Sống Lời Chúa Hôm Nay
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Bảy Tuần V PS
Bài đọc: Acts 16:1-10; Jn 15:18-21.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thánh Thần giúp con người biết khôn ngoan giải quyết vấn đề.
Trong cuộc sống của các Kitô hữu: Có những lúc cần phải bảo vệ sự thật cho đến chỗ phải hy sinh mạng sống; nhưng cũng có những lúc cần khôn ngoan thích ứng trong những trường hợp và hoàn cảnh khác nhau. Làm sao các tín hữu nhận ra khi nào phải sống chết cho sự thật, và khi nào có thể khôn ngoan thích ứng tùy hoàn cảnh? Xin thưa các tín hữu cần sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần. Chắc chắn Ngài không hiện ra để nói trực tiếp với chúng ta, nhưng Ngài sẽ nói với chúng ta tùy hoàn cảnh; ví dụ: nơi nào Ngài muốn chúng ta tới, Ngài sẽ tạo cơ hội và những hoàn cảnh thuận tiện; nơi nào Ngài không muốn chúng ta tới, Ngài sẽ không cho cơ hội và gây ra những trở ngại khó khăn.
Các Bài Đọc hôm nay giúp chúng ta nhận ra sự hướng dẫn của Thánh Thần. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô trở lại các giáo đoàn cũ để thăm viếng, củng cố, và loan tin từ Giáo Hội Trung Ương, trước khi bắt đầu cuộc hành trình truyền giáo thứ hai. Chúng ta nhận ra sự hướng dẫn của Thánh Thần: khi Phaolô cắt bì cho Timothy, một người Hy-lạp, khi Thánh Thần ngăn cản không cho rao giảng tại Asia Minor và Bithynia, nhưng cho cơ hội vào Macedonia qua thị kiến mời gọi của một người địa phương. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tiên báo các môn đệ của Ngài sẽ bị thế gian bắt bớ như họ đã bắt bớ Ngài. Lý do đơn giản là Ngài không thuộc về thế gian cũng như các môn đệ không thuộc về thế gian.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Phaolô bắt đầu cuộc hành trình rao giảng Tin Mừng lần thứ hai.
1.1/ Trở lại thăm các giáo đoàn cũ: Khi có cơ hội, Phaolô luôn trở lại để viếng thăm và cũng cố những giáo đòan ông đã thành lập. Ông đến Derbe, rồi đến Lystra.
(1) Tuyển thêm môn đệ: Để có thêm người rao giảng Tin Mừng và để nâng đỡ nhau trong sứ vụ, khi Phaolô đến Lystra, ở đó có một môn đệ tên là Timothy, mẹ là người Do-thái đã tin Chúa, còn cha là người Hy-lạp. Ông được các anh em ở Lystra và Iconium chứng nhận là tốt.
Tại sao Phaolô cắt bì cho Timothy đang khi ông đưa sứ điệp của Giáo Hội Jerusalem? Xin thưa: Một khi Phaolô đã nhận được chỉ thị của Giáo Hội Mẹ cho biết việc cắt bì không liên quan gì tới việc cứu độ, thì có cắt bì hay không cũng chẳng có gì quan trọng cả. Tuy nhiên, có những cái không quan trọng với mình, nhưng lại quan trọng với người khác. Lý do Phaolô muốn cắt bì cho Timothy là vì "Phaolô muốn ông ấy cùng lên đường với mình, nên đã đem ông đi làm phép cắt bì, vì nể các người Do-thái ở những nơi ấy."
(2) Trao sứ điệp của Giáo Hội Jerusalem: "Khi đi qua các thành, các ông truyền lại cho các anh em những chỉ thị đã được các Tông Đồ và kỳ mục ở Jerusalem ban bố, để họ tuân giữ.
Vậy các Hội Thánh được vững mạnh trong đức tin và mỗi ngày thêm đông số."
1.2/ Sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần:
(1) Không muốn cho rao giảng Tin Mừng: "Các ông đi qua miền Phrygia và Galatia, vì Thánh Thần ngăn cản không cho các ông rao giảng lời Chúa ở Asia. Khi tới sát ranh giới Mysia, các ông thử vào miền Bithynia, nhưng Thần Khí Đức Giêsu không cho phép. Các ông bèn đi qua miền Mysia mà xuống Troa." Trong trình thuật này, hai lần Sách CVTĐ nói tới việc "Thánh Thần ngăn cản" và "Thần Khí Đức Giêsu không cho phép" vào những thành phố của Asia Minor. Tác giả không nói rõ cách thức Thánh Thần cho Phaolô biết ý của Ngài: có thể trong thị kiến, có thể bằng cách để Phaolô gặp những trở ngại từ phía địa phương.
(2) Muốn cho rao giảng Tin Mừng ở Macedonia: "Ban đêm, ông Phaolô thấy một thị kiến: một người miền Macedonia đứng đó, mời ông rằng: "Xin ông sang Macedonia giúp chúng tôi!"
Sau khi ông thấy thị kiến đó, lập tức chúng tôi tìm cách đi Macedonia, vì hiểu ra rằng Thiên Chúa kêu gọi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho họ." Thánh Thần muốn mở rộng biên giới trong hành trình rao giảng Tin Mừng thứ hai của Phaolô, không còn giới hạn trong vùng Asia Minor; nhưng bành trướng vào Âu Châu, bắt đầu với các thành phố Hy-lạp.
2/ Phúc Âm: Anh em sẽ bị thế gian bắt bớ.
2.1/ Xung đột giữa Thiên Chúa và thế gian: Có nhiều ý nghĩa khác nhau về chữ "thế gian" trong Tin Mừng Gioan; nhưng ở đây "thế gian" được hiểu là những quyền lực chống lại Thiên Chúa, như ma quỉ và các tay sai của nó. Giữa Thiên Chúa và thế gian có rất nhiều xung đột về giá trị: ánh sáng và bóng tối, sự thật và sự sai trá, điều thiện hảo và điều gian ác, yêu thương và giận ghét, đoàn kết và chia rẽ, công bằng và bất công. Người Kitô hữu được kêu gọi để sống và làm chứng cho những giá trị của Thiên Chúa, và những giá trị này luôn đối nghịch với những giá trị của thế gian; hậu quả là thế gian sẽ ghét các Kitô hữu như Chúa Giêsu nói: "Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em."
2.2/ Nếu thế gian đã bắt bớ Chúa Giêsu, họ cũng sẽ bắt bớ các môn đệ của Ngài: Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ: "Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em." Cả cuộc đời của Chúa Giêsu là cuộc đời dạy dỗ những điều tốt lành, chữa khỏi mọi bệnh hoạn tật nguyền, và khai trừ ma quỉ; thế mà thế gian còn truy tố, luận phạt, đánh đòn, và đóng đinh vào Thập Giá; các môn đệ là ai mà có thể tránh khỏi các cực hình này? Chỉ cần đọc Sách CVTĐ và Lịch Sử Giáo Hội, chúng ta đã nghe bao cuộc bách hại của thế gian nhắm vào các môn đệ của Chúa.
Nói tóm, thế gian chống các Kitô hữu họ mang danh Chúa Kitô. Khi chọn mang danh Kitô hữu là chọn để thế gian bắt bớ. Thế gian ghét những kẻ mang danh Kitô, vì không thuộc về họ, và không theo những tiêu chuẩn và đường lối của họ.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta cần mở rộng tâm hồn để sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Một trong những dấu chỉ để nhận ra là dựa vào cơ hội và hoàn cảnh. Nếu Thánh Thần muốn, Ngài sẽ tạo cơ hội và hoàn cảnh thuận tiện; nếu không, Ngài sẽ gởi những khó khăn tới.
- Có lúc chúng ta cần bảo vệ và làm chứng cho sự thật, có lúc chúng ta cần khôn ngoan thích ứng để đạt được những lợi ích mong muốn, tùy theo sự hướng dẫn bên trong của Ngài.
- Trở thành môn đệ của Chúa là phải chịu bắt bớ trong việc rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng. Lý do đơn giản là thế gian không biết Chúa Giêsu; vì thế, không chấp nhận những tiêu chuẩn của Tin Mừng.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Sáu Tuần V PS
Bài đọc: Acts 15:22-31; Jn 15:12-17.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Yêu thương là chìa khóa để tồn tại.
Chúng ta học được nhiều điều quan trọng nơi Giáo Hội Jerusalem trong việc giải quyết các xung đột gây ra do việc chuyển tiếp từ Do-thái Giáo sang Kitô Giáo. Trước tiên, họ cùng nhau ngồi lại để tìm cách giải quyết vấn đề. Thứ đến, họ theo sự hướng dẫn của Thánh Thần để tìm ra đâu là sự thật nền tảng mọi người phải giữ, những gì có thể dung hòa, và những gì có thể chuẩn chước được. Sau đó, họ phải khiêm nhường bỏ thói quen của mình, hy sinh chấp nhận ý kiến chung, và giải quyết vấn đề trong tình yêu thương anh em; chứ không truyền lệnh như giữa chủ và tớ, giữa giai cấp lãnh đạo trung ương và cấp nhân viên dưới quyền mình. Biết cách giải quyết khôn ngoan như thế là tránh được chiến tranh và xây dựng hòa bình, là phát triển Tin Mừng vào thế giới theo đường lối Chúa Giêsu thay vì co cụm vào Jerusalem để bị đồng hóa vào Do-thái Giáo.
Các Bài Đọc hôm nay nêu bật cho chúng ta những chìa khóa quan trọng trong việc giải quyết các xung đột. Trong Bài Đọc I, Giáo Hội giải quyết vấn đề theo sự hướng dẫn của Thần Chân Lý và tình yêu thương của Đức Kitô. Các Tông-đồ quyết định không áp đặt trên các Dân Ngoại bất kỳ một gánh nặng nào khác, trừ ra những gì hết sức quan trọng. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự quan trọng của giới luật yêu thương: Hãy làm mọi sự vì yêu thương như Ngài đã yêu thương chúng ta. Đừng đối xử với nhau như chủ và tớ; nhưng hãy đối xử với nhau như anh em, như Chúa đã đối xử với chúng ta.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Cách giải quyết vấn đề của Giáo Hội Jerusalem
1.1/ Xóa tan nghi ngờ bằng cách:
(1) Chọn đại diện của Giáo Hội Trung Ương để làm sáng tỏ vấn đề với Giáo Hội địa phương: "Các Tông Đồ, các kỳ mục, cùng với toàn thể Hội Thánh, quyết định chọn mấy người trong các ông, để phái đi Antioch với ông Phaolô và ông Barnabas. Đó là ông Judah, biệt danh là Barsabbas, và ông Silas, những người có uy tín trong Hội Thánh."
(2) Gởi sứ điệp chính thức: Vì tin đồn thất thiệt và mạo danh gây ra nghi kỵ, chia rẽ, và tranh chấp trong cộng đoàn, Giáo Hội Jerusalem đã nhận ra điều này và làm sáng tỏ trong Thư luân lưu: "Chúng tôi nghe biết có một số người trong chúng tôi, không được chúng tôi uỷ nhiệm, mà lại đi nói những điều gây xáo trộn nơi anh em, làm anh em hoang mang."
(3) Chính thức nhìn nhận Barnabas và Phaolô là đại diện: Giáo Hội Jerusalem cũng nhận ra sự quan trọng của Barnabas và Phaolô với Giáo Hội địa phương: "Cùng với những người anh em thân mến của chúng tôi là ông Barnabas và ông Phaolô, những người đã cống hiến cuộc đời vì danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta."
1.2/ Nội dung của sứ điệp: dựa trên những lời của Phêrô và Giacôbê góp ý hôm qua. Giáo Hội Trung Ương quyết định: Vậy chúng tôi cử ông Judah và ông Silas đến trình bày trực tiếp những điều viết sau đây:
(1) Không phải mang gánh nặng nào khác: "Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác." Hai điểm quan trọng được các Tông-đồ nhấn mạnh là "Thánh Thần" và "chúng tôi." Giáo Hội không chỉ mang tính cách trần thế như bao tổ chức khác; nhưng có nguồn gốc từ Trời. Giáo Hội hoạt động dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần. Quyết định đạt được không do một cá nhân quyết định, nhưng là cố gắng của tập thể, sau khi đã cùng nhau cầu nguyện, đóng góp ý kiến, và đi tới quyết định.
(2) Ngoài những điều cần thiết này: "kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, ăn thịt loài vật không cắt tiết, và tránh gian dâm. Anh em cẩn thận tránh những điều đó là tốt rồi." Những điều cần thiết tối thiểu này là những gì Giáo Hội Trung Ương nghĩ mọi người, Do-thái cũng như Dân Ngoại, cần phải giữ.
2/ Phúc Âm: Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.
2.1/ Giới luật yêu thương: "Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em." Đây có thể nói là giới luật duy nhất Chúa Giêsu để lại cho con người; nhưng nó lại là giới luật nền tảng, vì nó bao trùm trên các giới luật khác. Yêu thương, không đơn thuần như con người hiểu, nhưng là yêu thương phát xuất từ Thiên Chúa. Con người phải có yêu thương này trước khi con người có thể đáp ứng đòi hỏi của Chúa Giêsu: "Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình."
2.2/ Tình bằng hữu giữa Chúa Giêsu và các Tông-đồ: Dưới con mắt phàm nhân, mối liên hệ giữa Chúa Giêsu và con người là mối liên hệ giữa chủ nhân và đầy tớ; vì Thiên Chúa dựng nên và có quyền trên con người. Ngài có quyền ra lệnh và con người có bổn phận phải thi hành. Hay có tốt hơn cũng chỉ là mối liên hệ giữa Thầy và trò. Tuy mối liên hệ này gần hơn, nhưng vẫn còn khỏang cách rất lớn giữa hai chủ thể: Thầy có quyền bắt học trò làm theo ý mình muốn. Các ông không thể nào ngờ lời Chúa nói các ông có thể trở thành bạn hữu của Ngài: "Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy."
(1) Khác biệt giữa tôi tớ và bạn hữu: "Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết." Điểm đặc biệt giữa bạn hữu là họ chia sẻ cho nhau mọi tâm sự và mọi sướng, khổ, vui, buồn. Chúa Giêsu đã mặc khải cho các môn đệ mọi điều Ngài đã thấy nơi Chúa Cha, đã cùng chia sẻ mọi nỗi vui buồn trong 3 năm rao giảng; đã rửa chân cho các ông như một đầy tớ, và đã sẵn sàng hy sinh tính mạng vì các ông. Chúa thực sự đã đối xử với các ông như một người bạn thân thiết.
(2) Chúa chọn các Tông-đồ cho một sứ vụ: "Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em." Chúa Giêsu nhấn mạnh đến vai trò của Thiên Chúa trong việc lựa chọn các Tông-đồ. Ngài chọn các ông chứ không phải các ông đã chọn Ngài. Ngài chọn các ông khi các ông vẫn còn rất nhiều khuyết điểm và giới hạn của con người; nhưng Ngài huấn luyện và thánh hiến các ông, để rồi sai các ông đi cho một sứ vụ: mang con người về cho Thiên Chúa.
Điều làm chúng ta ngạc nhiên sau biến cố Phục Sinh là sự thay đổi hoàn toàn nơi các Tông-đồ, từ những con người thất học, nhút nhát, trở thành can đảm, khôn ngoan, dám đương đầu với các người trong Thượng Hội Đồng, và họ không thể đối đáp được với các ông. Nói tóm, Chúa ban tất cả những gì cần thiết để các ông có thể chu toàn sứ vụ.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Khi có xung đột trong gia đình hay cộng đòan, chúng ta hãy theo sự hướng dẫn của Thánh Thần để tìm ra sự thật và loại trừ tất cả những ích kỷ và ghen tị ẩn giấu đàng sau nó.
- Sau khi đã khiêm nhường tìm ra sự thật, chúng ta phải giải quyết vấn đề trên căn bản yêu thương, chứ không dùng quyền hành để ra lệnh như chủ và tớ.
- Chúng ta phải có can đảm để nhận ra lỡ lầm và sửa sai cho đúng. Hãy yêu thương, khuyến khích, và nâng đỡ nhau trong khi rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Năm Tuần V PS
Bài đọc: Acts 15:7-21; Jn 15:9-11.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Những gì là cốt tủy của Kitô Giáo.
Tiếp tục những gì chúng ta đã bàn hôm qua về việc tìm ra đâu là cốt tủy của Kitô Giáo mà cả hai, Do-thái cũng như Dân Ngoại, phải giữ; những gì có thể thích ứng; và những gì có thể tùy mỗi dân tộc.
Các Bài Đọc hôm nay giúp chúng ta nhận ra vấn đề qua những đóng góp ý kiến của các nhân vật quan trọng. Trong Bài Đọc I, sau khi đã cùng nhau bàn luận, Phêrô đã đứng lên góp ý kiến như sau: Vì Thánh Thần cũng được ban cho Dân Ngoại cũng như cho dân Do-thái, vì con người được thanh tẩy nhờ đức tin chứ không nhờ Lề Luật, và vì con người nhờ ân sủng của Thiên Chúa mà được cứu độ chứ không do sức lực của con người; nên không thể bắt Dân Ngoại cắt bì và giữ các truyền thống của người Do-thái. Sau Phêrô, Giacôbê, một Tông-đồ có thế giá tại Giáo Hội Jerusalem cũng lên tiếng bênh vực cho Dân Ngoại: Theo lời các ngôn sứ, Dân Ngoại cũng được bao gồm trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa. Ông cũng đồng ý không nên bắt Dân Ngoại phải cắt bì và giữ truyền thống Do-thái; chỉ nên viết thư khuyên nhủ họ 3 điều: không được ăn thịt cúng, không được gian dâm, và không được ăn những súc vật không cắt tiết, cũng như không được ăn tiết. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến giới luật yêu thương là nền tảng của Kitô Giáo: Như Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ý kiến của các Tông đồ về những gì cần áp dụng cho Dân Ngoại.
1.1/ Ý kiến của Simon Phêrô: Sau khi các ông đã tranh luận nhiều, ông Phêrô đứng lên nói: "Thưa anh em, anh em biết: ngay từ những ngày đầu, Thiên Chúa đã chọn tôi giữa anh em, để các Dân Ngoại được nghe lời Tin Mừng từ miệng tôi và tin theo." Phêrô đề cập đến 3 lý do chính yếu tại sao không nên bắt Dân Ngoại cắt bì và giữ các truyền thống Do-thái:
(1) Thánh Thần được ban cho các Tông-đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần cũng được ban cho Dân Ngoại: "Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi tâm can đã chứng tỏ Người chấp nhận họ, khi ban Thánh Thần cho họ cũng như đã ban cho chúng ta." Đó là lý do tại sao ông làm Phép Rửa cho viên Đại Đội Trưởng Roma, Cornelius và những người trong nhà của ông (Acts 10:44-48).
(2) Được cứu độ nhờ đức tin, chứ không do việc giữ Luật: Thiên Chúa dùng đức tin để thanh tẩy lòng họ, chứ không bằng Lề Luật! Ở đây cũng như trong Thư Galat của Phaolô, ông ví Lề Luật như cái ách của người nô lệ (Gal 5:1): "Người không phân biệt chút nào giữa chúng ta với họ, vì đã dùng đức tin để thanh tẩy lòng họ. Vậy bây giờ, sao anh em lại thử thách Thiên Chúa, mà quàng vào cổ các môn đệ một cái ách mà cả cha ông chúng ta lẫn chúng ta đã không có sức mang nổi?"
(3) Được cứu độ nhờ ơn thánh, chứ không do sức con người: Con người được cứu độ là hoàn toàn do bởi ân sủng của Thiên Chúa: "Vả lại, chính nhờ ân sủng Chúa Giêsu mà chúng ta tin mình được cứu độ, cùng một cách như họ."
1.2/ Ý kiến của Giacôbê, Giám Quản Jerusalem: Tuy là người hết sức tuân giữ Lề Luật, nhưng ông cũng lên tiếng bảo vệ các tín hữu Dân Ngoại.
(1) Dân Ngoại được bao gồm trong Kế Hoạch Cứu Độ: Trước hết, ông nhìn nhận Dân Ngoại được bao gồm trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, như lời các ngôn sứ đã loan báo: "Sau đó, Ta sẽ trở lại, và sẽ xây dựng lại lều David đã sụp đổ; đống hoang tàn đó, Ta sẽ xây dựng lại, và Ta sẽ dựng lại lều ấy. Như vậy các người còn lại và tất cả các Dân Ngoại được mang danh Ta sẽ tìm kiếm Chúa. Chúa phán như vậy, Người là Đấng cho biết những điều ấy tự ngàn xưa" (x/c Amo 9:11-12 và Jer 12:15).
(2) Kết luận của ông Giacôbê: Vì vậy, phần tôi, tôi xét là không được gây phiền hà cho những người gốc Dân Ngoại trở lại với Thiên Chúa, nhưng chỉ viết thư bảo họ:
- Kiêng những thức ăn ô uế vì đã cúng cho ngẫu tượng: Niềm tin ăn đồ cúng cho thần sẽ được trở nên giống thần, cũng như người Kitô hữu tin ăn Mình Chúa sẽ trở nên giống như Chúa (I Cor 10:20). Vì thế, một người không thể vừa tham dự bàn tiệc của Chúa, vừa tham dự bàn tiệc của thần ngoại (I Cor 10:21). Trước đó, Phaolô phân biệt giữa việc ăn thịt cúng vì biết chẳng có thần nào ngoài Chúa và việc gây ngộ nhận cho những người yếu đức tin (I Cor 8:1-13).
- Tránh gian dâm (Lev 18:6-18:26): Đây là giới răn thứ 6 và 9 của Thập Giới. Có những dân tộc không cho gian dâm là tội như một số người Hy-lạp. Trong một thế giới không trong sạch, những dạy dỗ của Đức Kitô về sự trong sạch là những gì mới lạ cho Dân Ngoại.
- Kiêng ăn thịt loài vật không cắt tiết (giết bằng cách thắt cổ) và kiêng ăn tiết: Máu là sự sống; ăn máu là ăn sự sống, và sự sống thuộc về Thiên Chúa. Con người không có quyền trên sự sống (Lev 17:10-14, Gen 9:4). Giacôbê muốn khuyên Dân Ngoại phải ăn thịt lòai vật theo kiểu của người Do-thái: phải cắt tiết con vật, phải để máu chảy ra hết, và không được ăn máu súc vật.
2/ Phúc Âm: Giới luật yêu thương là nền tảng quan trọng nhất.
(1) Liên kết tình thương giữa Thiên Chúa và con người qua Đức Kitô: "Như Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy." Nếu phải đơn giản hóa Kitô Giáo, chúng ta có thể nói Kitô giáo là Đạo của tình yêu: "mến Chúa và yêu thương tha nhân." Nhưng tình thương được thể hiện qua sự vâng lời: "Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người." Chúa Giêsu muốn con người giữ các giới răn vì Ngài biết những điều đó tốt cho con người, nhưng con người không luôn nhận ra.
(2) Hậu quả của yêu thương là có được niềm vui trọn vẹn: Mục đích của Kitô Giáo không phải là giam hãm con người trong Lề Luật; nhưng giúp con người hưởng trọn niềm vui của Thiên Chúa, như Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta được cứu độ không bằng nỗ lực giữ trọn vẹn Lề Luật, nhưng bằng niềm tin vào Đức Kitô, dưới sự trợ giúp của ơn thánh.
- Đạo lý căn bản của Kitô Giáo là giới luật yêu thương. Thiên Chúa là tình yêu; Ngài thông ban tình yêu của Ngài cho con người qua Đức Kitô, và Ngài muốn con người yêu nhau bằng tình yêu này.
- Mục đích của Đạo là làm sao con người được hưởng trọn vẹn niềm vui của Thiên Chúa; chứ không phải giam hãm con người trong những luật lệ cứng nhắc để làm tội con người.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Tư Tuần V PS
Bài đọc: Acts 15:1-6; Jn 15:1-8.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Điều gì là điều khẩn thiết của Kitô Giáo?
Mỗi dân tộc trên địa cầu đều có một truyền thống, một văn hóa, và một giá trị khác nhau cần được tôn trọng. Khi Kitô Giáo được rao giảng vào dân tộc đó, các nhà truyền giáo cần phải nghiên cứu cẩn thận các truyền thống, văn hóa, và giá trị của họ. Mục đích là để làm sao cho dân tộc đó có thể đón nhận và thực hành đức tin, mà vẫn không xung đột với những truyền thống và văn hóa của họ.
Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta thấy tầm quan trọng của vấn đề. Trong Bài Đọc I, Giáo Hội thời sơ khai phải đương đầu với nhiều vấn đề khi phải làm một sự chuyển tiếp từ Do-thái Giáo qua Kitô Giáo: Nên giữ những gì và nên bỏ những gì khi dân Do-thái và Dân Ngoại gia nhập Kitô Giáo? Cụ thể là 2 vấn đề chính: Dân Ngoại có phải cắt bì và giữ Lề Luật khi theo Kitô Giáo? Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đưa ra một điều khẩn thiết hơn cả: Các tín hữu phải sống kết hợp mật thiết với Ngài như cây nho và cành; nếu không sẽ không thể sinh hoa trái, sẽ bị khô héo, và sẽ bị cắt bỏ ra ngoài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Có cần phải cắt bì và giữ Lề Luật để được cứu độ?
1.1/ Theo các tín hữu Pharisees: Phải cắt bì và giữ Lề Luật.
(1) Về việc cắt bì: Những người Do-thái từ Judah tới nói với Dân Ngoại: "Nếu anh em không chịu phép cắt bì theo tục lệ Moses, thì anh em không thể được cứu độ." Cắt bì là dấu chỉ của giao ước giữa Thiên Chúa và tổ-phụ Abraham (Gen 17). Chúa Giêsu chịu cắt bì tám ngày sau khi sinh ra (Lk 2:21); Phaolô cũng chịu cắt bì (Phi 3:5). Bằng việc cắt bì, một người Do-thái biết họ thuộc về dân của Thiên Chúa, và là con cháu của tổ phụ Abraham.
Tuy nhiên, điều quan trọng là niềm tin yêu nơi Thiên Chúa, cắt bì chỉ là dấu hiệu bề ngoài để chứng tỏ niềm tin yêu bên trong. Nếu cắt bì mà không tin yêu vào Thiên Chúa, cắt bì có ích chi đâu, Dân Ngoại nhiều nơi cũng có thói quen như vậy. Ngôn sứ Jeremiah (Jer 4:4, 9:24-26) đã từng nói lên sự cần thiết phải cắt bì trái tim và lòng trí. Thiên Chúa yêu mến sự công bằng và tình yêu hơn là cắt bì.
(2) Lề Luật: Có những người thuộc phái Pharisee đã trở thành tín hữu, bấy giờ đứng ra nói rằng: "Phải làm phép cắt bì cho người ngoại và truyền cho họ giữ luật Moses." Trước tiên, chúng ta cần phân biệt Lề Luật của Thiên Chúa và của con người (thói quen hay truyền thống): Luật của Thiên Chúa không thể thay đổi; luật do con người làm ra có thể thay đổi.
- Lề Luật chính yếu là là Thập Giới mà Thiên Chúa đã ban cho dân trên núi Sinai qua ông Moses đại diện cho toàn dân (Exo 20:1-17). Thập Giới này không thay đổi và mọi người, Do-thái cũng như Dân Ngoại, đều phải tuân hành.
- Những luật của con người do thói quen hay do truyền thống: luật thanh sạch, hay những chi tiết về giữ ngày Sabbath. Dân Ngoại không phải giữ các truyền thống này. Chính Chúa Giêsu cũng từng tranh luận với các kinh-sư và biệt-phái về những truyền thống này, và sửa sai họ: Các ông dùng truyền thống của các ông để bãi bỏ Lề Luật của Thiên Chúa (Mt 15:2-6, Mk 7:3-13).
1.2/ Theo Phaolô và Barnabas: Dân Ngoại không có truyền thống cắt bì và giữ luật thanh sạch như người Do-thái. Hơn nữa, Lịch sử Cứu Độ đã bước sang giai đọan mới và bao gồm các Dân Ngoại. Ông Phaolô và ông Barnabas chống đối và tranh luận khá gay go với họ. Người ta bèn quyết định cử ông Phaolô, ông Barnabas và một vài người khác lên Jerrusalem gặp các Tông Đồ và các kỳ mục, để bàn về vấn đề đang tranh luận này.
Chúng ta không biết những lập luận của hai ông khi tranh luận với họ; nhưng theo Phaolô trong các Thư sau này: Khi Chúa Giêsu đến, Ngài đã mang Lề Luật tới chỗ kiện toàn. Vì biến cố sinh ra, chết đi, và sống lại; giờ đây, không còn nhất thiết phải trở thành người Do-thái trước khi trở thành Kitô hữu. Con người được cứu độ không do bởi việc cắt bì và giữ Lề Luật; nhưng do bởi niềm tin của họ vào Đức Kitô.
Tuy vấn đề cắt bì và Lề Luật đã được giải quyết trong Công Đồng Jerusalem; nhưng nó vẫn còn là bài học kinh nghiệm cho chúng ta trong đời sống hiện tại. Mỗi khi có những xung đột như thế, chúng ta cần ngồi xuống để phân tích xem điều gì quan trọng phải giữ và điều gì không quan trọng có thể bỏ hay thích ứng được. Bắt một người ngoại kiều hay một dân tộc phải theo văn hóa và truyền thống của mình trong việc thực hành đức tin dễ đưa đến bất đồng và gây nhiều trở ngại cho việc rao giảng Tin Mừng; một ví dụ cụ thể là việc thờ cúng tổ tiên tại Việt-nam.
2/ Phúc Âm: Sống kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu là điều khẩn thiết hơn cả.
Mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa là trung tâm điểm của Đạo. Vì thế, tất cả những gì giúp đưa con người tới Thiên Chúa, và giúp cho mối liên hệ này phát triển tối đa là những điều cần thiết hơn cả. Trong dụ ngôn hôm nay, Chúa Giêsu ví mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa như sau: "Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn."
(1) Lời Kinh Thánh: cần thiết để con người biết Thiên Chúa là ai, những gì Ngài mong muốn, và những gì Ngài đã, đang, và sẽ làm cho con người. Lời Kinh Thánh có sức tẩy sạch những gì là gian trá và mờ ám của thế gian như Chúa Giêsu nói hôm nay: "Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em."
(2) Các Bí-tích: giúp thông chuyển đời sống thần linh và ơn thánh từ Thiên Chúa đến cho con người. Hình ảnh những cành nho cần nhựa sống nuôi dưỡng của cây nho dẫn chứng sự cần thiết của các Bí-tích, nhất là Bí-tích Thánh Thể: "Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được."
(3) Sinh hoa kết trái bằng việc giữ các giới răn: Hoa trái đây là những gì con người làm cho Thiên Chúa và cho tha nhân, từ việc yêu mến, đến việc giữ Lề Luật của Thiên Chúa, và tất cả những gì con người có thể làm cho tha nhân. Khi con người sinh hoa kết trái, con người làm Thiên Chúa được tôn vinh.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Trong lãnh vực đức tin, chúng ta cần chú trọng tới mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa, biểu lộ qua việc tin và yêu Ngài bằng những việc làm cụ thể.
- Mỗi khi có xung đột về truyền thống, văn hóa, và giá trị; chúng ta cần cùng nhau cầu nguyện và giải quyết, để xem coi những gì quan trọng về đạo lý cần giữ, những gì cần thích ứng với hoàn cảnh, và những gì có thể bỏ được.
- Việc bắt người khác phải theo truyền thống và văn hóa của mình sẽ đưa đến chia rẽ và làm trở ngại cho việc rao giảng Tin Mừng đến mọi nơi và mọi người.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Ba Tuần V PS
Bài đọc: Acts 14:19-28; Jn 14:27-31.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải qua gian khổ mới đạt tới vinh quang.
Như người nhà nông phải vất vả cầy bừa, giầm mưa, dãi nắng, thì hạt giống gieo xuống mới mang lại mùa màng; đức tin của các tín hữu có được là do sự miệt mài rao giảng của các nhà truyền giáo. Họ không ngại đường sá xa xôi, cách trở; phải chịu đựng bao nguy hiểm, bắt bớ, ghen tị, tù đày, ném đá ... để gieo vãi hạt giống đức tin, củng cố niềm tin, và chờ ngày hạt giống đức tin được sinh hoa kết trái.
Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng những điều này. Trong Bài Đọc I, Sách CVTĐ tường thuật những khó khăn và bách hại mà Phaolô và Barnabas phải trải qua trong hành trình rao giảng đức tin cho Dân Ngoại; nhưng hai ông vẫn kiên trì chịu đựng, đi từ thành này qua thành khác để gieo vãi hạt giống đức tin, củng cố niềm tin, và thiết lập các giáo đoàn địa phương. Khi trở về Antioch, các ông tập họp Hội Thánh và tường trình những gì Thiên Chúa đã thực hiện nơi hai ông. Trong Phúc Âm, mặc dù Chúa Giêsu biết trước bao nhiêu gian khổ đang chờ Ngài trong Cuộc Thương Khó sắp tới, Ngài vẫn can đảm tiến tới để đương đầu. Ngài khuyên các môn đệ đừng xao xuyến và sợ hãi vì Ngài sẽ ban bình an cho các ông, và bảo đảm quyền lực thế gian sẽ không thắng được quyền lực của Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa.
1.1/ Phaolô đi đâu, người Do-thái theo ông tới đó: "Bấy giờ có những người Do-thái từ Antioch và Iconium đến Lystra, thuyết phục được đám đông. Họ ném đá ông Phaolô rồi lôi ông ra ngoài thành, vì tưởng ông đã chết. Nhưng khi các môn đệ xúm lại quanh ông, ông đứng dậy và vào thành. Hôm sau, ông trẩy đi Derbe cùng với ông Barnabas."
Chúng ta thấy sự nhẫn nhục, chịu đựng đau khổ của Phaolô trong việc rao giảng Tin Mừng: vừa thu nhận được chút kết quả là đối phương theo tới quấy phá; vừa bị đối phương ném đá gần chết lại chỗi dậy đi qua thành khác rao giảng Tin Mừng.
Điều chúng ta học được nơi Phaolô và Barnabas trong việc truyền giáo là phải trở lại thăm viếng và củng cố các giáo đoàn địa phương mình đã thành lập để củng cố tinh thần các môn đệ, và khuyên nhủ họ giữ vững đức tin. Hai ông nói: "Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa."
1.2/ Phaolô và Barnabas hoàn tất cuộc hành trình thứ nhất: Trong cuộc hành trình này, hai ông bắt đầu từ Antioch của Syria đến Salamis và Paphos của đảo Cyprus, đến Perga, Antioch của Pisidia, đến Iconium, Lystra, Derbe, và theo đường cũ trở lại Perga, rồi từ Perga đến Attalia, trở về Pergha và dùng thuyền trở về Antioch của Syria. Đây là cuộc hành trình ngắn nhất trong 3 cuộc hành trình của Phaolô rao giảng Tin Mừng cho Dân Ngoại. Ông đã đi qua tất cả 8 thành. Trong mỗi Hội Thánh, hai ông chỉ định cho họ những kỳ mục, và sau khi ăn chay cầu nguyện, hai ông phó thác những người đó cho Chúa, Đấng họ đã tin.
Khi trở về Antioch, hai ông tập họp Hội Thánh và kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với hai ông, và việc Người đã mở cửa cho các dân ngoại đón nhận đức tin. Rồi hai ông ở lại một thời gian khá lâu với các môn đệ trước khi bắt đầu cuộc hành trình thứ hai.
2/ Phúc Âm: Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.
2.1/ Bình an của Thiên Chúa: Biết Cuộc Thương Khó đã gần kề, và biết trước những gì sẽ xảy đến cho các môn đệ, Chúa Giêsu để lại một báu vật cho các môn đệ: "Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi." Đây cũng là món quà các thiên sứ reo vang trong Ngày Chúa sinh ra: "Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm."
Chúa Giêsu nhấn mạnh sự khác biệt giữa sự bình an của Thiên Chúa và của con người. Bình an của Thiên Chúa đến từ trong tâm hồn con người; trong khi sự bình an của thế gian đến từ bên ngoài. Bình an của Thiên Chúa ban không bao giờ mất được; trong khi sự bình an của thế gian rất mong manh và dễ vỡ. Chúng ta có thể nhận ra điều này qua các cuộc chiến tranh tương tàn, và chúng luôn đe dọa con người.
Bình an của Chúa Giêsu được bảo đảm bởi Thiên Chúa. Ngài tạm rời các môn đệ để về cùng Cha trong ít ngày; nhưng Ngài lại trở lại với các môn đệ sau Cuộc Thương Khó và Phục Sinh. Sự bình an các ông có được là sau khi chứng kiến tất cả những điều này: Nếu Chúa Giêsu đã chiến thắng thần chết, và đang ngự nên hữu Chúa Cha trên trời để luôn bầu cử cho các ông, thì chẳng còn gì sợ hãi nữa; và vì thế, các ông luôn có bình an.
2.2/ Xung đột giữa Thiên Chúa và thế gian: Sống trong thế gian, Chúa Giêsu và các môn đệ sẽ bị thế gian ghét bỏ và truy tố, vì không sống theo tiêu chuẩn và đường lối của thế gian. Chúa Giêsu biết thế gian sắp sửa truy tố Ngài, và nó cũng sẽ truy tố các môn đệ của Ngài, nên Ngài nói với các môn đệ: "Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa, bởi vì Thủ Lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy. Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy. Nào đứng dậy! Ta đi khỏi đây!"
Thế gian tưởng khi họ tiêu diệt Chúa Giêsu là họ đã dùng sức mình để chiến thắng; nhưng sự thật là họ đang thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Ngài muốn Chúa Giêsu chịu đau khổ để gánh tội và mang lại sự sống đời đời cho con người. Khi Chúa Giêsu sống lại vinh hiển, thế gian sẽ sững sờ kinh ngạc, vì những gì họ tưởng đã chiến thắng, nhưng giờ bị thua thiệt, vì các tín hữu không còn sống nô lệ cho họ nữa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Đức tin là một gia sản vô giá mà Thiên Chúa trao tặng cho chúng ta qua sự cố gắng vượt bực của các nhà truyền giáo. Họ đã bỏ gia đình và quê hương, chấp nhận bao nhiêu đau khổ và nghiệt ngã của các xứ truyền giáo để trao cho chúng ta món quà quí giá này. Chúng ta đừng khinh thường nó.
- Bổn phận của chúng ta là gìn giữ và củng cố đức tin này sao cho ngày càng lớn mạnh, và cố gắng hết sức để trao lại cho con cháu và những người chúng ta có trách nhiệm. Nếu chúng ta đã lãnh nhận cách nhưng không, chúng ta cũng phải rộng rãi cho đi cách nhưng không.
- Riêng với con cháu Việt-nam, chúng ta biết để bảo vệ đức tin này, các nhà truyền giáo và cha ông chúng ta đã phải đổ máu và chịu đựng biết bao bắt bớ, roi đòn, tù đày, tủi nhục. Hãy sống đức tin làm sao cho xứng đáng với giá máu ấy.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Hai Tuần V PS
Bài đọc: Acts 14:5-18; Jn 14:21-26.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hoạt động dưới ảnh hưởng của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Có một sự khác biệt vô cùng lớn lao giữa tư tưởng và đường lối của Thiên Chúa với tư tưởng và đường lối của con người. Vì thế, cũng có một sự khác biệt lớn giữa cách hoạt động của những người dưới ảnh hưởng của Ba Ngôi Thiên Chúa, và những người hoạt động theo cách thức của người phàm.
Các Bài Đọc hôm nay muốn nêu bật những khác biệt này. Trong Bài Đọc I, Phaolô, với sức mạnh của Thánh Thần và nhân danh Đức Kitô, có thể làm cho người bại liệt từ lúc mới sinh đứng dậy đi lại được. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mặc khải cho các môn đệ về sự liên hệ giữa Ba Ngôi Thiên Chúa và con người: Nếu con người vâng lời giữ các giới răn của Chúa Giêsu, sẽ được cả Ba Ngôi yêu mến; và người đó sẽ có cả Ba Ngôi trong người mình.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Các Tông-đồ hăng hái rao giảng Tin Mừng giữa những đe dọa bắt bớ.
1.1/ Phaolô chữa người bại liệt từ lúc mới sinh: Theo lời Chúa Giêsu căn dặn: “Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác” (Mt 10:23); Phaolô và Barnabas
bỏ Iconium lánh sang các thành miền Lycaonia là Lystra, Derbe, và các vùng phụ cận; khi hai ông biết những người ngoại và những người Do-thái, cùng với các thủ lãnh của họ, mưu toan làm nhục và ném đá mình. Đi đến đâu, hai ông loan báo Tin Mừng tới đó.
Tại Lystra, có một người bại hai chân ngồi đó; anh ta bị què từ khi lọt lòng mẹ, chưa hề đi được bước nào. Anh nghe ông Phaolô giảng. Ông nhìn thẳng vào anh và thấy anh có lòng tin để được cứu chữa, thì lớn tiếng nói: “Anh trỗi dậy đi, hai chân đứng thẳng!” Anh đứng phắt dậy và đi lại được.
1.2/ Hai ông sửa chữa sai lầm của dân chúng sau khi chứng kiến phép lạ: Thấy việc ông Phaolô làm, đám đông hô lên bằng tiếng Lycaonia: “Thần linh mặc lốt người phàm đã xuống với chúng ta!” Họ gọi ông Barnabas là thần Zeus, ông Phaolô là thần Hermes, vì ông là người phát ngôn. Thầy tư tế đền thờ thần Zeus ở ngoại thành đem bò và vòng hoa đến trước cổng thành, và cùng với đám đông, muốn dâng lễ tế.
Zeus và Hermes là hai thần của người Hy-lạp. Zeus được xem như vua của các thần Hy-lạp, và quan thầy của những người làm nghề trồng cấy. Có lẽ vì lý do này mà Phaolô muốn nói với dân thành: không phải Zeus ban mưa từ trời và mùa màng; nhưng là chính Thiên Chúa trong câu 17. Hermes là con của Zeus với Maia; được xem là quan thầy của những người lữ hành, tội nhân, và gái điếm. Hermes là sứ giả và đem những sứ điệp của các thần cho con người.
Thấy phản ứng của họ, Barnabas và Phaolô xé áo mình ra, xông vào đám đông mà kêu lên: “Hỡi các bạn, các bạn làm gì thế này? Chúng tôi đây cũng chỉ là người phàm, cùng thân phận với các bạn. Chúng tôi loan Tin Mừng cho các bạn, là hãy bỏ những cái hão huyền này đi, mà trở lại cùng Thiên Chúa hằng sống, Đấng đã tạo thành trời đất với biển khơi cùng muôn loài trong đó.
Trong những thế hệ đã qua, Người để cho muôn dân đi theo đường lối của họ. Tuy vậy Người không ngừng làm chứng cho mình, khi thi ân giáng phúc, ban mưa từ trời và mùa màng sung túc cho các bạn, và cho các bạn được no lòng, được an vui.”
2/ Phúc Âm: Mặc khải của Chúa Giêsu về sự liên hệ giữa Chúa Ba Ngôi và con người
2.1/ Liên hệ giữa Chúa Cha và Chúa Con: Đây là mối liên hệ lý tưởng để con người bắt chước. Trong mối liên hệ này, yêu mến và vâng lời không thể tách rời nhau.
- Yêu mến: Cha yêu Con và Con yêu Cha. Hơn nữa, tình yêu không chỉ giới hạn giữa Cha-Con; nhưng lan tràn đến nhân loại: khi Chúa Giêsu yêu mến ai, Cha Ngài cũng yêu mến người ấy.
- Vâng lời: Con luôn vâng lời Cha bằng cách làm theo những gì Cha muốn.
Mối liên hệ giữa Chúa Giêsu và con người cũng phải được họa theo mối liên hệ giữa Chúa Giêsu và Cha của Ngài.
- Yêu mến: Chúa Giêsu yêu mến ai vâng lời Người. Khi Chúa Giêsu yêu ai, Chúa Cha sẽ yêu mến người ấy. Cha và Con sẽ đến và ở lại với người ấy. Ngài sẽ tỏ mình ra cho người ấy.
- Vâng lời: Ai có và giữ các điều răn của Chúa Giêsu, người ấy mới là kẻ yêu mến Ngài. Con người vâng lời Chúa Giêsu là vâng lời Chúa Cha, vì Lời con người nghe không phải là của Chúa Giêsu, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Con.
Ông Judah, không phải Judah Iscariot, nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian?” Lý do là vì thế gian không yêu mến Chúa Giêsu, nên họ không giữ lời Ngài; cho dù Ngài muốn tỏ mình đi nữa, họ cũng không đón nhận Ngài.
2.2/ Liên hệ giữa Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần: Chúa Giêsu nói: “Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.”
(1) Chúa Thánh Thần sẽ dạy các tín hữu mọi điều: Những gì còn thiếu nơi Đức Kitô, Thánh Thần sẽ dạy con người tất cả. Một số điều hiển nhiên chúng ta đã nghe nhiều trong những ngày vừa qua:
- Chúa Thánh Thần dùng sự kiện Chúa Phục Sinh để soi sáng cho các môn đệ hiểu biết những lời Cựu Ước và những lời Chúa Giêsu đã báo trước về Cuộc Khổ Nạn, cái chết, và sự Phục Sinh của Đức Kitô, để các ông giảng giải cho dân chúng, như trong Bài Giảng của Phêrô (Acts 3:11-26) và của Phaolô (Acts 13:16-41).
- Ngài cũng giúp các môn đệ nhận ra sự sai trái của Thượng Hội Đồng và Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, để kêu gọi họ ăn năn sám hối trong Hai Bài Giảng này.
- Ngài giúp các ông nhận ra nhu cầu phải dùng các Phó-tế để cộng tác làm việc (Acts 6:1-7); cho Dân Ngoại chịu Phép Rửa mà không cần phải cắt bì (Acts 10:44-48), và giúp các ông giải quyết khác biệt như trong trường hợp của Phaolô (Acts 9:26-30).
(2) Chúa Thánh Thần sẽ làm cho các môn đệ nhớ lại mọi điều Chúa Giêsu đã nói với họ: Chúa Giêsu đã dạy các ông rất nhiều điều, nhưng các ông không tiếp nhận được tất cả. Có những điều các ông quên, Ngài sẽ làm cho các ông nhớ lại. Có những điều các ông không hiểu, Ngài sẽ làm cho các ông hiểu. Có nhưng điều các ông chưa tin, Ngài sẽ làm cho các ông tin.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Ba Ngôi Thiên Chúa không hoạt động riêng lẻ; nhưng các Ngài cùng nhau hoạt động nơi con người. Khi chúng ta có một là có cả ba, khi chúng ta không có một là cũng không có cả ba.
- Điều kiện để có Ba Ngôi là vâng lời Chúa Giêsu bằng cách thực thi những gì Ngài muốn. Khi chúng ta hoạt động trong sự hướng dẫn của Ba Ngôi, kết quả sẽ vô cùng khác biệt.
- Yêu mến và vâng lời không thể tách biệt trong mối liên hệ giữa con người và Chúa Giêsu; nếu chúng ta yêu mến Chúa Giêsu, chúng ta phải vâng giữ các giới răn của Ngài.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Chúa Nhật V Phục Sinh, Năm B
Bài đọc: Acts 9:26-31; I Jn 3:18-24; Jn 15:1-8.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hiệp nhất trong Thiên Chúa và trong Giáo Hội.
Con người tuy có rất nhiều điểm khác biệt với nhau: niềm tin, văn hóa, hoàn cảnh, địa vị, tính tình, học thức ... nhưng được kêu gọi sống chung và hiệp nhất với nhau. Làm sao con người có thể hiệp nhất với nhau giữa bao nhiêu những dị biệt này. Các Bài Đọc hôm nay cung cấp cho chúng ta những điều chính yếu để đạt tới sự hiệp nhất.
Trong Bài Đọc I, Phaolô bị mọi người nghi ngờ vì quá khứ bắt bớ đạo Chúa của ông. Barnabas đã mạnh dạn đứng ra để bênh vực và giới thiệu ông với các Tông-đồ. Sau đó, để tránh xung đột với người Hy-lạp, các Tông-đồ quyết định để Phaolô rời Jerusalem. Trong Bài Đọc II, thánh Gioan nhấn mạnh đến giới răn yêu thương như một nền tảng cho sự hiệp nhất. Ngài khuyên các tín hữu đừng chỉ yêu thương bằng chót lưỡi đầu môi; nhưng phải biểu tỏ bằng hành động và bằng giữ các giới răn. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dùng hình ảnh quen thuộc để nói lên sự liên hệ mật thiết giữa Ngài và các môn đệ: "Thầy là cây nho, anh em là cành." Để có thể sinh hoa trái, các tín hữu cần liên kết với cành; nếu không sẽ bị khô héo và chặt đi. Vì thế, Chúa Giêsu là trọng tâm của hiệp nhất. Ngài liên kết mọi người với Ngài và với nhau.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hãy cho nhau một cơ hội. Đừng giam hãm tha nhân trong quá khứ của họ.
1.1/ Barnabas bênh vực Phaolô:"Khi tới Jerusalem, ông Saul tìm cách nhập đoàn với các môn đệ. Nhưng mọi người vẫn còn sợ ông, vì họ không tin ông là một môn đệ. Ông Barnabas liền đứng ra bảo lãnh đưa ông Saul đến gặp các Tông Đồ, và tường thuật cho các ông nghe chuyện ông ấy được thấy Chúa hiện ra trên đường và phán dạy làm sao, cũng như việc ông ấy đã mạnh dạn rao giảng nhân danh Đức Giêsu tại Damascus thế nào.''
Nghi ngờ là chuyện thường tình của con người; hơn nữa, Hội Thánh tại Jerusalem có lý do để nghi ngờ Saul, vì chỉ trước đây một thời gian ngắn, ông là người bắt đạo khét tiếng. Khi Thượng Hội Đồng ném đá Phó-tế Stephen, họ đã để quần áo của ông dưới chân Saul. Như Hananiah cũng nghi ngờ Saul và được Chúa cho biết Ngài muốn dùng Saul để loan báo Tin Mừng, ông Barnabas cũng đứng ra bảo lãnh cho Saul trước mặt các môn đệ.
Khi đã có bằng chứng của sự trở lại, chúng ta cần phải rộng lượng tha thứ để cho nhau cơ hội làm lại cuộc đời. Nếu Chúa Giêsu và các môn đệ không cho Saul một cơ hội làm lại cuộc đời, Giáo Hội sẽ không có một Tông đồ nhiệt thành rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng như thánh Phaolô. Nếu Chúa Giêsu đã cho Saul, và cho tất cả mọi người, có cơ hội ăn năn trở lại; chúng ta là ai mà dám giam cầm tha nhân trong quá khứ không hay của họ!
1.2/ Hội Thánh biết cách giải quyết các xung đột: "Từ đó ông Saul cùng với các Tông Đồ đi lại hoạt động tại Jerusalem. Ông mạnh dạn rao giảng nhân danh Chúa. Ông thường đàm đạo và tranh luận với những người Do-thái theo văn hoá Hy-lạp. Nhưng họ tìm cách giết ông."
Giáo Hội sơ khai cũng như qua các thời đại, và cho đến bây giờ, vẫn còn là Giáo Hội của con người, nên không thể tránh những va chạm vì khác biệt về cách thức suy luận, tính tình, văn hóa, sở thích ... Làm thế nào để giải quyết những va chạm để bảo vệ sự hiệp nhất? Trước tiên, mọi người cần cầu nguyện để xin sự soi sáng và quyết định theo sự hướng dẫn của Thánh Thần. Sau đó, mọi người cần góp ý và cùng nhau giải quyết trong sự yêu thương. Trong cuộc tranh chấp giữa các bà góa, Hội Thánh giải quyết bằng việc chọn và tấn phong 7 Phó-tế. Trong trường hợp hôm nay, "các anh em biết thế, liền dẫn ông xuống Caesarea và tiễn ông lên đường về Tarsus." Nhờ biết cách giải quyết, nên "hồi ấy, trong khắp miền Judah, Galilee và Samaria, Hội Thánh được bình an, được xây dựng vững chắc và sống trong niềm kính sợ Chúa, và ngày một thêm đông, nhờ Thánh Thần nâng đỡ."
2/ Bài đọc II: Phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm.
2.1/ Sự quan trọng của giới luật yêu thương:
(1) Phải yêu thương bằng việc làm. Ngài viết: "Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm. Căn cứ vào điều đó, chúng ta sẽ biết rằng chúng ta đứng về phía sự thật, và chúng ta sẽ được an lòng trước mặt Thiên Chúa." Chỗ khác Ngài viết: "Ai nói mình yêu thương Thiên Chúa, mà lại ghét anh em mình, là kẻ nói dối, và sự thật không có nơi người ấy." Theo Gioan, yêu thương và sự thật không thể tách rời nhau.
(2) Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta: "Vì nếu lòng chúng ta có cáo tội chúng ta, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta, và Người biết hết mọi sự. Anh em thân mến, nếu lòng chúng ta không cáo tội chúng ta, chúng ta được mạnh dạn đến cùng Thiên Chúa." Đây là 2 câu khó hiểu, và có ít nhất 2 cách hiểu: Thứ nhất, nếu lòng chúng ta cáo tội chúng ta, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta vì Ngài biết mọi sự; có nghĩa tội của chúng ta không thể tránh khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Thứ hai, nếu lòng chúng ta cáo tội chúng ta, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta; có nghĩa Thiên Chúa không chỉ biết tội của chúng ta, nhưng Ngài còn biết tình yêu, ước muốn, yếu đuối, bệnh tật của chúng ta; vì thế, Ngài hiểu biết và sẵn sàng tha thứ cho chúng ta. Thomas à Kempis phân tích sự khác nhau giữa Thiên Chúa và con người: "Con người nhìn kết quả, Thiên Chúa biết ý định." Ví dụ, tuy vua David không được phép xây nhà cho Thiên Chúa, nhưng ông đã xây nhà cho Ngài bằng ước muốn (1 Kgs 8:17-18). Châm ngôn Pháp có câu: "Biết tất cả là tha thứ tất cả." Nếu trong trái tim của chúng ta có yêu thương, chúng ta có thể tự tin khi đến với Ngài. Chỗ khác, Gioan cũng nói: "Yêu thương là đền bù mọi tội lỗi."
2.2/ Phải giữ các giới răn của Người: Gioan viết: "Đây là điều răn của Người: chúng ta phải tin vào danh Đức Giêsu Kitô, Con của Người, và phải yêu thương nhau, theo điều răn Người đã ban cho chúng ta." Nếu chúng ta để ý các Sách của Gioan, tin Đức Kitô và yêu thương là hai chủ đề chính của Ngài. Con người phải tin Đức Kitô mới có sự sống đời đời, và phải yêu thương nhau nếu muốn làm môn đệ của Ngài. Giữ giới răn của Thiên Chúa không gì khác hơn là giữ giới luật yêu thương, hay "Mến Chúa yêu người." Khi chúng ta giữ giới răn Thiên Chúa, hai điều này được bảo đảm cho chúng ta:
- Bất cứ điều gì chúng ta xin, chúng ta được Người ban cho, bởi vì chúng ta tuân giữ các điều răn của Người và làm những gì đẹp ý Người.
- Ai tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy. Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, đó là nhờ Thần Khí, Thần Khí Người đã ban cho chúng ta.
3/ Phúc Âm: Con người phải hiệp nhất với Chúa và với Giáo Hội như cây nho và cành.
3.1/ Chúa Giêsu là cây nho, con người là cành: Khó lòng có thể kiếm được hình ảnh nào nói lên sự cần thiết của hiệp nhất hơn hình ảnh cây nho và cành. Chúa Giêsu mô tả như sau: "Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em."
Thiên Chúa là người trồng nho: Trồng nho là nghề đòi nhiều sự chăm sóc và sức lao động. Người trồng nho phải dọn đất, bón phân, tưới nước, tỉa cành... Cây nho mới không được cho sinh trái trong 3 năm; mục đích là để cho cây tập trung năng lực, để khi cho sinh trái sẽ sinh quả ngon ngọt. Trong lãnh vực thiêng liêng, Thiên Chúa cũng chuẩn bị tất cả: Ngài cho con người cây nho quí giá nhất là chính Người Con Một của Ngài. Bên cạnh đó, Ngài cũng chuẩn bị để con người có cơ hội nghe Lời Chúa, và ban Thánh Thần để con người có thể hiểu và tin vào Đức Kitô...
Thân nho là Giáo Hội: Một sự so sánh với thần học thân thể của Phaolô: con người là chi thể của một thân thể là Giáo Hội, với Đức Kitô là Đầu; cho chúng ta kết luận: con người là cành nho của một thân nho là Giáo Hội, với Đức Kitô là cây nho.
3.2/ Ba loại cành:
(1) Cành nào liền cây sẽ sinh hoa trái: "Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.''
(2) Cành nào liền cây và không sinh hoa trái: người làm vườn sẽ chặt đi để nó đừng lãng phí sức của thân cây, dành cho những cành sinh trái. Những cành liền cây mà không sinh trái có thể so sánh với 3 loại người: thứ nhất, những người từ chối không nghe lời Chúa; thứ hai, những người nghe nhưng không chịu thực hành (thờ Chúa bằng môi miệng); thứ ba, những người không dám sống đức tin; khi bị bách hại, họ không dám làm chứng cho Chúa.
(3) Cành nào lìa cây sẽ khô héo liền: "Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi." Cành nho khô không xử dụng vào việc nấu nướng được, vì nó rất mềm; chỉ có thể làm mồi vì nó cháy rất nhanh. Người nào không có Chúa Giêsu cũng hư biến nhanh như vậy.
3.3/ Hình ảnh hiệp nhất của Bí-tích Thánh Thể: Chúa Giêsu nói: "Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em ... vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được." Làm sao chúng ta có thể ở lại hay kết hợp với Chúa? Có thể bằng việc cầu nguyện, hay bằng việc lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa; nhưng cách kết hợp mật thiết nhất là qua Bí-tích Thánh Thể. Qua Bí-tích này, Chúa thông ban cho chúng ta đời sống thần linh và những ơn thánh cần thiết như nhựa sống của cây, để chúng ta có thể sinh hoa kết trái bằng các việc lành, và có sức để đương đầu với thử thách của cuộc đời. Một gia đình hay cộng đòan năng lãnh nhận BTTT sẽ hiệp nhất với nhau vì được hiệp nhất trong cùng một cây. Người nào không năng lãnh nhận BTTT, họ sẽ từ từ tách biệt ra khỏi gia đình và cộng đoàn.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Để hiệp nhất, chúng ta cần có Chúa Giêsu như một trọng tâm qua Lời Chúa và BTTT. Ngoài ra, chúng ta cần có yêu thương và tha thứ; chứ không chỉ đối xử theo lý lẽ hay công bằng.
- Khi có xung đột trong cộng đòan, chúng ta cần cầu nguyện và cùng nhau giải quyết vấn đề. Tự mình tách biệt ra khỏi cộng đoàn không phải là cách khôn ngoan; vì cành nho chỉ sinh ích khi gắn liền với thân cây.
- Chúng ta cần bênh vực những người yếu đuối sa ngã như Chúa đã trợ giúp chúng ta; giam hãm họ trong quá khứ không phải là cách khôn ngoan để giúp họ trở lại.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Bảy Tuần IV PS
Bài đọc: Acts 13:44-52; Jn 14:7-14.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy dùng cơ hội Thiên Chúa cho để mang ơn cứu độ đến mọi người.
Trong hành trình rao giảng Tin Mừng của Phaolô và Barnabas, các ông đã gặp rất nhiều trở ngại và chống đối từ phía người Do-thái. Lý do: họ không muốn bị mất ảnh hưởng trên đám đông và không muốn tất cả Dân Ngoại được làm con Thiên Chúa. Lẽ ra họ phải dùng đặc quyền Thiên Chúa ban để mang nhiều người về với Ngài; nhưng họ lại để tính ích kỷ và ghen tị ngăn cản người khác, và ngay cả họ, đến với Ngài.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh việc làm sao cho Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa được hoàn thành. Trong Bài Đọc I, Phaolô dùng lời tiên-tri Isaiah để chứng minh Ơn Cứu Độ không chỉ giới hạn cho người Do-thái, mà cho tất cả mọi người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tuyên bố với các môn đệ: Họ sẽ làm các việc lớn hơn Ngài làm là mang Ơn Cứu Độ của Ngài cho đến tận cùng trái đất.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Kế Hoạch Cứu Độ là cho tất cả mọi người: Do-thái cũng như Dân Ngoại.
1.1/ Dân Ngoại cũng được hưởng Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa: Sách Tiên Tri Isaiah, được viết khoảng 750 BC, đã viết về Kế Hoạch Cứu Độ như sau: Thiên Chúa phán: "Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta để tái lập các chi tộc Jacob, để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít. Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất" (Isa 49:6). Người Tôi Trung đây là chính Đức Kitô, Ngài đến để cứu dân tộc Israel trước hết; nhưng không phải chỉ có họ mà thôi, mà còn muôn dân tộc, cho đến khi Ơn Cứu Độ được lan tràn đến tận cùng cõi đất.
Vì thế, chúng ta không lạ gì khi Thiên Chúa thúc đẩy "gần như cả thành Antioch, Pisidia tụ họp nghe lời Thiên Chúa." Bấy giờ ông Phaolô và ông Barnabas mạnh dạn lên tiếng: "Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía Dân Ngoại." Phaolô cũng dùng lời tiên-tri Isaiah trên để áp dụng vào chính ông và vào các nhà rao giảng Tin Mừng, vì chính họ cũng làm cho lời tiên báo này được thành tựu.
Nghe Phaolô cắt nghĩa Kinh Thánh và Kế Hoạch Cứu Độ, Dân Ngoại vui mừng tôn vinh lời Chúa, và tất cả những người đã được Thiên Chúa định cho hưởng sự sống đời đời, đều tin theo. Lời Chúa lan tràn khắp miền ấy.
1.2/ Người Do-thái ghen tức và ngược đãi Phaolô và Barnabas: Thấy những đám đông như vậy nghe Phaolô rao giảng, người Do-thái sinh lòng ghen tức. Họ phản đối những lời ông Phaolô nói và nhục mạ ông. Điều này đã xảy ra cho Chúa Giêsu vì hai lý do:
(1) Họ không muốn đối phương của họ có ảnh hưởng trên đám đông; vì nếu đám đông theo đối phương, họ sẽ không còn ảnh hưởng trên đám đông.
(2) Họ không muốn ai được phép bằng họ, và họ ghen tị khi thấy người khác bằng mình. Truyền thống Do-thái quan niệm chỉ có họ mới là con Thiên Chúa. Nếu Dân Ngoại cũng là con Thiên Chúa, họ đâu còn chi đặc biệt nữa!
Vì thế, người Do-thái sách động nhóm phụ nữ hượng lưu đã theo đạo Do-thái, và những thân hào trong thành, xúi giục họ ngược đãi ông Phaolô và ông Barnabas, và trục xuất hai ông ra khỏi lãnh thổ của họ. Hai ông liền giũ bụi chân phản đối họ và đi tới Iconium.
2/ Phúc Âm: Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.
2.1/ Chúa Cha và Chúa Giêsu là một: Con người chưa bao giờ thấy Thiên Chúa; nhưng khi con người thấy Chúa Giêsu, con người thấy Chúa Cha, vì như thánh Phaolô nói: "Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình." Trong mẩu đối thoại giữa Chúa Giêsu và Philip, Chúa Giêsu xác tín điều này.
- Ông Philíp yêu cầu: "Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện."
- Đức Giêsu trả lời: "Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philíp, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: "Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha?""
Chúa Giêsu muốn chứng minh cho Philip 2 điều:
(1) Chúa Giêsu là Lời của Chúa Cha: "Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình."
(2) Những việc Chúa Giêsu làm là theo ý của Chúa Cha: "Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm." Không ai có thể làm những việc Chúa Giêsu đã làm, nếu Thiên Chúa không ở với người ấy.
2.2/ Các Tông-đồ có thể làm những việc Chúa Giêsu làm và những việc lớn hơn nữa: Chúa Giêsu tuyên bố: "Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha."
- Những việc Chúa Giêsu làm: rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật, khử trừ ma quỉ, cho kẻ chết sống lại, đào tạo môn đệ ... Các Tông đồ làm được tất cả những điều này nhân danh Đức Kitô, chứ không nhân danh sức riêng của mình; vì các ông biết rõ sức con người không thể làm những chuyện đó. Lời bảo trợ của Chúa Giêsu bảo đảm sức mạnh này: "Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó."
- Những việc lớn hơn đây là làm sao cho tất cả mọi người tin vào Đức Kitô để được cứu độ. Để thực hiện điều này, Chúa Giêsu cần sự cộng tác của con người.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải làm mọi cách để làm sao Tin Mừng Cứu Độ được lan truyền khắp nơi theo ý của Đức Kitô mong muốn.
- Chúng ta phải loại bỏ tính ích kỷ và ghen tị trong khi loan báo Tin Mừng, thì Lời Chúa mới có thể lan rộng và sinh hoa kết trái đến tận cùng trái đất được.
- Chúng ta đừng để bất cứ một trở ngại nào ngăn cản chúng ta trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng, vì Đức Kitô đã hứa với chúng ta: "Bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm."
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
SỐNG MẬT THIẾT VỚI CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ
CHÚA NHẬT V PHỤC SINH NĂM B (03/05/2015)
[Cv 9,26-31; 1 Ga 3,18-24; Ga 15,1-8]
I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Mỗi lần đọc lại đoạn Phúc âm về cây nho và cành nho, những kỷ niệm đẹp của một thời trai trẻ như sống lại trong tôi. Đó là thời gian tôi sống ở Farlete (Saragoza, Tây Ban Nha) và Spello (Perugia, Italia) vào những năm 1969-1971, giữa những cánh đồng nho và với những ngày lao động trong những cánh đồng nho ấy.
Lần đầu tiên tôi nhìn thấy cây nho, tôi không hề biết đó là cây nho mà cứ tưởng đó là một thứ cây gì đó bị héo khô mà chủ ruộng chưa kịp đốt đi. Nhưng chỉ cần một trận mưa xuân là những cành cây (nho) khô kia trổ lá xanh um và rồi chỉ vài tháng sau chúng trổ bông thơm ngát và kết trái đỏ mọng nhìn thật mát mắt. Sức sống tiềm tàng trong thân nho thật mãnh liệt. Kinh nghiệm này giúp tôi hiểu dễ dàng và sâu sắc hơn điều mà Chúa Giê-su dậy trong Phúc âm Gio-an: "Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái….” (Ga 15,5).
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Trong bài đọc 1 (Cv 9, 26-31): Ông Ba-na-ba tường thuật chuyện ông Sao-lô được thấy Chúa hiện ra trên đường.
(26) Hồi ấy khi tới Giê-ru-sa-lem, ông Sao-lô tìm cách nhập đoàn với các môn đệ. Nhưng mọi người vẫn còn sợ ông, vì họ không tin ông là một môn đệ. (27) Ông Ba-na-ba liền đứng ra bảo lãnh đưa ông Sao-lô đến gặp các Tông Đồ, và tường thuật cho các ông nghe chuyện ông ấy được thấy Chúa hiện ra trên đường và phán dạy làm sao, cũng như việc ông ấy đã mạnh dạn rao giảng nhân danh Đức Giê-su tại Đa-mát thế nào. (28) Từ đó ông Sao-lô cùng với các Tông Đồ đi lại hoạt động tại Giê-ru-sa-lem. Ông mạnh dạn rao giảng nhân danh Chúa. (29) Ông thường đàm đạo và tranh luận với những người Do Thái theo văn hóa Hy Lạp. Nhưng họ tìm cách giết ông. (30) Các anh em biết thế, liền dẫn ông xuống Xê-da-rê và tiễn ông lên đường về Tác-xô.
(31) Hồi ấy, trong khắp miền Giu-đê, Ga-li-lê và Sa-ma-ri, Hội Thánh được bình an, được xây dựng vững chắc và sống trong niềm kính sợ Chúa, và ngày một thêm đông, nhờ Thánh Thần nâng đỡ.
2.2 Trong bài đọc 2 (1 Ga 3,18-24): Đây là điều răn của Chúa: Chúng ta phải tin và phải yêu thương nhau.
(18) Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm. (19) Căn cứ vào điều đó, chúng ta sẽ biết rằng chúng ta đứng về phía sự thật, và chúng ta sẽ được an lòng trước mặt Thiên Chúa. (20) Vì nếu lòng chúng ta có cáo tội chúng ta, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta, và Người biết hết mọi sự. (21) Anh em thân mến, nếu lòng chúng ta không cáo tội chúng ta, chúng ta được mạnh dạn đến cùng Thiên Chúa. (22) Và bất cứ điều gì chúng ta xin, chúng ta được Người ban cho, bởi vì chúng ta tuân giữ các điều răn của Người và làm những gì đẹp ý Người. (23) Đây là điều răn của Người: chúng ta phải tin vào danh Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người, và phải yêu thương nhau, theo điều răn Người đã ban cho chúng ta. (24) Ai tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy. Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, đó là nhờ Thần Khí, Thần Khí Người đã ban cho chúng ta.
2.3 Trong bài Tin Mừng (Ga 15,1-8): Ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái.
(1) "Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. (2) Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. (3) Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. (4) Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.
(5) Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. (6) Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. (7) Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. (8) Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG & SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân dung của Thiên Chúa
1°) Trong bài đọc 1 (Cv 9,26-31) chúng ta được nghe kể khi ông Phao-lô đến Giê-ru-sa-lem để tìm cách nhập đoàn với các môn đệ Chúa Giê-su thì ông gặp phải nỗi e ngại nơi các môn đệ, vì họ còn sợ ông và chưa tin ông là một môn đệ. Rõ ràng là các môn đệ Chúa Giê-su và ông Phao-lô đều rao giảng một Chúa, đều làm chứng về một Đấng, đều xây dựng một Hội Thánh. Nhưng hai bên chưa hiểu và chưa tin nhau. Bar-na-ba đã làm một việc cần thiết và tuyệt vời để chẳng những không còn nghi ngờ, e ngại mà lại có sự hiệp thông sâu sắc giữa các Tông Đồ và ông Phao-lô.
Qua sự kiện trên chúng ta thấy Thiên Chúa là Đấng hiệp nhất mọi con người trong một mục tiêu chung. Chúng ta cũng khám phá ra Thiên Chúa là Đấng dùng mỗi người một cách khác nhau, để tạo sự hiệp thông trong cộng đoàn và để loan báo Tin Mừng cho các dân, các nước.
2°) Trong bài đọc 2 (1 Ga 3,18-24) chúng ta được nghe Thánh Gio-an Tông đồ khuyên nhủ con cái mình hãy yêu thương cách chân thật và bằng việc làm chứ đừng yêu thương đầu môi chót lưỡi. Sống chân thật thì chúng ta không bị lương tâm chê trách tức cáo tội chúng ta. Mà lương tâm không chê trách thì Thiên Chúa cũng không chê trách. Khi đó chúng ta có quyền mạnh dạn xin Chúa bất cứ điều gì và chúng ta sẽ được Người ban cho.
Qua cách diễn tả tư tưởng và nội dung lời khuyên của Thánh Gio-an, chúng ta tiếp cận một Đấng Thiên Chúa chỉ mong muốn con người yêu thương nhau cách chân thực và cụ thể, để được hạnh phúc trường sinh.
3°) Trong bài Tin Mừng (Ga 15,1-8) chúng ta được nghe những lời hết sức ngọt ngào của chính Chúa Giê-su Ki-tô về mối tương quan mật thiết giữa Người và chúng ta, giữa Thiên Chúa là Cha của Người và chúng ta: một sự kết hiệp chặt chẽ, một sự sống siêu linh, một mối hiệp thông sâu sắc và một kết quả dồi dào.
Chúa Giê-su cũng mạc khải cho chúng ta biết điều thật sự tôn vinh Thiên Chúa Cha là “Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.”
3.2 Sứ điệp Lời Chúa
Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay có hai phần:
1°) Phần thứ nhất là Chúa Giê-su muốn thiết lập với mỗi Ki-tô hữu một mối tương quan cá vị, mật thiết, gắn bó, có tính sinh tử. Vì thế mỗi người chúng ta phải biết vun vén, xây đắp cho mối tương quan ấy mỗi ngày thêm sâu đậm hơn.
Có nhiều cách vun vén, xây đắp mối tương quan ấy:
(a) Trước hết là siêng năng “đọc, suy niệm Lời Chúa và cầu nguyện”,
(b) Kế đến là tham dự các cử hành phụng vụ và bí tích một cách ý thức,
(c) Sau cùng là thực thi công bằng, bác ái Ki-tô giáo và thực hiện những điều Thánh Thần khơi dậy trong lòng khi chúng ta đọc/nghe lời Kinh Thánh hay tiếp xúc với tha nhân, nhất là với người nghèo và bị thiệt thòi trong xã hội.
2°) Phần thứ hai là mỗi Ki-tô hữu được Chúa Giê-su mời sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Người:
(a) Sinh nhiều hoa trái là có đời sống đạo đức, thánh thiện, khiêm nhu, trong sạch, công bình, bác ái và phục vụ.
(b) Trở thành môn đệ Chúa Giê-su là tuân giữ các giới răn của Người, là sống mật thiết với Người và để Người sai đi (x. Mc 3,14) tức nên giống Chúa Giê-su và tham dự vào sứ mạng cứu thế của Người.
IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA LỜI CHÚA HÔM NAY
4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng quyền năng và yêu thương nên muốn thiết lập với loài người và với mỗi người tín hữu mối quan hệ mật thiết gắn bó thân tình như cây nho và cành nho.
4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa
Để việc thi hành sứ điệp Lời Chúa được dễ dàng và cụ thể, xin mỗi người/cộng đoàn hãy dùng mấy câu hỏi gợi ý sau đây để kiểm điểm đời sống:
(a) Tôi và cộng đoàn tôi vun vén, xây đắp mối tương quan mật thiết, gắn bó, có tính sinh tử với Chúa Giê-su Ki-tô, với Thiên Chúa như thế nào? và bằng cách nào?
(b) Tôi và cộng đoàn tôi có sinh nhiều hoa trái là đời sống đạo đức, thánh thiện, khiêm nhu, trong sạch, công bình, bác ái và phục vụ tha nhân không? Cách kiểm chứng: Nhìn vào tôi và cộng đoàn tôi, anh chị em lương dân và những người vô thần sống xung quanh, có nhận ra tôi là môn đệ, cộng đoàn tôi là cộng đoàn môn đệ của Chúa Giê-su Ki-tô không?
V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI & HỘI THÁNH
[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý: ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]
5.1 “Đây là điều răn của Người: chúng ta phải tin vào danh Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người…” (1 Ga 3,23). Chúng ta hãy cầu nguyện cho các dân các nước chưa tin vào Danh Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa, để họ nhận ra và tin vào Người là Nguồn Ơn Cứu Độ.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.2 “Hồi ấy, trong khắp miền Giu-đê, Ga-li-lê và Sa-ma-ri, Hội Thánh được bình an, được xây dựng vững chắc và sống trong niềm kính sợ Chúa, và ngày một thêm đông, nhờ Thánh Thần nâng đỡ” (Cv 9,31). Chúng ta hãy cầu xin cho Hội Thánh Chúa ở khắp mọi nơi, nhất là tại Việt Nam, được bình an và phát triển vững chắc, nhờ Thánh Thần nâng đỡ.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.3 “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,5). Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người thuộc giáo xứ chúng ta, nhất là cho những người tham dự Thánh Lễ này, để ai nấy sống kết hiệp mật thiết với Thầy Giê-su hầu sinh nhiều hoa trái.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.4 “Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi” (Ga 15,6). Chúng ta hãy cầu nguyện cho các tín hữu sống khô khan, nguội lạnh, thờ ơ với đời sống tâm linh, để họ sớm tỉnh thức và hoán cải.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Sáu Tuần IV PS
Bài đọc: Acts 13:26-33; Jn 14:1-6.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Mọi điều Thiên Chúa hứa được hoàn thành bởi Đức Kitô.
Con người ham sống và sợ chết. Nếu phải đổi tất cả những gì con người có để khỏi phải chết và được sống muôn đời, họ sẽ sẵn sàng đổi; nhưng cái chết là một thực tại mà mọi người phải đương đầu với. Con người tự hỏi: Tại sao khát vọng sống ở trong con người mà cái chết luôn đeo đuổi họ? May mắn cho con người, Chúa Giêsu đến để cung cấp câu trả lời cho con người bằng cách cho mặc khải cho con người ý định của Thiên Chúa: Ngài dựng nên con người cho cuộc sống bất tử và có sẵn Kế Hoạch Cứu Độ để thực hiện điều này.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong Chúa Giêsu; Ngài đến để hoàn thành Kế Hoạch của Thiên Chúa, và mang lại cuộc sống trường sinh cho con người. Trong Sách CVTĐ, Phaolô đưa khán giả ngược giòng lịch sử để nhìn thấy những gì Thiên Chúa hứa với dân Do-thái được hoàn thành nơi Đức Kitô, qua Cuộc Thương Khó – cái chết – và sự Phục Sinh vinh hiển của Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mặc khải cho các Tông-đồ biết về những gì sắp xảy ra cho các ông: Ngài về trời để dọn chỗ và sẽ trở lại đón các ông về ở với Ngài. Toàn bộ Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa có thể được tóm gọn trong câu tuyên bố của Chúa Giêsu: "Ta là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy."
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Điều Thiên Chúa đã hứa với cha ông chúng ta được thực hiện nơi Đức Kitô.
1.1/ Mọi chuyện xảy ra trong Cuộc Thương Khó của Đức Kitô đã được loan báo trong Kinh Thánh.
Phaolô tiếp tục nói với khán giả trong hội đường tại Antioch, Pisidia: "Thưa anh em, là con cái thuộc dòng giống Abraham, và thưa anh em đang hiện diện nơi đây, là những người kính sợ Thiên Chúa, lời cứu độ này được gửi tới chúng ta." Rồi ông nói về sự luận tội, cái chết, và sự mai táng của Đức Kitô:
(1) Sự luận tội: "Dân cư thành Jerusalem và các thủ lãnh của họ đã không nhận biết Đức Giêsu; khi kết án Người, họ đã làm cho ứng nghiệm những lời ngôn sứ đọc mỗi ngày Sabbath."
Bốn Bài ca về Người Tôi Trung của Thiên Chúa phải chịu đau khổ để hoàn thành sứ vụ Thiên Chúa trao trong Sách Ngôn Sứ Isaiah, và nhiều Sách ngôn sứ khác dẫn chứng điều này.
(2) Cái chết của Ngài: "Tuy không thấy Người có tội gì đáng chết, họ vẫn đòi Philatô xử tử." Chính Philatô đã mang Chúa Giêsu ra cho dân thấy và nói: "Ta không tìm thấy nơi người này có tội gì để kết án;" nhưng họ càng la to hơn: "Đóng đinh nó đi! Đóng đinh nó vào Thập Giá!"
(3) Sự mai táng: "Sau khi thực hiện tất cả mọi điều Kinh Thánh chép về Người, họ đã hạ Người từ trên cây gỗ xuống và mai táng trong mồ."
1.2/ Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết: Mặc dù con người đã từ chối và đóng đinh Chúa Giêsu trên Thập Giá, họ không vô hiệu hóa Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, vì Ngài đã cho Đức Kitô sống lại từ cõi chết. Vì thế, Kế Hoạch Cứu Độ được hoàn thành, và từ nay, không những Israel và mọi người đều có thể nhận được ơn cứu độ. Phaolô trưng dẫn những chứng nhân của Tin Mừng Phục Sinh:
(1) Đức Kitô đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ: "Trong nhiều ngày, Đức Giêsu đã hiện ra với những kẻ từng theo Người từ Galilee lên Jerusalem. Giờ đây chính họ làm chứng cho Người trước mặt dân."
(2) Phaolô và Barnabas làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh: "Còn chúng tôi, chúng tôi xin loan báo cho anh em Tin Mừng này: Điều Thiên Chúa hứa với cha ông chúng ta, thì Người đã thực hiện cho chúng ta là con cháu các ngài, khi làm cho Đức Giêsu sống lại, đúng như lời đã chép trong Thánh vịnh 2: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con."
2/ Phúc Âm: Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Chúa Giêsu.
2.1/ Tình yêu Chúa Giêsu dành cho các môn đệ: Đây là những lời tâm huyết của Chúa Giêsu cho các môn đệ trước Cuộc Thương Khó, như những lời trối trăn của người chết trên giường bệnh trước lúc hấp hối: "Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi."
2.2/ Đường dẫn đến Chúa Cha:
(1) Câu hỏi của ông Thomas: "Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?" Câu hỏi của Thomas hợp lý, một người phải biết đích mình muốn đi, trước khi tìm ra đường để đi tới. Khi hỏi những lời này, Thomas vẫn chưa tin Chúa Giêsu đến từ trời, nên khi Chúa Giêsu nói Ngài sẽ trở về cùng Cha, ông không nghĩ là Chúa Giêsu sẽ lên trời. Cho đến khi chính mắt ông nhìn thấy Chúa khi Ngài hiện ra (Jn 20:26-28), lúc đó ông mới xác tín niềm tin của ông vào Chúa Giêsu, khi kêu lên: "Lạy Thầy của con! Lạy Thiên Chúa của con" (Jn 20:28).
(2) Câu trả lời của Chúa Giêsu: "Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy." Làm sao một con người có thể tuyên bố những lời này? Các Tông-đồ có lẽ không hiểu ý nghĩa của câu tuyên bố này khi Chúa Giêsu nói; nhưng chỉ dưới ánh sáng Phục-sinh, các ông mới có thể nhận ra ý nghĩa của nó.
Trước tiên, Chúa Giêsu mặc khải cho con người một "Sự Thật" quan trọng. Ngài cho con người biết ý định của Thiên Chúa: Thiên Chúa muốn cho con người không phải chết, nhưng được "Sống" muôn đời. Đây là đích điểm của đời người, và cũng là đích điểm của Kế Hoạch Cứu Độ. Điều này không lạ, vì Thiên Chúa dựng nên con người, và Ngài phú bẩm trong linh hồn con người khát vọng được sống đời đời. Làm sao con người đạt được đích điểm này? Con người không thể tự mình đạt tới vì con người tội lỗi và không có sức mạnh; nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị một Kế Hoạch Cứu Độ.
Đây là "Đường" hay "Cách" mà Thiên Chúa cứu độ con người: Ngài cho Người Con Một xuống thế gian để gánh tội cho con người. Người Con này hoàn thành Kế Hoạch bằng cách chịu đau khổ, chịu chết, và sống lại để mang lại sự sống đời đời cho con người.
Để con người có thể đạt đích của cuộc đời, họ phải tin vào Đức Kitô và Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa; đồng thời, họ cũng phải ngang qua con đường mà Chúa Giêsu đã đi để chuộc tội cho con người, như thánh Phaolô nói: "Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta sẽ cùng sống lại như Người." Quả thực, chỉ một mình Đức Kitô có đầy đủ thẩm quyền để nói: "Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
Cuộc đời chúng ta chỉ có ý nghĩa qua niềm tin vào Đức Kitô. Ngài đến để mặc khải cho chúng ta ý định của Thiên Chúa, và Ngài sẵn sàng chịu đau khổ và chịu chết để chúng ta được sống muôn đời. Tất cả mọi biến cố trong Kinh Thánh và trong cuộc đời chúng ta chỉ tìm thấy ý nghĩa đích thực qua ánh sáng Phục Sinh của Đức Kitô.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- 30/4 Thiên Chúa hoàn tất mọi ý định và lời hứa của Ngài
- 29/4 Sẵn sàng vâng lời Thiên Chúa
- 28/4 Ai thuộc về đoàn chiên của Thiên Chúa nghe tiếng Chúa Giêsu
- 27/4 Con người phải vâng theo Kế Hoạch của Thiên Chúa
- 26/4 Tôi chính là mục tử nhân lành
- 26/4 Những nguồn sức mạnh vô biên tiềm ẩn nơi các tín hữu
- 25/4 Trung thành với sứ vụ rao giảng Tin Mừng
- 24/4 Thiên Chúa có thể làm chuyện không thể đối với con người
- 23/4 Lời Chúa và Bí-tích là hai nguồn sức mạnh chính của con người
- 22/4 Kế hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa