Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Sáng thứ Tư, ngày 04 tháng Sáu vừa qua, Đức Thánh cha Lêô XIV đã thực hiện buổi Tiếp kiến chung thứ ba tại Quảng trường Thánh Phêrô, kể từ khi bắt đầu sứ vụ chủ chăn của Giáo hội hoàn vũ.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Tham dự cuộc gặp gỡ này có trên 50.000 tín hữu thập phương, trong đó có hàng chục giám mục.
Lúc gần 9 giờ 45 phút, Đức Thánh cha dùng xe mui trần tiến qua các lối đi để chào thăm các tín hữu, và đặc biệt dừng lại để chúc lành cho các em bé, trước khi lên tới khán đài để bắt đầu buổi tiếp kiến với dấu thánh giá và lời chào phụng vụ.
Mở đầu, chín độc viên lần lượt công bố, bằng các ngôn ngữ khác nhau, đoạn Tin mừng theo thánh Matthêu, đoạn 20 (1-7), thuật lại dụ ngôn một người chủ vườn nho nhiều lần trong ngày đi ra ngoài mướn các thợ để đưa vào làm việc trong vườn nho của ông.
Huấn dụ
Trong bài giáo lý tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài giáo lý Năm Thánh, về “Chúa Giêsu Kitô, niềm hy vọng của chúng ta”. Chương II về đời sống của Chúa Giêsu. Các dụ ngôn”. Đây là bài thứ tám trong chương này và có đề tài là: “Và ông chủ nói với họ: “Các anh cũng hãy đi làm việc trong vườn nho” (Mt 20,4).
Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh cha nói: “Anh chị em thân mến,
Hôm nay, tôi muốn dừng lại ở một dụ ngôn của Chúa Giêsu. Cả trong trường hợp này, vấn đề ở đây là niềm hy vọng của chúng ta. Thực vậy, nhiều khi chúng ta có cảm tưởng không tìm được một ý nghĩa cho đời sống chúng ta: chúng ta có cảm tưởng mình vô dụng, không thích hợp, giống như những người thợ chờ đợi ở quảng trường ngoài phố chợ, đợi có người đến mướn làm việc. Nhưng nhiều khi thời gian trôi qua, cuộc sống cứ qua đi mà chúng ta không cảm thấy được nhìn nhận hoặc được đánh giá cao. Có lẽ, chúng ta không tới đúng giờ, những người khác đã đến trước chúng ta, hoặc những lo lắng giữ chúng ta ở nơi nào khác.
Biểu tượng quảng trường thuê mướn thợ ở chợ cũng rất thích hợp đối với thời đại chúng ta ngày nay, vì chợ là nơi làm ăn buôn bán, nhưng rất tiếc tại đó người ta cũng mua bán cả tình thương và phẩm giá, tìm cách kiếm tiền một cách nào đó. Và khi chúng ta cảm thấy không được quý chuộng, ta có nguy cơ bán thân cho người đầu tiên hỏi mua. Trái lại, Chúa nhắc nhở chúng ta rằng cuộc đời chúng ta có giá trị, và Ngài muốn giúp chúng ta khám phá giá trị đó.
Cả trong dụ ngôn mà chúng ta bình luận hôm nay, có những công nhân chờ đợi có ai đến mướn họ làm việc trong ngày. Chúng ta đang ở chương 20 của Tin mừng theo thánh Matthêu và cả nơi đây chúng ta tìm được một nhân vật có một lối cư xử khác thường, gây ngạc nhiên và đặt câu hỏi. Đó là ông chủ một vườn nho, ông đích thân đi tìm các công nhân. Dĩ nhiên, ông muốn có một tương quan bản thân với họ.
Như tôi đã nói, đây là một dụ ngôn mang lại hy vọng, vì nói với chúng ta rằng ông chủ này đi ra nhiều lần để tìm những người đang chờ đợi mang lại một ý nghĩa cho đời mình. Ông chủ ra đi ngay buổi sáng và rồi, cứ ba tiếng, ông trở lại tìm thợ để gửi đến làm việc trong vườn nho của ông. Theo sự tìm kiếm như thế, sau khi ra đi vào lúc 3 giờ chiều, không còn lý do nữa để đi ra ngoài nữa, vì ngày làm việc kết thúc vào lúc 6 giờ.
Ông chủ này không biết mệt mỏi, bằng mọi giá muốn mang lại giá trị cho cuộc sống của mỗi người trong chúng ta, đến độ ông ra đi tìm thợ cả vào lúc 5 giờ chiều. Những người thợ ở lại quảng trường chợ có lẽ đã mất mọi hy vọng. Ngày hôm đó trống rỗng, nhưng lại vẫn có người còn tin nơi họ. Mướn thợ vào giờ cuối cùng của ngày làm việc thì có ý nghĩa gì? Thế mà, cả khi dường như chúng ta thấy chỉ có thể làm được ít ỏi trong cuộc sống, đó vẫn luôn là điều bõ công. Luôn có thể tìm được một ý nghĩa, vì Thiên Chúa yêu thương cuộc sống của chúng ta.
Và đó là điều đặc sắc của ông chủ này mà ta cũng thấy vào cuối ngày, lúc trả lương. Với những người thợ đầu tiên, những người làm việc trong vườn nho từ sáng, ông chủ đã thỏa thuận một đồng tiền. Đó là đồng lương tiêu biểu của một ngày làm việc. Với những người khác thì ông sẽ trả theo mức lương đúng. Và chính tại đây dụ ngôn khiêu khích chúng ta: thế nào là điều công chính? Đối với ông chủ vườn nho, tức là đối với Thiên Chúa, thật là điều công chính khi mỗi người có được những gì cần để sống. Chúa đã đích thân gọi các công nhân. Ngài biết phẩm giá của họ và dựa theo đó, Ngài muốn trả lương cho họ. Và Ngài cho tất cả mỗi người một đồng.
Trình thuật kể với chúng ta rằng các công nhân làm từ sáng đã thất vọng: họ không thấy được vẻ đẹp trong cử chỉ của ông chủ. Thực ra, ông không bất công, nhưng chỉ quảng đại. Ông không chỉ nhìn đến công trạng, nhưng nhìn cả nhu cầu nữa. Thiên Chúa muốn cho tất tả mọi người Nước của Ngài, nghĩa là sự sống sung mãn, vĩnh cửu và hạnh phúc. Và Chúa Giêsu cũng làm như thế đối với chúng ta: Ngài không làm bảng công trạng theo thứ tự, ai mở lòng đối với Ngài thì Ngài ban trọn chính mình.
Dưới ánh sáng dụ ngôn này, Kitô hữu ngày nay có thể bị cám dỗ mà nghĩ rằng: “Tại sao bắt đầu làm việc ngay? Nếu đồng lương vẫn như nhau, thì tại sao phải làm việc nhiều hơn?”. Thánh Augustinô đã trả lời cho nghi vấn đó và nói rằng: “Vậy tại sao bạn trì hoãn theo người kêu gọi bạn, trong khi bạn chắc chắn về phần thưởng nhưng không về ngày? Hãy chú ý đừng tước mất chính bản thân vì sự trì hoãn của bạn, điều mà Ngài sẽ ban cho bạn theo lời hứa của Ngài” (Discorso 87,6/8).
Và Đức Thánh cha nói: “Đặc biệt với những người trẻ, tôi muốn nói là đừng chờ đợi, nhưng hãy hăng hái đáp lại Chúa là Đấng kêu gọi chúng ta làm việc trong vườn nho của Ngài. Đừng trì hoãn, nhưng hãy xắn tay áo, vì Chúa quảng đại và bạn sẽ không bao giờ thất vọng!
Làm việc trong vườn nho của Chúa, bạn sẽ tìm được một câu trả lời cho câu hỏi sâu xa nhất mà bạn mang trong lòng: cuộc đời của tôi có ý nghĩa gì?
Anh chị em thân mến, chúng ta đừng nản chí! Cả trong những lúc đen tối của cuộc sống, khi thời gian qua đi không mang lại câu trả lời mà chúng ta tìm kiếm, chúng ta cũng hãy xin Chúa đi ra ngoài lần nữa và đến với chúng ta tại nơi chúng ta đang chờ đợi. Ngài quảng đại và sẽ đến sớm”.
Chào thăm và nhắn nhủ
Tóm tắt bằng các sinh ngữ khác của bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây của Đức Thánh cha được chín độc viên, trong đó có tiếng Hoa và tiếng Arập, trình bày, sau đó kèm theo những lời chào thăm và lời nhắn nhủ của Đức Thánh cha.
Khi chào bằng tiếng Pháp, Đức Thánh cha đặc biệt nhắc đến các tín hữu hành hương từ Pháp, Cộng hòa Tchad và Cameroon bên Phi châu, nhất là từ Giáo phận Boba của nước này và nhóm Những người đi xe môtô Kitô Đức Bà.
Bằng tiếng Anh, Đức Thánh cha chào thăm các tín hữu đến nhiều nước trên thế giới, trong đó có Anh quốc, Ecosse, Ailen, Phần Lan, Kenya, Indonesia, Hàn quốc, Philippines và Mỹ. Ngài cầu chúc mọi người được tràn đầy hồng ân của Chúa Thánh Thần, trong lúc chúng ta chuẩn bị mừng Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống.
Với các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh cha nhắn nhủ họ hãy noi gương các thánh và chân phước, trong đó ngài đặc biệt nhắc đến chân phước Pier Giorgio Frassati, bổn mạng cuộc gặp gỡ năm nay của giới trẻ Công giáo Ba Lan ở Lednica.
Sau cùng, bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha nhắn nhủ các tín hữu rằng “trong bầu không khí chuẩn bị mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, hãy luôn ngoan ngoãn đối với tác động của Chúa Thánh Thần, khẩn cầu Chúa ban ánh sáng và sức mạnh”.
Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha trên mọi người tham dự.
Khoảng hai mươi ngàn bạn trẻ Ba Lan sẽ tham dự Ngày Năm Thánh dành cho giới trẻ, ở Roma, từ ngày 28 tháng Bảy đến ngày 03 tháng Tám tới đây, cùng với gần một triệu người trẻ khác, tuổi từ 18 đến 35, từ các nơi trên thế giới.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Đoàn Ba Lan sẽ được ít là 22 giám mục, hơn 400 linh mục và trên 100 nữ tu hướng dẫn. Cha Tomasz Koprianiuk, Giám đốc Văn phòng toàn quốc Ba Lan tổ chức Ngày Quốc tế Giới trẻ, cho biết trong một tuần lễ tại Roma, các bạn trẻ sẽ có nhiều sinh hoạt, từ thánh lễ cho tới các buổi học giáo lý, các buổi hòa nhạc và văn nghệ với các nghệ sĩ tên tuổi, các buổi chia sẻ chứng từ. Chiều tối thứ Bảy, ngày 02 tháng Tám có buổi canh thức cầu nguyện với Đức Thánh cha Lêô XIV, tại khu vực Đại học Tor Vergata, cách trung tâm Roma 16 cây số, và thánh lễ bế mạc sáng Chúa nhật hôm sau, ngày 03 tháng Tám.
Các bạn trẻ Ba Lan sẽ trú ngụ tại nhiều nơi ở Roma, trong đó có 5.000 bạn trẻ ở Nhà Ba Lan, Casa Polacca. Việc tổ chức này được sự cộng tác tích cực của các giới chức chính quyền liên hệ của thành Roma.
Các sinh hoạt Ngày Năm Thánh Giới trẻ ở Roma được coi là nối tiếp Ngày Quốc tế Giới trẻ ở Lisbon, Bồ Đào Nha, hồi đầu tháng Tám năm 2023, trong hành trình tiến tới Ngày Quốc tế Giới trẻ tại Hàn Quốc, năm 2027.
Các bạn trẻ thế giới sẽ đến Roma từ ngày 28 tháng Bảy. Ngày hôm sau, 29 tháng Bảy, có thánh lễ của Giáo phận Roma tại Quảng trường thánh Phêrô để chào đón họ. Hai ngày kế tiếp được dành cho “cuộc đối thoại với thành Roma”, qua những sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật và linh đạo, được tổ chức tại nhiều nơi ở Roma. Các sinh hoạt này được tổ chức và tiến hành theo các gợi ý của các giáo phận từ các nơi, và đang được Bộ Loan báo Tin mừng cứu xét. “Chủ ý ở đây là cống hiến cho mỗi người cơ hội tự giới thiệu, biểu lộ, để những người đến Roma có thể nhận thấy cuộc sống và tinh thần sáng tạo của Giáo hội Công giáo”.
Thứ Sáu, ngày 01 tháng Tám, là ngày thống hối, được cử hành tại Trường đua thời La Mã “Circo Massimo” qua đó, các bạn trẻ và tín hữu khác có thể lãnh nhận bí tích Hòa giải.
Sau cùng, thứ Bảy và Chúa nhật, mùng 02 và 03 tháng Tám là cao điểm của Ngày Năm Thánh Giới, trẻ với buổi canh thức tại khu vực Đại học xá Tor Vergata, cũng là nơi đã diễn ra Ngày Quốc tế Giới trẻ cách đây 25 năm, tức là hồi năm thánh 2000, với Đức Thánh cha Gioan Phaolô II. Cũng tại đây, lúc 9 giờ 30 sáng Chúa nhật, ngày 03 tháng Tám, có thánh lễ bế mạc. Hai sinh hoạt này sẽ do Đức Thánh cha Lêô XIV chủ sự.
Đối với những người không thể hiện diện trọn tuần lễ ở Roma, thì họ có thể chỉ tham dự các sinh hoạt cuối tuần, từ 01 đến 03 tháng Tám, đặc biệt là buổi canh thức tối thứ Bảy, và thánh lễ bế mạc sáng Chúa nhật ngày sau đó.
(Ekai.pl, Tổng hợp 4-6-2025)

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Hai cơ quan này thường bị dư luận Công giáo truyền thống phê bình là có lập trường “thiếu rõ ràng và mơ hồ” về luân lý gia đình và các vấn đề đạo lý sinh học, nhất là dưới thời Đức Tổng giám mục Vincenzo Paglia làm Chủ tịch và Chưởng ấn của cơ quan vừa nói của Tòa Thánh. Mới đây, Đức Thánh cha Lêô XIV đã nhận đơn từ nhiệm, vì lý do tuổi tác, 80 tuổi, của Đức Tổng giám mục Paglia và ngài bổ người kế vị là Đức ông Chưởng ấn Hàn lâm viện Tòa Thánh về sự sống.
Mới đây, trang mạng The Pillar ở Mỹ đã phỏng vấn Đức Hồng y Willem Eijk, vốn nổi tiếng trong các Hồng y là người nói rõ ràng, minh bạch về các vấn đề sự sống và đạo đức tin học. Ngài vốn là một bác sĩ y khoa. Mới đây, Đức Hồng y đã được mời thuyết trình tại Hội nghị quốc tế về đạo đức sinh học, do Quỹ Jerome Lejeune tổ chức tại Roma để thảo luận về đề tài “khoa học và đạo đức sinh học phục vụ sự thật”.
Trong cuộc phỏng vấn, Đức Hồng y Eijk nói rằng: “Chúng ta cần chống lại thứ văn hóa ngày nay, không nhìn nhận các giá trị nội tại của sự sống con người. Nghĩa vụ của chúng ta là thông truyền sự thật về Thiên Chúa, về con người, và thế giới, cũng như các chân lý siêu hình, và sự thật liên quan đến các giá trị và quy luật luân lý.”
Đức Hồng y nhìn nhận rằng những cố gắng của Giáo hội trong lãnh vực này không thành công lắm: ví dụ con số những vụ phá thai liên tục gia tăng, như tại Mỹ năm ngoái có ít nhất một triệu vụ. Hoặc gần đây quốc hội Pháp đã ghi vào trong hiến pháp quốc gia quyền của phụ nữ được phá thai, và cách đây vài ngày, quốc hội Pháp đã thông qua luật cho trợ tử. Nhưng Đức Hồng y Eijk nhấn mạnh rằng: “Chúng ta không được buông xuôi, chúng ta không được mất can đảm. Trong những năm vừa qua, tôi đã thấy ở Hòa Lan, mỗi năm đều có sự gia tăng con số những người trẻ muốn được đón nhận vào trong Giáo hội. Tuy không nhiều như ở Pháp, nhưng dầu sao người ta thấy đó là một khuynh hưởng gia tăng rõ ràng trong lãnh vực này. Và những người trẻ ấy khám phá Chúa Kitô và Tin mừng, cũng như các giáo huấn luân lý của Giáo hội, qua cả Internet, Tiktok, các mạng xã hội. Khi họ đến gặp một linh mục để xin rửa tội hoăc thêm sức, họ đã biết nhiều về đức tin vì họ đã đọc được về đạo lý Công giáo trên Internet và các mạng xã hội”.
Về vai trò của các tổ chức, như Học viện Gioan Phaolô II về hôn nhân và gia đình, cũng như Hàn lâm viện Tòa Thánh về sự sống, Đức Hồng y Eijk nói rằng:
“Điều rất quan trọng là chúng ta cố gắng tái lập sự hiệp nhất trong Giáo hội. Và điều này cần đến từ một sự tuyên xưng đức tin rõ ràng và không mơ hồ. Điều này cũng phải diễn ra trong lãnh vực luân lý và đạo đức”.
“Có lẽ không dễ làm chứng về luân lý Công giáo. Nhiều người gặp khó khăn với luân lý này, nhưng chúng ta phải rõ ràng và không mơ hồ về những chân lý căn bản của đức tin chúng ta.
“Tuy rằng cả trong lãnh vực này sự việc thay đổi. Chúng tôi đã du nhập trong Giáo phận Utrecht các khóa chuẩn bị hôn nhân với năm buổi chiều. Chúng tôi giải thích thần học về thân xác. Chúng tôi nói về đạo lý Giáo hội liên quan đến việc ngừa thai, chúng tôi nói về việc kế hoạch hóa gia đình tự nhiên. Và những phản ứng của dân chúng thường là: “Ồ, điều này thật là đẹp, chúng con chưa hề nghe nói về vấn đề này!”
“Và điều này làm cho tôi thấy rõ ràng: chúng ta phải thông truyền sự thật về hôn nhân, về đời sống tính dục. Điều này có thể là khó khăn, nhưng không phải là không có thể. Trong khóa học gần đây nhất, chúng tôi có 12 cặp, vậy là 24 người trẻ họ nghe sứ điệp này và tỏ ra cởi mở đối với đạo lý của Giáo hội”.
(The Pillar 1-6-2025)
Tháng Sáu thường là tháng truyền chức linh mục tại Đức. Năm nay, số tân linh mục tại bang Bavaria ở miền nam Đức xuống thấp nhất, kể từ hơn 60 năm nay. Trong số bảy giáo phận tại bang này, ba giáo phận không có một linh mục mới nào, đó là Tổng giáo phận Munich, Giáo phận Eichstaett và Passau.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Tổng cộng tại bang này, trong năm nay (2025), chỉ có sáu tân linh mục. Tại Giáo phận Wuerzburg, Đức Cha Franz Jung sẽ truyền chức cho một tân linh mục, vào thứ Bảy, ngày 07 tháng Sáu sắp tới. Hai linh mục khác sẽ thụ phong vào cuối tuần này, tại hai Giáo phận Regensburg và Augsburg; và có một linh mục mới tại Tổng giáo phận Bamberg.
Trong khi đó, chín nữ thần học gia trẻ tại Giáo phận Freiburg ở miền tây nam Đức đang mong ước được chịu chức linh mục và họ coi đây là vấn đề quan trọng quyết định đối với tương lai của Giáo hội Công giáo tại nước này. Họ đã viết thư cho Đức Giám mục Phụ tá Christian Wuerz của giáo phận để xin được trao đổi về vấn đề này, với xác tín từng bước một Giáo hội sẽ thay đổi và chấm dứt tình trạng mà họ gọi là “bất công” vì không truyền chức linh mục cho nữ giới.
(KNA 3-6-2025)

Vatican News
Sự kiện sẽ diễn ra tại sân vận động Rate Field của Chicago, vào chiều thứ Bảy, ngày 14/6, với chương trình bắt đầu lúc 2 giờ 30 chiều và kết thúc với Thánh lễ do Đức Hồng Y Blase Cupich, Tổng Giám Mục Chicago, chủ sự lúc 4 giờ chiều giờ địa phương.
Trong một sứ điệp video được công bố trên mạng xã hội, Đức Hồng Y Blase Cupich mời tất cả mọi người tham gia. Tổng Giáo Phận mô tả sự kiện là một cuộc gặp gỡ đức tin, hiệp nhất và tinh thần cộng đoàn.
Mặc dù Đức Thánh Cha Lêô XIV sẽ không hiện diện tại Chicago để tham dự sự kiện, nhưng ngài đã cho biết sẽ tham dự từ xa tại Roma, với một sứ điệp video sẽ được gửi đến buổi gặp gỡ.
Khi nhận được thông báo sự kiện từ Tổng Giáo Phận, các tín hữu rất vui mừng và ngay lập tức đăng ký tham gia sự kiện. Trong vòng 15 phút đầu tiên sau khi mở bán vé, đã có hơn 9.000 người đăng ký. Đến cuối ngày đầu tiên, con số đó đã lên tới 20.000. Hiện nay, vé vẫn được bán với giá năm đô la Mỹ và tất cả mọi người đều được mời tham gia.
Sinh ngày 14/9/1955 tại Chicago, Đức Thánh Cha Lêô XIV là con của ông Louis Marius Prevost, mang dòng máu Pháp - Ý, và bà Mildred Martínez, gốc Tây Ban Nha. Ngài có hai anh em là Louis Martín và John Joseph. Ngài theo học tại tiểu Chủng viện của Dòng Augustinô và sau đó tốt nghiệp Cử nhân Toán học và Triết học tại Đại học Villanova vào năm 1977. Cùng năm đó, ngài gia nhập Dòng Thánh Augustinô (O.S.A.), khấn lần đầu năm 1978 và vĩnh khấn năm 1981.

Vatican News
Theo thông báo của Tổng Giáo Phận Napoli, Tuần lễ Phục vụ Quốc gia năm 2025 do Tổng Giáo Phận Napoli tổ chức với sự cộng tác của Trung tâm Cử hành Phụng vụ. Chủ đề của sự kiện là một lời cầu nguyện phụng vụ và tâm linh gắn liền với Năm Thánh và mời gọi Giáo hội tái khám phá mối liên hệ giữa cầu nguyện chiêm niệm và dấn thân cụ thể trong cuộc sống hàng ngày.
Tổng Giáo Phận giải thích, sự kiện không chỉ quan trọng đối với cộng đoàn Giáo hội, nhưng còn đối với toàn thành phố Napoli, trong tinh thần của Năm Thánh. Chưa bao giờ Quốc vụ khanh Toà Thánh tham gia Tuần lễ Phụng vụ Quốc gia, điều này mang đến cho sự kiện một tầm quan trọng về thể chế và truyền thông ở cấp độ quốc tế.
Một khoảnh khắc ý nghĩa khác là tại buổi khai mạc sự kiện với giờ Kinh Chiều, do Đức Hồng Y Mimmo Battaglia, Tổng Giám Mục Napoli chủ sự, có sự trưng bày tượng bán thân và máu của Thánh Januarius, vị thánh bảo trợ của thành phố, một sự kiện rất hiếm hoi kết hợp tính long trọng của phụng vụ và truyền thống dân gian của người Napoli, tạo nên một nhịp cầu độc đáo giữa lòng sùng kính ngàn đời và canh tân tâm linh.
Về mặt kinh tế và du lịch, sự kiện này sẽ đưa đến Napoli hàng trăm học giả, chuyên gia phụng vụ và tín hữu từ khắp nước Ý, tạo ra tác động đáng kể đến lĩnh vực lưu trú và văn hóa của thành phố. Tuần lễ phụng vụ cũng là một cơ hội độc đáo để tôn vinh di sản nghệ thuật và kiến trúc của Napoli - từ các kho báu trong nhà thờ chính tòa đến vẻ đẹp của trung tâm lịch sử được UNESCO công nhận - thông qua ba hành trình của đức tin và vẻ đẹp: các di sản của nhà thờ chính tòa, khu di tích Thánh Lorenzo Maggiore và nhà thờ cổ kính Thánh Gregorio Armeno. Vì thế, lần tổ thức thứ 75 của Tuần lễ Phụng vụ được định hình như một sự kiện có tiếng vang quốc gia và quốc tế, củng cố vai trò của Napoli như một thủ đô tinh thần và văn hóa của miền Nam nước Ý.
Trong một tuyên bố, Đức Hồng Y Mimmo Battaglia, Tổng Giám Mục Napoli nói: “Thành phố của chúng ta, hướng ra Biển Địa Trung Hải, nơi giao thoa của các dân tộc và nền văn hóa, chắc chắn sẽ có thể chào đón tất cả các tham dự viên một cách nồng nhiệt và sống động, được làm phong phú thêm bởi vẻ đẹp của cảnh quan và nghệ thuật, được tô điểm bởi tinh thần liên đới và hiếu khách của người dân Napoli”.
Theo Đức Tổng Giám Mục, sự kiện này là một món quà quan phòng của Chúa, trong trung tâm Năm Thánh 2025, sẽ thúc đẩy các tín hữu suy gẫm về tầm quan trọng của một phụng vụ sống động.

Vatican News
Sự kiện được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 5 năm chuyến thăm Rumani của Đức cố Giáo hoàng Phanxicô và Thánh lễ tại Quảng trường Tự do ở thành phố Blaj, nơi ngài tuyên phong chân phước cho bảy Giám mục Công giáo Đông phương tử đạo, bao gồm Đức Hồng y Iuliu Hossu, vào ngày 2/6/2019. Sự kiện này đã được Đức cố Giáo hoàng Phanxicô đồng ý cách đây một năm theo yêu cầu của Liên đoàn các Cộng đồng Do Thái Rumani.
Đức Hồng y Iuliu Hossu, Hồng y "in pectore" của Đức Phaolô VI
Đức Hồng y Iuliu Hossu là một tuyên úy quân đội trong Thế chiến thứ nhất, sau đó được bổ nhiệm làm giám mục của Gherla. Nổi tiếng với sự dấn thân mục vụ cho miền Transylvania, vào đêm giữa ngày 28 và 29/10/1948, ngài đã bị bắt cùng với sáu Giám mục khác. Sau lần đầu tiên được thả khỏi nhà tù Sighet, Đức Hồng y tiếp tục khuyên nhủ các tín đồ hãy can đảm tuyên xưng đức tin của mình và ngài cố gắng tổ chức lại, mặc dù trong bí mật, các cấu trúc bị đàn áp của Giáo hội Công giáo. Bị chính quyền buộc phải quản thúc tại gia, câu chuyện của ngài đã đến tai Thánh Giáo hoàng Phaolô VI. Vào năm 1969, Đức Phaolô VI đã phong ngài làm Hồng y "in pectore", nghĩa là Đức Giáo hoàng không công bố tên của Hồng y, bởi vì hoàn cảnh không cho phép. Bổ nhiệm này chỉ được công khai vào năm 1973. Trên thực tế, đó là cơ hội để Đức Hồng y Hossu rời khỏi Rumania, một đất nước rất nguy hiểm đối với ngài để sang tị nạn tại Roma; nhưng ngài đã từ chối cơ hội này để có thể ở gần người dân của mình.
Những lời cuối cùng của ngài trước khi qua đời vào năm 1970 là với Giám mục Todea: “Cuộc chiến của tôi đã kết thúc, cuộc chiến của ngài vẫn tiếp tục”.
Tông đồ của Hy vọng và vị Tử đạo của Đức tin
Trong bài phát biểu, Đức Thánh Cha Lêô ngay lập tức nhấn mạnh rằng Đức Hồng y Hossu là một tông đồ của hy vọng, được tưởng niệm trong Năm Thánh hy vọng, nhưng cũng là "một vị tử đạo của đức tin trong cuộc bách hại của cộng sản ở Rumani".
Đức Thánh Cha nói: "Hôm nay, theo một nghĩa nào đó, ngài bước vào Nhà nguyện này", ám chỉ đến việc Đức Hồng y Hossu được Thánh Phaolô VI thăng làm Hồng y "in pectore" vào năm 1969 khi vẫn bị giam cầm dưới chế độ cộng sản ở Rumani. Ngài nhắc lại lòng dũng cảm và sự kiên định của vị giám mục, người vẫn trung thành với Giáo hội Roma ngay cả trong cuộc đàn áp nặng nề. Ngài nói rằng di sản của Đức Hồng y Hossu là “biểu tượng của tình huynh đệ vượt qua mọi ranh giới sắc tộc và tôn giáo”.
Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến tiến trình đang diễn ra để trao tặng cho Đức Hồng y Hossu danh hiệu “Người công chính giữa các quốc gia”, một sáng kiến được thúc đẩy bởi những nỗ lực anh hùng của ngài nhằm bảo vệ người Do Thái ở miền Bắc Transylvania trong thời kỳ Đức Quốc xã chiếm đóng từ năm 1940 đến năm 1944.
Bảo vệ những người bị bách hại
Đức Thánh Cha lưu ý rằng “Đối mặt với nguy hiểm cho bản thân và Giáo hội Công giáo Hy Lạp, Chân phước Hossu đã thực hiện nhiều hoạt động rộng rãi bênh vực người Do Thái nhằm ngăn chặn việc trục xuất họ”.
Trong bài phát biểu, Đức Thánh Cha trích dẫn lời kêu gọi của Đức Hồng y Iuliu Hossu trong lá thư mục vụ ban hành vào ngày 2/4/1944, gửi đến các giáo sĩ và tín đồ Công giáo Đông phương trong giáo phận của ngài, vào mùa xuân năm 1944, trong khi việc định cư người Do Thái đang được chuẩn bị tại Cluj-Napoca và các thành phố khác của miền Transylvania. “Lời kêu gọi của chúng tôi được gửi đến tất cả anh chị em… hãy giúp đỡ người Do Thái không chỉ bằng suy nghĩ của mình mà còn bằng sự hy sinh của mình, với ý thức rằng không có hành động nào cao quý hơn việc cung cấp sự hỗ trợ của Kitô giáo và Rumani, xuất phát từ lòng bác ái nồng nhiệt của con người”.
Đức Thánh Cha cũng nhắc lại chứng từ của Moshe Carmilly-Weinberger, cựu Giáo sĩ trưởng của Cộng đồng Do Thái địa phương về sự can thiệp của Đức Hồng y Hossu để cứu hàng ngàn người Do Thái
Lời mời gọi vượt qua hận thù thông qua sự tha thứ
Sau đó Đức Thánh Cha mô tả Đức Hồng y Hossu là “một người của đối thoại và là một ngôn sứ của hy vọng". Lễ tuyên phong chân phước vào năm 2019 đã khẳng định địa vị của ngài là một vị tử đạo và là hình mẫu của nhân đức Kitô giáo.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng hy vọng của Đức Hồng y Hossu "là hy vọng của người trung thành, người biết rằng cánh cổng của sự dữ sẽ không chiến thắng công trình của Chúa". Một người đã sống đức tin của mình "một cách trọn vẹn, trong lời cầu nguyện và sự tận tụy phục vụ tha nhân".
Trích dẫn lời của chính Đức Hồng y Hossu, “Thiên Chúa đã gửi chúng ta vào bóng tối đau khổ này để ban ơn tha thứ và cầu nguyện cho sự hoán cải của tất cả mọi người”, được Đức cố Giáo hoàng Phanxicô nhắc lại trong lễ tuyên phong chân phước cho Đức Hồng y Hossu, Đức Thánh Cha Lêô đã nhấn mạnh sức mạnh bền bỉ của sự tha thứ như một sức mạnh biến đổi trước sự bách hại.
Đức Thánh Cha nói: "Những lời này thể hiện bản chất tinh thần của các vị tử đạo: một đức tin không lay chuyển vào Thiên Chúa, không hận thù nhưng với lòng thương xót biến đau khổ thành tình yêu dành cho những kẻ bách hại. Họ vẫn là lời mời gọi mang tính ngôn sứ cho đến ngày nay để vượt qua hận thù thông qua sự tha thứ và sống đức tin với phẩm giá và lòng can đảm".
Chứng nhân cho ngày nay
Đức Thánh Cha Lêô XIV đã đưa ra sự tương đồng giữa tấm gương của Đức Hồng y Hossu và tuyên ngôn "Nostra Aetate", tuyên bố của Công đồng Vatican II về mối quan hệ của Giáo hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Ngài nói: “Những gì Đức Hồng y Hossu đã làm cho người Do Thái ở Rumani, ngày nay khiến ngài trở thành hình mẫu của sự tự do, lòng dũng cảm và lòng quảng đại, thậm chí là sự hy sinh cao cả nhất”.
Kêu gọi các tín hữu áp dụng khẩu hiệu giám mục của Đức Hồng y Hossu, “Đức tin của chúng ta là sự sống của chúng ta”, như của chính họ, Đức Thánh Cha Lêô đã đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ chống lại mọi hình thức bạo lực, đặc biệt là những hình thức nhắm vào những người dễ bị tổn thương nhất: “Chúng ta hãy nói ‘Không!’ với bạo lực dưới mọi hình thức, và thậm chí còn hơn thế nữa khi nó được thực hiện đối với những người không có khả năng tự vệ và dễ bị tổn thương, như trẻ em và gia đình”.
Đức Thánh Cha kết thúc bài phát biểu với lời cầu xin Chúa chúc lành cho tất cả những người hiện diện và bày tỏ hy vọng rằng tấm gương của Đức Hồng y Hossu có thể tiếp tục tỏa sáng “như một ngọn hải đăng cho thế giới ngày nay”.
Đức Hồng y Hossu, một người chính trực đã từ chối thỏa hiệp
Trong bài phát biểu mở đầu buổi tưởng niệm, ông Silviu Vexler, chủ tịch Liên đoàn Cộng đồng Do Thái Rumani, định nghĩa hành động của Đức Hồng y Hossu là "không thể tưởng tượng và hầu như không thể hiểu được đối với hầu hết chúng ta", bởi vì "ngài đã tự đặt mình, cộng đồng và Giáo hội của mình vào vòng nguy hiểm", cố gắng cứu những người mà ngài không quen biết. Không chỉ bằng cách yêu cầu tất cả các tín hữu bảo vệ những người Do Thái bị đưa đến các trại diệt chủng, mà còn bằng cách giấu họ trong Nhà thờ chính tòa của mình. Vì lý do này, ngài thực sự là "một người chính trực đã từ chối thỏa hiệp".
Cùng với Đức Giáo hoàng và Giáo hội mang lại hòa bình và tình yêu
Liên đoàn các cộng đồng Do Thái tại Rumani vô cùng biết ơn Đức Hồng y Hossu, Tòa Thánh và Giáo hội Công giáo “vì mọi điều đã làm để bảo vệ người Do Thái tại Rumani trong cuộc diệt chủng Holocaust”. Và kết luận: “Chúng tôi không quên và sẽ không bao giờ quên”.
Lời chúc cuối cùng gửi đến Đức Thánh Cha Lêô là lời cầu nguyện với Chúa: “Xin Người ban cho ngài sức mạnh để mang lại hy vọng cho những người không có hy vọng, để khiến những người khóc than mỉm cười, mang lại hòa bình cho những người không có sự an ủi, mang lại tình yêu cho những người thù hận và mang lại đức tin cho những người đã mất đức tin. Chúng tôi sẽ luôn ở đây, cùng với ngài và Giáo hội Công giáo, như những người bạn và anh em để biến tất cả những điều này thành hiện thực”.
Người của Chúa đã đấu tranh cho chân lý và công lý
Sau đó, trong thông điệp được Đức Cha Cristian Crișan đọc, Đức Hồng y Lucian Mureşan, Tổng Giám mục trưởng của Giáo hội Công giáo Đông phương Rumani, nhấn mạnh rằng cuộc đời và sự tử đạo của Đức Hồng y Iuliu Hossu nói với chúng ta về “tình bạn của ngài với Chúa, với anh em và với người thân cận, vượt khỏi ranh giới tôn giáo hay sắc tộc”. Trong tình bạn này và “trong sự phục vụ chân thành và quảng đại của những người ngài gặp trên đường đời”, Chân phước Hossu, người mà Đức Hồng y Mureşan có niềm vui được gặp, đã tìm thấy sức mạnh “để tha thứ và yêu thương những người đã ngược đãi ngài”. Đức Hồng y Mureşan kết luận rằng vị giám mục tử đạo “trước hết và trên hết là một người của Chúa, người đã để lại cho chúng ta di sản về cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ của ngài cho chân lý và công lý”.
Chương trình của sự kiện cũng bao gồm một số khoảnh khắc âm nhạc và đọc một số đoạn trích từ hồi ký của Chân phước Hossu, chứng từ về đức tin của ngài, sức mạnh của sự tha thứ và sự tự do nội tâm của ngài bất chấp sự đàn áp của chế độ cộng sản Romania.

Vatican News
Đức Thánh Cha Lêô XIV nói: "Chúng ta cùng cầu nguyện để mỗi người tìm được niềm an ủi trong mối tương quan cá vị với Chúa Giêsu, và từ Thánh Tâm Người, học để có lòng trắc ẩn với thế giới".
Đây là lần đầu tiên Đức Thánh Cha Lêô ngỏ lời mời gọi các tín hữu cầu nguyện theo ý chỉ của ngài trong từng tháng.
Video trình bày một kinh nguyện cầu xin Thánh Tâm, để xin Chúa Kitô giúp chúng ta biết Người hơn, để có thể ở lại với Người, học từ tình yêu của Người; để Người biến đổi chúng ta để Người trở thành mục đích của cuộc sống chúng ta; và để Người có thể sai chúng ta ra đi với sứ vụ mang lòng trắc ẩn, sự an ủi của Người đến với thế giới.
Cha Cristóbal Fones, Giám đốc Mạng lưới Cầu nguyện tòan cầu của Đức Giáo hoàng, giải thích rằng ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha Lêô trong tháng 6 này tập trung vào việc gia tăng lòng trắc ẩn đối với thế giới qua tương quan cá vị với Chúa Giêsu.
Cha nói: “Bằng cách vun đắp mối quan hệ thực sự gần gũi này, trái tim chúng ta sẽ giống với Trái tim Người hơn. Chúng ta lớn lên trong tình yêu và lòng thương xót, và chúng ta sẽ học tốt hơn lòng trắc ẩn là gì. Chúa Giêsu đã thể hiện tình yêu vô điều kiện đối với mọi người, đặc biệt là đối với người nghèo, người bệnh và những người đang đau khổ. Đức Giáo hoàng khuyến khích chúng ta noi theo tình yêu thương trắc ẩn này bằng cách dang tay giúp đỡ những người đang cần”.
Lạy Chúa, giờ đây con chạy đến với Thánh Tâm hiền dịu của Ngài,
với Đấng có những lời khiến tim con bừng cháy,
đến với Đấng tuôn đổ lòng trắc ẩn trên những người bé nhỏ và khó nghèo,
trên những ai đau khổ và mọi nỗi khốn cùng của nhân loại.
Con ước ao được hiểu biết Chúa hơn,
được chiêm ngắm Chúa trong Tin Mừng,
được ở bên Chúa và học nơi Chúa,
và học từ tình thương mà Chúa để chính mình
được chạm đến mọi hình thức khó nghèo.
Chúa đã tỏ cho chúng con tình yêu của Chúa Cha
khi yêu thương chúng con vô hạn
bằng Trái Tim thần linh và nhân loại của Chúa.
Xin ban cho tất cả chúng con ơn được gặp gỡ Chúa.
Xin biến đổi, uốn nắn và canh tân những kế hoạch của chúng con,
để trong mọi hoàn cảnh: từ lời cầu nguyện, đến công việc,
trong các cuộc gặp gỡ và nơi sinh hoạt hằng ngày,
chúng con chỉ tìm kiếm một mình Chúa.
Từ cuộc gặp gỡ ấy, xin sai chúng con đi thực hiện sứ mạng,
một sứ mạng của lòng trắc ẩn dành cho thế giới,
nơi mà chính Chúa là nguồn mạch tuôn trào mọi niềm ủi an. Amen.
THƯ MỤC VỤ
CỦA ĐỨC TÂN TỔNG GIÁM MỤC TỔNG GIÁO PHẬN HUẾ
KÍNH GỬI CỘNG ĐOÀN DÂN CHÚA TỔNG GIÁO PHẬN HUẾ
LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG NĂM 2025
Huế, ngày 02 tháng 6 năm 2025
Trọng kính quý Đức Nguyên Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế,
Kính thưa quý Đức Ông, quý Cha, quý Thầy Phó tế, quý Tu sĩ nam nữ, quý Chủng sinh,
quý Ông bà và Anh chị em giáo hữu trong gia đình Tổng Giáo phận Huế thân mến.
Trước hết, con xin kính lời trân trọng chào mừng quý Đức Tổng, quý Cha, quý Phó tế, quý Nam Nữ Tu sĩ, Chủng sinh và quý giáo hữu thân mến trong gia đình Tổng Giáo phận Huế.
Khi khởi đầu sứ vụ Chủ chăn của Tổng Giáo phận Huế, con muốn được cùng chia sẻ với mọi thành viên trong gia đình Tổng Giáo phận tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, tri ân Đức Thánh Cha Phanxicô là Đấng khởi sự, Đức Thánh Cha Lêô XIV bổ nhiệm, và các Đấng Bậc trong Hội Thánh đã thương chọn gọi và đặt con vào vai trò mục tử của đoàn chiên Chúa tại Tổng Giáo phận Huế, miền đất phong phú ân phúc chứng tá đức tin với truyền thống đạo hạnh, và luôn được sự chở che hộ phù của Đức Mẹ La Vang trong sứ vụ loan báo và làm chứng tá cho Tin Mừng “đến với muôn dân” của tất cả cộng đoàn Dân Chúa, đặc biệt trong thời kỳ được gọi là kỷ nguyên mới của đất nước nói chung và cách riêng của Tổng Giáo phận chúng ta.
Cùng với tâm tình cảm tạ Thiên Chúa là lòng biết ơn sâu xa của con trước tình nghĩa của quý Đức Tổng, quý Cha và mọi người đã thương đón nhận con vào gia đình Giáo phận, như người con, người anh em và người phục vụ muộn màng với công việc chăm sóc thu hoạch vườn nho của Chúa tại nơi địa linh nhân kiệt của cố kinh Nước Việt này. Với con, tuy được sai đến với tư cách là mục tử của đoàn chiên, là người thợ làm vườn nho của Thiên Chúa, nhưng trước hết con muốn đón nhận như ân huệ được chung chia với mọi thành phần Dân Chúa của Tổng Giáo phận niềm vinh phúc được làm con Chúa, làm chứng nhân của Tin Mừng tình thương và hy vọng của Thiên Chúa tại nơi đã và đang thấm đẫm máu, nước mắt, mồ hôi và nụ cười của những người hành hương hy vọng tiến về quê Trời vĩnh phúc. Xin Thiên Chúa chúc lành cho ước nguyện của con được cùng với mọi người tin yêu thờ phượng và làm chứng tá cho tình yêu Thiên Chúa và quyền năng Nước Trời.
Nhân dịp trọng đại này của cuộc hành trình sứ vụ, con xin được bày tỏ đôi tâm tình cũng là những ưu tư và nguyện ước của con cho đời sống đức tin chứng tá và phục vụ của cộng đoàn Dân Chúa Tổng Giáo phận mà con được cùng sống và chung chia định mệnh và hoài bão Nước Trời.
Trước hết là sự kỳ vọng và nguyện ước một tinh thần Hiệp nhất-Yêu thương trong đại gia đình Tổng Giáo phận. Đây cũng chính là ước mong và lời nguyện cầu khẩn thiết của Thầy Chí Thánh Giêsu của chúng ta cho một sự hiệp nhất giữa đoàn chiên, với nhau và với chủ chiên: UT SINT UNUM (để họ nên một), với tiêu chuẩn mà Chúa Giêsu đã định đặt các môn đệ: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 35). Đây cũng là điều kiện và dấu chỉ hiển thị của Tin Mừng Phục Sinh quy tụ các môn đệ để cùng lãnh nhận ơn Thánh Linh, trở nên chứng tá mạnh mẽ và thuyết phục nhất cho công cuộc loan báo Tin Mừng. Tình hiệp thông sẽ dẫn dắt mọi người đến với nhau và chung lòng hiệp sức cùng đến với dân ngoại. Với tinh thần tuân hành và vâng phục trong tình yêu thương này, chúng ta có thể thực hiện nhiều chương trình sống và làm chứng tá đức tin cách hữu hiệu, linh động với sức mạnh của đức ái, trí tuệ và khôn ngoan của ơn Chúa Thánh Thần để tiếp tục vun đắp và phát huy gia sản quý báu của các Đấng tiền nhân khi xây dựng và mở rộng mái ấm hạnh phúc cho mọi người trong gia đình Giáo phận.
Hoài bão thứ hai và cũng là lời khẩn cầu thường xuyên trong sứ vụ mục tử của con chính là nguyện xin cho việc luyện tập và thực hành Lòng Mến trong sứ vụ chứng nhân Nước Trời. Đây là nhân đức đối thần quan trọng nhất trong đời sống Kitô hữu hướng về Thiên Chúa và quảng đại hòa hợp, chia sẻ với mọi người từ trong mỗi gia đình đến cộng đoàn Dân Chúa. Chính Chúa Phục Sinh đã thắp lại và thổi bùng ngọn lửa yêu mến tưởng chừng như đã lụi tàn của các môn đệ trên đường Emmaus sau những thử thách của cuộc khổ nạn thập giá Đức Kitô Cứu Thế: “Dọc đường khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24, 32). Với lòng yêu mến như là nhân đức tuyệt hảo liên kết cuộc đời con người với Thiên Chúa và mở rộng ra với tha nhân, mỗi tín hữu được gia tăng nỗ lực và khả năng hoàn thiện tâm thế sống quảng đại, tích cực để thờ phượng Thiên Chúa, phụng sự Hội Thánh và phục vụ nhau.
Trọng kính quý Đức Tổng, quý Cha, quý Ông bà và Anh chị em,
Thực sự, con luôn ý thức thân phận yếu hèn và những khả năng giới hạn của bản thân trước mặt Chúa và khi đón nhận trọng trách Giám mục Chính tòa Tổng Giáo phận Huế, và có lẽ mọi người cũng có thể nhận ra phần nào trong suốt thời gian con thực thi vai trò Tổng Giám mục Phó vừa qua. Con kính xin quý Đức Tổng và tất cả cộng đoàn Dân Chúa trong Tổng Giáo phận tiếp tục thương cầu nguyện, nâng đỡ và hỗ trợ con trong đời sống chứng nhân Tin Mừng tình thương và sự sống trong sứ vụ con được giao phó và thành tâm đón nhận. Xin cho con được ơn khiêm nhường lắng nghe và đức khôn ngoan, lòng dũng cảm thực thi những điều tốt lành để làm sáng danh Chúa và mưu ích cho mọi tâm hồn.
Nguyện xin Đức Mẹ La Vang, bổn mạng Tổng Giáo phận, gia ân phù trợ và chuyển cầu những ơn lành cần thiết cho con và mọi người trong gia đình Tổng giáo phận Huế thân yêu.
Ad Gentes!
(đã ấn ký)
+ Giuse Đặng Đức Ngân
Tổng Giám mục TGP. Huế
Nguồn: tonggiaophanhue.org
Tháp chuông nhà thờ cao nhất thế giới, 161 mét rưỡi, nhà thờ chính tòa Giáo phận Ulm của Giáo hội Tin Lành ở bang Baden Wuerttemberg, tây nam Đức, đã bị sét đánh làm hư hại.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Tai nạn này xảy ra lúc 9 giờ tối thứ Bảy, ngày 31 tháng Năm vừa qua, khi có một cơn giông mạnh thổi qua. Bà Heidi Vormann, kiến trúc sư của nhà thờ chính tòa này nói với báo “Tây Nam” (Suedwest Presse), rằng hệ thống điện đặc biệt bị hư hại, tuy nhiên người ta chưa thể nói rõ mức độ thiệt hại, và cuộc điều tra đang tiến hành.
Tháp chuông nhà thờ ở Ulm được coi là cao nhất thế giới, cao hơn cả tháp trung tâm của Đền thờ Thánh Gia, Sagrada Familia ở thành phố Barcelona bên Tây Ban Nha. Trong những tháng tới đây, một cây thánh giá sẽ được đặt trên ngọn tháp này và làm cho tháp có chiều cao là 172 mét rưỡi, chiếm kỷ lục của tháp nhà thờ chính tòa của Tin Lành ở thành phố Ulm.
(KAP 2-6-2025, Domradio.de)