Dân Chúa Âu Châu

Chiến tranh ở Syria hầu như đã kết thúc và không một người nào không bị ảnh hưởng. Sơ Annie Demerjian, người chịu trách nhiệm tại Anh về sứ mạng của Dòng Chúa Giêsu và Mẹ Maria cho Libăng và Syria cho biết: “nền kinh tế bây giờ tồi tệ đến mức mọi người nhìn lại cuộc chiến và nói: ‘ít nhất khi đó chúng tôi còn có một số thức ăn để ăn và nuôi con cái chúng tôi.’”

Sơ cho biết đối với những người Syria đi làm thuê, tiền lương hàng tháng của một gia đình chỉ đủ cho một tuần. “Nhiều, rất nhiều người thực sự đói. Họ thậm chí không có một bữa ăn mỗi ngày”, sơ nói với các nhà báo hôm 25/5.

Sơ Demerjian và sơ Helen Mary Haigh đã phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến được tài trợ bởi Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ rằng: “Các Kitô hữu vẫn giữ hy vọng của đức tin.” Sơ Demerjian nhớ lại những lần trong cuộc nội chiến, sơ và các chị em trong Dòng thức dậy buổi sáng ở Aleppo mà không có điện; họ cầm một cuốn sách nguyện trong một tay và một ngọn nến trong tay kia. Sơ nói, bất chấp những đợt pháo kích và những đợt cắt điện kéo dài, có khi 35 ngày liên tục không có nước, “chúng tôi cảm nghiệm rất sâu sắc sự quan phòng của Chúa” và “mỗi ngày, mỗi ngày, chúng tôi cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa.”

Sơ Demerjian cho biết tình hình “ngày càng trở nên tồi tệ hơn” do cuộc khủng hoảng kinh tế của đất nước. Sơ trích dẫn lời ĐHY Mario Zenari, Sứ thần Tòa thánh tại Syria, nói rằng 85 phần trăm dân số hiện đang ở mức nghèo khổ.

Tuy nhiên, sơ cho biết: “Nhiều người trẻ quyết tâm ở lại Syria, dù họ có thể rời đi. Họ muốn ở lại để trở thành một tia sáng nhỏ trong bóng tối”.

Về Libăng, sơ Haigh cho biết chưa bao giờ sơ có thể tưởng tượng rằng Libăng sẽ có nhu cầu viện trợ nghiêm trọng như vậy. Trước đây, Libăng là một quốc gia có thu nhập tầm trung, bây giờ thì lại chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế, được Ngân hàng Thế giới mô tả là một trong những quốc gia tồi tệ nhất thế giới kể từ những năm 1850. Đồng tiền của Libăng rớt giá 90%. Những gì trước đây tương đương 1.000 đô la bây giờ chỉ có giá trị 40 đô la.

Sơ Haigh cho biết: “Chúng ta nên nhớ rằng Libăng là nơi trú ẩn an toàn cho các Kitô hữu, hiện đang chiếm một tỷ lệ đáng kể của đất nước.” ĐGH Gioan Phaolô II, năm 1989, đã nói rằng: “Libăng còn hơn là một quốc gia. Nó là một thông điệp về tự do và là một ví dụ về sự đa nguyên cho Đông và Tây.”

Văn Yên, SJ - Vatican News