Sống Lời Chúa Hôm Nay
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Chúa Nhật Lễ Thăng Thiên
(Chúa Nhật VII Phục Sinh), Năm B
Bài đọc: Acts 1:1-11; Eph 1:17-23; Mk 16:15-20.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúa Giêsu lên trời.
Hai điều chính chúng ta cần tìm hiểu trong ngày lễ Chúa lên trời:
(1) Hiểu làm sao về biến cố Chúa thăng thiên: Phải chăng khi Chúa Giêsu lên trời là Ngài sẽ sống cách biệt chúng ta? Phải chăng Chúa Giêsu mang thân xác con người về Trời? Đâu là Thiên Đàng? Chúng ta sẽ hưởng những quyền lợi gì trên Thiên Đàng?
(2) Sự quan trọng của việc rao giảng Tin Mừng: Tại sao Chúa trao cho các Tông-đồ và Hội Thánh sứ vụ mang ơn cứu độ cho muôn người qua việc rao giảng Tin Mừng?
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh biến cố Chúa lên trời và sứ vụ Ngài trao cho các môn đệ. Trong Bài Đọc I, Thánh Lucas tường thuật hai biến cố: Chúa lên trời và sứ vụ Ngài trao cho các môn đệ phải ra đi rao giảng Tin Mừng cho mọi người. Trong Bài Đọc II, Thánh Phaolô cầu nguyện để các tín hữu có thần trí khôn ngoan để hiểu Mầu Nhiệm Cứu Độ của Thiên Chúa, được thực hiện qua Đức Kitô. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ phải rao giảng Tin Mừng, và Ngài ban quyền cần thiết để người khác tin vào lời các ông rao giảng.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I:
1.1/ Chúa Giêsu củng cố niềm tin cho các môn đệ trong suốt 40 ngày sau khi sống lại.
Dựa theo Luca 1:1-4 và trình thuật hôm nay: "Thưa ngài Thêôphilê, trong quyển thứ nhất, tôi đã tường thuật tất cả những việc Đức Giêsu làm và những điều Người dạy, kể từ đầu cho tới ngày Người được rước lên trời," chúng ta có bằng chứng để kết luận Thánh Luca là tác giả của Tin Mừng thứ ba và Sách CVTĐ.
Trước ngày lên trời, Người đã dạy bảo các Tông Đồ mà Người đã tuyển chọn nhờ Thánh Thần. Sau khi sống lại, Người đã hiện ra nhiều lần trong bốn mươi ngày, để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình, và nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa.
1.2/ Chúa Giêsu nhắc lại lời hứa ban Thánh Thần: Trong những lời từ biệt của Chúa Giêsu trước Cuộc Thương Khó, Ngài đã hứa sẽ xin Chúa Cha để gởi đến cho các Tông-đồ Thánh Thần để ở với và hoạt động trong các ông (Jn 15 và 16). Trình thuật hôm nay nhắc lại lời hứa đó và nhắc nhở các Tông-đồ phải ở lại Jerusalem để lãnh nhận Thánh Thần: "Điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới, đó là: ông Gioan thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần."
Phép Rửa của Gioan Tẩy Giả là Phép Rửa bằng nước để tha tội khi con người tỏ lòng ăn năn xám hối và quay về với Thiên Chúa. Các Tông-đồ là những người Do-thái, nên các ông có lẽ đã lãnh nhận Phép Rửa bằng nước, như Gioan Tẩy Giả đã từng làm (Jn 1:26); nhưng có một Phép Rửa để thánh hóa con người bằng Thánh Thần mà Gioan Tẩy Giả đã đề cập đến mà chính Chúa Giêsu đã lãnh nhận (Jn 1:32-33). Các Tông-đồ lãnh nhận Phép Rửa này trong ngày Lễ Ngũ Tuần (Acts 2:1-4).
Các môn đệ hiểu lầm những lời Chúa nói nên hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không?" Họ vẫn nghĩ đến một Đấng Thiên Sai uy quyền, cho dẫu Chúa Giêsu đã phải trải qua Cuộc Thương Khó, cái chết, và sự Phục Sinh vinh hiển của Ngài. Họ nghĩ, Chúa đã phục sinh, thì giờ là lúc Ngài khôi phục vương quốc Israel bằng cách gởi Thánh Thần xuống làm cho họ trở thành những người thống trị cùng với Đức Kitô! Nhưng Chúa Giêsu giải thích cho họ biết mục đích của việc lãnh nhận Thánh Thần là để họ rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Ngài tại Jerusalem, trong khắp các miền Judah, Samaria và cho đến tận cùng trái đất, để con người tin và được cứu độ. Còn khi nào Ngài sẽ khôi phục vương quốc Nước Trời là nằm trong quyền lực và kỳ hạn mà Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt. Điều này cũng tùy thuộc vào việc cộng tác của con người làm cho Nước Chúa mau trị đến, bằng việc làm cho mọi người nhận biết Chúa.
1.3/ Chúa Giêsu lên trời: "Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa." Trong Phúc Âm, Luca cũng đề cập tới việc Chúa lên trời trong những câu sau cùng (Lk 24:50-51) và phản ứng vui mừng của các Tông-đồ (Lk 24:52-53). Làm sao chúng ta hiểu được ý nghĩa của việc Chúa Giêsu lên trời?
(1) Trong ngày lên trời, Chúa Giêsu chính thức từ bỏ thân xác con người (nhân tính), để chỉ còn lại thiên tính và ngự bên hữu Thiên Chúa để cầu bầu cho con người. Nói cách khác, Chúa Giêsu giũ bỏ nhân tính để chỉ còn lại thiên tính; không còn là người mang hai bản tính, nhưng hoàn toàn là Thiên Chúa. Nhưng Chúa Giêsu phải cho các môn đệ một dấu chỉ để biết Ngài trở về với Chúa Cha, và không có dấu chỉ nào giúp các ông dễ nhận hơn theo truyền thống là lên trời.
(2) Chúa Giêsu lên trời không có nghĩa là từ nay, Ngài sẽ cách biệt các môn đệ, nhưng có nghĩa Ngài không lệ thuộc vào giới hạn của thân xác về thời gian và không gian. Ngài luôn luôn hiện hữu ở mọi nơi và mọi thời với con người: tại Mỹ cũng như tại Việt-nam; trong BT Thánh Thể cũng như khi cầu nguyện. Hơn nữa Ba Ngôi Thiên Chúa không bao giờ tách biệt nhau, cho dù giai đọan hiện tại là giai đoạn hoạt động của Thánh Thần; nhưng ai có Thánh Thần, người ấy cũng có cả Ba Ngôi Thiên Chúa.
(3) Theo ĐGH Gioan Phaolô II, Thiên Đàng không phải là một nơi ẩn giấu đàng sau bầu trời, nhưng là một trạng thái vinh quang và vĩnh cửu, do sự kết hiệp hoàn toàn giữa con người với Thiên Chúa. Nếu hiểu như thế, Thiên Đàng đã bắt đầu ngay từ đời này, nhưng chưa đạt tới mức hoàn hảo như ở đời sau, khi con người được chiêm ngưỡng Thiên Chúa như Chúa là.
(4) Chúa Giêsu từ trời sẽ trở lại lần thứ hai để phán xét kẻ sống cũng như người chết: Đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói: "Hỡi những người Galilee, sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời."
2/ Bài đọc II: Phaolô xin Thánh Thần cho các tín hữu để hiểu biết:
2.1/ Mặc khải quan trọng nhất của Thiên Chúa: là Kế Họach Cứu Độ con người, được thực hiện qua Đức Kitô. Con người phạm tội và hậu quả của tội là sự chết. Để cứu con người khỏi chết và phục hồi sự sống, Chúa ban cho con người Đức Kitô. Nhờ cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô, con người tìm được niềm hy vọng được sống muôn đời với Thiên Chúa. Tác giả Thư Ephesô diễn tả những điều này như sau: "Tôi cầu xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ban cho anh em thần khí khôn ngoan để mặc khải cho anh em nhận biết Người. Xin Người soi lòng mở trí cho anh em để thấy rõ:
(1) "đâu là niềm hy vọng nhờ Người kêu gọi anh em": Niềm hy vọng đây chính là hy vọng vào cuộc sống vĩnh cửu đã đạt được qua Đức Kitô. Nếu chúng ta tin vào Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ được sống muôn đời với Thiên Chúa. Ngài không ngừng kêu gọi và tạo cơ hội cho con người biết Đức Kitô.
(2) "đâu là sự sung mãn của gia nghiệp vinh quang của Người giữa các thánh": Gia nghiệp vinh quang của Thiên Chúa chính là ơn cứu độ mà Đức Kitô đã chiến thắng cho con người. Các thánh là những người đã được hưởng ơn cứu độ. Họ là những chứng nhân của niềm hy vọng của chúng ta.
(3) "đâu là quyền lực vô cùng lớn lao Người đã làm cho chúng ta là những tín hữu, theo như uy quyền vô biên của quyền năng Người,mà Người đã biểu dương nơi Đức Kitô, khi làm cho Đức Kitô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời." Nhờ Đức Kitô, Thiên Chúa đã chiến thắng mọi quyền lực của ma quỉ, tiêu diệt sự chết, và mang lại sự sống vĩnh cửu cho con người.
2.2/ Sức mạnh của Thiên Chúa được biểu dương nơi Đức Kitô:
(1) Đức Kitô là sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa: "Như vậy, Người đã tôn Đức Kitô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai." Thư Philipphê cũng diễn tả các tương tự về uy quyền và danh xưng Giêsu (Phi 2:10-11).
(2) Đức Kitô thiết lập Hội Thánh để tiếp tục thi hành sứ vụ cứu độ của Ngài trong trần gian: "Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Kitô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh; mà Hội Thánh là thân thể Đức Kitô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn."
Đức Kitô cần Hội Thánh để loan truyền ơn cứu độ của Ngài cho mọi người: Câu truyện đối thoại giữa Chúa Giêsu và sứ thần Gabriel: Sứ thần hỏi Chúa Giêsu khi Ngài về trời: "Loài người có biết Ngài yêu họ và những gì Ngài đã làm cho họ không?" Chúa Giêsu trả lời: "Họ chưa biết, nhưng họ sẽ biết qua các môn đệ của tôi." "Điều gì sẽ xảy ra nếu các môn đệ mệt mỏi, hay thế hệ sau sẽ quên, hay hết người rao giảng!" Sứ thần Gabriel hỏi. Chúa Giêsu trả lời: "Tôi tin tưởng họ sẽ không làm như thế."
3/ Phúc Âm: Chúa Giêsu trao sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho các môn đệ.
3.1/ Trao sứ vụ rao giảng Tin Mừng: Người nói với các ông: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án." Khi Chúa Giêsu phục sinh và lên trời, Ngài đã hoàn tất sứ vụ mang lại ơn cứu độ cho con người. Giờ đây Ngài trao sứ vụ loan báo Tin Mừng cho các môn đệ, để các ông mang ơn cứu độ này cho mọi người sống trên trần thế. Để được hưởng ơn cứu độ, con người cần tin vào Đức Kitô và chịu Phép Rửa.
3.2/ Ban uy quyền cho các môn đệ để khán giả tin vào lời các ông rao giảng: Chúa hứa với các nhà rao giảng: "Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ:
(1) Khai trừ quỷ: Phaolô truyền cho quỉ xuất khỏi người đầy tớ tại Philippi (Acts 16:18)
(2) Nói được những tiếng mới lạ: Các Tông-đồ nói tiếng của thổ dân trong ngày Lễ Ngũ Tuần (Acts 2:1-11)
(3) Tránh được nguy hiểm: "Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao."
(4) Chữa lành: "Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ." Điều này đã được làm bởi Phêrô, Phaolô, và rất nhiều môn đệ.
"Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúa Giêsu là Đầu đã lên trời, chúng ta là những chi thể của một thân thể của Ngài là Hội Thánh, cũng sẽ được lên theo. Đó là niềm hy vọng chắc chắn của chúng ta.
- Chúa Giêsu tin tưởng chúng ta sẽ không quên sứ vụ Ngài trao phó là sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Chúng ta phải làm hết cách để cho mọi người biết và tin vào Ngài; đồng thời chúng ta cũng phải đào tạo các thợ nhiệt thành để tiếp tục sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho thế hệ tương lai.
- Chúa Giêsu về trời không có nghĩa là Ngài vắng mặt trong cuộc đời; nhưng một khi Ngài không còn lệ thuộc vào giới hạn của thân xác, Ngài sẽ hiện diện với mọi người ở mọi nơi và mọi lúc.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
LOAN BÁO TIN MỪNG CHO NGƯỜI THỜI NAY!
CHÚA NHẬT LỄ THĂNG THIÊN NĂM B (17/05/2015)
[Cv 1,1-11; Ep 3,17-23; Mc 16,15-20]
I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Trong Hội nghị kỳ I.2009 tại Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu (Vũng Tầu), Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã quyết định lấy Ngày Lễ Chúa Thăng Thiên làm Ngày Truyền Thông của Giáo Hội Việt Nam.
Cơ sở của quyết định của Hội đồng Giám mục là những lời của Chúa Giê-su nói với các Tông đồ trước khi về trời: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15) và “Anh em sẽ là chứng nhân của Thày tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).
Cơ sở của quyết định của Hội đồng Giám mục còn là vai trò vô cùng quan trọng của các phương tiện truyền thông xã hội mà chính Công đồng Vatican II đã phải đề cao trong một sắc lệnh. Đó là sắc lệnh về các phương tiện truyền thông xã hội (INTER MIRIFICA).
Theo tinh thần ấy, chúng ta nên suy nghĩ một lần nữa về sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo Hội và của mỗi người/cộng đoàn và về cách thực hiện sứ mạng ấy bằng những phương tiện truyền thông xã hội, khi mừng Lễ Chúa Thăng Thiên năm nay.
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Trong bài đọc 1 (Cv 1,1-11): Đức Giê-su được cất lên ngay trước mắt các ông.
(1) Thưa ngài Thê-ô-phi-lô, trong quyển thứ nhất, tôi đã tường thuật tất cả những việc Đức Giê-su làm và những điều Người dạy, kể từ đầu (2) cho tới ngày Người được rước lên trời. Trước ngày ấy, Người đã dạy bảo các Tông Đồ mà Người đã tuyển chọn nhờ Thánh Thần. (3) Người lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình: trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông vể Nước Thiên Chúa. (4) Một hôm, đang khi dùng bữa với các Tông Đồ, Đức Giê-su truyền cho các ông không được rời khỏi Giê-ru-sa-lem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, “điều mà anh em đã nghe Thày nói tới, (5) đó là: ông Gio-an thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần.”
(6) Bấy giờ những người đang tụ họp ở đó hỏi Người rằng: “Thưa Thày, có phải bây giờ là lúc Thày khôi phục vương quốc Ít-ra-en không?” (7) Người đáp: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, (8) nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thày tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất.”
(9) Nói xong, Người lên trời ngay trước mắt các ông, và có đám mây rước Người lên, khuất mắt các ông. (10) Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì kìa hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh (11) và nói: “Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời.”
2.2 Trong bài đọc 2 (Ep 1,17-23): Thiên Chúa đã đặt Đức Ki-tô ngự bên hữu Người trên trời.
(17) Thưa anh em, tôi cầu xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, ban cho anh em thần khí khôn ngoan để mặc khải cho anh em nhận biết Người. (18) Xin Người soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ, đâu là niềm hy vọng anh em đã nhận được, nhờ ơn Người kêu gọi, đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú anh em được chia sẻ cùng dân thánh, (19) đâu là quyền lực vô cùng lớn lao Người đã thi thố cho chúng ta là những tín hữu. Đó chính là sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực, (20) mà Người đã biểu dương nơi Đức Ki-tô, khi làm cho Đức Ki-tô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời. (21) Như vậy, Người đã tôn Đức Ki-tô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai. (22) Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Ki-tô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh ; (23) mà Hội Thánh là thân thể Đức Ki-tô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn.
2.3 Trong bài Tin Mừng (Mc 16,15-20): Đức Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa.
(15) Khi ấy Đức Giê-su hiện ra với Nhóm Mười Một và nói với các ông: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. (16) Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. (17) Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. (18) Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ."
(19) Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. (20) Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân dung của Thiên Chúa
1°) Bài đọc 1 (Cv 1,1-11) là Bài Tựa của Sách Công vụ Tông Đồ trong đó Thánh Lu-ca ôn lại cuộc đời của Chúa Giê-su, từ đầu cho đến ngày Người lên trời. Đức Giê-su đã huấn luyện các Tông đồ, đã chứng minh là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình, đã nói với các ông về Nước Trời. Rồi một ngày kia Người đã biến đi - hay về trời - trước mắt các Tông đồ, sau khi Người báo cho các ông biết là các ông sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần để thực thi sứ mạng làm chứng cho Người trong trần gian này.
2°) Bài đọc 2 (Ep 1,17-23) là một đoạn của thư của Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-sô. Tuy ngắn nhưng đoạn Thánh Thư này chứa đựng hai điều rất quan trọng trong mạc khải Ki-tô giáo.
(a) Trước hết Thánh Phao-lô nói -cách gián tiếp- về vai trò quan trọng của Chúa Thánh Thần: Chúa Thánh Thần là thần khí khôn ngoan, là quyền lực vô cùng lớn lao, là sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực. Chức năng của Thánh Thần là mặc khải, là soi lòng mở trí…. cho chúng sinh đón nhận và hiểu biết về Thiên Chúa và kế họach của Người.
(b) Kế đến Thánh Phao-lô cho biết “Thiên Chúa đã tôn Đức Ki-tô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai. Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Ki-tô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh mà Hội Thánh là thân thể Đức Ki-tô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn.”
3°) Bài Tin Mừng (Mc 16,15-20) tuy ngắn nhưng có ba nội dung quan trọng sau đây:
(a) Trước hết Thánh Mác-cô nhắc lại những lời dặn dò sau cùng và quan trọng của Đức Giê-su về sứ mạng rao giảng Tin Mừng của các môn đệ và lời báo trước về sự hiện diện và hành động của Người nơi các môn đệ.
(b) Kế đến Thánh Mác-cô nhắc đến biến cố Chúa Giê-su Ki-tô lên trời, có các môn đệ chứng kiến.
(c) Sau cùng Thánh Mác-cô ghi nhận hoạt động rao giảng Tin Mừng của các Tông đồ rất có hiệu quả vì có Chúa cùng hoạt động với các ngài.
3.2 Sứ điệp Lời Chúa hôm nay gồm hai phần:
* Thứ nhất là Chúa Giê-su đã thực hiện thánh ý của Thiên Chúa và đã hoàn tất chương trình, kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa nên Người đã được Thiên Chúa cho lên trời (tức được tưởng thưởng và tôn vinh).
* Thứ hai là các Tông Đồ được Chúa Giê-su Phục Sinh giao sứ mạng loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Người. Các ngài đã ra đi rao giảng khắp nơi, thu được nhiều kết quả, vì có Chúa cùng hoạt động với các ngài.
IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA LỜI CHÚA HÔM NAY
4.1 Sống với Thiên Chúa là Cha Đức Giê-su, Đấng đã được sai đến trần gian để thực thi Kế Hoạch Cứu Độ qua/trong Con Đường Thập Giá nên nđã được Chúa Cha tưởng thưởng và tôn vinh trên Trời Cao.
4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa hôm nay
1°) là tôn vinh Chúa Giê-su Ki-tô vì Người đã chu toàn thánh ý, chương trình, kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa bằng cuộc sống và bằng cái chết hy sinh thập giá của Người.
2°) và là thi hành sứ mạng rao giảng về Chúa Giê-su Ki-tô bằng lời nói, việc làm, cách sống của chúng ta và bằng các phương tiện truyền thông xã hội hiện đại: sách báo, phim ảnh, internet v.v...
V. CẦU NGUYỆN CHO HỘI THÁNH VÀ NHÂN LOẠI
[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý: ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]
5.1 “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.” Chúng ta hãy cầu nguyện cho các dân tộc trên thế giới để mọi người mở lòng mở trí đón nhận Tin Mừng mà các môn đệ Đức Ki-tô đem đến cho họ.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.2 “…Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thày tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất.”
Chúng ta hãy cầu nguyện cho các Ki-tô hữu, nhất là cho Đức Thánh Cha Phan-xi-cô cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ, để mọi thành phần Dân Chúa được tràn đầy Thánh Thần và trở thành chứng nhân sống động của Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.3 “Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời.” Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người thuộc giáo xứ chúng ta, nhất là cho những người tham dự Thánh Lễ này, để ai nấy biết tìm kiếm những thực tại cao siêu và vĩnh hằng mà Chúa Ki-tô về Trời mời gọi.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.4 “Xin Người soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ, đâu là niềm hy vọng anh em đã nhận được, nhờ ơn Người kêu gọi, đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú anh em được chia sẻ cùng dân thánh, đâu là quyền lực vô cùng lớn lao Người đã thi thố cho chúng ta là những tín hữu” Chúng ta hãy cầu nguyện cho các Ki-tô hữu khát khao và tìm kiếm chân lý để họ được toại nguyện như lòng mong ước.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Bảy Tuần VI PS
Bài đọc: Acts 18:23-28: Jn 16:23-28.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cùng nhau hoạt động để mang Ơn Cứu Độ cho mọi người.
Con người thường cảm thấy bất an và ghen tị khi thấy người khác nổi tiếng, uy quyền, giàu sang, và được mọi người kính trọng hơn mình. Vì thế, họ tìm cách làm sao để giảm danh giá, uy quyền, và thế lực của người khác bằng nhiều những thủ đoạn khác nhau như: nói xấu, bôi nhọ, và ngay cả hãm hại người khác. Nhưng đối với các tín hữu là những môn đệ của Chúa, họ không được phép làm như thế. Trái lại, Thiên Chúa đòi họ phải cộng tác với nhau, mỗi người một tài năng của Thánh Thần ban, cho việc xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô và cho việc loan báo Tin Mừng.
Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta những mẫu gương về tinh thần đoàn kết và cộng tác trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, khi cộng đoàn Ephesus nhận ra ông Apollo có những tài năng xuất chúng cho việc rao giảng Tin Mừng, họ không ghen tị với ông. Trái lại, họ tìm cách bổ khuyết những gì ông còn thiếu, và tạo mọi cơ hội dễ dàng để ông đem Tin Mừng cho mọi người trong tỉnh Akaia. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu không giữ các môn đệ lại cho mình; nhưng khuyến khích các ông đến với Chúa Cha. Ngài xác tín với các môn đệ là Chúa Cha yêu con người, và sẵn sàng ban mọi điều các ông xin nhân danh Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Các tín hữu cùng cộng tác với nhau trong việc rao giảng và bảo vệ Tin Mừng.
1.1/ Sự xuất hiện của một nhà rao giảng mới, ông Apollo: Trải qua lịch sử của Do-thái cũng như của Giáo Hội, Thiên Chúa không ngừng gởi tới những nhân tài: khôn ngoan, thánh thiện, can đảm, và nhiệt thành, để loan truyền những sứ điệp của Ngài; chẳng hạn, Moses, David, Solomon, Isaiah, Gioan Tẩy Giả, Phêrô và Phaolô. Trong cộng đoàn Ephesus, Thiên Chúa cũng cho xuất hiện một tài năng mới người Do-thái tên là Apollo, quê ở Alexandria, ông là người có tài hùng biện và thông thạo Kinh Thánh.
Alexandria bên Ai-cập và Antioch bên Syria là hai trung tâm nổi tiếng vế triết học và thần học của Giáo Hội trong những thế kỷ đầu tiên. Hai nơi này đã cống hiến cho Giáo Hội rất nhiều các thánh Giáo Phụ xuất chúng và nhiệt tâm bảo vệ Đạo Thánh Chúa. Apollo có những đặc tính của người rao giảng: đã được học Đạo Chúa, có tài hùng biện, và thông thạo Kinh Thánh. Với tâm hồn nồng nhiệt, ông thường lên tiếng giảng dạy chính xác những điều liên quan đến Đức Giêsu. Một điều ông còn thiếu: ông chỉ biết có Phép Rửa của ông Gioan.
1.2/ Rao giảng Tin Mừng là bổn phận của mọi người: Nhận ra tài năng và lòng nhiệt thành của Apollo, những người trong cộng đoàn giúp ông bổ khuyết những gì còn thiếu và tạo cơ hội cho ông đi rao giảng Tin Mừng trong tỉnh Akaia.
(1) Bà Priscilla và ông Aquila giúp cho ông Apollo hiểu Đạo của Thiên Chúa: Sau khi nghe ông mạnh dạn rao giảng trong hội đường, "bà Priscilla và ông Aquila mời ông về nhà để trình bày Đạo của Thiên Chúa cho ông chính xác hơn." Có nhiều điều cho chúng ta học hỏi từ biến cố này:
- Hai ông bà không ghen tị với Apollo, nhưng giúp ông hiểu biết tường tận hơn.
- Apollo không kiêu ngạo cho mình biết hết, nhưng sẵn sàng học hỏi từ người đi trước.
- Những người trong bậc gia đình có thể đóng góp trong việc giáo dục và đào tạo những người rao giảng Tin Mừng tương lai.
- Nữ giới cũng có vai trò trong việc rao giảng Tin Mừng mà không cần phải đòi cho được hưởng quyền lợi như nam giới.
(2) Các anh em trong cộng đòan giúp Apollo có cơ hội rao giảng Tin Mừng tại Akaia: "Khi biết ông Apollo muốn sang miền Akaia, các anh em khuyến khích ông và viết thư xin các môn đệ tiếp đón ông." Người khuyến khích ơn gọi và người tạo cơ hội đều góp phần trong việc rao giảng Tin Mừng. Để có người rao giảng, Thiên Chúa cần sự cộng tác của tất cả mọi người.
Kết quả là cả cộng đoàn cùng được hưởng: "Khi đến nơi, nhờ ơn Chúa, ông Apollo đã giúp ích nhiều cho các tín hữu, vì ông mạnh mẽ và công khai bẻ lại người Do-thái, dẫn Kinh Thánh mà minh chứng rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô."
2/ Phúc Âm: Chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy.
2.1/ Chúa Giêsu khuyến khích các môn đệ đến cùng Chúa Cha: Chúa Giêsu không hoạt động riêng lẻ, nhưng cùng hoạt động với Chúa Cha để sinh lợi ích cho con người. Ví dụ, Chúa Cha tạo cơ hội thuận tiện cho con người đến với Chúa Giêsu để nghe người rao giảng và chữa lành; đối lại, Chúa Giêsu nói cho con người biết về tình yêu Thiên Chúa. Trong trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu chỉ đường cho các môn đệ đến với Chúa Cha: "Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy. Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn."
Khi không ích kỷ giữ lại cho mình, nhưng luôn rộng lượng cho đi, hậu quả là cả ba đều được hưởng: Chúa Cha yêu Chúa Giêsu, Chúa Giêsu yêu con người, và con người yêu cả Chúa Cha và Chúa Giêsu.
2.2/ Yêu thương Chúa Cha là yêu thương Chúa Giêsu: Từ chương 1 cho đến hết chương 12 của Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu đã dùng nhiều dụ ngôn giảng dạy cho các môn đệ và dân chúng; nhưng từ chương 13 trở đi, Ngài dành riêng để mặc khải và dạy dỗ các môn đệ. Đó là lý do Chúa Giêsu nói: "Sẽ đến giờ Thầy không còn dùng dụ ngôn mà nói với anh em nữa, nhưng Thầy sẽ nói rõ cho anh em về Chúa Cha, không còn úp mở."
Các môn đệ của Chúa có thể đến trực tiếp với Chúa Cha: "Ngày ấy, anh em sẽ nhân danh Thầy mà xin, và Thầy không nói với anh em là Thầy sẽ cầu xin Chúa Cha cho anh em. Thật vậy, chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến. Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha." Nếu Cha yêu Con, Cha cũng yêu tất cả những ai thuộc về Con (Jn 10:29). Nếu Con yêu Cha, Con sẽ gìn giữ và bảo vệ tất cả những ai Cha đã ban cho Con (Jn 6:37, 39-40).
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Rao giảng Tin Mừng cho mọi người để họ tin yêu Thiên Chúa là bổn phận của mọi người. Vì thế, người góp công, người góp của, chúng ta phải cộng tác với nhau, và làm hết sức cho Nước Chúa ngày càng mở rộng.
- Chức vụ, danh giá, uy quyền, luôn len lỏi khắp nơi trong Giáo Hội, dòng tu, và giáo xứ. Những điều này không những đã làm trì trệ trong việc loan báo Tin Mừng, mà còn làm gương xấu và làm mất đức tin cho người khác, ngay cả cho chính đương sự.
- Chúng ta đã lãnh nhận Tin Mừng cách nhưng không, thì cũng phải cho đi cách nhưng không. Thiên Chúa không cho phép chúng ta lạm dụng Tin Mừng để mưu cầu danh giá, uy quyền, và lợi lộc cho cá nhân mình.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Sáu Tuần VI PS
Bài đọc: Acts 18:9-18: Jn 16:20-23.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cần phải trung thành trong mọi hoàn cảnh.
Con người thường hay bị nản lòng trước những gian nan, khổ cực, và thất bại; đồng thời dễ nhiệt thành trước những vinh quang, vui sướng, và thành công. Nhưng cả hai thái độ là hai khía cạnh của cuộc đời như một đồng tiền hai mặt: chấp nhận cuộc đời là phải chấp nhận cả hai.
Các Bài Đọc hôm nay giúp chúng ta nhìn ra hai khía cạnh này qua những ví dụ và trường hợp cụ thể trong đời sống. Trong Bài Đọc I, Phaolô có lẻ cảm thấy mệt mỏi và chán nản khi thấy sự cố gắng của mình không mang lại kết quả như lòng mong ước, lại còn phải chịu bao nhiêu những trái ý thử thách như hiểu lầm, đòn vọt, tù đày, nhất là những quấy nhiểu của những đồng hương Do-thái. Nhưng Thiên Chúa vẫn ở với và bảo vệ ông; nên ông tiếp tục ở lại và xây dựng giáo đoàn Corintô. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu ví Cuộc Thương Khó sắp tới của Ngài như một sản phụ sắp sinh con. Các môn đệ sẽ lo sợ và buồn phiền vì những đau khổ xảy ra cho Ngài và cho các ông; nhưng Ngài muốn các ông nhìn tới niềm vui trọn vẹn mà không ai có thể tước đoạt khỏi các ông, khi các ông chứng kiến Ngài sống lại vinh quang.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Phải kiên trì rao giảng Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh.
1.1/ Gian khổ làm con người sợ làm chứng cho Thiên Chúa: Trong hành trình rao giảng lần thứ hai của Phaolô, ông phải đương đầu với nhiều gian nan đau khổ: bị hiểu lầm và quấy nhiễu bởi những người đồng hương, bị đánh đòn, bị giam cầm, và không nhìn thấy Thiên Chúa cho kết quả như lòng mong ước. Những gian khổ này có lẽ đã làm nhụt chí Phaolô, khiến ông không còn nhiệt thành rao giảng Tin Mừng như thuở ban đầu. Tuy nhiên, Chúa Giêsu vẫn đồng hành với ông, nên một đêm, Chúa bảo ông Phaolô trong một thị kiến: "Đừng sợ! Cứ nói đi, đừng làm thinh, vì Thầy ở với anh; không ai tra tay hại anh được, vì Thầy có một dân đông đảo trong thành này." Khi nhận ra ý Thiên Chúa, ông Phaolô ở lại đó một năm rưỡi, dạy cho họ lời Thiên Chúa.
1.2/ Thiên Chúa luôn quan tâm và bảo vệ tôi tớ của Ngài: Rồi gian khổ lại tới, "thời ông Gallion làm thống đốc tỉnh Akaia, người Do-thái nhất tề nổi dậy chống ông Phaolô; họ đưa ông ra toà và nói: "Tên này xúi giục người ta tôn thờ Thiên Chúa trái với Lề Luật.""
(1) Thiên Chúa dùng Thống Đốc tỉnh Akaia để bảo vệ Phaolô: Trình thuật kể: Khi ông Phaolô toan mở miệng, thì ông Gallion đã nói với người Do-thái: "Hỡi người Do-thái, giả như có gì là trái Luật hay phạm pháp, thì lẽ đương nhiên là tôi sẽ chịu khó nghe các ông. Nhưng đây lại là những chuyện tranh luận về giáo thuyết, danh từ, luật lệ riêng của các ông, thì các ông hãy tự xét lấy. Phần tôi, tôi không muốn xét xử những điều ấy." Rồi ông đuổi họ ra khỏi toà án.
(2) Người cáo tội trở thành nạn nhân: Thấy kết quả xử án, "mọi người liền túm lấy ông Sosthenes, trưởng hội đường, mà đánh túi bụi ngay trước toà án. Nhưng ông Gallion chẳng bận tâm gì về việc này." Sosthenes là người chủ mưu trong việc kích động để đưa Phaolô ra tòa án.
Phaolô tiếp tục hành trình rao giảng: "Ông Phaolô còn ở lại Corintô khá lâu, rồi từ giã các anh em và vượt biển sang miền Syria, cùng với bà Priscilla và ông Aquila. Trước đó, tại Cenchreneae, ông xuống tóc, vì có lời khấn." Để có thể trung thành hoàn tất sứ vụ cách hiệu quả, người rao giảng Tin Mừng cần cầu nguyện, kết hợp với Thiên Chúa, và sống cuộc đời đơn sơ và kỷ luật.
2/ Phúc Âm: Nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.
2.1/ Phải qua gian khổ mới có hạnh phúc: "Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui."
Quan niệm của người Do-thái về 2 kỷ nguyên: kỷ nguyên hiện tại hoàn toàn xấu và bị luận phạt, kỷ nguyên tương lai hoàn toàn tốt đẹp và đáng mong ước. Giữa hai kỷ nguyên là thời của Đấng Thiên Sai tới mà các ngôn sứ gọi là "ngày kinh hoàng" (Isa 13:9, Joel 2:1-2, 2 Pet 3:10). Chúa Giêsu dùng quan niệm truyền thống này trong hai ví dụ để cắt nghĩa cho các môn đệ hiểu về những gì sắp xảy tới cho Ngài và cho các ông.
(1) Người đàn bà mang thai: "Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian." Thời gian mang thai của người đàn bà có thể ví như thời quá khứ, thời gian sau khi sinh con có thể ví như thời tương lai. Giữa hai thời gian này là lúc lâm bồn: tuy đau đớn tột cùng, nhưng người đàn bà chịu được vì hy vọng vào tương lai là người con sẽ được ra đời. Bà sẽ được nhìn thấy, yêu thương, và chăm sóc cho con mình.
(2) Niềm vui của các môn đệ khi được gặp lại Chúa: "Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được." Thời gian còn được sống với Chúa trên cõi dương gian được ví như thời quá khứ, thời gian sẽ được gặp lại Chúa được ví như thời tương lai. Giữa hai thời gian này là Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu: Các môn đệ đau khổ khi nhìn Thầy Chí Thánh bị luận tội, đánh đòn, đóng đinh, và mai táng trong huyệt mộ; các ông lo lắng và sợ hãi cho số phận của mình; nhưng rồi những đau khổ này sẽ qua đi, và các ông vui mừng vì thấy Chúa chiến thắng tử thần và mọi sứ mạnh của thế gian, nhất là Ngài cũng sẽ làm cho các ông sống lại vẻ vang như vậy.
2.2/ Niềm vui trọn vẹn: "Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa. Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy." Niềm vui trọn vẹn vì là:
+ Niềm vui hoàn toàn: không còn thiếu điều gì nữa. So sánh với niềm vui của thế gian luôn thiếu vắng ít nhiều yếu tố.
+ Niềm vui vĩnh cửu: không ai lấy mất được. Niềm vui thế gian dâng tặng chỉ tạm thời, và luôn bị đe dọa bởi những khó khăn của cuộc sống. Khi người Kitô hữu được sống bên Chúa của mình, họ luôn vui mừng và sầu thương không còn nữa.
(1) Anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa: Còn sống ở đời này, con người còn phải vật lộn đi tìm sự thật giữa bao nhiêu gian dối, giả trá. Khi được chiêm ngưỡng Chúa trong ngày ấy, con người thấu hiểu mọi sự thật, và sẽ không cần hỏi han gì nữa.
(2) Anh em nhân danh Thầy mà xin Chúa Cha điều gì, Ngài sẽ ban cho anh em: Dĩ nhiên con người phải xin điều gì tốt lành và đẹp ý Chúa, chứ không xin điều gì hại cho mình và cho tha nhân. Như một trẻ thơ chạy đến với cha mình để xin, cha sẽ không bao giờ cho con mình cái gì có hại cho con, như cho con: vũ khí giết người, internet để trong phòng, chơi với những bạn bè xấu ... Một kiến thức đầy đủ sự thật sẽ loại trừ những lời xin không đẹp ý Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải hiểu rõ đau khổ và vinh quang là hai mặt của cuộc đời trong Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa, để luôn trung thành với ơn gọi của mình, và sống bình an khi gian nan khốn khó xảy đến.
- Chúng ta đừng bao giờ chạy trốn đau khổ và chạy theo những thú vui nhất thời của thế gian; vì nếu chúng ta không trung thành với Thiên Chúa, chúng ta sẽ không được hưởng niềm vui của các chứng nhân trung thành.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Lễ Thánh Matthias Tông Đồ
Bài đọc: Acts 1:15-17, 20-26; Jn 15:9-17.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa là Đấng chọn, yêu thương, dạy dỗ, và sai các Tông-đồ đi.
Lễ Thánh Matthias nằm giữa hai biến cố quan trọng trong Sách CVTĐ: Thăng Thiên và Hiện Xuống. Cần phải có trọn vẹn 12 Tông-đồ trong Tân Ước, như 12 chi tộc Israel của Cựu Ước, trước khi lãnh nhận Thánh Thần.
Lịch sử không cho chúng ta nhiều dữ kiện liên quan đến cuộc đời Thánh Matthias, ngoài trình thuật hôm nay trong Bài Đọc I. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến đức tính quan trọng nhất của người môn đệ là phải giữ các giới răn của Chúa, nhất là giới luật yêu thương.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chọn một Tông-đồ thay thế cho Judah Iscarioth, kẻ phản bội.
1.1/ Sự phản bội của Judah nằm trong Kế Hoạch của Thiên Chúa: Trong những ngày ấy, ông Phêrô đứng lên giữa các anh em - có khoảng một trăm hai mươi người đang họp mặt - Ông nói: "Thưa anh em, lời Kinh Thánh phải ứng nghiệm, lời mà Thánh Thần đã dùng miệng vua Đavít để nói trước về Judah, kẻ đã trở thành tên dẫn đường cho những người bắt Đức Giêsu. Y đã là một người trong số chúng tôi và được tham dự vào công việc phục vụ của chúng tôi. Thật thế, trong sách Thánh vịnh có chép rằng: "Ước gì lều trại nó phải tan hoang, không còn ai trú ngụ (Psa 69:25, RSV); và ước gì người khác nhận lấy chức vụ của nó (Psa 109:8)."
(1) Tại sao Judah phản bội Chúa Giêsu?
+ Vì ham tiền: Đa số con người chấp nhận ý kiến này, vì theo Tin Mừng Gioan, Judah được trao nhiệm vụ giữ tiền; và ông thường tiêu vào của công. Ông bán Thầy mình với giá 30 đồng, khoảng 30 ngày làm công thời đó, một món tiền không lớn lắm. Gioan cũng làm nổi bật sự tham tiền của Judah bằng cách làm nổi bật sự đập vỡ một bình dầu thơm thượng hạng của một phụ nữ muốn liệm xác Chúa trước Cuộc Thương Khó (Jn 12:1-8).
+ Vì ham danh: Khi Judah thấy mình không được trọng dụng như ba môn đệ thân tín của Chúa: Phêrô, Giacôbê, và Gioan; ông tức giận và tìm cách làm hại Ngài.
+ Vì bị kỳ thị: Judah, người thuộc làng Kerioth, thuộc lãnh thổ Judea. Như vậy, chỉ có ông là người thuộc miền Nam, trong khi 11 môn đệ khác là người miền Bắc. Kinh nghiệm giữa những người thuộc miền Bắc và thuộc miền Nam của Việt-nam cho chúng ta hiểu được mối liên hệ này.
+ Vì Judah muốn lợi dụng Chúa: Ông biết Chúa là người có uy quyền rất mạnh, nên ông muốn đặt Chúa vào tình trạng Chúa phải ra tay uy quyền để cứu Israel như một Đấng Thiên Sai mà người Do-thái mong mỏi. Khi không thấy Chúa phản ứng như ông nghĩ, ông hối hận và quyên sinh như Matthew tường thuật (Mt 27:3-10).
+ Vì muốn thử Chúa: Judah là người ma lanh, ông có thể qua mặt bất cứ ai; nhưng không qua mặt được Chúa. Ông muốn bí mật nộp Chúa để xem Chúa có biết cách đối phó không.
(2) Số phận của Judah: được tường thuật cách khác nhau bởi các thánh ký.
+ Theo Lucas: Trình thuật hôm nay bỏ hai câu nói về số phận của Judah: "Ông này đã mua một thửa ruộng với phần thưởng của việc làm độc ác của ông; và bị té xấp mặt xuống, ông xé roạc bụng và ruột của ông lòi hết ra ngoài. Và việc này được tất cả dân thành Jerusalem biết tới; vì thế, thửa ruộng đó trong tiếng của họ được gọi là Akeldama, nghĩa là ruộng máu" (Acts 1:18-19).
+ Theo Matthew: Khi Judah thấy mình đã làm đổ máu người vô tội, ông mang 30 đồng bạc trả lại cho Thượng Hội Đồng. Họ không chịu nhận. Judah quăng túi tiền vào Đền Thờ và ra đi tự vẫn. Họ lấy tiền đó để mua một thửa ruộng gọi là "ruộng máu;" và dùng để chôn cất những người nghèo.
+ Theo tác giả hiện đại: Một số quả quyết: dựa theo bằng chứng Kinh Thánh, Judah chắc chắn bị sa hỏa ngục. Một số khác cho: vì Kinh Thánh cho biết sự phản bội của Judah đã được phác họa sẵn trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, và ông có hối hận về việc ông đã làm, nên Judah có thể được Thiên Chúa cứu. Kinh Thánh không cho chúng ta biết chắc chắn về số phận của Judah, chỉ cho những bằng chứng về hành động ông đã làm. Tốt hơn, chúng ta nên để Thiên Chúa phán xét và phó dâng ông cho lòng từ bi của Ngài.
+ Theo những người tin vào chủ thuyết Tiền Định: Trường hợp của Judah là một điển hình cho việc tiền định: Nếu Thiên Chúa đã định cho ai phải hư mất, kẻ ấy hư mất như Judah; ngược lại, nếu Chúa đã định cho ai được cứu độ, kẻ ấy được cứu độ như Phêrô. Những người này quên mất hành động của cả hai đã làm sau khi phản bội; hay họ cho rằng ơn thánh thúc đẩy cho Phêrô trở lại mạnh hơn là cho Judah! Hơn nữa, những người tin vào thuyết Tiền Định đã giả sử Judah phải hư mất.
1.2/ Thủ tục chọn lựa: Chúng ta có thể học được nhiều bài học từ việc chọn người thay thế Judah từ trình thuật hôm nay:
1.2.1/ Phêrô đưa ra 2 điều kiện để được chọn:
(1) Chọn Tông-đồ từ giữa các môn đệ: "Phải chọn những anh em đã cùng chúng tôi đi theo Chúa Giêsu suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, kể từ khi Người được ông Gioan làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời."
(2) Phải có kinh nghiệm "Chúa sống lại": Một trong những anh em đó phải cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người đã phục sinh."
Hai tiêu chuẩn để chọn này hợp lý, vì người Tông-đồ được chọn phải biết Chúa Giêsu và đạo lý của Ngài; đồng thời người đó phải có kinh nghiệm Chúa Phục Sinh, trước khi có thể làm chứng cho Ngài. Kết quả: Họ đề cử hai người: ông Joseph, biệt danh là Barsabbas, cũng gọi là Justo, và ông Matthias.
1.2.2/ Rút thăm từ 2 môn đệ được đề cử: Các Tông-đồ tin sự hiện diện của Thiên Chúa giữa các ông, chính Ngài sẽ hướng dẫn sự lựa chọn, qua lời cầu nguyện của các ông: "Lạy Chúa, chính Chúa thấu suốt lòng mọi người; giữa hai người này, xin chỉ cho thấy Chúa chọn ai để nhận chỗ trong sứ vụ Tông Đồ, chỗ Judah đã bỏ để đi về nơi dành cho y." Kết quả khi họ rút thăm: thăm trúng ông Matthias: ông được kể thêm vào số mười một Tông Đồ. Cách rút thăm của người Do-thái: họ viết tên các ứng viên vào viên đá nhỏ, bỏ vào ly rồi lắc cho đến khi viên đá văng ra ngoài. Viên đá mang tên ai, người đó thắng.
2/ Phúc Âm: Điều quan trọng nhất cho các môn đệ là giữ giới luật yêu thương.
Con người có thể suy diễn rất nhiều lý do đưa đến sự phản bội của Judah; nhưng lý do chính yếu của sự phản bội là không có tình yêu. Tất cả những tật xấu trong con người của Judah đều có thể sửa chữa, nếu ông để cho tình yêu của Chúa Giêsu thấm nhập vào.
2.1/ Tình yêu Thiên Chúa: Có ít nhất 3 loại tình yêu tương xứng với 3 danh từ trong tiếng Hy-lạp: (1) tình dục (eros), như tình yêu giữa nam nữ, khi họ tìm thấy nét quyến dũ của người khác; (2) tình cảm tự nhiên như những người trong gia đình (philê) hay tình anh em (philadelphia); và (3) tình bác ái ('agapê), tình yêu này chỉ có trong khuôn khổ của Kitô Giáo.
Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến tình bác ái, khi Ngài nói: "Như Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy." Các môn đệ của Chúa phải ở lại hay phải được nuôi dưỡng trong tình yêu này trước khi có thể làm những điều Thiên Chúa truyền.
Cách để ở lại trong tình yêu Thiên Chúa là thi hành các điều răn của Ngài: "Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người." Tình yêu không được tách khỏi sự vâng lời: Như Chúa Giêsu yêu Chúa Cha và vâng lời tất cả những gì Chúa Cha muốn; con người cũng phải tỏ tình yêu của mình cho Chúa Giêsu bằng cách vâng lời tất cả các giới răn Chúa đã dạy.
Một điều con người thường quan niệm sai: giữ các giới răn của người khác làm cho họ ra yếu nhược và giới hạn tự do của họ; nhưng họ quên đi một điều là họ không biết hết tất cả như Thiên Chúa. Ngài biết những gì tốt hay xấu cho con người mà chính con người không biết. Khi Ngài truyền cho con người giữ các giới răn như khi Ngài ban hành Thập Giới cho con người qua Moses, người Do-thái rất hãnh diện vì Thập Giới, vì không một dân tộc nào được thần minh của họ thân hành dạy dỗ như Thiên Chúa. Họ biết những điều mà các dân tộc khác không biết; và do đó tránh được các tội lỗi và hậu quả xấu xa mà các dân tộc khác mắc phải. Vì thế, giữ các giới răn Chúa truyền phải là một niềm vui và hãnh diện, như Chúa Giêsu quả quyết: "Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn."
Điều răn quan trọng nhất mà Chúa Giêsu mặc khải cho các Tông-đồ (và tất cả các môn đệ của Ngài) phải giữ là: "Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình." Chỉ khi nào người môn đệ thấm nhuần tình yêu Thiên Chúa, họ mới có thể đáp ứng lại nguyện vọng của Chúa Giêsu: "sẵn sàng hy sinh mạng sống vì anh em," như Ngài đã hy sinh mạng sống cho con người.
2.2/ Chúa Giêsu chọn các Tông-đồ làm bạn hữu: Đây là điều mà trong giấc mơ, các môn đệ cũng không dám mơ tới. Chúa Giêsu là Thiên Chúa mà lại muốn trở nên bạn hữu ngang hàng với con người. Chúa Giêsu là Thầy mà lại coi học trò như bạn hữu của mình. Chúa Giêsu chỉ đòi các ông một điều kiện: "Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy." Như vậy, khi con người giữ các giới răn Chúa dạy, con người yêu mến Chúa và trở nên bạn hữu của Ngài. Chúa chứng tỏ Ngài coi các ông là bạn hữu trước khi các ông giữ các giới răn: "Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết." Các ông đã biết tất cả những gì Ngài làm, vì Ngài đã mặc khải và dạy dỗ các ông mọi điều.
2.3/ Chúa Giêsu chọn các Tông-đồ, không phải các ông chọn Ngài trước: Con người cần nhớ rõ điều này: Thiên Chúa luôn là người khởi sự trong tình yêu, trong sự tạo dựng, trong sự dạy dỗ và ban ơn Cứu Độ, trong sự chọn lựa và sai đi như Chúa Giêsu xác nhận: "Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ qua rất nhiều biến cố trong cuộc đời: tạo dựng, quan phòng, cứu chuộc, thánh hóa, chọn và sai đi.
- Chúng ta phải đáp lại tình yêu Thiên Chúa qua việc vâng lời giữ tất cả các điều răn Ngài truyền. Vâng lời các điều Chúa truyền dạy sẽ giúp chúng ta vượt qua tất cả các tật xấu và hậu quả của nó, để không bao giờ phải lâm vào tình trạng như của Judah.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Tư Tuần VI PS
Bài đọc: Acts 17:15, 22-34, 18:1; Jn 16:12-15.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người có khả năng nhận biết Thiên Chúa và các hoạt động của Ngài.
Thiên Chúa là sự thật, và Ngài đã tỏ mình ra cho con người qua việc tạo dựng, quan phòng, và các mặc khải trong Kinh Thánh. Các Bài Đọc hôm nay nhấn mạnh đến khả năng của con người có thể hiểu những sự thật của Thiên Chúa. Bài Đọc I tường thuật Bài Giảng của Phaolô cho dân thành Athens. Phaolô bắt đầu từ niềm tin và lòng kính sợ Thiên Chúa của họ; để dẫn dắt họ đến nhu cầu cần phải tin vào Đức Kitô và ăn năn xám hối, để được sống lại đời đời. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mặc khải cho các môn đệ về sự cần thiết của Thánh Thần, mà Ngài sẽ xin Chúa Cha gởi tới cho các ông. Ngài sẽ soi sáng cho các ông hiểu tất cả những gì Chúa Giêsu nói, và giúp các ông hiểu biết mọi sự thật.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Bài giảng của Phaolô cho người Hy-lạp tại Areopagus, Athens
1.1/ Phaolô bắt đầu từ văn hóa Hy-lạp: Để việc rao giảng Tin Mừng có hiệu quả, nhà rao giảng cần hiểu biết phong tục và văn hóa của những nơi mà Lời Chúa được gieo vào. Truyền thống Hy-lạp thờ rất nhiều thần và văn hóa Hy-lạp đặc biệt chú trọng đến sự khôn ngoan. Các thần của Hy-lạp đều được điêu khắc rất đẹp và đều có đền thờ riêng tùy địa phương tôn sùng. Sự khôn ngoan của văn hóa Hy-lạp được bày tỏ qua các triết gia và triết học của họ. Areopagus là nơi những người Hy-lạp khôn ngoan thường tụ tập để tìm hiểu những triết thuyết của thế giới. Phaolô biết rõ những điều này, và ông đã can đảm và chuẩn bị chu đáo để gieo Tin Mừng vào những người đang tìm kiếm sự khôn ngoan. Đứng giữa Hội đồng Areopagus, ông Phaolô khen đức tính tôn kính các thần của họ và dùng đức tính này để bắt đầu rao giảng Tin Mừng: "Thưa quý vị người Athens, tôi thấy rằng, về mọi mặt, quý vị là người sùng đạo hơn ai hết. Thật vậy, khi rảo qua thành phố và nhìn lên những nơi thờ phượng của quý vị, tôi đã thấy có cả một bàn thờ, trên đó khắc chữ: "Kính thần vô danh." Vậy, Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị."
1.2/ Nội dung chính của bài giảng của Phaolô: Phaolô khôn ngoan bắt đầu với những điểm tương đồng mà khán giả của ông dễ chấp nhận, trước khi tiết tới những điểm đặc thù của Kitô Giáo: "Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ và muôn loài trong đó, Đấng là Chúa Tể trời đất, không ngự trong những đền do tay con người làm nên. Người cũng không cần được bàn tay con người phục vụ, như thể Người thiếu thốn cái gì, vì Người ban cho mọi loài sự sống, hơi thở và mọi sự."
(1) Con người có khả năng nhận biết Thiên Chúa: Phaolô nhấn mạnh đến việc thiên nhiên mặc khải sự hiện hữu và quan phòng của Thiên Chúa: Nếu con người chịu quan sát và học hỏi nơi thiên nhiên, họ sẽ nhận ra sự hiện hữu của Ngài: "Từ một người duy nhất, Thiên Chúa đã tạo thành toàn thể nhân loại, để họ ở trên khắp mặt đất; Người đã vạch ra những thời kỳ nhất định và những ranh giới cho nơi ở của họ. Như vậy là để họ tìm kiếm Thiên Chúa; may ra họ dò dẫm mà tìm thấy Người, tuy rằng thực sự Người không ở xa mỗi người chúng ta."
- Nhu cầu phải hiểu biết đúng về Thiên Chúa: "Thật vậy, chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu, như một số thi sĩ của quý vị đã nói: "Chúng ta cũng thuộc dòng giống của Người."
- Đả kích tội thờ bụt thần: "Vậy, vì là dòng giống Thiên Chúa, chúng ta không được nghĩ rằng thần linh giống như hình tượng do nghệ thuật và tài trí con người chạm trổ trên vàng, bạc hay đá.
(2) Nhu cầu phải xám hối, sự xét xử, và sự sống lại: Đây là đích điểm mà Phaolô muốn nhắm tới, vì ông biết truyền thống Hy-lạp không tin nhu cầu phải xám hối và sự sống lại. Trước tiên Phaolô muốn họ ý thức về thực tại của tội, con người phạm tội vì không nhận biết Thiên Chúa dù Ngài đã tỏ mình cho con người trong thiên nhiên: "Vậy mà Thiên Chúa nhắm mắt bỏ qua những thời đại người ta không nhận biết Người. Bây giờ Người truyền cho người ta rằng mọi người ở mọi nơi phải sám hối."
+ Đa số người Hy-lạp thời đó không tin nhu cầu cần xám hối, vì họ tin Thiên Chúa không thay đổi: nếu Ngài thay đổi để tha thứ tội cho con người, Ngài không còn là Thiên Chúa nữa.
+ Họ cũng chẳng tin việc Thiên Chúa xét xử, vì họ không tin có đời sau và vì Thiên Chúa không bao giờ thay đổi.
+ Sự sống lại: Truyền thống Hy-lạp, đặc biệt những người Epicureans, không tin có sự sống lại. Đối với họ, chết là hết; sự chết lấy đi tất cả những gì con người sở hữu. Nên khi vừa nghe nói đến người chết sống lại, kẻ thì nhạo cười, kẻ thì nói: "Để khi khác chúng tôi sẽ nghe ông nói về vấn đề ấy." Thế là ông Phaolô bỏ họ mà đi.
Kết quả của sự rao giảng của Phaolô tại Athens: Sách CVTĐ tường thuật: "Nhưng có mấy người đã theo ông và tin Chúa, trong số đó có ông Dionysius, thành viên Hội-đồng Areopagus và một phụ nữ tên là Damaris cùng những người khác nữa."
2/ Phúc Âm: Con người có khả năng để hiểu biết những mặc khải của Thiên Chúa.
2.1/ Mặc khải của Thiên Chúa phải tiệm tiến theo thời gian vì sự hiểu biết của con người giới hạn: Chúa Giêsu biết rõ điều này, nên Ngài tâm sự với các ông: "Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi." Không như Thiên Chúa, Đấng có khôn ngoan và quyền năng biết tất cả mọi sự một lúc, con người cần có thời gian để học biết những điều căn bản, trước khi có thể hiểu những chân lý cao siêu hơn. Ví dụ, một học sinh phải qua các cấp bậc tiểu học, trung học, đại học, và cao học. Trong việc mặc khải các mầu nhiệm của Thiên Chúa cho con người cũng thế: bắt đầu từ mầu nhiệm một Thiên Chúa, Đấng tạo thành và điều khiển muôn lòai trong Cựu Ước; để chuẩn bị cho Đức Kitô đến qua mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc trong Tân Ước; trước khi tiến đến mầu nhiệm Chúa Thánh Thần và các công việc của Ngài, như Chúa Giêsu đề cập tới hôm nay.
2.2/ Mặc khải toàn vẹn của Thánh Thần: Chúa Giêsu hứa với các môn đệ: "Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới Tất cả sự thật (toàn vẹn). Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến."
(1) Mặc khải đến từ Thiên Chúa: Trước tiên con người cần biết: Tất cả sự thật đến từ Thiên Chúa. Con người không sở hữu sự thật, nhưng chỉ khám phá ra sự thật, nó là quà tặng của Thiên Chúa cho con người. Con người cũng không phát minh ra sự thật, nhưng sự thật đã có sẵn trong trời đất và chờ đợi để con người khám phá và hiểu biết nó. Nói tóm, chỉ một mình Thiên Chúa sở hữu sự thật.
(2) Thánh Thần sẽ làm cho con người hiểu những gì Chúa Giêsu mặc khải: Đây cũng là nền tảng của việc mặc khải về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi: "Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em." Cả Ba Ngôi Thiên Chúa đều cộng tác trong việc làm cho con người hiểu thấu các mầu nhiệm của Thiên Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta được Thiên Chúa ban cho có khả năng để tìm ra và nhận biết sự thật; nhất là nhận ra Thiên Chúa, Đấng là sự thật trên hết các sự thật.
- Sự thật của Kitô Giáo không đến với con người qua những suy niệm trừu tượng; nhưng qua một con người sống động là Đức Kitô, và sự hướng dẫn từ trong tâm hồn của Chúa Thánh Thần. Vì thế, khi con người càng sống gần gũi với Chúa Giêsu và để Thánh Thần soi sáng, con người càng khám phá ra sự thật.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Ba Tuần VI PS
Bài đọc: Acts 16:22-34; Jn 16:5-11.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hiệu quả của đức tin
Đứng trước đau khổ, con người có những phản ứng khác nhau, tùy theo những gì họ tin hay không tin vào Thiên Chúa. Người có đức tin sẽ nhìn đau khổ như một cơ hội luyện tập để đức tin của họ càng ngày càng trở nên vững mạnh hơn. Vì thế, họ coi thường đau khổ, vẫn sống an bình vì họ luôn tin tưởng nơi Thiên Chúa. Ngược lại, người không có đức tin sẽ tìm mọi cách để trốn tránh đau khổ; và nếu không tránh được, họ sẽ kêu trách, ta thán, và ngay cả tìm cách kết liễu cuộc đời để khỏi phải chịu đau khổ.
Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta thấy những thái độ khác nhau này. Trong Bài Đọc I, Phaolô và Silas, tuy bị cáo gian, đánh đòn, và bị xiềng xích trong ngục, các ông vẫn vui tươi, tin tưởng, và hát thánh ca chúc tụng Thiên Chúa. Ngược lại, viên cai ngục lại lo lắng đến độ súyt kết liễu đời mình, vì thấy cửa ngục bị mở tung và tưởng rằng hai ông đã trốn thoát. Hai ông phải lên tiếng báo cho ông ấy biết mình vẫn còn trong ngục, ông ấy mới thôi không kết liễu đời mình. Trong Phúc Âm, khi Chúa Giêsu thấy các môn đệ quá đỗi ưu phiền về những gì sắp xảy ra, Ngài hứa sẽ gởi cho các ông một Đấng Bảo Trợ khác là Thánh Thần. Đấng này sẽ làm việc trong các ông, giúp các ông nhận ra sự thật toàn vẹn, và an ủi các ông khi gặp các gian nan khốn khó.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Đức tin là sự khác biệt trong lúc nguy nan đau khổ.
1.1/ Thái độ của hai ông trước cực hình: Sở dĩ hai ông bị chống đối là vì Phaolô đã nhân danh Đức Kitô truyền lệnh cho quỉ phải xuất khỏi người tớ gái, vì cô này luôn đi theo hai ông để nói cho mọi người biết hai ông là đầy tớ của Thiên Chúa Tối Cao, và sẽ chỉ cho mọi người biết con đường cứu độ. Khi chủ của cô biết quỉ đã xuất khỏi cô, và cô không còn sinh lợi cho hắn bằng cách nói tiên tri nữa; ông kích thích đám đông để có cớ buộc tội hai ông.
Sách CVTĐ tường thuật: "Đám đông nổi lên chống hai ông. Các quan toà, sau khi đã cho lột áo hai ông, thì ra lệnh đánh đòn. Khi đã đánh nhừ tử, họ tống hai ông vào ngục, và truyền cho viên cai ngục phải canh giữ cẩn thận. Được lệnh đó, người này tống hai ông vào phòng giam sâu nhất và cùm chân lại." Sau một trận đòn dã man như thế, hai ông vẫn không một lời kêu la hay than trách. Trái lại, vào quãng nửa đêm, ông Phaolô và ông Silas hát thánh ca cầu nguyện với Thiên Chúa. Các người tù nghe hai ông hát và có lẽ họ rất ngạc nhiên khi thấy những điều này.
Bỗng nhiên có động đất mạnh, khiến nền móng nhà tù phải rung chuyển. Ngay lúc đó, tất cả các cửa mở toang và xiềng xích của mọi người vuột tung ra.
1.2/ Thái độ của viên cai ngục: Viên cai ngục choàng dậy và thấy các cửa ngục mở toang, liền rút gươm định tự tử, vì tưởng rằng các người tù đã trốn đi. Thấy hành động của viên cai ngục, ông Phaolô vội lớn tiếng bảo: "Ông chớ hại mình làm chi: chúng tôi còn cả đây mà!"
Viên cai ngục bảo lấy đèn, nhảy bổ vào, run rẩy sấp mình dưới chân ông Phaolô và ông Silas, rồi đưa hai ông ra ngoài và nói: "Thưa các ngài, tôi phải làm gì để được cứu độ?" Hai ông đáp: "Hãy tin vào Chúa Giêsu, thì ông và cả nhà sẽ được cứu độ." Hai ông liền giảng Lời Chúa cho viên cai ngục cùng mọi người trong nhà ông ấy.
Sự kiện động đất nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Ngài muốn cho viên cai ngục có cơ hội để nghe hai ông rao giảng Tin Mừng ngay trong ngục thất, và hai ông đã không bỏ lỡ cơ hội này. Ai có thể ngờ viên cai ngục có thể nghe Tin Mừng trong khi canh giữ tù nhân; nhưng chẳng có gì là không thể đối với Thiên Chúa!
Ngay lúc đó, giữa ban đêm, viên cai ngục đem hai ông đi, rửa các vết thương, và lập tức ông ấy được chịu Phép Rửa cùng với tất cả người nhà. Rồi ông ấy đưa hai ông lên nhà, dọn bàn ăn. Ông và cả nhà vui mừng vì đã tin Thiên Chúa.
2/ Phúc Âm: Thánh Thần sẽ chứng minh ba tội của thế gian.
2.1/ Chúa Giêsu sẽ gởi Đấng Bảo Trợ đến với các môn đệ: Chúa Giêsu mặc khải Kế họach của Thiên Chúa cho các môn đệ: "Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em."
2.2/ Thánh Thần sẽ minh chứng thế gian 3 điều sai lầm: "Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử:"
(1) Về tội lỗi: vì chúng không tin vào Thầy. Tội duy nhất theo Gioan là tội không tin vào Đức Kitô, Người được Thiên Chúa sai đến. Thánh Thần sẽ chứng thực Đức Kitô là Con Thiên Chúa.
(2) Về sự công chính: vì Thầy đến cùng Chúa Cha, và anh em không còn thấy Thầy nữa. Thế gian tưởng Chúa Giêsu là tội nhân khi nhìn thấy Ngài chịu chết treo trên Thập Giá. Bằng sự Phục Sinh của Đức Kitô, Thánh Thần chứng minh cho thế gian biết Ngài tự nguyện chịu khổ hình, Người công chính chết thay cho các tội nhân là tất cả con người.
(3) Về việc xét xử: vì Thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử rồi. Các Thủ Lãnh Do-thái nghĩ họ làm đẹp lòng Thiên Chúa bằng việc đóng đinh Chúa Giêsu vào Thập Giá. Thủ Lãnh Rôma nghĩ ông đã giết Chúa Giêsu để đẹp lòng người Do-thái. Thánh Thần sẽ minh chứng cho họ biết họ đã sai lầm to khi luận tội và giết Đức Kitô, người Tôi Trung của Thiên Chúa.
Cả ba điều này đều liên quan đến nhau: thế gian phạm tội giết con Thiên Chúa vì không tin vào Ngài là Đấng Thiên Sai của Thiên Chúa. Ngài là Đấng Công Chính không bao giờ phạm tội; nhưng muốn gánh tội cho con người. Thế gian đã sai lầm khi luận tội và giết Con Thiên Chúa. Vì thế, họ đã phạm ba tội cùng một lúc khi giết Con Thiên Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Người Công-giáo chúng ta có một món quà vô giá là đức tin vào Thiên Chúa. Chính đức tin này sẽ giúp chúng ta bình an trong đau khổ, vui tươi khi hoạn nạn, và lạc quan vui sống.
- Chúng ta luôn sống trong sự quan phòng và bảo vệ của Thiên Chúa. Tuy Ngài để chúng ta phải chịu thử thách để tôi luyện đức tin, nhưng luôn ban mọi sức mạnh cần thiết đủ để giúp chúng ta vượt qua mọi thử thách của cuộc đời.
- Chúng ta phải luôn ý thức sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn, để luôn biết lắng nghe và làm theo những gì Ngài hướng dẫn. Ngài sẽ thêm sức cho chúng ta để chống lại mọi đe dọa nguy hiểm của thế gian và ma quỉ.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Hai Tuần VI PS
Bài đọc: Acts 16:11-15; Jn 15:25-16:4.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Vinh quang và đau khổ cần thiết cho cuộc đời.
Cuộc đời của con người có khi bình an có khi sóng gió; khi thành công khi thất bại; khi vui cũng như lúc buồn, khi thịnh vượng cũng như lúc đói nghèo... Hai thái cực này cần thiết để giữ thăng bằng cho cuộc sống: khi vui không vui quá, tới độ quên Thiên Chúa và bổn phận phải chu toàn; khi buồn không buồn quá, tới độ mất niềm tin vào Thiên Chúa và tiêu hủy cuộc đời.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong hai mặt của cuộc đời. Trong Bài Đọc I, Phaolô hưởng được sự thành công khi rao giảng Tin Mừng tại Philippi: một phụ nữ tên Lydia và gia đình của Bà chịu Phép Rửa khi nghe Phaolô giảng. Bà mời Phaolô và các bạn đồng hành dùng nhà Bà làm nơi để sinh sống và rao giảng Tin Mừng. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ biết họ sẽ bị bắt bớ, đánh đòn và trục xuất khỏi hội đường khi rao giảng Tin Mừng; nhưng Thánh Thần mà Chúa Giêsu sẽ gởi đến, sẽ giúp các ông nhận ra sự thật và làm chứng cho Chúa Giêsu.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Phaolô chinh phục một phụ nữ Âu-châu đầu tiên về cho Thiên Chúa.
Trong hành trình rao giảng Tin Mừng, Phaolô và các bạn đồng hành cũng gặp nhiều thành công và nhiều thất bại: khi thì người nghe nhận ra sự thật và chịu Phép Rửa như người phụ nữ và gia đình của Bà hôm nay; khi thì bị người ta đổ vạ cáo gian để đánh đòn, giam cầm, và trục xuất khỏi thành phố như trình thuật ngày mai. Trong mọi hoàn cảnh, Phaolô vẫn kiên trì rao giảng Tin Mừng dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần, và vui lòng chịu đựng mọi gian khổ vì Danh Chúa.
1.1/ Phaolô rao giảng Tin Mừng tại Philippi: Trong cuộc hành trình lần thứ hai, Phaolô được Thánh Thần hướng dẫn trong một thị kiến, để ra khỏi ranh giới của Asia Minor và tiến vào vùng đất của Âu-châu, bắt đầu với Macedonia, như ông tường thuật hôm nay: "Xuống tàu ở Troas, chúng tôi đi thẳng đến đảo Samothrace, rồi hôm sau đến Neapolis. Từ đó chúng tôi đi Philippi là thị trấn quan trọng nhất trong hạt ấy của tỉnh Macedonia, và là thuộc địa Rôma. Chúng tôi ở lại thành đó mấy ngày."
1.2/ Gia đình Bà Lydia chịu Phép Rửa: Theo truyền thống Do-thái, chỗ nào không có hội đường, họ thường tập họp ở bờ sông để cầu nguyện và đọc Sách Thánh. Có lẽ, vì không có hội đường ở Philippi, nên Phaolô kể: "Ngày Sabbath, chúng tôi ra khỏi cổng thành, men theo bờ sông, đến một chỗ chúng tôi đoán chừng có nơi cầu nguyện. Chúng tôi ngồi xuống nói chuyện với những phụ nữ đang họp nhau tại đó." Chúng ta có thể học kinh nghiệm của Phaolô. Giống như Chúa Giêsu, ông lợi dụng mọi cơ hội để rao giảng Tin Mừng: trong hội đường cũng như ở các nơi hội họp; cho đàn ông cũng như cho đàn bà; cho giới thượng lưu cũng như cho người nghèo khổ.
Trong giới phụ nữ có một bà tên là Lydia, quê ở Thyatira, là người chuyên buôn bán vải điều. Đây là một loại vải đắt tiền và kiếm được nhiều lợi nhuận. Bà là người tôn thờ Thiên Chúa; bà nghe, và Chúa mở lòng cho bà để bà chú ý đến những lời ông Phaolô nói. Sau khi nghe Phaolô rao giảng Tin Mừng, bà và cả nhà đã xin chịu Phép Rửa. Có lẽ là người có nhà cửa rộng rãi, nên Bà ngỏ lời với các sứ giả: "Các ông đã coi tôi là một tín hữu Chúa, thì xin các ông đến ở nhà tôi." Và bà ép chúng tôi phải nhận lời.
Thiên Chúa luôn thúc đẩy và khuyến khích những tâm hồn thiện chí và có phương tiện, để họ mở rộng tâm hồn đón tiếp các sứ giả trong cuộc lữ hành loan báo Tin Mừng. Chúng ta phải noi gương Bà Lydia để đón tiếp các nhà truyền giáo, nhất là ở những nơi xa xôi hẻo lánh, để giúp họ có sức khỏe và phương tiện mang Lời Chúa đến cho mọi người. Khi mở lòng đón tiếp họ, chúng ta đón tiếp chính Chúa; và chúng ta cũng sẽ được phần thưởng của các tiên tri như Chúa đã hứa.
2/ Phúc Âm: Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường.
2.1/ Những chứng nhân của Đức Kitô:
(1) Thánh Thần: "Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy." Con người không thể hiểu mặc khải của Chúa Giêsu, nếu không có Thánh Thần tác động từ bên trong. Ngài soi lòng mở trí để các tín hữu nhận ra sự thật và tin vào Đức Kitô.
(2) Các môn đệ: "Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu." Để có thể làm chứng, các môn đệ cần có ba điều kiện: Thứ nhất, kinh nghiệm cá nhân sống với Chúa Giêsu; thứ hai, các ông cần xác tín Ngài là Đấng Thiên Sai, những gì Ngài đã nói và đã làm; sau cùng, các ông phải làm chứng cho Ngài khi cơ hội tới. Nếu thiếu một trong 3 điều kiện này, các ông không thể làm chứng cho Ngài.
2.2/ Người rao giảng Tin Mừng sẽ bị truy tố.
(1) Chúa Giêsu không dấu diếm điều gì với những người muốn theo Chúa, Ngài báo trước những gì các môn đệ sẽ phải chịu vì Danh Ngài và vì rao giảng Tin Mừng. Có hai lý do khiến Chúa chuẩn bị cho các ông: Thứ nhất, "Thầy đã nói với anh em các điều ấy, để anh em khỏi bị vấp ngã."
Nhiều người Công-giáo nghĩ rằng, một khi họ theo đạo là cuộc đời sẽ bình an vì được Chúa và Mẹ chúc lành và bảo vệ; nhưng họ có biết đâu rằng: bắt đầu cuộc sống môn đệ là bắt đầu cuộc sống từ bỏ ý riêng mình và vác thập giá với Chúa. Hơn nữa, đức tin cần được thử thách trong gian khổ như lửa thử vàng, thì mới biết đức tin nào thật và vững chắc. Thứ hai, để các ông nhớ lại những gì Ngài nói khi các ông bị truy tố và tìm được bình an: "Nhưng Thầy đã nói với anh em những điều ấy, để khi đến giờ họ hành động, anh em nhớ lại là Thầy đã nói với anh em rồi." Con người có thể ngạc nhiên khi không ai báo trước cho mình biết đau khổ sẽ xảy ra; nhưng nếu Chúa Giêsu đã báo trước, và Ngài cũng đã đi qua con đường này, người môn đệ sẽ chuẩn bị và biết bình tĩnh đối phó khi điều ấy xảy đến.
(2) Lý do bị truy tố: Thứ nhất, những Thủ Lãnh Do-thái trong Thượng Hội Đồng kết án và đóng đinh Chúa Giêsu, vì họ tưởng rằng làm như thế là làm vinh quang Thiên Chúa. Một ví dụ khác là trường hợp của ông Saul bắt đạo trước khi trở lại. Ông là người nhiệt thành gìn giữ Lề Luật của tổ tiên, nên ông không muốn các Kitô hữu vi phạm truyền thống này. Thứ hai, "Họ sẽ làm như thế, bởi vì họ không biết Chúa Cha cũng chẳng biết Thầy." Điều này hiển nhiên, vì nếu các Thủ Lãnh biết chắc Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai, họ đã không luận tội và kết án Ngài.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Đau khổ và vinh quang là hai khía cạnh của cuộc sống. Giống như Đức Kitô, chúng ta cũng phải trải qua đau khổ trước khi đạt đến vinh quang.
- Chúng ta cần giữ thái độ bình tĩnh và bình an khi đạt được thành công cũng như khi phải đương đầu với đau khổ; vì tất cả đều nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa.
- Chúng ta đều có bổn phận trong việc rao truyền và làm chứng cho Tin Mừng. Nếu chúng ta không có hoàn cảnh làm những điều này, chúng ta phải giúp đỡ và tạo cơ hội cho các nhà truyền giáo để họ chu toàn bổn phận rao giảng Tin Mừng cho mọi người.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Chúa Nhật VI Phục Sinh, Năm B
Bài đọc: Acts 10:25-26, 34-35, 44-48; I Jn 4:7-10; Jn 15:9-17.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa là tình yêu.
Thiên Chúa, chúng ta chưa thấy bao giờ, nói về tình yêu của Đấng chúng ta chưa thấy bao giờ còn khó khăn và trừu tượng hơn nữa; nhưng may mắn cho con người, Thiên Chúa chọn để bày tỏ tình yêu cho con người qua việc tạo dựng, quan phòng, cứu chuộc, và thánh hóa con người.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh các công việc Thiên Chúa dùng để bày tỏ tình yêu của Ngài. Trong Bài Đọc I, Thiên Chúa bày tỏ tình yêu của Ngài cho Cornelius, viên sĩ quan Dân Ngoại, qua việc cho ông cơ hội để gia nhập đạo thánh Chúa. Trong Bài Đọc II, thánh Gioan sau khi định nghĩa "Thiên Chúa là tình yêu" đã dẫn chứng tình yêu này qua việc Thiên Chúa ban cho chúng ta Người Con Một của Ngài. Trong Phúc Âm, tình yêu Thiên Chúa được lan tràn qua Chúa Giêsu và đổ xuống trên các môn đệ của Chúa. Trước khi các môn đệ có thể yêu thương tha nhân, họ phải ở lại và được thấm nhuần tình yêu này.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa thi ân giáng phúc trước khi con người biết đáp trả hồng ân của Ngài.
1.1/ Thiên Chúa không thiên vị, nhưng yêu thương mọi người: Cornelius là sĩ quan Roma, thuộc về Dân Ngoại, nhưng biết kính sợ Thiên Chúa, cầu nguyện thường xuyên, và cư xử tốt lành với mọi người (Acts 10:2). Vì những điều tốt lành này, ông được một thị kiến thấy sứ thần của Thiên Chúa truyền lệnh cho ông đi mời Simon Phêrô đến nhà mình.
Sự kiện Phêrô, một người Do-thái, vào nhà ông Cornelius, một người Dân Ngoại, là một điều không bình thường; nhưng vì Thánh Thần truyền lệnh, cho nên ông phải đi (Acts 10:20). Khi ông Phêrô nhận ra sự sắp đặt của Thiên Chúa cho viên sĩ quan Dân Ngoại, ông lên tiếng nói: "Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận." Lý do là vì Chúa dựng nên tất cả và ban ơn xuống mọi người. Ai nhận ra hồng ân Ngài ban và sống ngay lành, Ngài sẽ tiếp tục ban ơn, và nhất là cho hiểu biết đạo thánh của Ngài.
1.2/ Thiên Chúa gởi Thánh Thần xuống trên những người trong nhà Cornelius: Khi "ông Phêrô còn đang nói những điều đó, thì Thánh Thần đã ngự xuống trên tất cả những người đang nghe lời Thiên Chúa. Những tín hữu thuộc giới cắt bì cùng đến đó với ông Phêrô đều kinh ngạc vì thấy Thiên Chúa cũng ban Thánh Thần xuống trên cả các dân ngoại nữa, bởi họ nghe những người này nói các thứ tiếng và tán dương Thiên Chúa." Họ kinh ngạc vì họ tưởng chỉ có những người đã chịu Phép Rửa mới nhận được Thánh Thần. Nhưng Thiên Chúa không lệ thuộc vào truyền thống hay vào những gì con người tin tưởng, Ngài ban Thánh Thần cho những ai biết kính sợ và sống theo đường lối của Ngài.
Ông Phêrô nhớ lại biến cố trong Ngày Lễ Ngũ Tuần, khi các Tông-đồ được Chúa Thánh Thần hiện xuống như lưỡi lửa đậu xuống trên đầu các ông (Acts 2:3-10), bấy giờ ông Phêrô nói rằng: "Những người này đã nhận được Thánh Thần cũng như chúng ta, thì ai có thể ngăn cản chúng ta lấy nước làm phép rửa cho họ?" Rồi ông truyền làm phép rửa cho họ nhân danh Đức Giêsu Kitô.
2/ Bài đọc II: Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước khi chúng ta đáp trả tình yêu của Ngài.
2.1/ Thiên Chúa là tình yêu: Thánh Gioan định nghĩa tình yêu cách ngắn gọn và đơn giản: "Thiên Chúa là tình yêu." Vì yêu thương, Thiên Chúa làm mọi sự: tạo dựng, quan phòng, cứu chuộc, thánh hóa, và chuẩn bị tương lai cho con người.
Yêu thương làm con người nên giống Thiên Chúa, vì Thiên Chúa dựng nên con người theo hình ảnh Ngài (Gen 1:26). Thánh Gioan diễn tả như sau: "Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa." Biết Thiên Chúa là biết yêu thương tha nhân và được sinh ra bởi Thiên Chúa.
Ngược lại, "Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu." Nếu Thiên Chúa là tình yêu, con cái của Ngài phải biết yêu thương. Ai từ chối không yêu thương, kẻ ấy không thể là con cái Thiên Chúa. Chúng ta có thể hiểu lý do tại sao Thiên Chúa dùng giới răn yêu thương để phán xét con người trong Ngày Tận Thế (Mt 25).
2.2/ Thiên Chúa biểu lộ tình yêu: Cách định nghĩa tình yêu của Gioan tuyệt vời, nhưng vẫn chỉ thuần tri thức; nhưng cách biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa cho con người thật cụ thể và đánh động tâm lòng của mọi người, ngay cả những con tim chai đá nhất: "Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống." Mỗi khi nhìn lên Thập Giá, con người cảm nhận được tình Thiên Chúa yêu thương họ, dù chưa một lần được nhìn thấy Ngài.
Thiên Chúa yêu thương con người trước: "Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta." Thiên Chúa yêu thương con người khi họ vẫn còn là những tội nhân; Ngài không đợi cho con người trở nên tốt lành, đáng yêu rồi mới yêu thương họ. Nếu Ngài chờ đợi như thế, con người sẽ không có cơ hội, vì làm sao con người có thể gột rửa tội lỗi mình để trở nên đáng yêu? Con người chỉ có thể cảm nhận sau khi Thiên Chúa tỏ tình yêu của Ngài, và đáp trả lại tình yêu Thiên Chúa bằng cách loan truyền tình yêu Thiên Chúa cho tha nhân, và yêu thương mọi người.
3/ Phúc Âm: Thiên Chúa chọn và sai chúng ta đi làm việc cho Ngài.
3.1/ Giới luật yêu thương
(1) Nguồn cội của tình yêu: Tình yêu phát xuất từ Chúa Cha, lan truyền qua Chúa Con, và được trao tặng cho các Tông đồ, như Chúa Giêsu mặc khải: "Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy." Điều quan trọng là các môn đệ phải ở lại trong tình thương này, trước khi có thể làm cho tình thương này lan rộng tới tha nhân. Sau khi đã ở lại trong tình yêu này, Chúa Giêsu mới tiếp tục truyền như trong câu 12: "Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em." Điều này cũng có nghĩa: Nếu không ở lại trong tình thương Thiên Chúa, chúng ta không thể yêu nhau bằng tình yêu Thiên Chúa; và không thể đạt được mức độ trọn lành như Thiên Chúa đòi hỏi như yêu kẻ thù, yêu đến chết, và sẵn sàng tha thứ tất cả lỗi lầm của tha nhân.
(2) Giữ các điều răn là ở lại trong tình thương Thiên Chúa: "Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người." Chúa Giêsu không chỉ dạy dỗ, nhưng còn làm gương sáng. Ngài không đòi hỏi các ông điều gì Ngài không làm; ví dụ: yêu đến nỗi hy sinh tính mạng, tha thứ cho kẻ thù, vâng lời Thiên Chúa trong mọi sự đến nỗi phải chết. Ngài khuyến khích các ông để các ông có can đảm theo chân Ngài: Nếu Ngài đã làm được, các ông cũng sẽ làm được.
Giữ các giới răn và ở lại trong tình yêu Thiên Chúa không phải là một sự ép buộc như giữ những luật lệ của con người; nhưng là bí quyết để tìm được niềm vui trọn vẹn: "Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn."
3.2/ Chúa Giêsu gọi và chọn các môn đệ: Như trong hai bài đọc trên, Chúa Giêsu luôn luôn là người bắt đầu. Ngài gọi và chọn 12 Tông-đồ, chứ không có ai là người tình nguyện theo Ngài cả. Trong cuộc đời rao giảng của Chúa, nhiều người cũng tình nguyện theo Chúa, nhưng Ngài không cho theo. Cũng thế, trong ơn gọi làm linh mục và tu sĩ: con người không tự mình làm linh mục hay tu sĩ, nhưng qua lời mời gọi và sự lựa chọn của những người đại diện Thiên Chúa.
(1) Ngài gọi các môn đệ để trở thành bạn hữu: Tình yêu đòi hỏi sự tự do và ngang hàng giữa hai chủ thể (nói theo kiểu VN, phải môn đăng hộ đối). Con người có tự do nhưng không thể ngang hàng với Thiên Chúa, vì con người chỉ xứng đáng làm đầy tớ của Ngài; nhưng có một sự trao đổi kỳ lạ ở đây. Thiên Chúa, qua Con Ngài là Chúa Giêsu đã khiêm nhường hạ mình cho bằng con người, để mặc lấy thân phận con người, để yêu thương con người, và để nâng con người lên hàng bạn hữu: "Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết." Thiên Chúa đã hoàn thành điều này qua Mầu Nhiệm Nhập Thể.
Không những chỉ chọn con người là bạn hữu, nhưng còn là bạn nghĩa thiết tâm giao. Thông thường, con người chỉ dám hy sinh tính mạng cho người bạn nghĩa thiết. Chúa Giêsu là bạn nghĩa thiết của con người vì Ngài dám hy sinh tính mạng để cho con người không phải chết, như chính Ngài đã tuyên bố: "Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình." Khác với con người chỉ có một hay vài bạn tâm giao, Chúa Giêsu muốn có rất nhiều bạn nghĩa thiết, nên Ngài mở rộng đến mọi người: "Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy." Hy sinh tất cả cho tha nhân là cách trở nên bạn hữu của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã hoàn thành điều này qua Mầu Nhiệm Cứu Độ.
(2) Ngài chọn các ông để được sai đi: Tình yêu Thiên Chúa không giữ lại trong một số người hay một dân tộc, nhưng luôn mở rộng và cho đi đến mọi người. Chúa Giêsu chọn 12 Tông-đồ và một số môn đệ để yêu thương, dạy dỗ, và sai đi: "Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em." Tiếp tục sứ vụ của Chúa Giêsu, các Tông-đồ cũng chọn các môn đệ để yêu thương, dạy dỗ, và sai đi để yêu thương, dạy dỗ, và sai đi rao giảng Tin Mừng. Sứ vụ này vẫn tiếp tục cho đến thời đại chúng ta đang sống, và sẽ còn kéo dài cho tới Ngày Tận Thế.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa luôn là Người bắt đầu trong mọi sự việc, chúng ta chỉ là người nhận ra và đáp trả lại tình yêu của Ngài.
- Nguồn căn bản nhất trong các hoạt động của Thiên Chúa và của chúng ta là tình yêu. Tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa, lan rộng qua Đức Kitô, và đổ xuống trên con người. Chúng ta phải ở lại trong tình yêu này trước khi có thể yêu thương tha nhân bằng tình yêu Thiên Chúa.
- Để nhận ra tình yêu Thiên Chúa, chúng ta phải giữ các giới răn Chúa Giêsu truyền dạy và phải sẵn sàng hy sinh ngay cả tính mạng cho tha nhân, như Chúa Giêsu đã vâng lời Chúa Cha và sẵn sàng hy sinh tính mạng cho con người.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
ĐẠO YÊU THƯƠNG
CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH NĂM B (10/05/2015)
[Cv 9,26-31; 1 Ga 3,18-24; Ga 15,9-17]
I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Người Ki-tô hữu nào cũng biết Ki-tô giáo là Đạo yêu thương bác ái. Nói hay giảng yêu thương bác ái thì dễ nhưng sống bác ái yêu thưong thì không dễ chút nào! Nhưng khó không có nghĩa là không thể và khó cũng không là cái cớ để chúng ta trốn tránh, không thực hành.
Các bài Sách Thánh của Chúa Nhật VI Phục Sinh Năm B hôm nay nhắc cho chúng ta nhớ và sống yêu thương bác ái là điều quan trọng và cốt yếu nhất của Đao chúng ta!
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Trong bài đọc 1 (Cv 10,25-26.34-35.44-48): Thiên Chúa ban Thánh Thần xuống trên cả các dân ngoại.
(25) Khi ông Phê-rô bước vào nhà ông Co-nê-li-ô, thì ông liền ra đón và phủ phục dưới chân ông mà bái lạy. (26) Nhưng ông Phê-rô đỡ ông ấy lên và nói : "Xin ông đứng dậy, vì bản thân tôi đây cũng chỉ là người phàm."
(34) Bấy giờ ông Phê-rô lên tiếng nói: "Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. (35) Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận.
(44) Ông Phê-rô còn đang nói những điều đó, thì Thánh Thần đã ngự xuống trên tất cả những người đang nghe lời Thiên Chúa. (45) Những tín hữu thuộc giới cắt bì cùng đến đó với ông Phê-rô đều kinh ngạc vì thấy Thiên Chúa cũng ban Thánh Thần xuống trên cả các dân ngoại nữa, (46) bởi họ nghe những người này nói các thứ tiếng và tán dương Thiên Chúa. Bấy giờ ông Phê-rô nói rằng: (47) "Những người này đã nhận được Thánh Thần cũng như chúng ta, thì ai có thể ngăn cản chúng ta lấy nước làm phép rửa cho họ?" (48) Rồi ông truyền làm phép rửa cho họ nhân danh Đức Giê-su Ki-tô. Sau đó họ xin ông ở lại ít ngày.
2.2 Trong bài đọc 2 (1 Ga 4,7-10): Thiên Chúa là tình yêu.
(7) Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. (8) Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu. (9) Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống. (10) Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.
2.3 Trong bài Tin Mừng (Ga 15,9-17): Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của Người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu.
(9) Khi ấy Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. (10) Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. (11) Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.
(12) “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. (13) Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. (14) Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. (15) Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.
(16) “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. (17) Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.”
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG & SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân dung của Thiên Chúa:
1°) Bài đọc 1 (Cv 10,25-26.34-35.44-48) là tường thuật việc Thánh Thần Thiên Chúa được ban cho những người chưa chịu Phép Rửa mà Tông đồ Phê-rô gặp tại nhà ông Co-nê-li-ô. Trước cảnh tượng lạ lùng và bất ngờ ấy, Tông đồ Phê-rô phải tuyên bố: “Những người này đã nhận được Thánh Thần cũng như chúng ta, thì ai có thể ngăn cản chúng ta lấy nước làm phép rửa cho họ?”
Qua sự kiện trên chúng ta thấy Thiên Chúa là Đấng không thiên vị ai: do lòng yêu thương, Người đã ban Thánh Thần và niềm tin cho mọi người thành tâm thiện chí tìm kiếm Người.
2°) Bài đọc 2 (1 Ga 4,7-10) là lời giảng dạy của Tông đồ Gio-an dành cho các môn đệ: hãy yêu nhau vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa: “Phàm ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra và người ấy biết Thiên Chúa.” Thế có nghĩa là những ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu. Thiên Chúa thể hiện Tình yêu của Người đối với nhân loại bằng việc sai Con Một Người đến thế gian để nhờ Con Một ấy mà con người được sống. Trong Tình Yêu Thiên Chúa là Đấng đi trước khi dựng nên chúng ta, cứu chuộc chúng ta, chọn chúng ta làm con, làm bạn hữu nghĩa tình.
3°) Bài Tin Mừng (Ga 15,9-17) là những lời tâm sự của Đức Giê-su tiếp nối những lời khẳng định về mối quan hệ khắng khít giữa Người và các môn đệ. Cả một kho tàng phong phú được chính Chúa Giê-su mạc khải và trao ban cho chúng ta:
(a) Chúa Cha yêu mến Chúa Giê-su thế nào thì Chúa Giê-su cũng yêu thương các môn đệ như vậy. Chúa Cha yêu Chúa Giê-su vì Chúa Giê-su đã thực thi trọn vẹn thánh ý và kế hoạch của Cha. Chúa Giê-su đã yêu thương các môn đệ đến hy sinh mạng sống mình vì họ: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.”
(b) Chúa Giê-su mời gọi các môn đệ đáp lại tình thương vô biên của Người là ở lại trong tình thương của Người. Bằng cách tuân giữ các điều răn, nhất là điều răn yêu thương - như Người đã vì yêu thương mà giữ các điều răn của Cha.
(c) Chúa Giê-su đã coi các môn đệ là bạn hữu thân thiết nên đã bộc lộ cho biết những điều Người đã nghe/biết được ở nơi Cha. Và Người đã chọn các ông trước, chứ không phải ngược lại. Người chọn các ông để sai họ đi rao giảng, làm chứng cho Nước Trời và cho Tình Thương của Thiên Chúa. Người chọn các ông để họ sinh nhiều hoa trái không hư nát.
3.2 Sứ điệp của Lời Chúa:
Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là: THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU CHO ĐI. Cụ thể là:
(a) Thiên Chúa Cha đã yêu thương loài người đến nỗi đã ban Con Một Người cho nhân loại;
(b) Chúa Giê-su Ki-tô, Con Một Thiên Chúa, đã hiến mạng sống mình vì các môn đệ và mọi người và đã kết bạn với các môn đệ;
(c) Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên tất cả những người đang nghe lời Thiên Chúa cho dù họ chưa được thánh tẩy bằng nước. Vì thế Thiên Chúa muốn chúng ta đáp lại Tình Yêu của Người bằng sống yêu thương bác ái với đồng loại.
IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA LỜI CHÚA HÔM NAY
4.1 Sống với Thiên Chúa là Tình Yêu nên Người mời gọi chúng ta sống kết hiệp với Người và sống bác ái yêu thương với đồng loại.
4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa là đáp lại Thiên Chúa là TÌNH YÊU CHO ĐI:
Trước hết chúng ta đáp lại Thiên Chúa là TÌNH YÊU CHO ĐI trong đời sống cá nhân bằng một đời sống gắn bó mật thiết với Chúa Giê-su, với Thiên Chúa và thể hiện lòng Mến Chúa trên hết mọi sự.
Kế đến chúng ta đáp lại Thiên Chúa là TÌNH YÊU CHO ĐI trong đời sống gia đình bằng một đời sống hy sinh, phục vụ những người ruột thịt với một tình yêu vô vị lợi, không tính toán và giúp mọi người trong gia đình biết yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân như Chúa dạy.
Sau cùng chúng ta đáp lại Thiên Chúa là TÌNH YÊU CHO ĐI trong đời sống cộng đồng và xã hội bằng một đời sống mình vì mọi người nhằm mưu ích chung cho mọi người, nhất là cho những người yếu kém nhất trong xã hội.
V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý: ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]
5.1 “Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa.” Chúng ta hãy cầu nguyện cho các dân tộc trên thế giới để mọi người, mọi cộng đồng biết sống yêu thương bác ái với nhau.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.2 “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” Chúng ta hãy cầu nguyện cho các Ki-tô hữu, nhất là cho Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ, để mọi thành phần Dân Chúa sống yêu thương và hy sinh phục vụ theo gương Chúa Giê-su Ki-tô.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.3 “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người thuộc giáo xứ chúng ta, nhất là cho những người tham dự Thánh Lễ này, để ai nấy sống bác ái yêu thương với mọi người xung quanh theo gương Thầy Giê-su.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.4 “Anh em là bạn hữu của Thầy.” Chúng ta hãy cầu nguyện cho các Ki-tô hữu khát khao đời sống trọn lành để họ cảm nghiệm được tình bạn hữu của Chúa Giê-su, Thiên Chúa làm người.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.
- 09/5 Thánh Thần giúp con người biết khôn ngoan giải quyết vấn đề
- 08/5 Yêu thương là chìa khóa để tồn tại
- 07/5 Những gì là cốt tủy của Kitô Giáo
- 06/5 Điều gì là điều khẩn thiết của Kitô Giáo?
- 05/5 Phải qua gian khổ mới đạt tới vinh quang
- 04/5 Hoạt động dưới ảnh hưởng của Ba Ngôi Thiên Chúa
- 03/5 Hiệp nhất trong Thiên Chúa và trong Giáo Hội
- 02/5 Hãy dùng cơ hội Thiên Chúa cho để mang ơn cứu độ đến mọi người
- 03/5 Sống mật thiết với Chúa Giêsu Kitô
- 01/5 Mọi điều Thiên Chúa hứa được hoàn thành bởi Đức Kitô