“Ý ĐỊNH VÀ ĐƯỜNG LỐI CỦA THIÊN CHÚA”
CHÚA NHẬT III PHỤC SINH NĂM B (19/04/2015)
[Cv 3,13-15.17-19; 1 Ga 2,1-5a; Lc 24,35-48]
I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Điều quan trọng nhất đối với Ki-tô hữu chúng ta là hiểu biết, yêu mến và sống phù hợp với Ý Định và Đường Lối của Thiên Chúa đã được thể hiện trong lịch sử Cứu độ và nhất là trong Mầu Nhiệm Vượt Qua, -tức trong cái chết và sự phục sinh- của Đức Giê-su Ki-tô, Con Một Thiên Chúa. Có như thế chúng ta mới có thể đi vào mối hiệp thông với Thiên Chúa: hiệp thông trong tư tưởng và hiệp thông trong hành động.
Các bài Thánh Kinh hôm nay giúp chúng ta nhận ra Ý Định và Đường Lối của Thiên Chúa trong Mầu Nhiệm Khổ Nạn và Phục Sinh của Đức Ki-tô. Chúng ta hãy chăm chú đọc các bài Sách Thánh ấy, lắng nghe và đón nhận sứ điệp của Lời Chúa để thực thi cho trọn tình trọn nghĩa với Thiên Chúa Tình Yêu.
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Trong bài đọc 1 (Cv 3, 13-15.17-19): Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết.
(13) Hôm ấy ông Phê-rô lên tiếng nói với dân chúng rằng: “Thiên Chúa của các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp, Thiên Chúa của cha ông chúng ta, đã tôn vinh Tôi Trung của Người là Đức Giê-su, Đấng mà chính anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt quan Phi-la-tô, dù quan ấy xét là phải tha. (14) Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công Chính, mà lại xin ân xá cho một tên sát nhân. (15) Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết: về điều này, chúng tôi xin làm chứng.”
(17) "Thưa anh em, giờ đây tôi biết anh em đã hành động vì không hiểu biết, cũng như các thủ lãnh của anh em. (18) Nhưng, như vậy là Thiên Chúa đã thực hiện những điều Người dùng miệng tất cả các ngôn sứ mà báo trước, đó là: Đấng Ki-tô của Người phải chịu khổ hình. (19) Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xóa bỏ tội lỗi cho anh em.”
2.2 Trong bài đọc 2 (1 Ga 2,1-5a): Chính Đức Giê-su Ki-tô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta và tội lỗi cả thế gian nữa.
(1) Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của tôi, tôi viết cho anh em những điều này, để anh em đừng phạm tội. Nhưng nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha: đó là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Công Chính. (2) Chính Đức Giê-su Ki-tô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa. Điều kiện thứ hai: tuân giữ các điều răn, nhất là điều răn bác ái (3) Căn cứ vào điều này,chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa: là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người. (4) Ai nói rằng mình biết Người mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy. (5) Còn hễ ai giữ lời Người dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo.
2.3 Trong bài Tin Mừng (Lc 24,35-48): Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại.
(35) Bấy giờ hai môn đệ từ Em-mau trở về, thuật lại những gì đã xẩy ra dọc đường và việc mình nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.
(36) Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: "Bình an cho anh em!" (37) Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. (38) Nhưng Người nói: "Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? (39) Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây ?" (40) Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. (41) Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: "Ở đây anh em có gì ăn không?" (42) Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. (43) Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.
(44) Rồi Người bảo: "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm." (45) Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh (46) và Người nói: "Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; (47) phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. (48) Chính anh em là chứng nhân về những điều này. (49) "Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống."
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân Dung của Thiên Chúa:
(1°) Bài đọc 1 (Cv 3, 13-15.17-19) là bài giảng của Tông đồ Trưởng Phê-rô về sự kiện Chúa Giê-su được Thiên Chúa tôn vinh sau khi Người bị người Do-thái và Rô-ma giết chết trên thập giá. Thánh Phê-rô nói rằng: vì không biết, không ý thức mà những người đồng hương đã giết hại Đấng Thánh của Thiên Chúa. Nhưng để được Thiên Chúa thứ tha, xóa bỏ tội lỗi thì những người này phải biết ăn năn sám hối về những tội họ đã phạm, quay về với Thiên Chúa và nhìn nhận Đức Giê-su là Đấng Ki-tô và là Con Một Thiên Chúa.
Vậy chúng ta có thể kết luận được rằng: Thiên Chúa là Đấng từ bi lân ái, giầu lòng xót thương và thứ tha. Người thực hiện Ý Định và Đường Lối cứu độ của Người trong cái chết và sự phục sinh của Chúa Giê-su Ki-tô, Con Yêu Dấu của Người.
(2°) Bài đọc 2 (1 Ga 2,1-5a) là một trích đoạn trong Thư thứ nhất của Thánh Gio-an Tông đồ trong đó ngài nêu rõ hai mục tiêu của Thư:
(a) một là để con cái ngài không phạm tội mất lòng Chúa và
(b) hai là để họ tuân giữ các giới răn, nhất là giới răn bác ái là giới răn riêng của Thầy Giê-su.
Vậy chúng ta có thể quả quyết điều này: Thiên Chúa là Đấng Thánh và là Tình Yêu. Là Đấng Thánh nên Thiên Chúa không thể yêu thích tội lỗi. Là Tình Yêu nên Thiên Chúa muốn cho mọi người được hạnh phúc nhờ việc tuân giữ giới răn yêu thương của Người.
(3°) Bài Tin Mừng (Lc 24,35-48) là tường thuật của Thánh Lu-ca vể lần hiện ra của Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh với các tông đồ, trong đó chân dung Đức Giê-su Ki-tô Phục Sinh được phác họa rất đậm nét. Vẫn là khung cảnh quen thuộc của các tường thuật Chúa Phục Sinh hiện ra với các môn đệ: cửa đóng kín, các môn đệ sợ sệt, bán tín bán nghi về chính Thầy của mình. Cảm thông với tâm trạng và hoàn cảnh đặc biệt ấy của các tông đồ, Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh đã tìm mọi cách để đánh tan mối nghi ngờ trong lòng các ông và giúp các ông nhận ra Người:
- Trước hết Người đã ăn miếng cá nướng mà các tông đồ đưa cho Người để chứng tỏ Người là người chứ không phải là ma.
- Kế đến Người đã cho các ông xem cạnh sườn và dấu tích của cuộc thương khó để chứng tỏ Người là Thầy Giê-su của các ông chứ không phải là ai khác.
- Sau cùng Người đã mở lòng, mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh, để các ông hiểu và sống phù hợp với ý định và đường lối của Thiên Chúa.
3.2 Sứ điệp của Lời Chúa:
Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là: “Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại”
Đó là Ý Định và Đường Lối của Thiên Chúa về Chúa Giê-su Ki-tô mà Thiên Chúa mời gọi chúng ta đón nhận!
Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay còn là: “Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này”
Đó là ý định và đường lối của Thiên Chúa về các Ki-tô hữu mà tất cả và mỗi người chúng ta được Thiên Chúa mời gọi sống sao cho phù hợp.
IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA LỜI CHÚA HÔM NAY
4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng quyền năng và yêu thương nên đã sai Con Một xuống thế làm người và đã ban Thần Khí Người. cho cộng đòan kẻ tin. Ngôi Hai Thiên Chúa đã chết trên thập giá và phục sinh để đền bù mọi tội lỗi của nhân lọai và làm cho loài người trở thành gia đình của Thiên Chúa. Thánh Thần đã được ban cho các tín hữu để họ làm chứng cho Chúa Giê-su chết và phục sinh.
4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa
Thực thi sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là mỗi người/cộng đoàn Giáo hội (giáo xứ, giáo phận, hội đoàn tông đồ, dòng tu) kiểm điểm cách sống của mình, xem:
(a) mình/cộng đoàn mình đã thấu hiểu Ý Định và Đường Lối của Thiên Chúa về Chúa Giê-su Ki-tô như thế nào?
(b) mình/cộng đoàn mình đã thấu hiểu Ý Định và Đường Lối của Thiên Chúa về sứ mạng và vai trò rao giảng Tin Mừng và làm chứng của mình / cộng đoàn mình như thế nào?
(c) mình/cộng đoàn mình đã sống phù hợp với Ý Định và Đường Lối của Thiên Chúa như thế nào trong đời sống cá nhân và cộng đoàn?
V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý: ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]
5.1 “Thiên Chúa của cha ông chúng ta, đã tôn vinh Tôi Trung của Người là Đức Giê-su…” Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa ban các dân tộc trên thế giới mau chóng nhận ra Thiên Chúa là Cha và Chúa Giê-su là Đấng Cứu Độ nhân lọai mà Cha đã ban cho hết mọi người, mọi dân tộc.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.2 “Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này.” Chúng ta hãy cầu nguyện cho các Ki-tô hữu, nhất là cho Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ, để mọi thành phần Dân Chúa trở thành chứng nhân của Chúa Giê-su Ki-tô là Cứu Chúa của toàn thể nhân loại.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.3 “Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa.” Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người thuộc giáo xứ chúng ta, nhất là cho những người tham dự Thánh Lễ này, để ai nấy đều biết mở lòng và cuộc sống đón nhận quà tặng của Đấng Phục sinh là Thánh Thần.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.4 “Chính Đức Giê-su Ki-tô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta.” Chúng ta hãy cầu nguyện cho các tội nhân biết ăn năn hối cải để được Chúa Ki-tô tha thứ và cứu chuộc.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.