Sống Lời Chúa Hôm Nay
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Chúa Nhật 16 Thường Niên, Năm B
Bài đọc: Jer 23:1-6; Eph 2:13-18; Mk 6:30-34.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hy vọng trong thất vọng
Trong cuộc đời, có những lúc con người cảm thấy lo âu, sợ hãi, chán nản đến tuyệt vọng, vì phải đương đầu với quá nhiều vấn đề: căng thẳng, chia rẽ, hận thù, bất an ... Thiên Chúa muốn con người phải tuyệt đối tin tưởng và hy vọng nơi Ngài, và Đức Kitô là nguồn hy vọng của mọi người, là giải pháp của mọi vấn nạn của cuộc đời.
Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa: chỗ nào có lo âu, thất vọng, chỗ đó có hy vọng và giải quyết tuyệt vời của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, tiên tri Jeremiah tường thuật nguy hiểm của các chủ chăn vô trách nhiệm làm chiên lạc bầy và niềm hy vọng có được Người Mục Tử Nhân Lành sẽ đến chăm sóc và quy tụ chiên về. Trong Bài Đọc II, tác giả Thư Ephesô tường thuật sự thù địch giữa con người với Thiên Chúa, giữa Do-thái và Dân Ngoại; và niềm hy vọng Thánh Giá sẽ hòa giải những mối xa cách thù địch này. Trong Phúc Âm, các tông đồ làm việc quá tải mà vẫn không đáp ứng nổi nhu cầu săn sóc đoàn chiên. Chúa Giêsu bảo các ông hãy lui vào trong nghỉ ngơi để chính Ngài dạy dỗ và săn sóc dân chúng.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chính Ta sẽ quy tụ đoàn chiên Ta còn sót lại từ khắp mọi miền.
1.1/ Nguy hiểm của các mục tử không làm tròn bổn phận: Xưa cũng như nay, chúng ta luôn có những mục tử không làm tròn bổn phận của mình như tiên tri Jeremiah cảnh cáo: "Khốn thay những mục tử làm cho đoàn chiên Ta chăn dắt phải thất lạc và tan tác - sấm ngôn của Đức Chúa - Vì thế, Đức Chúa, Thiên Chúa Israel, phán như sau để lên án các mục tử, những người chăn dắt dân Ta: chính các ngươi đã làm cho đoàn chiên của Ta phải tan tác; các ngươi đã xua đuổi và chẳng lưu tâm gì đến chúng. Này Ta sẽ để ý đến các hành vi gian ác của các ngươi mà trừng phạt các ngươi - sấm ngôn của Đức Chúa."
Những dấu hiệu cho thấy người chăn chiên không chu toàn nhiệm vụ người mục tử:
- không chịu lưu tâm chăm sóc chiên: Họ không dạy dỗ cho chiên của mình biết về Thiên Chúa và các Lề Luật của Ngài. Họ không làm gương sáng cho chiên noi theo; ngược lại còn làm gương mù. Họ không quan tâm đến các nhu cầu phần hồn cũng như phần xác của chiên.
- không yêu thương chiên cách vô vị lợi: Họ chỉ quan tâm đến lông chiên và thịt chiên của những con béo tốt, những con chiên có thể làm lợi cho họ mà thôi (Eze 34:7).
- không bảo vệ chiên khỏi những nguy hiểm: Họ xua đuổi chiên đi cách trực tiếp hay gián tiếp, hay làm chiên lạc bầy bằng những học thuyết sai lạc hay lối sống vô luân.
1.2/ Hy vọng: Những dấu hiệu của người Mục Tử Nhân Lành:
- chăm sóc chiên cẩn thận: Họ dạy dỗ chiên biết kính sợ Thiên Chúa và tuân hành các Lề Luật của Ngài.
- yêu mến và lo lắng cho chiên: Họ băng bó chiên bị thương, vỗ béo chiên gầy còm, đi tìm con chiên lạc và quy tụ tất cả chiên lạc về một đàn.
- bảo vệ chiên và sẵn sàng hy sinh tính mạng vì chiên: Họ bảo vệ chiên khỏi thú dữ giết hại, khỏi tay của những phường trộm cướp, khỏi những vùng nguy hiểm đe dọa tính mạng chiên.
Hai cách Thiên Chúa có thể làm để chăm sóc chiên:
(1) Hoặc Chính Chúa Thượng sẽ chăn dắt chiên như lời sấm của Jeremiah: "Chính Ta sẽ quy tụ đoàn chiên Ta còn sót lại từ khắp mọi miền Ta đã xua chúng đến. Ta sẽ đưa chúng về đồng cỏ của chúng; chúng sẽ sinh sôi nảy nở thật nhiều. Này, sẽ tới những ngày - sấm ngôn của Đức Chúa - Ta sẽ làm nẩy sinh cho nhà David một chồi non chính trực. Vị vua lên ngôi trị vì sẽ là người khôn ngoan tài giỏi trong xứ sở, vua sẽ thi hành điều chính trực công minh. Thời bấy giờ, Judah sẽ được cứu thoát, Israel được sống yên hàn. Danh hiệu người ta tặng vua ấy sẽ là: "Đức Chúa, sự công chính của chúng ta."" Thánh sử Gioan đồng nhất vị Mục Tử này với Đức Kitô (Jn 10).
(2) Hoặc Chúa sẽ huấn luyện và gởi tới các mục tử tốt lành: "Ta sẽ cho xuất hiện các mục tử để lãnh đạo chúng; họ sẽ chăn dắt chúng. Chúng sẽ không còn phải hãi hùng, kinh khiếp và bị bỏ rơi nữa. Sấm ngôn của Đức Chúa."
2/ Bài đọc II: Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét.
Hận thù xa cách xảy ra là do sự không hiểu biết, ghen ghét, thiếu cảm thông, hay tính kiêu hãnh coi mình hay giòng giống mình trổi vượt hơn người khác. Thánh Phaolô nêu lên hai mối hận thù xa cách chính:
2.1/ Giữa con người với Thiên Chúa: "Trước kia anh em là những người ở xa, nhưng nay, trong Đức Giêsu Kitô, nhờ máu Đức Kitô đổ ra, anh em đã trở nên những người ở gần." Khi con người phạm tội, họ xa cách Thiên Chúa, và không xứng đáng làm con cái của Ngài. Nhưng nhờ máu của Đức Kitô, Con Thiên Chúa, đổ ra, con người được sạch mọi tội lỗi và giao hòa với Thiên Chúa. Nhờ vậy, họ lại được hưởng quyền làm con cái Thiên Chúa.
2.2/ Giữa Do-thái và Dân Ngoại: Khi con người được hòa giải với Thiên Chúa, họ cũng được đòi phải hòa giải với nhau, như lời thánh Phaolô: "Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hoà giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên Thập Giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét." Có tác giả giúp chúng ta nhớ tư tưởng này bằng cách cắt nghĩa Thập Giá gồm 2 mảnh: mảnh đứng tượng trưng cho sự hòa giải giữa con người với Thiên Chúa, mảnh ngang tượng trưng cho sự hòa giải giữa con người với nhau.
Thánh Phaolô cắt nghĩa tiến trình hòa giải giữa Do-thái và Dân Ngoại như sau: "Người đã huỷ bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật. Như vậy, khi thiết lập hoà bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người." Trước khi Đức Kitô đến, có một sự phân cách rõ ràng giữa người Do-thái và tất cả các sắc dân khác. Người Do-thái coi chỉ có họ mới xứng đáng là "Dân Riêng" của Thiên Chúa, vì Ngài đã chọn, bảo vệ, và ban Lề Luật cho họ; tất cả dân tộc khác được xếp hạng Dân Ngoại, không thanh sạch, và không được hưởng những đặc quyền như họ. Vì thế, người Do-thái sống cách biệt với các dân tộc khác, và không muốn có sự chung đụng gì với các dân tộc khác. Khi Đức Kitô đến, kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được mở rộng và bao trùm tất cả mọi dân tộc. Điều kiện được cứu độ là niềm tin vào Ngài, chứ không dựa trên việc giữ Lề Luật nữa. Dĩ nhiên, Đức Kitô không hủy bỏ tất cả Lề Luật, nhưng các tín hữu vẫn phải giữ các Luật căn bản để chứng tỏ đức tin của họ.
Để hiểu những gì thánh Phaolô nói về sự xa cách giữa người Do-thái và Dân Ngoại, chúng ta cần hiểu cách cấu trúc của Đền Thờ Jerusalem thời đó: Có 3 bức tường ngăn cách các hạng người khác nhau. Bức tường thứ nhất ngăn cách giữa người Do-thái và Dân Ngoại; người dân ngoại nào vượt bức tường này là động chạm đến người Do-thái và sẽ bị tử hình. Bức tường thứ hai ngăn cách giữa phái nam và phái nữ của người Do-thái; người nữ không được phép bước vào chỗ của người nam. Bức tường thứ ba ngăn cách giữa người giáo dân và hàng tư tế; chỉ có tư tế mới được vào trong để dâng của lễ hy sinh lên Thiên Chúa. Ngoài ra, còn có một bức màn đóng kín từ trên xuống dưới để ngăn cách giữa nơi thánh của các tư tế và nơi Cực Thánh, nơi Thiên Chúa hiện diện; chỉ có các Thượng Tế mới được vào nơi Cực Thánh trong Ngày Xá Tội, mỗi năm một lần mà thôi.
- Khi Đức Kitô đến, Ngài đập tan các bức tường ngăn cản giữa con người với con người, như lời thánh Phaolô diễn tả: "Thật vậy, chính Người là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do-thái và Dân Ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét." Không chỉ đập tan bức tường thứ nhất mà mọi bức tường ngăn cản giữa con người với con người: không còn Do-thái hay Hy-lạp, không còn nô lệ hay tự do, nhưng tất cả được rửa để tháp trong một Nhiệm Thể duy nhất là Đức Kitô (I Cor 12:13).
- Hơn nữa, Đức Kitô cũng xé đi bức màn ngăn cách giữa con người với Thiên Chúa, như lời Tin Mừng diễn tả: Màn trong Đền Thờ xé ra làm hai khi Chúa Giêsu gục đầu xuống và trút hơi thở cuối cùng (Mt 27:51, Mk 15:39, Lk 23:45). Kể từ giờ ấy, con người không còn xa lạ với Thiên Chúa nữa; họ có thể trực tiếp đến với Ngài bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, chứ không cần phải qua trung gian thầy Thượng Tế, và cũng không cần đợi đến Ngày Xá Tội một năm một lần. Thánh Phaolô diễn tả tư tưởng này như sau: "Người đã đến loan Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thánh Thần duy nhất mà đến cùng Chúa Cha."
3/ Phúc Âm: Anh em hãy lánh riêng ra, đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.
3.1/ Căng thẳng nguy hiểm giữa chủ chăn và đòan chiên
(1) Quá tải của sứ vụ tông đồ: "Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giêsu, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy... Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa."
Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, làm sao các tông-đồ có thể đáp ứng mọi nhu cầu của dân chúng? Làm sao các ông có thể thăng bằng giữa đời sống cá nhân với mục vụ tông đồ?
(2) Chiên vất vưởng không người chăn: "Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài." Làm sao để có đủ mục tử chăm sóc cho dân khi càng ngày càng ít người đi tu? Xã hội càng tiến bộ, đời sống luân lý và gia đình càng sa sút. Làm sao kiếm được các thợ rành nghề để săn sóc dân chúng?
3.2/ Hy vọng: Chúa Giêsu là giải quyết cho cả hai bên, các mục tử và đoàn chiên.
(1) Người tông-đồ phải có thời giờ nghỉ ngơi với Đức Kitô: Chúa Giêsu nhận ra sự bận rộn trong công tác mục vụ của các tông-đồ. Để tránh cho các ông nguy cơ bị "làm việc quá độ," Ngài bảo các ông: ''Các con hãy vào trong để nghỉ ngơi một chút." Chính Ngài đi tìm chỗ nghỉ cho các ông. Đây phải là một kinh nghiệm sống cho chúng ta: Chúa không đòi chúng ta làm việc quá độ, cũng không khuyến khích sự lười biếng. Chúng ta phải giữ sao cho cân bằng, khi nào quá mệt mỏi, chúng ta phải kiếm giờ để nghỉ ngơi dưỡng sức trong Chúa; chứ không phải phí sức vào những cuộc vui chơi làm chúng ta càng mệt mỏi hơn.
(2) Người dạy dỗ họ nhiều điều: Không phải chỉ có các mục tử là người chủ chăn, Đức Kitô là Mục Tử Tốt Lành và trên hết. Chính Ngài sẽ dạy dỗ, săn sóc, và bảo vệ dân chúng, như trình thuật hôm nay: " Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúa Giêsu là Mục Tử Nhân Lành: Tất cả chúng ta hãy học hỏi, đặt trọn niềm tin tưởng, và niềm hy vọng nơi Ngài.
- Cha mẹ hay cha xứ đều là các mục tử chăm sóc những chiên của Thiên Chúa. Trên hết mọi sự, người mục tử phải dạy cho dân biết và quí mến Đức Kitô.
- Mỗi người chúng ta đều là các chiên của Thiên Chúa. Chúng ta phải học biết về Đức Kitô và cầu nguyện cho các mục tử của mình. Khi cầu nguyện cho họ, chúng ta đang cầu nguyện cho chính chúng ta.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
VINH DỰ VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA MỤC TỬ
CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN NĂM B (19/07/2015)
[Gr 23,16; Ep 2,1318; Mc 6,3034]
I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Lời Chúa của Phụng Vụ Chúa Nhật XV tập trung vào ơn gọi và sứ mạng của các Kitô
hữu (nói chung) thì Lời Chúa của Phụng Vụ Chúa Nhật XVI sẽ tập trung vào ơn
gọi và sứ mạng của các Kitô hữu lãnh đạo (nói riêng). Trong đạo cũng như ngoài
đời, vai trò của người lãnh đạo là hết sức quan trọng. Ngoài đời thì là chính quyền
các cấp, còn trong đạo thì là các mục tử các cộng đoàn lớn nhỏ. Nhờ nắm bắt đươc
thực trạng của Giáo Hội tại Việt Nam nên Vị đại diện Tòa Thánh Vatican tại Việt
Nam, Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, đã có những lời nhắn nhủ không thể
chính xác hơn, với các Giám mục Việt Nam họp Hội Nghị lần thứ nhất năm 2012 tại
Xuân Lộc, sau Lễ Phục Sinh năm đó: "Như Chúa Giêsu đã sống lại và ra khỏi mộ, Hội Thánh Việt Nam cũng cần trỗi
dậy, thoát khỏi những từ ngữ "chết" trong quyển Sách Thánh để hạ sinh thành Lời
rao giảng sống động trong cuộc sống; Hội Thánh Việt Nam không chỉ khép kín
trong những mối quan tâm nội bộ, nhưng phải bước ra dấn thân cho công cuộc
Loan báo Tin Mừng cho lương dân; cụ thể tại Việt Nam còn hơn 90% anh chị em
chưa nghe loan báo Tin Mừng; cuối cùng mỗi cá nhân mục tử cũng cần phải ra khỏi
mộ tối để chiếu sáng sự thánh thiện của mình trong việc hi sinh tận tình chăm sóc
đoàn chiên đã được giao phó cho mình." "Bước ra khỏi tình trạng khép kín để dấn thân cho công cuộc Loan Báo Tin Mửng
cho lương dân" là trách nhiệm chung của mọi tín hữu Việt Nam; còn "ra khỏi mồ tối
để chiếu sáng sự thánh thiện của mình trong việc hi sinh tận tình chăm sóc đoàn
chiên đã được giao phó cho mình" là trách nhiệm riêng của các nhà lãnh đạo Giáo
hội Việt Nam. Lời Chúa hôm nay củng cố chân lý ấy.
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Bài đọc 1 (Gr 23,16): Ta sẽ quy tụ đoàn chiên của Ta còn sót lại. Ta sẽ cho
xuất hiện các mục tử để lãnh đạo chúng.
1 Khốn thay những mục tử làm cho đoàn chiên Ta chăn dắt phải thất lạc và tan tác sấm ngôn của Đức Chúa 2 Vì thế, Đức Chúa, Thiên Chúa Ítraen, phán như sau để
lên án các mục tử, những người chăn dắt dân Ta: chính các ngươi đã làm cho đoàn
chiên của Ta phải tan tác; các ngươi đã xua đuổi và chẳng lưu tâm gì đến chúng.
Này Ta sẽ để ý đến các hành vi gian ác của các ngươi mà trừng phạt các ngươi sấm
ngôn của Đức Chúa. 3 Chính Ta sẽ quy tụ đoàn chiên Ta còn sót lại từ khắp mọi
miền Ta đã xua chúng đến. Ta sẽ đưa chúng về đồng cỏ của chúng; chúng sẽ sinh
sôi nảy nở thật nhiều. 4 Ta sẽ cho xuất hiện các mục tử để lãnh đạo chúng; họ sẽ
chăn dắt chúng. Chúng sẽ không còn phải hãi hùng, kinh khiếp và bị bỏ rơi nữa.
Sấm ngôn của Đức Chúa.
5 Này, sẽ tới những ngày sấm ngôn của Đức Chúa Ta sẽ làm nẩy sinh cho nhà
Đavít một chồi non chính trực. Vị vua lên ngôi trị vì sẽ là người khôn ngoan tài giỏi
trong xứ sở, vua sẽ thi hành điều chính trực công minh. 6 Thời bấy giờ, Giuđa sẽ
được cứu thoát, Ítraen được sống yên hàn. Danh hiệu người ta tặng vua ấy sẽ là: "Đức Chúa, sự công chính của chúng ta."
2.2 Bài đọc 2 (Ep 2,1318): Chính Đức Giêsu là sự bình an của chúng ta. Người
đã liên kết dân Dothái và Dân Ngoại thành một.
13 Thưa anh em, trước kia anh em là những người ở xa, nhưng nay, trong Đức Kitô
Giêsu, nhờ máu Đức Kitô đổ ra, anh em đã trở nên những người ở gần. 14 Thật vậy,
chính Người là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Dothái và dân
ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự
thù ghét; 15 Người đã hủy bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật. Như vậy, khi
thiết lập hòa bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính
bản thân Người. 16 Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hòa giải với Thiên
Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét. 17
Người đã đến loan Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình
an cho những kẻ ở gần. 18 Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết
trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha.
2.3 Bài Tin Mừng (Mc6,3034): Họ như bầy chiên không người chăn đắt.
30 Khi ấy các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giêsu, và kể lại cho Người biết mọi
việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. 31 Người bảo các ông: "Chính anh
em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút." Quả thế, kẻ lui
người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. 32 Vậy, thầy trò
xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. 33 Thấy các ngài ra đi, nhiều
người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi,
trước cả các ngài. 34 Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì
chạnh lòng thương, vì bhọ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG & SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA
BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân dung của Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?) 3.1.1 Bài đọc 1 (Gr 23,16) là những lời sấm của ngôn sứ Giêrêmia, nói về những
mục tử không chu toàn trách nhiệm được Thiên Chúa giao phó, vì họ đã làm cho
đoàn chiên của Chúa phải tan tác và họ đã xua đuổi cũng như chẳng lưu tâm gì đến
chiên. Lời sấm còn loan báo Thiên Chúa sẽ chấn chỉnh kế hoạch là sẽ quy tụ đoàn
chiên còn sót lại từ khắp mọi miền, sẽ đưa chúng về đồng cỏ tốt tươi; sẽ giao chúng
cho các mục tử tốt lành chăn dắt. Đoàn chiên sẽ sinh sôi nảy nở thật nhiều và các
mục tử xấu sẽ bị trừng phạt vì hành vi gian ác của họ. Tột đỉnh của kế hoạch này là
Con Một Thiên Chúa là Đức Giêsu sẽ được gửi đến để chăn dắt đoàn chiên của
Thiên Chúa.
3.1.2 Bài đọc 2 (Ep 2,1318) là những lời Thánh Phaolô viết cho các tín hữu Êphê
sô về những việc làm cụ thể mà Đức Giêsu, Vị Vua xuất thân từ dòng dõi Đavít,
đã thực hiện nhằm thay đổi mọi thực tại nhân sinh và nhân linh một cách tuyệt diệu
để xây dựng Vương Quốc của Thiên Chúa.
3.1.3 Bài Tin Mừng (Mc 6,3034) là tường thuật của Thánh Máccô về tấm lòng
chăm lo cho đoàn chiên của Chúa Giêsu: "Đức Giêsu thấy một đám người rất
đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt." Chúa
Giêsu là hình ảnh 'trung thực' của Chúa Cha là Đấng không muốn một con chiên
nào bị bỏ rơi và phải khổ sở; trái lại Người muốn tất cả mọi con chiên đều được yêu
thương và chăm sóc tận tình. Vì chạnh lòng thương đoàn chiên mà Đức Giêsu chữa
lành các bệnh nhân, xua đuổi ma quỉ và làm các phép lạ. Vì chạnh lòng thương dân
chúng mà Đức Giêsu đứng về phía thứ dân, bênh vực quyền lợi của họ, làm bạn với
hạng tội lỗi và sau cùng là chết trên thập giá để cứu chuộc tất cả nhân loại.
3.2 Sứ điệp của Lời Chúa (Chúa muốn chúng ta làm gì?) Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là: Thiên Chúa là Đấng yêu thương và chăm lo cho
mọi người. Người mời gọi chúng ta cộng tác và tíếp tay với Người trong việc chăm
lo ấy. Nhất là Người đã sai Con Một Người là Chúa Giêsu đến trần gian để yêu
thương và quy tụ mọi người thành một đoàn chiên duy nhất. Tất cả các Kitô hữu và
nhất là các giám mục, linh mục được Chúa giao phó sứ vụ "mục tử" phải biết học
cùng Chúa Giêsu mà "chạnh lòng thương" khi đứng trước nhu cầu vật chất và tinh
thần của con người.
IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA LỜI CHÚA
4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng đã vì yêu thương loài người mà dùng ngôn sứ
Giêrêmia thay mặt Thiên Chúa cảnh cáo những người lãnh đạo không chu toàn
trách nhiệm chăm sóc các cộng đoàn. Sống với Thiên Chúa là Đấng đã chạnh lòng
thương đám đông quần chúng thiều người chăm lo, bảo vệ.
4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa
Để thực thi sứ điệp Lời Chúa qua ba bài Sách Thánh, mỗi người/cộng đoàn hãy tự
hỏi và tự trả lời 3 câu hỏi sau:
* Tôi/Cộng đoàn tôi có học biết Thiên Chúa là Đấng yêu thương và chăm lo cho
mọi người không?
* Tôi/Cộng đoàn tôi có học cùng Chúa Giêsu mà biết "chạnh lòng thương" khi
đứng trước nhu cầu vật chất và tinh thần của những người sống chung quanh tôi
không?
* Tôi/Cộng đoàn tôi có cộng tác và tíếp tay với Thiên Chúa trong việc chăm lo cho
con người, nhất là cho những người nghèo và bị bỏ rơi hơn cả trong xã hội Việt
Nam hôm nay không?
V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ CHO HỘI THÁNH
[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý: ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý
thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ
bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]
5.1 "Thưa anh em, trước kia anh em là những người ở xa, nhưng nay, trong Đức
Kitô Giêsu, nhờ máu Đức Kitô đổ ra, anh em đã trở nên những người ở gần"
Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho các dân các nước sớm nhận ra Kế Hoạch và Ý
Định của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô mà trở thành Kitô hữu.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.2 «Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng
thương.» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cách đặc biệt cho Đức Thánh Cha Phanxicô, cho các Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục, cho các linh mục và phó tế, để với
ơn Chúa trợ giúp, các ngài chỉ biết sống chết theo chân Chúa Giêsu mà thương yêu
mọi người, nhất là những người nghèo và bị bỏ rơi.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.3 «Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho
giáo dân thuộc Giáo xứ chúng ta để ai nấy chuyên chăm nghe lời dậy dỗ của Chúa
và của các mục tử. Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.4 «Khốn thay những mục tử làm cho đoàn chiên Ta chăn dắt phải thất lạc và
tan tác.» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho các vị mục tử không chu toàn trách
nhiệm, đánh mất lòng nhiệt thành truyền giáo, lơ là với việc chăm lo cho người
nghèo và bị bỏ rơi, để nhờ Ơn Chúa giúp, các ngài lấy lại được tinh thần Phúc âm
mà phục vụ đoàn chiên mà Chúa đã giao cho các ngài.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Bảy Tuần 15 TN1, Năm B
Bài đọc: Exo 12:37-42; Mt 12:14-21.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa luôn bảo vệ sự sống.
Một trong những đối nghịch nữa xảy ra khi so sánh giữa Thiên Chúa và con người: Trong khi Thiên Chúa luôn tìm mọi cách để bảo vệ sự sống và chữa lành qua các việc: tạo dựng, quan phòng, dạy dỗ, và chuộc tội cho con người... thì con người lại khinh thường và luôn tìm cách tiêu diệt sự sống qua: chiến tranh, phá thai, án tử hình, các hình thức trợ tử, và hủy hoại môi sinh ...
Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng sự kiện Thiên Chúa luôn bảo vệ sự sống. Trong Bài Đọc I, Sách Xuất Hành tường thuật cuộc di cư vĩ đại của con cái Israel ra khỏi đất Ai-cập dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa. Ngài không muốn họ phải sống kiếp nô lệ khổ cực và bị tiêu diệt dưới bàn tay khát máu của người Ai-cập, nên đã có kế hoạch đưa họ ra khỏi đó và tiến vào miền Đất Hứa. Trong Phúc Âm, thánh Matthew nêu bật hai thái độ tương phản: Trong khi các kinh-sư tìm cách tiêu diệt Đấng bảo vệ sự sống, thì Chúa Giêsu, Người Tôi Trung được tuyển chọn của Thiên Chúa, lại đi khắp nơi chữa lành và bảo vệ sự sống đến độ: "Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi."
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Đó là đêm Đức Chúa canh thức để đưa họ ra khỏi đất Ai-cập.
1.1/ Cuộc xuất hành vĩ đại của Israel ra khỏi Ai-cập: Trình thuật kể: "Con cái Israel nhổ trại rời Ramses đi Succoth, có khoảng sáu trăm ngàn bộ hành, chỉ kể đàn ông không kể trẻ con.
Cả một đám đông hỗn tạp cùng lên với họ, mang theo chiên cừu, bò dê, họp thành một đàn súc vật đông đảo."
Đây là một đám đông rất lớn và hỗn tạp: nếu bao gồm đàn bà và trẻ thơ, con số phải lên đến trên một triệu người; đấy là chưa kể súc vật và đồ đạc họ mang theo. Đưa một đám đông hỗn tạp như thế vượt Biển Đỏ bằng chân, từ Ramses đến Succoth là điều không thể đối với con người; nhưng là điều có thể đối với Thiên Chúa.
1.2/ Đêm đó thuộc về Đức Chúa: ''Thời gian con cái Israel ở Ai-cập là bốn trăm ba mươi năm. Vào đúng ngày chấm dứt 430 năm đó, toàn thể các đạo binh của Đức Chúa đã ra khỏi đất Ai-cập. Đó là đêm Đức Chúa canh thức để đưa họ ra khỏi đất Ai-cập; đêm đó thuộc về Đức Chúa, đêm canh thức của toàn thể con cái Israel, qua mọi thế hệ." Từ đó đến nay, dân tộc Israel luôn nhớ ngày giải phóng này, và họ mừng Lễ Vượt Qua trọng thể mỗi năm, như ta cử hành ngày Thứ Năm Tuần Thánh để kỷ niệm Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu vậy.
2/ Phúc Âm: Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi.
2.1/ Hai thái độ tương phản: Trình thuật của Matthew hôm nay tiếp tục hai biến cố mà các kinh sư tranh luận với Chúa Giêsu về việc giữ ngày Sabbath: các môn đệ bứt lúa ăn và Chúa chữa lành người có cánh tay bị khô bại trong hội đường. Hai thái độ được ghi nhận bởi Matthew:
(1) Thái độ muốn tiêu diệt sự sống của các kinh-sư: "Ra khỏi đó, nhóm Pharisees bàn bạc để tìm cách giết Đức Giêsu." Có nhiều lý do để các kinh-sư muốn giết Chúa:
- Họ bị mất mặt với dân chúng: Từ trước tới nay, ít có ai dám cãi lời họ; thế mà một người mà họ coi là vô danh, dám làm mất thể diện của họ ngay trong hội đường. Điều này làm họ ghen tị và tức giận để tìm cách tiêu diệt Chúa.
- Họ muốn tiêu diệt Đức Giêsu để bảo vệ quyền lợi: Khi họ thấy dân chúng đến với Chúa để được nghe những lời dạy dỗ và để được chữa lành, họ cảm thấy bị tổn thương danh dự và mất quyền lợi. Trong Tin Mừng Gioan, họ nói với nhau: Xem kìa, tất cả dân chúng đã đi theo ông ấy.
- Họ bị tố cáo lạm dụng Lề Luật để mưu cầu lợi nhuận và tiêu diệt: Là những người thông luật và có thế giá trong xã hội, họ có thể tìm kẽ hở và phiên dịch Lề Luật theo cách thức họ muốn; nhưng Chúa Giêsu đã vạch trần những âm mưu đen tối của họ khiến dân chúng không còn tin tưởng nơi họ nữa.
(2) Thái độ luôn bảo vệ sự sống của Đức Kitô: "Biết vậy, Đức Giêsu lánh khỏi nơi đó. Dân chúng theo Người đông đảo và Người chữa lành hết. Người còn cấm họ không được tiết lộ Người là ai."
Chúng ta có thể nhận ra sự vô cùng nghịch lý ở đây: trong khi Đấng tạo thành sự sống đang vất vả lang thang đó đây để chữa lành và bảo vệ sự sống cho tất cả, thì nhóm kinh sư lại ích kỷ hội họp để tìm cách tiêu diệt Đấng ban sự sống và chữa lành! Lợi nhuận vật chất có sức mạnh làm con người mù quáng đến độ không còn nhìn ra sự thánh thiêng của sự sống!
Vì sự sống đáng quí trọng, nên có những lúc con người phải lánh khỏi những người muốn tiêu diệt sự sống; chứ không phải lúc nào cũng phải ra mặt để đương đầu với những con người khát máu. Chúa Giêsu lánh mặt không phải vì Ngài sợ họ; nhưng có nhiều sứ vụ Ngài cần phải thi hành trước khi từ giã cuộc đời về với Chúa Cha. Khi giờ đã tới, Chúa Giêsu sẽ can đảm đổ máu và làm chứng cho sự thật.
Chúa Giêsu cấm không cho họ tiết lộ tông tích để Ngài có thể đi lại dễ dàng và thi hành sứ vụ của Ngài. Rao truyền sự hiện diện và quyền năng của Người chỉ làm lợi cho những người quấy phá.
2.2/ Người Tôi Trung của Yahveh: Matthew nhìn sứ vụ của Chúa Giêsu như ứng nghiệm sứ vụ của Người Tôi Trung mà ngôn sứ Isaiah đã nói trong Bài Ca Thứ Nhất: "Đây là người Tôi Trung Ta đã tuyển chọn, đây là người Ta yêu dấu: Ta hài lòng về Người. Ta cho Thần Khí Ta ngự trên Người. Người sẽ loan báo công lý trước muôn dân. Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng, và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người" (Isa 42:1-4). Những điểm quan trọng về Người Tôi Trung được hiện thực nơi Đức Kitô:
- Chúa Giêsu được Thiên Chúa tuyển chọn, yêu dấu, và hài lòng. Trong biến cố chịu Phép Rửa của Chúa Giêsu tại sông Jordan, tiếng của Chúa Cha từ trời làm chứng cho Chúa Giêsu: "Đây là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng" (Mt 3:17).
- Sứ vụ của Chúa Giêsu là loan báo công lý trước mặt muôn dân. Con người được công chính hóa nhờ niềm tin vào Ngài. Chúa Giêsu sẽ đưa công lý đến chỗ toàn thắng, và muôn dân sẽ đặt niềm hy vọng nơi danh Người.
- Cách thi hành sứ vụ của Chúa Giêsu: Khác với cách thế của các kinh-sư, những người luôn quan tâm đến danh dự, uy quyền, địa vị, và lợi lộc vật chất; Chúa Giêsu không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. Khác với sự mong đợi của dân Do-thái một Đấng Thiên Sai uy quyền để giải phóng dân khỏi quyền lực của ngoại bang; Chúa Giêsu dùng con đường đau khổ để giải phóng con người khỏi tội lỗi và sự chết.
- Châm ngôn của cuộc sống: Khác với con người muốn dùng uy quyền và sức mạnh để tiêu diệt sự sống, Chúa Giêsu dùng tình thương để chữa lành và chinh phục: Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa là Đấng tạo thành và bảo vệ sự sống; chúng ta được Thiên Chúa trao cho sự sống để bảo vệ mà thôi.
- Chúng ta phải biết quí trọng, nuôi dưỡng, và bảo vệ sự sống của chúng ta và của muôn loài. Chúng ta không có quyền tiêu diệt sự sống con người dưới bất kỳ hình thức nào.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Sáu Tuần 15 TN1, Năm B
Bài đọc: Exo 11:10-12:14; Mt 12:1-8.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lề Luật làm ra là để bảo vệ sự sống.
Con người rất dễ bị lạc đường, lý do có thể vì không biết hay vì ngoan cố trong sự cứng lòng của mình. Ví dụ: Lề Luật làm ra là để bảo vệ sự sống; con người không bao giờ được phép nhân danh Lề Luật để tiêu diệt sự sống. Thực tế chứng minh ngược lại, rất nhiều lần con người lạm dụng Lề Luật để đàn áp, để đối xử bất công, và ngay cả để tiêu diệt sự sống.
Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng những trường hợp con người đi lạc đường vì không biết hay vì ngoan cố trong sự cứng lòng của mình. Trong Bài Đọc I, mục đích của Lễ Vượt Qua là để tưởng niệm biến cố Thiên Chúa giải thoát dân ra khỏi cảnh làm nô lệ cho người Ai-cập để dẫn đưa dân vào Đất Hứa; chứ không phải là để giữ những luật lệ chi tiết liên quan đến việc cử hành Lễ Vượt Qua. Trong Phúc Âm, các người Pharisees tố cáo các môn đệ Chúa Giêsu vi phạm luật ngày Sabbath khi các ông bứt các bông lúa miến để ăn cho đỡ đói. Chúa Giêsu bảo vệ các môn đệ bằng cách dẫn chứng những ví dụ cụ thể các người làm việc trong ngày Sabbath mà vẫn không vi phạm Lề Luật.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Lễ Vượt Qua của người Do-thái
1.1/ Ý nghĩa của Lễ Vượt Qua: Thiên Chúa là Đấng quan tâm đến những đau khổ của dân chúng. Ngài đã nghe tiếng kêu than của dân Israel khi họ phải sống kiếp nô lệ bên Ai-cập. Ngài đã gọi ông Moses để cứu dân của Ngài thoát khỏi bàn tay khát máu của vua Ai-cập. Ngài muốn ông Moses và các kỳ-mục vào xin phép vua Ai-cập phóng thích cho dân ra đi để thờ phượng Thiên Chúa. Vì nhà vua không chịu phóng thích dân, mà càng ngày càng ra tay đàn áp dân Israel nặng nề hơn, nên Thiên Chúa phải tỏ uy quyền của Ngài. Trình thuật hôm nay là thiên tai cuối cùng xảy đến cho người Ai-cập trước biến cố Vượt Qua Biển Đỏ của dân Israel. Những sự kiện và ý nghĩa quan trọng của biến cố Vượt Qua:
+ Máu của Chiên Vượt Qua: cần thiết để phân biệt con đầu lòng của Israel khỏi con đầu lòng của người Ai-cập. Khi thấy máu chiên trên cửa, thiên thần sẽ đi qua mà không vào tiêu diệt.
+ Bánh không men và rau đắng: để kỷ niệm những đắng cay khổ cực của kiếp làm nô lệ cho người Ai-cập.
+ Phải sẵn sàng và ăn nhanh chóng để thoát khỏi nơi người ta muốn tiêu diệt sự sống: "Các ngươi phải ăn thế này: lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy. Các ngươi phải ăn vội vã: đó là lễ Vượt Qua mừng Đức Chúa.''
1.2/ Máu của người Ai-cập đổ ra để cứu dân tộc Israel: Có nhiều người trách Thiên Chúa bất công: Tại sao Ngài lại đổ máu của người Ai-cập để cứu sống dân tộc Israel? Trong sự quan phòng khôn ngoan, Thiên Chúa luôn tìm cách để bảo vệ sự sống trước khi tiêu diệt. Trình thuật Xuất Hành nói rõ lý do vua Ai-cập muốn tiêu diệt người Do-thái, vì sợ họ sẽ nổi lên chống lại mình khi có chiến tranh. Nếu nhà vua thực sự sợ điều ấy thì khi Moses và các kỳ mục Do-thái vâng lệnh Thiên Chúa, vào cung điện để xin phép nhà vua phóng thích cho dân vào sa mạc gặp Thiên Chúa, vua hãy phóng thích cho dân Do-thái đi. Khi vua Pharao không chịu phóng thích, Thiên Chúa mới tỏ uy quyền của Ngài. Thiên Chúa không chỉ giáng xuống một thiên tai, mà tới 7 lần, mà nhà vua vẫn không chịu đổi ý. Thiên tai xảy ra trong trình thuật hôm nay là thiên tai cuối cùng.
Điều này dẫn chứng Thiên Chúa cho con người rất nhiều cơ hội để ăn năn trở lại trước khi Ngài tiêu diệt họ. Tất cả mọi dân tộc đều là con cái của Thiên Chúa, Ngài chẳng vui gì khi tiêu diệt họ. Ngài không thể để cho những kẻ khát máu tiêu diệt sự sống của các dân tộc khác.
2/ Phúc Âm: Lề Luật làm ra là để bảo vệ mạng sống con người.
2.1/ Cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và các kinh-sư về Luật ngày Sabbath: "Hôm ấy, vào ngày Sabbath, Đức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn."
(1) Phản ứng của các kinh-sư: Họ nói với Đức Giêsu: "Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày Sabbath!" Các kinh-sư quan niệm: Phải tuyệt đối tôn trọng Lề Luật cho dù có phải hy sinh mạng sống! Đây chỉ là điều lý tưởng khi mạng sống phải hy sinh là của người khác, chứ không phải là của họ hay những gì liên quan tới họ. Chúa Giêsu đã từng vạch trần lối sống hai tiêu chuẩn của họ: "Ai trong các ông có con chiên bị té xuống giếng trong ngày Sabbath, lại chẳng kéo nó lên sao?" Bảo vệ mạng sống con người còn quan trọng hơn nữa!
(2) Phản ứng của Chúa Giêsu: Người đáp: "Các ông chưa đọc trong Sách sao? Ông David đã làm gì, khi ông và thuộc hạ đói bụng? Ông vào nhà Thiên Chúa, và đã cùng thuộc hạ ăn bánh tiến. Thứ bánh này, họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi." Chúa Giêsu quan niệm: Lề Luật làm ra để bảo vệ con người, luật ngày Sabbath tốt đẹp vì nó giúp con người có thời gian nghỉ ngơi và lắng cho phần linh hồn của mình. Tuy nhiên, khi đói, con người phải ăn, ngay cả những thứ không được phép ăn để bảo vệ sự sống, cho dù phải vi phạm Lề Luật.
2.2/ Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế: Chúa Giêsu tiếp tục tranh luận: "Hay các ông chưa đọc trong sách Luật rằng ngày Sabbath, các tư tế trong Đền Thờ vi phạm luật Sabbath mà không mắc tội đó sao?"
Trước tiên, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh luật ngày Sabbath không áp dụng cho tất cả mọi người; ví dụ, hàng tư tế; vì sự tốt lành cho dân chúng, hàng tư tế phải làm việc trong ngày Sabbath để chu toàn nghĩa vụ tư tế của mình.
Thứ đến, luật ngày Sabbath không áp dụng cho chính bản thân của Chúa Giêsu; đó là lý do Chúa nói với họ: "Tôi nói cho các ông hay: ở đây còn lớn hơn Đền Thờ nữa."
Sau cùng, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh lòng thương xót còn quan trọng hơn lễ tế và Lề Luật: "Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội." Các kinh-sư và luật-sĩ không chỉ tranh luận với Chúa Giêsu trong việc các môn đệ làm việc xác hôm nay, họ còn rất khó chịu khi chứng kiến Chúa chữa bệnh trong ngày Sabbath. Như đã nói ở trên, nếu con vật còn được cứu thoát trong ngày Sabbath, con người còn cần được cứu hơn nữa. Vì thế, mặc cho họ chống đối, Chúa vẫn chữa lành bệnh nhân trong ngày Sabbath, như Ngài nói với họ: ''Con Người làm chủ ngày Sabbath."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chỉ có Thiên Chúa có quyền trên sự sống. Ngài trao cho con người sự sống để bảo vệ.
- Trong sự quan phòng khôn ngoan, Thiên Chúa dạy dỗ và ngăm đe nhiều lần trước khi tiêu diệt. Chúng ta hãy tỉnh thức và nhận ra những dấu hiệu này của Thiên Chúa.
- Lề Luật làm ra để bảo vệ sự sống. Chúng ta không bao giờ được phép nhân danh Lề Luật để tiêu diệt sự sống.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Năm Tuần 15 TN1, Năm B
Bài đọc: Exo 3:11-20; Mt 11:28-30.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa muốn giúp con người vượt qua những đau khổ.
Khác với người Hy-lạp và phần đông các tôn giáo khác quan niệm một Thiên Chúa vô cảm, Do-thái Giáo, Hồi Giáo, và Kitô Giáo, tin tưởng một Thiên Chúa biết các nỗi đau khổ của con người. Ngài quan tâm đến những đau khổ con người phải chịu, và Ngài có cách giúp con người vượt qua những đau khổ đó. Đối lại, con người phải chạy đến với Thiên Chúa, lắng nghe và thi hành những lời Ngài dạy dỗ, để họ có sức mạnh vượt qua những đau khổ của cuộc đời.
Các Bài Đọc hôm nay muốn nhấn mạnh đến những chân lý này. Trong Bài Đọc I, Thiên Chúa nói với Moses: "Ta đã thật sự quan tâm đến các ngươi và cách người ta đối xử với các ngươi bên Ai-cập;" và Ngài đã có sẵn một kế hoạch để cứu thoát dân tộc Israel ra khỏi cảnh làm nô lệ khổ cực cho người Ai-cập. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu thấu hiểu những khó nhọc và gánh nặng của dân chúng. Ngài kêu mời họ hãy đến học hỏi và được bổ dưỡng nơi Ngài, để ách của họ trở nên êm ái và gánh của họ trở nên nhẹ nhàng.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa muốn giải thoát con cái Israel khỏi cảnh nô lệ của Ai-cập.
1.1/ Thiên Chúa mặc khải Thánh Danh Ngài cho Moses: Ông Moses nêu một lý do để Thiên Chúa mặc khải Danh Thánh của Ngài: "Bây giờ, con đến gặp con cái Israel và nói với họ: Thiên Chúa của cha ông anh em sai tôi đến với anh em. Vậy nếu họ hỏi con: Tên Đấng ấy là gì? Thì con sẽ nói với họ làm sao?" Thiên Chúa cho ông Moses một lúc hai Danh Thánh:
(1) Đấng Hằng Hữu: Thiên Chúa phán với ông Moses: "Ta là Đấng Hằng Hữu." Người phán: "Ngươi nói với con cái Israel thế này: "Đấng Hằng Hữu sai tôi đến với anh em."
Trong tiếng Do-thái, "Đấng Hằng Hữu = Yahveh" là một động từ có nghĩa như động từ "to be" trong tiếng Anh hay "essere" trong tiếng La-tinh. Thiên Chúa luôn luôn hiện hữu, Ngài là Alpha và Omega, là nguyên thủy và là cứu cánh. Một văn hào Pháp chú giải: Yahveh là một lời hứa của Thiên Chúa: "Ta luôn ở với con;" hay một lời cầu nguyện từ phía nhân loại: "Xin Thiên Chúa luôn ở với con."
(2) Thiên Chúa là Đức Chúa của các Tổ-phụ: Thiên Chúa lại phán với ông Moses: "Ngươi sẽ nói với con cái Israel thế này: Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, và Thiên Chúa của Jacob, sai tôi đến với anh em. Đó là danh Ta cho đến muôn thuở, đó là danh hiệu các ngươi sẽ dùng mà kêu cầu Ta từ đời nọ đến đời kia."
Khi cho Moses biết Danh Thánh này, Thiên Chúa cũng nhắc lại lời Ngài đã hứa với các Tổ-phụ là Ngài sẽ bảo vệ giòng dõi của các Tổ-phụ đến muôn đời, nếu họ trung thành bước theo đường lối của Ngài.
1.2/ Thiên Chúa sẽ đưa dân vào Đất Ngài đã hứa.
(1) Thiên Chúa quan tâm đến đau khổ của con cái Israel: Thiên Chúa truyền cho Moses hãy đi triệu tập các kỳ mục Israel và nói với họ: "Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Abraham, của Isaac, và của Jacob, đã hiện ra với tôi và phán: Ta đã thật sự quan tâm đến các ngươi và cách người ta đối xử với các ngươi bên Ai-cập. Ta đã phán: Ta sẽ cho các ngươi thoát cảnh khổ cực bên Ai-cập mà lên miền đất tràn trề sữa và mật."
(2) Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa cho dân Israel: Trước tiên, ông Moses phải thuyết phục các kỳ mục của Israel; nhưng Thiên Chúa bảo đảm với Moses: "Họ sẽ nghe tiếng ngươi." Sau đó, ông Moses phải đi với các kỳ mục Israel đến gặp vua Ai-cập.
+ Xin phép vua Ai-cập trước: Các ngươi sẽ nói với vua ấy rằng: "Đức Chúa, Thiên Chúa của người Do-thái, đã cho chúng tôi được gặp Người. Giờ đây, xin cho chúng tôi đi ba ngày đường vào sa mạc để tế lễ Đức Chúa, Thiên Chúa chúng tôi."
+ Trước khi Thiên Chúa biểu tỏ uy quyền: Chúa phán với Moses: "Ta thừa biết rằng vua Ai-cập sẽ không cho các ngươi đi, trừ phi là có một bàn tay mạnh mẽ can thiệp. Ta sẽ ra tay, sẽ làm mọi thứ phép lạ giữa dân Ai-cập để đánh nó, và sau đó vua ấy sẽ cho các ngươi đi."
Đau khổ của dân Do-thái là do vua Ai-cập gây nên. Nhà vua sẽ không nhượng bộ cho dân Israel ra đi, vì vua sẽ mất một khối lao động lớn, cho tới khi Thiên Chúa tỏ uy quyền của Ngài để vua Ai-cập nhận ra qua 7 thiên tai; và chỉ với thiên tai cuối cùng "giết hại các con đầu lòng" của Ai-cập, nhà vua mới đồng ý để dân Israel ra khỏi Ai-cập.
2/ Phúc Âm: Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi.
2.1/ Chúa Giêsu quan tâm đến nỗi khổ đau của con người: "Tất cả những ai đang vất vả làm việc và mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng." Đây là một lời mời gọi cho tất cả mọi người, vì không ai có thể tránh được đau khổ: phần hồn cũng như phần xác. Khi con người làm việc mệt nhọc, con người cần được nghỉ ngơi và bồi dưỡng sức khỏe; Chúa Giêsu hứa sẽ cung cấp sự nghỉ ngơi và phục hồi sức khỏe cho con người. Những điều Chúa Giêsu giúp chúng ta là BT Giao Hòa và Thánh Thể, Lời Chúa, và các ơn lành hồn xác. Ngài đã mang lấy các bệnh tật của con người và chữa lành mọi vết thương hồn xác.
2.2/ Ngài có cách để giải thoát con người khỏi đau khổ: "Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng."
(1) Hãy mang lấy ách của Chúa Giêsu: Đau khổ không thể nào tránh được trong cuộc đời. Chúa Giêsu không hứa Ngài sẽ cất khỏi đau khổ cho con người, nhưng Ngài có thể giúp cho con người có sức mạnh để chịu đựng đau khổ, vì Ngài cũng đã từng chịu đau khổ và vác Thánh Giá lên đồi Golgotha. Chúa có thể cho chúng ta nhìn ra ý nghĩa của đau khổ để sẵn sàng chịu đựng. Ách của Chúa Giêsu vừa vặn để chúng ta có thể mang mà không cảm thấy đau đớn.
(2) Hãy học với Chúa Giêsu: Hai bài học quan trọng Chúa đề cập đến hôm nay:
+ Bài học hiền hậu: Đây là mối phúc thứ hai trong Bát Phúc, chỉ sau bài học khó nghèo. Nếu con người muốn có sự bình an thực sự trong tâm hồn, họ phải học cho được bài học hiền hậu này. Theo gương Đức Kitô, người hiền hậu không dễ dàng nóng nảy với tha nhân, ngay cả với kẻ thù. Trong chương 5 của Tin Mừng Matthew, Chúa dạy các môn đệ phải tha thứ, làm ơn, và cầu nguyện cho những ai ngược đãi mình. Ai cũng biết sự nóng nảy và tức giận gây đau khổ và thiệt hại thế nào cho thân thể; hơn nữa, nếu một trong hai bên không thỏa thuận làm lành, thù hận có thể đưa tới cái chết của một trong hai người, và gây nhiều thiệt hại cho cả hai gia đình.
+ Bài học khiêm nhường: Có thể nói đa số các đau khổ của con người là hậu quả của tính tự kiêu tự đại, không chịu biết mình. Tục ngữ Việt-nam có câu "trèo cao té đau." Nếu con người chịu bằng lòng với số phận cứ ở dưới đất, đừng leo lên cây, làm sao có thể té được? Dĩ nhiên Chúa không dạy chúng ta bạc nhược, hay không có tinh thần cầu tiến; nhưng điều quan trọng là chúng ta phải biết mình trong mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân. Đừng bao giờ theo thời để rồi ganh đua sát ván, người ta sống làm sao mình phải được như vậy hay hơn người. Một cuộc chạy đua như thế sẽ làm chúng ta mệt mỏi và đau khổ xảy ra khi chúng ta không đạt được điều chúng ta mong ước.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa luôn quan tâm đến những đau khổ của con người. Ngài mời gọi con người hãy đến với Ngài để được dạy dỗ, được chữa lành, và được nghỉ ngơi bồi dưỡng.
- Con người phải chạy đến với Ngài để lắng nghe và thực thi những lời Chúa dạy dỗ. Hai bài học quan trọng con người cần học nơi Thánh Tâm Chúa là hiền hậu và khiêm nhường.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Tư Tuần 15 TN1, Năm B
Bài đọc: Exo 3:1-6, 9-12; Mt 11:25-27.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa mặc khải cho những người bé mọn.
Từ giữa thế kỷ 18 tới bây giờ, vì sự tiến bộ của khoa học, nên nhiều người chủ trương phải xét lại niềm tin vào Thiên Chúa. Nhiều người cho rằng khoa học càng tiến bộ, niềm tin con người càng giảm sút cho đến độ không còn cần thiết nữa. J. H. Newman đã ngạc nhiên vô cùng khi thấy các bạn ông, đa số là những người khôn ngoan và thông thái từ từ bỏ đạo hết! Con người có biết đâu khoa học cũng chỉ là khám phá ra những định luật Thiên Chúa đã dựng nên và quan phòng. Hơn nữa, còn biết bao nhiêu những kỳ diệu mà trí khôn con người chưa thể hiểu nổi.
Lời Chúa hôm nay gióng lên lời cảnh tỉnh cho con người: Thiên Chúa thích mặc khải Ngài cho những kẻ bé mọn, khiêm nhường. Nói cách khác, kiến thức về Thiên Chúa được tiếp nhận không theo cách thức của con người: nghĩa là không cần phải khôn ngoan thông thái mới học được; nhưng cần có một thái độ khiêm nhường. Niềm tin vào Thiên Chúa của các người nông dân chất phác quê mùa là bằng chứng cho điều này.
Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta thấy những người được Thiên Chúa mặc khải. Trong Bài Đọc I, Thiên Chúa mặc khải Danh Ngài cho Moses và trao cho ông sứ vụ giải phóng dân Israel ra khỏi Ai-cập, mặc dù ông thú nhận là ông chỉ là một người hèn hạ và bất tài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu ngợi khen Cha Ngài là Chúa Tể trời đất, vì Cha Ngài đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều bí nhiệm, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa mặc khải cho ông Moses từ bụi cây.
1.1/ Thiên Chúa mặc khải Ngài cho ông Moses: Sách Xuất Hành tường thuật: "Bấy giờ ông Moses đang chăn chiên cho bố vợ là Jethro, tư tế Midian. Ông dẫn đàn chiên qua bên kia sa mạc, đến núi của Thiên Chúa, là núi Horeb. Thiên sứ của Đức Chúa hiện ra với ông trong đám lửa từ giữa bụi cây. Ông Moses nhìn thì thấy bụi cây cháy bừng, nhưng bụi cây không bị thiêu rụi. Ông tự bảo: "Mình phải lại xem cảnh tượng kỳ lạ này mới được: vì sao bụi cây lại không cháy rụi?""
Đức Chúa thấy ông lại xem, thì từ giữa bụi cây Thiên Chúa gọi ông: "Moses! Moses!" Ông thưa: "Dạ, tôi đây!" Người phán: "Chớ lại gần! Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh." Người lại phán: "Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Jacob."
Truyền thống Do-thái tin không ai nhìn thấy Thiên Chúa mà có thể sống sót; đó là lý do "ông Moses che mặt đi, vì sợ nhìn phải Thiên Chúa."
1.2/ Thiên Chúa trao cho ông Moses sứ vụ giải thoát con cái Israel khỏi Ai-cập: Thiên Chúa trao cho Moses một sứ vụ: "Tiếng rên siết của con cái Israel đã thấu tới Ta; Ta cũng đã thấy cảnh áp bức chúng phải chịu vì người Ai-cập. Bây giờ, ngươi hãy đi! Ta sai ngươi đến với Pharao để đưa dân Ta là con cái Israel ra khỏi Ai-cập."
Ông Moses thưa với Thiên Chúa: "Con là ai mà dám đến với Pharao và đưa con cái Israel ra khỏi Ai-cập?" Hai khó khăn mà Moses phải đương đầu với: (1) Làm sao một người chăn chiên không có lấy một binh lính trong tay, có thể đương đầu với quân đội hùng mạnh của vua Ai-cập? (2) Làm sao dân Do-thái tin rằng ông có thể lãnh đạo và đưa họ ra khỏi Ai-cập?
Nhưng việc gì không thể với con người luôn có thể với Thiên Chúa. Người phán với ông: "Ta sẽ ở với ngươi. Và đây là dấu cho ngươi biết là Ta đã sai ngươi: khi ngươi đưa dân ra khỏi Ai-cập, các ngươi sẽ thờ phượng Thiên Chúa trên núi này."
2/ Phúc Âm: Thiên Chúa thích mặc khải cho những người bé mọn.
2.1/ Thiên Chúa thích mặc khải cho những kẻ bé mọn: Vào lúc ấy, Đức Giêsu cất tiếng nói: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha." Có mấy từ chuyên môn chúng ta cần hiểu ở đây:
- Giấu (kru,ptw): có hai trường hợp: (1) Cất giấu đi để đừng ai nhìn thấy; ví dụ: giấu vàng trong ruộng. (2) Giấu kín để đừng ai khám phá ra; ví dụ: giấu tông tích hay những điều bí ẩn của mình. Chúa Giêsu muốn nói về trường hợp thứ hai này.
- Mặc khải (avpokalu,ptw) có nghĩa làm cho những gì đã giấu kín được tỏ lộ ra, mang ra ánh sáng những gì đang ở trong bóng tối, hay làm cho một người hiểu những gì họ chưa biết hay còn mù mờ.
- Kẻ bé mọn (nh,pioj): có thể chỉ một trẻ nhỏ hay những ai chưa tới tuổi thành niên như luật pháp ấn định (ví dụ, 18 tuổi).
(1) Thánh Phaolô so sánh tình trạng không trưởng thành của các tín hữu như trẻ thơ, họ nhìn những vấn đề thiêng liêng dưới con mắt của trẻ thơ. Họ vẫn còn bú sữa, chứ chưa thể lãnh nhận thức ăn dành cho người lớn, những người đã trưởng thành (te,leioj) (I Cor 3:1).
(2) Chúa Giêsu so sánh giữa những người khôn ngoan và thông thái (sofo,j, suneto,j) với kẻ bé mọn (nh,pioj), để nói với khán giả: họ cần có thái độ của trẻ thơ: tin tưởng, khiêm nhường, ham học hỏi, để Ngài chuyển thông cho họ những kiến thức về Thiên Chúa. Một thái độ kiêu hãnh và nghi ngờ sẽ ngăn cản họ nhận ra những gì Ngài muốn mặc khải cho họ. Khi con người lãnh nhận kiến thức về Thiên Chúa, họ phải có thái độ của trẻ: cái gì cũng là mới cả với các em.
2.2/ Kiến thức về Thiên Chúa: "Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho."
(1) Chúa Giêsu là người biết về Chúa Cha rõ ràng hơn ai hết: Động từ Hy-lạp dùng ở đây là "evpiginw,skw," biết như một con người hay sự vật là. Con người hiểu biết về Thiên Chúa với nhiều cấp độ khác nhau; nhưng chỉ có Chúa Giêsu hiểu biết Thiên Chúa trong cấp độ hoàn hảo nhất. Điều này không ngạc nhiên, vì Chúa Giêsu là chính Lời hay tư tưởng của Thiên Chúa. Ngài và Cha Ngài là một.
(2) Con người biết Thiên Chúa qua mặc khải của Chúa Giêsu: Nếu Thiên Chúa không chọn để mặc khải cho con người, con người không bao giờ có thể biết Thiên Chúa. Đức Kitô chính là mặc khải của Thiên Chúa; Ngài đến để mặc khải cho con người biết về Chúa Cha, như Ngài đã tuyên bố với các môn đệ: Ai thấy Thầy là thấy Cha. Hơn nữa, để con người có thể hiểu những mặc khải này, họ cần được Thánh Thần do Chúa Cha sai tới để hướng dẫn và thúc đẩy.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Khoa học chân chính giúp tìm ra, chứ không chối bỏ Thiên Chúa. Chúng ta phải cẩn thận trong khi học hỏi và đánh giá trị các phát minh của khoa học.
- Để hiểu biết các điều bí ẩn của Thiên Chúa, chúng ta cần có một thái độ khiêm nhường để nhìn nhận khả năng giới hạn của con người; vì một thái độ kiêu ngạo sẽ ngăn cản chúng ta học hỏi về Thiên Chúa, và Ngài cũng chẳng tỏ mình cho những ai có thái độ như thế.
- Để hiểu biết về Thiên Chúa, chúng ta phải học với Đức Kitô; vì Ngài chính là mặc khải của Thiên Chúa. Không có Đức Kitô, chúng ta sẽ không có kiến thức hoàn hảo về Thiên Chúa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Ba Tuần 15 TN1, Năm B
Bài đọc: Exo 2:1-15; Mt 11:20-24.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cơ hội càng nhiều, phán xét càng nặng.
Có những người chỉ cần cho họ một cơ hội trong cuộc đời là họ biết nắm lấy, ra sức làm việc, và thành công trong cuộc đời. Cũng có những người được cho hết cơ hội này đến cơ hội khác; nhưng vẫn không biết nắm lấy, tối ngày chỉ lo ăn chơi, nghịch phá, và làm việc gì cũng thất bại. Trong lãnh vực đức tin cũng thế: Có những người ngoại giáo, chỉ cần nghe biết về Chúa Giêsu thôi; nhưng cách biểu lộ niềm tin của họ đã làm cho Chúa Giêsu phải ngạc nhiên: viên đại đội trưởng người Rôma, người phong cùi... Nhưng cũng có những người đồng hương với Chúa Giêsu biết rõ Chúa, nhưng họ vẫn không tin Ngài. Chúa Giêsu ngạc nhiên vì sự cứng lòng của họ.
Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta những ví dụ tương phản như thế. Trong Bài Đọc I, Thiên Chúa quan phòng cho Moses có cơ hội được cứu sống nhờ lòng nhân từ của công chúa Ai-cập. Khi lớn lên, ông Moses không thể dằn lòng trước những cử xử dã man giữa con người với con người, ông đã giết một người Ai-cập và khuyên nhủ hai người Do-thái đừng cãi vã nhau. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã lớn tiếng trách mắng các thành Chorazin, Betsaida, và Capernaum, vì tuy họ đã nhiều lần chứng kiến các phép lạ Chúa làm và nghe những lời Chúa giảng, họ vẫn không xám hối và tin vào Ngài. Trong khi các thành của dân ngoại như Tyre và Sidon, mặc dù ít được Chúa tới, nhưng cách biểu lộ niềm tin của họ làm chính Chúa phải ngạc nhiên.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Cuộc đời của ông Moses
1.1/ Moses được cứu thoát bởi công chúa Ai-cập: "Có một người thuộc dòng họ Levi đi lấy một người con gái cũng thuộc họ Levi. Người đàn bà ấy thụ thai và sinh một con trai. Thấy đứa bé kháu khỉnh, nàng giấu nó ba tháng trời. Khi không thể giấu lâu hơn được nữa, nàng lấy một cái thúng cói, trét hắc ín và nhựa chai, bỏ đứa bé vào, rồi đặt thúng trong đám sậy ở bờ sông Nile. Chị đứa bé đứng đàng xa để xem cho biết cái gì sẽ xảy ra cho em nó."
Nhờ sự quan phòng của Thiên Chúa, công chúa của Pharao đã động lòng thương đứa trẻ dù biết nó là người Do-thái; và với sự khôn ngoan của người chị khi hỏi công chúa Pharao: "Bà có muốn con đi gọi cho bà một vú nuôi người Do-thái, để nuôi đứa bé cho bà không?" Khi công chúa Pharao đồng ý, người chị liền đi gọi mẹ mình. Công chúa của Pharao bảo bà ấy: "Chị đem đứa bé này về nuôi cho tôi. Chính tôi sẽ trả công cho chị." Thế là mẹ được ở gần nuôi con và còn được cấp dưỡng. Khi đứa bé lớn lên, bà đưa nó đến cho công chúa của Pharao. Nàng coi nó như con và đặt tên là Moses; nàng nói: "Đó là vì ta đã vớt nó lên khỏi nước."
1.2/ Tính can đảm của Moses: Là con của công chúa, ông Moses có thể chọn lối sống an bình dễ dãi như một hoàng tử của Ai-cập; nhưng ông chọn để sống anh hùng và theo Lề Luật của Thiên Chúa. Trình thuật đưa ra 2 ví dụ chứng minh tính khí khái của Moses:
(1) Ông không thể chịu đựng cảnh bất công: "Khi ông ra ngoài thăm anh em đồng bào và thấy những việc khổ sai họ phải làm. Ông thấy một người Ai-cập đang đánh một người Do-thái, anh em đồng bào của ông. Nhìn trước nhìn sau không thấy có ai, ông liền giết người Ai-cập, rồi vùi dưới cát."
(2) Ông không thể chịu đựng cảnh bất hòa: "Hôm sau, ông lại đi ra, gặp hai người Do-thái đang xô xát nhau, ông nói với người có lỗi: "Tại sao anh lại đánh người đồng chủng?" Người đó trả lời: "Ai đã đặt ông lên làm người lãnh đạo và xét xử chúng tôi? Hay là ông tính giết tôi như đã giết tên Ai-cập? "Ông Moses phát sợ và tự bảo: "Vậy ra người ta đã biết chuyện rồi!" Nghe biết chuyện này, Pharao tìm cách giết ông Moses. Ông Moses liền đi trốn Pharao và ở lại miền Midian.
2/ Phúc Âm: Ai được cho có cơ hội nhiều sẽ bị phán xét nhiều.
2.1/ So sánh Chorazin và Bethsaida với Tyre và Sidon: Bấy giờ Chúa Giêsu bắt đầu quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối: "Khốn cho ngươi, hỡi Chorazin! Khốn cho ngươi, hỡi Bethsaida! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tyre và Sidon, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, thành Tyre và thành Sidon còn được xử khoan hồng hơn các ngươi."
(1) Chorazin và Bethsaida: Chorazin được các nhà khảo cổ đồng nhất với thành Kerazeh hiện đại, cách xa Capernaum chừng 2.5 dặm về phía Bắc. Bethsaida là một làng của vùng Galilee, nằm về phía Tây của hồ Tiberias, trong "giải đất của Gennesaret." Bethsaida là quê hương của Peter, Andrew và Philip; và là chỗ Chúa Giêsu thường xuyên lui tới. Hai phép lạ Chúa Giêsu làm được kể chi tiết là phép lạ Chúa chữa người mù tại Bethsaida (Mk 8:22) và phép lạ nuôi 5,000 người ăn tại Bethsaida (Lk 9:10-17). Ngoài ra, Luca cũng tường thuật việc Chúa Giêsu dạy dỗ, và chữa lành nhiều người tại đây.
(2) Tyre và Sidon: là hai hải cảng thương mại lớn của người Phoenecia (Lebanon ngày nay), nằm dọc theo bờ biển Mediterranean. Tyre nằm khoảng 23 dặm về phía Bắc của Arco, và cách Sidon khoảng 20 dặm về phía Nam. Chúa Giêsu rất ít khi rao giảng ngoài lãnh thổ của Palestine, và các thánh ký chỉ tường thuật một lần Chúa đến vùng Tyre và Sidon, khi một người đàn bà Canaan nài xin Ngài cứu con gái bà khỏi bị quỉ ám. Chúa Giêsu thử thách đức tin của bà cách trầm trọng: "Không nên lấy lương thực của con cái mà vứt cho chó" (Mt 15:21); trước khi chữa lành con gái của bà.
2.2/ So sánh Capernaum với Sodom: "Còn ngươi nữa, hỡi Capernaum, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi ngươi mà được làm tại Sodom, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, đất Sodom còn được xử khoan hồng hơn các ngươi."
(1) Capernaum: có thể nói là "thành của Chúa Giêsu" vì Ngài thường xuyên lui tới dạy dỗ và làm phép lạ tại đây. Gioan tường thuật Chúa làm phép lạ đầu tiên cho nước hóa thành rượu tại tiệc cưới Cana (Jn 2:12) và chữa lành con trai của một quan chức (Jn 4:46). Matthew tường thuật phép lạ Chúa chữa đầy tớ của viên Đại Đội Trưởng Rôma (Mt 8:5). Marcô tường thuật Chúa chữa người bại liệt được thòng xuống từ mái nhà (Mk 2:1). Luca tường thuật Chúa chữa người bị quỉ ám (Lk 9:33). Marcô tường thuật Chúa giảng trong hội đường Capernaum (Mk 1:21) và Gioan ghi lại rõ ràng: diễn từ về BT Thánh Thể xảy ra sau phép lạ hóa bánh nuôi 5,000 người và phản ứng của dân chúng cũng xảy ra tại đây (Jn 6).
(2) Sodom: Chúng ta biết đến thành phố này trong Sách Sáng Thế khi Thiên Chúa khiến lửa từ trời thiêu rụi thành phố này vì những tội tày trời họ xúc phạm đến Ngài, nhất là tội sodomy như tên thành được gọi (Gen 18:16-33, 19:1-29). Thành phố này nằm đối diện với Zoar, về phía SW của Biển Chết.
Khi đưa ra sự so sánh giữa các thành phố, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh một điểm quan trọng: Ai được cho nhiều cơ hội để ăn năn, sẽ phải chịu sự phán xét nặng nề hơn.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải biết tận dụng thời gian, của cải, và tài năng Thiên Chúa ban để sinh lợi ích cho chính chúng ta, cho gia đình, và cho tha nhân.
- Nếu Thiên Chúa đã ban nhiều, Ngài có quyền đòi lại cho tương xứng của Ngài đã ban. Chúng ta phải coi chừng vì chúng ta sẽ bị Thiên Chúa phán xét nặng nề hơn.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Hai Tuần 15 TN1, Năm B
Bài đọc: Exo 1:1-14, 22; Mt 10:34-11:1.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sợ sự thật làm con người chia rẽ.
Trong cuộc đời, đa số ai cũng muốn hơn người và điều khiển người khác; nên họ rất sợ khi người khác có địa vị và thành công hơn mình. Thay vì với tinh thần cầu tiến, họ nên tìm hiểu lý do tại sao người khác thành công để học hỏi; nhiều người lại dùng những mưu mô, thủ đoạn, và áp lực nhằm hạ bệ và tiêu diệt những người hơn mình.
Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng những trường hợp cụ thể tại sao con người bất hòa và chia rẽ. Trong Bài Đọc I, khi vua Ai-cập nhìn thấy con cái Israel gia tăng dân số, ông cảm thấy bị đe dọa. Thay vì nên khuyến khích người Ai-cập sinh sản nhiều cho thăng bằng cán cân dân số, ông lại tìm những thủ đoạn để tiêu diệt con cái Israel: ông bắt họ phải lao động cực khổ và ngay cả bằng việc giết các trẻ nam mới sinh của Israel. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu loan báo cho các môn đệ biết họ sẽ gặp chống đối ngay cả từ nơi gia đình của họ. Lý do là con người không dễ chấp nhận lối sống theo sự thật mà Đức Kitô đòi hỏi họ phải rao giảng.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chia rẽ vì sợ chủng tộc khác hơn mình.
1.1/ Vua Ai-cập kỳ thị chủng tộc Do-thái: Xưa cũng như nay, các quốc gia mạnh luôn tìm cách để bách hại các quốc gia yếu thế hơn mình để bắt triều cống và làm tôi mọi cho họ. Trường hợp Sách Xuất Hành tường thuật hôm nay là một trường hợp điển hình.
(1) Giòng dõi Jacob lan tràn khắp xứ Ai-cập: Thiên Chúa truyền con người phải sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất (Gen 1:28). Người Do-thái sống theo lệnh truyền của Thiên Chúa, họ ăn ở với nhau và sinh sản con cái rất nhiều. Tổ phụ Jacob có tất cả 12 con. "Sau đây là tên những con cái Israel đã đến Ai-cập với ông Jacob, mỗi người đem theo gia đình mình: Reuben, Simeon, Levi và Judah, Issachar, Zebulun và Benjamin, Dan và Naphtali, Gad và Aser. Giòng giống ông Jacob tính tất cả là bảy mươi người; ông Giuse thì đang ở bên Ai-cập. Rồi ông Giuse qua đời, cũng như anh em ông và tất cả thế hệ đó. Con cái Israel sinh sôi nảy nở, nên đông đúc và ngày càng hùng mạnh: họ lan tràn khắp xứ."
(2) Nỗi lo sợ của vua Ai-cập: Giống như đa số con người thời đại, người Ai-cập muốn hạn chế sinh sản, nhưng lại đâm lo khi thấy người Do-thái sinh sản nhiều hơn mình. Trình thuật kể: "Thời ấy có một vua mới lên trị vì nước Ai-cập, vua này không biết ông Giuse. Vua nói với dân mình: "Này đám dân con cái Israel đông đúc và hùng mạnh hơn chúng ta. Chúng ta hãy dùng những biện pháp khôn ngoan đối với dân đó, đừng để chúng nên đông đúc, kẻo khi có chiến tranh, chúng hùa với địch mà đánh lại chúng ta, rồi ra khỏi xứ."" Vua Ai-cập cũng như phần đông các cha mẹ thời nay, họ vẫn nghĩ họ có những "biện pháp khôn ngoan" hơn Thiên Chúa: vừa muốn hạn chế sinh sản, vừa muốn an toàn và cai trị người khác.
1.2/ Các "biện pháp khôn ngoan" Vua Ai-cập dùng để hành hạ con cái Israel: Để làm giảm dân số Do-thái, vua Ai-cập dùng những thủ đoạn sau đây:
(1) Hành hạ thể xác: Vua ra lệnh "đặt lên đầu lên cổ họ những viên đốc công, để hành hạ họ bằng những việc khổ sai; bắt họ phải xây cho Pharao các thành làm kho lương thực là Pithom và Ramses. Chúng làm cho đời sống họ ra cay đắng vì phải lao động cực nhọc: phải trộn hồ làm gạch, phải làm đủ thứ công việc đồng áng; tóm lại, tất cả những việc lao động cực nhọc, chúng đều cưỡng bách họ làm." Nhưng chúng càng hành hạ họ, thì họ càng nên đông đúc và lan tràn, khiến chúng đâm ra sợ con cái Israel.
(2) Tước đoạt quyền sống: Thấy kế hoạch bắt làm việc khổ cực không làm giảm dân số của người Do-thái, vua Pharao ra lệnh cho toàn dân của mình: "Mọi con trai Do-thái sinh ra, hãy ném xuống sông Nile; mọi con gái thì để cho sống." Nhiều người phê bình Thiên Chúa tại sao bênh vực dân Do-thái đến độ tàn sát các con đầu lòng Ai-cập và nhận chìm quân đội của Ai-cập trong Biển Đỏ; nhưng họ đã bỏ qua tội lỗi bất công và tước đoạt quyền sống của các trẻ Do-thái bởi nhà vua và các đốc công Ai-cập.
2/ Phúc Âm: Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo.
Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà." Thoạt nghe những lời tuyên bố này, chúng ta không khỏi lấy làm lạ: Tại sao một Thiên Chúa không đem bình an đến cho con người; lại đến để đem gươm giáo và gây chia rẽ trong gia đình?
1.1/ Bình an thực sự: Để hiểu những điều Chúa Giêsu nói, chúng ta cần phân biệt hai thứ bình an:
+ Bình an của con người: Con người thường hiểu bình an là sự vắng mặt của chiến tranh hay tranh chấp bên ngoài. Ví dụ: khi quốc gia không có đánh nhau và gia đình không có cãi vã tranh giành. Thứ bình an này thường chỉ tạm bợ và chờ đợi để bùng nổ một cuộc chiến lớn hơn và khốc liệt hơn.
+ Bình an của Thiên Chúa: là bình an đến từ bên trong tâm hồn. Bình an này chỉ có được khi con người dám đương đầu với và sống theo sự thật. Chính Chúa Giêsu đã phân biệt hai thứ bình an, khi Ngài nói với các môn đệ: bình an của Thầy sẽ ban cho anh em không theo kiểu bình an của thế gian ban tặng. Chúng ta có thể cảm nhận được sự bình an của các môn đệ sau khi Chúa sống lại. Các ông đã nhận ra sự thật: Chúa là Đấng Thiên Sai của Thiên Chúa gởi tới cho con người. Ngài đã trải qua đau khổ, đã chết, và đã sống lại. Nhận ra sự thật này làm cho các môn đệ bình an trong tâm hồn; để rồi các ông có thể đương đầu với những quyền lực của thế gian: roi vọt, bắt bớ, tù đày; mà vẫn không sợ hãi gì cả. Các ông có thể chấp nhận tất cả và vui lòng làm chứng cho Đức Kitô.
2.2 Phải sống đúng các mối liên hệ với Thiên Chúa, với tha nhân, và với thế giới.
+ Mối liên hệ với Thiên Chúa phải đặt trên mối liên hệ với tha nhân: "Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy." Khi nói những điều này, Thiên Chúa muốn con người phải đặt Thiên Chúa trên tất cả mọi người và mọi sự. Quyền lợi của Thiên Chúa phải đặt trên các quyền lợi cá nhân: "Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được."
+ Mối liên hệ với tha nhân phải đặt trên mối liên hệ vật chất: "Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy." Con người không thể giúp đỡ lại cho Thiên Chúa, vì Ngài có tất cả. Điều con người có thể làm là giúp đỡ tha nhân, những con cái của Thiên Chúa. "Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính... Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta hãy có can đảm đương đầu với sự thật. Đừng dối trá, quanh co, hay dùng thủ đoạn để bôi lọ, bắt bớ, hay tiêu diệt những người dám nói và sống cho sự thật.
- Nếu chúng ta biết khiêm nhường chấp nhận sự thật Thiên Chúa dạy và thay đổi lối sống theo đường lối Ngài vạch sẵn, chúng ta sẽ bảo đảm được hạnh phúc và bình an cả đời này và đời sau. Nếu chúng ta cứ ngoan cố trong tư tưởng và đường lối của con người, chúng ta chắc chắn sẽ phải trả giá; vì chẳng có gì bí mật mà không bị phơi bày ra ánh sáng.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- Viết bởi Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
ƠN GỌI & SỨ MẠNG CỦA KITÔ HỮU
CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN NĂM B (15/07/2012)
[Am 7,1215; Ep 1,314; Mc 6,713]
I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Một trong những nét son của Công Đồng Vatican II là đã khẳng định và nêu cao
phẩm giá và địa vị cao trọng của mọi Kitô hữu. Thật ra giáo huấn của Công Đồng
cũng chỉ là phản ánh của Lời Chúa trong Thánh Kinh mà thôi. Vì thế chúng ta chẳng
những có thể khẳng định với Thánh Giêrônimô rằng: "Không biết Thánh Kinh là
không biết Chúa Kitô" mà còn có thể công bố: "Không biết Thánh Kinh là không
biết chính mình chúng ta nữa!" có nghĩa là không biết phẩm giá và địa vị cao trọng
của chúng ta cũng như trách nhiệm cao cả và nặng nề của chúng ta.
Lời Chúa trong ba bài Sách Thánh Chúa Nhật 15 Thường Niên Năm B là một trong
nhiều ví dụ về điều vừa nói trên. Chúng ta hãy chăm chú nghe/đọc/suy nghĩ và cầu
nguyện với những đoạn Thánh Kinh mà Giáo hội chọn cho Phụng vụ Lời Chúa hôm
nay, để được đổi mới trong nhận thức và hành động!
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI SÁCH THÁNH
2.1 Trong bài đọc 1 (Am 7,1215): Xung đột với Amátgia. Ông Amốt bị trục
xuất khỏi Bết Ên.
12 Bấy giờ Amátgia nói với ông Amốt: "Này thầy chiêm ơi, mau chạy về đất Giu
đa, về đó mà kiếm ăn, về đó mà tuyên sấm! 13 Nhưng ở Bết Ên này, đừng có hòng
nói tiên tri nữa, vì đây là thánh điện của quân vương, đây là đền thờ của vương
triều." 14 Ông Amốt trả lời ông Amátgia: "Tôi không phải là ngôn sứ, cũng chẳng
phải là người thuộc nhóm ngôn sứ. Tôi chỉ là người chăn nuôi xúc vật và chăm sóc
cây sung. 15 Chính Đức Chúa đã bắt lấy tôi khi tôi đi theo sau đàn vật, và Đức Chúa
đã truyền cho tôi: "Hãy đi tuyên sấm cho Ítraen dân Ta."
2.2 Trong bài đọc 2 (Ep 1,314): Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.
3 Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Đức
Kitô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của
Thánh Thần. 4 Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để
trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của
Người. 5 Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm
nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô, 6 để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng
Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu. 7 Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh
Tử đổ ra chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong
phú của Người. 8Ân sủng này, Thiên Chúa đã rộng ban cho ta cùng với tất cả sự
khôn ngoan thông hiểu. 9 Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là
kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Kitô. 10 Đó là đưa thời gian
tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức
Kitô. Cũng trong Đức Kitô, 11 Thiên Chúa là Đấng làm nên mọi sự theo quyết định
và ý muốn của Người, đã tiền định cho chúng tôi đây làm cơ nghiệp riêng theo kế
hoạch của Người, 12 để chúng tôi là những người đầu tiên đặt hy vọng vào Đức Kitô,
chúng tôi ngợi khen vinh quang Người. 13 Trong Đức Kitô, cả anh em nữa anh
em đã được nghe lời chân lý là Tin Mừng cứu độ anh em; vẫn trong Đức Kitô, một
khi đã tin, anh em được đóng ấn Thánh Thần, Đấng Thiên Chúa đã hứa. 14 Thánh
Thần là bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta, chờ ngày dân riêng của Thiên
Chúa được cứu chuộc, để ngợi khen vinh quang Thiên Chúa.
2.3 Trong bài Tin Mừng (Mc 6,713): Đức Giêsu sai Nhóm Mười Hai đi giảng.
7 Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban
cho các ông quyền trừ quỷ. 8 Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi
đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng;
9 được đi dép, nhưng không được mặc hai áo. 10 Người bảo các ông: "Bất cứ ở đâu,
khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi. 11 Còn nơi nào người ta
không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản
đối họ." 12 Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. 13 Các ông trừ
được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VA SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN TRONG BA BÀI
SÁCH THÁNH
3.1 Chân Dung của Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?) 3.1.1 Trong bài đọc 1 (Am 7,1215) nhờ lời giảng giải của ngôn sứ Amốt với tư tế
Amátgia mà chúng ta biết được tại sao Amốt trở thành ngôn sứ: Chính Thiên
Chúa đã chọn ông và có thể nói là "đã cưỡng bức" ông nói lời sấm ngôn cho dân
Ítraen, chứ bản thân ông không hề muốn làm công việc ấy chút nào. Amốt không
muốn làm ngôn sứ, có lẽ vì ông biết rõ mình không có tài ăn nói trước công chúng
và quan quyền. Cũng có thể vì ông sợ bị chống đối và bách hại. Nhưng ngôn sứ A mốt đã hoàn thành nhiệm vụ và trở thành nổi tiếng trong hàng ngũ các ngôn sứ, vì
các sấm ngôn của ông "mang tính phê phán xã hội" (prophétisme critique) tức lên
án những tình trạng bất công trong xã hội: kẻ giầu sang, quyền thế bóc lột và áp bức
người nghèo hèn.
Qua ngôn sứ Amốt và các sấm ngôn của ông chúng ta khám phá ra một Đấng Thiên
Chúa đặc biệt quan tâm và yêu thương người nghèo đến độ đứng về phía họ, bênh
vực họ chống lại mọi áp bức, bóc lột từ những người có quyền chức. Đúng là "Thiên
Chúa đứng về Phe Tả" như tựa đề của cuốn sách mà Giám mục Luigi Bettazzi
(Italia) đã viết cách đây mấy chục năm. 3.1.2 Trong bài đọc 2 (Ep 1,314), là một đoạn thư của Thánh Phaolô gửi cho các
tín hữu Êphêxô, Thánh Tông đồ nói về ơn gọi làm con và bao hồng ân cao quí
khác mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta trong Đức Kitô. Cùng với ơn làm nghĩa
tử cao quí ấy, chúng ta còn được ơn nghe biết Tin Mừng Cứu độ và được Thánh
Thần in dấu ấn để chúng ta được đảm bảo phần gia nghiệp của Thiên Chúa hứa ban
cho dân riêng của Người.
Qua đoạn Thánh Thư này, chúng ta khám phá ra một Đấng Thiên Chúa vô cùng
quảng đại và yêu thương đối với nhân loại nói chung và đối với các Kitô hữu nói
riêng vì Người đã ban muôn vàn hồng ân cao quý cho chúng ta qua và nơi Con Một
yêu dấu của Người là Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta!
3.1.3 Trong bài Tin Mừng (Mc 6,713) Thánh Máccô tường thuật việc Chúa Giê su sai Mười Hai Môn Đệ (Tông Đồ) đi rao giảng Tin Mừng, trừ quỉ và chữa lành
những người đau ốm bệnh tật và bị các thần ô uế ám hại. Các Môn Đệ còn được
Chúa Giêsu căn dặn tỉ mỉ là trong khi đi truyền giáo thì họ chỉ cậy dựa vào một
mình Thiên Chúa mà thôi, chứ không được cậy dựa vào một sức mạnh nào khác
(được biểu tượng bằng một hành trang nghèo nàn). Người còn căn dặn các ông về
cách ứng xử với mọi người khi được tiếp đón cũng như khi bị từ chối. Vâng theo chỉ
thị của Thầy, các Tông Đồ gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp trong khi thi hành sứ
vụ Chúa Giêsu trao phó.
Nhờ đoạn Phúc Âm này, chúng ta khám phá ra Chúa Giêsu là Đấng giao phó sứ
mạng rao giảng Tin Mừng và chữa lành cho các môn đệ. Sứ mạng này Người đã
nhận được từ Chúa Cha và nay Người giao lại cho tất cả các môn đệ, trong đó có
chúng ta. Để thực hiện thành công sứ mạng được giao, các môn đệ và chúng ta phải
biết cậy trông vào Chúa và chỉ cậy trông vào một mình Chúa mà thôi.
3.2 Sứ điệp của Lời Chúa (Thiên Chúa muốn chúng ta làm gì?) Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là:
Vì Tình Yêu "nhưng không và quảng đại",
Thiên Chúa và Chúa Giêsu Kitô đã ban tặng và giao phó cho chúng ta
ơn gọi và sứ mạng làm con Thiên Chúa, ơn gọi và sứ mạng làm ngôn sứ của Người, tức làm người nói Lời Thiên Chúa, rao
giảng Tin Mừng của Thiên Chúa cho người trần thế. IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA LỜI CHÚA
4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng đã vì yêu thương loài người mà dùng ngôn sứ Amốt
làm phát ngôn viên nói lời Thiên Chúa và đã sai các môn đệ đi rao giảng Tin
Mừng Cứu Độ mà Chúa Giêsu Kitô đã đem tới cho nhân loại. 4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa
Để thực thi sứ điệp của Lời Chúa hôm nay mỗi người/nhóm/cộng đoàn Kitô hữu
phải:
* Trước hết là ý thức tầm quan trọng của ơn gọi và sứ mạng của mình: Đó là ơn gọi
và sứ mạng được làm con Thiên Chúa, được làm kẻ nói Lời Thiên Chúa (như ngôn
sứ Amốt), và làm người người rao giảng và chữa lành (như các Tông đồ). * Kế đến là tìm mọi cách thể hiện và thực thi ơn gọi và sứ mạng cao trọng ấy trong
gia đình và ngoài xã hội. [Xin tự hỏi và trả lời trung thực trước mặt Chúa và trước lương tâm của mình:
Hằng ngày tôi làm những gì, tôi sống như thế nào để thể hiện ơn gọi làm con Thiên
Chúa?
Hằng ngày tôi làm những gì để nói Lời Thiên Chúa? để rao giảng Tin Mừng Cứu độ
của Thiên Chúa cho những người tôi gặp?]
V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý: ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý
thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ
bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]
5.1 «Chính Đức Chúa đã bắt lấy tôi khi tôi đi theo sau đàn vật, và Đức Chúa đã
truyền cho tôi: "Hãy đi tuyên sấm cho Ítraen dân Ta.» Chúng ta hiệp lời cầu
nguyện cho thề giới và Giáo hội Công giáo thời nay có được những ngôn sứ can
đảm và kiên cường như Amốt để thức tỉnh lương tâm những người đang ngủ mê
trong danh vọng, quyền lực và của cải bất chính và bất lương.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.2 «Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một.» Chúng
ta hiệp lời cầu nguyện cách đặc biệt cho Đức Thánh Cha Phanxicô, cho các Đức
Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục, cho các Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam
Nữ, để với ơn Chúa trợ giúp, các ngài chu toàn sứ mạng được Thiên Chúa sai đến
với mọi người, nhất là đến với những người nghèo và bị bỏ rơi hơn cả. Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.3 «Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra chúng ta được cứu chuộc, được
thứ tha tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong phú của Người.» Chúng ta hiệp lời
cầu nguyện cho giáo dân của giáo xứ chúng ta, để mọi người biết cảm tạ ngợi khen
và chúc tụng Thiên Chúa là Đấng vừa giầu có vừa hào phóng mà ban muôn vàn ơn,
nhất là ơn làm con Thiên Chúa, ơn làm ngôn sứ và làm tông đồ rao giảng Tin Mừng
Cứu Độ. Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.4 «Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy;
không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; được đi dép, nhưng
không được mặc hai áo.» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho các chiến sĩ truyền giáo
trên mọi nẻo đường thế giới hôm nay để họ cảm nghiệm được sức mạnh của Thiên
Chúa mà vững lòng tin cậy mà ra đi thi hành mệnh lệnh của Thiên Chúa. Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.
- Viết bởi Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Chúa Nhật 15 Thường Niên, Năm B
Bài đọc: Amo 7:12-15; Eph 1:2-14; Mk 6:7-13.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Ơn gọi của con người qua Đức Kitô.
Con người thiển cận thường cho tất cả những gì mình có được là do sức cố gắng và tài năng của mình; nhưng nếu họ chịu suy nghĩ và có cái nhìn bao quát hơn, họ sẽ nhận ra tất cả đều là hồng ân của Thiên Chúa. Khi con người nhìn ra điều đó, con người sẽ biết ơn Thiên Chúa, và sẽ cố gắng làm mọi cách để rao truyền tình yêu của Thiên Chúa, để mọi người đều tin Ngài.
Các Bài Đọc hôm nay giúp con người nhận ra tất cả những gì họ sở hữu đều là hồng ân của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, khi bị Amaziah ngăn cản và không cho nói tiên tri tại vương quốc Israel, Amos đã thẳng thắn trả lời: Ông không lựa chọn để trở thành ngôn sứ; nhưng Thiên Chúa đã chọn và sai ông đi để nói những gì Ngài muốn nói. Trong Bài Đọc II, tác giả Thư Ephesô nêu lên tất cả những hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho con người qua Đức Giêsu Kitô. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu lựa chọn Nhóm Mười Hai để huấn luyện, ban quyền, và sai các ông đi để rao giảng Tin Mừng và chữa lành mọi vết thương hồn xác.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa chọn lựa ông Amos và sai đi tuyên sấm.
1.1/ Phản ứng của Amaziah: Tiên-tri Amos sinh ở Tekoa, một làng thuộc vương quốc Judah ở miền Nam; nhưng Thiên Chúa lại sai ông đi thi hành sứ vụ tiên tri tại vương quốc Israel, miền Bắc. Ông sống trong một giai đoạn rất khó khăn của lịch sử Israel (721 BC), vì dân chúng quay lưng lại với Thiên Chúa, để chạy theo các thần ngoại bang; thêm vào đó, các vua quan toa rập nhau để ức hiếp dân nghèo, và tiếng kêu cứu của họ đã vang lên tới Thiên Chúa. Amos không sợ bất cứ một thế lực nào của vua quan, ông can đảm tố cáo những điều họ đã xúc phạm tới Ngài, và tuyên sấm mất nước và lưu đày sẽ xảy ra nếu họ không biết ăn năn trở lại. Đó là lý do tại sao Amaziah khinh thường và xua đuổi ông Amos trong trình thuật hôm nay: "Này thầy ngôn sứ ơi, mau chạy về đất Judah, về đó mà kiếm ăn, về đó mà tuyên sấm! Nhưng ở Bethel này, đừng có hòng nói tiên tri nữa, vì đây là thánh điện của quân vương, đây là đền thờ của vương triều."
1.2/ Phản ứng của Amos: Ông Amos trả lời ông Amaziah: "Tôi không phải là ngôn sứ, cũng chẳng phải là người thuộc nhóm ngôn sứ. Tôi chỉ là người chăn nuôi súc vật và chăm sóc cây sung. Chính Đức Chúa đã bắt lấy tôi khi tôi đi theo sau đàn vật, và Đức Chúa đã truyền cho tôi: "Hãy đi tuyên sấm cho Israel dân Ta."" Hai điều nổi bật Amos muốn đề cập tới ở đây:
(1) Ông được Thiên Chúa bắt đi khi ông đang làm việc, chứ chính ông không tình nguyện để đi tuyên sấm.
(2) Ông không lợi dụng danh nghĩa ngôn sứ để kiếm lợi nhuận vật chất như Amaziah buộc tội, vì ông đang có việc làm để sinh sống.
2/ Bài đọc II: Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ.
2.1/ Nhận ra hồng ân của Thiên Chúa: Trong phần đầu của trình thuật hôm nay, thánh Phaolô muốn các tín hữu Ephesô nhận ra tất cả những ơn lành Thiên Chúa đã ban cho họ qua Đức Kitô: "Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu." Đây là một đoạn văn chứa nhiều tư tưởng mặc khải, chúng ta cần suy tư từng chi tiết để hiểu những gì Thiên Chúa đã làm cho con người:
(1) Cho chúng ta có mặt trong cuộc đời: "Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ." Thánh Gioan nói rõ hơn: "Tất cả đều nhờ Người mà được tạo thành; không có Người, chẳng có chi được tạo thành" (Jn 1:3).
(2) Cho chúng ta biết Đức Kitô: Thiên Chúa quan phòng cho con người được gặp gỡ Đức Kitô, cách trực tiếp khi Ngài xuống trần hay cách thiêng liêng qua việc rao giảng Tin Mừng; không những thế, Ngài còn gởi Thánh Thần vào tâm hồn con người để soi sáng cho con người hiểu những gì Đức Kitô nói và thúc đẩy con người tin vào Đức Kitô. Thánh Phaolô xác quyết: "Không ai có thể tin Đức Kitô nếu không do Thánh Thần của Thiên Chúa tác động" (I Cor 12:3).
(3) Cho chúng ta trở thành nghĩa tử nhờ niềm tin vào Đức Kitô: "Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa" (Jn 1:12).
(4) Cho chúng ta nhận ra hồng ân và ngợi khen Thiên Chúa: "Để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu."
(5) Cho chúng ta trở nên tinh tuyền thánh thiện: Với sự rửa sạch của Đức Kitô và sự thánh hóa của Chúa Thánh Thần, con người có thể trở nên tinh tuyền thánh thiện, xứng đáng là những nghĩa tử của Thiên Chúa, những môn đệ giống như Đức Kitô.
(6) Cho chúng ta sạch khỏi mọi tội lỗi: "Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong phú của Người."
(7) Cho chúng ta thấu hiểu sự khôn ngoan của Thiên Chúa: "Ân sủng này, Thiên Chúa đã rộng ban cho ta cùng với tất cả sự khôn ngoan thông hiểu." Nếu con người chịu học hỏi Kinh Thánh, họ sẽ không thiếu bất kỳ sự khôn ngoan nào cần thiết cho cuộc đời.
(8) Cho chúng ta thấu hiểu Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa được thực hiện qua Đức Kitô: "Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Kitô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô."
Hiểu như thế, tất cả những gì chúng ta có được, đều là hồng ân của Thiên Chúa. Chúng ta không được kiêu hãnh coi những điều tốt lành chúng ta đang sở hữu là của mình, nhưng phải biết sấp mình xuống và cám ơn tình yêu bao la Thiên Chúa đã dành cho chúng ta.
2.2/ Ơn gọi làm ngôn sứ để rao giảng Tin Mừng: Sau khi đã nhận ra tình yêu Thiên Chúa, con người có bổn phận loan truyền tình yêu này cho mọi người. Phaolô không những ý thức được ơn gọi rao giảng Tin Mừng mà Đức Kitô đã trao cho ông, nhưng còn là của mọi tín hữu.
(1) Của Phaolô: "Cũng trong Đức Kitô, Thiên Chúa là Đấng làm nên mọi sự theo quyết định và ý muốn của Người, đã tiền định cho chúng tôi đây làm cơ nghiệp riêng theo kế hoạch của Người, để chúng tôi là những người đầu tiên đặt hy vọng vào Đức Kitô, chúng tôi ngợi khen vinh quang Người." Khi Phaolô đã thấu hiểu những điều Thiên Chúa đã làm cho ông qua Đức Kitô, ông dùng cả cuộc đời để ngợi khen Thiên Chúa. Ngay cả việc sai Phaolô đi để rao giảng Tin Mừng cũng bắt nguồn từ Đức Kitô. Ngài sai ông đi để rao giảng Tin Mừng, làm cho mọi người hiểu biết và tin vào Đức Kitô để nhận được những hông ân Thiên Chúa ban qua Đức Kitô.
(2) Của mọi tín hữu: "Trong Đức Kitô, cả anh em nữa anh em đã được nghe lời chân lý là Tin Mừng cứu độ anh em; vẫn trong Đức Kitô, một khi đã tin, anh em được đóng ấn Thánh Thần, Đấng Thiên Chúa đã hứa. Thánh Thần là bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta, chờ ngày dân riêng của Thiên Chúa được cứu chuộc, để ngợi khen vinh quang Thiên Chúa." Các tín hữu sau khi đã chịu Phép Rửa cũng có bổn phận phải ra đi rao giảng Tin Mừng, làm cho mọi người nhận biết và tin vào Đức Kitô.
3/ Phúc Âm: Chúa Giêsu gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một.
3.1/ Chúa Giêsu sai các Tông-đồ đi rao giảng Tin Mừng: "Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỷ. Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo." Hai tư tưởng nổi bật trong đoạn văn này:
(1) Chúa Giêsu gọi, dạy dỗ, ban quyền, và sai các tông-đồ đi rao giảng Tin Mừng, chứ các ông không tình nguyện theo Ngài trước. Khi các môn đệ rao giảng, các ông rao giảng Tin Mừng các ông đã nghe được nơi Đức Kitô, chứ không phải những gì của các ông. Sức mạnh chữa lành và sự khôn ngoan đến từ Thiên Chúa, chứ không phải đến từ các ông.
(2) Rao giảng Tin Mừng là bổn phận chính yếu các môn đệ phải thi hành, chứ không phải là bất kỳ bổn phận nào khác. Để chu toàn bổn phận này, Chúa Giêsu biết người môn đệ phải sống một cuộc đời đơn giản: càng ít lệ thuộc vào vật chất bao nhiêu càng tốt; vì Ngài biết khi người môn đệ bắt đầu lệ thuộc quá nhiều vào vật chất, người môn đệ sẽ xao lãng bổn phận rao giảng Tin Mừng
3.2/ Ơn gọi rao giảng Tin Mừng: Hai điều quan trọng các môn đệ cần biết khi rao giảng:
(1) Khán giả có thể tiếp nhận hay từ chối các sứ giả loan báo Tin Mừng: Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ chuẩn bị điều này, khi Người dặn các ông: "Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi. Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ."
Con người được Thiên Chúa ban cho có tự do để nhận ra và tin vào sự thật, Ngài không ép buộc con người phải tin những gì họ không muốn. Các môn đệ cũng thế, họ không thể ép buộc khán giả tin những gì họ không muốn tin. Điều các môn đệ có thể làm được là trình bày sự thật và những lợi ích do việc sống theo sự thật mang lại, với hy vọng con người sẽ nhận ra và tin theo. Nếu họ từ chối không chấp nhận sự thật, các môn đệ cũng đừng buồn, vì có nhiều lý do khiến con người từ chối chấp nhận sự thật, như đã từng xảy ra với khán giả của Chúa Giêsu.
(2) Mục tiêu của việc rao giảng là "kêu gọi người ta ăn năn sám hối." Khi người môn đệ rao giảng Tin Mừng, người môn đệ phải giúp khán giả nhận ra tình yêu Thiên Chúa và những lầm lỗi của họ đã quay lưng lại với tình yêu này, để họ ăn năn trở lại với tình thương Thiên Chúa; chứ không phải là lúc giải trí, làm cho con người thư giãn sau những giờ phút làm ăn mệt nhọc, cũng không phải là lúc để người môn đệ quảng cáo sự khôn ngoan hiểu rộng của mình.
Các quyền trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm, và chữa họ khỏi bệnh là từ Đức Kitô ban cho các môn đệ để khán giả tin vào những lời các ông rao giảng. Hiểu như thế, các việc này chỉ là phương tiện; chứ không bao giờ có thể thay thế việc rao giảng Tin Mừng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Tất cả những gì chúng ta đang có được là do bởi tình yêu Thiên Chúa. Chúng ta đừng bao giờ kiêu hãnh để khinh thường người khác; nhưng phải biết cảm tạ Thiên Chúa, sống cuộc đời tốt lành thánh thiện, và biết loan truyền Tin Mừng đến mọi người.
- Rao giảng Tin Mừng là bổn phận quan trọng hàng đầu Đức Kitô trao cho chúng ta là những môn đệ của Ngài. Khi rao giảng Tin Mừng chúng ta loan báo những gì Ngài dạy dỗ chúng ta, và làm sao để muôn dân tin yêu Ngài.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
- 11/7 Sự thật sẽ toàn thắng
- 10/7 Phải trung kiên tới cùng mới được cứu thoát
- 09/7 Phải thực hiện thánh ý Thiên Chúa trong các biến cố của cuộc đời
- 08/7 Nhận ra sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa
- 07/7 Thiên Chúa kiên trì cứu độ con người
- 06/7 Thiên Chúa quan tâm đến cuộc sống con người
- 05/7 Nhận ra sứ giả của Thiên Chúa
- 05/7 Những điều ngăn cản con người không nhìn ra sự thật
- 04/7 Sự quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa
- 03/7 Phúc cho những ai tuy không thấy mà tin