Dân Chúa Âu Châu

Thứ Tư Tuần 1 TN, Năm B

Bài đọc: Heb 2:14-18; Mk 1:29-39.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúa Giêsu là Thựơng-tế nhân-từ và trung-tín.

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Có đau mắt mới biết thương người mù.” Có là cha mẹ mới biết nỗi khổ của việc cưu mang và dưỡng nuôi con cái. Có trải qua đau khổ và cám dỗ, một người mới có thể giúp ai trong hòan cảnh đó. Các Bài đọc hôm nay xoay quanh vấn nạn tại sao Chúa Giêsu phải nhập thể và trở nên hòan tòan giống như con người về mọi phương diện, trừ tội lỗi.

Trong Bài Đọc I: Tác giả Thư Do-Thái cắt nghĩa lý do tại sao Chúa Giêsu phải nhập thể, và trở nên giống con người về mọi phương diện trừ tội lỗi. Mục đích của việc nhập thể là để có thân xác để chịu chết để tiêu diệt tội lỗi và sự chết cho con người. Mục đích của việc trở nên giống con người về mọi phương diện là để đồng cảm và cứu giúp con người cách hiệu quả. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đồng cảm với số phận con người: Ngài chữa lành cho mẹ vợ Phêrô và tất cả mọi người trong Thành Capernaum kéo đến kêu xin. Ngài cũng dạy cho các tông-đồ biết thăng bằng giữa các họat động tông-đồ với đời sống cầu nguyện.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện.

Khi Kitô Giáo lan tràn vào thế giới La-Hy, hai vấn nạn khó khăn Giáo Hội phải đương đầu với là phải giải thích cho người Hy-Lạp biết:

(1) Tại sao Thiên Chúa phải nhập thể: Đối với người Hy-Lạp, Thiên Chúa hòan tòan là Thần Khí, nơi Ngài không có một chút vật chất nào cả. Để được giải thóat và kết hợp với Thiên Chúa, con người phải cố gắng làm sao để thóat khỏi ngục tù thân xác đang giam hãm linh hồn con người, để chỉ còn thần khí mà thôi. Kitô Giáo đi ngược lại, Con Thiên Chúa phải nhập thể để cứu chuộc con người!

(2) Tại sao Thiên Chúa phải chịu đau khổ: Người Hy-Lạp và người Do-Thái không tin Thiên Chúa phải chịu đau khổ; chỉ có con người mới phải chịu đau khổ mà thôi. Một Thiên Chúa phải chịu đau khổ không còn là Thiên Chúa nữa. Họ lý luận: Nếu Thiên Chúa không có uy quyền để vượt thóat đau khổ, làm sao Ngài có thể giúp người khác vượt qua đau khổ được? Kitô Giáo cũng đi ngược lại, không thể có Ơn Cứu Độ nếu con Thiên Chúa không chịu chết trên Thập Giá!

Tác giả Thư Do-Thái cố gắng trả lời hai vấn nạn này như sau:

1.1/ Chúa Giêsu phải nhập thể để mang lấy thân phận con người: Để có thể tiêu diệt tội lỗi và sự chết, Chúa Giêsu phải mang lấy thân xác con người để có thể chịu chết và đền tội cho con người. Nếu không có thân xác, làm sao chết? “Vì con cái thì đều chung một huyết nhục, nên Đức Giêsu đã cùng mang lấy huyết nhục đó. Như vậy, nhờ cái chết của Người, Người đã tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ, và đã giải thoát những ai vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ. Vì những kẻ được Người giúp đỡ không phải là các thiên thần, mà là con cháu Abraham.” Dĩ nhiên, Chúa Giêsu không chết muôn đời; Ngài đã sống lại vinh quang, và trở nên hoa quả đầu tiên của những người từ trong cõi chết sống lại. Ngài là “người tiên phong” đi mở đường, để tất cả các anh em của Ngài cũng được đi con đường đó.

1.2/ Chúa Giêsu phải trở nên con người về mọi phương diện: Tác giả Thư Do-Thái nhận ra sự cần thiết của việc Chúa Giêsu phải trở nên con người về mọi phương diện, ngọai trừ tội lỗi: “Bởi thế, Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân.” Mục đích của việc “hòan toàn trở nên con người” là để:

(1) Ngài có thể thực sự được coi là một con người: Đã là con người, ai cũng phải chịu đựng đau khổ và ngang qua cái chết.

(2) Ngài có thể thông cảm và đồng cảm với thân phận con người: Nếu một người không ngang qua những kinh nghiệm đau khổ và sự chết, người đó sẽ không thể hòan tòan hiểu và thông cảm những ai bị ở trong hòan cảnh đó.

(3) Ngòai ra, Ngài có thể giúp đỡ một cách hiệu quả cho những ai ở trong hòan cảnh đó: “Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách.”

Nói tóm, Thiên Chúa có uy quyền trên cả sự sống và sự chết. Ngài có thể cho Con của Ngài nhập thể, chịu đau khổ, ngang qua sự chết, và phục sinh vinh hiển. Chẳng gì là không thể đối với Thiên Chúa; và đừng áp dụng các thức suy nghĩ của con người cho Thiên Chúa.

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu đồng cảm với con người. Ngài chữa lành mọi bệnh họan, tật nguyền.

2.1/ Chúa Giêsu chữa bệnh cho bà nhạc của Phêrô: “Vừa ra khỏi hội đường Capernaum, Đức Giêsu đi đến nhà hai ông Simon và Anrê. Có ông Giacôbê và ông Gioan cùng đi theo. Lúc đó, bà mẹ vợ ông Simon đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.”

Trong hành trình của Chúa trên dương gian, Ngài luôn đồng cảm với con người, nhất là những bệnh nhân và những người lâm cảnh khốn khó. Ngài luôn chữa lành khi họ kêu xin; và nhiều khi họ chưa kêu xin nữa.

2.2/ Chúa Giêsu chữa bệnh cho rất nhiều người trong thành: “Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.” Sở dĩ họ phải chờ chiều đến, là Luật Do-Thái không cho chữa bệnh trong ngày Sabbath.

2.3/ Chúa Giêsu cầu nguyện với Thiên Chúa: “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.”

(1) Sự cần thiết của đời sống cầu nguyện: Khi Ngài còn đang cầu nguyện, ông Simon và các bạn kéo nhau đi tìm. Khi gặp Người, các ông thưa: "Mọi người đang tìm Thầy đấy!" Cả một ngày vất vả dạy dỗ và chữa bệnh, Chúa Giêsu vẫn tìm được thời gian để cầu nguyện với Thiên Chúa. Ngài muốn dạy các môn đệ: cần phải thăng bằng giữa đời sống kết hợp với Thiên Chúa để

nuôi dưỡng các họat động tông-đồ.

(2) Nước Chúa cần được mở rộng khắp nơi: Người bảo các ông: "Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó." Rồi Người đi khắp miền Galilee, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Người tông-đồ của Chúa Giêsu phải biết cảm thương với số phận của con người: yếu đuối, bệnh tật, đau khổ, và tội lỗi, trước khi có thể giúp đỡ đem họ về cho Chúa.

- Chúng ta cần phải giữ thăng bằng cho đời sống: có thời giờ cho các họat động tông đồ và có thời giờ để cầu nguyện kết hợp với Thiên Chúa.

- Chúng ta cần trưởng thành trong đời sống để tự giúp mình, và để lãnh trách nhiệm trong việc mở mang Nước Chúa, chứ không hòan tòan sống ỷ lại vào người khác.


Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


Nguồn: Tổng Giáo Phận Huế