Thứ Sáu sau Lễ Hiển Linh
Bài đọc: I Jn 5:5-13; Lk 5:12-16.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Làm chứng nhân cho Đức Kitô.
Để có thể tin một điều là sự thật, con người cần: chính mắt nhìn thấy, hay cảm thấy hậu quả của nó, hay dựa vào lời của các nhân chứng. Nhiều người nghĩ rằng chỉ khi nào họ thấy tận mắt, họ mới tin; như Tông-đồ Thomas khi được các Tông-đồ thuật lại việc Chúa hiện ra. Chúa Giêsu nói với Thomas: thấy và tin là chuyện thường, nhưng phúc cho những ai không thấy mà tin. Đàng khác, có những cái dù không thấy, nhưng phải tin vì hậu quả của nó: gió, điện, sự sống. Đa số những trường hợp chúng ta tin là qua các nhân chứng; nhất là sau khi được phối kiểm bởi 2 hoặc 3 nhân chứng có thế giá.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung vào việc con người phải tin Đức Kitô đến từ Thiên Chúa qua các bằng chứng. Trong Bài Đọc I, Thánh Gioan đưa ra 3 nhân chứng cho Đức Kitô: Thánh Thần, nước, và máu. Nếu ai, sau khi đã được làm chứng, mà vẫn không chịu tin Đức Kitô, người ấy biến Thiên Chúa thành kẻ nói dối. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu, sau khi chữa người phong cùi, sai anh đi trình diện các tư tế và dâng của lễ đền tội, để làm chứng mình đã hòan tòan sạch. Điều này cũng là bằng chứng Đức Kitô đã chữa lành cho anh, vì Ngài có sức mạnh của Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thánh Thần, nước, và máu; cả ba cùng làm chứng một điều.
1.1/ Ba chứng nhân của Đức Kitô: “Chính Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến, nhờ nước và máu; không phải chỉ trong nước mà thôi, nhưng trong nước và trong máu. Chính Thánh Thần là chứng nhân, và Thánh Thần là sự thật. Có ba chứng nhân: Thánh Thần, nước và máu. Cả ba cùng làm chứng một điều.” Để hiểu đọan văn này, chúng ta cần đọc lại Phúc Âm Gioan, và hòan cảnh lịch sử thời đại của Ngài. Đọan văn trong Phúc Âm nói về “nước và máu” như sau: “Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, “máu cùng nước” chảy ra. Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin” (Jn 19:34-35). Nước và Máu là 2 biến cố quan trọng trong cuộc đời của Chúa Giêsu: Nước khi Ngài chịu Phép Rửa bởi Gioan trong giòng sông Jordan. Máu khi Ngài chịu chết trên Đồi Golgotha.
Sở dĩ Gioan nhấn mạnh đến “nước và máu” là vì có bè rối “Thuần Tri Thức.” Cerinthus, người đại diện cho bè rối này, tin Chúa Kitô đến bằng “nước,” khi Ngài chịu Phép Rửa. Thánh Thần hiện xuống và ở lại trong Đức Kitô, và làm cho Ngài trở thành Con Thiên Chúa. Họ không chấp nhận “máu,” vì họ không tin Thiên Chúa phải chịu đau khổ. Họ giải thích: trên Đồi Golgotha, Thánh Thần xuất khỏi Đức Kitô và về trời. Có người còn cho người chịu đóng đinh là ông Simon, chứ không phải là Đức Kitô. Thánh Gioan muốn chống lại bè rối này bằng cách nhấn mạnh đến cả 3 nhân chứng đều cần thiết để tin vào Đức Kitô là Đấng Thiên Chúa sai đến để chuộc tội cho nhân lọai.
(1) Thánh Thần: hiện xuống và xức dầu cho Đức Kitô khi Ngài chịu Phép Rửa (Mk 1:9-11, Mt 3:16-17, Lk 3:21, Jn 1:32-34, Acts 10:38). Phép Rửa này hòan tòan khác với Phép Rửa của Gioan (Mk 1:8, Mt 3:11, Lk 3:16, Acts 1:5, 2:33). Thánh Thần hiện xuống với các Tông-đồ trong Ngày Lễ Ngũ Tuần (Acts 2:4), và trong đời sống của Giáo-Hội (Acts 8:17, 10:14).
(2) Nước: Tại biến cố Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, Gioan Tẩy Giả làm chứng cho Đức Kitô: "Tôi đã thấy Thánh Thần tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: "Ngươi thấy Thánh Thần xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần." Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn" (Jn 1:32-34).
(3) Máu: Theo truyền thống Do-Thái, máu súc vật phải đổ ra để làm lễ hy sinh đền tội cho con người. Đức Kitô là Chiên Thiên Chúa đến xóa tội trần gian bằng lễ tế hy sinh của Ngài trên Thập Giá. Ngài thiết lập Bí-tích Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly, và Giáo Hội chúng ta hằng ngày cử hành Thánh Lễ để liên tục tái diễn Hy Lễ của Đức Kitô trên Thập Giá để xóa tội cho con người.
1.2/ Chúng ta phải tin lời của các chứng nhân: Đức Kitô đến từ Thiên Chúa.
(1) Lời chứng của Thiên Chúa cao trọng hơn lời chứng của người phàm: Luật dạy khi có 2 hoặc 3 nhân chứng, lời chứng đó là sự thật. Đức Kitô có rất nhiều nhân chứng: Gioan Tẩy Giả, các phép lạ Ngài làm, Kinh Thánh, các Tông-đồ …, nhưng lời chứng của Chúa Cha qua tiếng vọng từ trời “Đây là Con Ta yêu dấu,” và lời chứng của Thánh Thần qua hình ảnh chim bồ câu đậu lại trên Đức Kitô, là những lời chứng có thế giá hơn cả. Con người phải nhận những lời chứng này và tin vào Đức Kitô; vì “Ai không tin Đức Kitô, thì coi Thiên Chúa là kẻ nói dối, vì kẻ ấy không tin vào lời Thiên Chúa đã làm chứng về Con của Người.”
(2) Tin vào Đức Kitô mới có sự sống đời đời: “Lời chứng đó là thế này: Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống đời đời, và sự sống ấy ở trong Con của Người. Ai có Chúa Con thì có sự sống; ai không có Con Thiên Chúa thì không có sự sống.”
2/ Phúc Âm: Làm chứng cho người ta biết mình đã được sạch.
2.1/ Chúa Giêsu chữa người phong cùi được sạch:
(1) Thái độ của người phong cùi: Trước hết, thái độ khiêm nhường của anh được biểu tỏ bằng cách anh sấp mặt trước mặt Ngài. Thứ đến, sự tin tưởng của anh nơi Chúa Giêsu được bày tỏ trong câu xin “Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Sau cùng, lời cầu xin của anh rất đẹp lòng Thiên Chúa: "Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch." Nếu Thiên Chúa muốn, chứ không phải chỉ riêng con người muốn mà thôi; vì có rất nhiều điều con người muốn, nhưng không đẹp lòng Thiên Chúa.
(2) Thái độ yêu thương trìu mến của Đức Kitô: Chúng ta biết luật lệ của Do-Thái rất nghiêm nhặt với người cùi: họ phải ở trong trại xa cách với mọi người, và phải tránh tiếp xúc với mọi người bằng cách la to câu “Không sạch! Không sạch!” mỗi khi có người đi ngang qua, để họ khỏi trở nên không sạch. Nhưng Đức Giêsu giơ tay đụng vào anh ta và bảo: "Tôi muốn, anh sạch đi." Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh.
2.2/ Hai điều Chúa truyền cho người được chữa lành:
(1) Đừng nói với ai: Chúa làm phép lạ vì lòng thương dân, và để họ tin vào Ngài để được sự sống đời đời, chứ không phải để nổi tiếng. Đó là lý do tại sao Ngài ngăn cản anh “Đừng nói với ai!” Nhưng tiếng đồn về Người ngày càng lan rộng; đám đông lũ lượt tuôn đến để nghe Người và để được chữa bệnh. Phần Chúa Giêsu, Người lui vào nơi hoang vắng mà cầu nguyện.
(2) Để làm chứng cho người ta biết, hãy đi trình diện với các tư tế và hãy dâng của lễ như Luật dạy. Để chứng tỏ mình đã khỏi bệnh, người phong cùi phải đi trình diện các tư tế để chịu khám xét. Nếu quả thực đã lành, các tư tế sẽ chứng nhận cho về sống với mọi người. Ngòai ra, người đó còn phải dâng của lễ như được mô tả chi tiết trong (Lev 14).
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta tin Đức Kitô đến từ Thiên Chúa, không phải chúng ta đã thấy Ngài, nhưng dựa vào lời của nhiều nhân chứng.
- Hai nhân chứng có thế giá nhất là Kinh Thánh chúng ta đọc từ bên ngòai và Chúa Thánh Thần soi sáng cho chúng ta từ bên trong. Ngòai ra, còn có nhiều các chứng nhân khác nữa như: lời chứng của các Tông-đồ, gương chứng nhân của các thánh Tử-đạo, đời sống tốt lành của các thánh và của những người sống chung quanh chúng ta.
- Sau khi đã tin Đức Kitô, chúng ta cũng phải làm chứng cho Ngài bằng việc rao giảng và cuộc sống chứng nhân, để người khác cũng nhận ra và tin vào Đức Kitô.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Nguồn: Tổng Giáo Phận Huế