Sống Lời Chúa Hôm Nay
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Hai Tuần II MC
Bài đọc: Dan 9:4-10; Lk 6:36-38.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy tha thứ như Thiên Chúa đã tha thứ.
Nhiều người hôm nay đã đánh mất ý thức tội lỗi; và như một hậu quả, họ phải chịu nhiều hình phạt do tội lỗi mang lại cho cá nhân, cho gia đình, cũng như cho xã hội. Hậu quả xảy ra cho cá nhân có thể thấy qua sự nóng nảy, ghen tương, và nghiền ngập đủ lọai. Hậu quả xảy ra cho gia đình có thể nhận ra qua những cãi vã, giận hờn, và chia ly cách biệt. Hậu quả xảy ra cho xã hội có thể nhìn thấy qua những tội ác, nghèo đói, và khủng hỏang kinh tế trầm trọng. Những điều này cho con người thấy tội lỗi không phải chỉ gây thiệt hại cho cá nhân, nhưng gia đình và xã hội cũng phải chịu thiệt hại. Vì thế, mọi người trong xã hội đều có bổn phận khuyên bảo, dạy dỗ, và tạo một môi trường lành mạnh cho các cá nhân được lớn lên trong đó.
Người tín hữu Công Giáo có một bảo vật quí giá để giải quyết những vấn đề này là Bí-tích Giải Tội mà nhiều tín hữu đã không biết lợi dụng. Việc xét mình thường xuyên sẽ giúp cho các cá nhân nhận ra những thói quen xấu và sửa trị kịp thời. Tất cả các mặc cảm tội lỗi được tha thứ khi họ thú nhận tội với vị linh mục nơi tòa Giải-Tội. Xét mình còn giúp cho các cá nhân nhìn ra những yếu đuối và tội lỗi của tha nhân, họ cũng là người yếu đuối và tội lỗi như mình. Nếu mình đã được Thiên Chúa tha thứ tất cả các tội, mình cũng phải tha thứ tất cả cho anh chị em như vậy. Điều này sẽ dẫn tới việc hàn gắn các mối liên hệ trong gia đình cũng như ngòai xã hội.
Các Bài Đọc hôm nay giúp chúng ta nhận ra sự quan trọng của việc ăn năn xám hối. Trong Bài Đọc I, tiên tri Daniel nhìn rõ tất cả mọi con dân Israel đã xúc phạm đến Thiên Chúa, và xứng đáng lãnh nhận mọi hình phạt trong nơi lưu đày. Họ đã vi phạm Lề Luật của Thiên Chúa nhiều lần, và quay lưng lại với các tiên tri mà Ngài đã liên tục gởi đến cho họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ hãy có lòng nhân từ như Thiên Chúa là Đấng nhân từ. Để thực hiện điều này, các môn đệ phải nhận ra lòng nhân từ của Thiên Chúa đối với chính họ qua việc tha thứ các tội lỗi; trước khi họ có thể tỏ lòng nhân từ với anh em.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Lời thú tội của tiên tri Daniel
Trong nơi lưu đày, người Do-Thái có nhiều thời gian và cơ hội nhìn lại quá khứ, để tìm hiểu ra lý do họ phải sống cực khổ xa quê hương. Họ là dân riêng của Thiên Chúa, và Ngài hứa sẽ yêu thương và bảo vệ họ nếu họ tuân giữ các Lề Luật Ngài ban qua Moses. Tiên tri Daniel là người sống nơi lưu đày, khi xét mình đã nhận ra hai lỗi lầm lớn của tòan dân như sau:
(1) Tòan dân đã không tuân giữ Lề Luật của Thiên Chúa: TT Daniel thú nhận với Thiên Chúa: “Chúng con đã phạm tội, đã lỗi lầm, đã làm điều gian ác, chúng con đã phản nghịch và lìa xa các mệnh lệnh, phán quyết của Ngài.” Những tội chính các tiên tri đã tố cáo Israel trước khi bị lưu đày là bất trung, cúi đầu thờ lạy các thần ngọai và quay lưng lại Thiên Chúa; giả hình, dâng lễ vật và cầu nguyện cho qua lần chiếu lệ; bất công, dùng luật lệ để cướp của dân nghèo.
Nhận ra tội lỗi của mình cũng là lúc nhận ra sự công chính của Thiên Chúa: Ngài không vi phạm giao ước Ngài đã ký kết, chính Israel đã xé giao ước này khi phạm tội: “Lạy Chúa Thượng, Chúa là Đấng Công Chính; còn chúng con thì đáng phải hổ mặt hổ mày như ngày hôm nay - chúng con là những người Judah, cư dân thành Jerusalem và toàn thể Israel, những người ở gần cũng như ở xa, trong mọi xứ Ngài đã đuổi đến vì tội bất trung đã phạm chống lại Ngài.”
(2) Tòan dân đã không vâng lời các tiên tri Thiên Chúa gởi đến: Thiên Chúa không sửa phạt các cá nhân hay tòan dân Israel ngay lần đầu sau khi họ phạm tội; nhưng Ngài kiên nhẫn gởi nhiều ngôn sứ tới, miền Nam cũng như miền Bắc, để kêu gọi họ ăn năn xám hối. Không những họ đã không nghe lời, lại còn đối xử tàn tệ với các tiên tri. TT Daniel thú tội: “Chúng con đã không nghe lời các tôi tớ Chúa là các ngôn sứ. Các ngài đã nhân danh Chúa mà nói với vua chúa quan quyền, với cha ông chúng con và toàn dân trong xứ.”
Mặc dù tòan dân đã xúc phạm đến Thiên Chúa, và xứng đáng đón nhận mọi hình phạt Ngài dùng để sửa trị; TT Daniel vẫn tin lòng thương xót của Thiên Chúa lớn hơn các tội phản nghịch của Israel: “Chúa Thượng là Thiên Chúa chúng con có lòng xót thương và hay tha thứ, vì chúng con đã phản nghịch cùng Ngài.” Tiên tri tin tưởng, nếu tòan dân biết ăn năn xám hối, Thiên Chúa sẽ xót thương và tha thứ.
2/ Phúc Âm: Hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.
2.1/ Xét mình và xưng tội thường xuyên giúp con người trở nên nhân từ: Nhân đức là thói quen tốt được dùng để sửa trị tội lỗi, là những thói quen xấu. Để có lòng nhân từ, con người phải qua một tiến trình như sau:
(1) Nhận ra yếu đuối và tội lỗi của mình: Xét mình là việc đầu tiên phải làm để nhận ra tội mình đã xúc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân. Người không thường xuyên xét mình sẽ không nhận ra tội cần sửa chữa; và vì vậy, họ coi mình tốt lành, và dễ kiêu ngạo để phán xét và lên án tha nhân. Người thường xuyên xét mình dễ nhận ra tội lỗi để thú tội và lãnh nhận ơn tha thứ; đồng thời việc xét mình cũng giúp họ sửa trị kịp thời những thói quen xấu: “năng xét mình, năng chừa” là vậy. Ai cũng biết thói quen xấu để lâu ngày rất khó chừa.
(2) Nhận ra yếu đuối và tội lỗi của tha nhân: Xét mình không chỉ giúp cho sự thăng tiến cá nhân, nhưng còn giúp cho sự thăng tiến gia đình và xã hội. Xét mình giúp con người nhận ra sự yếu đuối của con người: “thánh nhân ngày còn ngã 7 lần;” không ai không có tội. Nếu mình cũng có đầy khuyết điểm tội lỗi, tại sao lại bắt người khác phải tốt lành, thánh thiện, điều không ai có thể làm nổi! Vì thế, con người dễ dàng nhân từ và tha thứ cho tha nhân hơn. Nếu Thiên Chúa đã nhân từ tha thứ cả núi tội của mình, không có lý do gì mình lại giữ những tội nhiều khi quá nhỏ của tha nhân, như Chúa Giêsu cảnh cáo: “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.”
2.2/ Ăn ở rộng lượng với mọi người: Nguồn gốc của tình yêu nhân từ và tha thứ đến từ Thiên Chúa. Ngài thương yêu và tha thứ khi con người vẫn còn là tội nhân, và chẳng ra điều kiện gì trước khi tha thứ. Vì thế, khi con người đã được hưởng lòng nhân từ của Thiên Chúa, con người cũng phải đối xử nhân từ với tha nhân như vậy: đừng tha thứ nửa chừng, cũng đừng đòi điều kiện nào cả, như Chúa Giêsu dạy: “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Nhận ra mình là tội nhân giúp chúng ta hai điều: Chúng ta cần được Thiên Chúa tha thứ và chúng ta sẽ dễ dàng thông cảm và tha thứ cho anh chị em hơn. Ngược lại, nếu không nhận ra mình là tội nhân, chúng ta sẽ dễ dàng kiêu ngạo coi mình là hòan thiện; và rất dễ phê bình, xét đóan, kết án, và không tha thứ cho người khác.
- Nếu chúng ta nói chúng ta không có tội, chúng ta biến Thiên Chúa thành kẻ nói dối, và Máu Cực Thánh của Chúa Giêsu đổ ra sẽ không sinh ích lợi cho chúng ta.
- Bí-tích Gỉai-Tội không thể thiếu cho việc thăng tiến cá nhân và bảo vệ hạnh phúc gia đình. Gia đình nào năng cùng nhau lãnh nhận Bí-tích này sẽ dễ dàng giải quyết các xung đột.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Nguồn: Tổng Giáo Phận Huế
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Chủ Nhật II Mùa Chay, Năm B
Bài đọc: Gen 22:1-2, 9, 10-13, 15-18; Rom 8:31-34; Mk 9:2-10.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa hy sinh Người Con Một cho con người.
Tình yêu là quan niệm trừu tượng: con người không thể định nghĩa tình yêu, nhưng có thể cảm nghiệm thế nào là tình yêu. Tình yêu Thiên Chúa còn khó hiểu hơn nữa, vì chúng ta chưa từng thấy Ngài; nhưng chúng ta có thể cảm nghiệm sâu xa tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người mỗi khi ngước nhìn Cây Thập Giá.
Các Bài Đọc hôm nay được sắp xếp rất tài tình để giúp chúng ta cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa qua hai biến cố xảy ra trên Núi Moriah và trên Đồi Golgotha. Trong Bài Đọc I, Sách Sáng Thế Ký tường thuật sự kiện Thiên Chúa muốn thử thách đức tin của ông bằng cách ra lệnh cho ông phải giết Isaac, người con một duy nhất chính Thiên Chúa đã ban cho ông trong lúc tuổi già. Với một niềm tin sắt đá vào Thiên Chúa, ông đã giơ dao sẵn sàng giết con theo lệnh truyền của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc II, Thánh Phaolô đã so sánh biến cố này với biến cố Tử Nạn của Chúa Giêsu trên Đồi Golgotha, trước khi rút ra kết luận: Nếu Thiên Chúa đã yêu con người đến độ đã hy sinh Người Con Một cho con người, còn gì có thể mà Thiên Chúa không làm cho con người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mang 3 môn đệ thân tín lên núi Thabor, cho các ông xem thấy vinh quang của Ngài, để chuẩn bị cho các ông đối diện với Cuộc Thương Khó sắp tới.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Tổ-phụ Abraham sẵn sàng hy sinh người con một cho Thiên Chúa.
1.1/ Đức tin của Tổ-phụ Abraham: Đức tin phải chịu thử thách. Trình thuật Sáng Thế Ký hôm nay nói rõ: “Thiên Chúa muốn thử lòng ông Abraham.” Nhưng là một thử thách quá to lớn, vượt quá sức chịu đựng của con người khi Thiên Chúa đòi hỏi: “Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là Isaac, hãy đi đến xứ Moriah mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho.”
(1) Nếu chúng ta là Abraham, chúng ta sẽ phản ứng làm sao trước đòi hỏi của Thiên Chúa:
* Đủ rồi Chúa ơi! Hết cách để thử rồi sao Chúa? Đây là người con một, người con Chúa ban cho trong lúc tuổi già. Nếu Thiên Chúa muốn Isaac như thế, chẳng thà đừng ban!
* Làm sao một người cha có can đảm cầm dao giết đứa con vô cùng yêu quí của mình? Lại là đứa con nối dõi tông đường!
(2) Phản ứng của Abraham: Nếu cứ quanh quẩn với lý luận con người, Abraham sẽ không thể hiểu nổi và chấp nhận đòi hỏi của Thiên Chúa, vì nó quá vô lý; nhưng ông chọn, như bao nhiêu lần đã chọn, để sống theo niềm tin. Thiên Chúa ban cho rồi Thiên Chúa cất đi, xin cho ý Ngài thể hiện. Thiên Chúa cất đi rồi Thiên Chúa lại ban, chẳng có gì không thể đối với Ngài. Vì thế, khi tới nơi Thiên Chúa đã chỉ, ông Abraham dựng bàn thờ tại đó, xếp củi lên, trói Isaac con ông lại, và đặt lên bàn thờ, trên đống củi. Rồi ông Abraham đưa tay ra cầm lấy dao để sát tế con mình.
1.2/ Vở bi kịch chấm dứt các đột ngột: Nhưng sứ thần của Đức Chúa từ trời gọi ông: "Abraham! Abraham!" Ông thưa: "Dạ, con đây!" Người nói: "Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó! Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa: đối với Ta, con của ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc!"
- Thiên Chúa nhìn thấu suốt tâm hồn Abraham: Ông thực sự đặt niềm tin trọn vẹn nơi Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa muốn thử ông, nên khi thấy ông đã chứng tỏ niềm tin, Thiên Chúa không cần phải nhìn thêm điều gì nữa.
- Tổ-phụ Abraham dâng của lễ thay cho con mình là Isaac: “Ngước mắt lên nhìn, thì thấy phía sau có con cừu đực bị mắc sừng trong bụi cây. Ông Abraham liền đi bắt con cừu ấy mà dâng làm lễ toàn thiêu thay cho con mình.”
1.3/ Phần thưởng Đức Chúa hứa ban cho Tổ-phụ Abraham: Sứ thần của Đức Chúa từ trời gọi ông Abraham một lần nữa và nói: "Đây là sấm ngôn của Đức Chúa, Ta lấy chính danh Ta mà thề: bởi vì ngươi đã làm điều đó, đã không tiếc con của ngươi, con một của ngươi, nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi:
(1) Giòng dõi đông đúc: Ta sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển.
(2) Đất Hứa: Giòng dõi ngươi sẽ chiếm được thành trì của địch.
(3) Và một dân tộc được tuyển chọn: Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ cầu chúc cho nhau được phúc như dòng dõi ngươi, chính bởi vì ngươi đã vâng lời Ta.
2/ Bài đọc II: Thiên Chúa đã hy sinh Người Con Một cho con người.
2.1/ So sánh tình yêu của Thiên Chúa với tình yêu của Tổ-phụ Abraham: Biến cố xảy ra trên Núi Moriah chỉ là hình bóng và sự chuẩn bị để con người hiểu được biến cố xảy ra trên Đồi Golgotha. Có nhiều điểm giống nhau và khác nhau giữa hai biến cố này:
(1) Cả hai người cha đều sẵn sàng hy sinh Người Con Một, người con yêu quí nhất. Nếu chúng ta hiểu được tình cha con giữa Abraham và Isaac, chúng ta cảm nghiệm được phần nào tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con. Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, biến cố Abraham-Isaac là để chuẩn bị tâm hồn chúng ta cho biến cố Chúa Giêsu, để chúng ta cảm nhận được phần nào tình yêu Thiên Chúa dành cho con người.
(2) Một sự khác biệt vô cùng lớn lao giữa hai biến cố: Trong biến cố Cựu Ước, Isaac không chết, con cừu đực được giết làm của lễ tòan thiêu chết thay cho con trẻ. Trong biến cố Tân Ước, Chúa Giêsu đã chết thực sự thay cho con người bằng cái chết tủi nhục và đau đớn hơn nhiều. Nếu chúng ta đã từng bất bình khi Thiên Chúa đòi Abraham sát tế con mình, chúng ta có thể hiểu nổi tình thương Thiên Chúa dành cho con người không? Thiên Chúa, chúng ta chưa từng xem thấy; nhưng khi nhìn thấy Chúa Giêsu chết treo trên Thập Giá, chúng ta cảm nhận được tình yêu quá lớn lao Ngài dành cho con người.
2.2/ Thiên Chúa không kết án con người: Thánh Phaolô giúp chúng ta rút ra một số kết luận từ biến cố này: “Vậy còn phải nói gì thêm nữa? Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta? Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?”
Thiên Chúa không muốn kết án con người, con người kết án chính mình bằng cách dửng dưng hay quay lưng lại với tình yêu Thiên Chúa: “Ai sẽ buộc tội những người Thiên Chúa đã chọn? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Đấng làm cho nên công chính? Ai sẽ kết án họ? Chẳng lẽ Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta?”
3/ Phúc Âm: Chúa Giêsu biến hình để chuẩn bị tâm hồn cho các Tông-đồ.
3.1/ Mục đích của việc Biến Hình: Chúa Giêsu cho các Tông-đồ nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa là để dạy cho các ông bài học: phải qua đau khổ mới đạt tới vinh quang. Ngài chuẩn bị cho các Tông-đồ trước Cuộc Thương Khó sắp tới; để khi các ông phải đương đầu với Cuộc Thương Khó, các ông có sức mạnh để chịu đựng và vượt qua.
3.2/ Chúa Giêsu mặc khải cho các Tông-đồ nhiều điều: Có nhiều điều Chúa Giêsu muốn mặc khải cho các Tông-đồ qua việc Biến Hình này, nhưng không được trình bày cách rõ ràng:
(1) Ngài chính là Con Thiên Chúa: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.”
Đây là lần thứ hai Thiên Chúa Cha nói những lời này; lần thứ nhất trong biến cố Chúa chịu Phép Rửa tại sông Jordan trước khi Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ rao giảng. Lần này trước khi Chúa Giêsu bắt đầu Cuộc Thương Khó và Phục Sinh. Mục đích là để các Tông-đồ xác tín mối liên hệ giữa Chúa Cha và Chúa Con.
(2) Ngài chính là Đấng Thiên Sai mà Luật và các tiên-tri loan báo: Sự có mặt của hai chứng nhân: ông Elijah đại diện cho các tiên tri, cùng ông Moses đại diện cho Luật, hiện ra đàm đạo với Đức Giêsu, chứng tỏ điều này.
(3) Đấng Thiên Sai tự nguyện chọn con đường Thập Giá: Câu hỏi của các môn đệ ở cuối trình thuật: "từ cõi chết sống lại nghĩa là gì?” chứng tỏ các ông biết họ đàm đạo về Cuộc Thương Khó sắp xảy ra cho Chúa Giêsu tại Jerusalem. Trình thuật Biến Hình của Luca nói rõ điều này.
(4) Tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người: Đây là điểm cao của việc Biến Hình, mặc dù trình thuật không đề cập tới. Khi cho Con của Ngài đi qua Cuộc Thương Khó để cứu chuộc con người, Thiên Chúa muốn các ông hiểu tình yêu của Ngài dành cho con người.
(5) Chúa Giêsu tự nguyện đi qua Cuộc Thương Khó: Các ông đã nghe chính Ngài bàn với các chứng nhân Cựu Ước về những gì sắp xảy ra; để khi nó thực sự xảy ra, các ông biết đó không phải là chuyện tình cờ. Ngài tình nguyện chấp nhận chịu đau khổ, chứ không phải Ngài thua cuộc trước bạo lực của con người.
3.3/ Tại sao Chúa Giêsu ngăn cấm các ông kể lại việc Biến Hình:
- Bí mật của Đấng Thiên Sai: Có những việc chỉ cần cho một số người biết, nếu không sẽ gây hoang mang. Có những việc chỉ được tiết lộ khi thời gian đã chín mùi. Chúa chỉ tỏ việc Biến Hình cho ba môn đệ thân tín là Phêrô, Giacôbê, và Gioan. Ở trên núi xuống, Đức Giêsu truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa cho Người Con Một là cho chính Ngài. Ngài cũng mong chúng ta phải cho chính người con một của chúng ta, tức là cho chính chúng ta, như Abraham vậy. Tình yêu trọn vẹn là như thế. Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Ngài qua hai biến cố: chuẩn bị tâm hồn con người qua biến cố Abraham-Isaac, và cảm nghiệm rõ ràng qua Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu.
- Chúng ta không thể hiểu sự thử thách của Thiên Chúa dành cho Abraham, và càng không thể hiểu nổi tại sao Thiên Chúa lại hy sinh Người Con Một của Ngài. Điều này giúp chúng ta những lúc không thể hiểu tại sao Thiên Chúa để đau khổ xảy ra, chúng ta biết tin tưởng vào Ngài như Abraham.
- Đức tin phải được tôi luyện trong thử thách và đau khổ. Đàng sau Cuộc Thương Khó và Thập Giá là vinh quang Phục Sinh. Nếu chúng ta từ chối đau khổ và Thập Giá, chúng ta cũng từ chối con đường dẫn tới vinh quang Phục Sinh.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Bảy Tuần I MC
Bài đọc: Deut 26:16-19; Mt 5:43-48.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Trở nên hòan thiện bằng yêu thương kẻ thù.
Tự do chọn lựa là hành động căn bản nhất của con người và được làm hằng ngày. Khi phải chọn lựa, con người thường dựa trên một số tiêu chuẩn căn bản như: mục đích, tiện lợi, dễ dàng, bền, rẻ, đẹp … Ví dụ, khi con người chọn những nhà lãnh đạo để điều khiển quốc gia, thành phố, đòan thể, họ thường lựa chọn những cá nhân có khả năng hơn người thường, để có thể chu tòan sứ vụ được trao phó.
Thiên Chúa, Đấng dựng nên tất cả, cũng chọn lựa dân tộc và các cá nhân để thi hành thánh ý của Ngài. Lịch sử của Cựu Ước cũng như Tân Ước thể hiện đầy đủ những sự lựa chọn của Thiên Chúa: chọn Israel, Abraham, Moses, Aaron, Joshua, Vua Saul, các tiên-tri, Chúa Giêsu … Các Bài Đọc hôm nay nhấn mạnh đến lý do tại sao Thiên Chúa chọn dân tộc hay nhóm người. Trong Bài Đọc I, tác giả đưa ra lý do tại sao Thiên Chúa chọn dân tộc Israel là dân tộc riêng của Ngài: để tuân giữ các thánh chỉ và mệnh lệnh của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ phải yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho họ, vì các môn đệ được kêu gọi để trở nên hòan thiện như Cha trên trời là Đấng hòan thiện.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Phải hết lòng tuân giữ và đem ra thực hành các thánh chỉ, mệnh lệnh của Chúa.
1.1/ Israel là dân tộc được Thiên Chúa chọn: Một trong những điều chính yếu Sách Đệ Nhị Luật muốn nhấn mạnh tới là Thiên Chúa chọn Israel. Đức Chúa tuyên bố rằng Người sẽ là Thiên Chúa của anh em, và anh em sẽ là dân thuộc quyền sở hữu của Người. Anh em sẽ là một dân tộc thánh hiến cho Đức Chúa. Tại sao Thiên Chúa chọn Israel trong bao nhiêu những dân tộc khác? Thiên Chúa chọn dân tộc Do-Thái vì họ là con cái của tổ-phụ Abraham. Thiên Chúa chọn và chúc lành cho giòng dõi Abraham, vì Tổ phụ hết lòng tin tưởng nơi Thiên Chúa và bước đi trong đường lối của Ngài.
1.2/ Dân tộc được chọn phải khác với các dân tộc khác: Vì Israel là dân tộc được chọn, nên họ phải phản ánh sự thánh thiện của Thiên Chúa. Tác giả Sách Đệ Nhị Luật liệt kê bổn phận và quyền lợi của dân tộc Israel:
(1) Bổn phận: “Anh em phải đem ra thực hành các thánh chỉ và quyết định này. Anh em phải hết lòng hết dạ tuân giữ và đem ra thực hành các điều ấy.”
(2) Quyền lợi: “Thiên Chúa sẽ cho anh em vượt mọi dân tộc Người đã tạo dựng, xét về vinh dự, danh tiếng, và vinh quang.”
Sự lựa chọn của Thiên Chúa là lựa chọn có điều kiện: Ngài lựa chọn dân tộc Israel để thi hành ý muốn của Ngài. Một cách cụ thể qua Giao Ước Sinai với Moses: Nếu họ giữ các giới luật của Thiên Chúa, họ sẽ là dân riêng của Ngài, và được Ngài che chở và gìn giữ. Nếu không, Thiên Chúa sẽ không nhận và không bảo vệ họ nữa. Các tiên tri của Cựu Ước đã nhiều lần nhắc nhở dân về sự bất trung của họ và cơn giận của Thiên Chúa.
- Amos: Tôi thấy Chúa Thượng đứng bên cạnh bàn thờ. Người phán: "Đập vào đầu trụ cho khung cửa lung lay! Phá khung cửa cho vỡ tan trên đầu cả bọn! Những đứa còn sót lại, Ta sẽ giết bằng gươm. Trong bọn chúng, không một tên trốn nổi, trong bọn chúng, không một đứa thoát thân” (9:1).
- Hosea: “Khốn cho chúng vì chúng đã lìa bỏ Ta. Chúng sẽ bị tiêu diệt, vì đã dám xúc phạm đến Ta. Ta, Ta muốn giải cứu chúng, còn chúng lại nói lời gian dối phạm đến Ta” (7:13).
2/ Phúc Âm: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.
2.1/ Hãy yêu thương kẻ thù: Chúa Giêsu biết rõ những gì Luật dạy: “Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù.” Nhưng Ngài dạy các môn đệ: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” Ngài biết con người không dễ để yêu kẻ thù; nhưng con người có thể làm được chuyện đó nếu họ được thấm nhuần tình yêu Thiên Chúa.
- Điểm đầu tiên chúng ta cần chú ý là động từ “yêu,” đặc biệt dùng ở đây là avgapa,w. Động từ này chỉ được dùng trong khuôn khổ của Kitô Giáo. Hai động từ yêu khác trong tiếng Hy-Lạp là ejréevw và file,w. Con người phải thấm nhuần tình yêu Thiên Chúa trước: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy” (Jn 15:4). Sau khi thấm nhuần tình yêu Thiên Chúa, họ có thể yêu kẻ thù bằng tình yêu này: “Như Thầy yêu anh em thế nào, anh em cũng hãy yêu thương nhau như vậy” (Jn 13:34).
- Cầu nguyện cho kẻ thù là cách tốt nhất để tha thứ và bắt đầu yêu thương họ. Nếu không cầu nguyện cho họ, cũng không thể tha thứ. Chúa Giêsu không chỉ dạy, nhưng Người đã làm gương cho môn đệ, khi cầu xin cho những người đã bách hại Ngài trên Thập Giá: “Lạy Cha! Xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” (Lk 23:34). Thánh Stephanô, tử đạo tiên khởi, cũng bắt chước gương Chúa Giêsu: "Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này" (Acts 7:60).
2.2/ Lý do tại sao phải yêu kẻ thù: Chúa Giêsu đưa ra 2 lý do:
(1) Anh em là con Thiên Chúa: “Con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh.” Chúa yêu thương mọi người, vì mọi người đều là con cái của Ngài: “Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.” Chúng ta yêu thương mọi người, vì mọi người đều là anh chị em chúng ta. Hơn nữa,
- Anh em phải khác người thu thuế: “Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao?”
- Anh em phải khác người ngọai đạo: “Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?”
(2) Được kêu gọi để trở nên hòan thiện: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” Trở nên hòan thiện đòi một luật sống khác với người thường; nếu không chúng ta cũng chỉ là người tầm thường như họ. Nhưng nếu họ nhìn thấy nơi chúng ta một lối sống không tầm thường, họ có thể nhận ra chúng ta là con cái Thiên Chúa: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta là những người được chọn để sống cho Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta phải sống theo lối sống của Thiên Chúa đề ra.
- Một trong những đòi hỏi của lối sống môn đệ Chúa là phải yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những người bách hại chúng ta. Từ chối không thi hành điều Chúa Giêsu dạy cũng đồng nghĩa với việc từ chối làm môn đệ Chúa.
- Để có thể thực hiện điều khó khăn này, chúng ta phải được thấm nhuần tình yêu của Thiên Chúa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Sáu Tuần I MC
Bài đọc: Eze 18:21-28; Mt 5:20-26.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sống trung thành yêu thương suốt cả đời.
Chúng ta thường chú trọng đến những cuộc trở lại, từ xấu thành tốt; và dường như không để ý đến những cuộc đời từ tốt thành xấu như cuộc đời của Judah Iscarioth. Trong thực tế, cả hai đều có thể xảy ra; và trường hợp thứ hai có thể xảy ra thường xuyên hơn trường hợp thứ nhất, đặc biệt trong đời sống gia đình. Ví dụ, khi chưa thành vợ chồng, cả hai người dường như ít khuyết điểm và đối xử với nhau yêu thương tử tế hơn.
Các Bài Đọc hôm nay nhắc nhở cho chúng ta biết cả hai cuộc trở lại đều có thể xảy ra, nếu chúng ta không cẩn thận xét mình. Trong Bài Đọc I, tiên tri Ezekiel nhấn mạnh đến cả lòng nhân từ lẫn sự công bằng của Thiên Chúa. Vì lòng nhân từ, Ngài không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn trở lại và được sống. Vì sự công bằng, Ngài phải luận phạt nếu người công chính bỏ đàng ngay thẳng để làm điều bất chính. Mỗi người có cả một cuộc đời để luyện tập trước khi Thiên Chúa xét xử con người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đòi các môn đệ phải sống công chính hơn các kinh sư: không phải chỉ tránh giết người phần xác, nhưng phải tránh cả giận hờn, la mắng, chửi rủa; vì những hành động này làm tổn thương danh dự của họ và đưa đến những thiệt hại phần hồn.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa nhân từ và công bằng.
1.1/ Đường lối xét xử của Thiên Chúa: Thiên Chúa không xét xử con người mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm; nhưng cho con người có cơ hội cả một đời, trước khi phán xét con người. Tiêu chuẩn phán xét dưới đây có lẽ áp dụng cho Ngày Phán Xét.
(1) Kẻ gian ác ăn năn trở lại sẽ được sống: Điều nổi bật trong Sách Tiên Tri Ezekiel là lòng nhân từ và thương xót của Thiên Chúa, được tóm gọn trong câu: “Chẳng lẽ Ta lại vui thích vì kẻ gian ác phải chết - sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng - Ta lại không muốn cho nó từ bỏ đường lối của nó mà được sống sao?” Vì thế, Ngài sẽ không ngừng gởi tới cơ hội và kêu gọi kẻ gian ác trở lại để được sống. Ngài hứa: “Nếu kẻ gian ác từ bỏ mọi tội lỗi mình đã phạm mà tuân giữ mọi quy tắc của Ta, cùng thi hành điều chính trực công minh, thì chắc chắn nó sẽ sống, nó không phải chết. Mọi tội phản nghịch nó phạm, người ta sẽ không còn nhớ đến; nó sẽ được sống vì đã thi hành lẽ công minh.”
(2) Người công chính từ bỏ đường ngay sẽ bị luận phạt: Thiên Chúa nhân từ nhưng cũng công bằng. Ngài kêu gọi kẻ tội lỗi ăn năn, và ban ơn gìn giữ người ngay lành đừng phạm tội. Tuy nhiên, Ngài cũng báo trước: “Nếu người công chính từ bỏ lẽ công chính của mình mà theo đòi kẻ gian ác làm mọi điều ghê tởm: nó làm thế mà được sống sao? Tất cả những việc công chính nó đã làm sẽ không còn được nhắc đến; vì tội bất trung và tội lỗi nó đã phạm, nó sẽ phải chết.”
1.2/ Lý luận của con người: Đứng trước cách phán xét của Thiên Chúa, nhiều người sẽ nói: "Đường lối của Chúa Thượng không ngay thẳng." Thiên Chúa trả lời: “Vậy hỡi nhà Israel, hãy nghe đây: Phải chăng đường lối của Ta không ngay thẳng hay đường lối của các ngươi mới không ngay thẳng?”
- Lý luận của con người: Chẳng lẽ chỉ vì phạm một tội cuối đời mà người công chính phải hư mất? Nếu Thiên Chúa công bằng, Ngài phải bỏ tội và phúc lên cân xem bên nào nặng hơn. Nếu bên tội nặng hơn, phải chịu hình phạt; nếu bên phúc nặng hơn, cần được thưởng.
- Trả lời: Tội và phúc không phải như đồ vật có thể cân được; nhiều khi một tội xem ra nhẹ, nhưng gây hậu quả nặng nề; và ngược lại. Hơn nữa, tội rất hay lây. Nếu một con vi trùng ung thư có thể làm thiệt hại mạng sống, tội còn gây hậu quả nặng nề hơn thế nữa. Ví dụ, trường hợp ngọai tình của Vua David: không những gây thiệt hại mạng sống cho Uriah, cho đứa con đầu lòng, cho Amnon và Absalom; mà còn để lại những vết thương lòng cho chính Vua David, Bà Bathsebah, và con gái Tamar. Đấy là chưa kể làm gương mù cho nhiều người và xáo trộn tình hình chính trị cả nước. Thiên Chúa là Đấng xét xử công minh, Ngài sẽ thưởng phạt chúng ta công bằng. Chúng ta không biết được hậu quả của tội; điều hay nhất là tránh mọi tội.
2/ Phúc Âm: Môn đệ Chúa phải sống công chính hơn các Kinh-sư và Biệt-phái.
2.1/ Giết người không chỉ giết về phần xác: Nhiều người khi xét tới điều răn thứ năm, thứ chín, và thứ mười, họ thấy mình không có tội, vì chưa bao giờ giết người, ngọai tình, và lấy của người khác. Nhưng Lời Chúa hôm nay cảnh tỉnh chúng ta phải xét mình cẩn thận hơn. Có những người muốn giết người, ngọai tình trong tư tưởng, và ham muốn của người; những tư tưởng như thế đã đủ làm con người phạm tội. Về việc giết người, Chúa nhấn mạnh đến 3 điểm sau:
- Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Có hai động từ “giận” trong Hy-lạp: (1)qumomace,wcó nghĩa “tức giận,” nhưng xong rồi thôi. Cơn giận nổi lên như lửa gần rơm, nhưng rồi cũng mau chóng nguội. (2) ovrgi,zomaichỉ sự giận âm ỉ, hờn giận. Cái giận thứ nhất có thể tha thứ vì thuộc bản năng con người; cái giận thứ hai đáng bị luận tội hay bị đưa ra tòa xét xử, vì là cái giận giai dẳng và từ chối không tha thứ, dù trí khôn đã cho biết phải bỏ qua. Cái giận mà có người nói “sống để trong lòng, chết mang theo.” Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu thơ lột tả được cái giận này: “Giết nhau chẳng cái lư cầu. Giết nhau bằng cái âu sầu độc chưa.”
- Ai mắng anh em mình là đồ ngu ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. ~Raka, có nghĩa người không có trí khôn, không biết suy xét; nó là tiếng khinh thường tha nhân. Con người thường rất tức giận khi nghe ai mắng mình là “đồ ngu ngốc.”
- Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt. Mwre, có nghĩa là người hành động như người điên rồ về phương diện luân lý. Thánh Vịnh 14, câu 1 nói “Kẻ ngu si tự nhủ: "Làm chi có Chúa Trời!" Chúng đã ra hư đốn, làm những điều ghê tởm, chẳng có một ai làm điều thiện.” Gọi ai Mwre, có nghĩa khinh thường họ có một cuộc đời vô luân, làm đĩ làm điếm, không xứng đáng với người có đạo. Tội làm mất danh giá người khác qua việc nói xấu, nói hành là tội nặng, và xứng đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt.
2.2/ Phải hòa thuận trước khi rước Mình Thánh Chúa: Luật Cựu Ước đòi phải dâng lễ vật để đền tội đã phạm đến Thiên Chúa và con người. Vì thế, Chúa Giêsu nói: “Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.” Nếu không giao hòa và tha thứ cho anh em, làm sao con người có thể dâng lễ vật để xin Thiên Chúa tha thứ tội của mình. Tương tự khi con người lên rước lễ, nếu còn đang có chuyện bất bình với tha nhân, làm sao họ có thể kết hợp và xin sự tha thứ của Thiên Chúa?
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Mỗi người chúng ta đều có thể từ xấu trở nên tốt, và từ tốt trở nên xấu. Nếu Thiên Chúa nhân từ không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn xám hối để được sống; Ngài cũng công bằng xét xử, nếu người công chính bỏ đàng tốt lành để theo đàng tội lỗi.
- Để trung thành theo đàng công chính, con người cần hiểu biết và sống theo những điều Chúa dạy; nhất là phải tuyệt đối sợ và tránh xa tội.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Năm Tuần I MC
Bài đọc: Est 4:17 (C: 12:14-16, 23-25); Mt 7:7-12.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cứ xin sẽ được.
Con người có nhiều nhu cầu: tinh thần cũng như vật chất. Một trong những điều chúng ta làm khi cầu nguyện là xin ơn cho bản thân, gia đình, và xã hội cũng như Giáo Hội. Điều Thiên Chúa muốn khi chúng ta xin ơn là phải vững tin Ngài sẽ làm chuyện tốt lành đó; nhất là khi đối diện với hòan cảnh tuyệt vọng, con người không còn biết trông cậy vào ai ngọai trừ Thiên Chúa.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc xin ơn. Trong Bài Đọc I, khi phải đương đầu với thảm họa tòan dân bị tru diệt, hòang hậu Esther đã chạy đến và cầu nguyện với Thiên Chúa: “Thần dân Ngài, xin Ngài giải thoát. Con cô đơn, xin đến cứu giúp con. Lạy Chúa, ngoài Ngài ra, con đâu còn ai nữa!” Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu bảo đảm cho các môn đệ: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hoàng hậu Esther xin Đức Chúa cứu dân khỏi đại họa.
1.1/ Nỗi lo âu kinh hòang của hòang hậu Esther: Bà là một người Do-Thái, nhưng được tuyển chọn làm hòang hậu Ba Tư thay cho Bà Vatti, khi Bà này bị thất sủng vì bất tuân lệnh ra trình diện Vua Ahasuerus. Chú của Bà, ông Mordecai cũng làm quan trong triều, ra lệnh cho Bà phải giấu kín tông tích của mình. Tể Tướng Hannah tức giận với Mordecai, vì ông không chịu sấp mình bái lạy khi ông đi qua - lý do là vì Mordecai chỉ bái lạy một mình Thiên Chúa - nên Tể Tướng âm mưu xin cho được dấu ấn của Nhà Vua để sát hại tòan bộ dân Do-Thái trong vùng.
Bà được chú Mordecai cho biết âm mưu của quan Tể Tướng Hannah, đã xin được dấu Phủ Việt của Vua Ahasuerus để tru diệt tòan bộ người Do-Thái. Mordecai muốn Bà can thiệp để xin tha cho dân, nhưng Bà không biết phải hành động làm sao; vì nếu Bà tự ý vào gặp Vua, Bà sẽ bị tử hình. Nhưng nếu không làm gì, chú Bà và tòan dân sẽ bị tru diệt; và như lời chú Bà cảnh cáo: chưa chắc Bà sẽ được sống an tòan với con sư tử Ahasuerus và Tể Tướng Hannah.
Hoàng hậu Esther khắc khoải âu lo đến chết được, liền tìm đến nương ẩn bên Chúa. Tâm hồn sầu khổ, bà cởi bỏ y phục lộng lẫy, mặc áo tang vào. Thay cho dầu thơm quý giá, bà lấy bụi tro dơ bẩn rắc lên đầu; bà hãm mình phạt xác nhiệm nhặt; thay vì trang điểm trau chuốt, bà để cho tóc xoã rối bời. Bà cầu xin cùng Chúa, Thiên Chúa của Israel: "Lạy Chúa của con, lạy Vua chúng con, Ngài là Thiên Chúa duy nhất. Này con đang liều mạng, xin đến cứu giúp con. Con cô đơn, chẳng còn ai cứu giúp, ngoại trừ Ngài.”
1.2/ Nhớ lại lịch sử để củng cố niềm tin:
(1) Israel là dân riêng của Thiên Chúa: Tuy hòang hậu sinh ra nơi đất khách quê người, và vì hòan cảnh nước mất nhà tan phải ở với chú; nhưng chú Modercai là người biết kính sợ Thiên Chúa, nên đã dạy Bà về lịch sử của Do-Thái và sự liên hệ giữa Thiên Chúa và dân tộc Israel. Bà thưa với Chúa: “Lạy Chúa, trong chi tộc của cha ông, từ khi lọt lòng mẹ, con từng được nghe biết là chính Ngài đã chọn Israel giữa muôn ngàn dân tộc, đã tuyển chọn cha ông chúng con giữa mọi bậc tiền bối của các ngài để làm thành gia nghiệp mãi mãi thuộc về Ngài. Ngài thực hiện cho cha ông chúng con mọi điều Ngài đã hứa.”
(2) Cầu xin Thiên Chúa soi sáng: Cầu nguyện là xin ơn khôn ngoan để biết cách giải quyết vấn đề. Tuy Thiên Chúa có thể làm mọi sự mà không cần sự cộng tác của con người; nhưng Ngài muốn con người cộng tác trong kế họach giải thóat của Ngài. Như chúng ta thấy trong trình thuật khi Bà gặp Vua Ahasuerus, Thiên Chúa là Đấng duy nhất có thể làm việc và đổi tâm tính của con người từ bên trong; nhưng hòang hậu Esther phải có can đảm thực thi kế họach từ bên ngòai. Ý thức sự yếu đuối của nữ nhi, Bà xin ơn khôn ngoan và can đảm để thực hiện kế họach: “Lạy Chúa, ngày chúng con gặp gian truân cùng khốn, xin nhớ đến chúng con mà chứng tỏ quyền năng của Ngài. Lạy Vua các thần minh, Đấng thống trị mọi kẻ cầm quyền, xin ban cho con lòng dũng cảm, và dạy con biết nói lời êm tai khi phải ra trước mặt loài sư tử. Xin đổi lòng con sư tử ấy để nó căm thù kẻ chống lại chúng con, khiến cho hắn và quân đồng loã phải tiêu diệt hoàn toàn.”
2/ Phúc Âm: Thiên Chúa sẽ ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người.
2.1/ Lời hứa vững vàng của Thiên Chúa với con người: Chúa Giêsu dạy các môn đệ: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho.” Lý do đơn giản Chúa Giêsu đưa ra: vì Thiên Chúa là cha của mọi người. Đã là Cha, phải quan tâm đến nhu cầu của con cái.
(1) Cha dưới đất: Để làm sáng tỏ vấn đề, Chúa Giêsu đưa ra ví dụ của người cha dưới đất: “Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn?” Chẳng có người cha lành mạnh nào dưới đất dám làm chuyện đó.
(2) Cha trên trời: Ngài kết luận: “Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?” Thiên Chúa không những là Cha Tốt Lành, Ngài còn có uy quyền làm mọi sự; việc Ngài ban điều con cái xin là chuyện hiển nhiên.
Nhưng có phải con người xin bất cứ điều gì Thiên Chúa cũng ban? Điều Thiên Chúa hứa ở đây là phải xin điều tốt lành, chứ không phải xin bất cứ điều gì. Thiên Chúa luôn biết điều gì tốt cho con người vì Ngài biết quá khứ, hiện tại, và tương lai; con người không luôn biết điều gì tốt cho mình, vì con người dễ quên quá khứ, không luôn biết hiện tại, và mù tịt về tương lai. Đó là lý do tại sao chúng ta luôn khôn ngoan thêm câu “nếu điều đó đẹp ý Chúa” sau khi cầu xin.
2.3/ Làm điều tốt cho mọi người: Làm con phải giống cha vì “con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh.” Nếu Cha luôn ban mọi ơn lành cho con, con cũng phải rộng tay ban ơn lành cho mọi người. Chúa Giêsu cũng dạy các môn đệ: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Moses và lời các ngôn sứ là thế đó.”
Lý do tại sao chúng ta không rộng tay làm phúc vì chúng ta sợ nếu cứ rộng tay ban ơn, có ngày sẽ hết của để cho; nhưng nếu chúng ta vững tin những gì Thiên Chúa hứa, chúng ta sẽ không bao giờ sợ hết của: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho.” Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên trời đất và mọi sự trong đó, Ngài không bao giờ hết của để cho. Bàn tay chúng ta quá bé nhỏ để phân phát tình thương của Ngài.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Cha của chúng ta không phải là con người tầm thường; Ngài là Thiên Chúa, Đấng dựng nên và điều khiển muôn vật.
- Ngài là Cha giàu lòng thương xót và hứa gì có nấy. Chúng ta hãy tin tưởng những gì Ngài hứa: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho.”
- Chúng ta nên cầu nguyện với Thiên Chúa hằng ngày, hằng giờ; nhất là những lúc phải đương đầu với cô đơn và tuyệt vọng, như trường hợp của hòang hậu Esther và trường hợp của Chúa Giêsu trong Vườn Cây Dầu.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Nguồn: Tổng Giáo Phận Huế
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Tư Tuần I MC
Bài đọc: Jon 3:1-10; Lk 11:29-32.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Ai cũng có thể ăn năn trở lại.
Mùa Chay là mùa của xám hối ăn năn. Biết bao nhiêu câu truyện của những người sống hoang đàng trở về với Chúa, giúp chúng ta hy vọng vào lòng thương xót của Chúa, và trở về với Ngài. Ví dụ, không ai có cuộc đời ăn chơi trác táng như Augustine, đến nỗi mẹ ông đã phải khóc lóc van xin với thánh Ambrose để xin ngài cầu nguyện và khuyên bảo con mình trở lại. Một cuộc đời cuồng tín, đang trên đường bách hại các tín hữu như Phaolô, sau khi bị ngã ngựa, đã trở thành một người nhiệt thành rao giảng Tin Mừng hơn hết mọi người. Hay sự trở lại của người trộm lành trên Thập Giá: “Lạy Ngài, khi nào về vương quốc của Ngài, xin nhớ đến tôi.” Và Chúa Giêsu hứa với anh: “Ngay hôm nay, anh sẽ được ở cùng ta trên Thiên Đàng.” Những gương trở lại anh hùng này chứng minh cho chúng ta thấy: ai cũng có thể ăn năn trở lại.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh sự trở lại của tòan thành Nineveh sau biến cố rao giảng của tiên-tri Jonah. Trong Bài Đọc I, Nineveh là một thành dân ngọai cực kỳ rộng lớn và rất tội lỗi. Tuy không tin và thờ phượng Đức Chúa của Israel, thế mà khi nghe tiên-tri Jonah rao giảng mới một ngày rằng: “Còn bốn mươi ngày nữa, Nineveh sẽ bị phá đổ;” cả thành: từ Vua đến dân, từ lòai người đến súc vật, đều ăn chay, nằm trên tro bụi, và ăn năn xám hối. Họ hy vọng Thiên Chúa sẽ xót thương và đình chỉ hình phạt của Ngài trên thành, và xảy ra như thế. Trong Phúc Âm, thánh Luca cho một hình ảnh ngược lại, những người Israel tin tưởng Đức Chúa, mặc dù đã được thấy tỏ tường những việc Ngài làm và lắng nghe những lời Ngài rao giảng, đã cứng lòng không chịu ăn năn trở lại, lại còn thách thức Chúa làm những gì họ muốn trước khi có thể tin vào Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Sự trở lại của dân thành Nineveh
1.1/ Thiên Chúa thương xót và cho dân thành cơ hội trở lại: Nineveh là Baghdad, Iraq, ngày nay. Trong thời của Jonah, đây là thành phố của Dân Ngọai, những người không phải Do-Thái và không tin Thiên Chúa. Không những thế, họ còn là kẻ thù của dân Do-Thái, vì đã mang quân đội phá bình địa Jerusalem, và bắt từ vua tới dân lưu đày qua Babylon. Đây chính là lý do tại sao tiên-tri Jonah bất tuân Thiên Chúa lần nhất không chịu qua Nineveh rao giảng. Tiên tri không thể hiểu nổi tại sao Thiên Chúa lại tỏ lòng thương xót cho một thành Dân Ngọai và là kẻ thù không đội trời chung của Do-Thái. Ông không hiểu Thiên Chúa là Cha của mọi người: Do-Thái cũng như Dân Ngọai. Nếu Ngài là Cha, Ngài phải thương đồng đều tất cả các con: đứa ngoan ngõan cũng như đứa cứng đầu. Ngài đã từng tuyên bố: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn xám hối để được sống” (Eze 33:11).
1.2/ Dân thành Nineveh tin vào Thiên Chúa: Tiên-tri mới chỉ rao giảng có một ngày, kết quả rao giảng được ghi lại như sau:
- Dân Nineveh tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ.
- Tin báo đến cho Vua Nineveh; Vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô, và ngồi trên tro.
- Vua cho rao tại Nineveh: "Do sắc chỉ của Đức Vua và các quan đại thần, người và súc vật, bò bê và chiên dê không được nếm bất cứ cái gì, không được ăn cỏ, không được uống nước.
Người và súc vật phải khoác áo vải thô và hết sức kêu cầu Thiên Chúa. Mỗi người phải trở lại, bỏ đường gian ác và những hành vi bạo lực của mình. Biết đâu Thiên Chúa chẳng nghĩ lại, chẳng bỏ ý định giáng phạt, và nguôi cơn thịnh nộ, khiến chúng ta khỏi phải chết."
1.3/ Thiên Chúa không phạt dân thành nữa: “Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại, Người hối tiếc về tai hoạ Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, Người đã không giáng xuống nữa.” Tác giả Sách Jonah không chú trọng đến thần học về các bản tính của Thiên Chúa, nên Bản Bảy Mươi dùng động từ “hối tiếc;” trong khi bản của Do-Thái dùng động từ ở thời thụ động (Niphal): Thiên Chúa động lòng thương và đình chỉ tai họa Ngài định giáng xuống trên họ. Điểm tác giả chú trọng tới là tình thương của Thiên Chúa dành cho tội nhân khi họ biết ăn năn trở lại.
2/ Phúc Âm: Hậu quả phải chịu nếu không biết ăn năn trở lại.
2.1/ Niềm tin không chỉ dựa vào dấu lạ: Người Do-Thái thích dấu lạ, nên họ hay đòi hỏi phải có dấu lạ để bảo đảm niềm tin. Chúa Giêsu không đả phá dấu lạ, vì chính Ngài đã làm rất nhiều phép lạ, nhưng phép lạ chỉ khơi mào niềm tin mà thôi. Niềm tin vững chắc không thể chỉ dựa trên phép lạ, vì rất nhiều người đã chứng kiến phép lạ mà vẫn không tin. Còn đối với những người đã có niềm tin vững mạnh, phép lạ không còn cần thiết nữa. Đó là lý do tại sao Chúa nói: "Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Jonah. Quả thật, ông Jonah đã là một dấu lạ cho dân thành Nineveh thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy.” Dấu lạ Chúa muốn nói ở đây chính là sự chết và sự phục sinh vinh hiển của Ngài.
2.2/ Niềm tin phải đặt căn bản trên sự khôn ngoan: Con người phải dùng trí khôn suy xét để nhận ra sự thật. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu không chỉ làm phép lạ, nhưng Ngài còn mặc khải và dạy dỗ dân để họ biết suy xét tìm ra sự thật. Rất nhiều lần Ngài đã sữa chữa những niềm tin sai lầm của dân chúng, nhất là của các kinh sư và biệt phái. Con người yêu mến sự thực và sự khôn ngoan, đó là lý do tại sao Nữ Hòang Phương Nam đã không quản ngại đường xa mang biết bao lễ vật đến để học hỏi sự khôn ngoan của Vua Solomon. Thế mà có người khôn ngoan hơn Solomon, Người đã ban khôn ngoan cho Solomon, đang đứng trước mặt họ để dạy dỗ. Họ vẫn khinh thường không chịu lắng nghe Ngài!
2.3/ Đạo trên danh nghĩa không bảo đảm được cứu độ: Tin Chúa là phải làm những gì Ngài dạy dỗ; niềm tin trong trí sẽ không giúp được gì cho con người. Điều trớ trêu trong cuộc đời là những con cái trong nhà như dân tộc Israel, những người được học hỏi nhiều như những người Công Giáo; thế mà khi phải biểu tỏ niềm tin nơi Thiên Chúa, họ còn thua cả những Dân Ngọai. Chúa Giêsu cảnh cáo dân Do-Thái, và chúng ta nữa: “Trong cuộc Phán Xét, dân thành Nineveh sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Jonah rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Jonah nữa.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Ai cũng có thể trở lại và ai cũng cần phải ăn năn trở lại. Chúa cho mọi người cơ hội đồng đều để ăn năn trở lại. Chúng ta cũng phải hy vọng và cầu nguyện cho tha nhân được ăn năn trở lại.
- Chúng ta phải nắm lấy cơ hội để học biết Thiên Chúa và ăn năn trở lại; vì chúng ta không biết cơ hội có tới nữa hay không. Đức tin không thực hành sẽ không mang lợi ích gì cho chúng ta.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Ba Tuần I MC
Bài đọc: Isa 55:10-11; Mt 6:5-17.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thực hành ý Thiên Chúa.
Con người thời nay quá chú trọng đến “cái tôi” của mình, nên rất khó khăn cho con người thời nay khi phải làm theo những gì người khác muốn. Nhưng nếu con người chịu khó suy luận, họ sẽ nhìn ra cái vô lý của việc bắt người khác làm theo ý của mình, vì: (1) Trăm người trăm ý; làm sao một người có thể làm hài lòng tất cả mọi người được? Vì thế, phải làm theo ý kiến chung. (2) Khi có sự xung đột ý kiến, phải làm theo ý kiến nào khôn ngoan nhất. Nếu so sánh ý kiến của con người với ý của Thiên Chúa, làm sao ý con người có thể khôn ngoan bằng Thiên Chúa? Vì thế, phải tìm ra và làm theo ý Thiên Chúa là chuyện hiển nhiên.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh việc con người phải làm theo thánh ý Chúa. Trong Bài Đọc I, Thiên Chúa tuyên bố sự hiệu quả của Lời Ngài: “một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó.” Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện theo Kinh Lạy Cha, sau khi khuyến cáo các môn đệ cần tránh thái độ ích kỷ trong khi cầu nguyện.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Lời Chúa phải sinh hoa kết quả cho con người.
1.1/ Lời Chúa được so sánh như mưa tuyết: “Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời
không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc,
cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn.”
Tuy trong hạt giống đã có tiềm năng của sự sống, nhưng cần mưa và tuyết để giúp cho sự sống của hạt giống được tăng trưởng, sinh hoa kết trái, và sinh lương thực cho con người.
1.2/ Lời Chúa phải được thực hiện và sinh lợi ích cho con người: “thì Lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó.”
Trong Lời Chúa đã có tiềm năng của sự sống, và sinh lương thực phần hồn cho con người.
Nhưng Lời ám chỉ những gì và những ai?
(1) Ngôi Lời của Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô: Vì Ngài mà muôn vật được tạo thành; và không có Ngài, chẳng chi được tạo thành. Tất cả những gì Thiên Chúa phán được thực hiện nơi Người. Như mưa tuyết rơi xuống từ trời, Ngôi Lời cũng từ trời xuống nhập thể trong thân xác con người, để mặc khải cho dân biết các ý định của Thiên Chúa, và chu tòan sứ mạng Thiên Chúa trao phó cho Ngài trong Kế Họach Cứu Độ. Khi hòan tất ý định của Thiên Chúa, Ngài lại trở về Trời như mưa tuyết.
(2) Lời được viết ra trong Kinh Thánh: Không như tất cả những lời khác của nhân lọai, những Lời này tiềm ẩn sức sống; và mỗi khi những Lời này được loan báo, Lời Chúa lại bắt đầu một chu kỳ mới. Chúng đi vào lòng người nghe và bắt đầu tiến trình thôi thúc con người thực hiện những gì Thiên Chúa muốn con người làm. Mỗi khi Mùa Chay về, Lời Chúa lại bắt đầu một chu kỳ mới nơi mỗi người. Chúng ta nghe lại Lời Chúa phán, nghe các nhà rao giảng Tin Mừng cắt nghĩa, rồi suy đi gẫm lại trong lòng. Tiến trình này giúp chúng ta nhận ra những gì chúng ta còn thiếu sót trong cuộc sống, và quyết tâm thực hiện Lời Chúa để lấp đầy những thiếu sót đó.
2/ Phúc Âm: Cầu nguyện đúng cách.
2.1/ Thái độ phải có khi cầu nguyện: Cầu nguyện là hướng lòng lên Thiên Chúa; vì thế, phải gạt bỏ tất cả những gì làm con người bị phân tâm. Một vài điều làm phân tâm con người khi cầu nguyện mà Chúa Giêsu lưu ý hôm nay:
(1) Cầu nguyện cho mọi người thấy: “Anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” Như thế, cầu nguyện trong nhà thờ có phải là đạo đức giả không? Chúng ta phải phân biệt hai lọai cầu nguyện: chung và riêng. Điều Chúa Giêsu có ý nói ở đây là cầu nguyện riêng. Chúa Giêsu cũng đã từng cầu nguyện lớn tiếng cho các môn đệ của Ngài (x/c Jn 17).
(2) Cầu nguyện chỉ để xin ơn: “Anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.” Xin ơn chỉ là một phần nhỏ trong khi cầu nguyện. Chúng ta nghĩ sao nếu một người khi nào gặp chúng ta cũng mở miệng xin ơn?
2.2/ Cách cầu nguyện tốt nhất: Kinh Lạy Cha
(1) Quan tâm đến những gì của Chúa: Là con là phải quan tâm đến những lo lắng của cha, chứ không ích kỷ bắt cha quan tâm đến những nhu cầu của mình. Ba điều đầu tiên của Kinh Lạy Cha biểu tỏ những quan tâm đến Thiên Chúa: “xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.” Làm cho mọi người nhận biết và tin vào danh thánh Cha là bổn phận của mọi người tín hữu. Cầu xin cho triều đại Cha mau đến là cầu xin cho Tin Mừng được lan rộng tới mọi người. Cầu xin cho ý Cha được mọi người làm theo, chứ không ích kỷ làm theo ý muốn của mỗi người.
(2) Quan tâm đến cuộc sống của mình: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày.” Con người cần của ăn hằng ngày để sinh sống, nhưng không cầu xin cho có nhiều của ăn để tích trữ. “Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con.” Con người không chỉ cần sống mối liên hệ chiều dọc với Thiên Chúa, mà còn sống mối liên hệ hàng ngang với tha nhân, vì như Chúa Giêsu dạy: “Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.” Lời xin sau cùng: “Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.” Con người bị bao vây bởi ba thù: ma quỉ, thế gian, và xác thịt; nếu không có ơn Chúa, con người không thể chống chọi với các kẻ thù này, vì nó mạnh sức hơn con người.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Như mưa tuyết cần cho cây cối để có thể sinh hoa kết trái mang cơm bánh cho người ăn, Lời Chúa cũng cần phải thấm nhập vào tâm hồn để mang sức sống cho linh hồn chúng ta.
- Cầu nguyện không phải để được người khác khen hay để lải nhải xin ơn; nhưng là để kết hợp với Thiên Chúa và tìm ra ý Ngài trước khi có thể thi hành trong cuộc sống.
- Mùa Chay thuận tiện để chúng ta nhìn lại những thiếu xót trong cuộc đời, và nghiền gẫm Lời Chúa để tìm ra cách thức sửa chữa những thiếu sót đó.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Hai Tuần I MC
Bài đọc: Lev 19:1-2, 11-18; Mt 25:31-46.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Yêu người là tiêu chuẩn Thiên Chúa dùng để phán xét con người.
Con người hồi hộp và lo sợ khi phải ra trước tòa án, vì không biết chánh án dựa vào đâu để xét xử. Người Công Giáo sẽ không ngạc nhiên khi ra trước Tòa Phán Xét vì họ đã biết rõ tiêu chuẩn Thiên Chúa dùng để phán xét con người: Những gì làm cho tha nhân là làm cho Thiên Chúa. Thánh Martin de Tours có kinh nghiệm này rõ ràng ngay khi còn đang sống. Khi thánh nhân gặp một người hành khất ăn xin dưới trời đông tuyết giá, thánh nhân cố gắng lục lọi trong người xem có cái gì để cho. Sau khi tìm mãi không được, thánh nhân quyết định lấy thanh gươm, xé chiếc áo chòang đang mặc làm hai, khóac cho người hành khất một nửa, còn một nửa giữ cho mình. Đêm đó, trong một thị kiến, thánh nhân thấy Đức Kitô khóac nửa chiếc áo chòang và cười với ngài.
Các Bài Đọc hôm nay đặt trọng tâm trong 2 giới răn: mến Chúa và yêu người. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Levi kêu gọi mọi người phải nên thánh như Thiên Chúa là Đấng Thánh. Để nên thánh, con người phải thực thi hai giới răn mến Chúa yêu người. Trong Phúc Âm, Thánh Matthew tuyên bố rõ ràng tiêu chuẩn Thiên Chúa dùng để phán xét con người là yêu thương tha nhân bằng hành động: điều gì con người làm cho tha nhân là làm cho Chúa; điều gì con người từ chối không làm cho tha nhân là không làm cho chính Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Mến Chúa và yêu người là con đường nên thánh.
1.1/ Ơn gọi nên thánh là của tất cả mọi người: Đức Chúa phán với ông Moses rằng: "Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Israel và bảo chúng: Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh.” Thánh thiện là một trong những đặc tính của Thiên Chúa, tội lỗi và khiếm khuyết không hiện diện nơi Ngài. Khi dựng nên con người, Ngài muốn con người cũng thánh thiện giống như Ngài; nhưng tội lỗi lấy đi sự thánh thiện của con người. Trong Cựu Ước, con người cố gắng trở nên thánh thiện bằng việc giữ cẩn thận các Lề Luật. Trong Sách Levi và Đệ Nhị Luật, có những Luật Thánh để giúp con người trở nên thánh thiện. Ngòai Thiên Chúa là Đấng Thánh, những người được xếp lọai thánh thiện trong Cựu Ước: các tư tế, Nazarites, các tiên tri, các con đầu lòng, Levites …
1.2/ Làm sao để nên thánh? Như đã nói trên, giữ cẩn thận Lề Luật, nhất là hai Lề Luật: mến Chúa yêu người, sẽ giúp con người trở nên thánh thiện. Ngược lại, không giữ cẩn thận các Lề Luật, làm con người ra tội lỗi.
(1) Những điều không được làm: Tất cả các điều liệt kê hôm nay chỉ là làm cho rõ các điều răn trong Thập Giới được Thiên Chúa ban qua Moses:
- Điều răn thứ hai: Các ngươi không được lấy danh Ta mà thề gian: làm thế là các ngươi xúc phạm đến danh Thiên Chúa của các ngươi.
- Điều răn thứ bảy: Chớ lấy của người. Các ngươi không được trộm cắp, không được bóc lột người đồng loại, không được cướp của; tiền công người làm thuê, ngươi không được giữ lại qua đêm cho đến sáng.
- Điều răn thứ tám: không được nói dối, không được lừa gạt đồng bào mình. Các ngươi không được làm điều bất công khi xét xử: không được thiên vị người yếu thế, cũng không được nể mặt người quyền quý, nhưng hãy xét xử công minh cho người đồng bào. Ngươi không được vu khống những người trong dòng họ, không được ra toà đòi người đồng loại phải chết.
(2) Những điều phải làm: Để đơn giản hóa và dễ thi hành, Thập Giới được tóm trong hai:
- Điều răn thứ nhất: Phải kính sợ Thiên Chúa của ngươi.
- Điều răn thứ hai: Phải yêu đồng loại như chính mình. Ngươi không được rủa người điếc, đặt chướng ngại cho người mù vấp chân. Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó. Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi.
2/ Phúc Âm: Yêu người là tiêu chuẩn Thiên Chúa dùng để phán xét.
Đa số nhân lọai đều tin vào định luật nhân quả: Nếu chúng ta làm ích lợi cho tha nhân, chúng ta sẽ được thưởng ở cả đời này và đời sau; nếu chúng ta gây thiệt hại cho tha nhân, chúng ta sẽ phải lãnh nhận hình phạt ở cả đời này và đời sau. Người Công Giáo chúng ta cũng tin như thế, và chương 25 của Matthew củng cố niềm tin này. Hơn nữa, Chúa Giêsu còn nhấn mạnh: điều gì chúng ta làm cho tha nhân là chúng ta làm cho Ngài; và điều gì chúng ta không làm cho tha nhân là chúng ta không làm cho Ngài. Đây chính là tiêu chuẩn Thiên Chúa sẽ dùng để phán xét con người trong Ngày Chung Thẩm.
2.1/ Những gì ta làm cho anh chị em là làm cho chính Chúa:
- Chúa phán xét: "Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han."
- Người công chính thắc mắc: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?"
- Chúa cắt nghĩa: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy."
2.2/ Những gì ta từ chối không giúp anh chị em là không giúp chính Chúa:
- Chúa phán xét: "Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng."
- Kẻ ác nhân thưa lại: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?"
- Chúa cắt nghĩa: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy."
Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Mến Chúa và yêu người qua hành động là con đường đơn giản để nên thánh.
- Nếu chúng ta yêu tha nhân như chính mình và biểu tỏ tình yêu này trong mọi hành động, chúng ta sẽ không lo ngại khi ra trước Tòa Phán Xét.
- Lối sống ích kỷ của con người hiện đại là con đường chắc chắn đưa tới sự hủy diệt cả đời này và đời sau.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Nguồn Tổng Giáo Phận Huế
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Chúa Nhật I Mùa Chay, Năm B
Bài đọc: Gen 9:8-15; I Pet 3:18-22; Mk 1:12-15.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa thực hiện mọi sự tốt đẹp qua Đức Kitô.
Nhìn lại lịch sử là điều cần thiết để hiểu biết và phê bình. Để so sánh cách chính xác, con người thường so sánh những gì xảy ra trước và sau khi một người nhận công việc hay chức vụ. Ví dụ, để phê bình tổng thống Obama, người ta sẽ dựa vào tình hình chính trị và kinh tế trước và sau khi ông nhậm chức tổng thống.
Lịch sử Cứu Độ cần thiết để chúng ta nhận diện tội lỗi con người và tình thương của Thiên Chúa. Cả ba Bài Đọc hôm nay đều cho chúng ta thấy một sự tương phản trước và sau những biến cố lịch sử chính.
Trong Bài Đọc I, tác-giả Sách Sáng Thế cho chúng ta nhìn thấy những gì xảy ra sau trận Lụt Hồng Thủy; điều này giả sử phải có lý do và những gì xảy ra trước đó. Thiên Chúa đã nhìn thấy tội lỗi con người xúc phạm đến Ngài quá nhiều, nên Ngài muốn tái tạo một trời mới đất mới, trong đó có gia đình Noah. Trong Bài Đọc II, tác giả Thư Phêrô so sánh Lụt Hồng Thủy với cái chết của Đức Kitô. Nếu Lụt Hồng Thủy tàn sát tất cả vì tội lỗi con người, cái chết của Đức Kitô xóa đi tất cả tội lỗi và cứu sống con người. Điều này bảo đảm Lời hứa của Thiên Chúa: Lụt Hồng Thủy sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Trong Phúc Âm, sau khi Chúa Giêsu được Thánh Thần đưa vào sa mạc để chịu cám dỗ 40 đêm này, Ngài đã thắng vượt được tất cả và bắt đầu hành trình rao giảng Tin Mừng để đem ơn Cứu Độ đến cho con người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Gia đình Noah được cứu thóat khỏi Lụt Hồng Thủy.
1.1/ Tội lỗi của con người: là một thực trạng không thể chối cãi. Sách Sáng Thế từ chương 1-11 tường trình từ chi tiết đến tổng quát các tội của con người:
- Tội Nguyên Tổ: Tổ tiên con người, Adam và Eve, đã bất tuân lệnh Thiên Chúa ăn trái cấm. Con người phải lãnh nhận các hình phạt của việc bất tuân.
- Tội giết người: Cain giết Abel, em mình, vì tức giận Thiên Chúa không đóai nhìn đến lễ vật ông dâng. Cain phải chấp nhận hình phạt của Thiên Chúa.
- Tội kiêu ngạo: Con người xây tháp Babel vì muốn để lại danh tiếng và không phải tùy thuộc vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Hậu quả là ngôn ngữ bất đồng, Thiên Chúa phân tán họ khắp mặt đất.
- Tất cả các tội khác: là nguyên nhân của Lụt Hồng Thủy. Chúa cứu gia đình ông Noah.
1.2/ Tình thương Thiên Chúa cứu vớt con người: Ngay cả trong khi ra hình phạt cho con người, tình thương của Thiên Chúa vẫn thể hiện trong tất cả mọi trường hợp. Trong trận Lụt Hồng Thủy, sau khi nhìn thấy kết quả của sự tàn phá, Chúa hứa với Noah và gia đình ông: “Đây Ta lập giao ước của Ta với các ngươi, với dòng dõi các ngươi sau này, và tất cả mọi sinh vật ở với các ngươi: chim chóc, gia súc, dã thú ở với các ngươi, nghĩa là mọi vật ở trong tàu đi ra, kể cả dã thú. Ta lập giao ước của Ta với các ngươi: mọi xác phàm sẽ không còn bị nước hồng thủy huỷ diệt, và cũng sẽ không còn có hồng thủy để tàn phá mặt đất nữa." Dã thú ở với Noah trên tàu mà không làm hại ông cũng như các súc vật khác trên tàu, nhưng vâng lời con người. Khi con người sống công chính trước Thiên Chúa, tất cả các quyền lực và dã thú phải tùng phục con người. Dã thú cũng được bao gồm trong giao ước Thiên Chúa làm với con người.
Cầu Vồng là dấu hiệu của tình thương Thiên Chúa: Thiên Chúa phán: "Đây là dấu hiệu giao ước Ta đặt giữa Ta với các ngươi, và với mọi sinh vật ở với các ngươi, cho đến muôn thế hệ mai sau: Ta gác cây cung của Ta lên mây, và đó sẽ là dấu hiệu giao ước giữa Ta với cõi đất. Khi Ta cho mây kéo đến trên mặt đất và cây cung xuất hiện trong mây, Ta sẽ nhớ lại giao ước giữa Ta với các ngươi, và với mọi sinh vật, nghĩa là với mọi xác phàm; và nước sẽ không còn trở thành hồng thủy để tiêu diệt mọi xác phàm nữa.”
2/ Bài đọc II: Lời hứa của Thiên Chúa được hiện thực nơi Đức Kitô.
2.1/ Con người vẫn tiếp tục xúc phạm đến Thiên Chúa: Từ thời Noah cho đến thời Đức Kitô, con người vẫn tiếp tục phạm tội, nhưng Thiên Chúa giữ lời hứa không giết con người bằng Lụt Hồng Thủy nữa. Nhưng làm sao để giải thóat con người khỏi tội? Đó chính là Kế họach Cứu Độ của Thiên Chúa qua Đức Kitô. Ngài ban cho con người Đức Kitô để gánh tội cho con người.
2.2/ Chúa Giêsu đã chịu phép rửa trong nước và máu để chuộc tội cho con người: Các Thánh Giáo Phụ nhìn thấy sự giống nhau giữa Lụt Hồng Thủy và biến cố Đức Kitô:
* Trong Lụt Hồng Thủy, ai không tin vào Noah và ở trong tàu sẽ bị nước cuốn đi; cũng vậy, ai không tin vào Đức Kitô cũng phải chịu số phận tương tự. Tác giả Thư Phêrô quả quyết: “Chính Đức Kitô đã chịu chết một lần vì tội lỗi - Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương - hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Thân xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Người đã được phục sinh.”
* Lụt Hồng Thủy là hình bóng của Phép Rửa Tội: Cả hai đều rửa sạch tội lỗi con người. “Nước đó là hình bóng phép rửa nay cứu thoát anh em.”
* Có phải chỉ cần chịu phép rửa là được cứu độ? Nhiều giáo phái tin như thế. Nhưng tác giả Thư Phêrô cắt nghĩa: “Lãnh nhận phép rửa, không phải là được tẩy sạch vết nhơ thể xác, mà là cam kết với Thiên Chúa sẽ giữ lương tâm trong trắng, nhờ sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô, Đấng đang ngự bên hữu Thiên Chúa sau khi đã lên trời, đã bắt các thiên sứ và toàn thể thần minh phải phục quyền.” Con người vẫn phải trải qua thử thách và cám dỗ, và họ phải chứng minh sự trung thành với Thiên Chúa.
* Đức Kitô không những có quyền năng giải thóat những người đương thời và tương lai, mà còn cả những người đã hư mất trong và trước thời Noah: “Người đã đến rao giảng cho các vong linh bị giam cầm, tức là những người xưa đã không vâng phục Thiên Chúa, trong thời Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi, nghĩa là thời ông Noah đóng tàu. Trong con tàu ấy, một số ít, cả thảy là tám người, được cứu thoát nhờ nước.”
3/ Phúc Âm: Đức Kitô bắt đầu triều đại của Thiên Chúa.
3.1/ Đức Kitô chịu cám dỗ trong hoang địa: “Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Satan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người.” Sự kiện này xảy ra ngay sau khi Chúa Giêsu chịu phép Rửa tại sông Jordan bởi Gioan.
“Hoang địa” không có nghĩa là sa mạc, chỉ có nghĩa là vùng không hay rất ít người ở. Chỗ mà Marcô nói đến hôm nay là một vùng núi đá vây quanh bởi nhiều vực thẳm. Hiện nay vẫn còn một tu viện của các đan sĩ nằm chênh vênh lưng chừng núi. Đây là một sáng kiến rất đạc biệt. Nếu du khách đứng trên một ngọn đồi đối diện nhìn qua Núi Cám Dỗ, họ sẽ há miệng kinh ngạc khi nhìn thấy tu viện; vì họ không thể nào ngờ trong nơi hoang dã và hiểm trở như thế, con người có thể xây một căn nhà như những chiếc hộp chồng lên nhau giữa lưng chừng núi. Chỉ cần sơ sót chợt chân một tí là sẽ rơi xuống vực thẳm. Điều này tự nó nói lên nguy hiểm của “chước cám dỗ:” chỉ cần sơ sót một tí, con người sẽ mất mạng ngay. Chúng tôi có cơ hội leo lên chốn này để thăm tu viện, rồi từ đó leo lên tới đỉnh núi khỏang 30 phút. Núi cám dỗ không xa kinh thành Jerusalem bao nhiêu, khỏang 30 dặm lái xe. Trên đỉnh núi một người có thể nhìn thấy Jerusalem.
Trình thuật cám dỗ của Chúa Giêsu gợi lại “biến cố cám dỗ” trong Vườn Địa Đàng: có Satan, các dã thú, và các thiên thần. Khi con người chưa rơi vào chước cám dỗ, họ có thể ở chung với dã thú mà không sợ hãi. Khi con người sa chước cám dỗ, các dã thú sợ hãi và có thể gây nguy hiểm cho con người. Điều này cũng đã được tiên tri Isaiah nói tới khi triều đại Thiên Chúa đến, chó sói sẽ ở chung với chiên… trẻ thơ có thể thò tay vào hang rắn lục mà không sợ nguy hiểm (Isa 11:6-9). Ngay cả trong khi bị cám dỗ, các thiên thần của Chúa vẫn hiện diện để nâng đỡ và gìn giữ con người khỏi sa chước cám dỗ và “vấp chân vào đá.”
Marcô chỉ tường thuật tổng quát Chúa Giêsu chịu cám dỗ, nhưng không tường thuật chi tiết các cám dỗ như Matthew và Luke (Mt 4:1-11, Lk 4:1-13). Điều Marcô muốn nhấn mạnh là sự khác biệt giữa hai biến cố: Đức Kitô, Adam mới đã thắng vượt mọi cám dỗ, chứ không sa chước cám dỗ như Adam cũ.
3.2/ Đức Kitô rao giảng Tin Mừng: “Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến miền Galilee rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: "Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng."”
Thời kỳ đã mãn tức là thời gian con người phải chờ đợi đã hòan tất. Triều đại Thiên Chúa bắt đầu với sự xuất hiện của Đức Kitô. Qua Ngài, tất cả những gì Thiên Chúa hứa được thực hiện và hòan tất tốt đẹp. Chúa Giêsu rao truyền hai điều quan trọng:
(1) Ăn năn xám hối: Giống như Gioan, Chúa Giêsu cũng đòi con người phải nhận ra tội lỗi và ăn năn xám hối; vì không thể nhận được sự tha thứ nếu không thú nhận tội lỗi của mình. Ơn thánh của Thiên Chúa đòi sự cộng tác của con người.
(2) Tin vào Tin Mừng: Điều này làm Chúa Giêsu khác Gioan. Marcô muốn nói gì trong câu “tin vào Tin Mừng?”
- Tin Mừng là chính Đức Kitô: con người của Ngài, những lời Ngài dạy dỗ và các việc Ngài làm.
- Tất cả những gì Thiên Chúa hứa được thực hiện nơi Đức Kitô trong Kế Họach Cứu Độ.
- Tình thương Thiên Chúa mạnh hơn tội lỗi con người: Như một người Cha, không có tội nào của con cái có thể lấy đi tình thương; ngọai trừ tội cố tình không chịu ăn năn trở về.
- Đức Kitô gánh tội cho con người: để bảo đảm sự công bằng của Thiên Chúa.
- Đức Kitô giải thóat con người khỏi chết và mang lại ơn Cứu Độ cho con người.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Tình thương Thiên Chúa mạnh hơn tội lỗi con người. Ngài sẵn sàng tha thứ mọi tội cho con người.
- Kế họach Cứu Độ được thực hiện qua Đức Kitô. Để được ơn Cứu Độ, con người phải tin vào Đức Kitô và lãnh nhận BT Rửa Tội.
- Như Đức Kitô đã chịu cám dỗ và đã tòan thắng, Ngài có thể giúp chúng ta cũng tòan thắng các chước cám dỗ của ma quỉ. Trường hợp sa chước cám dỗ, chúng ta đã có Bí-tích Hòa Giải để tha thứ. Ma quỉ không thể làm gì chúng ta bao lâu chúng ta luôn sẵn sàng xám hối và tin vào Tin Mừng.
- Mùa Chay là cơ hội thuận tiện để chúng ta đọc lại lịch sử và tin vào tình thương của Thiên Chúa dành cho con người.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Bảy sau Lễ Tro
Bài đọc: Isa 58:9-14; Lk 5:27-32.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lòng thương xót quan trọng hơn việc giữ Luật
Luật lệ làm ra cho lợi ích của con người. Nói cách khác, vì lợi ích của con người, nên mới có những luật lệ để bảo vệ những lợi ích này. Vì thế, sống tinh thần của luật lệ quan trọng hơn sống vụ luật. Nếu phải vi phạm luật lệ để cứu người, một người có bổn phận phải làm như thế. Trong ba năm rao giảng của Chúa Giêsu, đa số những vụ xung đột giữa Ngài và các Biệt-phái, cùng các Kinh-sư, xoay quanh nguyên lý này.
Các Bài Đọc hôm nay cũng đặt trọng tâm trên nguyên lý này. Trong Bài Đọc I, Tiên-tri Isaiah nhấn mạnh đến lòng thương xót, biểu lộ qua sự giúp đỡ những người yếu kém, hơn là vụ hình thức bên ngòai. Trong Phúc Âm, các Biệt-phái và các Kinh-sư trách Chúa Giêsu và các môn đệ đã ăn uống, làm bạn với những người thu thuế tội lỗi. Chúa Giêsu sửa sai và nhắc khéo cho họ biết: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn."
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Sống mối liên hệ với con người và Thiên Chúa.
1.1/ Việc ăn chay đúng nghĩa: Lý do chính tại sao dân Do-Thái mất quê hương và phải lưu đày là không sống đúng đắn mối liên hệ với Thiên Chúa và vi phạm các bất công xã hội. Sống mối liên hệ với Thiên Chúa không phải chỉ là dâng lễ vật, giữ các Lề Luật, hay việc ăn chay hời hợt bên ngòai; nhưng là sống theo thánh ý Thiên Chúa, tôn trọng công bằng, và giúp đỡ mọi người.
(1) Sống theo thánh ý Thiên Chúa: Trước, trong, và sau thời gian lưu đày, Thiên Chúa không ngừng gởi các tiên tri tới để cho dân biết ý định của Thiên Chúa; dân chúng có bổn phận phải nghe và làm theo những gì các tiên tri dạy bảo. Trong quá khứ, nhiều lần họ đã bắt bớ, đe dọa, và ngay cả giết các tiên tri; vì thế Tiên-tri Isaiah kêu gọi: Phải loại khỏi nơi ngươi ở gông cùm, cử chỉ đe doạ và lời nói hại người, và phải làm thoả lòng người bị hạ nhục.
(2) Sống công bằng xã hội: Lý do chính yếu của việc nghèo đói là vì bất công xã hội, người giàu dùng sự khôn ngoan và sức mạnh của mình để bóc lột người nghèo. Vì thế, khỏang cách giữa hai giai cấp ngày càng lan rộng: người giàu mỗi ngày một giàu thêm và người nghèo càng ngày càng nghèo đi. Thời gian ăn chay không những giúp người giàu hiểu biết người nghèo và chia cơm sẻ áo cho họ; đồng thời cũng giúp người giàu nhận ra những bất công họ đã vi phạm.
(3) Giúp đỡ những người yếu kém: Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, những người được Thiên Chúa ban cho có tài năng và của cải, là để giúp những người yếu kém; chứ không phải để kiêu căng, phách lối, và bóc lột họ.
Để phục hồi quốc gia và xây dựng một xã hội lành mạnh, ba điều nói trên phải tìm thấy nơi những người lãnh đạo, trước khi họ có thể dạy dỗ cho mọi người dân trong nước.
1.2/ Mục đích của ngày Sabbath: là để con người nghỉ ngơi phần xác và củng cố mối liên hệ phần hồn với Thiên Chúa. Tiên-tri Isaiah liệt kê một số những điều nên và không nên làm trong ngày này: “Nếu ngươi giữ chân không vi phạm ngày Sabbath, và không tìm lợi lộc trong ngày thánh của Ta, nếu ngươi gọi ngày Sabbath là "niềm vui" và ngày thánh của Đức Chúa là "vinh hiển," nếu ngươi tôn trọng ngày đó mà tránh đi đường, tránh kiếm lợi, tránh nói huyên thuyên.” Nếu trong ngày Sabbath mà con người không tư tưởng gì đến Thiên Chúa, lại còn cười nói huyên thuyên và đưa điều đặt chuyện, hay tìm kiếm mánh mung để tìm lợi lộc, làm sao có thể gọi là giữ ngày Sabbath?
2/ Phúc Âm: Chúa đến để kêu gọi tất cả ăn năn trở lại.
2.1/ Chúa gọi Matthew, người thu thuế: Người Do-Thái thời đó dưới ách đô hộ của Đế quốc Rôma. Những người thu thuế được coi như những người phản bội: vào hùa với Đế quốc để bóc lột dân chúng bằng việc đóng thuế. Họ đối xử bất công với dân chúng, vì luôn thu thuế quá giới hạn mà dân phải đóng. Vì thế, những người thu thuế được xếp lọai với những người ăn trộm, ăn cướp. Họ không được bước vào Đền Thờ và hội đường để dâng lễ vật.
- Khi Chúa Giêsu gọi Matthew, Ngài biết rõ căn tính và nghề nghiệp của Matthew; nhưng Ngài đã có một kế họach khác cho Matthew: biến ông thành người rao giảng và ghi chép lại Tin Mừng. Khi nhận lời mời dự tiệc tại nhà của Matthew, Ngài biết sẽ bị vây quanh bởi bạn bè của Matthew, những người thu thuế; nhưng Ngài muốn cho họ cơ hội để nhìn thấy sự trở lại của Matthew mà ăn năn xám hối.
- Thái độ của Matthew rất can đảm và dứt khóat: ông bỏ tất cả, đứng dạy đi theo Chúa Giêsu. Ông can đảm vì dám bỏ một “nghề hái ra tiền,” và không thắc mắc “rồi làm gì mà ăn?” Ông dứt khóat với quá khứ cũ tội lỗi, để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn; tuy nghèo mà sạch, và không ai có thể nhìn ông với ánh mắt khinh dể và ngăn cấm ông đến với Thiên Chúa. Chúa Giêsu thực sự đã phóng thích ông khỏi làm nô lệ cho tội lỗi, và cho ông cơ hội làm lại cuộc đời.
2.2/ Chúa đến để kêu gọi tội nhân ăn năn trở lại: Cuộc đối thọai ngắn ngủi giữa Chúa Giêsu và các Biệt-phái cùng các kinh sư cho chúng ta thấy sự tương phản giữa con người và Thiên Chúa:
- Những người Biệt-phái và những Kinh-sư thuộc nhóm của họ lẩm bẩm trách các môn đệ Đức Giêsu rằng: "Sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?" Phản ứng của họ cũng giống như phản ứng của đa số con người: “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng,” chơi với những người tội lỗi sẽ lây nhiễm các tội của họ. Một khi con người đã rơi vào vũng bùn lem luốc, họ sẽ không còn cách nào để thóat ra; dư luận con người là hàng rào che kín cuộc đời của họ.
- Đức Giêsu đáp lại họ rằng: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn." Phản ứng của Chúa Giêsu giống như phản ứng của người quân tử, ví mình như cách hoa sen: “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.” Không những không để mình hôi tanh, mà còn như một lương y, tận tâm chữa trị, và phục hồi sức khỏe cho bệnh nhân. Nếu những Biệt-phái và các Kinh-sư chịu xét mình cẩn thận, họ cũng là những bệnh nhân đang cần chữa trị vì tính kiêu căng, khinh người, và phê bình chỉ trích. Điều nguy hiểm là họ tự cho mình là công chính, và vì thế, không cần được Chúa Giêsu chữa bệnh.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Tất cả chúng ta là tội nhân, không ai có thể vỗ ngực xưng mình là công chính trước mặt Thiên Chúa. Chúng ta cần được Thiên Chúa chữa lành.
- Nếu chúng ta được Thiên Chúa cho cơ hội làm lại cuộc đời, chúng ta cũng phải cho anh chị em cơ hội và giúp họ làm hòa cùng Thiên Chúa.
- Luật Lệ làm ra cho sự tốt lành của con người. Luật lệ có thể vi phạm nếu xét thấy cần thiết để đưa con người về với Thiên Chúa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Lý do của việc ăn chay
- Thế nào gọi là sống?
- Đừng xé áo nhưng hãy xé lòng
- Lòng thương xót của Thiên Chúa và tội lỗi của con người
- Cần sống đức tin trong cuộc đời
- Cần khiêm nhường biết mình trong mối liên hệ với Thiên Chúa
- Nguy hiểm của bệnh phong cùi và tội lỗi
- Lợi ích và tai hại của thức ăn
- Sa ngã và tội lỗi
- Phẩm giá người phụ nữ