Sống Lời Chúa Hôm Nay
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Tư, Tuần 24 TN1, Năm B
Bài đọc: I Tim 3:14-16; Lk 7:31-35.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người phải lấy sự thật để xét mình; chứ không lấy mình để xét sự thật.
Nhiều người cho mình là trung tâm điểm của vũ trụ mà mọi sự phải quy về; vì thế, họ lấy tiêu chuẩn và cách thức suy nghĩ của họ để xét đoán Thiên Chúa và tha nhân. Hậu quả là họ không có bình an, vì họ sẽ chẳng bao giờ đạt được điều họ mong muốn. Để có bình an, con người cần học hỏi để tìm ra sự thật; rồi lấy sự thật mà xét mình, và nhất là, phải sống theo sự thật. Hậu quả của việc sống theo sự thật sẽ giải thoát con người khỏi sai lầm, và đạt được kết quả như lòng mong ước.
Các Bài Đọc hôm nay nhắc nhở con người phải biết sống và hành động theo sự thật, chứ không lấy mình để xét đoán sự thật. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô khuyên môn đệ của Ngài là Timothy phải sống theo sự chỉ dẫn của Đức Kitô và Hội Thánh. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu trách mắng thế hệ của các kinh-sư và biệt-phái, vì họ lấy mình làm tiêu chuẩn để xét đoán và bắt người khác phải noi theo: Ông Gio-an Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì họ bảo: "Ông ta bị quỷ ám." Chúa Giêsu đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì họ lại bảo: "Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi."
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Phải xoay cuộc đời mình chung quanh trọng tâm là Đức Kitô.
1.1/ Sống theo sự chỉ dẫn của Hội Thánh: Thánh Phaolô nhắn nhủ Timothy: "Tôi viết cho anh thư này, dù vẫn hy vọng sớm đến với anh. Nhưng nếu tôi chậm trễ, thì thư này sẽ cho anh biết phải ăn ở thế nào trong nhà của Thiên Chúa, tức là Hội Thánh của Thiên Chúa hằng sống, cột trụ và điểm tựa của chân lý."
Phaolô nhiều lần dùng hình ảnh Đền Thờ của Thiên Chúa, và các tín hữu như một phần của Đền Thờ (I Cor 3:16-17; 6:19; 8:10; 9:13; II Cor 6:16; Eph 2:21; II Thess 2:4). Trong trình thuật hôm nay, Phaolô dùng 4 hình ảnh để khuyên các tín hữu phải cư xử thế nào trong Đền Thờ.
(1) Nhà của Thiên Chúa (oikos): nơi mà mọi người sống chung, đoàn kết và yêu thương nhau; vì tất cả đều cùng có chung một chủ nhà là Thiên Chúa.
(2) Cộng đoàn của Thiên Chúa hằng sống (ekklesia): Cộng đoàn là tập hợp những người đáp trả tiếng mời gọi của Thiên Chúa, để cùng chung sức lo cho một sứ vụ là rao truyền Tin Mừng.
(3) Cột trụ của sự thật (stulos): Trong Đền Thờ, cột trụ là những gì nâng đỡ Đền Thờ. Trong Hội Thánh, sự thật nâng đỡ mọi hoạt động của Hội Thánh.
(4) Nền tảng của chân lý (edaioma): Nhà có vững chắc phải được xây trên một nền tảng vững chắc. Thánh Phaolô gọi nền tảng của Đền Thờ là các tông-đồ và các tiên tri, với Đức Kitô là Tảng Đá Góc (Eph 2:20). Trong trình thuật hôm nay, nền tảng của Đền Thờ là sự thật.
Nói cách khác, Phaolô khuyên các tín hữu phải xây dựng cuộc đời mình trên nền tảng và cột trụ của sự thật, phải yêu thương mọi người, và phải góp phần vào công cuộc rao giảng Tin Mừng.
1.2/ Đức Kitô là trọng tâm: Thánh Phaolô xác tín: "Phải công nhận rằng: mầu nhiệm của đạo thánh thật là cao cả, đó là: Đức Kitô xuất hiện trong thân phận người phàm." Phaolô đồng nhất sự thật và mầu nhiệm của Hội Thánh với Đức Kitô trong thân xác con người; qua mầu nhiệm này, Ngài đã mang lại ơn cứu độ cho con người.
(1) Người được Chúa Thánh Thần chứng thực là công chính: Thánh Phaolô quả quyết không ai có thể tin vào Đức Kitô nếu không được Thánh Thần tác động (I Cor 12:3). Các tín hữu được thanh tẩy, thánh hóa, và công chính hóa là do bởi Đức Kitô và quyền năng của Thánh Thần (I Cor 6:11). Quan niệm này được diễn tả rõ ràng hơn trong Tin Mừng Gioan: Thánh Thần là Thần Sự Thật sẽ làm chứng những gì Đức Kitô nói là sự thật (Jn 15:26).
(2) Người được các thiên thần chiêm ngưỡng: Các thiên thần là loài thiêng liêng nên chắc chắn hiểu Kế Hoạch Cứu Độ được thực hiện qua Đức Kitô. Chúa Giêsu hứa với Nathanael, ông sẽ được nhìn thấy thiên thần của Thiên Chúa lên xuống trên Con Người (Jn 1:51).
(3) Người và được loan truyền giữa muôn dân, được thế giới tin kính, và được siêu thăng cõi trời vinh hiển: Phaolô có nhiều kinh nghiệm rao truyền Tin Mừng và làm cho muôn dân nhận biết và tin vào Đức Kitô.
2/ Phúc Âm: Không gì có thể làm hài lòng con người.
2.1/ Người ích kỷ chỉ biết nghĩ đến mình: Trong cuộc đời rao giảng, Chúa Giêsu nhiều lần phải đương đầu với tính ích kỷ của các kinh-sư và biệt-phái; vì họ chỉ biết nghĩ đến mình, và từ chối đón nhận những mặc khải, cũng như những dạy dỗ của Chúa. Trong trình thuật hôm nay, Ngài trách mắng họ: Tôi phải ví người thế hệ này với ai? Họ giống ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi nhau mà nói: "Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không khóc than."
Thay vì phải chung vui với cái vui của người khác; người ích kỷ chỉ biết nghĩ đến mình, và từ chối phải chung vui khi họ chẳng có gì để vui. Hay khi tham dự đám táng, họ từ chối chia sẻ nỗi buồn với người khác, vịn lý ho là họ không có gì để buồn. Chúng ta thử tưởng tượng cuộc sống con người sẽ thế nào khi chung quanh toàn những người vô cảm như thế! Người môn đệ Đức Kitô không được có thái độ vô cảm này, họ phải chia sẻ niềm vui cũng như nỗi buồn với tha nhân trong cuộc sống.
2.2/ Lấy mình làm tiêu chuẩn để đoán xét người khác: Chúa Giêsu tiếp tục chỉ cho các môn đệ thấy tính ích kỷ của họ bằng một ví dụ cụ thể hơn:
(1) Họ không hài lòng với Gioan Tẩy Giả: Trong khi biết bao người chạy đến với Gioan Tẩy Giả để được nghe giảng và được làm phép rửa bởi ông, thì họ kiếm lý do từ chối và nói: "Ông ta bị quỷ ám!" vì không ăn bánh và không uống rượu như họ.
(2) Họ cũng chẳng hài lòng với Chúa Giêsu: Khi Chúa Giêsu đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì họ lại bảo: "Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi."
Nếu một người thắc mắc với họ: "Thế nào mới gọi là hoàn toàn?" Họ có lẽ cũng chẳng biết thế nào mới gọi là hoàn toàn, nhưng luôn muốn vạch lá tìm sâu để chê trách vì không muốn phục tùng ai cả. Chúa Giêsu cung cấp cho các môn đệ chìa khóa để biết cách nào nên theo: "Nhưng Đức Khôn Ngoan đã được tất cả con cái mình biện minh cho." Hậu quả sẽ chứng minh đâu là cách tốt nhất một người phải theo.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải học hỏi và lấy sự thật từ nơi Thiên Chúa để xét mình, chứ không lấy suy nghĩ của chúng ta để xét sự thật.
- Sự thật phải theo là những lời chỉ dẫn của Đức Kitô và của Thiên Chúa trong Kinh Thánh. Chúng ta đừng bao giờ tin vào sự khôn ngoan của xác thịt con người.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Ba Tuần 24 TN1, Năm B
Bài đọc: I Tim 3:1-13; Lk 7:11-17.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Trung thành trong ơn gọi và bổn phận của mình.
Cả Thiên Chúa lẫn con người đều đề cao sự trung thành: Thiên Chúa đòi con người phải trung thành với nhau trong đời sống hôn nhân, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu, để tôn trọng và yêu thương nhau suốt đời. Chúa Giêsu cũng hứa với các môn đệ: "Ai trung thành đến cùng sẽ được cứu rỗi." Khi chọn người lãnh đạo, con người cũng muốn chọn những người khả dĩ có thể tin cậy được, như trung thành với quốc gia và những gì họ đã hứa khi tranh cử.
Các Bài Đọc hôm nay đưa ra những trường hợp khác nhau của những người trung thành. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô liệt kê những điều kiện cần thiết để chọn Giám-quản và Trợ-tá để điều khiển các giáo-đoàn. Điều kiện quan trọng nhất là phải trung thành với Thiên Chúa, với những người trong gia đình, và với những người mà Thiên Chúa đã trao phó cho họ. Trong Phúc Âm, bà góa phụ thành Nain đã làm Chúa Giêsu thổn thức vì những tiếng khóc ai oán của Bà cho người con trai độc nhất. Bà nghĩ anh sẽ là người săn sóc và chôn cất Bà trong lúc tuổi già xế bóng; nhưng nay Bà phải chôn cất con, một điều Bà không ngờ có thể xảy ra. Chúa Giêsu đã an ủi Bà, và Ngài làm cho cậu con trai của Bà sống lại và trao lại cho Bà.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Giám quản phải là người không ai chê trách được.
1.1/ Điều kiện để trở thành Giám-quản (episcopoi): Thánh Phaolô liệt kê nhiều đức tính cần thiết phải có để trở thành Giám-quản, chúng ta có thể sắp xếp theo ba phạm trù sau:
(1) Trung thành với Thiên Chúa: Người Giám-quản không được là tân tòng, kẻo lên mặt kiêu căng mà bị kết án như ma quỷ. Đây là lời khuyên rất khôn ngoan, vì đức tin cần phải được thử thách bằng đau khổ và thời gian. Điều thánh Phaolô lo sợ nhất là sự kiêu căng, tự mãn, vì ma quỉ có thể dùng tính kiêu căng để phá hủy không chỉ cá nhân Giám quản, mà còn cả gia đình và cộng đoàn.
(2) Trung thành với gia đình: chỉ có một đời vợ, biết điều khiển tốt gia đình mình, biết dạy con cái phục tùng cách rất nghiêm chỉnh; vì ai không biết điều khiển gia đình mình, thì làm sao có thể lo cho Hội Thánh của Thiên Chúa được?
(3) Trung thành với tha nhân: không được hiếu chiến, nhưng phải hiền hoà, không hay gây sự, không ham tiền, phải nhã nhặn, hiếu khách, và có khả năng giảng dạy.
1.2/ Điều kiện để trở thành Trợ-tá (deacon): Vẫn theo 3 phạm trù trên, người Trợ-tá phải:
(1) Trung thành với Thiên Chúa: họ phải bảo toàn mầu nhiệm đức tin trong một lương tâm trong sạch và được mạnh dạn nhiều nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô.
(2) Trung thành với gia đình: phải là người chỉ có một đời vợ, biết điều khiển con cái và gia đình cho tốt.
(3) Trung thành với tha nhân: không tìm kiếm lợi lộc thấp hèn, không bị ai khiếu nại, không nói xấu, và đáng tin cậy mọi bề.
2/ Phúc Âm: Chúa động lòng thương và cho con trai duy nhất của Bà mẹ Nain sống lại.
Đứng trước cái chết con người hòan tòan bất lực và hỏang sợ khi phải đương đầu với cái chết, nhất là những cái chết trẻ, nhiều người, và đột ngột. Như Bà mẹ Nain hôm nay, Bà đã góa chồng và chỉ có một con duy nhất là niềm hy vọng để nâng đỡ Bà trong cuộc sống trên dương gian; thế mà anh cũng vĩnh viễn ra đi. Chắc Bà không bao giờ nghĩ là Bà sẽ phải chôn con.
Người Hy-Lạp, nhất là những người theo chủ thuyết Khắc Kỷ, họ tin có Đấng Tối Cao; nhưng không tin Ngài có cảm xúc trước những đau khổ của con người. Họ lý luận: Nếu con người có thể làm cho Ngài vui hay buồn, tức là con người có ảnh hưởng trên Ngài; khi con người có ảnh hưởng trên Ngài là con người lớn hơn Ngài; nhưng không ai có thể lớn hơn Đấng Tối cao. Vì vậy, Đấng Tối Cao phải là Đấng không có cảm xúc. Niềm tin này hòan tòan ngược lại với niềm tin của người Công Giáo, Thiên Chúa cảm thương với nỗi đau khổ của con người. Thánh Luca tường thuật Chúa Giêsu chạnh lòng thương Bà mẹ góa chỉ có đứa con côi mà giờ đây cũng không còn nữa, Ngài an ủi: "Bà đừng khóc nữa!" Trước khi cho Lazarus sống lại, Gioan tường thuật "Chúa khóc" (Jn 11:35) và "Chúa thổn thức trong lòng" (Jn 11:38).
Thiên Chúa có thể làm cho kẻ chết sống lại. Trong Cựu Ước, chỉ có tiên tri Elisha làm cho con trai của Bà góa miền Shunem sống lại bằng cách kề miệng ông trên miệng nó (2 Kgs 4:34-37). Trong Phúc Âm, có ít nhất 3 lần Chúa làm cho kẻ chết sống lại: Cho con gái của ông trưởng hội đường Giaia sống lại (Mt 9:18-26, Mc 5:35-43, Lk 8:40-56); Chúa Giêsu làm cho anh thanh niên sống lại và trao anh lại cho bà mẹ Nain hôm nay (Lk 7:11-17); và Chúa cho Lazarus chết 3 ngày được sống lại (Jn 11:38-44). Khi chứng kiến quyền năng của Thiên Chúa cho kẻ chết sống lại, con người kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa: "Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta cần phải trung thành với Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời: khi ấm no hạnh phúc cũng như lúc buồn thảm lệ rơi; vì chỉ có ai trung thành mới được cứu thoát.
- Thiên Chúa là Đấng thương xót những người bất hạnh, những mẹ góa con côi. Chúng ta hãy chạy đến với Ngài trong những lúc gian lao khốn khó.
- Đức Kitô muốn chúng ta nhận Đức Mẹ như người Mẹ thiêng liêng của chính mình. Đây là điều lợi ích cho phần linh hồn. Chúng ta hãy đối xử với Đức Mẹ cho hết tình con thảo.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Lễ Suy Tôn Thánh Giá
Bài đọc: Num 21:4b-9; Phil 2:6-11; Jn 3:13-17
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Quyền Lực của Thánh Giá.
- Thập Giá là một xỉ nhục đối với người Do Thái: Người Do-Thái thích tìm kiếm các phép lạ: muốn họ tin chỉ cần làm phép lạ như Phúc Âm đã tường thuật rất nhiều lần. Họ tin Đấng Thiên Sai sẽ đến và Ngài sẽ dùng quyền năng dẹp tan mọi quân thù của họ, và sẽ cai trị họ trong công lý đến muôn đời. Một Thiên Chúa chết đau khổ trên Thập Giá là yếu đuối, là không uy quyền. Đó là lý do tại sao đa số những người Do-Thái không thể chấp nhận Chúa Kitô cho đến ngày hôm nay.
- Thập Giá là một điên rồ cho những người Dân Ngọai: Triết gia Plato và đa số người Hy-Lạp tìm kiếm sự khôn ngoan: muốn họ tin cần chỉ cho họ kiến thức làm sao tách biệt linh hồn ra khỏi xác vì họ tin thân xác là ngục tù giam hãm linh hồn. Họ cho là một điên rồ vì tại sao đang khi họ tìm kiếm cách thóat khỏi thân xác thì có một Thiên Chúa lại muốn Nhập Thể để mang một thân xác hèn yếu của con người. Hơn nữa lại còn muốn chịu đau khổ bằng Cuộc Thương Khó và cái chết tủi nhục trên Thập Giá. Đó là lý do tại sao trong những thế kỷ đầu khi Kitô Giáo được truyền đến các quốc gia Hy-Lạp, Giáo Hội đã phải đương đầu với bao nhiêu lạc thuyết do những quan niệm sai lầm này đem lại: Có học thuyết như Docetism cho rằng Chúa Giêsu chỉ Nhập Thể một cách phớt qua cung lòng Đức Mẹ, và chỉ dường như chịu đau khổ. Có người cho rằng Chúa Giêsu nhập vào ông Simon và ông Simon thay Chúa chịu đóng đinh trên Cây Thập Giá. Tóm lại, họ không thể chấp nhận một Thiên Chúa lại muốn mang lấy thân xác hèn hạ của con người.
- Nhưng đối với các tín hữu, Thập Giá là sức mạnh, tình yêu, và khôn ngoan của Thiên Chúa. Các Bài đọc hôm nay muốn giải thích cho mọi người chúng ta sự cần thiết của đau khổ và quyền lực của Cây Thập Giá.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chỉ với 6 câu ngắn ngủi, tác giả của Sách Dân Số đã mô tả cuộc đời con người là một hành trình qua sa mạc để được thanh luyện trước khi vào Đất Hứa.
(1) Hành trình qua sa mạc để được thanh luyện: Các nhà nghiên cứu Kinh Thánh rất ngạc nhiên khi nghiên cứu bản đồ của các quốc gia vùng Cận Đông. Khỏang cách ngắn nhất từ Biển Đỏ tới vùng Đất Hứa là đi dọc theo bờ biển của Palestine; nếu đi bộ chỉ mất tối đa là vài tuần lễ. Thế mà ông Môsê lại dẫn dân Do-Thái đi con đường dài hơn, từ Biển Đỏ đi vòng hết các sa mạc vùng Delta, qua phía Đông của Biển Muối, vào đất Ammôn, rồi tới phía Đông của sông Jordan, vượt sông vào Đất Hứa qua việc tấn công thành Jericô của Joshua. Tất cả hành trình mất 40 năm!
Tại sao Thiên Chúa lại chọn cho dân con đường dài và đầy chông gai như thế mà không chọn con đường ngắn và dễ dàng hơn?
(2) Mục đích của Chúa là để thanh luyện dân. Sa mạc tự nó là chỗ thử thách: Người Do-Thái quan niệm sa mạc là nơi ở của quỉ dữ. Chúa Giêsu được Thánh Thần mang vào trong sa mạc để chịu cám dỗ. Sa mạc chỉ tòan đá và cát, rất ít sinh vật chịu được sự khắc nghiệt của khí hậu trong sa mạc vì rất nóng và hầu như không có nước. Đi trong sa mạc mà không mang theo nước là nắm chắc phần chết. Chúng ta có thể hiểu được nỗi đau khổ của dân: đường xa, mệt mỏi, bụng đói, miệng khát, gồng gánh nặng nề... Họ nhìn lại và tiếc những ngày còn ở Ai-Cập, tuy làm việc vất vả như nô lệ nhưng có đồ ăn, thức uống. Họ nhìn về tương lai: Đất Hứa thì xa xôi vạn dặm. Và họ mất kiên nhẫn nên họ than trách ông Môsê và Thiên Chúa: Tại sao các Người lại dắt chúng tôi vào đây để chịu đau khổ và chết đói chết khát trong sa mạc?
(3) Hậu quả của sự kêu trách Thiên Chúa là họ phải chết. Thiên Chúa cho rắn độc cắn ra cắn họ và nhiều người đã phải chết. Trong sa mạc có rất nhiều rắn độc; những vùng như Timnah gần Biển Chết dân chúng thờ thần rắn, là quan thầy của những người đi tìm đồng. Lúc ấy, họ lại chạy đến ông Môse cầu xin để Thiên Chúa xua đuổi rắn xa họ. Và ông Môsê cầu nguyện cùng Chúa cho dân. Thiên Chúa truyền cho Môsê làm con rắn bằng đồng và treo trên cột; ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng thì được sống. Mỗi khi nhìn lên con rắn, họ nhận ra tội lỗi của họ và không dám kêu trách Thiên Chúa và nhà lãnh đạo Môsê nữa.
Nếu chúng ta suy nghĩ về cuộc đời mỗi người chúng ta từ khi sinh ra cho tới bây giờ, thì quả thật cũng chẳng thua gì dân Do-Thái và cuộc hành trình của họ trong sa mạc. Đói có, khát có, tù đày có, vượt biên có, tị nạn có, đau khổ cũng không thiếu do cha mẹ, vợ/chồng, con cái, anh chị em, và đủ mọi người mọi nơi mang lại. Nhiều lúc chúng ta cũng giống như dân Do Thái kêu trách Chúa: Tại sao để cuộc đời chúng ta quá nhiều đau khổ như vậy?
2/ Bài đọc II: Hy vọng cho chúng ta qua cuộc đời của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa. Vinh quang có được là bằng sự hủy mình ra không. Đàng sau Cây Thập Giá là sự Phục Sinh và khải hòan chiến thắng tội lỗi và sự chết, kẻ thù cuối cùng của con người.
(1) Sự hủy mình ra không (kenosis) qua sự khiêm nhường và vâng lời tuyệt đối của Con Thiên Chúa: Cũng chỉ trong 6 câu ngắn ngủi, Thánh Phaolô đã lột tả được trọn vẹn kế họach cứu độ của Thiên Chúa qua con đường đau khổ: "Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa, nhưng Ngài không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, và sống như người trần thế." Tại sao một Thiên Chúa vinh quang uy quyền như thế lại muốn hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, và sống như người trần thế? Hơn thế nữa, Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, và chết trên cây thập tự! Chắc chắn Thiên Chúa có thể cứu độ con người bằng uy quyền; nhưng Ngài muốn cứu độ con người qua con đường đau khổ vì muốn đồng cảm với tất cả những gì con người đã, đang và sẽ chịu. Cứu độ bằng uy quyền sẽ mang vào Nước Trời những con người vô cảm, vô trách nhiệm, và không hiểu giá trị của tình yêu.
(2) Vinh quang chiếm được nhờ sự hủy mình ra không: Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Danh hiệu tượng trưng cho công việc thực hiện của một người (Gioan Tiền Hô; Phaolô, Tông Đồ Dân Ngọai; Phêrô, Thủ Lãnh Giáo Hội). Danh được Thiên Chúa ban cho Chúa Kitô là Đức Giêsu, có nghĩa là Đấng Cứu Độ. Khi nào nghe Danh Thánh Giê-su, cả trên trời, dưới đất, và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: "Đức Giê-su Ki-tô là Chúa."
3/ Phúc Âm: Thập Giá Cứu Độ của Chúa Giêsu
Hậu trường phía sau những lời của Phúc Âm hôm nay là cuộc đàm thọai giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô. Chúa bảo ông: "Không ai có thể vào Nước Trời nếu không được tái sinh." Ông không hiểu và hỏi lại: "Làm sao một người lớn như ông lại chui vào lòng mẹ để tái sinh?" Điều Chúa muốn nói với ông là phải tái sinh bởi Nước Rửa Tội và Thánh Thần; nghĩa là được tái sinh trong Cuộc Thương Khó và cái chết của Chúa thì mới được vào Nước Trời.
(1) Con rắn trong sa mạc là hình ảnh báo trước của Thập Giá Đức Kitô: Biến cố Xuất Hành xảy ra khỏang 2000 năm trước Cuộc Tử Nạn của Đức Kitô; nhưng tất cả những gì đã xảy ra cho Đức Kitô là để làm trọn vẹn những gì đã xảy ra trong Cựu Ước. Con người đã phạm tội vì kêu trách Chúa trong sa mạc nhưng được cứu thóat nhờ biết ăn năn trở lại khi nhìn lên con rắn đồng trong sa mạc. Từ đó đến nay con người vẫn phạm tội, làm sao con người có thể được cứu thóat? Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta cách được cứu thóat: "Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời."
(2) Thập Giá biểu lộ tình yêu Thiên Chúa cho con người: Một hình ảnh nữa của Cựu Ước luôn có sức để đánh động con người là hình ảnh của Abraham sẵn sàng cầm dao giơ lên định sát tế người con duy nhất của mình là Isaac. Có ai trong lịch sử lòai người dám làm như thế? Abraham không phải giết con vì Thiên Chúa đã hiểu niềm tin của ông dành cho Ngài; nhưng Thiên Chúa muốn dùng hình ảnh này để chuẩn bị trước cho con người để hiểu hình ảnh Cây Thập Giá. Như Gioan tường thuật hôm nay: "Thiên Chúa đã quá yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời." Con người chưa bao giờ được xem thấy Thiên Chúa, nhưng mỗi khi nhìn Cây Thập Giá và đọc câu của Jn 3:16, con người tin chắc có Thiên Chúa và cảm nghiệm được tình yêu của cả 2 Cha-Con cho con người.
(3) Chúa chết để cho con người được sống: Cả hai hình ảnh Cây Thập Giá và Ngày Phán Xét đều cần để hướng lòng con người về đời sau. Có những người dễ rung cảm vì tình yêu vô bờ của Thiên Chúa qua Cây Thập Giá. Có những người phải run sợ khi nhìn thấy uy quyền của Thiên Chúa khi Ngài phán xét con người. Nhưng tình yêu là lý do đầu tiên và trên hết tại sao Thiên Chúa tạo dựng, cứu độ, và thánh hóa con người; đúng như lời Thánh Gioan nói: "Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ." Nếu nhìn lên Cây Thập Giá mà con người vẫn không cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa dành cho mình mà ăn năn trở lại, họ tự kết tội họ và cũng không xứng đáng để hưởng ơn tha thứ.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải biết lợi dụng hòan cảnh để tự kỷ luật và thanh thẩy những tính ươn hèn của xác thịt thì mới có hy vọng vượt qua mọi gian khổ khi phải đương đầu với chúng. Phàn nàn, kêu trách, và tìm con đường dễ dãi chỉ dẫn con người đi đến chỗ diệt vong.
- Chúa Giêsu dạy chúng ta: Vinh quang có được là nhờ sự hủy mình ra không bằng sự khiêm nhường và vâng lời tuyệt đối: Thiên Chúa cho con người, mục tử cho đòan chiên, thầy cho trò, và cha mẹ cho con cái.
- Mẹ Giáo Hội đã yêu thương và thu xếp để mọi con cái có ngày hôm nay để nhìn lên và suy niệm về Mầu Nhiệm Thập Giá.
* Chúng ta hãy nhìn lên Thập Giá để thấy, tất cả tội lỗi của mỗi người chúng ta là lý do Con Chúa chịu đóng đinh.
* Chúng ta hãy nhìn lên Thập Giá để cảm nghiệm được tình yêu vô bờ của Thiên Chúa dành cho con người.
* Chúng ta hãy nhìn lên Thập Giá để học bài học "tự hủy mình ra không" của Con Thiên Chúa, để rồi cũng biết tự hủy mình ra không để cứu sống đòan chiên và con cái Chúa trao phó.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Chúa Nhật 24 Thường Niên, Năm B
Bài đọc: Isa 50:5-9a; Jas 2:14-18; Mk 8:27-35.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đau khổ là con đường duy nhất dẫn tới vinh quang.
Cô P đang mang thai và sắp đến ngày sinh nở, mẹ cô đã qua đời để lại cha cô và 3 người em. Cô phải thay mẹ chăm sóc các em; nhất là người em gái còn trẻ mắc chứng bệnh "lupus" hiểm nghèo. Khi gặp một linh mục công giáo đến an ủi, cô rơm rớm nước mắt và thắc mắc: Tại sao một Thiên Chúa có uy quyền làm mọi sự và thương yêu con người, lại bắt cô, em cô, và gia đình cô phải chịu nhiều đau khổ như thế?
Các Bài Đọc hôm nay có thể giúp trả lời thắc mắc của cô P: mặc dù Thiên Chúa có uy quyền làm cho mẹ cô P sống và chữa lành em cô khỏi bệnh; nhưng Ngài chọn con đường đau khổ để mọi người trong gia đình cô P được hưởng ơn cứu độ muôn đời. Trong Bài Đọc I, tiên tri Isaiah tiên báo những gì sẽ xảy ra cho Người Tôi Trung của Thiên Chúa: Ngài sẽ phải chịu nhiều đau khổ; nhưng sẽ vượt qua tất cả vì một niềm tin không lay chuyển vào Thiên Chúa. Chính vì những đau khổ Ngài chịu, mà ơn cứu độ được dâng tặng cho mọi người. Trong Bài Đọc II, thánh Giacôbê khuyên các tín hữu: đức tin của họ vào Thiên Chúa phải được bày tỏ qua hành động. Nếu họ yêu thương Thiên Chúa, họ cũng phải giúp đỡ tha nhân bằng những hành động cụ thể. Đức tin không có việc làm là đức tin chết. Trong Phúc Âm, khi Phêrô can ngăn Chúa Giêsu đừng chấp nhận con đường đau khổ, Ngài mắng Phêrô: "Satan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người."
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Bài ca thứ ba về Người Tôi Trung của Thiên Chúa
1.1/ Người Tôi Trung phải chịu đau khổ: Tiên-tri Isaiah được Thiên Chúa cho thấy trước những gì sẽ xảy ra cho Đấng Thiên Sai và cho con người. Đấng Thiên Sai là Người Tôi Trung của Thiên Chúa sẽ giải thoát con người bằng cách chịu mọi cực hình và gian khổ: "Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui. Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ.'' Những điều tiên đoán này đã xảy ra cho Đức Kitô khi Ngài được Thiên Chúa sai xuống trần để chuộc tội cho con người; nhất là trong Cuộc Thương Khó và cái chết đau khổ của Ngài trên Thập Giá.
1.2/ Niềm tin vững mạnh của Người Tôi Trung vào Thiên Chúa: Để vượt qua đau khổ, Người Tôi Trung cần có một niềm tin không lay chuyển vào Thiên Chúa, Đấng đã sai Ngài tới thế gian: "Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng. Đấng tuyên bố rằng tôi công chính, Người ở kề bên. Ai tranh tụng với tôi? Cùng nhau ta hầu toà! Ai muốn kiện cáo tôi? Cứ thử đến đây coi! Này, có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, ai còn dám kết tội?"
Trong những phải đương đầu với đau khổ như cô P, không ai có thể giúp cô được, ngoại trừ một mình Thiên Chúa. Ngài để đau khổ xảy ra cho cô, không phải vì Ngài không thương cô hay muốn cô chịu đau khổ cho bỏ ghét; trái lại, Ngài muốn cô và mọi người trong gia đình nhận ra một sự thật: họ không thể sống thiếu tình thương của Thiên Chúa. Trong giai đoạn hiện tại, họ phải chịu gian khổ; nhưng trong tương lai, họ nhận ra tình thương của Thiên Chúa, của cha mẹ, của những thành phần trong gia đình. Những điều này sẽ giúp họ trung thành với Thiên Chúa và với nhau hơn. Hậu quả là họ sẽ cùng nhau đoàn tụ trong Nước Trời.
Nhưng giả sử nếu những điều này không xảy ra cho gia đình cô P, có thể cô P và những người trong gia đình quá bằng lòng với vật chất thế gian, mà không cần đến Thiên Chúa; điển hình là có vài phần tử trong gia đình cô đã không tham dự thánh lễ hàng tuần nữa! Đây là câu hỏi cho cô P phải suy nghĩ: Nếu mục đích của cuộc đời là được đoàn tụ với Thiên Chúa đời đời trên Thiên Đàng, điều nào đáng cho cô P mong ước hơn: chịu đau khổ tạm thời ở đời này hay chịu đau khổ và xa cách vĩnh viễn ở đời sau?
2/ Bài đọc II: Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết.
2.1/ Ngụy biện của con người: Nhiều con người ngày nay đang đánh lừa chính mình và người khác bằng ngụy thuyết: con người được công chính hóa nhờ đức tin, chứ không nhờ bất cứ việc lành nào con người làm (Rom 3:28, Gal 2:16). Thánh Phaolô quả thực có lý do để nói điều này vì con người được cứu chuộc nhờ giá máu của Đức Kitô; nhưng không phải vì đó, mà con người sẽ được cứu chuộc bằng bất cứ giá nào. Chính thánh Phaolô cũng đưa ra bao điều con người phải thực hành để được cứu độ. Chúng ta có thể liệt kê ít là 3 ví dụ trong Thư Rôma:
(1) Trong Ngày Phán Xét: "Thiên Chúa sẽ thưởng phạt mỗi người tuỳ theo việc họ làm; những ai bền chí làm việc thiện mà tìm vinh quang, danh dự và phúc trường sinh bất tử, thì Thiên Chúa sẽ cho họ được sống đời đời" (Rom 2:6-7).
(2) Hay nói về việc không được xét đoán, thánh Phaolô dạy: "mỗi người trong chúng ta sẽ phải trả lời về chính mình trước mặt Thiên Chúa. Vậy chúng ta đừng xét đoán nhau nữa. Tốt hơn, anh em hãy xét sao để tránh gây cớ cho anh em mình phải vấp hay phải ngã" (Rom 14:12-13).
(3) Hay nói về việc chuẩn bị cho Ngày Phán Xét, ngài khuyên: "Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương" (Rom 13:12-13).
Chính Chúa Giêsu đã tuyên bố thẳng thắn: "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! lạy Chúa!" là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi" (Mt 7:21). Thánh Giacôbê trong trình thuật hôm nay đưa ra một trường hợp cụ thể: "Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng? Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: "Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no," nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?"
2.2/ Đức tin phải biểu tỏ bằng hành động: Vấn đề ở chỗ không phải chọn có đức tin hay làm việc lành; nhưng ở chỗ có đức tin và làm việc lành, làm việc lành là dấu biểu tỏ người có đức tin. Vì thế, thánh Giacôbê kết luận: "đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết." Đức tin và làm việc lành như hai mặt của một đồng tiền; đã chọn đồng tiền thì phải làm cả hai. Mỗi người chúng ta đều đã có kinh nghiệm này: chúng ta không tin được những người chỉ yêu bằng môi miệng; nhưng nhìn vào những việc làm của họ, chúng ta có thể nhận ra họ yêu thương chân thành hay không. Hoàn cảnh đau khổ mà gia đình đang chịu sẽ giúp em cô P nhận ra tình thương của Thiên Chúa, của cô P, và của các thành phần trong gia đình. Sự cảm nhận này sẽ giúp em cô P tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa và tình yêu của những người trong gia đình; chứ không sống ích kỷ như không có Thiên Chúa và không có ai trong cuộc đời.
3/ Phúc Âm: Thầy là Đấng Thiên Sai.
3.1/ Phêrô tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu: Cuộc Thương Khó đã gần kề, Chúa Giêsu và các môn đệ của Người đi tới các làng xã vùng Caesarea Philippi. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: "Người ta nói Thầy là ai?" Các ông đáp: "Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Elijah, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó." Mỗi ý kiến trên đây đều dựa vào một trong những đặc điểm của Chúa Giêsu như nói năng thẳng thắn như Gioan Tẩy Giả, có uy quyền làm phép lạ như tiên tri Elijah. Nhưng tất cả những ý kiến này không diễn tả đúng nguồn gốc của Chúa Giêsu.
Người lại hỏi các ông: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" Ông Phêrô trả lời: "Thầy là Đấng Kitô." Đấng Kitô có nghĩa là Đấng được xức dầu hay Đấng Thiên Sai mà Cựu Ước thường xuyên đề cập tới. Ngài có nguồn gốc từ Thiên Chúa và được sai tới để giải thoát con người. Trong Marcô, Đức Giêsu thường cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người. Lý do, Ngài muốn họ hiểu biết đúng về Đấng Thiên Sai: Ngài không dùng uy quyền, nhưng chịu đau khổ để giải phóng con người.
3.2/ Đấng Thiên Sai phải chịu đau khổ: Sau lời tuyên xưng của Phêrô vào thiên tính của Chúa Giêsu, Người bắt đầu mặc khải cho các ông biết về cách thức cứu độ mà Đấng Thiên Sai phải trải qua: "Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại."
(1) Thiên Chúa muốn dùng đau khổ để cứu độ con người: Dĩ nhiên, Thiên Chúa có uy quyền để cứu độ con người theo cách thức con người mong muốn; nhưng đó không phải là cách thức Ngài mong muốn, mà là qua con đường đau khổ. Nhiều người chất vấn tại sao Thiên Chúa làm như thế? Câu trả lời trước tiên là con người không khôn ngoan hơn Thiên Chúa: khi Thiên Chúa chọn cách nào, đó là cách thức tốt đẹp nhất cho con người. Nếu đầy tớ không thể chất vấn người chủ tại sao phải làm cách này mà không làm cách kia, con người cũng không có quyền chất vấn Thiên Chúa. Thứ hai, theo kinh nghiệm, con người chỉ cậy dựa vào Thiên Chúa khi họ bị đau khổ; khi con người sung sướng, hạnh phúc, rất ít người nhớ tới và yêu thương Thiên Chúa. Sau cùng, con người yêu thương sâu xa những ai đã hiến mình vì họ; mỗi lần nhìn lên Thập Giá, con người cảm nhận tình thương vô biên Thiên Chúa dành cho họ.
(2) Con người trốn tránh đau khổ: Phản ứng của Phêrô cũng giống như phản ứng của cô P ở trên, và cũng giống như truyền thống Do-thái tin một Đấng Thiên Sai uy quyền. Họ không chấp nhận một Đấng Thiên Sai chịu đau khổ. Đó là lý do ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người.
Nhưng khi Đức Giêsu quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phêrô: "Satan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người." Lời nói của Chúa Giêsu xác nhận tư tưởng của Thiên Chúa khác xa với tư tưởng của con người: thay vì phải chấp nhận thánh ý của Thiên Chúa; Phêrô muốn Chúa Giêsu làm theo ý của mình. Đó là lý do Chúa mắng ông là Satan, vì Satan luôn cản trở ý định của Thiên Chúa. Đó là lý do Chúa đuổi ông ra đàng sau, vì bổn phận của môn đệ là theo Thầy; chứ không bắt Thầy phải theo mình.
Rồi Đức Giêsu gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta không khôn ngoan hơn Thiên Chúa. Hãy chấp nhận những lời dạy dỗ khôn ngoan của Thiên Chúa, cho dù những dạy dỗ này hoàn toàn ngược với ý muốn của chúng ta.
- Con đường đau khổ là con đường khôn ngoan Thiên Chúa dùng để cứu độ con người. Ngài muốn Con Một Ngài chịu đau khổ để cứu chuộc con người và Ngài cũng muốn dùng đau khổ để con người nhận ra: họ không thể sống thiếu Thiên Chúa và tin vào Đức Kitô.
- Để trở thành môn đệ Đức Kitô, chúng ta phải từ bỏ ý riêng mình và vác thập giá theo Chúa. Một cuộc sống dễ dãi sẽ làm chúng ta xa lánh Chúa và không đạt được mục đích của cuộc đời.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Bảy Tuần 23 TN1
Bài đọc: I Tim 1:15-17; Lk 6:43-49.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải thực hành Lời Chúa dạy.
Tiếng Việt-nam rất chính xác khi ghép chữ "học hành." Đã học hỏi, phải hành động, thì mới sinh lợi ích cho bản thân và tha nhân. Nếu học mà không hành, mớ kiến thức một người có được sẽ vô dụng, vì không sinh ích lợi gì.
Các Bài Đọc hôm nay nhằm mục đích khuyên con người phải thực hành những gì Chúa dạy. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô dựa theo kinh nghiệm cá nhân và dạy: "Thiên Chúa thương xót con người đang khi con người vẫn còn là tội nhân." Vì thế, con người hãy mạnh dạn chạy đến với Thiên Chúa để được hưởng ơn cứu độ muôn đời. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tuyên bố con người không phải chỉ nghe mà còn phải thực hành Lời Chúa, thì mới có thể sinh quả tốt và đứng vững trước bao sóng gió của cuộc đời.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa thương xót khi con người vẫn còn là tội nhân.
1.1/ Phải nhận ra sự thật: Biến cố trên đường đi Damascus giúp Phaolô thấu hiểu một sự thật: Thiên Chúa tỏ lòng thương xót khi con người đang là tội nhân. Ngài thú nhận tội của mình và tuyên xưng lòng thương xót của Chúa: "Đây là lời đáng tin cậy và đáng được đón nhận hoàn toàn; đó là: Đức Giêsu Kitô đã đến thế gian để cứu những kẻ tội lỗi, mà người đầu tiên là tôi." Hai sự thật mà con người cần nhận ra:
(1) Con người có tội: Tất cả mọi người, từ cặp vợ chồng đầu tiên, Adong và Evà, đều phạm tội. Thánh Gioan xác quyết: Ai nói mình không có tội là kẻ nói dối, và sự thật không có trong người ấy. Ai nói mình không có tội, người đó biến Đức Kitô thành kẻ nói dối; vì chính Đức Kitô đến thế gian để chuộc tội cho mọi người. Rất nhiều con người ngày nay tuyên bố họ không có tội! Những người này đã biến Đức Kitô thành kẻ nói dối, và một cách ngầm chỉ: họ không cần được cứu độ.
(2) Con người không thể tự giải thoát mình: Khi đã mang thân phận tội lỗi, con người không thể tự giải thoát mình khỏi tội. Làm sao một tội nhân có thể tuyên bố mình không còn tội nữa? Đó là lý do Đức Kitô đến để gánh tội cho con người, và hòa giải con người với Thiên Chúa.
1.2/ Phải chạy đến với lòng thương xót của Thiên Chúa:
Bản dịch của Nhóm PVCGK dịch không chính xác câu 16 trong trình thuật hôm nay, chúng tôi xin dịch: "Đó là lý do tôi được thương xót: vì Đức Giêsu Kitô muốn tỏ bày sự kiên nhẫn hoàn hảo của Người với tôi là kẻ đầu tiên, để làm gương cho những ai sẽ tin vào Người, để được sống muôn đời."
(1) Thiên Chúa thương xót con người không phải vì sự tốt lành, việc làm, hay nhân đức con người có. Thiên Chúa thương xót Phaolô khi ông vẫn còn là tội nhân, đang hăng say bách hại đạo thánh Chúa. Xét theo kiểu con người, Phaolô xứng đáng lãnh nhận án tử hình. Xét theo kiểu Thiên Chúa, Ngài chứng tỏ lòng kiên nhẫn
(2) Mọi tội nhân đều có thể được cứu độ, nếu họ biết tin tưởng vào lòng thương xót Chúa; không cần biết họ tội lỗi nhiều và to lớn đến đâu. Thánh Phaolô có ý nói: nếu Thiên Chúa có thể tha thứ cho tôi, một người đang nhiệt thành bách hại Ngài; Ngài sẽ ban cuộc sống đời đời cho tất cả những ai biết chạy đến với Ngài.
2/ Phúc Âm: Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình.
2.1/ Cây nào sinh quả đó: Tục ngữ Việt-nam dạy: "xem quả, biết cây." Chúa Giêsu dạy: "Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt. Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho! Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra."
Trong tiến trình trở nên tốt, con người trải qua các thứ tự như sau:
- Bắt đầu từ sự hiểu biết: Để làm đúng, con người cần phải hiểu biết đúng. Lời Chúa là sự thật, sẽ chỉ dạy con người biết đường lối phải theo. Nếu hiểu biết sai lầm, sẽ không thể làm đúng.
- Cố gắng mang ra áp dụng: Đã học, phải hành; nếu không nó chỉ là mớ lý thuyết mà không sinh ích lợi cho con người.
- Thực tập lâu ngày thành thói quen tốt: Các nhà luân lý gọi thói quen tốt là nhân đức, cũng như thói quen xấu là tội. Một khi đã có nhân đức nào, con người cũng tránh được tội ngược lại với nhân đức ấy; ví dụ, khi một người đã có nhân đức khiêm nhường, người ấy cũng tránh được tội kiêu ngạo.
Chúa Giêsu có ý muốn nói: Cả hai, tội và nhân đức, đều ẩn giấu trong con người; khi cơ hội tới, chúng sẽ phát ra. Nếu lòng một người chỉ toàn nhân đức, họ không thể làm điều xấu; và ngược lại, nếu lòng một người đầy tội, họ không thể làm việc lành.
2.2/ Phải thực hành Lời Chúa: Để cảnh cáo những người nghĩ: chỉ cần tin Thiên Chúa mà không cần làm các việc lành, Chúa Giêsu chất vấn: "Tại sao anh em gọi Thầy: Lạy Chúa! Lạy Chúa! mà anh em không làm điều Thầy dạy? Ai đến với Thầy, và nghe những lời Thầy dạy mà đem ra thực hành, thì Thầy sẽ chỉ cho anh em biết người ấy ví được như ai."
(1) Người nghe và thực hành Lời Chúa: "Người ấy ví được như một người khi xây nhà, đã cuốc, đã đào sâu và đặt nền móng trên đá. Nước lụt dâng lên, dòng sông có ùa vào nhà, thì cũng không lay chuyển nổi, vì nhà đã xây vững chắc." Để xây nhà trên đá, một người cần:
- Biết tiên liệu những gì sẽ xảy ra trong tương lai như: mưa, gió, bão, lụt lội.
- Hy sinh bỏ nhiều thời gian: để xây dựng một nền nhà vững chắc.
- Chấp nhận tốn phí: để mua những vật liệu tốt và lâu bền.
Tương tự như thế trong việc xây dựng cuộc đời. Để có một cuộc đời vững chắc, cần:
- Được soi sáng và hướng dẫn bởi Lời Chúa.
- Hy sinh bỏ nhiều thời gian để tập luyện tất cả nhân đức, cách riêng ba nhân đức đối thần, sao cho có được một đức tin sắt đá, một lòng trông cậy vững bền, và một tình yêu không bao giờ nhạt phai.
- Lợi dụng cơ hội khi bị thử thách để luyện các nhân đức ngày càng vững mạnh.
(2) "Còn ai nghe mà không thực hành, thì ví được như người xây nhà ngay mặt đất, không nền móng. Nước sông ùa vào, nhà sụp đổ ngay và bị phá huỷ tan tành." Đây là trường hợp của những người:
- Ngây thơ, không biết tiên liệu những gì sẽ xảy đến trong tương lai.
- Ngại khó khăn và muốn có kết quả ngay.
- Sợ tổn phí nên mua những vật liệu hào nhoáng và tạm thời bên ngoài.
Trong lãnh vực tinh thần, đây là những con người:
- Khinh thường hay không chịu học hỏi Lời Chúa.
- Không chịu mang Lời Chúa ra thực hành, vì sợ khó khăn. Họ thích sống cuộc đời dễ dãi, và những gì mang lại kết quả tức khắc.
- Khi bị thử thách cám dỗ, họ sẽ rơi vào bẫy của ba thù ngay lập tức.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải nhận mình có tội, không thể tự cứu mình; nhưng cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa qua việc gởi Đức Giêsu Kitô đến để chuộc tội cho chúng ta.
- Để sinh hoa quả tốt lành trong đời sống, chúng ta cần lắng nghe, học hỏi, và thực hành Lời Chúa dạy; nhất là cố gắng luyện tập các nhân đức.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Sáu Tuần 23 TN1
Bài đọc: I Tim 1:1-2, 12-14; Lk 6:39-42.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy học biết Thiên Chúa và biết chính mình.
Hoàng đế Napoléon, khi được hỏi đâu là bí quyết giúp ông chinh phục thế giới, đã để lại một lời khuyên khôn ngoan cho những ai muốn thành công trong cuộc đời: "biết mình, biết người; trăm trận, trăm thắng." Nhiều người thất bại vì không chịu biết mình, biết người; để rồi mang "châu chấu ra đá voi," hay "mang trứng ra chọi đá."
Các Bài Đọc hôm nay răn dạy con người phải "biết mình và biết người." Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô dạy môn đệ của Ngài là Timothy phải biết mình trong mối tương quan với Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đưa ra những hoàn cảnh cụ thể để dạy các môn đệ phải biết mình trong mối tương quan với tha nhân: họ không thể dắt đường cho người khác nếu họ cũng bị đui mù; họ không thể chỉ trích phê bình người khác khi bản thân còn mang những tội lỗi lớn lao hơn của tha nhân. Vì thế, cần phải sửa mình, trước khi đủ thanh sạch để sửa sai cho người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hãy học biết Thiên Chúa.
1.1/ Lời của Phaolô cho Timothy, người môn đệ yêu quí: "Tôi là Phaolô, Tông Đồ của Đức Giêsu Kitô theo lệnh Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, và theo lệnh Đức Giêsu Kitô, niềm hy vọng của chúng ta, gửi anh Timothy, người con tôi đã sinh ra trong đức tin. Xin Thiên Chúa là Cha và xin Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ban cho anh ân sủng, lòng thương xót và sự bình an."
Qua hai câu chào đầu thư này, thánh Phaolô muốn cho Timothy nhận ra 2 điểm:
(1) Sứ vụ làm tông-đồ của Phaolô đến từ Thiên Chúa và từ Đức Kitô, chứ không phải do con người trao hay tự ý ngài muốn. Khi nói lên điều này, Phaolô muốn chuẩn bị cho Timothy hiểu biết về sứ vụ sẽ được trao cho sau khi được huấn luyện.
(2) Thiên Chúa là nguồn gốc của mọi ơn lành mà Ngài ban xuống cho con người qua Đức Giêsu Kitô. Ba hồng ân quan trọng mà người môn đệ cần, đó là: ân sủng, lòng thương xót và sự bình an.
1.2/ Phaolô dẫn chứng bằng chính cuộc đời mình: Biến cố trở lại của Phaolô trên đường đi Damascus luôn là điểm khởi hành mà Phaolô hướng về trong mọi việc: suy tư thần học, áp dụng trong cuộc sống, và hôm nay, dùng để dạy dỗ và làm gương cho Timothy.
(1) Tất cả là hồng ân: Nhìn lại cuộc đời, Phaolô thấy rõ ông đã không tình nguyện để phục vụ Đức Kitô; nhưng chính Đức Kitô đã tin tưởng và trao cho ông sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Phaolô viết: "Tôi tạ ơn Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng đã ban sức mạnh cho tôi, vì Người đã tín nhiệm mà gọi tôi đến phục vụ Người." Đức Kitô chọn Phaolô không phải vì thấy ông tài giỏi để thi hành sứ vụ; nhưng chính Đức Kitô ban mọi ơn cần thiết để ông chu toàn sứ vụ: "Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã ban cho tôi đầy tràn ân sủng, cùng với đức tin và đức mến của một kẻ được kết hợp với Người."
(2) Thiên Chúa ban ơn khi con người vẫn còn là tội nhân: Phaolô đã ý thức rất rõ về điều này khi ông thú nhận: "Trước kia, tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược, nhưng tôi đã được Người thương xót, vì tôi đã hành động một cách vô ý thức, trong lúc chưa có lòng tin." Chúa tỏ lòng thương xót khi con người vẫn còn là tội nhân. Chúa chọn con người không phải vì con người xứng đáng, nhưng chỉ vì tình yêu Ngài dành cho con người. Ngay cả đức tin cũng được ban cho con người, khi con người còn đang lầm đường lạc lối. Nói tóm, tất cả là hồng ân Thiên Chúa; con người chỉ cần nhận ra và đáp trả cân xứng để sinh lợi ích cho con người.
2/ Phúc Âm: Hãy học biết chính mình.
2.1/ Nhà lãnh đạo phải sáng suốt: Đây là một thực tế trong cuộc đời; nhưng không mấy người nhìn ra nhu cầu cần phải sáng suốt. Cha mẹ phải hướng dẫn con mình; nhưng cha mẹ có sáng suốt đủ để hướng dẫn con cái? Người mục tử phải hướng dẫn đoàn chiên; nhưng liệu người mục tử có sáng suốt đủ để hướng dẫn đoàn chiên mình? Ngay cả có nhận ra ai là chiên của mình đang cần sự hướng dẫn? Đức Giêsu nêu ra cho các môn đệ một hình ảnh: "Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố?" Làm sao để trở thành nhà lãnh đạo sáng suốt?
(1) Phải học hỏi để biết: Để có kiến thức cần phải học, vì không ai có thể cho người khác điều mình không có! Hành nghề gì cũng đòi phải học hỏi và qua kỳ thi để có bằng cấp; nhưng nghề làm cha mẹ quan trọng như thế thì ít người chịu học hỏi và chẳng ai cấp bằng để hướng dẫn con cái; phần lớn đều trở nên cha mẹ cách bất đắc dĩ: có con là đương nhiên trở thành cha mẹ!
(2) Phải lắng nghe và học hỏi với Đức Kitô: Nguồn khôn ngoan quan trọng nhất là Kinh Thánh và những mặc khải của Đức Kitô. Đây phải là nguồn đầu tiên chúng ta phải học hỏi vì không ai có sự khôn ngoan bằng Thiên Chúa. Tại sao chúng ta không chịu học với Đức Kitô trước, mà lại đi học với Dear Abby, Dear Ann Lander, hay với Dr. Ruth? Chúng ta không phủ nhận kinh nghiệm khôn ngoan của con người; nhưng nó chỉ là nguồn phụ thuộc mà thôi. Nếu không có thời giờ, người khôn ngoan là người biết tìm tới nguồn chính yếu để học hỏi sự thật, trước khi có thể nhận ra sự sai trái từ những nguồn phụ thuộc, nếu có.
(3) Phải có cái nhìn tổng quan về cuộc đời để nhận ra đâu là điều chính yếu từ bao điều phụ thuộc; nếu không sẽ dễ dàng chú trọng vào cái phụ thuộc và bỏ qua mục đích của cuộc đời.
2.2/ Hãy khử trừ thói quen phê bình người khác: Hầu hết các thánh nhân và các bậc thánh hiền đều khuyên con người "hãy biết mình trước." Khi nào thấy mình thập toàn rồi, mới dám nghĩ tới việc sửa lỗi người khác, để tránh tình trạng "chân mình còn lấm bê bê; mà cầm bó đuốc mà rê chân người."
Trong trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu cũng dạy các môn đệ: "Sao anh thấy cái vỏ trấu trong con mắt của người anh em, mà cái thanh gỗ trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại có thể nói với người anh em: "Này anh, hãy để tôi lấy cái vỏ trấu trong con mắt anh ra!" trong khi chính mình lại không thấy cái thanh gỗ trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái thanh gỗ ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái vỏ trấu trong con mắt người anh em!"
Khi một người năng xét mình, họ sẽ nhận ra họ cũng có bao tội lỗi và khuyết điểm cần phải sửa, nhiều khi còn to lớn và xấu xa hơn tội của tha nhân gấp bội; nên họ cảm thấy xấu hổ khi phải phê bình người khác. Ngược lại, người không năng xét mình hay xét mình không kỹ, họ cảm thấy mình tốt lành; và vì thế, họ năng xét tội và phê bình tha nhân.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải học hỏi để biết mình trong mối tương quan với Thiên Chúa. Tất cả những gì chúng ta có được là hoàn toàn từ Thiên Chúa. Đừng bao giờ đánh cắp hồng ân Thiên Chúa làm thành công trạng của chúng ta.
- Chúng ta học hỏi để biết mình trong mối tương quan với tha nhân. Điều này sẽ giúp chúng ta tránh việc chỉ trích và phê bình tha nhân; nhất là những người chúng ta không có trách nhiệm. Năng xét mình cẩn thận sẽ giúp chúng ta chừa được tật xấu này.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Năm Tuần 23 TN1, Năm B
Bài đọc: Col 3:12-17; Lk 6:27-38.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Bắt chước Đức Kitô để sống đời trọn lành.
Đạo không phải chỉ là những lễ nghi bên ngoài, nhưng là con đường nên trọn lành. Các Bài Đọc hôm nay đưa ra những lý do và dạy chúng ta trở nên trọn lành. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô đưa ra những lý do tại sao phải nên trọn lành: vì người tín hữu đã được tuyển chọn, thánh hiến, và yêu thương. Trong Phúc Âm, người tín hữu đã được trang bị để yêu kẻ thù bằng tình yêu Thiên Chúa đã phú bẩm trong tâm hồn; để họ có thể trở nên trọn lành như Cha trên trời.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, thánh hiến, và yêu thương.
1.1/ Hãy tập luyện để sống nhân đức.
(1) Các tín hữu có khả năng để sống tốt lành: vì họ đã được tuyển chọn, thánh hiến, và yêu thương trong Đức Kitô. Họ đã được tuyển chọn để trở thành môn đệ của Đức Kitô và nghĩa tử của Thiên Chúa nhờ niềm tin vào Đức Kitô. Họ đã được thánh hiến qua hai giai đoạn: được thanh tẩy sạch mọi tội lỗi nhờ Máu Đức Kitô và được trang bị bằng 7 hồng ân của Thánh Thần để sống đời trọn lành. Họ đã được Thiên Chúa yêu thương bằng tình yêu Thiên Chúa; và chính nhân đức yêu thương này giúp các tín hữu có thể yêu thương mọi người.
Có những nhân đức Thiên Chúa ban trực tiếp cho con người như 3 nhân đức tin, cậy, và mến; có những nhân đức con người phải bỏ công luyện tập, điển hình là 4 nhân đức trụ. Gọi là 4 nhân đức trụ, vì con người phải đứng vững trên 4 cột trụ là: khôn ngoan, công bằng, can đảm, và tiết độ. Thánh Phaolô liệt kê 5 nhân đức mà người Kitô hữu phải có; đó là lòng thương cảm, tử tế, khiêm nhường, hiền hoà, và nhẫn nại. Năm nhân đức này đều là thành phần của 4 nhân đức trụ nêu trên.
(2) Hai nhân đức tối quan trọng:
+ Tha thứ: "Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau." Tha thứ luôn mang hai chiều kích của Thập Giá mà Đức Kitô là trung tâm: chiều dọc với Thiên Chúa và chiều ngang với tha nhân; không thể có chiều kích này mà không có chiều kích kia. Nếu một người đã được hòa giải với Thiên Chúa, mà vẫn không chịu hòa giải với anh em; mối hòa giải với Thiên Chúa sẽ trở thành vô hiệu.
+ Yêu thương: "Trên hết mọi nhân đức, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo." Đức bác ái chính là tình yêu Thiên Chúa chúng ta đã đề cập ở trên. Thánh Phaolô gọi đức bác ái là nhân đức cao trọng hơn hết mọi nhân đức, và là sợi dây liên kết mọi điều hoàn thiện. Không có nhân đức này, người tín hữu không thể trở nên trọn lành (I Cor 13).
1.2/ Hãy đặt Đức Kitô là trọng tâm của đời sống: Người Kitô hữu có sự bình an của Đức Kitô, vì họ đã được Ngài hòa giải với Thiên Chúa, và với mọi người. Thánh Phaolô mong ước các tín hữu hãy để sự bình an của Đức Kitô điều khiển tâm hồn; vì trong một thân thể duy nhất, họ đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó.
Người Kitô hữu là môn đệ của Đức Kitô; vì thế họ phải để những lời dạy dỗ của Đức Kitô ngự giữa tâm hồn thật dồi dào phong phú. Họ phải dùng những lời của Đức Kitô để dạy dỗ và khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, họ phải đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thánh Thần linh hứng. Nói tóm, họ phải nhân danh Đức Kitô làm mọi sự như Phaolô khuyên nhủ: "Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha."
2/ Phúc Âm: Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em.
Trước tiên, chúng ta cần phân biệt 3 động từ yêu trong Hy-lạp: Thứ nhất, eran, để chỉ tình yêu trai gái; thứ hai, philein, để chỉ tình yêu giữa những người trong gia đình, hay tình bằng hữu; sau cùng, agapan, để chỉ thứ tình yêu chỉ có trong khuôn khổ của Kitô Giáo. Chúng ta đã đề cập đến thứ tình yêu này khi đề cập đến đức bác ái ở trên.
2.1/ Yêu kẻ thù: chỉ có thể được đòi hỏi nơi những người môn đệ của Đức Kitô; vì họ đã được trang bị làm chuyện đó. Chúa Giêsu không đòi chúng ta yêu kẻ thù với tình yêu trai gái hay tình yêu gia đình, vì làm như vậy là đi ngược lại tự nhiên; nhưng Ngài đòi chúng ta yêu kẻ thù bằng tình bác ái, vì Ngài đã phú bẩm vào linh hồn chúng ta nhân đức bác ái này, mà chúng ta thường gọi là đức mến, một trong ba nhân đức đối thần.
(1) Những điều cần làm cho kẻ thù: Yêu kẻ thù không phải chỉ xảy ra trong tư tưởng; mà phải được biểu tỏ bằng hành động cụ thể. Đức Kitô liệt kê một số điều cần làm:
- Làm ơn cho kẻ ghét anh em;
- Chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em;
- Cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em;
- Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa;
- Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong;
- Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại.
Nói tóm, nếu chúng ta muốn người ta làm gì cho mình, thì chúng ta cũng hãy làm cho người ta như vậy.
(2) Tại sao phải yêu thương kẻ thù: là để trở nên tốt lành như Cha trên trời là Đấng Tốt Lành, và để được phần thưởng đời sau. Chúa Giêsu đưa ra 3 lý luận:
- Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ.
- Nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế.
- Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng.
Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn, và hãy cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác. Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.
2.2/ Đừng xét đoán tha nhân nhưng hãy rộng lượng cho đi: Con người dễ xét đoán tha nhân theo những gì xảy ra bên ngoài; nhưng Chúa Giêsu truyền: "Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha." Đây là luật tổng quát cho mọi người; nhưng có những người có nhiệm vụ phải xét đoán như: các nhà lãnh đạo tinh thần, cha mẹ, bề trên... Khi phải xét đoán, những người này phải có đủ bằng chứng, phải hiểu rõ hoàn cảnh, và nhất là phải biết xét đoán cách rộng lượng như lời Chúa dạy: "Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Vì đã được tuyển chọn, thánh hiến, và yêu thương, chúng ta không thể sống như một người tầm thường, nhưng cần tập luyện để sống đời nhân đức như Đức Kitô đã dạy.
- Yêu thương kẻ thù không phải chỉ là lời khuyên, mà là một lệnh truyền. Chúng ta đã được trang bị để có thể yêu thương kẻ thù.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Tư Tuần 23 TN1
Bài đọc: Col 3:1-11; Lk 6:20-26.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sống như Đức Kitô đã dạy.
Có nhiều tín hữu chỉ có đạo trên danh nghĩa, vì đã lãnh nhận Phép Rửa Tội; nhưng không chịu thi hành những gì Đức Kitô giảng dạy. Một cuộc sống như thế có giúp cho phần rỗi linh hồn họ không? Chúa Giêsu trả lời rất rõ ràng: "không phải tất cả những ai nói Lạy Chúa! Lạy Chúa! mà được vào Nước Trời; nhưng chỉ có những ai lắng nghe và thực hành Lời Chúa."
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc giải thích tại sao con người cần sống đạo bằng cách thực hành Lời Chúa. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô nhắc nhở cho các tín hữu Colossê: tuy họ đang sống nơi hạ giới, nhưng họ không được sống theo tiêu chuẩn và giá trị của hạ giới; mà phải luôn hướng lòng lên và sống theo tiêu chuẩn và giá trị của thượng giới. Lý do vì họ đã được chịu Bí-tích Rửa Tội. Trong Phúc Âm, thánh Luca mô tả thế nào là đời sống mới trong Đức Kitô bằng 4 mối phúc thật và 4 mối khốn khổ. Đức Kitô đã đảo lộn hoàn toàn tiêu chuẩn đánh giá trị của thế gian: những gì thế gian cho là phúc, Ngài cho là khốn khổ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hai tác động của Bí Tích Rửa Tội
Để hiểu những gì thánh Phaolô muốn dạy các tín hữu Colossê, chúng ta cần hiểu thần học ngài dạy về Bí-tích Rửa Tội: Khi được dìm mình trong nước, chúng ta dìm mình trong cái chết của Đức Kitô; và khi chúng ta trồi lên, chúng ta được chung hưởng vinh quang phục sinh với Ngài. Vì thế, hai ứng dụng trong đời sống mà các tín hữu phải làm:
1.1/ Giết chết những gì thuộc hạ giới: Vì được dìm mình trong nước Rửa Tội, các tín hữu phải rửa sạch các tội của mình. Ngài liệt kê những tội người tín hữu phải khai trừ: gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu, và tham lam; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng. Phải từ bỏ những giận dữ, nóng nảy, độc ác, thoá mạ, và ăn nói thô tục. Người tín hữu không còn được sống theo ý mình, nhưng phải tìm ra và làm theo thánh ý Thiên Chúa. Họ phải sống theo sự thật, không được sống theo sự giả trá. Họ phải sống hiệp nhất và bác ái với mọi người; không được phân biệt Hy-lạp hay Do-thái, cắt bì hay không cắt bì, man di hay mọi rợ, nô lệ hay tự do, nhưng chỉ có Đức Kitô là tất cả và ở trong mọi người.
1.2/ Tìm kiếm những gì thuộc thượng giới: Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Thánh Phaolô gọi việc lãnh nhận Bí-tích Rửa Tội là mặc lấy Đức Kitô. Khi mặc lấy Đức Kitô, các tín hữu phải sống cuộc sống mới như Đức Kitô sống: theo tiêu chuẩn của Nước Trời và làm theo thánh ý Thiên Chúa. Thánh Phaolô khẳng định về lối sống của chính Ngài: Tôi sống, nhưng không còn là tôi; nhưng là chính Đức Kitô sống trong tôi.
2/ Phúc Âm: Khốn khổ dưới mắt con người lại là phúc thật trước mặt Thiên Chúa.
Nếu Chúa Giêsu sống và rao giảng Tin Mừng này cho những con người hôm nay, không biết có mấy người dám theo Ngài; vì Ngài đảo lộn hoàn toàn nấc thang giá trị của thế gian. Những gì con người cho là phúc, Ngài cho là khốn; và những gì con người cho là khốn, Ngài lại cho là phúc.
2.1/ Nghèo khó: Người thế gian thích được giầu có, vì "có tiền mua tiên cũng được." Họ tìm mọi cách thức và dùng mọi thời gian để tích trữ của cải, sao cho không phải làm ăn hay lo lắng gì cả trong suốt cuộc đời còn lại của họ; trong khi đó, Đức Giêsu lại dạy các môn đệ: "Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em."
Chúa Giêsu biết rõ bản chất con người: của cải anh em ở đâu, lòng trí anh em ở đó. Nếu của cải của con người đặt trên những giá trị vật chất, lòng trí của họ đâu còn mơ tưởng những giá trị tinh thần. Khi con người không chú trọng đến của cải vật chất, họ sẽ có nhiều thời gian để đi tìm những giá trị tinh thần.
2.2/ Đói khát: Người thế gian không những thích ăn no, mà còn thích ăn ngon; trong khi Chúa Giêsu dạy: "Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng."
Chúa Giêsu chắc chắn không cổ động sự nghèo đói, vì Ngài đã hai lần làm phép lạ để nuôi dân chúng khi họ không có bánh ăn. Mối phúc này có liên hệ với mối phúc thứ nhất, và điều Chúa Giêsu muốn nói tới không phải là sự đói khát vật chất mà là sự đói khát về tinh thần. Khi con người đã có đầy đủ mọi sự, họ không cảm thấy nhu cầu cần đi tìm Thiên Chúa; nhưng khi con người đói khổ, họ sẽ biết chạy đến với Chúa để xin Ngài lấp đầy những thiếu thốn. Thực tế nhiều lần chứng minh: khi con người đói khổ, họ biết chạy đến với Chúa; khi con người no lòng thỏa dạ, họ bỏ Chúa để chạy theo những thú vui bất chính, và thờ lạy đủ mọi tà thần.
2.3/ Than khóc: Người thế gian rất sợ bệnh tật, đau khổ, và chết chóc; trong khi Chúa Giêsu dạy: "Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười."
Một câu hỏi mà con người luôn thắc mắc: "Tại sao Thiên Chúa uy quyền và nhân lành lại để đau khổ, bệnh tật, chết chóc xảy ra cho con người; nhất là xảy ra cho người ''vô tội"?" Khi cuộc đời toàn mầu hồng, rất ít người nghĩ tới việc cám ơn những hồng ân Thiên Chúa đổ xuống trên cuộc đời mình. Họ coi đó là bổn phận Thiên Chúa phải làm. Nhưng khi phải đương đầu với đau khổ, họ trách cứ Thiên Chúa không thương và không chu toàn bổn phận. Lẽ ra, thay vì trách Thiên Chúa, họ phải đấm ngực trách mình; vì đã không sống đúng như những người thụ ơn. Khi để đau khổ xảy ra, Thiên Chúa cho con người nhận ra chân lý: con người không thể sống thiếu Thiên Chúa.
2.4/ Bị truy tố: Con người thích được người khác nghe lời và mến chuộng; trong khi Chúa Giêsu dạy: "Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế."
Khi chọn lối sống của người môn đệ Đức Kitô, chúng ta đã chọn con đường tử đạo; vì nó khác xa lối sống của người thế gian. Người thế gian chú trọng đến sự giả hình, trong khi Đức Kitô dạy phải chú trọng đến sự thành thật. Họ thích được khen ngợi cho dù chẳng có điều gì đáng khen và cần được thanh tẩy bao tội lỗi trong tâm hồn. Ngôn sứ của Thiên Chúa phải nói những sự thật, nhưng họ không sẵn sàng chấp nhận sự thật; vì thế, việc họ truy tố ngôn sứ là chuyện đương nhiên.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta không được sống theo tiêu chuẩn và giá trị của hạ giới; nhưng phải hướng lòng trí lên trời để tìm và sống theo những tiêu chuẩn và giá trị của thượng giới.
- Chắc chắn chúng ta sẽ phải trả giá đắt cho lối sống này, nhưng sẽ tìm được niềm vui trong tâm hồn, vì đã sống theo những gì Đức Kitô răn dạy, và được bảo đảm cho phần rỗi linh hồn mai sau.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Kính Sinh Nhật Đức Mẹ
Bài đọc: Mic 5:1-4a; Mt 1:1-16, 18-23.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đức Mẹ là Mẹ Đấng Cứu Thế.
Vào năm 431, Giáo Hội nhóm họp Công Đồng tại Thánh Đường Đức Mẹ Maria tại Ephesus, để tuyên bố tín điều "Đức Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa." Lý do có tín điều này vì giám-mục Nestorius của Constantinople, tuy công nhận Chúa Giêsu mang hai bản tính: Thiên Chúa và nhân loại; nhưng vì bản tính nhân loại bị ảnh hưởng bởi tội lỗi, nên Đức Mẹ chỉ là Mẹ Đức Kitô, chứ không phải là Mẹ Thiên Chúa.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc tìm về nguồn gốc của Đức Kitô. Trong Bài Đọc I, tiên-tri Micah nói trước 700 năm về sự xuất hiện của Đấng Thiên Sai: Ngài thuộc giòng tộc của vua David; tuy sinh ra trong thời gian, nhưng Ngài có trước từ đời đời; và tuy sinh ra trong thân phận con người, nhưng Ngài dùng uy danh của Thiên Chúa mà cai trị nhân loại. Trong Phúc Âm, Matthew bắt đầu Tin Mừng với gia phả đầy đủ của Đức Kitô, kéo dài cho tới vua David, tới tổ-phụ Abraham. Đức Kitô tuy sinh ra trong gia phả con người; nhưng không theo cách thức con người, vì Mẹ Maria mang thai là bởi quyền năng của Thánh Thần.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Israel.
1.1/ Lời tiên đoán của tiên-tri Micah về Đấng Cứu Thế: Tiên-tri Micah sống khoảng 700 BC, nói về nơi xuất hiện của Đấng Cứu Thế: "Phần ngươi, hỡi Bethlehem Ephrathah, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Judah, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Israel." Bethlehem là chỗ sinh trưởng của vua David, cách khoảng 7 km về phía Nam của Jerusalem. Vua David thuộc chi tộc Judah. Ephrathite là một thị tộc nhỏ bé nhất của chi tộc Judah, thị tộc này định cư ở Ephrathah.
Tiên-tri Micah tiên đoán Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra trong tương lai; "nhưng nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa." Gioan Tẩy Giả cũng tuyên bố về Đấng Cứu Thế như sau: "Người đến sau tôi; nhưng có trước tôi" (Jn 1:15). Cả hai đều có ý muốn nói về Đấng Cứu Thế như sau: xét về nguồn gốc, Đấng Cứu Thế hiện hữu trước; nhưng xét về thời gian sinh ra, Ngài có sau. Trong Tin Mừng Matthew, khi ba nhà đạo sĩ từ phương Đông mất ánh sao dẫn đường, họ vào Jerusalem để hỏi về nơi sinh của vua dân Do-thái. Nhà vua cho triệu tập các thượng tế và kinh sư để tra cứu về nơi sinh của Đấng Cứu Thế, và họ tìm ra tại Bethlehem, xứ Judah, theo lời của tiên tri Micah đã viết (Mt 2:5-6).
1.2/ Uy quyền của Đấng Cứu Thế: Tuy sinh ra như một con người; nhưng "Ngài sẽ dựa vào quyền lực Đức Chúa, vào uy danh Đức Chúa, Thiên Chúa của Người, mà đứng lên chăn dắt họ. Họ sẽ được an cư lạc nghiệp, vì bấy giờ quyền lực Người sẽ trải rộng ra đến tận cùng cõi đất."
Những gì tiên-tri Micah tiên đoán về triều đại của Đấng Cứu Thế đều được hoàn tất bởi Đức Kitô. Ngài được Chúa Cha ban cho mọi quyền hành trên trời cũng như dưới đất; và Ngài
dùng quyền này để khống chế ma quỉ, sóng gió, chữa lành mọi bệnh tật, và tiêu diệt kẻ thù cuối cùng của con người là sự chết. Sau đó, Ngài sẽ lên ngôi cai trị, dân chúng sẽ được mọi sự lành bằng an, và triều đại của Ngài sẽ kéo dài đến vô tận.
2/ Phúc Âm: Đây là gia phả Đức Giêsu Kitô, con vua David, con tổ phụ Abraham.
2.1/ Sự quan trọng của gia phả: Truyền thống Do-thái đề cao sự quan trọng của gia phả. Trong Cựu Ước, chúng ta gặp nhiều lần những đề cập đến gia phả (x/c Gen 5:1, 10:1, 11:10, 27). Sở dĩ người Do-thái quan trọng hóa gia phả là vì họ muốn xem ai thuộc giòng tộc hoàn hảo nhất, không bị ảnh hưởng bởi giòng máu ngoại lai. Khi một người bị quá nhiều giòng máu ngoại lai, người ấy có thể bị mất đặc quyền được gọi là người Do-thái, Dân Riêng của Thiên Chúa. Một thầy tư tế phải chứng minh mình thuộc giòng tộc của Aaron; và nếu thầy tư tế đó kết hôn, người đàn bà đó phải có gia phả rõ ràng, ít nhất là năm đời. Khi Ezra thành lập hàng tư tế sau khi từ chốn lưu đày trở về, ông đã từ chối chức tư tế của: con cái của Habaiah, con cái của Koz, và con cái của Barzillai; vì ông không tìm thấy gia phả của họ trong Thượng Hội Đồng (x/c Ezra 2:62).
2.2/ Những điều quan trọng tìm thấy trong gia phả của Đức Kitô: Gia phả của Ngài được chia làm 3 giai đoạn chính, mỗi giai đoạn gồm 14 đời:
(1) Từ tổ-phụ Abraham tới vua David: Thời của tổ-phụ Abraham đánh dấu việc Thiên Chúa chọn dân tộc Israel và hứa sẽ ban cho ông con cháu đông đúc và dẫn vào Đất Hứa. Thời của vua David đánh dấu sự lớn mạnh của vương quốc Israel. Đây là thời đại hoàng kim của Israel, vì vua David đã thống nhất 12 chi tộc Israel, mở rộng bờ cõi và lên ngôi cai trị họ. Danh xưng của Chúa Giêsu là "Con vua David" đã được nhắc tới 58 lần bởi các nhân vật khác nhau trong Tân Ước, chứng tỏ người Do-thái rất quan tâm đến gia phả của Đức Kitô. Họ chờ đợi Đấng Thiên Sai, xuất thân từ giòng dõi vua David, sẽ đến giải phóng họ khỏi tay quân thù, và lên ngôi cai trị muôn đời.
(2) Từ vua David tới Thời Lưu Đày bên Babylon: Sau thời của David, vương quốc Israel bắt đầu xuống dốc: bắt đầu bằng việc chia đôi đất nước, chạy theo vua chúa và các thần ngoại bang, vương quốc miền Bắc bị rơi vào tay của vua Assyria năm 721 BC, vương quốc miền Nam bị rơi vào tay của vua Babylon năm 587 BC. Từ vua quan đến dân chúng đều bị dẫn đi lưu đày trong vòng 50 năm cho đến năm 538 BC, khi vua Ba-tư là Cyrus nghe lời Thiên Chúa phóng thích cho dân Do-thái được hồi hương.
(3) Từ Thời Lưu Đày bên Babylon đến Đức Kitô: Đây được coi là thời gian hy vọng vào Đấng Thiên Sai, mà nhiều ngôn sứ loan báo, sẽ đến. Ezra và Nehemiah lãnh đạo việc xây dựng lại Đền Thờ và khôi phục đất nước. Phần lớn người Do-thái chỉ quan tâm đến việc giải phóng đất nước khỏi tay quân thù; vì thế, họ chờ đợi một Đấng Thiên Sai uy quyền, sẽ dùng sức mạnh và quyền năng để tiêu diệt quân thù, và khôi phục địa vị cho vương quốc Israel như thời vua David.
2.3/ Thời đại của Đức Kitô, Đấng cứu Thế: Theo gia phả con người, Chúa Giêsu là con ông Giuse và bà Maria. Ông Giuse là con vua David và Chúa Giêsu cũng sinh ra tại Bethlehem, nơi mà vua David đã sinh ra. Trình thuật Matthew nói rõ Maria có thai là "do quyền năng Chúa Thánh Thần." Khi thấy Maria có thai trước khi hai ông bà về chung sống; ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: "Này ông Giuse, con vua David, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu."
+ Chính Chúa Giêsu sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ: Ngược lại với lòng mong muốn của đa số dân Do-thái về một Đấng Thiên sai uy quyền, sẽ đến giải phóng dân khỏi ách nô lệ của ngoại bang; Đức Kitô chấp nhận thân phận của một Đấng Thiên Sai đau khổ: chịu chết trên Thập Giá, để giải thoát toàn dân khỏi quyền lực của tội lỗi và sự chết.
+ Tất cả sự việc này đã xảy ra là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ Isaiah: "Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta" (Isa 7:14). Bản Bảy Mươi dùng chữ "pathernon" để chỉ "trinh-nữ;" trong khi Bản MT, dùng chữ "almah:" có thể là một người phụ nữ trẻ hay một người đồng trinh. Truyền thống Công Giáo dùng cả Isa 7:14 và Mt 1:18 để xác tín: Mẹ Maria trọn đời đồng trinh.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải tin các tín điều đã được nghiên cứu cẩn thận và được tuyên bố bởi Giáo-Hội qua các Công Đồng. Đừng để các lạc thuyết mê hoặc chúng ta.
- Thiên Chúa đã chuẩn bị cho nhân loại ngay từ đầu một Kế Hoạch Cứu Độ. Theo Kế-hoạch này, Đức Kitô sẽ đến trong thân xác con người để chuộc tội cho con người.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Hai Tuần 23 TN1
Bài đọc: Col 1:24-2:3; Lk 6:6-11.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Bổn phận của các tín hữu là xây dựng Nhiệm Thể của Đức Kitô.
Trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, Đức Kitô là Người mang Kế-hoạch đến thành công qua việc nhập thể, mặc khải, dạy dỗ, huấn luyện các môn đệ, chịu chết để chuộc tội cho con người. Ơn cứu độ giờ đây là của mọi người, không phân biệt một ai cả. Nhưng để ơn cứu độ này hiện thực trong tất cả mọi người, họ cần tin vào Đức Kitô; và để tin vào Đức Kitô, Giáo Hội cần có nhiều nhà rao giảng. Bắt đầu từ một nhóm nhỏ là các môn đệ, Giáo Hội từ từ lớn dần và lan rộng khắp nơi, cho tới con số như ngày nay, và cần phải lan rộng hơn nữa cho tới khi mọi người đều tin vào Đức Kitô. Để được như thế, mọi thành phần trong Giáo Hội đều có bổn phận phải hy sinh và nỗ lực góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc làm cho các tín hữu nhận ra và góp phần vào việc xây dựng Nhiệm Thể của Đức Kitô là Giáo Hội. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô vui mừng chịu đựng đau khổ cho việc xây dựng Nhiệm Thể của Đức Kitô, qua việc rao giảng Tin Mừng. Ngài cố gắng hết sức để cho Tin Mừng thấm nhập, phát triển, và sinh hoa kết trái trong cuộc đời các tín hữu. Trong Phúc Âm, trong khi Chúa Giêsu tất tưởi rao giảng Tin Mừng và chữa lành khắp nơi, các kinh-sư và biệt-phái lại nhân danh Lề Luật của Thiên Chúa để cấm đoán Ngài không được chữa lành trong ngày Sabbath, và cố gắng tìm mọi cách để tiêu diệt Ngài!
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì Đức Kitô, vì Giáo Hội, và vì anh em.
1.1/ Phaolô nhận ra trách nhiệm của mình: Trước khi có thể làm chứng cho Thiên Chúa, Phaolô cần xác tín niềm tin của mình.
(1) Phaolô nhận ra sự sai lầm của mình và nhận ra tình thương Thiên Chúa: Biến cố trên đường đi Damascus đã mở mắt cho Phaolô biết ơn cứu độ không chỉ dành riêng cho người Do-thái, mà còn mở rộng cho tất cả Dân Ngoại, qua Kế Hoạch Cứu độ của Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói về Kế-hoạch này như sau: "Mầu nhiệm đã được giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ, nhưng nay đã được tỏ ra cho dân thánh của Thiên Chúa. Người đã muốn cho họ được biết mầu nhiệm này phong phú và hiển hách biết bao giữa các dân ngoại: đó là chính Đức Kitô đang ở giữa anh em, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang."
(2) Lấy tình thương đáp trả tình thương: Được chữa lành khỏi mù lòa về phần xác cũng như phần hồn, Phaolô nhận ra tình thương của Thiên Chúa dành cho ông. Ông nghĩ nếu Thiên Chúa và Đức Kitô đã yêu thương mình như thế, ông phải đáp trả tình thương bằng cách làm cho ơn cứu độ được hiện thực trong tất cả mọi người. Phaolô biết mình không thể làm lại gì cho Thiên Chúa, nên chú trọng vào việc xây dựng các chi thể trong một thân thể của Đức Kitô là Giáo Hội "Tôi đã trở nên người phục vụ Giáo Hội, theo kế hoạch Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em: đó là tôi phải rao giảng lời của Người cho trọn vẹn."
(3) Đâu là những gian nan thử thách mà Đức Kitô còn phải chịu? Mặc dù Đức Kitô đã chiến thắng thần chết, sống lại vinh quang, và mang ơn cứu độ cho mọi người; nhưng Kế-hoạch Cứu Độ chưa hoàn tất cho đến khi mọi người đều được hưởng ơn cứu độ qua việc tin vào Đức Kitô. Để hoàn tất điều này, Đức Kitô trông chờ vào sự cộng tác của tất cả các tín hữu. Những đau khổ mà Đức Kitô còn đang phải chịu là: sự hững hờ của các tín hữu trong việc rao giảng Tin Mừng; những thái độ chống báng và các kế hoạch nhằm tiêu diệt đạo thánh Chúa; đời sống giữ đạo cách hời hợt của hàng giáo sĩ và các tín hữu ngăn cản việc làm chứng cho Tin Mừng; và sự chia rẽ giữa các giáo hội làm chia cắt thân thể của Đức Kitô.
1.2/ Phaolô tìm mọi cách để chu toàn sứ vụ được trao phó: Ngài nói: "Chính vì mục đích ấy mà tôi phải vất vả chiến đấu, nhờ sức lực của Người hoạt động mạnh mẽ trong tôi... Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh." Những việc làm chứng tỏ nỗ lực rao giảng Tin Mừng của Phaolô:
- Ngài rao giảng Tin Mừng ở mọi nơi và trong một lúc: trong hội đường, ngoài phố chợ, trong khám đường, khi đối chất ... rao giảng dù thuận tiện hay không thuận tiện.
- Giúp đỡ mọi tín hữu để họ càng ngày càng trở nên hoàn thiện trong Đức Kitô: không chỉ bằng lòng với việc thiết lập các cộng đoàn, Ngài vẫn trở lại để thăm viếng khi có dịp, và viết thư để dạy dỗ và khuyên bảo mọi người.
- Lấy tình thương và sức mạnh của Thiên Chúa để vượt qua mọi tranh chấp và ích kỷ cá nhân; để gìn giữ sự hiệp nhất trong Giáo Hội.
2/ Phúc Âm: Phải tuyệt đối tránh tất cả những gì ngăn cản không cho Nước Chúa trị đến.
2.1/ Tranh chấp cá nhân để hưởng lợi nhuận vật chất: Trình thuật Luca kể: Vào một ngày Sabbath, Đức Giêsu vào hội đường để giảng dạy. Ở đó có một người bị khô bại tay phải. Các kinh-sư và những người biệt-phái rình xem Đức Giêsu có chữa người ấy trong ngày Sabbath không, để tìm được cớ tố cáo Người. Hội-đường Do-thái là nơi họ tụ tập lại để học hỏi Kinh Thánh và dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa; thế mà các kinh-sư và biệt phái là những nhà lãnh đạo trong dân lại lợi dụng hội đường, giờ thờ phượng, và nhân danh Thiên Chúa để rình rập và chờ cơ hội để tố cáo người ngay lành.
Lý do tại sao họ làm như thế là vì họ ghen tị về sư khôn ngoan và uy quyền của Chúa Giêsu. Trong Tin Mừng Gioan, họ sợ đến một ngày cả thế giới sẽ đi theo Ngài! Nếu thế giới chọn đi theo Chúa Giêsu, thế giới sẽ bỏ họ. Để ngăn cản con người đừng đến với Chúa Giêsu, họ dùng mọi thủ đoạn hèn hạ để tiêu diệt Ngài.
2.2/ Chúa Giêsu mạnh dạn sửa sai và tố cáo thủ đoạn của họ.
(1) Chúa Giêsu vạch ra những hiểu biết sai lầm: Chúa Giêsu thấu hiểu họ đang suy nghĩ như thế, nên bảo người bại tay: "Anh trỗi dậy, ra đứng giữa đây!" Người ấy liền trỗi dậy và đứng đó. Đức Giêsu chất vấn họ: "Tôi xin hỏi các ông: ngày Sabbath, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?"
Ngài muốn họ trở về nguyên lý nền tảng: Lề Luật làm ra là cho lợi ích và bảo vệ đời sống con người. Nguyên tắc nền tảng của luân lý là "làm lành tránh dữ, cứu mạng sống chứ không hủy diệt." Vì thế, không ai được nhân danh Lề Luật để giết hại hay từ chối làm điều lành trong ngày Sabbath.
(2) Chúa Giêsu can đảm làm chứng cho sự thật: Không một chút sợ hãi, Người rảo mắt nhìn họ tất cả, rồi bảo người bại tay: "Anh giơ tay ra!" Anh ấy làm như vậy và tay anh liền trở lại bình thường. Nhưng họ thì giận điên lên, và bàn nhau xem có làm gì được Đức Giêsu không. Họ giận điên lên vì họ bị mất mặt trước đám đông; và giận quá mất khôn, họ không còn biết phân biệt và nhận ra sự thật nữa!
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Mỗi tín hữu chúng ta đều có bổn phận mang Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa đến chỗ vẹn toàn, bằng cách làm cho mọi người đều có cơ hội để lắng nghe Tin Mừng.
- Chúng ta cần tránh tuyệt đối thái độ dùng Tin Mừng để mưu cầu lợi ích cá nhân. Đừng bao giờ làm cho người khác mất niềm tin vì cuộc sống phản Tin Mừng của chúng ta. Đừng bao giờ nhân danh Tin Mừng để chia cắt Nhiệm Thể của Đức Kitô.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- 06/9 Hãy để Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi mọi bệnh tật hồn và xác
- 05/9 Cần chú trọng đến những gì là chính yếu
- 04/9 Cần biết trả lời cho những ai chất vấn niềm tin của mình
- 03/9 Phải khôn ngoan tìm ra và trung thành làm theo thánh ý Thiên Chúa
- 02/9 Mỗi người cần đóng góp một tay cho việc rao giảng Tin Mừng
- 01/9 Đoạn tuyệt với tội lỗi và sống cho Thiên Chúa
- 31/8 Hy vọng vào cuộc sống trường sinh giúp con người diệt trừ bản ngã
- 30/8 Đâu là sự thờ phượng Thiên Chúa đích thực
- 28/8 Sống yêu thương sẽ xây dựng gia đình và xóa tan mọi hận thù
- 28/8 Cách thức để đạt tới Nước Trời