Dân Chúa Âu Châu

Tổng Thống Barack Obama Tiếp Tục Nhiệm Vụ

BY: HÀ MINH THẢO

Ngày 06.11.2012, 61.814.180 cử tri (tức 50,50% số người Mỹ tham gia đầu phiếu) đã tái tín nhiệm ông Barack Hussein Obama trong chức vụ Tổng thống thêm một nhiệm kỳ 4 năm và chót từ lúc 12 giờ ngày 20.01.2013.
Trong thư đến Tổng thống Obama, qua Tòa Khâm sứ Tòa Thánh tại Washington, DC, Đức Giáo Hoàng Biển đức 16 gởi lời chúc tốt nhất cho ông, hứa cầu nguyện cho ông trong những năm tới và hy vọng rằng những lý tưởng của các vị sáng lập Hoa kỳ về tự do và công lý có thể giữ một vị trí nổi bật trong tương lai của quốc gia. Đức Hồng y Timothy M. Dolan, Tổng Giám mục New York, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa kỳ, trong thư chúc mừng ông Obama tái đắc cử, đã lưu ý "trách nhiệm cao cả" mà người dân Mỹ đã giao Tổng thống và đảm bảo ông lời cầu nguyện của các Giám mục Hoa kỳ.

Như tại các quốc gia dân chủ tiến bộ khác, Hiệp chủng quốc Hoa kỳ, tiến hành tuyển cử Tổng thống kéo dài trong nhiều tháng và chi tốn khá nhiều tiền (khoảng 6 tỷ mỹ kim, tức lối 4,7 tỷ euro). Tổng thống xuất nhiệm tái tranh cử phải trình bày cùng đồng bào những công trình mình đã thực hiện trong nhiệm kỳ sắp dứt, với kết quả tốt hay không, tại sao để yêu cầu họ bầu phiếu hầu tiếp tục hoàn thành lời đã hứa. Một hay các ứng cử viên khác phải thuyết phục cử tri dùng lá phiếu để tín nhiệm mình vào chức vụ Tổng thống trong bốn năm tới để phục vụ đồng bào và Quê hương. Cử tri nghe và chọn lựa ứng cử viên nào mà những lời hứa và lý lẽ phù hợp với ý nghĩ mình nhất và dùng lá phiếu để trao cho họ hành sử quyền Hành pháp toàn Liên bang.

I. THÀNH QUẢ KHÔNG ĐÚNG NHƯ LỜI ĐÃ HỨA.

Ứng cử viên Tổng thống xuất nhiệm Obama phải đối diện với thành tích đã thực hiện trong những năm qua với những khó khăn mà Hoa kỳ đang trải qua khi ứng cử vào Tòa Bạch ốc.

A. Mức khiếm hụt ngân sách (chi cao hơn thu và tính thu trừ chi) hay bội chi tài khóa 2008-2009, chấm dứt vào ngày 30.09.2009 là 1.409 tỷ mỹ kim, mức cao nhất kể từ năm 1945, tức 9% Tổng sản lượng quốc nội (TSLQN, tức GDP, Gross Domestic Product, tiếng Anh hay PIB, Produit Intérieur Brut, tiếng Pháp). Để bù đắp mức khiếm hụt đó, chính phủ Obama phải đi vay tức nợ công (Public debt, tiếng Anh hay Dette publique, tiếng Pháp). Mức khiếm hụt ngân sách tài khóa 2011-2012, chấm dứt vào ngày 30.09.2012 là 1.171 tỷ mỹ kim (7% TSLQN). Trong suốt nhiệm kỳ, mức thâm hụt ngân sách trung bình trên 1.000 tỷ mỹ kim mỗi năm.
Những người chống đối cũng quy trách Đệ nhất phu nhân Michelle Obama đã tiêu xài quá nhiều tiền người dân đóng thuế. Bà Mamie Eisenhower chỉ thuê một nhân viên trả bằng tiền lương của chồng là Tổng thống Dwight Eisenhower. Các bà Jackie Kennedy, Rosalynn Carter, Barbara Bush và Laura Bush thuê 1 nhân viên. Bà Hillary Clinton 3 nhân viên và, hiện nay, bà Michelle Obama có đến 22 nhân viên phục vụ với tổng số tiền lương 1.591.200 mỹ kim mỗi năm.

2. Những cố gắng phục hồi kinh tế. Nhận trách nhiệm, Tổng thống Obama đã làm những gì mà ông có thể hầu giảm những nỗi sợ hãi của các nhà đầu tư. Để giải quyết khủng hoảng tài chính, nhà cầm quyền phải tái cung cấp vốn cho các cơ quan tài chính yếu kém và chuyển các khoản nợ khó đòi của họ sang khu vực công. Chính phủ tiến hành kiểm tra năng lực tài chính để xác định xem vốn ngân hàng nào có đủ. Những ngân hàng không đủ có thể huy động thêm vốn tư nhân hay từ ngân sách Liên bang. Ngày nay, các ngân hàng có số vốn vững và dần hồi hoàn trái cho ngân sách Liên bang.
Để giúp nền kinh tế Hoa kỳ thoát khỏi đình trệ, Tổng thống Obama đã thuyết phục Quốc hội chấp thuận một kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 787 tỷ mỹ kim và thực thi một chương trình cứu nguy cho công nghiệp chế tạo xe hơi đang gặp khó khăn. Các công ty xe hơi General Motors (GM) và Chrysler được tài trợ để tái cấu trúc, giảm bớt lao động không cần đến. Chrysler, hiện có phần hùn của hảng xe Fiat (Ý đại lợi), lại bắt đầu có lãi. GM cũng vậy, cổ phần công ty đã niêm yết trở lại tại thị trường chứng khoán New York từ năm 2010. Những nỗ lực của Obama về việc giải quyết thị trường nhà ở đã có rất ít thành công. Các nhà cho vay đã được chính quyền thúc đẩy nhằm giảm bớt chi trả cho các thế chấp bằng các khoản trợ cấp và nhũng đảm bảo cho vay.
Mức tăng trưởng kinh tế năm 2012 hiện đang ở mức 2% Tổng sản lượng quốc nội là tỷ lệ có khả năng làm giảm mức thất nghiệp.

3. Vấn đề thất nghiệp. Tổng thống đã gặp nhiều khó khăn trong việc cố gắng hạ giảm tỷ lệ thất nghiệp và đem lại sự phục hồi toàn vẹn cho nền kinh tế. Tháng 01.2009, khi ông bước vào Bạch ốc, số bách phân thất nghiệp là 7,8% so với số người trong tuổi lao động và tăng lên 7,9% vào cuối tháng 09.2012. Kể từ sau thế chiến thứ II, không Tổng thống nào được tái đắc cử với tỉ lệ thất nghiệp trên 7,4%. Nhưng nay, ông Obama đã phá tiền lệ đó.

4. Về ngoại giao, Tổng thống đã ghi được một thắng lợi lớn vào năm 2011, khi ông quyết định cho thực hiện cuộc hành quân của lực lượng đặc nhiệm Mỹ bí mật hạ sát thủ lãnh Al-Qaida Osama bin Laden tại Pakistan. Ngoài ra, ông cũng đã ra lệnh triệt thoái quân đội Hoa kỳ khỏi Iraq và đã hứa sẽ rút binh sĩ tác chiến ra khỏi Afghanistan vào cuối năm 2014.
5. Đạo luật Bảo hiểm Y tế Toàn dân, tạm gọi Obamacare, được xem như thành quả hàng đầu trong nhiệm kỳ I của Tổng thống Obama. Với chiêu đề đánh thuế người giầu để lo cho người nghèo, hầu san bằng sự cách biệt giầu nghèo trong xã hội Mỹ, đạo luật được nhiều người hoan hô, nhưng rất khó hiểu, cần được thay đổi và bổ túc một cách khôn ngoan để khả thi. Tuy nnhiên, đạo luật này cũng gây ra hai vấn đề hệ trọng gây tranh cãi rất nhiều:

a. Sự cưỡng bách mua bảo hiểm. Nếu không tuân, sẽ bị phạt tiền. Những người quá nghèo không thể mua nổi bảo hiểm sẽ được chính quyền trợ cấp. Nhiều tiểu bang viện dẫn tính cách vi hiến vì tính cách cưỡng bách của đạo luật, nên đã kiện lên Tối cao Pháp viện. Nhưng, các thẩm phán tại đây giải thích luật bảo hiểm y tế không là một thứ giao dịch thương mại, nên tiền người không mua bảo hiểm phải trả không là tiền phạt mà là tiền thuế. Luật này vì thế hợp hiến. Tuy nhiên, Tòa Tối cao cũng phán quyết chương trình mở rộng Medicaid là vi hiến vì chính phủ liên bang không thể đặt quyền trừng phạt lên các tiểu bang, nếu họ từ chối áp dụng việc mở rộng này. Các phán quyết này chỉ được thông qua với kết quả 4 chống 5 phiếu thuận khiến giới luật gia tỏ bày sự hối tiếc về sự biểu quyết theo phái (bảo thủ hay cấp tiến), chứ không thuần pháp lý.

b. Vấn đề ngừa thai và triệt sản do Luật Y tế này nay bó buộc người Thiên Chúa giáo là một sự vi phạm Quyền Tự do Tôn giáo. Hiện nay, Giáo hội Công giáo đang cung cấp 20% các cơ sở và dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho dân chúng trên toàn nước Mỹ. Nếu các nơi này buộc phải đóng cửa vì không muốn hành động trái lương tâm tôn giáo, Chánh phủ có khả năng để thay thế bằng quốc hữu hóa các phương tiện và cưỡng bách các nhân viên phải đi làm?

II. NHỮNG YẾU TỐ GIÚP ÔNG OBAMA Ở LẠI BẠCH ỐC.

Để thu hút phiếu trong nhiệm kỳ I, với chiêu bài "Change, We can" (Thay đổi, chúng ta có thể), ông Obama đã quảng cáo quyết tâm làm cách mạng quét sạch rác rưởi của xã hội, làm sạch Tòa Bạch ốc và Quốc hội Hoa kỳ. Khi nhậm chức, ông cam kết nếu không thành công, ông rời chức vụ. Khi tranh cử, để tiếp tục được nhiệm kỳ II, ông nói chưa hoàn tất công việc trong 4 năm qua, nên cần tiếp tục với chiêu bài "Forward" (cứ thế mà tiến tới) đầy hấp dẫn.
Kết quả cuộc tuyển cử cho chúng ta thấy số phiếu bầu phổ thông (trực tiếp) thật khít khao (Obama 50,50%: Romny 48%), người ta nói đến một khối cử tri Mỹ phân đôi, không có một đa số rõ rệt. Phân tích kết quả, chúng ta thấy ông Obama được sự tín nhiệm của cử tri thuộc các thành phần:

1. Phụ nữ vì họ lo ngại đạo luật Rose vs Wade cho phép phá thai có thể bị đảo ngược vì, trong thời gian tới, có 2 thẩm phán Tối cao Pháp viện sẽ về hưu và Tổng thống Obama có quyền bổ nhiệm những thẩm phán mới, có thể khuynh hướng bảo thủ sẽ không còn thời gian dài lâu nữa.

2. Người dân sắc tộc. Năm nay, người Hispanic, gốc vùng các quốc gia Nam Mỹ, thành phần vừa đông mà còn phát triển nhanh trong giới cử tri Mỹ, tham gia bầu cử nhiều ở những tiểu bang quan trọng mà ông Obama thắng những phiếu Đại cử tri để mở đường ở lại Bạch Cung hầu đẩy mạnh dự luật nhập tịch cho những đồng bào của họ.

3. Người có thể hưởng Obamacare. Đạo luật có thể có một vài sửa đổi, nhưng chắc chắn sẽ được thi hành cũng đã thu hút không ít phiếu bầu của những cử tri e ngại ông Romny có thể xoá bỏ luật này. Phần đông là những cử tri trẻ, những người nhận trợ cấp xã hội và đồng tính luyến ái.

II. NHỮNG THÁCH THỨC HAY HỒ SƠ ĐANG CHỜ.

A. Đối Nội.

1. Bế tắc chính trị vì vách đá tài chính.

Mùa tuyển cử 2012 đã kết thúc, cử tri Hoa kỳ trao quyền Hành pháp (Tổng thống) cho Obama (đảng Dân chủ) và quyền Lập pháp cho lưỡng viện Quốc hội (Thượng nghị viện thuộc đảng Dân chủ, nhưng Viện dân biểu do đảng Cộng hòa kiểm soát). Do đó, Tổng thống và Quốc hội đang tập trung để phá vỡ tình trạng bế tắc chính trị được gọi là "vách đá thuế vụ" (fiscal cliff). Đây là một vấn đề khó khăn bao gồm những biện pháp quan trọng để cắt giảm chi tiêu và tăng thuế, có nguy cơ làm ngưng trệ nền kinh tế Hoa kỳ, trừ khi hai đảng đạt được nhanh chóng thỏa hiệp với nhau, trước cuối năm.

Cả hai đảng đều cho rằng mình nhận trọng trách (mandate) của cử tri khi thực thi quyền Hành pháp hay Lập pháp trong việc thương thảo thuế khóa và ngân sách,. Các dân biểu Cộng hòa chủ trương giảm thuế cho tất cả giàu lẫn nghèo. Các đảng viên Dân chủ muốn chỉ giảm thuế cho những gia đình có lợi tức dưới 250.000 mỹ kim/năm (độc thân có lợi tức dưới 200.000 mỹ kim/năm).
Không giải quyết sự đối đầu nguy hiểm này, chính quyền Mỹ sẽ bị tê liệt và không quyết định được hai vấn đề cấp bách trước ngày 31.12.2012:
a. Nếu Quốc hội không gia hạn thì luật giảm thuế từ thời George W. Bush sẽ tự động hết hiệu lực vào cuối năm. Doanh nghiệp và tư nhân sẽ phải đóng thêm 600 tỷ mỹ kim tiền thuế. Do đó, người dân bớt tiêu xài, công ty ngừng mướn người khiến nền kinh tế đang yếu ớt sẽ thêm đình trệ.
b. Nếu lưỡng đảng không đạt thỏa thuận cắt giảm nợ công thì mức chi ngân sách sẽ tự động xén bớt 1.200 tỷ mỹ kim vào đầu năm 2013: 50% quốc phòng, và 50% vào các chương trình an ninh xã hội.

Ngoài ra, nợ công Hoa kỳ đến ngày 14.11.2012 đã đạt tới mức 16.244 tỷ mỹ kim. Mức trần nợ công (debt ceiling) này vừa được Quốc hội nâng lên 16.394 tỷ mỹ kim vào năm 2011. Do đó, Quốc hội lại phải ấn định mức trần nợ công mới để chính phủ có thể tiếp tục chi trả.
Trong tình trạng hai đảng cứ tranh chấp thì các công ty thẩm định tài chính Fitch, Moodys và Standard & Poors đã dọa sẽ hạ thấp điểm tín dụng khiến Hoa kỳ khó vay nợ hơn trước. Nền kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng sẽ đem ảnh hưởng xấu cho cả thế giới. Người ta không hy vọng các chính trị gia tương nhượng nhau để đi tới những giải pháp dung hoà.

2. Gia tăng phục hồi kinh tế.

Các chính trị gia hai đảng tạo một không khí tin tưởng để doanh nhân đem vốn hay vay để sản xuất và người dân dám dùng tiết kiệm để tiêu xài. Nhờ thế, nền kinh tế có tăng trưởng và tạo việc làm.
Ngoài việc hứa giảm thuế cho những người lao động có gia đình và tầng lớp trung lưu, ông Obama đảm bảo giản dị hóa thủ tục khai và nộp thuế. Nhờ đó, hy vọng người dân sẽ tiết kiệm được 200 triệu giờ cũng như 2 tỷ mỹ kim cho ngân sách mỗi năm.
Chi tiêu dùng trong gia đình là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế Mỹ vì chiếm tới hơn 70% TSLQN. Những dấu hiệu tăng liên tiếp 0,5% và 0,8% chi tiêu dùng trong tháng 8 và tháng 9 vừa qua cho thấy nền kinh tế Mỹ đi đúng hướng.
Chính phủ có thể sẽ chi ngân sách khoảng 160 tỷ mỹ kim cho các chương trình tạo việc làm công cộng hoặc thuê thêm giáo viên. Ngoài ra, cũng có kế hoạch tạo khoảng 60.000 việc làm trong lĩnh vực khai phá năng lượng hóa thạch và huấn nghệ khoảng 2 triệu người thất nghiệp dài hạn.

3. Dự luật di trú S.1348 được Bạch ốc hậu thuẫn nhằm giải quyết tình trạng di dân bất hợp pháp của 12 triệu người tại Mỹ đã bị trở ngại tại Quốc hội. Nhiều nghị sĩ Cộng hòa lẫn Dân chủ Thượng nghị viện nói rằng họ muốn có thêm thời gian để bàn luận về các tu chính án được đệ trình. để giữ cho nó không bị bác bỏ.

B. Đối Ngoại.

Sự tái đắc cử của Tổng thống Obama cho phép Hoa kỳ tiếp tục thi hành chính sách đối ngoại như đã hoạch định. Tuy Hoa kỳ vẫn là một cường quốc kinh tế và quân sự, nhưng họ muốn giảm vai trò cảnh binh trên thế giới.

1. Sự đối đầu với Iran. Người Mỹ xem nước này đang phát triển vũ khí nguyên tử, nhưng mọi giải pháp vẫn đang để ngỏ. Nếu một cuộc xung đột quân sự với Iran có thể đẩy giá dầu tại Mỹ tăng lên 5-6 mỹ kim/gallon, gây ảnh hưởng mạnh tới sự phục hồi kinh tế đang mới bắt đầu.

2. Nội chiến Syrie. Hoa kỳ đã công nhận Liên minh đối lập Syria mới được thành lập tại Doha và quyết định cung cấp thêm 30 triệu mỹ kim viện trợ nhân đạo cho những người bị ảnh hưởng của cuộc xung đột Syria.

3. Đối với Âu châu. Hoa kỳ vẫn duy trì những cam kết về phòng thủ quân sự trong Minh ước Bắc đại tây dương. Hoa kỳ đang trông chờ một sự giải quyết về nợ công và tìm lại sự phát triển kinh tế của các quốc gia thành viên để cải thiện kinh tế thế giới, trong đó có nền kinh tế Hoa kỳ.

4. Hoa kỳ và Trung quốc. Một ngẫu nhiên khiến hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Hoa kỳ (sau bầu cử) có nhiệm kỳ mới và Trung quốc (sau đại hội Cộng đảng) có lãnh đạo mới trong thời gian tới. Họ cũng phải ứng phó với nhiều nan đề thật ra đã cũ ở bên trong, nhất là về kinh tế.

Hoa kỳ là một liên bang với nền kinh tế tiên tiến và chế độ chính trị thật dân chủ. Kinh tế Trung quốc chỉ cải cách từ 1979 đến 2009 với một tiến bộ lớn cho mức sống của người dân và khả năng sản xuất chưa được sự tin tưởng lắm nơi người tiêu thụ. Dù có thay đổi, chế độ chính trị vẫn không giải quyết nổi những khó khăn cơ bản về kinh tế và xã hội trên một lãnh thổ rộng lớn mà thiếu tài nguyên và có quá nhiều dị biệt giữa các khu vực. Những vi phạm về nhân quyền và môi sinh luôn bị lên án. Quốc gia này có hơn một tỷ 330 triệu dân, nhưng quyền quyết định lại thuộc một đảng duy nhất, với hơn 80 triệu đảng viên. Các viên chức chính quyền là những đảng viên, không do dân bầu ra, nên từ trên xuống mà không ai nói khác.
Nền kinh tế Trung quốc lấy xuất cảng làm đầu máy tăng trưởng. Do đó, nhà nước nắm trong tay một khối lượng dự trữ ngoại tệ khoảng 3.500 tỷ mỹ kim. Với khối ngoại tệ ấy, họ đầu tư ra ngoài và có phương tiện lớn lao để mua chuộc hoặc lung lạc các quốc gia khác và mua khố phiếu Hoa kỳ với hơn 1.000 tỷ mỹ kim. Từ khi khủng hoảng kinh tế tại Hoa kỳ, người Mỹ bớt mua hàng ngoại quốc. Hoa kỳ có mức tiêu thụ khoảng 70% TSLQN, nhưng hơn 88% số tiêu thụ đó là mua hàng hóa và dịch vụ nội địa của doanh nghiệp Mỹ, chỉ 3% hàng nhập cảng chế tạo tại Trung quốc.
Mối lo nếu có từ phía Bắc Kinh đối với người Mỹ chính là an ninh chứ không là kinh tế hay mậu dịch.

5. Obama chuẩn bị chuyến sang Á châu. Sau khi thắng cử trở về Bạch ốc, Tổng thống Obama đã chủ trì cuộc họp bàn về chuyến đi châu Á với Ngoại trưởng Hillary Clinton, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta và Cố vấn An ninh Tom Donilon ngày 08.11.2012 để làm rõ chính sách Á châu của Hoa kỳ trong nhiệm kỳ thứ nhì của ông. Chuyến công du từ ngày 17 đến 20.11.2012 đưa ông đến Miến điện, Thái lan và Campucha. Tại Campucha, ông Obama sẽ dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Ngoài ra, ông Leon Panetta sẽ trở lại Úc đại lợi nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ đồng minh lâu đời với Canberra và là quốc gia đã cho Thủy quân lục chiến Mỹ luân chuyển qua căn cứ ở Darwin.

6. Vấn đề Biển Đông. Chính quyền Obama quyết định quay trở lại Biển Đông, tức quay vùng Á châu-Thái bình dương. Những người lãnh đạo Mỹ, Tổng thống Obama, Bộ trưởng Quốc phòng Panetta và Ngoại trưởng Clinton đều chứng tỏ là Hoa Kỳ có quan tâm đến nơi dây và có chính sách cứng rắn, không hoàn toàn nhân nhượng Trung quốc tại Biển Đông. Trước kia, Tổng thống Bush hờ hững với Biển Đông vì bị sa lầy bởi hai cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan, không thắng được mà lại còn tốn kém nữa. Khi đến Hoa kỳ nhận giải thưởng ở Wilson Center, lãnh tụ Singapore Lý Quang Diệu nói rằng Hoa kỳ làm như vậy là để sân Á Châu này cho Trung quốc ngự trị.

7. Với người dân Việt Nam. Các chánh trị gia Hoa kỳ, Hành pháp lẫn Lập pháp, đều hứa phát triển thương mại hai nước luôn đi kèm với sự cải thiện tôn trọng nhân quyền, nhưng chúng ta thấy gì? Trong 10 năm kể từ khi Hiệp định thương mại song phương có hiệu lực ngày 10.12.2001, thương mại hai chiều giữa Mỹ và Việt Nam đã tăng hơn 1.200%, từ 1,5 tỷ lên hơn 20 tỷ mỹ kim trong khi những vụ dân bị công an đánh chết ngày càng gia tăng. Hai văn kiện do Ủy ban Công lý và Hòa bình Hội đồng Giám mục phổ biến ngày 15.05.2012 và ngày 01.11.2012 để biết thực trạng.
Ngoại trưởng Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Panetta cũng hứa việc bán vũ khí cho nhà nước Việt Nam cũng tùy thuộc sự cải thiện nhân quyền, nhưng được bao lâu khi Hoa kỳ cần tăng trưởng kinh tế?