Tin Thế Giới
Tin Thế Giới
- Viết bởi Pv.VRNs
VRNs (26.02.2015)- Sài Gòn- Theo Radio Vatican ngày 23.02.2015 – Tại buổi lễ trao giải Academy ở Los Angeles vào đêm Chúa nhật, Julianne Moore giành giải Oscar Nữ diễn viên xuất sắc nhất cho vai diễn của một người phụ nữ được chuẩn đoán với sự khởi đầu của bệnh Alzheimer trong bộ phim ” Still Alice”.
Trong việc chấp nhận các giải thưởng, cô cho biết bộ phim đã chiếu sáng vào căn bệnh này: ” Những người bệnh Alzheimer xứng đáng để được nhìn thấy.”
Vai diễn nhạy cảm của cô không chỉ được các nhà phê bình mà còn ảnh hưởng đến nhiều người.
Research UK Alzheimer là một tổ chức từ thiện chuyên viên trong việc tìm kiếm biện pháp can thiệp, nguyên nhân, điều trị và chữa bệnh sa sút về trí tuệ.
Theo các tổ chức từ thiện, bệnh Alzheimer phát triển khi hai loại protein gọi là amyloid và Tau hình thành trong não, làm cho các tế bào thần kinh ngừng hoạt động và tiếp xúc với nhau.
Các triệu chứng sớm của bệnh Alzheimer bao gồm mất trí nhớ, rối loạn và mất phương hướng, kể cả các vấn đề về ngôn ngữ.
Phát biểu với đài phát thanh Vatican, bộ trưởng tổ chức- Tim Parry nói rằng: Alzheimer là tình trạng được gọi là bệnh hiểu khiêm tốn.
” Tôi nghĩ rằng thông thường mọi người liên tưởng bệnh Alzeheimer với người cao tuổi, người ở độ tuổi trên 65 và công bằng mà nói rằng đại đa số các trường hợp mắc phải là những người trên độ tuổi 65, nhưng khoảng 40 nghìn người ở đây tại vương quốc Anh có chứng mất trí lúc bắt đầu khởi phát, vì vậy đó là từ những người trẻ hơn 65 và các nhân vật mà Julianne Moore vào vai trong bộ phim ” Still Alice là trong độ tuổi 50 của cô”
Ông tiếp tục nói rằng có liên quan đến phòng chống và chữa bệnh với ” nhiều nghiên cứu đang diễn ra trong điều kiện giúp đỡ mọi người để giảm nguy cơ bị bệnh Alzheimer về sau trong đời sống, vì vậy chúng tôi biết rằng một chế độ ăn uống lành mạnh và chăm sóc sức khỏe tim mạch tốt hơn và thực hiện một số bài tập, tất cả những điều mà chúng ta biết rằng rất tốt cho sức khỏe tim của chúng ta hiểu đúng đối với bệnh Alzheimer…”
Pv.VRNs
Nguồn: DCCT
- Viết bởi PV. VRNs
VRNs (25.02.2015) – Sài Gòn – Đức TGM Sviatoslav Shevchuk, người đứng đầu của Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine đã tổ chức cuộc họp báo vào hôm 22/2 vừa qua để chia sẻ về những chi tiết của chuyến ad limina đến Vatican của các ĐGM Ukraine tuần trước.
Như thông tin Thế giới đã biết về việc lực lượng quân sự cùa Nga đang chiếm đóng ở Ukraine, vị lãnh đạo giáo hội này cũng kêu gọi sự cầu nguyện của tất các Kitô hữu để giúp cải thiện tình hình khủng hoảng nhân đạo tồi tệ này.
Đức TGM Shevchuk, “Chúng ta đang trải qua một cuộc xâm chiếm mới, một cuộc chiến tranh đến từ bên ngoài. Nó không phải là một cuộc xung đột dân sự. Nó không phải là một cuộc hơn thua giữa các công dân Ukraine. Nó thực sự là một cuộc xâm lược sau khi Liên bang Nga sáp nhập Crimea.”
Sự khủng hoảng tiếp tục leo thang ở Ukraine cũng nằm trong số các chủ đề được nói tới trong cuộc gặp gỡ giữa ĐGH Phanxicô và nữ Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel hôm 21/2 tại Vatican.
Bà Merkel cũng là người đã giúp đỡ đàn phán gần nhất để thỏa thuận ngừng bắn giữa hai bên lực lượng chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai thân Nga, hy vọng sẽ giảm bớt cuộc xung đột kéo dài trong mấy tháng qua.
ĐGH Phanxicô cũng đã lặp lại nhiều lần lời kêu gọi cầu nguyện và giải pháp đàn phán vì hòa bình của khu vực.
Theo Rome reports, Đức TGM Shevchuk nói rằng, xung đột chiến tranh không thể giải quyết bằng vũ khí. Tuy nhiên, ngài cũng cho biết thêm rằng, việc đưa ra một giải pháp cho sự việc cũng khá phức tạp.
Rome reports cho biết, cuộc xung đột ở Ukraine đã bắt đầu 1 năm trước và đã cướp đi sinh mạng của 6000 người và hơn 12000 người bị thương. Theo con số ước tính của Liên Hợp Quốc, cuộc xung đột này cũng đã khiến cho hơn 1 triệu người trở thành người tị nạn.
PV. VRNs
Nguồn: DCCT
- Viết bởi PV. VRNs
VRNs (26.02.2015) – Sài Gòn – Hãng tin Asianews cho biết, chiến binh nhà nước Hồi giáo (IS) đã bắt cóc các Kitô hữu Syria, sau một loạt các cuộc tấn công hôm 23/2 tại một số ngôi làng ở phía đông bắc Syria, gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Trung tâm quan sát nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh cho biết, các vụ tấn công và bắt cóc diễn ra khi rạng sáng. Hàng ngàn người buộc phải di tản.
Một số thánh đường, bao gồm thánh đường lâu đời nhất tại Syria đã bị phá hủy. Tuy nhiên, khâm sứ tòa thánh tại Damascus vẫn đang kiểm tra thông tin và vẫn chưa có bất kỳ tuyên bố chính thức nào về việc này. Nguồn tin từ Khâm sứ cũng cho biết, “rất khó thu thập thông tin” tại các khu vực này trong tình trạng bạo loạn hiện nay.
Một số người cho rằng chiến binh IS đã bắt giữ ít nhất 90 người tại vùng phía đông bắc Syria với mục đích trao đổi chiến binh IS đã bị nhóm Kurd bắt giữ. Tuy nhiên, cũng có một số thông tin cho rằng, tống tiền là mục đích chính của các vụ bắt cóc.
Tính từ những ngày đầu cuộc nổi dậy chống lại Tổng thống Syria Bashar al Assad vào năm 2011 đến nay, hơn 3,2 triệu người đã buộc phải di tản khỏi Syria và hơn 7.6 triệu người cũng phải di tản khỏi các khu vực bạo loạn đến những khu vực khác trong lãnh thổ Syria.
Ít nhất 200.000 người đã thiệt mạng và rất nhiều thường dân là nạn nhân của các cuộc tấn công này.
Mùa xuân năm 2013, tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi Giáo đã xuất hiện giữa tình trạng nội chiến ở Syria. Nhà nước Hồi Giáo đã bành trướng một cách nhanh chóng, thôn tính các khu vực rộng lớn tại Syria và Iraq và bắt đầu một triều đại khủng bố.
PV. VRNs
Nguồn: DCCT
- Viết bởi Vũ Văn An
Sự xuất hiện man rợ của ISIS và bộ máy truyền thông của Tây Phương hiện nay hầu như làm người ta quên khuấy cả một trận chiến khác của khủng bố Hồi Giáo đó là Boko Haram ở Nigeria. Sự quên khuấy này không hẳn là một tình cờ lịch sử, mà là một phần chiến lược của chính quyền Obama hợp tác với ý thức hệ đạo đức tính dục.
Ít nhất thì đó cũng là nhận định của Tân Chủ Tịch Truyền Thông của các giám mục Phi Châu, Đức Cha Emmanuel Badejo của Oyo, Nigeria, trong một cuộc phỏng vấn của Diane Montagna, thuộc tạp chí Aleteia, một tạp chí chuyên về bảo vệ sự sống.
Theo Đức Cha Badejo, các giá trị Phi Châu, tuy không bị đem ra bán đại hạ giá, nhưng hiện đang bị đe dọa nặng nề bởi điều mà Đức GH Phanxicô vốn gọi là “thực dân hóa ý thức hệ” nhằm phá hoại gia đình. Chính sách thực dân mới này tồi tệ đến độ Hoa Kỳ không ngần ngại nói rõ: họ chỉ giúp Nigeria đánh trả nhóm khủng bố Boko Haram nếu nước này chịu thay đổi luật lệ liên quan tới đồng tính luyến ái, kế hoạch hóa gia đình và kiểm soát sinh đẻ.
Sau đây là nguyên văn cuộc phỏng vấn:
Thưa Đức Cha, là một giám mục tại Nigeria, Đức Cha có thể cho chúng con biết gì về bản chất và các hoạt động của Boko Haram?
Muốn biết mọi câu trả lời chính xác về Boko Haram, có lẽ ta cần rất nhiều thì giờ. Sự thật là từ các suy tư, khám phá và kinh nghiệm của chúng tôi với những người có liên hệ với sự man rợ và bạo lực của Boko Haram, thì đây quả là một pha trộn của rất nhiều sự việc: như tội ác của các chính phủ trong quá khứ, thối nát, hành chánh đồi bại, thiếu chú ý tới lớp trẻ, thiếu chú ý tới những trụ cột chính của dân chủ như giáo dục dân chúng, nhất là ở miền bắc của xứ sở.
Theo tôi, chúng tôi bị lãng quên bởi chính sách cai trị tồi bại của 30 tới 35 năm trước đây.
Chúng tôi thấy chính sách ấy phát xuất từ lâu tại Nigeria. Cô có thể lên miền bắc của Nigeria, ngay cả trong thời hòa bình nhất, cô sẽ thấy từng đoàn người ở ngoài đường phố, không làm gì cả, chỉ biết ăn xin. Bất cứ ai chỉ cần một chút khả năng phân tích cũng biết đây là vấn đề. Không cần phải là Boko Haram. Bất cứ ai với bất cứ ý đồ tội ác nào cũng có rất nhiều tay chân để thuê mướn, để sử dụng cho việc cướp bóc, phá hoại an ninh công cộng.
Khi mới xuất hiện, nền dân chủ đem tới thật nhiều kỳ vọng, nhưng phần lớn những kỳ vọng này không thành sự thật. Giới trẻ, những người đã bị biến thành bất lực không tự chăm sóc cho mình được vì thiếu giáo dục, thiếu nhân dụng, lại thấy các chính trị gia trước đây vốn chẳng là ai nay bỗng trở thành đại gia, có khả năng muốn gì được nấy. Và rồi các phương tiện truyền thông quốc tế nữa, họ thi nhau cho thấy thế nào là một cuộc đời đáng sống, nên giới trẻ này, trước kia bất cần, giờ đây bắt đầu thấy mình cần lưu tâm tới những gì mình có thể có nếu mình cũng nắm được những địa vị kia. Về việc này có nhiều khả thể như đi học chẳng hạn, nhưng làm gì có trường mà học. Cũng làm gì có việc làm. Chỉ mới đây, chính phủ mới bắt đầu xây trường. Nhưng theo tôi, đã quá muộn.
Cũng còn nan đề khác đó là việc thiếu tôn trọng pháp trị. Nigeria có hiến pháp, nhưng hiến pháp này, trong nhiều năm, vốn bị lạm dụng vì chính phủ thiếu ý chí áp dụng luật pháp khi cần. Người ta phạm pháp và không bị luật pháp trừng trị. Nhiều năm trước đây, khi luật Sharia được đem ra áp dụng, chính phủ đã không có biện pháp nào đối phó, chỉ ngồi hy vọng tự nó sẽ tan biến. Chứng tỏ họ không có khả năng kiểm soát bất cứ điều gì.
Tất cả các yếu tố trên đều góp phần vào việc khuyến khích bạo loạn. Thành thử khi Boko Haram nổi lên, những người bất mãn với hệ thống và chính quyền có chỗ bám theo. Cho mãi tới nay, tôi biết vẫn còn những người trẻ tham gia các nhóm khủng bố không phải vì họ thích các nhóm này mà họ cần một ngõ ngách để chống phá chế độ, để bày tỏ sự chống đối của họ. Tất cả những điều này góp tay vào bộ phận tội ác khổng lồ, cai trị dở, thối nát ở miền bắc.
Một nhân tố khác là các tổ chức tôn giáo, là các tổ chức rất có thể đã gia giảm được được hậu quả ở miền bắc, nhưng trên thực tế đã gặp nhiều trở ngại. Các bộ phận của Kitô Giáo, các tổ chức của Giáo Hội, không được tự do mà đáng lý họ phải được hưởng. Ở bắc Nigeria, họ bị chính phủ gây khó khăn trong rất nhiều năm.Theo luật lệ, cô không được mua đất đai, nếu cô là Kitô hữu, và nhiều lần, các giám mục Công Giáo tại Nigeria đã tranh đấu về vấn đề này, nhưng không đi đến đâu. Sự thật là tại một số tiểu bang của Nigeria, cô không thể sở hữu đất đai nếu cô sử dụng đất đai này vào các mục đích tôn giáo. Mục đích này bao gồm việc huấn luyện người cho các trường học, xây các phương tiện cho người ta, cung cấp nền giáo dục luân lý. Vì người ta chỉ chú trọng tới các trường Hồi Giáo, nên họ chỉ dạy Kinh Kôrăng mà thôi, nên cấu trúc tinh thần của xã hội cứ mai một dần.
Lý do khiến điều trên quan trọng là: tôi xuất thân từ miền tây Nigeria, nơi nền văn hóa Yoruba rất mạnh. Nhiều người Hồi Giáo theo nền văn hóa này. Tại khu vực của tôi, chúng tôi là thiểu số Kitô Giáo sống với đại đa số Hồi Giáo, nhưng chúng tôi sống chung với nhau rất tốt đẹp. Trong giáo phận tôi, và tôi nghĩ việc này chưa được truyền thông lưu ý đủ, tôi có 17 trường học. Bẩy mươi phần trăm học sinh tại các trường của tôi là trẻ em Hồi Giáo và một số các em này, không nhiều lắm nhưng cũng đông đủ, đã chấp thuận trở lại Kitô Giáo và cha mẹ các em không hề phản đối. Tôi nói thực với cô như vậy.
Tôi cũng có một số imam (giáo sĩ) và một số nhà lãnh đạo Hồi Giáo thân nhau đến nỗi khi xây nhà mới, họ mời tôi tới để làm phép. Khi chúng tôi cử hành hay mừng lễ nào đó mà mời họ, là họ vui lòng tới ngay. Tôi vốn cử hành nhiều đám cưới cho người Công Giáo và người Hồi Giáo. Tại nhiều nơi như giáo phận tôi, người Hồi Giáo trông cậy vào người Công Giáo để có người lãnh đạo trong các vấn đề xã hội, công lý, phụ nữ, huấn luyện người vào đại học. Thành thử, nói chung có sự tin tưởng lẫn nhau, nhiều sự hợp tác với nhau.
Đã có những lúc tôi phải đề cập tới vấn đề Boko Haram ở bắc Nigeria. Tôi quyết định phải tham khảo các nhà lãnh đạo Hồi Giáo vốn thân thiết với mình. Tôi hỏi họ tại sao chúng tôi, tại miền tây, không có cùng một vấn đề như ở miền bắc. Họ chỉ ra điều này: bối cảnh văn hóa vững chắc vốn hợp nhất chúng tôi, chúng tôi không để nó mai một. Trái lại, ở miền bắc, nền văn hóa Hồi Giáo đã mai một. Nền văn hóa Hausa đã mai một. Hồi Giáo có tính Ả Rập và đã bén rễ lâu đời, nhưng chính vì vậy, nhiều người đã mắc kẹt ở giữa. Đúng, họ là Hồi Giáo, nhưng nền văn hóa nằm ở bên dưới thì không còn nữa, không có nền văn hóa cho các giá trị.
Ở Yorubaland, phẩm giá và sự sống nhân bản được coi là thánh thiêng. Kitô Giáo đã tới rửa tội cho nó. Không ai thuyết phục tôi tin rằng Kitô Giáo tới chỉ để đem lại lòng tôn kính sự sống con người. Lòng tôn kính này đã có từ trước. Cô không thể bình thản tiến hành việc giết một ai đó. Có rất nhiều châm ngôn cho thấy sự khôn ngoan của người Yoruba. Họ quen nói: ngươi không được đánh nhau cho tới chết. Khi đánh nhau, bất đồng hay tranh chấp, ngươi không được tiếp tục cho tới chết, vì ngươi không bao giờ biết chuyện gì sẽ xẩy ra vào ngày mai, và ngươi cần tới ai.
Tôi nghĩ rằng việc thiếu cơ sở văn hóa, việc cai trị tồi tệ trong quá khứ, việc phá hủy các tiền đề cai trị dân chủ, và việc hàng triệu người trẻ bị bỏ rơi ngoài đường phố, không một chút hy vọng, không một chút khả năng, đã chuẩn bị mảnh đất tốt cho Boko Haram. Nó là chỗ cho nhiều người bám vào.
Khi Boko Haram mới nổi dậy năm 2009, người ta rất dễ mô tả nó, dù từ xa. Nay, nó đã qui tụ nhiều lực lượng khác dưới cây dù Boko Haram. Đúng thế, chính tổng thống Nigeria, mấy tháng trước đây, từng cho rằng hiện nay có nhiều loại Boko Haram khác nhau: kinh tế, tôn giáo, xã hội. Ông cũng thừa nhận rằng ngay trong chính phủ của ông, cũng có người có thiện cảm với Boko Haram. Thành thử nó trở thành chiếc dù lớn cho bất cứ ai bất mãn hay muốn phá hoại cấu trúc tinh thần của Nigeria.
Theo nhận định của Đức Cha, ta có thể đánh bại Boko Haram cách nào?
Vấn đề này khá khó. Chúng tôi đã đi tới chỗ đồng ý với nhau rằng chính phủ Nigeria không đủ sức làm việc này. Đây là một trong những lý do tại sao chính phủ tỏ ra bất cần. Hai nghìn người đã thiệt mạng. Thành thử muốn gì đây, nếu không thể làm gì được. Tại sao còn làm ầm ĩ lên làm gì? Đây chỉ là vấn đề thái độ. Nhiều người đang mất mạng, nhiều binh sĩ Nigeria đang mất mạng.
Cách nay không lâu, tôi có cung cấp cho Đài Phát Thanh Vatican một bài phân tích, trong đó tôi đặt ra hai câu hỏi: có đúng sự thực là không ai ở ngoài kia có thể nhận diện tất cả tiền bạc của Boko Haram từ đâu mà có hay không? Có đúng sự thực là không ai ở Tây Phương có khả năng chặn đứng nguồn tài trợ cho Boko Haram hay không? Tôi nghĩ có một sự đồng loã nào đó ở Tây Phương đối với những gì đang diễn ra.
Truy nguyên ra, tôi thấy tất cả là do nghị trình kiểm soát dân số. Lý thuyết của tôi là vậy. Bất cứ điều gì có thể giảm dân số. Về việc nổ bùng dân số tại Phi Châu, đang có những tiếng chuông cảnh báo vô trật tự. Và bất cứ điều gì có thể giảm thiểu hay giới hạn được đà gia tăng dân số tại Phi Châu đều được hết lòng hoan nghinh.
Thực vậy, gần đây tôi được báo động khi nghe Hillary Clinton, lúc còn là ngoại trưởng, nói rằng chính phủ Hoa Kỳ cam kết làm bất cứ điều gì có thể để đẩy mạnh nghị trình kiểm soát dân số. Hoa Kỳ thực sự tuyên bố rằng họ chỉ giúp Nigeria đương đầu với Boko Haram nếu nước này chịu thay đổi các luật lệ liên quan tới đồng tính luyến ái, kế hoạch hóa gia đình, và kiểm soát sinh đẻ. Điều hết sức rõ ràng là chủ nghĩa đế quốc về văn hóa quả đang hiện hữu. Thực thế, theo tôi, Phi Châu chịu đau khổ nhiều vì chủ nghĩa đế quốc văn hóa đang làm sói mòn các giá trị văn hóa của chúng tôi.
Theo tôi, đó là hình tội. Vì nếu Tây Phương huyênh hoang mình dấn thân cho tự do nhân bản, thì họ hãy chứng tỏ thực sự họ muốn thế đi. Nếu có những giá trị được Tây Phương qúy trọng, thì họ đừng nên áp đặt chúng lên Phi Châu. Đây là một phần của tự do nhân bản. Và, ít nhất, Phi Châu cũng có thể đứng lên và tuyên bố: “Đây là các giá trị được chúng tôi qúy trọng và là những giá trị chúng tôi muốn duy trì”. Nếu Tây Phương qúy trọng tự do cho người đồng tính và các cuộc kết hợp đồng tính cũng như việc phá thai và ngừa thai, thì họ phải giả thiết người Phi Châu không có khuynh hướng đối với những điều đó. Đối với người Phi Châu, sự sống là điều thánh thiêng. Thế giới đang chứng kiến hàng trăm người chết ở Nigeria mỗi ngày mà vẫn có thể ngoảnh mặt làm ngơ: điều này cho thấy cái mà chúng tôi vẫn gọi là nền Văn Minh Tây Phương quả đang bệnh hoạn. Những điều họ nói về nhân phẩm và nhân quyền chỉ là giả hình. Người ta càng ngày càng ít lòng kính trọng đối với tính thánh thiêng của sự sống. Và tất cả những điều này đang bị áp đặt lên Phi Châu, bằng bất cứ giá nào: chúng tôi cho rằng điều này hết sức vô luân và bất công nữa…
Trả lời câu hỏi điều gì ngăn cản Boko Haram không nắm được chính quyền ở Nigeria. Đức Cha Badejo cho rằng: nhờ Tây Nigeria rất vững do dân chúng được giáo dục, sống chung hòa bình. Vả lại, tại nhiều vùng khác, vẫn còn một hình thức cai trị và được an toàn. Một số tiểu bang của Nigeria trở nên an toàn hơn trước, nhờ chính quyền ở đây, thuộc phe đối lập, có một phương thức khá hơn phương thức của chính phủ. Hơn nữa, lãnh thổ do Boko Haram chiếm được tuy khá rộng, nhưng so với toàn quốc, vẫn còn rất nhỏ...
Về việc Tây Phương có thể giúp được gì, Đức Cha Badejo nói rằng: họ có thể giúp về phương diện bác ái, cung cấp tài nguyên, phương tiện sức khỏe. Về việc ngăn chặn các hoạt động sát nhân của Boko Haram, Đức Cha Badejo cho rằng không có tiến bộ, một phần do Tây Phương không lưu ý tới Nigeria đủ. Ngài bảo, chỉ có mấy người chết tại Paris do khủng bố Hồi Giáo gây ra đã làm rúng động cả thế giới, vậy mà hàng chục nghìn người chết vì khủng bố tại Nigeria, thì không ai xúc động hết. Ngài hỏi: Tại sao lưu ý tới Pháp mà lại không lưu ý tới Nigeria? Ngài bảo: quả có sự đồng loã…
Được hỏi thêm về tân chủ nghĩa đế quốc văn hóa song song với kiểu nói “thực dân hóa đầy tính ý thức hệ”của Đức GH Phanxicô nhân dịp tông du Phi Luật Tân, Đức Cha Badejo cho hay:
Tôi muốn nói rằng hệ thống giá trị của Phi Châu xem ra có khác với hệ thống giá trị hiện nay của Tây Phương. Người Phi Châu nói tới tính thánh thiêng của sự sống. Ở Tây Phương, người ta quá nhấn mạnh tới phẩm chất của sự sống. Đó là lý do khiến người Phi Châu cho rằng đứa con là trân châu ngọc bảo dù đứa con này phải trải nghiệm nhiều khó khăn để lớn lên. Ở Tây Phương, nếu đứa con không thể có được điều tốt nhất ở trên đời, thì nó không nên sống. Đấy không phải là thế giới quan của Phi Châu.
Thế giới quan Phi Châu là mọi sự sống đều thánh thiêng, hữu ích và là một trân châu bảo ngọc cả. Vì người Phi Châu coi hôm nay thấp giá hơn ngày mai. Cô không bao giờ biết điều gì sẽ xẩy ra ngày mai, nhưng luôn có hy vọng. Và dựa trên thế giới quan đó, toàn bộ phong trào nhân danh kế hoạch hóa gia đình là thúc đẩy điều Đức Giáo Hoàng gọi là “nền văn hóa sự sống”, nghĩa là, ngừa thai, phá thai và tất cả những gì giới hạn sự hiện hữu của con người đều tởm gớm đối với người Phi Châu, và người Phi Châu trung bình ở ngoài đường phố thẩy đều chống đối chúng…
Cô hẳn biết Uganda, nước mà chính phủ của họ trước đây đã thông qua luật lệ chống đồng tính luyến ái, vì đây không thuộc nền văn hóa của họ. Nhưng cuối cùng, họ buộc phải thay đổi đạo luật đó để được hưởng một khoản viện trợ của Hoa Kỳ.
Đấy, xin cho tôi phát biểu như thế này: thế giới Tây Phương cho rằng mọi quyền đều là nhân quyền, và mọi tác phong phải có vị thế của một nhân quyền. Chúng tôi bảo như thế không đúng. Không phải mọi tác phong của con người đều có vị thế của một nhân quyền. Có những nhân quyền và có những tác phong của con người. Nhưng không phải tác phong nhân bản nào cũng có vị thế đó. Người Phi Châu tin như thế vì họ luôn khởi đi từ hữu thể cao hơn. Thiên Chúa luôn có đó và có một chỗ đứng trong đời sống của người Phi Châu.
Ở Tây Phương, ngược lại, vì bất cứ lý do nào, họ cũng không thấy cần có Thiên Chúa nữa. Mọi sự đều xuông xẻ: sống tốt và cô có thể giải thích mọi sự. Người Phi Châu bác bỏ việc họ có khả năng giải thích mọi sự.
Tôi nghĩ ở Tây Phương, người ta phóng đại cái hiểu của họ về tự do nhân bản. Tự do vô giới hạn, cá nhân được hoàn toàn tự do. Nhưng hoàn toàn tự do là trở nên phóng túng. Và người Phi Châu không nhìn thế giới như thế. Họ tin rằng đời họ là một ân ban, và niềm tin này rất hữu ích cho Phi Châu. Đó là lý do tại sao chúng tôi vẫn còn ý thức mạnh về gia đình. Đó là lý do tại sao chúng tôi vẫn còn ý thức mạnh về nhân loại. Gia đình cô không chấm dứt với con cái của cha cô hay con cái của mẹ cô, nhưng nó trải dài qua người khác có tình máu mủ với cô. Và điều này rất giúp ích cho Phi Châu. Thành thử có một cái hiểu quá phóng đại về tự do vô trách nhiệm, có thể đã phát khởi từ tuyên ngôn nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Nay còn có tuyên ngôn nhân quyền của con nít, nhưng tôi chưa thấy một tuyên ngôn nào về trách nhiệm cả. Thành thử đây là một thế giới quan hoàn toàn khác, và theo tôi, nó đã khuyến khích chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tương đối, chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa tiêu thụ ở Tây Phương, vốn có giá trị rất giới hạn ở Phi Châu.
Theo tôi, nếu những người thuộc các nhóm vận động khác nhau trên thế giới ngày nay muốn chủ trương rằng phải dành cho mọi loại tác phong vị thế một nhân quyền, thì họ nên nhớ rằng nếu tôi không tin như thế, tôi cũng có quyền phát biểu chứ. Tại sao ai cũng có quyền áp đặt thế giới quan khác lên tôi. Theo tôi, việc đó hết sức vô luân.
Được hỏi về việc so sánh phong trào tranh đấu quyền đồng tính với phong trào dân quyền của người Mỹ Da Đen thập niên 1960, Đức Cha Badejo trả lời:
Người Da Đen tranh đấu vì họ muốn được nhìn nhận là người. Còn người đồng tính tranh đấu để tác phong của họ được nhìn nhận là một nhân quyền. Đâu phải trên cùng một bình diện, không hề cùng một bình diện.
Người da đen tranh đấu để được hiện hữu như người đối tác da trắng. Đó là nhân quyền. Còn người dấn thân vào các mối liên hệ không có tính sinh sản, đâu phải cùng một chuyện. Đây là vấn đề tác phong, những tác phong từng được chứng minh, cả về phương diện khoa học nữa, là có thể thay đổi được, những tác phong từng được chứng minh cả trên bình diện khoa học là bệnh lý. Còn là người da đen đâu phải chuyện bệnh lý. Tôi không thể thay đổi để trở thành người da trắng.
Quay qua Thượng Hội Đồng về gia đình, điều gì quan trọng đối với các giám mục Phi Châu? Và các ngài ưu tư ra sao đối với các mưu toan nhằm thay đổi thực hành mục vụ trong các vấn đề gây tranh cãi như ly dị và tái hôn, đồng tính luyến ái, sống chung…
Trước đây tôi có nói rằng có một số giá trị ở Phi Châu mà tôi tin Kitô Giáo chỉ tới để rửa tội cho. Sự sống luôn là điều thánh thiêng. Gia đình luôn được tôn trọng, trước khi Kitô Giáo tới đây. Về Thượng Hội Đồng về gia đình, chúng tôi coi đây là một cơ hội để chặn đứng làn sóng các giá trị phản gia đình vốn phát xuất từ Tây Phương và thoát khỏi điều tự gọi là “nền văn minh hiện đại” và thoát khỏi các phương tiện truyền thông. Các phương tiện truyền thông vốn là kẻ đồng loã đầy thế lực trong vấn đề này.
Trong Thượng Hội Đồng vừa qua, điều Phi Châu muốn nhấn mạnh là khả năng để chúng tôi nói lên các ưu tư của mình. Các ưu tư của chúng tôi không phải là các ưu tư của Tây Phương. Nhưng Phi Châu không nói rằng Tây Phương không nên nói lên các ưu tư của họ.
Càng ngày nhiều người Phi Châu càng bắt đầu lên tiếng cho chính họ và cưỡng lại thái độ tổng quát trong quá khứ là người Phi Châu ít nghĩ tới chính mình, không biết điều gì tốt cho mình.
Điều Phi Châu muốn là: được dành cho cơ hội để vừa là người Phi Châu vừa là người Kitô hữu, vừa là người Phi Châu vừa là người Công Giáo. Ở Phi Châu, các vấn đề gia đình và hôn nhân là các vấn đề liên quan tới đa thê, liên quan tới những cuộc hôn nhân chưa tới tuổi, liên quan tới việc năng lực hóa phụ nữ và các vấn đề khiến chúng tôi quan tâm về mầu da.
Chúng tôi muốn những vấn đề trên trở thành một phần trong các vấn đề liên quan tới Giáo Hội. Nếu Tây Phương ưu tư tới người ly dị và tái hôn, thì điều ấy tốt thôi. Nhưng chúng tôi phải bao gồm các vấn đề khiến Phi Châu ưu tư và ưu tư này cũng là ưu tư của các nơi khác trên thế giới. Đó là ý nghĩa của một Thượng Hội Đồng: chúng ta đem các ưu tư và các ưu điểm của chúng ta lại với nhau.
Giáo Hội tại Phi Châu có thể cung hiến điều gì cho Giáo Hội Hoàn Vũ mà Tây Phương không thể cung hiến hay sẽ không cung hiến?
Chúng tôi nghĩ rằng Phi Châu có khả năng nhắc thế giới nhớ tới những điều hết sức cốt yếu: nhân tính ta, tính thánh thiêng của sự sống con người, vẻ đẹp của gia đình, vẻ đẹp của việc chấp nhận con cái như một ân ban của Thiên Chúa, chứ không như một gánh nặng. Đối với nhiều người ở Tây Phương, con cái đã trở thành một gánh nặng.
Phi châu bác bỏ nền văn hóa cá nhân chủ nghĩa, ích kỷ, chỉ nghĩ tới phẩm chất của đời sống, chứ không nghĩ tới tính thánh thiêng của nó. Và Phi Châu bác bỏ thứ văn hóa chỉ nói tới tự do chứ không nói tới trách nhiệm. Chúng tôi bác bỏ loại giáo dục tính dục kiểu Tây Phương hiện đang rất thịnh hành chỉ nhắm tấn công trẻ em, chỉ nhằm “giải phóng” chúng và đem lại quyền “lựa chọn” trong các tác phong tính dục của riêng chúng. Điều ấy đang diễn ra. Có những cơ quan của Liên Hiệp Quốc đoan hứa sẽ giúp trẻ em thoát khỏi ảnh hưởng của cha mẹ và các tổ chức tôn giáo. Những trẻ em chỉ mới 5, 6 tuổi. Tại sao các trẻ em ấy và cả người trẻ nữa cần phải biết về kế hoạch hóa gia đình? Chúng đã có gia đình đâu. Chúng kế hoạch hóa cái gì?...
Về câu hỏi liên quan tới lời phát biểu trước đây của Đức HY Kasper rằng người Phi châu không nên bảo ta phải làm gì, Đức Cha Badejo cho hay:
Tôi nghĩ nhận định của Đức HY Kasper nghe có vẻ ngạo mạn. Ngài có thể nói cho nước ngài. Và người Phi Châu cũng nên nói cho nước mình. Tôi nhớ vị Chủ Tịch của Hội Đồng Giám Mục Nigeria đã mạnh mẽ nói về các vấn đề gia đình rồi. Các thượng hội đồng được nhằm cho việc đem mọi niềm tin và ý kiến khác nhau lên bàn (mổ xẻ)…
Ngài cho biết thêm:
Tôi là một giám mục Phi Châu, và tôi có thể nói với cô rằng nếu tôi tới Thượng Hội Đồng, tôi sẽ ủng hộ những gì Giáo Hội luôn giảng dạy. Đồng tính luyến ái là một xáo trộn. Người đồng tính vẫn là con cái Thiên Chúa. Họ có quyền được tôn trọng. Họ có quyền được cảm thương. Họ có quyền được chấp nhận như những con người nhân bản. Nhưng vẫn có yếu tố phân biệt giữa nhân quyền và tác phong nhân bản. Tôi không phải chấp nhận tác phong tính dục, giống như tôi không phải chấp nhận việc ghiền ma túy, ăn trộm, và khủng bố. Nhưng tôi chấp nhận con người nhân bản và tôi nghĩ đó là đường ranh cuối cùng.
- Viết bởi Đặng Tự Do
Cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo” đã công bố việc giết hại 21 Kitô hữu Ai Cập đã bị bắt cóc tại Libya vào đầu tháng Giêng vừa qua.
Một thông cáo của quân khủng bố Hồi Giáo IS nói rằng các Kitô hữu Coptic đã bị giết nhằm "trả thù cho những người phụ nữ Hồi giáo bị bách hại bởi quân vô đạo Coptic ở Ai Cập”. Đây là điều ám chỉ một biến cố trong đó có hai phụ nữ Ai Cập kết hôn với hai tín hữu Coptic đã đưa ra cáo buộc là họ bị nhà chồng buộc phải bỏ đạo Hồi.
Đức Thượng Phụ Tawadros Đệ Nhị của Chính Thống Giáo Ai Cập đã lên tiếng xin cầu nguyện cho các tín hữu của ngài vừa bị bắt tại quốc gia láng giềng Libya. Lời kêu gọi của Đức Thượng Phụ đã được đưa ra trong thông điệp mừng Giáng Sinh được tổ chức ngày 7 tháng Giêng.
Hôm thứ Bẩy 3 tháng Giêng, quân du kích Hồi Giáo đã bắt cóc 13 công nhân là các tín hữu Chính Thống Giáo Coptic Ai Cập. Các nhân chứng tại thành phố Sirte cho biết các chiến binh Hồi giáo đã xông vào một cư xá công nhân Ai Cập vào lúc 2 giờ sáng rạng ngày thứ Bẩy 3 tháng Giêng, và yêu cầu được xem căn cước những người trú ngụ. Chúng có danh sách những công nhân nào là Kitô hữu và công nhân nào là tín hữu Hồi Giáo.
Vụ việc xảy ra chỉ vài ngày sau khi 7 Kitô hữu Coptic Ai Cập đã bị bắt cóc tại một trạm kiểm soát giả ở Sirte khi họ cố gắng rời khỏi thành phố trở về Ai Cập mừng lễ Giáng Sinh.
Trước đó, một bác sĩ Ai Cập là tín hữu Chính Thống Giáo Coptic và vợ đã bị thảm sát tại nhà riêng của họ ở thành phố Sirte, nơi có đông đảo công nhân xây dựng của Ai Cập. Đứa con gái nhỏ của họ bị bắt đưa đi và sau đó người ta tìm thấy thi thể của bé gái hôm 26 tháng 12.
- Viết bởi Vũ Van An
Buổi Điểm Tâm Cầu Nguyện Tòan Quốc (The National Prayer Breakfast) là biến cố hàng năm được tổ chức ở Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn vào thứ năm đầu tiên của tháng Hai. Vốn khởi đầu từ năm 1953, nhưng từ thập niên 1980, nó mới được tổ chức hàng năm tại khách sạn Washington Hilton, thường gồm 3,500 khách mời, trong đó, nhiều khách mời đến từ 100 quốc gia khác nhau.
Buổi Điểm Tâm đặt dưới sự chủ trì của các thành viên quốc hội Hoa Kỳ và do The Fellowship Foundation , một tổ chức lấy Chúa Kitô làm tâm điểm, đứng ra tổ chức. Trước 1970, nó được gọi là Buổi Điểm Tâm Cầu Nguyện Với Tổng Thống (the Presidential Prayer Breakfast).
Xem thế, đủ biết Buổi Điểm Tâm này chú trọng tới các TT Hoa Kỳ như thế nào. Thực vậy, mọi tổng thống Hoa Kỳ từ thời Dwight D. Eisenhower đều được mời tham dự và là một trong hai diễn giả chính. Lẽ dĩ nhiên, TT Obama được mời và ông đã đọc một bài diễn văn trong đó ông lên án tội ác của ISIS vì đã nhân danh tôn giáo làm điều ác.
Nguyên cái tiền đề trên cũng đủ nói lên khuynh hướng không muốn đánh ISIS của TT Obama, bởi nếu đánh nó thì cũng phải đánh cả mấy ông Thập Tự Quân Kitô Giáo thời Trung Cổ nữa. Mà mấy ông Thập Tự Quân Trung Cổ còn đâu để mà đánh thì đánh mấy anh ISIS này quả là bất công!
Câu chuyện không nực cười như thế, Nhưng suy cho cùng, quả đó là “thâm ý” của Ông Obama: ông không chịu chỉ nói tới ISIS mà thôi, ông phải lôi cho bằng được cái gian ác của Kitô Giáo ra để mà nói cho nó cân bằng. Nhưng, như Ben Carson nhận xét trên băng tần Fox News, mang hai cái thực tại này ra so sánh, chẳng ăn nhập vào đâu cả, một thực tại thì đang sờ sờ trước mắt, một thực tại thì đã đi vào lịch sử cả gần một nghìn năm nay. Ông ta có đang mơ ngủ không đây?
Obama nói gì
Thomas L. McDonald cho rằng đối với TT Obama, chọc giận người khác là một chuyện không khó. Sáu năm làm tổng thống, ông có biệt tài làm giới đối lập tức giận. Đôi lúc ông được biện minh, đôi lúc không.
Lúc không ấy chính là tại Buổi Điểm Tâm vừa kể. Vì sau khi lên án ISIS, ông đánh câu: “Nhân loại vốn vật lộn với những câu hỏi này suốt trong lịch sử của họ. Và để ta đừng lên lưng ngựa cao mà cho rằng việc này chỉ xẩy ra tại một số nơi nào khác, ta hãy nhớ rằng trong các thời Thập Tự Chinh và Tòa Trừng Giới (Inquisition), người ta đã phạm những việc khủng khiếp nhân danh Chúa Kitô”.
Thực ra, ông Obama không tôn trọng cả nguyên tắc cân bằng. Khi nói tới ISIS, ông không dám đụng tới Hồi Giáo hay Muhammad. Nhưng khi nói tới Thập Tự Chinh, ông không ngại chỉ đích danh Chúa Kitô.
Ký giả vừa kể nhận định rằng các sự kiện bề ngoài thì không ai chối cãi. Thời Thập Tự Chinh và Tòa Trừng Giới, một số người quả đã làm những điều kinh khủng mà không một Kitô hữu nào nên làm hay bênh đỡ. Nhưng họ cũng đã làm những điều vĩ đại nhân danh Chúa Kitô cũng chính vào thời gian đó.
Ta hãy xét một trường hợp cụ thể. Năm 1096, người Do Thái vùng Rhineland, vì sợ đám đông bài Do Thái đang cuồng nộ, đã khẩn khoản thỉnh cầu Hoàng Đế Henry IV của Thánh Đế Quốc Rôma và Godfrey, Vua vùng Bouillon, che chở. Hoàng Đế Henry ra lệnh không ai được đụng tới người Do Thái hay tài sản của họ. Tuy nhiên, một đạo quân lớn của Thập Tự Quân do Emicho, Bá Tước vùng Leiningen, chỉ huy, tràn vào Rhineland và bắt đầu chém giết người Do Thái, dù trước đó, đã nhận khoản tiền chuộc rất lớn họ bằng lòng trả để mua lấy an toàn. Các giám mục của Worms, Speyer và Mainz cố gắng chặn đứng cuộc chém giết và dấu người Do Thái trong các lâu đài và nhà thờ chính tòa của các ngài, nhưng vô hiệu. Sau khi giết ít nhất 1,000 người ở Mainz, nhét đầy túi, Emicho tiến về Đất Thánh, nhưng đạo quân của ông ta tan rã trước khi tới đích và ông ta trở về trong thất sủng.
Các truyện kể về các cuộc tàn sát ở Rhineland dĩ nhiên là ghê rợn và đáng xấu hổ. Nhưng trong đó, có cả người anh hùng lẫn quân vô lại, các động lực cũng lẫn lộn. Các Thập Tự Quân núp dưới lòng đạo đức để hành động, nhưng sự thực, họ nợ người Do Thái vùng Rhineland rất nặng và rất thèm thuồng vàng bạc của họ. Tuy nhiên, Giáo Hội lúc nào cũng vẫn nhất quán trong việc ra lệnh phải bảo vệ mạng sống Do Thái và tài sản của họ.
Lịch sử là như thế: phức tạp đến không thể rút gọn vào những công thức đơn giản. Thực vậy, bạo lực tôn giáo thực ra rất hiếm ở Tây Phương. Hầu như mọi cuộc chiến tranh và bạo lực có tổ chức đều là vì quyền lực và tiền bạc. Tôn giáo và ý thức hệ chỉ là nước sơn cung cấp biện minh mà thôi. Những kẻ có quyền có thể sử dụng chúng để thuyết phục quần chúng hành động theo một cung cách nào đó, nhưng nguyên nhân phía dưới thì gần như không bao giờ là một cuộc tranh luận thần học cả.
Thực ra Thập Tự Chinh bị khiêu khích bởi sự gây hấn của người Hồi Giáo, và ý muốn giải phóng Giêrusalem lúc ấy đã rơi vào tay Hồi Giáo. Nó là đáp ứng của một Âu Châu đang cãi cọ nhau và chia năm xẻ bẩy đối với các ý đồ đế quốc hoàn cầu của một Hồi Giáo khổng lồ và vẫn còn đang đi lên. Nói cho đúng, các đạo quân của Âu Châu đang thảm bại so sánh với sự hùng mạnh của người Thổ. Và điều chủ yếu cần nhớ là Âu Châu đã thua cuộc.
Nhưng rồi, trong các thế kỷ tiếp theo, thực tại Thập Tự Chinh đã liên tiếp bị làm ra méo mó. Trước nhất, qua bàn tay của biên niên sử và thi ca bình dân, nó trở thành chủ đề của những lý tưởng Kitô Giáo và đức hạnh nam nhi cao thượng, với những người anh hùng sáng chói và những tên vô lại đen đúa. Hình ảnh này đã bị Phong Trào Cải Cách tiêu hủy khi họ coi Thập Tự Chinh như hành động của những tên duy giáo hoàng gian dối, đầy tham lam và khát máu, muốn khuất phục dân chúng vô tội của Đông Phương phải sống dưới các ý đồ đế quốc của họ.
Rồi tới lúc đỉnh cao quyền lực Hồi Giáo đến hồi kết thúc, thế giới Hồi Giáo bước vào thời kỳ lịch sử cận đại, được xác định bằng một chủ nghĩa thực dân đắng đót. Và điều này, một lần nữa, đã tái lên khuôn các ý niệm của người ta về Thập Tự Chinh. Trung Đông được đánh dấu bằng một sự va chạm lạ lùng giữa nhiều thực tại: những quá lạm lộ liễu được đồng tiền dầu lửa kích thích, các tranh chấp nội bộ, chủ nghĩa bài Do Thái phổ biến, tranh chấp không ngừng trong nội bộ các tôn giáo, chủ nghĩa cuồng tín tôn giáo và việc xuất cảng chủ nghĩa khủng bố. Thế là vào thế kỷ trước, khi Hồi Giáo hậu Ottoman rơi vào chế độ cai trị hoặc của ngoại nhân hoặc của mấy lãnh tụ Hồi Giáo hay hỗn loạn, thì Thập Tự Chinh và người Do Thái trở thành những ông ba bị thật thuận tiện trong đầu óc người Hồi Giáo. Thập Tự Chinh bị người Hồi Giáo phóng chiếu chế độ thực dân lúc ấy của họ lên màn ảnh quá khứ dù giữa hai thực tại này, chẳng có mấy chút liên hệ. Người Do Thái thì đơn thuần vì là người Do Thái, vì vi khuẩn bài Do Thái vốn chưa bao giờ chịu rời bỏ huyết quản của nhân loại từ rất lâu.
Vấn đề là TT Obama không nắm vững thực tại: Những tên cuồng tín Hồi Giáo thiêu sống người ta. Những người da trắng kỳ thị chủng tộc cũng từng thiêu sống người ta, như thời Jim Crow (1877 đến giữa thập niên 1960). Nhưng thực tại là người Hồi Giáo tiếp tục làm thế, trong khi sẽ không bao giờ có nguy cơ nước Mỹ trở về với thời kỳ Jim Crow và Âu Châu phục hồi Thập Tự Chinh và Tòa Trừng Giới.
Cách nhìn của Obama chỉ đổ thêm dầu vào những ảo tưởng của thế giới Hồi Giáo vốn có những hình ảnh không đúng thực tại về Thập Tự Chinh. Họ cố tình tự tái đúc khuôn thành những nạn nhân vô tội từng bị bách hại gần suốt cả một ngàn năm bởi Tây Phương đế quốc mà quên rằng có lúc họ đã là những điều hiện họ đang thù ghét.
Phản ứng
Theo Juliet Eilperin, một số đảng viên Đảng Cộng Hòa rất bất bình khi nghe bài diễn văn của TT Obama. Cựu thống đốc Virginia, Jim Gilmore (Cộng Hòa), phát biểu: “các nhận định của tổng thống sáng nay tại buổi điểm tâm cầu nguyện là những nhận định xúc phạm nhất tôi chưa từng nghe một tổng thống nào trong đời tôi nói. Ông xúc phạm mọi Kitô Hữu sùng đạo tại Hoa Kỳ. Điều này thậm chí còn đi xa hơn nữa: Ông Obama không tin tưởng gì Hoa Kỳ hay các giá trị mà tất cả chúng ta đang chia sẻ”.
Nhiều nhà bình luận khác tin rằng ông Obama nên tập chú nhiều hơn vào các kẻ thù của Hoa Kỳ. Russell Moore, chủ tịch Ủy Ban Đạo Đức và Tự Do Tôn Giáo Baptsit Miền Nam, gọi nhận định của ông Obama là “mưu toan bất hạnh muốn so sánh sai lạc về luân lý”.
Ông cho hay: điều cần là “chính phủ phải đưa ra một khuôn khổ luân lý và một chiến lược rõ ràng để đánh bại ISIS”.
Động cơ
Điều đáng nói: trước khi đọc bài diễn văn trên một ngày, ông Obama có gặp gỡ các nhà lãnh đạo Hồi Giáo trong một biến cố mà chính người tham dự xác nhận đây là lần tham dự hội nghị bàn tròn đầu tiên của ông với một nhóm toàn là người Hồi Giáo kể từ ngày nhậm chức. Các nhà lãnh đạo Hồi Giáo cho rằng cộng đồng của họ bị theo dõi một cách không hợp lẽ, theo sau các vụ tấn công của khủng bố ở ngoại quốc. Dù Tòa Bạch Ốc chỉ công bố những nét đại cương của hội nghị này, nhưng những người tham dự hội nghị cho hay: nó giúp họ cơ hội bày tỏ trực tiếp với tổng thống các ưu tư của họ.
Farhana Khera, giám đốc điều hành nhóm nhân quyền Muslim Advocates, một trong 13 nhóm tham dự hội nghị, cho biết: hội nghị này giúp Obama cơ hội tập chú vào các người Hoa Kỳ Hồi Giáo cùng một cách như ông đã làm với các cử tri khác của ông như người Hoa Kỳ gốc Phi Châu và các nhóm Do Thái Giáo.
Khea cho hay: “tôi bắt đầu bằng cách nói: mối lo âu lớn nhất tôi nghe được từ các cha mẹ Hồi Giáo là nỗi sợ của họ rằng con cái họ sẽ cảm thấy xấu hổ khi phải làm người Hồi Giáo” vì bị kỳ thị. “Chúng tôi yêu cầu ông (Obama) sử dụng bài thuyết giáo về bắt nạt để có một hội nghị thượng đỉnh tại Toà Bạch Ốc về tội các kỳ thị chống các nhóm thiểu số tôn giáo, giống hội nghị thượng đỉnh về bắt nạt nhằm tái lập cuộc đối thoại về các thanh thiếu niên đồng tính luyến ái (LGBT).
Aaron Blake thì nhắc lại sự kiện này: trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Obama cố gắng tách biệt giữa một bên là Hồi Giáo và bên kia những tên khủng bố gây kinh hoàng nhân danh Hồi Giáo. Đơn cử trường hợp tháng Chín vừa qua, giữa lúc các đe dọa của ISIS dâng cao, thì Obama không những cho rằng các tên khủng bố không những làm ô danh tôn giáo của họ, mà chúng còn không phải là người Hồi Giáo nữa.
Ông nói: “không tôn giáo nào dung thứ việc sát hại người vô tội, và đại đa số nạn nhân (của ISIS) là người Hồi Giáo”.
Suy nghĩ như thế, ông Obama dường như không biết gì tới tâm thức người dân Hoa Kỳ. Thực vậy, cuộc thăm dò của Pew hồi tháng Chín vừa qua cho thấy lần đầu tiên, 50 phần trăm người dân Hoa Kỳ coi Hồi Giáo có khuynh hướng cổ vũ bạo lực hơn các tôn giáo khác.
Obama giết nhiều người hơn Toà Trừng Giới Tây Ban Nha
Patrick Poole thì chỉ trích ông Obama ở một khía cạnh khác. Ký giả này cho rằng ông Obama bảo người Kitô hữu đừng cưỡi cao trên lưng ngựa để chỉ nhìn thấy lỗi của người ta (Hồi Giáo) mà quên lỗi của mình (Kitô Giáo). Thực ra lời khuyên này đáng lý ra ông nên ngỏ với chính ông trước nhất, vì theo số lượng thống kê mới nhất, chiến dịch sử dụng máy bay không người lái (drones) của ông trong 6 năm qua đã giết nhiều người hơn Tòa Truừng Giới Tây Ban Nha trong 350 lịch sử của nó!
Thực vậy, ít nhất 2,464 người đã bị drones sát hại trong 6 năm cầm quyền của ông Obama ở bên ngoài vùng được Mỹ chính thức tuyên chiến là Iraq và Afghanistan. Trong số nạn nhân này, có 314 người là thường dân. Tài liệu thống kê này cũng cho hay, dưới thời Obama, những cuộc tấn công kiểu này đã gia tăng gấp 9 lần so với người tiền nhiệm là G.W. Bush. Chỉ 3 ngày sau khi tuyên thệ lần đầu, Obama đã ra lệnh cho drones tấn công rồi.
Còn Tòa Trừng Giới? Một thập niên trước đây, Vatican có công bố kết quả cuộc nghiên cứu trong 6 năm về Tòa này. Phúc trình 800 trang, được BBC tường thuật, cho hay tại Tây Ban Nha, trong suốt 350 năm lịch sử, Tòa Trừng Giới chỉ xử tử 1.8% trong số 125,000 vụ nghi ngờ là lạc giáo, nghĩa là 2,250 người tất cả. Dù vậy, Đức Gioan Phaolô II đã chính thức lên tiếng xin lỗi. Có bao giờ Obama xin lỗi hơn 3 trăm nạn nhân thường dân của máy bay không người lái?
- Viết bởi Hoàng Minh, VRNs
VRNs (09.02.2015) –Sài Gòn- theo CNA- Hai linh mục người Ba Lan bị Cộng Sản sát hại ở Peru nằm trong số những vị được Đức Thánh Cha Phanxicô công bố phúc tử đạo vào ngày 03.02 vừa qua.
Cha Michele Tomaszek và Cha Zbigneo Strzalkowski là những tu sĩ dòng Anh Em Hèn Mọn, đã bị nhóm Cộng sản nhóm “Shining Path” sát hại vào ngày 09 tháng 8 năm 1991 ở Peru. Lúc 2 cha bị sát hại một vị 31 tuổi và vị còn lại 33 tuổi.
Cả hai linh mục dòng Phanxicô làm việc tại thị trấn Pariacoto dãy Andes ở Peru, nơi họ đã truyền giáo được 11 năm. Vào thời điểm đó, khu vực này đang trong tình trạng suy thoái kinh tế, trong khi đó Cộng sản Shining giết hại hàng ngàn dân thường và các vị lãnh đạo chính quyền địa phương để đưa Cộng sản lên nắm quyền.
Việc mục vụ của hai linh mục Ba Lan nhằm giúp người nghèo trong vùng Pariacoto luôn bị Cộng sản đe dọa, vì chúng thấy nỗ lực chuyên dụ những thành viên mới vào Cộng sản bị cản trở.
Mặc dù Cộng sản luôn liên tục đe dọa việc mục vụ của các cha nhưng các ngài không hề sợ hãi. Ngày ngày 09 tháng Tám năm 1991, một nhóm người Shining đeo mặt nạ bao vây khu vực xung quanh trung tâm Pariacoto và chờ tối đến đã bắt cóc ông thị trưởng.
Cùng thời điểm đó cha Strzalkowski đang chầu Thánh Thể trong khi chờ người anh em linh mục của ngài cử hành Thánh Lễ. Lễ xong, các cha đóng cửa nhà thờ. Ngay lập tức, một vài người đàn ông đeo mặt nạ gõ cửa và yêu cầu được nói chuyện với các linh mục.
Khi hai linh mục mở cửa, những người đeo mặt nạ này trói tay chân các ngài lại và ném lên một chiếc xe tải nhỏ. Cùng với ông thị trưởng, các ngài bị đem một thị trấn lân cận Pueblo Viejo. Trên đường đi, họ ép cung các linh mục và cáo buộc các ngài “lừa dối nhân dân” và “lấy lòng dân bằng cách mang danh Caritas quốc phân phát lương thực cho dân.” Họ cũng cáo buộc các linh mục cản trở cuộc cách mạng của họ bằng việc rao giảng hòa bình. Khi đến nghĩa trang địa phương, ba người đã bị xử tử tại đây.
Hội Đồng Giám mục Peru công bố vụ sát hại hai nhà truyền giáo như sau, “Một lần nữa cam kết tạo dựng một nền Văn minh Tình yêu ở đất nước chúng ta, Giáo Hội mạnh mẽ lên án hành vi ô nhục đẫm máu này đưa đến tình trạng nguy kịch cho Peru phải đối mặt không lối thoát.”
Khi nghe tin này, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gọi các tu sĩ này là “các vị tử đạo mới của Peru.”
Dòng Nữ Phanxicô ở Tây Ban Nha trong một bài viết đã ghi lại những lời của một nữ tu, người đã cộng tác với các linh mục Ba Lan. Nữ tu cho biết toàn bộ sự việc tôi cảm nhận như một giấc mơ. Sơ nói: “Thêm một lần nữa, tôi ngưỡng mộ lòng trung thành của cha Michele và cha Zbigniew dành cho Chúa và cho người dân nơi đây. Họ đã sống những gì họ rao giảng. Tôi nhớ sự nhiệt thành của họ đối với ơn gọi Dòng Phanxicô và lửa truyền giáo không mỏi mệt của họ. Họ đã ở lại đó cho đến chết. Đây không phải là điều dễ có nhưng đó là ân sủng. Tôi có gặp cha Zbigniew một vài ngày trước khi ngài tử đạo và tôi nói rằng các ngài đang bị đe dọa, ngài mỉm cười và nói, “Chúng tôi không thể bỏ mặc người dân. Không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra, nhưng nếu họ giết chúng tôi, xin chôn chúng tôi tại đây.”
Ngoài việc công nhận phúc tử đạo cho hai linh mục người Balan, ngày 03.02 vừa qua ĐTC cũng công nhận phúc tử đạo của cha Alessandro Dordi, người Ý cũng bị Cộng sản Shining Path sát hại 16 ngày sau đó và Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero, người Salvador bị bắn chết khi đang dâng thánh lễ vào năm 1980.
Hoàng Minh, VRNs
Nguồn: DCCT
- Viết bởi Bách Hợp
VRNs (09.02.2015) – Hãng tin Reuters cho biết, lãnh đạo Trung Quốc tại Hồng Kông lên tiếng cảnh báo các nhà vận động dân chủ về việc thúc đẩy độc lập và đối đầu với Bắc Kinh. Cuộc biểu tình kéo dài trong vòng hơn 2 tháng rưỡi qua đã khiến khu thương mại hành chính trung ương phải gián đoạn hoạt động.
Người biểu tình yêu cầu cuộc bầu cử dân chủ tại Hồng Kông vào năm 2017.
Bắc Kinh cho phép Hồng Kông tổ chức bầu cử, nhưng với điều kiện chỉ được phép bỏ phiếu cho các ứng cử viên đã được Bắc Kinh thông qua. Điều này cho thấy Bắc Kinh đang hướng tới việc kiểm soát chặt chẽ hệ thống kinh tế toàn cầu.
Ông Trương Hiểu Minh (Zhang Xiaoming), Giám đốc văn phòng ngoại giao Trung Quốc cho biết “Chúng tôi không du di cho bất kỳ nỗ lực nào chối bỏ và công khai đối đầu với chính phủ trung ương Trung Quốc nhằm mục đích ủng hộ độc lập cho bán đảo này.”
Theo ông, không có phong trào độc lập chính thức nào hiện diện tại Hồng Kông, mặc dù một số nhà hoạt động đã phát động một chiến dịch bất tuân dân sự để buộc Bắc Kinh phải chấp nhận một cuộc bầu cử hoàn toàn dân chủ.
Nghị sĩ Dân chủ Emily Lau cho biết phát biểu của ông Zhang là “không thích hợp” trong vị trí lãnh đạo Trung Quốc, và đồng thời phát biểu này củng đã xóa mờ ranh giới giữa Hồng Kông và Trung Quốc. Điều này “rất đáng báo động”.
Hồng Kông vẫn theo chế độ “một quốc gia, hai chế độ” dưới thẩm quyền tối cao của Trung Quốc. Ông Zhang cho biết đây là thời điểm cần thiết để xét lại tương qua nBắc Kinh và Hồng Kông vì các cuộc biểu tình trong thời gian qua cho thấy hệ thống luật tại Hồng Kông khá “lỏng lẻo”.
Ông đề nghị ngành giáo dục Hồng Kông thêm vào phần giáo dục lòng yêu nước. [Ngành giáo dục] tại Hồng Kông phải dành ưu tiên cho lịch sử, văn hóa và tình trạng quốc gia. Chính chủ đề nhạy cảm này đã gây ra các cuộc biểu tình tại Hồng Kông vào năm 2012.
Bách Hợp
Nguồn: DCCT
- Viết bởi Bill Gertz Người dịch: Trần Văn Minh
VRNs (06.02.2015) – Washington DC, USA – Bắc Kinh lập kế hoạch để qua mặt Hoa Kỳ trong thập niên sắp tới
Hoa Lục tiến hành một chương trình bí mật hiện đại hóa 100 năm và đã lừa dối chính quyền Mỹ nhiều nhiệm kỳ liên tiếp trong việc vô tình thúc đẩy chiến lược của Bắc Kinh để thay thế trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu với một hệ thống kinh tế và chính trị do cộng sản Hoa Lục thống trị, theo cuốn sách mới của một chuyên gia kỳ cựu của Ngũ Giác Đài về Hoa Lục.
Trong hơn bốn thập niên, các nhà lãnh đạo Hoa Lục đã ru ngủ tổng thống, bộ trưởng, các nhà phân tích của chính phủ và các nhà hoạch định chính sách vào việc đánh giá sai lầm về Hoa Lục là một quyền lực ôn hòa, đáng nhận được sự hỗ trợ của Mỹ, ông Michael Pillsbury, một nhà phân tích nói tiếng Quan Thoại và làm việc trên lãnh vực chính sách và tình báo Hoa Lục cho chính quyền Mỹ từ thời Richard Nixon, cho biết.
Chiến lược bí mật, dựa trên phương cách quản lý quốc gia của Hoa Lục cổ đại, đã tạo ra một sự di chuyển tiền mặt, kỹ thuật và chuyên môn trên quy mô lớn, điều đã hỗ trợ các phần tử “diều hâu” trong đảng Cộng sản Hoa Lục, là kẻ hiện đang tiến hành các bước để bắt kịp và cuối cùng qua mặt Hoa Kỳ, Pillsbury kết luận trong cuốn sách được xuất bản tuần này.
Các chương trình chiến lược lừa đảo của Hoa Lục đã được Mao Trạch Đông khởi động vào năm 1955 và rêu rao khắp nơi ý tưởng sai lầm rằng Hoa Lục là một nước nghèo, lạc hậu, hướng nội. Pillsbury cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Và do đó Hoa Kỳ phải giúp đỡ và cho họ nhiều thứ, để bảo đảm rằng họ vẫn thân thiện. Điều này hoàn toàn sai lầm”.
Chiến lược của Hoa Lục cũng nhằm mục đích đạt được sự thống trị kinh tế toàn cầu, ông nói, lưu ý rằng sự tăng cường sức mạnh quân sự của Hoa Lục là một phần trong đó. Việc kết hợp sức mạnh kinh tế, chính trị, quân sự là để Hoa Lục trở thành một bá chủ mới của thế giới, và họ sẽ xuất khẩu hệ thống chính trị phi dân chủ và kiểu hành xử kinh tế cá lớn nuốt cá bé trên toàn thế giới.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Pillsbury hiện là giám đốc của Trung tâm [nghiên cứu] chiến lược Hoa Lục thuộc viện Hudson, cho biết chi tiết mới chứa đựng trong cuốn sách đã được FBI, CIA và Bộ Quốc phòng thông qua và cho phép xuất bản, bao gồm chi tiết về các chỉ thị mật của các tổng thống trước đây, lời chứng từ những người đào tỵ Hoa Lục không được biết tới trước đây, và các chi tiết đáng báo động về các bài viết của phái diều hâu quân sự và chính trị có quyền hành của Hoa Lục.
Cuốn sách cũng tiết lộ lần đầu tiên rằng việc mở cửa cho Hoa Lục vào năm 1969 và năm 1970, được coi là một trong những bước mở đường chiến lược có ý nghĩa nhất của Hoa Kỳ, đã không phải do Cố vấn an ninh Henry Kissinger của Tổng thống Nixon thời đó khởi xướng. Thay vào đó, Pillsbury cho thấy rằng chính các tướng lãnh Hoa Lục đã mượn tay Hoa Kỳ chống lại Liên Xô, trong sự lo ngại bị Moscow tiến chiếm.
Một số chi tiết nhạy cảm đã bị chính phủ [Mỹ] loại bỏ khỏi bản thảo. Tuy nhiên, toàn bộ cuốn sách chứa đựng một công bố được cho phép về chiến lược bí mật của Hoa Lục, là một trong các phiên bản quan trọng nhất về các thông tin nội bộ của chính quyền Mỹ trong hơn một thập niên, Pillsbury nói.
Pillsbury cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Điều đó nhấn mạnh tầm quan trọng của cuốn sách. Và cuốn sách sẽ gửi một thông điệp đến Hoa Lục: Chúng tôi không ngớ ngẩn như bạn nghĩ”.
Pillsbury cũng tiết lộ cách thức mà một người đào tỵ của chính phủ Hoa Lục diễn tả về chiến dịch vận động hành lang thành công của Bắc Kinh từ năm 1995 đến năm 2000, đã dẫn tới việc Quốc hội [Mỹ] chấp thuận cơ chế thương mại Tối Huệ Quốc cho Hoa Lục, nhiều năm sau khi Hoa Lục bị trừng phạt về vụ thảm sát đẫm máu của quân đội đối với những người biểu tình không vũ trang tại quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh.
Các hoạt động bí mật để gây ảnh hưởng được thực hiện tại một thời điểm khi mối quan tâm của Mỹ về các vi phạm nhân quyền của Hoa Lục ở mức cao. Tuy nhiên, Hoa Lục đã có thể khuyến dụ thành công các lãnh đạo Mỹ phải có những nhượng bộ thương mại chiến lược trọng yếu.
Chương trình gây ảnh hưởng bí mật đó đã được tiết lộ bởi một trong sáu người Hoa Lục đào tỵ do Pillsbury dò hỏi trong những năm qua, bao gồm một người được khám phá là một người đào tỵ giả – người này làm tai mắt cho FBI, Katrina Leung, đã bị bắt vào năm 2003.
“Tôi cố gắng đặt một cuộc phỏng vấn người đào tỵ vào đầu mỗi chương sách,” Pillsbury nói, với ghi chú rằng những người đào tỵ này vẫn ở trong chương trình bảo vệ nhân chứng và “nỗi lo sợ cho cuộc sống của họ” do khả năng trả thù của Hoa Lục.
Những người đào tỵ tiết lộ chi tiết về “những điều Hoa Lục đang cố gắng làm đối với nước Mỹ trong cách thức mà họ gọi là cuộc chạy đua đường dài 100 năm”, ông nói.
Về phần giới diều hâu Hoa Lục, Pillsbury cho biết các bài viết nội bộ của các nhà lãnh đạo quyền lực về chính trị và quân sự tiết lộ “họ rút ra bài học từ quá khứ xa xưa của Hoa Lục như thế nào… và làm cách nào họ có thể vượt qua mặt nước Mỹ mà người Mỹ không phản ứng”.
Pillsbury có chức cấp cao nhất trong chính quyền, là trợ lý thứ trưởng quốc phòng về hoạch định chính sách trong chính quyền của Tổng thống Ronald Reagan, ông cũng từng làm việc cho nhiều thượng nghị sĩ và từng là nhà tư vấn về chính sách Hoa Lục trong nhiều thập niên.
Trong cuốn sách, Pillsbury thừa nhận rằng ban đầu ông là một trong số những người ủng hộ mạnh mẽ nhất chính sách “tiếp cận xây dựng” của Mỹ đối với Hoa Lục được phát động hồi đầu vào năm 1969 như là một cách để ngăn chặn sự tiến chiếm Bắc Kinh của Liên Xô.
Được hỏi khi nào ông từ bỏ quan điểm “ôm gấu panda”, ủng hộ chính phủ Hoa Lục, ông cho biết: “Dần với thời gian … chủ yếu sau sự kiện Thiên An Môn” – ám chỉ sự đàn áp tàn bạo của quân đội [Hoa Lục] năm 1989 đối với những người biểu tình ủng hộ dân chủ tại quảng trường chính ở Bắc Kinh.
“Chúng ta tin rằng viện trợ của Mỹ cho một Hoa Lục yếu đuối mà các nhà lãnh đạo của họ suy nghĩ giống như chúng ta sẽ giúp Hoa Lục trở thành một cường quốc dân chủ và hòa bình, không có tham vọng thống trị khu vực hoặc thậm chí toàn cầu”, Pillsbury viết.
“Từng mỗi giả định đằng sau niềm tin đó là sai, nguy hiểm như thế”, ông nói, lưu ý rằng sức mạnh của phe cánh đang thắng thế ở Hoa Lục với chủ trương dân tộc cực đoan chống Mỹ đã bị đánh giá thấp.
Cuốn sách của Pillsbury, Cuộc chạy đua đường trường một trăm năm, tiết lộ chi tiết mới về sự hợp tác của CIA với Hoa Lục trong chương trình hành động bí mật tại Afghanistan và Angola, cũng như cuộc chuyển giao vũ khí trị giá gần 1 tỷ USD trong suốt thập niên 1980.
Sự hỗ trợ bí mật cho Hoa Lục, cùng với một dòng chảy liên tục của kỹ thuật Mỹ và tình báo trong vòng 45 năm qua, một thời từng là một trong những bí mật được bảo vệ chặt chẽ nhất của chính phủ Mỹ.
Cuốn sách cũng giải mã các chi tiết của một số bản ghi nhớ của tổng thống đằng sau các chính sách bí mật của Mỹ hỗ trợ Hoa Lục, mà Pillsbury cho rằng, đã tạo nên một trong những sai lầm chiến lược quan trọng nhất của Hoa Kỳ.
Các tài liệu và báo cáo tình báo được lén lút đưa ra khỏi Hoa Lục sau vụ thảm sát đẫm máu Thiên An Môn, khi xe tăng được gọi đến để giải tán hàng chục ngàn người biểu tình ủng hộ dân chủ không vũ trang, tiết lộ rằng các nhà lãnh đạo cao cấp Hoa Lục bị chia rẽ nghiêm trọng về việc hỗ trợ lời kêu gọi của sinh viên đối với cải cách chính trị dân chủ, theo cuốn sách.
Các đảng viên Cộng sản diều hâu quá khích trong quân đội và giới lãnh đạo đảng đã tìm cách đánh bại và cuối cùng bắt giữ những quan chức cao cấp của Đảng ủng hộ cải cách dân chủ.
Cuốn sách cũng cung cấp những tiết lộ mới [được liệt kê] dưới đây về chiến lược của Hoa Lục đối với Hoa Kỳ:
Phe cứng rắn Hoa Lục cổ súy cuốn sách của Đại tá Lưu Minh Phúc, “Giấc mơ Hoa Lục”, là nguồn cảm hứng đằng sau chính sách ngày càng ngã theo chủ nghĩa Mao của lãnh đạo Hoa Lục Tập Cận Bình hiện nay. Các bài viết khác của phe diều hâu tiết lộ một ý muốn về thế giới với Hoa Lục chiếm ưu thế trong tương lai, sẽ đặt giá trị của “trật tự cao hơn tự do, đạo đức cao hơn luật pháp và quản trị chính quyền của giới ưu tú cao hơn dân chủ và nhân quyền”.
Các cơ quan tình báo Mỹ trong nhiều thập niên đã đánh giá thấp ảnh hưởng của diều hâu Hoa Lục và tiếp tục chối bỏ quyền lực và ảnh hưởng họ như yếu tố bên lề.
Các nhận định tình báo hồi cuối thập niên 1980 đã không nhận ra bầu không khí ủng hộ dân chủ bên trong Bộ Chính trị cầm quyền đang lên mạnh cho đến khi bị nghiền nát sau cuộc đàn áp bất đồng chính kiến năm 1989.
Sau Thiên An Môn, chính quyền Hoa Lục đã tạo ra một lịch sử giả để che giấu sự hợp tác bí mật trong quá khứ với Hoa Kỳ.
Vũ khí “chùy sát thủ” của Hoa Lục – tên lửa và các vũ khí kỳ lạ khác – đang được chế tạo để đánh hạ các vệ tinh và tiêu diệt tàu sân bay, sử dụng vũ khí công nghệ cao, bao gồm cả vũ khí điện từ trường.
Như một phần trong việc cung cấp bí mật trợ giúp của Mỹ cho Hoa Lục trong thập niên 1970, CIA cắt viện trợ cho nhà lãnh đạo Tây Tạng lưu vong, Đức Đạt Lai Lạt Ma, và hủy bỏ các cuộc tuần tra của Hải quân Mỹ qua eo biển Đài Loan. Thay vào đó, CIA bắt đầu cung cấp thông tin tình báo về Liên Xô cho Hoa Lục.
Reagan đã đồng ý bán sáu hệ thống vũ khí lớn cho Hoa Lục, nhưng đòi hỏi rằng sự tiếp tục viện trợ được đặt dưới điều kiện Hoa Lục phải không về phe với Moscow và tự do hóa hệ thống cộng sản. Cuộc chuyển giao vũ khí bị dừng lại sau Thiên An Môn.
Sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới cho Hoa Lục đã không áp đặt điều kiện vào việc Hoa Lục tiến dần tới cải cách thị trường tự do. Kết quả là, chính phủ Hoa Lục ngày nay tiếp tục kiểm soát hầu hết các ngành công nghiệp.
Hoa Lục sẽ làm suy yếu Liên Hợp Quốc và Tổ chức Thương mại Thế giới để “phá bỏ tính chính đáng” của trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu nhằm cổ động cho hệ thống toàn cầu của họ.
Một cuộc họp bí mật nội bộ của cán bộ Hoa Lục thảo luận về ưu tiên chính sách đối ngoại quan trọng nhất của Hoa Lục về chủ đề “làm thế nào để quản lý sự suy thoái của Hoa Kỳ”, cho thấy rằng Hoa Lục đang cố gắng chống lại lợi ích của Mỹ bằng cách hỗ trợ các quốc gia hiếu chiến và bán vũ khí cho kẻ thù của Mỹ.
Để chống lại những gì Pillsbury mô tả như là chiến lược “thời đại chiến quốc” của Hoa Lục để thống trị thế giới, là một phương pháp vạch ra cách thức làm thế nào để một thế lực yếu hơn có thể đánh bại một kẻ thù mạnh hơn, Hoa Kỳ cần phải nhận ra mối đe dọa này và khẩn cấp thực thi các bước để ngăn chặn Hoa Lục thống trị thế giới.
Pillsbury cho biết như là một phần trong nỗ lực chống lại sự tăng cường quân sự của Hoa Lục, ngân sách sắp tới của Ngũ Giác Đài nên bao gồm tài khoản lên tới 100 máy bay ném bom tầm xa mới, ngân quỹ để củng cố các vệ tinh của Mỹ chống lại các cuộc tấn công của Hoa Lục, và tiền bạc cho một chương trình của Hải quân để bảo vệ các tàu sân bay của Mỹ trước tên lửa đạn đạo chống tàu DF-21D, sát thủ tàu sân bay của Hoa Lục.
Bill Gertz
Người dịch: Trần Văn Minh
Nguồn: DCCT
- Viết bởi Nguỵ Kinh Sinh - Lê Minh Nguyên dịch
VRNs (05.02.2015) – Sài Gòn – Cụm từ “tổng kết cho năm” nghe có vẻ cổ điển, với chút dư âm xưa. Nhưng thực ra, nó có ý nghĩa – để kiểm điểm lại hết cả năm, để xem những gì đã làm được và những gì đã mất mát. Sau đó trở về nhà nghỉ lễ đầu năm mới. Kế đến, lập kế hoạch làm thế nào cho năm mới sắp đến và thậm chí cả một vài năm tiếp theo trong tương lai.
Năm 2014 không phải là một năm tốt đẹp cho những người dân bình thường ở Hoa Lục, do suy thoái kinh tế, lạm phát, thất nghiệp và giá cả tăng trên thị trường. Đời sống của những người dân bình thường này giống như nước thấm xuống các tầng lớp dưới, càng lúc càng trở nên khó khăn hơn. Sự khó khăn này không chỉ giới hạn ở những người nghèo, mà còn ảnh hưởng đến tầng lớp trung lưu. Lớp duới của tầng lớp trung lưu là không may mắn nhất, vì phần lớn trong lớp này đã bị rớt xuống mức nghèo.
Những người nhà giàu cũng không tốt hơn. Khi có sự gia tăng nghèo đói, luật pháp và trật tự trở nên tồi tệ hơn. Tất nhiên mục tiêu bị nhắm chủ yếu là những người giàu có. Sự chênh lệch hiện nay giữa người giàu và người nghèo đã làm cho việc tấn công những người giàu càng ngày càng phổ biến và trở thành nghiêm trọng hơn. Những người nhà giàu có nhiều tiền không thể được coi là hạnh phúc khi sống trong một đại dương của tâm lý ghét nguời giàu. Việc họ gởi các thành viên gia đình và nguời tình của họ ra ở nước ngoài đã trở thành thời thuợng. Cuối cùng rồi, mọi người đều có quyền theo đuổi hạnh phúc của riêng mình.
Người dân thấy rằng các quan chức trở nên kiêu ngạo hơn. Việc có tiền không bằng việc có quyền. Trong khi có quyền tương đương như có tiền. Quyền lực có thể làm ra tiền, trong khi không có quyền thì tiền có thể bị mất. Đôi khi người ta có thể mất mạng nếu người ta không muốn mất tiền. Vì vậy, các quan chức là lớp nguời kiêu ngạo nhất trong xã hội Hoa Lục. Nhưng ngay cả những quan chức cũng gặp khó khăn trong thời gian vài năm gần đây, khi phong cách sống thiếu trong sáng của họ đã nhận được những cái tát trên khuôn mặt.
Vuơng Kỳ Sơn (hiện đang phục vụ như Bí Thư của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, và đã nổi lên như gương mặt công khai trong chiến dịch chống tham nhũng của Tổng Bí Thư kể từ năm 2013) không có con cái, cho nên ông ta không phải lo lắng về tương lai. Khi ông bắt đầu chiến dịch bắt người, ông không có mối quan tâm về việc liệu những người khác có nguyền rủa ông, và ông cũng không sợ việc bắt cóc và đánh phá nhà cửa của ông. Đây giống như ông Phật có cơ thể không thể bị phá hủy. Ông đã làm cho tất cả mọi quan chức Hoa Lục thực sự cảm thấy không an toàn, nhưng sẽ là sai lầm để nói rằng ông ta muốn chấm dứt tham nhũng từ gốc.
Sự bất an này là do thực tế hiện nay Hoa Lục trở lại truyền thống quan chức được “kính trọng”, trong khi các doanh nhân thì “khiêm tốn”, kể từ cuộc “đổi mới” của Đặng Tiểu Bình dưới tiêu đề của cái gọi là mô hình chủ nghĩa xã hội Hoa Lục. Cùng với việc thiếu các quy định của pháp luật dưới chế độ Cộng Sản, là sự thông đồng giữa các quan chức và doanh nhân, nó đã trở thành phương cách hoạt động chính. Hiện tuợng nổi bậc của giới quan chức tham nhũng này ở Hoa Lục quá phổ biến mà không khó khăn để biết.
Vì tham nhũng đã lan tràn rộng rãi, chống tham nhũng có nghĩa là cần phải tiêu diệt tất cả các quan chức. Nhưng nếu không muốn giết hết tất cả các quan chức, người ta phải chọn lựa để giết. Khi chọn lựa để giết, thì người ta không thể diệt được tham nhũng từ gốc rễ, nhưng nó sẽ gây ra một cảm giác bất an cho tất cả mọi người, vì không ai chắc chắn các tiêu chí để chọn lựa là gì.
Do đó tốt hơn hết là giết, thay vì để bị giết, là logic cho bất kỳ một người bình thường nào. Khi tất cả mọi người đều có cảm giác bất an, thì một người nào đó sẽ nổi loạn. Tham nhũng cực kỳ cũng sẽ dẫn đến nổi loạn. Hoặc là các quan chức sẽ đẩy người dân đến chổ phải nổi loạn, hoặc một số quan chức sẽ đẩy các quan chức khác nổi loạn, một sự mâu thuẩn nội tại toàn bộ. Dùng câu ngạn ngữ của người dân Hoa Lục, nó được gọi là “Con heo nhìn vào gương – thì nó không phải là con người, dù là ở bên trong hay bên ngoài tấm gương.”
Cuộc đấu tranh mạnh mẽ gần đây cho quyền phổ thông đầu phiếu thực sự ở Hồng Kông là một ví dụ điển hình. Phong trào đạt đến điểm vuợt ra ngoài sự mong đợi của những người khởi xướng ra nó. Đó là bởi vì nền tảng quan điểm của quần chúng vượt qua những gì mà các nhóm ưu tú/elites ước tính. Kết quả này là một dạng của mô hình các quan chức buộc người dân nổi loạn. Qua nhiều năm các quyền làm người và luật pháp ở Hồng Kông bị xói mòn bởi các đại diện của chế độ Cộng sản, đã làm cho người dân Hồng Kông cảm thấy không thể chấp nhận được nữa. Cho nên ngay khi có một tia lửa, nó cháy lan ra một khu vực rộng lớn. Đây không phải là những gì mà các nhóm ưu tú/elites dự đoán khi họ muốn sử dụng phong trào quần chúng để giải quyết tranh chấp.
Trong khi đó, kết quả này cũng là mô hình tiêu biểu của một số quan chức đẩy các quan chức khác vào thế nổi loạn. Việc tấn công tham nhũng có chọn lựa của Vuơng Kỳ Sơn, người không quan tâm đến chính bản thân mình, đã làm cho tất cả mọi quan chức cảm thấy bất an. Thật ra, chủ nghĩa tư bản quan liêu do kiến trúc sư trưởng Đặng Tiểu Bình tạo ra đã được triển khai trong thời gian đủ dài. Nó dài đến mức mà sự tham nhũng của các quan chức đã đạt đến đỉnh cao: mỗi cán bộ ở Hoa Lục đều tham nhũng và không ai là không tham nhũng hiện nay. Đó là sự đồng thuận của xã hội mà các quan chức tham nhũng cao cấp như “hổ”, trong khi các quan chức tham nhũng cấp nhỏ như “ruồi”.
Thậm chí có những quan chức cấp nhỏ nhưng lại giống như “hổ con” tham nhũng nhiều tỷ bạc. Ngay cả khi tuyên bố chống tham nhũng có chọn lựa, thậm chí như các cơ quan thẩm quyền đè bẹp những tố cáo tham nhũng của quần chúng gởi lên, thì những “con hổ” và “ruồi” này sẽ vẫn cảm thấy không an toàn, áp lực tâm lý sẽ làm cho họ mất ngủ. Đúng là khi có áp bức thì có đề kháng. Cho nên, chính quyền đã mạo hiểm khiêu khích dây thần kinh nhạy cảm của người dân Hồng Kông, mạo hiểm ngăn chặn quá trình chống tham nhũng bằng diễn biến hòa bình.
Vì vậy, sử dụng hoàn cảnh do các quan chức kích động, các chiến sĩ dũng cảm trẻ tuổi dùng trào lưu này để khởi động cuộc cách mạng dù của quần chúng, chống lại các quan chức ức chế. Những chiến sĩ này đã làm cho Tập Cận Bình, các quan chức nổi loạn chống lại các quan chức khác, và những người dân chủ lớn tuổi của giai cấp ưu tú/elites bị chết lặng. Nó cũng nhân lên gấp bội sự tự tin của các nhà dân chủ thực sự cũng như người dân ở cả Hồng Kông và Hoa Lục đại lục, những người thật sự muốn phổ thông đầu phiếu.
Điều khá lý thú là những đấu tranh nội bộ trong phong trào dân chủ trên đường phố Hồng Kông đã giống như các cuộc đấu tranh nội bộ trong phong trào dân chủ 1989 tại Quảng trường Thiên An Môn – một cuộc tranh chấp về vấn đề tiếp tục hay rút lui, cũng như cuộc chiến giữa những người mà quần chúng ủng hộ và những người được chính quyền gửi đến. Có những người được chính quyền gửi đến sau khi nhận được lệnh ân xá, và có những người đã được thuyết phục để rút lui. Ở giữa là rất nhiều agents của chính quyền để thừa nước đục thả câu. Nó có đủ màu sắc và làm mọi người nhầm lẫn. Đây là đặc tính của phong trào quần chúng tự phát.
Do sự kiểm soát chặc chẽ truyền thông Hoa Lục và truyền thông nước ngoài của chế độ Cộng sản, cũng như sự khó quảng bá ra công chúng của các nhà dân chủ, cho nên sự hỗ trợ của người dân Hoa Lục đại lục bị tụt xa về phía sau của tình hình. Nó đã không đóng được vai trò hỗ trợ tương tự như nguời dân Hồng Kông, trong phong trào dân chủ ở đại lục năm 1989. Lúc đó, các nhà dân chủ giả hiệu và agents do chính quyền CS cài vào đã đóng vai trò rất hiệu quả để gây hoang mang cho người dân.
Nhưng thà muộn còn hơn là không bao giờ. Mọi việc vẫn chưa kết thúc; chúng ta vẫn cần phải phấn đấu trong tương lai. Vấn đề quan trọng cho các nhà dân chủ ở Hoa Lục đại lục, Hồng Kông, Đài Loan và ở nước ngoài để nghiên cứu, là làm thế nào mở rộng các nỗ lực để thúc đẩy, cũng như phản công lại sự kiểm soát các phương tiện truyền thông của Cộng Sản.
Các agents Cộng sản, dù được trả lương hay tình nguyện, đã hát một điệp khúc rè trong nhiều năm, đó là “không sử dụng bạo lực bằng lời nói ở nước ngoài, hãy trở về Hoa Lục để thử nghiệm nó.” Họ viết tắt là “bạo miệng” để định hướng rằng dùng lời lẽ là không được việc, mà hãy bằng hành động thì mới hữu ích. Điệp khúc rè này làm cho nhiều bạn bè dân chủ của chúng ta bỏ cuộc trong thất vọng, cho những công tác vận động bằng cách sử dụng Internet và một loạt các phương tiện truyền thông khác, và nó cho phép các agents Cộng sản và những người muốn tìm sự ân xá của chế độ cộng sản kiểm soát các lãnh vực này.
Phong trào dân chủ Hồng Kông lần này mới chỉ là một ấn bản giới thiệu diễn trước cho một chiến dịch toàn quốc ở Hoa Lục. Nó là bài tập mang về nhà làm để chúng ta biết phải làm gì hầu rút kinh nghiệm hữu ích và học được những lỗi lầm. Khi mà tranh chấp nội bộ trong giới lãnh đạo Cộng sản ở thế sẽ không dừng nhưng là tăng tốc, cuộc nổi dậy của người dân cũng sẽ không dừng nhưng là tăng tốc lên theo. Nếu các nhà dân chủ không học được những bài học để chiến đấu tốt hơn, thì họ chỉ có thể bị tụt hậu; đi phía đằng sau quần chúng, và tiếp tục bị quê mặt như các nhà dân chủ ở Hồng Kông đã bị, trong phong trào tranh đấu cho phổ thông đầu phiếu ở Hồng Kông.
Cũng như nước luôn luôn chảy, phong trào vẫn tiếp tục. Phong trào dân chủ tranh đấu cho quyền bầu cử phổ thông ở Hồng Kông vẫn duy trì tinh thần lý tưởng của riêng nó. Những nguời dân chủ thực sự cả hai bên Hoa Lục lục địa và nước ngoài nên học hỏi từ họ, không để cho tinh thần bị chán nản và không rút lui. Chúng ta phải tiếp tục những nỗ lực của chúng ta cho đến khi nào chúng ta chiến thắng.
Nguỵ Kinh Sinh
Lê Minh Nguyên dịch
Nguồn: DCCT
- Vua Abdullah của Ả rập Saudi qua đời
- Pháp : Tuần hành lịch sử chống khủng bố
- Một lịch sử đầy tranh cãi của tờ Charlie Hebdo
- Nữ minh tinh Hollywood Angelina Jolie được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến
- Charlie Hebdo : Kết thúc cuộc truy lùng đẫm máu, 7 người chết trong đó có 3 hung thủ
- Biến chuyển đột ngột: 72 giờ trước khi Đức Thánh Cha lên đường, Sri Lanka đổi ngôi tổng thống
- Cảnh sát đã bắt 7 người, sau vụ khủng bố
- Tạp chí châm biếm Paris bị tấn công và mười hai người thiệt mạng
- Giao tranh dữ dội giữa Ấn Độ và Pakistan
- Nữ Thủ Tướng Đức Angela Merkel sẽ có chuyến thăm Đức Thánh Cha