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người cần biết kính trọng và chuẩn bị, để đón nhận hồng ân Thiên Chúa.
Thiên Chúa vẫn không ngừng quan tâm, mặc khải, và thi ân cho con người. Vấn đề ở chỗ là con người có biết nhận ra và đáp trả cách xứng đáng hay không. Nếu biết nhận ra và đáp trả, con người càng ngày càng sở hữu hồng ân nhiều hơn; nếu không, ngay cả những gì con người đang sở hữu cũng từ từ biến mất. Một trong những điều nguy hiểm nhất làm con người xa cách Thiên Chúa là thái độ tự mãn: cho mình đã biết, đã có quá đủ, và không cần nhờ đến Thiên Chúa.
Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng một lần nữa tình yêu của Thiên Chúa, biểu lộ qua sự quan tâm và chăm sóc Ngài dành cho con người. Trong Bài Đọc I, Thiên Chúa muốn ông Moses chuẩn bị tâm hồn dân chúng để Ngài hiện xuống với dân Israel trên đỉnh núi Sinai. Mục đích của cuộc thần hiện là để dân chúng biết uy quyền Thiên Chúa; đồng thời củng cố địa vị cho Moses, người lãnh đạo Ngài đã chọn để đưa dân vào Đất Hứa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cắt nghĩa tại sao người dùng dụ ngôn để nói với dân chúng, vì trí óc họ chưa hiểu được những mầu nhiệm của Nước Trời như các môn đệ. Họ phải siêng năng học hỏi và cần sự trợ giúp của Thiên Chúa mới có thể hiểu được; nếu không, ngay cả những gì họ nghe Chúa Giêsu nói cũng sẽ mất.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Cuộc thần hiện trên núi Sinai
1.1/ Mục đích của cuộc thần hiện: là để dân chúng nhận ra uy quyền Thiên Chúa, và để củng cố địa vị cho Moses, người lãnh đạo Thiên Chúa chọn để đưa dân vào Đất Hứa. Bổn phận của dân là phải tuyệt đối tin tưởng vào Thiên Chúa cũng như Moses.
(1) Phải tránh thái độ khinh thường Thiên Chúa và các ngôn sứ của Ngài: Tục ngữ Việt-nam có câu lột tả được thái độ của dân chúng đối với Thiên Chúa và với các người đại diện của Ngài: "Gần chùa gọi bụt bằng anh!" Khi con người thấy Thiên Chúa quá thương và luôn làm ơn cho mình, con người cho đó là bổn phận của Thiên Chúa. Khi con người được hiện diện trong Thánh Điện quá thường xuyên, con người tỏ dấu khinh thường bằng cách nói chuyện và chơi giỡn với nhau ngay trước mặt Thiên Chúa. Khi con người đã quá quen với nhà lãnh đạo vì đã từng ăn nhậu, chơi giỡn với nhau, họ coi nhà lãnh đạo cũng như "cá mè một lứa." Vì thế, Thiên Chúa phải tỏ uy quyền cho dân biết có một khoảng cách vô định giữa Thiên Chúa và con người; nếu Thiên Chúa không yêu thương và quan tâm tới, con người cũng chỉ là hạt cát trong sa mạc. Ngài có thể làm con người ra hư vô bất cứ lúc nào.
(2) Phải chuẩn bị tâm hồn trong sạch để ra gặp Thiên Chúa: Đức Chúa phán với ông Moses: "Hãy đến với dân và bảo họ: hôm nay và ngày mai phải giữ mình cho khỏi nhiễm uế, phải giặt quần áo, và đến ngày kia phải sẵn sàng, vì ngày kia Đức Chúa sẽ ngự xuống trên núi Sinai trước mắt toàn dân."
Được ra mắt Thiên Chúa, vị Chúa Tể Trời Đất, không phải là điều tầm thường; vì thế, con người cần phải chuẩn bị cả tâm hồn lẫn thể xác. Các thánh thường lấy ví dụ: nếu con người phải chuẩn bị kỹ càng thế nào khi gặp vua chúa trần gian, họ cần phải chuẩn bị kỹ càng hơn nữa khi ra mắt vị Chúa Tể Trời Đất. Thế mà có những người mặc đồ ngủ hay đồ tắm biển đi nhà thờ, miệng nhai kẹo cao su khi lên lãnh nhận Mình Thánh Chúa, để con chạy chơi giỡn trong nhà thờ như đang ở ngoài công viên. Nếu Thiên Chúa tiếp tục trừng phạt những người vô phép như trong Cựu Ước, hỏi mấy người chúng ta còn sống sót để vào diện kiến Thánh Nhan?
1.2/ Thiên Chúa tỏ uy quyền trước mặt dân chúng trên đỉnh núi Sinai: Theo truyền thống, Thiên Chúa thường tỏ mình trên các đỉnh núi: cho tiên-tri Elijah trên đỉnh núi Horeb, cho ba tông-đồ yêu dấu trên đỉnh núi Thabor. Núi Sinai là một ngọn núi rất đặc biệt vì vẻ linh thiêng của nó, lúc nào cũng có mây mù che phủ. Khách hành hương rất thích được ở trên đỉnh núi khi mặt trời mọc để nhìn thấy cảnh hùng vĩ của quang cảnh chung quanh; vì thế, họ phải bắt đầu leo khi trời vẫn còn tối.
Trình thuật Sách Xuất Hành kể: "Đến ngày thứ ba, ngay từ sáng, có sấm chớp, mây mù dày đặc trên núi, và có tiếng tù và thổi rất mạnh. Toàn dân trong trại đều run sợ. Ông Moses đưa dân ra khỏi trại để nghênh đón Thiên Chúa; họ đứng dưới chân núi. Cả núi Sinai nghi ngút khói, vì Đức Chúa ngự trong đám lửa mà xuống; khói bốc lên như khói lò lửa và cả núi rung chuyển mạnh. Tiếng tù và mỗi lúc một tăng lên rất mạnh. Ông Moses nói, và Thiên Chúa trả lời trong tiếng sấm. Đức Chúa ngự xuống trên núi Sinai, trên đỉnh núi. Người gọi ông Moses lên đỉnh núi, và ông đi lên."
2/ Phúc Âm: Con người cần khiêm nhường học hỏi mới có thể nhận ra Thiên Chúa.
2.1/ Dụ ngôn và mầu nhiệm: Các môn đệ đến gần hỏi Đức Giêsu rằng: "Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ?" Người đáp: "Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất. Bởi thế, lý do Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, vì họ nhìn mà không thấy, lắng nghe mà không nghe, cũng không hiểu."
+ Dụ ngôn (parabolh,): là một trình thuật hay một câu có thể dài hay ngắn. Mục đích là để dẫn chứng một sự thật qua việc so sánh hay đồng nhất. Tác giả thường dùng những gì con người đã biết để dẫn họ đến một thực tại cao hơn.
+ Mầu nhiệm (musth,rion): chúng ta thường hiểu là những gì tối nghĩa, khó hiểu, hay không thể hiểu. Người Rôma và Hy-lạp hiểu mầu nhiệm là những gì không thể hiểu với những khách bàng quang; nhưng đối với những người trong cuộc, những điều này quá rõ ràng. Lý do, người trong cuộc đã được dạy dỗ, soi sáng, và trải qua kinh nghiệm.
+ Định luật trần gian: "Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất." Thoạt nghe, một người có thể cho Thiên Chúa bất công, nhưng thực tế chứng minh đây là một định luật. Đối với những chuyên gia, vì họ càng ngày càng nghiên cứu, hội thảo, và thí nghiệm, nên kiến thức của họ ngày càng sâu hơn trong chuyên nghành của họ; nhưng nếu một người cũng học về lãnh vực đó, nhưng không có cơ hội áp dụng, họ dần dần sẽ mất luôn kiến thức mà họ đã có lúc đầu.
2.2/ Thiên Chúa tiền định? Chúa Giêsu trưng dẫn lời sấm của ngôn sứ Isaiah. Đây là lời sấm khó hiểu và nhiều người dựa vào để chứng minh Thuyết Tiền Định: Nếu Thiên Chúa đã định cho ai phải hư mất, họ sẽ không có cách nào để được cứu độ! Trước tiên, chúng ta cần hiểu truyền thống của Do-thái: không một sự việc nào xảy ra trong cuộc đời ngoài thánh ý Chúa; vì thế, việc con người cứng lòng không tin cũng nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Tuy nhiên, họ không có ý quy trách nhiệm cho Thiên Chúa, nhưng quy trách nhiệm vào sự cứng lòng của con người. Chương 9 của Gioan khi Chúa chữa người mù từ lúc mới sinh, giúp chúng ta nhận ra chân lý này: Chúa làm phép lạ chữa người mù, các kinh-sư thẩm vấn anh mù để biết ai đã chữa lành anh và cách thức chữa, họ còn thẩm vấn cha mẹ anh để có thể chắc chắn anh bị mù ... Nhưng sau cùng, họ từ chối nhận Chúa Giêsu đã làm phép lạ đó và kết tội Chúa đã vi phạm ngày Sabbath; trong khi người mù không chỉ được trông thấy, còn được nhận ra và tin vào Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải chuẩn bị tâm hồn mỗi khi lắng nghe và học hỏi Lời Chúa, mỗi khi tiếp nhận Chúa vào lòng, và nhất là ra nghênh đón Thiên Chúa trong ngày cuối của đời chúng ta.
- Để hiểu những mầu nhiệm Nước Trời, chúng ta cần có thái độ khiêm nhường và bỏ thời gian để học hỏi.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- 22/7 Người ta sống không phải chỉ nhờ cơm bánh
- 21/7 Thi hành thánh ý Thiên Chúa
- 20/7 Đừng thử thách Thiên Chúa
- 19/7 Hy vọng trong thất vọng
- 19/7 VINH DỰ VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA MỤC TỬ
- 18/7 Thiên Chúa luôn bảo vệ sự sống
- 17/7 Lề Luật làm ra là để bảo vệ sự sống
- 16/7 Thiên Chúa muốn giúp con người vượt qua những đau khổ
- 15/7 Thiên Chúa mặc khải cho những người bé mọn
- 14/7 Cơ hội càng nhiều, phán xét càng nặng