Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ

Vatican News
Trong những ngày này, các thành viên của nhóm Mennonite tụ họp tại Zurich, Thuỵ Sĩ để cử hành 500 năm thành lập phong trào Anabaptist, một hệ phái Tin lành Kitô giáo có nguồn gốc ở Friesland vào thế kỷ 16.
Nhân dịp này, vào ngày 29/5/2025, Toà Thánh đã công bố sứ điệp Đức Thánh Cha gửi đến các tham dự viên tham dự buổi kỷ niệm, trong đó ngài nhắc lại những lời đầu tiên của Chúa Giêsu Phục sinh “Bình an cho các con” và nói, Chúa không che giấu những dấu vết của Cuộc Khổ nạn vẫn còn hiện rõ trên thân xác vinh quang của Người.
Theo Đức Thánh Cha, bằng cách đón nhận sự bình an và lời kêu gọi của Chúa, bao gồm cả việc mở lòng đón nhận ân huệ Thánh Thần, tất cả những người theo Chúa Giêsu có thể đắm mình vào sự mới mẻ triệt để của đức tin và cuộc sống Kitô giáo. Thực tế, mong muốn này là đặc trưng của chính phong trào Anabaptist.
Đề cập đến khẩu hiệu được chọn cho dịp kỷ niệm 500 năm thành lập “Lòng can đảm để yêu thương”, Đức Thánh Cha nói khẩu hiệu nhắc nhở chúng ta, trên hết, về nhu cầu của người Công giáo và Mennonite phải nỗ lực hết sức để sống theo điều răn yêu thương, lời kêu gọi hiệp nhất Kitô giáo và nhiệm vụ phục vụ người khác.
Ngài mời gọi cả người Mennonite và người Công giáo trung thực và tử tế khi suy ngẫm về lịch sử chung, bao gồm những vết thương và câu chuyện đau buồn ảnh hưởng đến mối quan hệ và nhận thức của người Công giáo-Mennonite cho đến ngày nay.
Đức Thánh Cha cũng kêu gọi thảo luận về thần học và mục vụ, để những kết quả của cuộc đối thoại tồn tại lâu dài. Theo ngài, đây chắc chắn không phải là nhiệm vụ dễ dàng! Tuy nhiên, chính vào những thời điểm thử thách cụ thể, Chúa Kitô đã tiết lộ ý muốn của Chúa Cha: khi bị những người Pharisêu thách đố, Người đã dạy chúng ta rằng hai điều răn lớn nhất là yêu Chúa và yêu người lân cận. Cũng vậy, vào đêm trước cuộc Khổ nạn, Người đã nói về sự cần thiết của sự hiệp nhất, “để tất cả nên một… để thế gian tin” (Ga 17 21).
Trích dẫn lời cầu nguyện của Thánh Augustinô trong cuốn Tự thuật “Mọi hy vọng của con đặt vào lòng thương xót vô biên của Chúa”, Đức Thánh Cha kết thúc sứ điệp vời lời bảo đảm cầu nguyện để mối quan hệ anh em giữa các Kitô hữu được củng cố và phát triển.

Hồng Thủy - Vatican News
Đức Cha Domenico Pompili của Verona và các nhà truyền giáo Dòng Comboni hướng dẫn phái đoàn gồm khoảng 300 người đại diện, trong đó có thị trưởng Verona Damiano Tommasi. Đây là các thành viên của các hiệp hội và phong trào đã tham gia sự kiện "Đấu trường Hòa bình", sự kiện có sự tham dự của Đức cố Giáo hoàng Phanxicô, diễn ra tại Verona vào ngày 18/5/2024.
Trong số các nhóm và phong trào hiện diện tại Sảnh Clementina có phong trào "Cứu người Địa Trung Hải, Mạng lưới Hòa bình và Giải trừ vũ khí của Ý, Công giáo Tiến hành, Bác sĩ không Biên giới, Cộng đoàn Gioan XXIII, Phúc thay những người xây dựng hòa bình, Focolare, v.v.
Đặc biệt, trong số khách mời có Aziz Abu Sarah, người Palestine, và Maoz Inon, người Israel, là hai người có người thân bị sát hại, một bên bởi Hamas, bên kia bởi quân đội Israel.
Đứng về phía nạn nhân
Mở đầu bài diễn văn, Đức Thánh Cha Lêô nhắc lại lời của Đức cố Giáo hoàng Phanxicô trong sự kiện diễn ra một năm trước, "xây dựng hòa bình bắt đầu bằng cách đứng về phía các nạn nhân và nhìn nhận mọi thứ theo quan điểm của họ". Ngài nói rằng "cách tiếp cận này rất cần thiết để giải trừ vũ khí cho trái tim, cho các cách tiếp cận và các não trạng, và để lên án sự bất công của một hệ thống giết người và dựa trên nền văn hóa vứt bỏ".
Hòa bình hoặc là của mọi người hoặc không của riêng ai
Đức Thánh Cha nhận định: "Con đường đến với hòa bình đòi hỏi trái tim và khối óc được rèn luyện để quan tâm đến người khác và có khả năng nhận thức được lợi ích chung trong thế giới ngày nay. Bởi vì con đường đến với hòa bình liên quan đến tất cả mọi người và dẫn đến việc thúc đẩy các mối quan hệ đúng đắn giữa tất cả chúng sinh. Như Đức Gioan Phaolô II đã chỉ ra, hòa bình là một điều tốt không thể phân chia; nó là của tất cả mọi người hoặc không của ai cả (xem Sollicitudo Rei Socialis, 26). Chúng ta có thể thực sự đạt được và tận hưởng hòa bình chỉ khi trong lương tâm của mọi người có một quyết tâm kiên định và bền bỉ cam kết vì lợi ích chung.
Nhìn nhận và vượt qua những bất đồng và xung đột
Lưu ý rằng "hòa bình đích thực hình thành từ những cấp độ từ dưới lên, bắt đầu từ các địa điểm, cộng đồng và các tổ chức địa phương, và bằng cách lắng nghe những gì họ muốn nói với chúng ta", "hòa bình là có thể khi những bất đồng và xung đột mà chúng gây ra không bị gạt sang một bên, nhưng được thừa nhận, hiểu và vượt qua", Đức Thánh Cha ca ngợi hoạt động của các phong trào và hiệp hội quần chúng khi thông qua hành động cụ thể 'từ những cấp độ thấp', đối thoại với tất cả các bên, họ đang theo đuổi các dự án và hoạt động phục vụ cụ thể cho các cá nhân và lợi ích chung.
Cần chứng tá phi bạo lực
Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng "Giữa chiến tranh, khủng bố, nạn buôn người và sự xâm lược lan rộng, trẻ em và người trẻ của chúng ta cần có thể trải nghiệm nền văn hóa sống, đối thoại và tôn trọng lẫn nhau"; "họ cần chứng tá của những người nam và nữ thể hiện một cách sống khác biệt và phi bạo lực", như một phương pháp và một phong cách, một đặc điểm trong các quyết định, mối quan hệ và hành động của chúng ta. Theo ngài, "Phúc Âm và học thuyết xã hội của Giáo hội là nguồn hỗ trợ liên tục cho các Kitô hữu trong nỗ lực này".
Là men hiệp nhất, hiệp thông và tình huynh đệ
Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhắc rằng "Nếu bạn muốn hòa bình, hãy chuẩn bị các tổ chức hòa bình", không chỉ về chính trị, nhưng trong mọi lĩnh vực giáo dục, kinh tế và xã hội. Ngài khuyến khích các phong trào và hiệp hội vì hòa bình "hãy luôn dấn thân và hiện diện: hiện diện trong lịch sử như một chất men của sự hiệp nhất, hiệp thông và tình huynh đệ.
Số người tham dự thánh lễ Chúa nhật tại Bỉ tăng gần 4% từ năm 2023 đến năm 2024, theo thống kê công bố hôm 27 tháng Năm vừa qua.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Theo thống kê hằng năm này, trong năm ngoái (2024) đã có 173.335 người Công giáo tại Bỉ tham dự thánh lễ Chúa nhật, tức là tăng 3,6% so với năm 2023 trước đó. Cách đây hai năm, số tín hữu dự lễ Chúa nhật trung bình là 167.360 người.
Trong cuộc họp báo, thứ Ba vừa qua, ngày 27 tháng Năm, Hội đồng Giám mục Bỉ nói rằng hiện nay vẫn còn quá sớm, chưa thể nói được rằng xu hướng giảm sút số người dự lễ đã được lật ngược lại. “Sự gia tăng này dường như là một hiện tượng tập trung phần lớn tại các khu vực thành thị, tại đây có nhưng cộng đồng tôn giáo sinh động thu hút sự tham dự.
Một trong những nhân tố có thể khiến có sự gia tăng này là cuộc viếng thăm của Đức Giáo hoàng Phanxicô tại Bỉ, hồi tháng Chín năm ngoái, một sự kiện được báo chí loan tải rộng rãi. Tuy nhiên, Hội đồng Giám mục Bỉ không coi cuộc viếng thăm của Đức Giáo hoàng như một lý do khiến cho số tín hữu dự lễ gia tăng.
Một nhân tố khả dĩ khác, đó là sự gia tăng số người lớn xin rửa tội. Năm ngoái, con số này tăng gần gấp đôi, tức là từ 186 người trong năm 2014 lên 362 trong năm 2024. Trong năm 2025 này, số người lớn rửa tội có thể lên tới 536 người, tức là tăng 50% so với năm ngoái.
Nước Bỉ có gần mười hai triệu dân, trong đó khoảng một nửa là tín hữu Công giáo, nhưng trong số này, chỉ có hơn một trăm ngàn người tham dự thánh lễ Chúa nhật trong thời kỳ trước đại dịch Covid.
Số trẻ em được rửa tội tại Bỉ được công bố trong tuần này không gây phấn khởi lắm đối với các vị lãnh đạo tôn giáo tại đây: từ 34.826 em trong năm 2023 xuống còn 29.769, tức là giảm gần 5.000 em, giảm 15%.
Tại Bỉ, có bốn Trung tâm Thánh Mẫu là Banneux, Beauraing, Oostakker, và Scherpenheuvel, tất cả đều có số tín hữu gia tăng. Trung tâm Scherpenheuvel này có số tín hữu hành hương tăng từ 200.000 trong năm 2022 lên 800.000 trong năm 2024. Tại Banneux, có 350.000 người hành hương trong năm 2023 so với 220.000 trong năm 2022 trước đó.
(Pillar 28-5-2025)
Hội đồng Giám mục Cộng hòa Bénin bên Phi châu tố giác hai cuộc tấn công đẫm máu của các nhóm Thánh chiến Hồi giáo trong vòng ba tháng qua tại nước này, gây lo âu cho dân chúng và các giám mục cũng liên đới với các quân nhân bị sát hại.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Trong khóa họp toàn thể lần thứ 75, từ ngày 21 đến ngày 23 tháng Năm vừa qua, các giám mục Bénin đã tưởng niệm 54 nạn nhân trong hai cuộc tấn công của các nhóm Hồi giáo cuồng tín, xảy ra ngày 17 tháng Tư năm nay ở miền bắc nước này. Các vị khẳng định rằng: “Ý thức về những hy sinh của các quân nhân để bảo tồn hòa bình và an ninh tại đất nước chúng ta, chúng tôi sốt sắng cầu nguyện cho những anh hùng này được an nghỉ đời đời”.
Ngoài ra, các giám mục cũng nhớ đến các binh sĩ tiếp tục sứ mạng chống khủng bố tại miền bắc Benin và khẳng định rằng: “Chúng tôi cũng cầu nguyện cho các anh chị em đang ở trong quân ngũ tại mặt trận, xin Chúa là khiên thuẫn và là người bảo vệ họ”.
Vụ tấn công ngày 17 tháng Tư vừa qua là vụ đẫm máu nhất, từ khi những nhóm thánh chiến Hồi giáo đột nhập vào miền bắc Benin hồi năm 2019. Vụ này gây kinh hoàng trong dân chúng. Hàng trăm thành phần Thánh chiến Hồi giáo, thuộc nhóm Hỗ trợ Hồi giáo và người Hồi giáo, gọi tắt là JNIM, đã đi xe máy tấn công đồng thời hai tiền đồn của quân đội, ở vùng biên giới giữa Benin, Niger và Burkina Faso. Cuộc tấn công thứ hai xảy ra gần thác Koudo, không xa thành phố Banikoara. Ngày 08 tháng Giêng trước đó, đã xảy ra một vụ tấn công khác gần Karimama, làm cho 30 binh sĩ thiệt mạng.
Vùng biên giới ba nước vừa nói là một vùng bất an do sự hiện diện của các nhóm thánh chiến Hồi giáo. Chúng thường cấu kết với những kẻ buôn bán xăng dầu ăn cắp tại Nigeria láng giềng.
Chính quyền Benin đã mở cuộc hành quân Mirador, với sự tham dự của gần ba ngàn binh sĩ ở biên giới phía bắc, nơi mà quân đội lập hệ thống phòng thủ, sử dụng máy bay không người lái và những hình ảnh vệ tinh để ngăn cản sự xâm nhập của những nhóm thánh chiến. Trong khi đó, ngân sách quốc phòng của nước này gia tăng 50%. Dầu vậy, các biện pháp này vẫn không ngăn cản được hoạt động của các nhóm thánh chiến ở miền đông Burkina Faso, quốc gia cộng tác với Benin. Hai nước này vẫn chưa có sự cộng tác hữu hiệu để đương đầu với tệ nạn khủng bố Hồi giáo, một đe dọa chung đối với cả hai nước.
(Fides 28-5-2025)
lepelerin.com, Christophe Chaland, Romain Mazenod, 2025-05-13
Hình ảnh © Massimiliano Migliorato / CPP / Hans Lucas / AFP
Là Giáo hoàng đầu tiên đến từ Châu Mỹ la-tinh, Đức Phanxicô đã để lại dấu ấn trong Giáo hội về các chủ đề sinh thái toàn diện và chúc phúc cho những người bị loại trừ. Nhiều giáo dân kể lại ngài đã mở ra cho họ một con đường mới, gần với Tin Mừng và có một đời sống thực tế hơn.
Ông Pierre-Louis Bévillard, 40 tuổi, làm vườn hữu cơ gần đan viện Biển Đức Solesmes (Sarthe, nước Pháp), ông cho biết: “Đức Phanxicô đã giúp tôi để ý đến sinh thái, tôi nhận ra sự cấp bách của vấn đề nhờ thông điệp Laudato si’: “Ngài ban hành Thông điệp này năm 2015, đã giúp gia đình tôi ý thức được các vấn đề môi trường. Vợ chồng tôi có bảy đứa con nên vấn đề môi trường là cả một thách thức cho chúng tôi. Một câu trong Thông điệp tóm lược rõ hành trình của công việc làm nông hữu cơ của chúng tôi: “Hạnh phúc đòi hỏi phải biết giới hạn một số nhu cầu để từ đó mở ra nhiều khả năng cuộc sống đem lại cho chúng ta.”
Với công việc mới, tôi sống nhất quán hơn: cuối cùng tôi có được một công việc cụ thể, có ý nghĩa. Điều thôi thúc tôi là tôi được làm việc với đôi bàn tay, được gắn bó với đất đai, được “cắm rễ”. Chúng tôi chọn sống giản dị, giản dị là phải từ bỏ: chúng tôi phải thắt lưng buộc bụng, ngày nghỉ là những ngày về thăm ông bà. Tôi rất thích khái niệm “sinh thái toàn diện”: đó là dành thì giờ cho người khác, cho gia đình. Thế giới tiêu thụ ngày nay, các tương quan thường bị đặt ở hàng thứ yếu. Đức Phanxicô thực sự đã truyền sinh khí cho tinh thần sinh thái trong Giáo hội.
“Với người đồng tính, ngài đã đưa Giáo hội trở về với tinh thần Tin Mừng”
Ông Nicolas Morin, 63 tuổi, đang sống trong một mối quan hệ đồng giới. Câu nói của Đức Phanxicô trên máy bay từ Rio de Janeiro về Rôma tháng 7 năm 2013 về người đồng tính: “Những người chân thành đi tìm Chúa, tôi là ai mà phán xét họ?” Câu nói ám chỉ trực tiếp đến người đồng tính đã làm tôi xúc động. Ngài đặt mình vào vị trí của Đức Kitô, chấm dứt những lời nói làm người khác bị mặc cảm tội lỗi mà một số người vẫn còn nói. Với ông Bernard, chúng tôi biết chúng tôi đi đúng đường, năm 2020 ông khuyến khích và đón nhận các dự án của chúng tôi. Theo tôi, Đức Phanxicô là Giáo hoàng của những người bên lề: tù nhân, người nghèo, người di dân… Ngài đã đưa Giáo hội về với tinh thần Tin Mừng.”
“Đức Phanxicô đã chiếu sáng đời sống của tôi”
Giáo sư Geoffroy d’Aillières, dạy môn Tư tưởng xã hội Kitô giáo ở Đại học Công giáo miền Tây, ông kể lại tác động của triều Đức Phanxicô đã mang lại cho công việc của ông: “Giai đoạn cuối trong đời sống nghề nghiệp của tôi hoàn toàn ở dưới ánh sáng của Đức Phanxicô. Trong suốt 12 năm, tôi theo dõi cuộc đời, hành động, lời nói và các bài viết của ngài. Tôi nghiền ngẫm các bài viết của ngài để giảng dạy cho sinh viên. Các bài viết này chạm đến nhiều người, các tín hữu kitô, người hồi giáo, người vô thần. Dù không hoàn hảo nhưng triều của ngài có tác động mạnh mẽ. Tôi trân trọng việc ngài tiếp nối Công đồng Vatican II và làm phong phú thêm Tư tưởng xã hội Kitô giáo qua ba văn bản lớn: Niềm vui Tin Mừng, Laudato si’ và Fratelli tutti. Tôi quý ngài, ngài cổ vũ khái niệm ‘Dân Chúa’ của Công đồng Vatican II, mời gọi chúng ta thực hiện qua Thượng Hội đồng về tính đồng nghị. Thư gởi Dân Chúa công bố sau các vụ lạm dụng đã đánh động tôi. Ba năm trước, bức thư này đã thúc đẩy tôi vào nhóm Promesses d’Église ở Anjou: giáo dân chúng tôi phải hành động để chống lại chủ nghĩa giáo sĩ trị, thúc đẩy công cuộc cải tổ cần thiết của Giáo hội. Ngài đã ra đi, nhưng tinh thần, dấu vết và những bản văn của ngài sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho tôi.”
Céline T., đã ly hôn và tái hôn
“Với tôi người trải qua một cuộc ly hôn, Đức Phanxicô đã mang lại ơn chữa lành. Với ánh mắt thông cảm, ngài đặt chúng tôi trước các đòi hỏi của Tin Mừng: sống nghèo, đón nhận người bên lề, không phán xét… Tôi đã trải qua một ly hôn ngoài ý muốn, tôi có ba con còn nhỏ, ngài mang lại ơn chữa lành. Tôi tiếp tục làm việc ở giáo xứ, dạy giáo lý và vào nhóm cầu nguyện. Tôi gạt bỏ ý định xin vô hiệu hóa hôn nhân. Con gái lớn của tôi nói: ‘Mẹ đừng làm vậy!’, nó bị sốc. Tôi không rước lễ trong nhiều năm vì tôi sống trong một quan hệ mới. Rồi Đức Phanxicô mở ra khả năng rước lễ cho những người ly hôn tái hôn, nhưng sống trong một quan hệ chung thủy. Một tháng sau ngày kết hôn dân sự, tôi về lại với Thánh Thể. Hành trình này giúp tôi mở lòng ra để hiểu người khác. Tôi không thể chấp nhận một Giáo hội chỉ theo nghi thức mà không nhắm vào ánh sáng Lời Chúa, vào bác ái, vào hy vọng.”
Têrêxa Trần Tuyết Hiền dịch
Nguồn: phanxico.vn
Quyển sách Lêô XIV: Chân dung Giáo hoàng đầu tiên của Hoa Kỳ của Matthew Bunson | EWTN/Daniel Ibanez
acistampa.com, Angela Ambrogetti, 2025-05-27
Chúng ta thực sự biết gì về Giáo hoàng Lêô XIV hay đúng hơn về Robert Francis Prevost?
Trong những ngày gần đây, các quyển sách viết về cuộc đời của ngài đã thành những quyển sách bán chạy. Không phải là sách nhưng là tuyển tập các bài viết. Có một số bài đáng quan tâm. Tôi sẽ bắt đầu bằng bài viết của tác giả Matthew Bunson, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc biên tập của EWTN News, với tư cách là người Mỹ, rành về La-mã, thần học và lịch sử Giáo hội, ông có cái nhìn sắc bén về Giáo hội, sách của ông hữu ích đối với chúng tôi, những người châu Âu, Ý và Rôma.
Câu chuyện về bối cảnh văn hóa xã hội nơi “Bob” sinh ra và lớn lên là câu chuyện về đời sống bình thường của người công giáo tại Chicago, nơi đức tin rất quan trọng và chiếm đa số, khác xa thời kỳ xảy ra vụ bê bối về lạm dụng tình dục của giáo sĩ đã tác động và tàn phá giáo phận Chicago vào đầu những năm 2000.
Nhưng thành phố Chicago tác giả mô tả, nơi Giám mục Prevost sinh ra là thành phố mà đạo công giáo mang một ý nghĩa rất quan trọng. Quyển sách đưa độc giả đến những nơi ghi dấu ấn cuộc đời cậu bé “Bob” với lịch sử và truyền thống của chúng, trong một số trường hợp lại là nỗi buồn vì bây giờ những nơi này không còn là công giáo nữa.
Một trong những chìa khóa để hiểu quyển sách là Longiqua Oceani của Đức Lêô XIII viết năm 1895, ngài gởi cho các Giám mục của “Các tiểu bang Liên minh miền Bắc Mỹ”. Một thông điệp mang tính tiên tri và khích lệ đã mang lại kết quả. Và Chicago trở thành “thành phố có bờ vai vững chắc”.
Dĩ nhiên phần dành cho Dòng Thánh Augustinô và lịch sử giữa ẩn tu và phụng vụ giáo hoàng rất lớn. Sau đó là Peru. Vì Đức Lêô XIV là người Mỹ theo nghĩa rộng nhất. Không chỉ riêng nước Mỹ, cũng không chỉ riêng Nam Mỹ như Đức Phanxicô. Prevost là người Mỹ theo đúng nghĩa đen.
Với tư cách là Giám mục của Peru, ngài có quyền công dân của đất nước này theo thỏa thuận giữa vùng Andes và Tòa thánh, nhưng với tư cách là nhà truyền giáo, trái tim ngài hướng về Peru. Quyển sách nói về vùng đất này, về tình hình chính trị những năm 80 và 90 khi ngài ở đây. Ngài có trái tim truyền giáo luôn đặt Chúa Kitô vào trọng tâm.
Và Rôma khi ngài là sinh viên, là Viện trưởng, là Hồng y. Ngài tham dự Thượng Hội đồng Giám mục năm 2012 về Tân Truyền giáo, ngài đã phát biểu về truyền thông. Ngài là hồng y của truyền thông xã hội.
Với tư cách là Bề trên của Dòng Thánh Augustinô, trung tâm hoạt động của ngài nằm ở Rôma, cách Quảng trường Thánh Phêrô không xa. Sau khi được bầu, ngài đã đến thăm và ăn trưa với Cộng đồng, một thói quen khi ngài còn là Hồng y.
Chúng ta thường đi tìm “tên người được bầu” ở mật nghị, nhưng tác giả Bunson giải thích, chúng ta nên tìm một chân dung. Tác giả trích dẫn Marco Mancini, người đã nêu ra hồ sơ của Acimestama. Giáo hoàng trọng giáo luật và sự đa dạng sắc tộc trong Giáo hội; công đồng tính và giáo hội học hiệp thông; một Giáo hoàng mục vụ, cởi mở đối thoại với thế giới; điều này liên quan đến bản chất truyền giáo của Giáo hội, của người nghèo, nhưng cũng chú ý nhiều hơn đến vai trò của Giáo triều Rôma và rõ ràng là đến việc tìm kiếm hòa bình, với cách giải thích mang tính liên tục qua ba triều giáo hoàng gần đây nhất.
“Thời của Lêô” sẽ như thế nào? Theo tác giả Bunson, chúng ta không chỉ phải nhớ đến Đức Lêô XIII mà còn phải nhớ đến Thánh Lêô Cả, Giáo hoàng thời Thánh Augustinô, đã phiên dịch và nhiệt thành ủng hộ cho Quyền tối thượng của Rôma. Đây cũng là lý do vì sao tác giả Bunson viết: “Tân Giáo hoàng tin rằng con đường phía trước cho Giáo hội và thế giới sẽ được mở ra bằng cách lắng nghe và áp dụng giáo huấn vượt thời gian của Giáo hội vào những tình huống và hoàn cảnh mới. Đó là lý do vì sao ngài kết hợp tư tưởng của Thánh Augustinô và của Lêô theo cách sâu sắc lấy Chúa Kitô làm trọng tâm.”
Quyển sách đã được giới thiệu tại Rôma ngày 22 tháng 5 trong một buổi tối tại Campo Santo Teutonico ở Vatican.
“Lêô XIV: Chân dung Giáo hoàng đầu tiên của Hoa Kỳ” là tựa đề quyển sách của tác giả Bunson, chuyên gia lâu năm về Giáo hội và là nhà vatican học, ông đã viết hơn 50 quyển sách. Tác giả nhấn mạnh: “Trong những tuần đầu tiên, Giáo hoàng Lêô cho thấy ngài là nhân vật thống nhất, chú trọng đến sự không khoan nhượng thiên tính của Chúa Giêsu Kitô. Ngài là người của toàn cầu, ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Với ơn gọi linh mục và sống đời sống của các tu sĩ Dòng Âugustinô, hành trình của ngài phi thường. Theo thời gian, điều phi thường trước khi mật nghị diễn ra, ngày càng có nhiều hồng y hiểu chính xác ngài là ai và tại sao vào thời điểm này, ngài là người để các hồng y giao chìa khóa Thánh Phêrô.”
Tác giả Bunson hy vọng quyển sách của ông sẽ giúp độc giả hiểu được tầm quan trọng của Đức Lêô trong Dòng Thánh Augustinô đáng kính, và việc ngài là nhà toán học và giáo sư giáo luật sẽ giúp ngài giải quyết các vấn đề tài chính của Vatican.
Ông Michael Warsaw, Tổng giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị hãng tin EWTN giải thích: “Là nền tảng truyền thông Công giáo hàng đầu, mục tiêu của chúng tôi là chia sẻ câu chuyện của Đức Lêô với thế giới, bắt đầu từ cuộc sống thời thơ ấu của ngài, để giúp mọi người kết nối với người đang phục vụ Giáo hội với tư cách là Đại diện của Chúa Kitô.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Nguồn: phanxico.vn

Vatican News
Tổ chức bác ái của Giáo hội Công giáo đã kêu gọi như trên trong cuộc gặp gỡ trực tuyến, diễn ra vào ngày 28/5/2025, quy tụ hơn 200 người để thảo luận về nợ, khí hậu và phát triển.
Khai mạc buổi thảo luận, trước sự hiện diện của những người đang hoạt động nhân đạo, các nhà kinh tế được quốc tế công nhận và một số đại diện của Vatican, ông Alistair Dutton, Tổng Thư ký Caritas Quốc tế nói, thực tế nhiều quốc gia chi cho việc trả nợ nhiều hơn cho y tế và giáo dục cho thấy, trong nền kinh tế ngày nay, con người bị đặt ở vị trí thứ yếu so với “lợi ích kinh tế”.
Ông Dutton cũng nhấn mạnh rằng chủ đề cải cách nợ đã được Đức Thánh Cha Lêô XIV nêu ra chỉ vài tuần sau khi bắt đầu triều Giáo hoàng của ngài. Vấn đề này cũng được Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô coi là thiết yếu. Vào năm 2024, ngài đã kêu gọi một “cơ chế đa quốc gia” để quản lý nợ giữa các quốc gia, nhằm tránh não trạng “mạnh ai nấy lo” trong đó “những người yếu thế nhất” luôn phải chịu thiệt.
Trong bài phát biểu, đưa ra con số thực tế có hơn 3,3 tỷ người - hay gần một nửa dân số thế giới - đang sống trong các quốc gia phải chi tiền trả nợ hơn là chăm sóc sức khoẻ, ông Dutton đưa ra chiến dịch “Biến nợ thành niềm hy vọng” của Caritas Quốc tế, kêu gọi xoá nợ bất công. Mục đích của chiến dịch là nhằm tạo áp lực dư luận đối với các thực hành nợ không công bằng, đặc biệt trong bối cảnh Năm Thánh 2025 của Giáo hội Công giáo đang diễn ra, một giai đoạn theo truyền thống vốn gắn liền với sự khoan dung về tài chính.
Tiếp lời Tổng Thư ký Caritas, giáo sư Martin Guzmán của Đại học Columbia, cựu Bộ trưởng Kinh tế Argentina phát biểu, nêu bật những tác động của hệ thống nợ toàn cầu đối với các quốc gia nghèo nhất, mà theo ông phải chịu mức lãi suất cao hơn so với các quốc gia giàu có hơn. Giáo sư cũng đề cập đến công việc của Ủy ban Chuyên gia Năm Thánh của Vatican, do nhà kinh tế đạt giải Nobel Joseph Stiglitz làm chủ tịch, hiện đang soạn thảo một phúc trình về khủng hoảng nợ và phát triển tại các nước thuộc Nam bán cầu.
Trong khi đó, sơ Alessandra Smerilli, Tổng Thư ký Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện, nhấn mạnh đến khái niệm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về “nợ sinh thái” mà các quốc gia giàu có đối với các quốc gia nghèo, những nước đang gánh chịu hậu quả của cuộc khủng hoảng khí hậu mà họ gần như không phải là người gây ra.
Chủ đề này cũng được Đức Tổng Giám Mục Gabriele Caccia, Quan sát viên Thường trực của Toà Thánh tại Liên Hiệp Quốc đề cập. Ngài lưu ý rằng khái niệm nợ sinh thái cũng đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh trong Tông sắc Công bố Năm Thánh.
Nói về tầm quan trọng của việc truyền đạt rõ ràng tác động của hệ thống nợ đối với các quốc gia nghèo, Đức Tổng Giám Mục khẳng định: “Đây không chỉ là vấn đề kỹ thuật về kinh tế, nhưng còn là một trở ngại rõ ràng đối với sự phát triển toàn diện của con người”.

Vatican News
Không đề cập rõ ràng đến phạm vi hướng dẫn bỏ phiếu, sứ điệp được ký bởi Đức cha John Kim Son-tae của Jeonju, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục, có đoạn như sau: “Trước hết Hàn Quốc cần một tổng thống phục vụ nhân dân. Tất cả các thể chế của đất nước, bao gồm cả ngành tư pháp và phương tiện truyền thông phải phục vụ người dân chứ không phải thống trị”.
Từ điểm này, các Giám mục cầu mong tổng thống mới đắc cử sẽ áp dụng một chính sách lành mạnh có thể cải cách và điều chỉnh các thể chế, thúc đẩy những thực hành tốt nhất và vượt qua áp lực không chính đáng và sự trì trệ của bộ máy quan liêu.
Điều thứ hai chính là khả năng đoàn kết đất nước, vượt qua những xung đột đang chia rẽ xã hội, không chỉ là chia rẽ về ý thức hệ, nhưng còn là khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, ngày càng trở trầm trọng hơn khi những người yếu thế trong xã hội ngày càng bị phớt lờ, cùng với sự loại trừ người nước ngoài, đặc biệt là người lao động nhập cư và người tị nạn.
Các Giám mục giải thích: "Một nhà lãnh đạo tốt là người cam kết lắng nghe và làm cho những tiếng nói khác nhau được lắng nghe. Việc tự nhận mình là một nước cộng hòa có nghĩa là các nhóm hoặc lực lượng có ý tưởng và lợi ích khác nhau phải có thể cùng chung sống hòa hợp, không bị phân biệt đối xử hoặc bị gạt ra ngoài lề".
Về đặc điểm thứ ba, “một tổng thống biết nuôi dưỡng hoà bình”, Đức cha Kim viết: "Hàn Quốc là một quốc gia bị chia cắt. Căng thẳng và xung đột giữa Bắc và Nam gây ra tác động tiêu cực lớn đến chất lượng cuộc sống của mỗi công dân và là trở ngại lớn đối với sự thịnh vượng của đất nước và sự phát triển của nền dân chủ”.
Đức cha nhận xét, nhiều người vẫn bị cám dỗ bởi não trạng của quyền lực và tích tụ sức mạnh. Ngài hy vọng tổng thống mới biết nuôi dưỡng hòa bình thực sự để bán đảo Triều Tiên có thể vượt qua tình trạng đình chiến hướng tới hòa bình và từ chia cắt đến thống nhất.
Cuối cùng, đặc điểm thứ tư mà các giám mục Hàn Quốc đưa ra là việc bầu một tổng thống bảo vệ Trái đất như một ngôi nhà chung. Theo các Giám mục, cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng trở nên không thể kiểm soát và là một thảm kịch do lòng tham và sự ích kỷ của con người gây ra.
Sứ điệp kết thúc với hy vọng tân tổng thống sẽ xây dựng và thực hiện các chính sách để vượt qua cuộc khủng hoảng khí hậu và cam kết bảo vệ hệ sinh thái và môi trường.

Vatican News
Lời kêu gọi hoán cải sinh thái của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã làm thay đổi con tim và cộng đồng trên toàn thế giới.
Tại Malaysia, lời kêu gọi về trách nhiệm bảo vệ khí hậu của Đức cố Giáo Hoàng đã lan rộng trong các giáo xứ, khi các cộng đoàn Công giáo luôn đi đầu các phong trào bảo vệ môi trường.
Gìn giữ di sản thiêng liêng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Vào năm 2023, các Giám mục Maylaysia đã ký một Cam kết về Sinh thái của Giáo phận. Theo đó, các các giáo xứ sẽ dấn thân sống theo “linh đạo sâu sắc về sinh thái” và thúc đẩy công lý về môi trường trên khắp đất nước.
Tất cả chín Giám mục đã ký bản Cam kết này, trước khi khuyến khích các linh mục đang coi sóc các giáo xứ cũng làm như vậy. Tài liệu bao gồm quy trình sinh thái, biểu mẫu tự giám sát và các văn bản khác được thiết kế nhằm hỗ trợ mỗi giáo phận và giáo xứ trong quá trình hoán cải sinh thái của họ, tập trung vào việc giảm lượng khí thải carbon và thúc đẩy khả năng phục hồi của cộng đồng.
Nội dung cam kết như sau: “Giáo xứ Công giáo (tên), ở Malaysia, tuyên bố cam kết trở thành một giáo xứ của một Giáo phận vì Sinh thái, sống theo một linh đạo sâu sắc về sinh thái và thúc đẩy công lý về sinh thái cũng như khả năng phục hồi sinh thái cho toàn bộ công trình sáng tạo, bằng cách theo đuổi các con đường giảm phát thải carbon và xây dựng khả năng phục hồi của cộng đồng cũng như Trái Đất, theo Quy định về Giáo phận vì Sinh thái được đính kèm với cam kết này, trong khả năng và sự sáng tạo tốt nhất của mình, phù hợp với hoàn cảnh địa phương”.
Đức Tổng Giám Mục Julian Leow Beng Kim của Kuala Lumpur nói với Vatican News rằng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô thực sự nhấn mạnh đến vấn đề hiện sinh của sự biến đổi khí hậu với thông điệp Laudato si’ và lời kêu gọi hành động khẩn cấp gần đây trong Laudate Deum.
Ngài nói: "Thế giới thực sự đang trong cơn khủng hoảng, và toàn thể nhân loại phải hành động và thực hiện một sự hoán cải toàn diện ngay bây giờ, trước khi quá muộn".
Đức Tổng Giám Mục nói thêm rằng ngài đang khuyến khích tất cả các giáo xứ trong Tổng Giáo Phận thực hiện một cuộc hoán cải sinh thái, và nhấn mạnh rằng “mặc dù đã làm được nhiều việc, nhưng còn cần làm nhiều hơn nữa cả ở cấp độ địa phương lẫn toàn cầu để đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu này”.
Laudato si’ trong hành động
Các bước thực tế bao gồm loại bỏ nhựa dùng một lần tại các sự kiện của Giáo hội bằng cách tránh sử dụng đồ dùng bằng nhựa, như túi và chai nước bằng nhựa, đồng thời thúc đẩy giảm thiểu chất thải và quản lý chất thải có trách nhiệm.
Trong số các giáo xứ đã cam kết không sử dụng nhựa có giáo xứ Thánh Antôn ở Kuala Lumpur.
Linh mục chánh xứ, cha Clarence Devadass chia sẻ với Vatican News rằng việc chuyển sang tổ chức các sự kiện không sử dụng nhựa không chỉ là một thay đổi về chính sách, nhưng còn là lời mời gọi hành động cho toàn thể cộng đoàn giáo xứ.
Cha Clarence nói: “Sự thay đổi nhỏ nhưng rất có ý nghĩa này, theo nhiều cách sẽ giúp giảm sự phụ thuộc vào nhựa dùng một lần và thúc đẩy văn hóa phát triển bền vững nơi giáo dân ở mọi độ tuổi. Mỗi người chúng ta đều được kêu gọi sống ơn gọi của mình như những người gìn giữ công trình sáng tạo của Chúa”.
Ngài nhấn mạnh rằng lời mời gọi này “không phải là một khía cạnh tùy chọn hoặc thứ yếu trong đời sống Kitô hữu”. Theo cha, việc chăm sóc môi trường là trách nhiệm tinh thần và đạo đức mà tất cả mọi người cùng chia sẻ.
Cha Clarence nói thêm: “Ở cấp giáo xứ, chúng tôi hiểu rằng thành công không thể đến ngay lập tức, nhưng chúng tôi có thể thực hiện những bước nhỏ hướng tới mục tiêu chung này”.
Nhóm Môi trường và Sinh thái của giáo xứ Thánh Antôn cũng đã triển khai một dự án tái sử dụng sáp nến, thu được gần 2.000 đô la nhờ bán nến Giáng sinh và Phục sinh tái chế.
Sáp từ những cây nến đã qua sử dụng tại hang đá Đức Mẹ Maria trong khuôn viên giáo xứ đã được các tình nguyện viên thu gom và trao cho một nhóm giáo dân trẻ. Các bạn trẻ này đã nấu chảy sáp cũ, thêm màu sắc và hương thơm, sau đó đổ vào khuôn để tạo ra những ngọn nến mới bán cho các giáo dân trong Tổng Giáo Phận.
Selvanathan, một trong những tình nguyện viên chia sẻ "Tôi thực sự rất ngạc nhiên khi thấy những mẫu sáp thừa mà tôi trao cho những tình nguyện viên khác - trông giống như rác và tưởng như chẳng có giá trị gì – lại được biến thành những ngọn nến thơm tuyệt đẹp. Toàn bộ số tiền thu được sẽ được dùng để giúp đỡ những người nghèo trong cộng đoàn, hỗ trợ những người cần xe lăn, hàng tạp hóa, đồ dùng thiết yếu cho trẻ sơ sinh, viện trợ y tế, v.v.".
Selvanathan nói thêm rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã để lại dấu ấn trong cuộc sống của những người trẻ trong giáo xứ. Giáo huấn của ngài vẫn sống động nơi đây.
Một lời tri ân mang tính sinh thái dành cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Sau khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô qua đời, như một lời tri ân mang tính sinh thái đối với ngài, Tổng Giáo Phận Kuala Lumpur tuyên bố sẽ cử khoảng 300 tình nguyện viên tham gia chiến dịch trồng 100 triệu cây xanh do chính phủ tổ chức từ trước.
Các tình nguyện viên, chủ yếu là những người trẻ từ các giáo xứ trên khắp Tổng Giáo Phận, sẽ tham gia sáng kiến sinh thái, diễn ra vào ngày 28/6/2025, như một hành động tri ân di sản môi trường mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã để lại.
Cha Andrew Manickam, linh mục coi sóc giáo xứ Đức Mẹ Fatima và Trợ lý Giáo hội cho Bộ Công lý Sáng tạo của Tổng Giáo Phận, cho biết thông điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô truyền cảm hứng cho các cộng đoàn trên toàn thế giới hành động với hy vọng và quyết tâm.
"Những nỗ lực trồng cây cho thấy một cộng đoàn được truyền cảm hứng từ tầm nhìn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về Sinh thái Toàn diện, nơi công lý xã hội và môi trường không thể tách rời", cha khẳng định và giải thích điều này "thể hiện cam kết chung của chúng ta trong việc trở thành người quản lý trung thành của hành tinh này".
Cha Andrew nói thêm rằng các giáo xứ trong Tổng Giáo Phận đã tích cực đón nhận Cam kết về sinh thái của Giám mục và tham gia các buổi đào tạo về Linh đạo và Lãnh đạo về sinh thái.
Những nỗ lực khác lấy cảm hứng từ lời dạy của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Laudato si’, bao gồm chiến dịch thu gom quần áo đã qua sử dụng để hỗ trợ người nghèo và các hội thảo ủ phân rác thải từ bếp.
Ngoài ra, cha Andrew đang điều phối một sáng kiến thu gom dầu ăn đã qua sử dụng từ các gia đình và nhà hàng xung quanh giáo xứ, chuyển đổi thành nhiên liệu sinh học cho xe cộ, tàu hỏa và máy bay, góp phần ngăn chặn ô nhiễm nước, một vấn đề môi trường đang gia tăng ở Malaysia.

Sơ Paola Moggi, CMS – Nam Sudan
Tại các trại tị nạn quá tải của Sudan, nơi bạo lực và sự khan hiếm nguồn lực là những thách thức hàng ngày, các Nữ tu Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu (SHS) cung cấp sự hỗ trợ quan trọng cho những người tị nạn đồng hương. Hội dòng Nam Sudan, sống trong các trại như Al Kashafa, chăm sóc tinh thần, tư vấn chấn thương và hỗ trợ thiết thực cho hàng ngàn người phải di tản do nhiều thập kỷ xung đột.
Cung cấp sự chăm sóc tinh thần và hỗ trợ thiết thực tại Al Kashafa
Sự hiện diện của các nữ tu rất quan trọng tại Bang White Nile khi họ phục vụ những người tị nạn tại Al Kashafa và các trại lân cận như Gemeyia và Jorry. Họ điều hành các chương trình giáo lý, thăm hỏi người bệnh và an ủi những người đang phải chịu nạn đói, lạm dụng và tổn thương về mặt cảm xúc do phải di tản. Sơ Georgina Victor Nyarat, người đã làm việc tại Al Kashafa từ tháng 12 năm 2023, chia sẻ: “Công việc chính của chúng tôi là lắng nghe họ. Mọi người thực sự đang đau khổ”.
Từ di tản đến phục vụ
Hội dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu, được thành lập năm 1954 bởi Đức Cha Sixtus Mazzoldi tại Nam Sudan, đã trực tiếp trải qua chiến tranh và di dời. Sau khi chạy trốn khỏi Nội chiến Sudan lần thứ nhất năm 1964, các nữ tu đã tìm nơi ẩn náu ở Uganda trước khi trở về Nam Sudan, chỉ để buộc phải chạy trốn một lần nữa khi Nội chiến Sudan lần thứ hai nổ ra vào năm 1983. Kể từ đó, họ ở lại với người dân của mình, vượt biên giới để tiếp tục sứ vụ của mình.
Năm 2016, sau khi bạo lực leo thang ở Nam Sudan, Giám mục Daniel Adwok Kur của Khartoum đã mời các nữ tu đến chăm sóc mục vụ cho những người tị nạn ở khu vực White Nile của Sudan. Họ đã thành lập trại tại Al Kashafa, một trại tị nạn đang tiếp nhận hơn 150.000 người Nam Sudan. Nơi ở của các nữ tu, được xây dựng từ tấm nhựa, là một công trình khiêm tốn, nhưng sự hiện diện của họ đã trở thành phao cứu sinh cho những người phải di dời.
Đối mặt với sự phân biệt đối xử và đáp ứng các nhu cầu cấp thiết
Các nữ tu không chỉ là người chăm sóc mà còn là người hòa giải trong một môi trường căng thẳng, nơi các cộng đồng chủ nhà thường đối xử tệ bạc với người tị nạn. Sơ Mary Achwany George, người đã làm việc tại Al Kashafa từ năm 2016, lưu ý rằng người tị nạn Nam Sudan phải đối mặt với sự phân biệt đối xử, bao gồm cả những hạn chế trong việc thu thập củi và nước. Sơ cho biết, "Nhiều người bị đe dọa cưỡng hiếp và lạm dụng khi họ rời khỏi trại". Bất chấp những thách thức này, các nữ tu vẫn mang đến nơi ẩn náu và hy vọng thông qua lời cầu nguyện và sự liên đới.
Các nữ tu cũng cung cấp sự hỗ trợ quan trọng khi khẩu phần ăn cạn kiệt. Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cung cấp một số cứu trợ, nhưng tình trạng thiếu hụt vẫn tiếp diễn, buộc người tị nạn phải làm việc như những người lao động theo ngày với mức lương ít ỏi. Sơ Mary cho biết, "Căng thẳng và thất vọng có thể trở nên không thể chịu đựng được, đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi, đến mức họ thường bị bịnh".
Chia sẻ đức tin và hy vọng
Giữa những khó khăn này, sự hiện diện của các nữ tu Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu giúp người tị nạn củng cố đức tin và chịu đựng. Sơ Georgina nhớ lại: “Lúc đầu, mọi người không gần gũi với Giáo hội. Bây giờ họ thích cầu nguyện cùng chúng tôi”. Hàng năm, Đức Cha Daniel Adwok đến thăm các trại để cử hành bí tích Thêm sức và chăm sóc mục vụ.
Sơ Mary nhấn mạnh đến khả năng phục hồi của những người tị nạn, những người chia sẻ những gì ít ỏi họ có với những người mới đến từ Sudan. Sơ cho biết: “Với những gì ít ỏi họ có, những người tị nạn Nam Sudan thậm chí còn giúp đỡ những người Sudan di tản đến các trại. Họ nói với chúng tôi: ‘Chúa ở đó, các sơ ạ, và một ngày nào đó chúng ta sẽ được về nhà’”.