Tin Thế Giới
Tin Thế Giới
- Viết bởi Văn Cương, SJ – Vatican News

Các nghiên cứu mới nhất cho rằng biến thể Omicron ít gây chết người hơn so với một số biến thể Covid trước đó, nhưng quá nhiều người nhiễm biến thể Omicron đã dẫn đến lo ngại rằng các bệnh viện có thể bị quá tải ở nhiều quốc gia.
Việc các ca nhiễm tăng cao cũng đang tác động lớn đến các nền kinh tế trên thế giới và nhiều doanh nghiệp đang phải cố gắng để tiếp tục hoạt động mà không có công nhân, vì họ đã bị cách ly theo yêu cầu. Các nhà lãnh đạo chính trị ở một số quốc gia đang cân nhắc, còn một số khác đã rút ngắn thời gian cách ly đối với những trường hợp nhiễm covid hay có tiếp xúc.
Số ca tăng chóng mặt
Bộ trưởng Y tế Pháp cho biết, Pháp đang chứng kiến sự gia tăng “chóng mặt” các ca nhiễm Covid, với 208.000 ca nhiễm mới được báo cáo trong vòng 24 giờ - số ca nhiễm cao kỷ lục tại quốc gia này cũng như Châu Âu. Hoa Kỳ, Anh, Ý, Tây Ban Nha, Úc và Argentina nằm trong số những quốc gia có số ca nhiễm mới kỷ lục trong tuần này.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nói trong một cuộc họp báo rằng: ông rất lo ngại về mối đe dọa từ hai biến thể Omicron và Delta đang dẫn đến một ‘trận sóng thần’ trước số lượng ca nhiễm Covid. Ông cảnh báo rằng sự gia tăng ca nhiễm sẽ tiếp tục gây áp lực lớn lên các bệnh viện đang bên bờ ngã đổ vì quá tải.
Bình đẳng về vắc xin
Người đứng đầu WHO cũng cảnh báo rằng các chiến dịch chích mũi vắc xin tăng cường với quy mô lớn ở các nước giàu hơn có nguy cơ kéo dài đại dịch khi họ lấy mất nguồn cung cấp vắc xin dành cho các nước nghèo hơn, tiêm chủng ít hơn. Ông nói, điều này tạo cơ hội cho virus lây lan và đột biến nhiều hơn. Ông Tedros kêu gọi mọi người cùng đưa ra một quyết tâm cho Năm mới nhằm đạt được chiến dịch tiêm vắc xin cho 70% dân số thế giới vào giữa năm 2022.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần nhắc lại nhu cầu tiếp cận bình đẳng về vắc xin cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương và thiếu thốn nhất trên thế giới. Đức Thánh Cha đã nói chỉ có liên đới thì chúng ta mới có thể thoát khỏi đại dịch này.
Văn Cương, SJ – Vatican News
- Viết bởi Hồng Thủy - Vatican News

Ngày 29/1/2021, các thành viên Quốc hội Bồ Đào Nha đã bỏ phiếu thông qua dự luật hợp pháp hóa an tử, với kết quả 136 phiếu thuận, 78 phiếu chống và 4 phiếu trắng và dự luật đã được trình lên Tổng thống.
Sau đó, ngày 18/2/2021, Tổng thống đã quyết định yêu cầu tòa án hiến pháp đánh giá lại xem dự luật có phù hợp với hiến pháp quốc gia không. Ông nêu lên lo ngại rằng dự luật không phù hợp với hiến pháp, vốn mô tả sự sống con người là “bất khả xâm phạm.” Và Toà án hiến pháp cũng đã bác bỏ dự luật. Ngày 15/3/2021 Tổng thống đã phủ quyết dự luật lần thứ nhất.
Phủ quyết lần thứ hai
Trong lần thứ hai này, Tổng thống de Sousa đã từ chối ký dự luật và nói rằng từ ngữ diễn đạt trong dự luật không chính xác và tạm hoãn dự luật cho đến khi một quốc hội và chính phủ mới được chọn vào đầu năm tới.
Hôm thứ Hai 29/11/2021, trang web của Phủ Tổng thống Bồ Đào Nha cho biết Tổng thống trả lại dự luật đã sửa cho quốc hội và cho rằng cần phải nói rõ thêm về “những gì có vẻ mâu thuẫn” liên quan đến các nguyên nhân biện minh cho việc sử dụng cái chết với sự hỗ trợ y tế.
Trong khi dự luật ban đầu yêu cầu “bệnh hiểm nghèo gây tử vong” là điều kiện tiên quyết cho việc thực hiện an tử, phiên bản mới đề cập đến “bệnh nan y” hoặc “bệnh nặng” trong một số công thức của nó. Theo ý kiến của Tổng thống De Sousa, việc không còn coi bệnh nhân cần phải mắc “bệnh hiểm nghèo gây tử vong” có nghĩa là “một sự thay đổi đáng kể trong việc cân nhắc các giá trị của sự sống và quyền tự quyết định trong bối cảnh xã hội Bồ Đào Nha”.
Các đảng trung tả ở Bồ Đào Nha đã tài trợ cho dự luật an tử, như họ đã từng làm với luật cho phép phá thai vào năm 2007, và hôn nhân đồng tính vào năm 2010, ở quốc gia đa số là Công giáo. (Crux 30/11/2021)
Hồng Thủy - Vatican News
- Viết bởi G. Trần Đức Anh, O.P. | RV
Phúc trình mới của tổ chức an ninh và cộng tác Âu châu, gọi tắt là OSCE cho biết trong năm ngoái (2020) có hơn 7.000 tội ác chống các nhóm thiểu số và tôn giáo. Con số những vụ chống các tín hữu Kitô tăng 70% so với năm 2019 trước đó. Cả các tội ác chống Do thái cũng gia tăng nhiều.
Phúc trình được công bố hôm 16 tháng Mười Một vừa qua, tại thủ đô Ba Lan với tựa đề “Dữ kiện về tội ác oán ghét” (Hate Crime Data). 42 trong số 57 quốc gia thành viên của tổ chức OSCE đã góp phần và cung cấp các dữ kiện cho phúc trình thường niên này.
Phúc trình liệt kê 7.181 vụ chống lại con người và các tổ chức tôn giáo tại 46 quốc gia. Có 980 tội ác chống các tín hữu Kitô và các nơi thờ phượng, biểu tượng và cơ sở của Giáo hội, tức là tăng thêm 70% so với 578 vụ hồi năm 2019. Con số những vụ bài Do thái tăng thêm 600 vụ. Phúc trình cho biết có 333 vụ chống người Hồi giáo, 84 vụ chống những nhóm du mục người Rom và Sinti.
Bà Madeleine Enzlberger, Giám đốc Đài quan sát về sự bất bao dung và kỳ thị chống Kitô hữu (OIDAC) nói rằng sự tăng ồ ạt những tội oán ghét chống Kitô hữu phải mở mắt những giới ưu tú chính trị và văn hóa. “Trong giới truyền thông và chính trị người ta ít coi tội oán ghét Kitô hưu là vấn đề, mặc dù chúng ngày càng hiển nhiên trong xã hội. Phúc trình của tổ chức OSCE chỉ phản ánh một phần nhỏ trong xu hướng mà từ nhiều năm nay chúng tôi quan tâm ghi nhận, và đó là một sự báo động chống lại sự dửng dưng và mạ lỵ các Kitô hữu, coi thái độ này như một mốt thời trang”.
Bà Enzlberger xác tín rằng con số thực sự về những tội ác oán ghét Kitô hữu cao hơn nhiều.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RV
Nguồn: Đài Chân Lý Á Châu
- Viết bởi G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Chính phủ Canada quyết định kháng án chống lại phán quyết của Tòa án liên bang, hồi cuối tháng Chín vừa qua, buộc chính phủ bồi thường nhiều tỷ đôla Canada cho các thổ dân bản địa, vì đã bó buộc các học sinh phải theo học tại các trường nội trú, phải xa lìa cha mẹ và bộ lạc, không được sống theo văn hóa và sử dụng ngôn ngữ của mình.
Chính phủ Canada cho biết sẽ không kháng án trong gian hai tháng để làm sáng tỏ vấn đề với các đại diện thổ dân, thương thảo để tìm một giải pháp có thể chấp nhận được đối với cả hai bên. Chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau tuyên bố không chống lại việc bồi thường, nhưng có các vấn đề thẩm quyền và việc phân phối tiền bồi thường.
Ngày 29 tháng Chín mới đây, Toà án liên bang Canada tái khẳng định phán quyết hồi năm 2016 của tòa án, theo đó chính phủ đã không tài trợ đủ việc bảo vệ các trẻ em thổ dân so với các trẻ em không phải là thổ dân. Theo tòa án, các thành viên các dân tộc đầu tiên của Canada bị đưa vào các trường nội trú, như một thứ trại cải tạo. Trước đây, chính phủ chỉ bồi thường 40.000 đôla Canada, tương đương với 27.900 Euro cho mỗi người. Vụ này gây căng thẳng giữa các thổ dân này và chính phủ.
Trước đây, chính phủ Canada đã bồi thường một tỷ 900 triệu đôla Canada cho con cháu các thổ dân thuộc nhiều bộ lạc khác nhau.
Tại Canada, các thổ dân bản xứ được gọi là “Các dân tộc đầu tiên”. Có 634 bộ lạc các thổ dân bản xứ, và hiện nay có hơn 975.000 người, theo thống kê hồi năm 2016.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Nguồn: Đài Chân Lý Á Châu
- Viết bởi Hồng Thủy - Vatican News

Công ty Olive Tree Bible Softwares nói với hãng tin BBC rằng họ đã được thông báo trong quá trình xem xét của Apple Store rằng họ phải cung cấp giấy phép chứng minh quyền phân phối ứng dụng có nội dung sách hoặc tạp chí ở Trung Quốc đại lục. Công ty giải thích: “Vì chúng tôi không có giấy phép và cần có bản cập nhật ứng dụng được phê duyệt và cung cấp cho khách hàng, nên chúng tôi đã xóa ứng dụng Kinh thánh khỏi App Store của Trung Quốc”.
Hoạt động của Công ty Olive Tree Bible Softwares về các phiên bản kỹ thuật số của Kinh Thánh đã có từ nhiều thập kỷ. Người sáng lập Drew Haninger đã phát triển các chương trình Kinh thánh cho Palm Pilot và các thiết bị di động đầu tiên khác vào cuối những năm 1990. Nó cũng cung cấp nhiều bản dịch Kinh thánh. Trang web của công ty liệt kê một số ấn bản Kinh Thánh Công giáo bằng tiếng Anh, mặc dù cho biết một số phiên bản chưa sẵn sàng để người dùng có thể mua.
Phiên bản kinh Coran Majeed, được sản xuất bởi Dịch vụ Quản lý Dữ liệu Pakistan, có hơn 35 triệu người dùng và 1 triệu người dùng ở Trung Quốc, cũng gặp khó khăn tương tự. Công ty cho biết, theo Apple, ứng dụng đã bị xóa khỏi cửa hàng ứng dụng của Apple tại Trung Quốc “vì nó bao gồm nội dung cần có tài liệu bổ sung từ các cơ quan chức năng Trung Quốc”.
Liên quan đến các sự việc này, hãng Apple nói rằng họ buộc phải tuân thủ luật pháp địa phương và đôi khi có những vấn đề phức tạp mà họ có thể không đồng ý với các chính phủ.
Dịch vụ Audible, một dịch vụ sách nói và podcast của Amazon cũng đã xoá ứng dụng của mình khỏi Apple Store ở Trung Quốc đại lục vào tháng 9.
Các tổ chức tôn giáo bị quản lý chặt chẽ theo luật pháp Trung Quốc và các giáo sĩ Kitô giáo có thể phải đối mặt với các hình phạt pháp lý nếu họ không đăng ký với chính phủ hoặc nếu họ tiến hành các hoạt động trái phép hoặc hành động theo những cách bị cáo buộc là phá hoại sự đoàn kết quốc gia. (CNA 18/10/2021)
Hồng Thủy - Vatican News
- Viết bởi G. Trần Đức Anh, O.P.
Mười hai nước thuộc Liên hiệp Âu châu yêu cầu được tài trợ các phương tiện để xây tường ngăn chặn làn sóng di dân.
Hôm 08/10/2021 vừa qua, các vị bộ trưởng nội vụ của mười hai nước là Áo, Cipro, Đan Mạch, Hy Lạp, Lituani, Ba Lan, Bulgari, Cộng hòa Tiệp, Estonia, Hungary, Lettoni và Slovakia đã gửi thư tới Ủy ban Hành pháp của Liên hiệp Âu châu và đoàn Chủ tịch Hội đồng Âu châu, để đưa ra lời thỉnh cầu trên đây.
Đề tài củng cố biên cương ngoại địa của Liên hiệp Âu châu sẽ được bàn tới, trong khóa họp của các vị bộ trưởng nội vụ của 27 nước EU, sẽ nhóm tại Luxemburg.
Trong thư, mười hai nước yêu cầu “Hỗ trợ các phương tiện mới giúp tránh phải đương đầu sau đó với những hậu quả nghiêm trọng của các chế độ di trú và tị nạn quá tải và khả năng đón tiếp bị cạn, và sau cùng sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sự tín nhiệm nơi khác năng quyết liệt hành động khi cần”.
Thư của mười hai nước có đoạn viết: “Những giải pháp này của Âu châu phải nhắm cứu vãn chế độ chung về tị nạn, bằng cách giảm bớt các yếu tố thu hút. Vì thế, để bảo đảm sự toàn vẹn và sinh hoạt bình thường của khối các quốc gia Schengen, tất cả các biên giới ngoại địa của chúng ta phải được bảo vệ ở mức độ an ninh tối đa. Những hàng rào thể lý dường như là một biện pháp hữu hiệu để bảo vệ biên giới, mưu ích cho toàn thể Liên hiệp Âu châu, chứ không phải chỉ cho các nước thành viên nơi người di dân đến đầu tiên. Biện pháp hợp pháp này phải được ưu tiên tài trợ thích đáng do ngân sách của Liên hiệp Âu châu”.
Với chủ trương trên đây, dường như nhiều nước trong Liên hiệp Âu châu đang đi cùng đường lối như chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đây, cho thiết lập các bức tường hàng rào ở biên giới với Mêhicô để ngăn chặn làn sóng di dân từ Mỹ châu Latinh.
Một vị hữu trách của Liên hiệp Âu châu đã bác bỏ lời thỉnh cầu này.
G. Trần Đức Anh, O.P.
Nguồn: Đài Chân Lý Á Châu
- Viết bởi Vũ Ngọc Yên
Hai nhà báo Maria Ressa (trái) và Dmitry Muratov
Ngày 8.10.2021, Ủy ban Giải thưởng Nobel Na Uy thông báo giải Nobel Hòa bình năm nay về tay nhà báo Philippines Maria Ressa và nhà báo Nga Dmitry Muratov.
Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy, Berit Reiss-Andersen cho biết tại thủ đô Oslo, hai nhà báo được vinh danh vì những nỗ lực dấn thân cho tự do báo chí ở đất nước của họ. Cả hai đã “dũng cảm” đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận, mà theo ông Tự do ngôn luận là “điều kiện tiên quyết cho dân chủ và hòa bình bền vững”.
Muratov đã can dự liên tục cho tự do báo chí và quyền của giới viết báo ở Nga qua nhiều thập niên và trong những hoàn cảnh nhiều khó khăn. Ông là một trong những người sáng lập tờ báo độc lập “Novaja Gazeta”. Bất chấp những vụ ám sát nhà báo và những lời đe dọa chống lại tờ báo, Chủ biên Muratov vẫn duy trì tờ báo và cự tuyệt không từ bỏ đường lối độc lập của tờ báo.
Ressa đã sử dụng quyền tự do ngôn luận để vạch trần sự lạm dụng quyền lực, bạo lực và chính trị độc đoán ở Phi luật Tân (Philippines). Nữ ký giả Ressa đồng sáng lập Rappler, một Diễn đàn trực tuyến điều tra vào năm 2012. Ressa đã thể hiện bản lĩnh là một nhà báo kiên cường không sợ hãi, quyết tâm bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Diễn đàn Rappler luôn tường thuật thông tin chỉ trích cuộc chiến chống ma túy đẫm máu mà Tổng thống dân tuý Rodrigo Duterte khởi động.
Ủy ban Nobel ở Oslo, năm nay đã nhận được 329 đề cử, trong số đó có 234 đề cử cho các cá nhân và 95 cho các tổ chức. Đây là số lượng đề cử cao thứ ba cho đến nay – sau kỷ lục 376 vào năm 2016.
Giải Nobel Hòa bình là giải Nobel duy nhất được trao không phải ở Stockholm, mà ở Oslo. Giải này được coi là giải thưởng chính trị danh giá nhất trên thế giới.
Ngoài giải Hoà bình còn có các giải Nobel cho Y khoa, Vật lý, Hoá học và Văn chương đã được công bố trước đó.
Ngày 4-10, Viện Karolinska ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển thông báo, giải Nobel Y học năm 2021 thuộc về 2 nhà khoa học người Mỹ: David Julius và Ardem Patapoutian, ”vì những khám phá của họ về cơ chế cảm nhận nhiệt độ và xúc giác của con người”. Nhà khoa học Arden Patapoutian là người Mỹ gốc Liban.
Ngày 5-10, Viện Hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển cho biết, giải Nobel Vật lý năm 2021 được trao cho nhà khoa học Syukuro Manabe (Nhật), Klaus Hasselmann (Đức) và Giorgio Parisi (Ý).
Ba nhà khoa học được vinh danh nhờ công trình nghiên cứu “về mô hình vật lý khí hậu Trái Đất và định lượng các dự báo chính xác về khí hậu ấm lên trên toàn cầu” cũng như những đóng góp đột phá vào sự hiểu biết của giới khoa học về các hệ thống vật lý phức tạp.
Ngày 6 -10 , Viện Hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển đã công bố Giải Nobel Hóa học 2021 về tay hai nhà khoa học Benjamin List (Đức) và David W.C. MacMillan (Anh) nhờ nghiên cứu phát triển xúc tác hữu cơ bất đối xứng.
Ngày 7-10, Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố quyết định trao Giải Nobel Văn chương năm 2021 cho nhà văn Abdulrazak Gurnah (Tanzania), đã có những tác phẩm thể hiện những ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân và số phận của những người tị nạn trong hố sâu mâu thuẫn giữa các nền văn hóa và châu lục.
Abdulrazak Gurnah sinh ra ở đảo Zanzibar (Tanzania) nhưng sống tị nạn ở Anh vào cuối thập niên 1960. Ông đã xuất bản 10 tiểu thuyết và một số truyện ngắn với chủ đề về những người lưu vong và di cư. Các tác phẩm nổi tiếng của ông gồm: Paradise, Desertion, By the Sea, Memory of Departure và Pilgrims Way.
Abdulrazak Gurnah là người đoạt giải Nobel Văn chương thứ sáu trong lịch sử sinh ở châu Phi. Người đầu tiên là Albert Camus nhận giải năm 1957, sinh ở Algeria năm 1913. Tiếp theo là Wole Soyinka (1986) người Phi châu đầu tiên, Naguib Mahfouz (1988) người Ai Cập đầu tiên, Nadine Gordimer (1991) và J. M. Coetzee (2003), đều đến từ Nam Phi.
Ngày 11.10.2021 sẽ công bố giải Nobel Kinh tế. Đây là giải thưởng duy nhất không được nhắc trong di chúc của nhà phát minh chất nổ Alfred Nobel (1833-1896).
Tất cả các giải thưởng Nobel có giá trị khoảng 9 triệu đồng Krone Thụy điển, tương đương 830.000 €. Lễ trao giải Vật lý, Hóa học, Y khoa và Văn chương được tổ chức tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển) ngày 10/12, ngày từ trần của Alfred Nobel. Riêng giải Nobel Hòa bình được Ủy ban Nobel của Quốc hội Na Uy trao tại thủ đô Oslo cũng vào ngày 10.12.
Trong di chúc, Nhà sáng lập giải Nobel nêu nguyện vọng giải thưởng lập ra để trao cho những cá nhân hay tổ chức góp phần xây dựng tình hữu nghị, huynh đệ giữa các dân tộc cũng như giải thể hay giảm quân đội ở mọi quốc gia trên thế giới.
Vũ Ngọc Yên
Nguồn: https://baotiengdan.com/2021/10/08/giai-nobel-hoa-binh-2021-duoc-trao-cho-hai-nha-bao/
- Viết bởi G. Trần Đức Anh, O.P.
Cha Dani Gaurie, dòng Don Bosco người Syria, hoạt động tại thành phố Aleppo cho biết, tình trạng dân chúng tại đây rất thê thảm, “tệ hơn thời chiến tranh”: hằng ngày họ phải vật lộn cơ cực để có thể sống còn.
Aleppo là thành phố lớn hai tại Syria, sau thủ đô Damasco và là nơi có đông Kitô hữu nhất tại nước này.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công giáo Áo Kathpress, truyền đi hôm 29/9/2021 vừa qua, cha Gaurie nói: “Tuy không còn chiến tranh tại Aleppo nữa, nhưng tình trạng kinh tế tại đây còn tệ hơn cả thời chiến. Càng ngày càng có những người không kiếm được lương thực cơ bản. Hầu như không còn điện nước và công ăn việc làm hiếm hoi. Ai tìm được việc làm thì vẫn không đủ sống vì đồng tiền Lire của Syria quá mất giá: trước chiến tranh năm 2011, 1 Mỹ kim trị giá 47 Lire, nhưng nay lên tới 3.500 Lire. Để một gia đình có thể sống được, cần phải có từ 500.000 đến 600.000 Lire, nhưng một công chức nhà nước chỉ kiếm được khoảng 80.000 Lire mỗi tháng. Nhiều người Syria sống nhờ sự giúp đỡ của thân nhân ở nước ngoài, hoặc nhờ trợ cấp từ thiện.”
Dòng Don Bosco có các tu sĩ hoạt động tại Damasco, Aleppo và Kafroun trong việc giáo dục giới trẻ.
Ngày nay, tại Aleppo chỉ còn 25.000 tín hữu Kitô so với 300.000 trước chiến tranh. 10 năm chiến tranh tại Siria đã làm cho 384.000 người chết và 11 triệu người phải di tản ra nước ngoài hoặc trong nội địa. Mỹ và đồng minh Liên hiệp Âu châu tiếp tục cấm vận chống Syria.
G. Trần Đức Anh, O.P.
Nguồn: Đài Chân Lý Á Châu
- Viết bởi Dân Chúa

Những mơ ước, khát vọng, tâm nguyện hướng đến tương lai tươi sáng hơn giúp con người bước qua những ngổn ngang, khó khăn của hiện tại. Đây cũng là kết quả khảo sát dựa trên 100,000 đáp viên từ hơn 100 quốc gia vào năm 2013 của Tiến sĩ Matthew Gallagher thuộc đại học Houston.
Mỗi người trong cuộc đời mình có thể có đến vài ước mơ, hoặc cũng có khi chỉ mang lấy cho mình một ước vọng lớn cho suốt cả cuộc đời. Có những ước mơ trở thành bước ngoặt của cuộc đời, có những ước mơ đưa cuộc sống bình yên lên một tầm cao mới, lại có những mơ ước đính kèm nhiều thử thách nhưng thành quả thì ngọt ngào. Chẳng vậy mà năm 2011, trào lưu Bức tường “Before I die I want…” của Candy Chang, bắt đầu bằng một bức tường của căn nhà bỏ hoang đã được phủ đầy những mơ ước của người đi đường chỉ trong một ngày. Trào lưu này đã “viral” đến 76 quốc gia, với 36 ngôn ngữ, ghi lại hàng triệu những khát vọng của những người ẩn danh đi qua cuộc đời. Tuy vậy, những ước nguyện giây phút cận kề sinh tử có khi lại đơn giản đến bất ngờ.
Cuối tháng 5 năm 2021, Sài Gòn bất chợt đứng trước nguy cơ bùng dịch COVID-19 sau hơn 9 tháng tái ổn định, các trường học được chỉ thị phải kết thúc năm học trước thời gian dự kiến. Có nơi thi cử, tổng kết, liên hoan và phát bằng diễn ra chỉ trong một buổi sáng. Đến 0g ngày đầu tháng sáu, Sài Gòn hạn chế giao thông liên tỉnh, kéo theo sau đó là một loạt những lần ra chỉ thị 15, 16, 16+,... Tỉ lệ thuận với thời hạn giãn cách kéo dài, là số người nhiễm và bệnh nhân nhập viện vì COVID-19 tăng cao, không có dấu hiệu giảm sút, bất chấp các nỗ lực của giới chức thành phố và hơn hết, là nỗ lực ngang qua muôn vàn khó khăn, vất vả của lực lượng nhân viên y tế, tình nguyện viên y tế tại các bệnh viện dã chiến trên toàn thành phố.
Những câu chuyện chia sẻ đầy nước mắt của những gia đình mất đi người thân, những câu chuyện góp nhặt từ những tình nguyện viên tiếp tế vòng ngoài, và cả những ghi chép của những người ở tuyến đầu liệu có khiến những người được đóng dấu “sống sót qua đại dịch” sống khác đi, tử tế hơn, và yêu thương chân thành hơn sau khi COVID-19 qua đi?
Tôi nói chuyện với bác sĩ Trần Hoàng Đăng Khoa, bác sĩ phòng Điều trị Tích cực (ICU) tại Cơ sở điều trị COVID-19 tại Bệnh viện Ung Bướu 2. Bác sĩ Khoa và các cộng sự đã ở đây hơn hai tháng, mỗi ngày Khoa phải gọi những cuộc điện thoại khó khăn để cho gia đình bệnh nhân được nhìn mặt người thân lần cuối, hoặc cũng có khi chỉ để báo với họ rằng người thân của họ vừa ra đi. Với sáng kiến “tâm nguyện cuối cùng”, bác sĩ Khoa đưa cho mỗi bệnh nhân tờ giấy và cây viết để họ ghi lại di nguyện của mình, hoặc bất cứ điều gì họ muốn để lại. Có hôm là tờ giấy nhàu với dòng chữ xô lệch của một bệnh nhân nữ ghi rằng “tôi không có chết, tôi không bỏ con tôi được” hay như dòng tâm nguyện cuối cùng của một nữ tu xin được linh mục đang làm thiện nguyện ban ơn xá giải trong giờ sau cùng.
Hy vọng được sống tiếp cuộc đời này hay hy vọng được sống đời sau; có lẽ không dừng lại ở câu chữ, hay tờ giấy viết vội trước cơn hấp hối, nhưng có khi là điều gì đó để cho bất kỳ ai còn có cơ hội sống tiếp cuộc đời này đặt lại vấn đề về thái độ sống, chọn lựa sống ngay trong cuộc lữ hành trần thế này. Chỉ có như vậy, mỗi nhịp thở quý giá mà biết bao những y bác sĩ xa lạ đang giành giật từng ngày mới chất chứa những hy vọng vào một khởi đầu mới, một lần bắt đầu lại.
Ngang qua những đau thương của cơn đại dịch này, chúng ta xin “chấm từng chấm đúng, đường sẽ thẳng; sống từng phút đẹp, đời sẽ thánh” (Bậc Đáng Kính ĐHY FX. Nguyễn Văn Thuận).
Phải chăng đây là lúc để mỗi người ngồi lại hỏi lòng và hỏi Chúa từng dấu chấm tiếp theo trong cuộc đời mình?
-ViCao-
Đọc thêm:
Martin, K., Mar. 09, 2021, 4 ways to improve your health by rebuilding your hope, InspireMore, https://www.inspiremore.com/4-ways-to-rebuild-hope/
Dastagir, A., Oct. 10, 2020, Why it’s so important to hope, USA Today, https://www.usatoday.com/story/news/nation/2020/10/10/hope-essential-mental-health-and-well-being-psychologists-say/5942107002/
Chang, C., Sep. 04, 2012, Before I die I want to, TED, https://youtu.be/uebxlIrosiM
Trần, H. Đ. Khoa, August 2021, Facebook, https://www.facebook.com/heou.tytr
- Viết bởi Dân Chúa
Thứ Bảy, ngày 11/09/2021, nước Mỹ tưởng niệm 20 năm vụ tấn công khủng bố thảm khốc nhắm vào tòa tháp đôi World Trade Center ở New York, bộ Quốc Phòng Mỹ ở gần Washington và ở Shanksville tại Pennsylvania. Gần 3.000 người chết, hơn 6.000 người bị thương.
Hai mươi năm đã trôi qua, vẫn còn hơn 1.000 người chết đã không thể nhận dạng. Chấn thương tinh thần vẫn còn đó. Mối họa khủng bố vẫn đeo dai dẳng. Lễ tưởng niệm 20 năm vụ khủng bố gây chấn động thế giới diễn ra như thế nào, nhất là trong bối cảnh Hoa Kỳ triệt thoái toàn bộ binh sĩ khỏi Afghanistan sau đúng 20 năm tham chiến ? Mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn với nhà báo Phạm Trần từ Washington.
**********
RFI Tiếng Việt : Ngày 11/9 tới đây là đúng 20 năm xảy ra loạt tấn công khủng bố tòa tháp đôi tại New York và bộ Quốc Phòng Mỹ, làm gần 3.000 người chết. Năm nay, nước Mỹ sẽ tổ chức lễ kỷ niệm này như thế nào ? Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có những chương trình hay phát biểu gì để kỷ niệm biến cố đó ?
Nhà báo Phạm Trần : Chương trình kỷ niệm 20 năm của nước Mỹ, năm nay có một nét đặc biệt, do trùng hợp với tình hình ở Afghanistan. Chúng ta cũng nhớ là 20 năm trước đây, quân đội Mỹ đã mở cuộc tấn công Afghanistan, tiêu diệt cũng như đẩy lùi chính quyền cầm quyền lúc đó là lực lượng Taliban ra khỏi thủ đô Kabul.
Hai mươi năm sau, chính quyền Afghanistan được Hoa Kỳ cũng như khối NATO yểm trợ để vãn hồi hòa bình hay xây dựng đất nước đã sụp đổ, không phải là vì có đảo chính, mà do họ không có chiến đấu bảo vệ đất nước khi lực lượng Taliban lại tái tấn công trong mấy tháng vừa qua và lại làm chủ đất nước Afghanistan.
Năm nay lễ kỷ niệm cũng đặc biệt là vì người dân Mỹ kỷ niệm 11/09 của 20 năm trước nhưng đồng thời họ cũng lo sợ là nước Mỹ có thể sẽ bị quân khủng bố tấn công một lần nữa. Chúng ta cũng nhớ là phe nổi dậy Taliban ở Afghanistan đỡ đầu và nuôi dưỡng lực lượng Al Qaida, vốn dĩ vẫn còn tồn tại, hoạt động ở Afghanistan và nhiều nơi khác ở vùng Trung Đông.
Về phương diện chính quyền, tổng thống Joe Biden có chương trình đi thăm tất cả những nơi đã bị khủng bố tấn công như New York, Pennsylvania – nơi một chiếc máy bay bị rơi và ở bộ Quốc Phòng, nhưng không có chương trình nào cho thấy nguyên thủ Mỹ sẽ đọc diễn văn.
Ngược lại, vào lúc 7 giờ sáng tất cả các gia đình nạn nhân chết trong cuộc tấn công ở New York sẽ tụ tập ở công viên tưởng niệm ở New York, trước đây là vị trí của hai tòa nhà thương mại cao nhất của thế giới, và xướng tên tất cả các nạn nhân. Những hồi chuông ở các thánh đường của thành phố sẽ vang lên để kêu gọi người Mỹ dâng lời cầu nguyện cho những nạn nhân trong vụ khủng bố này.
Ngoài ra, còn có nhiều buổi lễ âm thầm ở nhiều nơi khác, đặc biệt là ở một khu vườn trống ở Pennsylvania, nơi mà chiếc máy bay thứ ba đã rớt xuống sau những cuộc giằng co giữa quân khủng bố với hành khách.
Hai mươi năm đã trôi qua, báo chí Mỹ ngày nay có cái nhìn như thế nào về sự kiện quan trọng này trong « lịch sử » hiện đại nước Mỹ ?
Nhà báo Phạm Trần: Điều đầu tiên là rất nhiều báo và các nhà bình luận đã nhắc lại ngày 11/09 của 20 năm trước để nhắc nhở là nước Mỹ lúc nào cũng bị các lực lượng khủng bố đe dọa, họ rất hận thù nhân dân Mỹ, nước Mỹ bởi Mỹ là một nước lãnh đạo trên thế giới, có nhiều kế hoạch, chương trình giúp đỡ các chính phủ mà những lực lượng khủng bố này không muốn Mỹ nhúng tay vào.
Báo chí Mỹ cũng nhắc lại tất cả những câu chuyện bi thảm trong cuộc tấn công 20 năm trước đây của những gia đình về những người con bị mất cha, mất mẹ và giờ đã lớn lên, kể lại những cuộc đời của họ.
Tóm lại, nước Mỹ âm thầm nhắc lại những chuyện cũ để hy vọng, để tìm lại những bài học cho tương lai, để bảo vệ, xây dựng nước Mỹ, góp công góp của vào nỗ lực của chính phủ chống lại các lực lượng khủng bố, không những cho Hoa Kỳ và cho cả nền hòa bình của thế giới cũng như là các nước đồng minh, đặc biệt là các nước đồng minh Tây phương như Pháp, Đức, Anh, những quốc gia quan trọng trong khối NATO, từng góp sức, của, công với Hoa Kỳ để tham dự cuộc chiến ở Afghanistan.
Hôm 4/9, ông Biden ký sắc lệnh cho giải mật các cuộc điều tra. Vậy các gia đình nạn nhân trông đợi điều gì ở cuộc điều tra này ? Theo ông, liệu những mong đợi đó có được đáp ứng ? Hay họ sẽ gặp những trở ngại nào khác nữa ?
Nhà báo Phạm Trần : Cuộc điều tra về cuộc khủng bố đã được tiến hành, nhưng các tài liệu vẫn còn được giữ bí mật. Người dân quan tâm đến tiết lộ : Phải chăng Ả Rập Xê Út có can dự vào cuộc khủng bố nước Mỹ 20 năm trước đây ? Và tất cả những tài liệu sắp sửa được công bố sắp tới đây, người dân cũng hy vọng sẽ soi sáng, sẽ đưa ra ánh sáng tất cả những bí ẩn mà từ trước đến nay, các cơ quan điều tra vẫn giữ bí mật.
Gia đình các nạn nhân không có hy vọng nào khác hơn là trông đợi câu trả lời : Tại sao nước Mỹ bị tấn công ? Kẻ thù tấn công nước Mỹ 20 năm trước đây là ai ? Cá nhân hay là một tập thể, hay là một quốc gia ?
Chỉ có điều, tài liệu sắp được công bố sẽ như thế nào, cho đến giờ này chưa thể biết được. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy họ muốn tất cả sự thật về vụ tấn công nước Mỹ 20 năm trước đây phải minh bạch, sáng tỏ, để giải tỏa nỗi oan ức cũng như sự nghi ngờ, mối lo âu, của người dân Hoa Kỳ đối với vụ khủng bố.
Nhà tù Guatanamo, được lập ra để giam giữ những người bị tình nghi có can dự trong vụ khủng bố. Nhà tù này cũng là tâm điểm của mọi chỉ trích trên khía cạnh nhân đạo. Năm nay tròn 20 năm, vì sao nhiều đời tổng thống Mỹ vẫn chưa thể đóng lại nhà tù này như cam kết ?
Nhà báo Phạm Trần : Thứ nhất, thủ tục điều tra là rất phức tạp. Mấu chốt và khúc thắt của vấn đề này là liệu các bằng chứng mà nhà cầm quyền cũng như là các cơ quan điều tra Hoa Kỳ như CIA, FBI hay các cơ quan an ninh của bộ Quốc Phòng đã khai thác, thu lượm được từ năm người tù được cho là có can dự vào cuộc khủng bố ngày 11/09/2001, là có thật như thế không ? Hay là do những cuộc tra tấn quá khắc nghiệt của các cơ quan điều tra Mỹ mà những nghi phạm đó đã phải thú nhận những cáo buộc đó ?
Phiên tòa đã được mở lại từ hôm thứ Ba, 07/9, và đợt đầu tiên sẽ kết thúc vào ngày 17/9. Giai đoạn thứ hai sẽ bắt đầu từ ngày mồng 01/11 và kết thúc vào ngày 19/11/2021. Sau cùng, qua đến năm 2022, phiên tòa rất có thể sẽ là công khai, nhưng diễn ra ở đâu, ở căn cứ quân đội hay là ở nơi nào đó thì người ta chưa quyết định.
Điều quan trọng là trong năm người bị tình nghi này, có một người được coi là đầu não Khaled Cheikh Mohammed, dường như đã tự nhìn nhận là người cầm đầu vụ khủng bố chống nước Mỹ cách nay 20 năm. Người ta không biết lời khai đó là do tự thú nhận hay là do bị tra tấn.
Do vậy, mọi sự khúc mắc về cuộc điều tra cũng như các luật sư được bổ nhiệm để bảo vệ cho các nạn nhân cũng đặt ra nhiều vấn đề. Theo họ, cần phải có những bằng chứng cụ thể thì phiên tòa này mới công bằng.
Từ trước cho đến giờ, đã có tổng cộng 40 cuộc điều tra để nghe các cơ quan điều tra phúc trình về hồ sơ này. Thế nên, cho đến hiện tại, người ta chưa có thể biết liệu phiên tòa lần này, bắt đầu từ ngày 07/9, và tạm cho là sẽ kết thúc vào sang năm sẽ diễn biến như thế nào ?
Chính vì vậy nhiều đời tổng thống trước ông Biden cũng rất bối rối về vấn đề này. Họ thấy rằng ngày nào, những người bị tù đó vẫn còn bị giam giữ tại một nhà tù của nước Mỹ thì vụ khủng bố chưa bao giờ có thể quên được. Các đời tổng thống đều muốn khép lại trang sử này, nhưng trước khi khép lại, thì phải có phiên tòa, phải xử và có bản án. Đây cũng chính là những gì nước Mỹ đang trông đợi !
RFI Tiếng Việt xin cảm ơn nhà báo Phạm Trần tại Washington.
- Dân Do thái trên thế giới tăng thêm 100.000 người
- Armin Laschet: Một giáo dân công giáo sốt sắng sẽ đứng đầu nước Đức?
- Tổng thống Pháp thăm các Kitô hữu ở Mosul, Iraq
- Nạn đói ngày càng đe dọa tại Madagascar
- Các tăng sĩ, linh mục và bác sĩ, chuyên gia kêu gọi đóng cửa Sri Lanka
- Hội thanh niên CombinAzioni ở Ý và sáng kiến “Tái sinh nghĩa trang”
- Các doanh nhân Kitô giáo kêu gọi “suy nghĩ lại” nền kinh tế châu Âu
- Lực lượng ly khai ở đông Ucraina cấm cản các linh mục
- Hàng trăm thuyền nhân di cư được cứu vớt ở biển Địa Trung Hải
- Ngoại trưởng Nga kêu gọi bênh vực tự do tôn giáo