Tin Thế Giới
Tin Thế Giới
- Viết bởi Ngọc Yến - Vatican News

Được điều phối bởi tổ chức thế giới của Phong trào Hướng đạo, Trại Họp bạn được tổ chức 4 năm một lần, nhằm mục đích cung cấp cho những người trẻ từ khắp nơi trên thế giới một nơi để tìm hiểu văn hóa của nhau trong các nhóm tham gia.
Bộ trưởng Bình đẳng giới và Gia đình của Hàn Quốc Kim Hyun-sook, chịu trách nhiệm giám sát việc chuẩn bị cho sự kiện cho biết với chủ đề “Hãy vẽ ước mơ của bạn”, sự kiện năm nay tập trung vào việc xây dựng tình bạn mới giữa những người trẻ từ khắp nơi trên thế giới, những người bị ảnh hưởng nặng nề và thiệt hại nhất bởi những hạn chế do Covid-19.
Tại Hội nghị Hướng đạo Thế giới ở Baku, Azerbaijan vào tháng 8/2017, Hàn Quốc đã được trao quyền đăng cai tổ chức sự kiện cho năm nay. Như vậy, đây là cuộc họp mặt thứ hai được tổ chức tại quốc gia này, sau cuộc tụ họp ở Goseong, tỉnh Gangwon-do, vào năm 1991. Trong hai tuần Trại Họp bạn Hướng đạo Thế giới, thanh thiếu niên từ khắp nơi trên thế giới sẽ có cơ hội thưởng thức các món ăn đặc trưng của Hàn Quốc, xem các buổi biểu diễn truyền thống và một số buổi biểu diễn của các nghệ sĩ và ca sĩ K-pop, dự kiến vào ngày 06/8.
Phong trào Hướng đạo do Robert Stephenson Smyth Baden-Powell, người Anh, thành lập vào năm 1907, đã sớm lan rộng ở Vương quốc Anh và châu Âu, sau đó là châu Á. Ngày nay các hiệp hội hướng đạo châu Á chiếm hơn 50% tổng số hướng đạo sinh trên thế giới. Ở nhiều quốc gia châu Á, hướng đạo là một hoạt động được thực hiện trong các trường học, điểm tập hợp duy nhất của những người trẻ, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.
Ngọc Yến - Vatican News
- Viết bởi G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Theo Phúc trình của Tổ chức Lương nông quốc tế, FAO, ở Roma, công bố ngày 12 tháng Bảy vừa qua, mục tiêu xóa bỏ nạn nghèo đói trên thế giới vào năm 2030 vẫn còn rất xa vời.
Phúc trình về tình trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng của tổ chức FAO, hiện nay trên thế giới có 735 triệu người ở trong tình trạng thiếu an ninh về lương thực, và trong số các nguyên nhân, chủ yếu là nạn lạm phát, thay đổi khí hậu và chiến tranh.
Làn sóng dài hậu Covid-19, chiến tranh tại Ucraina, những thay đổi khí hậu và lạm phát tiếp tục làm cho 735 triệu người ở dưới mức an ninh lương thực. Đối chiếu tình trạng giữa năm 2019 và 2022, người ta thấy rõ so với năm liền trước đại dịch và năm ngoái, có thêm 122 triệu người bị đói, nhất là Phi châu là vùng bị nặng nhất.
Cộng tác vào việc soạn phúc trình vừa nói có tổ chức FAO, tổ chức Nhi đồng của Liên Hiệp Quốc, Unicef, Chương trình Lương thực thế giới, PAM, và tổ chức Sức khỏe Thế giới (OMS), Quỹ Quốc tế phát triển nông nghiệp Ifad. Phúc trình xác nhận điều đã được nói đến nhiều, đó là không thể đạt tới những mục tiêu phát triển do Liên Hiệp Quốc đề ra cho đến năm 2030. Dầu vậy có một động lực để lạc quan, đó là số người đói trên thế giới trong năm 2022 giảm được 83 triệu so với 828 triệu người trong năm 2021.
Ngày 04 tháng Bảy vừa qua, trong sứ điệp gửi Đại hội thứ 43 của Tổ chức FAO ở Roma, Đức Thánh cha đã nhận xét rằng “mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn nạn đói, do Liên Hiệp Quốc đề ra, từ nay cho đến năm 2030, theo nhiều chuyên gia, sẽ không đạt được trong thời gian hạn định. Tuy nhiên sự thiếu khả năng đáp ứng trách nhiệm này không được dẫn tới sự biến các ý hướng ban đầu thành những chương trình mới, được xét lại, mà không để ý đến những nhu cầu thực sự của các cộng đoàn địa phương. Cần tránh nạn thực dân ý thức hệ làm biến thái những khác biệt văn hóa và các đặc tính truyền thống, nhân danh ý tưởng thiển cận về sự tiến bộ”.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
- Viết bởi G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
20.000 người ở Mông Cổ phải tản cư vì lụt, do mưa lũ trong những ngày qua.
Mưa lũ tiếp tục rơi xuống thủ đô Ulanbator, từ ngày 03 tháng Bảy khiến nước sông Selbe và Tuul dâng cao, gây ra lụt lội. Theo chính quyền, 128.000 người thuộc 31.600 gia đình bị thương tổn vì nước lụt, trong khi 20.000 người khác phải tản cư tới những nơi an toàn hơn, họ đang cần ngay áo ấm và lương thực.
Quân đội và các thành phần bảo vệ dân sự đã được điều động để giúp thiết lập những trung tâm phân phối lương thực, thuốc men. Các dịch vụ nhân đạo được khởi động: tổ chức Nhi đồng quốc tế Unicef cung cấp thuốc men cơ bản và dụng cụ y tế, cũng như nâng đỡ tâm lý cho những gia đình bị thương tổn. Trong khi đó, Hội Chữ Thập Đỏ Mông Cổ cung cấp chăn mền, nệm và các dụng cụ làm bếp, các khẩu trang và găng tay, các sản phẩm vệ sinh, thanh tẩy. Mưa lũ cũng làm hư hại một đập nước trên sông Selbe, khiến cho hàng trăm người phải tản cư và nhiều cơ cấu hạ tầng bị hư hại: hơn 100 nhà ở, cũng như hàng trăm nhà lều, và xe cộ truyền thống bị ngập lụt trong thành phố, trong khi hơn 700 đường xá, cầu cống bị hư hại. Chính phủ ban hành lệnh khẩn cấp cao độ ở thủ đô, vì dự báo sẽ có những đợt mưa mới xảy ra. Theo các chuyên gia, những đợt mưa này trầm trọng nhất từ 50 năm nay. Mười tám khu vực trong thành phố một triệu rưỡi dân cư này bị thiệt hại và tình trạng sẽ trở nên nặng hơn.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
- Viết bởi G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Caritas quốc tế, hiệp tiếng với các Giáo hội Kitô ở Ethiopia kêu gọi quốc tế mở lại ngay việc trợ giúp lương thực cho dân chúng tại Ethiopia bên Phi châu.
Từ ngày 30 tháng Ba năm nay, Chương trình Lương thực của Liên Hiệp Quốc, gọi tắt là PAM, và cơ quan Mỹ trợ giúp phát triển quốc tế, gọi tắt là UsAid, đã ngưng chương trình cứu trợ lương thực cho dân chúng tại miền Tigray, mạn bắc Ethiopia vì có những phúc trình nói về những vụ ăn trộm đồ cứu trợ. Liên HIệp Quốc thông báo những biện pháp an ninh chặt chẽ hơn để giúp các đồ cứu trợ thực sự được đưa tới những người đang cần được giúp đỡ. Sau đó, việc ngưng cứu trợ này được nới rộng tới toàn lãnh thổ Ethiopia.
Các vị lãnh đạo Kitô ở nước này đã lên tiếng kêu gọi các tổ chức quốc tế thu hồi các biện pháp vừa nói.
Hồi đầu tháng Bảy này, tân Tổng thư ký Caritas quốc tế, ông Alistair Dutton cũng lên tiếng và nói: “Trong ba tháng, hàng triệu người cần được trợ giúp nhân đạo đã bị tước bỏ lương thực, với hậu quả là tình trạng sức khỏe và an ninh của những người vốn đã bị chấn thương và thiếu thốn vì chiến tranh từ hai năm và còn vì nạn hạn hán.”
Theo ông Dutton, mặc dù những trợ giúp sinh tử, trong đó có những chương trình dinh dưỡng cho các phụ nữ và trẻ em, nước uống và hỗ trợ các hoạt động nông nghiệp và phát triển, vẫn được tiếp tục, nhưng việc ngưng phân phối lương thực cho phần còn lại của dân chúng đang đe dọa thêm sinh mạng con người, nhất là những người già và những người ở trong tình trạng sức khỏe yếu kém, các trẻ em và những người di tản nội địa. “Dân chúng đang chết đói. Trong những tuần lễ gần đây, hàng trăm người đã chết tại vùng bắc bang Tigray, vì thiếu lương thực. Đây là điều vô nhân đạo và không hợp với luân lý”.
Thông cáo của ông Tổng thư ký Caritas quốc tế cũng nhấn mạnh rằng “nạn ăn cắp và tham nhũng về trợ giúp lương thực là điều không thể dung thứ và những kẻ trách nhiệm phải trả lời về vấn đề này. Cần tiến hành việc điều tra kỹ lưỡng và đề ra các biện pháp trách nhiệm minh bạch để tránh những vụ ăn chặn đồ cứu trợ trong tương lai, nhưng không thể để những người vô tội phải chịu đau khổ trong thời gian thi hành các biện pháp đó và phải trả giá vì những vụ lạm dụng do những người khác”.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
- Viết bởi G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Từ khi chiến tranh Ucraina bùng nổ cách đây 14 tháng, trên thế giới đã có ít nhất 43 hội chợ về võ khí, chứng tỏ thị trường này đang được đẩy mạnh.
Hãng tin Fides của Bộ Loan báo Tin mừng truyền đi ngày 23 tháng Sáu vừa qua, đưa tin trên đây, nhân dịp khai mạc Hội chợ võ khí ở phi trường Le Bourget, ở mạn bắc Paris bên Pháp. Cùng với hội chợ Farnborough bên Anh quốc, đây là Hội chợ nổi tiếng, và tuy chủ yếu là để giới thiệu những sản phẩm mới trong lãnh vực hàng không, không gian và tên lửa, nhưng cũng có nhiều cửa hàng về võ khí từ các nơi trên thế giới. Từ Nam Phi đến Tunisie, từ Chile đến Brazil, Bulgari, Cộng hòa Tiệp, Liên minh các Tiểu vương quốc Arập - Emirati -, Nhật bản.
Các Hội chợ võ khí phát triển và hoạt động mạnh, nhờ sự thúc đẩy của những căng thẳng quốc tế. Hiện tượng này cũng giúp các công ty liên quốc về võ khí thành lập các chi nhánh tác nước tổ chức hội chợ ấy và dần dần chuyển nhượng các kỹ thuật tới công nghệ địa phương.
Không phải tất cả các cuộc triển lãm đều được những hãng quốc tế sản xuất võ khí tham gia. Những cuộc triển lãm cỡ nhỏ và ở các nước “bên lề” là nơi để các nhà sản xuất ở địa phương giới thiệu các loại võ khí ngày càng tối tân hơn mà họ dần dần chế tạo được.
Bản tin của Fides nhận xét rằng: “Nếu một đàng, tại các nước Tây phương có sự tập trung các nhóm lớn liên quốc trong việc sản xuất võ khí, thì đàng khác những quốc gia, cho đến vài thập niên gần đây là những nước nhập khẩu võ khí, nay họ đã phát triển được công nghệ riêng trong lãnh vực này, không những có thể đáp ứng thị trường nội địa của mình, ít là một phần, nhưng còn có khả năng xuất khẩu tới những nước xa xăm”.
“Tóm lại, trong khi Đức Giáo hoàng Phanxicô nhắc nhở rằng ‘Dành một phần lớn chi phí cho võ khí, có nghĩa là tước bỏ chi phí cho những lãnh vực khác, tiếp tục tước bỏ chi phí cho những người thiếu thốn những điều cần thiết’ (Diễn văn cho các thành viên tổ chức thiện nguyện ‘Ta khát’, 21-3-2022). Những vụ buôn bán võ khí tìm được một nhựa sống mới từ sự gia tăng căng thẳng quốc tế”.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
- Viết bởi G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Theo Cao Ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc, số người tị nạn trên thế giới trong năm 2022 tăng lên 108 triệu 400.000 người, tức là tăng thêm gần 20 triệu so với năm trước đó.
Con số này được công bố hôm 20 tháng Sáu vừa qua, nhân Ngày Thế giới về người Tị nạn được Liên Hiệp Quốc thiết lập để cổ võ sự quan tâm và trợ giúp những người phải bỏ quê hương xứ sở vì xung đột hoặc vì bị bách hại. Ngày 20 tháng Sáu cũng là ngày kỷ niệm 50 năm Hiệp ước Genève về người tị nạn, ký kết năm 1951 bắt đầu có hiệu lực.
Đề tài Ngày Thế giới về người Tị nạn năm nay là: “Hy vọng ở xa nhà. Tiến tới một thế giới trong đó người tị nạn luôn được bao gồm”.
Cao Ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc giải thích rằng: “Hội nhập những người tị nạn vào các cộng đoàn nơi họ được đón tiếp, sau khi trốn chạy những xung đột và bách hại, chính là phương thức hữu hiệu nhất để giúp họ bắt đầu một cuộc sống mới và để họ hữu ích tại những nước đón tiếp họ. Đó cũng là cách thức tốt nhất để giúp họ hồi hương và tái thiết quốc gia của họ vừa khi có những điều kiện, để họ có thể thực hiện điều đó trong an ninh, tự nguyện, hoặc để họ hội nhập thành công tại một quốc gia khác nơi họ tái định cư”.
Trưa Chúa nhật, ngày 18 tháng Sáu vừa qua, trong buổi đọc kinh Truyền tin tại Quảng trường thánh Phêrô, Đức Thánh cha cũng nhắc nhở các tín hữu rằng: “Thứ Ba, ngày 20 tháng Sáu này, là Ngày Thế giới về người Tị nạn, do Liên Hiệp Quốc đề xướng: tôi rất đau buồn khi nghĩ đến các nạn nhân vụ đắm tàu rất trầm trọng xảy ra trong những ngày qua ở ngoài khơi Hy Lạp. Và dường như biển lặng lúc đó. Tôi tái cầu nguyện cho những người đã bị thiệt mạng và tha thiết kêu gọi hãy làm tất cả những gì có thể để phòng ngừa những thảm trạng như vậy”.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
- Viết bởi G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Liên Hiệp Quốc, nhiều nước Tây phương và các tổ chức nhân quyền quốc tế lên án chính quyền quân phiệt ở Myanmar đã dùng trực thăng chiến đấu MI-35 oanh kích thường dân tại nước này làm cho hàng trăm người bị thiệt mạng.
Vụ oanh kích xảy ra hôm 11 tháng Tư vừa qua tại Kanbalu, thuộc miền Sagaing. Trong số các nạn nhân, có các trẻ em, người già, phụ nữ mang thai. Cuộc tấn công xảy ra vào dịp lễ của “Chính quyền thống nhất quốc gia” (National Unity Government, NUG), là chính phủ song song dân chủ.
Ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres mạnh mẽ lên án vụ này. Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố trong một twitter rằng những hành động bạo lực như thế chứng tỏ sự coi rẻ của chế độ quân phiệt tại Myanmar đối với mạng sống con người và họ phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất về nhân đạo tại nước này, từ sau cuộc đảo chánh hồi tháng Hai năm 2021. Bà Nabila Massrali, Phát ngôn viên của Ủy ban hành pháp Liên hiệp Âu châu, nói rằng: ‘Liên hiệp Âu châu kinh hoàng vì những tin tức liên quan đến những hành vi tàn bạo của chế độ quân phiệt Myanmar tại Sagaing, làm cho hàng chục thường dân vô tội bị thiệt mạng. Chúng tôi tiếp tục làm việc để những kẻ có trách nhiệm về vụ này phải hoàn toàn trả lẽ về việc làm của họ”.
Chính phủ song song dân chủ của Myanmar thì coi vụ sát hại này là “sự sử dụng độc đoán tột độ bạo lực để chống các thường dân vô tội và là một tội ác chiến tranh của tập đoàn quân nhân ở nước này”.
Phát ngôn viên của quân đội Myanmar, tướng Zaw Min Tun, trong cuộc phỏng vấn dành cho các cơ quan truyền thông nhà nước địa phương, đã nhìn nhận trách nhiệm của chính phủ quân đội: không quân đã tấn công làng Pa Zi Gya, thuộc tỉnh Kanbalu, trong miền Sagaing, vì tại đó có buổi lễ khánh thành Văn phòng của Lực lượng bảo vệ nhân dân (Pdf), một số dân quân thuộc lực lượng kháng chiến mà quân đội Myanmar coi là những nhóm khủng bố.
Lực lượng bảo vệ nhân dân được thành lập cách đây hai năm, sau cuộc đảo chánh của quân đội Myanmar và là cánh tay võ trang của Chính phủ thống nhất quốc gia lưu vong.
Từ đầu tháng Hai năm 2021 đến tháng Giêng năm nay, chính phủ quân phiệt Myanmar, nhờ những máy bay của Nga và Trung Quốc, đã thực hiện ít nhất 600 vụ oanh kích và dội bom chống các làng do các lực lượng kháng chiến kiểm soát tại nhiều miền. Làng Kitô Chaung Yoe, thuộc miền Sagaing đã bị tấn công lần thứ ba, hôm 11 tháng Tư vừa qua, trong vòng hơn một năm. Các binh sĩ đã phá hủy các ghế dài trong nhà thờ địa phương, thiêu rụi một số xe máy, trong khi dân chúng bỏ chạy không thể mang theo của cải nào. Trong những tuần gần đây, tại bang Chin có đa số dân theo Kitô giáo, hằng ngày đều có những cuộc đụng độ giữa quân chính quy và dân quân địa phương, thuộc lực lượng kháng chiến.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
- Viết bởi G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Tân Chủ tịch Tổ chức Lương thực thế giới, bà Cindy McCain, báo động vì nạn đói gia tăng mạnh trên thế giới, trong khi các ngân khoản dành cho tổ chức này thiếu thốn và vì thế có nguy cơ phải cắt giảm tài trợ cho các chương trình chống đói.
Bà McCain tuyên bố như trên, hôm 05 tháng Tư vừa qua tại Roma, khi bắt đầu sứ vụ tại đây.
Theo dự đoán của Tổ chức Lương thực thế giới, trong năm nay, khoảng 345 triệu người sẽ bị nạn đói đe dọa trầm trọng, và con số này nhiều gấp đôi so với tình trạng hồi năm 2020. Thêm vào đó, có 43 triệu người có nguy cơ bị chết đói. Trong số những nguyên nhân tạo nên tình trạng này có các cuộc khủng hoảng kinh tế, khí hậu cùng cực và giá phân bón gia tăng.
Bà Cindy McCain năm nay 68 tuổi, là goá phụ của Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, qua đời năm 2018. Bà đã điều khiển một trong những công ty lớn nhất về bia và đồ uống tại Mỹ, trước khi trở thanh Đại sứ Mỹ tại ba tổ chức của Liên Hợp Quốc về lương thực và canh nông ở Roma hồi năm 2021. Trong nhiệm vụ tân Tổng giám đốc chương trình lương thực thế giới, bà kế nhiệm ông David Beasley, 66 tuổi, vừa mãn nhiệm sáu năm.
Tại Roma, Liên Hợp Quốc có Chương trình Lương thực thế giới, Tổ chức Lương nông quốc tế gọi tắt là FAO, Quỹ Quốc tế phát triển nông nghiệp, gọi tắt là IFAD.
Tổ chức chương trình Lương thực thế giới có nhiệm vụ trợ giúp lương thực cho những nước bị khủng hoảng trầm trọng về lương thực. Tổ chức này đã hỗ trợ khoảng 158 triệu người về lương thực hồi năm ngoái, một mức độ chưa từng có trước đó.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
- Viết bởi G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Số võ khí nhập khẩu vào Âu châu tăng vọt, vì những căng thẳng giữa Nga và các nước Âu châu khác, trong khi nói chung trên thế giới việc chuyển nhượng võ khí giảm bớt.
Trên đây là lời tuyên bố của ông Pieter Wezeman, người nghiên cứu kỳ cựu về Viện Sipri liên quan đến những chương trình chuyển nhượng võ khí. Ông nói: “Sau khi Nga xâm chiếm Ucraina, các nước Âu châu muốn nhập khẩu võ khí nhiều và nhanh hơn. Những cạnh tranh về chiến lược cũng tiếp tục tại những nơi khác: sự nhập khẩu võ khí tại miền Đông Á cũng tiếp tục tăng trong khi tại Trung Đông, việc nhập khẩu võ khí vẫn ở mức độ cao.”
Trong ba thập niên trước đây, Mỹ và Nga là hai nước đứng hàng đầu về việc xuất khẩu võ khí. Tuy nhiên, sự cách biệt giữa hai nước đang trở nên rộng lớn hơn. Trong khi Nga đứng hàng thứ hai, và Pháp đứng thứ ba, thì Mỹ vọt lên trên hơn nữa, với sự gia tăng 14% việc xuất khẩu võ khí từ năm 2013 đến 2017 rồi từ năm 2018 đến 2022. Trong khoảng thời gian này, Mỹ chiếm 40% số võ khí xuất khẩu trên thế giới. Trong khi đó số lượng xuất khẩu võ khí của Nga giảm 31% trong khoảng từ 2013 đến 2017 và từ 2018 đến 2022. Trước đây, Nga chiếm 22% tổng số võ khí xuất khẩu trên thế giới, nhưng rồi sụt xuống 16%. Trong khi đó Pháp tăng từ 7,1 lên 11% số lượng võ khí xuất khẩu trên hoàn cầu.
Vụ xâm chiếm Ucraina sẽ giảm bớt thêm sự xuất khẩu võ khí của Nga. Số võ khí Nga xuất khẩu sang Ấn Độ giảm 37%, trong khi mức xuất khẩu sang bảy nước khác giảm trung bình 59%, ngoại trừ trường hợp mức xuất khẩu võ khí của Nga sang Trung Quốc tăng 39%, và tăng 44% sang Ai Cập.
Trong khi đó, Ucraina trở thành nước nhập khẩu võ khí thuộc hàng nhiều nhất trên thế giới, đặc biệt từ khi bị Nga tấn công. Ucraina đứng hàng thứ ba sau Qatar và Ấn Độ. Trước đó, trong thời kỳ từ 2018 đến 2022, Ucraina đứng thứ 14 trong lãnh vực này.
Đức Thánh cha Phanxicô hơn một lần đã tố giác chiến tranh tại Ucraina và các nước khác như cơ hội khiến nhiều nước đẩy mạnh việc sản xuất và bán võ khí.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
- Viết bởi Vatican News

Trong tuyên bố đưa ra trong ngày 01/01, bà Sheikh Hasina, Thủ tướng Bangladesh bày tỏ “sự bất ngờ và đau buồn sâu sắc về sự ra đi của Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức”. Bà Hasina nói: “Chính sách bất bạo động của Đức Biển Đức và việc dấn thân cho hoà bình toàn cầu của ngài sẽ luôn được nhớ mãi”.
Ông Arif Alvi, Tổng thống Pakistan ca ngợi Đức cố Giáo hoàng vì những nỗ lực cho hoà bình, hoà hợp và đối thoại liên tôn và gọi ngài là người bênh vực mạnh mẽ cho người tị nạn và di cư.
Tổng thống Yoon Suk Yeol của Hàn Quốc đã đến viếng và dâng hoa trong không gian tưởng nhớ Đức cố Giáo hoàng tại Tòa Khâm sứ Hàn Quốc ở Seoul vào ngày 02/1. Phát ngôn viên của Đảng Quyền lực Nhân dân Park Jeong-ha ca ngợi sự can đảm từ nhiệm của Đức Biển Đức là “biểu tượng của sự đổi mới Giáo hội” và nói ngài sẽ được nhớ mãi vì đã sống “cuộc đời như một người hành hương”.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết Thủ tướng Fumio Kishida đã đề cập đến những đóng góp to lớn mà Đức Biển Đức đã thực hiện đối với hòa bình thế giới. Ông nói: “Nhật Bản vô cùng xúc động trước một sứ điệp mà Đức Biển Đức đã gửi sau thảm họa Fukushima năm 2011, khích lệ tinh thần cho người dân Nhật Bản.”
Ông Yaqut Cholil Qoumas, Bộ trưởng Bộ Tôn giáo Indonesia cho biết ông “đã nghe nhiều về” Đức Biển Đức là một mẫu gương về sự khiêm tốn. Chính trị gia của một quốc gia có đa số theo Hồi giáo nói: “Đức Biển Đức cũng là một nhân vật muốn thu hẹp sự khác biệt. Chuyến viếng thăm của ngài tới Đền thờ Hồi giáo Xanh ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, vào năm 2006, đã thể hiện sự dấn thân của ngài trong việc thu hẹp sự khác biệt”. Ông Qoumas giải thích: “Vào thời điểm đó, Đức Biển Đức đã cùng các lãnh đạo Hồi giáo cầu nguyện trong thinh lặng. Ngoài sự khiêm tốn, những gì ngài đã làm cho thấy ngài là một người muốn vượt qua sự khác biệt và yêu chuộng hòa bình. Hy vọng những việc làm tốt lành của ngài sẽ được mọi người đón nhận”.
Trong một tuyên bố ngày đưa ra trong ngày 31/12, Tổng thống Đài Loan, Bà Thái Vân Anh cho biết bà đã phó cựu Phó Tổng thống Trần Kiến Nhân, một người Công giáo, làm đặc phái viên của bà trong tang lễ của Đức cố Giáo hoàng “dựa trên tình hữu nghị sâu sắc giữa đất nước chúng tôi và Vatican”.
Ông Narendra Modi, Thủ tướng Ấn Độ nói Đức Giáo Hoàng Biển Đức sẽ được “nhớ đến vì sự phục vụ phong phú của ngài cho xã hội”. Theo Thủ tướng, là một thần học gia và học giả uyên bác, Đức Biển Đức đã làm nên lịch sử khi trở thành vị Giáo hoàng đầu tiên từ nhiệm sau sáu thế kỷ, đưa đến mật nghị bầu Đức Thánh Cha Phanxicô. Ông Modi viết trên mạng xã hội hôm 31/12: “Đức Biển Đức đã dành cả cuộc đời cho Giáo hội và giáo huấn của Chúa Kitô. Tôi nghĩ đến hàng triệu người trên thế giới đang đau buồn về sự ra đi của ngài”.
Vatican News
- Hơn 900 trẻ em được sinh ra mỗi ngày tại Ucraina trong sự bấp bênh
- Haiti ngày càng lún sâu trong bất an
- Caritas quốc tế tại Đức: Dịch tả lan rộng tại Syria
- UNICEF cảnh báo nạn đói tại Somalia trong những tháng tới
- Đức Hồng y Zenari: Niềm hy vọng tại Syria đã chết
- Caritas: Khủng hoảng chưa từng có tại một số nơi ở Phi châu
- Theo Caritas Đức, tình hình Afghanistan tệ hơn bao giờ hết
- Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Đài Loan cầu mong Mỹ và Tây phương đấu dịu
- 800 hãng võ khí Mỹ chế tạo võ khí mới cho Ucraina
- Thảm trạng các nạn nhân động đất ở Afghanistan