Tin Giáo Hội Việt Nam
Lệnh dỡ nhà thờ giáo xứ Dak Jak
Gia Minh, biên tập viên RFA
Gần 6000 giáo dân Công Giáo thuộc giáo xứ Dak Jak tại huyện Dak Glei của tỉnh Kon Tum trong những ngày này đang tập trung cầu nguyện để giữ lại ngôi nhà thờ tạm mà họ dựng lên để thờ phụng trong mấy năm qua, nhưng bị chính quyền địa phương buộc phải tháo dỡ mà hạn chót được nói là ngày 17 tháng giêng này.
Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh trình bày.
Đức Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh: Vấn đề có hai phía: phía chúng tôi gặp những khó khăn như vậy, phía Nhà nước thì anh em tôi xác định đã hơn một lần nói với chính quyền địa phương là tôi xác tín cán bộ địa phương rất thương chúng tôi, rất hiểu nhu cầu của chúng tôi; nhưng ở trong một chế độ như thế này, với thể chế như thế này thì họ không làm khác được bởi vì đụng đến nồi cơm, địa vị, quyền lợi của họ. Họ không làm khác được vì nó cứ chằng chéo như vậy. Chính những vị cao cấp cũng nói rằng với hệ thống như hiện nay những cá nhân nói chuyện với chúng tôi đều nói họ hiểu, thông cảm với chúng tôi nhưng không thể giải quyết được vì có luật như vậy, chằng chéo như vậy thì chịu thôi. Bây giờ chỉ có đổi thôi, thay đổi luật như thế nào. Chỉ có chừng đó thôi.
Gia Minh: Chính những người trong cuộc nói với Đức Giám Mục cần phải thay đổi những luật như thế và hệ thống như thế?
Đức Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh: Họ không nói ra nhưng họ nói như thế này ‘xin quí vị thông cảm với chúng tôi, rất hiểu nhu cầu của quí vị, nhưng ở trên chỉ đạo xuống nên phải làm thôi’. Họ rất thông cảm với chúng tôi, tôi xác định lại như vậy.
Thế nhưng điều quan trọng đối với tôi trong tư cách giám mục: tôi vẫn tự nói với mình và nói với anh em tôi là chúng tôi phải điều chỉnh lại cuộc sống của chúng tôi làm sao để người ta thương mình. Tôi vẫn tự hỏi tại sao chúng tôi có niềm tin tôn giáo tuyệt vời ‘mến Chúa, yêu người’; chúng tôi vẫn thường tự hào là người có đạo, người công dân tốt nhất, là người hiếu thảo nhất nếu như chúng tôi sống đúng Lời Chúa dạy. Mà như vậy nay vẫn có người anh em chưa hiểu chúng tôi, chúng tôi tự trách chúng tôi, điều chỉnh lại cuộc sống chúng tôi bằng cách chúng tôi sẽ xử sự với những chuyện như thế này rất hài hòa bằng cách rất bình thản và chúng tôi phải nói thật điều chúng tôi suy nghĩ, chúng tôi không giả dối, không tự lừa dối nhau hay lừa dối ai cả.
Tôi nghĩ qua những chuyện như thế này, với niềm tin của tôi, là Chúa đang thanh luyện chúng tôi. Tôi cũng nói với cán bộ rằng chính chúng tôi được sai đi loan báo Tin Mừng, Sự Thật và Yêu Thương cho tất cả mọi người mà anh em chúng tôi không làm được, thì chính Chúa có cách là dùng chính cán bộ làm cho chúng tôi. Đó là quan niện của tôi.
Gia Minh: Người giáo dân vẫn theo đúng lời dạy của các vị chủ chăn nhưng rồi họ bị chèn ép không có nơi thờ tự đáp ứng nhu cầu tâm linh của họ?
Đức Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh: Điều này kéo dài lâu rồi, ba- bốn chục năm rồi. Lâu như vậy, tôi vẫn thường nói với cán bộ rằng quí vị thông cảm cho chúng tôi, về luật pháp chúng tôi nghiêm túc tôn trọng mặc dù những luật đó có những bất công, bất cập. Chúng tôi đã thi hành luật, chúng tôi nói lên nhu cầu của chúng tôi, chúng tôi làm đơn xin nhưng quí vị cứ ở vòng lẩn quẩn như thế này: ‘chưa có Nhà thờ thì chưa có linh mục, mà chưa có linh mục thì chưa có giáo xứ, mà chưa có giáo xứ chì chưa được cử linh mục làm việc’. Cái vòng lẩn quẩn như vậy thì cuối cùng không bao giờ giải quyết được.
Chúng tôi đã làm hết mức, chúng tôi đã trình bày, chúng tôi đã làm đơn xin nhiều lần mà không cho thì nhu cầu của người có đạo đến lúc họ không chịu đựng được nữa thì họ tự giải quyết cho họ thôi. Tôi lấy ví dụ giống như người phụ nữ: chưa đến ngày sinh thì họ trình bày từ từ, họ yêu cầu, đề nghị…; nhưng đến giờ sinh rồi thì không còn giờ mà xin phép nữa, phải sinh thôi!
Với niềm tin tôn giáo như vậy mà xin miết rồi không được thì phải dựng lên ‘một túp lều’ để ổn định cho anh em chứ không thể kéo dài tình trạng cả 6 ngàn người mà suốt 30 năm phải ngồi ngoài mưa, ngoài nắng mà cuối cùng không ai thấy được động lòng thương thì chúng tôi phải tự giải quyết lấy thôi.
Tôi nghe giáo dân nói bây giờ chúng tôi giữ luật đàng hoàng, thành ra quí vị không giữ luật thì chính quí vị đã vi phạm. Giống như đứa con trong gia đình, trước khi đi học ‘thưa ba mẹ con đi học’, đi học về ‘thưa ba mẹ con đi học về’; tức nó có xin phép vào buổi sáng mà bữa nào cha mẹ cũng bảo để coi đã, không cho thì như thế là bất công và nó phải phản ứng. Trường hợp của chúng tôi là như vậy đó; nhưng chúng tôi rất tôn trọng anh em.
Gia Minh: Là một địa phân xa xôi có biết bao khó khăn trong cuộc sống, nay lại gặp khó khăn với chính quyền như thế, so với những địa phận ở các tỉnh, thành; nhưng qua lời Đức Giám Mục hẳn đó là một thách thức, rèn luyện để người giáo dân ở Kon Tum vững vàng, thưa Đức Giám Mục?
Đức Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh: Có lẽ tôi cũng phải tự trách tôi là một giám mục không có ‘khéo’; các cán bộ có thể thấy tôi không ‘có khéo’ đủ thành ra cuối cùng… Tôi nghĩ vậy, nhưng tôi tự xét đoán mình đã làm hết mức của mình, Chúa không đòi hỏi tôi làm hơn được.
Gia Minh: Cám ơn Đức Giám Mục.
VRNs (14.01.2015) – Sài Gòn- Mấy ngày qua, nhà cầm quyền xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei, tỉnh Kontum liên tục đưa công an đến giáo xứ Đăk Jâk cưỡng chế và yêu cầu bà con giáo dân và linh mục tháo dỡ ngôi nhà thờ tạm.
“Nhà nước liên tục đòi tháo dỡ ngôi nhà thờ tạm và đuổi cả linh mục đi, vì họ cho rằng, đây không phải là cơ sở tôn giáo.” Cha Đaminh Trần Văn Vũ, quản xứ giáo xứ Đăk Jâk thuộc giáo phận Kontum, cho biết.
Cha Vũ cho hay: “Khi nghe tin, ngày nào bà con giáo dân cũng tập trung rất đông trước nhà thờ trên dưới 1000 người. Bà con rất mạnh mẽ, hiệp nhất, kiên quyết giữ ngôi nhà thờ tạm, không cho chính quyền tháo gỡ, chỉ khi nào chính quyền cấp giấy phép cho xây nhà thờ thì mới thôi. Giáo dân đến đây không chỉ bảo vệ nhà thờ, linh mục, mà còn đọc kinh cầu nguyện. Giáo xứ có tổ chức Tuần Cửu Nhật cầu nguyện cho giáo xứ được bình an.”
Một giáo dân người Dân tộc nói: “Xây nhà thờ là mong mỏi của giáo dân, để chúng tôi sống Đức Tin. Giáo xứ chúng tôi đã làm đơn xin phép xây giáo xứ suốt 20 năm nay mà chính quyền không cho phép.”
Cha Vũ cho hay: “Chiều ngày 07.01, Đức Cha Micae cùng đi với 5 cha lên Sở nội vụ họp và giải quyết về việc này. Sau một thời gian trao đổi căng thẳng, chính quyền quyết tháo dỡ nhà thờ và đuổi linh mục đi. Nhưng Đức Cha luôn kêu gọi chính quyền cho linh mục được dâng lễ trong nhà thờ tạm cho giáo dân và kêu gọi chính quyền cho giáo xứ được xây nhà thờ trong khu đất của giáo xứ.”
Cha Đaminh Trần Văn Vũ quản xứ giáo xứ Đăk Jâk vào tháng 11.2011. Tuy nhiên, trong năm qua, nhà cầm quyền xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei ra quyết định trục xuất cha Vũ và thầy giúp xứ ra khỏi giáo xứ. Cha Vũ quả quyết: “Thứ nhất, để một linh mục đi hay ở lại giáo xứ thì chính quyền không đủ tư cách, vì người có quyền là Đức Giám Mục, nhưng cho đến nay Ngài chưa có thông báo gì chính thức. Thứ hai, tôi không thể can tâm giao đàn chiên của tôi cho đàn sói được, chỉ khi nào có một vị linh mục nào đó thay thế tôi thì tôi mới đi. Thứ ba, xây nhà thờ là một nhu cầu rất cần thiết và cấp bách của giáo dân để họ có thể tham dự thánh lễ một cách tôn nghiêm hơn, vì thế tôi là linh mục nên tôi phải thực thi sứ mạng là đáp ứng nhu cầu tâm linh cho giáo dân.”
Một giáo dân bày tỏ: “Khi nghe tin cha Vũ bị trục xuất thì chúng tôi rất bức xúc. Chúng tôi yêu cầu chính quyền cho chúng tôi biết rõ vì sao trục xuất cha Vũ và thầy giúp xứ. Cha Vũ rất năng động. Cha tổ chức các buổi học cho những đứa nhỏ học chữ. Trước đây, chúng tôi hay uống rượu, không đi làm nhưng nhờ cha Vũ giúp mà chúng tôi bớt uống rượu hơn và dạy chúng tôi biết cách làm ăn. Chúng tôi chưa thấy chính quyền có công việc nào tốt như cha Vũ [đang làm].”
Nhà cầm quyền luôn gây khó khăn cho giáo xứ từ tháng 05.2013 cho đến nay. Cha Vũ kể: “Giáo xứ thành lập năm 1965 nhưng chưa có nhà thờ. Cho đến nay, giáo xứ có 5059 bà con giáo dân, đa phần là bà con dân tộc thiểu số.
Vào cuối tháng 4.2013 bà con giáo dân cho mượn khoảng 1000 m2 để dựng một ngôi nhà thờ tạm với cột tròn, lập tôn, không thân vách, có lễ đài để giáo dân có thể tham dự thánh lễ và sinh hoạt [các mục vụ tôn giáo].
Sau đó, từ tháng 5.2013 cho đến bây giờ, Nhà nước liên tục đòi tháo dỡ ngôi nhà thờ tạm và đuổi linh mục đi, vì họ cho rằng, đây không phải là cơ sở tôn giáo.
Khi xảy ra sự việc, linh mục đã phản hồi bằng văn thư và gửi lên Tỉnh, nhưng họ cứ hứa hẹn hết lần này lần nọ mà không giải quyết vụ việc.”
Cha Vũ nhận xét: “Với tư cách là một công dân, mình phải tuân phục chính quyền nhưng việc làm của chính quyền không đi đến đâu, họ hứa nhưng không giữ lời, chỉ biết làm theo chỉ thị mà không lắng nghe nhu cầu và mong mỏi của người dân. Dường như họ không quan tâm đến người dân. Họ nói rằng đất nước có tự do tôn giáo nhưng luôn hạn chế tôn giáo.”
“Đối với người dân ở đây, họ không tin vào chính quyền, vì chính quyền hứa mà không làm. Chính quyền càng gây áp lực, giáo dân càng đoàn kết và niềm tin vào Thiên Chúa càng vững mạnh. Có thể cám ơn cộng sản, vì nhờ họ, mà Đức tin của bà con giáo dân ngày càng mạnh mẽ.” Cha Vũ nhấn mạnh.
Đỉnh điểm cao nhất của sự việc xảy ra khi các ban ngành của xã và huyện xuống gây áp lực cho giáo xứ vào ngày 25.07.2013.
Giáo xứ ĐăkJâk, giáo phận Kontum nằm trên xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei, tỉnh Kontum, cách Tp Kontum khoảng 85 km về hướng Tây Bắc, nằm trên quốc lộ 14, giáp huyện Khâm Đức – tỉnh Quảng Nam.
HT,VRNs
Nguồn: http://www.chuacuuthe.com/2015/01/nha-cam-quyen-xa-dak-mon-cuong-che-ngoi-nha-tho-tam/
Linh mục đoàn Phan Thiết đang dự tuần tĩnh tâm đầu năm mới 2015 với chủ đề “Phúc Âm Hóa Giáo Xứ và Cộng Đoàn Thánh Hiến”. Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám mục Giáo phận Lạng sơn giảng phòng.
Sáng ngày 13.1, có hai Đức Cha Giuse và 140 linh mục, đông đảo tu sĩ nam nữ và hàng ngàn khách hành hương về bên Mẹ TàPao hiệp dâng thánh lễ đầu năm mới.
Mở đầu thánh lễ, Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống ngỏ lời với cộng đoàn.
Xin cùng hợp với các cha đồng tế, cách riêng với Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân Giám mục Giáo phận Cao Bằng Lạng Sơn, gửi đến quý tu sĩ cùng toàn thể quý ông bà anh chị em, quý khách hành hương lời chào mừng rất đặc biệt trong ngày hành hương hôm nay.
Chắc là cộng đoàn cũng kịp ghi nhận thánh lễ hành hương ngày 13 tháng giêng năm 2015 hôm nay có những nét đặc biệt.
Đặc biệt thứ nhất, ai cũng trong tư thế chống lạnh, xem ra có cái gì xe lạnh với cộng đoàn chúng ta ở đây, đố biết từ đâu đến? thưa, do Đức Cha Giuse đem từ Lạng Sơn đến đây. Hình như ở Cao bằng Lạng sơn, giờ này là 7 độ C, ngài vào với chúng ta trong cuộc hành hương sáng nay, ngài đem không khí lạnh từ Phương Bắc về đây. Chúng ta xin được mừng ngài bằng một tín hiệu vui mừng. Rồi đặc biệt hơn nữa, chúng ta thấy trên cung thánh có con số các linh mục rất đông. Chắc có một vài người đã đếm con số là trên 140 linh mục cử hành thánh lễ. Các ngài là những linh mục từ giáo phận Phan thiết và cùng một số linh mục từ các giáo phận tham gia hành hương hàng tháng, nhất là quý cha Dòng Châu Thủy đã phục vụ cử hành Bí Tích Hòa Giải tại trung tâm thánh mẫu này. Các ngài đang dự tuần tĩnh tâm hằng năm. Hôm nay, đến đây cũng dâng cuộc sống của mình nhất là dâng tuần tĩnh tâm cho Đức Trinh Nữ Maria tại Tàpao, xin Đức Mẹ cũng chuyển cầu và chúc lành cho các ngài. Vì vậy, chúng ta cũng một tín hiệu vui mừng nữa cho các linh mục đang hiện diện nơi đây. Và rồi nét đặc biệt thứ ba, đó là ngày hành hương, nếu như tháng 12 chúng ta đến đây trái tim căng tràn niềm tạ ơn, thì khởi đầu năm mới, chúng ta đến đây với tất cả niềm cậy trông. Những ca khúc, những lời kinh, những ý khấn đã được dâng lên chính là tâm nguyện của quý khách hành hương. Vì vậy, một khi đã được xưng tụng là Mẹ Thiên Chúa đầy uy quyền, và cũng thật gần gũi với dân sinh là Mẹ nhân loại, Mẹ vẫn là Mẹ dịu hiền. Đầy uy quyền nên Mẹ có thể chuyển cầu cho tất cả mọi người được những sở nguyện theo ý khấn xin. Và đầy nhân hiền nên Mẹ hiểu rõ chúng ta hơn bất cứ ai, là Mẹ luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu, và luôn luôn chúc lành cho con cái của Mẹ. Vấn đề là chúng ta vững niềm trông cậy nơi Mẹ, xin Mẹ chuyển cầu cho những ơn lành. Đó là niềm vui của thánh lễ và chúng ta cũng chung lời cầu nguyện cho tất cả những ý khấn hôm nay. Và để của lễ chúng ta hiệp dâng lên trong ngày hành hương được đẹp lòng Chúa, hãy chân thành sám hối nhìn nhận tội lỗi của chúng ta.
Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân giảng lễ, nội dung như sau:
“Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Trong dịp cùng quý Đức Cha, quý linh mục đoàn của Giáo phận Phan Thiết tĩnh tâm năm ở Tòa Giám mục Phan Thiết. Chúng tôi cùng hiện diện tại Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao này để cùng với anh chị em Thờ lạy, Tạ ơn Chúa và tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria. Hôm nay, là những ngày đầu tiên của Năm Mới Dương lịch 2015, nên chúng ta cùng dâng lễ kính Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ nhân loại, Mẹ Giáo Hội và là Mẹ của các linh mục. Dịp tĩnh tâm năm của linh mục đoàn Giáo phận Phan Thiết cùng với sự hiện diện của quý cộng đoàn thật sự là một hồng ân của Chúa để giúp chúng ta nhìn lại một năm đã qua, nhìn lại cuộc sống của chính mình, nhìn lại những ưu khuyết điểm của mình. Nhìn lại chính mình để nhận thức những trách nhiệm, những bổn phận phải chu toàn trong ơn gọi của mỗi người. Nhìn lại chính mình để tự nhận ra những hạn chế, những bất lực, những yếu kém của thân phận làm người trong ơn gọi Kitô hữu. Thời gian trôi qua làm chúng ta cảm nhận, đã làm người không ai có trường sinh bất tử, bởi vì tiếng khóc chào đời cũng gắn liền với hơi thở cuối cùng của kiếp nhân sinh. Điều chúng ta cần cảm nhận là chúng ta đã làm gì, đã sống ra sao trong ơn gọi Kitô hữu của mình để giúp cho mình và giúp cho đời. Cùng bước vào những ngày đầu của Năm Mới Dương lịch và hướng tới Tết Âm lịch Ất Mùi 2015, có lẽ ai trong chúng ta cũng ước mong mọi sự tốt đẹp hơn với Phúc lành của Chúa.
Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Thiên Chúa.
Trước hết, chúng ta cùng nhìn lại lịch sử tước hiệu Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Thiên Chúa. Vào đầu thế kỷ thứ V, một cuộc xung đột lớn lao đã xảy ra trong Giáo Hội xoay quanh việc Ngôi Hai nhập thể. Thế nên, vào năm 431, Hội Thánh đã triệu tập công đồng Êphêsô dưới sự chủ tọa của thánh Cyrillô, các nghị phụ Công đồng đã tuyên bố cất chức giáo chủ Nestoriô và đánh đổ lạc thuyết của ông chống đối tước hiệu Mẹ Thiên Chúa của Đức Trinh Nữ Maria. Bởi vì theo Nestôriô, chỉ nên gọi Mẹ Maria là Mẹ của Đức Giêsu Kitô, chứ không được gọi là Mẹ Thiên Chúa. Công đồng Êphêsô đã định tín Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa vì thực sự Mẹ đã sinh ra Con-Thiên-Chúa-Làm-Người. Bắt đầu từ công đồng Êphêsô tước hiệu Maria Mẹ Thiên Chúa đã trở thành tước hiệu chính thức của Đức trinh nữ Maria. Đức Giáo Hoàng Piô XI đã viết khi thiết lập thánh lễ kính trọng thể Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa vào năm 1931 nhân dịp kỷ niệm 1500 năm Công đồng Êphêsô: “tín điều Mẹ Thiên Chúa là một nguồn nước mầu nhiệm vô tận, đã tuôn ra mọi đặc ân cho Đức Mẹ và nâng Người lên một địa vị cao sang tuyệt vời bên Thiên Chúa” (Lux Veritatis 1931).
Bởi vâng phục Thiên Chúa, Đức Mẹ đã chấp nhận sứ mạng được Thiên Chúa trao phó cho Mẹ một cách quảng đại và mau mắn. Khi Mẹ thưa với Thiên thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” chính là lời đáp trả của đức tin, một đức tin đầy lòng tin tưởng và khiêm hạ. Với đức tin toàn vẹn, Mẹ Maria nhận thấy công cuộc tạo dựng kỳ diệu đang xảy ra nơi việc Nhập thể của Ngôi Lời hằng hữu, đó là sự tạo dựng của trời mới đất mới, sự tạo dựng kỳ diệu hơn sự tạo dựng cũ trụ hữu hình thuở ban đầu, Đức Mẹ Maria đã cưu mang trong lòng Ngôi Lời là Con Một Thiên Chúa Cha, để đưa Ngài vào thế gian khởi đầu cho công cuộc cứu độ nhân loại.
Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ của Giáo Hội
Công đồng Vaticanô II trong hiến chế Lumen Gentium sau khi tuyên bố Đức Maria là thành viên trổi vượt” là “kiểu mẫu” và “gương sáng” của Giáo Hội, Công đồng dạy tiếp: “Giáo Hội Công Giáo, được Chúa Thánh Thần chỉ dạy, dâng lên Người tình con thảo, như đối với một người Mẹ rất dấu yêu” (LG 53). Chính khi mô tả những tình cảm con thảo của mình, Giáo Hội nhìn nhận Đức Maria là người Mẹ yêu quý nhất của mình, gián tiếp tuyên bố người là Mẹ Giáo Hội, vì Đức Mẹ làm Mẹ Giáo Hội khi nhận làm Mẹ Chúa Giêsu. Đức Chân phước Giáo hoàng Phaolô VI đã muốn công đồng Vaticanô II tuyên bố: “Đức Maria, với tư cách là Mẹ Đức Kitô cũng là Mẹ của tất cả mọi tín hữu và các chủ chăn, nghĩa là Mẹ Giáo Hội”. Như thế tước hiệu “Mẹ Giáo Hội” phản chiếu nhiềm xác tín sâu xa của người tín hữu Kitô, khi nhìn thấy nơi Đức Maria không những là người Mẹ của Chúa Kitô Nhập Thể, mà còn của mọi tín hữu Kitô. Người được nhìn nhận là Mẹ sự cứu thế, Mẹ sự sống và Mẹ ân sủng, Mẹ những người được cứu chuộc và Mẹ kẻ sống, thì thật chính đáng khi Người là Mẹ Giáo Hội và là Mẹ đích thực của mỗi chúng ta.
Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ của các Linh mục
Ngày nay, Đức Maria hiện diện giữa Hội Thánh để tiếp nối sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Hội thánh. Trong Hội Thánh, Đức Maria vừa là người “môn đệ đầu tiên” tin tưởng vào Thiên Chúa vừa là “chứng nhân” tiên khởi cho tình yêu cứu độ của Chúa Cha. Đức thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II lý giải: “Quả thực, người môn đệ yêu quý, là một trong Nhóm Mười Hai, tại Nhà Tiệc Ly đã nhận lệnh truyền “hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22,19) cũng chính là người đã được Chúa Kitô từ trên thập giá trao phó cho Mẹ Ngài: “Đây là con Mẹ” (Ga 19,26). Qua những lời Chúa cứu thế đang hấp hối thốt ra, người mà trong Ngày thứ Năm Tuần Thánh đã nhận quyền cử hành bí tích Thánh Thể, cũng là người được trao phó là con của Mẹ Ngài. Vì thế, tất cả chúng ta nhờ bí tích truyền chức linh mục, đã nhận được cùng một quyền năng như Gioan, thì theo một ý nghĩa nào đó, chúng ta cũng là những người đầu tiên nhận Đức Maria là Mẹ chúng ta. Do đó, tôi mong ước tất cả anh em cùng với tôi, gặp lại nơi Đức Maria người Mẹ của chức Linh mục, chức vụ mà chúng ta đã nhận được từ Chúa Kitô”.
Thánh Gioan, người Tông đồ đã được Chúa gọi (Mt 4,21) người môn đệ được Chúa yêu (Ga 13,23), và có thể nói là vị Tân linh mục vừa được thụ phong tại Nhà tiệc ly, đã thực thi di chúc của Chúa Giêsu. Ông đưa Đức Maria về nhà mình, để Mẹ dạy bảo, ủi an, nâng đỡ và giúp ông kiên trì thực thi sứ vụ trước những thử thách khó khăn. Ông đưa Đức Maria về nhà mình, để ông thay Chúa Giêsu thể hiện bổn phận hiếu thảo: yêu mến, vâng phục, bàn hỏi và bắt chước gương sống của Mẹ, nhờ đó mỗi ngày ông trở nên giống Chúa Giêsu hơn. Noi gương Thánh Gioan Tông đồ, người linh mục cũng phải đưa Đức Maria vào cuộc đời mình, để nhờ Mẹ hướng dẫn, chúng ta có thể trở nên “đồng hình đồng dạng” với Chúa Giêsu, và cố trở nên “Alter Christus- Chúa Kitô khác” để tiếp tục công trình cứu độ trần gian của Ngài.
Để kết thúc bài suy niệm này, tôi xin kể ra đây một câu chuyện đơn sơ nhưng nhiều ý nghĩa:
“Một chú bé nghèo khổ, quần áo tả tơi, không biết chữ o tròn hay méo, lê đôi chân gầy đi đến một khu phố nghèo nàn ở Paris, thủ đô nước Pháp. Chú ấy tên là Gioan, 7 tuổi, đi tìm một ông lão tên là Bouin, cũng nghèo, sống bằng nghề viết thư mướn. Chú bé vào nhà, lễ phép cúi chào cụ già, và xin giúp đỡ. Ông già hỏi chú: “Cháu muốn gì?” Chú lễ phép thưa: “Cháu muốn viết một lá thư”. Ông già bảo chú trả 10 xu. Chú bé ngập ngừng rồi thưa: “xin lỗi cụ, cháu không có tiền”. Nói xong chú thất thểu ra đi. Ông già ngó theo thương hại, kêu ngược lại: “Ê bé, mày không có 10 xu sao? Mày con ai?” Chú từ tốn đáp: “Dạ cháu là con của mẹ cháu”. Ông già nói: “Vậy là ta hiểu rồi, cháu không có 10 xu, mẹ cháu cũng không có, vậy thì viết thư để xin chút cháo phải không?” Chú bé khẽ gật đầu. Ông già nói tiếp: “Được rồi, vào đây ông viết hộ cho”. Ông Bouin thầm nghĩ, hy sinh chút mực, nửa tờ giấy thì cũng chẳng làm mình nghèo thêm đâu. Ông lấy giấy ra, cầm bút, chấm mực, viết chữ thật đẹp: “Paris, ngày tháng năm… Kính thưa ông…”, ông đọc lại cho chú bé nghe và b ảo muốn viết gì thì nói để ông viết tiếp. Chú bé ấp úng: “Dạ không phải ông”. Ông lão gạn hỏi: “không phải ông, thì bà?” Chú bé thưa: “Dạ bà, mà cũng không phải”. Ông Bouin thấy bực mình, ông bắt đầu cáu gắt: “đã không biết ai để gửi, mà lại còn đòi viết thư”. Chú bé lấy hết can đảm thưa: “Cháu muốn viết thư cho Đức Mẹ Maria”. Không cười nữa, ông già nghiêm nghị nói: “Ta không cho là mày muốn chế nhạo lão già này, hãy ra khỏi cửa, xéo đi gấp”. Chú bé ngoan ngoãn bước ra khỏi cửa, đôi chân đầy bụi và rướm máu. Thấy chú bé quá hiền, ông già động lòng trắc ân gọi chú trở lại và quan sát nét mặt chú bé. Ông lùng bùng: “Chà! Lắm kẻ nghèo đói ở Paris này”. Ông hỏi chú bé: - “Tên cháu là gì?” – “Dạ, tên cháu là Gioan”. “Gioan gì nữa?” – “Dạ, Gioan thôi ạ”. “Nhưng cháu muốn thưa gì với Đức Mẹ?” – “Dạ, cháu muốn thưa với Người là mẹ cháu đã ngủ từ bốn giờ chiều hôm qua, xin Người đến đánh thức mẹ cháu dậy, cháu không làm sao gọi mẹ cháu dậy được”. Con tim cụ già nhói lên trong lồng ngực vì ông hiểu sự gì đã xảy ra. Ông hỏi tiếp: - “Mà tại sao lúc nãy cháu bảo viết thư xin chút cháo?” Chú bé trả lời: - “Dạ đúng như vậy, trước khi ngủ, mẹ cháu cho cháu miếng bánh cuối cùng. – “Còn mẹ cháu ăn gì?” – “Đã mấy ngày rồi, mẹ cháu không ăn gì, mẹ cháu nói mẹ không đói” – “Nhưng lần này thì cháu thấy sao?” – “Mẹ cháu lạnh lắm, nhà cháu chũng lạnh lắm, hai tay mẹ cháu bất động và đang chắp trên ngực, mặt mẹ cháu trắng bệch”… Ông già thầm nghĩ: chà, tôi đang thu tiền, tôi đang ăn no, tôi đang uống ngon, mà bên cạnh tôi, lại có người đàn bà chết đói. Ông gọi đứa bé lại bên ông, đặt nó ngồi trên gối và nói hết sức dịu dàng: - “Cháu ơi, thư cháu đã được viết rồi, được gởi đi rồi và đã được nhận rồi. Hãy dẫn ông đến nhà mẹ cháu”. –“Được, cháu sẽ dẫn ông tới, nhưng tại sao ông lại khóc? Cậu bé Gioan ngạc nhiên hỏi cụ già như thế. Ông già trả lời: “Ông đâu có khóc”. Nhưng ông ôm ghì cậu bé vào lòng, nước mắt giàn giụa chảy xuống trên nó. Đàn ông ai lại khóc? Ông đứng lên và dường như ông đang nói với người vô hình: “Bà mẹ đáng thương ơi, bà hãy vui lên. Các bạn tôi có nhạo cười, tôi cũng mặc. Bà ở đâu, tôi muốn đi thăm và dẫn đứa bé này về, thiên thần bé nhỏ đáng thương này, nó sẽ không bao giờ lìa xa tôi nữa, bởi vì lá thư gửi cho Đức Mẹ tuy không được viết kia đã có hai kết quả: là cho cháu bé một người cha và cho tôi một tấm lòng với niềm tin mến vào tình thương yêu của Đức Mẹ Maria”.
Câu chuyện cảm động này giúp chúng ta không biết người đưa thư nào đã mang những loại thư chưa viết này đi, nhưng lá thư ấy đã thấu tới trời, đến tận ngai tòa Đức Trinh Nữ Maria, nên đã có kết quả thật cảm động như chúng ta vừa nghe. Chớ gì mỗi người chúng ta để cho Đức Mẹ đánh động con tim của các linh mục và mọi người để thực thi bác ái như cụ già Bouin đối với bất cứ Gioan nào chúng ta gặp trên cuộc đời còn đầy khó khăn thử thách này. Với ơn gọi và sứ mạng của linh mục Chúa Giêsu Kitô và các Kitô hữu, chúng ta hãy hăng hái ra đi làm chứng về tình yêu thương của Thiên Chúa: “Hãy đem tin mừng đến cho những người nghèo khổ, đem niềm hy vọng cho những người thất vọng, đem niềm tin đến cho người chưa tin, đem niềm vui đến cho những người sầu khổ, đem tình yêu đến cho những người bị loại trừ, đem sự hòa giải đến cho những người bị mặc cảm, đem sự kính trọng đến cho những người bị khinh khi, đem ơn Cứu độ đến cho tất cả mọi người” (Thư HĐGM VN). Nguyện xin Mẹ Maria cầu bầu cùng Thiên Chúa, luôn ban cho các linh mục của Mẹ và cộng đoàn hiện diện muôn Hồng ân của Chúa, xứng đáng là chứng nhân của Tin mừng tình yêu của Chúa nơi Giáo Hội và trong thế giới hôm nay. Amen”.
Sau thánh lễ, quý linh mục trở về Tòa Giám Mục tiếp tục những ngày tĩnh tâm. Khách hành hương lên núi lần chuỗi, cầu nguyện bên Mẹ Tàpao.Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
Hôm thứ bảy ngày 10 tháng 01 năm 2015, Cha Giuse Trần Hòa Hưng, SDB - Giám Tỉnh - Tỉnh Dòng Sa lê diêng Don Bosco Việt Nam đã loan báo cho các Cộng Đoàn Salêdiêng Don Bosco Việt Nam - Phụ Tỉnh Mongolia tin vui: Tỉnh Dòng Salêdiêng Don Bosco Việt Nam - Mongolia vừa nhận được tin vui từ
Nhà Mẹ Trung Ương ở Pisana - Roma - Italia cho biết, sau khi thực hiện cuộc phân định cùng với Ban Tổng Cố Vấn, Cha Angel Fernandez Artime, SDB - Bề Trên Tổng Quyền Dòng Salêdiêng Don Bosco đã bổ nhiệm Cha Giuse Nguyễn Văn Quang, SDB làm Tân Giám Tỉnh - Tỉnh Dòng Salêdiêng Don Bosco Việt Nam - Mongolia cho nhiệm kỳ 2015 - 2021.
Cha Giuse Nguyễn Văn Quang sinh ngày 02 tháng 06 năm 1948 tại Nam Định - Hà Nội, năm 1968 ngài gia nhập Tập Viện Salêdiêng Don Bosco tại Trạm Hành - Đà Lạt, ngài tuyên khấn lần đầu ngày 15 tháng 08 năm 1968. Sau khi tuyên khấn lần đầu ngài được gửi đi theo học Triết học tại Hong Kong. Sau thời gian học triết ngài trở về Việt Nam và làm việc tại Don Bosco Thủ Đức. Sau thời gian thực tập ngài lên Đà Lạt học Thần học tại Học Viện Giáo Hoàng Piô X, và tuyên khấn trọn đời ngày 08 tháng 08 năm 1974 được Thụ phong Linh mục ngày 02 tháng 07 năm 1976 tại Đà Lạt.
Cha Giuse Nguyễn Văn Quang trước đây là Cha Chánh Xứ Giáo Xứ Phước Lộc - Giáo Phận Bà Rịa Vũng Tàu nhiều năm. Hiện nay, Cha Giuse Nguyễn Văn Quang đang giữ chức vụ Giám Đốc Cộng Đoàn Salêdiêng Don Bosco Phước Lộc -Bà Rịa Vũng Tàu - Hiệu Trưởng Trung Tâm Dậy Nghề Phước Lộc tại Bà Rịa Vũng Tàu và cũng là Cố Vấn Tỉnh Dòng Salêdiêng Don Bosco Việt Nam.
Được biết Tỉnh Dòng Salêdiêng Don Bosco Việt Nam hiện nay với con số hơn 300 Hội Viên SDB, với 20 Cộng Thể và 4 điểm hiện diện tại Việt Nam.
Ngoài ra Tỉnh Dòng Salêdiêng Don Bosco Việt Nam còn được Bề Trên Trung Ương trao phó cho Công cuộc Truyền tại Đất Nước Cộng Hòa Nhân Dân Mông Cổ. Công cuộc truyền giáo này được nâng lên thành Phụ Tỉnh Mongolia với 6 Hội Viên Salêdiêng thuộc 6 Quốc Gia khác nhau đang làm việc tại 2 Cộng Thể Salêdiêng, một tại Thủ Đô Ulanbarto và một Cộng Thể tại Thành Phố Darkhan. Đây là vùng đất nước truyền giáo rất lớn vì được Giáo Hội cũng như Quý Bề Trên của Tu Hội Salêdiêng quan tâm rất nhiều.
Cha Tân Giám Tỉnh - Tỉnh Dòng Salêdiêng Don Bosco Việt Nam sẽ chính thức nhậm chức vụ Giám Tỉnh ngày Lễ Cộng Thể Tỉnh, Thứ Ba ngày 26 tháng 05 năm 2015
Nguồn: Donboscoviet.net
2g30 chiều 11 tháng 1 năm 2015, Saigon dọa “ nhẹ” các anh chị em di dân bằng những hạt mưa li ti… nhưng không làm chồn chân các anh chị em từ Xuân Hiệp, Tam Hải, Bình Thuận, Long Thạnh Mỹ, Bùi Môn, Mỹ Hội các nhà lưu xá sinh viên của Don Bosco, Đaminh và Đức Bà, sinh viên giáo phận Vinh đến với giáo xứ Phaolo Bình Tân…mọi người cùng làm quen và cất tiếng hát vang.. mệt nhọc của quãng đường xua tan nhanh chóng.3g chiều 250 thầy đại chủng sinh từ Đại chủng viện thánh Giuse Saigon cùng chia sẻ với các bạn về những hành trang các bạn chuẩn bị về Saigon lập nghiệp và những khó khăn các bạn gặp trong cuộc sống? Bạn cảm nhận gì về giáo xứ nơi bạn cư ngụ và bạn mong muốn điều gì nơi Giáo Hội địa phương mà bạn đang cư ngụ và lập nghiệp? bầu khí nóng dần lên khi các thầy biến thành các quản trò cho 30 nhóm quy tụ chia sẻ để phá tan những phút giây đầu gặp gỡ, những ngại ngần xóa mờ.
4g 15 phút, Đức tổng Giám mục Phaolo Bùi Văn Đọc tiến vào trong lòng nhà thờ cùng quý cha trong ban Di dân tổng giáo phận, quý cha hạt trưởng, quý cha đặc trách anh chị em xa quê các giáo xứ giữa một rừng bong bóng và những tiếng hát chào mừng ấm cúng. Dứt lời bài hát cũng là lúc những trái bong bóng biến thành những viên pháo nổ vang chào mừng quý cha.
Sau khi giới thiệu với Đức tổng về các anh chị em đang hiện diện trong lòng nhà thờ và cả ở ngoài sân vì đã hết chỗ. Cha F.X Nguyễn Minh Thiệu đã mời hai chứng nhân chia sẻ với Đức tổng và cộng đoàn cùng nghe về đời sống xa quê. Anh Vũ Đức Chiến đến từ giáo xứ Bùi Môn thao thức có được một vị chủ chăn lo về di dân. Chị Anna Nguyễn Thị Định ở Phaolo thì thao thức những mục vụ di dân tại giáo xứ. Sau đó là những đúc kết về những khó nhăn mà anh chị em xa quê thường gặp trong giờ chia sẻ được các Thầy ghi nhanh. Tuy nhiên điều nổi cộm là sao cho có một sự thống nhất về hôn nhân của giáo xứ anh chị em đang sinh hoạt và giáo xứ nơi quê nhà.
Đức Tổng Phaolo đáp lại những câu chuyện chia sẻ của anh chị em bằng câu hỏi: Các con có khát vọng tương lai tốt đẹp cho mình và xã hội không ? Các con có tin rằng chỉ có Chúa là niềm hy vọng đích thức của chúng ta không? Có là câu trả lời của mọi người đang hiện diện. Các con có những khó khăn, Giáo Hội là Mẹ sẽ lo cho các con. Các con xa quê, sẽ cô đơn nhưng các con đừng tự cô lập mình, sẽ có người an ủi. có những tôn giáo khác tỏ ra chăm sóc cho các con, đừng chạy theo. Trong bài trình bày trước HĐGM tại Thượng HĐGM về Gia đình vừa qua, cha chia sẻ Việt Nam đứng đầu vùng Nam Á về việc phá thai, nếu có ai đây trong các con đã lỡ một lần thì sám hối đừng làm nữa và xin các con đừng phạm vào tội này… những chia sẻ của Đức Tổng như những lời khích lệ và những hướng dẫn cụ thể cho đời sống anh chị em xa quê. Đây là biểu lộ tình yêu của Giáo Hội với anh chị em di dân một cách gần gũi và sống động.
Sau đó là thánh lễ với khoảng 30 cha đồng tế và 250 thầy đại chủng sinh hát lễ. trong bài giảng, Đức tổng chia sẻ với cộng đoàn: “ Cha vui mừng vì ở giữa các con, cùng các con cử hành thánh lễ bế mạc tần lễ di dân, một tuần lễ trong vòng tay của nhau, của quý cha hướng dẫn, quý thầy và quý sơ đồng hành và trong tay cộng đoàn những người sẵn sang đồng hành với chúng con.. Di dân sẽ gặp khó khan, nhưng đừng nản chí và buông xuôi hãy vươn lên cả về vật chất lẫn nhân bản, sống tốt với tha nhân, chơi đẹp với mọi người, hãy vươn lên về văn hóa, nhất là các bạn trẻ, tương lai của đất nước, của Giáo Hội trong tay của các con. Nhưng quan trọng hơn hãy vươn lên trong đời sống đức tin, đời sống đạo. các con hãy nên muối cho đời, ánh sang cho trần gian và Chúa thánh Thần sẽ giúp chúng ta vượt qua những đau khổ thử thách như phải xa gia đình, bị bỏ rơi hay như không có phuowng tiện sống. Hãy tin vào Giáo Hội, tin vào tương lai. Giáo Hội là Mẹ sẽ hướng dẫn bằng cách này hay cách khác”.
Sau thánh lễ là lời cảm ơn của cha Phaolo Phạm Trung Dong, trưởng ban Di dân Gp. Saigon: Con cảm nghiệm sâu xa về đời sống đức tin, về xã hội và về nhân bản bài giảng của Đức tổng trong ngày hôm nay đã cho anh chị em di dân chúng con định hướng trong đời sống xa quê. Cha cũng cảm ơn Cha giám đốc ĐCV. Thánh Giuse Saigon và quý cha giáo quanh năm đã gửi quý thầy đến giúp và mỗi năm lại cho tất cả các thầy về Phaolo này, và quả thực ngày hôm nay cả một đại chủng viện như được mang về đây. Chúng con thấy đây là sự quan tâm của Giáo Hội là Mẹ dành cho chúng con và đặc biệt đây cũng là những bài học sống động cho quý thầy được đụng chạm với những khắc khoải và cuộc sống của người xa quê để làm hành trang chuẩn bị phục vụ trong tương lai. Cha trưởng ban cũng không quên cảm ơn quý Cha, Quý Dòng tu đã đồng hành cùng anh chị em di dân, đặc biệt cảm ơn các bạn xa quê đã nhiệt tình hiện diện nơi đây. Và một điểm đặc biệt, cha trưởng ban Di Dân xin Đức tổng một đặc ân: xin Đức tổng thấy nơi nào có đông đông anh chị em xa quê thì “ nhắc” cha xứ hoặc nếu ngài bận thì có cha phó lo. Đức tổng đã đáp lại: Cha Dong xin là hợp lý, tôi sẽ cố gắng. Tôi thấy Bình Thuận là giáo xứ lớn gần 20 ngàn mà hôm nay đi có ít xịt à… tôi sẽ nhắc và nếu không có đủ người thì sẽ cho thêm cha nữa để lo chăm sóc di dân…và tiếng vỗ tay vỡ òa nhà thờ. Đức tổng khuyên thêm anh chị em di dân: Các con hãy nương tựa nhau. Hãy coi xem tôi có quan tâm người khác không, đừng quan tâm người ta kỳ thị tôi. Hãy ra đi và tạo nền văn hóa gặp gỡ.
Thánh lễ kết thúc với nghi thức sai đi và phần văn nghệ “cây nhà lá vườn” nhưng đầy hào hứng của các diễn viên và những tràng pháo tay khích lệ nhiệt tình của khán giả. Tiết mục múa của thiếu nhi di dân Phaolo và ảo thuật của quý thầy dòng Scalabrini là “ăn khách” nhất. Ca sĩ Nguyễn Hồng Ân hát cho đến cuối cùng.
Tạ ơn Chúa đã hoàn tất mọi việc thật tốt đẹp. Xin chúc anh chị em lên đường trong niềm vui thắp sáng Tin Mừng như trong câu băng reo của nghi thức sai đi với một lòng vững tin: “Giáo Hội không biên giới, Mẹ của mọi người”
Saigon 12/1/2015
Nt. Maria Nguyễn Thị Minh Du
Nguồn: tonggiaophansaigon.com
GP Bà Rịa. Vào lúc 17g00 thứ Năm, ngày 08 tháng 01 năm 2015, tại Nhà thờ mồ các vị Tử đạo Bà Rịa, Đức Giám mục Giáo phận đã chủ sự Thánh lễ kỉ niệm cuộc tử nạn của các vị Tử đạo tại Bà Rịa, cách đây đúng 153 năm. Cùng đồng tế với Đức Cha, có Cha Chánh xứ và quý Cha Phó Giáo xứ Chánh tòa và Cha Quản lý Tòa Giám mục.
Dẫn vào Thánh lễ, Đức Cha đã nhắc lại biến cố đã xảy ra, ngài nói:
Sáng ngày 08.01.1862, hai Linh mục, Cha Croc và Cha Tri, là những người đang lẩn tránh cơn bách hại, nhưng cũng đã từng cải trang vào gặp các tín hữu tại ngục thất này. Hai Cha đã có mặt và chứng kiến 228 thi thể của các tín hữu bị thiêu sống. Các cha đã cho đào ba huyệt lớn để an táng chung các tín hữu đã chết vì Đạo Chúa.
Tháng 10 năm 1865, Cha Errard – Cha Sở đầu tiên của họ đạo Bà Rịa, khi đến nhận nhiệm sở này, đã tìm gặp các nhân chứng và thân nhân của các vị tử đạo để ghi lại tên tuổi của các vị. Cha Errard đã cho cải táng các hài cốt và táng chung vào một huyệt đào ngay trên nền ngục thất cũ và hôm nay chúng ta đang thấy ở giữa chúng ta.
Ngọn lửa bạo tàn và bất công đã biến các chứng nhân tử đạo trở nên ngọn đuốc thắp sáng ánh sáng Chúa Kitô, ngọn đuốc thắp sáng niềm tin vào Chúa và các ngài đã vun trồng, truyền tải hạt giống đức tin đến thế hệ con cháu của các ngài là chúng ta hôm nay.
Chúng ta cùng dâng lễ kỷ niệm cuộc tử nạn này và cũng là ngày hồng phúc để cùng nhau tạ ơn Chúa vì Chúa đã ban cho chúng ta gương các chứng nhân đức tin anh dũng, kiên cường làm chứng cho đạo Chúa và Tin Mừng của Người. Các ngài là những bậc tiền bối của chúng ta đã gieo trồng ơn Đức Tin và hạt giống Tin Mừng cho chúng ta, để đến phiên lượt, chúng ta cũng phải trở nên nhân chứng đức tin cho Chúa Kitô trong thời chúng ta đang sống hôm nay.
Và vào phần cuối bài giảng lễ, Đức Cha nhắn nhủ:
“Thật hạnh phúc cho chúng ta, các tín hữu đang đứng trên mảnh đất thiêng được vun trồng bằng tro cốt của các chứng nhân đức tin Bà Rịa. Cách đây hơn 150 năm, các ngài bị thiêu sống vì Danh Chúa Giêsu Kitô và trở nên những ngọn đuốc sống rạng ngời ánh sáng đức tin. Các ngài truyền lại ngọn lửa đức tin này cho chúng ta là con cháu, để chúng ta luôn giữ gìn ngọn lửa đức tin nầy luôn cháy sáng và truyền lại cho thế hệ con cháu chúng ta mai sau.
Mỗi người chúng ta hãy trở nên những ngôi sao sáng. Thế giới đang cần những ánh sao. Đó là ánh sao của sự chân thành và của phục vụ yêu thương, ánh sao của niềm vui an bình và của can trường bất khuất. Một nụ cười, một ánh mắt, một lời khích lệ chan chứa tình yêu và sự thánh thiện cũng sáng rực rỡ chẳng kém một vì sao… “Giữa một thế hệ sa đoạ, anh em hãy toả sáng như những vì sao trên vòm trời” (Pl 2,15)”
Chúng ta được mời gọi trở nên những ánh sao mới dẫn đường cho anh chị em lương dân mà chúng ta gặp gỡ hàng ngày nơi thôn xóm, học đường, xí nghiệp, công sở và phố chợ. Họ chưa biết Chúa, chưa tìm gặp được Chúa và chưa tin vào Chúa. Bằng lời rao giảng, gương sáng đời sống và chứng tá tình yêu, chúng ta hãy trở nên ánh sao dẫn đường cho họ tìm biết và tin Chúa để hưởng nhờ ơn cứu độ Chúa trao ban”.
Cộng đoàn Dân Chúa đã sốt sắng hiệp dâng Thánh lễ, dâng lời tạ ơn Chúa, nguyện xin Chúa giúp để mỗi người luôn biết lắng nghe tiếng Chúa mời gọi, can đảm sống Đức Tin, làm chứng cho Chúa Kitô, cho Tin Mừng của Người như lời Đức Cha giáo phận đã chỉ dạy.
Tin và ảnh: Jos.Vũ Văn Quế
Nguồn: Tinconggiao.com
Nơi âm thầm trở nên náo nhiệt, nơi hiếm người qua lại trở nên đông đúc, nơi thinh lặng trở nên rộn rã, đó là điều đã có tại Đan Viện Thánh Mẫu Khiết Tâm Phước Lý, vào sáng ngày 03/01/2015. Nhưng cái náo nhiệt, đông đúc và rộn rã ấy vẫn là bầu khí của sự thánh thiêng. Bởi lẽ các viện phụ, các đan sĩ, các linh mục, tu sĩ nam nữ và nhiều người từ nhiều nơi trong tâm tình hiệp thông chúc tụng, đã quy tụ về Đan Viện để cùng cử hành thánh lễ chúc phong Đan Sĩ Linh Mục Maria Phaolô Tịnh Nguyễn Đức Chánh làm Viện Phụ của Đan Viện.
Vào lúc 09 giờ 15’, Thánh Lễ chúc phong được Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, Giám Mục Giáo Phận Xuân Lộc, chủ sự. Cùng đồng tế với Đức Cha Đaminh, có nhiều linh mục, đặc biệt là các Viện Phụ và các linh mục đan sĩ thuộc các Đan Viện Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam.
Trong bài chia sẻ Lời Chúa, Đức Cha đã đề cao tinh thần chiêm niệm của đời đan sĩ, cũng như sự hiện diện của các đan sĩ, cần thiết cho thế giới, vì đó là nguồn sức sống của thế giới. Ngài chúc mừng và chúc lành cho tân Viện Phụ và Đan Viện.
Sau bài giảng, Đức Cha Đaminh đã chủ sự nghi thức chúc phong, cùng 02 Viện Phụ phụ phong (Viện Phụ Hội Trưởng, và Viện Phụ Phước Sơn).
* Tân Viện Phụ
Đan sĩ Linh Mục M. Phaolô Tịnh Nguyễn Đức Chánh đắc cử Viện Phụ ngày 11/10/2014.
Ý nghĩa Logo của Viện Phụ của M. Bảo Tịnh :
Viện Phụ M. Phaolô Tịnh đã chọn cho mình khẩu hiệu “TU ES FILLIUS MEUS DILECTUS – Con là Con yêu dấu của Ta” (Mc 1,11). Nói lên tâm tình ý nguyện sống sao cho đẹp lòng Thiên Chúa là Cha, noi gương Thầy Chí Thánh
- Hai bàn tay hướng vào nhau ôm lấy thánh giá : Thánh giá là trọng trách coi sóc cộng đoàn, bàn tay úp xuống như sự trao ban từ Thiên Chúa, bàn tay ngữa lên là sự đón nhận và là lời đáp trả xin vâng đón nhận hồng ân từ Thiên Chúa, và là nổ lực hy sinh vì cộng đoàn.
Mong sao dưới sự chăn dắt của Tân Viện Phụ, Đan Viện Thánh Mẫu Khiết Tâm Phước Lý luôn đem lại nguồn sinh lực thần thiêng cho Giáo Hội và Thế Giới.
(Lm. Leony – BTT GPXL 05/01/2014)
Nguồn: giaophanxuanloc.net
Lúc 10 giờ sáng ngày lễ Chúa Hiển Linh 04/01/2015, tại giáo xứ Hà Nội, Hạt Hố Nai. Thánh lễ Tạ ơn của Anh chị em Tân tòng Giáo phận Xuân Lộc gặp gỡ truyền thống hàng năm.
Đến hẹn lại lên, ngày họp mặt truyền thống hôm nay có sự hiện diện của hai Đức Cha giáo phận, Đức ông Vinhsơn Tổng đại diện, quý Cha trong giáo phận, Cha giám đốc Ban loan báo Tin mừng Đaminh Trần Xuân Thảo, quý Tu sĩ nam nữ, Anh chị em Tác Viên Tin Mừng, Anh chị em tân tòng, Anh chị em các tôn giáo bạn và cộng đoàn từ khắp nơi trong giáo phận về tham dự.
Mở đầu cuộc hội ngộ là văn nghệ chào mừng với những bài hát, những vũ khúc sôi động do các sơ dòng Đaminh Thánh Tâm phụ trách và nhóm ca sĩ trẻ. Và hai bài nói chuyện của Đức ông Vinhsơn Đặng Văn Tú và Đức Cha Phụ tá Giuse Đinh Đức Đạo.
Đức ông Vinh Sơn Đặng Văn Tú chia sẻ đề tài “Giờ kinh gia đình”
Trong phần chia sẻ đề tài của Đức ông Vinhsơn, Ngài đã chỉ dẫn cho các anh chị em tân tòng làm sao để có được hạnh phúc lâu dài, đặc biệt là qua các giờ kinh nguyện gia đình. Ngài cho rằng, để tìm kiếm hạnh phúc đích thực thì kinh nguyện gia đình là một ưu thế, bởi nó có ý nghĩa và nội dung riêng, có một giá trị rất riêng trong đời sống hôn nhân. Muốn sinh ích lợi từ kinh nguyện gia đình thì cần có giá trị tôn giáo, chính nó sẽ mang đến hạnh phúc cho mỗi người từ tâm hồn cho đến vinh quang nước trời. Một ích lợi khác nữa là trong các giờ kinh gia đình chúng ta không những được gặp nhau mà còn được gặp gỡ Thiên Chúa. Vì lẽ đó mà kinh nguyện gia đình tự bản chất đã mang một giá trị rất riêng và rất phù hợp với thực tế đời sống mỗi người. Trong thời đại ngày nay, việc tụ họp đầy đủ để có các giờ kinh nguyện gia đình là một thách đố, và rất khó để thực hiện. Thấu hiểu được ưu tư của nhiều anh chị em, Đức ông Vinsơn đã mời gọi các gia đình hãy canh tân trên hai phương diện nội dung và thực tế.
Về phương diện nội dung, tức là đọc một số Kinh cần thiết như tin, cậy, mến, kinh lạy cha, kính mừng, sáng danh. Đó là những kinh nguyện không thể thiếu vì nó làm nên cốt lõi của niềm tin chúng ta. Đã đọc kinh thì phải kết hợp với Lời Chúa, suy niệm và cầu nguyện. Chính những điều này sẽ nhào nặn chúng ta được lớn lên trong tình yêu của Người.
Về phương diện thực tế, tức là xã hội ngày nay không cho phép chúng ta quây quần bên nhau tại một nơi để đọc kinh nguyện gia đình nữa nhưng với thời đại thông tin ngày nay thì chúng ta có thể làm điều này một cách dễ dàng. Một gợi ý khác là mỗi người hãy trang bị cho từng thành viên trong gia đình mình một cuốn sách Lời Chúa để ai nấy cũng có thể thực hiện giờ kinh gia đình theo nội dung và cách thế giống nhau.
Đức ông Vinhsơn mong ước sự chia sẻ thực tế của Ngài sẽ mang lại cho anh chị em tân tòng một nỗ lực mới trong sự kiến tạo hạnh phúc gia đình.
Đức Cha Phụ tá Giuse Đinh Đức Đạo chia sẻ đề tài “Tâm tình truyền giáo”
Tản mạn với các anh chị em tân tòng trong ngày gặp gỡ truyền thống dịp lễ Chúa Hiển Linh. Đức Cha Phụ tá Giuse, Ngài đã chia sẻ với các anh chị em tân tòng một vài câu chuyện kể về tình yêu hôn nhân gia đình, nhưng trên hết là làm sao để sống tình yêu hôn nhân này trong sự quan phòng của Thiên Chúa khi gia đình có vợ hoặc chồng là Công Giáo hoặc không Công Giáo. Thông qua các câu chuyện, Ngài đã truyền đạt đến anh chị em tân tòng rất nhiều cách thức để sống thuỷ chung tình yêu hôn nhân gia đình. Ngài khẳng định, khi Chúa Giêsu xuống thế làm Người qua màu nhiệm giáng sinh thì Người đã ban truyền sức mạnh tình yêu Thiên Chúa vào lòng con người. Hơn nữa, Chúa đều hiểu rõ khả năng cảm nhận tình yêu của mỗi người nên Ngài đã gắn kết và đặt câu chuyện yêu thương vào trong từng gia đình của từng người để chúng ta ghi nhớ tình yêu này được đến từ Thiên Chúa, sống cho Chúa và vì Chúa. Do đó, tất cả mọi người dù là lương dân hay giáo dân thì ai nấy cũng đều là con của Thiên Chúa, và lúc nào cũng có tràn đầy tình yêu.
Với gia đình của các anh chị em tân tòng, tức vợ hoặc chồng là người Công Giáo thì bổn phận khi đã biết Chúa rồi thì phải tin vào Chúa, sống theo gương Ngài, để qua chính mình tình yêu Chúa được đổ tràn xuống trên gia đình, cho người bạn đời của mình. Thêm vào đó, chính mình phải là tấm gương sáng để cho tình yêu Chúa có thể chuyển vào lòng người bạn đời của mình. Đó chính là sức mạnh của tình yêu mang tên Giêsu. Cho nên chúng ta, nhất là những người Công Giáo ở trong gia đình, đã biết tình thương yêu của Chúa rồi thì phải xác tín, tin tưởng, và phó thác gia đình cho bàn tay của Ngài, hãy cứ để cho Ngài truyền đạt sự bình an và hạnh phúc cho gia đình, hơn nữa là để cho người bên lương biết rằng người Công Giáo có một niềm vui, hạnh phúc và sự bình an đặc biệt, không ai khác chính là Vua tình yêu Giêsu.
Nói về ngày lễ Chúa tỏ mình ra cho những người chưa biết Chúa, Đức Cha Giuse đã mời gọi tất cả mọi người hãy là một ánh sao trần gian để qua sự sáng này Chúa có thể tỏ mình ra cho dân ngoại, đồng thời nói cho họ biết rằng họ cũng là con cái Chúa và Chúa cũng yêu thương họ. Như thế, tất cả mọi người đều sẽ vui mừng và hạnh phúc vì Chúa là Cha của chúng ta và mọi người là anh chị em trong cùng một nhà với nhau.
Tiếp tục chương trình, cộng đoàn sốt sắng tham dự Thánh lễ.
Về tham dự ngày họp mặt truyền thống hôm nay gồm có:
Hạt An Bình có 120 tân tòng và 205 lương dân.
Hạt Gia Kiệm có 244 tân tòng và 121 lương dân.
Hạt Hoà Thanh có 350 tân tòng và 150 lương dân.
Hạt Hố Nai có 305 tân tòng và 192 lương dân.
Hạt Phước Lý có 89 tân tòng và 46 lương dân.
Hạt Phú Thịnh có 500 tân tòng và 250 lương dân.
Hạt Long Thành có 270 tân tòng và 70 lương dân.
Hạt Túc Trưng có 150 tân tòng và 200 lương dân.
Hạt Biên Hoà có 370 tân tòng và 180 lương dân.
Hạt Tân Mai có 150 tân tòng và 50 lương dân
Các Dòng tu có thêm 50 tân tòng và 30 lương dân.
Nhưng hiện diện có khoảng 2.808 Anh chị em tân tòng và 1.614 Anh chị em các tôn giáo bạn, cùng với khoảng 1000 người thuộc gia đình của các tân tòng, hơn 1000 Tác Viên Tin Mừng và Anh Chị Em Câu Lạc Bộ 2000.
Trong bài giảng, Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, Ngài chia sẻ ý nghĩa về ngày lễ Chúa Hiển Linh. Ngài nói về ánh sáng vĩnh cửu của ngôi sao lạ mang tên Giêsu, chính ánh sáng đó làm cho chúng ta được trở nên con Thiên Chúa. Ngài tỏ mình ra cho muôn dân và tất cả chúng ta.
Vì thế, để có thể gặp gỡ và đón nhận được Ngài thì nỗi người cần phải có những cố gắng bản thân. Nếu qua dấu chỉ năm xưa, 3 Nhà đạo sĩ phương đông khiêm tốn lắng nghe và học hỏi Lời Chúa cách ý thức như thế nào thì anh em cũng hãy có thiện chí như vậy. Muốn gặp được Hài Nhi Giêsu thì phải dấn thân lên đường, biết phấn đấu và chấp nhận hy sinh gian khổ, biết kiên trì không nản lòng bỏ cuộc ngay cả khi gặp gian nan thử thách.
Đức Cha Đaminh tiếp tục dẫn chứng bằng những con số thống kê cho thấy vẫn còn có rất nhiều người trên thế giới chưa biết Chúa. Hiện chỉ có 1,2 tỷ trên 7 tỷ người biết Chúa, chiếm tỷ lệ 17%. Tại Á Châu có 134 triệu người Công Giáo trên 4,2 tỷ người, chiếm 3,16%. Tại Việt Nam có 7 triệu người Công Giáo trên 100 triệu người, chiếm 7%.
Một vài con số rất là khiêm tốn. Vì thế, khi mừng lễ Chúa Hiển Linh, hy vọng mỗi người Kitô hữu sẽ là một ngôi sao lạ đi loan báo tình thương của Chúa, dẫn đưa được nhiều tâm hồn thiện chí đến với Chúa.
Vì chưng, anh chị em hãy là những ngôi sao sáng trong đời sống công bình, yêu thương và tha thứ, hãy chiếu sáng tình thương yêu của Chúa vào trong gia đình, làng xóm, xứ đạo, nơi công sở và ngoài xã hội. Trên tất cả mọi nẻo đường anh chị em đi, thì cũng hãy làm toả sáng tình thương của Ngài đến cho mọi người xung quanh, để qua ánh sáng ấy mọi người sẽ được nhận biết và tìm về với Thiên Chúa là nguồn sự thật và là sự sống.
Trước khi ban phép lành cuối lễ cha Đaminh Trần Xuân Thảo dâng lên hai Đức Cha, Đức Ông, quí Cha, quí tu sĩ nam nữ, các đoàn thể và cộng đoàn giáo xứ Hà Nội lời tri ân sâu xa đã thương hướng dẫn và cầu nguyện cho anh chị em tân tòng trong cuộc hội ngộ hôm nay.
Thay mặt cho Đức Cha Đaminh, Đức ông Vinh Sơn cám ơn cha trưởng Ban Loan Báo Tin Mừng và các cộng tác viên; đồng thời ban huấn từ cho cộng đoàn dân Chúa, cách riêng với từng anh chị em tân tòng hãy trở nên ánh sao bằng chính đời sống của mình để đem lại niềm tin cho người thân cận.
Thánh lễ khép lại với phép lành toàn xá và mọi người hân hoan ra về trong niềm vui mừng Lễ Hiển Linh!
Truyền thông hạt Hố Nai
Nguồn: http://giaophanxuanloc.net/
Trong niềm vui ngày khai mạc tuần lễ Di Dân lần thứ 12 của TGP. Saigon, anh chị em công nhân, sinh viên tề tựu tại giáo xứ Khiết Tâm, Thủ Đức để cùng học hỏi về sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân ngày quốc tế Di Dân và Tị Nạn năm 2015, đồng thời được gặp gỡ cũng như được đón nhận những lời chia sẻ Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Ủy Ban Mục Vụ Di Dân trực thuộc HĐGMVN.
Từ 2g chiều, khuôn viên giáo xứ Khiết Tâm đã nườm nượp người. Các bạn tranh thủ đến sớm chụp hình tại các hang đá chung quanh nhà thờ. Các bàn tiếp tân đón tiếp nồng hậu trao số để chia nhóm, gửi tờ chương trình và nước uống cũng như sứ điệp của Đức Thánh Cha được trao đến từng người.
3g chiều, cha đặc trách Di Dân Tổng Gp. Saigon Phaolo Phạm Trung Dong, Cha Giám tỉnh Dòng Thánh Thể Giuse Phan Ngọc Trợ, Cha thư ký F.X Nguyễn Minh Thiệu, SDB bước lên sân khấu “ ra mắt” anh chị em. Tiếng vỗ tay gặp lại “ người quen” sau một năm có vẻ dòn dã và hân hoan. Ban Di Dân của Tổng Gp. Saigon với gương mặt của ba cha là những người đã tổ chức 12 lần Di Dân trong 12 năm qua, nên các bạn khá là “ quen” các Cha ! Cha đặc trách Phaolo đại diện ban Di Dân chào các bạn Di dân từ khắp nơi và tuyên bố khai mạc tuần lễ Di Dân tổng Gp. Saigon. Những tràng pháo tay nổ ra từ mọi phía sân khấu đầy hân hoan và tràn niềm vui.
Sau những trò chơi phá băng thì các nhóm đi theo số đã được các bạn nhận khi vào cổng. Có tất cả 36 nhóm được các Sơ, các Thầy hướng dẫn học hỏi về sứ điệp Di Dân. Các nhóm sôi nổi đóng góp ý kiến và sẻ chia.
4.15 phút chiều, Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh hiện diện giữa các anh chị em Di Dân. Ngoài ra còn có sự hiện diện của cha Vinh-Sơn Vũ ngọc Đồng, tổng thư ký UB Bác Ái Xã Hội trực thuộc HĐGMVN, cha chánh xứ giáo xứ Khiết Tâm và quý cha trong ban Di Dân TGP. Saigon. Với đầy sự khiêm nhường, Đức Cha mở đầu: đây là lần đầu tiên Cha tham gia đại hội Di Dân, nên bây giờ cha chỉ nghe các con thôi. Các con cứ hỏi, Cha sẽ trả lời, câu nào Cha không trả lời được thì Cha sẽ nhờ các chuyên gia là các cha đang ngồi đây và Đức Cha chỉ về phía quý Cha.
Và các câu hỏi được các bạn lần lượt ở các giáo xứ: Xuân Hiệp, Phaolo Bình Tân, An Phú, Tam Hải, Bình Thuận…nêu lên. Câu hỏi nào Đức Cha cũng trả lời thấu lý vẹn tình và Đức Cha cũng nêu lên những khó khăn của những người có trách nhiệm, không hẳn người di dân phải đòi người khác phải quan tâm, định hướng, giúp đỡ…điều này đúng, nhưng người di dân phải biết tự mình chủ động, mỗi người góp một sức, góp một tay cùng xây dựng cộng đoàn. Đồng ý có những giáo xứ cha xứ chưa quan tâm đủ đến di dân vì các Ngài còn rất nhiều việc mục vụ khác phải lo. Đức Cha ví dụ như việc tổ chức tuần lễ di dân: “ các con chỉ có một việc đi đến đây mà thôi, nhưng các cha lo tổ chức thì mất rất nhiều kinh phí cho việc này. Vậy nên các con hãy chung tay góp sức trong những việc có thể được, để giúp ban tổ chức”.
Các bạn cũng thắc mắc là ngày xưa ở nhà với ông bà cha mẹ thì kinh hạt sớm tối, nhà thờ đi thường xuyên. Vậy bây giờ vào đây cuộc sống có nhiều thay đổi có thể đơn giản hóa việc giữ đạo được không, và ở mức nào thì chấp nhận được? Đức Cha chia sẻ: gia sản của ông bà và cha mẹ cho chúng ta là những kinh nguyện gia đình. Tuy nhiên không còn thời gian đọc kinh nhiều thì các bạn ở chung với nhau cố gắng tìm mấy tối trong tuần, quy định sẽ đọc kinh chung và trong cuộc sống ý thức mình là một Kitô hữu cũng như giữ được cái cốt cách của mình. Đó là một cách giữ đạo, dù không được như khi còn ở nhà nhưng vẫn là giữ vững đức tin trong hoàn cảnh của mình.
Sau câu trả lời của Đức Cha, cha F.X. Nguyễn Minh Thiệu đã làm một cuộc khảo sát “ bỏ túi”. Cha hỏi: có anh chị em nào mỗi ngày đọc 50 kinh Mân Côi xin giơ tay. Tôi thấy khoảng một phần sáu cánh tay giơ lên. Câu hỏi lại tiếp tục: Bạn nào đọc mỗi ngày 3 kinh Kính Mừng? Hầu hết cánh tay của các bạn giơ lên và câu hỏi thứ ba: Trước khi đi làm bạn nào đọc kinh? Những cánh tay lần lượt được đưa lên. Quả là những tín hiệu đáng mừng qua cuộc lượng giá bỏ túi về việc giữ gìn đức tin với các anh chị em xa quê.
Được biết vùng Thủ Đức có khoảng 250 ngàn công nhân, trong đó số lượng Công Giáo là 20 ngàn người. Một lãnh vực mục vụ cho người di dân vẫn còn bỏ ngỏ nơi có những khu công nghiệp rộng lớn.
Đức Cha cho biết ngài vốn” mê” người trẻ, nên hôm nay vượt hơn hai ngàn cây số đến đây để nhìn thấy những gương mặt trẻ trung này. Đức Cha cảm thấy rất ấn tượng, nhìn thấy sự rạng rỡ trên các khuôn mặt trẻ Ngài có được một cảm giác lạc quan vì di dân là một hứa hẹn, đây chính là biểu tượng niềm hy vọng cho ngày mai. Và có thể do bị sức trẻ cuốn hút nên Đức Cha mời gọi mọi người cùng hát với Ngài, rồi sau đó cuối thánh lễ Ngài còn “ ngẫu hứng” mời mọi người vừa hát vừa làm cử điệu bài Kinh Hòa Bình. Dù chỉ là ấp tay vào ngực rồi đưa cao hai tay lên trời, nhưng mọi người có thể cảm nhận được Đức Cha đã dành hết tình cảm mình có cho di dân, cho đối tượng mà Ngài bắt đầu có trách nhiệm. Ngài đã “thú nhận” trước khi hát rằng: Cha không có giỏi hát và múa sinh hoạt nhưng các con đã làm cho Cha thêm hứng khởi.
Thánh lễ diễn ra liền ngay sau đó thật sốt sáng và số lượng người tham dự thánh lễ lúc này lên đến khoảng năm ngàn người. Trong bài giảng của mình, Đức Cha khen ngợi Cha Trưởng Ban Di Dân và quý Cha trong Ban Di Dân đã tổ chức một ngày ý nghĩa cho anh chị em, giáo xứ Khiết Tâm đã tận tình đón tiếp. Đức Cha đặc biệt khen ngợi sự cộng tác giữa các Hội Dòng nam cũng như nữ trong việc chung tay lo cho anh chị em xa quê… tất cả là tình thương mọi người dành cho anh chị em di dân.
Ngài cũng nhắn nhủ thêm trong ngày lễ Chúa Hiển Linh rằng: các con đừng nghĩ làm cho cuộc sống tươi sáng là trách nhiệm của các đấng Bề trên và người có trách nhiệm, điều đó không sai nhưng đó còn là trách nhiệm của các con, các con phải là những ánh sao tỏa sáng và chung tay đóng góp với mọi người cho tương lai của Giáo Hội.
Sau thánh lễ là phần văn nghệ sống động vui tươi của một số giáo xứ và một số dòng tu. Những diễn viên chân trần chưa bao giờ qua trường lớp chuyên nghiệp nhưng đã lấy được rất nhiều những tràng pháo tay khích lệ của khán giả. Sự góp mặt của hai ca sĩ Nguyễn Hồng Ân và Phan Đình Tùng cũng làm cho sân khấu nóng hơn.
Tạ ơn Chúa đã cho các anh chị em di dân có một ngày thật vui tươi, ấn tượng. anh chị em ra về sau khi nhận phép lành của quý cha Ban Di Dân. Tiếng gọi nhau ra về í ới và tiếng rủ nhau cho tuần sau kết thúc ngày di Dân ở Phaolo Bình Tân được các bạn dặn nhau cùng gặp mặt và tôi cũng dặn lòng: xin hẹn các bạn tuần sau, nhé !
Nguồn: http://tonggiaophansaigon.com/