Tin Giáo Hội Việt Nam
Sau đây là tiểu sử của Đức Tân Hồng Y, Tổng Giám Mục Tổng Giáo phận Hà Nội
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa nhật 04.01.2015 với sự tham dự của hàng chục ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã long trọng công bố bổ nhiệm các tân Hồng Y cho Hồng Y đoàn. Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám Mục Tổng Giáo phận Hà Nội, Việt Nam, đã vinh dự có tên trong danh sách các tân Hồng Y được bổ nhiệm. Như thế, Đức Cha Phêrô sẽ trở thành vị Hồng Y thứ sáu trong lịch sử Giáo hội Công Giáo Việt Nam.
Khẩu hiệu: "NGƯỜI PHẢI LỚN LÊN" (Ga 3,30)
Sinh tại Đà Lạt ngày 01-04-1938
Học tại tiểu chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn từ ngày 26-10-1949
Ðại chủng sinh khóa đầu tiên Giáo Hoàng Học Viện Piô X Đà Lạt từ 1958 đến 1968
Thụ phong Linh Mục tại Đà Lạt ngày 21-12-1967
Giáo sư Tiểu chủng viện Đà Lạt từ 1968 đến 1972
Giám đốc Ðại chủng viện Minh Hòa Đà Lạt từ 1972 đến 1975
Cha xứ Chính Tòa Đà Lạt từ ngày 01-04-1975
Tổng Ðại Diện Giáo Phận Đà Lạt từ ngày 10-09-1975
Ðược Tòa Thánh bổ nhiệm Giám mục ngày 19-10-1991
Thụ phong Giám mục tại Đà Lạt ngày 03-12-1991
Giám mục phó giáo phận Đà Lạt từ 1991 đến 1994
Giám Mục giáo phận Đà Lạt ngày 23-3-1994
Được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Phó Tổng Giáo Phận Hà Nội ngày 22-4-2010.
Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Hà Nội ngày 13-05-2010.
Uỷ ban Mục vụ Giới trẻ trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam
Thông báo
Chương trình tĩnh tâm và cầu nguyện Taizé tại Campuchia
“Làm muối cho đời – Hướng đến tình liên đới mới”
Taizé là cộng đoàn đại kết thành công nhất hiện nay. Mỗi năm cộng đoàn Taizé đón tiếp hàng ngàn người trẻ từ khắp nơi trên thế giới đến để phục vụ nhau, sống với nhau trong tình thần hoà giải và hằng ngày cùng cầu nguyện ngợi ca Thiên Chúa. Taizé tạo ra sự hoà hợp giữa các nhánh của Kitô giáo, là nơi để các Kitô hữu liên đới với nhau và liên đới với Thiên Chúa.
Các bạn trẻ Công giáo của năm nước Đông Nam Á là: Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam từ lâu cũng hoà chung trong sự nối kết này. Ban Mục Vụ Giới Trẻ của các nước nói trên (SEA1) mỗi năm vẫn gửi người trẻ đến Taizé trong khoảng ba tháng để làm tình nguyện viên cho cộng đoàn. Sau khi trở về họ lại tiếp tục sống tinh thần hoà giải đó bằng cách tổ chức các buổi cầu nguyện Taizé ở ngay tại địa phương hay trong các đoàn thể, hội nhóm mình đang sinh hoạt. Từ năm 2007 đến nay, các lãnh đạo, điều phối viên của SEA1 cũng bắt đầu tổ chức chương trình tĩnh tâm cầu nguyện Taizé cho những người trẻ nòng cốt của các nước trong nhóm.
Cùng hiệp thông với cộng đoàn Taizé-Pháp trong năm 2015, là một năm kỷ niệm hai biến cố quan trọng: 75 năm thành lập cộng đoàn và 100 năm ngày sinh của vị Sáng lập, thầy Roger, SEA1 dự kiến sẽ tổ chức chương trình tĩnh tâm cầu nguyện Taizé từ ngày 03 đến ngày 08 tháng 3 năm 2015, tại Phnom Penh, Campuchia.
Chủ đề của chương trình năm nay là “Làm muối cho đời – Hướng đến tình liên đới mới”. Chương trình nhắm đến mục đích giúp các bạn trẻ làm mới đời sống đức tin của một Kitô hữu châu Á; tìm ra cách để xây dựng tình liên đới mới trong hoàn cảnh của các nước Châu Á hiện nay; đồng thời hy vọng qua buổi gặp gỡ này, các bạn trẻ đến từ các nước trong khu vực sẽ nối kết tình thân và gắn kết hơn với các công tác của mục vụ giới trẻ.
Các hoạt động trong chương trình cũng giống với các hoạt động hằng ngày ở cộng đoàn Taizé: một ngày ba buổi cầu nguyện, thinh lặng suy niệm, học hỏi Kinh Thánh, chia sẻ nhóm, tối thứ sáu là tối cầu nguyện trước Thánh Giá để tưởng nhớ cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Chương trình sẽ kết thúc bằng buổi thắp nến cầu nguyện (lighten celebration) vào tối thứ Bảy.
Để bày tỏ tình hiệp thông với các bạn trẻ trong khu vực, Uỷ ban Mục vụ Giới trẻ trực thuộc HĐGM Việt Nam dự tính tổ chức một phái đoàn tham dự, mỗi giáo phận một đại biểu. Xin các Cha đặc trách Mục vụ Giới trẻ của các giáo phận cử đại biểu và đăng ký theo địa chỉ email:
Hải Phòng, ngày 4 tháng 1 năm 2015
+ Gm Giuse Vũ Văn Thiên
WTGPHN – Sau khi được tin Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố bổ nhiệm 15 Hồng Y mới cho Giáo Hội vào lúc 12g00 lễ Hiển Linh tại Roma, trong đó có Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội, các thành phần dân Chúa trong Tổng Giáo Phận Hà Nội bày tỏ niềm hân hoan chúc mừng Đức Tân Hồng Y và dâng lời cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội Việt Nam, cách riêng cho Tổng Giáo Phận Hà Nội một vị Hồng Y tài đức.
Trong bầu khí vui mừng khôn tả, lúc 21g15 ngày 04 tháng 01 năm 2015 tại Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội, Đức Cha Phụ Tá Lôrensô Chu Văn Minh cùng với quý Cha, quý tu sỹ nam nữ, chủng sinh và cộng đoàn dân Chúa Giáo xứ Chính tòa đã tụ họp tại Nhà nguyện Fatima để chúc mừng và cùng với Đức Tân Hồng Y Phêrô dâng lời tạ ơn Thiên Chúa.
Ngay khi biết tin, theo lịch làm việc Đức Tân Hồng Y Phêrô vẫn tới Nhà thờ Chính tòa dâng thánh lễ đầu tháng cho giới trẻ vào lúc 20g00, và tại đây, Cha xứ Chính tòa đã loan báo cho cộng đoàn tin vui bất ngờ này và mời gọi mọi người dâng lời cầu nguyện cho Đức Tân Hồng Y.
Trước khi Đức Tân Hồng Y kết thúc thánh lễ, ở bên ngoài trên đường từ Nhà thờ Chính tòa tới Nhà nguyện Fatima, quý nam nữ tu sỹ, chủng sinh và cộng đoàn đã xếp hàng để chào đón Đức Tân Hồng Y. Khi Ngài xuất hiện mọi người đã hát vang bài ca chúc mừng cùng với những tràng pháo tay rộn rã chúc mừng vị Cha chung của Tổng Giáo Phận.
Thay mặt cộng đoàn dân Chúa, Đức cha Lôrensô Chu Văn Minh đã phát biểu chúc mừng Đức Tân Hồng Y trong niềm xúc động dâng trào cùng trao tặng Ngài bó hoa hồng đỏ tươi thắm. Đáp lời Đức Tân Hồng Y Phêrô nói lời cảm ơn Đức cha Phụ tá và cộng đoàn dân Chúa, và chia sẻ với mọi người về cảm xúc của mình khi nhận được tin từ Roma.
Với tất cả sự khiêm nhường, Ngài dâng lời cảm tạ Thiên Chúa, tri ân Đức Thánh Cha và nhận thấy tước vị Hồng Y này không chỉ dành riêng cho Ngài nhưng là cho Tổng Giáo Phận Hà Nội, cho Giáo Hội tại Việt Nam. " Tất cả vì Giáo Hội", đó làm tâm tình gói gọn của Đức Tân Hồng Y khi nhận được sứ vụ mới.
Sau đó, Đức cha Phụ tá Lôrensô mời gọi cộng đoàn cùng cất lên lời kinh Magnificat để cùng với Đức Mẹ tạ ơn Thiên Chúa và lời kinh Lạy Cha để nói lên tâm tình của những ngườii con đối với Thiên Chúa là Cha, trước khi Đức Tân Hồng Y ban phép lành cho tất cả mọi người hiện diện.
Niềm vui mừng hân hoan được tiếp nối qua những tấm hình chụp lưu niệm mà các thành phần dân Chúa dành cho Đức Tân Hồng Y, tất cả diễn tả lòng quý mến và gắn bó của mọi người với Đức Tân Hồng Y Phêrô.
AT - Jos Lê Tường
Nhận được tin vui mừng cho toàn thể Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam: Vào Chúa Nhật Lễ Ba Vua mùng 04.01.2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chính thức bổ nhiệm 15 Hồng Y mới vào ngày 14.2.2015, trong đó có Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám Mục tổng giáo phận Hà Nội.
Toàn ban điều hành trang mạng Danchua.eu xin hiệp dâng lời tạ ơn Chúa với toàn thể giáo hội Công Giáo tại Việt Nam, với tổng giáo phận Hà Nội, với gia đình Giáo Hoàng Học Viện Piô X Đà Lạt và đặc biệt với Đức tân Hồng Y Phêro.
Hết lòng chúc mừng Đức Tân Hồng Y Phêro Nguyễn Văn Nhơn và nguyện chúc Đức tân Hồng Y tràn đầy thánh đức, khang an và đầy khôn ngoan để chu toàn trọng trách chứng nhân Tin Mừng Cứu Độ của Chúa tại thủ đô Hà Nội và trên toàn Quê Hương Việt Nam.
Ad multos annos
Theo đài phát thanh Radio Vatican Đức ngữ hôm nay cho biết.
Trong giờ Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật ngày 04.02.2015, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chính thức công bố danh sách 15 vị sẽ được Ngài tấn phong Hồng Y vào trung tuần tháng 2.2015, đặc biệt trong đó có Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn nguyên TGM Tổng Giáo Phận Hà Nội
15 tân Hồng Y đến từ 14 quốc gia thuộc các châu lục khác nhau trên thế giới như sau.
3 tân Hồng Y người Châu Mỹ La Tinh
2 tân Hồng Y người Châu Phi
2 tân Hồng y người Châu Đại Dương
5 tân Hồng y người Âu Châu
3 tân Hồng Y người Á Châu.
Như vậy, Đức Thánh Cha sẽ tấn phong Hồng Y cho 20 vị vào ngày 14.02.2015 tới này và đây là lần thứ 2 Đức Thánh Cha tấn phong Hồng Y.
Tiểu sử của Đức Tân Hồng Y, Phêrô Nguyễn Văn Nhơn nguyên Tổng Giám Mục Tổng Giáo phận Hà Nội
Khẩu hiệu:"NGƯỜI PHẢI LỚN LÊN" (Ga 3,30)
Sinh tại Đà Lạt 01-04-1938
Tiểu chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn 26-10-1949
Ðại chủng sinh khóa đầu tiên Giáo Hoàng HV 1958-1968
Thụ phong Linh Mục tại Đà Lạt 21-12-1967
Giáo sư Tiểu chủng viện Đà Lạt 1968-1972
Giám đốc Ðại chủng viện Minh Hòa Đà Lạt 1972-1975
Cha xứ Chính Tòa 01-04-1975
Tổng Ðại Diện Giáo Phận 10-09-1975
Ðược Tòa Thánh bổ nhiệm Giám mục 19-10-1991
Thụ phong Giám mục tại Đà Lạt 03-12-1991
Giám mục phó giáo phận 1991-1994
Giám Mục giáo phận Đà Lạt 23-3-1994
Được ĐGH Bênêđictô XVI bổ nhiệm TGM Phó TGP Hà Nội với quyền kế vị 22-4-2010
Nhậm chức Phó TGM Hà Nội 7-5-2010
Tổng Giám Mục TGP Hà Nội 13-5-2010
Được ĐGH Phanxicô tấn phong Hồng Y 14.02.2015
Nguyễn Văn Tạ tóm lược
Trong buổi sáng se se lạnh của ngày đầu năm mới, chị em Dòng Đaminh Rosa quy tụ về Tu viện trung ương Dòng mừng ngày kỷ niệm thành lập Dòng và đây cũng là ngày truyền thống Dòng hàng năm.
Các Chị Em ở các tu viện, tu xá, phụ xá của Dòng đang phục vụ tại các giáo phận Saigon, Xuân Lộc, Bà Rịa, Đalat, Kontum và Hải Phòng lần lượt rủ nhau về nhà Mẹ...tay xách nách mang hoa quả, rau tươi từ Đalat về... “tiếp tế” và sẻ chia cho chị em.
8g00 sáng thánh lễ do Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, GM. Gp. Kontum chủ tế diễn ra trang trọng sốt sáng. Trong lời đầu lễ, Đức Cha mời gọi Chị Em cầu nguyện cho hòa bình và nhắc nhở Chị Em thuộc về Thiên Chúa, thuộc về Giáo Hội, đặc biệt ngài mời gọi cầu nguyện cho những Chị Em và người thân trong gia đình ruột thịt cũng như thiêng liêng đã qua đời.
Trong bài giảng, Đức Cha chia sẻ rất ngắn gọn về đoạn Tin mừng các mục đồng đến hang đá, thấy Chúa Hài Đồng, rồi các ngài ra về kể lại những điều đã thấy. Người thánh hiến thì thuộc về Chúa, dù ở giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian, được gửi đến trần gian để nói cho mọi người biết về Nước Thiên Chúa. Người tận hiến thuộc về Thiên Chúa, biết Thiên Chúa, gắn bó với Thiên Chúa chí thân chí thiết do tạo ra mối quan hệ thường xuyên với Ngài, và từ đây người tu sĩ cũng tạo ra mối tương quan thường xuyên với tha nhân. Tận hiến không phải là làm được điều này điều nọ mà phải làm cho người khác nhận biết được Nước Trời qua đời sống hàng ngày, đời sống cầu nguyện, đời sống khó nghèo...Sự hiện diện là cần thiết, Đức Maria chỉ đến nhà Bà Elizabeth, chưa kịp làm gì mà đã có sự biến đổi. Noi gương Mẹ, chúng ta phải đon đả đến với người khác.
Sau thánh lễ Chị Em chụp hình lưu niệm cùng Đức Cha Micae, tiếng cười gòn tan giữa bầu trời xanh trong, niềm vui gặp gỡ, sẻ chia lan tỏa trong ngày đầu xuân. Và niềm vui trọn vẹn hơn khi mọi người cùng nắm tay nhau ra đọc kinh và thăm viếng Nhà Chờ Phục Sinh, nơi các Chị Em đã hoàn tất cuộc sống lữ hành. Những thế hệ cũ- mới nối tiếp nhau đi trên hành trình xây dựng Dòng, các Chị đi trước đã viết nên cái khung, các chị em đi sau tiếp bước và cùng vun đắp cho Dòng, cho tinh thần Đaminh ngày một thấm đẫm trên từng buớc truyền giáo và trong đời sống của Chị Em.
Những tiết mục văn nghệ của các khối Đệ Tử, Thỉnh Sinh, Tiền tập, Tập Viện, Học Viện và Khấn Trọn đã làm tưng bừng ngày truyền thống. Cảm ơn những khổ luyện của các chị em cho mọi người một bữa ăn tinh thần thịnh soạn. Cảm ơn những giọt mồ hôi của Chị Em đổ ra trên sàn diễn để chỉ biểu diễn vài phút đồng hồ, và những tràng pháo tay lâu giờ phần nào đã nói lên được những tâm tư cảm ơn gửi tới các diễn viên nghiệp dư này.
Gặp gỡ đầu năm, chị Bề trên Tổng quyền Agnès Nguyễn Thị Thịnh mượn 15 căn bệnh mà ĐGH Phanxicô “ bắt bệnh” cho giáo triều để chia sẻ với Chị Em, nhưng ở đây Chị chỉ chỉ tóm gọn trong 11 bệnh mà thôi... những căn bệnh dễ nhớ mà khó sửa, thì đây năm Đời Sống Thánh Hiến là dịp cho mỗi người nhìn lại chính mình, sửa lại và đứng lên hiên ngang bước đi trong ơn gọi của mình với niềm xác tín Giê-su luôn đồng hành.
Để niềm vui trọn vẹn hơn trong ngày Xuân Dâng hiến, cuộc thi Rung Chuông Vàng về Tông thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi gửi tất cả Các người Tận hiến nhân dịp Năm Đời sống thánh hiến. Cuộc thi được chia thành các nhóm và không khí diễn ra náo nhiệt, kịch tính và hăng say. Cuối cùng chuông vàng, chuông bạc và chuông đồng cũng tìm được chủ nhân... còn các nhóm khác hẹn lần sau.
Lời chúc mừng đầu năm được gửi đến từng chị em trong Dòng và đặc biệt mừng thọ quý Dì từ 70 trở lên. Chị Em tay trong tay cùng hát bài ca Mẹ Thiên Chúa kết thúc ngày truyền thống trong sự luyến lưu và hẹn lần sau với những cái bắt tay hẹn hò giao ước cầu nguyện nhớ đến nhau.
Nt. Maria Nguyễn Thị Minh Du
Theo truyền thống hằng năm, cứ vào ngày lễ kính thánh Anh Hài 28/12, Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt lại về viếng thăm nghĩa trang thai nhi và dâng thánh lễ. Năm nay, ngày lễ kính thánh Anh Hài trùng với ngày lễ kính Thánh gia.
Nghĩa trang thai nhi được Đức Cha Cosma – khi đó là giáo sư trường Đại Chủng viện thánh Giu-se Hà Nội, năm 2007, ngài thành lập tại giáo xứ Nội Bài thời cha Phê-rô Mai Viết Thắng làm cha xứ, nghĩa trang được đặt tại giáo họ Bến Cốc – xã Thanh Xuân – Huyện Sóc Sơn – thành phố Hà Nội. Đồng thành lập với ngài, có cha Vicente Nguyễn văn Bắc, là nghĩa tử của Đức Cha Cosma, khi đó là thầy triết của dòng Ngôi Lời Nha Trang, người quê giáo họ Bến Cốc.
Sau 7 năm thành lập, đến nay, chỉ trong 2 địa bàn huyện Đông Anh và Huyện Mê Linh – thành phố Hà Nội, nghĩa trang thu gom được 70 nghìn thai nhi bị giết hại – một con số không lấy làm vui.
Trong bài giảng thánh lễ, Đức Cha đã nhắc lại lời kêu gọi của Đức Tổng Leopoldo trong thánh lễ đại hôi giới trẻ giáo tỉnh Hà nội tại Phát Diệm: Tôi xin được loan báo với các bạn một thông tin không được vui lắm – Việt Nam được xếp vào những nước có tỷ lệ phá thai đứng đầu thế giới, xin các bạn đừng phá thai nữa, tôi nhắc lại – xin các bạn đừng phá thai nữa.
Đức cha Cosma dâng thánh lễ cũng cầu xin Thiên Chúa thương xót tha thứ cho những ông bố bà mẹ đã phá thai và kêu gọi mọi người hãy tôn trọng sự sống Thiên Chúa ban.
Nguồn: (WGP.Long Xuyên 01.01.2015)
ĐÀLẠT - Ngày 30.12.2014 - Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương,Giám Mục Giáo Phận Đà Lạt chủ sự lúc 9 giờ 30 tại Thôn An Hiệp, xã HiệpThạnh,Huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
Địa phận Đà Lạt đã có hơn 50 Dòng, Tu Hội chung sống thân thương với nhau trong khí hậu mát mẻ trong lành của Giáo phận Đà Lạt. Người ta thường ví von Đà Lạt là thành phố hoa. Do đó, mỗi một Dòng có thể được ví như một loại hoa khoe mầu khoe sắc giữa bầu trời xanh trong của núi đồi Cao nguyên Lâm Viên.Càng nhiều loại hoa vườn hoa càng đẹp và Cao nguyên Lâm Viên càng nhiều mầu sắc.
Đan Viện Cát Minh Têrêsa Huế đã có gấp hai số đan sĩ được qui định. Do đó, cần phải chia ra để tìm một nơi thiết lập một Đan Viện nữa. Các Đan sĩ đã đi từ Bắc, Trung,Nam nhưng vẫn chưa tìm được một nơi thích hợp để thiết lập một Đan Viện. Dịp may may, Bề trên và một vài Đan sĩ đã gặp được Đức Cha Antôn, Giám Mục Giáo phận Đà Lạt, sau khi ngỏ lời với Đức Cha rằng các Đan sĩ muốn thiết lập một Đan Viện tại Giáo phận Đà Lạt. Đức Cha Antôn đã chấp thuận, tận tình giúp đỡ để Giáo phận Đà Lạt có một Đan Viện nữ chuyên sống đời chiêm niệm để cầu nguyện cho Hội Thánh, cho Giáo phận, đặc biệt cho công việc truyền giáo của Giáo phận Đà Lạt. Đức Cha đã hỏi ý kiến của Hội Đồng Linh mục, và thông báo cho linh mục đoàn Đà Lạt và cho cả Giáo phận để cho công việc thiết lập Đan Viện được tốt đẹp. Đức Cha đã tận tình giúp đỡ các Đan sĩ về việc tìm khu vực, tìm đất và làm mọi thủ tục cần thiết để ngày hôm nay 30.12.2014, Đức Cha Antôn đã chủ sự thánh lễ khởi công xây dựng Đan Viện cát Minh Têrêsa Đà Lạt với sự có mặt của gần 100 linh mục, nhiều tu sĩ nam nữ và đại diện của bà con giáo dân trong các Giáo xứ Giáo phận Đà Lạt. Được biết, các cơ quan Chính quyền tỉnh Lâm Đồng, Huyện Đức Trọng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thủ tục về tôn giáo được mau chóng và thánh lễ khởi công được diễn tiến tốt đẹp.
Địa điểm xây dựng Đan Viện nữ Cát Minh Têrêsa Đà Lạt tọa lạc ở thôn An Hiệp, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Với diện tích 11.000 m2 phía tay trái hướng về núi Voi một danh lam thắng cảnh tuyệt vời của Đà Lạt, phía mặt hướng về núi rừng tạo nên một phong cảnh Cao nguyên xinh đẹp. Đây có thể nói được là một địa điểm đẹp thích hợp cho đời sống của các Đan sĩ chiêm niệm. Khu nhà được thiết kế hai tầng, tầng lầu được dùng làm phòng ngủ cho các nữ Đan sĩ, nhà nguyện có nơi cho các nữ Đan sĩ và giáo dân đến tham dự thánh lễ, và những giờ cầu nguyện…
Thánh lễ diễn tiến trong bầu khí đạo đức, linh thánh.Ca đoàn nhà thờ Chính tòa Đà Lạt đã hát trong thánh lễ khởi công xây dựng Đan Viện Cát Minh Têrêsa Đà Lạt sáng nay. Với những giọng ca điêu luyện, Ca đoàn Nhà thờ Chính tòa Đà Lạt đã đưa mọi người kết hợp với Chúa một cách thật sốt sắng và sinh động.
Trong bài giảng Đức Cha Antôn đã giúp mọi người hiểu được ý nghĩa của ngày lễ mừng kính thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu va hiểu được lịch sử của Dòng Cát Minh, đặc biệt Dòng Cát Minh Têrêsa Huế…Và hôm nay, Đan Viện Cát Minh Têrêsa Đà Lạt được khởi công xây dựng. Đan Viện này được tách ra từ Đan Viện Cát Minh Têrêsa Huế.
Được biết lễ Bổn Mạng chính của Hội Dòng: ngày 16/7 Kính Đức Mẹ Núi Cát Minh.
Thánh Kinh luôn ca tụng vẻ đẹp núi Cát Minh, nơi tiên tri Êlia đã chiến đấu bảo vệ niềm tin của dân Israen đối với Thiên Chúa hằng sống.Ở đó, bên dòng suối mang tên của vị Tiên Tri, bắt đầu từ thế kỷ thứ XII trở đi, một số đan sĩ đã đến lập Dòng và xây cất một nguyện đường kính nhớ Mẹ Thiên Chúa và đã xin Giáo chủ Giêrusalem một quy luật để sống.Chính vì thế mà họ được gọi là đan sĩ Dòng Đức Trinh Nữ Maria Núi Cát Minh. Các đan sĩ này đã chọn Đức Maria làm quan thầy, chẳng những cho thánh đường mà còn cho cả cộng đoàn, coi Người như Mẹ và gương mẫu hướng dẫn đời sống tu trì.Lễ này được cử hành đó đây từ thế kỷ XIV, lần hồi đã lan rộng ra cả Dòng ở khắp nơi như biểu hiện lòng tri ân của con cái trong Dòng về bao phúc lộc mà Mẹ Thiên Chúa đã ban cho gia đình Cát Minh của Người.
Ngoài lễ kính Đức Mẹ Núi Cát Minh là lễ chung cho cả Hội Dòng, mỗi Đan Viện còn có một thánh quan thầy riêng:
-Đan viện Sài Gòn: Thánh Cả Giuse
-Đan viện Bình Triệu: Đức Mẹ Núi Cát Minh
-Đan viện nha Trang: Chúa Kitô Vua
-Đan viện Huế: Mẹ Thánh Têrêsa
Hoạt động chính của Dòng: hy sinh cầu nguyện.
Xin cho công trình xây cất Đan Viện Cát Minh Têrêsa Đà Lạt được nhiều người quảng đại giúp đỡ và công trình sớm hoàn thành đúng dự kiến vào đầu năm 2016 để Giáo phận Đà Lạt có một Đan viện nữ chuyên chăm, hy sinh cầu nguyện cho Giáo Hội, cho Địa phận và cho công việc truyền giáo của Giáo phận Đà Lạt.
Hôm nay 1.1.2015, ngày đầu năm mới Dương lịch, Giáo Hội mừng Lễ Mẹ Thiên Chúa. Một ngày lễ vừa để kết thúc Tuần Bát Nhật Giáng Sinh, vừa để “nối dài niềm hân hoan kính mừng mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi.
Ngày đầu năm mới cũng là ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Đức Thánh Cha Phanxicô gởi cho toàn thế giới thông điệp Ngày Hoà Bình Thế Giới năm 2015. Chúa Giêsu được xưng tụng là Hoàng Tử Hòa Bình, đến chuộc tội nhân loại, giao hòa con người với Chúa Cha. Mẹ Maria luôn gắn bó, hợp tác, hiệp công với Con của mình nên đã trở nên Nữ Vương Hòa Bình cho toàn thế giới. Mẹ đã đóng góp cả cuộc đời mình cùng với Chúa Giêsu mà giải phóng con người khỏi ách nô lệ tội lỗi. Chủ đề Sứ điệp Hòa Bình năm nay là “Không còn nô lệ nữa, nhưng chỉ còn tình huynh đệ với nhau”. ĐTC Phanxicô viết: “Việc quay trở về với Đức Kitô, bắt đầu một cuộc sống là người môn đệ trong Đức Kitô, làm nên một sự tái sinh (x. 2Cr 5,17; 1Pt 1,3) vốn tái tạo lại tình huynh đệ như là mối dây nền tảng của đời sống gia đình và đời sống xã hội” (Sứ điệp ngày Thế Giới Hòa Bình 2015).
Đồng tế thánh lễ có Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống cùng linh mục đoàn giáo phận. Đông đảo chủng sinh, tu sĩ nam nữ, hội đồng mục vụ, các giới đoàn và cộng đoàn cùng chung lời tạ ơn.
Quý cha, quý tu sĩ nam nữ và anh chị em tín hữu từ các nẻo đường của Giáo phận, từ các giáo xứ xa gần đã về Nhà thờ Chính tòa sum họp, một ngày qui tụ đầm ấm thân thương hợp nhất của Giáo phận để mừng lễ bổn mạng.
Ngày đầu năm mới, ngày Quốc tế Hòa bình, Giáo Hội hân hoan cử hành lễ Đức Maria rất thánh, Mẹ Thiên Chúa. Cả hai sự kiện này cùng diễn ra khi Giáo Hội đang cử hành mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người, Ngài là Hoàng Tử Bình An, là hòa bình đích thực của nhân loại.Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban chính Con của Ngài sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria. Đức Maria đã được nâng lên địa vị là Mẹ Thiên Chúa và Giáo Hội muốn đặt lễ hôm nay lên hàng đầu của năm tháng ngày giờ.
Đức Cha Giuse chia sẻ với cộng đoàn những định hướng mục vụ qua “Thư Mục Vụ Đầu Năm Mới 2015” của ngài.
Thưa anh em linh mục, anh chị em tu sĩ, chủng sinh, và cộng đoàn Dân Chúa giáo phận Phan Thiết: “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em”.
Anh chị em thân mến, theo chương trình “Tân phúc-âm-hóa đời sống” của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, năm nay 2015, chúng ta hướng tới “các giáo xứ và các cộng đoàn sống đời thánh hiến”. Theo sách Tông đồ Công vụ (x. Cv 2,42), cộng đoàn tín hữu thuở ban đầu được sinh động hóa bằng việc phụng vụ, việc lắng nghe Lời Chúa và việc thể hiện tình hiệp thông, vì thế muốn thực thi có kết quả chương trình tân phúc-âm-hóa, các giáo xứ trong giáo phận chúng ta sẽ nỗ lực canh tân những sinh hoạt cơ bản làm nên ý nghĩa cộng đoàn này. Những gì nói về cộng đoàn giáo xứ ở đây cũng có thể áp dụng cho cộng đoàn sống đời thánh hiến với những thích ứng cần thiết.
1. Giáo xứ là cộng đoàn phụng vụ
Nếu đời sống Giáo Hội được ghi dấu bởi việc cử hành phụng vụ vốn là “chóp đỉnh và trung tâm”, thì đời sống giáo xứ xét như là đơn vị nhỏ nhất của Giáo Hội tại địa phương, cũng được sinh động hóa bởi chính việc cử hành phụng vụ. Giáo xứ sẽ không hiện diện, hay hiện diện không trọn vẹn, nếu thiếu vắng sinh hoạt phụng vụ đặc trưng này. Không sinh hoat phụng vụ, giáo xứ chỉ còn là một đơn vị dân cư, cũng như không giáo đường, giáo xứ đâu khác chi một phường xã. Vì thế, phúc-âm-hóa đời sống giáo xứ chính là canh tân tâm hồn để cử hành hoặc tham dự phụng vụ một cách linh hoạt và sốt sắng. Linh mục quản xứ bảo đảm cho sinh hoạt phụng vụ được cử hành đầy đủ, không chỉ nghiêm túc theo chữ đỏ mà còn sốt sắng theo lòng tin trong Giáo Hội; còn giáo dân làm thành cộng đoàn phụng vụ cũng cần tham dự cách chủ động, không như khán giả xem buổi trình diễn mà như những tham dự viên cùng hiệp thông dâng lễ.
Thật đáng khích lệ trong giáo phận, thánh lễ và các bí tích, cách riêng bí tích Thánh Thể vẫn được cử hành đầy đủ, đều đặn và đúng đắn, điều cần thêm là phả vào trong những cử hành ấy một một sức sống mới, để có thể trở thành ánh sáng xua tan mọi ngõ ngách u tối của tội lỗi. Kinh nghiệm mục vụ cho thấy tại những giáo xứ mà phụng vụ Thánh Thể được cử hành nghiêm túc và sốt sắng, các tệ nạn ở đấy cũng giảm thiểu cách đáng kể hoặc biến mất dần.
2. Giáo xứ là cộng đoàn Lời Chúa
“Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4). Qua thánh lễ hằng ngày, Giáo Hội đã dọn phần phụng vụ Lời Chúa như một bữa ăn với đủ chất bổ dưỡng, mùa nào thức ấy. Nhưng người ta sống không bởi những gì mình ăn vào mà bằng những gì mình tiêu hóa được, nên vấn đề đặt ra cho giáo xứ là phải làm sao nhận thức được Lời Chúa như thực phẩm bổ dưỡng đã vậy, mà còn biết vận dụng tối đa để Lời Chúa sinh hoa kết quả trong đời sống. Điều này tùy thuộc ở nhiều phía. Phía các chủ chăn, như Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở qua Tông Huấn “Niềm Vui Tin Mừng”, là cần cống hiến thời giờ, khả năng và công sức để trình bày Lời Chúa phù hợp với tầm hiểu biết và điều kiện sống của cộng đoàn, đi kèm với đời sống nhiều gương mẫu nữa. Sống điều mình giảng để có thể chu toàn nhiệm vụ một cách thuyết phục. Còn phía giáo dân, hãy đón nhận Lời Chúa được giảng giải với tâm hồn đơn sơ khát khao rộng mở, không nhằm bổ sung kiến thức cho bằng bổ dưỡng tâm linh, không tìm sự vui tai cho bằng việc lay động tâm hồn và đổi mới đời sống.
Lời Chúa vẫn có đó trong Thánh Kinh, sẵn sàng mở ra cho bất cứ ai tìm kiếm, vì thế trong các giáo xứ, chúng ta cần phát động thêm nữa phong trào yêu mến, học hỏi, chia sẻ và sống Lời Chúa. Trong tinh thần này, chương trình “lộc Lời Chúa đầu năm” hay “Mỗi gia đình một cuốn Tân Ước”, như có giáo xứ đã thực hiện, được xem là những hình thức nhắc nhở mọi người về ý nghĩa của giáo xứ gắn liền với Lời Chúa trong năm nay.
3. Giáo xứ là cộng đoàn hiệp thông.
Khi chuyên cần việc phụng vụ và siêng năng tham dự bàn tiệc Lời Chúa, giáo xứ sẽ có một đời sống chan chứa tình hiệp thông, như các tín hữu thuở ban sơ. Đó là sự đồng tâm nhất trí của mọi người trong cộng đoàn dưới sự lãnh đạo của các tông đồ, khiến chẳng ai màng chi tới phận riêng, chỉ mong sao cho cuộc sống chung được triển nở. Chúa Kitô là Đầu quy tụ và nối kết mọi Kitô hữu trong cùng một mạch sống cứu độ duy nhất. Đó là hiệp thông giáo lý tinh tuyền do các tông đồ truyền lại. Từ hiệp thông giáo lý đến hiệp thông đời sống, trong đó mọi người biết chia vui sẻ buồn với nhau và biết nâng đỡ cũng như giúp đỡ lẫn nhau trong các nhu cầu tinh thần và vật chất. Thời nay thật khó mà gặp được lối sống hiệp thông như thời các tông đồ, nhưng với nỗ lực xây dựng từ những điều nhỏ nhất, chúng ta có thể làm cho bộ mặt giáo xứ dần dần thay đổi tích cực.
Nếu tại Thăng Long năm 1632, sau 5 năm truyền giáo, theo phúc trình của thừa sai Gaspar d’Amaral, con số tín hữu đã lên tới 5.000 và sống tình hiệp thông cao độ đến nỗi người ngoại chẳng biết tên “đạo Công Giáo”, đã gọi các tín hữu là những người theo “đạo yêu nhau”, thì ngày nay, các giáo xứ cũng phấn đấu thể hiện sự hiệp thông trong đức tin và đức ái như vậy. Đừng để trong giáo xứ xảy ra tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” gây bất hòa giữa linh mục Quản xứ và Hội đồng mục vụ hay các Hội đoàn, làm giảm đi sức sống hiệp nhất, và cũng đừng để lối sống khép kín “đèn nhà nào nhà nấy rạng” giữa các gia đình trong khu xóm, làm mất đi nét đẹp bác ái, nhưng mỗi giáo dân hãy quyết tâm trở nên đóm lửa thắp sáng tình hiệp thông.
4. Về mặt biểu tượng, logo chủ đề năm 2015 được phổ biến rộng rãi đến các giáo xứ. Hình tháp nhà thờ vươn lên biểu thị giáo xứ là cộng đoàn phụng vụ; hình cuốn sách mở ra nhắc nhớ giáo xứ là cộng đoàn Lời Chúa và ba bóng người linh động chính là minh họa tình hiệp thông được triển nở giữa cộng đoàn. Mong rằng logo chủ đề này không chỉ nêu cao ý nghĩa, mà còn khơi gợi trong cộng đoàn tâm tình yêu mến gắn bó dựng xây, để mỗi giáo xứ trở thành một gia đình sống động trên thuận dưới hòa, sống mến Chúa yêu người, mong là muối phúc âm ướp mặn môi trường lân cận, nhất là trong năm nay, kỷ niệm 50 năm Sắc lệnh về truyền giáo Ad Gentes (Đến với muôn dân) của Công Đồng Vaticanô II.
Về mặt thực hành, đề nghị với anh chị em hai phương cách bổ sung cho nhau:
Đối nội, tức là nhằm vào nội bộ “đời sống cộng đoàn giáo xứ” với ba chữ “chuyên”:
-Chuyên cần tham dự phụng vụ thánh lễ, nhất là giữ Ngày Chúa Nhật một cách trọn vẹn, kể cả điều thường bị quên trong xã hội hôm nay, đó là kiêng việc xác.
-Chuyên chăm học hỏi, chia sẻ và thực hành Lời Chúa, nhất là sống câu phúc âm ý lực trong tuần.
-Chuyên chú xây dựng tình hiệp thông vượt lên những khác biệt và xung khắc, nhất là biết sử dụng chìa khóa hiệu năng do thánh Augustinô để lại: “Hiệp nhất trong những điều chính yếu, tự do trong những điều tùy phụ, bác ái trong hết mọi sự”.
Đối ngoại, tức là nhắm đến chương trình “Tân phúc-âm-hóa” với ba chữ “C”:
-Củng cố nhân sự lo việc truyền giáo và trang bị lại tinh thần “đến với muôn dân”. Đây là dịp thuận tiện để các Hội dòng hay Tu đoàn rà soát lại cách nghĩ và cách sống sứ mạng “thừa sai” trong tên gọi của mình.
-Canh tân phương pháp truyền giáo phù hợp với điều kiện của từng giáo xứ, như đón nhận anh chị em di dân, dạy giáo lý hay kinh bổn cho các dự tòng, gặp gỡ mong cảm hóa những người bỏ đạo, xa đạo hay ác cảm với đạo.
-Cầu nguyện thường xuyên theo ý truyền giáo mỗi tháng của Đức Thánh Cha.
Xin Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, bổn mạng của giáo phận, vốn đã yêu thương chăm sóc đời sống mọi người trong năm qua, cũng tiếp tục nâng đỡ phù trì để các giáo xứ trong giáo phận được hạnh phúc thăng tiến trong vòng tay từ ái của Mẹ.
Giáo xứ tựa một gia đình:
Chuyên cần phụng vụ, sống tình hiệp thông,
Thực thi Lời Chúa vuông tròn.
Đời phúc-âm-hóa cõi lòng tràn vui.
Trong những ngày Giáng Sinh vừa qua, hình ảnh Mẹ Maria bên cạnh hài nhi Giêsu, Hoàng tử Hòa Bình và thánh cả Giuse đã cho chúng ta cảm nhận được ý nghĩa đích thực của bốn chữ “bình an dưới thế”. Đó là sự bình an của máng cỏ khó nghèo. Đó là sự bình an của những tâm hồn mục đồng đơn sơ chất phác. Đó là sự bình an của những đạo sĩ phương Đông khao khát kiếm tìm chân lý. Đó là sự bình an của những tâm hồn khiêm hạ tuân phục thánh ý Thiên Chúa như Maria, như Giuse. Đó là sự bình an được gặp gỡ Thiên Chúa, bồng ẵm Chúa trên đôi tay già nua cằn cỗi của mình như cụ già Simêon. Cầu nguyện cho hòa bình và mỗi người phải là tác nhân đi xây dựng hòa bình, phải là những tông đồ mang “Hoàng Tử Bình An” đến cho nhân loại.
Xin Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Nữ Vương Hòa Bình ban ơn cho Giáo phận thân yhêu chúng con. Xin Mẹ gìn giữ nâng đỡ để các giáo xứ trong giáo phận được bình an hiệp nhất trong tình thương của Mẹ. Amen.
Từ sáng sớm, các đoàn xe đã nối đuôi nhau chạy vào con đường làng, các hàng quán trước cổng Đền thánh nhộn nhịp hơn. Có một số phái đoàn đến sớm hơn nên đi tham quan TGM. Bùi Chu. Tôi cũng có việc sang ở TGM. từ lúc 7g sáng, nghe tiếng một chị phụ nữ trả lời điện thoại: đẹp, mẹ nhìn thấy rồi, thấy hết….
7.30 tiếng mọi người hầu như đã yên vị trong ngôi nhà thờ hơn 90 tuổi, những anh chị em tâm huyết dồn sức của mình, công lao, tâm trí cho công việc Bảo vệ sự sống. Tiếng chào mừng đón tiếp Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến, phó chủ tịch Caritas Việt Nam, cha GB. Vũ Văn Kiện đại diện Caritas giáo tỉnh miền Bắc cũng là giám đốc Caritas Hải Phòng, các cha giám đốc, phó giám đốc Caritas các giáo phận và quý cha, quý Sơ đặc trách Bảo vệ sự sống.
Sau phần làm nóng bầu khí, xua tan mệt nhọc của những quãng đường xa xôi của các tham dự viên. Cha FX. Nguyễn Kim Phùng đặc trách Bảo vệ sự sống Gp. Hà Nội báo cáo tổng hợp các hoạt động của năm vừa qua. Tất cả 10 giáo phận có 1.509 người hoạt động chia thành 75 nhóm với 7 mái ấm. Trong năm vừa qua tư vấn được 432 ca, 95 buổi thuyết trình về Bảo vệ sự sống và 17 buổi truyền thông kỹ năng sống, có 148 ca sinh em bé, tuy nhiên số lượng an táng thai nhi lại là con số lớn nhất, một con số khiến người ta giật mình, một con số biết nói: 64.822 thai nhi trong 10 giáo phận, nhiều nhất là Gp. Hưng Hóa chiếm tới 18.954. Nếu tính trung bình mỗi giáo xứ nhỏ ở miền Bắc có một ngàn giáo dân, thì con số trên cho chúng ta thấy 64 giáo xứ đã không còn ai sau 1 năm ! Trong mấy ngày vừa qua, cả thế giới lo lắng vì số phận của 162 người mất tích trên chuyến bay Air Asia thì con số hơn 64 ngàn chẳng ai bận quan tâm ! Đây là lời nhắc nhở và hối thúc của cha GB. Vũ Văn Kiện gửi đến từng tham dự viên để nhắc nhớ công việc bảo vệ sự sống là một công viêc thiêng liêng, cao quý. Trong thánh lễ Đại Hội Giới Trẻ Giáo Tỉnh miền Bắc vào cuối 11 vừa qua tại Phát Diệm, Đức Tổng Leopoldo đã nói “ Tôi xin được loan báo với các bạn một thông tin không được vui lắm: Việt Nam được xếp vào những nước có tỉ lệ phá thai đứng đầu thế giới, xin các bạn đừng phá thai nữa. Tôi nhắc lại: xin các bạn đừng phá thai nữa…. !”. Lời nhắc nhở này thật thấm thía và đau lòng !
Dẫu biết rằng làm việc không công, chẳng ai trả lương, chỉ tự phát mà làm vì thấy người ta phá thai quá nhiều. Dẫu biết rằng làm công việc này phải bỏ thời gian, bỏ công sức, bỏ tài chính của mình và nhiều khi gặp khó khăn từ nhiều phía và có khi đang đêm cũng phải thức dậy để lấy thai nhi… nhưng các anh chị em vẫn hăng say phục vụ… đây là những tâm tình tôi đọc được qua những cuộc trò chuyện nho nhỏ trong những phút giải lao, trong những khi cùng tập huấn và đồng hành cùng anh chị em. Khó khăn vẫn có đó, nhưng sẽ vượt qua được khi có sự khích lệ của Caritas, của cha xứ và nhất là sự khích lệ từ phía gia đình.
Ngày đại hội quy tụ các anh chị em đang làm công việc bảo vệ sự sống nhằm tạ ơn Chúa trong ngày lễ các Thánh Anh Hài và cùng nhau coi lại những công việc trong một năm qua, nhưng điều tôi cảm thấy ngày đại hội có ý nghĩa khi Quý Đức Cha, quý Cha trong Caritas khích lệ tinh thần làm việc âm thầm của anh chị em, đây là món quà tinh thần to lớn cho những người phục vụ.
Trong ngày đại hội, điểm ưng ý nhất của mọi người có lẽ là sự linh hoạt trong việc chia nhóm. Có 4 nhóm để thảo luận và chia sẻ đề tài là: truyền thông trong lãnh vực Bảo vệ sự sống; hoạt động và an táng thai nhi; hoạt động tư vấn thuyết phục chăm sóc; và cầu nguyện chữa trị tâm linh. Anh chị em quan tâm đến vấn đề nào thì sẽ đến phòng hội thảo ấy. Khi rảo qua các phòng, mọi người tranh luận say sưa. Mọi bức xúc, mọi thắc mắc hay những sẻ chia của những người đang phục vụ cùng một lãnh vực có dịp được gợi mở, được chia sẻ… cho đến nỗi đến giờ trở lại nhà thờ mà các nhóm vẫn chưa nói xong.
Trong phương hướng đề ra cho năm tới cha GB. Vũ Văn Kiện nhấn mạnh đến việc phát triển nhân sự, tạo sự liên kết các nhóm Bảo vệ sự sống giữa các giáo phận, hoạt động phòng ngừa trong việc truyền thông giáo dục. Đồng thời nỗ lúc tư vấn chăm sóc và hỗ trợ cho những người mang thai ngoài ý muốn, tăng cường việc cầu nguyện tâm linh và giải quyết các hậu quả ( xin và chôn cất các thai nhi).
Ngày Đại hội Bảo vệ sự sống kết thúc bằng thánh lễ tuyệt vời của hơn 1500 anh chị em cùng giáo dân Phú Nhai. Nhà thờ không đủ sức chứa. Một thánh lễ tạ ơn trang nghiêm sốt sáng. Tạ ơn một năm đã qua, với những hy sinh âm thầm anh chị em đã làm, tạ ơn vì những khó khăn nhưng có Chúa đồng hành. Và xin dâng một năm mới của việc Bảo vệ sự sống. Xin Thiên Chúa tiếp tục chúc lành cho những công việc tốt đẹp mà Chúa muốn chúng con dấn thân.
Chia tay ra về mà long bịn rịn, nhưng anh chị em thỏa lòng không chỉ được gặp gỡ các anh chị em cùng chí hướng đang làm việc tại các giáo phận khác để cùng chia sẻ và học hỏi công việc, nhưng còn hài lòng vì có dịp được đến viếng Đền thánh Mẹ Vô Nhiễm và xin dâng tất cả công việc chúng con làm vào bàn tay từ ái của Mẹ.