Tin Thế Giới
Tin Thế Giới
- Viết bởi Ngô Nhân Dụng /Người Việt
Hiện tượng Quốc Gia Hồi Giáo (Islamic State) bắt nguồn từ lịch sử vùng Trung Ðông, trong mấy trăm năm qua. Những sắc dân khác nhau, tín đồ các tôn giáo và giáo phái Hồi Giáo khác nhau đã sống chung trong vùng này bao nhiêu thế kỷ. Họ bị quy tụ vào nhiều lãnh thổ, dưới quyền các đế quốc, đế quốc Ottoman từ thế kỷ 16, 17, rồi tới đế quốc Anh, Pháp từ thế kỷ 20. Khi các đế quốc tan rã, các quốc gia mới được lập ra trong các đơn vị hành chánh cũ, mỗi quốc gia dân chúng gồm dân chúng thuộc nhiều sắc tộc và tôn giáo khác nhau. Khi bị những chế độ độc tài quân phiệt cai trị, các quốc gia này tồn tại được. Khi mỗi chế độ độc tài bị lật đổ hoặc suy yếu, các mâu thuẫn chủng tộc và tín ngưỡng lại bùng lên. Phong trào IS cho thấy thế giới Á Rập đang diễn ra một cuộc “khủng hoảng lập quốc.”
Hai quốc gia đang bị quân IS đe dọa là Iraq và Syria. Tại Iraq, Saddam Hussein dùng một thiểu số người theo giáo phái Sun Ni cai trị đa số dân theo phái Shi A và mấy triệu người Kurds. Tại Syria, cha con Hafez và Bashar Assad, dựa trên một thiểu số theo giáo phái Alawite, cũng thuộc ngành Shi A; trong 45 năm qua đã cai trị đa số người theo phái Sun Ni, cùng với những người theo đạo Thiên Chúa, đạo Druz, người thiểu số Kurds.
Hai vị tổng thống Mỹ đã tạo môi trường cho cuộc khủng hoảng mới này. Thứ nhất, năm 2003, Tổng Thống Bush tấn công Iraq, lật đổ chế độ Saddam Hussein. Thứ nhì, năm 2011, Tổng Thống Obama bắt đầu rút quân khỏi Iraq. Một chế độ sắt máu đổ, những mầm mống chia rẽ có gốc rễ từ ngàn năm được dịp sống lại, lớn dần. Tại Syria, nguyên nhân khiến chính quyền Assad suy yếu cũng phát sinh trong cùng thời gian đó. Chính phủ Mỹ cũng khuyến khích khi người Á Rập nổi lên lật đổ các chế độ độc tài, gọi là Mùa Xuân Á Rập.
Tất nhiên, phong trào Mùa Xuân Á Rập đều tự động phát sinh; dù nước Mỹ không dính vào thì dân chúng Tunisia và Ai Cập cũng nổi dậy đòi quyền sống tự do. Nhưng vì được nước Mỹ hoan hô cho nên dân các nước khác cũng vùng lên. Tiêu biểu là dân Libya, được các nước Châu Âu yểm trợ, rồi Mỹ tiếp tay. Khi Mùa Xuân Á Rập tràn tới Syria, năm 2011, chế độ Assad lung lay, một guồng máy độc tài bị đe dọa sắp tan rã mở cửa cho các nhóm đối lập đứng lên đòi tự do. Phong trào Quốc Gia Hồi Giáo (IS) phát lên từ cuộc nổi dậy này, rồi từ Syria quay trở lại Iraq.
Khi quân IS chống chính quyền Assad, chính phủ Mỹ không dính vào, mặc dù họ nêu rõ mục tiêu là thành lập một Quốc Gia Hồi Giáo gồm cả hai nước Iraq và Syria. Mỹ hỗ trợ rất ít cho các nhóm kháng chiến Syria khác, cạnh tranh với nhóm IS. Nhưng IS đã xóa nhòa biên giới các quốc gia đang có sẵn. Chỉ khi quân IS đánh bại quân chính phủ Iraq, đe dọa cả khu vực của người Kurds, Mỹ mới cho máy bay bỏ bom giải vây. Chính quyền Obama bị thử thách. Chủ trương của ông Obama từ nhiều năm qua là chỉ can thiệp khi mạng sống của các công dân Mỹ bị đe dọa. Mỹ chỉ giúp chính phủ Iraq đánh quân IS ở nước họ vì lo an ninh của người Mỹ đang ở đó, chứ không đánh IS giúp chế độ độc tài Assad! Nhưng từ đầu Tháng Tám, Nghị Sĩ John McCain đã thúc giục chính phủ Mỹ phải tấn công quân IS “tại Syria,” ông nói: ISIS (tên gọi vào lúc đó) là một mối đe dọa “cho chính nước Mỹ!”
Nay thì Tướng Dempsey nói, một cách cụ thể hơn: ISIS không chỉ đe dọa Iraq và Syria, chúng đe dọa cả vùng này. Nghĩa là nếu không tiêu diệt được các đạo quân IS, nền an ninh của Israel, Á Rập Sau đi, Lebanon, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, các vương quốc Á rập vùng vịnh, các đồng minh của Mỹ trong vùng đều bị đe dọa. Quân IS đã làm chủ một phần ba lãnh thổ Syria, lại mới chiếm được tỉnh Tabqa nằm sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và đang xâm phạm biên giới Lebanon.
Ðầu tuần này, chính phủ Mỹ mới bắt đầu cho máy bay thám thính bay theo dõi quân IS tại Syria, chuẩn bị nếu cần sẽ bỏ bom. Hành động của ông Obama có thể bị thúc đẩy vì quân IS đã hạ sát nhà báo Mỹ James Foley, ông bị IS bắt giữ trong lãnh thổ Syria. IS cũng báo trước sẽ giết các công dân Mỹ nếu bắt được. Chắc Tổng Thống Obama khi ra lệnh bỏ bom tại Syria sẽ nêu lý do nhân đạo; vì quân IS chiếm được nơi nào là tàn sát những người dân không chịu cải đạo. Họ cũng đem trưng bày các xác chết hoặc thủ cấp của những đối thủ bị giết, cả thế giới loài người ghê tởm.
Nhưng bản chất hiện tượng IS nổi dậy là một cuộc khủng hoảng của thế giới Hồi Giáo, vấn đề chính là việc thành lập các quốc gia không vững bền.
Các quốc gia này từ khi dựng lên đã không theo lằn ranh giữa các sắc tộc và tôn giáo; mà việc xác định biên giới giữa các nhóm này cũng rất khó, sau hàng ngàn năm họ đã sống lẫn bên nhau. Khi các quốc gia này do các chế độ độc tài sắt máu cai trị, người dân phải chấp nhận dù bị sống trong cảnh bất công. Khi một chính quyền yếu đi, dân chắc chắn nổi dậy.
Ba nước đang sống trong cảnh nội chiến là Iraq, Syria và Libya. Nhưng các nước khác đã trải qua các cuộc khủng hoảng tương tự là Yemen, Lebano, Maroc, Sudan. Nước Yemen đã từng bị tách đôi, đánh nhau, rồi hợp lại mấy lần từ thập niên 1990. Dân miền Nam Sudan đã thành công ly khai lập một quốc gia mới. Sau khi chế độ độc tài bị lật đổ, dân Libya đã thành lập một chính phủ thống nhất, nhưng bây giờ lại đang phân ly, theo mầu sắc địa phương, chủng tộc và tôn giáo.
Một quốc gia chỉ đứng vững khi người dân được tự do bày tỏ ý nguyện qua lá phiếu. Khi có tự do dân chủ, chính quyền mới thấy có trách nhiệm phục vụ các quyền lợi của đa số dân chúng, tôn trọng quyền sống bình đẳng, không ưu đãi một thiểu số nào. Chính phủ các nước Á Rập phải tự tìm đường giữ cho nước họ khỏi bị phân liệt vì chịu cảnh bất công, vì dân không được tự do phát biểu một cách ôn hòa. Những nước còn bình yên phải góp sức thành lập những chính phủ thống nhất cho giúp ba quốc gia đang loạn ly. Rất khó chia cắt các nước như Iraq, Libya theo lằn gianh chủng tộc và tôn giáo; vì các mỏ dầu lửa được tập trung tại một số vùng, không thể chia phần được. Cho nên, cách ổn định lâu dài duy nhất là thành lập những chính quyền liên hiệp được các nhóm dân khác nhau chấp nhận. Chính quyền đó chỉ vũng bền nếu họ theo các quy tắc tự do dân chủ. Các nước Á Rập phải cùng nhau đứng bảo đảm cho tính chất dân chủ của các chính quyền đó.
Nếu không muốn dấn thân dự vào những cuộc nội chiến có nguồn gốc từ hàng ngàn năm xa xưa, chính phủ Mỹ phải biết tự hạn chế trong mục tiêu “cảnh sát,” đi giữ trật tự, trong những phạm vi có giới hạn! Chính phủ Mỹ hay chính phủ bất cứ một nước ngoài nào, dù đóng vai trò “cảnh sát quốc tế” cũng chỉ dẹp bỏ được những đám loạn quân quá tàn bạo, như quân IS; chứ không hy vọng tiêu diệt hết những mầm mống chia rẽ trong các nước vùng Trung Ðông. Cuộc khủng hoảng lập quốc trong thế giới Á Rập chỉ có thể do chính người Á Rập giải quyết.
(Nguồn: Người-Việt online)
- Viết bởi Lữ Giang
Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (Center for Strategic and International Studies - CSIS) của Hoa Kỳ, có trụ sở tại Washington, đã phân tích các không ảnh về tiến độ cải tạo đất và xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông và cho biết việc xây cất đang được thực hiện ở một quy mô lớn hơn và với tốc độ nhanh hơn so với những gì Hoa Kỳ đã tiên liệu. Vấn đề được đặt ra là Trung Quốc đang muốn gì?
KHÁI NIỆM VỀ CÁC ĐẢO ĐÃ BỊ CHIẾM
Từ thế kỷ 16 đến 18, các quốc gia Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh và Pháp đã đi tìm các hoang đảo ở Biển Đông để chiếm giữ và khai thác. Năm 1791 một người Anh tên là Henry Spratly đã đến đá Vành Khăn và đặt cho nó cái tên là Mischief. Năm 1843 Richard Spratly đã bắt đầu đặt tên cho các đảo trong quần đảo Trường Sa, trong đó có Spratly's Sandy Island mà người Việt thường gọi đảo Trường Sa. Từ đó, tên của nhà thám hiểm Spratly trở thành tên tiếng Anh của quần đảo này. Vì thế, chúng ta đừng ngạc nhiên khi thấy trên các bản đồ quốc tế hiện nay, các đảo trong quần đảo Trường Sa đều ghi tên bằng tiếng Anh.
Tuy nhiên, sau một thời gian, người Anh thấy khai thác Trường Sa không có lợi nên bỏ đi. Tháng 7 năm 1927 Pháp bắt đầu cho khảo sát Trường Sa. Họ thấy có ngư dân Trung Quốc đang đánh cá trên một số đảo. Ngày 23.9.1930 Pháp thông báo cho các cường quốc khác rằng Pháp đã chiếm quần đảo Trường Sa. Ngày 21.12.1933, Thống Đốc Nam Kỳ là Jean-Félix Krautheimer đã ký Nghị định số 4702-CP sáp nhập số đảo trên vào địa phận tỉnh Bà Rịa thuộc Liên Bang Đông Dương. Sáu năm sau, Thứ trưởng Ngoại Giao của Anh là Richard Butler tuyên bố nhìn nhận chủ quyền của Pháp trên vùng Trường Sa. Việc VNCH có quyền tiếp thu quyền sở hữu các đảo nói trên hay không là một vấn đề đang tranh luận.
Quần đảo Trường Sa (Spratly Islands) có hơn 100 đảo nhỏ, đảo san hô, bãi ngầm, bãi đá và rạn san hô. Hiện nay Việt Nam đã chiếm 21 đảo, Philippines 10 đảo, Trung Quốc 7 đảo, Mã Lai 7 đảo và Đài Loan 2 đảo.
Bảy đảo do Trung Quốc chiếm là Đá Châu Viên (Cuarteron Reef), Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Cụm Đá Ga Ven (Gaven Reefs), Đá Gạc Ma (Johnson South Reef), Đá Tư Nghĩa (Hughes Reef), Đá Vành Khăn (Mischief Reef) và Đá Xu Bi (Subi Reef). Trong 7 đảo này, Đá Chữ Thập là quan trọng hơn cả. Đó là một rạn san hô lớn nằm tách biệt khỏi các thực thể khác với tổng diện tích hơn 110 km2, được Trung Quốc dùng làm trung tâm đồn trú của Trung Quốc tại Trường Sa. Đảo quan trọng thứ hai là Đá Gạc Ma. Đây là một rạn san hô nằm ở đầu mút tây nam của cụm Sinh Tồn. Đảo này đã do bộ đội của Hà Nội chiếm giữ năm 1987, sau đó đem 70 công binh của Trung Đoàn 83 và 22 bộ đội của Lữ Đoàn 146 ra xây dựng, nhưng ngày 14.3.1988 đảo này đã bị quân Trung Quốc đánh chiếm. Năm đảo còn lại đều là rạn san hô, có đảo đa phần chìm dưới nước như Đá Vành Khăn hay chỉ lòi ra khi thủy triều xuống như Đá Tư Nghĩa.
Một câu hỏi được đặt ra: Tại sao Trung Quốc chỉ chiếm có 7 đảo và họ đã chiếm những đảo đó để làm gì?
CHIẾN THUẬT ĐÁNH CẮP BIỂN CỦA TRUNG QUỐC
Kể từ năm 1980 Trung Quốc bắt đầu tiến chiếm các đảo nói trên. Riêng Đá Vành Khăn mới chiếm năm 1995. Một số nhà phân tích cho rằng những hòn đảo mà Trung Quốc đang chiếm là những nơi Trung Quốc tin rằng có trữ lượng dầu lửa lớn. Nhưng một số nhà phân tích khác không tin như vậy. Theo các nhà phân tích này, Trung Quốc chủ trương chiếm những vị trí quan trọng trên Biển Đông để từ đó có thể không chế cả Biển Đông. Cụ thể là ba đảo Đá Chữ Thập, Đá Gạc Ma và Đá Vành Khăn nằm ở trung tâm quần đảo Trường Sa từ Tây sang Đông, có thể từ đó khống chế toàn vùng Trường Sa. Chuyên gia phân tích của tuần báo IHS Jane’s Defense đã gọi các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp là một chuỗi pháo đài giúp Bắc Kinh tăng cường năng lực khống chế toàn khu vực, cả trên không lẫn trên biển. Để thực hiện mục tiêu này, Trung Quốc đã áp dụng những chiến thuật rất tinh vi.
Báo Huffington Post ngày 3.2.2014 có đăng bài “How to Steal the Sea, Chinese Style” (Làm thế nào để đánh cắp Biển Đông, kiểu Trung Quốc) của Llewellyn King, người sáng lập và điều hành chương trình tuần tin tức “Biên niên sử Tòa Bạch Ốc” (White House Chronicle) trên kênh truyền hình PBS. Trong bài này, ông đã nhận định về chiến thuật lấn chiếm Biển Đông của Trung Quốc như sau:
Biển Đông có tầm quan trọng được đánh giá rất cao, là một tuyến đường biển quốc tế quan trọng nhất; một trong những ngư trường lớn nhất; và thềm lục địa có trữ lượng lớn dầu và khí đốt. Không có gì ngạc nhiên khi mọi người đều muốn một phần của nó, nhưng Trung Quốc muốn lấy tất cả.
Thời gian qua Trung Quốc đã đưa ra yêu sách chủ quyền phần lớn Biển Đông và tung ra một bản đồ gọi là Đường Chín Đoạn (hay Lưỡi Bò) chiếm hầu hết Biển Đông và tất cả hòn đảo trên đó. Bản đồ Đường Chín Đoạn này là một sự khiêu khích tốt nhất và là một kế hoạch chi tiết cho việc sáp nhập tồi tệ nhất.
Cơ chế đánh cắp một trong những vùng biển lớn này của Trung Quốc là kiểm soát ba quần đảo: quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo Đông Sa cùng một số bãi ngầm nhỏ như Macclesfield và Scarborough. Giữa ba quần đảo này là khoảng 250 đảo nhỏ, đảo san hô, bãi ngầm, bãi đá và rạn san hô. Rất ít trong số này là nơi sinh sống hoặc có người bản địa. Một số bị ngập vĩnh viễn, và số khác chỉ nổi khi thủy triều thấp.
Nếu Trung Quốc tuyên bố quyền sở hữu, nước này có thể sử dụng các đảo này để mở rộng chủ quyền ra khu vực xung quanh. Đầu tiên, họ có thể tuyên bố phạm vi lãnh hải 12 hải lý xung quanh mỗi hòn đảo/bãi san hô này và cũng có thể tuyên bố tiếp một vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý từ những cái gọi là đảo này. Và thế là Trung Quốc có thể kết nối các điểm đó lại để chiếm lấy một mảng rộng lớn của Biển Đông.
Trung Quốc đã âm thầm và công khai về chiến lược của mình. Trung Quốc gia tăng mậu dịch với các bên tranh chấp; và trong một số trường hợp họ đóng góp hào phóng để phát triển cơ sở hạ tầng của các nước này, nhưng không phải trên biển Đông.
Trong những hành động khiêu khích trên biển, Trung Quốc cẩn thận trong việc sử dụng lực lượng hải giám (coast guard), chứ không dùng hải quân, khi mở rộng việc chiếm đoạt trên các quần đảo, và tiến dần từng bước để thống trị toàn bộ những gì gọi là đảo trên Biển Đông.
Llewellyn King đã đi đến kết luận: “Theo tôi, chúng ta đang chứng kiến một loại chủ nghĩa đế quốc mới từ Trung Quốc, một sự sáp nhập dần dần bất cứ điều gì họ muốn; sự xâm chiếm yên tĩnh, một cuộc chiến ngắn ngủi nhưng không ngừng nghỉ. Đây là một kiểu hành động của Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á, Châu Phi và những nơi khác. Họ siết chặt một cách nhẹ nhàng và sau đó với sức mạnh lớn hơn, giống như kiểu quấn chết người của một con trăn”.
“Các nước Đông Nam Á đang đẩy mạnh vũ trang, nhưng lực lượng hải quân của Trung Quốc lại phát triển nhanh hơn. Ngoài ra, nước này có thừa tiền và nhân lực để làm những gì họ muốn. Chính sách “xoay trục về châu Á” của Mỹ lại thực hiện quá ít ỏi để trấn an các nước láng giềng của Trung Quốc… Làm cách nào để ngăn cản được Trung Quốc đang chiếm lấy một số hòn đảo vô dụng, và sau đó lấy toàn bộ Biển Đông?”
Trong bài “Salami Slicing in the South China Sea” (Cắt lát xúc xích ở Biển Đông) đăng tải trên Foreign Policy, bình luận gia Robert Haddick đã gọi chiến lược nói trên của Trung Quốc là “cắt lát xúc xích” (salami-slicing), tức "xử dụng những hành động nhỏ, không đủ để khơi mào cho một cuộc chiến, nhưng nhằm kéo dài thời gian cho một sự thay đổi chiến lược lớn".
CÁC BƯỚC TIẾN TỚI CỦA TRUNG QUỐC
Theo số liệu của IHS Maritime, Airbus Defence & Space, Jane’s Defence Weekly và CSIS, Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động nạo vét tại 6 rạn san hô ở quần đảo Trường Sa đang tranh chấp trên Biển Đông. Chỉ có bãi đá ngầm Su Bi là chưa thấy hoạt động nâng cấp.
Tàu Tian Jing Hao của Trung Quốc là một tàu biển nạo vét hút cát dài 127m, được thiết kế bởi công ty kỹ thuật VOSTA LMG của Đức. Với trọng lượng 6.017 tấn, nó được ghi nhận là tàu lớn nhất thuộc loại này ở Châu Á. Tàu này đang hoạt động tại các đảo nói trên.
Việc cải tạo đất đang được Trung Quốc tiến hành rầm rộ tại các bãi Đá Gạc Ma, Châu Viên, Gaven, Tư Nghĩa và Én Đất. Đến ngày 14.11.2014, ảnh vệ tinh của Airbus Defence & Space cho thấy Đá Chữ Thập đã gần trở thành đảo nhân tạo. Một báo cáo vào tháng 12 năm 2014 của Uỷ Ban Giám Sát An Ninh - Kinh Tế Mỹ - Trung Quốc của Quốc Hội Hoa Kỳ cho biết: "Trung Quốc dường như đang mở rộng và nâng cấp cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự - bao gồm radar, thiết bị thông tin vệ tinh, bố trí súng phòng không và pháo bờ biển, sân đỗ trực thăng và bến tàu - trên một số hòn đảo nhân tạo".
Ông Gregory Poling, chuyên gia Đông Nam Á tại CSIS giải thích rằng quá trình cơ bản của việc mở rộng các bãi đá này chỉ đơn giản là nạo hút cát từ đáy biển và đổ nó lên các rạn san hô cạn xung quanh các cơ sở xây dựng trước đó của Trung Quốc. Ông nói."Dần dần bãi đá được nâng lên trên mực nước biển, che giấu tình trạng ban đầu của bãi đá hoặc rạn san hô bên dưới".
Cát phun lên sau đó được các xe ủi đất làm phẳng. Đến khi bãi cát tạo ra đúng theo yêu cầu, công nhân sẽ xây xung quanh hòn đảo mới này một hàng rào bê tông để chống lại sự xói lở và chống bão, và bắt đầu xây dựng các cơ sở mới trên đảo nhân tạo vừa hình thành: Bến cảng, sân bay trực thăng, các công trình quân sự và dân sự, và thậm chí là các đường băng nhỏ.
Tạp chí quốc phòng của Mỹ IHS Jane's Defence Weekly ngày 20.11.2015 công bố ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang xây cất đảo nhân tạo tại Đá Chữ Thập, đó là một công trình dài ít nhất 3.000m và rộng 200 – 300m, có thể làm đường băng quân sự. Cơ quan CSIS suy đoán rằng Bắc Kinh có thể xây dựng một đường băng trên các rạn san hô, mặc dù một số chuyên gia cho rằng nó quá nhỏ để có một tác động về mặt chiến lược. Một đường băng như thế đã được xây dựng tại Đá Chữ Thập là khu vực đã được mở rộng lên gấp 10 lần trong vài tháng qua, từ 80.000 m2 lên gần 1 km2 (960.000 m2).
HOA KỲ CHƯA TÌM RA PHƯƠNG THỨC ĐỐI PHÓ?
Trong bài “The Geography of Chinese Power: How Far Can Beijing Reach on Land and at Sea” (Địa chính trị của Quyền Lực Trung Quốc: Bao lâu nữa Bắc Kinh có thể với tới đất và biển) đăng trên Foreign Affairs, Vol. 89, No. 3, tháng 5 và tháng 6/2013, Robert D. Kaplan nói rằng năm 1904, Sir Halford Mackinder, nhà địa lý người Anh, đã kết thúc bài viết nổi tiếng “The Geographical Pivot of History” (Trục Địa Lý của Lịch Sử) cảnh báo về trường hợp của Trung Quốc. Sau khi giải thích tại sao lục địa Á-Âu chính là trục địa chiến lược của quyền lực thế giới, ông đã cho rằng Trung Quốc, một khi mở rộng sức mạnh của mình vượt ra ngoài biên giới, có thể tạo thành mối hiểm họa da vàng cho tự do của thế giới, đơn giản vì “Trung Quốc sẽ có thêm một vùng đại dương bổ sung cho nguồn tài nguyên của lục địa rộng lớn, một lợi thế mà nước Nga không may mắn có được trong khu vực trụ cột này.” Lời tiên đoán đó được đưa ra cách đây 110 năm, nay đang đúng.
Trong bài “Cuộc chiến giàng quyền lãnh đạo thế giới” chúng tôi đã trình bày kế hoạch “Một Trung Đông Lớn Hơn” của Mỹ là biến 5 nước chủ chốt ở Trung Đông (trong đó có Saudi Arabia) thành 15 nước để khống chế khối Hồi Giáo và và làm chủ khối lượng dầu lửa khổng lồ ở đó rồi dùng chiến tranh dầu lửa để làm bá chủ thế giới. Kế hoạch này được thực hiện từ 2006, nhưng đến năm 2011 thì bị Nga và Trung Quốc chặn lại. Mỹ phải tạo ra vụ Ukraina để cô lâp Nga và tuyên bố “xoay trục vế Á Châu Thái Bình Dương” để ngăn chận sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nhưng Mỹ không thể cùng một lúc vừa diệt nhóm Hồi Giáo cực đoan, vừa đối đầu với Nga và Trung Quốc, nên Mỹ phải tạm hòa hoãn với Trung Quốc.
Lợi dụng thời cơ, Trung Quốc đẩy mạnh tham vọng chiếm Biển Đông của họ. Ngoài ra, để đề phòng Mỹ có thể dùng kho dầu lửa Trung Đông để lũng đoạn, trong hội nghị APEC tại Bắc Kinh, ngày 9.11.2014 Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình đã ký 17 thỏa thuận, chủ yếu nhằm thúc đẩy hợp tác năng lượng giữa hai nước. Một trong các thỏa thuận đáng chú ý nhất là dự án xây dựng một đường ống cung cấp khí đốt từ Nga sang Trung Quốc trị giá 400 tỉ USD, cung cấp 38 tỉ mét khối khí đốt/năm. Như vậy dù Mỹ có chiếm được kho dầu Trung Đông, cũng khó dùng năng lượng để khống chế Nga và Trung Quốc. Trước tình trạng trên, Mỹ đang và sẽ đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông như thế nào?
Bản báo cáo mang tên “Số liệu về Sức mạnh quân sự của Mỹ 2015” do Tổ chức Heritage Foundation công bố hôm 24.2.2015 đã khẳng định: Hoa Kỳ không có đủ khả năng tiến hành hai cuộc chiến tranh lớn cùng một lúc. Theo đó, quân đội Mỹ sẽ thiếu trang bị để xử lý cả hai cuộc xung đột lớn trong khu vực khi chúng xảy ra cùng một lúc.
Vả lại, theo các nhà phân tích, chiến lược “cắt lát salami” của Trung Quốc đã không cho Mỹ có cớ để trực tiếp can dự bằng sức mạnh quân sự. Theo The Diplomat, để đối phó chiến lược của Trung Quốc, Mỹ đã sử dụng chiến thuật “bêu xấu”, tức là công khai các hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông. Nhưng Mỹ đã vấp phải một đối thủ “đáng gờm” với vũ khí lợi hại là “mặt dày mày dạn” của Trung Quốc, nên chiến thuật của Mỹ đã không có hiệu quả.
Thách thức hiện nay đối với quân đội Mỹ là tìm ra chiến thuật để ngăn chặn những hành động ở quy mô nhỏ của Trung Quốc mà không đẩy các tranh chấp cục bộ trở thành một cuộc xung đột quân sự lớn hơn. Nhưng tờ The Diplomat nhận định: “Quân đội Mỹ hiểu rằng cần phải làm nhiều hơn để ngăn chặn chiến lược “cắt lát salami” của Trung Quốc nhưng đáng tiếc là họ vẫn chưa biết phải làm thế nào”.
- Viết bởi Pv. VRNs
VRNs (05.03.2015) -Sài Gòn- Hãng tin AsiaNews cho biết, Mục sư Lim Hyeon-soo, 60 tuổi, đã mất tích tại Bắc Hàn trong hơn một tháng và không có tin tức gì của ngài từ thời điểm đó. Vị nhà lãnh đạo tôn giáo này đã đến đất nước hôm 31/1/2015 trong một chuyến đi từ thiện, và dự kiến sẽ trở về ngày 4/2.
Không có thông tin gì về vị mục sư kể từ khi ông đến quốc gia do họ Kim cai trị.
Lisa Pak, người phát ngôn của Giáo hội Trưởng Lão Ánh quang Hàn Quốc tại Toronto nói: “Chúng tôi không muốn gây kích động vì không cần thiết. Chúng tôi chỉ muốn biết vị mục sư có ổn không?”
Mục sư Lim đã từng đến Bắc Hàn hơn 100 lần trong những chuyến đi từ thiện giúp đỡ người già và trẻ mồ côi. Những chuyến đi này được mô tả là “hoàn toàn không liên quan chính trị.
Ông Lim sinh ra ở bán đảo Hàn Quốc và có quốc tịch Canada. Tuy nhiên, hiện Canada chưa thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Hàn, và luôn khuyên công dân mình không du lịch đến đây.
Các nguồn tin ngoại giao cho rằng, ông mất tích giữa “thời điểm không đáng lo ngại.” Các chuyên gia cũng cho biết, những công dân của các quốc gia khác sẽ được thả sớm trong trường hợp bị bắt, nếu “không trực tiếp chống đối” nhà cầm quyền tại Bắc Hàn.
Bắc Hàn hồi ngày 16/2/2014 cũng đã bắt giữ một nhà truyền giáo người Úc tên John Short, 75 tuổi, với cáo buộc “phân phát các tài liệu tôn giáo”. Ông được thả sau đó hôm 3/3 “vì lý do nhân đạo”.
Bắc Hàn hồi 11/2014 cũng trả tự do cho hai công dân Mỹ là Kenneth Bae và Matthew Miller, sau những bước đi ngoại giao căng thẳng.
Pv. VRNs
Nguồn: DCCT
- Viết bởi Nguyễn Văn Tạ tóm lược
Mặc dù Malaysia có tới 98 phần trăm dân số là người Hồi giáo, song trong tình huống lo ngại trước sự bành trướng của khủng bố cực đoan trong khu vực Đông Nam Á, chính quyền Kuala Lumpur đã lên kế hoạch ra đạo luật mới và sẽ được thảo luận trong Quốc hội vào tháng 3 này, trong nỗ lực chống khủng bố cực đoan từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
Đạo Luật mới quy định về việc thành lập một ủy ban đặc biệt, cho phép giam giữ nghi phạm, trong nỗ lực phòng ngừa khủng bố. Ngoài ra việc kiểm soát công dân được siết chặt chẽ hơn. Ấy vậy các nhà hoạt động nhân quyền lại lo sợ cho một sự hạn chế tự do cá nhân, như lời tuyên bố của Andrew Khoo luật sư đoàn thuộc Ủy ban Nhân quyền ở Malaysia: "Đã có những luật lệ ngăn cấm người dân rời khỏi đất nước và tham gia các nhóm khủng bố", nhằm ngăn chặn việc trở về nước, trong nỗ lực tiến hành những cuộc tấn công riêng lẻ, hoặc cổ vũ cho Hồi giáo cực đoan.
Năm ngoái, chính phủ đã trình bày một "Sách trắng về nguy cơ khủng bố ", mà từ tháng 4 năm 2014 có tổng cộng 36 người bị bắt, vì tình nghi là thành viên của nhóm khủng bố, đã tham gia thánh chiến ở Syria và Iraq. Riêng trong tháng 8. 2014, cảnh sát Malaysia thông báo đã phá vỡ một âm mưu khủng bố bằng bom nhắm vào các quán bar, vũ trường và bắt giữ hơn một 10 người.
Nguyễn Văn Tạ tóm lược
- Viết bởi Tin từ GoogleGroups
VRNs (04.03.2015) – Washington DC, USA – Ngày 24 tháng 2, 2015, Tân Đại Sứ Mã Lai tại Hoa Kỳ, Tiến Sĩ Awang Adek Hussin, đã nồng nhiệt đón tiếp thành viên Hội Mã Lai – Hoa Kỳ. Cô Genie Nguyễn Thị Ngọc Giao, Chủ Tịch Hội Voice of Vietnamese Americans cũng tham dự buổi tiếp tân này, và có dịp tham khảo ý kiến của ông về các vấn đề Biển Đông và lao động Việt Nam tại Mã Lai.
Vấn Đề Biển Đông, ASEAN và Quy Tắc Ứng Xử (COC) dưới sự Chủ Tịch của Mã Lai năm 2015
Ngọc Giao: Xin Đại Sứ vui lòng cho biết Mã Lai có đưa Quy Tắc Ứng Xử Biển Đông (Code of Conduct – COC) vào nghị trình của Hội Nghị Các Nước Đông Nam Á (ASEAN) năm nay không?
Đại Sứ Awang Adek Hussin: Vấn đề tranh chấp tại Biển Đông rất căng thẳng, và Mã Lai chắc chắn sẽ cố gắng đưa Quy Tắc Ứng Xử Biển Đông vào nghị trình.
Ngọc Giao: Mã Lai đã làm việc với Việt Nam, Phi Luật Tân, và các nước ASEAN thế nào trong tiến trình này ?
Đại Sứ Awang Adek Hussin: Mã Lai đang cố gắng làm việc với đại diện các phe tranh chấp, trong đó có Phi Luật Tân, Việt Nam, Brunei. Mã Lai đã từng thành công trong việc hoà giải tranh chấp với Thái Lan, và hy vọng nếu khối ASEAN có tiếng nói chung, sẽ tốt đẹp hơn.
Ngọc Giao: Thái độ của Trung Cộng thế nào ?
Đại Sứ Awang Adek Hussin: Trung Cộng không muốn hoà giải. Nhưng Mã Lai sẽ cố gắng dùng mối thâm tình của mình với Trung Cộng để thúc đẩy điều này.
Ngọc Giao: Làm sao để giám sát và có biện pháp với sự bất tuân của Trung Cộng hiện nay, khi họ tiếp tục xây thêm đảo nhân tạo trong vùng ?
Đại Sứ Awang Adek Hussin: Mỗi ngày, Trung Cộng xây thêm diện tích bằng 2 sân chơi football, thực khó mà ngăn chặn họ.
Ngọc Giao: Chúng ta có nên lên tiếng yêu cầu Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản, hỗ trợ không ?
Đại Sứ Awang Adek Hussin: Ngay lúc này, chỉ có thế nói chuyện trong vòng ASEAN. Cũng chưa biết Trung Cộng sẽ có thái độ thế nào. Nhưng nếu Việt Nam và các nước ASEAN cùng chung một ý hướng, thì sẽ dễ dàng hơn.
TPP – Lao động Việt Nam tại Mã Lai
Ngọc Giao: Chúng tôi hy vọng TPP sẽ sớm được ký kết, và Mã Lai là một thành viên, xin chúc mừng Mã Lai. Xin ngài Đại Sứ cho biết Mã Lai sẽ tuân thủ tiêu chuẩn về Luật Lao Động do TPP đề ra như thế nào, nhất là cách đối xử với Lao Động từ nước ngoài như công nhân Việt Nam tại Mã Lai ?
Đại Sứ Awang Adek Hussin: Mã Lai là một thành viên của TPP, và rất mong chúng ta sớm kết thúc thương lượng. Mã Lai có nhiều công nhân nước ngoài đến làm việc, không chỉ từ Việt Nam, mà rất nhiều người từ Miến Điện, Bangladesh, Lào, Cambodia. Chúng tôi còn gặp nhiều khó khăn trong việc các hãng xưởng đối xử với công nhân. Chúng tôi hứa sẽ cố gắng cải thiện không gian làm việc, chỗ ăn ở, và luật lao động cho tốt hơn.
Mới đây, Mã Lai bị Hoa Kỳ xếp vào tier 3 trong vấn đê nhân quyền vì việc buôn bán người (human trafficking). Chúng tôi sẽ cố gắng cải thiện.
Ngọc Giao: Xin cảm ơn Đại Sứ.
Tin từ GoogleGroups
Nguồn: DCCT
- Viết bởi Pv. VRNs
VRNs (02.03.2015) -Sài Gòn- CNA đưa tin, Tổng thống Petro Poroshenko đã gửi một thư mời ĐTC Phanxicô tới thăm Ukraine, thông qua đại sứ của Ukraine tại Tòa Thánh.
Tòa đại sứ đã chuyển tiếp lá thứ đến văn phòng Quốc vụ Khanh ngày 18/2, hai ngày trước chuyến hành hương ad limina của các giám mục Ukraine tới Roma để hội kiến truyền thống với ĐTC.
ĐGM Borys Gudziak thuộc giáo phận thánh Vladimir thánh cả của Paris ở Ukraine đã nói với đài phát thanh Tự Do hôm 25 tháng 2 rằng, ngài có biết tin về bức thư này và ĐTC đã có “phản ứng tích cực” với lời mời.
Trong một khía cạnh khác, phía ngoại giao đã cảnh báo với CNA hôm 25.2 rằng, vẫn còn xa để việc viếng thăm của ĐTC đến Ukraine diễn ra.
Cũng theo nguồn tin, không phải về vấn đề an toàn hay về mối liên hệ với Giáo hội Chính thống Nga sẽ làm chậm tiến trình tổ chức của chuyến đi, nhưng bản thân của chuyến viếng thăm cần được tổ chức và quản lý một cách cẩn trọng, điều này sẽ mất nhiều thời gian.
CNA dẫn nguồn tin cho biết thêm, “Khi Đức Gioan Phaolô II viếng thăm Ukriane trong 5 ngày vào năm 2001, đây được xem như một cuộc chạy đua. Chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô ít nhất sẽ là 3 ngày giữa thủ đô Kyiv, Lviv và có lẽ là một thành phố khác.
Liệu ĐTC có đưa ra lời hồi đáp tích cực về lời mời, một chuyến đi tới Ukriane bổ sung vào chuyến đi đến Ba Lan để tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới của ngài năm 2016?
Chuyến viếng thăm của ĐTC tới Ukraine sẽ mang đến cho đất nước nhiều hy vọng, theo vị TGM chính tòa Sviatoslav Shevchuk, người đứng đầu của Giáo hội Công giáo Hy Lạp. Chính ngài cũng đã có lời mời ĐTC Phanxicô tới thăm Ukraine trong cuộc họp báo hôm 23/2 tại Vatican. Ngài nói, “chuyến viếng thăm mang bình an đến phần phía Đông của Âu châu đã thấm đẫm máu của nhiều vị tử đạo cho việc hợp nhất của Giáo hội”.
Pv. VRNs
Nguồn: DCCT
- Viết bởi Nguyễn Việt Nam
Hàng chục ngàn người đã tràn ra đường phố Mạc Tư Khoa để thương tiếc cựu phó thủ tướng và là nhà lãnh đạo phe đối lập Boris Nemtsov, 55 tuổi, người đã bị bắn chết vào chiều ngày thứ Sáu 27 tháng Hai. Họ đã tập trung tại một cây cầu gần điện Cẩm Linh, nơi Nemtsov đã bị bắn và giết chết.
Boris Nemtsov là một trong những đối thủ mạnh mẽ nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Vụ ám sát xảy ra trong khi ông sắp tiết lộ những bằng chứng mà theo ông sẽ chứng minh sự tham gia trực tiếp của Nga trong cuộc xung đột ở nước láng giềng Ukraine.
Trước đó, ông đã mạnh mẽ chỉ trích cuộc chiến tranh đang diễn ra giữa quân chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn.
"Chúng ta phải nói không với chiến tranh," ông nói với một đám đông tại thời điểm đó. "Chính sách điên rồ này phải được kết thúc. Chúng ta phải đồng thanh nói Nga và Ukraine không có Putin. Nga và Ukraine không có Putin".
Nemtsov cũng đang điều tra những vụ tham nhũng, bao gồm việc tổ chức Thế vận hội mùa đông 2014 tại thành phố Sochi bên bờ Biển Đen.
"Đây là những trò chơi đắt tiền nhất trong lịch sử của nhân loại", ông nói trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Hà Lan. "Putin đã bỏ ra hơn 50 tỷ Mỹ Kim chủ yếu từ tiền của Nhà nước. Và theo dự toán của tôi, khoảng hơn 30 tỷ đồng đã biến mất vì tham nhũng."
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh điều tra vụ giết ông Nemtsov. Nhưng hầu hết các vụ giết người trước đó, trong đó có vụ giết nhà báo Anna Politkovskaya vào năm 2006, chưa bao giờ được đưa ra ánh sáng.
Các quan chức Nga cho rằng Nemtsov có thể đã bị giết bởi các chiến binh Hồi giáo sau khi ông chỉ trích các vụ thảm sát gần đây tại trụ sở của báo Charlie Hebdo ở Paris.
Tuy nhiên Kenneth Roth, giám đốc điều hành của Human Rights Watch, cho biết việc giết hại này là nhằm tận diệt hàng ngũ đối lập đang rất yếu ớt tại Nga.
"Thực tế đáng buồn của vụ giết người này là nếu họ có thể giết được Boris Nemtsov, thì không ai còn được coi là an toàn ở Nga, như thế sẽ không có nhà bất đồng chính kiến nào, không có gương mặt đối lập nào có thể đi trên đường phố mà tồn tại nổi."
Các nhà phê bình hiện nay nói Putin, cựu trùm KGB của Nga, đã rất thành công trong việc giết hại, bắt giam, đe dọa làm im tiếng các đối thủ chính trị, và buộc những người khác phải sống lưu vong.
- Viết bởi Nguyễn Việt Nam
Một phụ nữ Hương Cảng có hai đứa con đã phải ngồi tù sáu năm sau phán quyết của tòa án tại đây đưa ra hôm thứ Sáu 27 tháng Hai vì tội bạo hành người giúp việc Nam Dương trong một trường hợp đã làm dấy lên sự phẫn nộ rộng rãi vì sự tàn bạo của bà.
Bà Law Wan-tung, 45 tuổi, đã tỉnh bơ sắc mặt lạnh lùng khi chánh án Amanda Woodcock truyền rằng “sự nghiêm trọng của các cáo buộc và hoàn cảnh của những tội phạm đòi hỏi phải có một án tù dài hạn”.
Bà Law Wan-tung đã bị kết án về tám tội hành hung, gây thương tích trầm trọng và đe dọa mạng sống đối với người giúp việc là Erwiana Sulistyaningsih 24 tuổi trong một trường hợp cho thấy các lỗ hổng trong các luật lệ bảo vệ những người di cư làm việc tại gia ở khắp châu Á và Trung Đông.
Trường hợp của cô Erwiana chỉ được đưa ra ánh sáng sau khi những hình ảnh của cô với khuôn mặt đầy những vết thương được công bố tại Nam Dương. Cô Erwiana đã bị bà Law bỏ đói, không trả lương, bị đánh gãy răng, bị đấm vào đầu, vào mặt, khắp mình mẩy đầy những thương tích và đã phải trải qua nhiều trò bạo hành dã man khác của bà Law.
Hương Cảng hiện có 330,000 di dân là người giúp việc trong gia đình, trong đó hơn một nửa là người Nam Dương.
- Viết bởi Bách Hợp Ảnh Reuters
VRNs (28.02.2015) – Manila, Phi – Hãng tin Reuters dẫn báo cáo từ truyền thông nhà nước vào hôm thứ Năm cho biết, Hoa Lục đang tiến hành khai hoang và xây dựng với “quy mô lớn” trên một rạn san hô tại khu vực vẫn đang trong tranh chấp trên Biển Đông. Đây là một sự thừa nhận bất ngờ về các hoạt động của Hoa Lục tại các khu vực này.
Từ các hình ảnh từ vệ tinh, tờ báo trực tuyến bán chính thức của Quân Đội Hoa Lục cho biết công việc cải tạo quần đảo Châu Viên (Cuarteron Reef) đã chính thức bắt đầu. Đồng thời nguồn tin này cũng cho biết về một cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc tại đây. Đảo Châu Viên là một trong những khu vực tranh chấp với Philippines.
Hoa Lục đã tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông, vốn là một khu vực giàu tiềm năng năng lượng và cũng là một tuyến đường kinh tế hàng hải quan trọng. Khu vực này vẫn đang trong tình trạng đồng tranh chấp giữa Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Ngoại trừ Brunei, hầu hết các quốc gia tranh chấp đều đã tiến hành củng cố các căn cứ trên quần đảo Trường Sa. Trường Sa cách thềm lục địa Hoa Lục 810 dặm và có khoảng cách gần hơn với các nước còn lại.
Các công trình xây dựng vẫn đang tiến triển nhanh chóng trên 6 rặn san hô thuộc quần đảo Trường Sa. Cảng và kho chứa nhiên liệu, và [có thể là] hai đường băng là cách Trung thị uy sức mạnh trong khu vực.
Ngoài ra, Hoa Lục cũng đã bác bỏ các phản đối phản đối ngoại giao của Philippines, Việt Nam và bỏ ngoài tai chỉ trích từ phía Hoa Kỳ về các hoạt động trên biển đông. Trung Quốc khẳng định các rặn san hô này “thuộc phạm vi chủ quyền của Hoa Lục”.
Bách Hợp
Ảnh Reuters
Nguồn: DCCT
- Viết bởi Nguyễn Văn Tạ sơ lược
Tối hôm qua Apple đã thông báo cho các đại diện truyền thông Đức cùng lời mời tham dự sự kiện vào ngày 09.03 lúc 19 giờ ( giờ Âu Châu) tại San Francisco với văn bản kèm theo: „Spring forward“ (Mùa xuân phía trước), ngoài ra không tiết lộ thêm thông tin cụ thể nào. Ấy thế các chuyên gia đều cho rằng Apple Watch (đồng hồ thông minh) sẽ là tiêu điểm của sự kiện này, vì qua văn bản „Spring forward“ (Mùa xuân phía trước) được kín đáo ám chỉ đến Daylight Savings Time ( Giờ tiết kiệm ánh sáng ngày) mà nhiều nước Âu Châu có quy ước đổi giờ mùa hè vào cuối tháng 3, riêng Mỹ trước Âu Châu 3 tuần, được chính phủ Đức tiên phong áp dụng ngay sau Đệ Nhất Thế Chiến, trong nỗ lực tiết kiệm năng lượng chiếu sáng và sưởi ấm.
Vẫn biết Apple Watch (đồng hồ thông minh) là dòng mới nhất của Apple kể từ khi ra mắt chiếc máy tính bảng iPad trong năm 2010 và đã được giới thiệu cùng với iPhone 6 và iPhone 6 Plus tại sự kiện diễn ra vào tháng 9 năm ngoái, cũng được thông báo là sẽ bán ra thị trường vào đầu năm 2015, song Apple Watch chưa có đầy đủ thông số kỹ thuật, như thời lượng pin còn quá mơ hồ mà nhiều trang công nghệ cho rằng Apple Watch chỉ hoạt động được khoảng 2 tiếng rưỡi liên tục, khiến người dùng thực sự không hài lòng. Chính vì vậy mà Apple sẽ tiết lộ thêm chi tiết về sản phẩm này vào ngày 09.03.2015 tới, trước khi cho đặt hàng với 34 mẫu thiết kế khác nhau, mà giá của phiên bản rẻ nhất là 349$ (307 Euro) và đắt nhất là 10.000 Euro cho phiên bản mạ vàng.
Tuy nhiên đối thủ cạnh tranh như Samsung của Hàn Quốc đã cung cấp SmartWatch trên thị trường từ lâu rồi, song chúng ta cũng cứ cùng chờ xem sự kiện ngày 09.03.2015 tại San Francisco có gì mới lạ?
Nguyễn Văn Tạ tóm lược
- Chiến thắng giải Oscar- tạo điểm sáng về bệnh Alzheimer
- Chuyến Ad limina của GH Công giáo Hy Lạp và bà thủ tướng Đức tới Vatican đều nói về cuộc xung đột Ukraine
- Chiến binh Nhà nước Hồi Giáo tấn công khu vực người Kitô Giáo tại Syria
- Hoa Kỳ liên kết đồng tính luyến ái với cuộc chiến chống khủng bố
- Khủng bố Hồi Giáo IS đã giết 21 tín hữu Kitô Ai Cập bị bắt cóc
- Cái nhìn sai lạc của TT Obama khi nói tới ISIS và Thập Tự Quân
- Hai vị linh mục tử đạo Ba Lan bị Cộng Sản sát hại tại Peru là ai?
- Lãnh đạo TQ tại Hồng Kông cảnh báo việc chống lại Bắc Kinh
- Chiến lược bí mật của Hoa Lục bị phơi bày
- PT dân chủ ở Hoa Lục: Tổng kết 2014