Sống Lời Chúa Hôm Nay
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Ba Tuần 11 TN1, Năm lẻ
Bài đọc: 2 Cor 8:1-9; Mt 5:43-48.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Bổn phận trở nên hoàn thiện
Có nhiều lý do khiến con người từ chối ơn gọi trở nên hoàn thiện: (1) Họ đang sống giữa thế gian, và phải bon chen với đời để sống còn; (2) Ơn gọi nên hoàn thiện chỉ dành riêng cho một số người, chứ không phải cho tất cả mọi người. Họ muốn khiêm nhường làm người ẩn dật bình thường; và (3) Đức Kitô đòi con người phải làm những điều vượt quá sức lực và khả năng của con người! Làm sao con người có thể trút bỏ mọi sân si để trở nên hoàn thiện đang khi mang trong mình một thân xác?
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong những đòi hỏi mà người tín hữu phải cố gắng hoàn thành. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô kêu gọi các tín hữu nhiệt thành đóng góp cho Giáo Hội Mẹ tại Jerusalem, để giúp cho Giáo Hội có phương tiện rao giảng Tin Mừng đến mọi nơi. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đòi các môn đệ phải vượt quá tiêu chuẩn của thế gian để yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những người bách hại các ông.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Bổn phận phải đóng góp để giúp đỡ Giáo Hội.
Tuy Jerusalem là Giáo Hội Mẹ, nhưng rất nghèo vì hoàn cảnh địa dư, và chưa có sự tổ chức đóng góp từ các giáo hội địa phương như chúng ta có bây giờ. Vì thế, Phaolô tổ chức cuộc quên góp từ các giáo hội địa phương để giúp Giáo Hội tại Jerusalem.
1.1/ Gương đóng góp của Hội Thánh ở Macedonia: Để khích lệ các tín hữu Corintô biết nhiệt thành đóng góp, Phaolô lấy gương sáng của hội thánh ở Macedonia để làm gương cho họ.
(1) Người nghèo là người quảng đại đóng góp: Macedonia là một vùng không giầu có và gặp nhiều thiên tai đau khổ, nhưng khi nghe chương trình của Phaolô muốn lạc quên giúp Giáo Hội Mẹ, ''họ đã tự nguyện theo sức họ, và tôi xin làm chứng là quá sức họ nữa; trải qua bao nỗi gian truân, họ vẫn được chan chứa niềm vui; giữa cảnh khó nghèo cùng cực, họ lại trở nên những người giàu lòng quảng đại.''
Thông thường, người giàu có là người có phương tiện để đóng góp nhất, nhưng thực tế chứng minh không luôn luôn như vậy; càng giàu càng giữ chặt của. Những người nghèo là những người quảng đại hơn cả, như chúng ta thường nói: "Lá rách đùm lá tả tơi;" vì họ có kinh nghiệm sống thiếu thốn nên dễ cảm thông với những ai đồng cảnh ngộ.
(2) Lòng yêu thương Giáo Hội đàng sau việc đóng góp: Không những sẵn sàng đóng góp, ''họ khẩn khoản nài xin chúng tôi cho họ được phúc tham dự vào việc phục vụ các người trong dân thánh. Họ đã vượt quá điều chúng tôi mong ước là tự hiến mình phụng sự Chúa trước, rồi phục vụ chúng tôi theo ý Thiên Chúa." Đức tin con người có được là món quà vô giá Thiên Chúa ban qua tay của các môn đệ và các nhà truyền giáo. Nếu không có Giáo Hội Mẹ, chẳng bao giờ có các giáo hội con. Vì thế, như những người con thảo sẵn sàng giúp cha mẹ khi về già, các tín hữu cũng phải đóng góp cho Giáo Hội Mẹ để cùng chung mối lo làm sao cho Tin Mừng được rao truyền khắp cùng bờ cõi trái đất.
1.2/ Phaolô muốn Hội Thánh ở Corintô cũng quảng đại đóng góp cho Hội Thánh ở Jerusalem: Vì vậy chúng tôi đã xin anh Titô hoàn thành công việc lạc quyên đó nơi anh em, như anh ấy đã bắt đầu làm. Thánh Phaolô nêu bật 2 lý do nữa để khuyến khích các tín hữu Corintô nên nhiệt thành đóng góp:
(1) Đã nhận nhiều, cũng phải rộng lượng cho đi nhiều: ''Cũng như anh em từng trổi vượt về mọi mặt: về đức tin, lời giảng, sự hiểu biết, lòng nhiệt thành trong mọi lãnh vực, và về lòng bác ái mà anh em đã học được nơi chúng tôi, thì anh em cũng phải trổi vượt về lòng quảng đại trong dịp lạc quyên này nữa.''
(2) Gương của Đức Kitô: ''Quả thật, anh em biết Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có.'' Con người không thể so sánh với Đức Kitô; nhưng gương sáng của Ngài phải trở thành mẫu gương cho chúng ta noi theo.
2/ Phúc Âm: Bổn phận phải yêu thương kẻ thù.
2.1/ Luật người xưa: ''Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù.'' Luật Đức Kitô: ''Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.''
(1) Phân tích từ ngữ: Có ba động từ yêu trong Hy-lạp: erein, philein, agapan. Động từ yêu dùng ở đây là "agapan'' động từ này chỉ được dùng trong khuôn khổ của Kitô Giáo. Đức Kitô không đòi chúng ta yêu kẻ thù với tình yêu tự nhiên dành cho người yêu, hay dành cho những người trong gia đình (erein, philein). Nếu Chúa đòi như thế, Ngài bắt chúng ta đi ngược lại tự nhiên. Điều khác biệt giữa tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tự nhiên là ở chỗ khi yêu cách tự nhiên, con người dùng trái tim; nhưng khi yêu kẻ thù với tình yêu Thiên Chúa, con người phải dùng tới ý muốn của mình, nó là một thỏa thuận giữa trí tuệ và lòng muốn.
(2) Con người chỉ có thể yêu kẻ thù khi con người đã được thấm nhuần đạo lý và tình yêu của Đức Kitô: Theo Gioan, tình yêu này phát xuất từ Thiên Chúa và được thông ban cho con người qua Đức Kitô. Chúa Giêsu luôn đòi các môn đệ phải ở lại trong tình yêu này qua việc giữ các giới răn, trước khi truyền cho các ông phải "yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em."
(3) Theo lời dạy của Đức Kitô: Để có thể yêu kẻ thù, con người cần cầu nguyện cho họ. Khi con người có thể cầu nguyện cho họ, Chúa sẽ giúp con người có thể tha thứ hoàn toàn cho kẻ thù. Trên Thánh Giá, Chúa Giêsu cầu nguyện: "Lạy Cha! Xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm." Noi gương Đức Kitô, thánh Stephanô, vị tử đạo tiên khởi, cũng cầu nguyện cho những người ném đá mình: ''Lạy Chúa! Xin đừng chấp họ tội này.'' Và còn biết bao gương của các vị tử đạo khác nữa; điều này chứng minh đời hỏi của Đức Kitô không vượt quá giới hạn của con người.
2.2/ Những lý do tại sao phải yêu kẻ thù: Chúa Giêsu đưa ra 4 lý do:
(1) Để trở nên con cái của Thiên Chúa: Con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh. Điều làm con người nên giống Thiên Chúa nhất là yêu thương. ''Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.''
(2) Người môn đệ phải khác với người thường: ''Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao?''
(3) Người có đạo phải khác với người vô đạo: ''Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?''
(4) Để trở nên hoàn thiện: "Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.'' Hoàn thiện là mục đích của Thiên Chúa khi dựng nên con người, như Sách Sáng Thế viết: "Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa" (Gen 1:27).
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải trả lại cho Thiên Chúa những hồng ân Ngài đã ban tặng chúng ta. Chúng ta cũng phải giúp đỡ Giáo Hội vì niềm tin chúng ta có được là do tình yêu và lòng nhiệt thành truyền giáo Tin Mừng của Giáo Hội và các nhà truyền giáo.
- Chúng ta là những con cái của Thiên Chúa, và có bổn phận sống theo tiêu chuẩn của những công dân Nước Trời; chứ không được bằng lòng với những tiêu chuẩn của trần thế. Một trong những tiêu chuẩn làm chúng ta giống Thiên Chúa là yêu thương và cầu nguyện cho kẻ thù.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Hai Tuần 11 TN1, Năm lẻ
Bài đọc: 2 Cor 6:1-10; Mt 5:38-42.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Những đòi hỏi của người môn đệ Đức Kitô
Làm môn đệ ai là mong muốn được trở nên giống người đó. Làm môn đệ của Đức Kitô là chúng ta phải cố gắng học hỏi cuộc đời của Ngài, và diễn tả cách sống động bằng chính cuộc đời của chúng ta, để những người khác cũng muốn trở thành môn đệ của Ngài. Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong những lời dạy dỗ và cố gắng đáp ứng những đòi hỏi của người môn đệ Đức Kitô. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô khuyên các tín hữu đừng để các ân huệ Thiên Chúa ban trở nên vô hiệu, họ phải biết cách dùng nó cho việc phục vụ Tin Mừng như ông đã từng làm. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ của Ngài không chỉ giữ Luật công bằng như người xưa; nhưng còn phải sống luật yêu thương, để chứng tỏ cho người ta biết các ông là môn đệ Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chịu đựng đau khổ cho Nước Chúa trị đến.
1.1/ Đừng để ân huệ của Thiên Chúa ban trở nên vô hiệu:
(1) Các tín hữu phải biết sinh lời cho Chúa: Ân huệ Chúa ban cho con người không phải giữ lại để hưởng thụ, nhưng để cho việc phục vụ và loan báo Tin Mừng. Thánh Phaolô nhận thức rõ được điều này, nên ông khuyên các tín hữu: ''Vì được cộng tác với Thiên Chúa, chúng tôi khuyên nhủ anh em: anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa, thì đừng để trở nên vô hiệu. Quả thế, Chúa phán rằng: Ta đã nhận lời ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ ngươi trong ngày Ta cứu độ. Vậy, đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ.''
(2) Noi gương Phaolô: Nhìn lại công cuộc rao giảng Tin Mừng của mình, Phaolô tâm sự với các tín hữu, mục đích không phải để đánh bóng cá nhân, nhưng để các tín hữu bắt chước ông như ông đã bắt chước Đức Kitô: "Phần chúng tôi, chúng tôi chẳng làm gì gây cớ cho ai vấp phạm, để không người nào có thể đàm tiếu về công việc phục vụ của chúng tôi. Trái lại, trong mọi sự, chúng tôi luôn chứng tỏ mình là những thừa tác viên của Thiên Chúa.'' Trong khi phục vụ Tin Mừng, Phaolô đã phải chịu khó khăn đến từ mọi phía, Phaolô liệt kê những áp lực này như sau:
+ Phải chịu đựng những áp lực đến từ bên trong: căng thẳng, sợ hãi, lo âu.
+ Phải chịu đựng những áp lực đến từ bên ngoài: đòn vọt, tù đày, chống đối.
+ Phải hy sinh chịu đựng khi rao giảng: lao nhọc, mất ngủ, mất ăn.
Khi phải đương đầu với những áp lực khó khăn này, chúng tôi đều rất mực kiên trì chịu đựng (u'pomonh/|). Chúa Giêsu cũng đã báo trước cho các môn đệ biết những khó khăn mà các ông phải đương đầu với; nhưng Ngài hứa với các ông: Đừng sợ! vì Thầy ở cùng anh em.
1.2/ Người rao giảng phải được trang bị đầy đủ để sẵn sàng đối phó với nghịch cảnh: Thánh Phaolô chắc đã quá quen với binh giáp của người chiến sĩ Rôma, nên khi mô tả hình ảnh nhà rao giảng, ông dựa trên những binh giáp này. Hai khí cụ chính người chiến sĩ cần có là khiên thuẫn để bảo vệ thân mình và gươm giáo để tấn công địch thù. Tương tự, nhà rao giảng cũng cần có 4 đức tính để bảo vệ mình và 4 vũ khí để giao chiến.
(1) Những đức tính và vũ khí người môn đệ phải có:
- 4 đức tính phải sở hữu để tự vệ như thuẫn đỡ khiên che: trong sạch để không bị lôi cuốn vào lối sống của thế gian, khôn khéo để biết cách đương đầu với con người và thích ứng với những hoàn cảnh khác nhau, nhẫn nhục để chịu đựng mọi gian khổ và xỉ nhục, và có lòng nhân hậu để thông cảm và tha thứ.
- 4 vũ khí cần thiết để tấn công như gươm giáo:
+ một tinh thần thánh thiện để thánh hóa đời, chứ không để đời lôi cuốn.
+ một tình thương không giả dối: để yêu thương và cho đi cách vô vị lợi.
+ lời chân lý: thông hiểu và nhiệt thành rao giảng Tin Mừng.
+ sức mạnh của Thiên Chúa: người môn đệ tin vào sức mạnh của Thiên Chúa, chứ không cậy dựa vào sức mình. Nói như thánh Phaolô: "Chúng tôi lấy sự công chính làm vũ khí tấn công và tự vệ, khi vinh cũng như khi nhục, lúc được tiếng tốt cũng như khi mang tiếng xấu.''
(2) Những thái độ tự tin người môn đệ phải có: Bên cạnh các vũ khí được trang bị, người chiến sĩ cần có một thái độ tự tin khi giao chiến. Nếu không có thái độ tự tin, người chiến sĩ sẽ dễ đầu hàng trước nghịch cảnh. Một cách tương tự, nhà rao giảng cũng phải có thái độ vững tin nơi Thiên Chúa và nơi mình. Dựa trên kinh nghiệm cá nhân, thánh Phaolô liệt kê một số những thái độ tự tin nhà rao giảng cần có:
- bị coi là giả hiệu (impostor), nhưng kỳ thực chúng tôi chân thành;
- bị coi là vô danh, nhưng kỳ thực chúng tôi được mọi người biết đến;
- bị coi là sắp chết, nhưng kỳ thực chúng tôi vẫn sống;
- bị coi như trừng phạt, nhưng kỳ thực không bị giết chết;
- bị coi như phải ưu phiền, nhưng kỳ thực chúng tôi luôn vui vẻ;
- bị coi như nghèo túng, nhưng kỳ thực chúng tôi làm cho bao người trở nên giàu có;
- bị coi như không có gì, nhưng kỳ thực chúng tôi có tất cả.
2/ Phúc Âm: Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.
2.1/ Đòi hỏi tối thiểu của Luật công bằng: "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng." Đây là Luật Talionis xưa nhất trên thế giới, được tìm thấy trong Bộ Luật Hammurabi, khỏang 2250 BC. Luật này cũng được tìm thấy trong Cựu Ước ít là 3 lần (Exo 21:23-25, Lev 24:19-20, Deut 19:21). Mấy điều quan trọng về Luật này cần lưu ý: (1) Nó ngăn cấm việc gia tăng báo thù; (2) Nó được thi hành bởi quan án và ngăn cấm việc báo thù cá nhân; (3) Nó không được thi hành theo nghĩa đen, nhưng được tính bằng tiền bồi thường; và (4) nó không phải là tất cả Luật của Cựu Ước, vì vẫn còn những luật yêu thương và tha thứ (Lev 19:18, Pro 25:21, Lam 3:30).
2.2/ Sự hoàn thiện của Luật Yêu Thương: "Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa; nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài; nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi." Chúa Giêsu không bảo chúng ta hiểu theo nghĩa đen, nhưng Ngài muốn dạy chúng ta 3 nguyên tắc chính yếu của luân lý Kitô Giáo: (1) Người môn đệ không bao giờ được khinh bỉ hay tìm cách báo thù người đã gây thiệt hại cho họ; (2) Người môn đệ không bao giờ được đòi hỏi quyền mình phải được hưởng; (3) Người môn đệ không bao giờ được vịn vào quyền và tự do để làm những gì mình thích, nhưng phải luôn nghĩ tới bổn phận phải làm để giúp tha nhân và xây dựng Nước Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta là những môn đệ của Đức Kitô; vì thế, chúng ta phải cố gắng học hỏi và minh họa đời sống của Đức Kitô trong chính bản thân mình cho người khác nhận ra và tin vào Ngài.
- Chúng ta không thể bằng lòng với việc giữ cẩn thận Thập Giới, vì đó chỉ là nhưng điều kiện tối thiểu; nhưng phải đáp ứng đòi hỏi của giới luật yêu thương để chinh phục con người về cho Thiên Chúa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Chúa Nhật 11 Thường Niên, Năm B
Bài đọc: Eze 17:22-24; II Cor 5:6-10; Mk 4:26-34.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Uy quyền tối thượng của Thiên Chúa trên mọi hoạt động của con người.
Trong cuộc đời, có những điều xảy ra vượt quá khả năng hiểu biết của con người. Chẳng hạn, chúng ta không cắt nghĩa được sự sống, không giải thích nổi đức tin; vì những điều này đến từ Thiên Chúa. Một ví dụ rõ ràng hơn là sự thành hình của Giáo Hội Công Giáo. Đức Kitô đã thiết lập Giáo Hội từ con số 12 các tông đồ, và Giáo Hội đã không ngừng phát triển và tồn tại hơn 2,000 năm qua, cho dẫu phải đương đầu với biết bao những bắt bớ và thăng trầm của lịch sử.
Các bài đọc muốn nhấn mạnh đến tác nhân chính của công trình cứu độ là chính Thiên Chúa, con người chỉ giữ phần phụ thuộc trong công trình này. Trong bài đọc I, Thiên Chúa là Người tìm ngọn hương bá, vun trồng nó, và cho nó phát triển từ một chồi non thành một cây hương bá to lớn, đến nỗi "muông chim đến nương mình bên nó, và ẩn thân dưới bóng lá cành." Trong bài đọc II, thánh Phaolô nhấn mạnh vai trò của đức tin trong cuộc sống con người. Nếu các tín hữu để ngọn đèn đức tin của Thiên Chúa ban cho hướng dẫn cuộc đời, họ sẽ vượt qua được mọi gian nan thử thách và sống đẹp lòng Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu so sánh Nước Thiên Chúa giống như hạt giống gieo xuống đất, con người có biết đến hay không thì hạt giống vẫn sống: nó nẩy mầm, bén rễ, mọc lên, sinh hoa kết trái, và sẵn sàng cho mùa gặt. Ngài cũng so sánh Nước Thiên Chúa như hạt cải, tuy nhỏ bé nhất trong các hạt giống, nhưng có tiềm năng trở thành cây lớn cho muôn chim kéo đến làm tổ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa là tác nhân chính trong việc tìm ra, vun trồng, và làm cho cây hương bá lớn mạnh.
1.1/ Nó sẽ trổ cành và kết trái thành một cây hương bá huy hoàng: Các ngôn sứ, đặc biệt Isaiah và Ezekiel, muốn nhấn mạnh đến uy quyền tối thượng của Thiên Chúa trong việc tạo dựng, điều khiển và cứu chuộc; con người chỉ giữ một vai trò rất nhỏ là cộng tác với Thiên Chúa để mang ơn cứu độ đã có sẵn đến cho mình, và loan truyền ơn cứu độ của Thiên Chúa cho tha nhân.
Hình ảnh chồi non của cây hương bá mà Thiên Chúa chọn lựa và đem trồng có thể so sánh với hình ảnh chồi non của gốc tổ Jesse trong Isaiah 11:1-10. Chồi non này cách chính yếu là chính Đức Kitô, và cách thứ hai là Giáo Hội mà Đức Kitô thiết lập. Theo Ezekiel, Đức Kitô sẽ trở thành cây hương bá to lớn, thay thế các vua của dòng tộc David để cai trị không chỉ dân Do-thái, nhưng còn mọi quốc gia trên thế giới. Đó chính là ý nghĩa của câu "muông chim đến nương mình bên nó, và ẩn thân dưới bóng lá cành."
1.2/ Chính Ta là Đức Chúa, Ta đã phán là Ta thực hiện: Trong Kế Hoạch Cứu Độ, Thiên Chúa là Người phác họa, thi hành, và mang nó đến chỗ thành công. Một khi Thiên Chúa bắt đầu thi hành, không một uy quyền hay chính thể nào trên thế giới có thể chống lại hay ngăn cản ý định của Ngài. Thiên Chúa có toàn quyền chọn lựa và định đoạt: "Ta hạ thấp cây cao và nâng cao cây thấp, Ta làm cho cây xanh tươi phải khô héo và cây khô héo được xanh tươi." Con người thuộc mọi thời đại phải nhận ra và phục tùng uy quyền tối thượng của Thiên Chúa.
Đọc lại lịch sử Cứu Độ, một điều được các nhà lãnh đạo và các ngôn sứ lặp đi lặp lại sau các lời tuyên sấm cùa Thiên Chúa là "Đức Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã phán." Lịch sử Cựu Ước chứng nhận những lời này là trung thực: Thiên Chúa trung thành thực thi những gì Ngài đã hứa. Ví dụ: lời hứa ban cho Abraham một dòng dõi, Đất Hứa; lời hứa ban cho nhân loại Đấng Thiên Sai, lời hứa sẽ thiết lập một giao ước mới...
2/ Bài đọc II: Chúng ta tiến bước nhờ lòng tin.
2.1/ Vai trò của đức tin trong cuộc đời của các tín hữu: Theo thánh Phaolô, khi sống trong cuộc đời này, chúng ta không thấy Thiên Chúa; nhưng chúng ta vẫn mạnh dạn tiến bước là nhờ niềm tin vào những lời Chúa nói. Nhiều tác giả ví đức tin như ngọn hải đăng dẫn đường cho con thuyền đời của mỗi người chúng ta trong đêm tăm tối. Trong lịch sử, chúng ta có hàng ngàn hàng vạn những chứng nhân của niềm tin như : Abraham, Isaac, Jacob, Moses, Joshua, Isaiah, Jeremiah, Thánh Giuse, Đức Mẹ, các thánh... Họ can đảm bước đi không phải vì đã thấy; nhưng hoàn toàn do bởi niềm tin vào những gì Thiên Chúa hứa. Kinh Thánh chứng nhận: họ đã không phải hổ thẹn, vì tất cả những gì Thiên Chúa hứa, Ngài đã làm.
Nhiều người phản kháng rằng họ chỉ tin và bước đi khi nhìn thấy kết quả. Điều này khôi hài, vì biết bao lần trong cuộc đời, họ đã làm khi chưa nhìn thấy hậu quả. Họ đã làm theo ý của cha mẹ, thầy cô, các nhà lãnh đạo ngoài đời cũng như trong tôn giáo. Họ đã đặt niềm tin vào những con người phàm này để tiến tới. Tại sao họ lại không đặt niềm tin vào một Thiên Chúa uy quyền có khả năng biến đổi sự vật từ không ra có, và chẳng gì là không thể đối với Người!
Quan niệm của thánh Phaolô về cuộc đời tương tự như truyền thống của Việt-nam: Sống gởi, thác về. Còn sống trong thân xác là con người lưu lạc xa Thiên Chúa; khi dứt bỏ thân xác là con người trở về với Thiên Chúa. Làm sao chúng ta biết điều này là thật? Chúng ta phải tin tưởng vào những gì Thiên Chúa mặc khải và sự suy luận của lý trí. Mặc khải về sự sống lại và sự sống đời sau đã được chứng nhận bởi Đức Kitô trong Kinh Thánh. Suy luận của lý trí về sự trường sinh bất tử của linh hồn được chứng thực bởi các triết gia Hy-lạp.
2.2/ Mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm. Tin tưởng và làm theo thánh ý Thiên Chúa trong cuộc đời là điều mà một người khôn ngoan phải làm, chứ không phải là điều tùy thuộc; vì sống làm sao, Thiên Chúa sẽ trả cho chúng ta như vậy.
(1) Nếu chúng ta cố gắng tìm ra và sống theo thánh ý của Thiên Chúa, chứ không theo sở thích của chúng ta, Thiên Chúa chắc chắn sẽ cho chúng ta sống lại và hưởng hạnh phúc bên Ngài.
(2) Nếu chúng ta chỉ sống theo ý riêng, chúng ta không đẹp lòng Thiên Chúa. Chúng ta chắc chắn sẽ phải trả giá cho lối sống đó. Chúng ta sẽ không được sống hạnh phúc với Thiên Chúa và sẽ bị tiêu diệt muôn đời.
3/ Phúc Âm: Con người không thể hiểu thấu công trình của Thiên Chúa.
Trong trình thuật của Marcô hôm nay, Nước Thiên Chúa được Chúa Giêsu diễn giải qua 2 ví dụ. Mục đích của việc diễn giải là để nói lên: (1) Nước Thiên Chúa lớn mạnh là do Thiên Chúa, không do công sức của con người; và (2), Nước Thiên Chúa tuy bắt đầu bé nhỏ, nhưng có tiềm năng lan rộng khắp thế giới.
3.1/ Nước Thiên Chúa được ví như một hạt giống chứa đựng tiềm năng của sự sống. Chúa Giêsu nói: "Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa." Qua ví dụ này, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến 3 điều sau đây:
(1) Con người không phải là tác giả của sự sống: Sự sống đến từ Thiên Chúa và được trao ban cho muôn vật. Trong sự tạo dựng của Thiên Chúa, hạt giống tự nó đã có tiềm năng của sự sống. Con người không cho hạt giống sự sống, nhưng có thể giúp nó tăng trưởng và cho kết quả tốt hơn. Cũng vậy, Nước Thiên Chúa đến từ Thiên Chúa và đã có tiềm năng phát triển. Con người không tạo nên Nước Thiên Chúa, nhưng có thể giúp cho Nước Thiên Chúa mau đến.
(2) Đặc điểm của Nước Thiên Chúa:
* Sự tăng trưởng của nó không hiểu được: Con người có thể nhìn thấy sự tăng trưởng của hạt giống, nhưng không thể cắt nghĩa sự tăng trưởng của nó. Cũng vậy, con người có thể nhìn thấy Nước Thiên Chúa lớn mạnh dần, nhưng không thể cắt nghĩa lý do của sự lớn mạnh này.
* Sự tăng trưởng của nó cứ phát triển đều đặn: Không giống như sự tiến bộ của con người, có lúc tăng trưởng có lúc suy thóai. Sự tăng trưởng của hạt giống và của Nước Thiên Chúa cứ phát triển đều đặn và lớn mạnh dần.
(3) Mùa màng sẽ tới: Khi gieo giống xuống, con người chờ đợi mùa màng tới. Cũng vậy, khi Thiên Chúa bắt đầu triều đại của Ngài, là sẽ có ngày vinh quang. Con người cần kiên nhẫn và chuẩn bị xứng đáng cho Ngày đó.
Đức tin được ví như hạt giống gieo vào tâm hồn con người. Đức tin đến từ Thiên Chúa, chứ không phải từ con người; nhưng con người có thể cộng tác với Thiên Chúa để làm cho đức tin phát triển. Đức tin có tiềm năng lớn mạnh để giúp con người luôn tin tưởng nơi Thiên Chúa cho dù phải đương đầu với bao nhiêu sóng gió của cuộc đời.
3.2/ Tiềm năng của sự sống không lệ thuộc vào hình dạng bên ngoài: Hạt cải là hạt bé nhỏ nhất nhưng có tiềm năng trở thành cây lớn. Hạt cải bên Palestine là hạt có thể trở thành cây, chứ không phải chỉ trở thành rau như của chúng ta. Trong thế giới thời đó, các đế quốc thường được ví như cây, và các nước chư hầu được ví như cành. Chúa Giêsu có ý muốn nói: Nước Thiên Chúa bắt đầu với một nhóm người Do-Thái nhỏ; nhưng có tiềm năng trở thành cây lớn, và tất cả con người thuộc mọi quốc gia đến tìm chỗ nương tựa. Điều này đã được chứng minh bằng con số hơn một nửa dân số của thế giới đã tin vào Ngài.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Đức tin là quà tặng quí giá Thiên Chúa đã gieo vào tâm hồn con người. Chúng ta phải biết quí trọng, phát triển, và giữ vững đức tin.
- Chúng ta sống là nhờ đức tin và hy vọng vào Đức Kitô. Nếu không đặt niềm tin nơi Đức Kitô và thi hành những gì Ngài dạy bảo, chúng ta sẽ không có hy vọng được sống muôn đời.
- Đức tin có tiềm năng lớn mạnh và thực hiện những chuyện vượt quá sức con người. Vì thế, khi chúng ta chưa thực hiện được những gì Thiên Chúa đòi, đức tin của chúng ta còn non nớt, yếu kém. Chúng ta cần xin Thiên Chúa củng cố niềm tin cho chúng ta.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
NƯỚC THIÊN CHÚA GIỐNG NHƯ HẠT CẢI
CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN NĂM B (14/06/2012)
[Ed 17,22-24; 2 Cr 5,6-10; Mc 4,26-34]
I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Trong ba năm rao giảng và chữa lành khắp các nẻo đường Pa-lét-tin, Đức Giê-su
đặc biệt quan tâm đến việc giúp các môn đệ và dân chúng hiểu về Nước Trời (hay
Nước Thiên Chúa) mà Người thiết lập khi đến trần gian. Người đã dùng nhiều hình
ảnh, nhiều dụ ngôn -là một hình thái văn chương bình dân và cách trình bày quen
thuộc với người đương thời- để nói về Nước Trời.
Trong bài Tin Mừng theo Thánh Mác-cô chúng ta đọc hôm nay, chúng ta thấy Đức
Giê-su dùng 2 dụ ngôn:
Dụ ngôn thứ nhất là Nước Trời được ví như một hạt lúa được gieo vào lòng đất tự
nó nầy mẩm, thành cây và trỗ bông nặng chĩu hạt lúa mới cho mùa gặt bội thu.
Dụ ngôn thứ hai là Nước Trời giống như hạt cải bé nhỏ, lúc gieo xuống đất, nó là
loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi mọc lên cây cải lớn hơn mọi thứ rau cỏ,
cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ ở đó.
Hai dụ ngôn trên có ý nghĩa gì với chúng ta hôm nay?
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Trong bài đọc 1 (Ed 17,22-24): Ta hạ thấp cây cao và nâng cao cây thấp
22 Đức Chúa là Chúa Thượng phán như sau: Từ ngọn cây, từ ngọn hương bá cao
chót vót, Ta sẽ lấy, sẽ ngắt một chồi non; chính Ta sẽ trồng nó trên đỉnh núi cao vòi
vọi. 23 Ta sẽ trồng nó trên núi cao của Ít-ra-en. Nó sẽ trổ cành và kết trái thành một
cây hương bá huy hoàng. Muông chim đến nương mình bên nó, và ẩn thân dưới
bóng lá cành. 24 Tất cả cây cối ngoài đồng ruộng sẽ nhận biết chính Ta là Đức
Chúa. Ta hạ thấp cây cao và nâng cao cây thấp, Ta làm cho cây xanh tươi phải khô
héo và cây khô héo được xanh tươi. Chính Ta là Đức Chúa, Ta đã phán là Ta thực
2.2 Trong bài đọc 2 (2 Cr 5,6-10): Dù còn ở trong thân xác, hoặc đã lìa bỏ thân
xác, chúng tôi chỉ có một tham vọng là làm đẹp lòng Chúa.
6 Thưa anh em, chúng tôi luôn mạnh dạn, và chúng tôi biết rằng: ở lại trong thân
xác này là lưu lạc xa Chúa, 7 vì chúng ta tiến bước nhờ lòng tin chứ không phải nhờ
được thấy Chúa... 8 Vậy, chúng tôi luôn mạnh dạn, và điều chúng tôi thích hơn, đó
là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa. 9 Nhưng, dù còn ở trong thân xác hoặc đã lìa
bỏ thân xác, chúng tôi chỉ có một tham vọng là làm đẹp lòng Người. 10 Vì tất cả
chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước toà Đức Ki-tô, để mỗi người lãnh
nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác.
2.3 Trong bài Tin Mừng (Mc 4,26-34): Hạt cải là loại nhỏ nhất, nhưng đã trở
thành cây lớn hơn mọi thứ rau cỏ.
26 Khi ấy Đức Giê-su nói với dân chúng dụ ngôn này: "Chuyện Nước Thiên Chúa
thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. 27 Đêm hay ngày,
người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì
người ấy không biết. 28 Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi
trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. 29 Lúa vừa chín, người ấy
đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa."
30 Rồi Người lại nói: "Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn
nào mà hình dung được? 31 Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống
đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. 32 Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn
hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng."
33 Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà rao giảng lời cho họ, tuỳ theo mức họ có
thể nghe. 34 Người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng
khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết.
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG
BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân Dung của Thiên Chúa
1o) Bài đọc 1 (Ed 17,22-24) là một đoạn sách của ngôn sứ Ê-dê-kien trong đó
Thiên Chúa khẳng định Người là Đức Chúa, Người là Thiên Chúa vì Người "sẽ lấy,
sẽ ngắt một chồi non từ ngọn cây, từ ngọn hương bá cao chót vót và sẽ trồng nó trên
núi cao của Ít-ra-en. Nó sẽ trổ cành và kết trái thành một cây hương bá huy hoàng."
Đó là hình ảnh của công trình vĩ đại mà Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử Ít-ra-en
cũng là lịch sử cứu độ nhân trần.
2o) Bài đọc 2 (2 Cr 5,6-10) là một đoạn của thư thứ 2 của Thánh Phao-lô gửi tín
hữu Cô-rin-tô trong đó Thánh Phao-lô mời các tín hữu hãy noi gương bắt chước
ngài mà sống đức tin cách mạnh dạn, can trường để làm đẹp lòng Thiên Chúa.
3o) Bài Tin Mừng (Mc 4,26-34) là hai dụ ngôn mà Chúa Giê-su dùng để nói về
Nước Trời (hay Nước Thiên Chúa) trong Sách Phúc Âm theo Thánh Mác-cô. Trong
dụ ngôn thứ nhất Nước Trời được ví như hạt lúa được gieo vào lòng đất và tự nó
phát triển thành cây và đơm hoa kết trái. Trong dụ ngôn thứ hai Nước Trời được ví
như hạt cải bé nhỏ, nhưng khi nó thành cây thì nó "lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá
xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng." Cả hai dụ ngôn mang chung ý
nghĩa là Nước Trời có sức mạnh nội tại khôn lường, vì đó là công trình của chính
Thiên Chúa.
3.2 Sứ điệp của Lời Chúa
Là tin tưởng vào Nước Trời là một thực tại xem ra nhỏ bé, nhưng ẩn chứa một sức
mạnh phát triển phi thường.
IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA LỜI CHÚA
4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng đã ban tặng cho chúng ta Nước của Người (là
Nước Trời hay Nước Thiên Chúa) và mời gọi chúng ta trở thành công dân của Nước
ấy và làm cho Nước ấy phát triển lớn mạnh chung quanh chúng ta.
4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa hôm nay là
a) Tin vào Nước Trời là thực tại siêu hình nhưng có thật đang được
b) Gia nhập vào Nước ấy bằng sự dấn thân phục vụ Thiên Chúa và đồng loại
c) Làm cho Nước ấy phát triển lớn mạnh.
V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý: ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý
thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ
bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]
5.1 «Tất cả cây cối ngoài đồng ruộng sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa.»
Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho hết mọi người được ơn nhận ra hành động của
Thiên Chúa trong trần gian và đón nhận Nước Trời .
Hát: Chúa ơi, xin nghe lời chúng con nguyện cầu!
5.2 «Nhưng, dù còn ở trong thân xác hoặc đã lìa bỏ thân xác, chúng tôi chỉ có
một tham vọng là làm đẹp lòng Người.» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho Đức
Thánh Cha Phan-xi-cô, cho các Đức Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục, cho
các linh mục và phó tế, để các vị ấy chỉ có một tham vọng duy nhất là làm đẹp lòng
Thiên Chúa như Thánh Phao-lô.
Hát: Chúa ơi, xin nghe lời chúng con nguyện cầu!
5.3 «Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống
xuống đất.» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho các tín hữu thuộc giáo xứ chúng ta để
mọi người ý thức mạnh mẽ về thực tại Nước Thiên Chúa đang lớn lên chúng quanh
Hát: Chúa ơi, xin nghe lời chúng con nguyện cầu!
5.4 «Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng,
và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt.» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho các
Ki-tô hữu lo việc mở mang Nước Trời, để họ biết tin tưởng phó thác mọi sự cho
quyền nằng của Thiên Chúa.
Hát: Chúa ơi, xin nghe lời chúng con nguyện cầu!
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Bảy Tuần 10 TN1, Năm B
Bài đọc: 2 Cor 5:14-21; Mt 5:33-37.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Yêu thương thành thật
Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mà con người đang bị khủng hoảng trầm trọng trong các mối liên hệ: con người không ngừng vi phạm những điều họ đã hứa với Thiên Chúa và với tha nhân. Nhìn vào những nhà lãnh đạo của các quốc gia, trước khi đắc cử, họ hứa hẹn với dân chúng rất nhiều; nhưng sau khi nhậm chức, chẳng thực hành được bao nhiêu. Trong lãnh vực kinh tế và tài chánh cũng thế, sự khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang xảy ra là vì quá nhiều chủ tịch các công ty đã gian lận tiền của chính phủ và của dân chúng để làm của riêng mình. Trong đời sống gia đình cũng chẳng khá hơn: bao nhiêu cặp vợ chồng ăn ở với nhau mà chẳng cần làm hôn thú hay lễ cưới; dẫu có thề hứa trước Thiên Chúa cũng chẳng giữ lời (hơn 50% đã chia tay). Trong đời sống linh mục và tu trì cũng thế, bao nhiêu người đã giũ áo ra đi và không trung thành với những gì mình đã thề hứa! Lời thề hứa hôm nay còn có giá trị hay không? Thiên Chúa còn có thể tin những gì con người thề hứa?
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc con người phải mến Chúa yêu người cách thành thật. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô khuyên các tín hữu phải thấu hiểu và ở lại trong tình thương Thiên Chúa, trước khi họ có thể loan truyền tình thương này và chinh phục con người về cho Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy các môn đệ không cần phải thề thốt; nhưng phải luôn biết tập luyện để nói, sống, và làm chứng cho sự thật. Một cách đơn giản: hễ "có" thì phải nói "có;" "không" thì phải nói "không." Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới.
1.1/ Tình yêu Thiên Chúa phải biến đổi con người: Khi yêu nhau, con người yêu tất cả những gì thuộc về người yêu của mình; ngay cả những gì trước đây mình ghét hay không quan tâm tới, giờ cũng trở thành đáng yêu. Ca dao Việt-nam tuy có khuếch đại, nhưng nói lên được điểm này trong bài tả những thói xấu của người phụ nữ: "Đi chợ thì hay ăn quà; chồng thương chồng bảo về nhà đỡ cơm ... Đêm ngủ thì gáy ó o; chồng thương chồng bảo gáy cho vui nhà."
Một cách tương tự, khi con người cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa và của Đức Kitô, con người sẽ nhìn tất cả theo lăng kính tình yêu này.
(1) Đối với Thiên Chúa: Thánh Phaolô khuyên các tín hữu: "Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình." Trong cuộc đời, ơn cứu tử là ơn không bao giờ quên được; phương chi là ơn cứu tử từ một người phải chết thay để con người được sống và sống đời đời. Thánh Phaolô đã cảm nghiệm rõ điều này, khi Ngài thốt lên: "Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi" (Gal 2:20).
(2) Đối với tha nhân: Nếu nhìn tha nhân dưới lăng kính loài người, một người sẽ không thấy nhu cầu cần phải hy sinh và yêu thương họ; nhưng nếu nhìn tha nhân dưới lăng kính của tình yêu Thiên Chúa, người đó sẽ dễ dàng yêu thương và hy sinh cho tha nhân; vì tất cả đều là anh/chị/em với nhau và đã được cứu chuộc bằng Máu Cực Thánh của Đức Kitô. Khi một người phải hư đi, Thiên Chúa sẽ buồn; và vì cùng cảm nhận nỗi buồn của Thiên Chúa, chúng ta sẽ sẵn sàng hy sinh để cứu linh hồn đó về cho Thiên Chúa. Chính vì quan điểm này, mà thánh Phaolô đã thốt lên: "Vì thế, từ đây chúng tôi không còn biết một ai theo quan điểm loài người. Và cho dù chúng tôi đã được biết Đức Kitô theo quan điểm loài người, thì giờ đây chúng tôi không còn biết Người như vậy nữa. Cho nên, phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi."
1.2/ Sứ vụ hoà giải: Khi đã được thấm nhuần tình yêu Thiên Chúa, người môn đệ được sai đi để làm chứng cho tình yêu này. Trước tiên, họ phải dùng Tin Mừng để nói cho mọi người biết về tình yêu Thiên Chúa. Thứ đến, họ phải biết cách diễn tả tình yêu này bằng chính cuộc sống chứng nhân của mình bằng cách yêu thương và giúp đỡ tha nhân. Tiến trình hòa giải luôn có hai chiều:
(1) Con người hòa giải với Thiên Chúa: Nhờ Đức Kitô mà con người được hoà giải với Thiên Chúa, và chính Đức Kitô đã trao cho môn đệ của Ngài sứ vụ hoà giải, như thánh Phaolô nói: ''Thật vậy, trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa, và giao cho chúng tôi công bố lời hoà giải.'' Bổn phận của các môn đệ là phải rao giảng và sống làm sao để con người nhận ra: tình thương Thiên Chúa dành cho họ và tội lỗi họ đã xúc phạm đến Thiên Chúa. Hai điều này sẽ giúp con người tìm vào tòa cáo giải để giao hòa với Thiên Chúa.
(2) Con người hòa giải với tha nhân: Tôi con người phạm không chỉ xúc phạm đến Thiên Chúa, mà còn xúc phạm đến tha nhân. Vì thế, con người cần giao hòa và tha thứ với tha nhân sau khi đã được giao hòa và tha thứ với Thiên Chúa.
2/ Phúc Âm: Hễ "có" thì phải nói "có;" "không" thì phải nói "không."
2.1/ Đừng thề thốt chi cả: Đây là những lời dạy lý tưởng trong chương 5 của Tin Mừng Matthew để trở thành môn đệ của Chúa: Lề Luật chỉ là những điều kiện tối thiểu để ngăn cản con người đừng phạm tội; nhưng trở thành môn đệ của Đức Kitô đòi con người phải tiến xa hơn là việc đơn giản giữ các luật lệ. Trong trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu dạy dỗ các môn đệ về việc phải luôn trung tín trong lời nói và việc làm: Để hiểu những lời này, chúng ta cần phân biệt ít nhất 3 lý do tại sao con người dùng tên Chúa để thề:
(1) Có những người quen kêu tên Chúa, Đức Mẹ, và các thánh, cách vô cớ như "Giêsu Maria Giuse." Họ kêu mà chẳng nghĩ gì đến các ngài cả. Đây là tội phạm đến điều răn thứ hai, vì Danh Chúa là danh cực trọng. Người Do-thái không dám gọi đích danh Thiên Chúa, mà chỉ dám lướt qua (Yahweh) hay gọi một chữ khác.
(2) Có những người quen lấy danh Chúa mà thề, mặc dù chẳng có gì quan trọng hay chẳng ai bắt phải thề thốt chi cả.
(3) Có những người thề nhưng lại tránh dùng đích danh Chúa, vì họ biết Lề Luật buộc họ phải thi hành khi lấy danh Chúa thề; nên khi họ thề, họ chỉ trời, chỉ đất, chỉ Đền Thờ, chỉ lên đầu như Chúa Giêsu liệt kê hôm nay, để khỏi phải giữ lời thề. Họ quên đi Chúa ở khắp mọi nơi và thấu hiểu mọi ý nghĩ trong lòng họ; chẳng thể nào họ có thể chỉ bất cứ gì để thề mà không phải giữ, vì mọi sự trong trời đất này đều thuộc về Thiên Chúa.
2.2/ Sống theo sự thật: Chúa tiếp tục dạy các môn đệ: "Nhưng hễ "có" thì phải nói "có;" "không" thì phải nói "không." Thêm thắt điều gì là do ác quỷ." Người môn đệ của Đức Kitô phải luôn biết nói, sống và làm chứng cho sự thật. Nếu một người luôn trung tín, những gì người ấy nói ra đủ cho người khác tin tưởng mà không cần phải thề thốt chi cả; nhưng nếu một người bất trung, bao nhiêu lời thề hứa của họ cũng chẳng có giá trị chi cả. Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh cho các môn đệ biết tập luyện để có nhân đức trung thành, hơn là những lời hứa hẹn ngoài miệng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Tình yêu Thiên Chúa là điều chúng ta cần có trước tiên, trước khi có thể yêu thương chân thành những người khác; nếu không có tình yêu này, chúng ta sẽ dễ dàng phản bội nhau.
- Chúng ta là những môn đệ của Đức Kitô, chúng ta phải tập luyện làm sao để luôn biết nói, sống, và làm chứng cho sự thật. Nếu chúng ta luôn làm như thế, thề thốt là điều dư thừa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Sáu Lễ Thánh Tâm, Năm B
Bài đọc: Hos 11:1, 3-4, 8c-9; Eph 3:8-12, 14-19; Jn 19:31-37.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thánh Tâm Chúa Giêsu
Chúng ta thường rất ghét người phản bội, nhất là sự phản bội từ những người mà chúng ta đã yêu thương, hy sinh, và lo lắng mọi sự cho họ như: vợ chồng, con cái, bạn kết nghĩa ... Nhưng nếu xét về mối liên hệ của chúng ta dành cho Đức Kitô, chúng ta cũng chẳng khác chi những người phản bội hay vô ơn bạc nghĩa; vì chúng ta đã không đền đáp cho cân xứng những gì Ngài đã làm cho chúng ta: ơn cứu tử, ơn được làm con Thiên Chúa, ơn nuôi dưỡng hằng ngày qua BT Thánh Thể, ơn dạy dỗ qua Kinh Thánh, ơn răn dạy và thúc đẩy làm hòa với Thiên Chúa, và ơn thánh bảo vệ chúng ta khỏi mọi nguy hiểm.
Các Bài Đọc trong ngày Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta nhớ đến tình yêu Thiên Chúa, để chúng ta biết cách đáp trả cho cân xứng. Trong Bài Đọc I, tiên tri Hosea nhắc nhở cho dân Do-thái biết tình yêu của Thiên Chúa dành cho họ như tình phụ tử của người cha dành cho con; thế mà họ đã phản bội Ngài như những dân thành tội lỗi nhất của Cựu Ước. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu Ephesô về tình yêu của Thiên Chúa và Kế Hoạch Cứu Độ của Ngài. Theo Kế Hoạch này, Ngài chọn dân Do-thái làm dân riêng trước để yêu thương và dạy dỗ họ; nhưng khi Đức Kitô đến, tình yêu và ơn cứu độ của Thiên Chúa sẽ mở rộng đến tất cả mọi người. Trong Phúc Âm, thánh Gioan ghi lại một biến cố quan trọng trong những giờ phút cuối cùng của Đức Kitô trên Thập Giá: một tên lính không đập gẫy ống chân Ngài; nhưng dùng ngọn giáo đâm thủng cạnh sườn Ngài, tức thì Nước cùng Máu chảy ra. Nước để rửa sạch tội cho con người qua BT Rửa Tội để con người xứng đáng làm con Chúa, và Máu để nuôi dưỡng con người qua BT Thánh Thể và cung cấp đời sống thần linh cho con người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Tình thương Thiên Chúa dành cho dân tộc Israel.
1.1/ Mối tình phụ tử: Tiên tri Hosea dùng nhiều hình ảnh để diễn tả mối liên hệ giữa Thiên Chúa và dân tộc Israel. Trong trình thuật hôm nay, tiên tri ví Thiên Chúa như người cha và Israel như người con: ''Khi Israel còn là đứa trẻ, Ta đã yêu nó, từ Ai-cập Ta đã gọi con Ta về. Ta đã tập đi cho Ephraim, đã đỡ cánh tay nó, nhưng chúng không hiểu là Ta chữa lành chúng. Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng. Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má; Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn.'' Khi dân Israel còn làm nô lệ bên Ai-cập, Thiên Chúa vì yêu họ, nên đã dẫn đưa họ ra khỏi Ai-cập qua sự lãnh đạo của ông Moses để ban cho họ một vùng Đất Hứa chảy sữa và mật. Ngài đã dạy dỗ họ từng ly từng tí, và ban Thập Giới để họ biết sống xứng đáng như Dân Riêng của Ngài.
Ephraim và Manasseh là hai con của Joseph, và được tổ phụ Jacob chúc lành như 12 chi tộc của Israel. Ephraim nằm về phía Bắc và thuộc vương quốc Israel khi bị chia đôi. Nhiều tác giả đã dùng tên Ephraim để gọi vương quốc Israel phía Bắc (Isa 7:2, Jer 31:9; Eze 37:16, 19), và Judah để gọi vương quốc phía Nam.
1.2/ Sự phản bội của Israel: Mặc dù được Thiên Chúa yêu thương, dạy dỗ, và bảo vệ cẩn thận; Israel đã xúc phạm đến Thiên Chúa bằng cách vi phạm các giới răn, quay lưng lại với Thiên Chúa, và chạy theo các thần ngoại bang. Theo giao ước trên núi Sinai, Thiên Chúa có quyền để mặc họ cho quân thù giày xéo, hay khiến lửa diêm sinh từ trời xuống tiêu diệt họ, như đã từng tiêu diệt các thành tội lỗi như 5 thành Sodom, Gomorrah, Admah, Zeboiim, và Zoar (Gen 14:2, 8). Nhưng tình yêu Thiên Chúa đã ngăn cản Ngài làm chuyện đó cho Israel: ''Hỡi Ephraim, Ta từ chối ngươi sao nổi! Hỡi Israel, Ta trao nộp ngươi sao đành! Làm sao Ta xử với ngươi như với Admah, để ngươi nên giống như Zeboiim được? Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi. Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận, sẽ không tiêu diệt Ephraim nữa, vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm. Ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh, và Ta sẽ không đến trong cơn thịnh nộ.''
2/ Bài đọc II: Tình thương Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người.
2.1/ Tình thương Thiên Chúa được biểu lộ qua Đức Kitô:
(1) Hai đặc quyền được ban cho Phaolô: thấu hiểu và loan truyền tình thương cứu độ của Thiên Chúa, được thực hiện qua Đức Kitô: ''Tôi là kẻ rốt hết trong toàn thể dân thánh, thế mà Thiên Chúa đã ban cho tôi ân sủng này là loan báo cho các dân ngoại Tin Mừng về sự phong phú khôn lường của Đức Kitô, và soi sáng cho mọi người được thấy đâu là mầu nhiệm Thiên Chúa đã an bài.''
(2) Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa được thực hiện qua Đức Kitô: Theo Kế Hoạch này, Thiên Chúa chọn dân Do-thái là dân riêng trước, rồi sau đó lan ra đến mọi dân tộc. Ý định cứu độ tất cả đã có từ đầu; nhưng hiện thực với sự xuất hiện của Đức Kitô. Phaolô viết: ''Mầu nhiệm này đã được giữ kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa là Đấng tạo thành vạn vật... Thiên Chúa đã hành động như thế theo quyết định Người đã có từ muôn thuở và đã thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Đức Kitô và nhờ tin vào Người, chúng ta được mạnh dạn và tin tưởng đến gần Thiên Chúa.''
(3) Chúa Giêsu thiết lập Hội Thánh để loan truyền Kế Hoạch Cứu Độ cho mọi người: ''để giờ đây, nhờ Hội Thánh, mọi quyền năng thượng giới được biết sự khôn ngoan thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa.''
2.2/ Tình thương của Thiên Chúa và của Đức Kitô vượt quá sự hiểu biết của con người.
(1) Tình thương bắt nguồn từ Thiên Chúa: Giống như Gioan, thánh Phaolô tin tưởng Thiên Chúa là nguồn mạch tình yêu. Ngài yêu con người như người cha yêu thương con cái, và tình phụ tử của Thiên Chúa là "nguồn gốc mọi tình phụ tử trên trời dưới đất."
(2) Biểu lộ của tình thương Thiên Chúa: Để biểu lộ tình thương cho con người, Thiên Chúa đã làm hai việc trọng đại, như chúng ta đã đề cập đến trong ngày Lễ Chúa Ba Ngôi:
- Ban Thánh Thần của Ngài cho con người: để soi sáng, củng cố mạnh mẽ, và làm cho đời sống nội tâm của các tín hữu được vững vàng.
- Ban Người Con Một của Ngài là Đức Kitô: Thánh Phaolô cầu nguyện: ''Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Đức Kitô ngự trong tâm hồn; xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, để cùng toàn thể dân thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình thương của Đức Kitô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết. Như vậy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa.''
3/ Phúc Âm: Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu.
3.1/ Trái tim Chúa Giêsu bị đâm thâu:
(1) Khác biệt giữa phong tục của Rôma và Do-thái: Người Rôma để xác chết của nạn nhân bên ngoài cho đền khi tan biến. Người Do-thái chôn cất nạn nhân. Trình thuật kể: ''Hôm đó là ngày áp lễ (Vượt Qua), người Do-thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày Sabbath, mà ngày Sabbath đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế họ xin ông Philatô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống.''
(2) Chúa Giêsu bị đâm thâu: ''Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giêsu. Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra.''
(3) Ý nghĩa của Nước và Máu: Các thánh Giáo Phụ đã suy tư về biến cố này và cắt nghĩa:
+ Nước tượng trưng cho BT Rửa Tội và Máu tượng trưng cho BT Thánh Thể.
+ Nước tượng trưng cho sự thanh tẩy tội lỗi và Máu tượng trưng cho sự sống.
+ Nước tượng trưng cho sự sống và Máu tượng trưng cho Thánh Thần.
+ Như bà Evà được tạo từ cạnh sườn ông Adong, Hội Thánh cũng được phát sinh từ cạnh sườn Chúa Giêsu.
3.2/ Làm chứng cho tình thương Thiên Chúa: ''Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin.'' Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh:
(1) Chúa Giêsu là Chiên Vượt Qua không tì tích: ''Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập.'' Tin Mừng Gioan tiên báo Đức Kitô là Chiên Thiên Chúa đến xóa bỏ tộ trần gian ngay từ đầu (Jn 1:29); và theo truyền thống, con chiên dùng trong lễ Vượt Qua phải là con chiên không tì tích, và không một khúc xương nào của con chiên này bị bẻ gẫy (Exo 12:46, Num 9:12).
(2) Lời tuyên bố về lòng sùng kính Thánh Tâm: ''Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu.'' Biến cố này làm trọn những gì đã được loan báo bởi tiên tri Zechariah (Zech 12:10) và được tác giả Sách Khải Huyền tuyên bố sẽ xảy ra trong Ngày Cánh Chung (Rev 1:7). Nhiều người cũng dùng những lời này như lời tiên tri về sự sùng kính Thánh Tâm của con người như đang xảy ra trong thời đại chúng ta.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta không thể tách rời tình thương Thiên Chúa ra khỏi tình thương của Đức Kitô. Khi chúng ta cảm nhận tình thương của Đức Kitô, cũng là lúc chúng ta nhận ra tình thương của Thiên Chúa.
- Trong Kế Hoạch Cứu Độ, Thiên Chúa đã thương yêu và muốn cứu chuộc tất cả mọi người; nhưng khi Đức Kitô nhập thể, Ngài chính thức loan truyền ơn cứu độ cho mọi người.
- Thiên Chúa luôn yêu thương và trung thành giữ lời hứa, nhưng con người luôn bất trung và phản bội. Mừng Lễ Thánh Tâm là dịp chúng ta nhìn lại tất cả những gì Ngài đã làm cho chúng ta và quyết tâm đền tạ những tội lỗi chúng ta và nhân loại đã không ngừng xúc phạm đến Ngài.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Năm Tuần 10 TN1, Năm B
Bài đọc: 2 Cor 3:15-18, 4:1, 3-6; Mt 5:20-26.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải cảm nhận được tình thương Thiên Chúa và tin vào Đức Kitô.
Điều quan trọng nhất trong cuộc đời này và sẽ tồn tại trong cuộc đời sau là tình yêu Thiên Chúa. Các Bài Đọc hôm nay mở mắt cho chúng ta thấy những hậu quả tốt lành khi một người có được tình yêu này. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô xác nhận tình yêu Thiên Chúa, biểu tỏ cho con người qua Đức Kitô, có khả năng biến đổi con người thành tạo vật mới. Sau khi được thấm nhuần tình yêu này, con người sẽ biết cách đáp trả thích đáng tình yêu Thiên Chúa dành cho họ, và biết yêu thương tha nhân như những người con của Chúa và như những chi thể của Nhiệm Thể Đức Kitô. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đưa ra hai ví dụ cụ thể là hậu quả của tình yêu Thiên Chúa: người môn đệ Đức Kitô phải luôn biết tha thứ và sống hòa thuận với mọi người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Khi người ta quay lại với Đức Kitô, tấm màn mới được cất đi.
1.1/ Con người phải tin vào Đức Kitô: Nếu chỉ tin vào Lề Luật của Moses, con người chỉ hiểu vinh quang Thiên Chúa lờ mờ như qua một tấm màn, như Phaolô xác quyết: "Phải, cho đến nay, mỗi khi họ đọc sách ông Moses, tấm màn vẫn che phủ lòng họ." Điều này có lịch sử trong Sách Xuất Hành: vì dân Do-thái không thể chịu đựng được khi Thiên Chúa tỏ uy quyền, nên họ xin Thiên Chúa nói với ông Moses, và ông sẽ nói lại cho dân chúng. Sau khi Moses đàm đạo với Thiên Chúa và xuống núi để nói với dân chúng, họ vẫn không thể nhìn mặt Moses vì vinh quang Thiên Chúa phản chiếu trên mặt ông; nên Moses đã phải đeo một khăn che mặt để khỏi làm nhức mắt dân chúng.
Tấm màn này cũng có lịch sử trong Đền Thờ để phân chia nơi Thánh và nơi Cực Thánh, là nơi Thiên Chúa ngự. Không ai có thể vào nơi Cực Thánh ngoại trừ Thầy Thượng Tế, ông chỉ được vào đó mỗi năm một lần trong Ngày Yom Kippur. Khi Chúa Kitô trút hơi thở trên Thập Giá, bức màn này trong Đền Thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Tác giả Thư Do Thái chú giải: Nhờ Đức Kitô, từ nay con người có thể trực tiếp đến với Thiên Chúa mà không cần phải đợi tới ngày Yom Kippur, và cũng chẳng cần vào Đền Thờ tại Jerusalem.
Thánh Phaolô ví khi con người đọc Cựu Ước mà không nhận những mặc khải của Đức Kitô, như đọc sách qua một tấm màn; họ chỉ có thể hiểu lờ mờ những mầu nhiệm và vinh quang của Thiên Chúa. Nhưng nếu họ tin vào những mặc khải của Đức Kitô, bức màn này sẽ bị lấy đi, và họ có thể hiểu rõ ràng các mầu nhiệm và vinh quang của Thiên Chúa. Thánh Phaolô xác quyết với các tín hữu: ''Tất cả chúng ta, mặt không che màn, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương; như vậy, chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, như do bởi tác động của Chúa là Thần Khí.''
1.2/ Khó khăn của người môn đệ khi rao giảng về Đức Kitô: Chinh phục tha nhân về cho Thiên Chúa là công việc rất khó khăn và đòi hỏi người môn đệ phải kiên nhẫn, vì họ phải đối phó với quyền lực của ác thần và của thế gian. Thánh Phaolô tường thuật kinh nghiệm của Ngài: "Tin Mừng chúng tôi rao giảng có bị che khuất, thì chỉ bị che khuất đối với những người hư mất, đối với những kẻ không tin. Họ không tin, vì tên ác thần của đời này đã làm cho tâm trí họ ra mù quáng, khiến họ không thấy bừng sáng lên Tin Mừng nói về vinh quang của Đức Kitô, là hình ảnh Thiên Chúa."
Tuy nhiên, người môn đệ phải xác tín: Quyền lực của Đức Kitô có thể thắng vượt mọi quyền lực của ác thần và của thế gian. Nếu người môn đệ thành tâm, yêu thương, có đủ kiên nhẫn, và luôn sống kết hiệp với Đức Kitô, Thiên Chúa sẽ ban những ơn cần thiết để giúp ông chinh phục con người về cho Ngài.
2/ Phúc Âm: Phải ăn ở công chính hơn các kinh sư và luật sĩ để được vào Nước Trời.
Môn đệ của ai phải nói và hành động như môn đệ của người ấy. Người môn đệ của Đức Kitô cũng phải nói năng và hành động theo những gì Đức Kitô dạy. Trình thuật hôm nay nêu bật hai đặc điểm chính là hậu quả khi con người đã cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa.
2.1/ Không được giận dữ với tha nhân: Chúa Giêsu phân biệt đòi hỏi của Lề Luật và của tình yêu; đồng thời Ngài cũng thách đố các môn đệ phải sống theo đòi hỏi của tình yêu, những điều mà Lề Luật không thể đạt tới: "Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt."
Lề Luật không thể kết tội những gì xảy ra bên trong con người vì không nhìn thấy những điều đó. Lề Luật cũng không kết tội khi con người chửi mắng người khác, vì đó là những cảm xúc nhất thời của con người. Lề Luật chỉ kết tội con người khi có bằng chứng rõ ràng như giết người, gây thương tích thân xác hay tài sản ... Ngược lại, đối với Thiên Chúa, Ngài có thể thấu hiểu bên trong tâm hồn mỗi người và biết rõ những thiệt hại cho cả người làm lẫn người bị xúc phạm; nên Ngài đòi hỏi các môn đệ phải đi xa hơn trong tiến trình nên trọn lành.
2.2/ Phải ăn ở thuận hòa với mọi người: Chúa Giêsu nêu ra hai lý do người môn đệ phải sống hòa thuận với mọi người:
(1) Mối liên hệ với Thiên Chúa không thể tách rời khỏi mối liên hệ với tha nhân: Theo truyền thống Do-thái, mỗi khi vô tình phạm tội, hối nhân phải dâng lễ vật để xin Thiên Chúa tha thứ cho những tội đã phạm. Trường hợp liên quan tới mối liên hệ với con người, họ phải làm hòa với nhau trước khi có thể giao hòa với Thiên Chúa. Thần học về Bí-tích Giải Tội cũng đòi hối nhân phải tha thứ cho người xúc phạm đến mình như Thiên Chúa đã tha thứ cho hối nhân.
(2) Ăn ở hài hòa giúp con người tránh được những nhức đầu trong cuộc sống: Cha ông chúng ta vẫn dạy "dĩ hòa vi quí;" người hiền lành sẽ được mọi người thương mến. Ngược lại, những người khó chịu, cau có, sẽ chuốc cho mình những ghen ghét, tranh tụng, và mất bình an. Chúa Giêsu khuyên các môn đệ: ''Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa trước khi có thể đáp trả lại, và yêu thương tha nhân như Thiên Chúa yêu thương chúng ta.
- Chúng ta có được tình yêu Thiên Chúa là qua sự kết hiệp và ở lại trong Đức Kitô. Nếu không có Đức Kitô, chúng ta không thể yêu mến Thiên Chúa và tha nhân như được đòi hỏi.
- Để đáp ứng ơn gọi làm môn đệ của Đức Kitô, chúng ta không phải chỉ giữ những Lề Luật bên ngoài, mà còn phải luôn đối xử với nhau bằng tình yêu Thiên Chúa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Tư Tuần 10 TN1, Năm B
Bài đọc: 2 Cor 3:4-11; Mt 5:17-19.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Giao Ước mới kiện toàn Giao Ước cũ
Tác giả Sách Giáo Sĩ nói về sự cần thiết của thời gian: "Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời: một thời để chào đời, một thời để lìa thế; một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây; một thời để giết chết, một thời để chữa lành; một thời để phá đổ, một thời để xây dựng" (Eccl 3:1-3).
Thánh Phaolô nói về sự cần thiết của kinh nghiệm: "Cũng như khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con" (I Cor 13:11). Khi nhìn lại quãng đời niên thiếu, nhiều người hối hận vì họ không thể nào ngờ mình lại vô tư và thiếu chín chắn như thế; nhưng trong tiến trình trở thành người trưởng thành, họ phải trải qua những kinh nghiệm như vậy.
Cũng thế, khi so sánh hai Giao Ước cũ và mới trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, chúng ta cần để ý đến tiến trình thời gian và kinh nghiệm, vì Thiên Chúa không làm sự gì vô ích. Vì con người không thể tiếp nhận một lúc, nên Ngài phải chuẩn bị mọi sự theo thời gian, mặc dù Ngài không bị lệ thuộc vào thời gian. Vì khả năng con người giới hạn, nên Ngài phải chuẩn bị từ chỗ bất toàn đến chỗ hoàn hảo, mặc dù Ngài có uy quyền để thực hiện cái hoàn hảo ngay. Trong tiến trình trở nên hoàn hảo: phải có cái cũ thì mới có cái mới, và cái mới làm hoàn hảo cái cũ; nếu không có cái cũ thì cũng chẳng có cái mới.
Các Bài Đọc hôm nay là những ví dụ của tiến trình trở nên hoàn hảo. Trong Bài Đọc I, khi thánh Phaolô bị chất vấn bởi những người Do-thái thủ cựu, Ngài so sánh cho họ thấy sự hoàn hảo của giao ước mới trên giao ước cũ, và kết luận: vì giao ước mới hoàn hảo hơn giao ước cũ; nên vinh quang có được do việc phục vụ giao ước mới cũng lớn hơn vinh quang có được do việc phục vụ giao ước cũ. Trong Phúc Âm, khi nhiều người thuộc phái Pharisees nghĩ Chúa Giêsu đến để dạy dân chúng phá bỏ Lề Luật, nên Ngài tuyên bố: "Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Moses hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn."
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Giao ước mới hoàn hảo hơn giao ước cũ.
1.1/ Tranh chấp giữa hai giao ước cũ và mới: Giống như Chúa Giêsu, thánh Phaolô cũng đã từng có kinh nghiệm về sự tranh chấp giữa Lề Luật của Moses và những giáo huấn của Đức Kitô. Theo kinh nghiệm bản thân, ông đã từng nhiệt thành bắt bớ các tín hữu theo đạo mới, vì ông cho lối sống của họ là hoàn toàn ngược lại với Lề Luật và truyền thống; cho đến khi Đức Kitô tỏ uy quyền của Ngài trên đường đi Damascus. Kinh nghiệm này giúp ông yêu thương và thông cảm với những người Do-thái khó chấp nhận giáo huấn của Đức Kitô; mặc dù họ không ngừng bắt bớ ông như họ đã từng bắt bớ Chúa Giêsu.
Trong trình thuật hôm nay, ông chia sẻ kinh nghiệm của ông về hai Giao Ước với họ như sau: "Không phải vì tự chúng tôi, chúng tôi có khả năng để nghĩ rằng mình làm được gì, nhưng khả năng của chúng tôi là do ơn Thiên Chúa, Đấng ban cho chúng tôi khả năng phục vụ Giao Ước Mới, không phải Giao Ước căn cứ trên chữ viết, nhưng dựa vào Thánh Thần. Vì chữ viết thì giết chết, còn Thánh Thần mới ban sự sống."
(1) Giao Ước cũ: Giao ước căn cứ trên chữ viết là Giao Ước Thiên Chúa làm với dân trên núi Sinai. Trong Giao ước này, Ngài đã ban cho họ Thập Giới viết trên đá qua tay ông Moses, và căn dặn họ như sau:
Coi đây, hôm nay tôi đưa ra cho anh em chọn: hoặc là được sống, được hạnh phúc, hoặc là phải chết, bị tai hoạ. Hôm nay tôi truyền cho anh em phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đi theo đường lối của Người, và tuân giữ các mệnh lệnh, thánh chỉ, quyết định của Người, để anh em được sống, được thêm đông đúc, và Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, chúc phúc cho anh em trong miền đất anh em sắp vào chiếm hữu. Nhưng nếu anh em trở lòng và không vâng nghe, lại bị lôi cuốn và sụp xuống lạy các thần khác và phụng thờ chúng, thì hôm nay tôi báo cho anh em biết: chắc chắn anh em sẽ bị diệt vong, sẽ không được sống lâu trên đất mà anh em sắp sang qua sông Jordan để vào chiếm hữu. (Deut 30:15-18)
Mặc dù đã được căn dặn kỹ càng như thế, nhưng không một ai trong Israel có thể tự hào mình không bao giờ vi phạm Thập Giới; và hậu quả là tất cả đều phải chết như lời Thiên Chúa báo trước. Nhưng Thiên Chúa không muốn con người phải chết, đó là lý do tại sao Ngài thiết lập với con người một giao ước mới.
(2) Giao Ước mới: Tiên tri Jeremiah đã tiên báo về giao ước này như sau:
Này sẽ đến những ngày - sấm ngôn của Đức Chúa - Ta sẽ lập với nhà Israel và nhà Judah một giao ước mới, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai-cập; chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng - sấm ngôn của Đức Chúa. Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Israel sau những ngày đó - sấm ngôn của Đức Chúa. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta. Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia: "Hãy học cho biết Đức Chúa," vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta - sấm ngôn của Đức Chúa. Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa. Israel sẽ tồn tại mãi. (Jer 31:31-34)
1.2/ Vinh quang của việc phục vụ Thánh Thần: Phaolô cũng so sánh vinh quang có được do sự phục vụ giữa hai Giao ước, và kết luận như sau: "Nếu việc phục vụ Lề Luật - thứ Lề Luật chỉ đưa đến sự chết và được khắc ghi từng chữ trên những bia đá - mà được vinh quang đến nỗi dân Israel không thể nhìn mặt ông Moses được, vì mặt ông chói lọi vinh quang - dù đó chỉ là vinh quang chóng qua - thì việc phục vụ Thánh Thần lại không được vinh quang hơn sao?"
2/ Phúc Âm: Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.
2.1/ Chúa Giêsu đến để kiện toàn Lề Luật: Nhiều Kinh-sư nghĩ, khi Chúa Giêsu chỉ trích họ về việc rửa tay và giữ ngày Sabbath, là Ngài muốn hủy bỏ tất cả Lề Luật và truyền thống của tổ tiên. Thực ra, Ngài chỉ phê bình thói giả hình và khinh thường Lề Luật của họ. Trong trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu muốn làm sáng tỏ điều này với các môn đệ: "Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Moses hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành."
2.2/ Sự quan trọng của Lề Luật: Khi nói "giao ước mới hoàn hảo hơn giao ước cũ," cả Chúa Giêsu và thánh Phaolô không bao giờ có ý muốn nói Lề Luật Thiên Chúa ban qua Moses trở thành vô hiệu. Các tín hữu vẫn phải giữ Lề Luật của Thiên Chúa như Chúa Giêsu dạy: "Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Hai thái cực cần tránh: có những người không thích thay đổi, họ muốn giữ tỉ mỉ từng chi tiết của Lề Luật và truyền thống; ngược lại, có những người dễ dàng thay đổi như chong chóng, họ phê bình và đả kích tất cả những gì trong quá khứ.
- Người khôn ngoan là người phải biết suy xét và so sánh cẩn thận, để nhận ra những gì của quá khứ là tốt cần giữ lại, những gì là xấu cần bỏ đi; đồng thời biết nhận ra những cái hay đẹp của hiện tại để học hỏi và áp dụng.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Ba Tuần 10 TN1, Năm lẻ
Bài đọc: 2 Cor 1:18-22; Mt 5:13-16.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người được trang bị để làm vinh danh Thiên Chúa.
Trong việc giao tiếp, danh giá của một người ảnh hưởng đến những gì họ nói và làm; ví dụ, khán giả thường tin vào danh giá của diễn giả, trước khi họ có thể tin vào những gì diễn giả nói. Nhưng danh giá là những gì diễn giả có được, chỉ sau một thời gian chứng minh cho khán giả biết mình là người có thể tin cậy được. Ngược lại, nếu khán giả nghi ngờ danh giá của diễn giả, họ sẽ không tin hay không thèm nghe, những gì diễn giả trình bày. Trong việc rao giảng Tin Mừng cũng thế, nhà rao giảng cần thiết lập danh giá của mình trước khi rao giảng Tin Mừng cho khán giả. Nếu nhà rao giảng có một cuộc sống bê bối hay gian dối, ông không thể làm cho người khác tin vào Tin Mừng ông rao giảng, vì “lời nói lung lay, gương bày lôi cuốn.”
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc Thiên Chúa đã trang bị cho con người đầy đủ để họ có thể làm chứng cho Ngài. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô xác nhận rõ ràng Đức Kitô đã làm cho tất cả những lời hứa của Thiên Chúa thành hiện thực. Phaolô và các môn đệ của ông noi gương Đức Kitô để sống và làm chứng cho sự thật này. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: anh em là muối để ướp và là ánh sáng để soi sáng cho thế gian. Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Quả thật, mọi lời hứa của Thiên Chúa đều là “có” nơi Người.
1.1/ Đức Kitô là mọi tiếng “có” của Thiên Chúa: Thánh Phaolô xác quyết Đức Kitô hoàn thành những gì Thiên Chúa hứa với con người qua các Tổ-phụ và Tiên-tri: “Quả thật, mọi lời hứa của Thiên Chúa đều là “có” nơi Người. Vì thế, cũng nhờ Người mà chúng ta hô lên “Amen” để tôn vinh Thiên Chúa.” Một vài ví dụ dẫn chứng điều này: lời Thiên Chúa hứa ban cho Abraham một giòng dõi đông như sao trên trời và như cát ngoài bãi biển, lời hứa ban Đấng Thiên Sai qua các tiên tri, lời hứa ban ơn cứu độ cho tất cả mọi dân tộc … Tiếng “Amen” mà chúng ta thường thưa sau đoạn kết của các kinh nguyện: “chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen” có nghĩa “chớ gì được như thế.” Vì Đức Kitô là nguồn mạch mọi ơn lành, chúng ta xin những điều đó nhân danh Ngài, và ước mong Thiên Chúa sẽ ban những điều chúng ta xin.
Ngược lại với Thiên Chúa, con người không luôn luôn giữ những gì mình hứa. Vì thế, con người phải bắt chước Đức Kitô để luôn luôn biết nói, sống, và làm chứng cho sự thật. Thánh Phaolô phân giải với các tín hữu Corintô: “Xin Thiên Chúa trung thành chứng giám cho chúng tôi! Lời chúng tôi nói với anh em chẳng phải vừa là “có” vừa là “không.” Vì Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng mà chúng tôi, là Sylvano, Timothy, và tôi, rao giảng cho anh em, đã không vừa là “có” vừa là “không,” nhưng nơi Người chỉ toàn là “có.”" Khi con người trung thành giữ những gì Đức Kitô dạy, họ làm chứng cho Ngài và cho Thiên Chúa.
1.2/ Thánh Thần là bảo chứng mọi tiếng “có” của Thiên Chúa: Thiên Chúa không những sai Đức Kitô để thực hiện những gì Ngài hứa với con người, mà còn gởi Thánh Thần của Ngài tới để giúp con người có sức để hoàn thành những gì Ngài đòi hỏi. Ví dụ, Đức Kitô đã chết để phục hồi sự sống cho con người; nhưng để có sự sống này, Thiên Chúa đòi con người phải tin vào Đức Kitô và giữ những điều răn Ngài dạy. Điều kiện này không phải dễ làm với sức con người; vì thế, Thiên Chúa, qua lời cầu xin của Đức Kitô, đã gởi Thánh Thần xuống cho các tín hữu. Thánh Phaolô xác nhận điều này: “Đấng củng cố chúng tôi cùng với anh em trong Đức Kitô và đã xức dầu cho chúng ta, Đấng ấy là Thiên Chúa. Chính Người cũng đã đóng ấn tín trên chúng ta và đổ Thánh Thần vào lòng chúng ta làm bảo chứng.” Bảo chứng hay tiền đặt cọc (arrabon) bảo đảm lời hứa của một người là thật. Khi Thiên Chúa gởi Thánh Thần, Ngài bảo đảm ơn cứu độ là của chúng ta, nếu chúng ta chịu theo sự hướng dẫn của Thánh Thần; nhưng nếu chúng ta không theo sự hướng dẫn của Ngài (như một người không chịu trả tiền nhà mỗi tháng), chúng ta sẽ không đạt tới ơn cứu độ.
2/ Phúc Âm: Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ.
2.1/ Hai biểu tượng: Để dẫn chứng điều Thiên Chúa đã ban mọi ơn lành đầy đủ cho con người để họ có thể làm vinh danh Thiên Chúa, Đức Kitô dùng hai hình ảnh để cắt nghĩa cho các môn đệ:
(1) Muối: Hai công dụng chính của muối là ướp mặn thịt cá cho khỏi hư và thêm gia vị cho thực phẩm. Muối không giữ vị mặn cho mình, nhưng được dùng cho các thực phẩm khác. Chúa Giêsu tuyên bố: “Chính anh em là muối cho đời.” Muối không ướp mặn là muối vô dụng, như lời Chúa cảnh cáo: “Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.”
Một trong những điều chúng ta có thể so sánh với muối là tình yêu. Giống như muối đến từ biển, tình yêu đến từ Thiên Chúa vì Ngài là tình yêu. Con người không phải là nguồn tình yêu, nhưng nhận được tình yêu từ Thiên Chúa, qua Đức Kitô. Con người không giữ tình yêu để chỉ yêu mình, nhưng là để yêu thương Thiên Chúa và tha nhân. Nếu con người không biết yêu thương, con người không thể đạt đích điểm của cuộc đời, và cũng không thể làm vinh danh Thiên Chúa.
(2) Ánh sáng: Hai công dụng chính của ánh sáng là soi sáng và sưởi ấm. Ánh sáng không giữ sự sáng cho mình, nhưng để soi sáng cho người khác. Chúa Giêsu tuyên bố: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được.” Ánh sáng không chiếu soi, sẽ trở thành vô ích như lời Chúa răn dạy: “Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà.”
Một trong những điều chúng ta có thể so sánh với ánh sáng là sự thật hay cuộc sống ăn ngay ở lành theo lề luật Thiên Chúa dạy. Như ánh sáng đến từ nguồn sáng là mặt trời, sự thật đến từ Đức Kitô, Lời của Thiên Chúa. Con người không phải là nguồn sáng, hay sự thật, nhưng nhận được sự thật từ Đức Kitô. Con người không giữ sự thật cho mình, nhưng sau khi biết sự thật, con người loan truyền sự thật cho người khác; sống và làm chứng cho sự thật để người khác nhận ra Thiên Chúa. Con người không biết sự thật không thể đạt đích điểm của cuộc đời, và không thể làm vinh danh Thiên Chúa.
2.2/ Bổn phận làm vinh danh Thiên Chúa: Sau khi được Thiên Chúa trang bị tất cả những điều cần thiết, con người có bổn phận làm vinh danh Thiên Chúa, như lời Chúa Giêsu dạy: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Đức Kitô là tiếng “có” và “Amen” của Thiên Chúa. Chúng ta cũng phải noi gương Đức Kitô để luôn nói, sống, và làm chứng cho sự thật.
- Thánh Thần là tình yêu và sự thật. Trước khi có thể loan truyền và làm chứng cho Thiên Chúa, chúng ta phải được thấm nhuần tình yêu và sự thật của Ngài.
- Chúng ta được trang bị đầy đủ là để làm vinh danh Thiên Chúa. Hãy làm cho mọi người nhận biết Thiên Chúa là Chúa duy nhất và yêu thương con người.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Hai Tuần 10 TN1, Năm B
Bài đọc: 2 Cor 1:1-7; Mt 5:1-12.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Nghịch lý giữa Thiên Chúa và con người.
Con người đi tìm vinh quang sang giầu, Chúa dạy: Phúc cho những ai có tâm hồn nghèo khó. Con người dùng mọi khôn ngoan mánh lới để vượt khỏi người khác, Chúa dạy: Phúc cho những ai hiền lành. Con người trốn tránh đau khổ và dùng mọi cách để thoát khỏi buồn sầu, Chúa dạy: Phúc cho những ai sầu khổ.
Bay mối phúc là những điều dạy của một nhà cách mạng trên tất cả các nhà cách mạng; chúng là một thách đố lớn lao cho những ai tin vào Chúa Giêsu. Phải chăng Chúa Giêsu quá lý tưởng? Phải chăng những lời dạy của Chúa Giêsu cung cấp cơ hội cho những nhà tư bản bóc lột dân nghèo và để cho những bất công xã hội tha hồ xảy ra? Hai ví dụ giúp chúng ta nhận định vấn đề: (1) Mẹ Têrêxa, tuy có rất nhiều người ngưỡng mộ, nhưng cũng có nhiều người chỉ trích là lấy của nhà giàu bóc lột người nghèo để giúp đỡ người nghèo. Tại sao Mẹ không lên tiếng chống bất công và cải tổ xã hội để đừng có hai giai cấp giầu và nghèo nữa? Một phản ứng như thế sẽ trị tuyệt gốc sự phân chia giữa gai giai cấp và loại bỏ các bất công xã hội! (2) Chúa Giêsu, tuy có dư uy quyền để đáp ứng nguyện vọng của người Do-thái trông đợi nơi Đấng Thiên Sai; nhưng lại chọn làm một Đấng Thiên Sai hiền lành và đau khổ để chuộc tội cho con người! Ma quỉ đã từng cám dỗ Ngài trong sa mạc hãy làm những điều mà con người khao khát: Hãy biến đá thành bánh ăn! Hãy làm phép lạ như gieo mình xuống vực thẳm! Hãy cho con người những vinh quang sang giầu! Nếu Ngài làm như thế, con người sẽ tin vào Ngài. Chúng ta có bao giờ tự hỏi: Nếu Chúa Giêsu làm như thế, có bao nhiêu người tin Chúa đến bây giờ?
Các Bài Đọc hôm nay cung cấp cho chúng ta những chất liệu để suy tư. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô cho chúng ta hai lý do để chịu đựng đau khổ: để được Thiên Chúa an ủi, và để chúng ta an ủi những ai cần được chúng ta an ủi. Trong Phúc Âm thánh Mathew, Chúa Giêsu cho con người biết Tám Mối Phúc trong cuộc đời; những điều này hoàn toàn ngược lại với những gì mà con người thường hay suy nghĩ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Tại sao con người phải chịu đựng gian khổ.
1.1/ Chịu đựng gian khổ là cho hai mục đích: Sau khi chào thăm các tín hữu ở Corintô, thánh Phaolô tuyên xưng: "Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an." Tại sao một Thiên Chúa uy quyền và giàu lòng thương xót như thế, đã không ban cho con cái những gì họ ưa thích; lại còn bắt họ phải trải qua những gian nan, thử thách, đau khổ? Thánh Phaolô liệt kê hai lý do chính:
(1) Để Thiên Chúa có cơ hội nâng đỡ và ủi an chúng ta: Một điều trước tiên chúng ta cần hiểu rõ: Thiên Chúa không ác tâm đến độ bắt con người chịu gian khổ để Ngài có cơ hội an ủi con người; nhưng Ngài để những gian khổ xảy ra vì những thay đổi trong trời đất hay vì sự lạm dụng tự do của con người. Thứ đến, không có điều gì quan trọng hơn trong cuộc đời cho bằng mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa: Phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự; và đau khổ là cơ hội hết sức thuận tiện để con người phát triển mối liên hệ này. Thánh Phaolô quả quyết: "Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách." Tình yêu thường phát triển trong hoàn cảnh túng thiếu và đau khổ; và rất ít khi phát triển lúc con người sung sướng hạnh phúc.
(2) Để chúng ta biết nâng đỡ và ủi an nhau: Điều răn thứ hai là yêu người: Đau khổ không những giúp chúng ta phát triển mối liên hệ với Thiên Chúa, mà còn chuẩn bị cho chúng ta có cơ hội yêu tha nhân như thánh Phaolô nói: "để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó." Tục ngữ Việt-nam có câu "Có đau mắt thì mới biết thương người mù." Câu này có ý muốn nói mặc dù ai bị đau mắt, người ấy sẽ cảm thấy rất khó chịu; nhưng không thể so sánh với người bị mù, vì họ hoàn toàn quờ quạng trong đêm tối. Cũng thế, khi chúng ta đã trải qua những gian nan thử thách; ví dụ: đói khát, chúng ta biết phải đau khổ thế nào; vì thế, khi chúng ta nhìn thấy một người mẹ bồng con ăn xin, chúng ta dễ thông cảm và giúp đỡ cho mẹ con bà.
1.2/ Thánh Phaolô chịu đựng gian khổ cho các tín hữu ở Corintô: Cuộc đời thánh Phaolô là một ví dụ tuyệt vời để dẫn chứng lý do tại sao Chúa để cho con người chịu đau khổ. Trước khi trở lại, Phaolô là một người nhiệt thành đến độ quá khích: Ngài không dung thứ cho những ai sống ngược lại với Lề Luật và truyền thống. Sau biến cố trên đường đi Damascus, Phaolô đã dần dần thay đổi hoàn toàn, vì Chúa Giêsu muốn Phaolô chịu đau khổ cho việc rao giảng và bành trướng Tin Mừng. Phaolô phải chịu nhiều hiểu lầm, đánh đòn, bắt bớ, tù đày... nhưng thánh nhân vẫn can đảm tiến tới, vì Chúa Giêsu luôn đồng hành và an ủi Ngài. Những điều này giúp Phaolô nhận ra tình thương của Thiên Chúa và giúp ngài đại lượng hơn trong việc giảng dạy và giúp đỡ các tín hữu.
2/ Phúc Âm: Bay mối phúc thật
2.1/ "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ." Đây là một lời dạy không dễ hiểu, chúng ta cần xem xét bằng những ví dụ thực tế để hiểu Chúa Giêsu thực sự muốn nói gì: Nghèo khó là có phúc? Người nghèo khó không đủ của ăn nên sinh tật ăn cắp làm ô danh Chúa? Người nghèo khó quá đay nghiến Thiên Chúa vì đã bỏ rơi mình? Nhiều người ví sống trong nghèo khó, thiếu thốn như là sống trong hỏa ngục! Ngược lại, có phải giàu có là vô phúc? Người giàu có lấy của Thiên Chúa ban để giúp cho việc mở mang Nước Chúa như bà Lydia giúp Phaolô có nơi ăn ở để rao giảng Tin Mừng?
Nói chung, nghèo khó giúp con người biết trông cậy nơi Thiên Chúa, giàu có làm con người tin tưởng nơi quyền năng và sức lực của mình, nên dễ bỏ quên Thiên Chúa. Khi con người đã có đầy đủ mọi sự trên trần gian, họ sẽ không màng tới việc tìm kiếm Nước Trời; trong khi những người nghèo có hoàn cảnh thuận tiện hơn để tìm Nước Trời và tin tưởng nơi Thiên Chúa.Ví dụ: Ở Việt-nam, các nhà thờ lúc nào cũng đầy người; họ vẫn sống và có thời giờ cho Thiên Chúa, tuy rằng họ nghèo khó. Bên Âu Mỹ, các nhà thờ chỉ còn lại những người già; họ lo kiếm tiền cho cuộc sống đến nỗi không còn giờ cho Thiên Chúa. Ở Việt-nam, ơn gọi làm tu sĩ và linh mục nhiều đến nỗi các chủng viện và dòng tu không có chỗ để nhận; bên Âu Mỹ, ơn gọi làm linh mục và tu sĩ khan hiếm đến độ các dòng tu phải đóng cửa, và hầu hết các dòng tu và giáo phận phải qua Việt-nam hay Phi Châu để tuyển mộ ơn gọi.
2.2/ "Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an." Một vị thánh đã nói: Thiên Chúa thương ai càng nhiều, Ngài càng gởi nhiều đau khổ đến cho người ấy. Vì thế, chẳng thà chịu đau khổ để được Thiên Chúa an ủi yêu thương; hơn là sống trong hạnh phúc mà không cảm nhận được tình thương Thiên Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Của cải của chúng ta ở đâu, lòng trí của chúng ta sẽ ở đó. Nếu Nước Trời là kho tàng mà chúng ta ước ao, chúng ta hãy sống theo Mối Phúc Thứ Nhất như Chúa Giêsu dạy.
- Chúa thương ai càng nhiều, Ngài càng gởi nhiều đau khổ cho kẻ ấy; vì họ sẽ được Ngài an ủi, và họ sẽ biết ủi an những ai đồng cảnh ngộ. Nếu chúng ta mong được mến Chúa yêu người, đừng kêu ca khi Chúa gởi đau khổ tới như Mối Phúc Thứ Ba mà Chúa dạy.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- 07/6 Chúa Giêsu hy sinh Mình và Máu Người cho chúng ta được sống
- 07/6 Giao Ước Tình Yêu
- 06/6 Làm thế nào để sống mối liên hệ với Thiên Chúa?
- 05/6 Sự cần thiết của thời gian
- 04/6 Con người phải chân thành yêu thương Thiên Chúa và tha nhân
- 03/6 Có sự sống lại và cuộc sống đời sau
- 02/6 Của ai trả về cho người ấy
- 01/6 Có cần phải ăn ở theo sự thật và lẽ ngay suốt mọi ngày trong cuộc đời?
- 31/5 Vinh dự và trách nhiệm của kẻ làm con Thiên Chúa
- 30/5 Khôn ngoan là luôn biết và sống theo sự thật