Tin Giáo Hội Việt Nam
Ngày 15.02.2015 UBBAXH-Caritas Bùi Chu cùng với quý Thầy Đại Chủng Viện Mẹ Vô Nhiễm Bùi Chu và Nhóm Bác Ái Công Chính tới thăm, chúc tết, tặng quà và đem niềm vui đến cho những người kém may mắn tại trung tâm Bảo Trợ Xã Hội Nam Định.
Mặc dù các bệnh nhân nơi đây không thể cảm nhận được bằng lý trí, nhưng với con tim họ rất vui và hạnh phúc, bởi họ cảm nhận được tình yêu chân thành và hơi ấm của con người dành cho nhau. Đồng thời chính sự lạc quan vui vẻ của những người bệnh đã thúc bách tinh thần các thiện nguyện viên hăng say, nhiệt tình hơn trong công việc phục vụ những mảnh đời bất hạnh, đau khổ và kém may mắn trong xã hội.
Nguyện xin Chúa chúc phúc lành và trả công bội cho cho Quý Vị đã cộng tác với chúng con trong công việc Bác Ái của Giáo Phận là đem tình Chúa, tình người đến cho những con người cần đến sự giúp đỡ của chúng ta.
Sáng hôm nay, thứ Năm, ngày12 tháng 02 năm 2015, Thánh Lễ tạ ơn và cắt băng khánh thành trung tâm Caritas Giáo Phận tại Nhà Thờ Giáo xứ Định Hải (xã Hồng Thuận, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) do Đức Cha Tôma Vũ Đình Hiệu, Giám mục Giáo phận Bùi Chu chủ sự, gần 20 Cha đồng tế và đông đảo thành phần dân Chúa cùng tham dự.
Với tâm tình của vị Chủ Chăn Giáo Phận - Đức Cha Tôma Vũ Đình Hiệu cũng là Chủ tịch Ủy ban Bác ái xã hội - Caritas Việt Nam, đã cùng Caritas Bùi Chu tổ chức tới thăm, chúc tết và tặng quà cho những người nghèo và những người kém may mắn thuộc 10 giáo xứ trong giáo phận không kể lương giáo vào ngày 14 và 16.02.2015.
Ngày thứ nhất đoàn tới thăm, chúc tết và tặng quà cho những người nghèo, mồ côi và khuyết tật những xứ thuộc huyện Hải Hậu và Giao Thủy. Tại giáo xứ Hưng Nghĩa, một bà cụ mặc cho trời mưa to gió lớn, quần áo ướt đẫm, thân hình run rẩy đang đứng ở hành lang Giáo xứ Hưng Nghĩa, khi tới hỏi, cụ trả lời: Nếu không tới nhận quà thì năm nay không có gì để ăn tết Dì ạ. Câu trả lời của cụ khiến mọi người đứng đó rất cảm động và đau xót.
Ngày thứ hai, đoàn tới thăm, chúc tết và tặng quà cho những người nghèo, mồ côi và khuyết tật những xứ thuộc huyện Nghĩa Hưng. Mặc dù rất bận bịu với công việc cuối năm nhưng các thiện nguyện viên vẫn vui vẻ, hăng say nhiệt tình cộng tác với Caritas Giáo phận để đem đến cho những mảnh đời bất hạnh một cái tết trọn vẹn và ý nghĩa.
Sự hiện diện, thăm hỏi, chúc tết và tặng quà của Caritas Bùi Chu với tình yêu thương và sự quan tâm cho đoàn chiên của các Cha xứ làm cho người dân nghèo, kém may mắn trong Giáo phận cảm nhận được sự ấm áp, tình yêu thương và sự quan phòng của Thiên Chúa, làm vơi đi nỗi đau khổ hoành hành của bệnh tật, sự cô đơn trong tâm hồn của họ.
Nguyện xin Chúa ban muôn ơn lành cho các nhà tài trợ, quý vị ân nhân đã nâng đỡ, hỗ trợ Caritas Bùi Chu trong sứ vụ phục vụ, trao ban niềm vui cho những anh chị em nghèo khổ, kém may mắn trong Giáo Phận về mọi phương diện.
Văn phòng Caritas Bùi Chu
Mừng Xuân Ất Mùi 2015 trong bầu khí tràn ngập sắc hoa của Quê hương Việt Nam,
Caritas Việt Nam kính chúc
Quý Đức Hồng Y,
Quý Đức Cha,
Quý Cha và toàn thể Quý
dồi dào Sức Khỏe,
tràn đầy Bình An
và Dư đầy Phúc Lộc
Nguyện xin Thiên Chúa là Chúa của Mùa Xuân luôn ở cùng mọi người và mọi nhà trong những ngày đầu xuân và trong cả năm mới 2015.
Gieo lộc ngày xuân... Tết làm việc thiện
Tình yêu đâm chồi... Đong đầy hạnh phúc
WTGPHN - Hoà với bầu khí đón mừng Tết Nguyên Đán Ất Mùi 2015 và đặc biệt chào mừng Đức Tân Hồng Y Phêrô, vị Hồng y thứ sáu của Giáo Hội tại Việt Nam, quý Cha, quý nam nữ tu sỹ và anh chị em giáo dân đang sống, học tập và làm việc tại Roma đã tổ chức buổi họp mặt mừng xuân mới và chúc mừng Đức Tân Hồng Y tại Trường Thánh Phaolô Tông đồ (Pontificio Collegio San Paolo Apostolo) vào ngày 15 tháng 2 năm 2015.
Khi thánh lễ tạ ơn với các Đức Tân Hồng Y tại Đền thờ Thánh Phêrô kết thúc lúc 12g00 thì tại Trường Thánh Phaolô Tông Đồ, quý Đức Ông, quý Cha, quý nam nữ tu sỹ và anh chị em giáo dân đang cùng hiệp dâng thánh lễ tạ ơn cuối năm âm lịch tại nhà nguyện của trường.
Khi Đức Tân Hồng y Phêrô cùng với quý Đức Cha, quý Cha và nam nữ tu sỹ đến từ Việt Nam đến nơi cũng là lúc thánh lễ chuẩn bị kết thúc. Ngày sau đó cộng đoàn hân hoan đón chào Đức Tân Hồng Y và quý Đức Cha trong lời ca và những tràng pháo tay ròn rã. Cha Giuse Trác, Chủ tịch Cộng đoàn liên tu sỹ đã thay mặt anh chị em hiện diện chúc mừng Đức Tân Hồng y trong ngày hồng phúc và chúc năm mới Đức Hồng y, quý Đức Cha, quý Cha và tất cả cộng đoàn. Cùng với lời cầu chúc tốt đẹp, cộng đoàn đã trao tặng Đức Tân Hồng Y bó hoa tươi thăm và món quà lưu niệm.
Sau lời chúc Tết của Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch HĐGMVN gửi tới cộng đoàn liên tu sỹ, Đức Tân Hồng y đã chia sẻ với cộng đoàn giây phút mà Ngài nhận được tin Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Ngài làm Hồng y và Ngài nhận thấy đây là một hồng ân cao vời mà Thiên Chúa không chỉ trao tặng riêng cho Ngài mà là cho Giáo Hội tại Việt Nam. Qua đó Ngài cảm nhận được sự bình an để tiếp tục đáp lại lời mời gọi của Chúa trong sứ vụ mới và Giáo Hội trao phó cho Ngài trong sứ mạng làm cố vấn cho Đức Thánh Cha để phục vụ Giáo Hội. Cuối cùng Ngài xin cộng đoàn tiếp tục cầu nguyện cho Ngài để chu toàn sứ vụ mà Chúa trao phó.
Buổi hội ngộ tiếp tục với niềm vui chia sẻ qua những tiết mục văn nghệ thật sôi động mà anh chị em trong cộng đoàn liên tu sỹ trình diễn để làm cho bầu khí của buổi hội ngộ thêm sắc xuân và làm vơi đi nỗi nhớ nhà của những người con ăn tết xa quê. Ngày hội ngộ khép lại với bữa ăn huynh đệ với bánh chưng và những món ăn dân tộc do Đức Tân Hồng y khoản đãi.
AT
Kính gửi quý cha, quý tu sĩ, và toàn thể cộng đoàn Dân Chúa giáo phận
1. Cùng với toàn thể Hội Thánh khắp nơi trên mặt đất, chúng ta bước vào Mùa Chay năm 2015 từ ngày 30 Tết Ất Mùi. Tôi xin gửi đến cộng đoàn Dân Chúa giáo phận đôi lời để chúng ta cùng nhau bước vào năm mới với hy vọng các xứ họ của chúng ta được đổi mới theo ước nguyện của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Chúng ta cùng nhau đọc lại hai câu trong sách Công Vụ Tông Đồ: “Các tín hữu chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng… Họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân thương mến. Và Chúa đã cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2,42.47). Qua đoạn văn ngắn gọn này, chúng ta thấy được đời sống của cộng đoàn Hội Thánh tiên khởi ở Giêrusalem, khuôn mẫu cho đời sống các xứ họ của Hội Thánh mọi nơi và mọi thời. Một cộng đoàn như thế chỉ có được nhờ Chúa Giêsu Phục Sinh đã ban Chúa Thánh Thần cho các tông đồ để các ngài lại xin Thiên Chúa ban cho các tín hữu. Chúng ta cùng xin Chúa cho các xứ họ trong giáo phận noi gương cộng đoàn Giêrusalem biết tái hiện khuôn mặt đích thực của cộng đoàn Dân Chúa, nhờ đó mọi thành phần của cộng đoàn xứ họ trở nên gia đình con cái Chúa và loan báo Trời Mới Đất Mới cho thế giới.
2. Trước hết chúng ta lưu ý bốn nét đặc trưng của cộng đoàn Dân Chúa là (a) chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, (b) luôn luôn hiệp thông với nhau, (c) siêng năng tham dự thánh lễ, và (d) cầu nguyện không ngừng. Đó là gốc rễ của mọi cộng đoàn Dân Chúa. Cộng đoàn Giêrusalem sống như vậy nhờ ơn Chúa Thánh Thần, dưới sự hướng dẫn của các tông đồ. Cộng đoàn Dân Chúa khác với các tập thể nhân loại tự nhiên vì được Chúa Thánh Thần soi sáng và thêm sức. Chúng ta đừng coi xứ họ như một tập thể thuần túy nhân loại hoặc nửa này nửa kia. Chúng ta mang trong mình nhiều yếu tố của môi trường, có những điều tốt đẹp nhưng cũng có những điều không phù hợp với tinh thần con cái Thiên Chúa. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta cố gắng cùng nhau xây dựng cộng đoàn xứ họ thành gia đình của Thiên Chúa, nhờ Lời Chúa và các bí tích, nhờ Hội Thánh hướng dẫn. Đặc biệt thánh lễ là lúc chúng ta họp nhau thành gia đình của Thiên Chúa, cùng được đón nhận Lời Chúa và Mình Máu Đức Kitô, chúng ta trở nên thân thể Đức Kitô, trong đó mỗi người là một chi thể. Chúng ta cần tránh tất cả những gì gây chia rẽ, để được như Chúa Giêsu dạy: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy: anh em yêu mến nhau.”
3. Thứ đến chúng ta lưu ý ba điểm là hoa trái của cộng đoàn Dân Chúa: (a) Các tín hữu ca tụng Thiên Chúa, (b) các tín hữu được toàn dân thương mến, và (c) Chúa cho được mỗi ngày có thêm những người được cứu độ. Ca tụng chứ không ca thán: đôi khi có người chỉ để ý đến những khó khăn, những thiếu sót, mà quên đi bao nhiêu điều tốt đẹp Chúa đang thực hiện cho mỗi người cũng như cho cộng đoàn. Các xứ họ của chúng ta có được toàn dân thương mến chưa? Nhờ ơn Chúa, nhiều xứ họ đã cho thấy chúng ta đoàn kết với nhau, phục vụ nhau với tinh thần hi sinh, nên được nhiều người bên ngoài Hội Thánh quý mến và ngay cả cảm phục. Tuy nhiên chúng ta phải cố gắng không ngừng để được “toàn dân thương mến”. Mỗi ngày cộng đoàn xứ họ chúng ta có thêm những người được cứu độ không? Có thể nói là ít. Đức Thánh Cha Phanxicô nói Hội Thánh tăng trưởng không phải bằng cách chiêu mộ, nhưng bằng sức lan tỏa của niềm vui từ những người sống Tin Mừng. Theo ước nguyện của Chúa Giêsu, chúng ta phải là ‘muối đất’ và ‘ánh sáng thế gian’. Chúng ta không chỉ mong được rỗi linh hồn, nhưng còn trở nên những người thực sự loan báo niềm vui đích thực của Chúa, thế gian không ban phát được.
4. Các xứ họ trong giáo phận trước đây đã phải chịu nhiều thiệt thòi vì thiếu vắng những người dâng mình cho Chúa để loan báo Tin Mừng và phục vụ Dân Thánh. Đến nay, tuy chưa nói là đủ được, nhưng chúng ta cảm tạ Chúa vì đã có khá đông linh mục và tu sĩ nam nữ. Ngoài ra chúng ta có rất nhiều giáo dân hăng say và quảng đại trong các Hội đồng giáo xứ, các Ban Hành Giáo, các hội đoàn. Trong kỳ viếng thăm Giáo Hội Việt Nam vừa qua, Đức Hồng Y Bộ trưởng bộ Truyền giảng Tin Mừng cho các dân tộc của Tòa Thánh đã khen ngợi giáo dân Việt Nam siêng năng đến nhà thờ cầu nguyện và dự lễ, không những vào ngày Chúa Nhật mà cả vào những ngày thường. Chúng ta tin rằng với đức tin không ngừng được củng cố và canh tân, giáo phận chúng ta ngày càng góp phần tích cực và hiệu quả hơn vào công cuộc ‘bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống’ nơi mỗi xứ họ và cho toàn thể xã hội.
Nhờ lời cầu khẩn của Đức Mẹ Mân Côi và các thánh tử đạo Bắc Ninh, nguyện xin Thánh Tâm Chúa Giêsu luôn thương xót và che chở chúng ta.
Bắc Ninh, ngày 17.2.2015
+ Cosma Hoàng Văn Đạt
Giám Mục Giáo Phận Bắc Ninh
Mở đầu buổi gặp gỡ, Đức Cha ân cần bắt tay chào thăm từng người và bày tỏ niềm vui được gặp quý thầy cô thuộc Nhóm Giáo Chức Công Giáo Saigòn. Tiếp đó, Đức Cha giới thiệu sơ nét về giáo phận Xuân Lộc và Uỷ Ban Giáo Dục trực thuộc Hội đồng Giám Mục VN. Đồng thời, Ngài cũng xác định thành phần giới trẻ mà Uỷ Ban có trách nhiệm giáo dục, đó là giới trẻ học đường từ bậc mầm non cho đến đại học. Đức Cha cho biết, Uỷ Ban cần có nhiều người cộng tác trên nhiều lãnh vực và Ngài hy vọng mọi thành phần dân Chúa cùng góp phần trong sứ mạng cao cả này.
Chia sẻ về công tác giáo dục Đức Cha cho biết đã từ lâu Hội đồng Giám Mục VN luôn yêu cầu, mong muốn được tham gia vào các lãnh vực giáo dục, y tế và nay đã có tín hiệu tốt về việc mở một Học Viện Công Giáo Việt Nam với phân khoa đầu tiên là thần học. Tuy chưa được phép mở trường học (ngoại trừ mầm non), nhưng không vì thế mà Giáo Hội Việt Nam xao lãng công tác giáo dục. Mục tiêu lớn mà Giáo Hội nhắm tới là giáo dục giới trẻ chứ không phải là mở trường. Nhà trường chỉ là một trong những phương thế để thực hiện bổn phận giáo dục mà thôi. Ngay cả khi được phép mở trường, thì số trường có thể mở là khá giới hạn, trong khi giới trẻ - đối tượng phục vụ của Giáo Hội, là rất lớn. Hiện nay về cơ sở vật chất, đã có nhiều trường Mầm Non do các dòng tu phụ trách, một số trường học do giáo dân mở, có nhiều lưu xá cho sinh viên.
Theo Đức Cha chủ tịch, về hiện có đội ngũ giáo viên Công Giáo ở tất cả các cấp học (từ mầm non tới đại học), nhiều nhóm sinh viên Công Giáo tự phát hoặc hội sinh viên Công Giáo. Giáo Hội đi vào giáo dục thông qua những con người rất quảng đại và năng động này. Đối với Giáo chức Công Giáo, hoạt động giảng dạy không phải đơn thuần là một nghề để sinh sống, nhưng là một ơn gọi đặc biệt, là sứ mạng cao quý được Giáo Hội trao phó, là lời đáp trả sống và yêu thương những người trẻ theo tinh thần Đức Kitô. Vì thế các thầy cô cần liên kết để giúp nhau hoàn thành sứ mạng trong hoàn cảnh hiện nay. Đức Cha mong muốn các thầy cô đọc kỹ thư của vị Chủ tịch Uỷ Ban Giáo Duc, thảo luận, phản hồi và có hành động cụ thể theo gợi ý trong thư này.
Về phần mình, Đức Cha cho biết Ngài có hai ao ước: Thứ nhất là mở rộng các Nhóm Giáo Chức tại các giáo phận trên ba miền đất nước; Thứ hai là mọi người quan tâm đến học sinh, sinh viên nghèo, các lưu xá …. Đức Cha cũng mong muốn các nhóm Giáo Chức Công Giáo, đặc biệt là nhóm đại học, tham gia vào các hoạt động nghiên cứu nhiều hơn, để giúp cho sống sứ mạng truyền giáo nhiều hơn trong môi trường giáo dục hiện nay.
Tiếp lời Đức Cha, thầy Vũ Quang Tuyên - Trưởng Ban Thường Vụ, giới thiệu các Trưởng Khối Mầm Non, Trung học, Tiểu học, Hưu trí, Cao đẳng- đại học để quý thầy cô tường trình ngắn gọn sinh hoạt của Khối trong thời gian qua. Thầy cũng cho biết trong 3 năm qua Nhóm có chương trình huấn luyện giúp các thầy cô vững vàng hơn trong công tác dạy và học. Thầy cũng giới thiệu người tiền nhiệm là cô Trần thị Nhan trình bày vắn tắt quá trình hình thành Nhóm Giáo Chức Công Giáo Saigon từ buớc sơ khai cho đến nay (2001-2015). Cha đồng hành Giuse Têrêsa Trần Anh Thụ cũng trình bày với Đức Cha những khó khăn trong nhiệm vụ đồng hành với Giới Giáo chức mà Ngài mới đảm trách. Đức Cha đã chăm chú lắng nghe và ghi nhận tình trạng giảm sút người tham dự, không phải riêng ở giới giáo chức nhưng hầu như ở khắp nơi. Tình trạng bận bịu không có thời gian tham gia sinh hoạt có thể là thực ở một số người tham gia quá nhiều đoàn thể, nhưng cũng có thể chỉ là một trạng thái tâm lý do nếp sống vội vàng của xã hội tạo nên. Để vượt qua trạng thái tâm lý này, cần có một lý tưởng. Có lý tưởng thì người ta dễ dàng vượt qua được mọi khó khăn về thời gian, tiền bạc … để bền tâm thực hiện tốt mọi công việc của mình.
Về mô hình tổ chức của Uỷ Ban ở cấp Hội Đồng Giám Mục và từng giáo phận, Đức Cha cho rằng cần tham khảo ý kiến các giáo phận để có một mẫu số chung tiến tới việc liên kết; cần gia tăng vai trò cũng như sự tham gia của các anh chị em giáo dân có khả năng và điều kiện vào các tiểu ban sinh hoạt của Uỷ Ban.
Câu hỏi mà Đức Cha nêu ra với quí Thầy Cô giáo là: “Với tư cách Chủ tịch Uỷ Ban Giáo Dục, tôi có thể giúp gì trong việc quy tụ, liên kết giáo chức với nhau ?”. Một câu hỏi gợi nhiều suy tư và cần có thời gian thì mới có thể trả lời thấu đáo, vì trước khi đề nghị Đức Cha hỗ trợ, mỗi người cần suy nghĩ mình ước ao gì, có thể làm gì và cần điều kiện gì để biến các ước muốn tốt lành thành hiện thực.
Buổi trò chuyện đang đến lúc sôi nổi nhưng giờ ăn đã điểm. Đức Cha trân trọng mời quý thầy cô dùng cơm chung với khoảng 400 chủng sinh và không quên nhờ cha giáo Giuse Hà Đăng Định đưa đoàn tham quan khuôn viên đại chủng viện trước khi ra về.
Chia tay trong lưu luyến, quý thầy cô mang theo hình ảnh một vị chủ chăn đơn sơ, nhiệt thành, ân cần lắng nghe và trao đổi với giới giáo chức trong sứ vụ giáo dục. Với quà tặng của Đức Cha là tràng chuỗi truyền giáo 5 màu, Nhóm Giáo Chức Giáo Phận Saigon xin dâng lên Mẹ Maria lời cảm tạ trìu mến cho buổi gặp gỡ rất bổ ích này, khơi gợi cho những buổi gặp gỡ khác trong tương lai. Xin cám ơn Đức Cha Giuse, cha giáo Định đã tiếp đón đoàn giáo chức Saigon thật nồng ấm. Tết Ất Mùi sắp đến, xin kính chúc Đức Cha, Uỷ Ban Giáo Dục, quý cha giáo và quý thầy Đại chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc dồi dào sức khỏe và tràn đầy ơn Chúa trong năm mới.
VRNs (17.02.2015) – Sài Gòn – Trong những ngày chuẩn bị đón xuân mới Ất Mùi, VRNs hân hạnh được tiếp chuyện Cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành, người vừa kết thúc trách nhiệm Bề Trên Giám Tỉnh DCCT VN vào ngày 15 tháng 1 năm 2015 vừa qua, sau 2 nhiệm kỳ đảm đương nhiệm vụ này. Hôm nay ngài dành cho chúng ta một buổi trò chuyện về một công việc đặc biệt của Tỉnh Dòng vào những ngày đầu xuân.
Huyền Trang, VRNs: Kính thưa Cha, Cha có thể chia sẻ về một công việc mục vụ đặc biệt và rất truyền thống của Nhà Dòng vào những ngày đầu xuân không ạ?
Cha Vinhsơn Phạm Trung Thành: Công việc mục vụ rất đặc biệt và thuộc truyền thống của Nhà Dòng vào những ngày đầu xuân đó là việc tổ chức Hành Hương kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Việc hành hương này có từ khi DCCT bước chân vào Việt Nam và được tổ chức ở Huế, rồi Hà Nội, Saigon và nay có thể nói ở khắp nơi khi có sự hiện diện của tu sĩ DCCT VN.
Tùy theo hoàn cảnh và tùy theo phong tục địa phương, ba ngày Tết như ở Saigon, hoặc ba ngày Tết và các ngày thứ bảy trong tháng Giêng ở Hà Nội, hoặc một số nơi ngày mồng một và mồng ba vì mồng hai người ta ra thăm nghĩa trang … Chúng tôi tổ chức việc suy niệm Lời Chúa, lần chuỗi Mân Côi, rước Linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và cử hành Thánh lễ tạ ơn đầu năm. Số người khắp nơi kéo về tham dự rất đông. Ở Saigon trung bình mỗi lần khoảng 7.000 người, ở Hà Nội chật kín khoảng sân của Nhà Dòng tràn cả ra ngoài khoảng 4.000 người. Có những nơi là một cộng đoàn nhỏ, khi bắt đầu chỉ 2, 3 trăm người, nay đã lên đến con số 3.000 người.
Huyền Trang, VRNs: Thưa Cha có thể cho cái nhìn lượng giá của Cha về công việc này?
Cha Vinhsơn Phạm Trung Thành: Người Việt Nam chúng ta rất gắn bó với tình cảm mẫu tử, đạo mẫu đã in sâu vào tâm thức của mỗi người, Đức Maria đã giữ một vai trò rất quan trọng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, với Giáo Hội Việt Nam, Đức Maria đã ghi rất nhiều dấu ấn tình thương cho con dân nước Việt, vì thế những sinh hoạt hướng về Đức Maria được sự đồng tình tham gia của đông đảo nhiều tín hữu.
Truyền thống VN dành những ngày đầu năm cho sự gây dựng niềm tin, ước mong may lành bình an, và khai mở một năm nhiều hạnh phúc. Người Việt tìm đến nhưng địa chỉ khả dĩ giúp họ thể hiện và sống những niềm tin này. Việc tổ chức hành hương minh niên đáp ứng đúng nhu cầu cần thiết của người dân Việt, đó là một việc mục vụ rất quan trọng trong văn hóa Việt Nam, xã hội Việt Nam.
Những sinh hoạt tâm linh, những sinh hoạt tốt lành, những sinh hoạt hữu ích vào những ngày đầu xuân góp phần đầy lui những tệ nạn trong xã hội, giúp giáo dục con người ngày càng sống xứng đáng nhân phẩm hơn. Nhiều người tham dự nói lên sự đáp ứng nhu cầu chính đáng và định hướng chính xác sứ vụ.
Huyền Trang, VRNs: Thưa Cha Hành Hương là gì?
Cha Vinhsơn Phạm Trung Thành: Hiểu theo nghĩa thông thường là rời khỏi nơi chốn của mình để đến một vùng khác, nơi có những dấu tích hoặc truyền thống của sự thánh thiện, nơi thờ phượng, nơi dành riêng để tịnh tâm, … Cũng có thể hiểu là một cuộc rời bỏ con người của mình để hướng lòng lên với Chúa, dành thời gian và công sức cho việc thờ phượng Chúa. Trong hành hương có hàm ý hy sinh, sám hối, cầu nguyện, dâng hiến và chia sẻ với người nghèo.
Huyền Trang, VRNs: Thưa Cha, những ngày Tết ngoài việc tổ chức hành hương thì còn việc gì khác không ạ ?
Cha Vinhsơn Phạm Trung Thành: Những năm gần đây chúng tôi thử nghiệm một sinh hoạt khác, sinh hoạt này qua vài năm đã chứng minh được tính cần thiết và đúng đắn của nó. Đó là việc “dâng gia đình đầu năm cho Đức Mẹ”.
Trong ngày đầu xuân, gia đình Kitô hữu cùng đến nhà thờ, anh em chúng tôi tiếp đón, giúp gia đình điền tên cả nhà vào “Kinh dâng gia đình” đã được in sẵn. Cả gia đình được dẫn đến bàn thờ Đức Mẹ, cùng nhau thắp nhang và tuyên đọc kinh dâng gia đình, nội dung với lời cam kết sống Tin Mừng, yêu thương và thủy chung với nhau, dâng nhang kính Đức Mẹ và nhận “lộc Lời Chúa’ đầu năm, bản kinh được mang về để trong gia đình đọc cả năm.
Huyền Trang, VRNs: Thưa cha, kết quả của công việc mục vụ này ra sao ạ?
Cha Vinhsơn Phạm Trung Thành: Chúng tôi khá vất vả cả ba ngày Tết, bù lại đông đảo các gia đình bảo nhau tới nên chúng tôi rất vui. Ngày đầu xuân giúp nhau làm được điều này thật là tốt, nhất là trong hoàn cảnh xã hội đang băng hoại và xuống như hiện nay. Chúng ta phải tìm mọi cách để làm cho ơn Chúa được nẩy nở.
Chúng ta cần phải xác tín về ơn chữa lành của Chúa dành cho chúng ta, xã hội chúng ta.
Huyền Trang, VRNs: Chúng con xin chân thành cám ơn cha Vinhsơn
HT, VRNs