Dân Chúa Âu Châu

Bác sĩ Nha khoa Anne-Marie Hoà Nguyễn chuyên trị bệnh nướu răng và đặt implant (Periodontology & Implantology) tốt nghiệp Baylor College of Dentistry năm 1990, có bằng Master of Science về phân khoa nướu răng tại University of Texas - San Antonio năm 1996 và Board Certified bởi Hội American Board of Periodontology năm 1997, hiện đang hành nghề ở vùng Tây Nam (Southwest) Houston. Nếu có những thắc mắc liên quan tới nha khoa, xin liên lạc hoặc gửi thư về địa chỉ văn phòng 6666 Harwin Drive, Suite 650, Houston, Texas 77036. ĐT: 713.917.0907.

Copyright (c) 2011 Anne-Marie H Nguyễn, DDS, MS.

Mùa Thu 2010, tôi có dịp vào bệnh viện thăm một bệnh nhân bị ung thư phổi. Khi tới nơi, tôi thấy cơ thể của ông chỉ còn có da bọc xương và ông cố gắng níu lấy sự sống qua từng hơi thở khò khè và khó nhọc. Người vợ đứng bên cạnh âu yếm vuốt tóc và ngực của chồng như đang cố giúp và hỗ trợ tinh thần cho ông. Thỉnh thoảng bà vợ lại nhỏ vài giọt nước vào miệng của bệnh nhân cho đỡ khát. Tôi không thể nào cầm được nước mắt khi nhìn thấy cảnh vợ chồng họ sắp phải xa lìa nhau. Sau khi tôi ra về, 2 giờ sau thì ông đã trút hơi thở cuối cùng trong tay người vợ.

Tôi biết khi còn sống, ông ta hút thuốc lá rất nhiều. Khi biết mình đã mắc bệnh ung thư phổi và đã trải qua thời gian giải phẫu và trị liệu, lúc đó ông mới quyết tâm bỏ thuốc lá. Nhưng đã quá muộn màng!

Tôi luôn thắc mắc và tự hỏi: Tại sao người ta lại tìm tới điếu thuốc để giải sầu, để giảm căng thẳng và tìm nguồn vui trong làn khói trắng!? Cho dù có hàng trăm ngàn bài viết nói về tác hại của thuốc lá, nhưng "chứng nào tật đó" là vẫn "nhớ ai như nhớ thuốc lào, đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên". Thật khó khăn đến thế nào trong việc cai nghiện thuốc lá!

Tôi nhận thấy có rất ít bài viết bằng tiếng Việt nói về tác hại của thuốc lá trong khoang miệng và đường khí quản. Vì quan tâm và muốn xây dựng một môi trường trong lành cho chính bản thân, cho gia đình, cộng đồng và xã hội, bài viết này xin gửi tặng quí độc giả, nhất là những ai vẫn còn "vương vấn" với thuốc lá, để chúng ta cùng hiểu rõ thêm tác hại của điếu thuốc qua khoang miệng và đường khí quản trong cơ thể của con người.

BẠN CẦN BIẾT

Theo thống kê, ở Mỹ mỗi ngày có hơn 1,000 người chết vì những bệnh gây ra do hút thuốc (khoảng 400,000 người mỗi năm). Trung bình mỗi ngày trên thế giới có 10,000 người chết do sử dụng thuốc lá, tương đương với 10 máy bay loại lớn chở khách bị tai nạn mỗi ngày. Số người chết vì thuốc lá nhiều hơn tổng số người chết vì bạch phiến (cocaine), heroin, rượu, tai nạn giao thông, AIDS, tự tử, và bị giết (homicide) cộng lại.

Mỗi năm dân Mỹ tiêu khoảng 170 tỷ đô la để chữa những bệnh do thuốc lá gây ra.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam có 50% nam giới và 3.4% nữ giới hút thuốc lá. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, 10% dân số VN (khoảng 7.5 triệu người) sẽ chết sớm do hút thuốc lá. Cũng theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, tới năm 2020, số người Việt Nam chết do sử dụng thuốc lá sẽ nhiều hơn số người chết do HIV/AIDS, bệnh lao phổi, tai nạn giao thông và tự tử cộng lại!

Trong năm 2010, giá trung bình của một gói thuốc lá ở Hoa Kỳ là $6.00. Với giá này, một người hút 1 gói/ngày sẽ tốn $2,200 mỗi năm và trong vòng 20 năm sẽ tốn khoảng $44,000 cho thuốc lá.

HẬU QUẢ TAI HẠI TRONG KHOANG MIỆNG VÀ HÀM RĂNG

1. Răng bị đổi màu. Một điểm nên nhớ là những người hút thuốc càng lâu thì công việc tẩy răng sẽ càng khó khăn hơn.

2. Hôi miệng - Mùi khói thường tích trữ và tụ đọng trong miệng quyện với những mùi của đồ ăn tạo nên một mùi rất hôi.

3. Bệnh nướu răng. (Xin đọc phần dưới)

4. Mất răng/rụng răng sớm.

5. Ung thư khoang miệng.

6. Giảm thiểu khả năng khứu giác và vị giác.

7. Giảm thiểu sự thành công trong việc chữa trị bệnh nướu răng; vết thương lâu lành

8. Giảm thiểu sự thành công trong việc trồng răng bằng implant.

9. Da mặt có nhiều nếp nhăn: thuốc lá làm tăng tiến trình lão hoá của da. Da mặt sẽ bị đen xạm và xuất hiện những vết nhăn.

TÓM TẮT BỆNH NƯỚU RĂNG

Bệnh nướu răng là căn bệnh gây ảnh hưởng trực tiếp tới nướu răng (gingiva) và những cơ phần bao bọc chân răng như gân dây chằng (periodontal ligament), mạch máu (vascular system), dây thần kinh (nerve) và xương hố răng (alveolar bone).

Nguyên nhân chính của bệnh nướu răng là do một số vi trùng nguy hiểm hiện diện trong vùng nướu răng. Những vi trùng này nằm trong những chất trắng như vôi được gọi là "bựa răng" hoặc "cao răng" (plaque) bám chung quanh chân răng. Nếu để lâu ngày, những chất này sẽ rắn lại và biến thành đá răng (calculus). Số vi trùng ẩn nấp trong cao răng sinh sôi nẩy nở và tiết ra nhiều chất nội độc tố (toxins). Các chất độc này tàn phá những tế bào chung quanh chân răng và xương hàm rồi tạo nên những hố rỗng mỗi ngày một sâu rộng nằm giữa nướu răng và xương hố răng. Lúc này màng nướu sẽ không còn bó sát với chân răng nữa và những hố rỗng ngày càng bị đào sâu và rộng hơn, chứa đựng thêm nhiều thức ăn, cao răng và vi trùng hơn trước. Nếu không được chẩn đoán và chữa trị sớm, bệnh sẽ trở nên trầm trọng hơn và dẫn đến rụng răng.

HÚT THUỐC LÁ VÀ BỆNH NƯỚU RĂNG

- So với những người không hút thuốc, nhiều cuộc khảo cứu cho chúng ta thấy những người hút thuốc sẽ có nhiều vấn đề như:

- Chân răng bị đóng nhiều chất bựa/cao răng hơn.

- Xương hố răng bị mất với một tầng suất cao hơn.

- Bệnh nướu răng trầm trọng hơn.

- Cụ thể nhất đối với những người hút thuốc thì:

- Tình trạng nướu bị tàn phá tăng từ 2.6 đến 6 lần, so với những người không hút thuốc.

- Tình trạng mất xương hố răng tăng 4.7 lần, so với những người chưa từng hút thuốc.

THỐNG KÊ LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC HÚT THUỐC LÁ VÀ BỆNH NƯỚU RĂNG

1. Một cuộc khảo cứu cho thấy những người hút hơn 1.5 gói/ngày thì nguy cơ mắc bệnh nướu răng gấp 6 lần so với những người không hút. Những người hút <0.5 gói/ngày thì nguy cơ chỉ gấp 3 lần.

2. Những người hút thuốc mất răng nhiều hơn so với những người không hút. Theo số liệu của Cơ quan Phòng ngừa Bệnh lý cho biết số người trên 65 tuổi chưa bao giờ hút thuốc thì chỉ có 20% là bị mất răng. Trong khi đó những người trên 65 tuổi đã từng hút thuốc thì có 41.3% bị mất răng.

3. Việc chữa trị bệnh nướu răng cho những người hút thuốc khó thành công hơn so với những người không hút thuốc hoặc đã được cai thuốc. Kết quả thành công trong việc chữa trị không thể nào đoán trước được hoặc có thể không thuận lợi cho những người đang hút thuốc.

4. Việc trồng trụ răng bằng implant dễ thất bại ở những người hút thuốc, vì sự lành vết thương bị cản trở hoặc bị suy nhược.

5. Trong vòng 5 năm sau khi chữa trị nướu răng, những người vẫn còn hút thuốc sẽ mất răng nhiều gấp đôi những người không hút.

TÁC ĐỘNG CỦA THUỐC LÁ TRONG TIẾN TRÌNH CỦA BỆNH NƯỚU RĂNG

1. Chất cao trong miệng

Chất bựa chứa đựng những hoá chất có trong điếu thuốc và nội độc tố (endotoxin) tiết ra bởi vi trùng. Bựa răng bám chặt một cách lì lợm vào cạnh răng làm đổi màu răng. Sự hiện diện của chất cao cũng sẽ làm cho nướu rất khó bám vào cổ răng và dễ dẫn tới bệnh viêm nướu răng.

2. Vi trùng học [microbiology]

Bệnh nướu răng bắt đầu với việc khám phá ra vi trùng Actinobacillus actinomycetemcomitans (A.a.) và Bacteroides. Nhiều cuộc khảo cứu đã cho chúng ta thấy những người hút thuốc thường có nhiều chất cao bám vào chân răng và chứa đựng nhiều loại vi khuẩn độc hại hơn; số lượng vi trùng A.a. tăng gấp 3.1 lần và vi trùng Bacteroides tăng gấp 2.3 lần. Khi số lượng vi trùng nằm trong xương hố răng ở mức cao, dĩ nhiên lượng chất nội độc tố cũng tăng lên làm cho bệnh nướu răng tiến triển nhanh và trầm trọng hơn.

3. Ảnh hưởng trên hệ tuần hoàn máu

Chất Carbon Monoxide (CO) trong điếu thuốc lá sẽ làm tăng lượng CO trong máu và làm giảm hiệu lực của hệ tuần hoàn máu (hemoglobin exchange system).

Trong khi nướu răng đang bị tấn công bởi những độc tố và vi trùng, cơ thể con người rất cần những kháng thể (antibodies) đến những nơi này để giải vây, nhưng nếu hệ tuần hoàn máu bị gián đoạn thì kháng thể sẽ không đến được; do đó những chỗ đang bị nhiễm trùng rất khó có thể tự hồi phục.

4. Ảnh hưởng trên những hạch bài tiết [exocrine gland]

Hút thuốc dẫn tới sự giảm thiểu khối lượng nước miếng (decreased salivary output). Nước miếng có rất nhiều công dụng, chẳng hạn như có tính kháng khuẩn (antibacterial), kháng siêu vi trùng (antivirus), kháng trị nấm (antifungal), chất lượng dung hoà (buffering capacity), và tẩy sạch khoang miệng (mechanical cleansing of the oral cavity). Tóm lại, nước miếng được xem như là một loại xà bông rất tốt trong miệng, có tính chất sát trùng. Nhưng khi miệng bị khô, vi trùng sẽ có cơ hội bám vào chân răng chặt hơn, dễ dàng sinh sôi nẩy nở và tiết ra nhiều chất nội độc tố dẫn đến bệnh nướu răng.

5. Yếu tố nhiệt độ

Bình thường, xoang miệng của chúng ta có nhiệt độ là 37-380C. Khi hút thuốc, nhiệt độ khoang miệng lên tới 420C. Khi nhiệt độ lên cao như vậy, những chất protein và tạo keo (collagen) sẽ bị biến tính (denaturation) hoặc bị phân tán (fragmentation), dẫn đến sự tan rã của nướu răng, xương hố răng và những gân dây chằng một cách nhanh chóng.

KẾT LUẬN

Hút thuốc ảnh hưởng rất nhiều đến răng miệng, làm cho răng vàng, miệng hôi, răng rụng, ung thư khoang miệng, v. v...Tốt nhất là đừng bao giờ tập hút thuốc hoặc đi vào con đường này. Đừng quá ích kỷ dìm cuộc đời trong điếu thuốc lá vì những người thân yêu vẫn luôn bên cạnh và họ cần bạn biết bao! Đừng đánh đổi mạng sống của chính mình và phụ lòng những người thân yêu qua làn khói trắng mỏng manh và độc hại này. Hãy cố gắng và dùng chính nghị lực của mình để từ bỏ chúng.

Chúc các bạn thành công!

Houston, 06/2011