Sống Lời Chúa Hôm Nay
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Chúa Nhật II Phục Sinh, Năm B
Bài đọc: Acts 4:32-35; I Jn 5:1-6; Jn 20:19-31.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hậu quả của niềm tin vào Chúa sống lại.
Tin thế nào sống thế ấy: Nếu không tin vào sự sống lại, con người sẽ chỉ biết sống theo những giá trị đời này; nhưng nếu tin vào sự sống lại của Đức Kitô, con người sẽ sống theo những giá trị mà Ngài răn dạy. Niềm tin vào sự sống lại không những giúp con người vượt qua những đau khổ của cuộc sống, mà còn biết giúp con người biết tuân giữ những gì Chúa dạy.
Các Bài Đọc hôm nay cho thấy sự quan trọng của niềm tin vào sự sống lại của Đức Kitô. Trong Bài Đọc I, niềm tin vào Chúa phục sinh giúp các tín hữu đầu tiên biết yêu thương nhau; họ bỏ mọi sự làm của chung, để không ai phải thiếu thốn gì cả. Trong Bài Đọc II, tác giả Thư Gioan I, xác nhận: Ai yêu mến Thiên Chúa, cũng yêu mến Đức Kitô, Con Thiên Chúa; và nếu ai yêu mến Thiên Chúa, cũng thắng thế gian, vì thế gian từ chối không nhận biết Ngài. Trong Phúc Âm, tác giả tường thuật hai lần Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ: Lần đầu không có sự hiện diện của Thomas, Chúa ban bình an và sai các ông đi rao giảng Tin Mừng cho mọi người. Lần thứ hai, Chúa hiện đến với các tông đồ và có sự hiện diện của Thomas. Ngài thách thức ông hãy xỏ ngón tay ông vào các lỗ đinh đóng của Ngài, để ông tin Chúa vẫn sống.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Sức mạnh của niềm tin vào Chúa sống lại
1.1/ Các tín hữu bỏ mọi sự làm của chung: Chủ nghĩa cộng sản mơ ước có được một mô hình lý tưởng này; nhưng họ đã thất vọng ê chề, vì con người có thói quen vơ vét. Họ dám lấy ngay cả của chung để làm của riêng. Mấy chục năm qua, người cộng sản chẳng những đã không thực hiện được mơ ước “thiên đàng trần gian;” mà còn làm cho những bất công xã hội ra nặng nề hơn.
Trình thuật của Sách TĐCV đề cập tới mô hình lý tưởng của cộng đòan các tín hữu đầu tiên: “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung.” Để làm được điều này, các tín hữu phải có niềm tin vững mạnh nơi sự quan phòng của Thiên Chúa và nhất là niềm tin vào Đức Kitô sống lại. Nếu Thiên Chúa đã quan phòng mọi sự, tại sao phải lo lắng đến ngày mai? Nếu Đức Kitô đã chinh phục sự chết, còn uy quyền nào lớn hơn uy quyền của Thiên Chúa? Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại. Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng.
1.2/ Mọi người đều có đủ dùng: “Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu.” Lý do chính giúp các tín hữu đầu tiên có thể làm được chuyện này là niềm tin vào sự sống lại. Truyền thống Do-thái tin hạnh phúc có được là chỉ ở đời này. Gần thời của Chúa, niềm tin vào đời sau bắt đầu được đề cập đến, nhưng chưa rõ ràng lắm (Sách Daniel và Macabbees). Khi Chúa Giêsu đến, Ngài làm sáng tỏ quan niệm này bằng dạy dỗ (Jn 6:39-40) và chứng minh bằng cái chết và sự phục sinh của Ngài. Nếu các tín hữu tin có sự sống lại, họ sẽ không quyến luyến quá nhiều vào của cải vật chất nữa, nhưng biết sống làm sao để đạt hạnh phúc đời sau.
Trong xã hội con người, bất công xã hội thường xảy ra: Người giầu có, có quá nhiều, đến chỗ dư thừa; người nghèo khó, thiếu quá nhiều, đến nỗi hóa bần cùng. Cả hai hạng người đều có lý do để biện minh cho mình. Người giầu đưa lý do: tôi làm ăn lương thiện, không ăn cắp của ai, và xứng đáng được hưởng những gì do tay tôi làm ra. Người nghèo trả lời: “Ở đời muôn sự của chung.” Tất cả là của Thiên Chúa ban cho con người, và mọi người đều là con cái Thiên Chúa. Con người không phải là chủ nhân, nhưng chỉ là quản lý của những của cải. Chúng tôi nghèo, không phải vì chúng tôi lười biếng, nhưng vì không có cơ hội để làm ăn. Hãy cho chúng tôi cơ hội, chưa chắc chúng tôi đã túng nghèo như vậy. Thực ra, để giải quyết bất công xã hội và cho mọi người có cơ hội đồng đều, Thiên Chúa đã thiết lập năm Jubilee, xảy ra mỗi 50 năm (x/c Lev 25). Trong năm này, mọi ruộng đất tài sản phải được trả về cho chủ nhân cũ, vì quá túng nghèo mà phải bán đi. Mục đích của năm này là để mọi người đều có cơ hội làm lại cuộc đời.
2/ Bài đọc II: Yêu mến Thiên Chúa và thi hành các điều răn của Người.
2.1/ Ai yêu mến Thiên Chúa, cũng yêu mến Đức Kitô: Có một sự hợp lý tòan vẹn trong đạo lý của Đức Kitô: Ai yêu Thiên Chúa, người đó cũng phải yêu những kẻ được Đấng ấy sinh ra, các con Thiên Chúa; cách riêng: Đức Giêsu Kitô. Vì thế, khi người nào nói mình yêu Thiên Chúa, người ấy cũng phải yêu Đức Kitô và tha nhân. Chúa Giêsu đã từng tranh luận với người Do-thái về điểm này khi Ngài nói: “Giả như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi, vì tôi phát xuất từ Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa mà đến. Thật thế, tôi không tự mình mà đến, nhưng chính Người đã sai tôi” (Jn 8:42).
Yêu Thiên Chúa không chỉ bằng lời nói, nhưng phải biểu tỏ bằng việc làm. Thánh Gioan khuyên nhủ các tín hữu: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được mình yêu thương con cái Thiên Chúa: đó là chúng ta yêu mến Thiên Chúa và thi hành các điều răn của Người. Quả thật, yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ các điều răn của Người. Mà các điều răn của Người có nặng nề gì đâu.”
2.2/ Ai tin vào Đức Kitô là thắng thế gian: Để hiểu điều này, chúng ta cần phải phân biệt các ý nghĩa khác nhau khi Gioan nói về thế gian (ko,smoj): (1) thế gian là trái đất, nơi con người sinh sống; (2) tất cả con người, nhất là những người chống lại Thiên Chúa; (3) cách sống hay tiêu chuẩn giá trị của thế gian, nhất là những tiêu chuẩn đối nghịch với Thiên Chúa; và (4) đồ trang sức (1 Pe 3.3). Theo văn mạch, tác giả có lẽ ám chỉ theo nghĩa (3) của thế gian ở đây: “Ai là kẻ thắng được thế gian, nếu không phải là người tin rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa? Chính Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến, nhờ nước và máu; không phải chỉ trong nước mà thôi, nhưng trong nước và trong máu. Chính Thần Khí là chứng nhân, và Thần Khí là sự thật.” Những người chống Thiên Chúa là những người không tin Đức Kitô được Thiên Chúa sai đến, hay những người chỉ tin vào thiên tính, hay vào nhân tính của Người. Hơn nữa, Gioan còn nhấn mạnh: “Và điều làm cho chúng ta thắng được thế gian, đó là lòng tin của chúng ta.”
3/ Phúc Âm: Phúc thay những người không thấy mà tin.
3.1/ Chúa Giêsu hiện ra với các Tông đồ, lúc không có Thomas.
(1) Bình an của Chúa Giêsu: Sự lo lắng và sợ sệt làm con người bất an, như trình thuật kể tâm trạng của các tông đồ vào những ngày sau khi Chúa chết: “Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái.” Đang khi các ông hoảng hốt lo sợ như thế, Đức Giêsu biết rõ các ông cần điều gì nhất. Ngài đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em! Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.”
Bình an các ông có được là nhờ tin Đức Kitô sống lại. Các ông tưởng sẽ không bao giờ còn được nhìn thấy Ngài nữa, và còn đang bị khủng hoảng bởi những việc mới xảy ra; nhưng giờ đây các ông vui mừng vì được thấy Ngài bằng xương bằng thịt. Hơn nữa, Ngài còn chứng minh cho các ông biết tất cả những gì Ngài đã nói với các ông là sự thật, tất cả những gì Ngài tiên báo về Cuộc Khổ Nạn của Ngài đều hiện thực. Sự hiện diện của Đức Kitô mang lại cho các ông sự bình an đích thực trong tâm hồn, vì Ngài bảo đảm cho các ông uy quyền và tình yêu của Thiên Chúa, được biểu lộ qua Đức Kitô.
(2) Lệnh được sai đi: Khi Đức Kitô chọn các tông đồ, Ngài muốn các ông tiếp tục thi hành sứ vụ Ngài đã khởi sự; nên Người lại nói với các ông: “"Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ."” Sự bình an các tông đồ có được, không phải chỉ do sự hiện diện của Đức Kitô, nhưng còn do sự hiện diện và quyền năng của Thánh Thần, mà Đức Kitô đã thổi hơi vào các tông đồ. Với sự bình an và quyền năng của Thánh Thần, Ngài sai các ông đi rao giảng Tin Mừng. Trước đây, sự lo lắng và sợ hãi làm cho các ông không dám sống và làm chứng cho sự thật; nhưng giờ đây, sau khi đã cảm nhận được sự bình an qua niềm tin vào Chúa sống lại và sức mạnh của Thánh Thần; các tông đồ mở tung cửa đi vào thế giới và làm chứng cho Đức Kitô. Các ông biết nếu Đức Kitô đã chinh phục kẻ thù ghê gớm nhất là sự chết, còn gì phải sợ nữa.
3.2/ Chúa Giêsu hiện ra với các Tông đồ, có cả Thomas.
(1) Sự cứng lòng của Thomas: “Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Thomas, cũng gọi là Didymus, không ở với các ông khi Đức Giêsu đến. Các môn đệ khác nói với ông: "Chúng tôi đã được thấy Chúa!" Ông Thomas đáp: "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin." Chúng ta đừng vội trách Thomas, vì các tông đồ khác cũng từng cứng lòng như ông khi họ chưa nhìn thấy Chúa. Tuy nhiên, cách thức “khi nhìn thấy mới tin” chỉ là một trong nhiều cách thức con người dùng để tin một điều là sự thật.
(2) Phản ứng của Thomas khi nhìn thấy Chúa: "Tám ngày sau, các môn đệ của Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Thomas ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em." Rồi Người bảo ông Thomas: "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin."
Ông Thomas thưa Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!" Đức Giêsu bảo: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. " Lời thưa của Thomas không đơn thuần chỉ là niềm tin vào Chúa sống lại; nhưng là lời tuyên xưng Đức Kitô là Thầy và là Thiên Chúa của ông. Tin khi đã thấy là cách thức thấp nhất con người dùng khi muốn tin điều gì là thật; nhưng Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến những cách thức cao hơn, khi Ngài nói: “Phúc thay những người không thấy mà tin!” Con người có thể tin Thiên Chúa qua các việc Ngài làm trong vũ trụ, hay qua Kinh Thánh, hay qua lời chứng của các chứng nhân. Lề Luật Do-thái chỉ đòi lời của 2 chứng nhân có thế giá. Chúng ta đã có hàng triệu chứng nhân đã làm chứng cho sự phục sinh của Thiên Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Tin thế nào, sống như vậy. Nếu chúng ta tin vào Đức Kitô, hãy sống những gì Ngài dạy; đừng sống như những người chỉ tin vào cuộc sống đời này.
- Niềm tin vào sự phục sinh của Đức Kitô phải giúp chúng ta vượt qua những lo lắng, buồn phiền, và sợ sệt của cuộc sống. Nếu một Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến độ ban cho chúng ta Người Con Một của Ngài, còn gì quí giá hơn có thể ban mà Ngài từ chối không ban cho chúng ta. Nếu một Thiên Chúa uy quyền đến độ chinh phục được kẻ thù ghê gớm nhất của con người là sự chết, chúng ta còn phải sợ hãi gì nữa?
- Hãy đặt niềm tin hoàn toàn nơi Thiên Chúa, chúng ta mới có được sự bình an đích thực của Ngài. Sự bình an này sẽ giúp chúng ta biết sống và làm chứng cho Đức Kitô phục sinh.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Hai Tuần II PS
Bài đọc: Acts 4:23-31; Jn 3:1-8.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thánh Thần giúp các môn đệ làm chứng cho Đức Kitô.
Một bằng chứng hùng hồn của việc Chúa sống lại là chúng ta chỉ cần quan sát sự thay đổi nơi các tông đồ: Điều gì đã giúp cho các tông đồ, từ những người nhát đảm sợ sệt bỏ trốn Chúa trong Cuộc Thương Khó của Ngài, bây giờ trở thành những người can đảm làm chứng cho Chúa giữa những đe dọa và cực hình? Đó là sự hiện diện của Thánh Thần như Chúa Giêsu đã hứa với các ông trong đêm giã biệt: “Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Jn 14:26).
Các Bài Đọc hôm nay nói lên vai trò quan trọng của Thánh Thần trong đời sống của các tín hữu. Trong Bài Đọc I, khi các tông đồ cầu nguyện và xin ơn để có thể tiếp tục sứ vụ Chúa Giêsu đã trao phó, Thánh Thần hiện xuống trên các ông và quyền năng của Ngài bao trùm các ông, giúp các ông có can đảm và mạnh bạo làm chứng cho Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nói cho Nicodemus biết: không ai có thể đạt tới Nước Thiên Chúa nếu không được tái sinh bởi nước và Thánh Thần.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn nói lời Thiên Chúa.
1.1/ Con người chỉ làm theo kế họach Thiên Chúa đã hoạch định: Phêrô và Gioan được tha về sau khi đã làm chứng cho Chúa Giêsu trước mặt THĐ và dân chúng. Hai ông đến với các anh em và thuật lại mọi điều các thượng tế và kỳ mục đã nói với hai ông.
Nghe vậy, họ đồng tâm nhất trí cất tiếng lên cùng Thiên Chúa: "Lạy Chúa, Ngài là Đấng tạo thành trời đất với biển khơi cùng muôn loài trong đó; Ngài là Đấng đã nhờ Thánh Thần, dùng miệng tổ phụ chúng con là David, tôi trung của Ngài, mà phán: “Sao chư dân lại ồn ào náo động, sao vạn quốc dám bày kế viển vông? Vua chúa trần gian cùng nổi dậy, vương hầu khanh tướng rập mưu đồ, chống lại Đức Chúa, chống lại Đấng Người đã xức dầu phong vương.” (Psa 2).”
Các tông đồ hiểu lời Thánh Vịnh 2 này nói trước về Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu: "Đúng vậy, Herode, Pontius Pilate, cùng với chư dân và dân Israel đã toa rập trong thành này, chống lại tôi tớ thánh của Ngài là Đức Giêsu, Đấng Ngài đã xức dầu.” Như thế họ đã thực hiện tất cả những gì do ý muốn của Thiên Chúa đã hoạch định từ trước.
1.2/ Các tông đồ được ban Thánh Thần để làm chứng cho Đức Kitô: Các tông đồ xin những sức mạnh cần thiết để các ngài có thể tiếp tục sứ vụ rao giảng của Đức Kitô: ơn can đảm, ơn chữa lành, uy quyền làm phép lạ nhân danh Chúa Giêsu. Họ cầu nguyện: “Giờ đây, lạy Chúa, xin để ý đến những lời ngăm đe của họ, và cho các tôi tớ Ngài đây được nói lời Ngài với tất cả sự mạnh dạn. Xin giơ tay chữa lành, và thực hiện những dấu lạ điềm thiêng, nhân danh tôi tớ thánh của Ngài là Đức Giêsu."
Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ và thúc đẩy các ông làm chứng cho Chúa Giêsu. “Khi họ cầu nguyện xong, thì nơi họ họp nhau rung chuyển; ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn nói lời Thiên Chúa.” Giờ đây, không chỉ có Phêrô và Gioan can đảm làm chứng cho Chúa Giêsu, mà tất cả các tông đồ. Sau khi đã lãnh nhận Thánh Thần, các ông có can đảm để đi vào các ngả đường làm chứng nhân cho Chúa Giêsu.
2/ Phúc Âm: Phải sinh ra một lần nữa bởi Nước và Thần Khí.
2.1/ Không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa từ trên.
(1) Tiểu sử Nicodemus: “Trong nhóm Pharisees, có một người tên là Nicodemus, một thủ lãnh của người Do-thái.” Ông là một thành viên của Thượng Hội Đồng, và đã lên tiếng bênh vực Chúa Giêsu cách gián tiếp khi THĐ âm mưu bắt Chúa Giêsu (Jn 7:50-51). Ông cũng là người đã cùng ông Joseph Arimathea tháo đanh và táng xác Chúa trong hang đá (Jn 19:38-39). Tại sao ông đến với Chúa Giêsu ban đêm? Có người cho rằng vì ông sợ người khác thấy. Kẻ khác cho tại vì truyền thống Do-thái có thói quen học Kinh Thánh ban đêm.
Ông để ý quan sát và nhận xét về Chúa Giêsu không giống như các người Pharisees khác: “Thưa Thầy, chúng tôi biết: Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy.” Lời nhận xét của ông giống như lời nhận xét của người mù từ lúc mới sinh trong Jn 9: Nếu Chúa Giêsu không đến từ Thiên Chúa, Ngài không thể nào chữa lành bệnh tật cho anh. Ông phải là người thành tâm thiện ý đi tìm sự thật; nhưng chưa có Thánh Thần để giúp ông hiểu lời Chúa nói và can đảm tin vào Chúa. Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu thảo luận với ông về sự hiện diện cần thiết của Thánh Thần. Có lẽ ông đã tin vào Chúa sau khi táng xác Chúa.
(2) Điều kiện để vào Nước Thiên Chúa: Đức Giêsu nói với ông: "Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên." Ông Nicodemus thưa: "Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được? Chẳng lẽ người đó có thể trở vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra sao?"
Trong tiếng Hy-lạp, trạng từ "anothen"có thể mang một trong 3 nghĩa sau: (1) từ trên cao; (2) một lần nữa; (3) từ ban đầu (Lk 1.3). Nicodemus hiểu lời Chúa Giêsu nói theo nghĩa thứ hai.
Theo W. Barclay, Chúa Giêsu có thể ám chỉ cả 3 nghĩa: “Để có thể tái sinh hoàn toàn mới, một người cần phải trải qua một sự thay đổi lớn mà nó gần như là một sự sinh ra mới (nghĩa 2); đó là cần phải có những gì xảy ra cho linh hồn mà nó chỉ có thể mô tả là được sinh ra bắt đầu lại từ đầu (nghĩa 3); và tòan thể tiến trình này không phải do công lao con người, vì nó đến từ ơn thánh và uy quyền của Thiên Chúa (nghĩa 1).”
2.2/ Chúa Giêsu cắt nghĩa cho Nicodemus:
(1) Sinh ra bởi Nước và Thánh Thần: Đức Giêsu đáp: "Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí. Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí. Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói: các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.” Các tông đồ phân biệt 2 phép rửa: phép rửa bằng nước của Gioan để tha tội, phép rửa ban Thánh Thần của Chúa Giêsu.
(2) Việc làm của Thánh Thần: Chúa Giêsu so sánh Thánh Thần với gió: “Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy.”
Trong tiếng Hy-lạp và Do-thái, họ chỉ dùng cùng một tiếng để chỉ “gió” và “thần khí:” ruah trong tiếng Do-thái và pneuma trong tiếng Hy-lạp. Con người thấy hậu quả những việc làm của Thánh Thần, tuy không bao giờ thấy Ngài. Ví dụ, khi nhìn thấy các tông đồ mạnh dạn làm chứng cho Chúa Giêsu hay nói tiếng lạ, chúng ta phải đặt câu hỏi: Ai đã biến các ông từ chỗ nhút nhát sợ sệt đến chỗ can đảm làm chứng cho Chúa Giêsu?
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Khi lãnh nhận Bí-tích Rửa Tội và Thêm Sức, chúng ta đã có Thánh Thần trong linh hồn.
- Các tín hữu phải được tái sinh bởi Thánh Thần mới có thể hiểu Lời Chúa và can đảm làm chứng nhân cho Chúa Giêsu.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Bảy Tuần I BNPS
Bài đọc: Acts 4:13-21; Mk 16:9-15.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người không thể trốn tránh sự thật mãi.
Có một người hay có tính “thêu dệt” và “thêm mắm thêm muối” mỗi khi nói chuyện với người khác về quá khứ huy hoàng của mình. Các bạn anh muốn dạy anh một bài học, nên mỗi lần anh nói, họ ghi chép cẩn thận những gì anh nói. Sau khi kể một hồi, các bạn anh bắt đầu thắc mắc về thời gian và nơi chốn của những việc xảy ra, và chỉ cho anh thấy sự không hợp lý của những gì anh kể. Từ đó, anh bắt đầu nói năng cẩn thận hơn; vì chỉ có nói thật, anh mới có thể tránh được những mâu thuẫn của các sự việc.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh việc con người không thể trốn tránh mãi sự thật. Trong Bài Đọc I, những người trong Thượng Hội Đồng Do-thái nghĩ khi họ đóng đinh Chúa Giêsu trên Thập Giá là từ nay dân chúng sẽ nghe theo họ; nhưng họ lại phải đương đầu với các môn đệ của Ngài và hàng ngàn dân chúng đã tin vào Chúa Giêsu. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ sau khi chết. Ngài khiển trách họ đã quá cứng lòng không chịu tin vào lời các nhân chứng thuật lại trong trình thuật hôm nay.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Nghe lời các ông hay là nghe lời Thiên Chúa?
1.1/ Phản ứng của những người trong Thượng Hội Đồng: Trước tiên, họ ngạc nhiên khi thấy ông Phêrô và ông Gioan mạnh dạn. Họ nghĩ không có một hay hai cá nhân nào dám đứng ra đương đầu với quyền lực của Thượng Hội Đồng; vì nếu làm như vậy, chắc chắn sẽ lãnh thiệt hại vào thân. Thứ đến, họ khám phá ra hai ông là những người không có chữ nghĩa, lại thuộc giới bình dân. Họ nhận xét đúng, cả hai, Phêrô và Gioan, đều làm nghề đánh cá; làm sao có cơ hội để học hỏi và biết chữ nghĩa và Lề Luật như họ được. Cả hai nhận xét của họ đều đúng, và câu hỏi họ đặt ra cho hai ông hôm qua rất chí lý: “Nhờ quyền lực nào và nhân danh ai mà các ông làm chuyện đó.”
Câu trả lời của Phêrô giúp họ tìm ra những gì họ muốn biết: chúng tôi chỉ lấy sức mạnh và quyền lực của Đức Kitô, Đấng mà các ông đã đóng đinh vào Thập Giá. Họ cũng nhận ra hai ông là những người đã từng theo Đức Giêsu; đồng thời họ lại thấy người đã được chữa lành đứng đó với hai ông, nên họ không biết đối đáp thế nào. Họ mới truyền cho hai ông ra khỏi Thượng Hội Đồng, để bàn tính với nhau. Họ chỉ có hai con đường phải chọn:
(1) Phục thiện và tin vào Chúa Giêsu: Đứng trước một phép lạ quá rõ ràng, đứng trước 3 nhân chứng, và đứng trước đông đảo dân chúng; họ phải tin vào Chúa Giêsu là Người đến từ Thiên Chúa, đã chết và sống lại. Chính họ đã nói với nhau về hai ông: “Họ đã làm một dấu lạ rành rành: điều đó hiển nhiên đối với mọi người cư ngụ tại Jerusalem, và ta không thể chối được.”
(2) Dùng bạo lực để bưng bít sự thật: Có nhiều lý do để họ từ chối không tin: sợ mất thế giá, sợ mất lợi lộc vật chất, sợ phải thay đổi niềm tin …
Sau khi bàn luận, họ quyết định bưng bít sự thật bằng bạo lực. Họ quyết định: “Nhưng để cho việc đó khỏi lan rộng thêm trong dân, ta hãy ngăm đe, nghiêm cấm họ từ nay không được nói đến danh ấy với ai nữa. Họ cho gọi hai ông vào và tuyệt đối cấm hai ông không được lên tiếng hay giảng dạy về danh Đức Giêsu nữa."
1.2/ Phản ứng của Phêrô và Gioan: Hai ông Phêrô và Gioan đáp lại: "Nghe lời các ông hơn là nghe lời Thiên Chúa, xin hỏi: trước mặt Thiên Chúa, điều ấy có phải lẽ không? Các ông thử xét xem! Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra."
Thượng Hội Đồng là những người có kiến thức và biết Lề Luật của Thiên Chúa. Họ phải công nhận điều Phêrô nói là phải tuân hành những gì Thiên Chúa nói hơn con người; nhưng vì quá ngoan cố trong việc tìm hiểu sự thật nên họ tiếp tục ở trong bóng tối tội lỗi. Trình thuật kể thái độ cứng lòng của họ như sau: “Sau khi ngăm đe lần nữa, họ thả hai ông về, vì không tìm được cách trừng trị hai ông. Lý do là vì họ sợ dân: ai nấy đều tôn vinh Thiên Chúa vì việc đã xảy ra.”
2/ Phúc Âm: Các lần hiện ra của Chúa Giêsu theo thánh-sử Marcô
Không phải chỉ có những người trong Thượng Hội Đồng cứng lòng, các môn đệ của Chúa Giêsu cũng mắc phải lỗi lầm đó. Hơn những người trong Thượng Hội Đồng, các tông đồ đã từng được nghe Chúa Giêsu giảng dạy, biến hình, và báo trước cuộc tử nạn và sống lại sẽ xảy ra. Chúa Giêsu không chỉ hiện ra một lần để có cớ cho các tông đồ nói đó chỉ là ảo ảnh hay bóng ma; nhưng Ngài hiện ra nhiều lần với các nhân chứng khác nhau. Chúa Giêsu phải trách thái độ cứng lòng của các ông vì đã chối từ sự thật đến không phải từ hai như Lề Luật đòi, nhưng nhiều nhân chứng khác nhau. Thánh Marcô liệt kê ba lần Chúa hiện ra:
(1) Với một mình Mary Magdala: “Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu hiện ra trước tiên với bà Mary Magdala, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ. Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc. Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin.”
(2) Với hai môn đệ trên đường về quê, Emmaus: “Sau đó, Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về quê. Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này.”
(3) Với Nhóm Mười Một: “Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy. Người nói với các ông: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.””
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải luôn học để biết sự thật, vì chỉ có sự thật mới giải thoát chúng ta khỏi mọi gian trá.
- Không chỉ học biết sự thật, chúng ta còn phải có can đảm để nói sự thật, sống theo sự thật, và làm chứng cho sự thật.
- Khi có sự xung đột giữa điều Thiên Chúa nói và điều người phàm nói; chúng ta phải luôn luôn vâng lời Thiên Chúa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Sáu Tuần I BNPS
Bài đọc: Acts 4:1-12; Jn 21:1-14.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúa Giêsu vẫn đang hoạt động với các tông đồ.
Chúa chết chưa hết truyện, mà là bắt đầu một kỷ nguyên mới; một kỷ nguyên mà từ nay, Ngài họat động từ trong và với các tông đồ.
Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng việc Chúa Giêsu vẫn sống và làm việc với các tông đồ. Trong Bài Đọc I, những người trong Thượng Hội Đồng rất ngạc nhiên khi thấy hai ông Phêrô và Gioan có thể chữa lành một người què từ lúc mới sinh. Họ chất vấn hai ông nhờ quyền năng nào và nhân danh ai làm chuyện đó. Ông Phêrô được đầy quyền năng Thánh Thần đã mạnh dạn tuyên xưng: chúng tôi nhân danh Chúa Giêsu Nazareth, Người đã bị các ông đóng đinh vào Thập Giá. Ngài vẫn đang sống và họat động trong chúng tôi; và không ai có thể được cứu độ nếu không tin vào Danh Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu vẫn hằng theo dõi cuộc sống của các tông đồ. Khi thấy các ông vất vả suốt đêm mà không bắt được con cá nào, Người hướng dẫn các ông cách bắt nhiều cá. Khi thấy các ông mệt mỏi và đói khát, Ngài chuẩn bị đồ ăn thức uống để các ông được tăng sinh lực.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Bổn cũ tái diễn, Thượng Hội Đồng cho bắt Phêrô và Gioan.
1.1/ Phêrô và Gioan đụng độ với Thượng Hội Đồng: Như Chúa Giêsu, hai ông biết sẽ phải ra trước Thượng Hội Đồng, nếu tiếp tục những gì Chúa đã từng làm; nhưng hai ông không sợ và bỏ chạy như trong Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu. Niềm tin vào Chúa Phục Sinh đã làm cho hai ông can đảm làm chứng cho Chúa mà không sợ bị bắt bớ, roi vọt, tù đày.
Khi hai ông còn đang nói với dân, thì có các tư tế, viên lãnh binh Đền Thờ, và các người thuộc nhóm Sadducees kéo đến. Lý do họ bắt các ông: “Họ bực tức vì các ông giảng dạy cho dân và dựa vào trường hợp Đức Giêsu mà loan báo kẻ chết sẽ sống lại.” Nhóm Sadducees không tin có sự sống lại, và càng bực tức với các tông đồ, vì đã đụng chạm đến niềm tin của họ. Họ dùng bạo lực, bắt hai ông và tống ngục cho đến ngày hôm sau, vì trời đã về chiều.
Nhưng làm sao họ có thể đàn áp mãi sự thật? Vì ngày hôm đó, trong đám người nghe lời giảng, có nhiều kẻ đã tin theo hai ông. Điều họ sợ toàn dân sẽ bỏ họ và theo Chúa Giêsu đã thành sự thật, chỉ riêng số đàn ông đã lên đến chừng năm ngàn. Họ lo sợ nhưng không làm gì được. Họ chỉ có thể dùng sức mạnh để đàn áp cá nhân; nhưng không thể áp đảo dân chúng.
1.2/ Phêrô và Gioan làm chứng cho Chúa Giêsu: Hôm sau, các thủ lãnh Do-thái, các kỳ mục và kinh sư họp nhau tại Jerusalem. Có cả thượng tế Hannah, các ông Caiaphas, Gioan, Alexandre và mọi người trong dòng họ thượng tế. Họ cho điệu hai Tông Đồ ra giữa hội đồng và tra hỏi:
(1) Câu hỏi quan trọng họ đặt ra cho Phêrô và Gioan: "Nhờ quyền năng nào hay nhân danh ai mà các ông làm điều ấy?" Điều mà họ ám chỉ đây là việc chữa lành người què từ lúc mới sinh.
(2) Câu trả lời của Phêrô: Bấy giờ, ông Phêrô được đầy Thánh Thần, liền nói với họ và toàn dân Israel: “Chúng tôi nhân danh chính Đức Giêsu Kitô, người Nazareth, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào Thập Giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người này được lành mạnh ra đứng trước mặt quý vị. Đấng ấy là tảng đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, chính tảng đá ấy lại trở nên đá tảng góc tường.” Lời tuyên xưng của Phêrô cũng là lời tố cáo tội lỗi họ đã xúc phạm đến Con Thiên Chúa.
Ông Phêrô còn đi xa hơn khi tuyên xưng: “Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một Danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào Danh đó mà được cứu độ."
2/ Phúc Âm: "Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá."
“Sau đó, Đức Giêsu lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Tiberia. Người tỏ mình ra như thế này. Ông Simon Phêrô, ông Tôma gọi là Điđymô, ông Nathanael người Cana miền Galilee, các người con ông Zebedee và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. Ông Simon Phêrô nói với các ông: "Tôi đi đánh cá đây." Các ông đáp: "Chúng tôi cùng đi với anh." Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.”
Có nhiều giả thuyết về ý nghĩa của trình thuật này: Có người cho rằng vì các tông đồ chán nản không biết làm gì sau khi Chúa chết, nên quay về nghề đánh cá cũ để sinh sống. Người khác cho đây chỉ là biểu tượng nói về việc các tông đồ phải biết trông cậy vào Chúa thì mới có kết quả trong việc “đánh cá người.” Dù theo giả thuyết nào đi nữa, chúng ta cũng phải tìm ra ý nghĩa của trình thuật.
2.1/ Chúa Giêsu chỉ dẫn cho các tông đồ bắt cá: Khi trời đã sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giêsu. Người nói với các ông: "Này các chú, không có gì ăn ư?" Các ông trả lời: "Thưa không."
- Người bảo các ông: "Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá." Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá.
- Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến nói với ông Phêrô: "Chúa đó!" Vừa nghe nói "Chúa đó!" ông Simon Phêrô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển.
Các ông vất vả suốt đêm và không bắt được con cá nào. Nhưng với sự chỉ dẫn, dù chỉ một lời của Chúa, các ông đã bắt được một mẻ cá lớn. Con người có thể chọn làm theo ý mình, nhưng sẽ không có kết quả bằng chịu vâng lời và làm theo sự chỉ dẫn của Chúa.
2.2/ Chúa Giêsu dọn bữa ăn cho các tông đồ: Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. Đức Giêsu bảo các ông: "Đem ít cá mới bắt được tới đây!" Ông Simôn Phêrô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách.
Chúa Giêsu bẻ bánh với các ông: Đức Giêsu nói: "Anh em đến mà ăn!" Không ai trong các môn đệ dám hỏi "Ông là ai?" vì các ông biết rằng đó là Chúa. Đức Giêsu đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúa Giêsu vẫn sống và đang hoạt động trong thế giới, trong Giáo Hội, trong gia đình, và trong mỗi người chúng ta. Chúng ta có cảm nhận được sự hiện diện của Ngài không?
- Hãy năng tham dự Thánh Lễ, vì qua đó, chúng ta vẫn đang được chỉ dạy khi thất bại, và được tăng sinh lực qua chính Mình và Máu Chúa, sau những giây phút mệt mỏi, chán chường.
- Chúng ta có nhiệm vụ làm chứng cho Chúa Phục Sinh bằng cách luôn lắng nghe và làm theo những gì Ngài dạy bảo, cho dẫu phải đương đầu với quyền lực của thế gian và ma quỉ.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Năm Tuần I BNPS
Bài đọc: Acts 3:11-26; Lk 24:35-48.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Làm thế nào để biết và tin chắc Chúa đã sống lại?
Mỗi năm, vào dịp các Kitô hữu chuẩn bị kỷ niệm cuộc Thương Khó, cái chết, và sự sống lại của Chúa Giêsu, các tuần báo Mỹ như Times và Newsweek luôn đặt những câu hỏi giật gân chung quanh việc sống lại của Chúa như: Chúa Giêsu có thực sự sống lại không? Không một nhân chứng nào thấy tận mắt lúc Chúa sống lại và ra khỏi mộ! Ngành khảo cổ không tìm thấy vết tích gì cả về ngôi mộ của Chúa. Tại sao lại có hai nơi đều nhận là “mộ Chúa” bên Jerusalem? Mục đích của họ là để con người đặt lại niềm tin vào sự sống lại đời sau, đúng như thánh Phaolô nói: “Nếu Đức Kitô không sống lại, niềm tin của chúng ta vô ích.”
Nhưng đi tìm những dữ kiện quanh ngôi mộ trống là cách thấp nhất để chứng minh sự kiện Chúa sống lại. Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta những bằng chứng cao hơn. Trong Bài Đọc I, thánh Phêrô minh chứng sự kiện Chúa sống lại bằng việc làm cụ thể: Ngài dùng quyền năng của Chúa Kitô phục sinh để chữa lành một người què từ lúc mới sinh, và minh chứng sự kiện phục sinh đã được các ngôn sứ đề cập đến nhiều lần trong Kinh Thánh. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu trực tiếp hiện ra với các tông đồ, và Ngài đã ăn uống trước mặt các ông để chứng minh Ngài là người thật, chứ không phải là ma hay ảo ảnh mà các ông đang sợ hãi. Ngài cũng dùng lời Kinh Thánh để chứng minh Ngài phải chịu đau khổ và được sống lại.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Phêrô và Gioan chứng minh Chúa đã sống lại thật.
1.1/ Phêrô làm chứng cho Chúa Phục Sinh bằng việc chữa lành: Phêrô muốn chứng tỏ với dân 2 điều:
(1) Quyền chữa lành không đến từ con người: Ông Phêrô lên tiếng nói với dân: "Thưa đồng bào Israel, sao lại ngạc nhiên về điều đó, sao lại nhìn chúng tôi chằm chằm, như thể chúng tôi đã làm cho người này đi lại được, nhờ quyền năng riêng hay lòng đạo đức của chúng tôi?”
(2) Quyền chữa lành đến từ Đức Kitô:
- Đức Kitô, Người mà anh em giết đi, đã sống lại: “Thiên Chúa của cha ông chúng ta, đã tôn vinh Tôi Trung của Người là Đức Giêsu, Đấng mà chính anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt quan Philatô, dù quan ấy xét là phải tha. Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết: về điều này, chúng tôi xin làm chứng.”
- Đức Kitô ban cho Phêrô uy quyền chữa lành: “Chính nhờ lòng tin vào danh Người, mà Người đã làm cho kẻ anh em nhìn và biết đây trở nên cứng cáp; chính lòng tin Người ban đã cho anh này được khỏi hẳn như thế, ngay trước mắt tất cả anh em.”
1.2/ Phêrô làm chứng cho Chúa bằng việc giải thích Kinh Thánh.
(1) Chúa Giêsu phải chịu khổ hình: Việc các thủ lãnh Do-thái giết Chúa Giêsu không phải là chuyện ngẫu nhiên xảy ra; nhưng đã được sắp đặt trước bởi Thiên Chúa, và được loan báo trước bởi hầu hết các ngôn sứ của Người (Isaiah, Jeremiah, Hoseah). Ông Phêrô trấn an dân: “Thưa anh em, giờ đây tôi biết anh em đã hành động vì không hiểu biết, cũng như các thủ lãnh của anh em. Nhưng, như vậy là Thiên Chúa đã thực hiện những điều Người dùng miệng tất cả các ngôn sứ mà báo trước, đó là: Đấng Kitô của Người phải chịu khổ hình. Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xoá bỏ tội lỗi cho anh em. Như vậy thời kỳ an lạc mà Đức Chúa ban cho anh em sẽ đến, khi Người sai Đấng Kitô Người đã dành cho anh em, là Đức Giêsu.”
(2) Chúa Giêsu làm trọn lời loan báo của các ngôn sứ: Những gì xảy ra cho Đức Kitô khi Ngài sống trên trần gian, đã được loan báo trước bởi các ngôn sứ; mỗi ngôn sứ loan báo một khía cạnh của cuộc đời Ngài. Tổng hợp tất cả lời loan báo của các ngôn sứ cho chúng ta sự hiểu biết về cuộc đời của Ngài. Ông Phêrô liệt kê 3 ngôn sứ trong trình thuật hôm nay:
- Lời chứng của Moses: “Từ giữa đồng bào của anh em, Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em sẽ cho trỗi dậy một ngôn sứ như tôi để giúp anh em; tất cả những gì vị ấy nói với anh em, anh em hãy nghe. Kẻ nào mà không nghe ngôn sứ ấy, thì sẽ bị diệt trừ khỏi dân” (Deut 18:15-20).
- Lời chứng của Samuel và các ngôn sứ khác: Sau đó, mọi ngôn sứ, kể từ ông Samuel đến các vị kế tiếp, khi lên tiếng thì cũng đã loan báo những ngày chúng ta đang sống (Lk 1:70).
- Lời chứng mà Thiên Chúa đã hứa với tổ phụ Abraham: “Nhờ dòng dõi ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (Gen 22:18, 26:4). Thiên Chúa đã cho Tôi Trung của Người trỗi dậy để giúp anh em trước tiên, và sai đi chúc phúc cho anh em, bằng cách làm cho mỗi người trong anh em lìa bỏ những tội ác của mình.
2/ Phúc Âm: Chúa hiện ra với các tông đồ.
2.1/ Chúa chứng minh cho các tông đồ biết Ngài là người thật: Khi một người nhìn thấy hồn người chết hiện về, cảm tưởng của họ chắc cũng như các tông đồ: “Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma.” Để chứng minh Ngài là người thật, Chúa Giêsu làm hai việc:
(1) Cho các ông sờ vào thân thể Ngài: Người nói với các ông: "Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?" Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem.
(2) Ăn uống trước mắt các ông: Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: "Ở đây anh em có gì ăn không?" Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.
2.2/ Chúa chứng minh cho các tông đồ những lời Kinh Thánh đã nói về Ngài.
(1) Toàn bộ Kinh Thánh cần thiết để hiểu Đức Kitô: Chúa Giêsu nhắc lại những lời dạy dỗ của Ngài cho các ông khi Ngài còn ở với các ông: "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì Sách Luật Moses, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm." Các ông không thể hiểu những lời này mà không có Đức Kitô; đồng thời các ông cũng không thể hiểu cuộc đời Chúa Kitô mà không được soi sáng bởi những lời này.
(2) Tiên-tri Hosea đã nói về sự sống lại của Ngài: "Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại” (Hos 6:2).
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta đừng bao giờ để các báo chí lung lạc niềm tin vào Chúa sống lại của chúng ta.
- Có nhiều bằng chứng về sự kiện Chúa sống lại: những lần Ngài hiện ra với các môn đệ, những phép lạ các môn đệ nhân danh Ngài là làm, cuộc sống chứng nhân và thay đổi hoàn toàn của các môn đệ, Kinh Thánh, và những cuộc trở lại của nhiều người. Chúng ta không chỉ có 2 nhân chứng như Luật đòi, nhưng ức triệu nhân chứng cho sự sống lại của Chúa Giêsu.
- Lịch sử Giáo Hội hơn 2000 năm qua là bằng chứng hùng hồn Chúa Giêsu vẫn đang họat động và ở lại trong Giáo Hội giữa bao chống đối, bắt bớ, và tù đày.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Tư Tuần I BNPS
Bài đọc: Acts 3:1-10; Lk 24:13-35.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúa vẫn đồng hành với các môn đệ sau cái chết của Ngài.
Xa cách Chúa là một khủng hỏang và mất mát tất cả cho các môn đệ, vì họ đã đặt trọn vẹn niềm tin và cuộc đời của họ nơi Ngài. Hầu hết đã bỏ Chúa trong Cuộc Thương Khó của Ngài; và giờ đây không còn được nhìn thấy Ngài nữa, họ chán nản, thất vọng. Nhiều người rời Jerusalem để trở về với gia đình, làm lại cuộc đời như hai môn đệ trên đường về Emmaus. Chính Chúa Giêsu đã nhìn thấy trước viễn ảnh này khi Ngài nói với các môn đệ: “Họ sẽ diệt chủ chăn, và đàn chiên sẽ tan tác.”
Các Bài Đọc hôm nay muốn nhấn mạnh: mặc dầu không còn sống trên dương gian, Chúa vẫn đồng hành và hoạt động trong và với các ông. Ngài vẫn có thể chữa lành, dạy dỗ, và làm cho con người thất vọng được sống hy vọng qua các môn đệ của Ngài. Trong Bài Đọc I, Chúa cho Phêrô quyền lực để chữa lành người què từ khi sinh, như Ngài đã từng làm cho dân chúng. Phêrô đã nhân danh Chúa Giêsu Kitô người Nazareth để làm phép lạ này. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu thắp lên niềm hy vọng cho 2 môn đệ trên đường Emmaus khi Ngài cùng các ông bẻ bánh và học hỏi những biến cố vừa xảy ra dưới lăng kính của Kinh Thánh.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ông Phêrô chữa lành người què từ khi lọt lòng mẹ.
Một hôm, ông Phêrô và ông Gioan lên Đền Thờ, vào buổi cầu nguyện giờ thứ chín. Các ông vẫn giữ thói quen lên Đền Thờ cầu nguyện mặc dù Chúa Giêsu không còn nữa và Ngài đã khai mào một kỷ nguyên mới. Điều này chứng tỏ cho chúng ta thấy, có những thói quen tốt lành cần giữ, chứ không phải khi bắt đầu kỷ nguyên mới là đạp đổ tất cả những gì của kỷ nguyên cũ.
(1) Phép lạ chữa lành cần thiết để khơi dậy niềm tin: Thiên Chúa vẫn không ngừng cảm thương với những đau khổ của kiếp người, và Ngài luôn dùng tình thương của con người để làm vơi đi những nỗi bất hạnh của đồng loại. Phép lạ chữa lành của Phêrô hôm nay chứng minh điều này, và cần thiết để cho các tông đồ biết Chúa ban uy quyền và tình thương để các ông tiếp tục thi hành sứ vụ mang con người về cho Thiên Chúa.
(2) Giúp đỡ tha nhân không chỉ bằng vàng bạc: nhưng có thể là làm cho bình phục, hay mở mang trí tuệ bằng sự dạy dỗ, hay làm cho tha nhân có được niềm tin và hy vọng ... Khi anh què nhìn thấy ông Phêrô và ông Gioan sắp vào Đền Thờ, anh liền xin bố thí. Ông Phêrô nói với anh: "Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giêsu Kitô người Nazareth, anh đứng dậy mà đi!" Rồi ông nắm chặt lấy tay mặt anh, kéo anh chỗi dậy. Lập tức bàn chân và xương mắt cá của anh trở nên cứng cáp. Anh đứng phắt dậy, đi lại được.
(3) Phản ứng của con người khi chứng kiến phép lạ: Sau khi được chữa lành, anh què vào Đền Thờ cùng với hai ông, anh vừa đi vừa nhảy nhót và ca tụng Thiên Chúa. Toàn dân thấy anh đi lại và ca tụng Thiên Chúa. Và khi nhận ra anh chính là người vẫn ngồi ăn xin tại Cửa Đẹp Đền Thờ, họ kinh ngạc sững sờ về sự việc mới xảy đến cho anh.
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu hiện đến với hai môn đệ trên đường đi Emmaus.
Có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Emmaus, cách Jerusalem chừng mười một cây số. Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. Sự kiện hai ông đi khỏi Jerusalem và tâm sự của hai ông khi trò chuyện với Chúa Giêsu chứng tỏ hai ông đã đánh mất niềm tin và hy vọng vào Đức Kitô.
2.1/ Họ nghe và nhìn thấy Chúa, nhưng không nhận ra Ngài: Đang lúc hai ông trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản nên không nhận ra Người. Chúa đồng hành với họ, để tìm ra những băn khoăn lo lắng của họ, và Ngài giúp họ để nhìn thấy ý nghĩa của những biến cố liên quan đến Ngài.
(1) Nỗi lo âu và thất vọng của hai môn đệ: Người hỏi họ: "Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?" Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu, và thưa: "Chuyện ông Giêsu Nazareth. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israel. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy." Các ông đã không thể nối kết các sự kiện đã xảy ra nên đã không nhìn ra ý nghĩa của chúng. Trong cuộc đời, chúng ta đã nhiều lần như vậy. Chúng ta để cho những biến cố qua đi mà không nhận ra sự liên hệ của chúng trong cuộc đời chúng ta. Để có thể nhìn thấy ý nghĩa và vai trò của chúng, chúng ta cần năng nhìn lại và dành thời giờ suy tư về những biến cố xảy ra.
(2) Giải thích Kinh Thánh: Bấy giờ Đức Giêsu nói với hai ông rằng: "Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” Rồi bắt đầu từ ông Moses và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh. Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa.Họ nài ép Người rằng: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn." Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ.
2.2/ Các môn đệ nhận ra Chúa.
(1) Qua việc cử hành Thánh Lễ: Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. Họ mới bảo nhau: "Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?" Đây là hình ảnh của một Thánh Lễ mà chúng ta tham dự: phần cắt nghĩa Kinh Thánh tương xứng với phần Phụng Vụ Lời Chúa, và phần bẻ bánh tương xứng với phần Phụng Vụ Thánh Thể; cả hai đều cần thiết để chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời mỗi người, và có sức mạnh để đương đầu với mọi vấn đề của cuộc sống.
(2) Qua việc hiệp thông huynh đệ và học hỏi: Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Jerusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người này bảo hai ông: "Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simon." Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. Khi đứng riêng lẻ một mình, chúng ta dễ cảm thấy chán nản, thất vọng; nhưng khi hội họp cùng nhau chia sẻ niềm tin, chúng ta sẽ được thêm khôn ngoan và sức mạnh để nâng đỡ niềm tin của nhau.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúa vẫn đang sống; Ngài vẫn hoạt động giữa chúng ta. Cuộc sống sẽ vô nghĩa, nặng nề, và buồn tẻ nếu chúng ta không có Chúa Giêsu đồng hành; nhưng cuộc sống sẽ vô cùng ý nghĩa nếu chúng ta có sự hiện diện của Ngài trong đời sống. Ngài cung cấp cho chúng ta tất cả khôn ngoan, sức mạnh, ơn thánh để sống cách ý nghĩa trong cuộc đời này.
- Những lúc chán nản, nghi nan, và thất vọng, chúng ta hãy cầu nguyện với Ngài: “Mời Chúa ở lại với chúng con, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.”
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Ba Tuần I BNPS
Bài đọc: Acts 2:36-41; Jn 20:11-18.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tôi đã tìm thấy Chúa.
Đã mang thân phận con người, ai cũng có lầm lỡ. Thiên Chúa biết điều đó; vì thế, Ngài không chấp tội con người. Ngài không muốn con người phải chết trong tội, nhưng muốn họ ăn năn sám hối và được sống. Điều quan trọng là con người phải nhận ra những lầm lỡ của mình; đồng thời phải biết làm gì để đền bù những tội lỗi đó.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc đi tìm và nhận ra Chúa. Trong Bài Đọc I, nhờ sự rao giảng của Phêrô, 3,000 người Do-thái đã nhận ra tội lỗi của mình và trở về với Thiên Chúa qua việc lãnh nhận Phép Rửa. Trong Phúc Âm, Bà Mary Magdala, người đã tìm thấy Chúa khi Ngài còn sống; và đã tìm thấy Chúa sau khi Ngài sống lại.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chúng tôi phải làm gì?
1.1/ Thiên Chúa không chấp tội con người: Giết người vô tội đã là tội nặng, giết Con Thiên Chúa, Đấng yêu thương và lo lắng cho con người, là tội vô cùng nặng nề. Phêrô mở mắt cho người Do-thái nhận ra họ đã lầm khi kết án Chúa Giêsu Kitô: “Vậy toàn thể nhà Israel phải biết chắc điều này: Đức Giêsu mà anh em đã treo trên Thập Giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô.”
Thiên Chúa sẽ đối xử thế nào với những ai vào hùa giết con của Ngài? Đây là câu hỏi mà chính Chúa Giêsu đã đặt ra cho họ trong ví dụ các tá điền được cho mướn đất làm vườn nho. Họ trả lời: “Ông chủ sẽ tru diệt chúng và giao vườn nho cho những ai biết sinh lợi.” Khi nhận ra tội của mình, người Do-thái đau đớn trong lòng, và hỏi ông Phêrô cùng các Tông Đồ khác: "Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì?"
1.2/ Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng: Đối với loài người, sẽ không có cơ hội thứ hai cho những người giết con Thiên Chúa. Đối với Thiên Chúa, Ngài cho họ có cơ hội thứ hai như Phêrô tuyên bố hôm nay: Họ phải làm hai việc:
(1) Lãnh nhận Phép Rửa: "Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu Phép Rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần. Thật vậy, đó là điều Thiên Chúa đã hứa cho anh em, cũng như cho con cháu anh em và tất cả những người ở xa, tất cả những người mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi."
(2) Tránh xa thế hệ gian tà: Ông Phêrô khuyên nhủ họ: "Anh em hãy tránh xa thế hệ gian tà này để được cứu độ." Để bước theo đường lối của Thiên Chúa, con người cần tránh xa những sự sai lầm, giả trá, và biết sống theo sự thật. Chính sự sai lầm và không sống theo sự thật, những nhà lãnh đạo Do-thái đã luận tội Con Thiên Chúa.
2/ Phúc Âm: Cuộc hội ngộ giữa Chúa Giêsu và Bà Mary Magdala
2.1/ Mary Magdala tiếp tục tìm xác Chúa: Trình thuật này tiếp tục trình thuật Bà chạy về báo tin cho các môn đệ, và Phêrô cùng Gioan đã chạy ra mộ và chạy về. Bà vẫn quanh quẩn bên mộ Chúa vì thương mến, và có lẽ vì tội nghiệp Chúa đã phải chịu cái chết đau khổ như thế, mà giờ đây vẫn chưa hết đau khổ, vì con người vẫn chưa tha cho xác chết của Ngài.
(1) Mary thấy sứ thần Thiên Chúa, nhưng không nhận ra họ: Bà đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giêsu, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. Thiên thần hỏi bà: "Này bà, sao bà khóc?" Bà thưa: "Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!"
(2) Mary nghe tiếng Chúa và nhìn thấy Chúa, nhưng không nhận ra Chúa: Đức Giêsu nói với bà: "Này Bà! sao bà khóc? Bà tìm ai?" Bà tưởng Chúa là người làm vườn, và nghĩ có thể ông đã lấy xác Chúa, liền nói với ông: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.”
2.2/ Mary Magdala nhận ra Chúa Giêsu.
(1) Nhận ra Thiên Chúa không bằng những gì nghe và thấy bên ngoài, vì Bà đã nghe và thấy Chúa như trình bày ở trên; nhưng bằng sự rung động từ trong trí óc và con tim. Thánh sử Gioan mô tả phút giây hội ngộ giữa Chúa Giêsu và Mary Magdala thật ngắn ngủi, nhưng vô cùng tuyệt vời. Đức Giêsu gọi bà: "Mary!" Bà quay lại và nói bằng tiếng Do-thái: "Rabbouni!" Chỉ có hai con tim đang yêu mới hiểu được ý nghĩa tuyệt vời của hai tiếng gọi này. Sự kiện Chúa gọi tên Bà gợi lại cho bà nhiều điều: Chúa đang sống, Ngài nhận ra Bà, Ngài hiểu sự đau khổ của Bà, và Ngài yêu thương Bà. Nhận ra tiếng gọi thân thương của người mình yêu mến trong khi đang tuyệt vọng đi tìm, còn gì xúc động và vui mừng hơn, Bà quay lại để nhìn Chúa. Khi nhận ra Chúa, bà chạy đến, gieo mình xuống ôm chân Ngài, và sung sướng kêu lên “Thầy của con.”
(2) Yêu Chúa không phải giữ chặt Chúa, nhưng làm theo những gì Ngài muốn: Hành động của Mary Magdala như thầm nói với Chúa: “Con sẽ không để Thầy xa con nữa.” Nhưng Đức Giêsu bảo bà: "Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: "Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em.""
Khác với tình yêu con người, khi con người yêu ai, họ muốn giữ người họ yêu làm của riêng cho mình; tình yêu Thiên Chúa đòi con người tiếp tục cho Chúa đi, chứ không giữ Chúa lại làm của riêng cho mình. Con người tìm thấy niềm vui khi nhìn thấy mọi người yêu Chúa. Chúa Giêsu muốn bảo Mary: Nếu con thương Thầy, hãy làm cho nhiều người nhận biết Thầy! Thầy còn nhiều anh, chị, em mà con phải mang tin mừng đến cho họ.
(3) Bà Mary Magdala đi báo cho các môn đệ: "Tôi đã thấy Chúa!" và bà kể lại những điều Người đã nói với bà. Một khi đã tìm thấy và cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa, con người trở thành kẻ hát rong, ca ngợi tình yêu Thiên Chúa cho mọi người được biết. Cuộc đời không còn gì lôi cuốn được người có tình yêu Thiên Chúa; họ sẽ không đánh đổi tình yêu này cho bất cứ điều gì. Chỉ có tình yêu này mới có sức mạnh đủ để họ làm chứng cho Chúa giữa bao nghịch cảnh: bắt bớ, roi đòn, tù đày, gươm giáo, và ngay cả cái chết.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Hãy tìm Chúa! Ngài sẽ cho gặp; nhưng gặp lúc nào và khi nào là hoàn toàn do ý của Thiên Chúa.
- Thiên Chúa ở ngay trong tâm hồn con người, như thánh Augustine thú nhận: “Ngài luôn ở bên con, thế mà con vất vả tìm Ngài khắp nơi.”
- Khi đã tìm được Chúa, chúng ta không thể ích kỷ giữ Ngài cho mình chúng ta; nhưng phải chia sẻ cho mọi người để tất cả đều tìm thấy và tin tưởng nơi Ngài.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
LÀM CHỨNG CHO ĐẤNG PHỤC SINH
CHÚA NHẬT PHỤC SINH NĂM B (05/04/2015)
[Cv 10,34ª.37-43; Cl 3,1-4; Ga 20,1-9]
I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Đức Cố Giáo Hoàng Phao-lô VI đã nói một câu đáng mọi người chúng ta phải ghi nhớ và suy đi niệm lại trong lòng: “Người thời nay tin vào chứng nhân hơn thầy dậy và nếu họ có tin vào thấy dậy thì bởi vì thầy dậy đó là chứng nhân.” Lời nói trên đưa chúng ta trở về thuở ban đầu của Ki-tô giáo, với bài giảng của Thánh Phê-rô, Tông Đồ Trưởng, tại nhà ông Cô-nê-li-ô: “Còn chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân Do-thái và tại chính Giê-ru-sa-lem này….” (Cv 10, 39).
Hội Thánh Công Giáo đã phát triển qua hơn 20 thế kỷ và sẽ tiếp tục phát triển là nhờ -một phần quan trọng- vào việc các Ki-tô hữu sống sứ mạng làm chứng. Làm chứng cho Đấng xuất thân từ Na-da-rét, đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế. Nhưng Đấng ấy đã bị người ta giết chết nhưng sau ba ngày Người đã được Thiên Chúa Cha phục sinh: Đó là Đức Ki-tô Giê-su!
Nhân đọc lại các bài Thánh Kinh của Chúa Nhật Phục Sinh, thiết nghĩ các Ki-tô hữu Việt Nam cần kiểm điểm xem có phải vì chứng tá của chúng ta còn quá non yếu nên việc truyền giáo của Giáo hội Công giáo Việt Nam chưa có được nhiều kết quả như mong muốn?
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Trong bài đọc 1 (Cv 10, 34a.37-43): Chúng tôi đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại.
(34a) Bấy giờ tại nhà ông Cô-nê-li-ô, ông Phê-rô lên tiếng nói: (37) “Quý vị biết rõ biến cố đã xảy ra trong toàn cõi Giu-đê, bắt đầu từ miền Ga-li-lê, sau phép rửa mà ông Gio-an rao giảng. (38) Quý vị biết rõ: Đức Giê-su xuất thân từ Na-da-rét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người. (39) Còn chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân Do-thái và tại chính Giê-ru-sa-lem. Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. (40) Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, (41) không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại. (42) Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho dân, và long trọng làm chứng rằng chính Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết. (43) Tất cả các ngôn sứ đều làm chứng về Người và nói rằng phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội."
2.2 Trong bài đọc 2 (Cl 3,1-4): Anh em hãy tìm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự.
(1) Thưa anh em, anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. (2) Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. (3) Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa. (4) Khi Đức Ki-tô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang.
2.3 Trong bài Tin Mừng (Ga 20,1-9): Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.
(1) Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. (2) Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu."
(3) Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. (4) Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. (5) Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. (6) Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, (7) và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. (8) Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. (9) Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân dung của Thiên Chúa
(1°) Trong bài đọc 1 (Cv 10, 34a.37-43), Thánh Phê-rô, Tông đồ Trưởng, làm chứng về Chúa Ki-tô Phục Sinh. Cách nói của Thánh Phê-rô thật đơn sơ, dễ hiểu giống như ngài kể chuyện, vừa sống động vừa đậm nét chứng từ cá nhân của ngài. Vắn gọn trong mấy lời, Thánh Phê-rô đã tóm tắt một cách đầy đủ, cả cuộc đời của Đức Ki-tô Giê-su: từ xuất xứ đến cách sống, cách chết cũng như sự kiện phục sinh và cả việc Người giao sứ mạng rao giảng và làm chứng cho các môn đệ. Đó là cốt lõi của Niềm Tin Ki-tô giáo chúng ta.
(2°) Trong bài đọc 2 (Cl 3,1-4), Thánh Phao-lô Tông đồ Dân Ngoại, lưu ý các tín hữu Cô-lô-xê phải sống thế nào cho phù hợp với hiện trạng và tư cách Ki-tô hữu của mìmh. Các tín hữu đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy là họ đã “cùng chết” và “được cùng trỗi dậy” với Đức Ki-tô. Vì thế họ phải tìm kiếm những gì thuộc về thượng giới, tức những gì thuộc về Chúa Ki-tô. Trước và sau khi được dội nước trên đầu (hay được dìm trong nước) là hai cách sống hoàn toàn khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau. Trước khi được thánh tẩy là sống theo tinh thần, tiêu chuẩn và các giá trị của trần gian. Sau khi được thánh tẩy là sống theo tinh thần, tiêu chuẩn và các giá trị của Chúa Ki-tô.
(3°) Trong bài Tin Mừng (Ga 20,1-9), Thánh Gio-an Tông Đồ kể lại SỰ KIỆN xẩy ra vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, tức ngày thứ ba sau khi Đức Giê-su chết trên thập giá và được chôn cất trong ngôi mộ thuộc sở hữu của ông Giô-xép người thành A-ri-ma-thê. Hai người phụ nữ cùng có tên là Ma-ri-a ra thăm mộ vào sáng sớm, thì thấy ngôi mộ trống và xác Đức Giê-su không còn ở đó nữa. Các bà báo tin ngay cho các Tông Đồ. Ông Phê-rô và ông Gio-an cùng chạy đến mồ và cũng thấy như vậy.
Ngôi mộ trống chưa đủ chứng minh rằng Đức Giê-su đã “phục sinh từ cõi chết” mà mới xác định là thân xác Người không còn ở đó nữa. Nhưng với Tông đồ Gio-an thì chỉ bấy nhiêu cũng đủ rồi! Còn đối với những người khác thì sẽ có những bằng chứng hiển nhiên và đủ sức thuyết phục về sự kiện Đức Giê-su Na-da-rét đã trỗi dậy từ cõi chết. Đó là sự kiện Đức Giê-su Ki-tô phục sinh hiện ra với rất nhiều người thời bấy giờ.
3.2 Sứ điệp của Lời Chúa trong ba bài Thánh Kinh
Sứ điệp của Lời Chúa trong ba bài Thánh Kinh Chúa Nhật Phục Sinh là:
Đức Giê-su Na-da-rét đã được Thiên Chúa Cha toàn năng cho trỗi dậy từ cõi chết và cho xuất hiện tỏ tường trước mắt nhiều người.
Các Tông Đồ đã làm chứng về sự kiện đặc biệt ấy và các ngài đã lấy mạng sống mình làm bảo chứng cho lời tuyên xưng và rao giảng của mình.
Còn chúng ta là các Ki-tô hữu thì được mời gọi tin vào sự kiện Phục Sinh và làm chứng cho Chúa Ki-tô Phục Sinh như Thánh Phê-rô đã dõng dạc tuyên bố: “CÒN CHÚNG TÔI ĐÂY XIN LÀM CHỨNG (Cv 10,39)!”
IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA LỜI CHÚA HÔM NAY
4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng đã chết trên thập giá và đã phục sinh vinh hiển và dấn thân vào công cuộc làm chứng cho Người, để đáp lại Tình Yêu và Công Ơn của Người.
4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa
Thực thi sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là mỗi người/mỗi cộng đoàn Ki-tô tăng cường lòng tin vào Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh và nhiệt thành làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh của Người,
qua các việc làm cụ thể như sau:
a. tăng cường mối liên hệ mật thiết và riêng tư với Chúa Ki-tô Phục Sinh,
b. sống theo giáo huấn, mệnh lệnh và lời khuyên của Chúa Ki-tô Phục Sinh,
c. làm chứng về Mầu Nhiệm Nhập Thể (Người là Thiên Chúa thật và là người thật) và Vượt Qua của Người (Người đã chết trên thập giá và ba ngày sau đã trỗi dậy từ cõi chết) bằng cách xem thường những gì thuộc về trần gian và tìm kiếm những gì thuộc về Thiên Chúa tức những giá trị trường cửu.
V. CẦU NGUYỆN CHO HỘI THÁNH VÀ THẾ GIỚI
[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý: ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]
5.1 “Còn chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Người đã làm... và việc Người đã bị người ta treo lên cây gỗ mà giết đi, nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường.” Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa ban cho các dân tộc trên thế giới được ơn nhận biết và tin theo Đấng đã chết trên thập giá để cứu chuộc muôn người.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.2 "Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người.” Chúng ta hãy cầu nguyện cho các Ki-tô hữu, nhất là cho Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ, để mọi thành phần Dân Chúa, biết noi theo cách sống hữu ích và vị tha của Chúa Giê-su Ki-tô, là Chúa và là Thầy cùa mọi Ki-tô hữu.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.3 "Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm và hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa." Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người thuộc giáo xứ chúng ta, nhất là cho những người tham dự Thánh Lễ này, biết ưu tiên tìm kiếm những gía trị cao cả trong cuộc sống.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.4 “Theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết." Chúng ta hãy cầu nguyện cho các Ki-tô hữu hy sinh thời gian cho việc học hỏi, giảng dậy và truyền bá Lời Chúa để mỗi ngày họ nhận ra dung mạo và sứ điệp của Chúa Giê-su Ki-tô một cách sâu sắc hơn!
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Năm Tuần Thánh
Bài đọc: Exo 12:1-8, 11-14; I Cor 11:23-26; Jn 13:1-15.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tình yêu Thiên Chúa: khiêm nhường phục vụ và yêu thương đến cùng.
Con người thường quan niệm: người có tài năng hay địa vị quan trọng không thể hạ mình làm các việc hèn kém; vì nếu làm như thế, người khác nhìn thấy sẽ khinh thường, và địa vị của họ sẽ bị giảm đi. Vì thế, nếu không được người khác nhận ra và trọng dụng tài năng, người có tài sẽ bất mãn và từ chối không tham gia; ví dụ, thành viên của HĐMV không được ăn nói trước công chúng, thành viên của ca đòan khi không được hát solo.
Các Bài Đọc hôm nay mở mắt cho chúng ta thấy thế nào là tình yêu và phục vụ của Thiên Chúa. Ngài là Đấng uy quyền dựng nên và điều khiển muôn lòai, thế mà luôn hạ mình để phục vụ và yêu thương mọi người, cho dẫu con người vô ơn và không xứng đáng với tình yêu của Ngài. Trong Bài Đọc I, vì quá yêu thương và muốn giải thóat người Do-thái khỏi cảnh nhục nhằn và tủi hổ của kiếp nô lệ, Thiên Chúa đã “cõng dân Do-thái như đại bàng cõng con trên cánh” ra khỏi đất Ai-cập và đưa dân vào Đất Hứa. Ngài truyền cho dân phải cử hành Lễ Vượt Qua để tưởng nhớ đến tình yêu và những việc Ngài làm. Trong Bài Đọc II, Chúa Giêsu sẵn sàng chịu bẻ nhỏ tấm bánh là thân thể của Ngài, và hy sinh đến giọt máu cuối cùng cho các môn đệ để tỏ tình yêu và nuôi sống các ông. Ngài cũng truyền cho các ông năng cử hành Thánh Lễ để dừng quên tình yêu của Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy cho các tông đồ bài học khiêm nhường và yêu thương đến cùng bằng cách rửa chân cho các ông và Ngài cũng dạy: “Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Lễ Vượt Qua của người Do-thái.
Lễ Vượt Qua là lễ trọng nhất trong ba lễ trọng của người Do-thái; vì là lễ kỷ niệm ngày Thiên Chúa đã dùng uy quyền của Ngài để đánh phạt vua Pharao, đưa dân Do-thái thóat khỏi làm nô lệ cho Ai-cập, và dẫn đưa dân vào Đất Hứa: “Các ngươi phải lấy ngày đó làm ngày tưởng niệm, ngày đại lễ mừng Đức Chúa. Qua mọi thế hệ, các ngươi phải mừng ngày lễ này: đó là luật quy định cho đến muôn đời.” Có nhiều điều tương xứng với Lễ Vượt Qua mơi của Đức Kitô; nên cần một sự hiểu biết chi tiết về Lễ Vượt Qua của người Do-thái.
1.1/ Con Chiên Vượt Qua: Ngày mừng Lễ Vượt Qua là 14 tháng Nissan (tháng tư): “Đức Chúa phán với ông Moses và ông Aaron trên đất Ai-cập: Tháng này, các ngươi phải kể là tháng đứng đầu các tháng, tháng thứ nhất trong năm.”
- Mỗi gia đình phải có một con chiên để ăn mừng Lễ Vượt Qua, và phải có sẵn vào ngày 10 tháng này: “Ai nấy phải bắt một con chiên cho gia đình mình, mỗi nhà một con. Nếu nhà ít người, không ăn hết một con, thì chung với người hàng xóm gần nhà mình nhất, tuỳ theo số người. Các ngươi sẽ tuỳ theo sức mỗi người ăn được bao nhiêu mà chọn con chiên.”
- Phẩm chất của con chiên đó: “phải toàn vẹn, phải là con đực, không quá một tuổi. Các ngươi bắt chiên hay dê cũng được. Phải nhốt nó cho tới ngày mười bốn tháng này, rồi toàn thể đại hội cộng đồng Israel đem sát tế vào lúc xế chiều, lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên.” Còn thịt, sẽ ăn ngay đêm ấy, nướng lên, ăn với bánh không men và rau đắng.
1.2/ Cách ăn Lễ Vượt Qua: Vì dân Do-thái phải ra đi vội vã và trong đêm tối, nên họ phải chuẩn bị sẵn sàng mọi sự: “lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy.” Vì vua Pharao từ chối không để cho dân Do-thái ra đi, nên Thiên Chúa sẽ sát hại tất cả các con đầu lòng trên đất Ai-cập: “Đêm ấy Ta sẽ rảo khắp đất Ai-cập, sẽ sát hại các con đầu lòng trong đất Ai-cập, từ loài người cho đến loài thú vật, và sẽ trị tội chư thần Ai-cập: vì Ta là Đức Chúa.” Nhà dân Do-thái nào có máu chiên bôi trên cửa, thiên thần sẽ đi qua, và không vào tàn sát các con đầu lòng của họ.
Cuộc đời con người là một hành trình vượt qua, từ đời này đến đời sau. Giống như người Do-thái, chúng ta dễ bị cám dỗ làm nô lệ cho vật chất để bằng lòng với cuộc sống đời này, mà quên đi cuộc sống vĩnh cửu mai sau. Để tránh nguy hiểm này, chúng ta hãy noi gương họ làm hai việc quan trọng:
(1) Luôn chuẩn bị sẵn sàng để lên đường về Nhà Cha bằng cách: “lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy.” Đừng sở hữu quá nhiều của cải, chúng ta sẽ ngại ngùng không dám lên đường.
(2) Có máu chiên bôi sẵn trên cửa: Máu Chiên chúng ta cần là Máu cực thánh của Đức Kitô đã đổ ra. Tham dự Thánh Lễ và rước lễ thường xuyên bảo đảm chúng ta khỏi bị tiêu diệt muôn đời.
2/ Bài đọc II: Mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.
Trong Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa, Lễ Vượt Qua của Cựu Ước là hình ảnh Lễ Vượt Qua mới của Đức Kitô: Khi biết giờ Ngài sắp sửa vượt qua cuộc đời này để về cùng Thiên Chúa, Ngài đã yêu thương con người và yêu thương họ đến cùng; Chúa Giêsu làm cho con người hai việc chính:
2.1/ Hiến mình làm Chiên Vượt Qua để cứu độ con người: Máu chiên bôi trên cửa của nhà người Do-thái có sức mạnh để cứu các con đầu lòng và súc vật của họ; thịt chiên có sức mạnh để giúp họ vượt qua Biển Đỏ để vào Đất Hứa. Cũng vậy, Máu Thánh của Chúa Giêsu đổ ra có sức mạnh để cứu nhân lọai khỏi mọi tội; Mình Thánh giúp con người vượt qua mọi trở ngại của biển đời để vào đất Thiên Chúa hứa là thiên đàng.
2.2/ Lập Bí-tích Thánh Thể để tiếp tục ở lại với con người: Bữa Tiệc Ly chính là bữa tiệc Vượt Qua. Chúa Giêsu đã lập Bí-tích Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly.
(2) Bánh không men chính là Mình Chúa: Trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.”
(3) Máu của Chiên Vượt Qua chính là Máu Chúa: Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: "Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy."
Giống như Thiên Chúa truyền cho người Do-thái phải tái diễn Lễ Vượt Qua mỗi năm, Chúa Giêsu cũng truyền các tín hữu phải cử hành Bữa Tiệc Ly thường xuyên để loan truyền và hưởng lợi ích từ cuộc tử nạn của Ngài: “Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết” vì yêu thương con người.
3/ Phúc Âm: Chúa Giêsu khiêm nhường và yêu thương rửa chân cho các môn đệ.
3.1/ Chúa biết tất cả mọi sự sẽ xảy ra và Ngài sửa sọan tất cả: Thánh sử Gioan tường thuật ba điều quan trọng Chúa Giêsu biết rõ trước Cuộc Thương Khó của Ngài:
(1) Biết giờ của Ngài sắp về với Thiên Chúa: “Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha.”
(2) Biết giờ phải từ biệt các môn đệ: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.”
(3) Biết giờ cứu độ cho con người sắp xảy ra: “Đức Giêsu biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người.”
3.2/ Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ: Ba điều biết quan trọng trên thúc đẩy Chúa Giêsu sẵn sàng tỏ tình yêu cho các môn đệ qua những việc mà các tông đồ không bao giờ dám nghĩ tới: Trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.
- Cuộc đối thọai giữa Chúa Giêsu và Phêrô: Ông thưa với Người: "Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?" Đức Giêsu trả lời: "Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu." Ông Phêrô lại thưa: "Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!"
Phêrô, cũng giống như bao nhiêu con người, ông nghĩ Chúa Giêsu, là Thầy và là Chúa, không thể hạ mình làm công việc hèn hạ như vậy. Khi Chúa Giêsu làm như thế, Ngài tự hạ mình xuống như một người đầy tớ.
- Chúa Giêsu cắt nghĩa cho Phêrô: "Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy." Ông Simon Phêrô liền thưa: "Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa." Đức Giêsu bảo ông: "Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!" Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: "Không phải tất cả anh em đều sạch."
Các nhà chú giải đều nhìn hành động rửa chân như là biểu tượng của Bí-tích Rửa Tội: phải được rửa sạch trước khi tội được tha để chung hưởng hạnh phúc với Chúa.
3.3/ Chúa Giêsu cắt nghĩa bài học rửa chân: Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giêsu mặc áo vào, về chỗ và nói: "Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là "Thầy," là "Chúa," điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.”
Rửa chân là công việc của đầy tớ. Chúa Giêsu làm công việc của đầy tớ để phục vụ các môn đệ. Ngài dạy các ông không có công việc hèn, nếu các ông muốn chứng tỏ tình yêu cho Thiên Chúa và cho tha nhân, hãy làm những công việc đó. Có một sự tương phản giữa cách thức suy nghĩ của Thiên Chúa và của con người: khi con người muốn làm lớn, họ tránh làm việc nhỏ. Chúa Giêsu dạy làm những việc nhỏ để trở thành lớn. Đây phải là bí quyết thành công Thiên Chúa muốn dạy con người: làm gương sáng trong những việc nhỏ là cách dạy tốt nhất, vì lời nói lung lay, gương bày lôi kéo. Nếu các nhà lãnh đạo và cha mẹ muốn thành công trong việc dạy dỗ, hãy làm gương sáng cho những người dưới quyền mình. Cha mẹ sẽ hiếm có cơ hội để chết cho con, nhưng những việc nhỏ như: nhịn ăn cho con, săn sóc con khi bệnh tật, đau khổ khi con buồn tủi, có hiệu quả tương tự như những việc lớn vậy.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Khi yêu ai, chúng ta hãy bắt chước Thiên Chúa yêu người đó đến cùng; đừng yêu nửa chừng rồi bỏ, vì nếu làm như thế, chúng ta đã không trung thành, và hoang phí những gì mình đã cố gắng từ đầu. Làm như thế chúng ta sẽ mất thời giờ và có thể sẽ phải làm lại từ đầu lần nữa.
- Lãnh đạo bằng yêu thương và phục vụ, không bằng truyền lệnh và đòi được phục vụ, là cách lãnh đạo hiệu quả nhất. Khi con người cảm thấy mình được yêu thương và chăm sóc, họ sẽ theo nhà lãnh đạo đến cùng.
- Không có công việc hèn, chỉ có người hèn. Nếu muốn người khác làm việc đó, mình hãy làm gương thi hành trước. Chúng ta hãy cử hành Lễ Vượt Qua và “rửa chân cho anh chị em” thường xuyên để đừng bao giờ quên thế nào là yêu thương và phục vụ chân thành.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Nguồn: Tổng Giáo Phận Huế
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Tư Tuần Thánh
Bài đọc: Isa 50:4-9; Mt 26:14-25.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đương đầu với phản bội!
Con người phải đương đầu với phản bội và rất đau khổ khi bị phản bội, nhất là từ các người thân tín nghĩa thiết như: cha mẹ, vợ chồng, con cái, thầy trò, anh chị em, bạn hữu. Chúng ta phải làm gì khi phải đương đầu với phản bội? Một điều lợi ích: phản bội giúp chúng ta tìm ra đâu là tình yêu đích thực để trông cậy vào. Tiên tri Isaiah giúp chúng ta nhìn thấy ánh sáng: cho dù cha mẹ có bỏ chúng ta đi nữa, Thiên Chúa không bao giờ bỏ con cái của Ngài. Vì vậy, chúng ta cần chạy đến với Thiên Chúa để lấy sức mạnh và tình yêu mỗi khi đương đầu với phản bội.
Các Bài Đọc hôm nay giúp chúng ta biết khôn ngoan đương đầu với phản bội. Trong Bài Đọc I, tiên tri Isaiah cho chúng ta thấy đâu là nguồn sức mạnh của Người Tôi Trung của Thiên Chúa: một khi có Thiên Chúa nâng đỡ và bảo vệ, Người Tôi Trung có thể đương đầu với bất cứ nghịch cảnh nào, và tin chắc sẽ thắng vượt tất cả. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu phải đương đầu với sự phản bội vì sự ham tiền của Judah; nhưng Ngài bình tĩnh loan báo tin buồn cho tất cả các tông đồ, ngay cả Judah; và can đảm tiến tới để lãnh nhận các đau khổ từ sự phản bội này. Ngài biết Thiên Chúa sẽ cho Ngài toàn thắng.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ai tranh tụng với tôi? Cùng nhau ta hầu toà! Ai muốn kiện cáo tôi? Cứ thử đến đây coi!
1.1/ Sống làm chứng cho Thiên Chúa: Trước khi có thể chu tòan sứ vụ làm chứng cho Thiên Chúa, Người Tôi Trung phải biết dành thời giờ để cầu nguyện và lắng tai nghe như một người môn đệ: “Đức Chúa là Chúa Thượng đã cho tôi nói năng như một người môn đệ, để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức. Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ.” Một khi đã hiểu biết kế họach khôn ngoan của Thiên Chúa, Người Tôi Trung sẽ không lùi bước trước những khó khăn trước mặt: “Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui.”
Người Tôi Trung sẵn sàng chịu mọi cực hình để làm chứng cho Thiên Chúa: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ.” Khi phải chịu cực hình, Người Tôi Trung chịu đựng với một niềm tin: “Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.” Tất cả những điều này trở nên rõ ràng khi chúng ta chứng kiến Chúa Giêsu chịu mọi cực hình trong Cuộc Thương Khó của Ngài.
1.2/ Ai có thể thắng nổi Thiên Chúa? Nguồn sức mạnh của Người Tôi Trung là ở nơi Thiên Chúa, Đấng tạo dựng, quan phòng, xét xử, và yêu thương con cái Ngài. Ông hãnh diện tuyên xưng Thiên Chúa và thách thức mọi kẻ thù: “Đấng tuyên bố rằng tôi công chính, Người ở kề bên. Ai tranh tụng với tôi? Cùng nhau ta hầu toà! Ai muốn kiện cáo tôi? Cứ thử đến đây coi!
Này, có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, ai còn dám kết tội? Này, tất cả chúng sẽ mục đi như chiếc áo, và sẽ bị mối ăn.” Sức mạnh và uy quyền của thế gian, nếu so sánh với quyền năng và sức mạnh của Thiên Chúa, chỉ như lấy trứng chọi vào đá.
2/ Phúc Âm: Judah Iscariot phản bội và bán Chúa.
2.1/ Lòng tham tiền thúc đẩy Judah Iscariot bán Chúa: “Bấy giờ, một người trong Nhóm Mười Hai tên là Judah Iscariot, đi gặp các thượng tế mà nói: "Nếu tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu." Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. Từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giêsu.” Judah biết rõ các thượng tế muốn giết Chúa Giêsu, và muốn lợi dụng cơ hội để làm tiền. Qua trình thuật này, chúng ta phải học được bài học về sức mạnh của đồng tiền: Nó có thể làm cho Judah bán Chúa, bán Thầy, và bán chính mình (Judah tự kết liễu đời mình). Tiền bạc chỉ là phương tiện giúp con người sinh sống, con người phải điều khiển nó, chứ không để nó điều khiển con người. Nếu con người để tiền bạc điều khiển mình, con người đã trở thành nô lệ cho tiền bạc, và sẽ phải lãnh mọi hậu quả như Judah. Con người cần sống đơn giản.
2.2/ Chúa Giêsu tuyên báo sự phản bội của Judah Iscariot.
(1) Ăn Lễ Vượt Qua: Ngày thứ nhất trong tuần bánh không men, các môn đệ đến thưa với Đức Giêsu: "Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?" Người bảo: "Các anh đi vào thành, đến nhà một người kia và nói với ông ấy: "Thầy nhắn: thời của Thầy đã gần tới, Thầy sẽ đến nhà ông để ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ của Thầy." Các môn đệ làm y như Đức Giêsu đã truyền, và dọn tiệc Vượt Qua. Chiều đến, Đức Giêsu vào bàn tiệc với mười hai môn đệ. Lễ Vượt Qua là một trong 3 Lễ vô cùng quan trọng của người Do-thái, vì họ kỷ niệm biến cố Thiên Chúa dẫn đưa họ ra khỏi đất nô lệ của Ai-cập, và tiến vào Đất Hứa. Chúa Giêsu đã sắp đặt mọi sự sẵn sàng. Ngài chuẩn bị sẵn phòng ăn và tất cả những gì cần trối trăn cho các môn đệ trong Lễ Vượt Qua cuối cùng của Ngài với các ông.
(2) Tuyên báo sự phản bội: Đang bữa ăn, Chúa Giêsu nói: "Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy." Đây là một hung tin, thường thì người ta sẽ tránh loan tin buồn trong khi ăn, vì “trời đánh còn tránh miếng ăn;” nhưng đây là cơ hội cuối cùng của Chúa Giêsu với các đầy đủ các môn đệ, Chúa phải cho các ông biết trước khi sự việc xảy ra.
- Phản ứng của các tông đồ: Các môn đệ buồn rầu quá sức, lần lượt hỏi Người: "Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao?" Tuy các ông không nộp Chúa như Judah; nhưng đã bỏ Chúa chạy hết, để Ngài phải đương đầu với Cuộc Thương Khó một mình.
- Phản bội bởi thân hữu gây đau khổ hơn của người dưng nước lã: Chúa Giêsu đáp: "Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy. Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn!" Câu tuyên bố của Chúa đầu tiên không chỉ đích danh ai phản bội, vì cả Nhóm Mười Hai đều chấm chung một đĩa với Chúa. Dĩ nhiên, phải có Judah thì Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa mới thành tựu; tuy nhiên, không phải Thiên Chúa tiền định cho Judah Iscariot phải phản bội Chúa, vì không khó để kiếm một Judah khác trong thế giới này.
- Phản ứng của Judah, kẻ nộp Người: Hắn cũng hỏi: "Rabbi, chẳng lẽ con sao?" Người trả lời: "Chính anh nói đó!" Đã phản bội còn có can đảm để đóng kịch, Chúa Giêsu không muốn tố cáo Judah, nhưng Ngài phải nói cho Judah biết sự thật. Điều ngạc nhiên ở đây là không thấy các tông đồ khác phản ứng. Có lẽ Chúa nói nhỏ đủ để cho mình Judah nghe mà thôi.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Phản bội xảy ra thường xuyên trong cuộc đời con người. Chúng ta cần bình tĩnh cầu nguyện để đối phó. Sức mạnh và tình yêu của Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta vượt qua những cơn khủng hoảng này.
- Chúng ta có thể đương đầu với mọi phản bội bao lâu chúng ta còn Chúa. Judah Iscariot không thể đương đầu vì ông không còn sức mạnh và niềm tin nơi Thiên Chúa.
- Cần tập luyện để có một niềm tin sắt đá vào Thiên Chúa. Khi phải đối diện với phản bội, chúng ta đã có sẵn khí cụ để dùng. Không thể chờ đến lúc đó mới đi tìm niềm tin và sức mạnh.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Nguồn: Tổng Giáo Phận Huế
- 31/3 Người Tôi Trung hoàn toàn tin cậy nơi Thiên Chúa
- 30/3 Người Tôi Trung thực thi sứ vụ tới cùng
- 29/3 Chiêm ngắm & Yêu mến
- 29/3 Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu Kitô
- 28/3 Thiên Chúa sẽ ban cho Dân Người một Đấng Cứu Độ
- 22/3 Cái giá yêu thương & Vâng phục
- 26/3 Ngôn sứ của Thiên Chúa bị truy tố và bị ném đá
- 25/3 Sự vâng phục mang lại ơn cứu độ cho con người
- 24/3 Phải biết nắm lấy cơ hội để được sống
- 23/3 Không được kết án tha nhân