Tin Thế Giới
Tin Thế Giới
- Viết bởi Văn Cương, SJ – Vatican News

Ngày 7/6, Cơ quan Nhi đồng của Liên Hiệp quốc cho biết thế giới phải “hướng tầm nhìn ra cả bên ngoài cuộc chiến ở Ucraina” và hành động khẩn cấp để ngăn Somalia rơi vào nạn đói, vì mức độ khẩn cấp của việc suy dinh dưỡng tại nước này và vùng Sừng châu Phi đang trở thành mối bận tâm sâu sắc.
Cảnh báo từ UNICEF được đưa ra sau 4 mùa thiếu mưa liên tiếp ở khu vực Đông Phi - đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 4 thập kỷ - và khả năng cao năm nay sẽ tiếp tục hạn hán.
Trẻ em thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất
Theo cơ quan Liên Hợp Quốc, chỉ riêng ở Somalia, thực trạng này khiến cho khoảng 386.000 trẻ em cần được điều trị cấp cứu vì suy dinh dưỡng, con số này ở mức báo động so với năm 2011 khi nạn đói cướp đi sinh mạng của 250.000 trẻ em, chủ yếu ở Somalia.
Rania Dagash, Phó Giám đốc UNICEF khu vực đông và nam Châu Phi, cho thấy yếu tố chính khiến cuộc sống của trẻ em ở vùng Sừng Châu Phi và số lượng trẻ em gia tăng mức độ nguy kịch do bởi cuộc chiến ở Ucraina. “Chỉ riêng Somalia đã từng nhập khẩu 92% lúa mì từ Nga và Ucraina” nhưng hiện nay các kênh giao thương đã bị chặn.
Hơn nữa, lượng mưa thiếu hụt và tác động của chiến tranh Ucraina đối với chuỗi cung ứng toàn cầu đã ảnh hưởng đến chi phí của thực phẩm dinh dưỡng mà UNICEF sử dụng để điều trị cho trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng, dự kiến trong thời gian 6 tháng tới, con số này sẽ tăng 16% trên toàn cầu.
Trên thực tế, số trẻ em phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng đã tăng hơn 15% trong khoảng thời gian 5 tháng, bà Dagash cho biết thêm rằng trên khắp Ethiopia, Kenya và Somalia, hơn 1,7 triệu trẻ em đang cần được điều trị khẩn cấp.
Cần các nguồn tài trợ
Trước tình hình đó, UNICEF đang kêu gọi cộng đồng quốc tế đóng góp kinh phí để hỗ trợ khẩn cấp, và lưu ý rằng mặc dù nguồn kinh phí đến từ rất nhiều nhà tài trợ nhưng vẫn chưa đạt ngưỡng cần thiết là 250 triệu USD.
Bà Dagash giải thích rằng cơ quan này hiện chỉ có một phần ba những gì họ cần trong năm nay, và do đó bà kêu gọi cộng đồng quốc tế, dẫn đầu là G7 sẽ nhóm họp tại Đức trong vài tuần tới, cam kết hỗ trợ thêm để cứu thêm những sinh mạng.
Ngoài ra, các nhà nhân đạo cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải đầu tư vào các biện pháp xây dựng khả năng phục hồi sinh kế của người dân và giúp họ ổn định tại khu định cư thay vì bỏ nhà cửa để tìm kiếm thức ăn, nước uống và chăm sóc sức khỏe.
Ông Etienne Peterschmitt, Đại diện tại Somalia của Tổ chức Nông lương (FAO), lưu ý rằng LHQ và các đối tác đang “hỗ trợ các gia đình nông thôn định cư bằng cách cung cấp các khoản tiền mặt để mua các nhu yếu phẩm như thực phẩm, nước và thuốc, và các hạng mục sinh kế.”
Theo UNICEF, số hộ gia đình không được tiếp cận với nước sạch và an toàn đã tăng gần gấp đôi, từ 5,6 triệu lên 10,5 triệu, trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 5 năm nay. Tác động của hạn hán đối với vật nuôi cũng đồng nghĩa với việc giảm sản lượng thịt và sữa, khiến gia tăng nguy cơ suy dinh dưỡng ở các khu vực chăn nuôi vốn phụ thuộc vào nguồn cung này.
Nguy cơ nạn đói ở Somalia
Một phân tích mới nhất từ Tổ chức Phân loại Giai đoạn An ninh Lương thực Toàn diện cho thấy 7,1 triệu người, tương đương 45% người Somalia đang ở Giai đoạn 3 của “khủng hoảng lương thực”. Trong số 7,1 triệu, khoảng 2,1 triệu đang trong tình trạng “cấp cứu”, được miêu tả trong tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính cao và mức độ tử vong ở trẻ em và người lớn đang gia tăng.
Hơn 213.000 người đang ở trong “mức độ thảm họa”, khi họ phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực cùng cực, đối mặt với nghèo đói, và cái chết.
Ông Peterschmitt nhấn mạnh rằng Somalia đang “trên bờ vực của nạn đói, chết chóc tàn phá và lan rộng, nạn đói sẽ như trận bão lớn càn quét người dân nếu chúng ta không có những hành động ngay bây giờ”.
Văn Cương, SJ – Vatican News
- Viết bởi Văn Cương, SJ – Vatican News

Hàng chục người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương khi vụ hoả hoạn xảy ra tại một kho chứa container ở Sitakunda, gần cảng phía nam Chittagong, Bangladesh, vào cuối tuần qua.
Hiện các bệnh viện trong khu vực đã bị quá tải với số người bị thương, một số đã được chuyển đến thủ đô Dhaka. Các nhân viên y tế đã kêu gọi hiến máu.
Số người thiệt mạng đã lên đến 49 người nhưng dự kiến sẽ còn tăng lên. Trong số khoảng 300 người bị thương, có nhiều nạn nhân đang trong tình trạng nguy kịch do bỏng nặng.
Trong khi nguyên nhân của đám cháy chưa được xác định, các báo cáo nói rằng hàng trăm nhân viên cứu hỏa, tình nguyện viên và cảnh sát đã đến hiện trường để giúp dập tắt ngọn lửa bắt đầu vào đêm thứ Bảy, ngày 4/6.
Khi lính cứu hoả đang nỗ lực dập tắt đám cháy, một số thùng chứa hóa chất đã phát nổ và nhấn chìm nhiều nhân viên cứu hộ trong biển lửa, đồng thời tạo ra nhiều mảnh vỡ và thổi bay người lên không trung.
Một vụ nổ lớn
Các báo cáo nói rằng vụ nổ lớn làm vỡ cửa sổ của các tòa nhà gần đó và người dân có thể cảm nhận được dù cách xa vài kilomét.
Hình ảnh trực tuyến về hậu quả từ hiện trường hoả hoạn cho thấy các thùng chứa bị cháy, bị lật úp giữa rất nhiều mảnh vỡ nằm rải rác trên mặt đất khi các nỗ lực cứu hộ kéo dài đến Chúa nhật.
Lính cứu hỏa, cảnh sát và một số tình nguyện viên nằm trong số những người thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn. Các quan chức nói rằng có ít nhất 9 lính cứu hỏa đã thiệt mạng và khoảng 10 người khác phải nhập viện trong tình trạng bỏng nghiêm trọng.
Kho Sitakunda, cách Chittagong (cảng biển chính của Bangladesh) khoảng 40 km, hoạt động như một cảng trung chuyển hàng hóa để vận chuyển đi các quốc gia khác. Các quan chức cho biết khoảng 4.000 container được lưu trữ tại kho Sitakunda, trong số đó có những container chứa hàng may mặc đang chờ xuất khẩu có giá trị lên tới hàng triệu đô la.
Bangladesh là nhà cung cấp hàng may mặc lớn cho các quốc gia phương Tây và đã trở thành nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới trong thập kỷ qua.
Không phải vụ việc đầu tiên
Đây không phải là vụ việc đầu tiên trên cả nước. Vào tháng 12, ít nhất 38 người đã thiệt mạng sau khi một đám cháy phá hủy một bệ phóng trên sông Sugandha ở quận Jhalakathi, miền nam nước này.
Năm 2020, ba công nhân thiệt mạng sau khi một thùng dầu phát nổ trong một kho chứa container khác ở khu vực Patenga.
Hôm Chúa nhật, một tờ báo địa phương của Bangladesh cho biết, ít nhất đã có 26 vụ cháy tại các nhà máy và khiến hơn 2000 công nhân và nhân viên thiệt mạng kể từ năm 2005.
Văn Cương, SJ – Vatican News
- Viết bởi Văn Cương, SJ – Vatican News

Người đứng đầu NATO, ông Stoltenberg dự đoán sẽ còn nhiều ngày chiến đấu nữa ở Ucraina, nơi đang bị chiến tranh tàn phá. Ông nói với các phóng viên: “Chúng tôi phải chuẩn bị cho chặng đường dài. Bởi những gì chúng tôi thấy là cuộc chiến giờ đây đã trở thành một cuộc chiến tiêu hao và người Ucraina đang phải trả giá đắt trên chiến trường để bảo vệ đất nước của họ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng thấy rằng Nga đang phải chịu nhiều thương vong.”
Mặc dù Matxcơva đã đạt được những kết quả quân sự ở phía đông Ucraina, ôngStoltenberg khẳng định rằng mục tiêu của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thất bại. “Tổng thống Putin muốn có ít quốc gia thuộc NATO hơn, do đó đã xâm lược Ucraina. Nhưng ngược lại, có thể đang có nhiều quốc gia thuộc NATO hơn, với sự hiện diện nhiều hơn của NATO ở phía đông của Liên minh và cũng có nhiều thành viên hơn. Quyết định của Phần Lan và Thụy Điển - về việc xin gia nhập NATO - là những quyết định mang tính lịch sử”, ông nhấn mạnh.
“Phần Lan và Thụy Điển với tư cách là thành viên NATO sẽ củng cố NATO và cũng tăng cường mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương của NATO,” Stoltenberg nói thêm.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia thành viên thuộc khối NATO đã đe dọa phủ quyết tư cách thành viên của Thụy Điển và Phần Lan, Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc hai nước bị xem là đã ủng hộ việc khủng bố người Kurd. Tuy nhiên, ông Stoltenberg cho biết ông vẫn hy vọng có thể đạt được giải pháp trong các cuộc hội đàm sắp tới với lãnh đạo các nước.
Ông Stoltenberg phát biểu sau cuộc hội đàm tại Nhà Trắng với Tổng thống Mỹ Joe Biden, người đã cam kết cung cấp các hệ thống tên lửa tiên tiến cho Ucraina như một phần của gói viện trợ quân sự mới trị giá 700 triệu USD.
Washington đã gửi vũ khí bất chấp lời cảnh báo của Matxcơva, điều này có thể dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa Nga và Mỹ.
Lối tiếp cận mục tiêu của Nga
Ucraina cho biết, họ không có kế hoạch sử dụng các hệ thống tên lửa của Mỹ với tầm bắn 80 km để tiếp cận các mục tiêu bên trong nước Nga.
Tuy nhiên, vũ khí có thể đến quá muộn sẽ khiến Ucraina mất thêm lãnh thổ. Tổng thống Ucraina, Volodymyr Zelensky nói rằng quân đội của Matxcơva đang kiểm soát 20% lãnhthổ Ucraina.
Các cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn, đặc biệt tại thành phố quan trọng phía đông Severodonetsk, hiện chủ yếu do lực lượng Nga kiểm soát. Chiếm Severodonetsk nghĩa là Nga gần như có toàn bộ khu vực Luhansk. Đây là một phần trong những nỗ lực của Matxcơva nhằm chiếm vùng Donbas ở phía đông rộng lớn hơn, và là trung tâm công nghiệp của Ucraina.
Cuộc chiến đã gây nên những tác động toàn cầu. Bên cạnh giá năng lượng tăng, các quan chức Liên hiệp quốc cảnh báo về tình trạng thiếu lương thực toàn cầu do hải quân Nga phong tỏa việc sản xuất ngũ cốc của Ucraina.
Người đứng đầu Liên minh châu Phi của 54 quốc gia châu Phi, Tổng thống Senegal Macky Sall, đã gặp người đồng cấp Nga Putin tại khu nghỉ mát Sochi ở Biển Đen để thảo luận về cuộc khủng hoảng.
Ông thúc giục tổng thống Putin giải phóng các kho dự trữ ngũ cốc cần thiết hiện đang bị mắc kẹt ở Ucraina, đồng thời cho biết nhiều quốc gia trên khắp châu Phi và Trung Đông đang phải đối mặt với tình trạng đói và nạn đói ở mức báo động.
Văn Cương, SJ – Vatican News
- Viết bởi Văn Yên, SJ - Vatican News

Sơ cho biết đối với những người Syria đi làm thuê, tiền lương hàng tháng của một gia đình chỉ đủ cho một tuần. “Nhiều, rất nhiều người thực sự đói. Họ thậm chí không có một bữa ăn mỗi ngày”, sơ nói với các nhà báo hôm 25/5.
Sơ Demerjian và sơ Helen Mary Haigh đã phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến được tài trợ bởi Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ rằng: “Các Kitô hữu vẫn giữ hy vọng của đức tin.” Sơ Demerjian nhớ lại những lần trong cuộc nội chiến, sơ và các chị em trong Dòng thức dậy buổi sáng ở Aleppo mà không có điện; họ cầm một cuốn sách nguyện trong một tay và một ngọn nến trong tay kia. Sơ nói, bất chấp những đợt pháo kích và những đợt cắt điện kéo dài, có khi 35 ngày liên tục không có nước, “chúng tôi cảm nghiệm rất sâu sắc sự quan phòng của Chúa” và “mỗi ngày, mỗi ngày, chúng tôi cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa.”
Sơ Demerjian cho biết tình hình “ngày càng trở nên tồi tệ hơn” do cuộc khủng hoảng kinh tế của đất nước. Sơ trích dẫn lời ĐHY Mario Zenari, Sứ thần Tòa thánh tại Syria, nói rằng 85 phần trăm dân số hiện đang ở mức nghèo khổ.
Tuy nhiên, sơ cho biết: “Nhiều người trẻ quyết tâm ở lại Syria, dù họ có thể rời đi. Họ muốn ở lại để trở thành một tia sáng nhỏ trong bóng tối”.
Về Libăng, sơ Haigh cho biết chưa bao giờ sơ có thể tưởng tượng rằng Libăng sẽ có nhu cầu viện trợ nghiêm trọng như vậy. Trước đây, Libăng là một quốc gia có thu nhập tầm trung, bây giờ thì lại chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế, được Ngân hàng Thế giới mô tả là một trong những quốc gia tồi tệ nhất thế giới kể từ những năm 1850. Đồng tiền của Libăng rớt giá 90%. Những gì trước đây tương đương 1.000 đô la bây giờ chỉ có giá trị 40 đô la.
Sơ Haigh cho biết: “Chúng ta nên nhớ rằng Libăng là nơi trú ẩn an toàn cho các Kitô hữu, hiện đang chiếm một tỷ lệ đáng kể của đất nước.” ĐGH Gioan Phaolô II, năm 1989, đã nói rằng: “Libăng còn hơn là một quốc gia. Nó là một thông điệp về tự do và là một ví dụ về sự đa nguyên cho Đông và Tây.”
Văn Yên, SJ - Vatican News
- Viết bởi G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Ông Filippo Grandi, Cao Ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc ở Genève, Thụy Sĩ, cho biết lần đầu tiên số người tị nạn trên thế giới vượt quá 100 triệu người. Họ là những người trốn chạy xung đột, bạo lực, những chà đạp nhân quyền và bách hại.
Ông Grandi nói rằng đây là một con số “nghiêm trọng và báo động”, lẽ ra kỷ lục này là điều không bao giờ xảy ra. Tính đến cuối năm ngoái, 2021, số người tị nạn lên tới 90 triệu người trên thế giới, phần lớn là do những vụ xung đột và bạo lực kéo dài ở các nước, như Ethiopia, Burkina Faso, Myanmar, Nigeria, Afghanistan và Cộng hòa dân chủ Congo. Thêm vào đó, cuộc tấn công của Nga vào Ucraina đã tạo nên 8 triệu người di tản nội địa và 6 triệu người chạy ra nước ngoài.
Cao Ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc đánh giá cao sự trợ giúp của quốc tế dành cho những người tị nạn, đồng thời ông nhận xét rằng sự trợ giúp này chỉ làm dịu bớt những cam go trong cuộc sống của những người tị nạn. “Câu trả lời duy nhất để lật ngược con số người tị nạn đang gia tăng, là hòa bình và ổn định”.
Trong số hơn 100 triệu người tị nạn nói trên, có những người tị nạn và xin tị nạn, cũng như 53 triệu 200.000 người di tản nội địa, tại quốc gia của họ còn bị xung đột.
Cao Ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc sẽ công bố phúc trình thường niên mang tựa đề “Global Trends”, vào ngày 16 tháng Sáu tới đây.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Nguồn: Đài Chân Lý Á Châu
- Viết bởi G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Trong khi dư luận thế giới dồn mọi chú ý vào thảm trạng chiến tranh Ucraina, Đức cha Joseph Tobij, Tổng giám mục giáo phận Aleppo, thuộc Giáo hội Công giáo Maronite, ở Syria, tố giác rằng “tại nước này người dân tiếp tục chết trong sự dửng dưng lãnh đạm của thế giới!”.
Trong cuộc phỏng vấn được đài Vatican truyền đi, hôm 25 tháng Năm vừa qua, Đức Tổng giám mục Tobij nói: Tại Syria, 90% dân chúng sống dưới mức nghèo đói, tình thế ngày càng tệ hơn... Trước đây, người dân chết vì bom đạn, bây giờ họ chết vì bị cấm vận. Điều nghịch lý là hầu như trên toàn Syria không còn những vụ giao tranh nữa, ngoại trừ tại những vùng miền bắc, vậy mà dân chúng tiếp tục chết, bây giờ họ chết vì đói, do những biện pháp trừng phạt của Âu Mỹ, từ mười một năm nay. Dân chúng gặp tôi và nói: thưa cha, trước đây, dưới bom đạn, tình trạng còn tốt hơn bây giờ...!”
Đức Tổng giám mục Tobij cho biết chiến tranh tại Ucraina càng gia tăng những đau khổ, gia tăng số người nghèo đói tại Syria: toàn dân trở thành “hành khất”. “Chiến tranh tại Ucraina làm cho chúng tôi không còn ngũ cốc, dầu ăn, khí đốt. Điện thì chỉ có hai giờ mỗi ngày, trong khi chúng tôi không có dầu để chạy các máy phát điện. Tiếp đến, còn có nạn tham nhũng gia tăng với sự gia tăng nghèo đói”.
Trong bối cảnh đó, Đức Tổng giám mục Tobij cho biết vai trò của Giáo hội là một dấu chỉ hy vọng cho dân chúng. Tại thành Aleppo, có sáu giám mục Công giáo thuộc các nghi lễ khác nhau, cùng với ba giám mục Chính thống giáo. “Chúng tôi đang đoàn kết làm việc để giúp đỡ các tín hữu về vật chất cũng như tinh thần. Đó là một con đường thật khó theo đuổi.”
Theo Đức Tổng giám mục Tobij, có một vấn đề trầm trọng khác, đó là tại Syria người trẻ tìm cách âm thầm rời bỏ đất nước: Nhiều người trẻ trốn đi nơi khác và điều này có nghĩa là đất nước bị mất mát, và mất đi một gia đình có thể được thành lập. Tóm lại là Syria tiếp tục chết như vậy.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Nguồn: Đài Chân Lý Á Châu
- Viết bởi Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
religionnews.com, Charles C. Camosy, 2022-04-29
Trong thế giới thần học luân lý công giáo, một số tội ác bị xem là sự ác từ bản chất.
Alexander, người đào mộ tại nghĩa trang Irpin, ngoại ô Kyiv, Ukraine, ngày thứ tư 27 tháng 4 – 2022. (Ảnh AP / Emilio Morenatti)
Tôi hy vọng quý vị chưa quên chiến tranh vẫn còn diễn ra ở Ukraine.
Dĩ nhiên đây không phải là cuộc chiến như bất cứ một cuộc chiến nào, nhưng là cuộc chiến xâm lược do Nga tiến hành, xâm lược một quốc gia có chủ quyền. Và đây là cuộc chiến đã cho chúng ta chứng kiến một số lượng lớn tội ác chiến tranh không thể kể xiết.
Nhưng trong số các chuyện, những tội ác chiến tranh này có chủ đích và có hệ thống nhắm vào thường dân. (Các bức hình chụp ở thành phố Mariupol cho thấy hình ảnh “giải phóng” tan hoang, không còn người dân, không còn cơ sở hạ tầng. Bằng chứng là các ngôi mộ tập thể, là cố ý phá hủy bệnh viện, các vụ bắn giết người dân thường và, đúng, còn thêm bạo lực tình dục khủng khiếp .
Bạo lực tình dục rõ ràng được dùng như một vũ khí chiến tranh, không những khuyến khích kẻ xấu hãm hiếp phụ nữ và trẻ em gái tàn bạo, nhưng trong ngắn hạn là để áp đảo người dân và trong dài hạn là ảnh hưởng đến tỷ lệ sinh của người dân Ukraine. Các binh sĩ Nga, rõ ràng với hy vọng “những người bị họ giam giữ, trong tương lai sẽ không có quan hệ tình dục và như thế là không thể sinh sản”.
Tôi hy vọng tất cả những ai đọc các dòng chữ này sẽ bị xúc phạm vì không ai có thể có những hành vi xấu xa đến như vậy (lại càng không làm những chuyện này). Tôi hầu như không thể viết những lời này mà không cảm thấy uất hận trong lòng. Mức độ xấu xa hiện diện trong các hành vi quá tràn ngập, quá lớn đến mức người ta tự hỏi liệu có bao giờ có người nào làm những chuyện này, hay chỉ là một suy nghĩ quá lố.
Nhưng đó là lý do vì sao các lập luận hàn lâm về lý thuyết đạo đức, dù đôi khi bí truyền và bị tách khỏi thực tế một cách sâu đậm, lại có thể quan trọng như vậy đối với thế giới thực.
Lý thuyết đạo đức thống trị rất nhiều trong văn hóa thế tục của chúng ta – dù trong lãnh vực y học, tài chánh, và, đúng, ngay cả khi chúng ta nói về chính sách đối ngoại – luôn là chủ nghĩa vị lợi. Đó là lý thuyết nói rõ ràng, rằng tất cả các hành vi, về nguyên tắc đều được chấp nhận về mặt đạo đức, nếu chúng có thể tạo ra điều tốt đẹp nhất (khoái cảm, sở thích-thỏa mãn, hạnh phúc, v.v.) cho số lượng người lớn nhất.
Bây giờ, có một số vấn đề sâu sắc với lý thuyết đạo đức này. Chẳng hạn, không có cách nào để nhìn vào tương lai xa để xác định điều gì trên thực tế sẽ tạo ra lợi ích lớn nhất cho một số người nhiều nhất. Nhân loại khét tiếng là dở khi đưa ra những tính toán này – chỉ cần nhìn vào những lo lắng siêu tự tin và lâu dài (nhưng lại sai lầm sâu sắc) về cái gọi là “số lượng người lớn nhất”.
Các nhân viên và tình nguyện viên cấp cứu Ukraine khiêng một phụ nữ mang thai bị thương từ bệnh viện phụ sản ở Mariupol, Ukraine, ngày thứ tư 9 tháng 3 – 2022. (Ảnh AP / Evgeniy Maloletka)
Ngoài ra một số điều thiện không thể đơn thuần bị so sánh với nhau theo kiểu làm cho phù hợp với cách tính toán thực dụng. Các nhà đạo đức học gọi đây là “vấn đề không tính toán được”. Chúng ta vừa sống một số ví dụ về vấn đề này trong thời kỳ đầu của đại dịch.
Chẳng hạn chúng ta nên so sánh lợi ích giữa việc các em bé học cách giao tiếp qua nét mặt với lợi ích của việc mang khẩu trang ở trường như thế nào? Hoặc chúng ta nên so sánh lợi ích của việc không để người lớn tuổi chết một mình với lợi ích giữ cho người khỏe mạnh tránh xa người bị nhiễm Covid không?
Câu trả lời là những chuyện tốt này không thể bị so sánh theo bất kỳ cách nào có ý nghĩa – vì những điều tốt là vô cùng lớn. Nhưng so sánh chúng chính xác là những gì chủ nghĩa vị lợi đòi hỏi.
Tuy nhiên, có lẽ vấn đề trọng tâm của chủ nghĩa vị lợi là nó không thể chỉ đơn giản nói một hành động là sai, vì đó là một hành động bất công đối với người khác. Vì vậy, việc binh lính Nga hành quyết hoặc hiếp một bé gái 12 tuổi có thể là sai lầm trong quan điểm này, nhưng trước tiên cần phải chứng minh cho thấy hành động này ít lợi ích hơn.
Bây giờ, những người ủng hộ tốt nhất cho chủ nghĩa vị lợi là những gì đôi khi được gọi là những người thực dụng theo “nguyên tắc”. Họ thật ngớ ngẩn khi so sánh lợi ích ròng cho mỗi hành động, nhưng lại nhấn mạnh, theo thời gian, chúng ta đã học được quy tắc nào tạo ra lợi ích nhiều nhất. Việc hành quyết hoặc hãm hiếp một bé gái 12 tuổi là điều xấu xa, không phải vì nó vi phạm công lý cơ bản mà vì – về lâu dài – nó sẽ tạo ra ít lợi ích hơn nếu chúng ta không có quy định chống lại nó.
Nhưng đơn thuần cách làm này không “chạy” theo những cách rất giống với các loại chiến thuật thời chiến đã được thử nghiệm và thực tế khác. Thật vậy, nước Nga đã được dạy rằng những cách làm này “chạy” trong nhiều trường hợp, kể cả màn trình diễn kinh dị trong cuộc chiến ở Chechnya, trong đó họ thảm sát thường dân trong “chiến dịch có chủ ý để khủng bố dân chúng phải phục tùng”.
Tuy nhiên, cuối cùng, câu hỏi cần biết, liệu giết người vô tội và quan hệ tình dục không có sự đồng ý là sai không phải là câu hỏi về việc liệu chúng có “chạy” hay không. Một số hành vi vừa ghê tởm, vừa xấu xa, hoàn toàn không phù hợp với điều tốt mà chúng không bao giờ có thể được thực hiện trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Trong thế giới thần học luân lý công giáo của tôi, chúng tôi gọi chúng là “những hành động xấu xa về bản chất”, những hành động có tính chất xấu xa, tội ác nghiêm trọng, ở trong trái tim hoặc trong đối tượng của chúng đến nỗi không bao giờ có thể có ngoại lệ. Công lý cơ bản, nền tảng và phẩm giá con người đòi hỏi hành động đó luôn luôn và ở mọi nơi là đáng chê trách một cách sâu đậm.
Điều này không có nghĩa là loại bỏ sự phức tạp và các vùng xám. Nhiều nhà thần học đạo đức công giáo từ chối thuyết vị lợi vẫn tham gia vào các câu hỏi đạo đức khó khăn về nhiều vấn đề, từ phá thai để cứu sống người mẹ đến việc dùng liều lượng lớn thuốc giảm đau vào cuối đời cho đến khi nào người ta có thể thấy trước điều đó một cách hợp pháp, rằng các hành động của họ sẽ dẫn đến cái chết của người vô tội mà không có ý định muốn cái chết này.
Nhưng những tội ác chiến tranh khủng khiếp do Nga gây ra phải là lời nhắc nhở khác về tầm nhìn nghèo nàn về mặt đạo đức của chủ nghĩa vị lợi. Chúng ta phải bảo vệ công lý cơ bản theo cách xem một số các hành động nào đó luôn và trong mọi hoàn cảnh đều là xấu xa sâu sắc. Và điều này có nghĩa là từ chối chủ nghĩa vị lợi để ủng hộ công lý cơ bản, đặc biệt là đối với những người dễ bị tổn thương nhất.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Nguồn: phanxico.vn
- Viết bởi Văn Yên, SJ - Vatican News

Giáo phận Nuevo Laredo đã cảnh báo về một “cuộc khủng hoảng nhân đạo” trong lời kêu gọi ngày 29/4, rằng: “Một số lượng lớn người di cư Haiti đã đến thành phố của chúng ta, và những người anh em của chúng ta đang cần sự giúp đỡ.” Giáo phận đã kêu gọi quyên góp đồ dùng vệ sinh cá nhân, khẩu trang và thuốc men.
Cha Eduardo Monsivais, phát ngôn viên của giáo phận cho biết: “Ở Nuevo Laredo, tất cả các nhà tạm trú đang bị bão hòa.” Cha Monsivais nói thêm, “một nơi tạm trú dành cho người di cư do Dòng Scalabrini điều hành thường có thể chứa 200 người di cư, nhưng với tình trạng của những người mới đến, giáo phận đang sửa chữa lại một tòa nhà để làm nơi ở tạm thời.”
Cha Monsivais cũng cho biết người Haiti đến Nuevo Laredo từ Monterrey, 140 dặm về phía tây nam, nơi không gian trú ẩn khan hiếm. Nhiều người Haiti đã bị mắc kẹt ở Tapachula, gần biên giới Mexico-Guatemala. Hầu hết người Haiti đã đến Mexico sau thời gian ở Nam Mỹ.
Khoảng 14.000 người Haiti đã đến thị trấn biên giới Del Rio của Texas vào tháng 9/2021. Những người ủng hộ nói rằng người Haiti đến Del Rio một phần là để tránh các vấn đề an ninh ở Nuevo Laredo, nơi các băng đảng ma túy bắt cóc và săn người di cư.
Cha Monsivais nói: “Những người di cư đến đây thường gặp nguy hiểm do bạo lực trong thành phố. Họ phải chấp nhận rủi ro để ít nhất được bảo vệ trong một nơi trú ẩn.”
Một báo cáo tháng 10/2020 của Tổ chức Bác sĩ không biên giới cho thấy 3/4 số người xin tị nạn mà tổ chức này điều trị ở Nuevo Laredo là nạn nhân của vụ bắt cóc. (CNS 2/5/2022)
Văn Yên, SJ - Vatican News
- Viết bởi Ngọc Yến - Vatican News

Tình trạng khẩn cấp nhân đạo ở Yemen đang dẫn đến nguy cơ làm cho hàng triệu người bị đói. Theo Liên Hiệp Quốc, trong số 31,9 triệu dân, có 24,4 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo. 17,4 triệu, tức hơn một nửa tổng số, đang trong tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, và 2,2 triệu trẻ em đang gặp rủi ro về tính mạng. Trong một cuộc phỏng vấn của Vatican News, Đức cha Paul Hinder đã cho biết rõ thêm về tình hình hiện nay của quốc gia đang đau khổ này.
Trước hết về thoả thuận ngừng bắn trong hai tháng giữa các bên xung đột sắp kết thúc, Đức cha hy vọng thoả thuận này là khởi đầu cho các cuộc đàm phán nghiêm túc. Bởi vì theo Đức cha, các bên đã mệt mỏi với cuộc chiến và thực tế sẽ không có bên nào thắng. Họ phải tìm cách khác, và mọi người hy vọng sẽ đem lại hiệu quả. Nhưng các cuộc đàm phán không thể giải quyết được mọi vấn đề. Người ta phải tìm cách hoà giải các bên để tránh bùng phát cuộc chiến bất cứ lúc nào.
Giải thích tại sao cộng đồng quốc tế im lặng trước Yemen và tại sao vấn đề này vắng bóng trên các phương tiện truyền thông, vị Đại diện Tông Toà nói: “Tôi nghĩ một phần liên quan đến lạm phát thông tin và thực tế là mọi người cảm thấy mệt mỏi khi nghe đi nghe lại những tin tức giống nhau. Trên bình diện quốc tế, Yemen đã được thảo luận tại Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Đặc sứ Liên Hiệp Quốc cũng đã làm hết sức, nhưng kết quả rất ít. Rất khó nói ai chịu trách nhiệm về việc này. Có các vấn đề nội bộ: lợi ích bộ lạc, chính trị, lợi ích kinh tế. Về mặt thần học, chúng ta cũng phải nghĩ đến ma quỷ luôn ở đó để phá hoại. Điều này khiến tôi suy ngẫm sâu hơn về sức mạnh của cầu nguyện, như Chúa Giêsu đã dạy chúng ta”.
Đức cha Hinder nói để có thể giúp tình trạng khẩn cấp lương thực và trình trạng suy dinh dưỡng ở đất nước này, trước hết phải thiết lập các hành lang vận chuyển an toàn để thực phẩm và đồ viện trợ có thể đưa đến được các khu vực khó khăn nhất. Thứ hai là phải có lệnh ngừng bắn lâu dài, và nếu có thể sau đó một nền hoà bình được thiết lập, đất nước cần trở lại sản xuất. Yemen là một đất nước nghèo nhưng có khả năng sản xuất. Tuy nhiên, do chiến tranh toàn bộ hoạt động sản xuất đang gặp rủi ro. Điều tương tự cũng sẽ xảy ra đối với Ucraina. Đất nước đông âu này là một trong những nước sản xuất lương lực lớn và gián tiếp cung cấp lương thực cho các nơi trên thế giới. Và điều gì sẽ xảy ra nếu nông dân không thể gieo hạt và sản xuất do chiến tranh tiếp diễn.
Theo vị Đại diện Tông Tòa Nam Ả Rập, nhiều lần Đức Thánh Cha đã lên tiếng kêu gọi thế giới chú ý đến Yemen, và tiếng nói của ngài đã được lắng nghe. Nhưng giờ đây những cuộc chiến bị lãng quên này ít được lắng nghe. Đối với nhiều người, Yemen thực sự nằm ở ngoại vi của thế giới, ngay cả khi về mặt chiến lược nó là một nơi quan trọng. Người ta chỉ nghĩ đến Yemen khi kênh Suez bị phong toả và nguồn dự trữ từ châu Á và châu Phi không còn đổ về như trước. Sau đó, họ lo sợ. Hiện 30 triệu người ở đây đang đau khổ. Đối với những nơi khác trên thế giới, điều này rất thường bị lãng quên vì các cuộc xung đột khác gần gũi hơn với lòng người và truyền thông, chẳng hạn như cuộc chiến ở Ucraina.
Ngọc Yến - Vatican News
- Viết bởi Văn Yên, SJ - Vatican News

Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, mỗi ngày cần ít nhất 100 xe tải chở thực phẩm và các vật dụng cứu trợ khác để trang trải nhu cầu của sáu triệu người trong khu vực xung đột.
Một nhân viên tham gia chương trình viện trợ nhân đạo cho biết: “Hai tuần mới có một đoàn xe thì không thấm vào đâu. Các container hàng có thể đến các khu vực bị ảnh hưởng, nhưng trên thực tế, chính phủ đang sử dụng hàng viện trợ như một phần của quá trình chính trị”.
Theo các nguồn tin chính thức, chính phủ đã bác bỏ tuyên bố này và trước đó cáo buộc Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray (TPLF) đã cướp các xe tải và chặn tuyến đường mà các đoàn xe nhân đạo sử dụng ở khu vực Afar gần đó.
Theo thông báo gửi tới hãng tin Fides, các nguồn cung cấp y tế và thực phẩm do Tổ chức Y tế Thế giới và Hội Chữ thập đỏ chuyển đến Mekelle chỉ có thể cung cấp hỗ trợ ở mức tối thiểu. Thuốc được vận chuyển bằng máy bay chỉ chiếm 4% số lượng cần thiết, và việc thiếu nhiên liệu tại địa phương cũng đồng nghĩa với việc nhiều loại thuốc hết hạn sử dụng trước khi được vận chuyển đến các trung tâm y tế. Một quan chức cấp cao tại sở y tế khu vực của Tigray cho biết: “Điều xảy ra là nếu bệnh nhân may mắn, thì ít nhất họ có thể nhận được những loại thuốc hết hạn sử dụng. Những người khác thì đau đớn và chết mà không có bất kỳ điều trị nào.”
Một nhân viên tại khu phụ sản của bệnh viện ở Ayder cho biết: “Chúng tôi đã cố gắng ứng biến. Chúng tôi yêu cầu phụ nữ mang quần áo của họ đến bệnh viện để sử dụng như băng và gạc trong quá trình phẫu thuật và sinh nở. Những hành trình dài mà các sản phụ phải di chuyển trong điều kiện khó khăn do thiếu phương tiện chỉ là phần nổi của tảng băng”. Ông đưa ra một số ví dụ: “Một phụ nữ 20 tuổi mất một trong hai đứa trẻ song sinh và các biến chứng nghiêm trọng đã xuất hiện sau khi được khiêng bằng cán gỗ trong 18 giờ. Một phụ nữ khác, 31 tuổi, chết sau khi bị chảy máu trong quá trình chuyển dạ và không có máu để truyền. Một người thứ ba, 28 tuổi, chết vì một bệnh nhiễm trùng có thể điều trị được.” Vị bác sĩ cho biết thêm: “Hầu hết trong số họ chết tại nhà vì họ không được tiếp cận với các cơ sở y tế. Tất cả những điều đó có thể dễ dàng tránh được.”
“Thêm vào đó, việc cắt điện liên tục đã làm tắc nghẽn nguồn cung cấp oxy tại bệnh viện của chúng tôi ở Ayder. Hệ thống oxy tại các cơ sở y tế cũng đã bốc cháy hai lần trong tháng trước. Máy thở của bệnh viện được vận hành bằng máy phát điện. Nhưng trong một số trường hợp, các y tá - và đôi khi cả người nhà bệnh nhân - đã phải tự tay vận hành máy thở vì mất điện. Khi điều này xảy ra, hầu hết các trường hợp đều tử vong. Tất cả đều rất đau thương”, bác sĩ kết luận.
Trong sứ điệp Giáng Sinh trước khi ban phép lành Urbi et Orbi năm ngoái, Đức Thánh Cha đã kêu gọi hoà bình cho Ethiopia: Cầu xin Thiên Chúa “giúp đất nước này tìm ra con đường hòa giải và hòa bình thông qua các cuộc đàm phán cởi mở, trong đó đặt nhu cầu của người dân lên hàng đầu”. Một lần gần đây, vào ngày 27 tháng 2, sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã kêu gọi thế giới nhớ đến “những cuộc chiến có nguy cơ bị quên lãng.” Bên cạnh cuộc chiến tại Ucraina, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người đừng quên “những cuộc chiến đang diễn ra ở những nơi khác trên thế giới, như ở Yemen, ở Syria và ở Ethiopia.” (Fides, 27/4/2022)
Văn Yên, SJ - Vatican News
- LHQ kêu gọi đình chiến tại Ucraina trong bốn ngày Tuần Thánh của Chính thống giáo
- Thư xin ĐTC trợ giúp của những người mắc kẹt ở Mariupol đã đến Vatican
- Đừng quên nạn đói tại Vùng Sừng Phi châu vì chiến tranh tại Ucraina
- Tòa án Hình sự Quốc tế điều tra tội ác chiến tranh của Nga
- Thảm trạng nhân đạo sau bảy năm chiến tranh tại Yemen
- Đức Hồng y Sako lo âu về tình hình Irak
- Người phụ nữ mang thai và đứa con của cô đã không qua khỏi ở Mariupol, Ukraine
- Tường thuật từ Ukraina: Lá thư của một linh mục ở Kyiv
- Trong tình đoàn kết, Ý chuẩn bị đón dòng người tị nạn động đảo đến từ Ukraine
- Nghẹn ngào, và cảm động: Tổng thống Ukraine nói quá hay, thuyết phục hoàn toàn Quốc Hội Anh