Sống Lời Chúa Hôm Nay
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Sáu Tuần 18 TN1, Năm B
Bài đọc: Deut 4:32-40; Mt 16:24-28.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy dùng trí nhớ để học biết Thiên Chúa và những gì Ngài dạy.
Trí nhớ rất quan trọng trong việc hiểu biết và học hỏi kinh nghiệm ở đời. Con người không thể tiến bộ nếu không biết dùng trí nhớ, vì những kiến thức và các phát minh hiện đại đều tùy thuộc vào các kiến thức căn bản của quá khứ. Con người có khôn ngoan chín chắn cũng tùy thuộc vào họ có biết học hỏi kinh nghiệm của người xưa, hay những lần thất bại của mình trong quá khứ hay không.
Các Bài Đọc hôm nay nhắc nhở cho con người phải năng nhớ lại những gì Thiên Chúa đã làm cho hay đã dạy dỗ mình. Trong Bài Đọc I, ông Moses trong Sách Đệ Nhị Luật, nhắc nhở cho con người nhớ lại toàn thể biến cố Xuất Hành: Thiên Chúa đã yêu thương chọn lựa con cái Israel như dân riêng, và dùng cánh tay uy quyền để đưa họ ra khỏi cảnh nô lệ bên Ai-cập và đưa vào Đất Hứa; để họ luôn biết tin yêu Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ lối sống khôn ngoan theo định luật của Thiên Chúa: đừng sống theo kiểu người đời để chỉ ích kỷ tìm bảo vệ mạng sống mình; nhưng phải sẵn sàng chết cho ý riêng mình và sống theo đường lối Chúa dạy.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Anh em phải giữ các thánh chỉ và mệnh lệnh của Người.
1.1/ Hãy nhớ lại những gì Thiên Chúa đã làm cho anh em: Để hiểu biết lý do tại sao phải vâng lời Thiên Chúa, ông Moses muốn con cái Israel nhìn lại toàn thể biến cố Xuất Hành, hay ít nhất 4 biến cố chính:
(1) Biến cố vượt qua Biển Đỏ: "Anh em cứ hỏi những thời xa xưa, thời có trước anh em, từ ngày Thiên Chúa dựng nên con người trên mặt đất, cứ hỏi từ chân trời này đến chân trời kia: có bao giờ đã xảy ra chuyện vĩ đại như thế, hay có ai đã nghe điều giống như vậy chăng?" Chưa có một biến cố lịch sử nào trong trời đất thuật lại một việc tương tự như "biển rẽ làm hai như hai bước tường thành để con cái Israel vượt qua Biển Đỏ ráo chân."
(2) Cuộc thần hiện và ban Thập Giới trên núi Sinai: Ông Moses hỏi con cái Israel: "Có dân nào đã được nghe tiếng Thiên Chúa phán từ trong đám lửa như anh em đã nghe, mà vẫn còn sống không?" Truyền thống Do-thái tin không một ai nhìn hay nghe tiếng của Thiên Chúa mà còn sống; ngoại trừ trường hợp của ông Moses và con cái Israel trong cuộc xuất hành khỏi Ai-cập.
(3) Bảy thiên tai Chúa giáng xuống Ai-cập: "Hoặc có thần nào đã ra công đi chọn lấy cho mình một dân tộc từ giữa một dân tộc khác, đã dùng bao thử thách, dấu lạ, điềm thiêng và chinh chiến, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, gây kinh hồn táng đởm, như Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã làm cho anh em tại Ai-cập, trước mắt anh em không?"
(4) Cho dân sở hữu Đất Hứa: "Người đã đuổi những dân lớn và mạnh hơn anh em cho khuất mắt anh em, để đưa anh em vào đất của chúng và ban cho anh em đất ấy làm gia nghiệp, như anh em thấy hôm nay."
1.2/ Hãy biết ăn ở làm sao cho thích đáng: Khi nhớ lại biến cố Xuất Hành, con cái Israel phải nhận ra tình thương Thiên Chúa đã dành cho họ: chọn họ như Dân Riêng, đích thân dùng sức mạnh lớn lao của Người đưa họ ra khỏi Ai-cập, cho họ nghe tiếng Người, dạy dỗ họ, và bảo vệ họ khỏi biết bao nguy hiểm trên đường đi. Sau khi đã nhận ra tình thương Thiên Chúa, ông Moses muốn con cái Israel phải làm hai điều sau để tạ ơn Thiên Chúa và làm ích cho chính mình:
(1) Không được thờ thần nào khác ngoài Thiên Chúa: "Vậy hôm nay, anh em phải biết và để tâm suy niệm điều này: trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính Đức Chúa là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa."
(2) Tuân giữ tất cả những gì Thiên Chúa truyền dạy: "Anh em phải giữ các thánh chỉ và mệnh lệnh của Người, mà hôm nay tôi truyền cho anh em; như vậy anh em và con cháu anh em sau này sẽ được hạnh phúc, và anh em sẽ được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, vĩnh viễn ban cho anh em."
2/ Phúc Âm: Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm.
2.1/ Cách sống theo đường lối của Thiên Chúa: Đức Giêsu nói với các môn đệ: "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy."
Thoạt nghe những lời này, chúng ta nhận ra lối sống Chúa dạy đi ngược với lối sống của thế gian, nhất là lối sống của nhiều người hiện nay. Nhiều chủ thuyết đặt quyền lợi cá nhân và vật trên hết (individualism, materialism), nên họ chỉ biết ích kỷ tìm sự sống và lo vun quén cho mình.
Nhưng kinh nghiệm dạy những người theo chủ thuyết này sẽ không tiến bộ được; nhưng người khôn ngoan, thành công, và được mọi người quí mến trong cuộc đời, là người biết sống theo đường lối của Thiên Chúa. Chỉ cần suy gẫm những lời Chúa Giêsu nói: Nếu hạt giống rơi xuống đất không thối đi, nó sẽ chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, nó sẽ nảy sinh hàng trăm những hạt khác; chúng ta có thể nhận ra lý do phải hy sinh chết đi để được sống.
Hơn nữa, người tín hữu không chỉ tìm những ích lợi đời này, nhưng mắt họ vẫn không ngừng tìm kiếm kho tàng vĩnh cửu là cuộc sống đời sau. Đó là lý do Chúa dạy: "Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?" Những sự thật về của cải vật chất mà con người phải suy xét:
- Con người không thể tự mang theo mình bất cứ vật gì khi nằm xuống.
- Của cải vật chất không thể chuộc lại mạng sống con người, dù chỉ một thời gian ngắn.
- Con người sẽ phải trả lời cho Thiên Chúa về những của cải được sở hữu cách bất chính. Lúc đó, con người có hối hận chẳng thà đừng có cũng muộn rồi.
2.2/ Thiên Chúa nhớ mọi việc con người làm: "Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm." Con người phát xuất từ Thiên Chúa và sẽ trở về với Ngài để chịu phán xét; vì thế, cuộc đời mỗi người không phải là một đường thẳng, để rồi mọi biến cố xảy ra trong cuộc đời sẽ hòan tòan qua đi; nhưng con người sẽ phải quay về để chịu trách nhiệm với Thiên Chúa về những biến cố này.
Lời hứa khó hiểu của Chúa Giêsu: "Thầy bảo thật anh em: trong số người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết trước khi thấy Con Người đến hiển trị." Điều này nếu hiểu theo nghĩa đen thì không đúng, vì mọi người cùng thời với Chúa đều đã chết. Trình thuật theo Marcô hợp lý hơn: "Tôi bảo thật các người: trong số những người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết, trước khi thấy Triều Đại Thiên Chúa đến, đầy uy lực" (Mk 9:1). Sau khi Chúa Giêsu về trời, các môn đệ ra đi rao giảng và nhìn thấy dân chúng nô nức tin vào Đức Kitô cả hàng ngàn vạn người. Điều này chứng minh uy quyền của Thiên Chúa hoạt động ngay từ đời này, và Nước Chúa ngày càng trị đến.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Trí nhớ rất cần thiết cho chúng ta để có niềm tin yêu vững mạnh nơi Thiên Chúa. Chúng ta hãy tập có thói quen ngồi nhớ lại những gì Thiên Chúa đã làm cho bản thân và cho gia đình, ít là mỗi tháng một lần.
- Hãy luôn tìm thánh ý Thiên Chúa và quảng đại cho đi. Thiên Chúa và tha nhân không bao giờ để chúng ta phải thiệt thòi, họ luôn cho lại quá lòng mong đợi của chúng ta.
- Chúng ta đừng bao giờ vơ vét của cải cách bất xứng, vì chúng ta sẽ phải chịu trách nhiệm nặng nề trước mặt Thiên Chúa. Hãy nhớ phần hồn của chúng ta quan trọng hơn nhiều.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Kính Lễ Chúa Biến Hình
Bài đọc: Dan 7:9-10, 13-14; 2 Pet 1:16-19; Mk 9:2-10.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lịch sử làm chứng cho Đức Kitô.
Niềm tin của con người vào Đức Kitô là niềm tin có nền tảng lịch sử, chứ không dựa trên những chuyện hoang đường hay thêu dệt. Niềm tin này dựa vào lời của rất nhiều chứng nhân có thế giá trong lịch sử mà con người có thể kiểm duyệt và trí khôn con người có thể hiểu được.
Các Bài Đọc trong ngày lễ Chúa Biến Hình hôm nay muốn nói lên tiến trình lịch sử đó. Trong Bài Đọc I, tiên tri Daniel (khoảng 500 BC) được Thiên Chúa tỏ cho thấy qua các thị kiến, sự xuất hiện của Con Người sau triều đại của bốn đế quốc Assyria, Media, Persia, và Hy-lạp. Ngài tuy có dáng vẻ con người, nhưng có nguồn gốc từ trời. Ngài lãnh nhận vương quyền từ Chúa Cha, và sẽ thống trị mọi dân nước, vương quốc của Ngài sẽ tồn tại muôn đời. Trong Phúc Âm, trước khi Chúa Giêsu lên Jerusalem để chấp nhận Cuộc Tử Nạn, Ngài đem ba môn đệ Phêrô, Giacôbê, và Gioan lên núi để tỏ cho các ông thấy vinh quang và thánh ý của Thiên Chúa. Các ông đã được thấy ông Moses và ngôn sứ Elijah đàm đạo với Chúa Giêsu về những gì sắp xảy ra tại Jerusalem, và nhất là các ông được nghe thấy tiếng Chúa Cha làm chứng và khuyên bảo: "Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người." Trong Bài Đọc II, Phêrô làm chứng sự vinh quang và uy quyền của Chúa Giêsu bằng cách thuật lại kinh nghiệm mình đã được chứng kiến trên núi, và lời các ngôn sứ trong Kinh Thánh đã làm chứng cho Đức Kitô.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị.
1.1/ Thị kiến về Chúa Cha, Đấng Lão Thành: Tiên-tri Daniel tường thuật thị kiến này sau thị kiến 4 con thú của trần gian: "Tôi đang nhìn thì thấy đặt những chiếc ngai và một Đấng Lão Thành an toạ. Áo Người trắng như tuyết, tóc trên đầu Người tựa lông chiên tinh tuyền. Ngai của Người toàn là ngọn lửa, bánh xe của ngai cũng rừng rực lửa hồng. Từ trước nhan Người, một sông lửa cuồn cuộn chảy ra. Ngàn ngàn hầu hạ Người, vạn vạn túc trực trước Thánh Nhan. Toà bắt đầu xử, sổ sách được mở ra."
+ Về phương diện lịch sử, hầu hết các nhà chú giải đều đồng ý thị kiến 4 con thú tượng trưng cho 4 đế quốc: Assyria, Media, Persia, and Greece; như đã được Daniel giải thích cho vua Nabuchanezzar về giấc chiêm bao của nhà vua: một tảng đá bay tới đập vỡ bức tượng làm bằng những kim loại khác nhau trong chương 2. Sau triều đại của 4 vương quốc này sẽ là triều đại của Con Người.
+ Thiên Chúa, Đấng Lão Thành, là Người điều khiển lịch sử của vũ trụ. Ngài có uy quyền trên tất cả vua chúa trần gian và mọi người. Ngài có thể cho một vua trần gian hùng mạnh để thiết lập một đế quốc; và có thể xóa tan đế quốc đó để thiết lập một triều đại mới. Khi Ngài đã quyết định, không gì có thể lay chuyển được. Sự kiện viên đá bỗng dưng bay tới đập nát bức tượng nói lên uy quyền thống trị của Thiên Chúa.
1.2/ Thị kiến về Con Người và sứ vụ được trao từ Đấng Lão Thành: "Trong những thị kiến ban đêm, tôi mải nhìn thì kìa: có ai như một con người đang ngự giá mây trời mà đến. Người tiến lại gần bên Đấng Lão Thành và được dẫn đưa tới trình diện."
+ Con người này "đang ngự giá mây trời mà đến," có nghĩa: nguồn gốc của ngài là từ trời, chứ không phải từ đất như bốn con thú trong đầu chương. Giống như 4 con thú tượng trưng cho vương quốc của trái đất, Con Người này tượng trưng cho vương quốc của Nước Trời.
+ Sứ vụ của Con Người: "Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia, và ngôn ngữ, đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong." Con Người này sẽ làm vua toàn thể vũ trụ, không trừ một quốc gia nào cả. Quyền thống trị và vương quốc vĩnh cửu của Người ám chỉ Người sẽ sống muôn đời, và không một quyền lực của vũ trụ có thể thắng được quyền lực của Ngài.
2/ Bài Đọc II: "Lời ấy như chiếc đèn tỏ rạng giữa chốn tối tăm."
Phêrô muốn chứng minh cho các tín hữu những gì ông nói về Đức Kitô không phải là chuyện hoang đường thêu dệt ra; nhưng có cơ sở nền tảng của hai nhân chứng: kinh nghiệm và Kinh Thánh.
2.1/ Kinh nghiệm được xem thấy Chúa biến hình của Phêrô: Bài Tin Mừng của Marcô bên dưới xác tín những gì thánh Phêrô nói ở đây: "Khi chúng tôi nói cho anh em biết quyền năng và cuộc quang lâm của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, thì không phải chúng tôi dựa theo những chuyện hoang đường thêu dệt khéo léo, nhưng là vì chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người." Phêrô là một trong ba môn đệ đã được chứng kiến vinh quang biến hình của Đức Kitô.
Không những được xem thấy vinh quang của Đức Kitô; Phêrô còn được nghe thấy tiếng Chúa Cha làm chứng về Ngài như sau: "Quả thế, Người đã được Thiên Chúa là Cha ban cho vinh quang và danh dự, khi có tiếng từ Đấng tuyệt vời vinh hiển phán với Người: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hết lòng quý mến." Đây là lời chứng rất quan trọng cho niềm tin của các tông-đồ, vì nó giúp các ông đặt trọn niềm tin vào Đức Kitô là Con Thiên Chúa; nhất là trong biến cố tử nạn và phục sinh vinh hiển của Người.
2.2/ Kinh nghiệm của Phêrô được củng cố bởi lời các ngôn sứ: Ngoài kinh nghiệm cá nhân và lời chứng của hai tông-đồ Giacôbê và Gioan, Phêrô còn có lời chứng của Kinh Thánh qua lời các ngôn sứ. Ông quả quyết: "Như vậy chúng tôi lại càng thêm tin tưởng vào lời các ngôn sứ. Anh em chú tâm vào đó là phải, vì lời ấy như chiếc đèn tỏ rạng giữa chốn tối tăm, cho đến khi ngày bừng sáng và sao mai mọc lên soi chiếu tâm hồn anh em." Ngôn sứ đầu tiên chúng ta đã nhìn thấy trong Bài Đọc I hôm nay là Daniel; ngoài ra chúng ta còn thấy rất nhiều những chứng từ của các ngôn sứ khác như: Isaiah, Jeremiah, Ezekiel, Amos, Micah ... nói về Đấng Thiên Sai.
Phêrô chú trọng đặc biệt về chứng từ của Kinh Thánh: Sách Lề Luật, Ngôn Sứ, và Thánh Vịnh, vì người Do-thái tin tưởng vào thế giá của những Sách này. Trong Bài Giảng trước dân chúng (Acts 3:12-26) và trước Thượng Hội Đồng (Acts 4:8-21), Phêrô quan tâm đặc biệt đến thế giá của Kinh Thánh nói trước về sự phục sinh của Đức Kitô. Nếu con người chịu khó tìm hiểu và học hỏi Kinh Thánh, họ sẽ được soi sáng để hiểu những gì còn tối tăm mù mịt nơi những đoạn văn khó hiểu vì toàn bộ Kinh Thánh đều được linh hứng bởi một Thánh Thần.
3/ Phúc Âm: "Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người."
3.1/ Chúa Giêsu biến hình trên núi: "Sáu ngày sau, Đức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy."
(1) Mục đích: Để hiểu mục đích, chúng ta cần hiểu ý nghĩa của các câu này trong nội dung và bối cảnh lịch sử của nó.
+ Sáu ngày sau: là sáu ngày sau lời tuyên xưng của Phêrô vào thần tính của Đức Kitô tại Carsarea Philippi, và sự kiện ông ngăn cản Chúa Giêsu đừng lên Jerusalem để phải đi ngang qua cuộc khổ nạn. Đó là lý do Giáo Hội mừng Lễ Chúa Biến Hình vào ngày mồng 6 tháng 8.
+ Cuộc Tử Nạn của Chúa Giêsu đã gần kề. Hai điều quan trọng Chúa Giêsu muốn các môn đệ nắm vững: (1) Các ông phải biết rõ Ngài là ai. Điều này đã được giải quyết phần nào khi Phêrô đại diện cho các môn đệ tuyên xưng: "Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống." (2) Cách thức Ngài giải phóng nhân loại là qua Cuộc Thương Khó, Tử Nạn, và Phục Sinh. Điều này các tông-đồ chưa nắm vững, đó là lý do Phêrô kéo Chúa Giêsu ra một nơi và ngăn cản Ngài. Như hầu hết người Do-thái đương thời, các ông tin vào một Đấng Thiên Sai uy quyền sẽ dùng quyền năng để chinh phục và thống trị nhân loại. Các ông không thể chấp nhận một Đấng Thiên Sai phải chịu đau khổ và chết trên Thập Giá.
Vì thế, Chúa Giêsu muốn đưa ba tông-đồ lên núi để các ông xác tín mối liên hệ của Ngài với Thiên Chúa, con đường khổ nạn Ngài sắp phải đi qua theo Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa, và cho các tông-đồ nhìn thấy vinh quang trước khi nhìn thấy cuộc khổ nạn.
(2) Sự hiện diện của Moses và Elijah: "Và ba môn đệ thấy ông Elijah cùng ông Moses hiện ra đàm đạo với Đức Giêsu."
+ Moses tượng trưng cho các Sách Lề Luật: Thiên Chúa ban Thập Giới và các thánh chỉ qua Moses. Ông được coi là nền tảng của Lề Luật, và biến cố hôm nay chứng tỏ Lề Luật phải hướng về Đức Kitô để được nên trọn vẹn, hoàn hảo.
+ Elijah tượng trưng cho các Sách Ngôn Sứ: Tiên-tri Elijah được coi là ngôn sứ cao trọng nhất trong các ngôn sứ vì những lời rao giảng và uy quyền làm phép lạ, và biến cố hôm nay chứng tỏ Sách Ngôn Sứ phải hướng về Đức Kitô, để tìm thấy sự hoàn hảo của các lời tiên-tri về Đấng Thiên Sai.
+ Họ đàm luận với nhau về điều gì? Căn cứ vào những lời thắc mắc của các tông-đồ bên dưới, chúng ta có thể xác tín, chủ đề của cuộc đàm đạo là: biến cố Thương Khó, Tử Nạn, và Phục Sinh của Chúa Giêsu. Trình thuật của Lucas nói rõ chủ đề của cuộc đàm đạo là biến cố từ biệt sắp xảy ra tại Jerusalem (Lk 9:30-31).
Như thế, cả hai: Lề Luật và Ngôn Sứ đều làm chứng và tìm thấy sự hoàn hảo của mình nơi Đức Kitô, nhất là trong Cuộc Thương Khó và Phục Sinh sắp tới của Ngài.
3.2/ Lời truyền của Thiên Chúa Cha: Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: "Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người."
+ Đây là lần thứ hai Chúa Cha làm chứng cho Đức Kitô là Người Con Một yêu dấu của Ngài; lần đầu xảy ra khi Chúa Giêsu được Gioan Tẩy Giả làm phép rửa tại sông Jordan.
+ "Hãy vâng nghe lời Người" là một lời truyền tối quan trọng cho các môn đệ của Đức Kitô. Đối với các tông-đồ, Thiên Chúa muốn các ông phải vâng nghe những gì Đức Kitô đang mặc khải cho các ông, dù không theo những gì các ông muốn về Đấng Thiên Sai; nhưng lại là kế hoạch của Thiên Chúa. Đối với các tín hữu, đây phải là châm ngôn của đời sống: hãy tin và vâng nghe những gì Đức Kitô dạy dỗ, vì khi làm như thế, chúng ta được bảo đảm là làm theo thánh ý Thiên Chúa, và kết quả chắc chắn sẽ tốt đẹp.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Đức tin của chúng ta có được là do Thiên Chúa mặc khải và do lời chứng của những người có thế giá trong lịch sử ghi nhận lại.
- Con người không dễ chấp nhận con đường đau khổ và Thánh Giá; nhưng đối với chúng ta là những người có đức tin, đau khổ và Thánh Giá là kế hoạch Thiên Chúa dùng để cứu độ con người.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Tư Tuần 18 TN1, Năm B
Bài đọc: Num 13:1-2, 25 -14:1, 26ª-29ª, 34-35; Mt 15:21-28.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải kiên trì vượt qua gian khổ mới hy vọng được thành công.
Nhiều người thích được thành công, thích ngồi mơ mộng để dệt đời mình bằng những tương lai huy hoàng rực rỡ, được trở nên những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử hay ngoài xã hội; nhưng khi giật mình tỉnh giấc và phải đương đầu với những hy sinh gian khổ, những mơ ước bị tan biến như bọt biển bị sóng đánh tan tành. Họ quên đi một thực tế là ai cũng phaỉ trải qua những hy sinh gian khổ trước khi đạt được những kết quả tốt đẹp.
Các Bài Đọc hôm nay đưa ra hai thái độ tương phản của nhân loại. Trong Bài Đọc I, con cái Israel thích thú khi nghe các thám tử tường thuật chuyến đi xem xét tình hình Đất Hứa miền Canaan; nhưng khi nghe đến binh lính to lớn và thành trì kiên cố của họ thì họ hết mong Đất Hứa, vì họ sợ phải trả giá bằng gian khổ và chết chóc. Họ bắt đầu toa rập nhau và gào thét điệp khúc "chúng tôi muốn trở về Ai-cập," để kêu trách Thiên Chúa và ông Moses. Trong Phúc Âm, người đàn bà xứ Canaan muốn xin Chúa Giêsu chữa lành cho con gái bị quỉ ám. Mặc dù bị thử thách nặng nề bởi các môn đệ và bởi Chúa Giêsu, Bà nhất định vượt qua mọi thử thách để kiên trì van xin cho tới khi được. Chúa Giêsu phải ngạc nhiên trước cách biểu lộ niềm tin này, nên đã ban cho Bà điều Bà xin.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Cho tới bao giờ cái cộng đồng hư đốn này cứ tiếp tục lẩm bẩm kêu trách Ta?
1.1/ Lý do con cái Israel kêu trách Thiên Chúa: Hai mục đích Thiên Chúa muốn làm cho con cái Israel: thứ nhất, Ngài muốn giải phóng con cái Israel khỏi làm nô lệ cho người Ai-cập; thứ hai, Ngài muốn đưa họ vào Đất Hứa mà Ngài đã hứa với các tổ-phụ của họ.
Để chuẩn bị tinh thần, Đức Chúa phán với ông Moses: "Ngươi hãy sai người đi do thám đất Canaan, đất mà Ta sẽ ban cho con cái Israel. Các ngươi sẽ sai đi mỗi chi tộc một người và tất cả phải là kỳ mục trong dân." Sau bốn mươi ngày do thám đất, họ trở về và tường thuật những gì mắt thấy tai nghe cho ông Moses và toàn thể dân chúng. Muốn hiểu chi tiết những gì họ tường thuật, xin đọc Sách Dân Số, chương 13 và 14. Một cách tổng quát, con cái Israel mắt sáng rỡ khi nghe đến vùng đất tràn đầy sữa và mật, những chùm nho phải hai người khiêng; nhưng mắt họ tối sầm lại khi nghe đến binh lính to lớn và thành trì kiên cố. Nỗi lo sợ phải hy sinh gian khổ và có thể phải chết thắng vượt ước mơ được định cư trong Đất Hứa, nên toàn thể cộng đồng lớn tiếng kêu la, dân chúng khóc lóc cả đêm ấy. Họ muốn trở về Ai-cập hay ở lại trong sa mạc để chết cách an toàn!
Nghe những tiếng kêu la than khóc, Đức Chúa lại phán với ông Moses và ông Aaron:
"Cho tới bao giờ cái cộng đồng hư đốn này cứ tiếp tục lẩm bẩm kêu trách Ta? Ta đã nghe thấy toàn những lời cằn nhằn, đám con cái Israel này cứ lẩm bẩm chống Ta."
1.2/ Hậu quả của việc than trách: Chúa truyền cho ông Moses và ông Aaron: "Ngươi hãy nói với chúng: Ta thề - sấm của Đức Chúa - Ta sẽ xử với các ngươi như lời các ngươi kêu thấu tai Ta. Trong sa mạc này, thây các ngươi sẽ ngã gục: trong các ngươi, tất cả những người đã được kiểm tra đăng ký, từ hai mươi tuổi trở lên, mà đã cằn nhằn chống Ta, Theo số ngày các ngươi đã đi do thám đất - bốn mươi ngày - mỗi ngày tính là một năm, các ngươi sẽ phải gánh chịu tội ác của các ngươi bốn mươi năm, và các ngươi sẽ biết Ta trừng phạt những kẻ bất tuân như thế nào.
Ta, Đức Chúa, Ta đã phán; Ta quyết sẽ thi hành như thế cho toàn thể cộng đồng hư đốn này đã cấu kết với nhau chống lại Ta. Trong sa mạc này chúng sẽ bị tiêu diệt và sẽ chết hết."
Theo những lời này, con cái Israel sẽ phải lãnh nhận những hậu quả như sau:
(1) Họ phải sống lang thang trong sa mạc 40 năm, mặc dù từ Biển Đỏ, nơi họ xuất hành khỏi Ai-cập chỉ mất khoảng ít ngày tới Đất Hứa. 40 ngày dọ thám trở thành bản án 40 năm lưu đày trong sa mạc; và tất cả những thám tử phản động xúi giục dân làm phản bị giết chết hết, ngoại trừ ông Caleb và ông Joshua, những người không chống lại Thiên Chúa và Moses.
(2) Thế hệ của họ (từ hai mươi tuổi trở lên) sẽ dần dần chết hết trong sa mạc theo như lời họ than trách; mặc dù ông Moses đã hết lòng cầu xin Thiên Chúa tha thứ cho họ.
(3) Thế hệ con cháu của họ sẽ được vào hưởng Đất Hứa vì chưa chống lại Thiên Chúa.
2/ Phúc Âm: "Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy."
2.1/ Thái độ kiên trì của người đàn bà Dân Ngoại: Trong cuộc đời hành đạo, Chúa Giêsu rất ít ra khỏi lãnh thổ của Palestine. Trình thuật hôm nay là một ngoại lệ, thánh Matthew tường thuật: "Ra khỏi đó, Đức Giêsu lui về miền Tyre và Sidon, thì này có một người đàn bà Canaan, ở miền ấy đi ra, kêu lên rằng: "Lạy Ngài là con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!"
Người đàn bà Canaan này phải đương đầu với ít nhất 3 thử thách lớn như sau:
(1) Nạn kỳ thị chủng tộc: Người Do-thái khinh thường những người Dân Ngoại, họ không muốn có bất cứ liên hệ gì với Dân Ngoại cả. Bà phải can đảm lắm mới vượt qua được bức tường kỳ thị chủng tộc này.
(2) Các môn đệ coi Bà như một gánh nặng cần trút bỏ càng sớm càng tốt: Thấy Chúa Giêsu không đáp lại một lời, các môn đệ thưa với Ngài: "Xin Thầy bảo Bà ấy về đi, vì Bà ấy cứ theo sau chúng ta mà xin mãi!" Chúa Giêsu tỏ thái độ cho các môn đệ và cho cả Bà: "Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi."
(3) So sánh Bà với chó: Đây có lẽ là một thử thách to lớn nhất về đức tin. Nhiều nhà chú giải có khuynh hướng làm dịu lại bằng cách đề cập tới chó nhà hay chó con; nhưng điều chính yếu là con người phải làm chứng cho đức tin cho dù bị xỉ nhục. Hãy nghe lời Bà đối thoại với Chúa Giêsu:
- Bà ấy đến bái lạy mà thưa Người rằng: "Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!"
- Người đáp: "Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con."
- Bà ấy nói: "Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống."
2.2/ Sự ngạc nhiên của Chúa Giêsu: Lời đối đáp của Bà nói lên một sự thật: mặc dù không được ăn bánh dành cho con cái, nhưng "lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống." Tuy Chúa Giêsu không trực tiếp rao giảng cho Dân Ngoại, nhưng Ngài đang huấn luyện các môn đệ để làm việc đó. Trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, Ngài muốn chọn dân Do-thái trước khi bành trướng ơn cứu độ đến tất cả Dân Ngoại.
Vì Bà biểu lộ đức tin cách vững chắc, nhiệt thành, và khôn ngoan; nên Đức Giêsu trả lời Bà: "Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy." Từ giờ đó, con gái bà được khỏi.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải trải qua gian khổ trước khi đạt tới vinh quang Nước Trời. Nếu chúng ta cùng chịu gian khổ với Đức Kitô, chúng ta sẽ cùng thống trị vinh quang với Ngài.
- Chúng ta phải nghe lời Đức Kitô để đi qua đường hẹp; vì đường rộng rãi thênh thang chỉ dẫn tới diệt vong. Cuộc đời chúng ta có thể ví như cuộc đời con cái Israel 40 năm trong sa mạc.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Ba Tuần 18 TN B
Bài đọc: Num 12:1-13; Mt 14:22-36.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tội hoài nghi, kẻ thù của đức tin.
Con người cần phân biệt rõ ràng hai lãnh vực trong cuộc đời: (1) lãnh vực tự nhiên, những gì con người có thể hiểu và điều khiển được; và (2) lãnh vực siêu nhiên, những gì con người cần sự trợ giúp và sức mạnh của Thiên Chúa vì chúng vượt quá sức con người.
Các Bài Đọc hôm nay muốn nhắn nhủ con người phải biết phân biệt hai lãnh vực này và tuyệt đối tin tưởng nơi Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, khi bà Miriam kiêu ngạo cho mình cũng có uy quyền của Thiên Chúa và nghi ngờ uy quyền của Thiên Chúa hoạt động qua ông Moses, Chúa đã phạt Bà bị cùi trong 7 ngày. Trong Phúc Âm, Chúa nhận lời yêu cầu của Phêrô và cho phép ông đi trên mặt nước như Chúa; nhưng khi ông sợ hãi sóng gió, ông bắt đầu chìm xuống và kêu cầu cùng Chúa. Ngài đến nắm tay và trách ông: "Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?"
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Bà Miriam và ông Aaron nghi ngờ về thế giá của ông Moses.
1.1/ Lý do nghi ngờ: Bà Miriam và ông Aaron phản đối ông Moses về người đàn bà xứ Cushite mà ông đã lấy làm vợ. Họ nói: "Đức Chúa chỉ phán với một mình Moses sao? Người đã chẳng phán với cả chúng ta nữa ư?" Và Đức Chúa nghe được.
+ Cushite thường được dùng để chỉ nước Ethiopia, nhưng cũng có thể chỉ một phần của phía Bắc Arabia (Hab 3:7). Rất có thể người đàn bà mà ông Moses lấy làm vợ là bà Zipporah của xứ Midian (Exo 2:21).
+ Cuộc kết hôn với người phụ nữ nước ngoài chỉ là một lý do phụ thuộc cho sự chống đối; lý do thực sự là lòng ghen tỵ với địa vị của Moses như là một người trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và dân chúng. Bà Miriam và ông Aaron rất khôn ngoan che đậy lòng ghen tỵ của mình bằng cách nêu lên một lý do bên ngoài: ông Moses đã kết hôn với người nước ngoài! Họ muốn địa vị như của ông Moses, và muốn dân chúng kính phục họ như kính phục ông Moses.
+ Bà Miriam, người chị em của Aaron, được coi như là một nữ tiên tri (Exo 15:20). Bài ca chiến thắng trong biến cố Xuất Hành được coi là của Bà.
+ Ông Moses là người "hiền lành" nhất trên đời. Danh từ Do-thái được dùng ở đây là "anawim," có nghĩa là người biết khiêm nhường nhận ra vị thế của mình và biết kính sợ Thiên Chúa. Nếu phải dịch chính xác hơn: "người khiêm cung." Tác giả muốn đối chiếu đức tính của ông Moses với bà Miriam.
1.2/ Thiên Chúa can thiệp: Đột nhiên Đức Chúa phán với ông Moses, ông Aaron và bà Miriam: "Cả ba hãy đi ra Lều Hội Ngộ!" Và ba người đã ra. Đức Chúa ngự xuống giữa đám mây và dừng lại ở cửa Lều. Người gọi ông Aaron và bà Miriam, và hai người đi ra. Thiên Chúa muốn làm sáng tỏ địa vị của Moses với địa vị của các ngôn sứ.
(1) Vị thế của ngôn sứ: Người phán: "Hãy nghe Ta nói đây! Nếu trong các ngươi có ai là ngôn sứ, thì Ta, Đức Chúa, Ta sẽ tỏ mình ra cho nó trong thị kiến, hoặc sẽ phán với nó trong giấc mộng." Thị kiến và giấc mộng là hai hình thức phổ thông nhất Thiên Chúa dùng để chuyển thông những gì Ngài muốn nói cho các ngôn sứ, để họ loan báo lại cho dân chúng.
(2) Vị thế độc tôn của ông Moses: "Nhưng với Moses tôi tớ Ta thì khác: tất cả nhà Ta, Ta đã trao cho nó. Ta nói với nó trực diện, nhãn tiền, chứ không nói bí ẩn, và hình dáng Đức Chúa, nó được ngắm nhìn. Vậy tại sao các ngươi không sợ nói động đến Moses, tôi tớ Ta?" Ông Moses là người duy nhất được nhìn thấy Thiên Chúa nhãn tiền mà không chết (Exo 33:20).
1.3/ Thiên Chúa trừng phạt bà Miriam: Đức Chúa nổi cơn thịnh nộ với họ mà bỏ đi. Khi mây bốc lên khỏi Lều, thì bà Miriam bị cùi, mốc thếch như tuyết.
- Phản ứng của ông Aaron: Ông Aaron nói với ông Moses: "Lỗi tại tôi, thưa ngài, nhưng xin ngài đừng kết tội chúng tôi; chúng tôi đã dại dột mà phạm lỗi và đáng tội. Xin đừng để cho cô ấy nên như đứa chết yểu, vừa lọt lòng mẹ đã bị ăn mòn mất một nửa phần thịt mình rồi." Tại sao Thiên Chúa không phạt Aaron? Có lẽ vì ông không chống đối ông Moses, nhưng chỉ hùa theo bà Miriam mà thôi.
- Phản ứng của ông Moses: Ông Moses kêu cầu lên Đức Chúa rằng: "Ôi, lạy Chúa, xin chữa lành cô ấy!" Ông Moses được Đức Chúa cho biết bà Miriam phải sống cách biệt với dân chúng trong 7 ngày; sau đó, Bà sẽ được chữa lành và cho trở về sống với dân chúng. Bà chết và được an táng khi con cái Israel đến sa mạc Sin (Num 20:1). Tính kiêu ngạo được nhiều tác giả ví như bệnh cùi hủi trước mặt Thiên Chúa có lẽ cũng là do từ biến cố này.
2/ Phúc Âm: "Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?"
2.1/ Các môn đệ sợ hãi khi phải đương đầu với gió bão: Sau khi đã làm phép lạ cho hơn 5,000 người ăn, Chúa Giêsu liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình. Còn chiếc thuyền của các môn đệ đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió. Nhiều người đặt câu hỏi tại sao phép lạ này lại được các thánh-sử tường thuật ngay sau phép lạ "Bánh hóa nhiều?" Có người cho Chúa Giêsu muốn thử đức tin của các môn đệ để xem họ có tuyệt đối tin tưởng nơi uy quyền của Ngài không. Ý kiến khác cho Chúa Giêsu muốn tỏ cho các môn đệ biết Ngài có toàn quyền trên các sức mạnh của thiên nhiên như: gió bão, sóng nước.
Từ trên núi, Chúa Giêsu có thể nhìn rõ những gì xảy ra trong Biển Hồ. Khi thấy các môn đệ vất vả chống trả với gió bão, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: "Ma đấy!" và sợ hãi la lên. Đức Giêsu liền bảo các ông: "Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!"
2.2/ Hậu quả khi con người nghi ngờ Thiên Chúa: Ông Phêrô thưa với Chúa Giêsu: "Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài." Đức Giêsu bảo ông: "Cứ đến!" Ông Phêrô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giêsu. Ông đi được trên mặt nước vì ông hoàn toàn tin tưởng nơi Thiên Chúa, không một chút nghi ngờ gì nơi quyền năng của Ngài. Cuộc đời con người cũng thế, nếu chúng ta hoàn toàn tin tưởng nơi Thiên Chúa, Ngài sẽ ra tay uy quyền hướng dẫn cuộc đời chúng ta. Người có đức tin làm được những chuyện vượt quá khả năng con người, vì họ được trợ giúp bởi uy quyền và sự hướng dẫn của Thiên Chúa. Sự nghi ngờ xảy ra khi Phêrô quá chú tâm đến những nguy hiểm chung quanh và không hướng nhìn vào Chúa Giêsu; vì thế, ông sợ hãi và bắt đầu chìm. Chính Chúa Giêsu đã khiển trách khi Ngài nắm lấy tay ông: "Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?"
Sự hoài nghi là kẻ thù số một của đức tin: khi con người nghi ngờ uy quyền của Thiên Chúa, họ sẽ tin tưởng nơi sức mạnh của họ hoặc những quyền lực của thế gian; và vì thế, họ bắt đầu xa lánh Thiên Chúa. Nhiều người còn cho cần gì phải trông chờ và van xin Thiên Chúa khi họ có thể làm được: kiếm tiền để sinh sống, cố gắng để thành công trong cuộc đời ... Những người này sẽ nhận ra sự cần thiết của đức tin khi họ phải đương đầu với đau khổ, thất bại, bệnh tật, và những nguy hiểm khác trong cuộc đời; lúc mà sức mạnh con người không đủ để giúp họ vượt thoát. Lúc đó e quá muộn để họ bắt đầu trau dồi đức tin!
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta cần học hỏi để biết mình trong tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân, và với thế giới. Một thái độ kiêu căng không biết mình sẽ gây nhiều thiệt hại hơn làm lợi.
- Chúng ta cần có một đức tin vững mạnh và đừng bao giờ nghi ngờ quyền năng và sự quan phòng của Thiên Chúa. Một đức tin như thế sẽ giúp chúng ta khi phải đương đầu với sóng gió của cuộc đời và vượt qua cách tốt đẹp.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Chúa Nhật 18 Thường Niên, Năm B
Bài đọc: Exo 16:2-4, 12-15; Eph 4:17, 20-24; Jn 6:24-35.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát.
Cám dỗ về bánh ăn luôn là một diệu kế ma quỉ dùng để cám dỗ con người. Chúng đã từng dùng để cám dỗ Chúa Giêsu, khi Ngài ăn chay 40 ngày trong sa mạc: "Hãy biến những hòn đá thành của ăn." Chúa trả lời: "Người ta sống không chỉ bởi bánh, nhưng còn bởi mọi Lời do miệng Thiên Chúa phán ra." Chúa muốn con người nhận ra chân lý: "Bánh cần thiết, nhưng không phải tất cả." Nếu con người chú trọng đến bánh quá nhiều, con người sẽ phát sinh nhiều bệnh: cả phần hồn lẫn phần xác.
Các Bài Đọc hôm nay muốn nêu bật hai thực tại: lương thực mau hư nát và lương thực trường tồn. Trong Bài Đọc I, con cái Israel kêu trách Thiên Chúa vì họ bị đói và khát trong sa mạc. Thiên Chúa cho họ có manna từ trời rơi xuống ban sáng, và có thịt chim cút lúc ban chiều. Họ có thể ăn uống thỏa thuê; nhưng không được họ tích trữ. Ngài truyền chỉ lấy lương thực đủ cho ngày đó; nếu tham lam tích trữ, manna sẽ hư hại hôm sau. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô phân biệt hai lối sống: Dân Ngoại sống theo tư tưởng phù phiếm: họ chỉ biết ra công làm việc để có của ăn hư nát và hưởng thụ; ngược lại, các tín hữu phải sống theo Thánh Thần và tuân theo những lời chỉ dạy của Đức Kitô, để có lương thực trường tồn. Trong Phúc Âm, dân chúng đi kiếm Đức Kitô sau khi đã được Ngài làm phép lạ cho ăn uống thỏa thuê. Chúa Giêsu biết rõ họ tìm kiếm Ngài chỉ vì lý do đó; nên Ngài khuyên họ: "Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực trường tồn đem lại phúc trường sinh."
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa đã cho dân có bánh và thịt trong sa mạc.
1.1/ Con cái Israel kêu trách Thiên Chúa và Moses: Trong sa mạc, toàn thể cộng đồng con cái Israel kêu trách ông Moses và ông Aaron. Con cái Israel nói với các ông: "Phải chi chúng tôi chết bởi tay Đức Chúa trên đất Ai-cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thoả thuê. Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó mà vào sa mạc này, để bắt chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây!" Nhiều người cho con cái Israel có lý do để than phiền, vì nếu phải "chết đói" trong sa mạc thì ở lại Ai-cập để được "chết no" còn sướng hơn. Nhưng sự thực là con cái Israel đã không phải chết đói, vì nếu Thiên Chúa đã có kế hoạch đưa dân ra khỏi Ai-cập để vào Đất Hứa, làm sao Ngài có thể để dân chết đói dọc đường được! Những lời than phiền này biểu tỏ:
(1) Con cái Israel không có đức tin mạnh đủ vào Thiên Chúa: Họ vừa mới chứng kiến biến cố Thiên Chúa đưa toàn dân qua Biển Đỏ ráo chân; trong khi quân đội Pharao bị nhận chìm trong Biển Đỏ, và uy quyền Thiên Chúa bày tỏ qua 7 thiên tai. Tại sao họ không cầu xin Thiên Chúa ban của ăn, mà lại buông những lời vô ơn bạc nghĩa như thế?
(2) Con cái Israel quí trọng của ăn hơn những giá trị tinh thần: Làm nô lệ cho Pharao là một cực hình; vì chính họ đã từng kêu than lên Thiên Chúa. Tại sao giờ đây họ đã được tự do rồi, lại muốn trở lại kiếp nô lệ ngày xưa để có thịt và bánh ăn thỏa thuê? Đây là một kinh nghiệm quan trọng cho chúng ta học hỏi: lòng ham muốn của ăn có thể làm lu mờ những giá trị tinh thần.
1.2/ Thiên Chúa cho dân ăn manna và chim cút trong sa mạc:
(1) Cho dân ăn manna: Đức Chúa phán với ông Moses: "Này, Ta sẽ làm cho bánh từ trời mưa xuống cho các ngươi ăn. Dân sẽ ra lượm lấy khẩu phần cho mình, ngày nào cho ngày đó; Ta muốn thử lòng chúng như vậy xem chúng có tuân theo Luật của Ta hay không." Sự thể đã xảy ra như lời Chúa hứa: Mỗi buổi sáng, có lớp sương phủ quanh trại; lúc sương tan đi thì trên mặt hoang địa, có một thứ gì nho nhỏ mịn màng, nho nhỏ như sương muối phủ mặt đất. Khi con cái Israel thấy thế, họ liền hỏi nhau: "Manhu?" Nghĩa là: "Cái gì đây?" Vì họ không biết đó là cái gì. Ông Moses bảo họ: "Đó là bánh Đức Chúa ban cho anh em làm của ăn!"
(2) Cho dân ăn thịt chim cút: Con cái Israel không chỉ muốn ăn bánh để sống, nhưng còn ao ước được ăn ngon. Họ nói: chúng tôi đã quá nhàm chán thức ăn vô vị này (manna); và họ nhớ tới những cao lương mỹ vị khi còn ở Ai-cập. Thiên Chúa thấu tỏ lòng họ, nên Ngài lại nói với ông Moses: "Ta đã nghe tiếng con cái Israel kêu trách. Vậy, ngươi hãy bảo chúng rằng: Vào buổi chiều, các ngươi sẽ được ăn thịt, và ban sáng, các ngươi sẽ được ăn bánh thoả thuê, và các ngươi sẽ biết rằng Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi." Sự thể đã xảy ra như lời Chúa hứa: Buổi chiều, chim cút bay đến rợp cả trại.
2/ Bài đọc II: Anh em phải để Thánh Thần đổi mới tâm trí anh em.
2.1/ Lối sống theo Dân Ngoại: Ephesô là một thành phố của Hy-lạp, các tín hữu Ephesô hầu hết là những người Dân Ngoại, và đã được Phaolô rao giảng Tin Mừng và nhận vào Đạo Thánh của Đức Kitô. Giống như con cái Israel, các tín hữu Ephesô luôn bị cám dỗ để trở về với nếp sống cũ trước khi được Rửa Tội. Thánh Phaolô nhận ra khuynh hướng này; vì thế, ngài viết thư khuyên họ: "Đây là điều tôi nói với anh em, và có Chúa chứng giám, tôi khuyên anh em: đừng ăn ở như Dân Ngoại nữa, vì họ sống theo những tư tưởng phù phiếm của họ."
Lối sống theo Dân Ngoại mà thánh Phaolô đề cập đến ở đây bao gồm rất nhiều tật xấu, dựa trên những Thư của Ngài, chúng ta có thể liệt kê các tội như: thờ bụt thần, không tin tưởng nơi Thiên Chúa và sự sống đời sau, hưởng thụ vật chất và khoái lạc, loạn luân, ham quyền hành, và ghen tương chia rẽ ...
2.2/ Lối sống theo Thánh Thần: Thánh Phaolô nhắc nhở cho các tín hữu Ephesô hai điều quan trọng:
(1) Sống theo sự thật của Đức Kitô: "Còn anh em, anh em đã chẳng học biết về Đức Kitô như vậy đâu; anh em đã được nghe nói về Đức Giêsu và được dạy dỗ theo tinh thần của Người, đúng như sự thật ở nơi Đức Giêsu. Vì thế, anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối."
Tin thế nào, phải sống như thế. Nếu tin một đàng và sống một nẻo, đức tin không sinh lợi ích gì cho các tín hữu; họ chẳng khác gì những người không tin.
(2) Sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần: "Anh em phải để Thánh Thần đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện."
Chúa Thánh Thần mà các tín hữu đã lãnh nhận Ngài khi lãnh nhận Bí-tích Rửa Tội, sẽ soi sáng để họ nhận ra những gì là sự thật mà Đức Kitô đã loan báo; đồng thời, Ngài sẽ ban những ơn thánh đủ để thúc đẩy các tín hữu biết sống theo những gì Đức Kitô đã dạy bảo. Chương 8 của Thư Rôma cho chúng ta một đời sống viên mãn dưới sự hoạt động của Chúa Thánh Thần.
3/ Phúc Âm: Đừng chỉ tìm kiếm những của ăn mau hư nát.
3.1/ Dân chúng tìm Chúa vì đã được ăn no nê: Trình thuật của Gioan hôm nay tiếp tục trình thuật của tuần trước, khi Chúa Giêsu làm phép lạ nuôi hơn 5,000 người ăn uống no nê từ năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ, mà vẫn còn dư 12 thúng đầy những mảnh vụn. Sau đó, họ hợp lại và muốn tôn Chúa Giêsu làm vua; nhưng Chúa Giêsu truyền lệnh cho các tông-đồ qua bờ bên kia trước, còn Ngài lên núi cầu nguyện một mình. Đêm đó, biển động mạnh làm thuyền các tông-đồ gần chìm. Chúa Giêsu từ trên núi đi trên mặt biển đến để trấn an các ông, và làm cho sóng yên biển lặng. Thuyền của các tông-đồ ghé bến Capernaum bình an.
Phần dân chúng, khi họ thấy Đức Giêsu cũng như các môn đệ đều không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Capernaum tìm Người. Khi gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói: "Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?" Đức Giêsu đáp: "Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê."
Chúa Giêsu thấu hiểu dụng ý của dân chúng, như ma quỉ đã từng cám dỗ Ngài trong sa mạc: Họ sẽ tôn Ngài làm vua, nếu Ngài tiếp tục làm phép lạ cho họ có của ăn, mà không cần phải vất vả làm việc!
3.2/ Chúa Giêsu chỉ dạy cho dân chúng tìm lương thực tồn tại muôn đời: Chúa từ chối dụng ý của dân chúng, như Chúa đã từ chối thẳng thừng cám dỗ của ma quỉ trong sa mạc. Tuy nhiên, Chúa vẫn kiên nhẫn dạy dỗ và cắt nghĩa cho dân chúng thấy những giá trị tốt lành và vĩnh cửu hơn là lương thực vật chất: "Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận." Lương thực mau hư nát ai cũng có thể hiểu được: ngoài đồ ăn thức uống, còn có thể hiểu là những giá trị chóng qua của thế gian như: tiền bạc, của cải, thú vui, danh vọng, chức quyền ... Về lương thực mang lại giá trị vĩnh cửu, chúng ta phải học hỏi hết chương 6 của Gioan trong ba tuần kế tiếp. Một cách tổng quát, Chúa Giêsu muốn đề cập đến hai điều căn bản:
(1) Thánh ý Thiên Chúa: Họ liền hỏi Người: "Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?" Đức Giêsu trả lời: "Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến."
Điều nền tảng nhất trong cuộc đời là tìm ra và thi hành thánh ý của Thiên Chúa cho đến hơi thở cuối cùng, như Chúa Giêsu đã làm. Theo Kế Họach Cứu Độ, Đức Kitô là Con Thiên Chúa, được sai đến để cứu chuộc con người. Vì thế, theo thánh ý Thiên Chúa, con người phải tin vào Ngài để được hưởng ơn cứu độ. Việc tin vào Đức Kitô không đơn thuần là thái độ của trí khôn trong một lúc; nhưng là tin và thực hành tất cả những gì Đức Kitô đã mặc khải và truyền dạy. Hơn nữa, con người còn phải sẵn sàng chấp nhận gian khổ để làm chứng cho Ngài.
(2) Bí-tích Thánh Thể: Không phải chuyện tình cờ mà Gioan đề cập đến biến cố Thiên Chúa cho con cái Israel ăn manna trong sa mạc, và biến cố Chúa Giêsu làm phép lạ "Bánh hóa nhiều." Thánh Gioan muốn dẫn chúng ta đến sự quan trọng của Bí-tích Thánh Thể khi Chúa Giêsu chuyển đề và trả lời người Do-thái như sau: "Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Moses đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian." Họ liền nói: "Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy." Đức Giêsu bảo họ: "Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!" Chúng ta sẽ nói về BT Thánh Thể trong ba tuần tới.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta cần khôn ngoan để phân biệt lương thực mau hư nát và lương thực trường tồn; để rồi biết dành thời gian tương xứng, và ra sức làm việc cho lương thực trường tồn.
- Trong sự quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa, Ngài có dư uy quyền để ban cho chúng ta lương thực hàng ngày. Chúng ta có dám tin tưởng điều đó không?
- Một trong những thói xấu của con người là thói quen đầu cơ tích trữ để người khác phải đói khát. Chúa dạy chúng ta xin cho đủ lương thực hàng ngày; chứ không xin cho có đủ lương thực hay có tiền đủ để mua lương thực cho cả một đời!
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Bảy Tuần 17 TN1, Năm B
Bài đọc: Lev 25:1, 8-17; Mt 14:1-12.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải kính sợ Thiên Chúa và thi hành những gì Ngài truyền dạy.
Thiên Chúa quan tâm đến đời sống của tất cả tạo vật: đất đai, cây cỏ, thú vật, và loài người; vì tất cả đều do Ngài dựng nên. Ngài tin tưởng trao tất cả vào tay con người; đồng thời, Ngài cũng dạy họ biết quản lý cách khôn ngoan, và chia sẻ cho nhau để đừng ai phải sống thiếu thốn quá. Ngược lại, con người luôn ích kỷ để tích trữ cho mình, và chất chứa hận thù để tìm dịp hại nhau.
Các Bài Đọc hôm nay muốn nêu bật sự đối nghịch giữa Thiên Chúa và con người. Trong Bài Đọc I, Thiên Chúa truyền cho ông Moses phải cử hành Năm Thánh mỗi 50 năm, với mục đích là để cho mọi người có cơ hội làm lại cuộc đời và san phẳng các bất công xã hội qua việc: phóng thích tù nhân, và trả lại nhà cửa và ruộng đất cho những ai đã phải cầm để có phương tiện sinh sống. Trong Phúc Âm, Gioan Tẩy Giả bị bà Herodia ghen ghét vì đã ngăn cản cuộc hôn nhân giữa Bà và Herode. Khi cơ hội tới, Bà đã bảo con gái xin vua Herode cái đầu của Gioan Tẩy Giả đặt trên mâm cho Bà!
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Năm Thánh (Jubilee) và các việc phải tuân hành:
1.1/ Thời gian: được cử hành mỗi 50 năm, căn cứ trên những gì Đức Chúa đã phán với ông Moses trên núi Sinai: "Các ngươi phải tính bảy tuần năm, nghĩa là bảy lần bảy năm; thời gian của bảy tuần năm đó là bốn mươi chín năm. Tháng thứ bảy, ngày mồng mười trong tháng, các ngươi sẽ thổi tù và giữa tiếng reo hò; vào Ngày Xá Tội, các ngươi sẽ thổi tù và trong toàn xứ các ngươi."
1.2/ Mục đích: Năm Thánh này có mục đích để nhắc nhở cho con người hai điều:
(1) Chỉ một mình Thiên Chúa là người sở hữu tất cả tài sản, con người chỉ là những người quản lý: được Thiên Chúa trao ban để sinh lợi mà thôi.
(2) Hễ kính mến Thiên Chúa, cũng phải biết yêu người. Thiên Chúa truyền lệnh: "Không ai trong các ngươi được làm thiệt hại người đồng bào, nhưng các ngươi phải kính sợ Thiên Chúa của các ngươi, vì Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi."
1.3/ Những việc phải thi hành:
(1) Phóng thích tù nhân và giải phóng nô lệ: "Các ngươi sẽ công bố năm thứ năm mươi là năm thánh và sẽ tuyên cáo trong xứ lệnh ân xá cho mọi người sống tại đó. Đối với các ngươi, đó là thời kỳ toàn xá: mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình, mỗi người sẽ trở về giòng họ của mình."
(2) Không được canh tác đất và thu hoạch mùa màng: "Đối với các ngươi, năm thứ năm mươi sẽ là thời kỳ toàn xá: các ngươi không được gieo, không được gặt lúa tự nhiên mọc, không được hái trong vườn nho không cắt tỉa. Vì đó là thời kỳ toàn xá, một năm thánh đối với các ngươi, các ngươi sẽ ăn hoa lợi của đồng ruộng."
+ Đất cũng cần phải được "nghỉ ngơi" vào năm thứ bảy (Sabbatical year) sau mỗi 6 năm canh tác (Lev 25:2-7). Năm này cũng rơi vào trong Năm Thánh. Đây là một lệnh truyền khôn ngoan: con người có cơ hội nghỉ ngơi cho lại sức, và đất có cơ hội để cho nhiều hoa quả hơn năm sau.
+ Để cho người nghèo có cơ hội sống bằng cách ăn những hoa quả do ruộng đồng mang lại trong năm đó.
(3) Trả lại ruộng đất và nhà cửa cho những ai đã cầm: "Năm toàn xá đó, mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình. Nếu các ngươi bán cái gì cho người đồng bào hoặc mua cái gì từ tay người đồng bào, thì đừng ai làm thiệt hại người anh em mình." Vì Thiên Chúa là chủ của các bất động sản, không ai có quyền mua bán của cải đó mãn đời.
(4) Giao kèo khi mua bán: "Ngươi sẽ mua của người đồng bào theo số năm sau năm toàn xá, và nó sẽ bán cho ngươi theo số năm thu hoạch. Còn nhiều năm thì ngươi mua giá cao, còn ít năm thì ngươi mua giá thấp, vì nó bán cho ngươi một số năm thu hoạch." Lý do, người mua sẽ phải hoàn lại những gì đã mua cho người bán khi Năm Thánh tới.
2/ Phúc Âm: Con người tích trữ hận thù và dùng thủ đoạn để giết nhau.
Thời ấy, tiểu vương Herode nghe danh tiếng Đức Giêsu, thì nói với những kẻ hầu cận rằng: "Đó chính là ông Gioan Tẩy Giả; ông đã từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ."
2.1/ Lý do của thù hận: Có hai lý do chính:
(1) Vì Gioan Tẩy Giả dám nói thật: "Số là vua Herode đã bắt trói ông Gioan và tống ngục vì bà Herodia, vợ ông Philíp, anh của nhà vua. Ông Gioan có nói với vua: "Ngài không được phép lấy bà ấy." Vua muốn giết ông Gioan, nhưng lại sợ dân chúng, vì họ coi ông là ngôn sứ." Herode Antipas đã phạm hai tội: (1) tội rẫy người vợ trước của mình là con vua Nabatean Arabs; và (2), tội loạn luân, lấy chị dâu của anh mình là Philip.
(2) Vì sợ ảnh hưởng của Gioan Tẩy Giả trên dân chúng: Sử gia Josephus cho đây là lý do chính để Herode giết Gioan Tẩy Giả (Ant 18, 5, 2). Là tiểu vương, ông không muốn có bất kỳ sự đối nghịch nào. Đây cũng là lý do tại sao Thượng Hội Đồng muốn tiêu diệt Chúa Giêsu.
2.2/ Cái chết của Gioan Tẩy Giả: Cả vua Herode và bà Herodia đều phải chịu trách nhiệm cho cái chết của Gioan Tẩy Giả. Trình thuật kể nguyên do cái chết như sau: "Nhân ngày sinh nhật của vua Herode, con gái bà Herodia đã biểu diễn một điệu vũ trước mặt quan khách, làm cho nhà vua vui thích. Bởi đó, vua thề là hễ cô xin gì, vua cũng ban cho."
(1) Phản ứng của bà Herodia: Cô con gái không biết nên xin gì; vì thế, cô chạy lại để hỏi mẹ. Nghe lời mẹ xui bảo, cô thưa với vua Herode: "Xin ngài ban cho con, ngay tại chỗ, cái đầu ông Gioan Tẩy Giả đặt trên mâm."
Một bà mẹ nuôi thù hận, tàn nhẫn, vô luân, và phản giáo dục như bà mẹ này, làm sao Bà có thể giáo dục con nên người? Sóng trước đổ đâu, sóng sau theo đó. Cô con gái sau này cũng sống một cuộc đời loạn luân và tàn nhẫn như mẹ cô vậy.
(2) Phản ứng của vua Herode: "Nhà vua lấy làm buồn, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên truyền lệnh ban cho cô. Vua sai người vào ngục chặt đầu ông Gioan. Người ta đặt đầu ông trên mâm, mang về trao cho cô, và cô ta đem đến cho mẹ."
Tất cả mọi sự kiện chứng minh Herode không phải là một anh quân: ly dị vợ, lấy vợ của anh, thề hứa vô lối, giữ lời thề cách không công bằng, và vi phạm đến sự sống của người công chính.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Mọi người trong thế gian đều là con chung của một cha trên trời; vì thế, chúng ta đều là anh/chị/em với nhau. Thiên Chúa muốn chúng ta phải yêu thương và chia sẻ cho nhau tất cả những hồng ân và của cải Ngài ban.
- Chúng ta phải loại trừ mọi hình thức ghen ghét, thù hận, bất công, và giết người dưới bất cứ hình thức nào; đồng thời, biết noi gương Thiên Chúa để luôn yêu thương và tha thứ cho mọi người.
- Khi làm chứng cho sự thật và đấu tranh cho công bằng, chúng ta có thể bị cầm tù và bị chém đầu như Gioan Tẩy Giả.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Sáu Tuần 17 TN1, Năm B
Bài đọc: Lv 23:1, 4-11, 15-16, 27, 34b-37; Mt 13:54-58.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải sống những gì mình cử hành.
Kitô Giáo không phải chỉ là niềm tin vào Thiên Chúa, được cử hành qua những nghi thức trong thánh đường; nhưng niềm tin này phải được biểu lộ trong đời sống của các Kitô hữu, như có một tác giả đã diễn tả "cuộc đời ta là Thánh Lễ nối dài." Các nghi thức giúp chúng ta thấu hiểu những mầu nhiệm của Thiên Chúa qua các biến cố lịch sử; để rồi chúng ta biết sống những mầu nhiệm đó trong đời sống hằng ngày. Chỉ như thế, tôn giáo mới mang lại lợi ích cho con người.
Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng nhu cầu cần thấu hiểu những gì con người cử hành trước khi sống niềm tin đó. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Levi trình bày ý nghĩa và những gì cần làm trong 4 ngày đại lễ của người Do-thái để thờ phượng Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu trở về quê để rao giảng và làm ích cho những người đồng hương; nhưng họ đã vấp phạm vì Ngài ngay trong hội đường.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Bốn đại lễ của Đức Chúa và những điều dân chúng phải làm.
Đức Chúa phán với ông Moses rằng: Đây là các đại lễ của Đức Chúa, các cuộc họp để thờ phượng mà các ngươi phải triệu tập vào thời gian ấn định:
1.1/ Lễ Vượt Qua (Passover) và Lễ Bánh Không Men (Unleaven Bread):
(1) Ý nghĩa: Hai ngày lễ này gần nhau vì cùng chung một biến cố lịch sử để kỷ niệm ngày con cái Israel được Thiên Chúa giải thoát khỏi làm nô lệ cho người Ai-cập.
+ Lễ Vượt Qua (Pasch): "Tháng thứ nhất, ngày mười bốn trong tháng, vào lúc chập tối, là Lễ Vượt Qua kính Đức Chúa." Các thiên thần "vượt qua" những nhà có máu chiên bôi trên cửa, và con cái Israel "vượt qua" Biển Đỏ ráo chân; trong khi quân đội của Pharao bị nhận chìm trong biển.
+ Lễ Bánh Không Men (massôt): "Ngày mười lăm tháng ấy là Lễ Bánh Không Men kính Đức Chúa. Trong vòng bảy ngày, các ngươi phải ăn bánh không men."
(2) Những việc cần làm:
- Ngày đầu tiên, các ngươi phải họp nhau để thờ phượng Ta, các ngươi không được làm một công việc nặng nhọc nào. Mục đích là để nhớ lại tình thương, uy quyền, và cảm tạ Thiên Chúa.
- Trong vòng bảy ngày, các ngươi phải tiến dâng lễ hoả tế lên Đức Chúa. Ngày thứ bảy, có cuộc họp để thờ phượng Ta, các ngươi không được làm một công việc nặng nhọc nào.
- Khi các ngươi vào đất Ta ban cho các ngươi, và gặt mùa ở đó, thì phải đem đến cho tư tế một bó lúa, sản phẩm đầu mùa gặt hái của các ngươi. Mục đích là để tạ ơn Thiên Chúa đã đưa dân vào Đất Hứa và chúc lành cho mùa màng đầu năm của họ.
- Nó sẽ làm nghi thức tiến dâng trước nhan Đức Chúa để các ngươi được đoái nhận; tư tế sẽ làm nghi thức tiến dâng hôm sau ngày Sabbath.
1.2/ Lễ Năm Mươi (Pentecost): còn được gọi là Lễ Tuần (Weeks)
(1) Ý nghĩa: Bảy tuần chẵn hay 50 ngày sau khi chấm dứt Lễ Bánh Không Men: "Từ hôm sau ngày Sabbath, các ngươi phải tính bảy tuần, bảy tuần chẵn. Các ngươi phải tính năm mươi ngày cho đến hôm sau ngày Sabbath, và các ngươi sẽ tiến dâng một lễ phẩm mới lên Đức Chúa." Truyền thống mừng lễ này để kỷ niệm biến cố Thiên Chúa ban cho con cái Israel Thập Giới qua ông Moses trên núi Sinai, 50 ngày sau biến cố vượt qua Biển Đỏ.
(2) Việc phải làm: Các ngươi đem bó lúa đến để làm nghi thức tiến dâng. Các chi tiết khác được mô tả rõ ràng trong (Lev 23:15-21).
1.3/ Ngày Xá Tội (Day of Atonement):
(1) Ý nghĩa: "Ngày mồng mười tháng bảy là Ngày Xá Tội." Mục đích là để xin Thiên Chúa tha thứ các tội mà con cái Israel đã xúc phạm tới Ngài và với nhau.
(2) Việc cần làm: Các ngươi phải họp nhau để thờ phượng Ta, phải ăn chay hãm mình và tiến dâng một lễ hoả tế lên Đức Chúa. Chi tiết về lễ này, xin đọc Sách Levi, chương 16.
1.4/ Lễ Lều (sukkôt): còn được gọi là Booth, Tent, hay Tabernacle.
(1) Ý nghĩa: Ngày mười lăm tháng bảy là Lễ Lều kính Đức Chúa, trong vòng bảy ngày. Mục đích là để cám ơn Thiên Chúa đã cho mùa màng thứ hai được kết quả tốt đẹp (nho và ôliu). Truyền thống sau này kỷ niệm việc con cái Israel sống trong lều khi lang thang suốt 40 năm trong sa mạc.
(2) Việc phải làm:
+ Ngày đầu tiên, phải họp nhau để thờ phượng Ta, các ngươi không được làm một công việc nặng nhọc nào.
+ Trong vòng bảy ngày, các ngươi phải tiến dâng lễ hoả tế lên Đức Chúa. Ngày thứ tám, các ngươi phải họp nhau để thờ phượng Ta, và phải tiến dâng một lễ hoả tế lên Đức Chúa: đó là một buổi họp long trọng, các ngươi không được làm một công việc nặng nhọc nào. Chi tiết về lễ này, xin xem (Num 29:12-38).
2/ Phúc Âm: Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin.
2.1/ Người đồng hương Nazareth không tin vào Chúa: Để giúp người đồng hương có cơ hội tin vào Ngài, Chúa Giêsu về quê và vào trong hội đường của họ để giảng dạy dân chúng.
(1) Họ nhận ra lập tức sự khôn ngoan và uy quyền của Chúa: Họ sửng sốt và nói: "Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế?" Nếu cứ tìm hiểu lý do, họ có thể tiến tới chỗ tin Ngài là Con Thiên Chúa.
(2) Phán đoán sai lầm: Nhưng họ để cho tính kiêu căng và ích kỷ chi phối phán đoán của họ: "Ông ta không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Maria; anh em của ông không phải là các ông Giacôbê, Joseph, Simon và Judah sao? Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông ta được như thế? Và họ vấp ngã vì Người."
Họ vấp ngã vì đã phán đoán không đúng đối tượng: thay vì phán đoán các dữ kiện Chúa nói và làm, họ lại phán đoán gia cảnh, họ hàng, và các môn đệ của Ngài! Họ nghĩ, một gia đình thợ mộc tầm thường không thể có con khôn ngoan và uy quyền như thế, vì "con sãi chùa phải quét lá đa!"
2.2/ Bụt nhà không thiêng: Đức Giêsu bảo họ: "Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi." Quá quen đưa đến khinh thường hay "gần chùa gọi bụt bằng anh."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta không thể tách rời những gì chúng ta cử hành trong thánh đường với đời sống của chúng ta ngoài thánh đường. Để sinh lợi ích, chúng ta phải đem ra áp dụng trong cuộc đời những gì chúng ta đã cử hành trong thánh đường.
- Chúng ta không thể chỉ là người công giáo ngày Chúa Nhật trong thánh đường và sống như những người vô thần khi ra khỏi nơi thánh đó. Làm như thế, chúng ta chỉ là những kẻ giả hình và thờ Thiên Chúa bằng môi miệng, còn lòng chúng ta thì xa Chúa vạn dặm.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Năm Tuần 17 TN1, Năm B
Bài đọc: Exo 40:16-21, 34-38; Mt 13:47-53.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải luôn sẵn sàng thích ứng với mọi thay đổi của cuộc sống theo thánh ý Thiên Chúa.
Con người thường có hai khuynh hướng: (1) Khuynh hướng bảo thủ chủ trương phải bảo vệ truyền thống và không được thay đổi điều gì cả. Những người theo khuynh hướng này thường sống với quá khứ vinh quang hơn là thích ứng với những thay đổi của hiện tại. (2) Khuynh hướng cấp tiến chủ trương phải đạp đổ quá khứ để chạy theo những gì tân thời. Những người theo khuynh hướng này chủ trương phải thay đổi tất cả cho kịp với đà tiến của xã hội. Cả hai khuynh hướng đều cực đoan. Người khôn ngoan phải là người có con mắt tinh đời để giữ lại những tinh hoa nền tảng của truyền thống và tìm cách thích ứng cho hợp với đà tiến của xã hội.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong thái độ khôn ngoan này. Trong Bài Đọc I, ông Moses cho xây dựng Nhà Tạm trong Lều Hội Ngộ như Thiên Chúa truyền. Mục đích là để cho con cái Israel luôn ý thức được sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa họ và hướng dẫn họ qua "cột mây" trước Nhà Tạm. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu bảo các môn đệ: sở dĩ họ hiểu được các mầu nhiệm Nước Trời là vì họ đã có những kiến thức căn bản của Lề Luật và Ngôn Sứ. Trong thời gian hiện tại, Thiên Chúa muốn cả người lành và kẻ dữ chung sống với nhau; nhưng trong Ngày Tận Thế, các thiên thần của Ngài sẽ phân biệt hai loại người và sẽ tiêu diệt kẻ dữ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa luôn hiện diện với con người.
1.1/ Kiến thiết Nhà Tạm trong Lều Hội Ngộ: Thiên Chúa có thể hiện diện với dân mà không cần có Lều Hội Ngộ hay Nhà Tạm, vì Ngài vô hình; nhưng dân chúng cần có những thứ này, để họ xác tín Thiên Chúa luôn ở với họ, vì con người hữu hình. Chúng ta còn nhớ biến cố dân chúng bắt ông Aaron phải đúc cho họ một con bê bằng vàng để thờ, vì họ không thấy Thiên Chúa và ông Moses trong một thời gian khá lâu, khi ông lên núi để đàm đạo với Thiên Chúa. Những gì hữu hình có sức mạnh nhắc con người đừng quên sự hiện diện và tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người.
Đó là lý do ông Moses làm mọi sự đúng y như Đức Chúa đã truyền cho ông. "Ông Moses cho dựng Nhà Tạm. Ông cho đặt đế, ghép ván, đặt thanh ngang và dựng cột. Ông cho căng lều trên Nhà Tạm, lấy bạt che phía trên lều, như Đức Chúa đã truyền cho ông Moses. Ông lấy Thập Giới đặt vào Hòm Bia, xỏ đòn vào Hòm Bia, đặt nắp xá tội lên trên đó. Ông rước Hòm Bia vào trong Nhà Tạm và treo bức trướng để che khuất Hòm Bia Thập Giới, như Đức Chúa đã truyền cho ông."
Sau này, khi đã vào Đất Hứa, con cái Israel vẫn còn thói quen để Thiên Chúa trong Lều Thánh, cho đến khi vua Solomon thay Lều Thánh bằng Đền Thờ, và đặt Hòm Bia vào Nơi Cực Thánh trong Đền Thờ. Sang thời Tân Ước, Nhà Tạm vẫn tiếp tục hiện diện trong các thánh đường; nhưng Hòm Bia được thay thế bằng Mình Thánh Chúa.
1.2/ Thiên Chúa hướng dẫn con cái Israel trong sa mạc: Thiên Chúa không chỉ hiện diện giữa dân chúng, nhưng Ngài còn hướng dẫn họ suốt 40 năm lang thang trong sa mạc. Để biết khi nào Thiên Chúa muốn họ cắm trại hay nhổ trại, ông Moses và con cái Israel căn cứ theo "cột mây:"
+ Khi nào đám mây bay lên khỏi Nhà Tạm, thì con cái Israel nhổ trại.
+ Nếu mây không bay lên, thì họ không nhổ trại cho đến ngày mây lại bay lên. Quả vậy, đám mây của Đức Chúa đậu trên Nhà Tạm ban ngày, còn ban đêm thì có lửa trong mây, trước mắt toàn thể con cái Israel, ở mỗi chặng đường họ đi.
2/ Phúc Âm: Nước Trời giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ.
2.1/ Nước Trời như chiếc lưới thả xuống biển: Chúa Giêsu nói với dân chúng: "Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài."
(1) Giai đoạn hiện tại: Có hai trường phái giải thích dụ ngôn này như sau:
+ Giáo Hội chỉ dành cho người tốt: Giáo Hội do Đức Kitô thiết lập chỉ dành cho những người tốt, sống theo những gì Chúa truyền dạy; những kẻ xấu, không vâng lời những gì Chúa truyền dạy phải bị khai trừ như ngư phủ quăng cá xấu vậy.
+ Giáo Hội dành cho mọi người: tốt cũng như xấu. Trong giai đoạn hiện tại, Giáo Hội là cho tất cả mọi người. Thiên Chúa muốn cho mọi người có cơ hội để ăn năn trở lại. Hơn nữa, ngoài Thiên Chúa, không ai có quyền xét xử và xếp loại ai tốt, ai xấu cả. Quan niệm này hợp với đường lối của Thiên Chúa hơn.
(2) Ngày Tận Thế chắc chắn sẽ đến: Chúa Giêsu tiếp tục giải thích: "Đến Ngày Tận Thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng." Điều mọi người cần ý thức ở đây là Ngày Tận Thế: nhiều người chỉ nghĩ đến Ngày Tận Thế của thế giới, mà không nghĩ tới ngày tận thế của đời mình, khi họ từ giã dương gian về với Thiên Chúa. Vì thế, mọi người cần ăn năn xám hối trước khi từ giã cuộc đời kẻo sẽ phải hối hận sau này.
2.2/ Nước Trời như kho tàng có cả cái cũ lẫn cái mới: Người bảo họ: "Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ."
(1) Kiến thức mới có được là do căn bản của kiến thức cũ: Điều này đúng cho mọi lãnh vực tri thức của con người. Nếu không bắt đầu từ kiến thức căn bản, con người sẽ không hiểu được những kiến thức cao hơn. Trong lãnh vực Kinh Thánh cũng thế, con người phải bỏ thời gian để học hỏi những điều căn bản, trước khi họ có thể phân tích và hiểu biết những mầu nhiệm cao siêu hơn. Ví dụ, để hiểu Tân Ước cách rõ ràng, giả sử một người phải hiểu về Cựu Ước.
(2) Kiến thức mới hoàn hảo hóa kiến thức cũ: Hầu hết các phát minh mới đều dựa trên những kiến thức cũ, nhưng được làm cho hoàn hảo hơn. Chúa Giêsu đã từng nói Ngài đến không để phá hủy Lề Luật; nhưng làm cho hoàn hảo hơn. Người môn đệ khi theo Đức Kitô không từ bỏ các kiến thức cũ: khoa học, nghề nghiệp, chuyên môn ... nhưng biết dùng chúng cho một mục đích tốt đẹp hơn.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải có thái độ khôn ngoan để biết giữ lại những gì không thể thay đổi như đức tin và tình yêu; đồng thời biết thay đổi những gì có thể thay đổi, cho phù hợp với thánh ý Thiên Chúa và theo kịp đà tiến của xã hội.
- Ngoan cố để giữ lại tất cả truyền thống sẽ bị thời gian đào thải; nhưng thích ứng hòan toàn sẽ bị hụt hẫng như cây không bám rễ, hay sẽ bị khô cạn như suối nước không có nguồn.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Tư Tuần 17 TN, Năm lẻ. Nhớ Thánh Martha
Bài đọc: Exo 34:29-35; Lk 10:38-42.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lựa chọn phần tốt nhất: lắng nghe và đàm đạo với Thiên Chúa.
Khi đương đầu với cuộc sống quá bận rộn, nhiều người không còn biết phải chọn điều gì và bỏ điều gì nữa. Rốt cuộc, họ chỉ còn biết phản ứng và làm điều gì tới trước. Phản ứng như thế không khôn ngoan, vì mọi việc phải có thứ tự ưu tiên của chúng. Nhiều lần chúng tôi đã đề cập đến chiếc kiềng ba chân mà chúng ta phải đứng vững trên đó, và thứ tự ưu tiên của chúng: (1) mối liên hệ với Thiên Chúa, (2) mối liên hệ với tha nhân, và (3) mối liên hệ với của cải vật chất. Theo thứ tự của Thập Giới và thứ tự của chiếc kiềng ba chân này, mối liên hệ của con người với Thiên Chúa chiếm vị thế hàng đầu trong cuộc sống. Con người phải thờ phượng và kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự.
Các Bài Đọc hôm nay muốn làm nổi bật các người đã chọn phần tốt nhất. Trong Bài Đọc I, ông Moses được diễm phúc nhìn thấy Thiên Chúa và đàm đạo với Ngài. Hậu quả là vinh quang của Thiên Chúa phản chiếu rạng ngời trên khuôn mặt ông đến độ con cái Israel không dám nhìn ông vì sợ hãi. Ông phải đeo một tấm vải để che bớt sự rạng rỡ này. Phúc Âm tường thuật biến cố Chúa Giêsu đến thăm hai chị em Martha và Maria. Chị Martha than phiền vì em Maria không chịu giúp chị lo việc phục vụ Chúa, mà chỉ ngồi dưới chân để lắng nghe Ngài. Chúa Giêsu sửa lỗi chị Martha: "Martha! Martha ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi."
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Vinh quang Thiên Chúa biểu tỏ trên mặt ông Moses.
1.1/ Lý do của việc chiếu sáng: "Ông Moses không biết rằng da mặt ông sáng chói bởi đã đàm đạo với Thiên Chúa." Tục ngữ Việt-nam có câu: "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng." Câu tục ngữ này có nghĩa: khi một người làm bạn với những người tốt lành, thánh thiện, anh sẽ được chiếu sáng và học được những thói quen tốt lành này; ngược lại, nếu anh giao du với phường trộm cướp gian manh, anh sẽ trở nên tối tăm vì nhiễm lây những thói quen xấu xa của họ. Vì ông Moses gần gũi Thiên Chúa và đàm đạo với Ngài thường xuyên, nên vinh quang của Ngài chiếu tỏa và ở lại trên khuôn mặt ông.
Trong biến cố Chúa Giêsu biến hình trên núi Thabor, các thánh ký cũng tường thuật mặt của Chúa Giêsu sáng chói như mặt trời và áo của Ngài trở nên trắng như tuyết. Điều này dạy chúng ta bài học: phải để vinh quang của Thiên Chúa chiếu sáng trong cuộc đời chúng ta qua việc cầu nguyện, tham dự Thánh Lễ, và kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa; nếu không, sự tối tăm của ma quỉ sẽ bao trùm cuộc sống, và chúng ta sẽ sợ hãi và tránh né những con cái của sự sáng, như con cái Israel tránh né ông Moses vậy. Nếu họ không dám nhìn mặt của Moses, chỉ là phản chiếu của vinh quang Thiên Chúa, làm sao họ dám nhìn Thiên Chúa, là nguồn sáng như chính mặt trời?
1.2/ Thiên Chúa nói với dân qua người lãnh đạo: Ông Moses gọi họ: "ông Aaron và các đầu mục của cộng đồng trở lại với ông, và ông nói chuyện với họ. Sau đó, toàn thể con cái Israel lại gần ông, và ông truyền cho họ tất cả những điều Đức Chúa đã phán với ông trên núi Sinai."
Bên cạnh vinh quang bên ngoài, ông Moses còn được soi sáng trong tâm hồn để hiểu biết những điều bí nhiệm của Thiên Chúa; nếu Thiên Chúa không mặc khải, không ai có thể hiểu biết những bí nhiệm này. Vì thế, chúng ta cần tôn trọng và năng chạy đến với các nhà lãnh đạo thánh thiện, các ngài thay mặt Chúa để dạy dỗ và mặc khải những bí nhiệm của Thiên Chúa cho chúng ta.
2/ Phúc Âm: Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.
2.1/ Em Maria chọn ngồi bên chân Chúa để nghe Ngài giảng dạy: Nhiều người chắc cũng nghĩ như chị Martha: con bé này lười quá hay "mồm miệng đỡ tay chân!" Nhưng đây là một lựa chọn rất tính toán và khôn ngoan, như Chúa Giêsu đã phải khen Maria bên dưới. Một số lý do có thể Maria đã dựa vào để làm sự lựa chọn này:
+ Cô biết rõ thứ tự ưu tiên của cuộc đời: phải chọn Thiên Chúa trước hết. Maria biết chẳng có ai có những lời khôn ngoan và mang lại sự sống như Chúa Giêsu; vì thế, cô phải hoãn tất cả các việc khác để lắng nghe những gì Ngài muốn truyền đạt.
+ Cô biết nắm lấy cơ hội khi nó xảy đến: Một người bận rộn rao giảng như Chúa không dễ gặp. Cô biết cơ hội để đàm đạo với Chúa không thường xảy ra: nếu không biết nắm lấy ngay, cô không biết có còn cơ hội nào khác không! Chúng ta phải học nơi Maria điều này, để khi Chúa gởi những nhà rao giảng đến, chúng ta biết sắp xếp công việc hàng ngày để nghe những gì họ rao giảng. Đừng giả sử cơ hội sẽ có mãi, kẻo phải tiếc nuối sau này!
+ Khách đến nhà không chỉ để ăn, nhưng còn để chuyện vãn, tâm sự. Maria thấy chị bận rộn nấu nướng; cô chọn để trò chuyện với Chúa. Nhiều người chúng ta không chịu để ý đến khía cạnh tế nhị này; nên đã để cho khách ngồi một mình trong phòng khách chờ đợi trong khi chúng ta chuẩn bị thức ăn dưới bếp. Hiểu như thế, quyết định của Maria thật sáng suốt: chị lo nấu ăn, em lo tiếp khách.
2.2/ Chị Martha chọn để vất vả lo việc phục vụ Chúa Giêsu: Khi một thượng khách như Chúa Giêsu đến nhà, đó là lúc để chủ nhà biểu tỏ tài nội trợ, nấu nướng, và tính hiếu khách. Chúng ta không lạ gì khi Martha quá vất vả lo lắng tới độ cô tiến lại Chúa Giêsu và than phiền với Ngài: "Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!" Ngược lại với những gì Martha mong đợi, Chúa Giêsu đáp: "Martha! Martha ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi." Có nhiều điều chúng ta có thể học hỏi từ câu trả lời của Chúa Giêsu:
+ Martha không hiểu rõ thứ tự ưu tiên của cuộc đời: Chúa Giêsu sữa chữa lỗi lầm cho cô khi Ngài nói: "Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi." Thức ăn có ngon mấy chăng nữa rồi cũng qua đi; nhưng Lời Chúa sẽ ở lại trong tâm hồn và soi sáng cho con người biết cách sống thế nào để có hạnh phúc trong cuộc đời.
+ Martha không quan tâm đến người khác: Cô có thể nghĩ chỉ có việc của cô mới đáng làm, việc của Maria không quan trọng! Đây là một lỗi lầm mà nhiều người chúng ta mắc phải. Chúng ta đừng bắt người khác phải suy nghĩ và hành động như mình, vì mỗi người có những suy nghĩ và hành động khác nhau. Chúng ta cũng không hiểu đủ để xác quyết việc nào là việc tốt nhất, cho đến khi được tuyên bố rõ ràng bởi Thiên Chúa.
+ Martha không biết sắp xếp thời giờ: Có thể Martha không biết khi nào Chúa đến, vì ngày xưa không có thói quen có giờ hẹn như thời nay. Dù sao chăng nữa, Martha không nên lo lắng quá nhiều đến chuyện ăn uống, vì khách tới nhà để thăm viếng chứ không chỉ để ăn! Các gia đình Việt-nam chúng ta cần chú trọng điều này, để đừng làm quá nhiều thức ăn mỗi khi tiếp khách. Hầu hết trong các bữa tiệc, khách không dùng hết một nửa các thức ăn của chủ nhà bày ra. Hậu quả là gia chủ phải ăn đồ thừa hay phải lãng phí thức ăn cách không cần thiết.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải dành ưu tiên hàng đầu cho mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa bằng cách dành thời giờ để cầu nguyện, lắng nghe, học hỏi, và thực hành những gì Chúa dạy.
- Lời Chúa soi sáng cho chúng ta biết cách lựa chọn những điều xảy ra cho phù hợp với thánh ý của Thiên Chúa; đồng thời cũng cung cấp cho chúng ta sức mạnh để làm theo.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Ba Tuần 17 TN1, Năm B
Bài đọc: Exo 33:7-11, 34:5-9, 28; Mt 13:35-43.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa sẽ trả lại cho con người tùy theo việc làm của họ.
Không ai có thể phủ nhận sự hiện diện của ác thần mà chúng ta gọi là ma quỉ trong cuộc sống. Trong khi người thiện tâm và cầu tiến luôn tìm cách vươn lên; thì có một thế lực luôn kéo ghì con người xuống. Thánh Phaolô đã trình bày kinh nghiệm này như sau: "Điều tôi muốn, tôi không làm; nhưng lại làm điều tôi không muốn... Ai có thể cứu tôi khỏi tình trạng thảm thương này?" Nhiều người lo sợ ác thần đang có cơ hội thắng thế và một ngày sẽ làm chủ thế giới này!
Các Bài Đọc hôm nay muốn nêu bật sự đối nghịch giữa tình thương của Thiên Chúa dành cho con người với sự phá hủy của ma quỉ, muốn lôi kéo con người về phía chúng. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Xuất Hành trình bày sự hiện diện của Thiên Chúa giữa con người qua "cột mây" trước Lều Hội Ngộ và sự đàm đạo với ông Moses như một người bạn để mặc khải kế hoạch của Ngài cho dân chúng; trong khi quỉ thần luôn tìm cách khích động dân phản động quay lưng lại với Thiên Chúa và các nhà lãnh đạo của họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu giải thích dụ ngôn cỏ lùng cho các môn đệ. Thiên Chúa luôn gieo những hạt giống tốt vào thế gian; trong khi quỉ thần luôn tìm cách gieo những cỏ lùng. Ngài sẽ kiên nhẫn chờ đợi cho đến Ngày Tận Thế, khi các thiên thần của Ngài sẽ đi gom nhặt tất cả các quỉ thần và đồng bọn của chúng để tiêu diệt muôn đời.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa luôn hiện diện với dân Ngài qua "cột mây" trước Lều Hội Ngộ.
1.1/ Thiên Chúa hiện diện với con cái Israel dưới nhiều hình thức: Suốt 40 năm lang thang trong sa mạc, Thiên Chúa luôn tỏ sự hiện diện của Ngài dưới nhiều hình thức khác nhau:
(1) Lều Hội Ngộ và cột mây: "Ông Moses lấy một chiếc lều và đem dựng cho mình bên ngoài trại, cách một quãng xa. Ông gọi lều ấy là Lều Hội Ngộ. Ai thỉnh ý Đức Chúa thì ra Lều Hội Ngộ, ở ngoài trại. Mỗi khi ông Moses ra Lều, toàn dân đứng lên, ai nấy đứng ở cửa lều mình và nhìn theo ông Moses cho đến khi ông vào trong Lều. Mỗi khi ông Moses vào trong Lều, thì cột mây đáp xuống, đứng ở cửa Lều, và Đức Chúa đàm đạo với ông Moses. Khi thấy cột mây đứng ở cửa Lều, toàn dân đứng dậy; và ai nấy phủ phục ở cửa lều mình."
Ngày nay, Thiên Chúa vẫn hiện diện với con người dưới hình thức khác nhau, nhất là trong Nhà Tạm, nơi Ngài chờ con người đến thăm viếng và tâm sự với Ngài. Giống như con cái Israel, chúng ta cần có thái độ cung kính trước sự hiện diện của Thiên Chúa, mỗi khi chúng ta đến thăm viếng Thiên Chúa trong nhà thờ.
(2) Thiên Chúa nói với dân qua người lãnh đạo: Trình thuật kể: "Đức Chúa đàm đạo với ông Moses, mặt giáp mặt, như hai người bạn với nhau."
+ Đây là một đặc quyền Thiên Chúa ban cho ông Moses, được đàm đạo với Ngài diện đối diện mà không phải chết, dù đây chỉ là kiểu nói của người đời vì Thiên Chúa không có mặt người. Đây cũng là hy vọng tối cao cho mỗi người chúng ta, khi chúng ta được nhìn thấy Thiên Chúa như Ngài là, trong thị kiến tuyệt hảo (beatific vision). Theo mối thứ sáu của Bát Phúc, chỉ có những ai có lòng thanh sạch mới được nhìn thấy Thiên Chúa. Ông Moses phải là người có tâm hồn trong sạch.
+ Thiên Chúa vẫn đang nói với chúng ta qua các nhà lãnh đạo: Đức Giáo Hoàng, các Đức Giám Mục, các cha, thầy, sơ, và các cha mẹ chúng ta; để qua họ, chúng ta nhìn thấy rõ hơn những gì Ngài muốn trong cuộc đời chúng ta.
1.2/ Thiên Chúa luôn trung tín và công bằng: Trong thị kiến hôm nay, Đức Chúa mặc khải cho ông Moses những sự thật về Ngài: "Đức Chúa! Đức Chúa! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi, nhưng không bỏ qua điều gì, và trừng phạt con cháu đến ba bốn đời vì lỗi lầm của cha ông."
(1) Tội lỗi và hình phạt: Vì Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, Ngài sẽ tha thứ tội lỗi nếu tội nhân biết ăn năn hối cải; nhưng họ vẫn phải lãnh nhận hình phạt tùy theo tội trạng của mình. Hình phạt có thể là chính những thiệt hại con người gây nên cho mình; ví dụ, tội kiêu căng sẽ bị mọi người xa tránh. Hay con người phải chịu những hình phạt vì đã xúc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân; ví dụ, 3 năm tù vì đã gây thiệt hại vật chất cho tha nhân.
(2) Ông Moses bầu cử cho dân chúng: Ông Moses vội vàng phục xuống đất thờ lạy và thưa: "Lạy Chúa, nếu quả thật con được nghĩa với Chúa, thì xin Chúa cùng đi với chúng con. Dân này là một dân cứng đầu cứng cổ, nhưng xin Ngài tha thứ những lỗi lầm và tội lỗi của chúng con, và nhận chúng con làm cơ nghiệp của Ngài." Giống như tổ-phụ Abraham bầu cử cho dân thành Sodom, ông Moses cũng bầu cử cho con cái Israel. Ông xin Thiên Chúa luôn hiện diện với dân và nhận họ làm dân riêng của Ngài. Chỉ những người được coi là nghĩa thiết với Thiên Chúa, mới có thể làm được điều này.
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng cho các môn đệ.
2.1/ Nghĩa biểu tượng (allegorical) của dụ ngôn cỏ lùng: Bấy giờ, Đức Giêsu bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: "Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe." Rất ít dụ ngôn có nhiều những nghĩa biểu tượng như Chúa Giêsu cắt nghĩa về dụ ngôn cỏ lùng:
+ Kẻ gieo hạt giống tốt: là Con Người, chính Đức Kitô.
+ Kẻ thù đã gieo cỏ lùng: là quỷ thần, những kẻ đối nghịch với Thiên Chúa.
+ Ruộng: là thế gian. Nhiều người ví thế gian như một bãi chiến trường giữa thiện và ác.
+ Hạt giống tốt: là con cái Nước Trời, những người muốn sống theo sự thật và sự tốt lành.
+ Cỏ lùng: là con cái Ác Thần, những người từ chối sống theo đường lối của Thiên Chúa.
+ Mùa gặt: Như mùa gặt phải đến với nhà nông, Ngày Tận Thế chắc chắn sẽ đến với con người. Thợ gặt là các thiên thần.
2.2/ Ngày Tận Thế sẽ xảy đến: Mục đích của dụ ngôn thường chỉ muốn nói lên một điều chính yếu. Điều chính yếu trong dụ ngôn cỏ lùng là sự hiện diện của quỉ thần trong cuộc sống con người. Chúng cạnh tranh với Thiên Chúa để lôi kéo con người theo chúng; nhưng chúng chỉ có quyền hạn trên con người cho tới Ngày Tận Thế. Trong ngày đó, quỉ thần và con cái của chúng sẽ bị tiêu diệt muôn đời, như lời Chúa Giêsu tuyên bố hôm nay: "Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến Ngày Tận Thế cũng sẽ xảy ra như vậy."
(1) Số phận của ma quỉ và con cái của chúng: "Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng."
(2) Số phận của con cái Nước Trời: "Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải chịu trách nhiệm về tất cả hành động khi còn sống trên dương gian này. Vì thế, chúng ta phải cố gắng hết sức để sống theo những gì Thiên Chúa dạy bảo.
- Ngày Tận Thế chắc chắn sẽ tới như ngày thu hoạch mùa màng của nhà nông. Trong Ngày đó, quỉ thần và ác nhân sẽ bị tiêu diệt như cỏ lùng; còn người công chính sẽ được hưởng hạnh phúc muôn đời. Chúng ta đừng dại dột để sống theo cám dỗ của chúng để khỏi bị tiêu diệt muôn đời.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- 27/7 Đức tin vững mạnh cần thiết để vượt qua gian khổ cuộc đời
- 26/7 Phải tin tưởng quyền năng Thiên Chúa và rộng lượng san sẻ cho mọi người
- 25/7 Sức mạnh của Thiên Chúa hoạt động trong sự yếu đuối của con người
- 24/7 Giữ cẩn thận Lời của Thiên Chúa
- 23/7 Con người cần biết kính trọng và chuẩn bị, để đón nhận hồng ân Thiên Chúa
- 22/7 Người ta sống không phải chỉ nhờ cơm bánh
- 21/7 Thi hành thánh ý Thiên Chúa
- 20/7 Đừng thử thách Thiên Chúa
- 19/7 Hy vọng trong thất vọng
- 19/7 VINH DỰ VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA MỤC TỬ