Sống Lời Chúa Hôm Nay
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Tư Tuần 19 TN1, Năm B
Bài đọc: Deut 34:1-12; Mt 18:15-20.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chiều kích cộng đoàn phải đặt trên chiều kích cá nhân.
Thiên Chúa không sống một mình, Ngài hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa, với thiên thần, và với con người. Thiên Chúa có dư uy quyền để làm tất cả mọi sự; nhưng Ngài chọn để cộng tác với tất cả trong chương trình cứu độ của Ngài. Nếu Thiên Chúa chú trọng chiều kích cộng đoàn hơn chiều kích cá nhân, con người cũng phải làm như thế.
Các Bài Đọc hôm nay đều muốn nêu bật tính cộng đoàn trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Đệ Nhị Luật nêu bật sự hy sinh và lãnh đạo của ông Moses trong việc đưa dân Chúa ra khỏi đất nô lệ của Ai-cập và vào Đất Hứa. Moses đã hoàn tất sứ vụ Thiên Chúa trao và trước khi qua đời, ông đã chuyển giao sứ vụ cho ông Joshua như ý Thiên Chúa muốn, để đưa dân vào Đất Hứa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đưa ra một số điều phải làm để bảo vệ và lãnh đạo cộng đoàn: sửa lỗi huynh đệ, quyền cầm buộc và tháo cởi, và những giờ cầu nguyện chung.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa gởi mỗi nhà lãnh đạo tới để hoàn tất một phần của chương trình cứu độ.
1.1/ Ông Moses hoàn tất trách nhiệm Thiên Chúa trao phó: Theo sự quan phòng của Thiên Chúa: những gì Thiên Chúa hứa, Ngài sẽ thực hiện; khi nào Ngài sẽ thực hiện, không ai biết được thời gian. Lịch sử cứu độ là bằng chứng của điều này. Ông Abraham không sống trên đời để nhìn thấy ngày con cháu của ông "đông như sao trên trời và như cát dưới biển" như ngày nay. Chúa Giêsu không sống trên dương gian đến ngày nhìn thấy Tin Mừng lan ra đến tận cùng bờ cõi trái đất. Và trong trình thuật hôm nay, Moses không sống để đưa con cái Israel vào miền đất mà Thiên Chúa hứa sẽ đem dân vào khi ông đưa dân ra khỏi Ai-cập; mặc dù Thiên Chúa đã đem ông lên núi Nebo để nhìn thấy trước vùng Đất Hứa này. Thiên Chúa dùng mỗi nhà lãnh đạo trong một thời gian, để thực thi một phần Kế Hoạch Cứu Độ của Ngài cho nhân loại.
1.2/ Con cái Israel nhìn lại cuộc đời ông Moses: Nước chảy đá mòn; để hoàn tất sứ vụ Thiên Chúa trao, ông Moses đã phải hy sinh đời mình cho con cái Israel đến hơi thở cuối cùng. Con cái Israel than khóc cái chết của ông Moses một phần vì hối hận đã đối xử không tốt với ông khi ông đồng hành với họ suốt 40 năm trong sa mạc, một phần vì thương tiếc cho ông đã không sống để được hưởng kết quả mà ông đã vất vả thực hiện.
Ông Moses phải là mẫu gương cho các nhà lãnh đạo tinh thần: Mục đích của việc lãnh đạo là hoàn tất ý định của Thiên Chúa, chứ không phải để mưu cầu lợi ích cho bản thân mình. Những điều họ làm cho dân chúng không luôn được định giá và mang đến kết quả ngay, nhiều khi phải chờ đến lúc tạm biệt ra đi hay lúc chết, dân chúng mới nhìn thấy và ghi ơn những gì họ đã làm cho dân. Con cái Israel nhận ra tất cả những gì ông Moses đã làm cho họ:
+ Ông Moses đã chuẩn bị cho họ có nhà lãnh đạo mới: "Ông Joshua, con ông Nun, đã được đầy thần khí khôn ngoan, vì ông Moses đã đặt tay trên ông. Con cái Israel nghe ông và làm như Đức Chúa đã truyền cho ông Moses." Sự nối tiếp giữa Moses và Joshua có thể so sánh với sự nối tiếp sứ vụ tiên tri giữa Elijah và Elisha. Việc đặt tay có ý muốn nói lên sự chuyển thông thần khí (spirit); đồng thời với việc chuyển giao sứ vụ.
+ Ông Moses là ngôn sứ cao trọng nhất: "Trong Israel, không còn xuất hiện một ngôn sứ nào như ông Moses, người mà Đức Chúa biết rõ, mặt giáp mặt." Có nhiều ngôn sứ trong lịch sử Israel; nhưng họ chỉ được nghe tiếng của Thiên Chúa trong giấc mơ hay trong thị kiến, chỉ có ông Moses được đàm đạo với Thiên Chúa mặt đối mặt mà không phải chết.
2/ Phúc Âm: Hiệp nhất trong cộng đoàn
2.1/ Cách sửa lỗi anh/chị/em: Sửa lỗi người khác là một việc rất tế nhị, nhưng phải làm vì lợi ích của cộng đoàn. Để việc sửa lỗi có kết quả, Chúa Giêsu dạy chúng ta phải theo cẩn thận tiến trình như sau:
(1) Giữa hai người mà thôi: "Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em." Hai điều Chúa muốn chúng ta lưu ý: Thứ nhất, hầu hết chúng ta thường sửa lỗi đương sự trước mặt người thứ ba. Làm như thế sẽ không có kết quả hay đưa đến kết quả ngược lại điều chúng ta mong muốn, vì theo tâm lý chung, không ai muốn bị sửa lỗi trước mặt người khác, nhất là người đó lại là người thân thiết với đương sự. Thứ hai, mục đích của việc sửa lỗi là chinh phục đương sự, không phải là để thỏa mãn tính nóng giận.
(2) Sự thật được chứng minh bởi hai hay ba nhân chứng: "Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân." Đây là điều rất khôn ngoan vì nó giúp cho cả hai tránh được cái nhìn chủ quan. Hầu hết các tòa án trong mọi quốc gia đều dựa vào lời của hai hoặc ba nhân chứng.
(3) Can thiệp của cộng đoàn: "Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế." Cộng đoàn có thể là gia đình, đoàn thể, dòng tu, hay Giáo Hội. Đây chỉ là giải pháp sau cùng để bảo vệ lợi ích của cộng đoàn và tránh gương mù. Người ngoại hay người thu thuế là người không biết hay coi thường Lề Luật của Thiên Chúa. Tuy vậy, vẫn phải tha thứ khi họ biết ăn năn trở lại.
2.2/ Thiên Chúa hiện diện giữa cộng đoàn: Dĩ nhiên, chúng ta không phủ nhận việc Thiên Chúa cũng hiện diện trong cá nhân; nhưng sự hiện diện của Ngài trong cộng đoàn có một thứ tự ưu tiên hơn. Chúa Giêsu đưa ra hai ví dụ để chứng minh sự hiện diện của Thiên Chúa trong cộng đoàn:
(1) Quyền cầm buộc và tháo cởi: "Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy." Trước tiên, quyền này áp dụng cho sự thật; chứ không cho sự sai lầm vì Thiên Chúa là sự thật. Thứ hai, Chúa muốn nhắc nhở những tội nhân: tuy họ chưa thấy những hậu quả xảy ra đời này, nhưng không có nghĩa họ có thể tránh được ở đời sau. Sau cùng, Giáo Hội dùng quyền này cho Bí-tích Hòa Giải, để tội nhân có thể làm lại cuộc đời.
(2) Hiệp nhất trong lời cầu nguyện: "Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ." Lời hứa này không có nghĩa tất cả những gì con người cầu xin đều được Thiên Chúa chấp nhận. Để được Thiên Chúa nhận lời, con người phải tránh những lời cầu xin ích kỷ hay có hại cho người khác, mà là những lời đẹp lòng Thiên Chúa và sinh ích cho tha nhân. Thứ đến, khi Thiên Chúa nhận lời, không có nghĩa người xin sẽ được đúng điều mình mong muốn. Thiên Chúa biết điều tốt lành, Ngài sẽ ban những gì tốt lành cho tương lai con người. Sau cùng, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh việc hiện diện của Ngài ngay cả khi ít người, chứ không phải chỉ những nơi có đông người tụ họp.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa không bao giờ muốn con người sống riêng lẻ. Ngài muốn con người sống quây quần thành đoàn thể, và chúc lành cho các công việc của cộng đoàn.
- Mỗi khi có xung đột quyền lợi, chúng ta phải luôn luôn đặt quyền lợi của cộng đoàn lên trên lợi ích của cá nhân trong việc lãnh đạo, sửa lỗi, hay cầu nguyện.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Ba Tuần 19 TN1
Bài đọc: Deut 31:1-8; Mt 18:1-5, 10, 12-14.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Môn đệ Đức Kitô phải biết khiêm hạ và bênh vực kẻ yếu đuối.
Thế gian thích có địa vị và quyền hành để được nổi tiếng và được phục vụ. Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải khiêm hạ và phục vụ thì mới có thể vào Nước Trời.
Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng Thiên Chúa yêu thương và bảo vệ những người yếu đuối và tin tưởng nơi Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, ông Moses khuyên dân chúng hãy đặt trọn niềm tin nơi Thiên Chúa và ông Joshua, người Thiên Chúa chọn để thay thế ông Moses. Ngài sẽ lãnh đạo và đưa dân vào vùng đất mà Ngài đã hứa với các tổ-phụ của họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy dỗ các môn đệ phải sống ngược lại với những tiêu chuẩn và giá trị của thế gian để được vào Nước Trời.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ông Moses chuẩn bị cho con cái Israel tiến vào Đất Hứa.
1.1/ Ông Moses nói những lời từ biệt với con cái Israel: Ông Moses cho tập họp toàn thể con cái Israel và nói những lời này với họ: Hôm nay tôi đã được một trăm hai mươi tuổi, tôi không thể đi ra đi vào được nữa, và Đức Chúa đã bảo tôi: "Ngươi sẽ không được sang qua sông Jordan kia."
Khi ông Moses dẫn con cái Israel ra khỏi Ai-cập, ông đã 80 tuổi. Sau 40 năm chịu thanh luyện trong sa mạc với họ, đến nay ông đã 120 tuổi. Tuổi già đã làm ông không thể đi lại được nữa. Ông Moses biết: để tiến vào Đất Hứa, con cái Israel cần một người lãnh đạo trẻ trung và khỏe mạnh; chứ không thể theo một người già yếu ớt như ông. Để chuẩn bị cho con cái Israel vào Đất Hứa, ông Moses tuyên bố với dân chúng họ sẽ có hai nhà lãnh đạo:
(1) Thiên Chúa là Người sẽ dẫn dân vào Đất Hứa: Ông Moses và toàn dân dư biết sức mạnh của con cái Israel không đủ để chống cự với sức mạnh của các dân tộc đang sống trong Đất Hứa; vì thế, ông Moses bảo đảm với dân chúng một điều tối quan trọng: "Chính Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, sẽ dẫn đầu anh em sang qua sông, Người sẽ tiêu diệt các dân tộc ấy cho khuất mắt anh em, để anh em chiếm đất của chúng."
(2) Joshua sẽ là người lãnh đạo dân vào Đất Hứa: Thiên Chúa hành động theo cách thức của con người như Ngài đã từng hành động qua ông Moses để truyền lệnh cho dân chúng; vì thế, ông Moses loan báo cho dân nhà lãnh đạo mới sẽ thay thế ông: "Chính ông Joshua sẽ dẫn đầu anh em sang qua sông, như Đức Chúa đã phán."
1.2/ Ông Moses khuyên bảo con cái Israel: Để vượt qua sông Jordan vào Đất Hứa Canaan, con cái Israel phải băng qua đất của hai vua người Amorites là Sihon và Og. Ông Moses muốn dùng chiến thắng này để khuyến khích con cái Israel đặt trọn vẹn tin tưởng vào Thiên Chúa: "Người đã tiêu diệt chúng. Đức Chúa sẽ trao các dân tộc ấy cho anh em, và anh em sẽ xử với chúng theo như tất cả mệnh lệnh tôi đã truyền cho anh em."
(1) Lời khuyên cho dân chúng: Ông Moses biết rõ lòng dân vì đã cùng họ đương đầu với nghịch cảnh trong suốt 40 năm trong sa mạc; ông biết dân chúng rất yếu đuối khi phải đương đầu với nguy hiểm, nên ông khuyên họ: "Mạnh bạo lên, can đảm lên! Đừng sợ, đừng run khiếp trước mặt chúng, vì chính Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đi với anh em; Người sẽ không để mặc, không bỏ rơi anh em."
(2) Lời khuyên cho Joshua, người sẽ thay ông lãnh đạo dân chúng: Người lãnh đạo khôn ngoan và thương dân thật là người biết chuẩn bị kiếm người thay thế mình trong tương lai và chuẩn bị lòng dân để chấp nhận người kế vị mình; chứ không vô trách nhiệm để dân bị thiệt thòi vì người lãnh đạo không có bản lãnh. Ông Moses đã chuẩn bị cho ông Joshua thay thế ông; vì thế, ông Moses gọi ông Joshua lại, và nói với ông trước mặt toàn thể Israel: "Mạnh bạo lên, can đảm lên! Chính anh sẽ cùng với dân này vào đất Đức Chúa đã thề với cha ông họ rằng Người sẽ ban cho họ; chính anh sẽ cho họ hưởng đất ấy làm gia nghiệp. Chính Đức Chúa đi phía trước anh, chính Người sẽ ở với anh; Người sẽ không để mặc, không bỏ rơi anh. Đừng sợ, đừng hãi!"
2/ Phúc Âm: Ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.
2.1/ Khiêm nhường là điều kiện để được vào Nước Trời.
(1) Tham vọng của con người: Các môn đệ lại gần hỏi Đức Giêsu rằng: "Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?" Các môn đệ hỏi câu hỏi này vì các ông đã quá quen với tiêu chuẩn và giá trị của thế gian: tiêu chuẩn của thế gian là địa vị, danh vọng, và quyền hành; người có giá trị là người có địa vị và quyền hành lớn nhất, chẳng hạn như vua hay một nguyên thủ của quốc gia. Có thể nói mục đích của các môn đệ khi theo Chúa lúc đầu là để được cùng thống trị với Chúa, khi Ngài khôi phục vương quốc Israel. Tham vọng này được chứng minh khi mẹ và hai anh em Giacôbê và Gioan đến xin Chúa cho một người ngồi bên phải và một người ngồi bên trái Chúa khi Ngài trị vì. Mười tông-đồ kia bất mãn với hai anh em về yêu cầu này.
(2) Điều kiện để được vào Nước Trời: Đức Giêsu liền gọi một em nhỏ (paidi,on) đến, đặt vào giữa các ông và bảo: "Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời." Hai tư tưởng chính Chúa Giêsu muốn các môn đệ hiểu ở đây: Thứ nhất, tiêu chuẩn và giá trị của Nước Trời hoàn toàn khác với tiêu chuẩn của thế gian. Thứ hai, để được vào Nước Trời, con người phải hạ mình và trở nên như một trẻ nhỏ.
2.2/ Người mục tử nhân lành: Vẫn trong chiều hướng dạy dỗ các môn đệ làm quen với tiêu chuẩn và giá trị của Nước Trời, Chúa Giêsu tiếp tục dạy các ông hai bài học:
(1) Đừng khinh thường kẻ bé mọn: "Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời."
Thế gian chú trọng đến những người có địa vị, quyền thế, và giầu có; Chúa dạy các môn đệ phải thương xót và săn sóc những kẻ bé mọn (mikro,j). Tĩnh từ Hy-lạp dùng như danh từ ở đây khác với danh từ dùng cho trẻ nhỏ ở trên (paidi,on), tĩnh từ này được dùng để chỉ:
- những người có thân hình nhỏ bé: trẻ thơ, người lùn;
- những người không quan trọng, không có địa vị trong xã hội, người nghèo khó, thất học.
Người môn đệ của Đức Kitô phải biết đứng về phía những kẻ cô thân cô thế để bênh vực và giúp đỡ họ như những con cái của Thiên Chúa. Mỗi người này đều có một thiên thần hộ thủ để bênh vực cho họ trước Thiên Chúa. Ai khinh thường và làm hại họ, thiên thần sẽ tường thuật cho Thiên Chúa (x/c Tob 3:8-9, 12:12-14).
(2) Phải đi tìm con chiên lạc: Chúa tiếp tục dạy các môn đệ: "Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc."
Người của thế gian chú trọng đến đám đông để được phổ thông và nổi tiếng; họ không thể hiểu nổi tại sao lại bỏ 99 con chiên trên núi để đi tìm con chiên lạc. Thiên Chúa như một người cha yêu thương chú trọng đến từng cá nhân một, nhất là những con chiên bị lạc đường. Ngài biết từng con chiên, yêu thương từng con chiên, không thỏa mãn cho đến khi tìm được con chiên lạc, và chỉ vui mừng khi thấy tất cả chiên được qui tụ về một đàn dưới quyền của một Chúa chiên.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải luôn biết khiêm nhường, không cậy dựa vào sức mình; nhưng biết trông cậy nơi sức mạnh và tình thương của Thiên Chúa.
- Chúng ta phải đứng về phía những người bị bỏ rơi để bênh vực và giúp đỡ họ.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Lễ Kinh Thánh Laurensô TĐ
Bài đọc: II Cor 9:6-10; Jn 12:24-26.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cho đi là nguyên tắc sống của cuộc đời.
Nhiều người nghĩ muốn giầu có hạnh phúc phải biết cách đầu cơ tích trữ, để tiền vào như nước và tiền ra nhỏ giọt. Theo cách đầu tư khôn ngoan, họ phải làm sao để mua vào với giá rẻ như bèo, và bán ra với giá cắt cổ. Ngược lại, Chúa Giêsu dạy: nếu muốn sống sung mãn hạnh phúc phải phục vụ hết mình và luôn rộng lượng cho đi, vì "ai có sẽ được cho thêm, và ai không có, ngay cả cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi." Phó-tế Lawrense là thủ quỹ của giáo-triều Rôma, và được nghĩ là người nắm hết tài sản của Giáo Hội. Khi bị thẩm vấn và bắt trao hết tài sản của Giáo Hội cho hoàng-đế Valerian, ông xin ba ngày để kiểm kê tài sản. Ngày thứ ba, ông dẫn tới cho hoàng đế một đám đông giáo hữu nghèo và nói với hoàng-đế: Đây là tài sản của Giáo Hội; nếu hoàng-đế muốn, xin trao lại cho hoàng-đế.
Các Bài Đọc hôm nay muốn chứng minh nguyên tắc sống này cho mọi người. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô khuyên các tín hữu Corintô hãy rộng lượng và vui vẻ giúp đỡ cho Giáo Hội Mẹ tại Jerusalem, vì Thiên Chúa sẽ rộng lượng cho lại họ cách dư đầy. Khi rộng lượng cho đi, họ cũng đang xây dựng cho họ kho tàng vĩnh cửu đời sau. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu muốn nêu bật một nguyên lý bất di dịch của cuộc sống: nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương.
1.1/ Định luật của trời đất: Thánh Phaolô nhắc nhở cho các tín hữu Corintô một định luật phổ quát: "gieo ít thì gặt ít; gieo nhiều thì gặt nhiều." Thánh nhân muốn nói khi con người càng cho đi bao nhiêu, họ sẽ được nhận lại càng nhiều bấy nhiêu. Điều này có thể áp dụng cho mọi lãnh vực của cuộc sống; ví dụ, khi một học sinh bỏ nhiều thời giờ và nỗ lực cho việc học hành, anh sẽ hiểu biết nhiều hơn và thu lượm nhiều kết quả trên đường học vấn. Tương tự như thế cho việc chăn giữ đoàn chiên: nếu cha mẹ hay các mục tử biết dành nhiều thời giờ để giáo dục và chăm sóc con cái hay giáo dân, đàn chiên sẽ mạnh khỏe và tốt lành, gia đình cũng như giáo xứ sẽ tiến triển tốt đẹp; nhưng nếu cha mẹ và các mục tử không dành thời giờ để dạy dỗ và săn sóc con cái hay giáo dân, làm sao đàn chiên, gia đình, hay giáo xứ có thể phát triển được?
Của cho không quí trọng bằng cách cho. Vì Thiên Chúa thấu suốt mọi tư tưởng, thánh Phaolô khuyên các tín hữu phải tập luyện những điều này khi họ cho đi: "Mỗi người hãy cho tuỳ theo quyết định của lòng mình, không buồn phiền, cũng không miễn cưỡng, vì ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương."
(1) Cho đi cách vô vị lợi: Khi cho, đừng tính toán xem người khác sẽ cho lại mình điều gì, như câu tục ngữ Việt-nam: "hòn đất ném đi, hòn chì ném lại." Chắc chắn Thiên Chúa và tha nhân sẽ không để mình phải thiệt hại, nhưng mong muốn điều này không phải là lý do để khuyến khích con người cho đi. Những lý do chính giúp con người cho đi: Thứ nhất, vì mình đã nhận quá nhiều từ Thiên Chúa và tha nhân, nhất là những người mình không thể trả ơn được như Thiên Chúa và những người quá cố; vì thế, mình phải làm ơn cho con cái của Ngài và cho thế hệ mai sau. Thứ hai, tất cả là của Thiên Chúa, con người chỉ là quản lý; nhiệm vụ của quản lý là phân phát cho đúng thời đúng buổi, chứ không phải để hoang phí hay đào lỗ để chôn của. Sau cùng, cho đi là cách xây dựng cộng đồng: nếu tất cả mọi người đều biết hăng hái cho đi, hòa bình sẽ ngự trị trên trái đất và Nước Chúa sẽ trị đến ngay từ đời này.
(2) Cho đi cách vui vẻ, không cho đi cách miễn cưỡng: Nhiều người cho đi vì họ cảm thấy bắt buộc phải cho; ví dụ, khi một người có địa vị đến xin, họ phải cho cách miễn cưỡng vì sợ bị mang tiếng là keo kiệt. Người cho đi cách vui vẻ là người sau khi đã nhận ra nhu cầu và thấy mình có khả năng để đóng góp, họ vui vẻ góp phần vào việc giúp đỡ tha nhân.
(3) Không hối hận khi đã cho đi: Người rộng lượng không hối tiếc khi cho đi, họ có thể chấp nhận hy sinh thiếu thốn để tha nhân được sống. Người keo kiệt, tính toán sẽ tiếc nuối những gì mình đã cho đi. Nếu không chịu tập luyện, họ sẽ để cho tính ích kỷ thống trị, và sẽ không cho đi lần tới.
1.2/ Thiên Chúa là Đấng ban phát muôn ơn lành: Thánh Phaolô nêu lên một số lý do chính để giúp con người biết rộng lượng cho đi:
(1) Thiên Chúa tốt lành: Ngài ban cho con người không những đủ để sinh sống, mà còn dư thừa để làm việc thiện.
(2) Ngài yêu mến kẻ có lòng thương xót tha nhân: Tất cả tha nhân đều là con cái Thiên Chúa; vì thế, làm cho tha nhân là làm cho Thiên Chúa. Lòng thương xót, yêu mến, và giúp đỡ tha nhân làm con người trở nên giống Thiên Chúa hơn tất cả điều khác.
(3) Thiên Chúa muốn con người cộng tác vào sự quan phòng của Ngài: Thánh Phaolô diễn tả như sau: "Đấng cung cấp hạt giống cho kẻ gieo, và bánh làm của ăn nuôi dưỡng, tất sẽ cung cấp dư dật hạt giống cho anh em gieo, và sẽ làm cho đức công chính của anh em sinh hoa kết quả dồi dào." Thiên Chúa có thể ban ơn lành trực tiếp đến tất cả mọi người; nhưng nếu làm như thế, con người chẳng có ơn ích gì trước mặt Ngài. Vì thế, Ngài ban qua chúng ta, để xem chúng ta có biết cách xử dụng để phát triển nhân đức và xây dựng cuộc sống vĩnh cửu cho chúng ta sau này hay không. Chúng ta đừng quên tiêu chuẩn phán xét của Thiên Chúa là hòan toàn dựa vào những gì chúng ta làm cho tha nhân (x/c Mt 25).
2/ Phúc Âm: Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất.
2.1/ Định luật của Thiên Chúa trong đời sống sinh vật: Chúa dạy các môn đệ: "Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác." Không một sinh vật nào không qua tiến trình này; nếu sinh vật nào từ chối không tham dự định luật này, nó sẽ chẳng những không sinh sôi nẩy nở, mà còn mục rữa và chết cách cô độc.
2.2/ Định luật của Thiên Chúa trong đời sống con người: Định luật trên chẳng những đúng với thiên nhiên mà còn đúng trong đời sống con người. Chúa dạy: "Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời."
Định luật này phải mở mắt cho những con người ích kỷ, những người chỉ biết tôn thờ chủ nghĩa cá nhân và vun quén cho mình. Thứ nhất, họ phải biết Thiên Chúa có mắt và vẫn đang theo dõi những việc làm của họ; họ không thể chỉ biết tận hưởng những ơn lành của Thiên Chúa mà từ chối không phục vụ và chia sẻ cho tha nhân. Dù họ có thể qua mặt Ngài trong cuộc sống đời này, họ vẫn phải đối diện với Ngài và tha nhân trong Ngày Phán Xét. Thứ hai, tha nhân không phải là những người ngu dại, họ chỉ có thể lợi dụng ít lần, nhưng không thể lợi dụng tha nhân suốt đời; người ích kỷ là người tự khai trừ mình ra khỏi đời sống của cộng đoàn. Nếu những người ích kỷ chịu khó suy xét: nếu ai cũng ích kỷ như mình, làm sao có mình và có những thứ cho mình hưởng thụ?
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải xác tín Thiên Chúa có uy quyền trên tất cả cuộc sống của con người: Ngài không những ban cho chúng ta đủ của ăn để sinh sống, mà còn dư thừa để làm việc phúc đức.
- Chúng ta chỉ là những người quản lý những ơn lành của Thiên Chúa, và Ngài muốn chúng ta hãy luôn rộng lượng cho đi; tại sao chúng ta lại muốn giữ lại?
- Khi cho đi, chúng ta làm theo ý Thiên Chúa, được Người yêu thương, được tha nhân quí mến, và xây dựng cuộc sống vĩnh cửu mai sau. Tại sao chúng ta cần ích kỷ giữ lại để rồi phải chịu trách nhiệm với Thiên Chúa?
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Chúa Nhật 19 Thường Niên, Năm B
Bài đọc: I Kgs 19:4-8; Eph 4:30-5:2; Jn 6:41-51.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Bánh mang lại sự sống thần linh cho con người.
Đời sống con người có ít nhất hai chiều kích: thể lý và tinh thần. Khi thân xác mệt mỏi và đói khát, con người không còn sức lực để làm việc; vì thế họ cần ăn uống và nghỉ ngơi để lấy sức. Khi tinh thần chán nản đến độ tuyệt vọng, con người mất hết ý chí và nghị lực để sống, họ chỉ muốn chết. Làm sao con người có thể phục hồi tinh thần để tiếp tục bước tới?
Các Bài Đọc hôm nay chú trọng đặc biệt tới lương thực thần linh, những gì có thể giúp con người sống dồi dào và sống muôn đời. Trong Bài Đọc I, tiên-tri Elijah cảm thấy chán nản đến tuyệt vọng; vì sau khi đã cố gắng rao giảng và làm nhiều phép lạ; vua quan và con cái Israel vẫn quay lưng lại vẫn sự thật, lại còn nghe lời hoàng hậu Jezebel để lấy mạng sống của ông. Thiên Chúa sai thiên thần mang bánh và nước tới để giúp ông phục hồi nghị lực. Sau khi dùng lương thực hai lần, ông chỗi dậy và đi bộ một mạch 40 ngày đêm tới núi Horeb, để gặp gỡ Thiên Chúa. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô khuyên nhủ các tín hữu Ephesô hãy loại trừ lối sống theo xác thịt, và mở lòng lãnh nhận lối sống theo Thánh Thần, mà Đức Kitô đã xin Chúa Cha gởi tới tâm hồn các tín hữu. Trong Phúc Âm, khi Chúa Giêsu tuyên bố Ngài là bánh từ trời xuống để đem lại sự sống trường sinh cho nhân loại; người Do-thái xầm xì chống đối, vì họ không hiểu làm sao Chúa Giêsu có thể xuống từ trời và lấy thịt của Ngài cho họ ăn được.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Nhờ lương thực ấy bổ dưỡng, ông đi suốt bốn mươi ngày đêm tới núi Horeb.
1.1/ Nỗi chán nản và thất vọng của tiên-tri Elijah vì con người mù quáng trước sự thật: Giống như tất cả các tiên tri khác, tiên-tri Elijah phải nói những gì Thiên Chúa truyền và phải làm chứng cho sự thật; nhưng con người chẳng những không nhận ra và tin vào sự thật, họ còn tìm giết hại mạng sống của Elijah. Trong chương 18 trước trình thuật hôm nay, Elijah đã chứng minh cho vua Ahab và toàn thể con cái Israel biết đâu là Thiên Chúa thật, qua việc thử thách hy lễ trên núi Carmel. Thiên Chúa đã nhận lời cầu xin của ông qua việc gởi lửa từ trời xuống thiêu rụi của lễ. Nhân cơ hội này, tiên-tri Elijah đã ra lệnh bắt trói và tàn sát một lúc 450 ngôn-sứ của Baal.
Nhưng Ahab là một ông vua hèn nhát: nhà vua đã không chấp nhận sự thật, lại còn kể cho hoàng hậu Jezebel nghe mọi chuyện ông Elijah đã làm và tất cả sự việc ông dùng gươm hạ sát hết các ngôn-sứ. Bà Jezebel liền sai sứ giả đến nói với ông Elijah rằng: "Xin các thần minh làm cho ta thế này, và còn hơn thế nữa, nếu giờ này sáng mai ta không biến mạng ngươi ra như mạng một trong các người ấy" (I Kgs 19:2).
Vì thế, tiên-tri Elijah phải trốn đi để bảo toàn mạng sống. Tiên-tri đi một ngày đường trong sa mạc. Ông đến ngồi dưới gốc một cây kim tước. Ông xin cho được chết và nói: "Lạy Đức Chúa, đủ rồi! Bây giờ xin Chúa lấy mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con."
1.2/ Bánh của thiên thần làm cho Elijah lấy lại sức sống: Rồi ông nằm dưới cây kim tước đó và thiếp đi. Nhưng này có một thiên sứ đụng vào người ông và nói: "Dậy mà ăn!" Ông đưa mắt nhìn thì thấy ở phía đầu ông có một chiếc bánh nướng trên những hòn đá nung và một hũ nước. Ông ăn bánh, uống nước, rồi lại nằm xuống. Thiên sứ của Đức Chúa trở lại lần nữa, đụng vào người ông và nói: "Dậy mà ăn, vì ngươi còn phải đi đường xa."
Đây là bánh từ tay các thiên thần chuẩn bị cho tiên-tri Elijah. Chỉ có lương thực này mới có thể giúp cho tiên-tri Elijah hồi phục cả về thể xác lẫn tinh thần, để ông lên đường đi bộ suốt 40 ngày đêm tới Horeb, là núi của Thiên Chúa. Lương thực của trái đất không thể làm được điều này. Bánh mà tiên-tri Elijah ăn là hình bóng của bí-tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu đề cập tới trong Tin Mừng Gioan bên dưới.
2/ Bài đọc II: Anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa.
Để hiểu những lợi ích do Bí-tích Thánh Thể mang lại, chúng ta cần phân biệt hai lối sống mà thánh Phaolô muốn các tín hữu Ephesô thấu hiểu.
2.1/ Lối sống theo xác thịt: là lối sống ngược lại với những gì Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Thánh Phaolô khuyên nhủ: "Anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa, vì chính Người là dấu ấn ghi trên anh em, để chờ ngày cứu chuộc. Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác." Nhìn chung, đây là bốn phản ứng thường thấy khi con người phải đương đầu với những đối tượng làm điều họ không thích hay gây thiệt hại cho họ. Tùy theo sự liên hệ và vị thế của đối tượng, con người sẽ chọn một hay nhiều cách thức để đối xử cho thỏa mãn tính nóng giận.
2.2/ Lối sống theo Thánh Thần: Ngược lại với lối sống theo xác thịt, thánh Phaolô khuyên:
+ Phải đối xử tử tế với nhau: Người tín hữu không sống ích kỷ để chỉ biết lo cho mình, nhưng luôn quan tâm đến nhu cầu của người khác.
+ Phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô. Đây là một phần của Kinh Lạy Cha và cũng là một điều Chúa Giêsu đòi hỏi để trở nên trọn lành như Cha trên trời trong chương 5 của Tin Mừng Matthew.
+ Hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương: Tục ngữ Việt-nam khuyến khích việc con bắt chước để trở nên giống cha: "Con nhà tông, chẳng giống lông cũng giống cánh." Bắt chước Thiên Chúa là tiêu chuẩn cao nhất trong cuộc đời một người có thể học được. Clement của Alexandria nói cách mạnh bạo hơn: một tín hữu thực sự là một người khôn ngoan đang tập luyện để thành Chúa.
+ Hãy sống trong tình bác ái: như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt. Hai điều chúng ta cần học nơi Đức Kitô: (1) luôn vâng lời Thiên Chúa trong mọi sự; và (2) luôn yêu thương mọi người. Không có một của lễ nào đẹp lòng Thiên Chúa hơn hy lễ của Đức Kitô vì bao gồm cả hai yếu tố này.
3/ Phúc Âm: Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.
3.1/ Thái độ nghi ngờ của con người về "lương thực mới" mà Chúa Giêsu mặc khải:
(1) Phản ứng của con người: Con người xầm xì phản đối vì con người không hiểu việc Thiên Chúa làm. Người Do-thái xầm xì phản đối, vì Đức Giêsu đã nói: "Tôi là bánh từ trời xuống." Họ nói với nhau: "Ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: "Tôi từ trời xuống?"
(2) Phản ứng của Chúa Giêsu: Đức Giêsu muốn nói cho con người hiểu ngay cả việc con người có đức tin là do sự giúp đỡ của Thiên Chúa: "Các ông đừng có xầm xì với nhau! Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết." Làm sao chúng ta hiểu động từ lôi kéo ở đây?
- Bằng cách dùng sức mạnh như người chăn lôi kéo con bò? Thiên Chúa chắc chắn không làm điều này vì nó xâm phạm tự do của con người, và con người sẽ chẳng có công ích gì cả.
- Bằng cách vạch ra cho con người thấy đâu là sự thật và những ích lợi của việc sống theo sự thật (Augustine). Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài dùng đường lối này khi rao giảng Tin Mừng, và chỉ có đường lối này mới có kết quả lâu dài.
Kinh Thánh đã mặc khải cho con người biết về sự xuất hiện của Đức Kitô: Chúa Giêsu nói: "Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi. Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha."
Cả hai tiên-tri, Isaiah và Jeremiah, đều tiên đoán sự xuất hiện của Đấng Thiên Sai và sự dạy dỗ dân chúng của Ngài (x/c Isa 54:13, Jer 31:33-34).
3.2/ Chúa Giêsu phân biệt cho con người hai loại bánh khác nhau tùy vào hiệu quả:
(1) Hiệu quả của lương thực phần xác:
+ Mau hư nát như manna: Chúa Giêsu nói: "Tổ tiên các ông đã ăn manna trong sa mạc, nhưng đã chết." Manna hay lương thực phần xác chỉ có thể làm cho no bụng và đem lại sự sống thể lý; nhưng không đem lại sự sống tinh thần và sự sống trường sinh cho con người.
+ Khi con người dùng đúng lương thực phần xác, chúng sẽ làm con người mạnh khỏe; nhưng nếu dùng không đúng, chúng sẽ gây thiệt hại nhiều cho con người.
+ Không mang lại sự sống tinh thần: Thực tế chứng minh có những người giầu có, ăn ngon mặc đẹp, mà vẫn không muốn sống; trong khi có những người tuy nghèo khó thiếu thốn, nhưng vẫn sống và sống cách dồi dào.
(2) Hiệu quả của lương thực thần linh:
+ Mang lại sự sống muôn đời: Chúa Giêsu mặc khải: "Tôi là bánh trường sinh ... là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống."
+ Làm cho con người kết hiệp với Thiên Chúa qua Đức Kitô: Sự sống thần linh được thông hiệp cho con người qua bí-tích Thánh Thể. Lãnh nhận Bí-Tích này thường xuyên sẽ gia tăng đức tin và đức ái cho con người, để họ càng ngày càng biết yêu mến Thiên Chúa hơn.
+ Làm cho con người kết hiệp với Giáo Hội và với nhau: Thánh Phaolô ví mỗi tín hữu như một chi thể trong một thân thể là Giáo Hội. Bí-tích Thánh Thể liên kết các chi thể với nhau.
+ Thánh hóa con người: Bí-tích Thánh Thể tha các tội nhẹ; giúp tránh các tội nặng trong tương lai; hướng lòng con người về Thiên Chúa, và không về những lôi cuốn của thế gian. Con người là hậu quả của những gì họ ăn uống: nếu năng lãnh nhận BT Thánh Thể, họ sẽ càng ngày càng nên giống Thiên Chúa; đến độ họ có thể thốt lên như Phaolô: "Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi."
+ Giúp sinh hoa kết trái tốt lành: Chúa Giêsu ví Ngài như cây nho và chúng ta là cành. Nếu chúng ta kết hiệp với Ngài, chúng ta mới có thể sinh hoa trái là nhân đức và các việc lành. Năng lãnh nhận bí-tích Thánh Thể sẽ giúp chúng ta có sức mạnh để sống theo lối sống của Thánh Thần như đã đề cập đến trong Bài Đọc II.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta là sự kết hiệp của thể xác lẫn tinh thần: như thân xác cần của ăn uống để sống cách thể lý, tinh thần chúng ta cũng cần lương thực thần linh để sống vui vẻ và hạnh phúc.
- Bí-tích Thánh Thể là chính Đức Kitô. Khi lãnh nhận Mình Thánh Chúa, chúng ta được thông phần với đời sống thần linh của Thiên Chúa, và nhận được bao nhiêu kết quả tốt đẹp từ cuộc sống thần linh này.
- Chúng ta cần biết thu xếp thời gian để tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể mỗi ngày. Sức mạnh của Thánh Thể sẽ giúp chúng ta vượt qua tất cả khó khăn trong cuộc sống.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Lễ Thánh Tổ Phụ Đaminh (Ngày 8 tháng 8)
Bài đọc: Isa 52:7-10; 2 Tim 4:1-8; Mt 5:13-19.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Rao giảng Tin Mừng để đưa các linh hồn về cho Chúa.
Cuộc đời của Thánh Đa-minh có thể tóm gọn trong chủ đề: "Rao giảng Tin Mừng để đưa các linh hồn về cho Chúa." Thánh Đa-minh yêu mến Thiên Chúa nên muốn đem tất cả linh hồn về cho Ngài, và cách thức Ngài dùng là "rao giảng Tin Mừng." Câu châm ngôn trong cuộc đời của thánh nhân là: "Chỉ nói với Chúa và về Chúa." Khi ngài nói với Chúa là lúc ngài cầu nguyện; khi ngài nói về Chúa là lúc ngài rao giảng Tin Mừng cho tha nhân. Thánh Đa-minh kết hợp cả hai chiều kích của đời tu: chiêm niệm và hoạt động. Người tu sĩ Đa-minh là người chiêm niệm và sau đó đem những gì mình đã chiêm niệm chia sẻ cho tha nhân.
Đường lối dùng Tin Mừng để đem các linh hồn về cho Thiên Chúa được đặt căn bản trên Lời Chúa trong ba bài đọc hôm nay. Trong bài đọc I, ngôn-sứ Isaiah được Thiên Chúa cho thấy trước ngày Thiên Chúa sẽ cứu độ dân của Ngài, và để cho Tin Mừng này được loan đi, ngôn sứ thấy sự cao đẹp của những người rao giảng Tin Mừng. Còn gì đẹp hơn bước chân của những người mang Tin Mừng của Thiên Chúa đến cho dân của Ngài đang đau khổ! Trong bài đọc II, thánh Phaolô khuyên môn đệ của ngài là Timothy phải kiên trì trong việc rao giảng, vì ông sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc rao giảng Tin Mừng. Các nhà giảng thuyết phải kiên nhẫn vượt mọi gian khổ mới có thể đưa các linh hồn về cho Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, để có thể chu toàn thành công sứ vụ rao giảng, nhà giảng thuyết phải kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, lắng nghe tiếng của Ngài, và thực thi những gì Ngài dạy trước khi loan báo những lời này cho tha nhân.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng, công bố ơn cứu độ.
1.1/ Thiên Chúa cho dân trở về Sion từ nơi lưu đày: "Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ và nói với Sion rằng: "Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị." Kìa nghe chăng quân canh gác của ngươi cùng cất tiếng reo hò vang dậy; họ sẽ được thấy tận mắt Đức Chúa đang trở về Sion." Người loan báo Tin Mừng phải loan báo 3 điểm có liên quan mật thiết với nhau, mỗi điểm nói lên một khía cạnh của ơn cứu độ:
(1) Công bố bình an: Bình an là một trong những chữ được tiên-tri Isaiah dùng nhiều nhất; nó không phải là sự vắng mặt của chiến tranh, nhưng là quà tặng của Thiên Chúa ban cho con người. Con người được hòa giải với Thiên Chúa; vì thế, con người có bình an.
(2) Loan tin tốt lành: Tin Mừng đến từ Thiên Chúa, Đấng Tốt Lành. Ngài ban phúc lành của Ngài cho con người, nhất là tha thứ tội lỗi và cho được hưởng ơn cứu độ.
(3) Công bố ơn cứu độ: Ơn Cứu Độ đến từ Thiên Chúa. Ơn Cứu Độ không chỉ giới hạn trong việc giải phóng dân Do-thái khỏi lưu đày Babylon; nhưng bao gồm cả việc giải phóng dân khỏi tội lỗi, và đem lại cho dân sự tốt lành và bình an.
Thiên Chúa là Vua hiển trị, chính Ngài sẽ lãnh đạo dân. Những người canh gác của Thành Thánh Jerusalem sẽ nhìn thấy Đức Chúa, và cất tiếng reo hò. Ngài sẽ cai trị dân và cho họ hưởng bình an, những điều tốt lành, và ơn cứu độ.
1.2/ Mọi người sẽ nhìn thấy Thiên Chúa cứu độ Jerusalem: Sự kiện Chúa giải phóng dân Do-thái khỏi lưu đày Babylon và cho về lại Jerusalem, là một phép lạ mà các dân trong vùng đều hay biết: không bằng sức mạnh quân sự, không bằng sức cố gắng của dân Do-thái; nhưng bằng niềm tin tưởng của Cyrus, vua Ba-tư vào Thiên Chúa. Tương tự khi Chúa Giêsu giải phóng dân khỏi tội bằng cái chết của Ngài trên Thập Giá tại Jerusalem, nước Do-thái còn đang dưới ách đô hộ của Đế-quốc Rôma.
2/ Bài đọc II: Hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện.
2.1/ Những khó khăn trong việc rao truyền Lời Chúa
(1) Lý do phải trung thành rao giảng: Phaolô đưa ra hai lý do chính để chỉ thị Timothy phải trung thành rao giảng Tin Mừng: Thứ nhất, Đức Kitô sẽ phán xét kẻ sống và kẻ chết; không một ai và không một hành động nào của con người thoát khỏi sự phán xét của Ngài. Thứ hai, Ngài sẽ xuất hiện và nắm vương quyền; lúc đó, Ngài sẽ trả công cho mỗi người tùy theo việc làm của họ. Vì thế, anh "hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ."
Nhiều người chủ trương: "gió chiều nào che chiều đó." Khi hoàn cảnh xã hội đã đổi, họ cũng phải thay đổi sao cho phù hợp; vì nếu không thay đổi sẽ bị người khác ghét và không trở thành phổ thông. Vì thế, nhiều nhà rao giảng có khuynh hướng thay đổi cách giảng dạy: họ chỉ nói những gì khán giả thích và tránh đề cập những tội mà khán giả đang mang trong mình. Tiên tri Jeremiah đã tuyên sấm nặng nề cho các ngôn sứ giả này: Họ sẽ phải chịu trách nhiệm về sự hư đi của khán giả.
(2) Khuynh hướng thay đổi của con người: Phaolô nói trước cho môn đệ mình biết về sự thay đổi của khán giả: "Thật vậy, sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng vì ngứa tai, họ sẽ tìm kiếm cho họ những nhà rao giảng thích hợp với sở thích của họ, và sẽ quay lưng lại với sự thật và hướng về những chuyện hoang đường." Điều này không lạ, vì theo tâm lý con người, họ không muốn ai làm cho họ phải cắn rứt về những chuyện họ đang mang trong lòng; nhưng chỉ muốn ai khen những chuyện họ làm hoặc nói những chuyện vui cười để giải trí. Nhà rao giảng Tin Mừng chân chính không được chiều theo thị hiếu của khán giả, như Phaolô khuyên nhủ Timothy: "anh hãy thận trọng trong mọi sự, hãy chịu đựng đau khổ, làm công việc của người loan báo Tin Mừng và chu toàn chức vụ của anh."
2.2/ Hãy cố gắng dành cho được phần thưởng không hư nát: Câu hỏi quan trọng đặt ra cho mọi người: Họ muốn làm vừa lòng ai? Thiên Chúa hay con người? Họ muốn làm vừa lòng Thiên Chúa để lãnh phần thưởng bất diệt là sự sống đời đời, hay làm vừa lòng con người để lãnh phần thưởng mau hư nát. Thánh Phaolô cho chúng ta một tấm gương để soi chung: "Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện."
3/ Phúc Âm: Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.
3.1/ Công dụng của muối: Không có gì rẻ và căn bản hơn muối; nhưng muối làm nhiều điều hữu ích cho con người:
+ Muối tượng trưng cho trong sạch tinh tuyền: vì được kết tinh bởi ánh sáng mặt trời và nước biển. Kitô hữu là những người đã được rửa sạch bằng máu Đức Kitô và thấm nhuần mọi quà tặng của Thánh Thần, họ phải trở nên thánh thiện và tinh tuyền trước khi sinh ích cho người khác.
+ Muối dùng để ngăn ngừa đồ ăn cho khỏi hư: Vì đặc tính mặn mà của muối, nên muối được dùng để làm cho lương thực khỏi hư: thịt cá cần muối, rau cỏ cần muối như dưa, cà, kim chi, trái cây cần muối nếu muốn để lâu. Ca dao Việt-nam dùng việc muối cá để nói lên sự cần thiết của con cái phải vâng lời cha mẹ: "Cá không ăn muối cá ươn. Con cãi cha mẹ trăm đường con hư." Nếu điều này cần thiết cho con cái, những điều dạy dỗ của Đức Kitô còn cần thiết hơn cho các Kitô hữu. Nếu không có vị mặn của muối, làm sao các Kitô hữu có thể "ướp mặn lòng người.
+ Muối dùng để thêm gia vị cho thực phẩm: Muối không thể thiếu trong việc nấu ăn, thực phẩm có ngon tới đâu mà nếu không có chất mặn của muối hay nước mắm (cũng từ muối), cũng trở thành vô vị. Người Kitô hữu đã được trang bị để trở thành muối cho đời. Điều cần chú ý ở đây là Chúa Giêsu dùng động từ ở thời hiện tại "là;" có nghĩa: người Kitô hữu đã và luôn có. Bản chất của Kitô hữu có những điều tốt để giúp cho thế gian trở nên tốt.
3.2/ Công dụng của ánh sáng: Biểu tượng này còn gần gũi với con người hơn cả muối. Ánh sáng có rất nhiều công dụng.
+ Ánh sáng dùng để soi sáng: Khi trời tối, con người cần ánh sáng để khỏi vấp ngã và tìm đồ đạc. Người Kitô hữu có sự thật soi sáng để khỏi rơi vào sai lầm.
+ Ánh sáng dùng để sưởi ấm: Khi trời lạnh, con người cần ánh sáng để sưởi ấm như ánh sáng mặt trời hay lửa. Người Kitô hữu có Thánh Thần để sưởi ấm mọi cô đơn, buồn khổ.
+ Ánh sáng bảo vệ con người khỏi nguy hiểm: Tội lỗi thường xảy ra ở nơi không có ánh sáng. Người làm tội lỗi ghét ánh sáng vì họ sợ việc làm đen tối của họ bị phơi bày...
Chúa Giêsu nói: "Chính anh em là ánh sáng cho trần gian." Đã là ánh sáng thì không thể che giấu; nhưng phải đặt trên cao để soi sáng cho mọi người, vì "chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà." Mục đích của việc soi sáng là để những người chưa biết Thiên Chúa "thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời."
3.3/ Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ: Tất cả Luật và Lời Thiên Chúa phán ra đều tốt lành và muôn đời không đổi vì phát xuất từ Thiên Chúa và có khả năng giúp con người sống tốt lành; nhưng vấn đề là ở phía con người. Một số những lý do làm con người hiểu sai Luật của Thiên Chúa:
(1) Không hiểu nguyên tắc của Lề Luật và phiên dịch Luật theo ý mình: Ví dụ: Luật ngày Sabbath. Nguyên tắc là để con người nghỉ ngơi và thờ phượng Chúa; chứ không phải để tranh luận trong những vấn đề liên quan đến sự sống như: có nên chữa bệnh nhân trong ngày Sabbath, có nên bứt bông lúa để ăn cho khỏi đói, vì đó thuộc lãnh vực bảo vệ sự sống.
(2) Tạo thêm nhiều Luật khác: Những nhà làm luật của Do-thái tạo thêm 615 luật từ những Luật Chúa ban cho Moses, ấy là chưa kể những luật bất thành văn (truyền khẩu) vì vô tình hay vì lợi nhuận (định nghĩa thế nào là của lễ thanh sạch). Những luật do con người làm ra có thể thay đổi hay hủy bỏ.
Khi Chúa tranh luận những việc liên quan đến Luật, Chúa muốn con người nhận ra đâu là Luật của Thiên Chúa và đâu là luật của con người. Các kinh sư tranh luận với Chúa muốn đánh lừa mọi người để kết tội Chúa như người phá bỏ Luật của Thiên Chúa. Ngài cũng muốn cho họ nhận ra nguyên lý đứng đang sau là tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người, chứ không giữ cách vụ luật.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Điều quan trọng nhất trong cuộc đời là lo sao cho chúng ta và mọi người được về hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa, chứ không phải lo tìm của cải đời này.
- Chúng ta phải học hỏi và sống Tin Mừng của Thiên Chúa trước khi có thể loan báo Tin Mừng đó cho tha nhân.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Sáu Tuần 18 TN1, Năm B
Bài đọc: Deut 4:32-40; Mt 16:24-28.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy dùng trí nhớ để học biết Thiên Chúa và những gì Ngài dạy.
Trí nhớ rất quan trọng trong việc hiểu biết và học hỏi kinh nghiệm ở đời. Con người không thể tiến bộ nếu không biết dùng trí nhớ, vì những kiến thức và các phát minh hiện đại đều tùy thuộc vào các kiến thức căn bản của quá khứ. Con người có khôn ngoan chín chắn cũng tùy thuộc vào họ có biết học hỏi kinh nghiệm của người xưa, hay những lần thất bại của mình trong quá khứ hay không.
Các Bài Đọc hôm nay nhắc nhở cho con người phải năng nhớ lại những gì Thiên Chúa đã làm cho hay đã dạy dỗ mình. Trong Bài Đọc I, ông Moses trong Sách Đệ Nhị Luật, nhắc nhở cho con người nhớ lại toàn thể biến cố Xuất Hành: Thiên Chúa đã yêu thương chọn lựa con cái Israel như dân riêng, và dùng cánh tay uy quyền để đưa họ ra khỏi cảnh nô lệ bên Ai-cập và đưa vào Đất Hứa; để họ luôn biết tin yêu Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ lối sống khôn ngoan theo định luật của Thiên Chúa: đừng sống theo kiểu người đời để chỉ ích kỷ tìm bảo vệ mạng sống mình; nhưng phải sẵn sàng chết cho ý riêng mình và sống theo đường lối Chúa dạy.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Anh em phải giữ các thánh chỉ và mệnh lệnh của Người.
1.1/ Hãy nhớ lại những gì Thiên Chúa đã làm cho anh em: Để hiểu biết lý do tại sao phải vâng lời Thiên Chúa, ông Moses muốn con cái Israel nhìn lại toàn thể biến cố Xuất Hành, hay ít nhất 4 biến cố chính:
(1) Biến cố vượt qua Biển Đỏ: "Anh em cứ hỏi những thời xa xưa, thời có trước anh em, từ ngày Thiên Chúa dựng nên con người trên mặt đất, cứ hỏi từ chân trời này đến chân trời kia: có bao giờ đã xảy ra chuyện vĩ đại như thế, hay có ai đã nghe điều giống như vậy chăng?" Chưa có một biến cố lịch sử nào trong trời đất thuật lại một việc tương tự như "biển rẽ làm hai như hai bước tường thành để con cái Israel vượt qua Biển Đỏ ráo chân."
(2) Cuộc thần hiện và ban Thập Giới trên núi Sinai: Ông Moses hỏi con cái Israel: "Có dân nào đã được nghe tiếng Thiên Chúa phán từ trong đám lửa như anh em đã nghe, mà vẫn còn sống không?" Truyền thống Do-thái tin không một ai nhìn hay nghe tiếng của Thiên Chúa mà còn sống; ngoại trừ trường hợp của ông Moses và con cái Israel trong cuộc xuất hành khỏi Ai-cập.
(3) Bảy thiên tai Chúa giáng xuống Ai-cập: "Hoặc có thần nào đã ra công đi chọn lấy cho mình một dân tộc từ giữa một dân tộc khác, đã dùng bao thử thách, dấu lạ, điềm thiêng và chinh chiến, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, gây kinh hồn táng đởm, như Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã làm cho anh em tại Ai-cập, trước mắt anh em không?"
(4) Cho dân sở hữu Đất Hứa: "Người đã đuổi những dân lớn và mạnh hơn anh em cho khuất mắt anh em, để đưa anh em vào đất của chúng và ban cho anh em đất ấy làm gia nghiệp, như anh em thấy hôm nay."
1.2/ Hãy biết ăn ở làm sao cho thích đáng: Khi nhớ lại biến cố Xuất Hành, con cái Israel phải nhận ra tình thương Thiên Chúa đã dành cho họ: chọn họ như Dân Riêng, đích thân dùng sức mạnh lớn lao của Người đưa họ ra khỏi Ai-cập, cho họ nghe tiếng Người, dạy dỗ họ, và bảo vệ họ khỏi biết bao nguy hiểm trên đường đi. Sau khi đã nhận ra tình thương Thiên Chúa, ông Moses muốn con cái Israel phải làm hai điều sau để tạ ơn Thiên Chúa và làm ích cho chính mình:
(1) Không được thờ thần nào khác ngoài Thiên Chúa: "Vậy hôm nay, anh em phải biết và để tâm suy niệm điều này: trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính Đức Chúa là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa."
(2) Tuân giữ tất cả những gì Thiên Chúa truyền dạy: "Anh em phải giữ các thánh chỉ và mệnh lệnh của Người, mà hôm nay tôi truyền cho anh em; như vậy anh em và con cháu anh em sau này sẽ được hạnh phúc, và anh em sẽ được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, vĩnh viễn ban cho anh em."
2/ Phúc Âm: Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm.
2.1/ Cách sống theo đường lối của Thiên Chúa: Đức Giêsu nói với các môn đệ: "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy."
Thoạt nghe những lời này, chúng ta nhận ra lối sống Chúa dạy đi ngược với lối sống của thế gian, nhất là lối sống của nhiều người hiện nay. Nhiều chủ thuyết đặt quyền lợi cá nhân và vật trên hết (individualism, materialism), nên họ chỉ biết ích kỷ tìm sự sống và lo vun quén cho mình.
Nhưng kinh nghiệm dạy những người theo chủ thuyết này sẽ không tiến bộ được; nhưng người khôn ngoan, thành công, và được mọi người quí mến trong cuộc đời, là người biết sống theo đường lối của Thiên Chúa. Chỉ cần suy gẫm những lời Chúa Giêsu nói: Nếu hạt giống rơi xuống đất không thối đi, nó sẽ chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, nó sẽ nảy sinh hàng trăm những hạt khác; chúng ta có thể nhận ra lý do phải hy sinh chết đi để được sống.
Hơn nữa, người tín hữu không chỉ tìm những ích lợi đời này, nhưng mắt họ vẫn không ngừng tìm kiếm kho tàng vĩnh cửu là cuộc sống đời sau. Đó là lý do Chúa dạy: "Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?" Những sự thật về của cải vật chất mà con người phải suy xét:
- Con người không thể tự mang theo mình bất cứ vật gì khi nằm xuống.
- Của cải vật chất không thể chuộc lại mạng sống con người, dù chỉ một thời gian ngắn.
- Con người sẽ phải trả lời cho Thiên Chúa về những của cải được sở hữu cách bất chính. Lúc đó, con người có hối hận chẳng thà đừng có cũng muộn rồi.
2.2/ Thiên Chúa nhớ mọi việc con người làm: "Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm." Con người phát xuất từ Thiên Chúa và sẽ trở về với Ngài để chịu phán xét; vì thế, cuộc đời mỗi người không phải là một đường thẳng, để rồi mọi biến cố xảy ra trong cuộc đời sẽ hòan tòan qua đi; nhưng con người sẽ phải quay về để chịu trách nhiệm với Thiên Chúa về những biến cố này.
Lời hứa khó hiểu của Chúa Giêsu: "Thầy bảo thật anh em: trong số người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết trước khi thấy Con Người đến hiển trị." Điều này nếu hiểu theo nghĩa đen thì không đúng, vì mọi người cùng thời với Chúa đều đã chết. Trình thuật theo Marcô hợp lý hơn: "Tôi bảo thật các người: trong số những người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết, trước khi thấy Triều Đại Thiên Chúa đến, đầy uy lực" (Mk 9:1). Sau khi Chúa Giêsu về trời, các môn đệ ra đi rao giảng và nhìn thấy dân chúng nô nức tin vào Đức Kitô cả hàng ngàn vạn người. Điều này chứng minh uy quyền của Thiên Chúa hoạt động ngay từ đời này, và Nước Chúa ngày càng trị đến.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Trí nhớ rất cần thiết cho chúng ta để có niềm tin yêu vững mạnh nơi Thiên Chúa. Chúng ta hãy tập có thói quen ngồi nhớ lại những gì Thiên Chúa đã làm cho bản thân và cho gia đình, ít là mỗi tháng một lần.
- Hãy luôn tìm thánh ý Thiên Chúa và quảng đại cho đi. Thiên Chúa và tha nhân không bao giờ để chúng ta phải thiệt thòi, họ luôn cho lại quá lòng mong đợi của chúng ta.
- Chúng ta đừng bao giờ vơ vét của cải cách bất xứng, vì chúng ta sẽ phải chịu trách nhiệm nặng nề trước mặt Thiên Chúa. Hãy nhớ phần hồn của chúng ta quan trọng hơn nhiều.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Kính Lễ Chúa Biến Hình
Bài đọc: Dan 7:9-10, 13-14; 2 Pet 1:16-19; Mk 9:2-10.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lịch sử làm chứng cho Đức Kitô.
Niềm tin của con người vào Đức Kitô là niềm tin có nền tảng lịch sử, chứ không dựa trên những chuyện hoang đường hay thêu dệt. Niềm tin này dựa vào lời của rất nhiều chứng nhân có thế giá trong lịch sử mà con người có thể kiểm duyệt và trí khôn con người có thể hiểu được.
Các Bài Đọc trong ngày lễ Chúa Biến Hình hôm nay muốn nói lên tiến trình lịch sử đó. Trong Bài Đọc I, tiên tri Daniel (khoảng 500 BC) được Thiên Chúa tỏ cho thấy qua các thị kiến, sự xuất hiện của Con Người sau triều đại của bốn đế quốc Assyria, Media, Persia, và Hy-lạp. Ngài tuy có dáng vẻ con người, nhưng có nguồn gốc từ trời. Ngài lãnh nhận vương quyền từ Chúa Cha, và sẽ thống trị mọi dân nước, vương quốc của Ngài sẽ tồn tại muôn đời. Trong Phúc Âm, trước khi Chúa Giêsu lên Jerusalem để chấp nhận Cuộc Tử Nạn, Ngài đem ba môn đệ Phêrô, Giacôbê, và Gioan lên núi để tỏ cho các ông thấy vinh quang và thánh ý của Thiên Chúa. Các ông đã được thấy ông Moses và ngôn sứ Elijah đàm đạo với Chúa Giêsu về những gì sắp xảy ra tại Jerusalem, và nhất là các ông được nghe thấy tiếng Chúa Cha làm chứng và khuyên bảo: "Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người." Trong Bài Đọc II, Phêrô làm chứng sự vinh quang và uy quyền của Chúa Giêsu bằng cách thuật lại kinh nghiệm mình đã được chứng kiến trên núi, và lời các ngôn sứ trong Kinh Thánh đã làm chứng cho Đức Kitô.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị.
1.1/ Thị kiến về Chúa Cha, Đấng Lão Thành: Tiên-tri Daniel tường thuật thị kiến này sau thị kiến 4 con thú của trần gian: "Tôi đang nhìn thì thấy đặt những chiếc ngai và một Đấng Lão Thành an toạ. Áo Người trắng như tuyết, tóc trên đầu Người tựa lông chiên tinh tuyền. Ngai của Người toàn là ngọn lửa, bánh xe của ngai cũng rừng rực lửa hồng. Từ trước nhan Người, một sông lửa cuồn cuộn chảy ra. Ngàn ngàn hầu hạ Người, vạn vạn túc trực trước Thánh Nhan. Toà bắt đầu xử, sổ sách được mở ra."
+ Về phương diện lịch sử, hầu hết các nhà chú giải đều đồng ý thị kiến 4 con thú tượng trưng cho 4 đế quốc: Assyria, Media, Persia, and Greece; như đã được Daniel giải thích cho vua Nabuchanezzar về giấc chiêm bao của nhà vua: một tảng đá bay tới đập vỡ bức tượng làm bằng những kim loại khác nhau trong chương 2. Sau triều đại của 4 vương quốc này sẽ là triều đại của Con Người.
+ Thiên Chúa, Đấng Lão Thành, là Người điều khiển lịch sử của vũ trụ. Ngài có uy quyền trên tất cả vua chúa trần gian và mọi người. Ngài có thể cho một vua trần gian hùng mạnh để thiết lập một đế quốc; và có thể xóa tan đế quốc đó để thiết lập một triều đại mới. Khi Ngài đã quyết định, không gì có thể lay chuyển được. Sự kiện viên đá bỗng dưng bay tới đập nát bức tượng nói lên uy quyền thống trị của Thiên Chúa.
1.2/ Thị kiến về Con Người và sứ vụ được trao từ Đấng Lão Thành: "Trong những thị kiến ban đêm, tôi mải nhìn thì kìa: có ai như một con người đang ngự giá mây trời mà đến. Người tiến lại gần bên Đấng Lão Thành và được dẫn đưa tới trình diện."
+ Con người này "đang ngự giá mây trời mà đến," có nghĩa: nguồn gốc của ngài là từ trời, chứ không phải từ đất như bốn con thú trong đầu chương. Giống như 4 con thú tượng trưng cho vương quốc của trái đất, Con Người này tượng trưng cho vương quốc của Nước Trời.
+ Sứ vụ của Con Người: "Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia, và ngôn ngữ, đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong." Con Người này sẽ làm vua toàn thể vũ trụ, không trừ một quốc gia nào cả. Quyền thống trị và vương quốc vĩnh cửu của Người ám chỉ Người sẽ sống muôn đời, và không một quyền lực của vũ trụ có thể thắng được quyền lực của Ngài.
2/ Bài Đọc II: "Lời ấy như chiếc đèn tỏ rạng giữa chốn tối tăm."
Phêrô muốn chứng minh cho các tín hữu những gì ông nói về Đức Kitô không phải là chuyện hoang đường thêu dệt ra; nhưng có cơ sở nền tảng của hai nhân chứng: kinh nghiệm và Kinh Thánh.
2.1/ Kinh nghiệm được xem thấy Chúa biến hình của Phêrô: Bài Tin Mừng của Marcô bên dưới xác tín những gì thánh Phêrô nói ở đây: "Khi chúng tôi nói cho anh em biết quyền năng và cuộc quang lâm của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, thì không phải chúng tôi dựa theo những chuyện hoang đường thêu dệt khéo léo, nhưng là vì chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người." Phêrô là một trong ba môn đệ đã được chứng kiến vinh quang biến hình của Đức Kitô.
Không những được xem thấy vinh quang của Đức Kitô; Phêrô còn được nghe thấy tiếng Chúa Cha làm chứng về Ngài như sau: "Quả thế, Người đã được Thiên Chúa là Cha ban cho vinh quang và danh dự, khi có tiếng từ Đấng tuyệt vời vinh hiển phán với Người: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hết lòng quý mến." Đây là lời chứng rất quan trọng cho niềm tin của các tông-đồ, vì nó giúp các ông đặt trọn niềm tin vào Đức Kitô là Con Thiên Chúa; nhất là trong biến cố tử nạn và phục sinh vinh hiển của Người.
2.2/ Kinh nghiệm của Phêrô được củng cố bởi lời các ngôn sứ: Ngoài kinh nghiệm cá nhân và lời chứng của hai tông-đồ Giacôbê và Gioan, Phêrô còn có lời chứng của Kinh Thánh qua lời các ngôn sứ. Ông quả quyết: "Như vậy chúng tôi lại càng thêm tin tưởng vào lời các ngôn sứ. Anh em chú tâm vào đó là phải, vì lời ấy như chiếc đèn tỏ rạng giữa chốn tối tăm, cho đến khi ngày bừng sáng và sao mai mọc lên soi chiếu tâm hồn anh em." Ngôn sứ đầu tiên chúng ta đã nhìn thấy trong Bài Đọc I hôm nay là Daniel; ngoài ra chúng ta còn thấy rất nhiều những chứng từ của các ngôn sứ khác như: Isaiah, Jeremiah, Ezekiel, Amos, Micah ... nói về Đấng Thiên Sai.
Phêrô chú trọng đặc biệt về chứng từ của Kinh Thánh: Sách Lề Luật, Ngôn Sứ, và Thánh Vịnh, vì người Do-thái tin tưởng vào thế giá của những Sách này. Trong Bài Giảng trước dân chúng (Acts 3:12-26) và trước Thượng Hội Đồng (Acts 4:8-21), Phêrô quan tâm đặc biệt đến thế giá của Kinh Thánh nói trước về sự phục sinh của Đức Kitô. Nếu con người chịu khó tìm hiểu và học hỏi Kinh Thánh, họ sẽ được soi sáng để hiểu những gì còn tối tăm mù mịt nơi những đoạn văn khó hiểu vì toàn bộ Kinh Thánh đều được linh hứng bởi một Thánh Thần.
3/ Phúc Âm: "Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người."
3.1/ Chúa Giêsu biến hình trên núi: "Sáu ngày sau, Đức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy."
(1) Mục đích: Để hiểu mục đích, chúng ta cần hiểu ý nghĩa của các câu này trong nội dung và bối cảnh lịch sử của nó.
+ Sáu ngày sau: là sáu ngày sau lời tuyên xưng của Phêrô vào thần tính của Đức Kitô tại Carsarea Philippi, và sự kiện ông ngăn cản Chúa Giêsu đừng lên Jerusalem để phải đi ngang qua cuộc khổ nạn. Đó là lý do Giáo Hội mừng Lễ Chúa Biến Hình vào ngày mồng 6 tháng 8.
+ Cuộc Tử Nạn của Chúa Giêsu đã gần kề. Hai điều quan trọng Chúa Giêsu muốn các môn đệ nắm vững: (1) Các ông phải biết rõ Ngài là ai. Điều này đã được giải quyết phần nào khi Phêrô đại diện cho các môn đệ tuyên xưng: "Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống." (2) Cách thức Ngài giải phóng nhân loại là qua Cuộc Thương Khó, Tử Nạn, và Phục Sinh. Điều này các tông-đồ chưa nắm vững, đó là lý do Phêrô kéo Chúa Giêsu ra một nơi và ngăn cản Ngài. Như hầu hết người Do-thái đương thời, các ông tin vào một Đấng Thiên Sai uy quyền sẽ dùng quyền năng để chinh phục và thống trị nhân loại. Các ông không thể chấp nhận một Đấng Thiên Sai phải chịu đau khổ và chết trên Thập Giá.
Vì thế, Chúa Giêsu muốn đưa ba tông-đồ lên núi để các ông xác tín mối liên hệ của Ngài với Thiên Chúa, con đường khổ nạn Ngài sắp phải đi qua theo Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa, và cho các tông-đồ nhìn thấy vinh quang trước khi nhìn thấy cuộc khổ nạn.
(2) Sự hiện diện của Moses và Elijah: "Và ba môn đệ thấy ông Elijah cùng ông Moses hiện ra đàm đạo với Đức Giêsu."
+ Moses tượng trưng cho các Sách Lề Luật: Thiên Chúa ban Thập Giới và các thánh chỉ qua Moses. Ông được coi là nền tảng của Lề Luật, và biến cố hôm nay chứng tỏ Lề Luật phải hướng về Đức Kitô để được nên trọn vẹn, hoàn hảo.
+ Elijah tượng trưng cho các Sách Ngôn Sứ: Tiên-tri Elijah được coi là ngôn sứ cao trọng nhất trong các ngôn sứ vì những lời rao giảng và uy quyền làm phép lạ, và biến cố hôm nay chứng tỏ Sách Ngôn Sứ phải hướng về Đức Kitô, để tìm thấy sự hoàn hảo của các lời tiên-tri về Đấng Thiên Sai.
+ Họ đàm luận với nhau về điều gì? Căn cứ vào những lời thắc mắc của các tông-đồ bên dưới, chúng ta có thể xác tín, chủ đề của cuộc đàm đạo là: biến cố Thương Khó, Tử Nạn, và Phục Sinh của Chúa Giêsu. Trình thuật của Lucas nói rõ chủ đề của cuộc đàm đạo là biến cố từ biệt sắp xảy ra tại Jerusalem (Lk 9:30-31).
Như thế, cả hai: Lề Luật và Ngôn Sứ đều làm chứng và tìm thấy sự hoàn hảo của mình nơi Đức Kitô, nhất là trong Cuộc Thương Khó và Phục Sinh sắp tới của Ngài.
3.2/ Lời truyền của Thiên Chúa Cha: Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: "Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người."
+ Đây là lần thứ hai Chúa Cha làm chứng cho Đức Kitô là Người Con Một yêu dấu của Ngài; lần đầu xảy ra khi Chúa Giêsu được Gioan Tẩy Giả làm phép rửa tại sông Jordan.
+ "Hãy vâng nghe lời Người" là một lời truyền tối quan trọng cho các môn đệ của Đức Kitô. Đối với các tông-đồ, Thiên Chúa muốn các ông phải vâng nghe những gì Đức Kitô đang mặc khải cho các ông, dù không theo những gì các ông muốn về Đấng Thiên Sai; nhưng lại là kế hoạch của Thiên Chúa. Đối với các tín hữu, đây phải là châm ngôn của đời sống: hãy tin và vâng nghe những gì Đức Kitô dạy dỗ, vì khi làm như thế, chúng ta được bảo đảm là làm theo thánh ý Thiên Chúa, và kết quả chắc chắn sẽ tốt đẹp.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Đức tin của chúng ta có được là do Thiên Chúa mặc khải và do lời chứng của những người có thế giá trong lịch sử ghi nhận lại.
- Con người không dễ chấp nhận con đường đau khổ và Thánh Giá; nhưng đối với chúng ta là những người có đức tin, đau khổ và Thánh Giá là kế hoạch Thiên Chúa dùng để cứu độ con người.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Tư Tuần 18 TN1, Năm B
Bài đọc: Num 13:1-2, 25 -14:1, 26ª-29ª, 34-35; Mt 15:21-28.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải kiên trì vượt qua gian khổ mới hy vọng được thành công.
Nhiều người thích được thành công, thích ngồi mơ mộng để dệt đời mình bằng những tương lai huy hoàng rực rỡ, được trở nên những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử hay ngoài xã hội; nhưng khi giật mình tỉnh giấc và phải đương đầu với những hy sinh gian khổ, những mơ ước bị tan biến như bọt biển bị sóng đánh tan tành. Họ quên đi một thực tế là ai cũng phaỉ trải qua những hy sinh gian khổ trước khi đạt được những kết quả tốt đẹp.
Các Bài Đọc hôm nay đưa ra hai thái độ tương phản của nhân loại. Trong Bài Đọc I, con cái Israel thích thú khi nghe các thám tử tường thuật chuyến đi xem xét tình hình Đất Hứa miền Canaan; nhưng khi nghe đến binh lính to lớn và thành trì kiên cố của họ thì họ hết mong Đất Hứa, vì họ sợ phải trả giá bằng gian khổ và chết chóc. Họ bắt đầu toa rập nhau và gào thét điệp khúc "chúng tôi muốn trở về Ai-cập," để kêu trách Thiên Chúa và ông Moses. Trong Phúc Âm, người đàn bà xứ Canaan muốn xin Chúa Giêsu chữa lành cho con gái bị quỉ ám. Mặc dù bị thử thách nặng nề bởi các môn đệ và bởi Chúa Giêsu, Bà nhất định vượt qua mọi thử thách để kiên trì van xin cho tới khi được. Chúa Giêsu phải ngạc nhiên trước cách biểu lộ niềm tin này, nên đã ban cho Bà điều Bà xin.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Cho tới bao giờ cái cộng đồng hư đốn này cứ tiếp tục lẩm bẩm kêu trách Ta?
1.1/ Lý do con cái Israel kêu trách Thiên Chúa: Hai mục đích Thiên Chúa muốn làm cho con cái Israel: thứ nhất, Ngài muốn giải phóng con cái Israel khỏi làm nô lệ cho người Ai-cập; thứ hai, Ngài muốn đưa họ vào Đất Hứa mà Ngài đã hứa với các tổ-phụ của họ.
Để chuẩn bị tinh thần, Đức Chúa phán với ông Moses: "Ngươi hãy sai người đi do thám đất Canaan, đất mà Ta sẽ ban cho con cái Israel. Các ngươi sẽ sai đi mỗi chi tộc một người và tất cả phải là kỳ mục trong dân." Sau bốn mươi ngày do thám đất, họ trở về và tường thuật những gì mắt thấy tai nghe cho ông Moses và toàn thể dân chúng. Muốn hiểu chi tiết những gì họ tường thuật, xin đọc Sách Dân Số, chương 13 và 14. Một cách tổng quát, con cái Israel mắt sáng rỡ khi nghe đến vùng đất tràn đầy sữa và mật, những chùm nho phải hai người khiêng; nhưng mắt họ tối sầm lại khi nghe đến binh lính to lớn và thành trì kiên cố. Nỗi lo sợ phải hy sinh gian khổ và có thể phải chết thắng vượt ước mơ được định cư trong Đất Hứa, nên toàn thể cộng đồng lớn tiếng kêu la, dân chúng khóc lóc cả đêm ấy. Họ muốn trở về Ai-cập hay ở lại trong sa mạc để chết cách an toàn!
Nghe những tiếng kêu la than khóc, Đức Chúa lại phán với ông Moses và ông Aaron:
"Cho tới bao giờ cái cộng đồng hư đốn này cứ tiếp tục lẩm bẩm kêu trách Ta? Ta đã nghe thấy toàn những lời cằn nhằn, đám con cái Israel này cứ lẩm bẩm chống Ta."
1.2/ Hậu quả của việc than trách: Chúa truyền cho ông Moses và ông Aaron: "Ngươi hãy nói với chúng: Ta thề - sấm của Đức Chúa - Ta sẽ xử với các ngươi như lời các ngươi kêu thấu tai Ta. Trong sa mạc này, thây các ngươi sẽ ngã gục: trong các ngươi, tất cả những người đã được kiểm tra đăng ký, từ hai mươi tuổi trở lên, mà đã cằn nhằn chống Ta, Theo số ngày các ngươi đã đi do thám đất - bốn mươi ngày - mỗi ngày tính là một năm, các ngươi sẽ phải gánh chịu tội ác của các ngươi bốn mươi năm, và các ngươi sẽ biết Ta trừng phạt những kẻ bất tuân như thế nào.
Ta, Đức Chúa, Ta đã phán; Ta quyết sẽ thi hành như thế cho toàn thể cộng đồng hư đốn này đã cấu kết với nhau chống lại Ta. Trong sa mạc này chúng sẽ bị tiêu diệt và sẽ chết hết."
Theo những lời này, con cái Israel sẽ phải lãnh nhận những hậu quả như sau:
(1) Họ phải sống lang thang trong sa mạc 40 năm, mặc dù từ Biển Đỏ, nơi họ xuất hành khỏi Ai-cập chỉ mất khoảng ít ngày tới Đất Hứa. 40 ngày dọ thám trở thành bản án 40 năm lưu đày trong sa mạc; và tất cả những thám tử phản động xúi giục dân làm phản bị giết chết hết, ngoại trừ ông Caleb và ông Joshua, những người không chống lại Thiên Chúa và Moses.
(2) Thế hệ của họ (từ hai mươi tuổi trở lên) sẽ dần dần chết hết trong sa mạc theo như lời họ than trách; mặc dù ông Moses đã hết lòng cầu xin Thiên Chúa tha thứ cho họ.
(3) Thế hệ con cháu của họ sẽ được vào hưởng Đất Hứa vì chưa chống lại Thiên Chúa.
2/ Phúc Âm: "Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy."
2.1/ Thái độ kiên trì của người đàn bà Dân Ngoại: Trong cuộc đời hành đạo, Chúa Giêsu rất ít ra khỏi lãnh thổ của Palestine. Trình thuật hôm nay là một ngoại lệ, thánh Matthew tường thuật: "Ra khỏi đó, Đức Giêsu lui về miền Tyre và Sidon, thì này có một người đàn bà Canaan, ở miền ấy đi ra, kêu lên rằng: "Lạy Ngài là con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!"
Người đàn bà Canaan này phải đương đầu với ít nhất 3 thử thách lớn như sau:
(1) Nạn kỳ thị chủng tộc: Người Do-thái khinh thường những người Dân Ngoại, họ không muốn có bất cứ liên hệ gì với Dân Ngoại cả. Bà phải can đảm lắm mới vượt qua được bức tường kỳ thị chủng tộc này.
(2) Các môn đệ coi Bà như một gánh nặng cần trút bỏ càng sớm càng tốt: Thấy Chúa Giêsu không đáp lại một lời, các môn đệ thưa với Ngài: "Xin Thầy bảo Bà ấy về đi, vì Bà ấy cứ theo sau chúng ta mà xin mãi!" Chúa Giêsu tỏ thái độ cho các môn đệ và cho cả Bà: "Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi."
(3) So sánh Bà với chó: Đây có lẽ là một thử thách to lớn nhất về đức tin. Nhiều nhà chú giải có khuynh hướng làm dịu lại bằng cách đề cập tới chó nhà hay chó con; nhưng điều chính yếu là con người phải làm chứng cho đức tin cho dù bị xỉ nhục. Hãy nghe lời Bà đối thoại với Chúa Giêsu:
- Bà ấy đến bái lạy mà thưa Người rằng: "Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!"
- Người đáp: "Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con."
- Bà ấy nói: "Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống."
2.2/ Sự ngạc nhiên của Chúa Giêsu: Lời đối đáp của Bà nói lên một sự thật: mặc dù không được ăn bánh dành cho con cái, nhưng "lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống." Tuy Chúa Giêsu không trực tiếp rao giảng cho Dân Ngoại, nhưng Ngài đang huấn luyện các môn đệ để làm việc đó. Trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, Ngài muốn chọn dân Do-thái trước khi bành trướng ơn cứu độ đến tất cả Dân Ngoại.
Vì Bà biểu lộ đức tin cách vững chắc, nhiệt thành, và khôn ngoan; nên Đức Giêsu trả lời Bà: "Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy." Từ giờ đó, con gái bà được khỏi.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải trải qua gian khổ trước khi đạt tới vinh quang Nước Trời. Nếu chúng ta cùng chịu gian khổ với Đức Kitô, chúng ta sẽ cùng thống trị vinh quang với Ngài.
- Chúng ta phải nghe lời Đức Kitô để đi qua đường hẹp; vì đường rộng rãi thênh thang chỉ dẫn tới diệt vong. Cuộc đời chúng ta có thể ví như cuộc đời con cái Israel 40 năm trong sa mạc.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Ba Tuần 18 TN B
Bài đọc: Num 12:1-13; Mt 14:22-36.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tội hoài nghi, kẻ thù của đức tin.
Con người cần phân biệt rõ ràng hai lãnh vực trong cuộc đời: (1) lãnh vực tự nhiên, những gì con người có thể hiểu và điều khiển được; và (2) lãnh vực siêu nhiên, những gì con người cần sự trợ giúp và sức mạnh của Thiên Chúa vì chúng vượt quá sức con người.
Các Bài Đọc hôm nay muốn nhắn nhủ con người phải biết phân biệt hai lãnh vực này và tuyệt đối tin tưởng nơi Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, khi bà Miriam kiêu ngạo cho mình cũng có uy quyền của Thiên Chúa và nghi ngờ uy quyền của Thiên Chúa hoạt động qua ông Moses, Chúa đã phạt Bà bị cùi trong 7 ngày. Trong Phúc Âm, Chúa nhận lời yêu cầu của Phêrô và cho phép ông đi trên mặt nước như Chúa; nhưng khi ông sợ hãi sóng gió, ông bắt đầu chìm xuống và kêu cầu cùng Chúa. Ngài đến nắm tay và trách ông: "Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?"
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Bà Miriam và ông Aaron nghi ngờ về thế giá của ông Moses.
1.1/ Lý do nghi ngờ: Bà Miriam và ông Aaron phản đối ông Moses về người đàn bà xứ Cushite mà ông đã lấy làm vợ. Họ nói: "Đức Chúa chỉ phán với một mình Moses sao? Người đã chẳng phán với cả chúng ta nữa ư?" Và Đức Chúa nghe được.
+ Cushite thường được dùng để chỉ nước Ethiopia, nhưng cũng có thể chỉ một phần của phía Bắc Arabia (Hab 3:7). Rất có thể người đàn bà mà ông Moses lấy làm vợ là bà Zipporah của xứ Midian (Exo 2:21).
+ Cuộc kết hôn với người phụ nữ nước ngoài chỉ là một lý do phụ thuộc cho sự chống đối; lý do thực sự là lòng ghen tỵ với địa vị của Moses như là một người trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và dân chúng. Bà Miriam và ông Aaron rất khôn ngoan che đậy lòng ghen tỵ của mình bằng cách nêu lên một lý do bên ngoài: ông Moses đã kết hôn với người nước ngoài! Họ muốn địa vị như của ông Moses, và muốn dân chúng kính phục họ như kính phục ông Moses.
+ Bà Miriam, người chị em của Aaron, được coi như là một nữ tiên tri (Exo 15:20). Bài ca chiến thắng trong biến cố Xuất Hành được coi là của Bà.
+ Ông Moses là người "hiền lành" nhất trên đời. Danh từ Do-thái được dùng ở đây là "anawim," có nghĩa là người biết khiêm nhường nhận ra vị thế của mình và biết kính sợ Thiên Chúa. Nếu phải dịch chính xác hơn: "người khiêm cung." Tác giả muốn đối chiếu đức tính của ông Moses với bà Miriam.
1.2/ Thiên Chúa can thiệp: Đột nhiên Đức Chúa phán với ông Moses, ông Aaron và bà Miriam: "Cả ba hãy đi ra Lều Hội Ngộ!" Và ba người đã ra. Đức Chúa ngự xuống giữa đám mây và dừng lại ở cửa Lều. Người gọi ông Aaron và bà Miriam, và hai người đi ra. Thiên Chúa muốn làm sáng tỏ địa vị của Moses với địa vị của các ngôn sứ.
(1) Vị thế của ngôn sứ: Người phán: "Hãy nghe Ta nói đây! Nếu trong các ngươi có ai là ngôn sứ, thì Ta, Đức Chúa, Ta sẽ tỏ mình ra cho nó trong thị kiến, hoặc sẽ phán với nó trong giấc mộng." Thị kiến và giấc mộng là hai hình thức phổ thông nhất Thiên Chúa dùng để chuyển thông những gì Ngài muốn nói cho các ngôn sứ, để họ loan báo lại cho dân chúng.
(2) Vị thế độc tôn của ông Moses: "Nhưng với Moses tôi tớ Ta thì khác: tất cả nhà Ta, Ta đã trao cho nó. Ta nói với nó trực diện, nhãn tiền, chứ không nói bí ẩn, và hình dáng Đức Chúa, nó được ngắm nhìn. Vậy tại sao các ngươi không sợ nói động đến Moses, tôi tớ Ta?" Ông Moses là người duy nhất được nhìn thấy Thiên Chúa nhãn tiền mà không chết (Exo 33:20).
1.3/ Thiên Chúa trừng phạt bà Miriam: Đức Chúa nổi cơn thịnh nộ với họ mà bỏ đi. Khi mây bốc lên khỏi Lều, thì bà Miriam bị cùi, mốc thếch như tuyết.
- Phản ứng của ông Aaron: Ông Aaron nói với ông Moses: "Lỗi tại tôi, thưa ngài, nhưng xin ngài đừng kết tội chúng tôi; chúng tôi đã dại dột mà phạm lỗi và đáng tội. Xin đừng để cho cô ấy nên như đứa chết yểu, vừa lọt lòng mẹ đã bị ăn mòn mất một nửa phần thịt mình rồi." Tại sao Thiên Chúa không phạt Aaron? Có lẽ vì ông không chống đối ông Moses, nhưng chỉ hùa theo bà Miriam mà thôi.
- Phản ứng của ông Moses: Ông Moses kêu cầu lên Đức Chúa rằng: "Ôi, lạy Chúa, xin chữa lành cô ấy!" Ông Moses được Đức Chúa cho biết bà Miriam phải sống cách biệt với dân chúng trong 7 ngày; sau đó, Bà sẽ được chữa lành và cho trở về sống với dân chúng. Bà chết và được an táng khi con cái Israel đến sa mạc Sin (Num 20:1). Tính kiêu ngạo được nhiều tác giả ví như bệnh cùi hủi trước mặt Thiên Chúa có lẽ cũng là do từ biến cố này.
2/ Phúc Âm: "Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?"
2.1/ Các môn đệ sợ hãi khi phải đương đầu với gió bão: Sau khi đã làm phép lạ cho hơn 5,000 người ăn, Chúa Giêsu liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình. Còn chiếc thuyền của các môn đệ đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió. Nhiều người đặt câu hỏi tại sao phép lạ này lại được các thánh-sử tường thuật ngay sau phép lạ "Bánh hóa nhiều?" Có người cho Chúa Giêsu muốn thử đức tin của các môn đệ để xem họ có tuyệt đối tin tưởng nơi uy quyền của Ngài không. Ý kiến khác cho Chúa Giêsu muốn tỏ cho các môn đệ biết Ngài có toàn quyền trên các sức mạnh của thiên nhiên như: gió bão, sóng nước.
Từ trên núi, Chúa Giêsu có thể nhìn rõ những gì xảy ra trong Biển Hồ. Khi thấy các môn đệ vất vả chống trả với gió bão, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: "Ma đấy!" và sợ hãi la lên. Đức Giêsu liền bảo các ông: "Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!"
2.2/ Hậu quả khi con người nghi ngờ Thiên Chúa: Ông Phêrô thưa với Chúa Giêsu: "Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài." Đức Giêsu bảo ông: "Cứ đến!" Ông Phêrô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giêsu. Ông đi được trên mặt nước vì ông hoàn toàn tin tưởng nơi Thiên Chúa, không một chút nghi ngờ gì nơi quyền năng của Ngài. Cuộc đời con người cũng thế, nếu chúng ta hoàn toàn tin tưởng nơi Thiên Chúa, Ngài sẽ ra tay uy quyền hướng dẫn cuộc đời chúng ta. Người có đức tin làm được những chuyện vượt quá khả năng con người, vì họ được trợ giúp bởi uy quyền và sự hướng dẫn của Thiên Chúa. Sự nghi ngờ xảy ra khi Phêrô quá chú tâm đến những nguy hiểm chung quanh và không hướng nhìn vào Chúa Giêsu; vì thế, ông sợ hãi và bắt đầu chìm. Chính Chúa Giêsu đã khiển trách khi Ngài nắm lấy tay ông: "Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?"
Sự hoài nghi là kẻ thù số một của đức tin: khi con người nghi ngờ uy quyền của Thiên Chúa, họ sẽ tin tưởng nơi sức mạnh của họ hoặc những quyền lực của thế gian; và vì thế, họ bắt đầu xa lánh Thiên Chúa. Nhiều người còn cho cần gì phải trông chờ và van xin Thiên Chúa khi họ có thể làm được: kiếm tiền để sinh sống, cố gắng để thành công trong cuộc đời ... Những người này sẽ nhận ra sự cần thiết của đức tin khi họ phải đương đầu với đau khổ, thất bại, bệnh tật, và những nguy hiểm khác trong cuộc đời; lúc mà sức mạnh con người không đủ để giúp họ vượt thoát. Lúc đó e quá muộn để họ bắt đầu trau dồi đức tin!
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta cần học hỏi để biết mình trong tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân, và với thế giới. Một thái độ kiêu căng không biết mình sẽ gây nhiều thiệt hại hơn làm lợi.
- Chúng ta cần có một đức tin vững mạnh và đừng bao giờ nghi ngờ quyền năng và sự quan phòng của Thiên Chúa. Một đức tin như thế sẽ giúp chúng ta khi phải đương đầu với sóng gió của cuộc đời và vượt qua cách tốt đẹp.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Chúa Nhật 18 Thường Niên, Năm B
Bài đọc: Exo 16:2-4, 12-15; Eph 4:17, 20-24; Jn 6:24-35.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát.
Cám dỗ về bánh ăn luôn là một diệu kế ma quỉ dùng để cám dỗ con người. Chúng đã từng dùng để cám dỗ Chúa Giêsu, khi Ngài ăn chay 40 ngày trong sa mạc: "Hãy biến những hòn đá thành của ăn." Chúa trả lời: "Người ta sống không chỉ bởi bánh, nhưng còn bởi mọi Lời do miệng Thiên Chúa phán ra." Chúa muốn con người nhận ra chân lý: "Bánh cần thiết, nhưng không phải tất cả." Nếu con người chú trọng đến bánh quá nhiều, con người sẽ phát sinh nhiều bệnh: cả phần hồn lẫn phần xác.
Các Bài Đọc hôm nay muốn nêu bật hai thực tại: lương thực mau hư nát và lương thực trường tồn. Trong Bài Đọc I, con cái Israel kêu trách Thiên Chúa vì họ bị đói và khát trong sa mạc. Thiên Chúa cho họ có manna từ trời rơi xuống ban sáng, và có thịt chim cút lúc ban chiều. Họ có thể ăn uống thỏa thuê; nhưng không được họ tích trữ. Ngài truyền chỉ lấy lương thực đủ cho ngày đó; nếu tham lam tích trữ, manna sẽ hư hại hôm sau. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô phân biệt hai lối sống: Dân Ngoại sống theo tư tưởng phù phiếm: họ chỉ biết ra công làm việc để có của ăn hư nát và hưởng thụ; ngược lại, các tín hữu phải sống theo Thánh Thần và tuân theo những lời chỉ dạy của Đức Kitô, để có lương thực trường tồn. Trong Phúc Âm, dân chúng đi kiếm Đức Kitô sau khi đã được Ngài làm phép lạ cho ăn uống thỏa thuê. Chúa Giêsu biết rõ họ tìm kiếm Ngài chỉ vì lý do đó; nên Ngài khuyên họ: "Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực trường tồn đem lại phúc trường sinh."
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa đã cho dân có bánh và thịt trong sa mạc.
1.1/ Con cái Israel kêu trách Thiên Chúa và Moses: Trong sa mạc, toàn thể cộng đồng con cái Israel kêu trách ông Moses và ông Aaron. Con cái Israel nói với các ông: "Phải chi chúng tôi chết bởi tay Đức Chúa trên đất Ai-cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thoả thuê. Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó mà vào sa mạc này, để bắt chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây!" Nhiều người cho con cái Israel có lý do để than phiền, vì nếu phải "chết đói" trong sa mạc thì ở lại Ai-cập để được "chết no" còn sướng hơn. Nhưng sự thực là con cái Israel đã không phải chết đói, vì nếu Thiên Chúa đã có kế hoạch đưa dân ra khỏi Ai-cập để vào Đất Hứa, làm sao Ngài có thể để dân chết đói dọc đường được! Những lời than phiền này biểu tỏ:
(1) Con cái Israel không có đức tin mạnh đủ vào Thiên Chúa: Họ vừa mới chứng kiến biến cố Thiên Chúa đưa toàn dân qua Biển Đỏ ráo chân; trong khi quân đội Pharao bị nhận chìm trong Biển Đỏ, và uy quyền Thiên Chúa bày tỏ qua 7 thiên tai. Tại sao họ không cầu xin Thiên Chúa ban của ăn, mà lại buông những lời vô ơn bạc nghĩa như thế?
(2) Con cái Israel quí trọng của ăn hơn những giá trị tinh thần: Làm nô lệ cho Pharao là một cực hình; vì chính họ đã từng kêu than lên Thiên Chúa. Tại sao giờ đây họ đã được tự do rồi, lại muốn trở lại kiếp nô lệ ngày xưa để có thịt và bánh ăn thỏa thuê? Đây là một kinh nghiệm quan trọng cho chúng ta học hỏi: lòng ham muốn của ăn có thể làm lu mờ những giá trị tinh thần.
1.2/ Thiên Chúa cho dân ăn manna và chim cút trong sa mạc:
(1) Cho dân ăn manna: Đức Chúa phán với ông Moses: "Này, Ta sẽ làm cho bánh từ trời mưa xuống cho các ngươi ăn. Dân sẽ ra lượm lấy khẩu phần cho mình, ngày nào cho ngày đó; Ta muốn thử lòng chúng như vậy xem chúng có tuân theo Luật của Ta hay không." Sự thể đã xảy ra như lời Chúa hứa: Mỗi buổi sáng, có lớp sương phủ quanh trại; lúc sương tan đi thì trên mặt hoang địa, có một thứ gì nho nhỏ mịn màng, nho nhỏ như sương muối phủ mặt đất. Khi con cái Israel thấy thế, họ liền hỏi nhau: "Manhu?" Nghĩa là: "Cái gì đây?" Vì họ không biết đó là cái gì. Ông Moses bảo họ: "Đó là bánh Đức Chúa ban cho anh em làm của ăn!"
(2) Cho dân ăn thịt chim cút: Con cái Israel không chỉ muốn ăn bánh để sống, nhưng còn ao ước được ăn ngon. Họ nói: chúng tôi đã quá nhàm chán thức ăn vô vị này (manna); và họ nhớ tới những cao lương mỹ vị khi còn ở Ai-cập. Thiên Chúa thấu tỏ lòng họ, nên Ngài lại nói với ông Moses: "Ta đã nghe tiếng con cái Israel kêu trách. Vậy, ngươi hãy bảo chúng rằng: Vào buổi chiều, các ngươi sẽ được ăn thịt, và ban sáng, các ngươi sẽ được ăn bánh thoả thuê, và các ngươi sẽ biết rằng Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi." Sự thể đã xảy ra như lời Chúa hứa: Buổi chiều, chim cút bay đến rợp cả trại.
2/ Bài đọc II: Anh em phải để Thánh Thần đổi mới tâm trí anh em.
2.1/ Lối sống theo Dân Ngoại: Ephesô là một thành phố của Hy-lạp, các tín hữu Ephesô hầu hết là những người Dân Ngoại, và đã được Phaolô rao giảng Tin Mừng và nhận vào Đạo Thánh của Đức Kitô. Giống như con cái Israel, các tín hữu Ephesô luôn bị cám dỗ để trở về với nếp sống cũ trước khi được Rửa Tội. Thánh Phaolô nhận ra khuynh hướng này; vì thế, ngài viết thư khuyên họ: "Đây là điều tôi nói với anh em, và có Chúa chứng giám, tôi khuyên anh em: đừng ăn ở như Dân Ngoại nữa, vì họ sống theo những tư tưởng phù phiếm của họ."
Lối sống theo Dân Ngoại mà thánh Phaolô đề cập đến ở đây bao gồm rất nhiều tật xấu, dựa trên những Thư của Ngài, chúng ta có thể liệt kê các tội như: thờ bụt thần, không tin tưởng nơi Thiên Chúa và sự sống đời sau, hưởng thụ vật chất và khoái lạc, loạn luân, ham quyền hành, và ghen tương chia rẽ ...
2.2/ Lối sống theo Thánh Thần: Thánh Phaolô nhắc nhở cho các tín hữu Ephesô hai điều quan trọng:
(1) Sống theo sự thật của Đức Kitô: "Còn anh em, anh em đã chẳng học biết về Đức Kitô như vậy đâu; anh em đã được nghe nói về Đức Giêsu và được dạy dỗ theo tinh thần của Người, đúng như sự thật ở nơi Đức Giêsu. Vì thế, anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối."
Tin thế nào, phải sống như thế. Nếu tin một đàng và sống một nẻo, đức tin không sinh lợi ích gì cho các tín hữu; họ chẳng khác gì những người không tin.
(2) Sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần: "Anh em phải để Thánh Thần đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện."
Chúa Thánh Thần mà các tín hữu đã lãnh nhận Ngài khi lãnh nhận Bí-tích Rửa Tội, sẽ soi sáng để họ nhận ra những gì là sự thật mà Đức Kitô đã loan báo; đồng thời, Ngài sẽ ban những ơn thánh đủ để thúc đẩy các tín hữu biết sống theo những gì Đức Kitô đã dạy bảo. Chương 8 của Thư Rôma cho chúng ta một đời sống viên mãn dưới sự hoạt động của Chúa Thánh Thần.
3/ Phúc Âm: Đừng chỉ tìm kiếm những của ăn mau hư nát.
3.1/ Dân chúng tìm Chúa vì đã được ăn no nê: Trình thuật của Gioan hôm nay tiếp tục trình thuật của tuần trước, khi Chúa Giêsu làm phép lạ nuôi hơn 5,000 người ăn uống no nê từ năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ, mà vẫn còn dư 12 thúng đầy những mảnh vụn. Sau đó, họ hợp lại và muốn tôn Chúa Giêsu làm vua; nhưng Chúa Giêsu truyền lệnh cho các tông-đồ qua bờ bên kia trước, còn Ngài lên núi cầu nguyện một mình. Đêm đó, biển động mạnh làm thuyền các tông-đồ gần chìm. Chúa Giêsu từ trên núi đi trên mặt biển đến để trấn an các ông, và làm cho sóng yên biển lặng. Thuyền của các tông-đồ ghé bến Capernaum bình an.
Phần dân chúng, khi họ thấy Đức Giêsu cũng như các môn đệ đều không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Capernaum tìm Người. Khi gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói: "Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?" Đức Giêsu đáp: "Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê."
Chúa Giêsu thấu hiểu dụng ý của dân chúng, như ma quỉ đã từng cám dỗ Ngài trong sa mạc: Họ sẽ tôn Ngài làm vua, nếu Ngài tiếp tục làm phép lạ cho họ có của ăn, mà không cần phải vất vả làm việc!
3.2/ Chúa Giêsu chỉ dạy cho dân chúng tìm lương thực tồn tại muôn đời: Chúa từ chối dụng ý của dân chúng, như Chúa đã từ chối thẳng thừng cám dỗ của ma quỉ trong sa mạc. Tuy nhiên, Chúa vẫn kiên nhẫn dạy dỗ và cắt nghĩa cho dân chúng thấy những giá trị tốt lành và vĩnh cửu hơn là lương thực vật chất: "Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận." Lương thực mau hư nát ai cũng có thể hiểu được: ngoài đồ ăn thức uống, còn có thể hiểu là những giá trị chóng qua của thế gian như: tiền bạc, của cải, thú vui, danh vọng, chức quyền ... Về lương thực mang lại giá trị vĩnh cửu, chúng ta phải học hỏi hết chương 6 của Gioan trong ba tuần kế tiếp. Một cách tổng quát, Chúa Giêsu muốn đề cập đến hai điều căn bản:
(1) Thánh ý Thiên Chúa: Họ liền hỏi Người: "Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?" Đức Giêsu trả lời: "Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến."
Điều nền tảng nhất trong cuộc đời là tìm ra và thi hành thánh ý của Thiên Chúa cho đến hơi thở cuối cùng, như Chúa Giêsu đã làm. Theo Kế Họach Cứu Độ, Đức Kitô là Con Thiên Chúa, được sai đến để cứu chuộc con người. Vì thế, theo thánh ý Thiên Chúa, con người phải tin vào Ngài để được hưởng ơn cứu độ. Việc tin vào Đức Kitô không đơn thuần là thái độ của trí khôn trong một lúc; nhưng là tin và thực hành tất cả những gì Đức Kitô đã mặc khải và truyền dạy. Hơn nữa, con người còn phải sẵn sàng chấp nhận gian khổ để làm chứng cho Ngài.
(2) Bí-tích Thánh Thể: Không phải chuyện tình cờ mà Gioan đề cập đến biến cố Thiên Chúa cho con cái Israel ăn manna trong sa mạc, và biến cố Chúa Giêsu làm phép lạ "Bánh hóa nhiều." Thánh Gioan muốn dẫn chúng ta đến sự quan trọng của Bí-tích Thánh Thể khi Chúa Giêsu chuyển đề và trả lời người Do-thái như sau: "Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Moses đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian." Họ liền nói: "Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy." Đức Giêsu bảo họ: "Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!" Chúng ta sẽ nói về BT Thánh Thể trong ba tuần tới.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta cần khôn ngoan để phân biệt lương thực mau hư nát và lương thực trường tồn; để rồi biết dành thời gian tương xứng, và ra sức làm việc cho lương thực trường tồn.
- Trong sự quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa, Ngài có dư uy quyền để ban cho chúng ta lương thực hàng ngày. Chúng ta có dám tin tưởng điều đó không?
- Một trong những thói xấu của con người là thói quen đầu cơ tích trữ để người khác phải đói khát. Chúa dạy chúng ta xin cho đủ lương thực hàng ngày; chứ không xin cho có đủ lương thực hay có tiền đủ để mua lương thực cho cả một đời!
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- 01/8 Phải kính sợ Thiên Chúa và thi hành những gì Ngài truyền dạy
- 31/7 Phải sống những gì mình cử hành
- 30/7 Phải luôn sẵn sàng thích ứng với mọi thay đổi của cuộc sống theo thánh ý Thiên Chúa
- 29/7 Lựa chọn phần tốt nhất: lắng nghe và đàm đạo với Thiên Chúa
- 28/7 Thiên Chúa sẽ trả lại cho con người tùy theo việc làm của họ
- 27/7 Đức tin vững mạnh cần thiết để vượt qua gian khổ cuộc đời
- 26/7 Phải tin tưởng quyền năng Thiên Chúa và rộng lượng san sẻ cho mọi người
- 25/7 Sức mạnh của Thiên Chúa hoạt động trong sự yếu đuối của con người
- 24/7 Giữ cẩn thận Lời của Thiên Chúa
- 23/7 Con người cần biết kính trọng và chuẩn bị, để đón nhận hồng ân Thiên Chúa