Dân Chúa Âu Châu

Trong vũ trụ trời đất giao hòa, trời khi sáng khi tối, đêm ngày tuần tự tiếp diễn theo đạo luật của thiên nhiên, con người lệ thuộc vào đó cùng sống hòa nhịp trong khuôn khổ của môi sinh tạo hóa, theo đó sự thức và ngủ cũng được nhịp nhàng xoay vần với thời gian.
Ta có câu ‘Ăn vi chủ, ngủ vi tiên’ vì rằng giấc ngủ là căn bản sự sống con người. Giấc ngủ là vàng, là thần dược sức khỏe, là giấc ngủ bồi sức (sommeil réparateur), là thời gian mà trí hóa, thân thể được hoàn toàn nghỉ ngơi. Miệng đời không ngoa, thời gian ngủ, nếu ta tính nhẩm, nó chiếm tới một phần ba đời người. Cho thấy giấc ngủ rất cần thiết vậy. Tâm tình con người thay đổi khi giấc ngủ của ta bị cướp đoạt, tánh tình trở nên khó chịu, gắt gỏng, quàu quạu lắm lúc đến cuồng điên, ngay đến cả con vật cũng vậy trong phòng thử nghiệm có những phản ứng tương tự cắn xé lồng lộn dữ dằn với đồng loại khi nó bị phá giấc ngủ.
Mất ngủ do rất nhiều nguyên nhân:
- Lo âu ngày đêm, suy tư quá độ, buồn phiền triền miên, giận dữ không nguôi, phương hại đến tâm (thần) tỳ (huyết) làm cho khí huyết yếu kém, không dưỡng được tâm nên gây ra mất ngủ.
- Thân hình gầy yếu, tai ù, xây sẩm, kém trí nhớ, là vì thận âm suy nhược hay can dương xông lên, thần khí bất ổn nên khó ngủ.
- Tánh tình sợ hãi quá độ, lo lắng quá mức, mộng mị thường xuyên, người gầy yếu, vì là do tâm đởm suy sút thường phá giấc ngủ.
- Ăn uống không hợp với phép vệ sinh, những vị khó tiêu, đêm nằm bụng ì à ì ạch miệng đắng, đàm dãi, mắt kém, nên bị loạn năng ở vị, vị không hòa thì ngủ không được.
- Thời gian hồi sức sau các chứng bệnh lâu năm, hoặc sau khi sanh đẻ khí huyết bị hư hao, lam lũ nhọc mệt quá sức thể xác và tâm trí, thần khí không được ổn định, cho nên mất ngủ.
Một số bệnh lí khác cũng làm mất ngủ như:
- bệnh thần kinh, tâm thần hốt hoảng (stress), tâm thần suy nhược (dépression nerveuse),
- bệnh tim, bệnh phổi (suyễn), ngưng thở nhất thời (apnée du sommeil), ung thư.
- bệnh gan, phong thấp, đau nhức đủ loại.
- khối u tiền liệt tuyến, (hypertrophie de la prostate), tiểu đêm (miction nocturne), thời kỳ mãn kinh nguyệt (ménopause) cơn bốc hỏa (bouffées de chaleur), vật vã tay chân.
- tiếng động, xe cộ ồn ào, làm ca (travail posté), thuốc thang có những loai làm mất ngủ, ăn uống những vị khó tiêu, cà phê, trà v.v.
Có được giấc ngủ yên lành, theo nội kinh là nhờ phần âm khí dưới sự quản trị của thần khí. Tâm thần ổn định, mới có được giấc ngủ. Khi cơ thể ta bị tà khí (énergie perverse) xâm nhập quấy nhiễu thần khí (Shen Mental) thì không sao ngủ được. Hoặc phần dinh khí (énergie nutritive) suy kém, không sao nuôi dưỡng được thần khí, cũng làm cho mất ngủ.
Thức ngủ, giải thích như thế nào?
A) Theo giải thích của đông phương, trong nội kinh nói rằng: Bình thường Vệ khí (énergie défensive) tuần hành ban ngày ở dương phận (yang) thì mắt mở thức tỉnh, là thần minh; ban đêm tuần hành ở âm phận (yin) mắt nhắm lại cho nên giấc ngủ đến. Thức ngủ, hai thái cực cần thiết trong đời sống bình thường của vạn vật cứ tuần tự tiếp diễn không ngưng. Vệ khí tuần hành hết một chu kì ngày đêm (cycle jour-nuit) ở âm phận rồi đi lần vào dương phận thì mắt bắt đầu mở, và tỉnh táo. Trường hợp ngược lại, có những người thèm ngủ và giấc ngủ tới rất dễ dàng, thường là trên những thân hình béo mập, nặng nề, vì rằng vệ khí tuần hành ở vùng dương phận chậm chạp, thiếu phấn chấn, và thời gian dừng lại ở âm phận tương đối dài hơn, khiến con người muốn nhắm mắt do đó mà ngủ nhiều.
B) Theo giải thích tây phương, khá phức tạp, vậy xin tóm tắt là: thức ngủ là do ở bộ phận của giải cấu tạo dưới đồi (hypothalamus) ở phần bên (hypothalamus latéral), phần hậu (postérieur) và vùng bụng, bên và tiền của giải này (ventrolatéral antérieur) cùng với sinh chất hóa học trung gian (médiateur chimique).
Mất ngủ, một chứng hay là bệnh mà nguyên nhân còn mênh mông rộng lớn. Với khuôn khổ của tờ báo, chúng ta chỉ bàn đến giấc ngủ ở tuổi già mà thôi.
Hơn nữa ở đây không bàn đến mất ngủ do các bệnh tật gây nên như đã nêu trên. Xin hẹn đến một dịp khác vậy.
Nội kinh có nói: người già nằm mà khó ngủ, người trẻ ngủ mà khó tỉnh. Ta thấy hai thái cực trái ngược, tại sao vậy? Ngày đêm, thức ngủ của người già, người trẻ khác nhau như thế nào?
Cũng theo giải đáp trong sách cổ thì, người trẻ khí huyết thịnh vượng, cường tráng, cơ bắp trơn tru, đường thở thông suốt, sự vận hành Dinh (énergie nourricière), Vệ (énergie défensive) bình thường, cho nên ban ngày tỉnh, ban đêm ngủ được yên ổn. Ngược lại, người già huyết khí suy kém, dinh vệ hao tổn, tiều tụy, bắp thịt không được trơn tru, sự tuần hành (circulation énergétique) dinh vệ rít lại (gripper), sáp trệ mất độ thường. Lý do đó mà ban ngày không được mạnh mẽ sáng suốt tỉnh táo, và ban đêm nằm mà không ngủ được. Ta cũng nên nhớ rằng hai khí Dinh và Vệ phải được vận hành phân bố đều đặn là yếu tố căn bản để nuôi dưỡng cơ thể và phòng vệ bố trí cẩn mật toàn thân hầu bảo đảm sức khỏe con người. Chướng ngại bất kể từ đâu đến sẽ làm phương hại cho vai trò tuần hành tối ư cần thiết của khí Dinh và Vệ. Lí do đó mà gây nên xáo trộn thường xẩy ra trong đời sống.
Chung quy lại, người già ban ngày khó tỉnh, ban đêm khó ngủ, nói ở đây không phải là bệnh tật gì, vì người già đến lúc suy lão khí huyết hư hao là giai đoạn về chiều, cơ nhục không trơn tru, đường tuần hành dinh vệ bị sáp trệ, nên ngày khó tỉnh, ngủ ngồi, ngủ gà ngủ gật, và đêm lại khó ngủ, là lẽ tất nhiên của lớp tuổi về xế chiều trong sinh lí của thiên nhiên tạo hóa vạn vật. Thiết tưởng người thầy thuốc cũng như thân chủ (cao niên) không vì thế mà hốt hoảng thuốc men, vì e rằng thuốc thang dùng không chính đáng còn mang lại nhiều hại hơn lợi.
PHƯƠNG CÁCH CHỮA TRỊ
Xin nhắc lại mất giấc ngủ ở tuổi già không hẳn là bệnh, cho nên khi dùng thuốc men cần được cân nhắc kĩ lưỡng:
Tây phương: thuốc ngủ (somnifères, hypnotiques), thuốc an thần (tranquilisants, anxiolytiques), thuốc thần kinh (neuroleptiques) ê hề trên thị trường dược phẩm. Tuy nhiên ta nên tuân theo lời ghi toa của y sĩ, vì nói chung lại tất cả các loại thuốc này được xem như là con dao hai lưỡi. Điều lợi và điều hại thường đi đôi với nhau, khó mà lường trước được. Sự quen thuốc (accoutumance) hay là phụ thuộc vào nó (dépendance) đều là ám ảnh không ít của người thầy thuốc khi ghi toa. Đó là chưa nói đến những loại thuốc có thể phương hại đến trí nhớ sau này.
Đông phương: cho rằng mất giấc ngủ ở tuổi già không hẳn là bệnh, mà là do khí huyết hư hao trong thời kì suy lão về chiều cho nên sự tuần hành dinh vệ bị sáp trệ đã gây nên tình trạng này. Vậy điều ta nên làm là gia tăng, bồi bổ khí huyết bằng hai lối song song với nhau: Châm cứu, và ăn uống cho hợp lẽ.
Xin nêu một vài huyệt thí dụ dưới đây theo kinh nghiệm người xưa:
 - Thần môn, để bổ tăng thần kinh bị suy nhược, ổn định thần chí và phối với Nội quan trị mất ngủ.
- Tam âm giao: bổ tỳ, tăng khí huyết, trợ vận hóa, thông khí trệ, tăng vận hành.
- Tâm du: dưỡng tâm, an thần, định chí, lý huyết điều khí, trị mất ngủ.
- Tỳ du: trợ vận hóa, hòa vinh huyết, trị thiếu máu, và trị mất ngủ.
- Thận du: bổ thận tạng, tăng huyết.
- v.v.
- Ta nên hạn chế và dùng ít huyệt vì thế năng (énergie potentielle) ở tuổi già không còn dồi dào sung mãn như ở tuổi trẻ.
Ẩm thực (le manger et le boire): miếng ăn miếng uống là việc rất cần cho đời sống. ’Dĩ thực vi tiên’ lấy ăn làm đầu. Cũng như ca dao chúng ta có câu ‘Ăn được ngủ được là tiên. Không ăn không ngủ là tiền vứt đi ‘. Người già cần phải ăn hơn bao giờ hết. Còn ăn còn sống. Không ăn không uống là dấu hiệu không mấy tốt cho sức khỏe. Ăn uống phải cho điều hòa (équilibré), có thịt, có cá, có rau cỏ, có trái cây, thay đổi mỗi bữa cho vừa miệng ăn. Tránh bớt xào, kho, sợ rằng khó tiêu. Chớ có đam mê rượu chè để rồi mất cả lí trí. Sau bữa ăn nên đi bách bộ cho dễ bề tiêu hóa. Về mặt tinh thần, nên tránh những cảnh tượng quá xúc động, hình ảnh quá bạo lực dữ dội. Ngoài ra ta cũng nên nhớ rằng có nhập thì có xuất, nói rõ hơn là có ăn, thì phải có ỉa. Ăn được mà đại tiện không thông là cả một vấn đề nan giải gọi là bón. Nếu dằng dai, bệnh bón trở thành kinh niên. Và rồi trăm chứng có thể xẩy ra bất thường như bệnh trĩ, nặng hơn thì bướu, nguy hơn nữa thì ung thư ruột, nguy ngập và khẩn cấp là thủng ruột (perforation). Thậm chí có những trường hợp ráng sức rặn ỉa đến ụ tim hay bị nhồi máu cơ tim như trước đây trên vài tập san y khoa có tường thuật đã xẩy ra ở những người có mang bệnh đau tim sẵn. Chẳng thế mà chúng ta thường đùa bỡn với hai câu ‘tứ khoái’. Có nghĩa là bốn cái sướng của con người tầm thường bằng da bằng thịt như chúng ta: thứ nhất là ăn, thứ nhì là ngủ, thứ ba là ỉa và thứ tư là đ…(đọc giả điền tiếp). Vậy thì tứ khoái, bốn cái sướng tầm thường này xét ra theo nghĩa y khoa không ngoài sinh lí cần thiết của con người; ta chớ lầm với nghĩa ‘tứ khoái‘ (les quatre délices) của các giới trưởng giả vua chúa thời xưa ca tụng cho rằng "Nhất sắc, nhì tài, tam khí, tứ tửu".
KẾT LUẬN
Mất giấc ngủ ở tuổi già mà ta thường thấy, ban ngày tình chí mập mờ, tỉnh không ra tỉnh, mắt lờ đờ, ngủ gà ngủ gật, đêm đến, thao thức nằm trằn trọc, dỗ mãi mới được giấc ngủ. Mất ngủ ở người già không hẳn là chứng bệnh, ngoài các bệnh lí thực thọ. Đây chỉ là do khí huyết hư hao suy kém ở vào tuổi suy lão về chiều, cơ nhục kém phần trơn tru, thế năng (énergie potentielle) không còn sung mãn cho nên sự vận hành của dinh vệ bị rít lại, sáp trệ, chậm chạp đã gây nên tình trạng mất ngủ.
Vệ khí tuần hành ban ngày ở phần dương, thì mắt mở, đêm về, đi vào phần âm, thì mắt nhắm lại. Thức ngủ là thuộc vào sự vận hành của khí dinh vệ. Dinh vệ có sung mãn, cơ nhục có được trơn tru, trong trẻo, vận hành khí huyết có được thông suốt, thì mới tạo được giấc ngủ yên lành. Vậy ta phải làm những gì? Thuốc men ngay? Không hẳn thế. Dược phẩm thì ôi thôi tràn ngập trên thị trường, tuy nhiên thuốc thang cần phải cân nhắc kĩ lưỡng và chỉ có thầy thuốc mới thẩm quyền ghi toa chính đáng, dặn dò khuyên bảo được thôi. Đành rằng thuốc để chữa bệnh, nhưng là con dao hai lưỡi, dùng không chính đáng, nó sẽ trở thành mối hại vô cùng, lắm lúc rứt bỏ nó không được, hoặc ngưng nó cũng không xong (accoutumance) hoặc phải phụ thuộc nó suốt đời (dépendance), đó là chưa nói đến các hậu chứng như mất trí nhớ có thể gây nên sau này.
Vấn đề ăn uống của người già rất là quan trọng. Bữa ăn hằng ngày chính là liều thuốc thiên nhiên hữu hiệu phải gồm có cơm, thịt, cá, rau cỏ, trái cây chất tươi. Thức ăn cho được điều hoà (équilibré), ngon miệng. Ta nên nhớ ngũ cốc (céréales) là phần chánh để nuôi dưỡng cơ thể, thịt cá để bổ ích, rau cỏ để bổ xung, hoa quả để trợ giúp, tất cả hợp nhau để kết thành tinh, tích khí (la quintessence). Từ đó dinh vệ mới được tạo thành, sức khỏe mới có, giấc ngủ mới thành. Sự tinh hoa của tạo hóa, tuyệt diệu của thiên nhiên, huyền bí của trời đất mà vạn vật đang được thọ lĩnh là cũng nhờ môi sinh vậy.
Ngoài ra ta cũng cần thúc đẩy hoạt động cơ thể bằng những huyệt bồi bổ khí huyết và phục hồi lại thần trí để mong hái được kết quả mau chóng, được giấc ngủ bình thường.
Trước khi tạm ngưng bút, chúng ta mượn qua những lời người xưa chúc tụng cho nhau, cho các vị bô lão: ‘ Đa thọ, đa nam, đa phú quí ’.
Mùa xuân Paris