Dân Chúa Âu Châu

ĐTC Phanxicô Tân Chủ Chăn Giáo Hội Hoàn Vũ

BY: LM. TRẦN ĐỨC ANH & NAM ĐIỀN TỔNG KẾT

HABEMUS PAPAM: ĐứC HồNG Y BERGOGLIO ĐƯợC BầU LÀM TÂN GIÁO HOÀNG PHANXICÔ

VATICAN - ĐHY Jorge Mario Bergoglio, 76 tuổi, TGM giáo phận Buenos Aires, Argentina, đã được bầu làm Giáo Hoàng và ngài lấy danh hiệu là Phanxicô.
ĐHY Bergoglio đã đắc cử Giáo Hoàng trong lần bỏ phiếu thứ 5 tại mật nghị Hồng y tại nhà nguyện Sistina.
Theo nghi thức về mật nghị, sau khi HY hội đủ số phiếu ít là 2 phần 3 để đắc cử, ĐHY Giovanni Battista Re, 79 tuổi, là vị kỳ cựu nhất trong số các HY thuộc đẳng GM trong mật nghị, tiến đến trước mặt ĐHY và hỏi: "Ngài có chấp nhận việc bầu ngài làm Giáo Hoàng chiếu theo giáo luật không?". Sau khi ĐHY trả lời khẳng định thì ĐHY Re hỏi tiếp: "Vậy ngài muốn được gọi bằng tên nào?" Đức tân Giáo Hoàng cho biết ngài chọn tên là Phanxicô.

Tiếp đến, Đức Ông Guido Marini, trưởng ban nghi lễ phụng vụ của ĐGH, cùng với một công chứng viên tông tòa và 2 chức sắc phụ tá khác với tư cách là nhân chứng, sẽ soạn văn kiện chính thức về cuộc bầu cử và tên hiệu của vị tân Giáo Hoàng.
Lúc đó các lá phiếu được đốt đi và máy xông khói trắng được dùng để báo hiệu cho toàn thế giới bên ngoài. Đức tân Giáo Hoàng đi vào căn phòng nhỏ cạnh nhà nguyện Sistina quen gọi là "Phòng nước mắt". Tại đây đã có sẵn 3 bộ áo Giáo Hoàng theo 3 kích thước khác nhau, để Đức tân Giáo Hoàng thay đổi phẩm phục.
Rồi ngài trở lại nhà nguyện Sistina để cầu nguyện với Hồng y cử tri, và các vị đến chúc mừng Đức tân Giáo Hoàng, hứa vâng phục ngài, rồi cộng đoàn cùng nhau hát kinh Te Deum, Tạ Ơn Chúa.
Trước khi xuất hiện tại bao lơn Đền Thờ Thánh Phêrô, ĐGH mới đã dừng lại tại nhà nguyện Paolina để cầu nguyện chốc lát trước Mình Thánh Chúa.
Lúc 19 giờ 6 phút tối hôm 13.3.2013, khói trắng bắt đầu xông ra từ ống khói trên mái nhà nguyện Sistina, giữa tiếng reo vui mừng của hàng chục ngàn tín hữu kiên nhẫn đứng chờ đợi hàng giờ trước đó dưới trời mưa. Khói trắng thật rõ ràng, các chuông của đền thờ thánh Phêrô được gióng lên liên hồi, báo hiệu đã có Giáo Hoàng mới.
Tin này được loan đi lập tức trên khắp thế giới. Các đài truyền hình và phát thanh tạm ngưng chương trình đang phát để loan đi tin quan trọng này.
Tại Roma, hàng chục ngàn tín hữu và dân chúng dùng mọi cách để tuốn về quảng trường thánh Phêrô để chào mừng vị tân Giáo Hoàng. Quảng trường đông chật người, các tín hữu nhẩy mừng, reo hò ca hát, phất cờ quốc gia của họ. Có những những nhóm trương biểu ngữ hoan hô ĐGH.
Trong khi chờ đợi ban quân nhạc của hiến binh Vatican, cùng với đoàn vệ binh Thụy Sĩ và ban quân nhạc của hiến binh Italia và đoàn liên quân của nước này tiến ra thềm Đền thờ Thánh Phêrô để sẵn sàng chào mừng Đức Tân Giáo Hoàng. Ông đô trưởng Roma, Gianni Alemano, cũng có mặt để chào mừng.
1 giờ 5 phút sau khi bắt đầu có khói trắng, ĐHY Jean Louis Tauran, người Pháp, trưởng đẳng Phó tế, xuất hiện tại bao lơn đền thờ thánh Phêrô, giữa tiếng reo hò vui mừng của mọi người. Viva il Papa. Bầu trời lúc này đã tạnh mưa. ĐHY long trọng tuyên bố: Tôi loan báo cho anh chị em một tin vui lớn: Habemus Papam: Chúng ta đã có Giáo Hoàng. Đó là ĐHY Bergoglio. Ngài lấy danh hiệu là Phanxicô.

LờI CHÀO CủA ĐứC TÂN GH

Ít phút sau đó, Đức tân GH xuất hiện, Ngài ứng khẩu nói với mọi người:
"Anh chị em thân mến, chào anh chị em
Anh chị em biết là nghĩa vụ của mật nghị Hồng y là cung cấp một Giám Mục cho Roma. Dường như các anh em Hồng y của tôi đi đến hầu như tận cùng thế giới để tìm kiếm vị đó, nhưng bây giờ chúng ta đang ở đây. Tôi cám ơn anh chị em vì sự tiếp đón. Cộng đồng giáo phận Roma dành cho GM của mình. Cám ơn anh chị em.
Trước tiên tôi muốn cầu nguyện cho Đức nguyên GM Roma Biển Đức 16. Tất cả chúng ta cùng nhau cầu nguyện cho ngài, xin Chúa chúc lành cho ngài và xin Mẹ Maria gìn giữ ngài."
Tiếp đến Đức tân GH và mọi người đọc kinh Lạy Cha, Kính Mừng và Sáng Danh.

Rồi ĐTC Phanxicô nói tiếp: "Và giờ đây chúng ta bắt đầu hành trình này, GM và dân chúng, hành trình của Giáo Hội Roma là Giáo Hội chủ trì toàn thể các Giáo Hội khác trong đức bác ái, một hành trình huynh đệ và yêu thương, tín nhiệm giữa chúng ta. Chúng ta hãy luôn cầu nguyện cho chúng ta, cầu cho nhau. Chúng ta hãy cầu nguyện cho toàn thế giới để có một tình huynh đệ đậm đà hơn. Tôi cầu mong cho anh chị em sao cho hành trình này của Giáo Hội mà hôm nay chúng ta bắt đầu, và cho người giúp đỡ tôi là ĐHY giám quản hiện diện ở đây, được nhiều thành quả cho công cuộc rao giảng Tin Mừng tại thành phố đẹp đẽ này.

"Và giờ đây tôi muốn ban phép lành cho anh chị em. Nhưng trước tiên tôi xin anh chị em một ân huệ. Trước khi GM chúc lành cho dân, tôi xin anh chị em cầu xin Chúa chúc lành cho tôi. Kinh nguyện của dân, cầu xin Chúa ban phép lành cho GM của mình. Chúng ta hãy cầu nguyện trong thinh lặng, anh chị em cầu nguyện cho tôi.
Sau cùng, ĐHY Tauran loan báo ĐTC ban phép lành với ơn toàn xá cho các tín hữu, cho Roma và toàn thế giới.
Lễ ĐĂNG QUANG CủA ĐứC TÂN GH PHANXICÔ VÀO NGÀY 19.3 Lễ KÍNH THÁNH GIUSE
Cha Lombardi giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh đã cho biết rằng Thánh Lễ đăng quang Ngai Tòa Thánh Phêrô của Đức Tân GH Phanxicô sẽ được tổ chức vào ngày 19.3, ngày lễ kính Thánh Giuse, lúc 9g30 sáng, giờ Roma.

Một trong những hành động đầu tiên của ĐGH Phanxicô là điện thoại nói chuyện với ĐTC Biển Đức XVI, Giáo Hoàng danh dự.
Thứ năm 14g03, ĐGH Phanxicô đến kính viếng Đức Mẹ rại nhà thờ Đức Bà Cả Roma. Thánh Lễ kết thúc Cơ Mật Viện được cử hành lúc 17g00 chiều thứ năm trong Nhà nguyện Sistine.
Ngày thứ sáu, lúc 11 giờ sáng, Đức Tân Giáo Hoàng sẽ có cuộc yết kiến Hồng Y Đoàn tại Hội đường Clementine.
Rồi vào sáng thứ bảy lúc 11 giờ sáng ĐGH Phanxicô sẽ gặp gỡ tất cả các nhà báo và các phương tiện truyền thông, những người đã tường trình và loan tin về Mật Nghị Hồng Y bầu GH. Thông báo này đã làm toàn thể báo giới vui mừng và chào đón bằng một tràng pháo tay trong phòng họp báo. Và cuối cùng vào ngày Chủ nhật ĐGH Phanxicô sẽ đọc kinh Truyền Tin buổi trưa.
Cha Lombardi trong một cuộc họp báo ngẫu hứng, đã cho biết đây là vị Dòng Tên đầu tiên được bầu làm Giáo Hoàng. Ngài thực có tinh thần của tổ phụ Dòng Tên là thánh Ignatiô và là đầy tớ của Giáo hội.
Vị tân Giáo hoàng Dòng Tên "có một tầm nhìn quốc tế, sẵn sàng phục vụ bất cứ nơi nào có nhu cầu". Cha Lombardi cũng thuộc Dòng Tên và ngài cho biết chính mình cũng cảm nhận cú sốc khi biết có một ĐGH Dòng Tên, ngài nói thêm: "các tu sĩ Dòng Tên nghĩ họ là những người đầy tớ phục vụ, chứ không phải quyền bính trong Giáo Hội".

VÀI DÒNG TIểU Sử

ĐTC Jorge Mario Bergoglio thuộc dòng Tên, sinh ngày 17.12.1936 tại Buenos Aires. Ngài gia nhập dòng Tên ngày 11.3.1958 và theo học các môn nhân văn tại Chile và năm 1963 ngài trở về thủ đô Argentina, tốt nghiệp triết học tại phân khoa triết tại học viện San José. Trong hai năm từ 1964 đến 1965, ngài làm giáo sư văn chương và tâm lý tại học viện Đức Mẹ Vô Nhiễm ở thành phố Santa Fe, rồi sau đó tại học viện Salvatore tại Buenos Aires.

Từ năm 1967 đến 1970 ngài học thần học và tốt nghiệp tại học viện San Miguel. Ngày 13.12 năm 1969, thầy Bergoglio thụ phong linh mục lúc đã 33 tuổi. Rồi năm sau Cha làm nhà tập thứ hai ở Tây Ban Nha trước khi khấn trọng ngày 22.4.1973.

Cha Bergolio làm giáo tập, rồi giáo sư tại phân khoa thần học, trước khi làm gám tỉnh dòng Tên ở Argentina năm 1973.
10 năm sau đó, Cha Bergoglio sang Đức dọn luận án tiến sĩ. Năm 1992 ngài được Đức Gioan Phaolô 2 bổ nhiệm làm GM phụ tá tổng giáo phận Buenos Aires và 6 năm sau trở thành TGM giáo phận chính tòa của giáo phận này. 3 năm sau, 2001, ngài được thăng hồng y.

ĐHY Bergoglio vốn là vị, theo báo chí, đã được nhiều phiếu nhất sau ĐHY Ratzinger trong mật nghị bầu GH cách đây 8 năm.
Khi làm TGM giáo phận Buenos Aires, nổi tiếng là gần gũi dân chúng và sống khiêm nhường. Ngài vẫn thường đi xe bus, viếng thăm người nghèo, sống trong một căn hộ đơn sơ và tự nấu ăn. Đối với nhiều người dân Buenos Aires, ngài thường được gọi bằng danh hiệu đơn sơ là "Cha Jorge".

Báo La Nacion của Argentina viết rằng, khi Hồng y Bergoglio tới Roma, Ngài không muốn mọi người biết ngài là một Hồng y, nên thường xuyên mặc áo chùng đen. Ngoài ra, khi được thụ phong Hồng y, Bergoglio quyết định sẽ không mua bộ trang phục mới. Thay vào đó, ngài yêu cầu những người giúp việc sửa lại trang phục của Hồng y tiền nhiệm để nó vừa với thân hình ngài. Trong cuộc họp của các Hồng y tại Roma, ngài thường ngồi ở hàng ghế cuối vì không muốn gây sự chú ý.

ĐHY Bergoglio thiết lập các giáo xứ mới, chỉnh đốn các văn phòng hành chánh, hướng dẫn các sáng kiến bảo vệ sự sống và bắt đầu các chương trình mục vụ mới, như thành lập một ủy ban về những người ly dị. Trong thượng HĐGM thế giới kỳ 10 hồi tháng 10.2001, ngài được bổ nhiệm làm tổng tường trình viên. Từ năm 2005 đến 2011 ngài làm chủ tịch HĐGM Argentina.
ĐHY Bergoglio đã viết các sách và linh đạo và suy niệm, và cũng thường lên tiếng chống lại nạn phá thai, hôn nhân đồng phái.
Hồi năm 2010, khi Argentina trở thành quốc gia Nam Mỹ đầu tiên ban hành luật công nhân hôn nhân đồng phái, ĐHY khuyến khích các LM toàn quốc kêu gọi các tín hữu Công Giáo chống lại luật này vì nó làm thương tổn gia đình trầm trọng. Trước đó năm 2006, ngài cũng phê bình dự luật cho phá thai.

Ngài phản đối quyết liệt quyết định của Argentina hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính vào năm 2010, tranh luận rằng trẻ em cần phải có quyền được nuôi dưỡng và giáo dục bởi một người cha và một người mẹ. Tuy nhiên, ngài có một cái nhìn thực dụng hơn về ngừa thai, cho rằng nó có thể được dùng để ngăn chặn sự lây lan của bệnh tật.
Ngài ủng hộ các nỗ lực đại kết, tin tưởng vào việc đối thoại liên tôn.

Trong năm 2009 "HY Bergoglio" đã gây xôn xao khi ngài chỉ trích chính phủ Ernesto Kirchner, là người chồng của vị tổng thống hiện tại của Argentina, Cristina Fernández de Kirchner, nói rằng là "vô đạo đức, bất hợp pháp và bất công" để cho phép sự bất bình đẳng trong nước phát triển. "Thay vì ngăn chận, có vẻ như họ đã chọn để làm cho sự bất bình đẳng lớn hơn," ngài nói. "Nhân Quyền của người dân không chỉ bị vi phạm vì áp bức, khủng bố hay ám sát, nhưng còn bị vi phạm bởi cơ cấu không công bằng về kinh tế tạo ra sự bất bình đẳng rất lớn".

"MÓN QUÀ TO LớN"

"Habemus Papam Franciscum," là nội dung được tweet đầu tiên từ tài khoản của Giáo hoàng @pontifex kể từ khi Đức Biển Đức XVI thoái vị hồi cuối tháng 2 vừa qua.
Kết quả bầu chọn được đón chào với những tiếng vỗ tay vang trời tại thánh đường ở Buenos Aires, thành phố của tân Giáo hoàng. Trên khắp Mỹ Latinh, người dân đón nhận tin với niềm vui sướng pha lẫn ngạc nhiên.

"Đó là một món quà to lớn cho toàn thể Mỹ Latinh. Chúng ta đã chờ đợi 20 thế kỷ. Thật là sự chờ đợi đáng giá," hãng tin AP trích lời Josse Antonio Cruz, một thầy dòng dòng Francis tại thủ đô San Juan của Puerto Rica nói.

"Tất thảy mọi người, từ Canada cho tới Patagonia, đều đang cảm thấy được ban phước lành. Thật là một sự kiện đáng nhớ."
Thay mặt cho dân Mỹ, tổng thống Obama là một trong những người đầu tiên gửi công điện chúc mừng, ghi nhận rằng đây là vị Giáo Hoàng tiên phong từ Tân Thế Giới.
"Là một nhà vô địch tranh đấu cho người nghèo và dễ bị tổn thương nhất trong chúng ta, Ngài đã làm sáng tỏ các thông điệp của tình yêu và lòng từ bi là những cảm hứng của thế giới từ hơn 2000 năm - tức là qua tha nhân chúng ta nhìn thấy khuôn mặt của Thiên Chúa", Obama nói. "Là giáo hoàng đầu tiên từ châu Mỹ, sự lựa chọn Ngài cũng nói lên sức mạnh và sức sống của một khu vực đang ngày càng có ảnh hưởng lên thế giới của chúng ta, và cùng với hàng triệu người Mỹ gốc Tây Ban Nha, chúng tôi ở Hoa Kỳ xin chia sẻ niềm vui của ngày lịch sử này. "
Obama nói rằng ông rất mong muốn được làm việc với ĐGH mới "để thúc đẩy hòa bình, an ninh và phẩm giá cho người đồng loại, bất kể đức tin của họ".
Tổng thống Argentina, bà Cristina Kirchner nói rằng "chúng tôi chúc mừng Ngài thực hiện sứ mạng mục vụ hiệu quả." Bà cho biết "trách nhiệm to lớn đã đặt lên hai vai của Ngài để mưu tìm công lý, bình đẳng, tình huynh đệ và hòa bình cho nhân loại."

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon hy vọng có dịp hợp tác với Tòa Thánh dưới "tài lãnh đạo khôn ngoan" của ĐGH Phanxicô.
Hai nhà lãnh đạo châu Âu, Herman Van Rompuy và Jose Manuel Barroso, cầu chúc tân Giáo hoàng "một nhiệm kỳ lâu dài và đầy ơn phúc."
Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng ca ngợi và gửi lời chúc mừng. Thủ tướng Cameron gọi thứ Tư là "ngày trọng đại" của các tín hữu Công giáo toàn thế giới.

HƯớNG Về TƯƠNG LAI

1. Vị Giáo Hoàng đầu tiên đến từ Mỹ Châu Latinh.

Cả thế giới ngỡ ngàng trước tin Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio của Argentina trở thành vị GH đầu tiên từ châu Mỹ Latinh và lấy tên là GH Francisco. Trong nhiều ngày qua, người ta đã đưa ra hàng "tá" tên tuổi của các hồng y nổi tiếng có cơ hội trở thành giáo hoàng (Papabile). Nhưng như câu châm ngôn ở Roma là "Vị nào đi vào Mật Nghị giống như một giáo hoàng thì khi ra vẫn là một hồng y" lại một lần nữa chứng tỏ là đúng.
Mỹ Châu là châu lục có số người Công Giáo đông nhất, chiếm hơn 40% dân số Công Giáo thế giới. Người ta vẫn chờ đợi từ lâu một vị GH đến từ châu lục này. Tuy nhiên chưa từng xuất hiện trong lịch sử Giáo Hội một vị GH nào người Châu Mỹ. Trong 4 thập niên trở lại đây người ta nói đến nhiều về Giáo Hội tại Mỹ Châu Latinh. Giáo Hội tại Mỹ Châu Latinh cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn nạn nghiêm trọng, trong đó có vấn nạn rất nhiều người Công Giáo rời bỏ Giáo Hội để chạy theo các giáo phái khác. Có lẽ thời điểm hiện tại là thời điểm đã chín muồi để chọn một vị Giáo Hoàng đến từ Mỹ Châu. Và có lẽ đây cũng là lý do tại sao Mật Nghị Hồng Y đã bầu ra được vị Tân Giáo Hoàng trong một khoảng thời gian ngắn hơn (chưa đầy 2 ngày) khoảng thời gian mà nhiều người dự đoán.

2. Vị Giáo Hoàng đầu tiên chọn Tông hiệu là Phanxicô.

Có những cái tên như Gioan đã được 22 vị Giáo Hoàng (*) chọn làm Tông hiệu; Grêgôriô và Bênêđictô, mỗi tên đã được ít nhất là 16 vị GH chọn; Piô đã có 12 vị; thậm chí tên kép "Gioan-Phaolô" cũng đã được 2 vị Giáo Hoàng đương đại chọn làm tước hiệu cho triều đại của mình. Còn Phanxicô là tên lần đầu tiên xuất hiện trong danh sách Tông hiệu của các vị Giáo Hoàng.
Chúng ta biết rằng thông thường Tông hiệu do Tân GH tự quyết định. Tông hiệu được chọn có thể là để vinh danh tên của vị GH tiền nhiệm mà ngài cảm thấy yêu mến hoặc để đi theo đường hướng của các vị tiền nhiệm. Tân GH cũng có thể chọn tên một vị thánh hay một nhân vật nào đó trong Kinh Thánh. Tông hiệu của ĐGH thứ 266 là tên của thánh Phanxicô Assisi rất hợp với lối sống của ngài: đơn sơ khiêm nhường. Được biết ngay khi đã là Hồng Y Tổng Giám Mục, ngài vẫn thích sống trong một căn hộ nhỏ thay vì Toà Giám Mục sang trọng, thích sử dụng phương tiện đi lại công cộng và còn tự nấu ăn lấy.

Theo mẫu gương của Thánh Phanxicô, vị tân chủ chăn Hội Thánh cũng mời gọi Giáo Hội phải tái thiết Giáo Hội bằng chính cuộc sống đơn sơ khó nghèo theo tinh thần Tin Mừng, phải dấn thân giúp đỡ và bênh vực người nghèo. Vị Tân Giáo Hoàng đã từng gọi sự bất bình đẳng trong thế giới ngày nay là "tội lỗi xã hội kêu thấu đến tận trời cao" và nhấn mạnh trách nhiệm của Giáo hội là giúp đỡ người nghèo và những người bị gạt ra bên lề xã hội. Phải cống hiến cả cuộc đời để phục vụ cho Tin Mừng Cứu Độ: không chỉ biết lo lắng đến những nhu cầu riêng của Giáo Hội, mà phải mạnh dạn "Bước ra ngoài đường phố" sống và làm chứng cho Tin Mừng Cứu Độ.

3. Người đời lo nghĩ làm thế nào mà Giáo Hội có thể vượt qua được cơn sóng gió hiện tại?
Người lãnh những trọng trách này lại là một vị cao niên đã 76 tuổi mà hàng chục năm qua chỉ sống với một bên phổi do hậu quả của một chứng bệnh hô hấp thời trai trẻ. Vào thời đó, các liệu pháp điều trị nhiễm trùng bằng kháng sinh chưa ra đời. Vì thế các bác sĩ thường cắt bộ phận nhiễm trùng để ngăn chặn nó lan sang các bộ phận khác. Ngài lãnh trọng trách người đứng đầu Giáo hội Công giáo ở thời điểm mà sự bất khoan dung tôn giáo và phong trào tục hóa đang ngày càng gia tăng. Nhiệm vụ lớn lao của vị tân chủ chăn Hội Thánh là khôi phục lòng tin vào Giáo hội…
Kỳ Mật Nghị này, động thái nào đã đưa đẩy tới việc chấp nhận Sứ Vụ mới thì chưa ai rõ, nhưng một điều rất rõ ràng là, qua việc quan sát về đức độ và hoạt động của Ngài, người ta thấy rõ ràng đã có tác động của Chúa Thánh Thần trên Giáo Hội.

Việc bầu chọn một giáo hoàng nổi tiếng "thánh thiện" và "thương người" cho thấy Chúa Thánh Linh đã nói lên câu trả lời của Người: "Chúng con chỉ cần Mến Chúa và Yêu Người".
"Đó là một động thái thiên tài," theo Marco Politi, một người viết tiểu sử các giáo hoàng và là một quan sát viên Vatican kỳ cựu. "Đây là một vị không phải người Ý, ở ngoài châu Âu, không dính líu tới chính quyền La Mã. Đây là một cửa mở cho thế giới thứ ba, một người ôn hòa. Việc ngài lấy tên Francisco, cũng có nghĩa là một sự khởi đầu hoàn toàn mới ".

4. Ảnh hưởng Á châu

Trong bài "Tân GH nhìn về hướng nào?" của ông Đoàn Xuân Lộc đăng trên trang BBC Việt Ngữ vào ngày 14.3, ông nhận định như sau:
"Nhà truyền giáo dòng Tên, Matteo Ricci từng làm quan triều Minh ở Trung Quốc.
Dòng Tên là một dòng trí thức nổi tiếng thế giới và đã sản sinh ra nhiều nhà thần học lỗi lạc như Henri de Lubac hay Karl Rhaner. Và cũng nhờ thừa hưởng được truyền thống, di sản đó Đức Giáo Hoàng Francis I là một nhà trí thức có tư tưởng tương đối độc lập. Đây cũng là một điểm nổi bật khác nơi Ngài.
Điều này sẽ giúp Ngài mạnh dạn đưa ra những đường hướng mục vụ mới, những thay đổi lớn để nhờ đó Giáo hội có thể sống và loan báo Tin Mừng một cách thiết thực hơn, hữu hiệu hơn.
Việc lần đầu tiên một tu sỹ dòng Tên được bầu làm Giáo hoàng chắc chắn cũng sẽ có không ít tác động đến các nước Á châu, như Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ – những quốc gia chịu không ít sự ảnh hưởng của các tu sỹ Dòng Tên.

Chắc chắn mối quan hệ giữa GH và chính quyền cũng như các tôn giáo, tổ chức khác tại các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, sẽ có những thay đổi lớn.
Các tu sỹ Dòng Tên người Pháp hay Tây Ban Nhà là những vị thừa sai đầu đến truyền đạo tại Á châu. Trong đó có Thánh Francis Xavier, người được biết đến như là một nhà truyền giáo lừng danh, đã tới châu Á truyền đạo đầu giữa thế kỷ 16.

Với Việt Nam, không chỉ người Công giáo mà nhiều người khác còn biết đến một tu sỹ dòng Tên khác đó là linh mục Alexandre de Rhodes (hay còn được gọi là cha Đắc Lộ) vì ngài là người đóng góp một phần quan trọng trong việc hình thành chữ Quốc ngữ.
Việc Giáo hội Công giáo được hình thành và phát triển như ngày hôm nay tại các nước Á châu phần lớn nhờ sự đóng góp của các tu sỹ Dòng Tên. Tại những nước như Ấn Độ, Dòng Tên có rất nhiều hoạt động và ảnh hưởng, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Tại Việt Nam, trước 1975, các tu sỹ Dòng Tên cũng tham gia nhiều sinh hoạt, sứ vụ như giảng dạy tại Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt và tại các đại học khác hay hoạt động trong lĩnh vực truyền thông xã hội. Sau biến cố 1975, các hoạt động của Dòng bị giới hạn rất nhiều và chỉ được bắt đầu hồi sinh từ năm 1991.
Với việc ĐGH Francis I là một người đến từ Argentina – một nước có điều kiện kinh tế xã hội, chính trị gần giống với các nước châu Á – và là một tu sỹ Dòng Tên, một dòng tu có nhiều liên hệ với sứ mệnh truyền giáo của Giáo hội tại châu lục này, chắc chắn mối quan hệ giữa Giáo hội và chính quyền cũng như các tôn giáo, tổ chức khác tại các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, sẽ có những thay đổi lớn giới triều đại của Ngài."

Tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo hội một vị Giáo Hoàng, đẹp từ tên gọi đến cung cách sống. Nguyện chúc cho ngài luôn xứng đáng là vị Mục Tử Tối Cao như lòng Chúa mong ước, để tiếp nối triều đại rạng ngời của ĐGH danh dự Bênêđictô XVI.