Sống Lời Chúa Hôm Nay
- Viết bởi Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
NƯỚC THIÊN CHÚA GIỐNG NHƯ HẠT CẢI
CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN NĂM B (14/06/2012)
[Ed 17,22-24; 2 Cr 5,6-10; Mc 4,26-34]
I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Trong ba năm rao giảng và chữa lành khắp các nẻo đường Pa-lét-tin, Đức Giê-su
đặc biệt quan tâm đến việc giúp các môn đệ và dân chúng hiểu về Nước Trời (hay
Nước Thiên Chúa) mà Người thiết lập khi đến trần gian. Người đã dùng nhiều hình
ảnh, nhiều dụ ngôn -là một hình thái văn chương bình dân và cách trình bày quen
thuộc với người đương thời- để nói về Nước Trời.
Trong bài Tin Mừng theo Thánh Mác-cô chúng ta đọc hôm nay, chúng ta thấy Đức
Giê-su dùng 2 dụ ngôn:
Dụ ngôn thứ nhất là Nước Trời được ví như một hạt lúa được gieo vào lòng đất tự
nó nầy mẩm, thành cây và trỗ bông nặng chĩu hạt lúa mới cho mùa gặt bội thu.
Dụ ngôn thứ hai là Nước Trời giống như hạt cải bé nhỏ, lúc gieo xuống đất, nó là
loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi mọc lên cây cải lớn hơn mọi thứ rau cỏ,
cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ ở đó.
Hai dụ ngôn trên có ý nghĩa gì với chúng ta hôm nay?
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Trong bài đọc 1 (Ed 17,22-24): Ta hạ thấp cây cao và nâng cao cây thấp
22 Đức Chúa là Chúa Thượng phán như sau: Từ ngọn cây, từ ngọn hương bá cao
chót vót, Ta sẽ lấy, sẽ ngắt một chồi non; chính Ta sẽ trồng nó trên đỉnh núi cao vòi
vọi. 23 Ta sẽ trồng nó trên núi cao của Ít-ra-en. Nó sẽ trổ cành và kết trái thành một
cây hương bá huy hoàng. Muông chim đến nương mình bên nó, và ẩn thân dưới
bóng lá cành. 24 Tất cả cây cối ngoài đồng ruộng sẽ nhận biết chính Ta là Đức
Chúa. Ta hạ thấp cây cao và nâng cao cây thấp, Ta làm cho cây xanh tươi phải khô
héo và cây khô héo được xanh tươi. Chính Ta là Đức Chúa, Ta đã phán là Ta thực
2.2 Trong bài đọc 2 (2 Cr 5,6-10): Dù còn ở trong thân xác, hoặc đã lìa bỏ thân
xác, chúng tôi chỉ có một tham vọng là làm đẹp lòng Chúa.
6 Thưa anh em, chúng tôi luôn mạnh dạn, và chúng tôi biết rằng: ở lại trong thân
xác này là lưu lạc xa Chúa, 7 vì chúng ta tiến bước nhờ lòng tin chứ không phải nhờ
được thấy Chúa... 8 Vậy, chúng tôi luôn mạnh dạn, và điều chúng tôi thích hơn, đó
là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa. 9 Nhưng, dù còn ở trong thân xác hoặc đã lìa
bỏ thân xác, chúng tôi chỉ có một tham vọng là làm đẹp lòng Người. 10 Vì tất cả
chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước toà Đức Ki-tô, để mỗi người lãnh
nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác.
2.3 Trong bài Tin Mừng (Mc 4,26-34): Hạt cải là loại nhỏ nhất, nhưng đã trở
thành cây lớn hơn mọi thứ rau cỏ.
26 Khi ấy Đức Giê-su nói với dân chúng dụ ngôn này: "Chuyện Nước Thiên Chúa
thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. 27 Đêm hay ngày,
người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì
người ấy không biết. 28 Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi
trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. 29 Lúa vừa chín, người ấy
đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa."
30 Rồi Người lại nói: "Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn
nào mà hình dung được? 31 Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống
đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. 32 Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn
hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng."
33 Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà rao giảng lời cho họ, tuỳ theo mức họ có
thể nghe. 34 Người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng
khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết.
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG
BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân Dung của Thiên Chúa
1o) Bài đọc 1 (Ed 17,22-24) là một đoạn sách của ngôn sứ Ê-dê-kien trong đó
Thiên Chúa khẳng định Người là Đức Chúa, Người là Thiên Chúa vì Người "sẽ lấy,
sẽ ngắt một chồi non từ ngọn cây, từ ngọn hương bá cao chót vót và sẽ trồng nó trên
núi cao của Ít-ra-en. Nó sẽ trổ cành và kết trái thành một cây hương bá huy hoàng."
Đó là hình ảnh của công trình vĩ đại mà Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử Ít-ra-en
cũng là lịch sử cứu độ nhân trần.
2o) Bài đọc 2 (2 Cr 5,6-10) là một đoạn của thư thứ 2 của Thánh Phao-lô gửi tín
hữu Cô-rin-tô trong đó Thánh Phao-lô mời các tín hữu hãy noi gương bắt chước
ngài mà sống đức tin cách mạnh dạn, can trường để làm đẹp lòng Thiên Chúa.
3o) Bài Tin Mừng (Mc 4,26-34) là hai dụ ngôn mà Chúa Giê-su dùng để nói về
Nước Trời (hay Nước Thiên Chúa) trong Sách Phúc Âm theo Thánh Mác-cô. Trong
dụ ngôn thứ nhất Nước Trời được ví như hạt lúa được gieo vào lòng đất và tự nó
phát triển thành cây và đơm hoa kết trái. Trong dụ ngôn thứ hai Nước Trời được ví
như hạt cải bé nhỏ, nhưng khi nó thành cây thì nó "lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá
xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng." Cả hai dụ ngôn mang chung ý
nghĩa là Nước Trời có sức mạnh nội tại khôn lường, vì đó là công trình của chính
Thiên Chúa.
3.2 Sứ điệp của Lời Chúa
Là tin tưởng vào Nước Trời là một thực tại xem ra nhỏ bé, nhưng ẩn chứa một sức
mạnh phát triển phi thường.
IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA LỜI CHÚA
4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng đã ban tặng cho chúng ta Nước của Người (là
Nước Trời hay Nước Thiên Chúa) và mời gọi chúng ta trở thành công dân của Nước
ấy và làm cho Nước ấy phát triển lớn mạnh chung quanh chúng ta.
4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa hôm nay là
a) Tin vào Nước Trời là thực tại siêu hình nhưng có thật đang được
b) Gia nhập vào Nước ấy bằng sự dấn thân phục vụ Thiên Chúa và đồng loại
c) Làm cho Nước ấy phát triển lớn mạnh.
V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý: ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý
thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ
bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]
5.1 «Tất cả cây cối ngoài đồng ruộng sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa.»
Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho hết mọi người được ơn nhận ra hành động của
Thiên Chúa trong trần gian và đón nhận Nước Trời .
Hát: Chúa ơi, xin nghe lời chúng con nguyện cầu!
5.2 «Nhưng, dù còn ở trong thân xác hoặc đã lìa bỏ thân xác, chúng tôi chỉ có
một tham vọng là làm đẹp lòng Người.» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho Đức
Thánh Cha Phan-xi-cô, cho các Đức Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục, cho
các linh mục và phó tế, để các vị ấy chỉ có một tham vọng duy nhất là làm đẹp lòng
Thiên Chúa như Thánh Phao-lô.
Hát: Chúa ơi, xin nghe lời chúng con nguyện cầu!
5.3 «Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống
xuống đất.» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho các tín hữu thuộc giáo xứ chúng ta để
mọi người ý thức mạnh mẽ về thực tại Nước Thiên Chúa đang lớn lên chúng quanh
Hát: Chúa ơi, xin nghe lời chúng con nguyện cầu!
5.4 «Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng,
và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt.» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho các
Ki-tô hữu lo việc mở mang Nước Trời, để họ biết tin tưởng phó thác mọi sự cho
quyền nằng của Thiên Chúa.
Hát: Chúa ơi, xin nghe lời chúng con nguyện cầu!
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Bảy Tuần 10 TN1, Năm B
Bài đọc: 2 Cor 5:14-21; Mt 5:33-37.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Yêu thương thành thật
Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mà con người đang bị khủng hoảng trầm trọng trong các mối liên hệ: con người không ngừng vi phạm những điều họ đã hứa với Thiên Chúa và với tha nhân. Nhìn vào những nhà lãnh đạo của các quốc gia, trước khi đắc cử, họ hứa hẹn với dân chúng rất nhiều; nhưng sau khi nhậm chức, chẳng thực hành được bao nhiêu. Trong lãnh vực kinh tế và tài chánh cũng thế, sự khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang xảy ra là vì quá nhiều chủ tịch các công ty đã gian lận tiền của chính phủ và của dân chúng để làm của riêng mình. Trong đời sống gia đình cũng chẳng khá hơn: bao nhiêu cặp vợ chồng ăn ở với nhau mà chẳng cần làm hôn thú hay lễ cưới; dẫu có thề hứa trước Thiên Chúa cũng chẳng giữ lời (hơn 50% đã chia tay). Trong đời sống linh mục và tu trì cũng thế, bao nhiêu người đã giũ áo ra đi và không trung thành với những gì mình đã thề hứa! Lời thề hứa hôm nay còn có giá trị hay không? Thiên Chúa còn có thể tin những gì con người thề hứa?
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc con người phải mến Chúa yêu người cách thành thật. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô khuyên các tín hữu phải thấu hiểu và ở lại trong tình thương Thiên Chúa, trước khi họ có thể loan truyền tình thương này và chinh phục con người về cho Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy các môn đệ không cần phải thề thốt; nhưng phải luôn biết tập luyện để nói, sống, và làm chứng cho sự thật. Một cách đơn giản: hễ "có" thì phải nói "có;" "không" thì phải nói "không." Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới.
1.1/ Tình yêu Thiên Chúa phải biến đổi con người: Khi yêu nhau, con người yêu tất cả những gì thuộc về người yêu của mình; ngay cả những gì trước đây mình ghét hay không quan tâm tới, giờ cũng trở thành đáng yêu. Ca dao Việt-nam tuy có khuếch đại, nhưng nói lên được điểm này trong bài tả những thói xấu của người phụ nữ: "Đi chợ thì hay ăn quà; chồng thương chồng bảo về nhà đỡ cơm ... Đêm ngủ thì gáy ó o; chồng thương chồng bảo gáy cho vui nhà."
Một cách tương tự, khi con người cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa và của Đức Kitô, con người sẽ nhìn tất cả theo lăng kính tình yêu này.
(1) Đối với Thiên Chúa: Thánh Phaolô khuyên các tín hữu: "Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình." Trong cuộc đời, ơn cứu tử là ơn không bao giờ quên được; phương chi là ơn cứu tử từ một người phải chết thay để con người được sống và sống đời đời. Thánh Phaolô đã cảm nghiệm rõ điều này, khi Ngài thốt lên: "Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi" (Gal 2:20).
(2) Đối với tha nhân: Nếu nhìn tha nhân dưới lăng kính loài người, một người sẽ không thấy nhu cầu cần phải hy sinh và yêu thương họ; nhưng nếu nhìn tha nhân dưới lăng kính của tình yêu Thiên Chúa, người đó sẽ dễ dàng yêu thương và hy sinh cho tha nhân; vì tất cả đều là anh/chị/em với nhau và đã được cứu chuộc bằng Máu Cực Thánh của Đức Kitô. Khi một người phải hư đi, Thiên Chúa sẽ buồn; và vì cùng cảm nhận nỗi buồn của Thiên Chúa, chúng ta sẽ sẵn sàng hy sinh để cứu linh hồn đó về cho Thiên Chúa. Chính vì quan điểm này, mà thánh Phaolô đã thốt lên: "Vì thế, từ đây chúng tôi không còn biết một ai theo quan điểm loài người. Và cho dù chúng tôi đã được biết Đức Kitô theo quan điểm loài người, thì giờ đây chúng tôi không còn biết Người như vậy nữa. Cho nên, phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi."
1.2/ Sứ vụ hoà giải: Khi đã được thấm nhuần tình yêu Thiên Chúa, người môn đệ được sai đi để làm chứng cho tình yêu này. Trước tiên, họ phải dùng Tin Mừng để nói cho mọi người biết về tình yêu Thiên Chúa. Thứ đến, họ phải biết cách diễn tả tình yêu này bằng chính cuộc sống chứng nhân của mình bằng cách yêu thương và giúp đỡ tha nhân. Tiến trình hòa giải luôn có hai chiều:
(1) Con người hòa giải với Thiên Chúa: Nhờ Đức Kitô mà con người được hoà giải với Thiên Chúa, và chính Đức Kitô đã trao cho môn đệ của Ngài sứ vụ hoà giải, như thánh Phaolô nói: ''Thật vậy, trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa, và giao cho chúng tôi công bố lời hoà giải.'' Bổn phận của các môn đệ là phải rao giảng và sống làm sao để con người nhận ra: tình thương Thiên Chúa dành cho họ và tội lỗi họ đã xúc phạm đến Thiên Chúa. Hai điều này sẽ giúp con người tìm vào tòa cáo giải để giao hòa với Thiên Chúa.
(2) Con người hòa giải với tha nhân: Tôi con người phạm không chỉ xúc phạm đến Thiên Chúa, mà còn xúc phạm đến tha nhân. Vì thế, con người cần giao hòa và tha thứ với tha nhân sau khi đã được giao hòa và tha thứ với Thiên Chúa.
2/ Phúc Âm: Hễ "có" thì phải nói "có;" "không" thì phải nói "không."
2.1/ Đừng thề thốt chi cả: Đây là những lời dạy lý tưởng trong chương 5 của Tin Mừng Matthew để trở thành môn đệ của Chúa: Lề Luật chỉ là những điều kiện tối thiểu để ngăn cản con người đừng phạm tội; nhưng trở thành môn đệ của Đức Kitô đòi con người phải tiến xa hơn là việc đơn giản giữ các luật lệ. Trong trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu dạy dỗ các môn đệ về việc phải luôn trung tín trong lời nói và việc làm: Để hiểu những lời này, chúng ta cần phân biệt ít nhất 3 lý do tại sao con người dùng tên Chúa để thề:
(1) Có những người quen kêu tên Chúa, Đức Mẹ, và các thánh, cách vô cớ như "Giêsu Maria Giuse." Họ kêu mà chẳng nghĩ gì đến các ngài cả. Đây là tội phạm đến điều răn thứ hai, vì Danh Chúa là danh cực trọng. Người Do-thái không dám gọi đích danh Thiên Chúa, mà chỉ dám lướt qua (Yahweh) hay gọi một chữ khác.
(2) Có những người quen lấy danh Chúa mà thề, mặc dù chẳng có gì quan trọng hay chẳng ai bắt phải thề thốt chi cả.
(3) Có những người thề nhưng lại tránh dùng đích danh Chúa, vì họ biết Lề Luật buộc họ phải thi hành khi lấy danh Chúa thề; nên khi họ thề, họ chỉ trời, chỉ đất, chỉ Đền Thờ, chỉ lên đầu như Chúa Giêsu liệt kê hôm nay, để khỏi phải giữ lời thề. Họ quên đi Chúa ở khắp mọi nơi và thấu hiểu mọi ý nghĩ trong lòng họ; chẳng thể nào họ có thể chỉ bất cứ gì để thề mà không phải giữ, vì mọi sự trong trời đất này đều thuộc về Thiên Chúa.
2.2/ Sống theo sự thật: Chúa tiếp tục dạy các môn đệ: "Nhưng hễ "có" thì phải nói "có;" "không" thì phải nói "không." Thêm thắt điều gì là do ác quỷ." Người môn đệ của Đức Kitô phải luôn biết nói, sống và làm chứng cho sự thật. Nếu một người luôn trung tín, những gì người ấy nói ra đủ cho người khác tin tưởng mà không cần phải thề thốt chi cả; nhưng nếu một người bất trung, bao nhiêu lời thề hứa của họ cũng chẳng có giá trị chi cả. Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh cho các môn đệ biết tập luyện để có nhân đức trung thành, hơn là những lời hứa hẹn ngoài miệng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Tình yêu Thiên Chúa là điều chúng ta cần có trước tiên, trước khi có thể yêu thương chân thành những người khác; nếu không có tình yêu này, chúng ta sẽ dễ dàng phản bội nhau.
- Chúng ta là những môn đệ của Đức Kitô, chúng ta phải tập luyện làm sao để luôn biết nói, sống, và làm chứng cho sự thật. Nếu chúng ta luôn làm như thế, thề thốt là điều dư thừa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Sáu Lễ Thánh Tâm, Năm B
Bài đọc: Hos 11:1, 3-4, 8c-9; Eph 3:8-12, 14-19; Jn 19:31-37.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thánh Tâm Chúa Giêsu
Chúng ta thường rất ghét người phản bội, nhất là sự phản bội từ những người mà chúng ta đã yêu thương, hy sinh, và lo lắng mọi sự cho họ như: vợ chồng, con cái, bạn kết nghĩa ... Nhưng nếu xét về mối liên hệ của chúng ta dành cho Đức Kitô, chúng ta cũng chẳng khác chi những người phản bội hay vô ơn bạc nghĩa; vì chúng ta đã không đền đáp cho cân xứng những gì Ngài đã làm cho chúng ta: ơn cứu tử, ơn được làm con Thiên Chúa, ơn nuôi dưỡng hằng ngày qua BT Thánh Thể, ơn dạy dỗ qua Kinh Thánh, ơn răn dạy và thúc đẩy làm hòa với Thiên Chúa, và ơn thánh bảo vệ chúng ta khỏi mọi nguy hiểm.
Các Bài Đọc trong ngày Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta nhớ đến tình yêu Thiên Chúa, để chúng ta biết cách đáp trả cho cân xứng. Trong Bài Đọc I, tiên tri Hosea nhắc nhở cho dân Do-thái biết tình yêu của Thiên Chúa dành cho họ như tình phụ tử của người cha dành cho con; thế mà họ đã phản bội Ngài như những dân thành tội lỗi nhất của Cựu Ước. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu Ephesô về tình yêu của Thiên Chúa và Kế Hoạch Cứu Độ của Ngài. Theo Kế Hoạch này, Ngài chọn dân Do-thái làm dân riêng trước để yêu thương và dạy dỗ họ; nhưng khi Đức Kitô đến, tình yêu và ơn cứu độ của Thiên Chúa sẽ mở rộng đến tất cả mọi người. Trong Phúc Âm, thánh Gioan ghi lại một biến cố quan trọng trong những giờ phút cuối cùng của Đức Kitô trên Thập Giá: một tên lính không đập gẫy ống chân Ngài; nhưng dùng ngọn giáo đâm thủng cạnh sườn Ngài, tức thì Nước cùng Máu chảy ra. Nước để rửa sạch tội cho con người qua BT Rửa Tội để con người xứng đáng làm con Chúa, và Máu để nuôi dưỡng con người qua BT Thánh Thể và cung cấp đời sống thần linh cho con người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Tình thương Thiên Chúa dành cho dân tộc Israel.
1.1/ Mối tình phụ tử: Tiên tri Hosea dùng nhiều hình ảnh để diễn tả mối liên hệ giữa Thiên Chúa và dân tộc Israel. Trong trình thuật hôm nay, tiên tri ví Thiên Chúa như người cha và Israel như người con: ''Khi Israel còn là đứa trẻ, Ta đã yêu nó, từ Ai-cập Ta đã gọi con Ta về. Ta đã tập đi cho Ephraim, đã đỡ cánh tay nó, nhưng chúng không hiểu là Ta chữa lành chúng. Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng. Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má; Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn.'' Khi dân Israel còn làm nô lệ bên Ai-cập, Thiên Chúa vì yêu họ, nên đã dẫn đưa họ ra khỏi Ai-cập qua sự lãnh đạo của ông Moses để ban cho họ một vùng Đất Hứa chảy sữa và mật. Ngài đã dạy dỗ họ từng ly từng tí, và ban Thập Giới để họ biết sống xứng đáng như Dân Riêng của Ngài.
Ephraim và Manasseh là hai con của Joseph, và được tổ phụ Jacob chúc lành như 12 chi tộc của Israel. Ephraim nằm về phía Bắc và thuộc vương quốc Israel khi bị chia đôi. Nhiều tác giả đã dùng tên Ephraim để gọi vương quốc Israel phía Bắc (Isa 7:2, Jer 31:9; Eze 37:16, 19), và Judah để gọi vương quốc phía Nam.
1.2/ Sự phản bội của Israel: Mặc dù được Thiên Chúa yêu thương, dạy dỗ, và bảo vệ cẩn thận; Israel đã xúc phạm đến Thiên Chúa bằng cách vi phạm các giới răn, quay lưng lại với Thiên Chúa, và chạy theo các thần ngoại bang. Theo giao ước trên núi Sinai, Thiên Chúa có quyền để mặc họ cho quân thù giày xéo, hay khiến lửa diêm sinh từ trời xuống tiêu diệt họ, như đã từng tiêu diệt các thành tội lỗi như 5 thành Sodom, Gomorrah, Admah, Zeboiim, và Zoar (Gen 14:2, 8). Nhưng tình yêu Thiên Chúa đã ngăn cản Ngài làm chuyện đó cho Israel: ''Hỡi Ephraim, Ta từ chối ngươi sao nổi! Hỡi Israel, Ta trao nộp ngươi sao đành! Làm sao Ta xử với ngươi như với Admah, để ngươi nên giống như Zeboiim được? Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi. Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận, sẽ không tiêu diệt Ephraim nữa, vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm. Ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh, và Ta sẽ không đến trong cơn thịnh nộ.''
2/ Bài đọc II: Tình thương Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người.
2.1/ Tình thương Thiên Chúa được biểu lộ qua Đức Kitô:
(1) Hai đặc quyền được ban cho Phaolô: thấu hiểu và loan truyền tình thương cứu độ của Thiên Chúa, được thực hiện qua Đức Kitô: ''Tôi là kẻ rốt hết trong toàn thể dân thánh, thế mà Thiên Chúa đã ban cho tôi ân sủng này là loan báo cho các dân ngoại Tin Mừng về sự phong phú khôn lường của Đức Kitô, và soi sáng cho mọi người được thấy đâu là mầu nhiệm Thiên Chúa đã an bài.''
(2) Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa được thực hiện qua Đức Kitô: Theo Kế Hoạch này, Thiên Chúa chọn dân Do-thái là dân riêng trước, rồi sau đó lan ra đến mọi dân tộc. Ý định cứu độ tất cả đã có từ đầu; nhưng hiện thực với sự xuất hiện của Đức Kitô. Phaolô viết: ''Mầu nhiệm này đã được giữ kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa là Đấng tạo thành vạn vật... Thiên Chúa đã hành động như thế theo quyết định Người đã có từ muôn thuở và đã thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Đức Kitô và nhờ tin vào Người, chúng ta được mạnh dạn và tin tưởng đến gần Thiên Chúa.''
(3) Chúa Giêsu thiết lập Hội Thánh để loan truyền Kế Hoạch Cứu Độ cho mọi người: ''để giờ đây, nhờ Hội Thánh, mọi quyền năng thượng giới được biết sự khôn ngoan thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa.''
2.2/ Tình thương của Thiên Chúa và của Đức Kitô vượt quá sự hiểu biết của con người.
(1) Tình thương bắt nguồn từ Thiên Chúa: Giống như Gioan, thánh Phaolô tin tưởng Thiên Chúa là nguồn mạch tình yêu. Ngài yêu con người như người cha yêu thương con cái, và tình phụ tử của Thiên Chúa là "nguồn gốc mọi tình phụ tử trên trời dưới đất."
(2) Biểu lộ của tình thương Thiên Chúa: Để biểu lộ tình thương cho con người, Thiên Chúa đã làm hai việc trọng đại, như chúng ta đã đề cập đến trong ngày Lễ Chúa Ba Ngôi:
- Ban Thánh Thần của Ngài cho con người: để soi sáng, củng cố mạnh mẽ, và làm cho đời sống nội tâm của các tín hữu được vững vàng.
- Ban Người Con Một của Ngài là Đức Kitô: Thánh Phaolô cầu nguyện: ''Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Đức Kitô ngự trong tâm hồn; xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, để cùng toàn thể dân thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình thương của Đức Kitô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết. Như vậy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa.''
3/ Phúc Âm: Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu.
3.1/ Trái tim Chúa Giêsu bị đâm thâu:
(1) Khác biệt giữa phong tục của Rôma và Do-thái: Người Rôma để xác chết của nạn nhân bên ngoài cho đền khi tan biến. Người Do-thái chôn cất nạn nhân. Trình thuật kể: ''Hôm đó là ngày áp lễ (Vượt Qua), người Do-thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày Sabbath, mà ngày Sabbath đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế họ xin ông Philatô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống.''
(2) Chúa Giêsu bị đâm thâu: ''Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giêsu. Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra.''
(3) Ý nghĩa của Nước và Máu: Các thánh Giáo Phụ đã suy tư về biến cố này và cắt nghĩa:
+ Nước tượng trưng cho BT Rửa Tội và Máu tượng trưng cho BT Thánh Thể.
+ Nước tượng trưng cho sự thanh tẩy tội lỗi và Máu tượng trưng cho sự sống.
+ Nước tượng trưng cho sự sống và Máu tượng trưng cho Thánh Thần.
+ Như bà Evà được tạo từ cạnh sườn ông Adong, Hội Thánh cũng được phát sinh từ cạnh sườn Chúa Giêsu.
3.2/ Làm chứng cho tình thương Thiên Chúa: ''Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin.'' Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh:
(1) Chúa Giêsu là Chiên Vượt Qua không tì tích: ''Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập.'' Tin Mừng Gioan tiên báo Đức Kitô là Chiên Thiên Chúa đến xóa bỏ tộ trần gian ngay từ đầu (Jn 1:29); và theo truyền thống, con chiên dùng trong lễ Vượt Qua phải là con chiên không tì tích, và không một khúc xương nào của con chiên này bị bẻ gẫy (Exo 12:46, Num 9:12).
(2) Lời tuyên bố về lòng sùng kính Thánh Tâm: ''Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu.'' Biến cố này làm trọn những gì đã được loan báo bởi tiên tri Zechariah (Zech 12:10) và được tác giả Sách Khải Huyền tuyên bố sẽ xảy ra trong Ngày Cánh Chung (Rev 1:7). Nhiều người cũng dùng những lời này như lời tiên tri về sự sùng kính Thánh Tâm của con người như đang xảy ra trong thời đại chúng ta.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta không thể tách rời tình thương Thiên Chúa ra khỏi tình thương của Đức Kitô. Khi chúng ta cảm nhận tình thương của Đức Kitô, cũng là lúc chúng ta nhận ra tình thương của Thiên Chúa.
- Trong Kế Hoạch Cứu Độ, Thiên Chúa đã thương yêu và muốn cứu chuộc tất cả mọi người; nhưng khi Đức Kitô nhập thể, Ngài chính thức loan truyền ơn cứu độ cho mọi người.
- Thiên Chúa luôn yêu thương và trung thành giữ lời hứa, nhưng con người luôn bất trung và phản bội. Mừng Lễ Thánh Tâm là dịp chúng ta nhìn lại tất cả những gì Ngài đã làm cho chúng ta và quyết tâm đền tạ những tội lỗi chúng ta và nhân loại đã không ngừng xúc phạm đến Ngài.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Năm Tuần 10 TN1, Năm B
Bài đọc: 2 Cor 3:15-18, 4:1, 3-6; Mt 5:20-26.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải cảm nhận được tình thương Thiên Chúa và tin vào Đức Kitô.
Điều quan trọng nhất trong cuộc đời này và sẽ tồn tại trong cuộc đời sau là tình yêu Thiên Chúa. Các Bài Đọc hôm nay mở mắt cho chúng ta thấy những hậu quả tốt lành khi một người có được tình yêu này. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô xác nhận tình yêu Thiên Chúa, biểu tỏ cho con người qua Đức Kitô, có khả năng biến đổi con người thành tạo vật mới. Sau khi được thấm nhuần tình yêu này, con người sẽ biết cách đáp trả thích đáng tình yêu Thiên Chúa dành cho họ, và biết yêu thương tha nhân như những người con của Chúa và như những chi thể của Nhiệm Thể Đức Kitô. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đưa ra hai ví dụ cụ thể là hậu quả của tình yêu Thiên Chúa: người môn đệ Đức Kitô phải luôn biết tha thứ và sống hòa thuận với mọi người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Khi người ta quay lại với Đức Kitô, tấm màn mới được cất đi.
1.1/ Con người phải tin vào Đức Kitô: Nếu chỉ tin vào Lề Luật của Moses, con người chỉ hiểu vinh quang Thiên Chúa lờ mờ như qua một tấm màn, như Phaolô xác quyết: "Phải, cho đến nay, mỗi khi họ đọc sách ông Moses, tấm màn vẫn che phủ lòng họ." Điều này có lịch sử trong Sách Xuất Hành: vì dân Do-thái không thể chịu đựng được khi Thiên Chúa tỏ uy quyền, nên họ xin Thiên Chúa nói với ông Moses, và ông sẽ nói lại cho dân chúng. Sau khi Moses đàm đạo với Thiên Chúa và xuống núi để nói với dân chúng, họ vẫn không thể nhìn mặt Moses vì vinh quang Thiên Chúa phản chiếu trên mặt ông; nên Moses đã phải đeo một khăn che mặt để khỏi làm nhức mắt dân chúng.
Tấm màn này cũng có lịch sử trong Đền Thờ để phân chia nơi Thánh và nơi Cực Thánh, là nơi Thiên Chúa ngự. Không ai có thể vào nơi Cực Thánh ngoại trừ Thầy Thượng Tế, ông chỉ được vào đó mỗi năm một lần trong Ngày Yom Kippur. Khi Chúa Kitô trút hơi thở trên Thập Giá, bức màn này trong Đền Thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Tác giả Thư Do Thái chú giải: Nhờ Đức Kitô, từ nay con người có thể trực tiếp đến với Thiên Chúa mà không cần phải đợi tới ngày Yom Kippur, và cũng chẳng cần vào Đền Thờ tại Jerusalem.
Thánh Phaolô ví khi con người đọc Cựu Ước mà không nhận những mặc khải của Đức Kitô, như đọc sách qua một tấm màn; họ chỉ có thể hiểu lờ mờ những mầu nhiệm và vinh quang của Thiên Chúa. Nhưng nếu họ tin vào những mặc khải của Đức Kitô, bức màn này sẽ bị lấy đi, và họ có thể hiểu rõ ràng các mầu nhiệm và vinh quang của Thiên Chúa. Thánh Phaolô xác quyết với các tín hữu: ''Tất cả chúng ta, mặt không che màn, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương; như vậy, chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, như do bởi tác động của Chúa là Thần Khí.''
1.2/ Khó khăn của người môn đệ khi rao giảng về Đức Kitô: Chinh phục tha nhân về cho Thiên Chúa là công việc rất khó khăn và đòi hỏi người môn đệ phải kiên nhẫn, vì họ phải đối phó với quyền lực của ác thần và của thế gian. Thánh Phaolô tường thuật kinh nghiệm của Ngài: "Tin Mừng chúng tôi rao giảng có bị che khuất, thì chỉ bị che khuất đối với những người hư mất, đối với những kẻ không tin. Họ không tin, vì tên ác thần của đời này đã làm cho tâm trí họ ra mù quáng, khiến họ không thấy bừng sáng lên Tin Mừng nói về vinh quang của Đức Kitô, là hình ảnh Thiên Chúa."
Tuy nhiên, người môn đệ phải xác tín: Quyền lực của Đức Kitô có thể thắng vượt mọi quyền lực của ác thần và của thế gian. Nếu người môn đệ thành tâm, yêu thương, có đủ kiên nhẫn, và luôn sống kết hiệp với Đức Kitô, Thiên Chúa sẽ ban những ơn cần thiết để giúp ông chinh phục con người về cho Ngài.
2/ Phúc Âm: Phải ăn ở công chính hơn các kinh sư và luật sĩ để được vào Nước Trời.
Môn đệ của ai phải nói và hành động như môn đệ của người ấy. Người môn đệ của Đức Kitô cũng phải nói năng và hành động theo những gì Đức Kitô dạy. Trình thuật hôm nay nêu bật hai đặc điểm chính là hậu quả khi con người đã cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa.
2.1/ Không được giận dữ với tha nhân: Chúa Giêsu phân biệt đòi hỏi của Lề Luật và của tình yêu; đồng thời Ngài cũng thách đố các môn đệ phải sống theo đòi hỏi của tình yêu, những điều mà Lề Luật không thể đạt tới: "Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt."
Lề Luật không thể kết tội những gì xảy ra bên trong con người vì không nhìn thấy những điều đó. Lề Luật cũng không kết tội khi con người chửi mắng người khác, vì đó là những cảm xúc nhất thời của con người. Lề Luật chỉ kết tội con người khi có bằng chứng rõ ràng như giết người, gây thương tích thân xác hay tài sản ... Ngược lại, đối với Thiên Chúa, Ngài có thể thấu hiểu bên trong tâm hồn mỗi người và biết rõ những thiệt hại cho cả người làm lẫn người bị xúc phạm; nên Ngài đòi hỏi các môn đệ phải đi xa hơn trong tiến trình nên trọn lành.
2.2/ Phải ăn ở thuận hòa với mọi người: Chúa Giêsu nêu ra hai lý do người môn đệ phải sống hòa thuận với mọi người:
(1) Mối liên hệ với Thiên Chúa không thể tách rời khỏi mối liên hệ với tha nhân: Theo truyền thống Do-thái, mỗi khi vô tình phạm tội, hối nhân phải dâng lễ vật để xin Thiên Chúa tha thứ cho những tội đã phạm. Trường hợp liên quan tới mối liên hệ với con người, họ phải làm hòa với nhau trước khi có thể giao hòa với Thiên Chúa. Thần học về Bí-tích Giải Tội cũng đòi hối nhân phải tha thứ cho người xúc phạm đến mình như Thiên Chúa đã tha thứ cho hối nhân.
(2) Ăn ở hài hòa giúp con người tránh được những nhức đầu trong cuộc sống: Cha ông chúng ta vẫn dạy "dĩ hòa vi quí;" người hiền lành sẽ được mọi người thương mến. Ngược lại, những người khó chịu, cau có, sẽ chuốc cho mình những ghen ghét, tranh tụng, và mất bình an. Chúa Giêsu khuyên các môn đệ: ''Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa trước khi có thể đáp trả lại, và yêu thương tha nhân như Thiên Chúa yêu thương chúng ta.
- Chúng ta có được tình yêu Thiên Chúa là qua sự kết hiệp và ở lại trong Đức Kitô. Nếu không có Đức Kitô, chúng ta không thể yêu mến Thiên Chúa và tha nhân như được đòi hỏi.
- Để đáp ứng ơn gọi làm môn đệ của Đức Kitô, chúng ta không phải chỉ giữ những Lề Luật bên ngoài, mà còn phải luôn đối xử với nhau bằng tình yêu Thiên Chúa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Tư Tuần 10 TN1, Năm B
Bài đọc: 2 Cor 3:4-11; Mt 5:17-19.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Giao Ước mới kiện toàn Giao Ước cũ
Tác giả Sách Giáo Sĩ nói về sự cần thiết của thời gian: "Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời: một thời để chào đời, một thời để lìa thế; một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây; một thời để giết chết, một thời để chữa lành; một thời để phá đổ, một thời để xây dựng" (Eccl 3:1-3).
Thánh Phaolô nói về sự cần thiết của kinh nghiệm: "Cũng như khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con" (I Cor 13:11). Khi nhìn lại quãng đời niên thiếu, nhiều người hối hận vì họ không thể nào ngờ mình lại vô tư và thiếu chín chắn như thế; nhưng trong tiến trình trở thành người trưởng thành, họ phải trải qua những kinh nghiệm như vậy.
Cũng thế, khi so sánh hai Giao Ước cũ và mới trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, chúng ta cần để ý đến tiến trình thời gian và kinh nghiệm, vì Thiên Chúa không làm sự gì vô ích. Vì con người không thể tiếp nhận một lúc, nên Ngài phải chuẩn bị mọi sự theo thời gian, mặc dù Ngài không bị lệ thuộc vào thời gian. Vì khả năng con người giới hạn, nên Ngài phải chuẩn bị từ chỗ bất toàn đến chỗ hoàn hảo, mặc dù Ngài có uy quyền để thực hiện cái hoàn hảo ngay. Trong tiến trình trở nên hoàn hảo: phải có cái cũ thì mới có cái mới, và cái mới làm hoàn hảo cái cũ; nếu không có cái cũ thì cũng chẳng có cái mới.
Các Bài Đọc hôm nay là những ví dụ của tiến trình trở nên hoàn hảo. Trong Bài Đọc I, khi thánh Phaolô bị chất vấn bởi những người Do-thái thủ cựu, Ngài so sánh cho họ thấy sự hoàn hảo của giao ước mới trên giao ước cũ, và kết luận: vì giao ước mới hoàn hảo hơn giao ước cũ; nên vinh quang có được do việc phục vụ giao ước mới cũng lớn hơn vinh quang có được do việc phục vụ giao ước cũ. Trong Phúc Âm, khi nhiều người thuộc phái Pharisees nghĩ Chúa Giêsu đến để dạy dân chúng phá bỏ Lề Luật, nên Ngài tuyên bố: "Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Moses hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn."
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Giao ước mới hoàn hảo hơn giao ước cũ.
1.1/ Tranh chấp giữa hai giao ước cũ và mới: Giống như Chúa Giêsu, thánh Phaolô cũng đã từng có kinh nghiệm về sự tranh chấp giữa Lề Luật của Moses và những giáo huấn của Đức Kitô. Theo kinh nghiệm bản thân, ông đã từng nhiệt thành bắt bớ các tín hữu theo đạo mới, vì ông cho lối sống của họ là hoàn toàn ngược lại với Lề Luật và truyền thống; cho đến khi Đức Kitô tỏ uy quyền của Ngài trên đường đi Damascus. Kinh nghiệm này giúp ông yêu thương và thông cảm với những người Do-thái khó chấp nhận giáo huấn của Đức Kitô; mặc dù họ không ngừng bắt bớ ông như họ đã từng bắt bớ Chúa Giêsu.
Trong trình thuật hôm nay, ông chia sẻ kinh nghiệm của ông về hai Giao Ước với họ như sau: "Không phải vì tự chúng tôi, chúng tôi có khả năng để nghĩ rằng mình làm được gì, nhưng khả năng của chúng tôi là do ơn Thiên Chúa, Đấng ban cho chúng tôi khả năng phục vụ Giao Ước Mới, không phải Giao Ước căn cứ trên chữ viết, nhưng dựa vào Thánh Thần. Vì chữ viết thì giết chết, còn Thánh Thần mới ban sự sống."
(1) Giao Ước cũ: Giao ước căn cứ trên chữ viết là Giao Ước Thiên Chúa làm với dân trên núi Sinai. Trong Giao ước này, Ngài đã ban cho họ Thập Giới viết trên đá qua tay ông Moses, và căn dặn họ như sau:
Coi đây, hôm nay tôi đưa ra cho anh em chọn: hoặc là được sống, được hạnh phúc, hoặc là phải chết, bị tai hoạ. Hôm nay tôi truyền cho anh em phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đi theo đường lối của Người, và tuân giữ các mệnh lệnh, thánh chỉ, quyết định của Người, để anh em được sống, được thêm đông đúc, và Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, chúc phúc cho anh em trong miền đất anh em sắp vào chiếm hữu. Nhưng nếu anh em trở lòng và không vâng nghe, lại bị lôi cuốn và sụp xuống lạy các thần khác và phụng thờ chúng, thì hôm nay tôi báo cho anh em biết: chắc chắn anh em sẽ bị diệt vong, sẽ không được sống lâu trên đất mà anh em sắp sang qua sông Jordan để vào chiếm hữu. (Deut 30:15-18)
Mặc dù đã được căn dặn kỹ càng như thế, nhưng không một ai trong Israel có thể tự hào mình không bao giờ vi phạm Thập Giới; và hậu quả là tất cả đều phải chết như lời Thiên Chúa báo trước. Nhưng Thiên Chúa không muốn con người phải chết, đó là lý do tại sao Ngài thiết lập với con người một giao ước mới.
(2) Giao Ước mới: Tiên tri Jeremiah đã tiên báo về giao ước này như sau:
Này sẽ đến những ngày - sấm ngôn của Đức Chúa - Ta sẽ lập với nhà Israel và nhà Judah một giao ước mới, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai-cập; chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng - sấm ngôn của Đức Chúa. Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Israel sau những ngày đó - sấm ngôn của Đức Chúa. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta. Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia: "Hãy học cho biết Đức Chúa," vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta - sấm ngôn của Đức Chúa. Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa. Israel sẽ tồn tại mãi. (Jer 31:31-34)
1.2/ Vinh quang của việc phục vụ Thánh Thần: Phaolô cũng so sánh vinh quang có được do sự phục vụ giữa hai Giao ước, và kết luận như sau: "Nếu việc phục vụ Lề Luật - thứ Lề Luật chỉ đưa đến sự chết và được khắc ghi từng chữ trên những bia đá - mà được vinh quang đến nỗi dân Israel không thể nhìn mặt ông Moses được, vì mặt ông chói lọi vinh quang - dù đó chỉ là vinh quang chóng qua - thì việc phục vụ Thánh Thần lại không được vinh quang hơn sao?"
2/ Phúc Âm: Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.
2.1/ Chúa Giêsu đến để kiện toàn Lề Luật: Nhiều Kinh-sư nghĩ, khi Chúa Giêsu chỉ trích họ về việc rửa tay và giữ ngày Sabbath, là Ngài muốn hủy bỏ tất cả Lề Luật và truyền thống của tổ tiên. Thực ra, Ngài chỉ phê bình thói giả hình và khinh thường Lề Luật của họ. Trong trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu muốn làm sáng tỏ điều này với các môn đệ: "Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Moses hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành."
2.2/ Sự quan trọng của Lề Luật: Khi nói "giao ước mới hoàn hảo hơn giao ước cũ," cả Chúa Giêsu và thánh Phaolô không bao giờ có ý muốn nói Lề Luật Thiên Chúa ban qua Moses trở thành vô hiệu. Các tín hữu vẫn phải giữ Lề Luật của Thiên Chúa như Chúa Giêsu dạy: "Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Hai thái cực cần tránh: có những người không thích thay đổi, họ muốn giữ tỉ mỉ từng chi tiết của Lề Luật và truyền thống; ngược lại, có những người dễ dàng thay đổi như chong chóng, họ phê bình và đả kích tất cả những gì trong quá khứ.
- Người khôn ngoan là người phải biết suy xét và so sánh cẩn thận, để nhận ra những gì của quá khứ là tốt cần giữ lại, những gì là xấu cần bỏ đi; đồng thời biết nhận ra những cái hay đẹp của hiện tại để học hỏi và áp dụng.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Ba Tuần 10 TN1, Năm lẻ
Bài đọc: 2 Cor 1:18-22; Mt 5:13-16.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người được trang bị để làm vinh danh Thiên Chúa.
Trong việc giao tiếp, danh giá của một người ảnh hưởng đến những gì họ nói và làm; ví dụ, khán giả thường tin vào danh giá của diễn giả, trước khi họ có thể tin vào những gì diễn giả nói. Nhưng danh giá là những gì diễn giả có được, chỉ sau một thời gian chứng minh cho khán giả biết mình là người có thể tin cậy được. Ngược lại, nếu khán giả nghi ngờ danh giá của diễn giả, họ sẽ không tin hay không thèm nghe, những gì diễn giả trình bày. Trong việc rao giảng Tin Mừng cũng thế, nhà rao giảng cần thiết lập danh giá của mình trước khi rao giảng Tin Mừng cho khán giả. Nếu nhà rao giảng có một cuộc sống bê bối hay gian dối, ông không thể làm cho người khác tin vào Tin Mừng ông rao giảng, vì “lời nói lung lay, gương bày lôi cuốn.”
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc Thiên Chúa đã trang bị cho con người đầy đủ để họ có thể làm chứng cho Ngài. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô xác nhận rõ ràng Đức Kitô đã làm cho tất cả những lời hứa của Thiên Chúa thành hiện thực. Phaolô và các môn đệ của ông noi gương Đức Kitô để sống và làm chứng cho sự thật này. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: anh em là muối để ướp và là ánh sáng để soi sáng cho thế gian. Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Quả thật, mọi lời hứa của Thiên Chúa đều là “có” nơi Người.
1.1/ Đức Kitô là mọi tiếng “có” của Thiên Chúa: Thánh Phaolô xác quyết Đức Kitô hoàn thành những gì Thiên Chúa hứa với con người qua các Tổ-phụ và Tiên-tri: “Quả thật, mọi lời hứa của Thiên Chúa đều là “có” nơi Người. Vì thế, cũng nhờ Người mà chúng ta hô lên “Amen” để tôn vinh Thiên Chúa.” Một vài ví dụ dẫn chứng điều này: lời Thiên Chúa hứa ban cho Abraham một giòng dõi đông như sao trên trời và như cát ngoài bãi biển, lời hứa ban Đấng Thiên Sai qua các tiên tri, lời hứa ban ơn cứu độ cho tất cả mọi dân tộc … Tiếng “Amen” mà chúng ta thường thưa sau đoạn kết của các kinh nguyện: “chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen” có nghĩa “chớ gì được như thế.” Vì Đức Kitô là nguồn mạch mọi ơn lành, chúng ta xin những điều đó nhân danh Ngài, và ước mong Thiên Chúa sẽ ban những điều chúng ta xin.
Ngược lại với Thiên Chúa, con người không luôn luôn giữ những gì mình hứa. Vì thế, con người phải bắt chước Đức Kitô để luôn luôn biết nói, sống, và làm chứng cho sự thật. Thánh Phaolô phân giải với các tín hữu Corintô: “Xin Thiên Chúa trung thành chứng giám cho chúng tôi! Lời chúng tôi nói với anh em chẳng phải vừa là “có” vừa là “không.” Vì Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng mà chúng tôi, là Sylvano, Timothy, và tôi, rao giảng cho anh em, đã không vừa là “có” vừa là “không,” nhưng nơi Người chỉ toàn là “có.”" Khi con người trung thành giữ những gì Đức Kitô dạy, họ làm chứng cho Ngài và cho Thiên Chúa.
1.2/ Thánh Thần là bảo chứng mọi tiếng “có” của Thiên Chúa: Thiên Chúa không những sai Đức Kitô để thực hiện những gì Ngài hứa với con người, mà còn gởi Thánh Thần của Ngài tới để giúp con người có sức để hoàn thành những gì Ngài đòi hỏi. Ví dụ, Đức Kitô đã chết để phục hồi sự sống cho con người; nhưng để có sự sống này, Thiên Chúa đòi con người phải tin vào Đức Kitô và giữ những điều răn Ngài dạy. Điều kiện này không phải dễ làm với sức con người; vì thế, Thiên Chúa, qua lời cầu xin của Đức Kitô, đã gởi Thánh Thần xuống cho các tín hữu. Thánh Phaolô xác nhận điều này: “Đấng củng cố chúng tôi cùng với anh em trong Đức Kitô và đã xức dầu cho chúng ta, Đấng ấy là Thiên Chúa. Chính Người cũng đã đóng ấn tín trên chúng ta và đổ Thánh Thần vào lòng chúng ta làm bảo chứng.” Bảo chứng hay tiền đặt cọc (arrabon) bảo đảm lời hứa của một người là thật. Khi Thiên Chúa gởi Thánh Thần, Ngài bảo đảm ơn cứu độ là của chúng ta, nếu chúng ta chịu theo sự hướng dẫn của Thánh Thần; nhưng nếu chúng ta không theo sự hướng dẫn của Ngài (như một người không chịu trả tiền nhà mỗi tháng), chúng ta sẽ không đạt tới ơn cứu độ.
2/ Phúc Âm: Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ.
2.1/ Hai biểu tượng: Để dẫn chứng điều Thiên Chúa đã ban mọi ơn lành đầy đủ cho con người để họ có thể làm vinh danh Thiên Chúa, Đức Kitô dùng hai hình ảnh để cắt nghĩa cho các môn đệ:
(1) Muối: Hai công dụng chính của muối là ướp mặn thịt cá cho khỏi hư và thêm gia vị cho thực phẩm. Muối không giữ vị mặn cho mình, nhưng được dùng cho các thực phẩm khác. Chúa Giêsu tuyên bố: “Chính anh em là muối cho đời.” Muối không ướp mặn là muối vô dụng, như lời Chúa cảnh cáo: “Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.”
Một trong những điều chúng ta có thể so sánh với muối là tình yêu. Giống như muối đến từ biển, tình yêu đến từ Thiên Chúa vì Ngài là tình yêu. Con người không phải là nguồn tình yêu, nhưng nhận được tình yêu từ Thiên Chúa, qua Đức Kitô. Con người không giữ tình yêu để chỉ yêu mình, nhưng là để yêu thương Thiên Chúa và tha nhân. Nếu con người không biết yêu thương, con người không thể đạt đích điểm của cuộc đời, và cũng không thể làm vinh danh Thiên Chúa.
(2) Ánh sáng: Hai công dụng chính của ánh sáng là soi sáng và sưởi ấm. Ánh sáng không giữ sự sáng cho mình, nhưng để soi sáng cho người khác. Chúa Giêsu tuyên bố: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được.” Ánh sáng không chiếu soi, sẽ trở thành vô ích như lời Chúa răn dạy: “Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà.”
Một trong những điều chúng ta có thể so sánh với ánh sáng là sự thật hay cuộc sống ăn ngay ở lành theo lề luật Thiên Chúa dạy. Như ánh sáng đến từ nguồn sáng là mặt trời, sự thật đến từ Đức Kitô, Lời của Thiên Chúa. Con người không phải là nguồn sáng, hay sự thật, nhưng nhận được sự thật từ Đức Kitô. Con người không giữ sự thật cho mình, nhưng sau khi biết sự thật, con người loan truyền sự thật cho người khác; sống và làm chứng cho sự thật để người khác nhận ra Thiên Chúa. Con người không biết sự thật không thể đạt đích điểm của cuộc đời, và không thể làm vinh danh Thiên Chúa.
2.2/ Bổn phận làm vinh danh Thiên Chúa: Sau khi được Thiên Chúa trang bị tất cả những điều cần thiết, con người có bổn phận làm vinh danh Thiên Chúa, như lời Chúa Giêsu dạy: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Đức Kitô là tiếng “có” và “Amen” của Thiên Chúa. Chúng ta cũng phải noi gương Đức Kitô để luôn nói, sống, và làm chứng cho sự thật.
- Thánh Thần là tình yêu và sự thật. Trước khi có thể loan truyền và làm chứng cho Thiên Chúa, chúng ta phải được thấm nhuần tình yêu và sự thật của Ngài.
- Chúng ta được trang bị đầy đủ là để làm vinh danh Thiên Chúa. Hãy làm cho mọi người nhận biết Thiên Chúa là Chúa duy nhất và yêu thương con người.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Hai Tuần 10 TN1, Năm B
Bài đọc: 2 Cor 1:1-7; Mt 5:1-12.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Nghịch lý giữa Thiên Chúa và con người.
Con người đi tìm vinh quang sang giầu, Chúa dạy: Phúc cho những ai có tâm hồn nghèo khó. Con người dùng mọi khôn ngoan mánh lới để vượt khỏi người khác, Chúa dạy: Phúc cho những ai hiền lành. Con người trốn tránh đau khổ và dùng mọi cách để thoát khỏi buồn sầu, Chúa dạy: Phúc cho những ai sầu khổ.
Bay mối phúc là những điều dạy của một nhà cách mạng trên tất cả các nhà cách mạng; chúng là một thách đố lớn lao cho những ai tin vào Chúa Giêsu. Phải chăng Chúa Giêsu quá lý tưởng? Phải chăng những lời dạy của Chúa Giêsu cung cấp cơ hội cho những nhà tư bản bóc lột dân nghèo và để cho những bất công xã hội tha hồ xảy ra? Hai ví dụ giúp chúng ta nhận định vấn đề: (1) Mẹ Têrêxa, tuy có rất nhiều người ngưỡng mộ, nhưng cũng có nhiều người chỉ trích là lấy của nhà giàu bóc lột người nghèo để giúp đỡ người nghèo. Tại sao Mẹ không lên tiếng chống bất công và cải tổ xã hội để đừng có hai giai cấp giầu và nghèo nữa? Một phản ứng như thế sẽ trị tuyệt gốc sự phân chia giữa gai giai cấp và loại bỏ các bất công xã hội! (2) Chúa Giêsu, tuy có dư uy quyền để đáp ứng nguyện vọng của người Do-thái trông đợi nơi Đấng Thiên Sai; nhưng lại chọn làm một Đấng Thiên Sai hiền lành và đau khổ để chuộc tội cho con người! Ma quỉ đã từng cám dỗ Ngài trong sa mạc hãy làm những điều mà con người khao khát: Hãy biến đá thành bánh ăn! Hãy làm phép lạ như gieo mình xuống vực thẳm! Hãy cho con người những vinh quang sang giầu! Nếu Ngài làm như thế, con người sẽ tin vào Ngài. Chúng ta có bao giờ tự hỏi: Nếu Chúa Giêsu làm như thế, có bao nhiêu người tin Chúa đến bây giờ?
Các Bài Đọc hôm nay cung cấp cho chúng ta những chất liệu để suy tư. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô cho chúng ta hai lý do để chịu đựng đau khổ: để được Thiên Chúa an ủi, và để chúng ta an ủi những ai cần được chúng ta an ủi. Trong Phúc Âm thánh Mathew, Chúa Giêsu cho con người biết Tám Mối Phúc trong cuộc đời; những điều này hoàn toàn ngược lại với những gì mà con người thường hay suy nghĩ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Tại sao con người phải chịu đựng gian khổ.
1.1/ Chịu đựng gian khổ là cho hai mục đích: Sau khi chào thăm các tín hữu ở Corintô, thánh Phaolô tuyên xưng: "Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an." Tại sao một Thiên Chúa uy quyền và giàu lòng thương xót như thế, đã không ban cho con cái những gì họ ưa thích; lại còn bắt họ phải trải qua những gian nan, thử thách, đau khổ? Thánh Phaolô liệt kê hai lý do chính:
(1) Để Thiên Chúa có cơ hội nâng đỡ và ủi an chúng ta: Một điều trước tiên chúng ta cần hiểu rõ: Thiên Chúa không ác tâm đến độ bắt con người chịu gian khổ để Ngài có cơ hội an ủi con người; nhưng Ngài để những gian khổ xảy ra vì những thay đổi trong trời đất hay vì sự lạm dụng tự do của con người. Thứ đến, không có điều gì quan trọng hơn trong cuộc đời cho bằng mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa: Phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự; và đau khổ là cơ hội hết sức thuận tiện để con người phát triển mối liên hệ này. Thánh Phaolô quả quyết: "Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách." Tình yêu thường phát triển trong hoàn cảnh túng thiếu và đau khổ; và rất ít khi phát triển lúc con người sung sướng hạnh phúc.
(2) Để chúng ta biết nâng đỡ và ủi an nhau: Điều răn thứ hai là yêu người: Đau khổ không những giúp chúng ta phát triển mối liên hệ với Thiên Chúa, mà còn chuẩn bị cho chúng ta có cơ hội yêu tha nhân như thánh Phaolô nói: "để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó." Tục ngữ Việt-nam có câu "Có đau mắt thì mới biết thương người mù." Câu này có ý muốn nói mặc dù ai bị đau mắt, người ấy sẽ cảm thấy rất khó chịu; nhưng không thể so sánh với người bị mù, vì họ hoàn toàn quờ quạng trong đêm tối. Cũng thế, khi chúng ta đã trải qua những gian nan thử thách; ví dụ: đói khát, chúng ta biết phải đau khổ thế nào; vì thế, khi chúng ta nhìn thấy một người mẹ bồng con ăn xin, chúng ta dễ thông cảm và giúp đỡ cho mẹ con bà.
1.2/ Thánh Phaolô chịu đựng gian khổ cho các tín hữu ở Corintô: Cuộc đời thánh Phaolô là một ví dụ tuyệt vời để dẫn chứng lý do tại sao Chúa để cho con người chịu đau khổ. Trước khi trở lại, Phaolô là một người nhiệt thành đến độ quá khích: Ngài không dung thứ cho những ai sống ngược lại với Lề Luật và truyền thống. Sau biến cố trên đường đi Damascus, Phaolô đã dần dần thay đổi hoàn toàn, vì Chúa Giêsu muốn Phaolô chịu đau khổ cho việc rao giảng và bành trướng Tin Mừng. Phaolô phải chịu nhiều hiểu lầm, đánh đòn, bắt bớ, tù đày... nhưng thánh nhân vẫn can đảm tiến tới, vì Chúa Giêsu luôn đồng hành và an ủi Ngài. Những điều này giúp Phaolô nhận ra tình thương của Thiên Chúa và giúp ngài đại lượng hơn trong việc giảng dạy và giúp đỡ các tín hữu.
2/ Phúc Âm: Bay mối phúc thật
2.1/ "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ." Đây là một lời dạy không dễ hiểu, chúng ta cần xem xét bằng những ví dụ thực tế để hiểu Chúa Giêsu thực sự muốn nói gì: Nghèo khó là có phúc? Người nghèo khó không đủ của ăn nên sinh tật ăn cắp làm ô danh Chúa? Người nghèo khó quá đay nghiến Thiên Chúa vì đã bỏ rơi mình? Nhiều người ví sống trong nghèo khó, thiếu thốn như là sống trong hỏa ngục! Ngược lại, có phải giàu có là vô phúc? Người giàu có lấy của Thiên Chúa ban để giúp cho việc mở mang Nước Chúa như bà Lydia giúp Phaolô có nơi ăn ở để rao giảng Tin Mừng?
Nói chung, nghèo khó giúp con người biết trông cậy nơi Thiên Chúa, giàu có làm con người tin tưởng nơi quyền năng và sức lực của mình, nên dễ bỏ quên Thiên Chúa. Khi con người đã có đầy đủ mọi sự trên trần gian, họ sẽ không màng tới việc tìm kiếm Nước Trời; trong khi những người nghèo có hoàn cảnh thuận tiện hơn để tìm Nước Trời và tin tưởng nơi Thiên Chúa.Ví dụ: Ở Việt-nam, các nhà thờ lúc nào cũng đầy người; họ vẫn sống và có thời giờ cho Thiên Chúa, tuy rằng họ nghèo khó. Bên Âu Mỹ, các nhà thờ chỉ còn lại những người già; họ lo kiếm tiền cho cuộc sống đến nỗi không còn giờ cho Thiên Chúa. Ở Việt-nam, ơn gọi làm tu sĩ và linh mục nhiều đến nỗi các chủng viện và dòng tu không có chỗ để nhận; bên Âu Mỹ, ơn gọi làm linh mục và tu sĩ khan hiếm đến độ các dòng tu phải đóng cửa, và hầu hết các dòng tu và giáo phận phải qua Việt-nam hay Phi Châu để tuyển mộ ơn gọi.
2.2/ "Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an." Một vị thánh đã nói: Thiên Chúa thương ai càng nhiều, Ngài càng gởi nhiều đau khổ đến cho người ấy. Vì thế, chẳng thà chịu đau khổ để được Thiên Chúa an ủi yêu thương; hơn là sống trong hạnh phúc mà không cảm nhận được tình thương Thiên Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Của cải của chúng ta ở đâu, lòng trí của chúng ta sẽ ở đó. Nếu Nước Trời là kho tàng mà chúng ta ước ao, chúng ta hãy sống theo Mối Phúc Thứ Nhất như Chúa Giêsu dạy.
- Chúa thương ai càng nhiều, Ngài càng gởi nhiều đau khổ cho kẻ ấy; vì họ sẽ được Ngài an ủi, và họ sẽ biết ủi an những ai đồng cảnh ngộ. Nếu chúng ta mong được mến Chúa yêu người, đừng kêu ca khi Chúa gởi đau khổ tới như Mối Phúc Thứ Ba mà Chúa dạy.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Chúa Nhật Lễ Mình Máu Chúa, Năm B
Bài đọc: Exo 24:3-8; Heb 9:11-15; Mk 14:12-16, 22-26.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúa Giêsu hy sinh Mình và Máu Người cho chúng ta được sống.
Mỗi năm, tại các quốc gia trên thế giới, người ta thường có một ngày đặc biệt (Memorial Day) để tưởng nhớ các chiến sĩ đã bỏ mình vì chính nghĩa. Đây là những con người đã hy sinh bản thân bằng cách đổ máu, để bảo vệ tổ quốc và dân lành khỏi kẻ thù. Ngày Lễ Mình và Máu Thánh Chúa hôm nay, chúng ta cũng dành để tưởng niệm Đức Kitô, không những đã hy sinh thân mình và đổ máu cứu con người khỏi chết, cho con người được sống đời đời, mà còn muốn ở với con người mọi ngày cho đến tận thế, qua việc thiết lập Bí-tích Thánh Thể. Ngài có thể làm những chuyện này vì Ngài có uy quyền và Ngài yêu thương con người.
Các Bài Đọc hôm nay tường thuật tình yêu Thiên Chúa qua các việc Ngài làm để cứu chuộc con người. Trong Bài Đọc I, vì con người không ngừng xúc phạm đến Thiên Chúa, nên để được tha tội, con người cần dâng các súc vật. Máu của các súc vật đổ ra để cho con người khỏi chết và được sống. Trong Bài Đọc II, tác giả Thư Do-thái so sánh lễ vượt qua và giao ước Sinai được thực hiện qua ông Moses, với lễ vượt qua và giao ước mới, được thực hiện qua Đức Kitô. Ngài là Bánh Không Men và Chiên Vượt Qua của giao ước mới, sẵn sàng hy sinh để chết thay cho con người, và làm cho họ được sống muôn đời. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu sai các môn đệ vào thành Jerusalem để chuẩn bị Lễ Vượt Qua. Đang khi dùng bữa, Ngài đã thiết lập Bí-tích Thánh Thể, để hiến Mình và Máu cho con người được sống cả đời này và đời sau. Ngài cũng truyền cho các môn đệ phải làm những điều đó thường xuyên để tưởng nhớ đến Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Giao ước Sinai được chứng thực bằng máu của chiên bò.
1.1/ Thiên Chúa thiết lập giao ước trên núi Sinai với dân người: Trước khi tiến vào Đất Hứa, Thiên Chúa muốn thiết lập với dân người một giao ước. Vì con người không thể chịu nổi khi Thiên Chúa muốn nói với họ; nên họ đã xin Thiên Chúa nói với họ qua ông Moses. Sau khi đã nhận chỉ thị của Thiên Chúa, ông Moses xuống thuật lại cho dân mọi lời của Đức Chúa và mọi điều luật. Toàn dân đồng thanh đáp: "Mọi lời Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành." Giao ước là một thỏa thuận của hai bên chính thức ký kết một số điều để bảo vệ nhau. Theo giao ước Sinai, Thiên Chúa hứa sẽ bảo vệ dân, và dân hứa sẽ thi hành mọi điều luật của Ngài.
"Ông Moses chép lại mọi lời của Đức Chúa. Sáng hôm sau, ông dậy sớm, lập một bàn thờ dưới chân núi và dựng mười hai trụ đá cho mười hai chi tộc Israel. Rồi ông sai các thanh niên trong dân Israel dâng những lễ toàn thiêu, và ngả bò làm hy lễ kỳ an tế Đức Chúa. Ông Moses lấy một nửa phần máu, đổ vào những cái chậu, còn nửa kia thì rảy lên bàn thờ. Ông lấy cuốn sách giao ước đọc cho dân nghe. Họ thưa: "Tất cả những gì Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo.""
1.2/ Giao ước được ký kết bằng máu chiên bò: "Bấy giờ, ông Moses lấy máu rảy lên dân và nói: "Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em, dựa trên những lời này."" Người Do-thái quan niệm: "máu là sự sống." Khi giao ước được ký kết bằng máu, họ lấy sự sống mà thề với Thiên Chúa là họ sẽ giữ Lề Luật của Ngài; nhưng họ đã vi phạm giao ước nhiều lần sau khi đã ký kết với Thiên Chúa. Để được tha thứ, Thiên Chúa truyền cho họ phải sát tế các súc vật để lấy máu làm của lễ hy sinh đền tội cho họ, như Sách Levi viết: "vì mạng sống của xác thịt thì ở trong máu, và Ta, Ta đã ban máu cho các ngươi, trên bàn thờ, để cử hành lễ xá tội cho mạng sống các ngươi. Thật vậy, máu xá tội được vì nó là mạng sống. Vì thế, Ta đã bảo con cái Israel: Không một ai trong các ngươi được ăn huyết, ngoại kiều sống giữa các ngươi cũng không được ăn huyết." (Lev 17:11-12).
2/ Bài đọc II: Người đã vào cung thánh không phải với máu súc vật, nhưng với Máu của Mình.
2.1/ Máu của giao ước cũ và máu của giao ước mới: Máu của giao ước cũ chỉ là hình ảnh và phải được kiện toàn bằng Máu của giao ước mới. Tác giả Thư Do-thái đã so sánh một cách chi tiết hai giao ước cũ và mới, rồi đưa đến kết luận như sau: Giao ước mới hoàn hảo hơn giao ước cũ: "Nhưng Đức Kitô đã đến làm Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương lai. Để vào cung thánh, Người đã đi qua một cái lều lớn hơn và hoàn hảo hơn, không do bàn tay con người làm nên, nghĩa là không thuộc về thế giới thọ tạo này. Người đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta." Đức Kitô là Thượng Tế cao trọng hơn tất cả các thượng tế, vì các lý do sau:
(1) Ngài không phải dâng lễ đền tội cho mình vì Ngài không có tội; trong khi các thượng tế khác phải dâng lễ đền tội cho mình trước khi dâng lễ đền tội cho người khác.
(2) Ngài tự nguyện hy sinh chính Mình để làm của lễ đền tội cho con người, và chỉ cần một lần là đủ. Từ nay, con người không cần phải dâng lễ vật chiên bò mỗi khi phạm tội nữa.
(3) Các Thượng Tế mỗi năm chỉ được vào trong Nơi Cực Thánh của Đền Thờ (nơi Thiên Chúa hiện diện) một lần trong Ngày Xá Tội, Đức Kitô vào một cung thánh hoàn hảo hơn trên trời, và Ngài luôn luôn ngự bên hữu Thiên Chúa để chuyển cầu cho con người. Khi chịu chết, Đức Kitô đã xé tan bức màn ngăn cách giữa hai nơi thánh và cực thánh trong Đền Thờ; vì thế, tất cả mọi người đều có thể đến trực tiếp với Thiên Chúa qua Đức Kitô bất cứ lúc nào.
(4) Máu của Đức Kitô không thể so sánh với máu của chiên bò: "Vậy nếu máu các con dê, con bò, nếu nước tro của xác bò cái, đem rảy lên mình những kẻ nhiễm uế còn thánh hoá được họ, nghĩa là cho thân xác họ trở nên trong sạch, thì máu của Đức Kitô càng hiệu lực hơn biết mấy. Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống." Thứ nhất, Máu của Đức Kitô đổ ra là máu tình nguyện, "làm theo ý Thiên Chúa;" chứ không phải máu của các súc vật bị bắt phải đền tội. Thứ hai, Máu của Đức Kitô là Máu của Con Thiên Chúa. Sau cùng, Máu của Đức Kitô đổ ra không những có sức thanh tẩy tội lỗi, còn có sức thánh hóa và thông ban cho con người sức sống thần linh.
2.2/ Công dụng của máu:
(1) Thanh tẩy: Máu của thân thể luân chuyển để lọc bỏ các chất dơ trong các phần của thân thể. Máu của giao ước cũ là máu của súc vật đổ ra để thanh tẩy tội lỗi cho con người. Máu của giao ước mới thanh tẩy tội lỗi cho con người một lần là đủ: "Bởi vậy, Người là trung gian của một giao ước Mới, lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời giao ước cũ. "
(2) Nuôi sống: Máu là biểu tượng của sự sống vì máu luân chuyển và nuôi dưỡng mọi phần của thân thể. Máu các súc vật đổ ra để chết thay cho con người. Máu Đức Kitô đổ ra để chết thay cho con người và khôi phục lại sự sống đời đời cho con người: "Máu Đức Kitô đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa đã hứa."
(3) Liên kết: Máu liên kết các phần của thân thể với nhau. Trong Cựu Ước, ngày lễ Xá Tội (Yon Kippur) được mệnh danh là "at-one-ment = trở thành một," để liên kết con người với Thiên Chúa và với nhau. Trong Tân Ước, máu của Đức Kitô liên kết chúng ta, những chi thể của một thân thể là Giáo Hội, với Đức Kitô là Đầu.
3/ Phúc Âm: "Đây là máu Thầy, máu giao ước mới, đổ ra vì muôn người."
3.1/ Lễ Vượt Qua của Đức Kitô: có bối cảnh lịch sử từ Lễ Vượt Qua của người Do-thái. Trong biến cố Vượt Qua này, Thiên Chúa giải thoát dân tộc Do-thái khỏi làm nô lệ cho người Ai-cập, và đem họ vào vùng Đất Hứa tràn trề sữa và mật. Chúa Giêsu cũng ví Cuộc Thương Khó của Người như một vượt qua: "khi biết đã đến giờ Người sắp sửa từ giã cuộc đời này để về với Thiên Chúa" (Jn 13:1). Trong Lễ Vượt Qua cũ, bánh không men và chiên vượt qua là hai thứ không thể thiếu để mừng lễ: máu chiên dùng để bôi trên cửa nhà, để thiên thần vượt qua mà không vào sát hại như sát hại các con đầu lòng của người Ai-cập.
3.2/ Chúa Giêsu thiết lập Bí-tích Thánh Thể: Trong Lễ Vượt Qua mới, bánh không men chính là Mình Chúa Giêsu, như trình thuật kể: "Đang bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: "Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy." Chiên Vượt qua mới là máu của Đức Kitô: "Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông: "Đây là máu Thầy, máu giao ước, đổ ra vì muôn người."
Trong Cuộc Vượt Qua mới, Đức Kitô cũng giải thoát con người khỏi làm nô lệ cho tội lỗi và sự chết bằng chính Mình và Máu của Ngài. Sau khi ăn Lễ Vượt Qua, người Do-thái phải lên đường bắt đầu cuộc hành trình qua Biển Đỏ. Chúa Giêsu và các môn đệ cũng thế, sau khi đã thiết lập Bí-tích Thánh Thể, Chúa Giêsu và các môn đệ hát thánh vịnh, Sau đó, Đức Giêsu và các môn đệ ra núi Olive để cầu nguyện và chịu thử thách.
Cuộc sống của mỗi người cũng thế, sau khi đã lãnh nhận thần lương của Bí-tích Thánh Thể, chúng ta cũng phải vào cuộc đời để đương đầu với những khó khăn và thử thách hằng ngày của cuộc sống như: bệnh tật; học hành và công ăn việc làm; bất đồng, hiểu lầm, chia rẽ, và hận thù đến từ các mối liên hệ với tha nhân, cộng thêm vào những lo lắng tương lai... Chính sự sống thần linh nhận được từ Bí-tích Thánh Thể sẽ giúp chúng ta có đủ sức mạnh và nghị lực, để vượt qua tất cả các khó khăn này. Nếu không năng lãnh nhận thần lương, làm sao chúng ta tìm được sức mạnh để vượt qua các khó khăn của cuộc sống?
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Bí-tích Thánh Thể là Bí-tích tình yêu. Vì yêu nên Đức Kitô đã lập ra để ở lại với con người mỗi ngày cho đến tận thế. Chúng ta cần năng lãnh nhận Bí-tích này để xin Ngài gia tăng tình yêu cho chúng ta.
- Bí-tích Thánh Thể là Bí-tích đem lại sự sống. Chúng ta không chỉ sống cách thể lý; nhưng phải sống đời sống thiêng liêng. Bí-tích Thánh Thể cung cấp sức mạnh tinh thần, để chúng ta có nghị lực vui sống và vượt qua các khó khăn mỗi ngày.
- Bí-tích Thánh Thể là Bí-tích hiệp nhất. Bí-tích này liên kết con người với Thiên Chúa và với nhau. Để có thể chung sống hài hòa, chúng ta cần năng lãnh nhận Bí-tích này.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.
GIAO ƯỚC TÌNH YÊU!'' CHÚA NHẬT X THƯỜNG NIÊN NĂM B
LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KITÔ (07/06/2015)
[Xh 24,38; Dt 9,1115; Mc 14, 1216.2226]
I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Bao lâu các công ty, xí nghiệp chưa ký kết được các hợp đồng làm ăn buôn bán thì
các công ty, xí nghiệp ấy còn bị đe dọa bởi tình trạng thiếu việc làm sẽ dẫn tới việc
đóng cửa. Bao lâu các nước trong một vùng chưa ký kết được với nhau những hiệp
ước an ninh, hòa bình thì bấy lâu các nước ấy còn bị đe dọa bởi xung đột và chiến
tranh. Bao lâu loài người chưa có được một giao ước với Thiên Chúa thì loài người
còn sống trong vô vọng. Nhưng Thiên Chúa đã đi bước trước trong việc thiết lập
giao ước tình yêu với loài người khi Người cứu Ítraen khỏi cảnh nô lệ Aicập và
ký kết với họ giao ước Xinai. Đó là giao ước cũ và là hình bóng của một giao ước
mới mà Thiên Chúa đã ký kết mấy ngàn năm sau với toàn nhân loại nơi Con Một
Yêu Dấu của Người. Giao ước cũ được ký kết bằng/nhờ máu chiên bò. Còn giao
ước mới được ký kết bằng/nhờ Máu Châu Báu của Chúa Giêsu Kitô, Con Một
Thiên Chúa đã đổ ra trên thập giá. Chúng ta mừng Lễ Mình Máu Thánh Chúa trong
tâm tình cảm tạ tri ân khi hiện tại hóa Giao Ước Tình Yêu ở núi Xinai và đồi Golgotha!
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Trong bài đọc 1 (Xh 24,38): Đây là máu Giao Ước Thiên Chúa đã lập với
anh em.
3 Ngày từ núi Xinai xuống, ông Môsê thuật lại cho dân mọi lời của Đức Chúa và
mọi điều luật. Toàn dân đồng thanh đáp: "Mọi lời Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ
thi hành." 4 Ông Môsê chép lại mọi lời của Đức Chúa. Sáng hôm sau, ông dậy sớm,
lập một bàn thờ dưới chân núi và dựng mười hai trụ đá cho mười hai chi tộc Ítraen.
5 Rồi ông sai các thanh niên trong dân Ítraen dâng những lễ toàn thiêu, và ngả bò
làm hy lễ kỳ an tế Đức Chúa. 6 Ông Môsê lấy một nửa phần máu, đổ vào những cái
chậu, còn nửa kia thì rảy lên bàn thờ. 7 Ông lấy cuốn sách giao ước đọc cho dân
nghe. Họ thưa: "Tất cả những gì Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân
theo." 8 Bấy giờ, ông Môsê lấy máu rảy lên dân và nói: "Đây là máu giao ước Đức
Chúa đã lập với anh em, dựa trên những lời này."
2.2 Trong bài đọc 2 (Dt 9,1115): Máu của Đức Kitô thanh tẩy lương tâm
chúng ta.
11 Thưa anh em, Đức Kitô đã đến làm Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương
lai. Để vào cung thánh, Người đã đi qua một cái lều lớn hơn và hoàn hảo hơn, không
do bàn tay con người làm nên, nghĩa là không thuộc về thế giới thọ tạo này. 12 Người
đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của
mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho
chúng ta. 13 Vậy nếu máu các con dê, con bò, nếu nước tro của xác bò cái, đem rảy
lên mình những kẻ nhiễm uế còn thánh hoá được họ, nghĩa là cho thân xác họ trở
nên trong sạch, 14 thì máu của Đức Kitô càng hiệu lực hơn biết mấy. Nhờ Thánh
Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên
Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự
chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống. 15 Bởi vậy, Người là
trung gian của một Giao Ước Mới, lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi người ta
đã phạm trong thời giao ước cũ, và đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi
quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa đã hứa.
2.3 Trong bài Tin Mừng(Mc 14,1216.2226): Đây là Mình Thầy. Đây là Máu
Thầy,
12 Hôm ấy nhằm ngày thứ nhất trong tuần Bánh không men, là ngày sát tế chiên
Vượt Qua, các môn đệ thưa với Đức Giêsu: "Thầy muốn chúng con đi dọn cho
Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?"
13 Người sai hai môn đệ đi, và dặn họ: "Các anh đi vào
thành, và sẽ có một người mang vò nước đón gặp các anh. Cứ đi theo người đó.
14 Người đó vào nhà nào, các anh hãy thưa với chủ nhà: Thầy nhắn: "Cái phòng dành
cho tôi ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ của tôi ở đâu? 15 Và ông ấy sẽ chỉ cho các
anh một phòng rộng rãi trên lầu, đã được chuẩn bị sẵn sàng: và ở đó, các anh hãy
dọn tiệc cho chúng ta." 16 Hai môn đệ ra đi. Vào đến thành, các ông thấy mọi sự y
như Người đã nói. Và các ông dọn tiệc Vượt Qua.
22 Cũng đang bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao
cho các ông và nói: "Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy." 23 Và Người cầm chén
rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. 24 Người bảo
các ông: "Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người. 25 Thầy bảo thật
anh em: chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày
Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa." 26 Hát thánh vịnh xong, Đức Giê
su và các môn đệ ra núi Ôliu.
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG
BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân Dung của Thiên Chúa
1o) Bài đọc 1 (Xh 24,38): là một đoạn văn hết sức quan trọng của Cựu Ước vì cho
chúng ta biết Thiên Chúa của Ítraen (và của hết mọi dân, mọi nước) là Đấng Thiên
Chúa nào. Đó là Thiên Chúa của Tình Yêu và của Giao Ước. Vì yêu thương, Người
đã chọn Ítraen làm dân riêng và đã ban cho họ các điều luật để họ cứ đó mà sống
và sẽ được hạnh phúc. Vì đã ký kết Giao ước với Ítraen, Người sẽ trung tín thực
hiện mọi lời hứa với dân riêng của Người và với cả nhân loại. 2o) Bài đọc 2 (Dt 9,1115): Thánh Phaolô trình bày Chúa Giêsu vừa là Vị Thượng
Tế của Thiên Chúa, vừa là Của Lễ của Giao Ước Mới giữa Thiên Chúa và nhân loại.
Người đã dùng chính Máu mình mà đền tội nhân loại và thanh tẩy các tâm hồn, làm
cho con người nên trong trắng tinh tuyền đẹp lòng Thiên Chúa. Máu xúc vật và nghi
lễ của Cựu Ước chỉ là hình bóng của Hy Lễ Thập Giá của Con Một Thiên Chúa là
Chúa Giêsu Kitô!
3o) Bài Tin Mừng (Mc 14,12.2226): là tường thuật của Phúc Âm Máccô về Bữa
Ăn Tối cuối cùng của Chúa Giêsu với các Tông đồ. Trong bữa ăn lịch sử ấy. Chúa
Giêsu đã công bố một điều tuyệt diệu và hết sức bất ngờ: "Anh em hãy cầm lấy
bánh này mà ăn vì đây là Mình Thầy sẽ bị giao nộp vì anh em; anh em hãy cầm lấy
chén rượu này mà uống vì đây là Máu Thầy, Máu Giao ước đổ ra vì muôn người." Đức Giêsu đã trở thành lương thực cho các môn đệ được sống. Người đã chuộc tội
chúng sinh bằng chính Máu và Mạng Sống của mình để Giao ước giữa Thiên Chúa
và nhân loại được lặp lại và được nâng lên một tầm cao mới.
3.2 Sứ điệp của Lời Chúa
Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là: Thiên Chúa đã yêu thương và tuyển chọn chúng
ta làm dân riêng của Người và đã ký kết với chúng ta một Giao Ước Tình Yêu
bằng/nhờ hy tế thập giá của Con Một Người là Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã đổ hết
Máu mình ra để cứu chuộc chúng ta. Chúng ta là dân của Giao Ước Tình Yêu nên
có nghĩa vụ thi hành mọi lời Đức Chúa đã phán.
IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA LỜI CHÚA HÔM NAY
4.1 Sống với Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần (Chúa Ba Ngôi) Đấng đã ký
kết Giao Ước Tình Yêu với loài người để loài người được sống trong tình nghĩa với
Người. 4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa hôm nay là đáp lại sự Chọn Lựa và Tình Yêu của
Thiên Chúa, là tuân giữ các điều khoản của Giao Ước Tình Yêu, bằng những cách
cụ thể như:
(1o) Luôn có tâm tình và lời kinh cảm tạ về
(a) Sự chọn lựa yêu thương và vô vị lợi của Thiên Chúa,
(b) Hy Lễ Thập Giá mà Chúa Giêsu đã dâng lên Chúa Cha để đền tội và cứu vớt
chúng ta.
(2o) Chỉ phụng thờ một mình Thiên Chúa mà thôi và tuân giữ các giới răn yêu
thương và công bình trong đời sống cá nhân và xã hội. V. CẦU NGUYỆN CHO HỘI THÁNH VÀ THẾ GIỚI
[Xin đề nghị một trong hai cách cầu nguyện dưới đây:]
* Lời nguyện giáo dân:
5.1 «Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em.» Chúng ta hiệp lời cầu
nguyện cho ngày càng có nhiều người đón nhận giao ước của Thiên Chúa với loài
người nơi Con Một Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô. Hát: Chúa ơi, xin nghe lời chúng con nguyện cầu!
5.2 «Đức Kitô đã đến làm Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương lai.»
Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho tất cả mọi người được hưởng phúc lộc mà Chúa
Kitô đã đem lại cho những kẻ tin, bằng cuộc sống và cái chết thập giá của Người.
Hát: Chúa ơi, xin nghe lời chúng con nguyện cầu!
5.3 «Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy. Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ
ra vì muôn người.» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho tất cả các Kitô hữu biết
siêng năng và trận trọng lãnh nhận Mình Máu Chúa để được kết hợp với Chúa Giê
su Kitô trong Lễ Tế Tạ Ơn và Chuộc Tội.
Hát: Chúa ơi, xin nghe lời chúng con nguyện cầu!
5.4 «Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn
toàn dâng lên Thiên Chúa.» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho chính chúng ta biết
dâng hiến đời mình như của lễ Tạ Ơn theo gương Chúa Giêsu Kitô! Hát: Chúa ơi, xin nghe lời chúng con nguyện cầu!
* Hoặc lời cầu nguyện tự phát sau đây:
1. Lạy Thiên Chúa là Cha, chúng con cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Cha vì Cha
đã ký kết giao ước tình yêu với Ítraen và nhân loại, để chúng con trở thành Dân
Giao Ước và được làm hòa cùng Cha là Đấng mà chúng con hằng xúc phạm. Chúng
con nguyện thi hành và tuân theo mọi lời Cha đã phán dậy!
2. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Chúa
vì Chúa đã hiến mình làm Của Lễ Đền Tội cho chúng con được giao hòa với Thiên
Chúa. Chúa còn biến mình thành bánh và rượu nuôi dưỡng chúng con trong Bí Tích
Thánh Thể. Chúng con nguyện sẽ siêng năng và sốt sáng đến với Thánh Thể Chúa!
3. Lạy Chúa Thánh Thần, chúng con cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Chúa vì
Chúa luôn hiện diện và cùng hoạt động với Chúa Cha và Chúa Con trong lễ ký kết
giao ước Xinai và Golgotha. Chúng con nguyện sống dưới sự hướng dẫn và thúc
đẩy của Chúa để trở thành hiến tế đẹp lòng Thiên Chúa, theo gương Chúa Giêsu
Kitô!
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Bảy Tuần 9 TN1, Năm B
Bài đọc: Tob 12:1, 5-15, 20; Mk 12:38-44.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Làm thế nào để sống mối liên hệ với Thiên Chúa?
Trong tương quan giữa người với người, mối liên hệ nào cũng đòi phải có hai chiều: chiều cho đi và chiều nhận lại; thì mới thăng bằng và tiến triển được. Trong mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người cũng thế, Thiên Chúa sẽ yêu thương, chúc lành, bảo vệ ... nếu con người yêu thương Thiên Chúa, và tuân giữ những gì Ngài dạy. Ngược lại, nếu con người không yêu thương và ăn ở theo đường lối của Thiên Chúa, Ngài sẽ để mặc họ cho kẻ thù tha hồ tấn công tứ phía.
Các Bài Đọc hôm nay mở mắt cho chúng ta phải luôn biết sống đúng đắn mối liên hệ với Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, thiên sứ Gabriel sau cùng đã mặc khải cho cha con ông Tobit về căn tính và sứ vụ của ngài được Thiên Chúa trao phó. Đồng thời, thiên sứ cũng mặc khải hai bổn phận quan trọng con người phải chu toàn: (1) phải luôn khen ngợi và chúc tụng danh Chúa, (2) phải luôn ăn ngay ở lành hết mọi ngày trong cuộc sống. Nếu con người chu toàn bổn phận của mình, Thiên Chúa sẽ sai sứ thần bảo vệ và ban muôn ơn lành cho con người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cảnh cáo con người khi làm các việc thờ phượng và khi đóng góp vào nhà thờ. Mục đích của việc thờ phượng là làm thăng hoa mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa, chứ không phải vì bất kỳ lý do nào khác. Mục đích của việc đóng góp là trả lại cho Thiên Chúa những ơn lành Ngài đã đổ xuống trên con người, chứ không phải chỉ là cho đi của dư thừa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hãy chúc tụng Thiên Chúa về những điều tốt lành Người đã làm cho cha con ông.
1.1/ Bổn phận của con người đối với Thiên Chúa:
(1) Phải luôn ngợi khen Thiên Chúa: Thiên sứ Raphael kín đáo gọi hai cha con lại và nói: "Hãy chúc tụng Thiên Chúa và tuyên xưng Người trước toàn thể sinh linh, về những điều tốt lành Người đã làm cho cha con ông. Hãy chúc tụng và ca ngợi danh Người! Những việc Thiên Chúa đã làm, hãy long trọng tỏ cho mọi người biết. Đừng ngần ngại xưng tụng Người! Giữ kín bí mật của vua là điều tốt đẹp; nhưng công trình của Thiên Chúa, thì phải tỏ bày và long trọng xưng tụng." Việc làm của Thiên Chúa khác với việc làm của vua chúa, Ngài chẳng cần chi phải giữ bí mật cả, nhưng muốn cho càng nhiều người biết tới càng tốt.
(2) Phải luôn cố gắng ăn ngay ở lành: Hãy làm điều lành thì cha con ông sẽ không gặp điều dữ. "Cầu nguyện kèm theo đời sống chân thật, bố thí đi đôi với đời sống công chính, thì tốt hơn có của mà ở bất công; làm phúc bố thí thì đẹp hơn là tích trữ vàng bạc. Việc bố thí cứu cho khỏi chết và tẩy sạch mọi tội lỗi. Những người làm phúc bố thí sẽ được sống lâu. Những ai phạm tội ăn ở bất công là kẻ thù của chính mình."
1.2/ Thiên sứ Raphael là khí cụ Thiên Chúa dùng để ban ơn cho cha con ông Tobit và cô Sarah: Thiên sứ nói: "Tôi sẽ tỏ cho ông và con ông biết tất cả sự thật, không giấu diếm chi."
(1) Thiên Chúa có mắt, có tai: Mắt và tai của Thiên Chúa là các thiên-sứ của Ngài; không một điều gì con người nói hay làm mà Thiên Chúa không biết. Chính thiên-sứ Raphael mặc khải cho cha con ông Tobit: "Hãy biết rằng khi ông và cô Sarah cầu nguyện, chính tôi đã tiến dâng những lời cầu nguyện đó lên trước nhan vinh hiển của Đức Chúa, để xin Chúa nhớ đến hai người; tôi cũng làm như vậy khi ông chôn cất người chết. Và khi ông không ngại trỗi dậy, bỏ dở bữa ăn để đi chôn cất người chết, bấy giờ tôi được sai đến bên ông để thử thách ông."
(2) Thiên Chúa có tay để chữa lành: "Thiên Chúa cũng sai tôi chữa lành cho ông và cô Sarah, con dâu ông. Tôi đây là Raphael, một trong bảy thiên sứ luôn hầu cận và vào chầu trước nhan vinh hiển của Đức Chúa."
2/ Phúc Âm: Bà góa này rút từ cái túng thiếu của mình để bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.
2.1/ Những điều con người cần đề phòng khi làm việc thờ phượng: Mục đích của việc thờ phượng là đưa con người tới Thiên Chúa. Vì thế, phải tránh tất cả những gì chia trí, làm ngăn cản con người không hoàn toàn kết hợp với Thiên Chúa. Một số các chia trí được Chúa Giêsu liệt kê:
(1) Thói thích phô trương quần áo: "Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng." Điều này có thể được áp dụng cho cả các linh mục và giáo dân thời nay: có nhiều người chú trọng đến quần áo bên ngoài hơn những chuẩn bị trong tâm hồn để gặp gỡ Chúa.
(2) Thói thích được chào hỏi, khen ngợi: Có những người "thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng." Nhiệm vụ của tư tế là đưa con người đến với Thiên Chúa. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông vẫn chỉ là người đầy tớ vô dụng của Thiên Chúa: ông hoàn thành bổn phận đã được Thiên Chúa trao cho ông để làm (Lk 17:10). Thói quen này có thể ngăn cản các ngôn sứ nói lời của Thiên Chúa, mà chú trọng đến nói những gì để người khác khen và vỗ tay tán thưởng.
(3) Thói thích được danh dự: "Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc." Con người háo danh thường thích được điều này. Người sứ giả của Thiên Chúa được khuyến khích làm ngược lại, vì: "Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống."
(4) Lợi dụng việc đạo đức để kiếm tiền: "Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn." Việc lạm dụng các Bí-tích để kiếm lợi nhuận cho cá nhân đã từng xảy ra, và bị kết án nặng nề trong thời Phục Hưng.
2.2/ Khi cho đi, không phải chỉ cho của dư thừa: Đa số người Việt-nam chúng ta quan niệm không đúng về việc bỏ tiền vào nhà thờ, ví dụ hôm nay cho chúng ta một cái nhìn đúng đắn về bổn phận đóng góp vào Nhà Chúa. Đức Giêsu ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao:
(1) Phải đóng góp bằng của cần dùng:
+ Người giầu: Chúa nhìn thấy có lắm người giàu có bỏ thật nhiều tiền, nhưng Chúa không khen họ khi Ngài nói: "Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó."
+ Có một bà goá nghèo: Bà đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rôma. Đức Giêsu liền nói với các môn đệ: "Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết; vì bà này rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình."
(2) Phải tin nơi sự quan phòng của Thiên Chúa: Luật Do-thái nói rõ, dân chúng phải đóng góp 10% những gì họ thu thập được; ví dụ, nếu một tuần thu thập được 400 đồng, tiền bỏ vào nhà thờ sẽ phải là 40 đồng, nhưng rất ít người thời nay có được thói quen này. Một điều con người cần tập là tin tưởng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa: Nếu con người bác ái cho đi, Thiên Chúa nhân từ sẽ rộng lượng cho lại; nhưng nếu con người cứ bo bo giữ của, làm sao họ có kinh nghiệm sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa?
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta không chỉ thờ phượng Thiên Chúa bằng những lời ca ngợi; nhưng còn phải tỏ tình yêu chân thành bằng việc giữ các điều răn của Ngài.
- Khi làm việc thờ phượng, chúng ta phải chú trọng đến chiều kích tâm linh. Đừng để bị chia trí và lôi cuốn vì người khác hay vì những lợi nhuận vật chất.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- 05/6 Sự cần thiết của thời gian
- 04/6 Con người phải chân thành yêu thương Thiên Chúa và tha nhân
- 03/6 Có sự sống lại và cuộc sống đời sau
- 02/6 Của ai trả về cho người ấy
- 01/6 Có cần phải ăn ở theo sự thật và lẽ ngay suốt mọi ngày trong cuộc đời?
- 31/5 Vinh dự và trách nhiệm của kẻ làm con Thiên Chúa
- 30/5 Khôn ngoan là luôn biết và sống theo sự thật
- 29/5 Hãy biết sống làm sao để sinh hoa kết quả cho Thiên Chúa
- 28/5 Sự quí trọng của con mắt
- 27/5 Tình thương vô bờ của Thiên Chúa và tình yêu toan tính của con người