Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ

Vatican News
Trong buổi trao Giải thưởng Laudato si’ diễn ra tại Đại học Giáo hoàng Antonianum ở Roma vào ngày 29/5 vừa qua, sự lãnh đạo xuất sắc về sinh thái của Đức Thượng Phụ đã được ghi nhận. Ban tổ chức đặc biệt nhấn mạnh đến nguồn cảm hứng sâu sắc mà ngài đã truyền cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong hai sáng kiến rất quan trọng: Thông điệp Laudato Si' và việc thiết lập "Ngày thế giới cầu nguyện cho việc chăm sóc thụ tạo", cử hành hàng năm vào ngày 01/9. Trong cả hai sáng kiến này, Đức Giáo Hoàng đã trích dẫn rõ ràng về "Đức Thượng phụ Xanh".
Phát biểu tại lễ trao giải, Đức Thượng Phụ đã nhấn mạnh đến bước tiến quan trọng trong mối tương quan đại kết, được thể hiện qua việc Giáo hội Công giáo đón nhận và cử hành Ngày cầu nguyện cho việc chăm sóc thụ tạo. Theo ngài, sự lan tỏa của Ngày cầu nguyện này lớn đến mức đã truyền cảm hứng cho nhiều hệ phái Kitô áp dụng như một ngày lễ phụng vụ mới trong lịch, nhờ biểu tượng phong phú và lịch sử lâu đời của cử hành trong Giáo hội Chính thống.
Đức Thượng Phụ nói: "Nếu không có sự hoán cải thực sự của con người, thì cuộc khủng hoảng sinh thái không thể được giải quyết. Bất kỳ hành động nào của con người gây hại cho môi trường đều phải bị coi là một tội trọng”.
Ngài nhắc lại, từ những năm 1980, Chính Thống giáo đã lên án cuộc khủng hoảng khí hậu. Trước sự suy thoái môi trường, trong thông điệp năm 1989, Đức Thượng Phụ Demetrius đã khẳng định rằng mọi người đang chứng kiến một sự xúc phạm thiên nhiên, khi thiên nhiên bị lạm dụng không phải để đáp ứng các nhu cầu cơ bản của con người, nhưng để đáp ứng những ham muốn ngày càng tăng của con người, được thúc đẩy bởi triết lý thống trị của xã hội tiêu thụ.
Đức Thượng Phụ Bartolomeo nói: “Giáo hội sơ khai đã hiểu rõ về tầm quan trọng của mối quan hệ giữa con người với công trình sáng tạo và tất cả những gì thuộc về thụ tạo, bắt đầu từ Kinh Thánh. Tuy nhiên, trong suốt lịch sử, nhân loại và đôi khi thậm chí cả các Giáo hội, vẫn chưa hiểu được mối liên hệ nội tại và thường hằng giữa Đấng Tạo Hóa, công trình tạo dựng và thụ tạo”.
Ngoài Đức Thượng Phụ, Dòng Phanxicô còn trao giải thưởng cho thần học gia Leonardo Boff, Mạng lưới Giáo hội toàn Amazon (REPAM), và Phong trào Laudato si’.
Cũng tại buổi lễ, cha Massimo Fusarelli, Bề trên Tổng quyền Dòng Phanxicô nói: "Những giải thưởng mà chúng tôi trao tặng không chỉ là sự công nhận đơn thuần, nhưng còn là biểu tượng của lời kêu gọi toàn cầu hướng đến sự hoán cải sinh thái. Mỗi người được trao giải đại diện cho một chiều kích đặc biệt của cam kết này".
Sự kiện diễn ra trùng với kỷ niệm 800 năm thánh Phanxicô Assisi sáng tác Bài ca Thụ tạo, kỷ niệm 10 năm ban hành Thông điệp Laudato si' và kỷ niệm 1.700 năm Công đồng chung đầu tiên tại Nixêa.

Vatican News
Hiện diện tại cuộc rước có Đức cha Lode Aerts, Giám mục Bruges, Đức Hồng Y Dominique Mathieu, Tổng Giám Mục Tehran-Isfahan, và hơn 45.000 ngàn người. Ngoài ra, đám rước nhắc lại sự kiện thánh tích Máu Thánh Chúa Kitô được đưa đến thành phố miền Tây Flanders của Bỉ sau cuộc Thập Tự Chinh, có sự tham gia của khoảng 1.800 người tái hiện 53 cảnh lịch sử và Kinh Thánh.
Đoàn rước qua trung tâm phố cổ, được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 2000. Và Năm 2009, UNESCO đã thêm cuộc rước Máu Thánh vào “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”. Sự công nhận này được đưa ra 700 năm sau khi Đức Giáo Hoàng Clemente V chính thức chấp thuận việc tôn kính thánh tích Máu Thánh ở Bruges theo sắc lệnh Licet được ban hành năm 1310.
Theo truyền thống, vào năm 1150, sau cuộc Thập Tự Chinh ở Thánh Địa, Bá tước Thierry xứ Alsace đã mang một vài giọt máu của Chúa Kitô từ Giêrusalem về. Kể từ đó, thánh tích này được lưu giữ tại Nhà nguyện Máu Thánh ở Bruges và là điểm thu hút khách du lịch và người hành hương từ khắp nơi trên thế giới đến tham quan hằng ngày.

Vatican News
Thư viện Vatican lưu giữ hơn 82.000 bản thảo và 1,6 triệu cuốn sách in, trong đó có hơn 8.000 sách được in trước năm 1501.
Theo thời gian, độ ẩm và sự phân hủy của mực đã biến việc bảo quản chúng trở thành một thách thức lớn.
Candida Lodovica de Angelis Corvi của Quỹ Colnaghi nói với ACI Prensa rằng “Chất liệu hữu cơ được bảo quản đang ở trong tình trạng rất xấu và sẽ phân hủy nếu chúng ta không hành động để phục hồi nó theo cách tốt nhất có thể”.
Bà Lodovica vừa ký một thỏa thuận kéo dài 5 năm với Vatican để ngăn chặn sự xuống cấp này. Thỏa thuận bao gồm một dự án "số hóa" các tài liệu trong Thư viện Vatican. Dự án này “sẽ cho phép các học giả truy cập các tài liệu quan trọng từ xa, điều hiện tại họ chỉ có thể truy cấp trực tiếp”. Theo bà Lodovica, điều này sẽ có “tác động sâu sắc đến khả năng tiếp cận kiến thức của một người bình thường”.
Theo bà Lodovica, một trong những lợi thế chính của dự án này là Thư viện Vatican sẽ có thể sử dụng một máy quét đặc biệt và độc đáo từ công ty Factum, một công ty con của tập đoàn Colnaghi. Bà giải thích: “Khi bạn quét bề mặt, bạn có thể thu được nhiều thông tin chi tiết hơn, ví dụ như xác định ngày tháng của [cuốn sách hoặc tài liệu]”.
Ngoài ra, dự án cũng bao gồm việc cải tạo kiến trúc của thư viện, do công ty kiến trúc David Chipperfield thực hiện, một công ty có trụ sở tại London được thành lập bởi kiến trúc sư người Anh nổi tiếng cách đây 40 năm.

Vatican News
Quan tâm đặc biệt tới những gia đình “xa cách nhất về mặt tâm linh"
Trong thời đại “được đánh dấu bằng sự tìm kiếm ngày càng gia tăng về mặt tâm linh, đặc biệt nơi người trẻ”, Đức Thánh Cha nói rằng Giáo hội phải “có tầm nhìn xa trong việc nhận định những thách thức của thế giới ngày nay và nuôi dưỡng khát vọng đức tin hiện diện trong tâm hồn của mỗi người nam và người nữ”.
Do đó, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng cần phải quan tâm đặc biệt tới những gia đình “xa cách nhất về mặt tâm linh”, những người vì nhiều lý do khác nhau không cảm thấy mình được tham gia hoặc cảm thấy bị loại trừ khỏi các hoạt động của Giáo hội, nhưng vẫn mong muốn trở thành một phần của cộng đồng.
"Ngày nay có bao nhiêu người phớt lờ lời mời gọi gặp gỡ Thiên Chúa?" Đức Thánh Cha đặt câu hỏi và bày tỏ lo ngại về “'sự tư nhân hóa' đức tin ngày càng gia tăng và thường ngăn cản những anh chị em này biết đến sự phong phú và những ân huệ của bí tích”. Điều này khiến cho việc tìm kiếm hạnh phúc và ý nghĩa trong cuộc sống của họ thường kết thúc bằng việc dựa vào “những chỗ đứng sai lầm” khiến họ trượt ngã và xa rời Thiên Chúa.
Giáo hội được kêu gọi trở thành “những người lưới nhân loại"
Giáo hội được kêu gọi trở thành “người lưới" nhân loại, để cứu nhân loại khỏi dòng nước của sự dữ và sự chết thông qua cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô”.
Người trẻ cần được chỉ cho biết ân sủng và sức mạnh của bí tích. Các phụ huynh cần cộng đoàn hỗ trợ để tạo điều kiện tốt cho con cái họ gặp gỡ Chúa Giêsu.
Đức Thánh Cha nhắc rằng đức tin trên hết là lời đáp lại tình yêu của Chúa Kitô và cuộc gặp gỡ với một con người. Ngài than thở rằng chúng ta thường quên mất sự thật này và trình bày Kitô giáo như một tập hợp các quy tắc, “một truyền thống đạo đức, nặng nề và không hấp dẫn”.
Vì thế, trách nhiệm chính của các Giám mục là “thả lưới xuống biển và trở thành ‘những người lưới các gia đình’”. Các tín hữu giáo dân cũng được kêu gọi tham gia vào sứ mạng này, trở thành những người lưới các cặp vợ chồng, những người trẻ tuổi và những người nam và nữ ở mọi lứa tuổi và hoàn cảnh, để tất cả mọi người có thể gặp gỡ Chúa Giêsu.
Giáo dân tham gia vào sứ vụ của Giáo hội
Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu tham gia vào công việc của toàn thể Giáo hội trong việc tìm kiếm những người không còn đến với chúng ta nữa, học cách đồng hành với họ và giúp họ đón nhận đức tin.
Ngài cũng nhắn nhủ các tín hữu đừng vội đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi đầy thách thức nhưng phải đến gần hơn, cố gắng hiểu những cách để vượt qua khó khăn, "cũng sẵn sàng cởi mở, khi cần thiết, với những tiêu chuẩn đánh giá mới và những cách hành động khác nhau, bởi vì mỗi thế hệ đều khác nhau và có những thách thức, ước mơ và câu hỏi riêng".
Do đó, nếu chúng ta muốn giúp các gia đình sống cuộc hành trình hiệp thông cách vui tươi và trở thành hạt giống đức tin cho nhau, trước tiên chúng ta phải vun đắp và canh tân căn tính tín hữu của mình. Ngài mời gọi: "Chúng ta hãy giúp các gia đình can đảm lắng nghe lời đề nghị của Chúa Kitô và lời mời gọi của Giáo hội".

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Tuần lễ trước đây, các tân Đại sứ cạnh Tòa Thánh đã bắt đầu trình ủy nhiệm thư lên Đức Thánh cha Lêô XIV, và trong số này đặc biệt có Đại sứ nước Belarus, lần đầu tiên trở thành Đại sứ thường trú ở Roma.
Ngày 27 tháng Năm, tân Đại sứ Ai Cập Hussein El Saharty đã trình ủy nhiệm thư lên Đức Thánh cha Lêô. Ông là đại sứ đầu tiên thực hiện việc này trong triều đại của Đức Thánh cha Lêô. Đại sứ năm nay 57 tuổi (1968), tín hữu Hồi giáo, có gia đình với hai con, và đã theo học tại trường của các Sư huynh La San, và có một sự nghiệp ngoại giao lâu dài, từng là Đại sứ Ai Cập ở Sri Lanka và Maldives.
Trong thời gian tới đây, tân Đại sứ Đài Loan cạnh Tòa Thánh, ông Anthony Hạ Trung Nghĩa (Chung -Yi Ho), sẽ trình ủy nhiệm thư lên Đức Thánh cha. Trong những ngày qua, ông đã gặp Đức Tổng giám mục Edgar Peña Parra, người Venezuela, Phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh, và đã trình bản sao thư ủy nhiệm. Tân Đại sứ Hạ Trung Nghĩa nguyên là Tổng giám đốc Phân bô Tây Á và Phi châu, thuộc Bộ ngoại giao Đài Loan.
Trong những tuần lễ sắp tới, dự kiến sẽ có một đợt thương thuyết mới về hiệp định tạm thời giữa Tòa Thánh và Trung Quốc, liên quan đến việc bổ nhiệm giám mục tại nước này. Thật ra, đây không phải là “thương thuyết” đúng nghĩa, nhưng là những cuộc trao đổi hai lần một năm giữa hai bên. Nhiều lần, phía Tòa Thánh đã thúc đẩy để thay đổi hiệp định, trong khi phía Trung Quốc đã bổ nhiệm hai giám mục trong thời gian trống tòa (khi Đức Thánh cha Phanxicô qua đời), điều mà Tòa Thánh không thể thực hiện khi không có Đức Giáo hoàng. Mặc dù Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nói rằng hai giám mục mới đã được phê chuẩn trước.
Mặt khác, Tòa Thánh cũng đã tham dự cuộc đối thoại lần thứ hai, tại Yerevan, thủ đô Cộng hòa Armeni, với sự hiện diện của đông đảo các nhà ngoại giao tại nước này.
Ngày mùng 06 tháng Sáu sắp tới, Tổng thống Ý, ông Sergio Mattarella, sẽ viếng thăm chính thức Đức Thánh cha Lêô XIV.
(Acistampa 2-6-2025)
Chiều Chúa nhật ngày 01 tháng Sáu vừa qua, Đức Thánh cha Lêô XIV đã tiếp đón đoàn đua xe đạp vòng nước Ý, vừa kết thúc cuộc tranh tài trong 23 ngày, và họ chạy qua 3 cây số trong nội thành Vatican.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Cuộc đua xe đạp thứ 108 vòng nước Ý đã bắt đầu ngày 09 tháng Năm, từ thành phố Durazzo ở miền bắc Albani, chạy tới thủ đô Tirana của nước này rồi sang thành phố Lecce ở miền nam Ý, vòng lên các nơi miền bắc, trước khi chạy xuống miền nam và kết thúc tại Roma: tổng cộng hành trình qua 21 giai đoạn là gần 3.445 cây số, với sự tham dự của 159 tay đua đến từ 29 quốc gia.
Lần đầu tiên vòng đua xe đạp này chạy qua Vatican. Đức Hồng y Tolentino, người Bồ Đào Nha, Tổng trưởng Bộ Văn hóa Giáo dục, đã xin phép Đức Cố Giáo hoàng Phanxicô và ngài đã chấp thuận dự án này.
Khi đoàn tay đua vào Vatican, họ đã được Đức Thánh cha Lêô, cùng với nữ tu Raffaella Petrini, Thống đốc quốc gia thành Vatican, chào đón tại Quảng trường “Các vị tử đạo tiên khởi”, bên hông Đền thờ Thánh Phêrô. Ngài cũng nhắn nhủ các tay đua rằng: “Anh em hãy biết rằng anh em là mẫu gương cho những người trẻ toàn thế giới. Quả thực, vòng đua nước Ý rất được quý chuộng và không những ở Ý mà thôi”.
Đức Thánh cha cũng đề cao việc đua xe đạp thật là quan trọng, như các môn thể thao khác và ngài nói: “Tôi hy vọng anh em đã học cách chăm sóc thân thể, và cả tinh thần nữa, anh em hãy luôn quan tâm tới tất cả những gì là con người: thể xác, tinh thần, tâm trí”.
Đức Thánh cha đã đặc biệt chúc mừng người đoạt giải, là tay đua Simon Yates và một số những người khác đã từng đoạt giải.
Tiếp đó, đoàn đua đã chạy qua các địa điểm trong vườn Vatican, tổng cộng là 3 cây số, qua các khu vườn, hang đá Đức Mẹ Lộ Đức, tháp Gioan, và sân trực thăng, trước đi rời Vatican qua cổng Perugino của quốc gia bé nhỏ chỉ rộng 44 hécta.
(Vatican News 1-6-2025)
Đức Hồng y Stêphanô Chu Thủ Nhân (Chow Sau-yan), Giám mục Giáo phận Hong Kong, cho biết Đức Thánh cha Lêô XIV muốn viếng thăm Trung Quốc và Đức Hồng y mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho ý nguyện này.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Trong thánh lễ cử hành ngày 22 tháng Năm vừa qua, tại Nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Vô Nhiễm của Giáo phận Hong Kong, Đức Hồng y cũng nhắc đến lễ khai mạc sứ vụ Phêrô của Đức tân Giáo hoàng, hôm Chúa nhật 18 tháng Năm trước đó, tại Quảng trường Thánh Phêrô và tiết lộ rằng Đức Lêô đã bày tỏ với ngài ý muốn viếng thăm mục vụ tại Trung Quốc. Vì thế, Đức Hồng y nói: “Tôi xin anh chị em cầu nguyện để Đức Giáo hoàng có thể thực hiện được ước mơ này. Như thế, ngài sẽ là vì Giáo hoàng đầu tiên viếng thăm Hoa Lục. Tôi tin rằng ngài không xa lạ đối với văn hóa Trung Hoa. Nhưng điều thật ý nghĩa nếu ngài có thể viếng thăm Trung Quốc, trong tư cách là Giáo hoàng”.
Hai ngày sau đó, ngày 24 tháng Năm, nhân dịp Ngày cầu nguyện cho các tín hữu Công giáo tại Trung Hoa, Đức Hồng y Chu thủ Nhân đã lặp lại lời kêu gọi trên đây, và chia sẻ với mọi người về kinh nghiệm cầu nguyện tại Đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn (Shesan) gần Thượng Hải, mà ngài đã thực hiện hồi tháng Hai năm nay cùng với một đại diện của Giáo phận Hong Kong. Đức Hồng y kể lại ngài rất cảm động khi thấy tượng Đức Mẹ to lớn trên đỉnh đồi và tất cả các tín hữu đứng cầu nguyện cho sức khỏe của Đức Thánh cha Phanxicô, lúc đó đang bị bệnh và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Gemelli ở Roma. Đức Hồng y nói: “Bây giờ, Đức Thánh cha Phanxicô đang ở trên trời và cầu nguyện cho chúng ta và cho Giáo hội chúng ta tại Trung Quốc. Ngài vẫn luôn muốn viếng thăm Giáo hội chúng ta tại Trung Quốc và gặp gỡ các anh chị em chúng ta, trong tư cách là người kế vị thánh Phêrô”.
(Fides 30-5-2025)
Hôm 31 tháng Năm vừa qua, Phòng Báo chí Tòa Thánh đã công bố lá thư Đức Thánh cha Lêô XIV gửi Hội đồng Giám mục Pháp, nhân dịp kỷ niệm 100 năm phong hiển thánh cho thánh Gioan Eudes (1601-1680), Gioan Maria Vianney (1786-1858) và thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu (1873-1897).
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Trong thư, Đức Thánh cha cảm tạ Thiên Chúa vì ba vị thánh mà Giáo hội tại Pháp đã cống hiến cho Giáo hội hoàn vũ. Ngài viết: “Khi tôn vinh trên bàn thờ ba vị thánh này, Đức Piô XI, vị tiền nhiệm của tôi, đã trình bày các vị cho dân Chúa như những bậc thầy cần lắng nghe, như những mẫu gương cần noi theo và như những người nâng đỡ mạnh mẽ cần khẩn cầu. Hơn một thế kỷ sau đó, những thách đố to lớn đang đề ra cho Giáo hội ngày nay, và sự thánh thiện rất thích hợp của ba thánh nhân vẫn còn rất thời sự để đương đầu với các thách đố này, thúc đẩy tôi mời gọi anh em đặc biệt làm nổi bật dịp kỷ niệm này”.
Đức Thánh cha nhắc đến những nét tinh thần chung của ba vị thánh, đó là “các vị đã yêu mến Chúa Giêsu một cách đơn sơ, mạnh mẽ, không chút dè dặt và chân chính: cả ba đã trải nghiệm lòng từ nhân và dịu hiền của Chúa trong sự gần gũi đặc biệt hằng ngày và đã làm chứng về điều đó trong một đà tiến truyền giáo đáng ngưỡng mộ”.
Trong bối cảnh này, Đức Thánh cha khích lệ các giám mục Pháp đẩy mạnh một chương trình truyền giáo cho đất nước: “Giúp mỗi người tái khám phá tình yêu thương dịu dàng và lòng quý mến ưu tiên của Chúa Giêsu đối với mỗi người trong họ đến độ biến đổi cuộc sống”. Cụ thể, ngài mời gọi các giám mục Pháp không ngừng giúp dân Chúa biết đến và quý chuộng cuộc sống cũng như đạo lý của ba vị thánh. Thánh Gioan Eude chẳng phải là người đầu tiên cử hành lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria sao? Thánh Gioan Maria Vianney phải chăng không phải là cha sở hăng say hiến thân cho sứ vụ và đã khẳng định rằng, “chức linh mục chính là tình thương của Chúa Giêsu”; và sau cùng, thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu phải chăng không phải là đại thánh tiến sĩ về “khoa học tình yêu” mà thế giới chúng ta đang cần sao? Thánh nữ “hô hấp” trong mỗi lúc của cuộc sống thánh danh Chúa Giêsu, một cách tự nhiên và tươi mát, và thánh nữ chẳng dạy những người bé nhỏ một con đường “rất dễ dàng” để đến cùng Chúa Giêsu sao?”
(Sala Stampa 31-5-2025)
Như chúng tôi đã đưa tin, sáng thứ Bảy, ngày 31 tháng Năm năm 2025 vừa qua, Đức Thánh cha Lêô XIV đã truyền chức linh mục cho mười một phó tế, trong thánh lễ lúc 10 giờ tại Đền thờ Thánh Phêrô. Trong số mười một phó tế nói trên, đặc biệt có một thầy người Việt Nam, người con của Giáo phận Phú Cường, Việt Nam nhưng sau đó đã được các bề trên cho gia nhập Giáo phận Roma, sau nhiều năm theo học tại đây, đó là thầy phó tế Phêrô Nguyễn Hồng Hiếu.
Để biết thêm thông tin chi tiết về tân linh mục Phêrô Nguyễn Hồng Hiếu, chúng tôi kính gửi đến quý vị và các bạn bài viết của linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Minh Hùng, một độc giả của Đài Chân Lý Á Châu từ Việt Nam.
Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG
Đúng 10 giờ - giờ Rôma, tức 15 giờ - giờ VN, thứ bảy ngày 31.5.2025, lễ Đức Mẹ Thăm viếng thánh Êlizabeth, cũng là ngày kết thúc tháng Hoa kính Đức Mẹ, tại Đền thờ thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Lêô XIV phong chức Linh mục cho 11 Phó tế. Trong số 11 tân Linh mục lần này, có một tân linh mục người Việt Nam. Tân Linh mục người Việt là ai?
I. TIỂU SỬ KHÁI QUÁT CỦA CHA PHÊRÔ NGUYỄN HỒNG HIẾU.
Cha mới Phêrô NGUYỄN HỒNG HIẾU xuất thân trong một gia đình nghèo tại miền quê biên giới Việt Nam - Campuchia. Ngài là người con của Giáo xứ Thánh Tuân, Giáo hạt Tây Ninh, Giáo phận Phú Cường, thuộc tỉnh Tây Ninh, Việt Nam.
- Cha Phêrô Hiếu sinh ngày 16.4.1995 tại Long Thành, Đồng Nai, Việt Nam.
- Rửa tội ngày 7.5.1995 tại nhà thờ Hiền Đức, giáo phận Xuân Lộc.
- Thêm sức ngày 5.10.2008 tại nhà thờ Thánh Tuân, giáo phận Phú Cường.
- Từ 2017 - 2023 tu học tại Đại Chủng viện Đức Mẹ Divino Amore, Rôma.
- Ngày 28.6.2022 tốt nghiệp Cử nhân Thần học tại Đại học Giáo Hoàng Laterano.
- Từ 2023 - 2025 tu học tại Đại Chủng viện Rôma. Theo học Thạc sĩ Thần học tại Đại học Giáo Hoàng Gregoriana.
- Ngày 19.10.2024 chịu chức Phó tế tại Vương cung Thánh đường thánh Gioan do Đức Hồng y Baldassare Reina (Giám quản giáo phận Rôma) chủ phong.
- Ngày 31.5.2025 chịu chức Linh mục tại Vương cung Thánh đường thánh Phêrô do Đức Giáo hoàng Lêô XIV.
Sau khi chịu chức Linh mục, cha Phêrô Nguyễn Hồng Hiếu được sai đến phục vụ tại Giáo xứ Đức Mẹ Thăm Viếng, giáo phận Rôma.
Một sự trùng hợp thú vị: Cha mới Phêrô Nguyễn Hồng Hiếu lãnh nhận Thừa tác vụ Linh mục vào ngày lễ Đức Mẹ thăm viếng thánh Êlizabeth, thì sau ngày chịu chức, Giáo xứ mà cha lãnh trách nhiệm phục vụ cũng mang tên Giáo xứ Đức Mẹ thăm viếng thánh Êlizabeth, thuộc Giáo phận Rôma.
Đây là lần phong chức Linh mục đầu tiên trong trách vụ Giám mục thành Rôma của Đức Thánh Cha Lêô XIV. Và cha mới Phêrô Hiếu cũng là vị linh mục người Việt hiếm hoi được Đấng kế vị thánh Phêrô trao ban tác vụ Linh mục tại Giáo đô Vatican của Hội Thánh Công giáo.
II. CON ĐƯỜNG TU HỌC.
Nhận thấy sự thông minh, khả năng tiếp thu, nhất là khả năng ngoại ngữ của Cha Phêrô Hồng Hiếu, tháng 7.2017, Bề trên giáo phận Phú Cường cử cha đi du học tại Rôma khi còn đang là chú ứng sinh dự tu tại giáo phận Phú Cường.
Vừa đến Rôma, ngay lập tức cha Hiếu được Đức Hồng y Giám quản Giáo phận Rôma cho phép học ngay chương trình đào tạo Linh mục tại Đại Chủng viện. Với sự nhạy bén trong việc tiếp thu, chỉ trong vòng 7 năm, cha Hiếu đã hoàn thành một cách đáng thuyết phục chương trình Đại Chủng viện và lần lượt nhận văn bằng Cử nhân Thần học, Thạc sĩ Thần học.
Sau khi hoàn thành chương trình Chủng viện tại Rôma, chính Đức Hồng y Giám quản giáo phận Rôma muốn cha Hiếu ở lại để thi hành tác vụ và phục vụ Hội Thánh của Chúa tại giáo phận Rôma.
Sau khi bàn hỏi và được sự đồng ý của các Bề trên liên quan, cha Hiếu chấp nhận rời xa quê hương để ở lại gắn bó trọn đời Linh mục của mình nơi đất khách quê người. Kể từ đây, cha Hiếu đã thực sự là thành phần của Linh mục đoàn Giáo phận Rôma, dưới quyền điều hành của Vị Giám mục kế vị thánh Phêrô.
Khi còn là Chủng sinh của Giáo phận Rôma, cha Hiếu từng được chọn giúp lễ trong thánh lễ đại triều an táng Đức Cố Giáo hoàng Bênêđictô XVI ngày 5.1.2023.
Ngày 19.10.2024, cha Hiếu được Đức Hồng y Giám quản Giáo phận Rôma phong chức Phó tế.
Ngày 26.4.2025, cha lại vinh dự có mặt trong đoàn lễ sinh giúp lễ an táng Đức Cố Giáo hoàng Phanxicô, với tư cách là thầy Phó tế.
Thực ra, việc Đức Lêô XIV phong chức Linh mục cho quý Phó tế lần này chỉ là tiếp nối ý muốn của Đức Phanxicô.
Khi còn sinh thời, Đức Phanxicô đã ấn ký để chấp thuận 11 Phó tế nói trên sẽ lãnh thánh chức Linh mục. Và nếu không vì cái chết của mình, chính Đức Phanxicô đã trao thánh chức Linh mục cho thầy Hiếu và 10 thầy bạn vào ngày 10.5.2025. Như vậy thánh lễ phong chức Linh mục cho cha Hiếu và 10 cha mới còn lại đã bị trễ 3 tuần.
Sau khi nhận lãnh thánh chức Linh mục, và sau khi sắp xếp mọi việc mục vụ tạm ổn định, có lẽ vào tháng 8.2025, tân Linh mục Phêrô Nguyễn Hồng Hiếu sẽ "vinh quy" trở về quê nhà Giáo xứ Thánh Tuân, Giáo phận Phú Cường, Việt Nam để cùng thân bằng quyến thuộc, bạn hữu và các thành phần Dân Chúa tại Thánh Tuân để tạ ơn Thiên Chúa vì Hồng ân Linh mục quý giá mà cha đã được Hội Thánh tin tưởng trao cho.
Một nguồn tin riêng, chưa chắc chắn, có thể Đức Hồng y Giám quản giáo phận Rôma cũng sẽ cùng về Việt Nam để cùng tạ ơn Chúa tại quê nhà với cha mới Phêrô Nguyễn Hồng Hiếu. Chúng ta mong đợi điều đáng quý này. Tin rằng, tin tức này sẽ thành hiện thực.
Trước ngày diễn ra thánh lễ truyền chức như đã nói, giáo phận Rôma tổ chức một buổi canh thức cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến lúc 21 giờ ngày 29.5.2025 tại Vương cung Thánh đường thánh Gioan Latêranô.
Giờ canh thức này bao gồm bài giáo lý của cha Maurizio Botta cùng những chứng ngôn của 11 Phó tế sắp được được thụ phong Linh mục.
Đức Giám mục Michele Di Tolve, Trưởng ban Chăm sóc các linh mục, phó tế và tu sĩ bày tỏ niềm vui trước ơn gọi linh mục, ngài chia sẻ rằng mỗi ơn gọi đều bắt nguồn từ ân sủng của Bí tích Rửa tội và là lời đáp trả nơi mỗi cá nhân trước tiếng gọi của Chúa...
Một số linh mục tương lai cũng chia sẻ những câu chuyện về sự phân định ơn gọi của họ, chẳng hạn như Phó tế Andrea Alessi chia sẻ: “Tôi ước muốn trở thành một linh mục như một khí cụ trong tay Chúa, để hòa nhập vào Chúa Kitô.”...
Nguyện xin Thiên Chúa ban cho các tân linh mục tràn đầy hồng phúc, sức khỏe, sự khôn ngoan và lòng kiên nhẫn trong sứ vụ Linh mục để các ngài luôn mạnh mẽ làm rạng danh thánh Chúa, mở rộng nước Chúa, mang lại nhiều sức sống thiêng liêng cho các linh hồn mà Chúa trao cho các ngài.
Cách riêng với tân Linh mục Phêrô Nguyễn Hồng Hiếu. Xin Chúa luôn ở cùng cha. Xin Chúa ban cho cha luôn "chân cứng đá mềm" để có thể hoàn thành tốt nhất ơn gọi Linh mục của mình theo thánh ý Chúa và sự mong mỏi của Hội Thánh.
Thứ Tư, ngày 28 tháng Năm vừa qua, tại thành phố Myrnohrad, thuộc miền Donetsk đông Ucraina, nhà thờ thánh Phêrô và Phaolô tông đồ của Giáo hội Công giáo Ucraina nghi lễ Đông phương, đã bị quân Nga pháo kích làm hư hại nặng nề.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Cha sở Ivan Vasylenko của giáo xứ đã thuật lại tin này trên trang Facebook cùng với hình ảnh thánh đường bị phá hủy. Cha cũng cho biết thành phố Myrnohrad hằng ngày bị tấn công bằng những máy bay không người lái. Bom rơi vào sân thánh đường gây thiệt hại trầm trọng cho nhà thờ, tất cả các cửa sổ đều bị phá hủy, mái nhà thờ cũng vậy, và các mảnh vỡ tung tóe quanh đó. “Đây thực là một thứ Sáu Tuần Thánh đối với chúng tôi”.
(Sir 31-5-2025)