Tin Giáo Hội Việt Nam
WGPSG -- Lễ Khánh thành Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam (VP HĐGMVN) đã được cử hành vào lúc 18g15 thứ Năm 24.4.2014, tại khuôn viên VP HĐGMVN số 72/12 Trần Quốc Toản, Phường 8, Quận 3, TP.HCM.
Đến tham dự có Đức TGM Leopoldo Girelli - Đại diện Đức Thánh Cha tại Việt Nam, quý Đức cha thuộc 25 Giáo phận (GP. Vĩnh Long chưa có giám mục), cùng quý cha, quý tu sĩ nam nữ, quý ân nhân. Ngoài ra, còn có sự hiện diện của chính quyền các cấp.
Sau nghi thức cắt băng Khánh thành trước tiền sảnh, Đức cha Chủ tịch HĐGMVN Phaolô Bùi Văn Đọc và Đức cha phó Chủ tịch HĐGMVN Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng đã mở khăn phủ viên đá “Khánh thành” và viên đá “Tri ân các Giáo phận và ân nhân" ở hai bên cửa ra vào. Quý Đức cha đã tiến vào đại sảnh giữa những tràng vỗ tay vang rền của mọi người hiện diện.
Phát biểu khai mạc, mượn lời Thánh Vịnh 29,13 “Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, xin tạ ơn Ngài mãi mãi ngàn thu”, Đức cha Tổng Thư ký HĐGMVN Cosma Hoàng Văn Đạt mời gọi mọi người cùng dâng lời lên Thiên Chúa lời cảm tạ tri ân, vì Ngài đã thương ban cho Giáo hội Việt Nam ngôi nhà xinh đẹp này, để làm nơi sinh hoạt cho các văn phòng của HĐGMVN.
Qua sự trình bày của Cha Giám đốc Trung tâm Công giáo Inhaxiô Hồ Văn Xuân, cộng đoàn đã có cái nhìn tổng quát về việc thành lập và hoạt động của Trung tâm Công giáo trực thuộc HĐGMVN qua các thời kỳ. Giai đoạn 1, từ năm 1958-1990 do Cha Phêrô Nguyễn Quang Trọng phụ trách. Giai đoạn 2 từ năm 1990-2010 do cha Ignatio tiếp nối. Cuối cùng là tiến trình xây dựng ngôi nhà mới từ năm 2011 đến nay, trong đó có sự theo dõi và đóng góp ý kiến rất lớn của Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm. (Mời nghe audio)
Tiếp theo, anh Đỗ Hữu Nhật - Kiến trúc sư trưởng, thuộc công ty cổ phần đầu tư xây dựng Mỹ Tín - đơn vị trực tiếp thi công - đã giới thiệu với cộng đoàn tiến trình khảo sát, thiết kế và thi công đạt tiêu chuẩn cao nhất. Với file powerpoint, anh giới thiệu với cộng đoàn về cấu trúc ngôi nhà gồm 1 tầng hầm và 8 tầng lầu, giới thiệu sơ đồ mặt bằng các tầng lầu với nhà nguyện, thư viện, các phòng làm việc, phòng chức năng, phòng họp, phòng nghỉ… cùng với các trang thiết bị giúp cho VP HĐGMVN cùng 17 Ủy ban của HĐGMVN có đủ điều kiện để làm việc.
Đỉnh cao của Lễ Khánh thành là nghi thức thánh hóa ngôi nhà mới do Đức cha Phó Chủ tịch HĐGMVN Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng chủ sự. Chia sẻ Lời Chúa, qua đoạn Tin Mừng Lc 24,28-31, Đức cha Phanxicô Xaviê nói: Chúng ta hãy sống tâm tình của hai môn đệ trên đường đi Emmau, để nài xin Chúa luôn ở lại với chúng ta trong ngôi nhà mới này. Sau đó, một số quý Đức cha đã lên rẩy nước thánh trên các tầng lầu.
Buổi lễ kết thúc thật thánh thiêng, khi các Đức cha lên nhà nguyện để tâm tình và tạ ơn Thiên Chúa với nửa giờ Chầu Mình Thánh Chúa.
Sau nửa giờ Chầu Mình Thánh Chúa, Đức cha Chủ tịch HĐGMVN đã có lời chào mừng và cảm ơn quý Đức cha, quý cha, quý tu sĩ và cộng đoàn, cùng đại diện chính quyền các cấp đã tạo điều kiện, đóng góp sức người, sức của để ngôi nhà được hoàn thành tốt đẹp.
Phát biểu kết thúc, Đức TGM Leopoldo Girelli bày tỏ sự vui mừng được hiện diện và chào đón mọi người, trong đó có đại diện chính quyền các cấp. Đức TGM cầu chúc mối quan hệ giữa Nhà nước Việt Nam và Tòa Thánh Vatican, cũng như giữa Giáo hội Việt Nam và chính quyền các cấp ngày càng tốt đẹp. Ngài hy vọng rằng ngôi nhà chung này sẽ giống như một trái tim, là trung tâm điều hành mọi sinh hoạt của Giáo hội Việt Nam.
Sau bữa cơm gia đình, quý Đức cha và mọi người đã ra về lúc 20g30 cùng ngày.
1/ Đôi nét về Văn phòng HĐGM Việt Nam
- Ngày 26.4.2011: Lễ đặt viên đá đầu tiên do Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh chủ sự.
- Ngày 24.10.2011: Sở xây dựng cấp giấy phép. Tuy nhiên, vì có một vài thay đổi trong thiết kế nên ngày 23.10.2012 công trình mới chính thức khởi công.
- Tổng kinh phí khoảng 70 tỉ đồng, do sự đóng góp của các Giáo phận, đặc biệt là của quý ân nhân xa gần.
2/ Cấu trúc của công trình
Ngôi nhà dài 31m, rộng 22m, có cấu trúc gồm 1 hầm, 8 lầu với tổng diện tích sử dụng là 6450 m2.
- Tầng 1 gồm 1 đại sảnh, 1 phòng khách và 1 phòng ăn.
- Tầng 2 gồm 1 phòng hội nghị, 1 hội trường và các phòng làm việc cho bộ phận quản lý.
- Tầng 3 gồm 4 phòng chức năng và 1 phòng làm việc nhóm.
- Tầng 4 và 5, mỗi tầng có 8 phòng làm việc dành cho các Ủy ban trực thuộc HĐGM Việt Nam.
- Tầng 6 gồm 1 nhà nguyện và 10 phòng nghỉ.
- Tầng 7 gồm 1 thư viện và 10 phòng nghỉ.
- Tầng 8 gồm 4 phòng nghỉ, 1 phòng làm việc và 1 phòng ăn. Ngoài ra, còn có 2 khu sân vườn.
Nguồn: TGP Sài Gòn
Mở đầu Thánh Lễ Đức giám mục đã nói về ý nghĩa của năm phụng vụ mới được bắt đầu với Chúa nhật thứ I mùa vọng, mùa vọng là mùa trông đợi, mọi người hướng về gần với Chúa hơn và để cho niềm tin Kitô được chiếu tỏa đến mọi người lương giáo đang ở gần chung quanh chúng ta. Sau đó, Cha sở Chính Tòa Giuse Lê Kim Ánh đọc bức thư mục vụ 2015.
Trong bài giảng Đức Giám mục có nói đến ý nghĩa của chữ "Advento” có nghĩa là đã đến, sự mong chờ Thiên Chúa đến trần gian, chúng ta gặp Thiên Chúa ở giữa đường hay nói đúng hơn là gặp nhau ở giữa cuộc đời chúng ta, mùa vọng là mùa giáo Hội chuẩn bị để đón nhận Ngôi Hai xuống Thế làm người ở giữa chúng ta cách đây 2014 năm, nhưng cũng nói lên biến cố đã và đang xảy ra ở giữa cuộc đời mọi người của chúng ta, nói lên ngày Thiên Chúa đến phán xét chúng ta. Mùa vọng cũng nói đến niềm tin của chúng ta và Đức Giêsu đã đưa ra ví dụ người chủ đi xa đã trao những nén bạc cho các đầy tớ của mình để cất giữ và làm lợi từ những đồng tiền đó. Thiên Chúa đã tín nhiệm chúng ta và trao cho chúng ta mọi sự trên đời này, xã hội, gia đình, người thân của chúng ta để chúng ta coi sóc. Vì vậy canh thức có nghĩa là chu toàn nhiệm vụ của chúng ta đối với giáo hội, đối với Thiên Chúa.
Cái chết ở chung quanh ta, nó gần gũi với chúng ta, ập đến không biết lúc nào, có những dấu hiệu xảy ra trong ngày sắp lìa đời khi mà con mắt mờ đi, lỗ tai ù đi, miệng lưỡi thì đơ cứng... Thánh Phaolô trong một bức thư Ngài đã nói: ngài cảm tạ Chúa vì đã ban cho cộng đoàn dân Chúa của Ngài có một niềm tin mạnh mẽ, sống và thực thi đường lối của Chúa.
Trong năm 2015 với chủ đề “Chiếu tỏa niềm tin trong cộng đoàn Giáo xứ và cộng đoàn dòng tu”, mong rằng Hội Đồng Giáo xứ, các Cộng Đoàn Tu Sĩ trong Giáo xứ cùng đưa ra thực hiện bước đi phục vụ để niềm tin được chiếu tỏa đến khắp nơi và mọi người chúng ta cùng thực hiện, vì năm nay đức Giáo Hoàng chọn đời sống thánh hiến, vì vậy các cộng đoàn dòng tu cộng tác với Thiên Chúa với Giáo Hội trọn vẹn niềm tin tận hiến của mình, và tất cả mọi người cùng thực hiện niềm tin của mình, chính nơi Giáo Xứ của mình, nơi gia đình và chung quanh chúng ta.
HƯNG HÓA (13.12.2014) - Bước vào mùa Vọng năm nay, tôi đã có một chuyến mục vụ đáng nhớ ở các tỉnh miền cao của giáo phận Hưng Hóa, là các tỉnh Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu. Tôi nghĩ phải chia sẻ với bạn đọc trong những ngày cận kề lễ Giáng Sinh năm nay, khi mà những tâm tình về chuyến đi này còn đang nóng hổi trong tôi.
Cho đến lúc này, tại ba tỉnh Sơn La, Lai Châu và Điện Biên, đạo Công Giáo vẫn chưa được chính thức công nhận cho sinh hoạt. Chúng tôi chưa thể lập một giáo xứ, xây một ngôi thánh đường và gửi một linh mục đến làm mục vụ tại đây, tuy trong thực tế, chính quyền vẫn để cha Phạm Thanh Bình từ Sapa đến làm mục vụ tại tỉnh Lai Châu và Điện Biên một năm đôi ba lần.
Trưa thứ bảy, 29.11.2014, tôi cùng cha Nguyễn Văn Thành, quản xứ Lào Cai, cha Phạm Thanh Bình, quản xứ Sapa kiêm Lai Châu và Điện Biên, đáp máy bay từ phi trường Nội Bài đến Điện Biên. Nếu đi bằng đường bộ từ Sơn Tây đến đây, khoảng cách chừng 500 cây số, phải mất 1 ngày. Sáng hôm đó lại có lễ khấn dòng của các nữ tu Mến Thánh Giá Hưng Hóa. Lễ xong, nếu có đi ngay, cũng không kịp để dâng lễ khai mạc Năm Phụng vụ cho cộng đoàn Điện Biên. Hơn nữa, nếu chọn máy bay thì lợi mọi bề: chi phí rẻ hơn, đỡ mất thời gian hơn, lại an toàn và ít mệt hơn đi xe. Chuyến bay chỉ mất gần một tiếng đồng hồ, thong thả để chúng tôi cử hành lễ tối tại Bản Phủ, cách thành phố Điện Biên 10 cây số.
Những ngày tiếp theo, chúng tôi đi thăm và dâng lễ tại các giáo điểm Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Nậm Pồ và Mường Nhé. Số giáo dân tại các giáo điểm trong tỉnh Điện Biên hiện nay là 2.200 người. Trong những thập niên 60, 70, 90 của thế kỷ trước, người dân từ các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam đã rời nơi chôn nhau cắt rốn lên đây lập nghiệp. Do không linh mục, không bí tích, không nhà thờ, không cộng đoàn, nên nhiều người đã lơ là, nguội lạnh. Chúng tôi chưa thể biết được con số chính xác là bao nhiêu, nhưng cũng phải đến hàng ngàn. Tại huyện Mường Nhé và Nậm Pồ, nằm sát biên giới Lào -Việt-Hoa, có 1.400 giáo dân H’Mông từ Sapa hoặc Giàng La Pán (Yên Bái) đến sinh sống cách đây cũng vài chục năm. Họ ở trong rừng sâu, trên núi cao, đường đi khó khăn, bị thiếu thốn thua thiệt mọi bề, nhất là về tôn giáo. Dầu vậy, họ thật đáng ngưỡng phục vì vẫn giữ vững đức tin. Họ dạy giáo lý cho nhau, rửa tội cho con cái và chỉ có thể tham dự Thánh lễ qua đài Chân Lý Á Châu. Những đôi hôn phối phải đưa nhau đến Điện Biên hoặc Sapa (gần 500 cây số) để được kết hôn theo phép đạo… Hiện có gần 100 dự tòng đang mong mỏi được lãnh nhận các bí tích Khai tâm mà vẫn chưa được, chỉ vì không có linh mục đến với họ. Tòa Giám Mục Hưng Hóa đã bốn lần gửi văn thư đề nghị chính quyền công nhận đạo, để sẽ thành lập giáo xứ, giáo họ, nhưng vẫn chưa được chấp thuận. Anh chị em kitô hữu ở đây vẫn phải sống mùa Vọng kéo dài từ mấy chục năm nay !
Tôi cảm động biết bao khi đến được với anh chị em H’Mông trong chuyến đi này. Sáng ngày thứ ba, 02.12.2014, chúng tôi khởi hành từ thành phố Điện Biên rất sớm, vượt đoạn đường dài hơn 200 cây số, để đặt chân đến bản Huổi Thủng 1, xã Na Cô Sa lúc 2g30 chiều. Khi đến nơi, chúng tôi vui mừng và ngạc nhiên khi thấy rất đông bà con, khoảng 500-600 người, đã chờ sẵn, chắc là phải từ trước trưa, chẳng biết có hạt cơm nào bỏ bụng không. Có những em bé đi chân không, chẳng mặc quần, mặt mũi lấm lem, có những người lớn gầy còm, đen đúa vì lao động, trong bộ y phục đặc trưng của người H’Mông. Dù vậy, trên khuôn mặt mọi người đều rạng rỡ nụ cười hiền hòa, sung sướng vì lần đầu tiên được gặp giám mục của mình. Họ tò mò hỏi nhau: “Giám mục nó là ai, nó như thế nào ?”
Vì không có thời gian để giải tội cá nhân, chúng tôi quyết định giải tội tập thể, để họ được rước Chúa trong Thánh lễ đã khát khao mong đợi từ nhiều năm nay. Chúng tôi dâng lễ ngoài trời vì chẳng có nhà đủ rộng để chứa. Bạn hãy hình dung Thánh lễ chiều hôm đó, một Thánh lễ đơn sơ nhưng đong đầy linh thiêng giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa cao cả và con người hèn mọn, giữa lời ca tiếng hát H’Mông-Việt xen lẫn, vút cao, phủ kín một khoảng không gian Huổi Thủng 1. Tôi thật sự xúc động trước lòng thành của những người anh em nghèo khó và khốn khổ này. Và tôi tự nhủ phải trở lại đây để đem niềm vui Giáng Sinh cho họ. Cuối Thánh lễ, khi tôi hỏi: “Anh chị em có muốn Giáng Sinh này tôi lại đến dâng Thánh lễ với anh chị em không ?”, họ đã vỗ tay rào rào và miệng hô to: “Có. Có.Có !”
Tối hôm đó, trên đường về thị trấn Mường Nhé, tôi miên man suy nghĩ: Lúc này, ở khắp nơi trên thế giới, người người bắt đầu chuẩn bị đón lễ Giáng Sinh với bao hăm hở, nào trang hoàng đèn đóm, làm máng cỏ thật hoành tráng, gửi thiệp chúc nhau, nào tặng những món quà đắt tiền, sắp đặt những bữa tiệc linh đình. Ở các thành phố lớn, người ta vung tiền làm những thảm đèn dây chăng ngang dọc đường phố, lấp lánh thâu đêm. Còn ở đây, nơi rẻo cao Tây Bắc này, có những con người khốn khổ cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nhà không đủ ấm để chống chọi với cái rét cắt da cắt thịt của mùa đông, chẳng dám nghĩ đến niềm vui Giáng Sinh, dù chỉ nho nhỏ, như anh chị em ở những nơi kia, trên cùng mảnh đất hình cong chữ S. Họ nào biết đến thiệp mừng, quà tặng, tiệc tùng, đèn giăng như mắc cửi, mà chỉ biết đói rét, tối tăm, nhọc nhằn !
Tôi nghĩ giá những người đang được may mắn hưởng niềm vui Giáng Sinh kia biết dành một ít phút để tưởng nghĩ và cầu nguyện cho những anh em khốn khó ở vùng cao Tây Bắc này, cũng như biết sẵn sàng chia sớt một chút những món tiền mà họ dự định sẽ chi tiêu cho mùa lễ năm nay, thì niềm vui Giáng Sinh hẳn sẽ tràn đầy và ý nghĩa biết bao !
Tôi còn nghĩ thêm rằng giả như Chúa giáng sinh lần nữa, phải chăng Ngài sẽ làm như thế này, là không chọn sinh ra trong những thành phố lớn đang từng bừng mừng đón lễ Giáng Sinh, nhưng tiếc thay, chỉ như một lễ hội dân gian quốc tế, vì đã đánh mất tính cách thiêng thánh của mầu nhiệm Nhập Thể, mà Ngài sẽ chọn giáng trần tại bản Huổi Thủng 1 nhỏ bé, không ai biết đến, giữa những người H’Mông chất phác, đơn sơ, hiền hòa, cam chịu mọi thua thiệt của thân phận nghèo hèn.
Tưởng nghĩ thế thôi, không ngờ cách đây năm hôm, khi tôi đến với giáo xứ Lào Cai trong chuyến mục vụ thứ hai của mùa Vọng, cha Thành đã kêu gọi giáo dân chung tay góp sức để làm quà Giáng sinh cho anh chị em H’Mông ở Huổi Thủng 1, và thế là mọi người, từ em bé đến cụ già, vui vẻ ấn vào tay chúng tôi những tấm giấy bạc. Kết quả thật ngoài sự mong ước. Tôi lại cảm động nhận ra ở đây những tấm lòng kitô hữu đích thật.
Và tôi lại tưởng tượng, lễ Giáng Sinh năm nay, những anh em tín hữu Lào Cai sẽ là những mục đồng và hiền sĩ vượt đêm đông, đường xa vạn dặm, theo ánh sao đến bái lạy Chúa ở bản Huổi Thủng, xa tít tắp trên tỉnh Điện Biên.
Cám ơn anh chị em H’Mông và Lào Cai đã cho tôi những tâm tình để sống mùa Vọng này cách thiết thực. Ấm áp thay, và cũng an ủi thay cho Chúa Hài Đồng !
Giám mục Phụ tá Giáo phận Hưng Hóa
Cùng với Giáo Hội trên khắp hoàn cầu hân hoan mừng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, ngày 08.12.2014, Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức tổ chức khai mạc Năm Đời Sống Thánh Hiến và mừng sinh nhật lần thứ 49 của Hội Dòng.
Từ chiều ngày 07.12.2014, Đức cha Giuse Trần Văn Toản, Giám mục giáo phận Long Xuyên đã đến thăm, tham dự giờ kinh chiều và Chầu Thánh Thể cùng với toàn thể chị em.
Sau khi dùng bữa ăn tối hiệp thông niềm vui mừng Sinh nhật với Hội Dòng, ngài chia sẻ với cộng đoàn về Ơn Gọi Thánh Hiến vì Sứ Vụ – một đề tài rất thiết thực giúp chị em bước vào năm Đời Sống Thánh Hiến với tinh thần sẵn sàng, ý thức hơn về căn tính và ơn gọi của mình cũng như khơi dậy lòng yêu mến của từng chị em.
Sáng ngày 08.12.2014, Thánh Lễ long trọng do Đức Cha và Tân linh mục Giuse Nguyễn Phát Triển SVD hiệp dâng để tạ ơn Thiên Chúa cùng với Hội Dòng. Trong bài giảng. Đức cha mời gọi cộng đoàn phụng vụ nhìn về mẫu gương Mẹ Maria. Từ đời đời Mẹ được Thiên Chúa tuyển chọn, được huấn luyện, được thánh hiến và được sai đi, và Mẹ đã chu toàn sứ vụ của mình cách trọn vẹn. Đức cha khích lệ chị em hãy suy tư về ơn gọi huyền nhiệm của mình, chiêm ngắm Chúa Giêsu trên thánh giá để học tập nơi Người phương cách biểu lộ tình yêu cứu độ dành cho nhân loại. Đức cha cũng mời gọi chị em nhìn lại đôi tay hy hiến của mình và cố gắng trở nên đồng hình đồng dạng với đôi tay yêu thương và trao ban của Chúa Giêsu-Kitô Chịu-Đóng-Đinh, qua ơn gọi và sứ vụ mà Chúa trao cho từng chị em.
Cuối Thánh lễ, Đức cha cùng đọc Kinh Năm Thánh với cộng đoàn. Dì tổng phụ trách Anna Phạm Thị Khấn đại diện chị em nói lên tâm tình cảm ơn, ước mong và quyết tâm của chị em trong năm Đời Sống Thánh Hiến. Sau đó Đức cha làm phép tượng đài Đức Mẹ và thánh Giuse mới được xây dựng trong khuôn viên Hội Dòng.
Lạy Mẹ Maria, Hội Dòng chúng con đã tròn 49 năm với biết bao ơn lành Thiên Chúa ban tặng, chúng con xin Mẹ cùng với chúng con dâng lên Thiên Chúa niềm tri ân cảm tạ. Nguyện xin Mẹ tiếp tục đồng hành với chúng con trong ơn gọi huyền nhiệm và sứ vụ mà Chúa đã trao ban cho từng nữ tu của Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức chúng con, để chúng con không ngừng loan báo tin vui cho mọi anh chị em chúng con đang phục vụ.
MếnThánh Giá Thủ Đức
Trong bầu khí rộn ràng của Mùa Vọng đón chờ Chúa Hài Nhi với những hang đá dần thành hình, chiều ngày 09-12-2014, toàn thể anh em đại chủng sinh Qui Nhơn đang tu học tại Đại chủng viện Sao Biển đã họp mặt định kỳ hàng tháng. Dù đây là một việc không buộc tại Đại chủng viện nhưng thật có lợi cho anh em khi biết tận dụng nó, nhất là trong điều kiện có sự hiện diện của Cha Đồng hành Anrê.
Mở đầu buổi họp, thầy Trưởng đại diện đã chuyển những lời nhắc nhở của Đức cha Matthêô, của Cha Giám đốc chủng viện Qui Nhơn Giuse về đời sống của anh em chủng sinh tại Đại chủng viện cũng như những chương trình của giáo phận trong những dịp hè, Tết.
Kế đó, thông qua tổ chức của chủng sinh đoàn Qui Nhơn, cụ thể như sau:
- Trưởng: Thầy Philipphê Phan Quốc Dũng (Thần học 3).
- Phó kiêm thủ quỹ: Thầy Phaolô Nguyễn Anh Quốc (Thần học 3).
- Ban thư ký:
1. Thầy Simon-Phêrô Võ Hoàng Sâm (Thần học 3),
2. Thầy Tôma Nguyễn Văn Điền (Thần học 3),
3. Thầy Giuse Trần Hoàng Thiện (Thần học 3).
– Phụng vụ: Thầy Giuse Nguyễn Minh Đạt (Thần học 3).
– Mỗi lớp có một thầy Trưởng đại diện lớp đó (thầy lớn tuổi nhất).
Tiếp theo, quý thầy Trưởng đại diện của mỗi lớp báo tình hình anh em của lớp mình trong thời gian qua, những mặt tích cực cũng như những điểm cần khắc phục trong thời gian tới. Sau khi lắng nghe những trình bày của quý thầy, Cha Đồng hành đã có những lời khen ngợi, khích lệ những cố gắng của anh em chủng sinh, đồng thời nhắc nhở một số điều về đời sống chung tại Đại chủng viện. Qui Nhơn có những nét đẹp riêng của mình và hãy giữ nó trong sự hoà đồng với những anh em giáo phận khác. Cha cũng vui mừng và phấn khởi chia sẻ thêm những thông tin mục vụ của giáo phận, qua đó ngài kêu gọi anh em hãy học tập, bắt chước Đức cha Giáo phận, một tấm gương nhiệt thành, miệt mài trong đời sống mục vụ và tri thức.
Buổi họp kết thúc với lời kinh cảm tạ ơn Chúa. Những đôi chân tiến bước về nhà ăn thật nhẹ nhàng trong thinh lặng khi tiếng chuông báo hiệu giờ cơm tối vừa vang lên.
Ban thư ký chủng sinh GPQN
Chương trình sinh hoạt ngày khai mạc Năm Đời Sống Thánh Hiến tại Nhà Thờ Chánh Tòa Phú Cường ngày thứ bảy 6/12/2014:
• 7 giờ 30: Đón tiếp Quý Cha, Quý Tu sĩ (nhận tài liệu).
• 8 giờ:00: Hồi tâm, ôn hát, xưng tội.
• 8 giờ 30: Chia sẻ đề tài: Giáo huấn của Giáo Hội vè đời sống Thánh hiến và sứ vụ.
• 9 giơ 00: Nghỉ giải lao.
• 9 giờ 15: Thảo luận nhóm theo Giáo hạt.
• 10 giờ 00: Đúc kết (báo cáo nhóm), sinh hoạt chung.
• 10 giờ 15: Đức Cha Giuse gặp gỡ chia sẻ.
• 11 giờ 30: Thánh lễ khai mạc Năm Đời Sống Thánh Hiến.
(Sau khai mạc. có nghi thức khai mạc Năm Tân Phúc Âm Hóa Gia Đình con cái Thiên Chúa.
Cơm trưa, bế mạc).
Về tham dự sinh hoạt có khoảng 600 quý cha, quý tu sĩ nam nữ dòng và triều cùng nhiều chủng sinh.
Linh mục Đặc trách Tu sĩ Giáo phận, Cha Giuse Phan Trọng Quang chia sẻ Tông thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi tất cả các người Thánh hiến, dịp cử hành Năm của Đời Sống Thánh hiến. Theo đó:
- Những mục tiêu cho Năm Đời Sống Thánh hiến.
- Các mong chờ của Năm Đời sống Thánh hiến.
- Các viễn tượng của Năm Đời sống Thánh hiến.
Sau phần nghỉ giải lao là phần thảo luận theo nhóm hạt.
Có bảy giáo hạt chia làm bảy địa điểm khác nhau.
Các nhóm thảo luận:
Mỗi tháng các nhóm sinh hoạt một lần vào địa điểm đã chọn.
Ủy ban tu sĩ sẽ gửi đến các dòng tu, tu hội, và các cộng đoàn mẫu gợi ý vàocác cuộc tĩnh tâm.
Cộng đoàn tu sĩ hân hoan chào mừng Đức Cha Giuse với tiếng vỗ tay và nét mặt vui tươi. Điều này, khiến Đức Cha vô cùng cảm kích vì vui tươi là hạnh phúc, vui tươi là Thiên đàng.
Trong phần chia sẻ, Đức Cha Giuse kêu gọi giới tu sĩ hãy sống thật với những gì mình đã chọn. Vì nếu sống không thật với mình thì đời sống thật vô ích. Đức Cha đưa ra hình ảnh những người không phải là tu sĩ, nhưng họ có cuộc sống đạo đức,có thể là thánh thiện nữa.
Ân xá trong Năm Đời sống Thánh hiến.
Những nhà thờ sau đây được hưởng ân xá khi viếng:
Hạt Phú Cường: Nhà thờ chánh tòa. Nhà thờ Lái Thiêu.
Hạt Củ Chi: Nhà thờ Tân Thông. Dòng Mẹ Nhân Ái.
Hạt Bến Cát: Nhà thờ Lai Uyên.
Hạt Tây Ninh: Nhà thờ Tây Ninh. Nhà thờ Cao Xá.
Hạt Phước Thành: Nhà thờ Phước Vĩnh.
Hạt Lạc An: Nhà thờ Mỹ Vân.
Hạt Bình Long: Nhà thờ Bình Long.
Gần cuối lễ, Đức Cha Giuse đã làm phép Thánh Giá Chúa. Thánh Giá Chúa là đau khổ, là hy sinh, là chịu đựng. Theo Chúa là chấp nhận khổ đau.
Đức Cha trao Thánh Giá cho đại diện các giáo hạt.
Làm phép nến, và trao nến cho các đại diện các giáo hạt.
Nến biểu tượng cho ánh sáng, cho sự sống.
Thánh lễ kết thúc lúc 1 giờ 10 trưa trong nắng dịu. Đức Cha cùng cộng đoàn liên tu sĩ chụp hình lưu niêm ở tiền sảnh nhà thờ.
Tôma Đỗ Lộc Sơn
Sáng nay Chúa Nhật, ngày 07/12/2014 giáo xứ Hội Nghĩa như ngày hội vì niềm vui sau gần 40 năm biết bao nhiêu bà con giáo dân sau năm 1975 đi kinh tế mới vùng Tân Uyên có một nơi thờ phượng. Hôm nay lễ đặt viên đá đầu tiên do Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước, giám mục Phú Cường chủ sự, ngoài ra còn có sự hiện diện của cha Tổng đại diện Phú Cường Micae Lê Văn Khâm, cha quản hạt Lạc An, các cha xa gần trong khu vực, đông đảo tu sỹ nam nữ và bà con giáo dân, ân nhân xa gần.
Tối hôm trước cơn mưa cuối mùa như tẩy rửa đi những bụi trần khắc khoải, vì Hội Nghĩa đã được cưu mang từ năm 1992 khi đó Cha Giám Quản Micae Lê Văn Khâm mua miếng đất này để làm nơi sinh hoạt và làm Nhà thờ cho bà con giáo dân trong khu vực, nhưng tình hình chung lúc đó không thuận lợi, nay cái Nghĩa đã Hội lại nơi mảnh đất này sau 21 năm, với niềm tin tưởng phó thác cậy trông vào Thiên Chúa và nhờ lời cầu bầu của Đức Mẹ La Vang, Mẹ giáo hội Việt Nam, nên nhà thờ cũng dâng kính cho Mẹ La Vang.
Cũng phải ghi nhận công lao to lớn mà Đức cha Phê rô Trần đình Tứ khả kính đã dày công vun đắp tiến hành những thủ tục để Hội Nghĩa được hình thành, và Đức cha Giuse khi bổ nhiệm cha Giuse Nguyễn Khắc Hoài về làm cha xứ cũng đã hoàn thiện những thủ tục cần thiết để hôm nay đặt viên đá đầu tiên.
Ước mong giáo xứ Hội Nghĩa có nơi thờ phượng khang trang, xứng tầm với nhu cầu của khu vực đang phát triển về nhiều mặt với những khu công nghiệp hứa hẹn một sự phát triển không ngừng về đời sống tinh thần và vật chất.
VRNs (10.12.2014) – Sài Gòn – Lúc 6h00 sáng thứ Ba ngày 9/12 vừa qua, các tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) đã hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện cho cha Louis Nguyễn Văn Qui, sau khi tro cốt của ngài được đưa về Việt Nam một hôm trước đó.
Chủ tế thánh lễ cầu nguyện cho cha Louis là cha Giám tỉnh DCCT VN Vinhsơn Phạm Trung Thành, cùng đồng tế với ngài có gần 30 linh mục, và khá đông người tham dự bao gồm các tu sĩ, các anh chị em thuộc Gia đình Anphong, các tín hữu và thân nhân của cha Louis.
Cha Louis Nguyễn Văn Qui qua đời hôm 29/10 vừa qua, ở tuổi 91 tại Ermont, Pháp, sau 67 năm khấn dòng, 62 năm linh mục và 50 năm chăm lo phục vụ người nghèo qua các trẻ em Bụi đời.
Sau khi được hỏa táng hôm 3/11 tại Pháp, tro cốt của cha Louis được đưa về DCCT tại Sài Gòn vào trưa ngày 8/12, thể theo mong ước của chính cha Louis, của Cha Giám Tỉnh DCCT VN và thân bằng quyến thuộc, thiêng liêng cũng như huyết tộc.
Lúc 19h00 cùng ngày sau lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, tro của ngài được rước từ phòng khách Tu viện sang nhà thờ và được đặt tại đây một đêm, do con cái thiêng liêng của ngài thuộc Gia đình Anphong bụi đời muốn canh thức cùng ngài.
Cha Louis đã có 15 năm sống chung với các em bụi đời và những bà con xấu số tại Việt Nam, kể từ khi ngài thành lập Gia đình An Phong tại Vũng Tàu vào năm 1963 đến năm 1978.
Khi qua Pháp năm 1978, ngài tiếp tục đón nhận và nuôi dưỡng anh chị em vô gia cư từ năm 1978 cho đến khi qua đời.
Nhận định trong bài giảng lễ hôm 9/12, cha Giuse Lê Quang Uy nói, cha Louis khi tiếp nhận những anh chị em bụi đời thuộc Gia đình Anphong đã cho họ “nếm thử trước, cảm nhận trước được cái ấm áp, cái yêu thương của nhà Cha trên trời.”
Cha Giuse tiếp tục nhắc lại sự phát triển của Gia đình Anphong, ban đầu chỉ có 8 em đánh giày do cha Louis nhận nuôi ở Vũng Tàu cho đến thời điểm 30/4/1975, thì Gia đình có ‘hơn 300 em bụi đời, hơn 100 ông bà gia đình nghèo, hơn 100 em bé cô nhi’.
Trải qua bao nhiêu biến cố, cha Giuse dẫn lời cha Louis nói ‘việc của Chúa làm bao giờ cũng lạ lùng.’
Cha Giuse nhận xét tiếp, cha Louis không chỉ sống tôn chỉ “tôn trọng tự do và yêu thương lẫn nhau” ở Việt Nam mà ngài còn đem điều đó sang nhà tế bần mà ngài thiết lập ở Pháp, “để tất cả những ai sống trong ngôi nhà ấy đều cảm nghiệm được thế nào là tự do, là yêu thương của nước Trời.”
Thánh lễ cầu nguyện cho cha Louis kết thúc lúc 7 giờ. Sau đó tro cốt của ngài được đưa vào nhà hài cốt của tu viện.
Theo văn phòng tỉnh DCCT VN ghi nhận, khi còn sinh thời, cha Louis chia sẻ cảm nghĩ về đời sống Tu sĩ DCCT như sau: “Noi gương Chúa Cứu Thế, đi tìm chiên lạc (linh hồn tất bạt) và ăn nói, đối xử làm sao (thương làm sao) để những anh chị em đó tự ý mình, dùng tự do của mình để trở về với Thầy Chí Thánh, Vua Tình Thương.”
“Không có cách nào có kết quả hơn ‘thí mạng mình vì người mình thương’. Thánh Anphongsô dạy Thầy giữ cửa: Phải ăn nói đối xử làm sao (khi cho cũng như khi không cho) để người nghèo đến với Thầy, ra đi mà không buồn.”
Cha LOUIS NGUYỄN VĂN QUI
Sinh ngày 21.05.1923, tại Gia Định, Sài Gòn.
Gia nhập Đệ tử DCCT năm 1942 tại Huế
Khấn lần đầu ngày 27.10.1947 tại Hà Nội
Học tại học viện DCCT tại Hà Nội và Đà Lạt năm 1947 – 1951
Nhận sứ vụ Linh mục ngày 20.07.1952
1953-1956: Giáo sư Đệ tử viện DCCT và Tuyên uý phong trào Hùng Tâm tại Huế
1956-1964: Phó Giám đốc kiêm Giáo sư Đệ tử viện DCCT Vũng Tàu, Phụ tá Bề trên kiêm quản lý DCCT Vũng Tàu
1963-1978: Thành lập Gia đình An Phong tại Vũng Tàu, sống chung với các em Bụi đời và những bà con xấu số
Qua Pháp năm 1978, tiếp tục đón nhận và nuôi dưỡng anh chị em vô gia cư từ năm 1978-2014.
Đã an nghỉ trong Chúa lúc 8g00, ngày 29 tháng 10 năm 2014 tại Ermont – France sau 91 năm làm con Chúa trên trần gian, 67 năm khấn dòng, 62 năm linh mục và 50 năm chăm lo phục vụ người nghèo qua các trẻ em Bụi đời.
Khi còn sinh thời, cha Louis chia sẻ cảm nghĩ về đời sống Tu sĩ DCCT như sau: “Noi gương Chúa Cứu Thế, đi tìm chiên lạc (linh hồn tất bạt) và ăn nói, đối xử làm sao (THƯƠNG làm sao) để những anh chị em đó tự ý mình, dùng tự do của mình để trở về với Thầy Chí Thánh, Vua Tình Thương. Không có cách nào có kết quả hơn “thí mạng mình vì người mình thương”. Thánh Anphongsô dạy Thầy giữ cửa: Phải ăn nói đối xử làm sao (khi cho cũng như khi không cho) để người nghèo đến với Thầy, ra đi mà không buồn.”
Nguồn: DCCT
Trong những ngày vừa qua tôi được ở Hải Phòng và được tham dự chương trình Vòng tay nhân ái hưởng ứng ngày thế giới phòng chống HIV-AIDS của Caritas giáo phận Hải Phòng.
Bắt đầu từ 12g30 ngày 8/12, miền Bắc đang trong đợt nắng nóng. Cái nắng chói chang của mùa đông và mồ hôi mồ kê nhã nhượi, nhưng trên gương mặt của 500 anh chị em có H tham gia hôm nay cùng với rất đông khách mời của Caritas Hải Phòng như: phái đoàn Caritas Việt Nam, Caritas các giáo phận đang hoạt động trong chương trình phòng chống HIV/ AIDS như Vinh, Phú Cường, Long Xuyên…
Từ ngoài cổng giáo xứ An Hải người ta đã nhìn thấy các băng rôn, áp phích cùng với 11 gian hàng của các nhóm: Khát Vọng Sống, Trường Sơn Xanh, Cỏ Ba Lá, Nắng Mai, Sống Tích Cực, Hoa Trinh Nữ, Cát Trắng, Vòng Tay Bè Bạn, Hoa Hải Đường và Nồi Cháo Bác Ái, Vay Vốn…Các nhóm giới thiệu về những hoạt động, hình ảnh poster và sản phẩm của nhóm mình trên những tấm băng rôn in khổ lớn và những sản phẩm do nhóm làm ra. Cũng có thuyết trình, cũng có chấm điểm thật hào hứng.
Cha G.B Vũ Văn Kiện cho biết Caritas Hải Phòng hiện nay đang giúp khoảng 6 ngàn người có H tại Hải Dương, Quảng Ninh và Hải Phòng tuy nhiên vì sức chứa của nơi tổ chức có hạn và chưa có đủ nhân lực nên hôm nay chỉ mời đại diện nhóm mà con số đã lên đến 500 người.
Các nhóm tham gia phần thi khéo tay hay làm với phần thi cắm hoa. Bốn anh chị em được tổ phân công lên cắm hoa, ai cũng muốn bình hoa của mình diễn tả hết cái rực rỡ của nó. Tiếp đến là phần thi vượt lên chính mình qua việc thi rán bánh rán( bánh cam). Bột, nhân, bếp, dầu, chảo, đũa đều do ban tổ chức chuẩn bị cho các tổ như nhau. Phần thi này khá hào hứng vì sản phẩm sẽ được khan giả ủng hộ nhiệt tình. Không chỉ có thí sinh hồi hộp mà khán giả cũng hồi hộp không kém vì mình sẽ được thưởng thức các loại sản phẩm của các tổ.
Tuy nhiên phần thi làm cho tôi hào hứng và cảm động nhất là phần thi Rung chuông vàng về kiến thức HIV. Tôi quan sát thấy các anh chị em tham dự nhiệt tình dù trời nắng nóng, dù ngồi thi giống như các em cấp một xếp hàng ngồi giữa sân, mỗi người được phát cho một cái bảng con, một viên phấn và một miếng vải để lau bảng. Mỗi câu hỏi được đọc lên là lúc tôi nghe được tiếng phấn viết rột roạt trên bảng, gương mặt của ai cũng chăm chú. Tôi quan sát hai cô gái trước mặt mình. Họ ấn tượng vì cô gái ngồi sau với hàng răng đen và giống như mòn đi vì thiếu vôi, cô nói miệng móm mém khi nhắc bài cho bạn trong khi đó tay cô cầm điếu thuốc rít liên tục. Vậy mà cô trả lời hầu như đúng gần hết các câu hỏi về kiến thức HIV. Tôi ấn tượng một cô gái khác, người nhỏ thó nhưng có nhiều vết xăm trên tay, miệng luôn cười tươi, cô ngồi dự thi với một đứa con trên tay…tôi thấy cô vô tư và đáng yêu đến lạ. Tôi chú ý đến những người thanh niên khác, nhìn họ hầm hố, có lẽ đã ngang dọc một thời… nhưng hôm nay và lúc này tôi thấy họ đáng yêu quá. Vượt lên chính mình, họ đã qua được những mặc cảm tự ti để bước vào cuộc đời với lòng tự tin và quay sang giúp đỡ những anh chị em đang có H bằng những công việc truyền thông, bằng sự giúp đỡ chân tình, bằng những hoạt động riêng lẻ hay của nhóm.
Chương trình thành công hay không tôi cũng không biết, có lẽ thành công không chỉ đánh dấu bằng số người tham dự nhưng sự thành công của Caritas Hải Phòng là đã quy tụ được các nhóm làm việc cùng nhau và giúp nhau trở nên thân thiết gần gũi như anh em một nhà.
Sau đó là thánh lễ đặc biệt do Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên chủ tế, được biết Cha GB Vũ Văn Kiện, Giám Đốc Caritas Hải Phòng hôm nay cũng mừng lễ tạ ơn 9 năm linh mục của ngài. Và mỗi năm vào dịp này Cha đều tổ chức cho anh chị em có H, những phần quà mừng đều xin dành cho anh chị kém may mắn là những bao gạo và những tấm chăn dành cho mùa đông. Không hoa, chẳng quà…tất cả là tình thương mến dành cho người nghèo. Trong phần dâng của lễ, có lẽ mọi người đều ấn tượng với những của lễ độc nhất vô nhị của Caritas Hải Phòng, đó là những hoạt động của Caritas Hải Phòng đã và đang thi hành làm bằng mô hình xốp: người ngồi trên xe lăn, căn nhà tình nghĩa, quyển vở và cây bút là quỹ học bổng, tô cháo, hình một gia đình đầy đủ cha mẹ và con cái tượng trưng cho bảo vệ sự sống…
Sau thánh lễ là phần văn nghệ, tôi ấn tượng với vở múa Xóm lụa ven đô của hai cô bé song sinh Bầu-Bí. Trong khi xem trình diễn tôi được biết thêm thông tin về hai em: Mẹ của em nhiễm H, chị đã muốn quyên sinh khi đã nấu nồi cháo và cho thuốc vào, nhưng lại kịp dừng lại vì nghĩ đến hai đứa con gái. Trong hai em sinh đôi, một em có H. Trong những động tác múa của hai em, tôi thấy có một điều gì đó như bức xúc, muốn phá cách, muốn tung mình ra khỏi một cái gì đó vướng bận, những động tác dứt khoát và đẹp của hai em đã cuốn hút người xem. Tôi cũng thích nhạc kịch của ba mẹ con chị trình diễn. Lời ru con của chị nghe da diết, thu hết hồn khán giả….và những tiết mục khác được nhiều ca sĩ diễn viên trình bày dù chuyên nghiệp nhưng không lột tả hết những u uất, những khắc khoải, nhưng ưu tư, những thăng trầm và những khát khao vươn lên sống như mẹ con của chị.
Tạ ơn Chúa đã cho mọi người một ngày để cảm nhận được sức sống của các nhóm, các tổ chức xã hội, các hội đoàn đạo đức và quý ân nhân chung tay trong công việc bác ái và phòng chống HIV/AIDS. Sự kiện này là một lời mời gọi mọi người giảm thiểu kỳ thị và phân biệt đối xử với người có H. Tạ ơn Chúa đã cho anh chị em có H và gia đình của họ có được một sân chơi bổ ích, để đến hẹn lại lên, anh em lúc ra về lại hẹn nhau sang năm bằng giờ này gặp nhau và cùng chia cho nhau những cái bắt tay, những nụ cười và sự cảm thông giữa cuộc đời bao la này.
Nt. Maria Nguyễn Thị Minh Du
Linh mục là món quà quý giá Thiên Chúa trao tặng nhân loại. Trung thành với thiên chức và ơn gọi Linh mục là món qùa nhân loại dâng tặng lại Thiên Chúa.
Hôm nay 10.12.2014, Giáo Phận Phan Thiết tổ chức lễ phong chức Linh mục cho 16 Thầy Phó tế tại Nhà thờ Chính toà.
Thánh lễ do Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống chủ tế; đồng tế với ngài có cha Niên trưởng, quý cha Hạt trưởng, Đan viện phụ Châu thủy, cha Phó Giám đốc ĐCV Thánh Giuse Xuân Lộc, cha Giám đốc Chủng viện Nicôla Phan thiết, và khoảng 150 Linh mục trong và ngoài giáo phận. Các tu sĩ nam nữ, thân nhân, ân nhân của các tiến chức chung lời tạ ơn và hiệp thông cầu nguyện.
Đức Cha Giuse ban huấn từ.
Anh chị em thân mến, vì những Thầy này là con cái chúng tôi và là thân nhân bạn hữu của anh chị em sắp được cất nhắc lên chức linh mục, xin anh chị em hãy chú ý nhận định xem các Thầy sắp lãnh nhận thừa tác vụ nào trong Hội Thánh.
Thật ra, toàn thể dân thánh Chúa đều thực hiện chức tư tế vương giả trong Đức Kitô. Tuy nhiên, chính Vị Thượng tế chúng ta là Đức Giêsu Kitô, đã chọn một số môn đệ để nhân danh Người chính thức thi hành nhiệm vụ tư tế trong Hội Thánh thay cho nhân loại. Vì được Chúa Cha sai đi, chính Người đã sai các tông đồ đi khắp thế gian, để nhờ các ngài và những Giám mục kế vị các ngài, mà luôn luôn hoàn tất nhiệm vụ là thầy, là tư tế và mục tử. Còn các Linh mục là những người được kêu mời hợp tác với hàng Giám mục trong nhiệm vụ tư tế để phục vụ dân Thiên Chúa, trở thành cộng tác viên của hàng Giám mục.
Sau khi cân nhắc cẩn thận, chúng tôi thấy những anh em này đáng được phong lên chức linh mục, để phục vụ Chúa Kitô là Thầy, là Tư tế, là Mục Tử và là Đấng làm cho Hội Thánh, Nhiệm thể Người được thành hình và phát triển, để trở nên dân Thiên Chúa và Đền Thánh. Vì phải nên giống Đức Kitô Vị Thượng Tế muôn đời, phải liên kết với chức tư tế của Giám mục, các Thầy sẽ được thánh hiến thành tư tế thật sự của Tân Ước, để rao giảng Phúc Âm, chăn dắt dân Thiên Chúa và cử hành việc phụng tự, nhất là trong thánh lễ.
Còn các con thân mến! Các con sắp lên chức linh mục, các con sẽ thi hành nhiệm vụ giảng huấn trong Chúa Kitô là Thầy chúng ta. Các con đã vui mừng lãnh nhận Lời Chúa, các con hãy đem ra phân phát cho mọi người. Khi suy gẫm luật Chúa, các con tin và thi hành điều các con đọc, dạy điều các con tin và thi hành điều các con dạy. Vậy giáo lý các con phải nên lương thực nuôi dân Thiên Chúa, hương thơm đời sống các con phải nên niềm vui cho các tín hữu Đức Kitô, để lời nói và gương lành của các con xây dựng Nhà Thiên Chúa là Hội Thánh. Các con cũng phải thi hành nhiệm vụ thánh hóa trong Đức Kitô, vì chưng thừa tác vụ các con sẽ giúp hoàn thành lễ tế thiêng liêng của tín hữu, hiệp cùng lễ tế của Đức Kitô mà tay các con dâng tiến khi cử hành lễ tế trên bàn thờ. Vậy các con phải ý thức việc các con làm, phải noi theo điều các con thực hiện, nghĩa là khi cử hành mầu nhiệm Chúa chịu chết và sống lại, các con cố gắng chế ngự thân xác khỏi nết xấu và tiến bước trong đời sống mới.
Khi rửa tội quy tụ người ta vào dân Thiên Chúa, khi nhân danh Đức Kitô và Hội Thánh ban phép giải tội, khi xức dầu thánh nâng đỡ bệnh nhân, khi cử hành các nghi lễ thánh, khi dâng lời ca ngợi tạ ơn và cầu nguyện trong các giờ kinh phụng vụ, không những thay cho dân Thiên Chúa mà còn thay cho toàn thế giới: những khi ấy, các con hãy nhớ mình được tuyển chọn giữa loài người, và được nhắc lên thay thế họ để lo những việc thuộc về Thiên Chúa. Vậy các con hãy luôn luôn vui vẻ chu toàn nhiệm vụ của Đức Kitô Thượng Tế trong đức mến chân thật, không tìm kiếm những gì thuộc về mình, nhưng tìm kiếm những gì thuộc về Đức Giêsu Kitô.
Sau hết, khi các con liên kết và vâng phục Giám mục thi hành nhiệm vụ thủ lãnh và mục tử của Đức Kitô, các con hãy cố gắng quy tụ các tín hữu thành một gia đình, để các con có thể hướng dẫn họ đến với Chúa Cha nhờ Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần. Các con hãy luôn luôn ngắm nhìn gương sáng của Mục Tử tốt lành: Người không đến để được phuc vụ, nhưng để phục vụ. Người đến để tìm kiếm và cứu rỗi kẻ hư mất.
Sau phần huấn dụ, các tiến chức phủ phục trước bàn thờ, cộng đoàn cầu nguyện sốt sắng với Kinh Cầu Các Thánh. Tiến chức nằm phủ phục dưới đất với cảm thức sâu xa về “cái bình sành dễ vở” nơi con người của mình.Thân phận con người với những giới hạn của bản thân luôn mỏng dòn, yếu đuối. Nhờ lời chuyển cầu của các Thánh và lời cầu nguyện của cộng đoàn dân Chúa mà tiến chức đón nhận thánh chức Linh mục.
Đi vào phần nghi thức chính yếu nhất, Đức Cha Giuse đã đặt tay lên đầu 16 Phó tế. Với lời nguyện phong chức, các tiến chức đã trở thành Linh mục. Mỗi tân chức mặc áo lễ vàng, rồi đến trước bàn thờ để được ĐGM xức dầu thánh hiến đôi tay và được trao chén thánh. Từng tân chức đón nhận cử chỉ “trao bình an” thân ái từ các giám mục và Linh mục đoàn. Với tư cách là Linh mục các tân chức cùng đồng tế Thánh lễ trong phần Phụng vụ Thánh Thể.
Từ hôm nay, Linh mục đoàn Giáo phận có tổng số 141 vị phục vụ trong cánh đồng truyền giáo.
Phong chức Linh mục vào dịp ngay sau lễ kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Giáo phận muốn dâng các tân Linh mục cho Đức Mẹ, xin Mẹ giữ gìn nâng đỡ, vì Mẹ là mẹ của các Linh mục.
Trong ngày Truyền Tin, Thiên Chúa sai Tổng lãnh Thiên thần Gabriel đến báo tin cho Đức Maria là Chúa muốn chọn Mẹ làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Đây là một biến cố kỳ diệu cao cả. Có thể coi đây là một “Lễ Truyền Chức”.
Nếu gọi đó là một lễ truyền chức, thì lễ truyền chức này cao trọng hơn mọi lễ truyền chức khác. Thế mà, “Lễ Truyền Chức” này đã được thực hiện một cách hết sức âm thầm. Vẻ đẹp của ngày lễ được nhận ra ở thái độ Đức Mẹ tỏ vẻ bối rối ngỡ ngàng. Mẹ nhận mình chỉ là tôi tớ Chúa (x Lc 1,38). Chức cao quyền trọng Chúa trao là ơn hoàn toàn nhưng không. Mẹ chẳng bao giờ dám nghĩ tới. Tâm hồn Mẹ đơn sơ khiêm tốn như một đoá hoa quý ẩn mình trong một đời thường bình dị.
Mẹ đón nhận lời truyền tin với tâm hồn đơn sơ khiêm tốn. Mẹ trả lời Tổng lãnh Thiên thần cũng với tâm hồn khiêm tốn đơn sơ trong sáng “Xin vâng”. “ Xin vâng” là một lời khấn hứa. Mẹ “Xin vâng” với tất cả tâm tình phó thác, hoàn toàn sẵn sàng để Chúa dùng mình vào bất cứ chương trình nào.Thế là “Lễ Truyền Chức’ và “Khấn hứa” đã xong. Rất đơn sơ, rất khiêm nhường. Nhưng lại rất đẹp lòng Chúa. Từ đây một kỷ nguyên mới đã mở ra cho nhân loại.
Sau khi đón nhận hồng ân làm mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Maria đã đi thăm viếng bà Isave. Nếu gọi đây là một dịp Đức Mẹ tạ ơn Chúa, thì “Lễ Tạ Ơn” này rất đơn sơ, rất khiêm nhường.Vừa thấy Đức Mẹ, bà Isave được ơn Chúa soi sáng đã cất tiếng chào và khen ngợi Đức Mẹ vì ơn đặc biệt Chúa đã ban. Đức Mẹ rất xúc động và đã tạ ơn Chúa bằng những lời tán tụng rất đơn sơ khiêm nhường: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,Thần trí tôi hớn hở vui mừng,Vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi.Phận nữ tỳ hèn mọn,Người đoái thương nhìn tới…” (Lc 1,46-48). Đức Mẹ nhìn nhận mình chỉ là nữ tỳ hèn mọn, được Chúa đoái thương nhìn đến.Với thân phận nữ tỳ hèn mọn, Đức Mẹ chỉ biết vâng phục, chỉ biết làm những gì Chúa sai bảo, chỉ biết sẵn sàng thực hành bất cứ sự gì là thánh ý Chúa. Sau lễ tạ ơn này, Đức Mẹ lại tiếp tục sống ơn gọi một cách đơn sơ khiêm nhường với một cuộc sống cầu nguyện âm thầm.
Sau khi Chúa Giêsu trối Thánh Gioan cho Đức Mẹ, thì Mẹ đã trở nên Mẹ của các Linh mục. Lễ tế đời Linh mục là cố gắng sống tinh thần khiêm tốn xin vâng của Đức Mẹ và tinh thần yêu thương phục vụ của Chúa Giêsu.
Linh mục là một hồng ân và là một huyền nhiệm. Là một hồng ân nên cần phải tạ ơn Chúa. Là một huyền nhiệm nên cần phải khám phá và quý trọng. Chúa Giêsu thiết lập chức Linh mục là vì và cho dân Chúa. Chức Linh mục đòi hỏi rất nhiều nơi các Linh mục, trong khi đó bản thân các Linh mục lại rất yếu đuối và giới hạn. Hãy cảm thông và cầu nguyện cho các Linh mục. Hãy cầu nguyện với Đức Mẹ xin cho Giáo Hội có nhiều Linh mục theo gương Chúa Giêsu.
Thánh Gioan tông đồ trong bữa tiệc ly đã để lại hình ảnh rất đẹp: tựa đầu vào ngực Chúa Giêsu. (x.Ga 13,23). Linh mục là người dựa đầu vào trái tim Chúa Giêsu. Theo gương Thánh Gioan, nhiều Linh mục đã dựa lòng mình vào trái tim Chúa Giêsu. Cử chỉ thân mật đó chủ yếu là để đón nhận. Đón nhận ơn sống mật thiết với Chúa, đón nhận ơn bình an của Chúa, đón nhận ơn sống hiện diện trước nhan thánh Chúa.
Xin Đức Mẹ là mẹ của các Linh mục luôn gìn giữ và ban ơn cho các tân chức trong ngày trọng đại này và mãi mãi, để các ngài trở nên một Giêsu thứ hai con của Mẹ. Amen.