Tin Thế Giới
Tin Thế Giới
- Viết bởi Nguồn: Đài Chân Lý Á Châu
Trên thế giới hiện nay có 15 triệu 200 ngàn người Do thái, tức là tăng 100.000 người so với năm vừa qua, trong số này có 6 triệu 900 ngàn người sống tại Israel.
Thống kê trên đây được cơ quan Do thái về di trú công bố, hôm Chúa nhật 05/9/2021 vừa qua, tức là áp ngày bắt đầu năm mới Do thái, năm thứ 5.782. Tết của Do thái, gọi là Rosh Hashanah, năm nay bắt đầu từ chiều ngày 06/9.
Tỷ lệ người Do thái sống tại Israel tăng 0,5% so với năm trước, tức là chiếm 45,3% tổng số người Do thái trên thế giới. Ngoài Israel, có 6 triệu người Do thái tại Mỹ, 118.000 tại Đức và khoảng 27.000 người sống tại các nước Arập và Hồi giáo, kể cả 14.500 người tại Thổ Nhĩ kỳ và 9.500 người tại Iran.
Tổng cộng có 18 triệu người ở ngoài Israel có quyền được di cư về Israel, theo luật gọi là “Aliji”, quyền được trở về. Luật này có liên hệ tới những Do thái hoặc gốc Do thái, tức là có ít nhất một tiền nhân là Do thái. Theo định nghĩa của luật đạo, một người là Do thái nếu họ sinh ra từ một bà mẹ Do thái hoặc một người cải đạo theo Do thái giáo. Những người ấy, khi di cư về Israel họ đương nhiên được quốc tịch Israel.
G. Trần Đức Anh, O.P.
Nguồn: Đài Chân Lý Á Châu
- Viết bởi Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Ông Armin Laschet đang tranh cử trong cuộc bầu cử liên bang Đức của Liên minh Dân chủ Công giáo Đức, CDU | © Dirk Vordestrasse / Flickr / CC BY-NC 2.0
cath.ch, Raphael Zbinden, 2021-09-02
Ứng cử viên Thủ tướng Armin Laschet, tuyên bố đức tin công giáo ảnh hưởng đến quan điểm chính trị của ông. Nếu được bầu, ông sẽ cùng với Joe Biden, một lãnh đạo quốc gia công giáo được thuyết phục để lãnh đạo một cường quốc thế giới.
Ngày 20 tháng 4 năm 2021, ông Armin Laschet, 60 tuổi, được chọn làm ứng viên của Liên minh Dân chủ Kitô giáo của Đức (CDU / CSU) trong cuộc bầu cử liên bang ngày 26 tháng 9. Ông là Bộ trưởng kiêm chủ tịch bang North Rhine-Westphalia từ năm 2017, bang đông dân nước Đức, giới phân tích không cho ông nhiều cơ hội để thay thế bà Angela Merkel đứng đầu đất nước. Nhưng các nhà quan sát cũng lưu ý, tình hình có thể thay đổi rất nhanh chóng. Đứng đầu của một trong các đảng truyền thống lớn của Đức, ông Armin Laschet không nhất thiết phải nói lời cuối cùng.
Một hành trính gắn kết với Giáo hội
Trong khi bà Angela Merkel khá kín đáo về niềm tin tin lành của bà thì ông Armin Laschet công khai tuyên xưng đức tin công giáo của ông. Hành trình cá nhân và nghề nghiệp của ông gắn liền sâu sắc với Giáo hội. Ông theo học tại trường công giáo địa phương, ở tuổi thanh niên, ông hoạt động tích cực ở giáo xứ, giúp lễ, hát ca đoàn, thế gian phong trào công giáo địa phương.
Thậm chí ông còn muốn đi tu làm linh mục, nhưng cuối cùng ông thích học luật hơn, ông hành nghề luật sư. Ông được đào tạo trong ngành báo chí, ông là tổng biên tập tờ báo giáo phận Aachen (tây) và giám đốc điều hành nhà xuất bản Công giáo Einhard Verlag, có trụ sở tại Aachen. Từ năm 2007 đến năm 2016, ông tham gia vào Ủy ban Trung ương Người Công giáo Đức (ZdK).
Một người công giáo “ôn hòa”
Hãng thông tấn Đức Katholische Nachrichtenagentur (KNA) ghi nhận, trong suốt 25 năm sự nghiệp chính trị, ông Armin Laschet chưa bao giờ bỏ qua việc tuyên xưng đức tin của mình. Là nghị viên được bầu, ông luôn duy trì mối quan hệ thân thiện với Giáo hội. Ông đã gặp Đức Phanxicô hai lần và đã được ngài ban phép lành.
Năm 2018, ông Armin Laschet làm rõ chữ “C” trong chữ viết tắt CDU đã mang một ý nghĩa như thế nào đối với ông, khi đối diện với việc đảng buộc phải quay về cánh hữu. Ông cho biết, “C” không chỉ có nghĩa là bảo thủ (conservateur), nhưng theo ông, “C là hình ảnh con người kitô giáo phải được chuyển thành chính trị một cách cụ thể.”
Vì thế ứng cử viên CDU chú trọng đến hình ảnh công giáo hơn là tiến bộ. Nhất là ông khẳng định, chủ nghĩa bảo thủ có thể “đối lập với kitô giáo.”
Trong video ông trình bày trên trang web CDU, ông đặt mình theo truyền thống xã hội-kitô giáo của một Rita Süssmuth và một Heiner Geissler.
Năm 2015, Armin Laschet đã chấp nhận hôn nhân cho tất cả mọi người trong tư cách là chính trị gia, đồng thời ông bày tỏ sự phản đối của cá nhân ông trong tư cách là người công giáo. Lãnh đạo đương nhiệm của CDU nhắc lại, “sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ là cơ sở tốt nhất và đáng tin cậy nhất cho một gia đình thành công.”
Một làn gió Laudato si’?
Nếu ông Laschet của bang North Rhine-Westphalia, bang đông dân nhất của Đức, trở thành thủ tướng của nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào ngày 26 tháng 9, thì chúng ta có thể hình dung được điều này có thể ảnh hưởng đến tương lai thế giới. Đặc biệt ở một trong những vấn đề ưu tiên của thời điểm hiện nay: chống biến đổi khí hậu.
Ông Armin Laschet đã nhiều lần nhắc đến Thông điệp Chúc Tụng Chúa Laudato si’ trong các bài phát biểu và phỏng vấn của ông, cho thấy ông là người bảo vệ thông điệp này. Cũng như Đức Phanxicô, ông cho rằng chúng ta không thể tách các vấn đề sinh thái ra khỏi các vấn đề xã hội lớn.
Một ứng viên bị đánh giá thấp?
Do đó, người ta có thể nghĩ, nếu được bầu, ông có thể đưa quy mô chính trị thế giới đi theo hướng các đề xuất sinh thái “toàn diện” của giáo hoàng. Đặc biệt là tại hội nghị COP26 ở Glasgow, ông sẽ gặp tổng thống Joe Biden, một tiếng nói lưu tâm đến các quan điểm của giáo hoàng. Một cuộc họp mà Đức Phanxicô đã dự trù tham dự để có tác động đến các cuộc thảo luận.
Tuy nhiên, việc bầu chọn ông Armin Laschet dường như không thể xảy ra vào lúc này. Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy ông bị bất lợi. Vào cuối tháng 8, Viện Insa thông báo SPD dẫn đầu với 25% phiếu bầu, trước liên minh CDU / CSU (20%) và Greens (16,5%). Tuy nhiên, theo KNA, ông Armin Laschet có điểm chung với bà Angela Merkel, ngoài sự hiểu biết căn bản về chính trị của họ, đó là đặc điểm “luôn bị đánh giá thấp”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Nguồn: phanxico.vn
- Viết bởi Ngọc Yến - Vatican News

Trong bài phát biểu tại đây, tổng thống Pháp nói ông đến đây để “nhìn nhận tầm quan trọng của Mosul”, thành phố lớn thứ hai của Iraq, và kêu gọi người dân Iraq cùng nhau làm việc để tái thiết đất nước.
Pháp là quốc gia tài trợ trong các khu vực nói tiếng Pháp, và muốn bảo vệ các Kitô hữu ở phương Đông và các dân tộc thiểu số. Ông Macron tuyên bố trong cuộc viếng thăm: “Chúng tôi sẽ đưa lãnh sự quán và các trường học trở lại Mosul”.
Trước đây, thành phố này cũng như đồng bằng Ninivê từng là những địa điểm quan trọng của Kitô giáo. Nhưng sau đó, do bạo lực bùng phát vào năm 2003, và từ năm 2014 đến 2017, IS chiếm một phần ba lãnh thổ khiến phần lớn Kitô hữu phải lưu vong. Trong cả nước, số Kitô hữu còn lại không quá 400 ngàn người, so với 1,5 triệu vào năm 2003 trước khi Mỹ đến.
Mosul vẫn còn mang vết tích của cuộc giao tranh giữa IS và quân đội Iraq do liên minh quốc tế hậu thuẫn. Ông Macron nhận xét rằng việc tái thiết thành phố là “quá chậm”. Theo một quan chức địa phương, 80% cơ sở hạ tầng đã được tái xây dựng, nhưng cho đến nay chỉ có 30 đến 40% cơ sở y tế được phục hồi.
Tổng thống Macron hứa Pháp sẽ ở lại Iraq nếu quốc gia này yêu cầu, dù phía Mỹ có chọn lựa khác. Ông nhấn mạnh: “Đây không chỉ là thông điệp mang tính nhân văn mà còn mang tính địa chính trị. Sẽ không có sự cân bằng ở Iraq nếu không có sự tôn trọng dành cho các cộng đoàn này”.
Tại Mosul, sau khi thăm Nhà thờ Đức Bà Thời gian, ông Emmanuel Macron còn đến thăm đền thờ Hồi giáo Al-Nouri, nơi Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh tối cao tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, tuyên bố thành lập “nhà nước” hồi năm 2014. Vào tháng 6/2017, IS đã cho nổ tung đền thờ Hồi giáo nổi tiếng có từ thế kỷ 12 này khi quân đội Iraq thắt chặt gọng kìm tấn công các chiến binh của IS tại khu vực Thành Cổ của Mosul.
Nhà thờ Đức Bà Thời gian và đền thờ Hồi giáo nằm trong ba dự án tái thiết do Unesco đứng đầu và các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất tài trợ, với số tiền 50 triệu đô la. Unesco giải thích: “Ở Mosul, có rất ít Kitô hữu nhưng một số người đang quay trở lại. Cần phải tạo các điều kiện để hồi sinh thành phố với sự đa dạng của nó”. Unesco đã liệt kê thành phố cổ này vào danh sách di sản thế giới.
Ngọc Yến - Vatican News
- Viết bởi G. Trần Đức Anh, O.P.
Nạn đói ngày càng đe dọa tại miền nam Madagascar: nửa triệu trẻ em dưới 5 tuổi đang bị suy dinh dưỡng trầm trọng vì nạn hạn hán tệ hại nhất từ 40 năm nay tại đảo này, làm suy giảm 60% gạo và bắp tại địa phương
Cha Jean Chrys, dòng Don Bosco, sáng lập hội SOS Toliara, trợ giúp dân chúng sống ở miền trung Madagascar, nói với đài Vatican rằng: Nghèo đói gia tăng mỗi ngày. Khí hậu rất khô, không có giọt mưa nào trong năm nay. Nhiều trẻ em đang chết đói. Thỉnh thoảng có trợ giúp từ bên ngoài nhưng không đủ để cung ứng nhu cầu cơ bản của dân chúng. Ngoại viện nhiều khi bị những kẻ lường gạt ăn chặn vì mức độ tham nhũng ở Madagascar rất cao. Từ phía chính phủ có sự nghi ngờ lớn, họ không nhìn nhận là có nạn đói tại nước này. Trong khi đó dân chúng phải ăn xương rồng để sống còn. Chẳng còn trái xương rồng nào trên cây, và họ nhổ các gai trên cây xương rồng để ăn. Họ coi đó là món ăn chính, và để có thể rút được một ít nước trong đó.
Cha Jean Chrys cũng nói rằng dân chúng ở miền nam Madagascar cảm thấy bị bỏ rơi.
Ngay từ hồi cuối tháng Tư năm nay, Tổ chức Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đã báo động về nạn đói ở Madagascar. Hôm 30/4, ông Amer Daoudi, Giám đốc chiến dịch hành động của tổ chức này nói rằng: “cuộc sống của các trẻ em dưới 5 tuổi ở Madagascar bị đe dọa: khẩu phần của các em xuống tới mức đáng báo động”.
Ông Daoudi đã viếng thăm nhiều làng mạc ở Madagascar, trong đó dân chúng phải ăn châu chấu, trái xương rồng và lá cây để sống còn. Ông kể lại rằng: “Tôi đã chứng kiến những hình ảnh kinh hoàng trẻ em chết đói, suy dinh dưỡng. Không phải chỉ các em, nhưng cả cha mẹ, và dân chúng tại những làng mà thôi viếng thăm, cũng bị đói.”
Sau cùng, ông Daoudi cho biết ít nhất 1.35 triệu người dân Madagascar cần được trợ giúp về lương thực, nhưng “Chương trình lương thực thế giới” chỉ giúp được 750.000 người với khẩu phần một nửa, vì những hạn chế tài chánh. Chương trình đang tìm kiếm 75 triệu Mỹ kim để đáp ứng các nhu cầu cấp thiết cho đến tháng Chín năm nay”.
G. Trần Đức Anh, O.P.
Nguồn: Đài Chân Lý Á Châu
- Viết bởi G. Trần Đức Anh, O.P.
Các tăng sĩ, linh mục, bác sĩ, công đoàn kêu gọi Chính phủ Sri Lanka tạm đóng cửa biên giới để hạn chế sự lan lây mạnh mẽ của Coronavirus tại nước này.
Tính đến ngày 19/8/2021 vừa qua, Sri Lanka có hơn 373.000 ca nhiễm, với gần 48.000 người đang được chữa trị. Ngày 19/8 có 186 người chết, nâng tổng số tử vong lên 6.790 người. 12 triệu dân Sri Lanka đã được chích liều vắcxin thứ nhất và 5 triệu người khác chích liều thứ hai.
Hãng tin Ucan cho biết nhiều tăng sĩ Phật giáo, linh mục Công giáo, giới công đoàn, chuyên gia y tế đang tạo sức ép thỉnh cầu chính phủ đóng cửa biên giới quốc gia 1 hoặc 2 tuần để giúp chặn bớt sự lan lây Coronavirus. Các nhà thương tại Sri Lanka đã quá tải, và Hiệp hội các nhân viên y tế toàn Sri Lanka cảnh giác rằng những người bị nhiễm Covid-19 có thể bị bỏ rơi và chết trên đường phố trong vài tuần lễ tới đây. Tình thế rất khó xử lý và sẽ trở nên đồi tệ hơn vì đất nước chỉ có số nhân viên và cơ sở y tế hạn hẹp.
Hôm 19/8, hai vị thủ lãnh hai tăng phái Phật giáo đã gửi thư cho Tổng thống và Thủ tướng Sri Lanka để đưa ra lời thỉnh cầu theo chiều hướng trên đây.
Linh mục Cyril Gamini Fernando, cha sở giáo xứ thánh Anna ở Kurana, Negombo, nói rằng “chính phủ không nhạy cảm đối với số phận đau thương của dân chúng và không lắng nghe các chuyên gia về Covid-19. Đất nước có thể lâm vào vực thẳm nếu hành động kịp thời”.
Tiến sĩ Ramesh Pathirano, thành viên Hội đồng nội các và phát ngôn viên của chính phủ Sri Lanka trả lời rằng chính quyền đã đề ra một số giới hạn di chuyển trong nước, mặc dù đất nước đang bị khủng hoảng nặng nề về kinh tế. Các hiệp hội thương mại tại nhiều thành phố ở Sri Lanka đã đóng cửa tiệm, trong khi các nơi thờ phượng, trường học, học viện và đại học đã đóng cửa.
G. Trần Đức Anh, O.P.
Nguồn: Đài Chân Lý Á Châu
- Viết bởi Ngọc Yến - Vatican News

Chiara Semenzin, 29 tuổi, chủ tịch của CombinAzioni, một hiệp hội những người trẻ dấn thân cho các hoạt động tái phát triển vùng đất và văn hoá xã hội ở Montebelluna trong khu vực Treviso của Ý, kể về hoạt động gần đây nhất của của Hiệp hội: Đây là một trải nghiệm toàn diện và đặc biệt, ngay cả khi sự thay đổi thực sự ở nơi đây chỉ là một phần: đó là, tái phát triển một khu vực đồi núi 9.000m2 của khu vực nghĩa trang cũ của đầu thế kỷ XIX. Nghĩa trang đã từng bị bỏ hoang, không sử dụng, sau khi được bảo trì, được chăm sóc thảm thực vật và làm sạch các bức tường, giờ đây mọi người có thể nhận ra dấu hiệu của sự thay đổi, tạo ra một sự tham gia từ phía cộng đồng, của các tình nguyện viên.
Chiara cho biết, từ một góc thiên nhiên bị bỏ quên, hiện nay nghĩa trang trở thành một nơi đến gặp gỡ của các nhạc sĩ, diễn viên, nhà văn. Các em thiếu nhi, người trẻ và các gia đình cùng nhau vui đùa tại đây. Giờ đây “Nghĩa trang sống” này, không chỉ là nơi đón nhận linh hồn của những người đã khuất, nhưng còn làm cho bầu trời trở nên sinh động với các vì sao và những đêm hè của hàng trăm người đến tham gia các sự kiện.
Tất cả bắt đầu từ năm 2017, trong lần tổ chức thứ ba của Lễ hội CombinAzioni, sáng kiến văn hoá khu vực được hiệp hội khởi xướng vào tháng 9 hàng năm. Một buổi hoà nhạc của nghệ sĩ violin nổi tiếng Mario Brunello đã được tổ chức trong khung cảnh của nghĩa trang cũ. Ermes Pozzobon, 25 tuổi lúc đó là chủ tịch và hiện nay là linh hồn của hiệp hội nói: “Cộng đồng đã tái khám phá cội nguồn chung và cảm giác thuộc về, quây quần tại trung tâm một khu vực đã mất trong ký ức tập thể. Vì vậy, với các sáng kiến tiếp theo, nơi này đã được trả lại sự thiêng liêng vốn có của nó”.
Trong nhiều năm, nhiều khách mời đã được Hiệp hội đón tiếp, và thành công ngoài mong đợi. Sau các buổi hòa nhạc, trẻ em và người lớn được mời đến thăm khu vườn rộng lớn của nghĩa trang và tái tạo lại lịch sử của nó, qua kiến trúc và các bia mộ còn sót lại, bị tàn phá bởi sự phá hoại của những thập kỷ trước.
Sau ba năm dấn thân hoạt động, vào năm 2018, Bộ Văn hóa đã trao tặng cho hội CombinAzioni Danh hiệu Di sản Văn hóa Châu Âu. Đầu năm 2020, một cuộc khảo sát đã được thực hiện liên quan đến việc đánh giá giá trị lịch sử, tình cảm và văn hóa mà người dân dành cho khu vực nghĩa trang cũ, cũng như các đề xuất cho các dự án tiếp theo. Hơn 400 đề xuất đã thể hiện rõ quan điểm của người dân, 97% ủng hộ việc mang lại tính liên tục và vĩnh viễn cho trải nghiệm văn hóa ngoài trời, nêu bật nhu cầu rộng rãi về không gian sống để tương tác con người và liên kết với ký ức của vùng đất, nơi cũng có thể được dùng cho các mục đích văn hóa. Dựa trên những tiền đề này và nhờ vào quỹ châu Âu từ chương trình Quân đoàn Liên đới châu Âu, mùa hè năm ngoái, mặc dù những khó khăn phát sinh từ đại dịch, dự án “Một nghĩa trang để sống” đã được thực hiện do chính quyền Montebelluna bảo trợ.
Pietro Vettorazzo, 25 tuổi, chịu trách nhiệm về các hoạt động bảo trì, nhớ lại: “Trước khi có sáng kiến cộng đồng, chúng tôi đã kêu gọi các tình nguyện viên và Nhóm Alpini cùng nhau dọn dẹp toàn bộ khu vực rác thải và trên hết là loại bỏ các bụi rậm thực vật để các bức tường được nhìn thấy và bia mộ được sạch sẽ, trở thành nơi đáng để du khách chiêm ngưỡng”.
Cùng với việc tái phát triển môi trường, toàn bộ cộng đồng địa phương đã được mời gọi trải nghiệm các con đường văn hóa khác nhau: ví dụ, chương trình sân khấu La Scelta với Marco Cortesi và Mara Moschini đã lên tiếng nói làm chứng về lòng dũng cảm và tính nhân văn trong cuộc xung đột ở Bosnia vào giai đoạn cuối thế kỷ XX. Hoặc một lần nữa, cách đây vài tuần, nữ diễn viên Roberta Biagiarelli đã tổ chức một hội thảo cộng đồng với khoảng 20 học sinh từ trường trung học ở Montebelluna.
Chiara Fedato, 24 tuổi, phó chủ tịch CombinAzioni, cho biết: “Trong sáu ngày diễn ra hội thảo, các học sinh trung học đã hoàn thành các tác phẩm cá nhân và tập thể. Các học sinh đang đại diện cho các quan điểm sáng tạo độc đáo để tái suy nghĩ về nghĩa trang cũ, tạo ra sự tương tác tuyệt đẹp giữa trường học và mảnh đất này, theo một cách nào đó, nó là mối liên hệ mà chúng ta yêu quý”.
Ngọc Yến - Vatican News
- Viết bởi Ngọc Yến - Vatican News

Trong một tuyên bố được đưa ra cùng với Liên hiệp Công đoàn châu Âu (ETUC), Liên minh các nhà điều hành kinh doanh Kitô giáo quốc tế (UNIAPAC), một tổ chức đại kết quốc tế của các doanh nhân Kitô giáo, đại diện cho khoảng 45.000 nhà lãnh đạo doanh nghiệp trên khắp thế giới, than phiền về “mức lương thấp, việc làm không đảm bảo, điều kiện làm việc tồi tệ và hợp đồng tư nhân giả mạo đã trở thành mô hình tăng trưởng ở một số bộ phận của nền kinh tế châu Âu”. Kết quả là, khoảng 1/10 người lao động châu Âu có nguy cơ đói nghèo.
Theo các doanh nhân Kitô giáo, tình trạng này là không thể chấp nhận được. Họ kêu gọi châu Âu đảm bảo cho những người lao động làm việc trọn thời gian được trả lương đủ và công bằng. Phải nhìn nhận phẩm giá của người lao động, cũng như quyền được hưởng một cuộc sống tự do như ý muốn của người lao động.
Nhắc đến những lời dạy của Đức Thánh Cha Phanxicô, các doanh nhân nói: “Phục hồi từ đại dịch Covid-19 có nghĩa là phải suy nghĩ lại nền kinh tế của châu Âu, chứ không chỉ là sự trở lại bình thường. Đức Thánh Cha đã kêu gọi mọi người thay đổi và hình dung ra một loại hình kinh tế khác. Chính ngài đã đề xuất một cuộc chuyển đổi mang tính cách mạng hướng tới một xã hội nhân đạo hơn với sự thịnh vượng và hạnh phúc của con người”.
Các doanh nhân Kitô giáo đề xuất các công đoàn và người sử dụng lao động nên làm việc cùng nhau để đảm bảo mức lương công bằng và điều kiện làm việc tốt hơn cho người lao động, để không ai bị loại trừ khỏi quyền được hưởng một mức lương tương xứng.
Hướng đến các chính phủ, các doanh nhân kêu gọi các chính phủ và người sử dụng lao động ở châu Âu “nắm bắt cơ hội hành động có trách nhiệm để cải thiện cuộc sống, để tất cả người lao động có thể kiếm sống, trả tiền thuê nhà và có thức ăn cho chính mình và gia đình”. Để đạt được điều này, tiền lương cần phải được chia sẻ công bằng và phản ánh sự đóng góp của người lao động vào lợi nhuận của công ty. Hơn nữa, cần có sự can đảm trong việc lãnh đạo và hợp tác. Can đảm là rất cần thiết để châu Âu có thể tiến về phía trước và trở thành một nơi công bằng và văn minh hơn trong lĩnh vực lao động.
Ngọc Yến - Vatican News
- Viết bởi G. Trần Đức Anh, O.P.
Đức cha Jan Sobilo, Giám mục Phụ tá tổng giáo phận Kharkiv-Zaporozhian, Ucraina cho biết giới lãnh đạo ly khai ở miền đông Ucraina không cho các linh mục được vào lãnh thổ này để làm việc mục vụ và họ cũng không trả lời yêu cầu của Giáo quyền Công giáo địa phương.
Miền đông Nga, gọi là vùng Donbass, có đa số dân gốc Nga. Từ khi chính quyền Ucraina ngả theo Tây phương, các thành phần thân Nga ở địa phương đòi ly khai và tuyên bố thành lập Cộng hòa Donetsk và Lugansk, được sự ủng hộ của Nga. Cuộc chiến giữa quân đội chính quy Ucraina và nhóm ly khai trong những năm qua đã làm cho hàng chục ngàn người chết. Gần đây, quân đội Nga ở vùng biên giới gia tăng sự hiện diện quân sự.
Đức cha Sobalo cho biết nhóm ly khai ở Donbass chỉ nhìn nhận Giáo hội Chính thống ở Ucraina thuộc tòa Thượng phụ Chính thống Mascơva, vì thế họ không cho các linh mục Công giáo nghi lễ đông phương, hoặc linh mục Chính thống Ucraina độc lập, được vào vùng Donbass để làm việc mục vụ cho các tín hữu liên hệ.
Theo Đức cha Sobalo, Giáo hội tại Tây phương cần nói nhiều hơn về tình trạng tại miền Donbass. Đức cha cũng e ngại rằng cuộc viếng thăm của Đức Thượng phụ Chính thống Bartolomaios từ Istanbul đến thăm Giáo hội Chính thống Ucraina, nhân dịp kỷ niệm 30 năm độc lập của Ucraina, vào ngày 24/8 tới đây, sẽ gây ra một làn sóng bạo lực mới.
Ucraina hiện có hai Giáo hội Chính thống: một thuộc Tòa Thượng phụ Chính thống Nga ở Mascơva, và một Giáo hội mới được Đức Thượng phụ Bartolomaios, trong tư cách là Thượng Phụ chung đứng đầu Chính Thống giáo công nhận quyền tự trị tự quản.
Đức cha Sobalo cũng kể rằng cha Grzegorz Rapa, vốn làm việc mục vụ ở miền Donbass từ năm 1993, về thăm quê hương Ba Lan từ đầu đại dịch, nhưng rồi nhà cầm quyền ly khai tại Donbass cho đến nay vẫn không cho cha trở lại nhiệm sở ở Lugansk, sau khi biên giới vùng này được mở lại hồi tháng Mười Một năm ngoái. Tổ chức an ninh và cộng tác Âu châu OSCE đã can thiệp, nhưng cha vẫn chưa được trở về, vì thế các tín hữu của cha chỉ có thể tham dự thánh lễ trực tuyến, và họ lãnh nhận các bí tích từ một linh mục Công giáo nghi lễ đông phương.
G. Trần Đức Anh, O.P.
Nguồn: Đài Chân Lý Á Châu
- Viết bởi Bui Thuong Luu
Số lượng thuyền di cư gặp nạn trên Địa Trung Hải tiếp tục tăng. Như tổ chức "SOS Mediterranee" đã thông báo vào Chủ nhật, hiện có khoảng 450 người di cư trên con tàu cứu hộ "Ocean Viking" sau năm chuyến ra khơi cứu hộ vào cuối tuần qua.
Ý / EU: "Sự thờ ơ không thể chấp nhận được"
Đa số thuyền nhân di cư là nam giới, nhưng cũng có hàng chục người, gồm một số phụ nữ mang thai, thanh thiếu niên và nhiều trẻ em trên tàu. Trong một chuyến ra khơi giải cứu kéo dài vài giờ vào đêm Chủ nhật, thủy thủ đoàn của tàu "Ocean Viking" cùng với các thủy thủ của "Sea-Watch 3" và thuyền buồm "Nadir" của tổ chức phi chính phủ Đức ResQship đã cứu vớt khoảng 400 người di cư khỏi một chiếc thuyền gỗ đang bị đắm chìm trên biển cả. Chừng 250 thuyền nhân tỵ nạn hiện đang tạm trú trên "Ocean Viking", những người còn lại ở trên tầu "Sea-Watch 3". Tổ chức “SOS Mediterranee” đã thông báo cho biết hiện chưa vớt được người chết hoặc bị thương nào, nhưng không thể loại trừ rằng không có thuyền nhân nào bị chết…
Tìm một nơi trú ẩn an toàn
Trước đó, tàu "Ocean Viking" đã ra khơi 4 lần gần ven biển vào thứ Bảy và đã giải cứu được khoảng 200 thuyền nhân, một số người trong số họ tầu bị hết nhiên liệu. Tàu "Sea-Watch 3" cũng đã ra khơi vào cuối tuần và đã cứu vớt hàng chục người di cư, trong số đó có rất nhiều người trẻ em bị thương. Hiện các tàu cứu hộ đang chờ được cấp phép để cập cảng châu Âu.
Gần 1.000 người chết đuối và mất tích từ đầu năm đến nay
Theo Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), 930 người di cư đã chết đuối hoặc mất tích ở lòng biển Địa Trung Hải kể từ đầu năm, gần gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước. IOM cũng đưa ra tổng số thuyền nhân tìm kế vượt biển kể từ tháng 1 năm nay vào khoảng 78.700. Do hậu quả của cơn đại dịch Covid-19 vào năm ngoại nên con số các vụ vượt biển hiểm nguy qua Địa Trung Hải đã giảm xuống đáng kể, nay con số này đang vọt tăng trở lại nhiều hơn trong năm nay.
Từ tháng 8 Hội Hồng Thập Tự cùng tham gia cứu vớt trên biển
Trong tháng này, Hội Hồng Thập Tự và Hiệp hội Mặt Trăng Lưỡi Liềm Đỏ Quốc tế (IFRC) - tổ chức tự xưng là tổ chức nhân đạo lớn nhất trên thế giới - đã tham gia cứu hộ trên biển. IFRC là tổ chức bảo trợ của hơn 190 Hiệp hội Hồng Thập Tự và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc gia trên toàn thế giới, bao gồm cả Hội Hồng Thập Tự Đức (DRK). Một nhóm IFRC trên tàu cứu hộ "Ocean Viking" sẽ hỗ trợ công việc của SOS Mediterranee từ giữa tháng 8 trong khoảng một năm. Nhóm này cũng cung cấp hỗ trợ tài chính cho hoạt động cứu hộ trên biển. (kna - sst)
Lm. Stephanô Bùi Thượng Lưu
Nguồn: https://www.vaticannews.va/de/welt/news/2021-08/mittelmeer-hunderte-bootsmigranten-gerettet.html
- Viết bởi G. Trần Đức Anh, O.P.
Ngoại trưởng Nga, ông Sergey Lavrov, tuyên bố rằng cộng đồng thế giới cần đưa ra những biện pháp để chấm dứt nạn bách hại các tín hữu Kitô tại Trung Đông và Bắc Phi.
Tuyên bố hôm 24/7/2021 vừa qua, trên đài truyền hình Rossiya-24 TV của Nga, Ngoại trưởng Lavrov cho biết chính phủ Nga và Giáo hội Chính thống tại nước này có nhiều dự án chung, trong đó có một dự án đặc biệt nhất là đưa ra những biện pháp thích hợp để bảo vệ các tín hữu Kitô, đặc biệt tại Trung Đông và Bắc Phi.
Một diễn đàn đặc biệt bênh vực các Kitô hữu đang được Chính phủ Nga tổ chức chung với Phân Bộ ngoại vụ của Tòa Thượng phụ Chính thống Nga, bên cạnh các sinh hoạt của Tổ chức an ninh và cộng tác Âu châu, OSCE, và Hội đồng Liên Hiệp Quốc về nhân quyền. Tham dự diễn đàn này có các đối tác từ Vatican, các vị ngoại trưởng Armeni, Hungary, Belarus, Liban và các nước khác, là những nước nhìn thấy một nguy cơ đối với cuộc sống bình thường, yên hàn và an ninh của các Kitô hữu tại Trung Đông.
Ngoại trưởng Lavrov cũng nói rằng: “Hàng trăm ngàn người đã trốn chạy khi nền dân chủ đã được áp đặt tại Trung Đông: trước tiên tại Irak, rồi tới Libya, và Syria. Các tín hữu Kitô là những người chịu đau khổ nhiều nhất vì cuộc xung đột tại Syria, đây là một trong những chiếc nôi của Kitô giáo. Cần lên tiếng để cộng đồng quốc tế không phải chỉ chú ý đến vấn đề này, nhưng còn đưa ra những biện pháp đặc thù để ngăn chặn sự bách hại các Kitô hữu”.
G. Trần Đức Anh, O.P.
Nguồn: Đài Chân Lý Á Châu
- Thêm một bang ở Australia buộc các linh mục tiết lộ bí mật tòa giải tội
- LHQ kêu gọi các biện pháp trừng phạt mới đối với quân đội Myanmar
- Báo động về sự lan lây mạnh mẽ của Covid-19 tại Phi châu
- ĐTC ca ngợi triết gia Edgar Morin: một cuộc đời phục vụ vì một thế giới tốt đẹp hơn
- Hồi chuông báo tử cho tự do báo chí Hương Cảng
- Hồi chuông báo tử cho tự do báo chí ở Hồng Kông do nhà cầm quyền cộng sản Trung quốc
- 82 triệu người tị nạn trên thế giới
- Tối cao pháp viện Mỹ bênh vực dịch vụ xã hội Công giáo
- Đức Thánh cha kêu gọi cho miền Tigray
- HĐGM Burkina Faso-Niger lên án đêm khủng bố kinh hoàng ở Solhan