Tin Giáo Hội Việt Nam
Kính gửi: Quý Cha đặc trách Mục vụ Giới trẻ và các bạn trẻ của các giáo phận
Ủy ban Mục vụ Giới trẻ thông báo: Văn phòng của Ủy ban đã được thành lập và hoạt động sau khi công trình Văn phòng HĐGM Việt Nam được hoàn thành, tại số 72/12 đường Trần Quốc Toản, Phường 8, Quận 3, Tp. HCM. Văn phòng nằm trên tầng 4 của tòa nhà, phòng số 408.
– Mục đích của Văn phòng:
1- Thiết lập mối liên lạc hiệp thông giữa các linh mục đặc trách và các bạn trẻ từ các giáo phận, đồng thời cung cấp những thông tin liên quan đến những hoạt động mục vụ giới trẻ.
2- Biên tập “Bản Tin Mục vụ Giới trẻ”. Bản tin này phát hành hằng tháng, và được gửi qua hệ thống email đến quý Cha đặc trách giới trẻ, đến các anh chị em trong ban điều hành, văn phòng Mục vụ Giới trẻ hoặc văn phòng Tòa Giám mục các giáo phận.
– Nhân sự của Văn phòng:
* Thư ký điều hành: Linh mục Gioan Lê Quang Việt
Email văn phòng:
Điện thoại (Lễ tân): 08 3820 9331 (Giờ hành chính)
* Nhân viên thường trực: Anna Hoàng Thị Huyền
Email:
Điện thoại: 090 706 0890
Lịch trực: Thứ Hai đến Thứ Sáu (các buổi sáng)
– Mời gọi cộng tác:
Để Văn phòng làm việc có hiệu quả, và để “Bản Tin Mục vụ Giới trẻ” có nội dung phong phú, phản ánh được những hoạt động giới trẻ tại 26 giáo phận trong cả nước, Văn phòng rất mong sự cộng tác của quý Cha đặc trách và Văn phòng Giới trẻ của các giáo phận. Xin quý Cha và anh chị em chia sẻ thông tin qua những hình thức sau:
* Chuyển tiếp email có đính kèm bản tin đến những địa chỉ liên đới khác.
* Đăng bản tin lên trang web của Mục vụ Giới trẻ (hoặc trong các phân quyền của hoạt động trẻ trên các trang web của giáo phận).
* Nơi nào điều kiện cho phép, xin quý Cha đặc trách giới trẻ và quý Cha sở cho in bản tin hằng tháng và dán lên bảng thông báo của giáo xứ.
Sự cộng tác của tất cả mọi người sẽ giúp người trẻ đón nhận bản tin một cách thường xuyên với tâm tình yêu mến. Nguyện xin Chúa Thánh Thần tác động để những hoạt động của Văn phòng Mục vụ giới trẻ đem lại những thành quả tốt đẹp.
Kính chúc quý Cha và các bạn trẻ một mùa xuân an lành, thánh thiện và hạnh phúc may mắn.
Hải Phòng, ngày 5 tháng 02 năm 2015
+ Gm Giuse Vũ Văn Thiên
Giáo phận Hải Phòng
Gm Giuse Vũ Văn Thiên
Chiều tối 30.1, tại dòng Don Bosco Đà Lạt, Học viện Don Rua và Giáo sở Don Bosco tổ chức mừng lễ Bổn mạng và sinh nhật lần thứ 200 của cha thánh Gioan Bosco.
Đức Cha An tôn Vũ Huy Chương, Giám mục giáo phận Đà Lạt chủ sự thánh lễ; cùng đồng tế có quí Cha thuộc Cộng thể Don Rua, quí Bề trên các dòng và các cha trong giáo hạt.
Phần giảng lễ Đức Cha Antôn nhờ cha Giám đốc Tôma Vũ Kim Long chia sẻ. Theo Đức Cha “Vì kỷ niệm 200 năm sinh nhật Don Bosco, tôi nhờ Cha Giám đốc giảng lễ. Được nghe cha Giám đốc giảng tôi học hỏi thêm được nhiều điều từ Don Bosco, được nghe sự hướng dẫn của cha Bề trên cả đối với đai gia đình Salêdiêng trong năm 2015 là sống với, sống cho và sống vì giới trẻ”. (xin xem bài kèm theo)
Trước khi kết thúc thánh lễ, vị đại diện Giáo sơ Don Bosco đã ngỏ lời cảm ơn Đức Cha, quí cha đồng tế và cộng đoàn hiện diện đã vể tham dự thánh lễ sốt sắng, cầu nguyện cho Giáo sở và Hội dòng.
Sau thánh lễ là phần liên hoan mừng sinh nhật 200 năm Don Bosco. Dù tuổi cao sức yếu nhưng Đức Cha An tôn vẫn bước lên sân khấu hòa chung vũ điệu sôi động, tươi trẻ “200 năm Don Bosco” với các cha, các thầy Salêdiêng.
Tiếp đó, đại diện giáo sở dâng lên Cha Thánh Gioan Bosco những tâm tình con thảo, trước khi Đức Cha cùng cha Giám đốc và cha Phao lô Quách Quốc Bình, đặc trách giáo sở cắt bánh sinh nhật mừng 200 năm Don Bosco.
Công đoàn hiện diện khá bất ngờ khi Đức Cha thực hiện bằng reo và mời gọi cộng đoàn hô vang: “200 năm- Sinh nhật Don Bosco/ 200 năm- Mùa xuân cho giới trẻ// 200 năm sinh nhật Don Bsoco- 200 năm Mùa xuân cho giới trẻ”.
Trong khi dự tiệc, cộng đoàn được thưởng thức nhiều tiết mục văn nghệ hấp dẫn do các thầy, tu sinh, đại diện giáo sở, giáo xứ Hà Đông cùng một số nghệ sĩ đến từ TP.HCM biểu diễn.
Ngày 31.1, tại Trung tâm tĩnh tâm K’ Long của Hội dòng Salêdiêng Don Bosco diễn ra Đại hội Giới trẻ thuộc các thành phần trong gia đình Sa lê diêng và các giáo xứ do các cha Don Bosco đảm trách. Trước đó, vào các ngày 1.1 và 3.1, tại dòng Don Bosco Đà Lạt, nhà dòng đã tổ chức Đại hội Thiếu niên và Đại hội Giới trẻ cho các bạn trẻ đến từ các giáo xứ trong giáo hạt.
Đúng như nhận định của Đức Cha An Tôn “Mừng sinh 200 năm Don Bosco là niềm vui không chỉ dành cho các cha, các thầy, các thành phần thuộc gia đình Sa lê diêng mà còn là niềm vui của tất cả mọi người trong Hội Thánh, trong Giáo phận Đà Lạt. Mong mỗi người hãy bắt chước Thánh Don Bosco để sống với, sống cho và sống vì giới trẻ”.Hữu Phước
VRNs (04.02.2015) – Hà Nội – lúc 18g30 (02.02.2015) tại Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Dòng Chúa Cứu Thế, Giáo xứ Thái Hà, Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn cử hành thánh lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong đền thánh, ngày mà Thiên Chúa đến gặp gỡ dân Ngài.
Cùng đồng tế với Đức Hồng Y có cha Antôn Phạm Văn Dũng, Thư ký riêng của Đức Hồng Y, quý cha trong Nhà Dòng, quý nam nữ tu sĩ của 20 hội dòng thuộc Giáo hạt Chính tòa. Tham dự thánh lễ có khoảng 2000 tín hữu.
Trong bài giảng thánh lễ, Đức Hồng Y nhấn mạnh tới niềm vui của những người dâng hiến. Ngài nhắc tới các lời khấn khiến tịnh, vâng lời và khó nghèo: khi các tu sĩ sống các lời khấn thường ngày là Chúa kitô đang hiện diện trong hội đoàn. Có Chúa hiện diện, ta cảm thấy niềm vui, sự bình an trong đời tu trì. Đức Hồng Y nói tiếp, làm thế nào chúng ta sống gắn kết với nhau nếu không có sự hiện diện của Chúa Kitô. Trong một hội đoàn, chúng ta không chỉ gặp gỡ chung trong các giờ kinh nguyện, trong các giờ chia sẻ, nhưng chúng ta hãy dành thời gian để gặp gỡ cá nhân với Chúa để Chúa biến đổi chúng ta, làm cho cộng đoàn trở nên gắp kết với nhau hơn.
Cuối thánh lễ, Đức Hồng Y ban huấn từ cho cộng đoàn. Ngài nói sự hiện diện của 20 hội dòng thuộc giáo hạt chính tòa Hà Nội là một niềm vui lớn của ngày hôm nay. Sự đóng góp của các hội dòng cho Giáo hội là rất lớn. Tu sĩ là muối ướp cho đời sống ở thế gian, người Tu sĩ ở giữa thế gian đem lại niềm hy vọng. Đức Hồng Y kêu gọi các tu sĩ hãy thể hiện đặc sủng của dòng một cách chân thật ở trong cuộc sống hằng ngày. Người tu sĩ là người theo sát Chúa Kitô. Chúng ta hãy đem tình yêu của Đức Kitô đến với mọi người, để mọi người sống hiệp nhất với nhau. Chính đời sống cụ thể ở giữa đời là sự rao giảng rất mạnh mẽ. Nếu anh chị em tin vào đặc sủng của hội dòng thì hãy dấn thân và hãy phục vụ trọn vẹn cho đặc sủng đó.
Sau thánh lễ là buổi Hội thảo với chủ đề: “Chúng ta có thể làm gì để giúp nhau sống đời thánh hiến?”
Khai mạc buổi chia sẻ là tiết mục “Du ca tình yêu” của Đệ tử Dòng Thánh Phaolô
Mở đầu buổi chia sẻ, cha Giuse Nguyễn Văn Phượng, Phó bề trên DCCT Hà Nội gửi lời chào mừng đến tất cả các tu sĩ nam nữ trong Giáo hạt Chính tòa đã về tham dự buổi tọa đàm để cùng chia sẻ thao thức, băn khoăn trong đời sống thánh hiến, để cùng giúp nhau thăng tiến hơn, giúp cộng đoàn phát triển hơn.
Trong buổi hội thảo có nhiều các ý kiến được các hội dòng đưa ra để góp ý xây dựng đời sống tu trì mỗi ngày một vững mạnh hơn.
Sơ Bề trên Dòng Thánh Phaolô nhắc tới ba mục tiêu của Năm thánh hiến, thứ nhất ôn lại quá khứ, thứ hai hãy sống hiện tại cách say mê, thứ ba nhắm đến tương lai với niềm hy vọng. Trong đời sống thánh hiến, chúng ta hãy cùng nhau gắn bó qua lời cầu nguyện, qua việc phục vụ để chúng ta sống gắn kết với nhau hơn trong đời sống thanh hiến.
Tiếp đến là sơ Bề trên Dòng mến Thánh Giá Hà Nội chia sẻ các hội dòng cần phải nhìn lại và đi đúng linh đạo, mục đích và sứ mạng của hội dòng, đồng thời sơ nhắc lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Người tu sĩ phải có niềm vui”
Ý thức đời sống đi theo Chúa là đời sống cầu nguyện thân thiết với Chúa Giêsu. Đáp lại lời mời gọi gắn bó cuộc đời mình với Chúa để trổ sinh hoa trái, buổi hội thảo mục đích để các tu sĩ nâng đỡ nhau, cùng đón nhận ơn Chúa, chung lời cầu nguyện để trở nên mạnh mẽ hơn và làm chúng nhân cho đời sống thường ngày.
Jos.Kim
Nguồn: DCCT
Dưới cơn mưa bụi phảng phất trong những ngày giao thời cuối năm, tháp chuông nhà thờ Tam Tòa hiện lên vẻ cổ kính và trầm mặc như muốn gửi gắm bao nỗi niềm tâm sự. Thời gian trôi qua với bao biến cố thăng trầm của lịch sử, Tam Tòa vẫn đậm đầy dấu ấn như một minh chứng hùng hồn đại diện cho niềm tin yêu son sắt của người giáo dân Quảng Bình đối với Thiên Chúa và Giáo hội.
Dấu ấn cũ…
Từ “sự kiện Tam Tòa” năm 2009, những người con của mảnh đất đầy mộng mơ bên bờ sông Nhật Lệ trên khắp mọi miền đất nước và cả năm châu lại hướng về đây như để tìm về quá khứ mà tri ân, sống tình hiệp nhất anh em và hướng đến một trang sử mới đầy niềm hy vọng.
Dọc bờ sông Nhật Lệ mộng mơ và xinh đẹp, di tích ngôi thành đường cũ Tam Tòa còn sót lại cho ta một cảm giác thật an bình mà cũng đầy nuối tiếc. An bình vì thánh đường là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa và sự hiệp nhất của con người. Tháp chuông ngôi thánh đường cũ còn đó như một dấu chứng về quá khứ đẹp của mảnh đất thấm đượm máu hồng các thánh tử đạo. Chúng ta cũng có thể hình dung được cảnh người người sáng chiều tản bộ đến nơi đây, để làm việc thờ phượng và cầu nguyện xưa kia. Đan xen trong cái cảm giác an bình ấy là nỗi nuối tiếc khi một vùng đạo sầm uất trước kia nay chỉ còn lại chút dấu ấn nhỏ nhoi. Hơn thế nữa, là việc biết bao người tín hữu tại thành phố Đồng Hới chưa có nơi đủ đáp ứng nhu cầu tâm linh và sinh hoạt đạo đức. Hay nói cách khác là việc khôi phục lại giáo xứ Tam Tòa còn đó những khó khăn chồng chất sau khi phải trải qua biết bao biến cố đau thương.
Là mảnh đất mà Tin Mừng Chúa Kitô đã được gieo vãi khá sớm so với các vùng khác tại tỉnh Quảng Bình, Tam Tòa có thể nói được là mảnh đất đậm dấu ấn lịch sử truyền giáo. “Khoảng năm 1629, những hạt giống đầu tiên của Đạo Chúa được ươm mầm và vun đắp nơi đây. Rồi rất nhanh sau đó, một xứ đạo dần được hình thành khoảng năm 1631 với tên gọi là xứ đạo Ðông Hải, còn gọi là Họ Lũy… Khoảng năm 1774, sau khi lực lượng Chúa Trịnh chiếm được Ðàng Trong và san bằng nơi thường được gọi là "Lũy Thầy", nhà thờ này được chuyển về khu vực Cầu Ngắn, nay thuộc phường Phú Hải, và được gọi là giáo xứ Sáo Bùn. Đến năm 1886, Sáo Bùn có khoảng 200 nóc nhà với khoảng 1200 giáo hữu. Ở đây có Viện Dục Anh để giúp nuôi trẻ em nghèo và có tu viện dòng Mến Thánh Giá phục vụ từ thiện và giáo dục. Cũng trong năm này, giáo xứ bị quân Văn Thân đột kích và phải chuyển về Đồng Hới lánh nạn, dựng nhà thờ bên bờ sông Nhật Lệ, làng Mỹ Lệ (lần đầu năm 1887, tái thiết năm 1940) và lập thành giáo xứ với tên gọi mới Tam Tòa.. Từ năm 1850 đến ngày 15.5.2006, giáo xứ Tam Tòa thuộc quyền quản lý của Giáo phận Huế. Sau đó thì cùng với các giáo xứ Nam Quảng Bình, Tam Tòa được chuyển giao cho Giáo phận Vinh...” (theo Catholic.org). Hơn nữa, với vị trí và vai trò lịch sử của mình, Tam Tòa là nơi chứng kiến biết bao đau thương nhưng đầy phúc ân, bởi những giọt máu đào của các thánh tử đạo đổ ra. Thánh Tertulianô đã nói:" Máu các thánh Tử Đạo đổ ra là hạt giống trổ sinh các tín hữu", câu nói này quả đúng với những gì mà Tam Tòa đã chứng kiến và trải qua. Hơn một trăm ngàn giáo hữu trên khắp tỉnh Quảng Bình hiện nay là hoa quả xứng đáng với những sự hy sinh anh dũng của các bậc tiền nhân.
Khoảng cuối năm 1954, do hoàn cảnh lịch sử đưa đẩy, giáo dân Tam Tòa phải di cư và chuyển đến những vùng đất mới sinh sống. Khó khăn chồng chất trong thời kỳ mưa bom bão đạn và nhiều bất cập xã hội sau biến cố 1975 đã khiến mảnh đất linh thiêng của Giáo hội, cách riêng là của các thế hệ con em Tam Tòa không còn giữ được trọn vẹn như mong muốn.
… mới niềm mong ước!
Mang niềm hy vọng khôi phục và phát huy những giá trị tốt đẹp trong cái kho tàng lớn lao mà ông cha để lại, mỗi người con Tam Tòa đã và đang cố gắng từng ngày. Sự kiện năm 2009 đã không làm nhụt chí của họ, nhưng còn giúp cho mối dây liên kết tình anh em khắp nơi thêm bền chặt và cũng mở ra một trang sử mới cho tương lai của Tam Tòa.
“Tri ân quá khứ là cách mà con người tìm thấy những bước đi đúng đắn trong hiện tại và tương lai. Dòng lịch sử đã qua còn ghi lại những sự hy sinh bi hùng của các bậc tiền nhân trên mảnh đất Tam Tòa không bao giờ bị xóa đi hay phai mờ. Đó là nền tảng vững chắc để chúng ta bắt đầu dựng xây nhằm tiếp nối và lưu giữ cho tương lai “công trình” tốt đẹp mà Thiên Chúa đã thực hiện”, lời nhắn nhủ ấy của cha Phêrô Trần Văn Thành trong ngày về tiếp quản giáo xứ khiến mỗi người con Tam Tòa như thêm niềm hy vọng và tin tưởng.
Vào lúc 9 giờ, sáng 03.02.2015 vừa qua, tại ngôi nhà riêng của ông Nguyễn Văn Lý (58 Nguyễn Du, Tp. Đồng Hới, Quảng Bình, cách dấu tích nhà thờ cũ chừng 200m) – nơi mà bấy lâu trở thành nhà nguyện của bà con giáo xứ Tam Tòa, đã diễn ra một thánh lễ trang trọng và đan xen nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.
Đã khá lâu rồi, bà con giáo dân giáo xứ Tam Tòa mới có dịp tham dự một thánh lễ trang trọng, vui tươi và đầy phấn khởi như ngày hôm nay. Thánh lễ đồng tế của 22 cha trong và ngoài giáo hạt Nguồn Son đã quy tụ hơn một ngàn giáo dân đến từ các giáo xứ Kinh Nhuận (nơi cha Phêrô từng quản nhiệm), Sen Bàng, Tam Tòa và đông đảo các bạn sinh viên Công Giáo thuộc Đại học Quảng Bình. Dù phải tham dự thánh lễ dưới cơn mưa bụi phảng phất và đứng giữa đường phố, nhưng tất cả mọi người đều hướng về lễ đài với sự trang nghiêm và chú tâm cao độ.
Những người con của Tam Tòa đang tản mác khắp nơi ắt hẳn cũng dõi theo sự thay đổi nơi mảnh đất “chung” mà một thời ghi đậm dấu ấn các bậc ông cha mình. Sự hiệp nhất trong tấm lòng con thảo và niềm yêu mến sắt son hẳn là nét đẹp đáng quý của con người Tam Tòa. Nhìn rộng ra khắp đất nước này và cả hải ngoại xa xôi chúng ta có thể thấy rõ điều đó. Bởi lẽ, nơi đâu có người gốc Tam Tòa sinh sống và làm việc thì nơi đó lại có một giáo xứ, một cộng đoàn hay một nhóm đồng hương với một tên chung duy nhất: Tam Tòa.
Với những biến chuyển mới trong tình hình hiện nay và với những gì mà bà con giáo dân Tam Tòa đã và đang thể hiện, chúng ta có thể tin tưởng vào một sự chỗi dậy mạnh mẽ của giáo xứ. Đặc biệt, với sự quan tâm của Giáo phận nhà khi ủng hộ và vạch ra những hướng đi phù hợp thì tương lai Tam Tòa sẽ lấy lại vị trí, cũng như vai trò quan trọng của mình trước đây. Đó cũng là lời tạ ơn đẹp nhất dâng lên Thiên Chúa; là lời tri ân và sự đền đáp đối với các bậc tổ tiên; và là cách góp phần tô điểm thành phố xinh đẹp bên đôi bờ Nhật Lệ…
Được biết, sau nhiều cuộc bàn thảo với những sự kiện mà ai ai cũng biết, chính quyền tỉnh Quảng Bình đã cấp phần đất mới cho việc xây dựng thánh đường Tam Tòa cách khu nhà thờ cũ 2,5 km về hướng Tây Nam. Với hơn 6200m2 này, tương lai thánh đường Tam Tòa được xây dựng sẽ là trung tâm hội ngộ yêu thương của người giáo dân trên mảnh đất Quảng Bình và là biểu tượng niềm tin mà ai ai cũng chờ đón. Nhưng để thực hiện được mong muốn ấy, những người con đang sống trên mảnh đất Tam Tòa hiện nay khó lòng thực hiện được, mà cần đến sự chung tay góp sức của tất cả mọi người khắp nơi.
Peter Thái Hùng
Sáng ngày 24.1.2015, tại Hội trường Đại Chủng viện Vinh Thanh đã diễn ra lễ tổng kết Khoá Huấn luyện Kỹ năng Tổ chức và Lãnh đạo, đồng thời trao Chứng chỉ Tham dự cho 55 chủng sinh Khoá 11, sau 3 tuần học tập, từ ngày 5 đến 24 tháng 1 năm 2015.
Tham dự buổi lễ có Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên, Giám mục Phụ tá Giáo phận Vinh kiêm Giám đốc Đại Chủng viện, Cha Phaolô Bùi Đình Cao, Giáo sư Đại Chủng viện và là Linh mục Đồng hành với anh em Khoá 11, Tiến sĩ Giuse Nguyễn Trung Hiếu, Giáo sư Đại học tại Chicago (Hoa Kỳ) và 55 học viên (các chủng sinh lớp Thần học 3).
Huấn luyện Kỹ năng Lãnh đạo và Tổ chức là một chương trình hợp tác lâu dài giữa Giáo sư Nguyễn Trung Hiếu và Giáo phận Vinh. Chương trình đã được triển khai liên tục từ năm 2011, lần lượt cho các linh mục, các khoá chủng sinh trong đại chủng viện, các hội dòng và các tổ chức trong giáo phận. Sau 3 tuần học tập, dưới sự hướng dẫn tận tình của nhà giảng huấn chuyên về kỹ năng lãnh đạo và tổ chức, các chủng sinh đã hoàn thành tốt chương trình học và được cấp chứng chỉ tham dự khoá huấn luyện.
Phát biểu trong lễ tổng kết, Đức cha Giám đốc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của kỹ năng lãnh đạo và tổ chức trong đời sống nói chung và nhất là trong sứ vụ của người mục tử nói riêng. Đây là một chiều kích mang tính Giáo Hội học. Nó vừa bổ sung kiến thức khoa học căn bản, vừa làm phong phú hoá những kỹ năng lãnh đạo truyền thống của người mục tử, hầu có thể đáp ứng những đòi hỏi của việc quản trị giáo xứ trong thời đại ngày nay. Đây cũng là 1 trong 4 chiều kích đào tạo trong đại chủng viện, theo định hướng của Giáo hội và cũng là 1 trong 3 sứ vụ của linh mục là (1) rao giảng, (2) thánh hoá và (3) lãnh đạo. Những kiến thức và kỹ năng các chủng sinh thu được sẽ có giá trị thực tế rất cao, là hành trang vững chắc cho họ trong tương lai với vai trò là người đứng đầu cộng đoàn, điều hành giáo xứ.
Đức cha cũng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Thầy Giuse Nguyễn Trung Hiếu và gia đình. Mặc dù tuổi tác đã khá cao nhưng tấm lòng thầy luôn tươi trẻ. Thầy luôn ôm trọn giáo phận trong trái tim mình và muốn đóng góp phần mình vào công tác đào tạo nhân sự cho Giáo hội quê hương. Với khả năng sư phạm và kinh nghiệm giảng dạy, Thầy đã giúp cho các chủng sinh có được kiến thức hàn lâm hiện đại và thu tích cho mình những bài học bổ ích qua những trải nghiệm trong cuộc đời hoạt động xã hội của Thầy.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Hiếu cũng hết lòng cảm ơn Đức Giám mục Giáo phận, Đức cha Giám đốc Đại Chủng viện, các cha giáo và quý thầy đại chủng sinh đã quảng đại đón tiếp Thầy; đồng thời tạo điều kiện cho Thầy được hoàn thành ước nguyện. Nếu Chúa còn cho khả năng và sức khoẻ ngày nào thì Thầy đều sẵn lòng phục vụ giáo phận ngày đó.
Tiếp đến, Đức cha Giám đốc, Tiến sĩ Nguyễn Trung Hiếu và Cha Phaolô cùng trao Chứng chỉ Tham dự cho các chủng sinh. Sau lời cám ơn của vị đại diện lớp, tất cả cùng dâng lời cảm tạ Thiên Chúa qua ca khúc Tán tụng hồng ân.
Khoá học này đã được Ban Đào tạo Giáo phận chấp thuận cho vào học trình chính thức của Đại Chủng viện nhằm đáp ứng nhu cầu của Hội thánh địa phương (x. PDV 31) và hướng tới sứ mạng toàn cầu của Hội thánh Việt Nam (x. PDV 32) trong việc đào tạo các chủng sinh thực thi 3 sứ vụ căn bản của linh mục là (1) rao giảng, (2) thánh hoá và (3) lãnh đạo.
Để đáp ứng với sứ vụ thứ ba nêu trên, khoá Tổ chức và Lãnh đạo đã được thực hiện với nội dung giảng huấn và cảm nghiệm sau đây:
1. Sách giáo khoa (Textbooks)
Mỗi học viên đều có một tập sách giáo khoa để có thể đọc bài trước khi đến lớp có tựa đề là The Leadership Experience của Richard L. Daft, tái bản lần thứ sáu, năm 2015 (ISBN-13: 978-1-4354-6285-4) với 15 chủ đề như Lý trí và Tình cảm Lãnh đạo, Lãnh đạo bằng Khích lệ và Trao quyền, Quyền lực và Ảnh hưởng của Lãnh đạo, Tầm nhìn và Đích điểm Lãnh đạo, Các Phong cách Lãnh đạo Thức thời,…
2. Sách trên mạng (e-books)
Mỗi học viên cũng có một tập e-book để có thể dùng làm bài tập sau mỗi buổi học, để ôn luyện bài học qua máy điện toán, iPhone hay iPad, hoặc để download tài liệu, câu hỏi trắc nghiệm hay PPT cho cá nhân hay cho nhóm.
3. Tham gia học hỏi (Engaged learning)
Học viên được chia thành 8 nhóm, mỗi nhóm 7 thành viên, để học chung với nhau và làm bài thuyết trình chung với nhau. Mỗi nhóm có một đề tài riêng. Học viên sẽ đóng vai trò thầy giáo trong lớp để chỉ dẫn cho các học viên khác.
4. Trải nghiệm lãnh đạo (Leadership experience)
Ngoài phần lý thuyết, thầy giáo đứng lớp còn chia sẻ những trải nghiệm của thầy trong 16 trường hợp lãnh đạo cụ thể, giúp học viên rút tỉa được những bài học thực tế về lãnh đạo.
5. Lượng giá diễn tiến (Formative assessment)
Lượng giá theo diễn tiến, để nhìn thấy những tiến bộ của học viên qua từng buổi học, để bổ sung cho những thiếu sót và để phong phú hoá chương trình giảng huấn.
6. Lượng giá thành quả (Summative assessment)
Lượng giá theo thành quả là những câu hỏi được đặt ra trước lớp và những câu trả lời được đón nhận sau lớp. Một phần của lượng giá theo thành quả là kỳ thi kết khoá học gồm các câu hỏi mang tính cách học để nhớ và các câu hỏi mà học viên được tự do trả lời theo sáng tạo cá nhân.
7. Tự lượng giá (Self assessment)
Các học viên sẽ tự nguyện tham dự một cuộc tự lượng giá gồm 700 câu hỏi để nhận biết sở trường và sở đoản của riêng mình, biết mình thuộc loại thông minh trí tuệ nào trong 9 khả năng thông minh của Gardner, cũng như biết mình thích hợp với phong cách lãnh đạo nào, …
BTT ĐCV Vinh Thanh
Nguồn: Daichungvienvinhthanh.com
Châu Sơn là địa danh của Đan viện Xitô toạ lạc trên một ngọn đồi thuộc xã Phú Sơn huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Nơi đây khí hậu trong lành và không gian yên tĩnh, thật lý tưởng cho một dòng chiêm niệm như Xitô. Các tu sĩ sống theo linh đạo nghiêm nhặt của thánh Benedicto, sinh hoạt nề nếp chia thời gian 24h thành ba phần: 8 giờ cầu nguyện, 8 giờ lao động, 8 giờ nghỉ ngơi.
Ngày lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào Đền thờ 02 / 02 / 2015, đan viện Châu Sơn bỗng trở nên nhộn nhịp trái với thường lệ. Đây là một ngày đặc biệt, ngày quy tụ các Cộng đoàn sống đời thánh hiến về gặp gỡ, chia sẻ trong chương trình của năm Phúc âm hoá đời sống thánh hiến do Đức Thánh Cha Phanxico ấn định. Tinh thần của Đức Thánh Cha được thể hiện rất cụ thể trong Tông thư gửi Các người tận hiến nhân dịp Năm Đời sống thánh hiến :“Ở đâu có các tu sĩ, ở đó có niềm vui” . Khoảng hơn 400 tu sĩ gồm Đan viện Châu Sơn, Dòng Mến Thánh giá Phát Diệm, Tu Hội Đời Thánh Tâm Chúa Giêsu, Dòng Thừa sai Bác ái Vinh, và đặc biệt có một tu sĩ dòng Don Bosco là cha Gioan B. Dương Hoài Đức về tham dự.
Chương trình khai mạc từ 8 giờ. Các tu sĩ sẽ được nghe huấn từ, hội thảo theo nhóm vào buổi sáng, buổi chiều đúc kết hội thảo và bế mạc trong thánh lễ trọng thể. Hai đấng chủ chăn vị vọng huấn từ, đó là Đức Cha giáo phận Giuse Nguyễn Năng và Đức Tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt. Tuy nhiên, vào thời điểm này, Đức Cha giáo phận không thể hiện diện vì đang giảng Tĩnh tâm cho linh mục đoàn giáo phận Xuân Lộc. Ngài tín nhiệm hoàn toàn nơi Đức Tổng giám mục để nhờ Đức Tổng huấn từ cho các tu sĩ. Đức Tổng Giuse đã khởi đầu hấp dẫn từ một màn trình chiếu phim “Về những con người và về những vị thần” nói về bảy vị tử đạo tại Algérie. Phim đã được giải thưởng lớn tại liên hoan phim Cannes 2010. Trong phim mô tả các linh mục và các đan sĩ dòng khổ tu đã xây dựng tình hữu nghị và huynh đệ vững mạnh với cộng đồng dân cư xung quanh Đan viện. Đan viện sống tương đối yên bình cho tới ngày xung đột nổi lên giữa chính quyền địa phương và các nhóm Hồi giáo cực đoan có vũ trang. Cho dù các bên có liên quan đến cuộc xung đột này đã khuyên nhủ, gợi ý, báo trước cho các đan sĩ biết rằng các ngài phải rời bỏ Đan viện ngay để bảo toàn mạng sống và tránh những phức tạp không biết trước được về sau này. Từng đan sĩ một cho đến cả cộng đoàn Đan sĩ đã quyết định ở lại.
Cảm động nhất là đêm cuối cùng uống ly rượu nhắc nhớ Tiệc ly, họ đã can đảm uống cạn chén đắng cuộc đời với khuôn mặt rạng rỡ, nụ cười chiến thắng hoà lẫn những dòng lệ cảm nghiệm sâu xa tình huynh đệ. Cuối cùng tất cả các linh mục và đan sĩ đã bị bắt làm con tin và bị giết chết một cách thảm khốc bởi một nhóm vũ trang Hồi giáo khác.
Sau khi xem phim, Đức Tổng đã phân tích kỹ những tình tiết đáng lưu ý, nhấn mạnh những điều cần học hỏi, đánh giá chiều sâu tâm linh trong mỗi thước phim và giải thích những gì cần giải thích và cuối cùng, câu hỏi hội thảo theo nhóm được đặt ra là:
1. Sau khi xem xong bộ phim bạn có cảm nhận gì để chia sẻ với mọi người?
2. Về đời sống cộng đoàn: Cộng đoàn là trở lực hay trợ lực. Ban thấy đời sống cộng đoàn của các đan sĩ Tibhirine thế nào? Bạn đang sống tinh thần cộng đoàn thế nào?
3. Về trách nhiệm: Đi tu có phải chỉ lo cho bản thân không? Hay còn có trách nhiệm với cộng đoàn, và đặc biệt giáo dân. Bạn nghĩ gì về thái độ của các Đan sĩ khi chọn ở lại vì dân chúng?
4. Về xét mình: Các đan sĩ để Lời Chúa, dân chúng và anh em chất vấn mình. Nhờ đó họ tìm lại được căn tính. Bạn có để Lời Chúa và tha nhân chất vấn mình? Bạn có thường duyệt xét đời tu, tìm về căn tính của mình không?
Các nhóm thảo luận sôi nổi và đều cảm nhận bộ phim giàu cảm xúc, phản ánh đúng thực tế. Cách giải quyết vấn đề của cộng đoàn đan sĩ trong phim đặt nền tảng trên cầu nguyện và sự hy sinh từ bỏ ý riêng, cuối cùng họ đã đạt tới một tình yêu lớn nhất và chứng minh tình yêu trong Đức Kitô làm nên tất cả. Nhờ để Lời Chúa và dân chúng chất vấn mà đời tu tìm về căn tính của mình rõ nét hơn.
Bữa tiệc buffe ban trưa đủ chất đạm, chất béo cả tinh thần, vật chất dành cho mọi thành phần tham dự, vì có đan xen văn nghệ chào mừng gồm ca múa của Dòng Mến Thánh Giá, thơ của Tu Hội Thánh Tâm Chúa Giêsu, hát solo của các thầy Dòng Châu Sơn, và thật bất ngờ, chính Đức Tổng hát bài khai mạc vừa trang trọng lại vừa mang bầu khí huynh đệ thân thiện, vui tươi.
Buổi chiều, cha bề trên Daminh Savio Nguyễn Tuấn Hào đúc kết hội thảo. Ngài khen ngợi tinh thần hội thảo nghiêm túc, đi vào trọng tâm của các nhóm hội thảo. Khởi đi từ Tông thư của Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi “Ở đâu có tu sĩ, ở đấy có niềm vui…Tu sĩ sẽ đánh thức thế giới vì đặc trưng của đời sống thánh hiến là tính ngôn sứ” cha bề trên nhìn nhận cộng đoàn đan sĩ trong phim đã vượt qua chính mình trong bối cảnh giữa sự chết và sự sống để tìm thấy một niềm vui giữa cộng đoàn. Đã đánh thức thế giới bằng một thông điệp tình yêu cộng đoàn gắn bó với cộng đồng dân cư. Từ đó đòi hỏi mỗi người trở về trong ưu tư áp dụng cho mình một lối sống phù hợp, một cuộc đi ra theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha.
Thánh lễ ban chiều được cử hành long trọng do Đức Tổng Giuse chủ tế cùng 14 cha, các cha trong giáo hạt sở tại Vô Hốt cùng về đồng tế với Đức Tổng. Ngay đầu lễ, Đức Tổng đã kêu gọi đời thánh hiến phải bừng lên ánh sáng của Chúa Kitô để chiếu soi vào thế giới hôm nay có quá nhiều bóng tối. Trong thánh lễ Đức Tổng khẳng định Chúa Giêsu là ánh sáng sự sống, Ngài đến cho thế gian được sống, ngài là ánh sáng chiếu lên niềm hy vọng cho con người. Từ đó đời thánh hiến cũng phải chiếu toả ánh sáng của mình giữa thế giới hôm nay. Đức Tổng nhận định: “Thế giới hôm nay đang thiếu niềm hy vọng. Hết chiến tranh nóng đến chiến tranh lạnh. Hết chiến tranh lạnh đến chiến tranh khủng bố. Hết đế quốc đến độc tài. Hết độc tài đến mỵ dân. Hết nạn đói lại đến ô nhiễm. Hết nghèo khổ lại đến khủng hoảng kinh tế. Những người bé nhỏ nghèo hèn bị bỏ rơi, bị lợi dụng, bị áp bức bóc lột. Giữa bóng tối thất vọng đó đời sống thánh hiến chiếu lên ánh sáng hy vọng. Vì sống đời thánh hiến là quan tâm đến người khác. Là quên mình phục vụ. Giữa bóng tối của sự vô cảm dửng dưng, người sống đời thánh hiến chiếu lên đời ánh sáng hy vọng khi đi đến những nơi xa xôi, phục vụ những người nghèo khổ bị bỏ rơi”.
Kết thúc bài giảng Đức Tổng kêu gọi: “Hãy tiến lên hỡi anh chị em sống đời thánh hiến. Khi đến với tha nhân anh chị em hãy đem ánh sáng niềm vui. Khi tự hiến thân, anh chị em đem lại sự sống. Khi quan tâm đến người nghèo khổ anh chị em đem lại hy vọng. Khi mặc lấy Chúa Giêsu anh chị em tràn ngập ánh sáng. Ánh sáng của anh chị em sẽ chiếu vào đêm tối trần gian. Xin ánh sáng của Chúa Giêsu ở cùng anh chị em. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em”.
Bữa tiệc Agappe kết thúc một ngày gặp mặt thật ý nghĩa và lắng đọng nhiều bài học. Các Thầy Đan viện lại thể hiện sự tận tình chu đáo và tính tổ chức cao để lại nhiều ấn tượng cho các tu sĩ về tham dự.
Bóng chiều miền núi sớm về, theo gió lạnh bao trùm khắp vùng núi đồi yên tĩnh. Ánh sáng Đan viện Châu Sơn dần toả sáng, và ánh sáng rạng rỡ trên mỗi gương mặt tu sĩ ra về như đang góp phần xua tan giá lạnh và thắng vượt trên bóng đêm.
Lm Hồng Phúc
Bài giảng của Đức Tổng Giusse Ngô Quang Kiệt, Châu Sơn 02 / 02 / 2015
Lễ dâng Chúa trong Đền thờ
ÁNH SÁNG CHIẾU SOI TRẦN GIAN
Mt 3, 1-4; Lc 2, 22-40
Ngày đời sống Thánh hiến
Đức Mẹ và thánh Giuse mang Chúa Giêsu vào Đền thờ dâng cho Thiên Chúa theo luật Môsê. Chẳng sai chú ý tới các ngài. Vì các ngài là những người bé nhỏ nghèo hèn. Nhưng hai cụ già Simeon và Anna lại nhận ra trẻ thơ Giêsu chính là Đấng Cứu Thế và xưng tụng Người là ánh sáng chiếu soi trần gian.
Chúa Giêsu là ánh sáng niềm vui. Hai cụ già tượng trưng cho Cựu Ước. Bao năm sống trong tăm tối đợi chờ. Nay gặp Chúa Giêsu các ngài thấy bừng lên ánh sáng. Thiên Chúa đến viếng thăm Dân Người. Thân phận nghèo hèn bé nhỏ được quan tâm. Phẩm giá con người được phục hồi. Các ngài đã nhìn thấy ánh sáng không chỉ cho bản thân, nhưng chiếu soi muôn dân muôn nước. Ánh sáng vui tươi vì đem lại sự sống.
Chúa Giêsu là ánh sáng sự sống. Hài nhi bé nhỏ là mầm sự sống. Thiên Chúa hạ mình để trở nên bé nhỏ để con người được lớn lên. Thiên Chúa trở nên yếu ớt để con người được mạnh mẽ. Còn hơn thế nữa, Thiên Chúa sẽ chịu chết cho con người được sống. Cụ già Simeon đã nhìn thấy trước cuộc khổ nạn và Phục sinh. Con trẻ trở nên cớ cho nhiều người vấp phạm. Nhưng chính cái chết của Thiên Chúa làm người đem lại sự sống cho con người. Vì thế Chúa Giêsu là ánh sáng hy vọng.
Chúa Giêsu là ánh sáng hy vọng, bị tội lỗi giam cầm con người không còn hy vọng thoát ra. Nhưng Thiên Chúa xuống thế giải thoát con người khỏi nô lệ ràng buộc, khỏi xiềng xích tù đày. Bị thần chết canh giữ con người, bị chôn vùi trong nấm mồ sự chết. Nhưng Thiên Chúa đến chịu chết để chiến thắng tử thần. Để đưa con người đến sự sống. Chúa Giêsu chính là ánh sáng chiếu lên niềm hy vọng cho con người.
Đặt lễ Dâng Chúa trong Đền thờ làm ngày đời sống thánh hiến, Đức thánh giáo Hoàng Gioan Phaolo II mong ước người sống đời thánh hiến nên giống Chúa Giêsu. Trở thành ánh sáng cho trần gian. Thế giới đang chìm trong bóng tối buồn sầu phiền não. Càng tân tiến thì con người càng nhiều lo âu. Số người tự tử không ngừng gia tăng. Số người bệnh tim mạch, trầm cảm, tự kỷ ngày càng nhiều. Trong thế giới buồn thảm ấy, anh chị em sống đời thánh hiến phải chiếu sáng niềm vui. Ai có Chúa thì chiếu tỏ niềm vui. Chúng ta vừa xem bộ phim Bảy Đan sĩ Xitô tử đạo tại Algérie dân làng bị phiến quân đe dọa nhưng vẫn vui, vì các cha các thầy là niềm vui của họ. Bóng tối sự chết đang đe dọa thế giới. giết người trực tiếp trong phá thai, khủng bố. Giết người gián tiếp trong vu cáo, chụp mũ. Trong cảnh tranh thương mại thiếu lành mạnh. Trong đàn áp bất công. Con người hủy diệt lẫn nhau. Trong bóng tối sự chết đó anh chị em sống đời thánh hiến phải chiếu tỏa ánh sáng sự sống. Sự sống đến từ sự quên mình. Hiến dâng thân mình. Sẵn sàng chịu chết vì tha nhân. Đó chính là cổ võ nền văn hóa sự sống. Và xây dựng nền văn minh tình thương. Thế giới hôm nay đang thiếu niềm hy vọng. Hết chiến tranh nóng đến chiến tranh lạnh. Hết chiến tranh lạnh đến chiến tranh khủng bố. Hết Đế quốc đến độc tài. Hết độc tài đến mỵ dân. Hết nạn đói lại đến ô nhiễm. Hết nghèo khổ lại đến khủng hoảng kinh tế. Những người bé nhỏ nghèo hèn bị bỏ rơi, bị lợi dụng, bị áp bức bóc lột. Giữa bóng tối thất vọng đó đời sống thánh hiến chiếu lên ánh sáng hy vọng. Vì sống đời thánh hiến là quan tâm đến người khác. Là quên mình phục vụ. Giữa bóng tối của sự vô cảm dửng dưng, người sống đời thánh hiến chiếu lên đời ánh sáng hy vọng khi đi đến những nơi xa xôi. Phục vụ những người nghèo khổ bị bỏ rơi.
Lôgô của năm đời sống thánh hiến thật ý nghĩa. Chim bồ câu tung cánh trên sóng nước nói lên đời sống theo Thần khí sẽ biến đổi thế giới. Cánh chim nâng đỡ địa cầu là đời sống thánh hiến vực dậy thế giới. Ba Ngôi sao là sống kết hợp với Thiên Chúa Ba Ngôi bằng giữ ba lời khuyên Phúc Âm.
Ba châm ngôn cho biết khi sống đúng lý tưởng, đời sống thánh hiến trở thành Tin Mừng chiếu sáng niềm vui. Khi hiến dâng thân mình đến dám chấp nhận cái chết, người sống đời thánh hiến trở thành ngôn sứ, tố cáo bất công, chiếu lên ánh sáng sự sống. Khi quan tâm phục vụ tha nhân, người sống đời thánh hiến trở thành hy vọng cho thế giới.
Anh chị em sống đời thánh hiến thân mến, tôi mời gọi anh chị em hãy chiêm ngắm khuôn mặt rạng rỡ niềm vui của hai cụ già Simeeon và Anna biết bao người dân khiêm tốn, bé nhỏ, thiệt thòi đang mong chờ anh chị em.
Hãy tiến lên hỡi anh chị em sống đời thánh hiến. Khi đến với tha nhân anh chị em hãy đem ánh sáng niềm vui. Khi tự hiến thân, anh chị em đem lại sự sống. Khi quan tâm đến người nghèo khổ anh chị em đem lại hy vọng. Khi mặc lấy Chúa Giêsu anh chị em tràn ngập ánh sáng. Ánh sáng của anh chị em sẽ chiếu vào đêm tối trần gian. Xin ánh sáng của Chúa Giêsu ở cùng anh chị em. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em.
Lm. Hồng Phúc
HƯNG HÓA -Đúng ngày lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào Đền thờ, 02/02/2015, Đức Cha Gioan Maria Vũ Tất đã ấn nút khai trương trang Web giáo phận Hưng Hóa, có tên là www.giaophanhunghoa.org trong sự vui mừng của nhiều người hiện diện tại hội trường tầng 3 Tòa Giám Mục Hưng Hóa, 70 Lê Lợi, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Đây là giây phút được rất nhiều người mong đợi. Tham dự buổi khai trương trang Web có:
1. Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long, giám mục phụ tá giáo phận Hưng Hóa, Tổng biên tập trang mạng;
2. Cha Giuse Nguyễn Văn Thành, trưởng Ban Truyền Thông giáo phận;
3. Cha Phêrô Lê Quốc Hưng, chánh văn phòng Tòa Giám Mục;
4. Cha Đaminh Hoàng Minh Tiến, quản lý Tòa Giám Mục;
5. Cha Phêrô Phạm Than Bình, quản xứ Sapa
6. Cha Phaolô Lưu Ngọc Lâm, quản xứ Quế Lâm, phụ trách Truyền Thông giáo hạt Hà – Tuyên – Hùng;
7. Cha Phêrô Nguyễn Đình Thái, OMI – phó xứ Lào Cai;
8. Cha Giuse Nguyễn Tri Hùng, phó xứ Giàng La Pán;
9. Cha Giuse Nguyễn Văn Yêm, phó xứ Sơn Tây;
10. Cha Đaminh Hoàng Thế Bằng, phó xứ đặc trách giáo xứ Cát Ngòi;
11. Quí Thầy, quí Dì và anh chị em trong Ban truyền thông giáo phận;
12. Anh em lớp Tiền Chủng Viện và các em đệ tử nhà dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa.
Đúng 7g00, tại hội trường, mọi người ổn định và hát xin ơn Chúa Thánh Thần bởi Người là tác nhân chính cho công cuộc truyền thông Công Giáo.
Cha Đaminh Hoàng Thế Bằng trân trọng kính mời Đức Cha Gioan Maria Vũ Tất lên tuyên bố lí do. Với tư cách là Giám mục giáo phận Hưng Hóa, ngài đã có những lời động viên, khích lệ và giáo huấn Ban truyền thông. Ngài lấy Sắc lệnh Inter Mirifica (IM) về Phương tiện Truyền thông của Công đồng Vaticanô II để chia sẻ: “Giáo Hội Công Giáo nhận thấy mình có bổn phận dùng các phương tiện truyền thông xã hội mà loan báo ơn cứu rỗi” (IM3). Ngài cũng xin Chúa chúc lành cho trang Web mới này.
Đức Cha Anphong, Tổng biên tập, đã nói lên tôn chỉ, mục đích và hoạt động của trang Web giáo phận. Đó chính là những định hướng cần thiết và hữu ích cho Ban Truyền thông giáo phận.
Tất cả những ai hiện diện trong hội trường đều hồi hộp và đếm từ 10 trở lại 1. Thời khắc quan trọng đã đến. Đức Cha Gioan Maria Vũ Tất ấn nút khai trương trang Web giáo phận. Mọi người vỗ tay chúc mừng. Một dàn pháo sáng được phát ra như muốn nói rằng một trang sử mới của giáo phận đã được mở ra.
Nhân dịp này, Ban Truyền thông cũng giới thiệu giao diện và cách thức trình bầy của trang mạng để mọi người rõ hơn và dễ sử dụng hơn. Đây là công việc rất khó bởi phục vụ cho tất cả mọi người.
Trước khi kết thúc chương trình, cha Giuse Nguyễn Văn Thành, trưởng Ban Truyền Thông, đã có lời tri ân Đức Cha chính, Đức Cha phụ tá, quí cha, quí thầy, quí dì và anh chị em trong Ban Truyền Thông cũng như quí cha, quí thầy, anh em lớp Tiền Chủng Viện và các em đệ tử nhà dòng. Cha cũng xin mọi người cộng tác với Ban Truyền Thông, đặc biệt, trong việc viết bài và đưa tin.
Lễ Khai trương trang Web giáo phận được diễn ra thật ấm cúng trong tinh thần hiệp nhất yêu thương và để lại nhiều ấn tượng nơi mỗi người tham dự. Tòa Giám Mục thiết đãi bữa ăn sáng rất ngon. Thật là một ngày đáng ghi nhớ và đầy ắp những kỉ niệm.
Sau khi viếng thăm tỉnh Dòng Tên Trung Hoa, cha Adolfo Nicolás, S.J. Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên đã viếng thăm Tỉnh Dòng Tên Việt Nam từ ngày 17-25/01/2015. Cùng đi với Cha Bề Trên Tổng Quyền có cha Daniel P. Huang, S.J. Phụ tá Bề trên Tổng quyền đặc trách Vùng Châu Á Thái Bình Dương, cha Antoine Kerhuel, S.J., Phụ tá Bề trên Tổng quyền đặc trách Vùng Tây Âu. Buổi chiều cùng ngày, cha Bề Trên Tổng Quyền đã chủ sự Thánh Lễ khấn cuối và nhận lời khấn cuối của 11 anh em Dòng Tên tại nhà nguyện Học viện Thánh Giuse Thủ Đức.
Sáng ngày 18/01, hiệp thông với niềm vui của Tỉnh Dòng Việt Nam nhân dịp Lễ bế mạc Năm Thánh kỷ niệm 400 năm Dòng Tên đến loan báo Tin Mừng trên Đất Việt, cha Bề Trên Tổng Quyền, quý cha Phụ tá và quý cha bề trên thượng cấp Dòng Tên Vùng Châu Á Thái Bình Dương đã tham dự Thánh Lễ bế mạc Năm Thánh do Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, S.J., Giám mục Bắc Ninh chủ sự, cùng với 15 Đức Giám mục đến từ 3 Giáo tỉnh, 120 linh mục đồng tế và hơn 3000 tín hữu.
Sau đại lễ, cha Bề Trên Tổng Quyền đã tham dự cuộc họp thường niên của các bề trên thượng cấp Vùng Châu Á Thái Bình Dương được tổ chức tại Trung tâm mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn.
Sau khi cuộc họp kết thúc, trưa ngày 23/01, cha Bề Trên Tổng Quyền và quý cha đã đến thăm Nhà Ứng sinh Dòng Tên Việt Nam tại giáo xứ Thiên Thần trong sự chào đón nồng nhiệt của quý cha quý thầy trong Ban huấn luyện và 178 ứng sinh. Cha Bề Trên Tổng Quyền rất được ấn tượng không chỉ bởi số lượng ứng sinh đông đảo mà còn bởi sự năng động và nhiệt huyết của các bạn ứng sinh. Thế nên, trong bài phát biểu, cha Bề Trên Tổng Quyền đã đặc biệt nhấn mạnh đến một nền đào tạo thiêng liêng và tri thức sâu xa trong việc huấn luyện ứng sinh; đồng thời mời gọi các bạn ứng sinh dùng chính sự năng động và sức trẻ của mình để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân.
Sáng ngày 24/01, cha Bề Trên Tổng Quyền đã có cuộc gặp với quý cha quý thầy đã khấn cuối tại Hội trường Học viện Dòng Tên. Buổi chiều cùng ngày, ngài tiếp tục gặp quý cha quý thầy đang trong thời gian huấn luyện. Trong 2 cuộc gặp gỡ và chia sẻ này, cha Bề Trên Tổng Quyền mời gọi anh em Dòng Tên tiếp tục khám phá và đào sâu linh đạo Inhã để làm vinh danh Chúa hơn và phục vụ con người hôm nay hữu hiệu hơn. Ngài cũng nhiều lần nhắc đến mẫu gương sống và giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô, tu sĩ Dòng Tên đầu tiên được bầu làm Giám mục Rôma kế vị thánh Phêrô để mời gọi anh em Dòng Tên tiếp tục can đảm vươn đến những biên cương mới trong việc phục vụ Chúa Kitô và Giáo hội của Người bằng tinh thần Magis – Hơn nữa.
Ngày 25/01, cha Bề Trên Tổng Quyền, quý cha phụ tá Vùng với sự tháp tùng của cha Phụ tá Giám tỉnh Việt Nam đã đến chào thăm Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện không thường trú của Đức Giáo Hoàng tại Việt Nam tại nhà khách của Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn. Hai bên đã có những trao đổi thân tình về đời sống Giáo Hội hoàn vũ cũng như Giáo hội tại Việt Nam. Trước khi kết thúc cuộc gặp gỡ, cha Bề Trên Tổng Quyền đã gửi tặng Đức Tổng Giám mục Girelli cuốn tạp chí mới nhất của Dòng về chuyên đề Môi trường.
Sau khi rời Trung tâm Mục vụ, Cha Tổng Quyền và quý cha đã đến thăm cộng đoàn Thánh Gia tại giáo xứ Ngũ Phúc, giáo phận Xuân Lộc và chủ sự nghi thức làm phép nhà tĩnh tâm linh thao Phêrô Favre.
Sau khi kết thúc thăm viếng cộng đoàn Thánh Gia, cha Tổng Quyền và quý cha Phụ tá rời Việt Nam và trở về Rôma trong buổi chiều cùng ngày, kết thúc tốt đẹp chuyến viếng thăm Tỉnh Dòng Việt Nam.
Chỉnh Trần, S.J.
Nguồn: Dongten.net
Sau một đêm an bình dưới vòng tay chở che của Đức Mẹ La Vang, sáng ngày 23/1/2015 phái đoàn của Đức hồng y Fernando Filoni, Bộ trưởng Bộ Loan báo Tin mừng cho các Dân tộc, rời khỏi thánh địa La Vang trong màn sương mù dày đặc, lên đường đến Quảng Nam - Đà Nẵng, nơi ghi dấu lịch sử cách nay bốn trăm năm Tin Mừng có mặt nơi đất Việt trời Nam.
Viếng Đền thánh Anrê Phú Yên
Khi đoàn xe tới giáo xứ Phước Kiều, thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, đồng hồ đã điểm 11g30. Như vậy, chặng hành trình đi mất bốn giờ lăn bánh (khởi hành khoảng 7g30).
Con đường dẫn từ ngoài lộ lớn đến Đền thánh Anrê Phú Yên khá nhỏ hẹp nên phái đoàn phải xuống xe, rảo bộ khoảng hai trăm mét. Vùng quê nơi đây sống trong một bề dày truyền thống đặc biệt, truyền thống trong nghề nghiệp đúc đồng nổi tiếng và truyền thống gieo mầm đức tin Kitô cũng đã vài thế kỷ. Giáo dân tại đây đứng chờ sẵn ven con đường nhỏ, hân hoan chào đón Đức hồng y Bộ trưởng cùng phái đoàn, trong đó có Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli (Đại diện Toà Thánh tại Việt Nam), Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc (Chủ tịch HĐGMVN), Đức giám mục Giuse Châu Ngọc Tri (giáo phận sở tại Đà Nẵng), Đức ông Barnabê Nguyễn Văn Phương và các giám mục thuộc giáo tỉnh Huế…
Đức hồng y Bộ trưởng cùng phái đoàn đã dành ít phút thinh lặng cầu nguyện trước Chúa Thánh Thể trong ngôi đền thánh Anrê Phú Yên nhỏ bé bình dị. Sau đó, cha Phaolô Trần Ngọc Hoàng, quản nhiệm Đền thánh Anrê Phú Yên, đã lược tóm vài nét về vị chứng nhân người Việt Nam tử đạo tiên khởi: Chân phước Anrê Phú Yên sinh năm 1625 tại Mằng Lăng (tỉnh Phú Yên); tuy nhiên nơi chốn mà vị chứng tá tiên khởi gia nhập Hội Thầy giảng và sau đó chịu hành hình vì Danh Chúa đều xảy ra trên mảnh đất Quảng Nam vào năm 1644. Chân phước Anrê Phú Yên hy sinh ở độ tuổi 19 – tuổi trẻ trung và gan dạ, trong tâm tình quảng đại: “Hãy lấy tình yêu đáp đền tình yêu”.
Đức hồng y Fernando Filoni đã dành ít phút chia sẻ một cách cô đọng và sâu sắc với cộng đoàn hiện diện: “Thật ý nghĩa khi mừng biến cố đại lễ 400 năm Tin Mừng đến với Việt Nam, bắt đầu bằng chuyến hành hương kính viếng Đền thánh Anrê Phú Yên… Ơn Đức Tin không dành riêng cho mỗi anh chị em nơi đây, mà cần chia sẻ cho người khác, làm cho sinh hoa kết quả”.
Thăm Nhà thờ Công giáo Hội An
Rời Đền thánh An rê Phú Yên, phái đoàn của Đức hồng y Fernando Filoni đi đến Nhà thờ Công giáo Hội An (106 đường Nguyễn Trường Tộ) lúc 12g40. Đây là một địa điểm đóng vai trò rất đặc biệt trong giáo sử đạo Chúa. Bảng niên đại lịch sử treo trước mặt tiền của Nhà thờ long trọng ghi rằng: “Đây là giáo xứ được hình thành đầu tiên tại Việt Nam”. Điều này được cha quản xứ Marcello Đoàn Minh hứng khởi trình bày trước Đức hồng y Fernando Filoni cùng phái đoàn: “Cách nay 400 năm, vào ngày 18/1/1615 Tin Mừng đã được rao giảng trước tiên tại Hội An, Quảng Nam bởi các vị thừa sai dòng Tên – trong đó có ngài Francesco Buzomi người Ý”. Ngôi nhà thờ giáo xứ Hội An hiện nay được xây dựng trên nền cũ có diện tích 720m2. Nhiều du khách lẫn tín hữu hành hương đều đặn tới địa điểm đặc biệt này mỗi năm”. Kết thúc phần giới thiệu, cha quản xứ nói: “Xin Đức hồng y cầu nguyện cho chúng con sống Đức tin Kitô trong hoàn cảnh hiện nay một cách trung thành và trung thực”.
Nhân dịp này, cha quản xứ đã đại diện cộng đoàn dâng tặng Đức hồng y Bộ trưởng một bức tranh vẽ khung cảnh Hội An khi giáo sĩ Buzomi đến truyền đạo.
Đáp từ, Đức hồng y Bộ trưởng nhấn mạnh: “Phúc thay những ai rao giảng Tin Mừng, và cũng phúc thay những ai biết đón nhận Tin Mừng. Trong 400 năm rao giảng, tín hữu Kitô không ngừng bị bách hại, nhưng hạt mầm Tin Mừng đã được gieo xuống và trổ sinh nhiều bông hạt phong phú”.
Sau đó, Đức hồng y Bộ trưởng cùng các vị giám mục trong đoàn đã ra viếng mộ các thừa sai, kính cẩn thắp hương tưởng nhớ tới các vị giám mục Guillermo Mahot (rao giảng trong các năm 1682-1684), giám mục Phanxicô Perez (1691-1728), giám mục Gioan Valere Rist (1735-1737), linh mục thừa sai Pierre Auguste Gallioz – quản trị và xây dựng nhà thờ Hội An năm 1935…
Tại đây, phái đoàn của Đức hồng y Bộ trưởng cũng đã đến chiêm ngắm bức phù điêu bằng đá cẩm thạch “400 năm Việt Nam minh chứng Tin Mừng 1615-2015” rất đẹp và thanh thoát, do điêu khắc gia Phạm Văn Hạng thực hiện. Đức hồng y Bộ trưởng, cùng với Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Đức giám mục Giuse Châu Ngọc Tri, Đức Tổng giám mục Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng, Đức giám mục Mátthêu Nguyễn Văn Khôi, Đức giám mục Giuse Võ Đức Minh, cha quản xứ Marcello Đoàn Minh đã lần lượt ký tên vào chân đế của bức phù điêu.
Sau đó Phái đoàn của Đức hồng y Bộ trưởng và quan khách dùng cơm trưa tại nhà xứ Hội An.
Tại Nhà thờ chính toà Đà Nẵng
Vào lúc 16g15, Đức hồng y Bộ trưởng đã gặp gỡ linh mục đoàn Đà Nẵng tại hội trường nhà xứ Đà Nẵng. Ngài nhắc nhở các linh mục đừng chỉ là những nhà quản trị nhưng hãy hăng say đi “ra ngoài” loan báo Tin Mừng; hãy làm cho Tin Mừng có sức thu hút bằng chính cuộc sống đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, gương mẫu về luân lý, thể hiện vẻ đẹp của đức khó nghèo, vâng lời, khiết tịnh và nhiệt thành truyền giáo.
Buổi chiều ngày 23/1/2015 đã trở thành một sự kiện lịch sử trong giáo phận Đà Nẵng nói riêng, và Giáo hội Công giáo Việt Nam nói chung khi một Thánh lễ sau đó được cử hành trọng thể tại Nhà thờ chính toà, vừa để bế mạc Năm Thánh tại giáo phận sở tại (Năm Thánh bắt đầu từ 18/1/2013), vừa kỷ niệm 50 năm thành lập giáo phận Đà Nẵng, đồng thời cũng đánh dấu 400 năm Tin Mừng đến Việt Nam. Lúc 17g15, giữa lời ca tiếng hát của hàng ngàn người đứng chật khuôn viên Nhà thờ chính toà, Đức hồng y chủ tế Fernando Filoni cùng đoàn rước đồng tế từ nhà xứ đi nửa vòng khuôn viên, tiến vào lễ đài đặt tại tiền sảnh của nhà thờ.
Tại lễ đài, cha Tổng đại diện của giáo phận sở tại đọc lời chào mừng Đức hồng y Bộ trưởng và giới thiệu lịch sử Tin Mừng đến Việt Nam. Cùng với việc rao giảng Tin Mừng, các vị thừa sai còn có những đóng góp quan trọng trong lịch sử văn hoá của dân tộc Việt Nam, chẳng hạn công trình sáng tạo chữ quốc ngữ với công lao của giáo sĩ Francesco de Pina… Một hoạt cảnh – mang nội dung tái hiện quá trình loan báo và đón nhận Tin Mừng cách nay 400 năm - đã được dàn dựng sinh động, thu hút toàn thể cộng đoàn có mặt tại Nhà thờ chính toà.
Tiếp đó là phần phát biểu của Đức giám mục Giuse Châu Ngọc Tri, giám mục giáo phận Đà Nẵng; ngài nhắc đến những thách đố, trong đó có sự ngộ nhận về điều gọi là “vai trò thực dân” trong quá trình “du nhập” đạo Công giáo. Kỳ thực việc truyền giáo mang ý nghĩa cao cả vượt lên trên những biến động lịch sử, với vai trò của các thừa sai đầu tiên không phải là “thực dân Pháp” mà là người Ý như giáo sĩ Buzomi, người Bồ Đào Nha như giáo sĩ Francesco de Pina…
Điều bất ngờ thú vị là “hai món quà” dâng tặng Đức hồng y Fernando Finoli: một tiết mục đơn ca với giọng hát rất trong trẻo đầy cuốn hút của một cô bé cha Ý mẹ Việt; một cuốn Tin Mừng khổ lớn được chép tay từ 400 người gồm đủ các thành phần dân Chúa Đà Nẵng, từ các linh mục, tu sĩ nam nữ cho đến các giáo dân.
Trong phần đáp từ, Đức hồng y Bộ trưởng nhắc nhở: “Hãy đi ra khỏi mình, loan báo Tin Mừng cho những người chưa nhận biết Chúa, để họ cũng được hạnh phúc rước Mình Thánh Chúa vào lòng”. Ngài đã tặng cho giáo phận Đà Nẵng một Chén Thánh để luôn ghi nhớ biến cố trọng đại 400 năm Tin Mừng có mặt tại Việt Nam.
Lúc 18g, Thánh lễ bắt đầu được cử hành trọng thể. Trong Thánh lễ, đặc biệt có có cử hành các bí tích khai tâm Kitô giáo cho 50 dự tòng. Vì thế, trong bài giảng lễ, vị Hồng y chủ tế nhắc nhở mọi người được rửa tội hãy ý thức rằng ánh sáng đã bừng lên trong bản thân mình, hãy sống cho đẹp ơn đức tin và hãy chia sẻ đức tin cho mọi người. Sau bài giảng, Đức hồng y Filoni, Đức Tổng giám mục Girelli, Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc và Đức giám mục Giuse Châu Ngọc Tri đã rửa tội và ban bí tích Thêm Sức cho các dự tòng.
Cuối Thánh lễ là nghi thức “Sai đi” do Đức giám mục chính toà Đà Nẵng chủ sự. Hàng ngàn ngọn nến lung linh hoà quyện với lời ca đầy sốt sắng: “Vì con muốn là men, muốn là muối ướp cho mặn đời. Vì con muốn liều thân, đem Tin Mừng đi khắp nơi”. Kết thúc nghi thức “Sai đi” là màn đồng diễn “Lên đường” với 400 bạn trẻ (biểu trưng cho 400 năm Tin Mừng đến Đà Nẵng) thả 400 trái bong bóng bay vút lên trời cao, rồi thể hiện những cử điệu lên đường truyền giáo thật hùng tráng.
Thánh lễ khép lại lúc 20g15 trong niềm hân hoan lớn của Phép Lành Toàn xá, cùng với những niềm vui nho nhỏ của nhiều người được chụp hình lưu niệm với nhau và nhận những hộp bánh mà Ban tổ chức tặng cho các giáo dân tham dự.
(Nguồn: tgpsaigon.net)
Nguyên Chương & Linh Hữu