Dân Chúa Âu Châu

Thứ Hai Tuần 10 TN1, Năm B

Bài đọc: 2 Cor 1:1-7; Mt 5:1-12.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Nghịch lý giữa Thiên Chúa và con người.

Con người đi tìm vinh quang sang giầu, Chúa dạy: Phúc cho những ai có tâm hồn nghèo khó. Con người dùng mọi khôn ngoan mánh lới để vượt khỏi người khác, Chúa dạy: Phúc cho những ai hiền lành. Con người trốn tránh đau khổ và dùng mọi cách để thoát khỏi buồn sầu, Chúa dạy: Phúc cho những ai sầu khổ.

Bay mối phúc là những điều dạy của một nhà cách mạng trên tất cả các nhà cách mạng; chúng là một thách đố lớn lao cho những ai tin vào Chúa Giêsu. Phải chăng Chúa Giêsu quá lý tưởng? Phải chăng những lời dạy của Chúa Giêsu cung cấp cơ hội cho những nhà tư bản bóc lột dân nghèo và để cho những bất công xã hội tha hồ xảy ra? Hai ví dụ giúp chúng ta nhận định vấn đề: (1) Mẹ Têrêxa, tuy có rất nhiều người ngưỡng mộ, nhưng cũng có nhiều người chỉ trích là lấy của nhà giàu bóc lột người nghèo để giúp đỡ người nghèo. Tại sao Mẹ không lên tiếng chống bất công và cải tổ xã hội để đừng có hai giai cấp giầu và nghèo nữa? Một phản ứng như thế sẽ trị tuyệt gốc sự phân chia giữa gai giai cấp và loại bỏ các bất công xã hội! (2) Chúa Giêsu, tuy có dư uy quyền để đáp ứng nguyện vọng của người Do-thái trông đợi nơi Đấng Thiên Sai; nhưng lại chọn làm một Đấng Thiên Sai hiền lành và đau khổ để chuộc tội cho con người! Ma quỉ đã từng cám dỗ Ngài trong sa mạc hãy làm những điều mà con người khao khát: Hãy biến đá thành bánh ăn! Hãy làm phép lạ như gieo mình xuống vực thẳm! Hãy cho con người những vinh quang sang giầu! Nếu Ngài làm như thế, con người sẽ tin vào Ngài. Chúng ta có bao giờ tự hỏi: Nếu Chúa Giêsu làm như thế, có bao nhiêu người tin Chúa đến bây giờ?

Các Bài Đọc hôm nay cung cấp cho chúng ta những chất liệu để suy tư. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô cho chúng ta hai lý do để chịu đựng đau khổ: để được Thiên Chúa an ủi, và để chúng ta an ủi những ai cần được chúng ta an ủi. Trong Phúc Âm thánh Mathew, Chúa Giêsu cho con người biết Tám Mối Phúc trong cuộc đời; những điều này hoàn toàn ngược lại với những gì mà con người thường hay suy nghĩ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Tại sao con người phải chịu đựng gian khổ.

1.1/ Chịu đựng gian khổ là cho hai mục đích: Sau khi chào thăm các tín hữu ở Corintô, thánh Phaolô tuyên xưng: "Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an." Tại sao một Thiên Chúa uy quyền và giàu lòng thương xót như thế, đã không ban cho con cái những gì họ ưa thích; lại còn bắt họ phải trải qua những gian nan, thử thách, đau khổ? Thánh Phaolô liệt kê hai lý do chính:

(1) Để Thiên Chúa có cơ hội nâng đỡ và ủi an chúng ta: Một điều trước tiên chúng ta cần hiểu rõ: Thiên Chúa không ác tâm đến độ bắt con người chịu gian khổ để Ngài có cơ hội an ủi con người; nhưng Ngài để những gian khổ xảy ra vì những thay đổi trong trời đất hay vì sự lạm dụng tự do của con người. Thứ đến, không có điều gì quan trọng hơn trong cuộc đời cho bằng mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa: Phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự; và đau khổ là cơ hội hết sức thuận tiện để con người phát triển mối liên hệ này. Thánh Phaolô quả quyết: "Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách." Tình yêu thường phát triển trong hoàn cảnh túng thiếu và đau khổ; và rất ít khi phát triển lúc con người sung sướng hạnh phúc.

(2) Để chúng ta biết nâng đỡ và ủi an nhau: Điều răn thứ hai là yêu người: Đau khổ không những giúp chúng ta phát triển mối liên hệ với Thiên Chúa, mà còn chuẩn bị cho chúng ta có cơ hội yêu tha nhân như thánh Phaolô nói: "để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó." Tục ngữ Việt-nam có câu "Có đau mắt thì mới biết thương người mù." Câu này có ý muốn nói mặc dù ai bị đau mắt, người ấy sẽ cảm thấy rất khó chịu; nhưng không thể so sánh với người bị mù, vì họ hoàn toàn quờ quạng trong đêm tối. Cũng thế, khi chúng ta đã trải qua những gian nan thử thách; ví dụ: đói khát, chúng ta biết phải đau khổ thế nào; vì thế, khi chúng ta nhìn thấy một người mẹ bồng con ăn xin, chúng ta dễ thông cảm và giúp đỡ cho mẹ con bà.

1.2/ Thánh Phaolô chịu đựng gian khổ cho các tín hữu ở Corintô: Cuộc đời thánh Phaolô là một ví dụ tuyệt vời để dẫn chứng lý do tại sao Chúa để cho con người chịu đau khổ. Trước khi trở lại, Phaolô là một người nhiệt thành đến độ quá khích: Ngài không dung thứ cho những ai sống ngược lại với Lề Luật và truyền thống. Sau biến cố trên đường đi Damascus, Phaolô đã dần dần thay đổi hoàn toàn, vì Chúa Giêsu muốn Phaolô chịu đau khổ cho việc rao giảng và bành trướng Tin Mừng. Phaolô phải chịu nhiều hiểu lầm, đánh đòn, bắt bớ, tù đày... nhưng thánh nhân vẫn can đảm tiến tới, vì Chúa Giêsu luôn đồng hành và an ủi Ngài. Những điều này giúp Phaolô nhận ra tình thương của Thiên Chúa và giúp ngài đại lượng hơn trong việc giảng dạy và giúp đỡ các tín hữu.

2/ Phúc Âm: Bay mối phúc thật

2.1/ "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ." Đây là một lời dạy không dễ hiểu, chúng ta cần xem xét bằng những ví dụ thực tế để hiểu Chúa Giêsu thực sự muốn nói gì: Nghèo khó là có phúc? Người nghèo khó không đủ của ăn nên sinh tật ăn cắp làm ô danh Chúa? Người nghèo khó quá đay nghiến Thiên Chúa vì đã bỏ rơi mình? Nhiều người ví sống trong nghèo khó, thiếu thốn như là sống trong hỏa ngục! Ngược lại, có phải giàu có là vô phúc? Người giàu có lấy của Thiên Chúa ban để giúp cho việc mở mang Nước Chúa như bà Lydia giúp Phaolô có nơi ăn ở để rao giảng Tin Mừng?

Nói chung, nghèo khó giúp con người biết trông cậy nơi Thiên Chúa, giàu có làm con người tin tưởng nơi quyền năng và sức lực của mình, nên dễ bỏ quên Thiên Chúa. Khi con người đã có đầy đủ mọi sự trên trần gian, họ sẽ không màng tới việc tìm kiếm Nước Trời; trong khi những người nghèo có hoàn cảnh thuận tiện hơn để tìm Nước Trời và tin tưởng nơi Thiên Chúa.Ví dụ: Ở Việt-nam, các nhà thờ lúc nào cũng đầy người; họ vẫn sống và có thời giờ cho Thiên Chúa, tuy rằng họ nghèo khó. Bên Âu Mỹ, các nhà thờ chỉ còn lại những người già; họ lo kiếm tiền cho cuộc sống đến nỗi không còn giờ cho Thiên Chúa. Ở Việt-nam, ơn gọi làm tu sĩ và linh mục nhiều đến nỗi các chủng viện và dòng tu không có chỗ để nhận; bên Âu Mỹ, ơn gọi làm linh mục và tu sĩ khan hiếm đến độ các dòng tu phải đóng cửa, và hầu hết các dòng tu và giáo phận phải qua Việt-nam hay Phi Châu để tuyển mộ ơn gọi.

2.2/ "Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an." Một vị thánh đã nói: Thiên Chúa thương ai càng nhiều, Ngài càng gởi nhiều đau khổ đến cho người ấy. Vì thế, chẳng thà chịu đau khổ để được Thiên Chúa an ủi yêu thương; hơn là sống trong hạnh phúc mà không cảm nhận được tình thương Thiên Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Của cải của chúng ta ở đâu, lòng trí của chúng ta sẽ ở đó. Nếu Nước Trời là kho tàng mà chúng ta ước ao, chúng ta hãy sống theo Mối Phúc Thứ Nhất như Chúa Giêsu dạy.

- Chúa thương ai càng nhiều, Ngài càng gởi nhiều đau khổ cho kẻ ấy; vì họ sẽ được Ngài an ủi, và họ sẽ biết ủi an những ai đồng cảnh ngộ. Nếu chúng ta mong được mến Chúa yêu người, đừng kêu ca khi Chúa gởi đau khổ tới như Mối Phúc Thứ Ba mà Chúa dạy.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP