Hỏi để sống đạo
BY: LM. THÊÔPHILÊ
Hỏi: Chúng con thường nghe nói về hội kín của phái bè nhiệm, xin cha cho biết rõ hơn. Có người nói giáo phái này đã bị Giáo Hội kết án, nhưng có người cũng nói người Công giáo được phép vào hội kín này? Lập trường của Giáo Hội có rõ ràng không?
Nguyễn Thị Tạ
o
1. NGUỒN GỐC THẦN THOẠI VÀ LỊCH SỬ
Hội kín, Bè nhiệm, Tam điểm là 3 từ được dùng tới để nói tới một hội mang nhiều điều bí ẩn. Trong câu trả lời này, tôi dùng từ Tam điểm. Người ta gọi là phái Tam Điểm vì dưới chữ ký của mỗi hội viên thường có thêm ba chấm như mật hiệu để nhận biết nhau.
Khi đi tìm về nguồn gốc khai sinh ra hội Tam điểm, chúng ta ít có được trong tay những văn bản chứng từ chắc chắn. Nhiều tác giả đôi khi chỉ ghi lại những chứng từ thuộc loại thần thoại, như nguồn gốc hội Tam điểm đến từ chuyện ông Hiram, một nhân vật có ghi trong sách Cựu ước. Ông này là tiểu vương miền Tyr và Sidon vào khoảng năm 979-945, người cùng thời và là bạn của vua Đa vít và vua Salomon. Theo Cựu ước, thời bấy giờ, xứ Paléttin thiếu gỗ và những tay thợ tinh nhuệ. Hiram đã gửi gỗ và thợ rành nghề sang giúp vua Đa vít xây dinh thự (2 Samuen 5,11; 1 Sử biên niên 14,1); và sau này, chính Hiram cũng lại gửi người và vật liệu sang giúp vua Salomon xây đền thờ (1 Vua 5,15-26; 2 Sử biên niên 2,2-11). Ngoài ra, ông còn giúp vua Salomon xây dựng một số thuyền bè vào việc thương hải (1 Vua 9,26-28). Ngược lại, Salomon cũng giúp vua Hiram một số thực phẩm và cho luôn 20 thành phố thuộc miền Galilê (1 Vua 5,25; 9,10-14). Đó là chuyện về ông Hiram được ghi trong Cựu ước. Theo truyền thuyết Hội Tam Điểm, còn có một trình thuật nói về cái chết của ông Hiram. Ông này bị ba người bạn đồng nghiệp giết chết, vì họ muốn Hiram cho những dấu chỉ nhìn nhận họ là những bậc thầy về xây cất. Sau đó, họ chôn xác ông và trồng trên mộ một cành cây keo.
Nhìn về lịch sử, người ta biết tại Âu châu vào thế kỷ thứ XI xuất hiện những phường hội tôn giáo, hay những hội đoàn quy tụ các nhà tiểu công nghệ hay thương gia. Những hội hè này có những tập tục, quy luật và thực hành bác ái. Trong nhóm đó, phường hội các nhà xây cất biết được kỹ thuật triệt để còn gọi là «kỹ thuật vua» về kiến trúc và hình học. Người ta gọi kỹ thuật vua vì những nhà xây cất này thời đó là những thợ xây các thánh đường, tức là họ liên kết vào trong đó hiểu biết kỹ thuật và tâm linh, ngoài ra việc xây cất này còn dưới quyền người thợ cả chính là nhà vua. Khi xây cất thánh đường, các tay thợ mộc, thợ đá... biết rằng họ được góp phần vào một công trình thánh làm vinh danh Thiên Chúa. Những người thợ thường ẩn trú cạnh nơi thánh đường đang được xây cất. Họ được đào luyện nghề nghiệp trong bí mật. Họ học nghề từ bắt đầu cho đến khi thành thợ chuyên môn dưới sự điều khiển của người thợ cả. Họ thường giữ bí mật nghề nghiệp và được coi như những phường hội kín, và còn được gọi là hội «Thợ nề tự do» (Franc maçonnerie).
1.A. CHI HỘI CẢ LUÂN ĐÔN
Từ huyền thoại đến những phường hội quy tụ những người thợ nề xây cất thời Trung cổ, Hội Tam Điểm được thật sự khai sinh vào năm 1717 với chi hội tại Luân Đôn bên Anh. Trước đây đã có những nhóm Tam Điểm được nghe nói tới vào thế kỷ thứ XVII bên Anh quốc, và không có một chứng từ nào ghi lại có sự hợp tác giữa những chi hội này. Mãi cho đến tháng 6 năm 1717, có bốn chi hội Tam Điểm đã họp lại và cho ra đời «Chi Hội cả Luân Đôn». Dù nguồn gốc phong trào Tam Điểm đã có từ thế kỷ trước, nhưng đây là chứng từ lịch sử đầu tiên về sự ra đời của Tam Điểm. Ngay từ «Chi Hội cả» cũng lần đầu tiên được nghe nói tới. Thế nhưng, việc thành lập Chi Hội cả Luân Đôn cũng không gây một tiếng vang nào, và nhóm thành lập cũng không bao giờ nghĩ rằng họ vừa hoàn thành hành động sáng lập cho một cơ chế mới mà sau này có ảnh hưởng sâu rộng trên thế giới.
Từ năm 1720 trở đi, nhóm Tam Điểm bắt đầu cố gắng tham gia vào sinh hoạt chính trị. Họ cho ra đời cuốn sách về Hiến Pháp vào năm 1723, do Mục sư người Tô Cách Lan James Anderson biên soạn, cho nên cuốn sách này còn được gọi là «Hiến Pháp Anderson». Mục sư Anderson được sự hỗ trợ của linh mục Anh giáo Jean Théophile Désaguliers. Ông này ngoài chức vụ linh mục còn là một giáo sư vật lý nổi danh. Jean Théophile là con một mục sư người Pháp, và chạy qua Anh định cư sau biến cố bắt bớ người Tin Lành, và ông được coi như người biên soạn chính bản hiến pháp đầu tiên của nhóm Tam Điểm.
Đến năm 1726, ông Francis Drake trong bài diễn văn lần đầu tiên nói đến nguyên tắc của Tam Điểm: «Sự thật, việc từ thiện và tình anh em», vì thế thuở ban đầu Tam Điểm được coi như một phường hội mang tính cách đạo đức và lòng thương người.
Theo dòng thời gian cho đến khoảng cuối thế kỷ thứ XVIII, Tam Điểm Luân Đôn dần dà đi đến như một hội chuyên về tư biện với những văn bản đến từ William Hutchinson như «Tinh thần Tam Điểm» xuất bản năm 1775, và nhất là cuốn «những giải thích về Tam Điểm». Những văn bản này thật sự đưa ra những biểu tượng của nghề nghiệp xây cất, và đặt mối liên hệ giữa Tam Điểm và những người xây cất các thánh đường. Chi Hội cả Luân Đôn ngày càng phát triển nhờ sự giúp đỡ của các giáo sĩ qui tụ lại được những nhà trí thức, nhất là Tam Điểm có ảnh hưởng rộng nơi tầng lớp trong Hàn Lâm Viện Khoa Học của anh Quốc, và các vị lãnh đạo Chi Hội còn được gọi là «Huynh trưởng» thường đến từ tầng lớp quí tộc và ngay cả thuộc gia đình hoàng gia. Chi Hội cả Luân Đôn trở thành Chi Hội cả Anh quốc vào năm 1738.
1.B. MỘT PHONG TRÀO LAN RỘNG.
Từ Anh, phong trào Tam Điểm lan dần sang bên Pháp vào khoảng năm 1725 dưới triều đại vua Louis XV, do những người Anh, Tô Cách Lan và Aùi Nhĩ Lan du nhập vào. Họ thành lập chi Hội thánh Tôma tại Paris. Hai mươi năm sau, bên Pháp đã có hết thảy 40 chi hội và bắt đầu gây được chú ý trong quần chúng. Các chi hội này bao gồm hai loại: thứ nhất gom thành phần quý tộc và thứ hai là các chi hội gồm những thương gia, và cấp tư sản. Họ thường tụ họp kín nên cũng bị cảnh sát dòm ngó và gây khó khăn, nhưng chỉ là người Tam Điểm thuộc hạng xoàng chứ cảnh sát không bao giờ đụïng tới giới quý tộc. Tam Điểm Pháp phát triển mạnh trong giới quí tộc và không cần sự hỗ trợ của Tam Điểm Luân Đôn. Các nhà lãnh đạo Tam Điểm Pháp phần nhiều đến từ hoàng tộc và nhờ thế Tam Điểm vững mạnh phát triển. Năm 1738 ra đời Chi hội cả Pháp, nhưng đến năm 1773, Tam Điểm bên Pháp tách biệt ra làm hai chi hội hoàn toàn độc lập: một bên mang tên «Chi hội cả Pháp», còn chi hội thứ hai mang tên «Chi hội cả Đông phương tại Pháp». Một trong những sắc thái riêng biệt của Tam Điểm Pháp là họ triệt hạ các tôn giáo nhất là Thiên Chúa giáo.
Nhóm Tam điểm được rất nhiều nhân vật có tiếng tăm tham gia như các văn hào Charles de Montesquieu, Johann Wolgang von Goethe và Mark Twain..; các nhạc sĩ Wolfgang Amadeus Mozart, Joseph Haydn..; các như danh tướng La Fayette, Kléber, Wellington..; các chính khách như Joseph Nã Phá Luân, Frédéric II vua xứ Phổ, Léopold I vua xứ Bỉ, các tổng thống Hoa kỳ: Georges Washington, Abraham Lincol, Theodore Rôsevelt, Lyndon Johnson, Gerald Ford.. Tại Việt nam có hai nhân vật nổi tiếng đã gia nhập Tam điểm là ông Hồ Chí Minh, ông Phạm Quỳnh.
2. CHI HỘI TAM ĐIỂM
Hội được chia ra làm chi hội hay xưởng, tức là nơi các hội viên gặp gỡ. Chi hội còn có bổn phận thu tiền hội viên đóng góp, rồi đưa một phần cho Phái hệ Tam Điểm của mình. Ngoài ra, họ thường hội nhau lại một nơi gọi là Đền thờ. Cổng vào đền thờ nằm ở hướng Tây, có một sân trước kèm theo hai cây cột được ghi mẫu tự Híp ri J = Jakin = vững chắc, và mẫu tự B = Boaz = sức mạnh gợi lạ Đền thờ xưa của vua Salomon. Trần đền thờ có một vòm đầy sao, và sàn đền thờ được lót gạch bông màu trắng và đen. Tất cả mang biểu tượng cái thăng bằng của người thợ nề đi trên lưỡi dao cạo giữa trắng và đen. Chi hội đặt dưới quyền lãnh đạo của một Huynh Trưởng, nên chỗ ngồi của ông trong đền thờ nằm ở phía đông. Trước mặt có một viên đá thô, một viên đá đã được đẽo gọt, và cuốn sách luật (hoặc Kinh Thánh) có một cây thước đo góc (= biểu tượng sự đúng đắn, luân lý, công lý và lý trí) và một com pa (= biểu tượng đo lường và khôn ngoan) được đặt lên trên. Sau ghế người Huynh trưởng, có những khuôn mặt đưa vị trí chi hội vào trong thứ tự của vũ trụ như mặt trời, mặt trăng, một hình tam giác sáng rõ mà trong đó có con mắt Thượng đế hay là lương tâm, và ánh sao năm cánh sáng rực.
Hàng năm, các hội viên thuộc chi hội bầu người Huynh trưởng, nhưng không được làm quá ba nhiệm kỳ. Huynh trưởng còn có một ban chín viên chức giúp đỡ. Các viên chức cũng do hội viên bầu ra hang năm và chỉ giữ hai nhiệm kỳ. Mỗi người đều có nhiệm vụ riêng biệt: hai giám thị giúp vị Huynh trưởng huấn luyện các hội viên gọi là thợ nhỏ (apprenti) và thợ bạn (compagnon); viên thư ký làm biên bản; viên hùng biện bảo đảm áp dụng đúng luật của Chi hội và trình bày những quyết nghị của cuộc họp; viên chức lo về lễ nghi; một người lo về thủ quỹ; người tiếp khách lo trọng trách những việc bác ái, giúp đỡ vật chất và tinh thần cho những hội viên gặp khó khăn; một người giữ cổng đền thờ...
Trong đền thờ, các thợ nhỏ ngồi ở cánh bắc, thợ bạn ở cánh nam, còn các viên chức có quyền lựa chọn theo ý. Một chi hội thường có khoảng từ 30 đến 100 hội viên. Trên con số này, chi hội được chia ra làm thành một chi hội khác. Một hội viên có quyền tham gia vào nhiều chi hội khác nhau.
Mỗi chi hội có lễ điển bao gồm những luật lệ và những nghi lễ, và sách nghi thức giúp điều khiển lễ nghi. Hội Tam điểm có nhiều lễ điển khác nhau như lễ theo truyền thống Pháp, Tô Cách Lan xưa cũ, nhưng dù sao nó cũng có những điều căn bản giống nhau. Tuân giữ lễ nghi và nghi thức đối với hội viên Tam điểm luôn luôn có một ý nghĩa. Từ lúc khai mạc và kết thúc buổi họp, với những hành động, cử chỉ, ca nhạc giúp cho các hội viên đi vào cuộc gặp gỡ với khoảng không và thời gian khác với những gì ở ngoài đời thường nhật. Lễ điển và nghi thức là phương tiện giúp hội viên mang khả năng chú ý đến người khác dễ dàng hơn. Những cuộc thảo luận đi theo một phương pháp: các thuyết trình viên chỉ có quyền phát biểu khoảng 20 phút hoặc tối đa nửa giờ; mỗi diễn giả hoàn toàn tự do phát biểu, dù có mâu thuẩn nhưng họ chấp nhận để đưa ý xây dựng chứ không chống đối. Bởi vậy dù dưới đề tài nào, các cuộc họp Tam điểm luôn giữ được bầu khí bình lặng khách quan.
Chi hội thường họp nhau 2 tháng một lần trong đền thờ trong năm từ tháng 9 đến tháng 6, và mỗi cuộc họp kéo dài ba giờ. Các thợ nhỏ không có quyền phát biểu mà chỉ lắng nghe, nhưng họ có thời giờ huấn luyện riêng. Các thợ bạn có quyền phát biểu nhưng chưa hoàn toàn được hết quyền.
3. LẬP TRƯỜNG GIÁO HỘI VỀ PHÁI TAM ĐIỂM.
Vào năm 1738, ĐGH Clêmentê XII ban sắc chỉ In enimenti vạ tuyệt thông nhóm Tam Điểm. Các hội viên Tam Điểm bên Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha bị truy lùng dữ dội; riêng tại Pháp, Tam Điểm có ảnh hưởng sâu rộng trong chính quyền nên họ vẫn tiếp tục phát triển và ngay một số linh mục và giáo dân cũng tham gia vào Tam Điểm. Vào năm 1751, ĐGH Bênêđictô XIV lại một lần nữa kết án Tam Điểm qua sắc chỉ Providas Romanorum.
Theo bộ Giáo Luật năm 1917, tất cả những ai tham gia vào Tam điểm lập tức bị vạ tuyệt thông. Đó cũng là điều luật cho những ai gia nhập một hội có mục đích chống đối Giáo Hội. Nếu như chi hội Tam điểm đó thực sự chống Giáo Hội, và người Công giáo tham dự vào thì lập tức bị vạ tuyệt thông. Năm 1974, Bộ Đức Tin tái xác định điều này trong văn thư gửi đến các Hội đồng Giám mục quốc gia: «Khi xem xét các trường hợp đặc biệt này, phải ghi nhớ rõ rằng luật hình sự phải chủ quan giải thích chặt chẽ.. khoản Giáo Luật 2335 chỉ cấm người Công giáo tham gia các hội thật sự chống Giáo Hội.. Dù sao, trong mọi trường hợp, vẫn cấm các giáo sĩ, tu sĩ, các thành viên tu hội đời không được tham gia vào hội Tam điểm». Sang đến năm 1983, ngày 26 tháng 11, Bộ Đức Tin lại thêm lần nữa tái xác nhận rằng lập trường Giáo hội về vấn đề này vẫn không thay đổi. Vấn đề đặt ra là có những quy tắc nào giúp xem xét chi hội Tam điểm nào có tư tưởng chống báng Giáo Hội, và thế nào là không. Đọc qua lịch sử hình thành các chi hội Tam điểm, chúng ta thấy cũng có nhiều khác biệt trong đó. Nếu như đa số các chi hội Tam điểm ở Aâu châu và Châu Mỹ La tinh thường hoạt động chống Giáo hội, người ta cũng thấy có nhiều chi hội Tam điểm ở các quốc gia khác không hẳn là chống đối Giáo Hội, cho nên khoản Giáo Luật ghi trên có thật sự áp dụng cho họ hay không?
Khi Bộ Giáo Luật mới ra đời vào năm 1983 không còn thấy nêu đích danh hội Tam Điểm nữa. Luật 1374 chỉ cấm người Công Giáo không được tham gia các tổ chức chống đối Giáo Hội: «Ai ghi tên vào một hội âm mưu chống lại Giáo Hội, sẽ bị hình phạt xứng đáng. Ai phát động hay điều khiển hội ấy, sẽ bị cấm chế». Luật cũ ghi rõ là Tam điểm, câu văn khoản luật mới khó xác định được hội nào đặt sự phá hoại Giáo Hội như mục tiêu chính yếu. Tóm lại, lập trường hiện thời của Giáo Hội là không kết án, mang cái nhìn tích cực hơn, nhưng kêu gọi chúng ta coi chừng không được gia nhập các hội mang những điều đi trái ngược với đức tin Công Giáo.
BY: LM. THÊÔPHILÊ
IV. NGHI THỨC HIỆP LỄ.
Trong cơ cấu Thánh Lễ hiện tại, cơ cấu nội tại của nghi thức Kinh Lạy Cha được phân chia dưới hình thức đối thoại gồm bốn phần: 1. Lời kêu mời của chủ tế cho một kinh nguyện đại đồng. 2. Tất cả cộng đoàn đọc hoặc hát Kinh Lạy Cha. 3. Vị chủ tế khai triển thêm ý nguyện cuối cùng: Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dự, và dẫn đến ý tưởng hạnh phúc ngày Cánh chung được hoan hô bằng câu tán tụng ca do toàn dân đáp.
1.Kinh Lạy Cha.
Kinh Lạy Cha có một vị trí ưu tiên trong phụng vụ. Trong Thánh lễ, chúng ta hát Kinh Lạy Cha sau khi kết thúc Kinh Tạ Ơn. Sau khi đã giao hòa với Chúa Cha nhờ lễ phẩm mới là Mình và Máu Chúa Kitô, cộng đoàn ngỏ lời với Chúa Cha trong cùng một tâm tình như Đức Giêsu (Ga 20,17), và theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần (Roma 8,15).
Kinh Lạy Cha được đưa vào Thánh Lễ để chuẩn bị rước lễ đã có trong truyền thống Rôma khoảng từ thế kỷ thứ 4. Sở dĩ kinh này được dùng để chuẩn bị rước lễ là vì những lý do sau đây:
1) Trước hết kinh này có lời cầu xin Chúa ban cho “lương thực hằng ngày”. Lương thực này không những ám chỉ các nhu cầu vật chất, mà còn ám chỉ lương thực Thần linh là Thánh Thể, dấu chỉ tượng trưng cho tiệc Cánh chung trong nước Thiên Chúa.
2) Kinh Lạy Cha cũng xin ơn tha tội để tâm hồn được trong sạch hầu xứng đáng tham dự vào tiệc Thánh.
3) Kinh Lạy Cha còn mời gọi tín hữu tha thứ lỗi lầm cho nhau và giao hòa với nhau, đó là điều kiện và là hiệu quả của việc tham dự vào bí tích Thánh Thể: “Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”.
2. Kinh khẩn xin (Embolismus).
Tiếng Hy Lạp Embolismus có gốc em- ballein = đặt vào trong, xen vào giữa. Từ này chỉ tháng nhuận, thêm vào năm âm lịch theo những khoảng thời gian tương đối đều đặn, để bù vào sự chênh lệch giữa năm dương lịch với năm âm lịch.
Trong phụng vụ, lời nguyện phụ là lời nguyện xen giữa hai lời nguyện khác. Trong thực tế, từ ngữ này chỉ lời nguyện sau Kinh Lạy Cha trong Thánh Lễ nhằm triển khai ý nguyện cuối: “Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ...“để cầu xin ơn bình an cho những ngày đang sống và để biểu lộ niềm hy vọng hồng phúc về ngày Chúa đến trong vinh quang. Cuối lời nguyện phụ này, cộng đoàn cùng tung hô:“Vì Chúa là vua uy quyền và vinh hiển muôn đời“. Lời tung hô này ban đầu được đặt tiếp liền với Kinh Lạy Cha để tránh lời kết thúc đề cập đến sự dữ.
Các lời nguyện sau đây cũng được gọi là “lời nguyện phụ“: Các lời nguyện cầu cho người qua đời được xen vào Kinh Tạ Ơn II và III. Cũng vậy các lời nguyện khai triển kinh Communicantes và hanc Igitur mà trong một vài dịp nào đó, được thêm vào trong Lễ Quy Rôma (Kinh Tạ Ơn I).
3. Chúc bình an.
Nghi thức chúc bình an gồm có lời nguyện xin ơn bình an, lời nguyện công khai duy nhất dâng lên Đức Kitô trong Thánh Lễ, tiếp đó linh mục và các tín hữu chúc bình an cho nhau, cuối cùng là Kinh “Lạy Chiên Thiên Chúa”, kết thúc bằng lời cầu “xin ban bình an cho chúng con”.
Một khi đã được hòa giải với Thiên Chúa và với nhau, nhờ tái diễn hy lễ của Đức Kitô, và một khi đã cùng nhau hát Kinh Lạy Cha và theo chiều hướng ý nguyện thứ năm: “Và tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”, các tín hữu có thể trao cho nhau bình an trước khi đóng ấn mới quan hệ giữa họ với nhau qua việc hiệp lễ. Bình an là hoa trái tuyệt hảo của mầu nhiệm Vượt Qua (Ga 14,27; 20,19.20.26).
Để chuẩn bị hành động đầy ý nghĩa bác ái giao hảo này, nhân danh cộng đoàn, chủ tế lớn tiếng đọc Oratio ad pacem: Cầu xin bình an và hiệp nhất cho Hội Thánh, cho tất cả gia đình nhân loại. Sau lời Amen của toàn thể, chủ tế chúc bình an cho họ và cộng đoàn đáp chúc lại. Vì công thức này thật ra chưa phải là một lời thỉnh mời trao đổi, nên liền sau đó phó tế hoặc vị chủ tế còn thêm: “Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau”.
Theo truyền thống, cử chỉ hoặc dấu hiệu bình an là cái hôn chúc bình an. Tự nó, cái hôn đã rất có ý nghĩa, nhưng vì không phải ở đâu cũng quen cử chỉ ấy, nên có thể sử dụng nhiều cách chúc bình an khác. Trong vấn đề này, thái độ tinh tế và kính trọng những tập quán của người khác chính là dấu hiệu chúc bình an tốt nhất.
4. Cử chỉ bẻ bánh.
Trong lúc cử hành Thánh lễ, sau lời chúc bình an, đang khi đọc kinh Lạy Chiên Thiên Chúa, chủ tế bẻ bánh Thánh Thể. Bẻ bánh là là một cử chỉ chuẩn bị hiệp lễ, cần thực thi với lòng sùng kính đặc biệt, vì đó là lặp lại cử chỉ của Chúa. Tính cách biểu tượng của cử chỉ này được nhấn mạnh qua ba lần kêu cầu Chiên Thiên Chúa, Đấng đã nộp mình vì chúng ta, Đấng chúng ta hưởng dùng, như là Chiên Vượt Qua mới.
Bẻ bánh là một trong những danh xưng cổ nhất để chỉ Thánh Thể (Lc 24,35; Cv 2,42). Theo nghi thức bữa ăn của người Do Thái, sau khi đọc lời chúc tụng, vị chủ tọa bẻ bánh chia cho các thực khách. Đức Giêsu đã thi hành những cử chỉ này trong hai lần Người làm cho bánh hóa nhiều (Mt 14,9;15,36; Ga 6,11), và lúc Người thiết lập bí tích Thánh Thể (Lc 22,19). Từ đó nghi thức bẻ bánh trở thành biểu tượng để chỉ Đức Kitô – Người tôi trung dâng hiến mạng sống mình để chúng ta được sống dồi dào: Người tự trao nộp để được bẻ ra (qua đau khổ) và phân phát cho mọi người. Như vậy bẻ bánh trở thành động tác cốt lõi của phụng vụ Kitô giáo (Cv 2,46;20,7.11;27,35). Bẻ bánh là biểu tượng của hiệp nhất như Thánh Phaolô ghi trong thư 1Côrintô: “Khi ta nâng chén tạ ơn mà cảm tạ Thiên Chúa, há chăng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào thân thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh và tất cả chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (10,16-17). Bẻ bánh trong Thánh lễ đồng tế càng cần thiết và ý nghĩa hơn: một tấm bánh Thánh Thể duy nhất, phân phát cho các vị đồng tế và ít là vài tín hữu, sẽ diễn tả biểu tượng hiệp nhất rõ ràng hơn.
5. Hòa lẫn Mình và Máu Thánh
Trong phần nghi thức Hiệp lễ, sau lời chúc bình an Cha chủ tế sẽ bẻ bánh trên dĩa thánh và lấy một miếng nhỏ bỏ vào chén rượu và đọc thầm: “Xin Mình và Máu Chúa Kitô hòa lẫn với nhau mà chúng con sắp lãnh nhận cho chúng con được sống muôn đời”. Quy chế sách lễ Rôma không giải thích tập tục này nên nhiều người cảm thấy không cần thiết hoặc không hiểu rõ ý nghĩa cho lắm nhưng lại đồng ý giữ vì muốn trung thành theo truyền thống xưa cũ. Theo các nhà chuyên môn về phụng vụ, tập tục này được hiểu nhiều cách như sau:
- Người ta nghĩ rằng lúc ban đầu, trong Thánh lễ do Đức Giáo Hoàng cử hành một mẫu bánh Thánh được giữ lại và mang cho các linh mục ở Rôma. Những vị này vì lo việc mục vụ nên không thể tham dự Thánh Lễ do ĐTC chủ tế. Cử chỉ trên biểu lộ tính cách hiệp nhất của Linh mục đoàn ở Rôma với vị chủ chăn của Giáo Hội.
- Những mẩu bánh Thánh được lưu trữ dành cho những người hấp hối. Khi những mẩu bánh trở nên khô cứng và người ta phải thay đổi, và để dùng dễ dàng hơn nên người ta làm cho mềm ra bằng cách thấm vào Rượu Thánh.
- Có lối cắt nghĩa khác dựa vào biểu tượng: Bánh và Rượu biểu trưng Mình và Máu Chúa Kitô. Trên bàn thờ Bánh và Rượu được để riêng ra nhưng khi cả hai được trộn chung vào Chén mang ý nghĩa “Sự Phục Sinh đã nối kết mãi mãi cho cuộc sống vĩnh cửu tâm hồn và thể xác Chúa Kitô”. (Lucien Deiss, La Messe, Paris 1989).
6. Kinh Lạy Chiên Thiên Chúa.
Đây là lời tung hô Đức Kitô, hát ba lần liên tiếp vào lúc bẻ bánh trong Thánh Lễ. Thực ra, đây chỉ là một cách lập lời cầu khẩn trong Kinh Vinh Danh. Công thức này lấy lại những lời ông Gioan Tẩy Giả giới thiệu Đức Giêsu khi Người đến chịu phép rửa tại sông Gio- đan: “Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1,29). Ngoài ra lời kinh này còn nói lên hy lễ của Người Tôi Tớ đau khổ như lời Ngôn Sứ I-sa-i-a đã loan báo (Is 53,4.6.7.).
Trong nhạc Gregôriô, cũng như trong truyền thống lễ Missa ngày xưa, kinh này là một đoản khúc đầy cảm kích và diễn tả lòng khiêm tốn chứa chan tình yêu mến. Các nhà sáng tác nhạc luôn quan tâm đến khía cạnh đó. Kinh này được đưa vào Thánh Lễ theo nghi thức Roma hồi đầu thế kỷ thứ VII.
Có khi người ta trưng bày hình tượng Chiên Thiên Chúa trên bàn thờ hay nơi nào khác ở nhà thờ vào thứ bảy trong tuần lễ áo trắng tức là thứ bảy trong tuần bát nhật Phục Sinh. (Tiếng La Tinh Octavus có nghĩa là thứ tám. Các đại lễ của dân Ít-ra-en thường được cử hành suốt một tuần và ngày thứ tám kết thúc những ngày lễ ấy một cách trọng thể. Trong sách Lê-vi có ghi những chỉ dẫn như sau: «Ngày 15 tháng 7 là lễ Lều kính Đức Chúa, trong vòng bảy ngày. Ngày đầu tiên phải họp nhau để thờ phượng Ta. Các ngươi không được làm một công việc nặng nhọc nào. Trong vòng bảy ngày, các ngươi phải tiến dâng lễ hoả tế lên Đức Chúa. Ngày thứ tám, các ngươi phải họp nhau để thờ phượng Ta, và phải tiến dâng một lễ hỏa tế lên Đức Chúa: đó là một buổi họp long trọng, các ngươi không được làm công việc nặng nhọc nào» (23,34-36; xem thêm 2 Sử biên niên 7,9.
Trong phụng vụ của Giáo Hội, ngày thứ tám vẫn là ngày Thánh kết thúc một đại lễ, nhưng từ Octavus cũng chỉ cả tám ngày mừng lễ. Ngày nay, chỉ còn Tuần Bát Nhật lễ Giáng Sinh và lễ Phục Sinh. Ngày thứ tám Lễ Giáng Sinh là ngày 1 tháng 1, lễ trọng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa; Ngày Thứ tám Lễ Phục Sinh là ngày Chúa nhật áo trắng.
Lễ Lều: Xưa kia người Do Thái gọi là «Lễ mùa gặt» hay là «ngày lễ». Nguồn gốc là một lễ về ruộng đất của người Canaan. Lễ mừng vào tháng 9 khi hái quả xong. Tại sao gọi là Lễ Lều? Có lẽ ban đầu là những nhà chòi bằng lá được cất lên để canh mùa nho chín. Nhưng «lều» cũng làm ta gợi nhớ lại những ngày lưu trú trong sa mạc dân ở trong những ngôi lều. VÌ lý do đó khiến người ta thêm cho lễ nhà nông một ý nghĩa kỷ niệm lịch sử của cuộc Xuất Hành trong 40 năm trường, dân Do Thái sống dưới lều khi di chuyển trong bán đảo Sinai. Phụng vụ Kitô giáo không giữ lại gì về lễ này). Đó là những tượng nổi bằng sáp đắp hình con chiên đang nằm, một chân tựa vào cây Thánh Giá dựng đứng. Đó là tục lệ của phụng vụ Rôma gắn liền với nến Phục Sinh: các tín hữu có thói quen thu lượm những mẩu sáp vào ngày thứ bảy tuần thánh để dùng chống lại ma quỉ. Về sau, cứ bảy năm một lần, Đức Giáo Hoàng làm phép trọng thể những tượng Chiên Thiên Chúa. Thói quen này là một hình thức tôn kính Đức Kitô chịu chết và Phục Sinh.
BY: LM. THÊÔPHILÊ
7. Hiệp Lễ.
Sau khi bẻ bánh xong, nghi thức hiệp lễ được bắt đầu với một chuẩn bị nho nhỏ: một kinh riêng dành cho linh mục. Đây là lời nguyện riêng nên đọc thầm. Cộng đoàn cũng chuẩn bị rước lễ nhưng không phải bằng cách lắng nghe những lời chủ tế đọc mà là cầu nguyện thầm lặng riêng.
Sau công việc riêng lẽ này, chủ tế khai mở nghi thức bằng cách nâng cao Mình Thánh và đọc câu tung hô thỉnh mời: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng gánh tội trần gian. Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa” (Ga 1,29; Khải Huyền 19,9). Rồi vị chủ tế cùng với giáo dân bày tỏ lòng kính sợ khiêm cung, tức là chỉ dám tiến tới bàn tiệc Thánh với tâm tình của viên sĩ quan bách quân xưa: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh” (Mát-thêu 8,8).
Phụng vụ ngày nay khuyến khích giáo dân rước Mình Thánh được truyền phép trong chính Thánh Lễ mà họ tham dự. Đó là thói quen lâu đời trong Giáo Hội. Tới thế kỷ thứ 18? Vì muốn nhấn mạnh đến sự hiện diện thực sự của Chúa trong phép Thánh Thể bao lâu hình bánh và rượu còn giữ nguyên bản chất, nên mới bắt đầu có thói quen dùng Mình Thánh đã được truyền phép sẵn trong các Thánh Lễ trước để cho rước lễ. Thói quen này làm mất tính cách duy nhất của Thánh Lễ, nghĩa là làm lu mờ mối tương quan mật thiết giữa việc truyền phép và rước lễ. Vì thế huấn thị về việc tôn thờ Thánh Thể ban hành năm 1968 quy định: “Để biểu thị cách rõ rệt hơn ý nghĩa hiệp lễ là tham dự vào lễ hy sinh được cử hành, phải liệu sao cho các tín hữu rước Mình Thánh được truyền phép trong chính Thánh Lễ đó” (#31). Vì thế dùng Mình Thánh đã được 1 truyền phép trong các Thánh Lễ trước không đi ngược lại truyền thống phụng vụ tốt đẹp, mà còn trái với ý muốn của Giáo Hội nữa. Tuy nhiên nói thế không có nghĩa là không được dùng Mình Thánh đã được truyền phép ở các lễ trước để cho rước lễ. Vì dầu sao những hình bánh đó cũng có sự hiện diện thực sự của Chúa. Truyền thống phụng vụ và mong muốn của Giáo Hội chỉ nhằm mục đích làm nổi bật ý nghĩa tượng trưng và tính cách duy nhất của một hành vi phụng vụ mà thôi.
Ngoài ra rước lễ dưới hai hình thức cũng là một điều đáng khuyến khích. Đó cũng là thói quen lâu đời trong Giáo Hội. Tới thế kỷ thứ 13, vì những lạm dụng gây bất kính đối với Chúa vì sợ lây bệnh truyền nhiễm, nên thói quen rước lễ dưới một hình thức mới bắt đầu phát triển. Ngày nay Giáo Hội qua qui chế tổng quát #240 vẫn khuyến khích các tín hữu rước lễ dưới hai hình thức: “Xét về phương diện dấu chỉ thì rước lễ dưới hai hình thức trọn hảo hơn. Vì rước lễ theo hình thức này sẽ làm sáng tỏ hơn dấu chỉ của bữa tiệc Thánh Thể. Đàng khác hình thức này cũng biểu thị rõ rệt hơn ý định của Giao ước mới và vĩnh cửu được thiết lập trong Máu Chúa Kitô, đây cũng là hình thức biểu thị rõ rệt hơn Bữa Tiệc Thánh Thể và Bữa Tiệc Cánh Chung ở trong Nước Thiên Chúa”. Rước lễ dưới hai hình thức biểu lộ được đầy đủ hơn ý nghĩa của dấu chỉ Bí Tích. Vì trong bữa Tiệc Ly, Chúa đã truyền không những “Hãy cầm lấy mà ăn”, nhưng còn “Hãy cầm lấy mà uống” nữa. Chén cũng là dấu chỉ Giao ước mới (Lc 22,20), là bảo chứng và khát vọng về Bữa Tiệc Thiên Quốc (Mc 26,29), và là dấu chỉ của sự hiếp nhất với sự đau khổ của Chúa Kitô (Mc10,38-39). Bởi vậy khi rước Máu Thánh, không phải chỉ chịu lấy chút rượu mà thôi, nhưng biểu lộ niềm khát vọng về Bữa Tiệc đời đời, quyết tâm dấn thân cho giao ước mới và hiệp thông với sự đau khổ của Chúa Kitô.
V. NGHI THỨC KẾT LỄ:TỪ CỘNG ĐOÀN ĐƯỢC PHÂN TÁN RA ĐI.
Kết thúc các cuộc họp hẳn nhiên phải có lời chào tạm biêt và hẹn gặp lại. Điều này cũng gợi lên tính cách hiệp nhất trong tinh thần của những người cùng tham dự chung một biến cố, rồi họ phải tản mác dấn thân vào sinh hoạt khác. Cuộc họp Thánh Lễ cũng giữ thói quen trên. Lời chào kết thúc Thánh Lễ được phát triển dần dà theo dòng thời gian và kết nên thành một nghi thức phụng vụ. Nghi thức kết lễ gồm năm phần với tầm quan trọng khác nhau, nhưng tất cả đều có ý nghĩa:
1) Thông tin về những tin tức liên quan đến cộng đoàn.
2) Lời nguyện Hiệp Lễ.
3) Phép lành.
4) Giải tán.
5) Bài ca tạ lễ.
1. Thông tin về những tin tức liên quan đến cộng đoàn.
Khi bài ca hiệp lễ vừa chấm dứt, bàn thờ cũng được thu dọn gọn gàng. Tất cả những vật dụng trưng trong bữa tiệc cần phải được thu xếp. Những dấu chỉ còn lại như Mình Thánh Chúa và Chén Thánh cũng cần được cất đi với lòng cung kính. Mình Thánh Chúa thường được đưa vào Nhà Tạm, còn Chén Thánh cần được lau sạch. Cử chỉ cuối cùng này không phải là một cử chỉ phụng vụ, nên cũng có thể lau Chén Thánh sau Thánh Lễ.
Khi đã xong mới tới phần thông tin. Đây cũng là một nghi thức, nên khuyên mọi người ngồi xuống để nghe được một cách chăm chú hơn. Người ta đặt vấn đề là nên thông tin đến cộng đoàn ngay lúc này hay là làm sau lời nguyện hiệp lễ. Quy chế tổng quát chỉ thị: “Đọc Lời Nguyện Hiệp Lễ xong, nếu có gì cần loan báo thì loan báo cách vắn tắt” (#123). Tại sao phần này cũng được coi là một nghi thức? Thông tin đã được biết đến như một nghi thức xưa cổ, nhắc nhở cộng đoàn không chỉ là một cộng đoàn đến lo việc phụng vụ nhưng còn là tình hiệp thông huynh đệ. Chúng ta đọc thấy trong Tin Mừng Luca các tông đồ cũng đã làm: “Các tông đồ trở về thuật lại cho Đức Giêsu những việc các ông đã làm” (9,10).
2.Lời nguyện hiệp lễ.
Lời nguyện hiệp lễ cũng rất xưa cổ. Lời nguyện này luôn luôn cầu xin cùng Thiên Chúa Cha. Trong phần Nhập Lễ lời tổng nguyện gom thành phần dân chúa lại, thì ở đây lời nguyện Hiệp Lễ nối kết lại mọi tác động và lời nói kết thành cuộc cử hành. Lời nguyện Hiệp Lễ mang hai phần và như là lời cầu nguyện xin: Nhắc nhở ta về ân huệ nhiệm mầu mà ta vừa lãnh nhận, và tiếp là lời cầu xin cho ân huệ đó biến đổi cuộc sống hằng ngày của chúng ta và xin đừng kết án. Thật thế, chúng ta xin cho mình đừng phản bội ân huệ vừa lãnh nhận. Phụng vụ Đông phương ở lúc này thường nhắc lại chuyện người gian phi xám hối trên Thập Giá: “Hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên Thiên đàng” (Lc 23,43). Lời nguyện Hiệp Lễ sửa soạn cho bữa tiệc chấm dứt và loan báo sự ra đi. Vị chủ tế cầu xin cho những hiệu quả của mầu nhiệm vừa lãnh nhận được thể hiện trong đời sống Kitô hữu, và cộng đoàn tán thành bằng lời Amen hoan hỷ. Bữa tiệc của Chúa đến đây kết thúc. Ví dụ Lời nguyện Hiệp lễ thứ tư sau Chúa nhật thứ II mùa phục sinh:” Lạy Chúa xin phù trợ chúng con là đoàn dân của Chúa. Chúa đã lấy bánh bởi trời mà nuôi dưỡng chúng con, xin cũng giúp chúng con từ bỏ nếp sống cũ và hân hoan bước vào đời sống mới nhờ kết hợp với Đức Kitô Phục sinh. Người hằng sống và hiển trị muôn đời... “
3. Phép lành: Chúa hiện diện trên đường đời của chúng ta.
Nghi thức giải tán là phần kết của một buổi cử hành phụng vụ Thánh Lễ. Nghi thức giải tán gồm lời chào của linh mục và phép lành như công thức chào biệt gởi đến cộng đoàn.
Phép lành là yếu tố quan trọng nhất của nghi thức kết lễ. Trước khi sai các môn đệ đi để làm nhân chứng và loan báo Tin Mừng Phục Sinh, Chúa Giêsu đã “giơ tay chúc lành cho các ông, và đang khi chúc lành thì Người rời khỏi các ông và được rước lên trời” (Lc 24,50-51). Trước khi các tín hữu trở về với thế giới của mình để loan báo Tin Mừng Phục Sinh của Chúa Kitô cho mọi người, linh mục cũng giơ tay lên, ghi dấu Thánh giá và cầu xin phép lành của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần ngự xuống trên họ. Các tín hữu đã qui tụ lại trong thánh đường là cung thánh bằng gạch đá. Giờ đây họ phải tản mác vào cung thánh vũ trụ. Họ đã liên kết với nhau thành một cộng đoàn huynh đệ. Giờ đây họ ra đi để đem đến cho những người anh chị em sống tản mác giữa trần gian ánh sáng của Thánh Giá mà họ đã được ghi dấu. Họ đã qui tụ lại thành một cộng đoàn chúc tụng, giờ đây họ ra đi làm cho lời ca tụng ấy vang dội khắp cùng bờ cõi trái đất.
Phép lành cuối lễ cũng biểu lộ mối tương quan giữa linh mục và cộng đoàn. Ngài được thụ phong không phải để thống trị trên cộng đoàn, mà là để đem lại phép lành của Thiên Chúa cho họ bằng cách ghi dấu Thánh giá của Chúa Kitô. Thực ra không phải linh mục ban phép lành, nhưng ngài chỉ xin Thiên Chúa chúc lành cho họ mà thôi: “Xin Thiên Chúa toàn năng là Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần ban phúc lành cho anh chị em”.
Dấu Thánh Giá làm ở cuối lễ như lời cầu chúc. Thiên Chúa tụ họp chúng ta lại thì giờ đây Người phái ta đi nhân Danh Người làm nhân chứng những gì chúng ta vừa sống qua. Người đồng hành cùng chúng ta trên mọi nẻo đường.
Ngoài công thức đơn giản “Xin Thiên Chúa toàn năng là Chúa Cha..”, chủ tế có thể sử dụng một trong hai hình thức long trọng là Phép lành trọng thể hoặc Lời nguyện trên dân. Khi sử dụng một trong hai hình thức này thì xin phó tế hoặc linh mục mời gọi: “Anh chị em hãy sẵn sàng đón nhận phép lành của Chúa”. Sau đó chủ tế giơ tay trên dân rồi đọc lời nguyện ban phép lành hoặc lời nguyện trên dân. Cử chỉ giơ tay trên dân là dấu chỉ truyền thống khi cầu xin quyền năng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần ngự xuống trên dân.
3.1. Phép lành trọng thể.
Sách lễ Roma đưa ra những mẫu ban phép lành trọng thể cho: Mùa Vọng, mùa Giáng Sinh, ngày Đầu Năm, Lễ Hiển Linh, Lễ Tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa, Vọng Phục Sinh, Chúa Nhật Phục Sinh, mùa Phục Sinh, Lễ Chúa Lên Trời, Lễ Hiện Xuống, có năm hình thức cho mùa thường niên, Lễ Đức Mẹ, Lễ Thánh Phêrô và Phaolô, Lễ các tông đồ, Lễ các Thánh, Lễ Cung Hiến Thánh Đường, Lễ cầu hồn, Lễ hôn phối.
Các công thức ban phép lành này đều gồm ba phần và mỗi phần đều kết thúc bằng lời tung hô “A-men” của dân chúng. Ví dụ một mẫu trong lễ Hôn Phối:
-Xin Thiên Chúa là Cha hằng hữu gìn giữ... luôn hòa thuận yêu thương nhau. Xin Đức Kitô ban cho... được bình an và cho gia đình hằng yên vui đầm ấm.
- A-men.
- Chúc... được hồng phúc có con nối dõi tông đường và được bạn hữu mến thương giúp đỡ và sống hòa hợp với mọi người.
- Amen.
- Chúc...trở thành nhân chứng tình yêu của Thiên Chúa Giữa thế gian: Luôn rộng lòng tiếp đón người khổ đau nghèo đói, để ngày sau chính họ sẽ đền ơn và mời đón vào nhà Cha trên Trời.
- Amen.
- Và xin Thiên Chúa toàn năng là Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần ban phúc lành cho anh chị em.
- A-men.
3.2. Lời nguyện trên dân.
Trước đây những lời nguyện này được sử dụng thường xuyên trong phụng vụ, nhưng sau đó thì được giới hạn vào những ngày của mùa Chay mà thôi. Những lời nguyện này được phục hồi trong phụng vụ mới và sách Lễ Roma đưa ra 26 công thức khác nhau. Những lời nguyện này cũng có thể đọc cuối giờ cử hành phụng vụ lời Chúa, cuối giờ Kinh hoặc cuối buổi cử hành bí tích. Trước khi đọc, phó tế hoặc linh mục mời gọi: “Anh chị em hãy sẵn sàng đón nhận phúc lành của Chúa”. Và sau khi đọc lời nguyện thì linh mục thêm “Và xin Thiên Chúa toàn năng là Chúa Cha, là Chúa Con, và Chúa Thánh Thần ban phúc lành cho anh chị em”.
Ví dụ mẫu lời nguyện số 2 như sau:
“Lạy Chúa, xin ban ân sủng dồi dào, phù trợ cộng đoàn tín hữu Chúa Đây, xin cho hết mọi người được hồn an xác mạnh, biết yêu thương nhau hết dạ hết lòng và luôn sống hiệp thông với Chúa. Chúng con cầu xin...”.
4. Giải tán cộng đoàn: Cộng Đoàn được sai đi.
Trong các lễ nghi trong Đông phương, những công thức giải tán được sử dụng là:
Tại Antiôkia và Ai cập: Hãy đi bình an.
Byzantin: Chúng ta hãy ra đi bình an.
Đông Syria: Chúng ta hãy ra đi trong bình an của Chúa Kitô.
Dân chúng đáp lại: Nhân danh Chúa.
Phụng vụ Rôma có vẻ thực tế hơn, và sử dụng công thức pháp luật là: “Ite, missa est”. Theo nguyên ngữ, chữ missa đến từ động từ mittere có nghĩa là giải tán. Từ thế kỷ thứ 4 trở đi, chữ missa được sử dụng ám chỉ hành vi phụng vụ vừa được cử hành, tức Thánh lễ. Như vậy, Ite missa est có nghĩa là: hãy ra về, cuộc họp đã kết thúc. Hôm nay, câu này được dịch ra Việt ngữ: “Lễ đã xong chúc anh chị em ra về bình an”!
Vị chủ tế hôn kính bàn thờ lần cuối, rồi cùng đoàn giúp lễ ra về. Phụng vụ Antiokia đề nghị một công thức giải tán hết sức cảm động như sau:
“Hãy nghỉ an, hỡi bàn thờ thánh thiện của Chúa. Không biết rồi đây ta sẽ còn được trở lại với ngươi nữa hay không. Nguyện xin Chúa cho ta được nhìn thấy ngươi nơi cộng đoàn các trưởng tử ở trên trời. Tất cả niềm tin tưởng của ta là ở nơi giao ước này.
Hãy nghỉ an, hỡi bàn thờ thánh thiện và xá tội. Xin cho Mình Thánh và Máu xá tội mà ta lãnh nhận được từ nơi ngươi trở nên ơn tha thứ cho những lỗi phạm của ta, xá giải mọi tội lỗi của ta, bảo đảm cho ta trước tòa án đáng khiếp sợ của Chúa và của Thiên Chúa đến muôn đời.
Hãy nghỉ an, hỡi bàn thờ thánh thiện, bàn ban sự sống, hãy cầu cùng Chúa Kitô cho ta để ta luôn tưởng nhớ đến ngươi bây giờ và cho tới muôn đời”.
Ý nghĩa việc giải tán được coi như lệnh truyền nhắc nhở chúng ta đoạn cuối Tin mừng theo thánh Mát- thêu: “Anh em hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ...” (28,19). Cộng đoàn giờ được sai đi trong Chúa Kitô và với Chúa Kitô. Đấng Phục Sinh hiện diện trên mọi nẻo đường thế giới. Huấn dụ Eucharisticum Mysterium số 38 ghi: “Sự kết hiệp thiêng liêng với Chúa Kitô là cùng đích của mầu nhiệm này. Nhưng không phải chỉ tìm thể hiện sự kết hợp đó duy ở phần đỉnh chóp của cử hành Thánh Thể: mà còn phải mãi kéo dài mãi ra trong đời sống Kitô hữu, thậm chí những tín hữu của Chúa Kitô phải không khi nào thấy mỏi mệt chiêm ngưỡng trong đức tin hồng ân đã lãnh nhận, hầu nhờ đó, cùng với sự hướng dẫn của Thánh linh, họ sống ngày ngày cuộc sống của mình trong tâm tình tạ ơn tràn trề, và làm trổ sinh cho dồi dào những hoa cùng trái của cây bác ái nữa vậy”.
BY: LM. THÊÔPHILÊ
Kính gửi cha chủ nhiệm,
Kính xin cha vui lòng chuyển đến cha Thêôphilê.
Trong báo Dân Chúa số 233, trang 41: Hỏi để sống đạo, cột 2 Thánh lễ Chúa nhật vô ích? Câu hỏi ở trong báo viết: «con có bạn bè cho rằng Thánh Lễ hằng ngày chẳng ích lợi gì. Có người còn nói chỉ đi lễ một năm 3,4 lần mà rút tỉa được điều tốt còn hơn là đi lễ mỗi Chúa nhật vì luật buộc?» Câu đáp ở trong báo viết: «thái độ đó có thể đúng, nếu như Thánh lễ chỉ là một buổi cầu nguyện tùy ý...».
Đến đây con xin phép cha. Câu anh bạn hỏi kể cũng là vô phép rồi. Từ xưa đến nay trong Hội Thánh có ai dám nói Thánh Lễ hằng ngày chẳng lợi ích? Tiếp câu hỏi về bạn bè nói về việc đi lễ môït năm 3, 4 lần..., thì phải biết Hội Thánh có 6 điều răn: Thứ 1 xem lễ ngày Chúa nhật cùng các ngày lễ buộc. Tại sao Hội Thánh buộc mỗi Kitô hữu phải xem lễ ngày Chủ nhật. Con nghĩ Hội Thánh buộc là điều cần thiết cho Kitô hữu.
Chỉ đi lễ một năm 3,4 lần mà rút tỉa được điều tốt còn hơn là đi lễ mỗi chủ nhật vì lễ buộc; nếu một Kitô hữu một năm chỉ đi lễ 3,4 lần. Con nghĩ như cành cây đã khô rồi, làm sao mà còn rút được nhựa sống của cây nữa.
Kính thưa cha,
Chỉ một câu đáp của cha «thái độ đó có thể đúng nếu như Thánh lễ chỉ là một điều cầu nguyện tùy ý» là giới trẻ họ đã chụp được một cơ hội để họ mở cở được rồi.
Thưa cha con suy nghĩ thiển thô như vậy đúng hay sai, xin cha chỉ giáo cho con được rõ hơn. Cho con góp ý như thế, xin cha đừng buồn, con hay thắc mắc..
Nguyễn Công Trung (Đan Mạch)
Trước hết, xin lỗi ông vì tôi trả lời câu hỏi ông đặt ra quá trễ, sau chân thành cám ơn những góp ý của ông về câu hỏi liên quan đến việc giữ lễ ngày Chúa nhật. Trước khi đi vào thắc mắc do ông nêu ra, tôi xin được nói lên nguyên tắc của Trang Hỏi sống đạo trên báo Dân Chúa Âu châu. Chúng tôi chỉ loại ra không trả lời những lá thư dùng cách đặt câu hỏi để mạ lỵ cá nhân, và thiếu tình bác ái Kitô giáo. Vì thế, cho nên chúng tôi tôn trọng những câu hỏi, ý tưởng của anh chị em nêu lên và đặt ra. Cùng với tinh thần tìm tòi học hỏi thêm, cho nên tất cả những giải đáp trên trang báo này chỉ là những gợi ý suy tư để đào sâu giáo lý Giáo Hội Công Giáo, và đi đúng theo tôn chỉ của báo Dân Chúa đề ra là gắn bó với Giáo Hội.
Bây giờ xin được đề cập đến câu hỏi của ông về Thánh Lễ ngày Chúa nhật. Thật vậy, tôi trả lời đến người bạn trẻ «thái độ đó có thể đúng nếu như Thánh lễ chỉ là một điều cầu nguyện tùy ý»; và ông nghĩ rằng rất có thể họ dưạ vào câu này để không tham dự Thánh lễ thường xuyên nữõa? Đọc kỹ lại, chắc ông thấy ý tôi rất rõ? Theo tôi, ý anh bạn trẻ đúng nếu như Thánh Lễ đối với anh chỉ là một buổi cầu nguyện tùy theo ý thích của anh; nhưng chắc chắn Thánh lễ không chỉ là buổi cầu nguyện vì mình thích. Ý nghĩa của Thánh Lễ vô cùng sâu xa, và cũng vì tin rằng Thánh Lễ mang ý nghĩa phong phú giúp đời sống đức tin của chúng ta, nên trên Trang Hỏi để Sống đạo này, chúng tôi đã cố gắng giải thích từng buớc một tất cả những hành vi, cũng như bố cục của Thánh Lễ. Đó là những điều rất căn bản, thế nhưng không phải ai cũng hiểu rõ những hành vi mình làm khi tham dự buổi Phụng vụ Thánh Thể.
Môi trường, người bạn trẻ Việt Nam sống ngày hôm nay tại đất khách quê người đối với phần đông độc giả báo Dân Chúa này là Âu châu. Dù chúng ta muốn hay không, Họ (người trẻ) mang não trạng ít nhiều của môi trường Tây phương. Vì thế từ «bắt buộc» không còn được họ để ý nữa khi mà cái «mốt» bây giờ được mọi người nhấn mạnh và cổ võ là «tự do»; nên dù một linh mục có lấy điều răn Hội Thánh ra và nói «anh bị bắt buộc phải đi lễ ngày Chúa nhật». Theo tôi, cách này sẽ không còn được chấp nhận nữa; và lúc đó còn đưa đến hậu quả khác là họ sẽ tìm cách tránh xa hơn nữa. Trước đây, khái niệm bắt buộc đã mang lại nhiều hoa quả nhưng não trạng con người ngày hôm nay đã thay đổi.
Đi lễ ngày Chúa nhật là một vấn đề cần đặt ra để cùng nhau suy tư và tìm giải pháp hợp với môi trường sống của chúng ta.
Chúng ta ai cũng biết mình không cần «bắt buộc» con cái mình phải ăn, nhưng nó sẽ khám phá rất nhanh ăn uống là điều tối cần thiết để sống. Nhưng điều nó khám phá ra là do từ bản năng chứù không phải là sự tự do. Thiết nghĩ đối với Thánh Lễ cũng giống vậy, ta cần phải giúp cho con cái hiểu được sự cần thiết. Việc này đòi hỏi có sự giáo dục và cần nhiều thời gian. Đối với trẻ nhỏ, chúng ta còn dùng được lối giáo dục «bắt buộc», khi chúng lên tới tuổi thiếu niên chúng ta cần phải chứng minh và thực hành những điều ta tin và ta nói. Có một số thiếu niên nam nữ Việt nam cũng thường nói với tôi như một lời than phiền: «mẹ tôi bắt phải đi lễ hằng tuần, rồi về lại nhà thì thấy mẹ hay nói xấu người này, người nọ. Như vậy là thế nào đây?», có em khác than phiền: «cha mẹ tôi bắt hai anh em chúng tôi đi lễ ngày Chúa nhật, còn hai ông bà thì ở nhà»... Với những chứng từ như trên, chúng ta không lên án hay kết tội những phụ huynh ở trường hợp đó, nhưng chúng ta cũng phải đồng hành với các bạn thiếu niên và tìm gợi cho họ những giải đáp.
Với những suy tư vừa nêu lên, thiết nghĩ có thể nói Thánh lễ không «bắt buộc» nhưng là một cần thiết cho cuộc sống của chúng ta. Chúng ta sống trong một xã hội mà tôn giáo không còn được coi là quan trọng, nhưng đối với một số người Thánh lễ còn là nơi tụ họp để đức tin được triển nở. Vì thế tôi cần đến dâng Thánh lễ với cộng đoàn nếu như mình muốn là một kẻ mang lòng tin và được lớn lên trong đức tin. Kinh nghiệm cũng dạy chúng ta biết, khi môït người nào đã dứt bỏ mối liên hệ với cộng đoàn đức tin, thì lòng tin của họ cũng bắt đầu nguội lạnh.
Trong cuộc sống đạo, làm sao cho bạn trẻ cũng như những người đã không còn giữ ngày Chúa nhật tái khám phá đi dâng lễ cũng cần thiết như ta phải ăn hằng ngày để có sức sống. Khi đến dâng lễ ngày Chúa nhật chúng ta cũng làm cho Thiên Chúa là Cha vui mừng hoan hĩ. Thiên Chúa chờ đợi để nuôi dưỡng chúng ta bằng Lời và Bánh của Ngài. Dâng lễ rồi, chúng ta cũng còn phải có gắng làm tỏa lan ra trong cuộc sống của mình, như các tín hữu sơ khai đã tụ họp mỗi «ngày đầu trong tuần», và cộng đoàn đó đã được tác giả sách Công vụ tông đồ ghi lại: «họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ» (2,46-47).
BY: LM. THÊÔPHILÊ
Thưa Cha,
Trong một cuộc hội thảo, chúng con được nghe nói Giáo lý của Hội Thánh đã có thay đổi về chuyện Thiên Chúa tạo dựng nên trời đất trong 7 ngày, cũng như truyện của hai ông bà nguyên tổ là ông Adong và bà Evà…
Xin cha có thể tóm tắt cho chúng con những ý chính về điều này, và đừng đi vào chi tiết khó hiểu? Xin cám ơn cha.
Người hay thắc mắc.
Câu hỏi của bạn có thể tạm tóm lại trong vấn đề Thiên Chúa sáng tạo theo sách Sáng Thế ở chương 1 và chương 2. Tôi cố gắng tóm như lời bạn yêu cầu cách phải hiểu thế nào về vấn đề đó theo Giáo Lý của Giáo Hội.
Thánh Kinh không phải là một cuốn sách khoa học trình bày cho chúng ta biết làm cách nào Thiên Chúa sáng tạo ra vũ trụ và con người. Thánh Kinh là Lời Chúa được linh hứng qua ngòi bút của con người. Các tác giả hai chương đầu của sách Sáng thế trả lời cho câu hỏi từ muôn thuở của con người đặt ra: tại sao Thiên Chúa sáng tạo nên vũ trụ và loài người? Đó là một kinh nghiệm về đức tin, và vì thế quan niệm này các bạn không tìm thấy được trong từ ngữ của khoa học nhưng nó thuộc thuật ngữ thần học. Cho nên, dù ngày hôm nay và trong tương lai, các nhà vật lý thiên văn, các nhà hóa học, các nhà cổ sinh vật học… có tiếp tục tìm tòi để trả lời làm cách nào và trong hoàn cảnh nào con người xuất hiện trên trái đất này, thì người tín hữu vẫn tiếp tục gọi Thiên Chúa là Đấng sáng tạo và cho biết lý do sự hiện hữu của con người và cho vũ trụ một ý nghĩa.
Giáo lý về Thiên Chúa sáng tạo liên quan đến chính những nền tảng của cuộc sống con người. Vấn đề này đưa ra một câu trả lời dưới con mắt đức tin về câu hỏi sơ cấp mà con người ở mọi thời đều một lần nêu ra: «con người từ đâu tới?», «con người sẽ đi về đâu?» «Cứu cánh của con người là gì?»… Những câu hỏi đó được gắn liền với nhau; và nó quan trọng cho ý nghĩa và định hướng cuộc đời cũng như hành động của chúng ta (xem thêm Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo số 282).
Các tác giả của hai chương đầu sách Sáng thế cũng đặt những câu hỏi trên. Họ không nhắm trả lời bao giờ và làm sao vũ trụ được thành hình một cách vật chất, hay con người xuất hiện bao giờ và cách nào. Họ chỉ có ý đưa chúng ta khám phá ý nghĩa của sự khởi thủy trên (xem thêm Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo số 284).
Thánh Kinh được mở với hai chương nói về việc Sáng tạo. Hai trình thuật hoàn toàn đối chọi nhau nếu như chúng ta giải thích theo khoa học về thuở bình minh của thế giới và loài người. Chương Sáng thế thứ 1 còn gọi trình thuật Sáng tạo theo truyền thống Tư Tế, được hình thành vào thời kỳ dân Do thái bị lưu đày ở Babylone vào thế kỷ thứ VI trước công nguyên. Trình thuật đến từ trường phái Tư Tế cho nên tác giả đã nghĩ công cuộc Thiên Chúa sáng tạo cũng giống như 1 tuần làm việc của con người. Vì thế tác giả tả ngày thứ bảy Thiên Chúa nghỉ ngơi như con người nghỉ ngơi và để dành ngày đó cho việc thờ phượng Thiên Chúa. Trình thuật cho thấy tất cả mọi sự khởi nguồn từ nước. Lúc đầu chỉ có một khối nước nguyên thủy. Thiên Chúa làm một cái vòm ngăn chia trước ở bên trên và nước ở bên dưới. Rồi Thiên Chúa chia nước bên dưới thành đại dương và đất liền xuất hiện. Đất liền là một hòn đảo giữa nước.
Ngược lại, sách Sáng thế chương 2 thuộc truyền thống Gia Vít là một trình thuật ra đời trước khi có Sáng thế chương 1. Sáng thế 2 được biên soạn dưới triều đại của Đa Vít và Salomom tức là ở thế kỷ thứ X trước công nguyên. Thuở ban đầu chỉ có đất khô cằn cõi vì không có mưa. Thiên Chúa đã làm dấy lên nguồn nước ngọt với suối và sông ngòi. Con người và thú vật lúc đó mới xuất hiện, và đất là một ốc đảo giữa sa mạc.
Cho dù, Thánh Kinh được mở ra với sách Sáng thế với hai trình thuật về việc sáng tạo; nhưng chúng ta cần biết rằng truyền thống cổ xưa nhất của dân Ítraen lại nói về một Thiên Chúa giải phóng với những khuôn mặt của Abraham và Môsê. Sau này quan niệm về việc sáng tạo mới được khai triển trong bối cảnh giải phóng. Tác giả nói lên quan niệm rõ ràng nhất về Thiên Chúa sáng tạo là Nhị Ngôn sứ Isaia (tức là tác giả của chương 40 đến chương 45 của sách Isaia). Ông loan báo dân lưu đày ở Babylone (587-538) được giải phóng, vì chính tác giả với lòng tin đã kinh nghiệm rằng Thiên Chúa cứu độ và ông có thể xưng tụng Người là Đấng sáng tạo. Và chính trong bối cảnh này mà các tác giả Tư Tế đã soạn ra trình thuật Sáng thế 1.
Tác giả trình thuật Sáng thế 2 soạn văn bản của mình với bối cảnh dân tộc Do thái đang hưởng hoa trái của sự giải thoát khỏi Ai cập. Đa Vít đang thiết lập vương quốc Ítraen tại xứ Canaan.
Qua những kinh nghiệm về giải phóng, dân tuyển chọn khám phá Thiên Chúa muốn họ được tự do và chính vì thế Người giải thoát họ ra khỏi nô lệ. Ngược lại, điều này buộc dân Ítraen dấn thân đáp lại bằng cách sống giao ước do Thiên Chúa đề nghị.
Chúng ta phải nhìn nhận các tác giả của hai chương đầu của sách Sáng thế là những thiên tài. Họ đã biết dựng lên lịch sử của một dân tộc và đặt vào lịch sử của mọi dân tộc. Nếu như Thiên Chúa có thể hành động cứu độ trong một lịch sử riêng biệt cũng vì Người là chủ của lịch sử. Người tạo dựng nhân loại để họ được tự do.
Các dân tộc vùng Cận đông như người Ai cập, Babylone cũng có những trình thuật khởi thủy viết theo thể văn thần thoại. Chúng ta cũng thấy có những chuyện kể về lụt Đại hồng thủy như trong Cựu ước. Vì vậy nét độc đáo của Thánh Kinh không phải ở trong những hình ảnh được dùng đến theo thể văn huyền thoại nhưng nằm trong ý tưởng của bản văn.
Trong Trình thuật Sáng thế 1, tác giả Tư Tế mang niềm tin độc thần đã chống lại những thần của người Babylone, vì thế mặt trời, mặt trăng không còn được coi là nhữõng thần nhưng chúng chỉ là những tạo vật thường mà thôi.
Trong trình thuật Sáng thế 2, tác giả Gia Vít cũng cho thấy sự cách biệt với sự tích anh hùng ca Atra-Hasis của người Babylone. Bản anh hùng ca này cho thấy loài người được cấu tạo để làm việc thay thế cho các thần. Theo Thánh Kinh, Thiên Chúa tạo dựng con người cách vô vụ lợi, và trao cho họ quyền cai quản. Con người theo Thánh Kinh được tạo dựng nên từ cát bụi, cộng vào với một yếu tố thần linh. Ngược lại trong thần thoại Babylone, con người được tạo dựng từ máu của một vị thần thua cuộc vì vậy ngay từ nguyên thủy bản chất con người đã ghi dấu ấn bị nguồn rủa. Con người trong Thánh Kinh trở nên sống động khi Thiên Chúa thở vào họ. Huyền thoại Babylone mang tính chất bi quan, ngược lại Trình thuật Sáng tạo 1 và 2 lạc quan.
Ngoài ra theo huyền thoại Babylone, các thần quyết định thiêu hủy nhân loại bằng lụt Đại hồng thủy tại vì loài người phá sự yên lặng của họ. Định mệnh con người được quyết định từ lòng ích kỷ của các thần. Theo Thánh Kinh, nếu như Thiên Chúa gây nên lụt Đại hồng thủy vì con người đã trở nên phi luân lý cần phải bị phán xét. Con người mang lấy trách nhiệm định mệnh của họ.
Theo Thánh Kinh «Sáng tạo» không có nghĩa «làm ra, chế tạo ra», nhưng «làm cho sống, ban sự sống hay làm cho hiện hữu». Theo ý nghĩa đó con người được tạo dựng «theo hình ảnh Thiên Chúa» tức là con người có thể ban sự sống, cho người khác hiện hữu bằng cách nhìn nhận mỗi người có cá tính riêng biệt và không thể tước bỏ quyền tự do của họ…
BY: LM. THÊÔPHILÊ
Thưa cha,
Bên Việt nam, chúng con biết có rất nhiều tôn giáo, nhưng chung thì ai cũng gọi là đạo, như đạo Phật, đạo Lão, đạo Thiên Chúa, đạo thờ ông bà, đạo Cao Đài, đạo Hòa Hảo…, nhưng qua đây đọc một số bài tôn giáo lại thấy xuất hiện "giáo phái", vậy các giáo phái này có phải là đạo không?
Một độc giả.
Bạn để ý thật đúng, bên Tây phương khi một tác giả nói đến từ "giáo phái" thường có tính tiêu cực, thậm chí có người còn thấy nhiều nguy hiểm một khi ai đó bị vướng mắc vào đó. Tôi biết 1 trường hợp cụ thể xảy ra trong một gia đình Việt Nam ở tại Pháp. Cha mẹ và người con gái của hai ông bà này đã cãi nhau đi đến việc từ nhau. Chuyện xảy ra vì cô con gái tìm ra "chân lý" theo "giáo phái" Giêhôva, và một hôm cô về nhà yêu cầu cha mẹ phải dẹp bỏ bàn thờ cúng tổ tiên…
Người Việt Nam chung chung thường rất cởi mở về vấn đề tín ngưỡng, nhưng cũng có những người cực đoan trong các tôn giáo muốn áp đặt lên trên những người khác niềm tin của mình, và hậu quả là "đạo" bị lợi dụng cho các mưu đồ để đàn áp kẻ khác không cùng niềm tin theo mình. Đó là những trường hợp của những nhóm người cực đoan, chứù bình thường người Việt cởi mở nhiều về vấn đề tôn giáo và dùng từ "đạo" khi nói về một tôn giáo nào đó.
Ngược lại Tây phương lại thích nêu ra những quy tắc và xếp thành triết lý, tôn giáo hay giáo phái. Và các nhà xã hội học Tây phương về tôn giáo đã đưa ra môït số quy tắc để gọi một nhóm tín ngưỡng nào đó là một giáo phái. Dưới đây, chúng ta sẽ duyệt qua các quy tắc nêu ra và đối chiếu với Giáo Hội Công giáo.
1. Người ta sinh ra không thuộc vào một giáo phái, vì thành viên của giáo phái thường là một người trưởng thành tự nguyện xin gia nhập vào nhóm. Từ đây họ thật sự hoàn toàn dấn thân cho giáo phái. Vấn đề cụ thể được đặt ra là khi trong mộït gia đình, người vợ hay chồng không mang cùng niềm tin vào giáo phái thì theo thống kê hầu như cuộc sống gia đình hoàn toàn đổ vỡ. Ngoài ra còn vấn đề các con cái nữa có phải theo giáo phái hay không? Vì thế các giáo phái thường phải giáo dục con cái của họ trong khuôn khổ riêng của họ mà thôi. Một cuộc sống như trên rất dễ gây hoang mang và ý kiến bất đồng trong nhóm, cho nên một trong những điều nhóm phải giữ là họ sống quan sát và canh chừng nhau. Các nhà chuyên môn gọi đó là tiến trình tâm lý của một nhóm sống thu hẹp cần phải giữ.
2. Giáo phái có một tương quan rất chặt chẽ về sự thật. Sự thật này được mạc khải bởi người sáng lập bất di bất dịch, ngoại trừ có những mạc khải mới. Vì vậy, những thành viên giáo phái cho mình là những người nắm giữ sự thật. Họ là những người hoàn hảo vì giáo phái chỉ bao gồm những người hoàn thiện. Họ là những kẻ trong sạch, những người được cứu rỗi rồi.
Trong điểm này, nhiều khi người Công giáo cũng bị lầm lẫn khi chúng ta tuyên xưng Giáo hội Thánh Thiện. Thật vậy, nhưng có điểm khác biệt lớn lao là Hội Thánh Công giáo nhìn nhận là bao gồm cả những thành viên tội lỗi nữa. Giáo Hội kêu gọi và mời gọi chúng ta theo và sống Tin Mừng, nhưng Giáo Hội không bao giờ bắt buộc mọi tín hữu phải anh dũng chịu tử vì đạo cả. Hơn nữa, Giáo Hội Công Giáo cũng tuyên xưng và nắm giữ sự thật, nhưng cùng lúc chúng ta thấy rõ trong Giáo Hội có rất nhiều xu hướng khác nhau với cách sống đa nguyên về giáo thuyết.
3. Trong một giáo phái, các thành viên thường mang liên hệ cảm xúc với nhóm và nhất là với người sáng lập hay người điều khiển nhóm. Mọi tinh thần phê phán phải bị dẹp bỏ. Ở trong nhóm thì chấp nhận phục tùng, còn ra ngoài đời phải nhiệt tình lôi kéo những người khác vào trong nhóm. Với một tinh thần như thế, nên một khi có ai muốn rời khỏi nhóm thì người đó sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nhóm làm mọi cách để kìm giữ không cho một thành viên tìm cách tách rời khỏi giáo phái. Ngược lại, chúng ta đều biết người tín hữu Thiên Chúa giáo có hoàn toàn tự do để tách rời Giáo hội; và đây là dấu chỉ quan trọng cho thấy hình thức của Giáo hội không phải là một giáo phái.
4. Quyền hành nằm trong tay lãnh tụ, và luật lệ là chỉ được giải thích bởi lãnh tụ mà thôi; và trên nguyên tắc mọi thành viên trong giáo phái đều ngang nhau. Trong Giáo hội thì theo trật tự đẳng cấp và mỗi thành phần có một quy chế riêng.
5. Mối tương quan với thế giới theo Giáo phái thường là trốn tránh và loại trừ, vì họ đồng hóa thế giới với ma quỷ. Ngược lại Giáo hội thường mang mối tương quan tích cực và năng động về văn hóa, nghệ thuật, chính trị, kinh tế và xã hội. Thế giới là một thực chứng cho dù có sự xấu ở trong thế giới.
Sau khi duyệt qua vài nguyên tắc cơ bản của người Tây phương cho đó là một giáo phái, thiết nghĩ chúng ta cũng có thể lượng định lại cách sống đạo của mình có cởi mở hay khép kín như một giáo phái?
Và cũng xin mời bạn đón đọc những chủ đề của Dân Chúa Aâu châu năm 2004 này, trong đó có một số bài liên quan đến các Giáo phái lớn đang hiện hành.
Thưa cha,
Chúng con đang sống bên Pháp; thường xuyên đi dự thánh lễ Việt nam mỗi tháng 1 lần, ngoài ra những Chúa nhật khác tham dự thánh lễ trong các xứ đạo của Pháp. Mấy tháng sau này, chúng con có tham dự 2 lễ tang của người đồng hương: một người đã lớn tuổi và một trẻ em. Dịp này, chúng con cũng có chia sẻ với nhau về sự đau khổ của tang quyến cũng như cuộc đời. Người già cả có ra đi thì cũng dễ dàng chấp nhận, còn một em bé cũng bị quá vãng quá sớm thì thật là đau khổ.
Gia đình con cũng còn cha mẹ đã lớn tuổi và rất yếu, và một lúc nào thì các cụ cũng phải đi về với Chúa, và câu hỏi con muốn nêu lên là ý nghĩa của lễ an táng? Con cảm thấy ngay người Công giáo cũng coi là bình thường phải chôn cất theo nghi thức tôn giáo nhưng rất mù mờ về ý nghĩa của nghi thức đó?
Tammy Pham.
1. TRƯỚC CÁI CHẾT
Nói về sự chết luôn là một đề tài quan trọng, và chúng ta cần nhiều thận trọng; nhưng với người mang lòng tin, thì chúng ta biết Chúa Kitô có một cái nhìn mới về sự chết. Thật vậy khi có một người thân yêu qua đời, đó là thời gian đau khổ nhất của cuộc sống. Chúng ta nhận ra từ đó một chia cắt và làm khơi dậy nhiều vấn đề. Chúng ta bất lực và đôi khi phản kháng, nhất là cái chết còn kèm theo nhiều đau khổ về thể xác, hay cái chết liên quan đến những người còn trẻ. Chúng ta coi điều đó như một bất công, và ta tự đặt câu hỏi về ý nghĩa về cuộc sống và niềm tin vào Thiên Chúa. Chúng ta nhận thấy không có trở ngại nào cho đức tin lớn hơn là thực tại về đau khổ trên đời này. Chúng ta đặt câu hỏi: Thiên Chúa là Đấng yêu thương, lại để chúng ta phải chịu đau khổ trong những lúc vô cùng khốn khó. Tại sao một Thiên Chúa tốt lành lại chấp nhận cho tạo vật của Ngài, và ngay cả con cái của Ngài phải chịu đau khổ như vậy?
Trong nỗi hoang mang và đau buồn, còn phải soạn lễ an táng cho người quá cố, và đâu là ý nghĩa của nghi thức này?
2. TẠI SAO CẦN PHẢI CÓ NGHI THỨC AN TÁNG?
Chúng ta đang sống trong bối cảnh xã hội Âu châu. Bình thường, ta thấy có ít nhất ba trường hợp thường xảy ra cho một người qua đời:
- đôi lúc chúng ta thấy những người bấy lâu nay không đến nhà thờ, nhưng khi qua đời họ vẫn ao ước được đưa vào thánh đường chôn cất theo nghi thức an táng tôn giáo.
- có những người muốn diễn đạt một ý nghiã về sự hiện hữu của con người theo cách gợi hứng của lòng tin Kitô giáo.
- cuối cùng những Kitô hữu bình thường muốn tiếp nhận trong đức tin và niềm hy vọng về biến cố sự chết và tang chế mà nó kéo theo.
Theo một bản thống kê, như tình trạng ở bên Pháp hiện nay, dù người dân Pháp đi dâng Thánh lễ Chúa nhật chỉ vào khoảng độ 15%, nhưng khi có người qua đời thì 82% dân Pháp muốn được chôn cất theo nghi thức Kitô giáo.
Họ chờ đợi nơi Giáo hội cho một ý nghĩa về biến cố sự chết, một lời về người quá cố, đặt những cử chỉ tôn kính dành kẻ qua đời. Họ mong chờ nghe từ Giáo Hội cho lời hy vọng và đồng hành với họ trong sự bối rối cả người đang giáp mặt với tang chế.
3. NGHI THỨC AN TÁNG MANG LỢI ÍCH GÌ?
Nghi thức an táng mang mục đích vinh danh người quá cố và cầu nguyện cho họ, để diễn đạt nhân phẩm con người ngay lúc họ vừa mới qua đời. Đây cũng là cơ hội gặp gỡ mọi người trong gia đình cũng như bạn bè thân quyến của người quá cố. Đôi khi đó là dịp tìm về lại với nhau và hòa giải những tị hiềm xích mích. Nghi thức an táng giúp ta bắt đầu cuộc tang chế bằng cách làm bùng lên niềm hy vọng.
Đây cũng là thời gian thuận lợi để suy nghĩ về ý nghĩa cuộc sống và định mệnh con người. Nghi thức an táng mời gọi ta tĩnh tâm, cầu nguyện và mang lại cho ta một chứng từ về đức tin.
4. NHỮNG ĐIỀU CỤ THỂ NÊN LÀM.
Khi có một người trong gia đình qua đời, nên liên lạc báo tin cho linh mục tuyên úy hay cha sở. Các ngài có nhiệm vụ đồng hành với gia đình tang quyến trong giây phút đau buồn này. Riêng Thánh lễ an táng cũng còn phải sửa soạn cho chu đáo nữa. Cuộc sửa soạn này rất quan trọng cho gia đình có tang, vì đây là dịp để chia sẻ, lắng nghe, và liên đới.
Bình thường linh mục có trách nhiệm soạn nghi thức an táng với gia đình người quá cố nêu những điểm chính sau đây:
- cá tính người quá cố và hoàn cảnh cái chết của họ.
- ý nghĩa mà gia đình muốn nêu lên trong nghi thức an táng nhưng không quên sự hiện diện của cộng đoàn.
- lựa chọn những bài đọc trong Thánh lễ.
- soạn những lời nguyện trong Thánh lễ.
- đề nghị những bài hát thích hợp mà gia đình yêu thích.
- sự tham dự vào nghi thức của các thành viên trong gia đình (đọc bài đọc, hay những cử chỉ muốn có trong Thánh lễ như đốt nến v.v…)
- có thể cho một chứng từ về người quá cố: coi chừng không nên quá dài.
- … và những ý riêng của gia đình muốn có trong Thánh lễ và cần phải bàn với linh mục chủ lễ trước.
5. CHÚNG TA CHỜ ĐỢI GÌ?
Trong giây phút đau khổ khi đứng trước vấn đề sự chết, Giáo lý dạy chúng ta mang niềm hy vọng vào sự sống đời sau. Đó là cuộc sống sung mãn đi vào hiệp thông với Thiên Chúa đã được khởi hành dưới trần thế này. Cuộc sống vĩnh hằng còn là lời hứa đi vào mầu nhiệm «các thánh thông công», sự hiệp thông giữa loài người với nhau. Lịch sử cá nhân của từng người vẫn được tôn trọng nhưng giờ đây không còn những giới hạn làm ngăn chia chúng ta nữa.
Thánh Kinh dạy rằng cuộc sống vĩnh hằng sẽ xảy ra với Thiên Chúa và trước Thiên Chúa trong sự ca tụng. Đó là hình ảnh diễn đạt sự hiểu biết mầu nhiệm của Người một cách thâm sâu hơn!
BY: LM. THÊÔPHILÊ
Ít lâu nay trong truyền thông, chúng ta thường nghe nói tới Giáo Hội Ngũ Tuần. Họ có ảnh hưởng quan trọng, nhất là tại Hoa Kỳ với tổng thống Bush như thành viên. Giáo Hội này khai sinh ra từ đâu và tại sao có ảnh hưởng như vậy?
1. MỘT GIÁO HỘI PHÁT TRIỂN VÀ CÓ ẢNH HƯỞNG LỚN.
Giáo hội Ngũ Tuần không ngừng phát triển và gây ngạc nhiên không ít. Theo một thống kê ghi trong cuốn Bách Khoa về thế giới Kitô giáo của David Barret, thuộc viện đại học Oxford xuất bản năm 2001, chỉ trong khoảng thập niên 1980 đến 1990, Giáo phái Ngũ Tuần đã tăng số tín đồ lên 4 lần. Từ 51 triệu, tín đồ Ngũ Tuần đã lên tới 193 triệu và có mặt trên khắp mọi lục địa trong 130 quốc gia.
Tại Á châu, tín đồ Ngũ Tuần tại Đại Hàn chiếm 25% tổng số người Kitô giáo. Ở Việt Nam, Giáo hội Ngũ Tuần có mặt vào khoảng thập niên 1970, và hiện nay đã có khoảng 200 chi hội được phân bố trong 9 giáo hạt có mặt tại Bắc, Trung và Nam, và 3 giáo hạt cho người dân tộc như Kơho, Êđê, H’mông...Tại Ấn Độ, theo một thống kê năm 1996, 41% những người theo Giáo hội Ngũ Tuần đến từ Công Giáo; 31% đến từ các giáo hội Tin Lành và 28% đến từ các tôn giáo ngoài Kitô giáo, nhất là đến từ Ấn Độ giáo (Eglises d’Asies, Paris, số tháng 9.1996).
Tại Âu châu, Giáo hội Ngũ Tuần tại Ý còn đông hơn con số tín hữu các Giáo Hội Tin Lành cổ điển; nhưng tại hai lục địa châu Mỹ La tinh và Phi châu phong trào tôn giáo Ngũ Tuần được coi như phát triển mạnh mẽ nhất. Tại châu Mỹ La tinh như Ba Tây, Chí Lợi và Guatemala con số tín đồ theo Giáo hội Tin Lành cho 20 năm ở cuối thế kỷ XX gia tăng 10%, và trong đó 2/3 là thuộc Giáo hội Ngũ Tuần. Tại Phi châu, hầu như mọi giáo phái thoát thai ra từ Tin Lành đều mang dấu Giáo hội Ngũ Tuần, và cho tới năm 2000, tín đồ Ngũ Tuần tại Phi châu chiếm đa số, đông hơn Giáo hội Công Giáo và Tin lành.
được xem là người khởi phát Phong trào Ngũ Tuần.
Nguồn gốc: Giáo Hội Ngũ Tuần được khai sinh ra tại thành phố Los Angeles vào năm 1906. Ông William Joseph Seymour là một mục sư người da đen thuộc Giáo hội Methodiste. Ông theo học tại Trường Thánh Kinh Topeka thuộc bang Kansas với một nhà thuyết giảng Methodiste da trắng tên Charles Fox Parham. Tại đây đã xảy ra một biến cố khác thường vào ngày 01.01.1901: một phụ nữ được ơn nói “tiếng lạ” như thời Giáo Hội tiên khởi tại Giêrusalem ghi lại trong chương 2 của sách Công Vụ các Tông đồ. Sau kinh nghiệm này, mục sư Seymour năng nổ cầu nguyện xin được ơn chịu “phép rửa trong Thánh Thần” với ơn nói “tiếng lạ”, nhưng lời cầu nguyện của ông chưa được toại nguyện. Mục sư Seymour thành lập một cộng đoàn chuyên về cầu nguyện ở thành phố Los Angeles cho những người da đen làm nghề giúp việc. Và chính tại tại nguyện đường toạ lạc ở Azuza Street vào năm 1906, mục sư Seymour và một người bạn được ơn nói “tiếng lạ”.
Chúng ta cần biết sơ qua bối cảnh kinh tế và xã hội thời bấy giờ ở Hoa Kỳ để hiểu rõ sự phát triển của Giáo Hội Ngũ Tuần ngay từ lúc đầu. Tin đồn “tiếng lạ” được loan ra nhanh chóng giữa các cộng đoàn người kiều cư. Họ là thành phần thất vọng với ảo ảnh thành công của thành phố Los Angeles. Giờ đây người da đen và da trắng đều trộn lẫn như thể ngang hàng nhau, trong một bối cảnh kỳ thị chủng tộc đang lên tới cao điểm. Phong trào Ngũ Tuần đưa dấu chỉ huynh đệ không phân biệt màu da hay chủng tộc qua những buổi cử hành phụng vụ; và cũng có một số người da trắng không chấp nhận dưới quyền điều khiển của mục sư da đen, cho nên họ tách rời khỏi nhóm mục sư Seymour. Nhưng chỉ trong vòng 5 năm sau đó, mục sư Seymour đã gieo được hạt nhân “phong trào hoà bình theo niềm tin tông truyền” trên khắp nước Hoa Kỳ.
Sứ điệp chính của Phong trào là cổ võ biến cố Ngũ Tuần không thuộc về quá khứ, nhưng là một kinh nghiệm cho ngày hôm nay, và có thể xảy đến cho mọi tín hữu Kitô giáo một khi họ sống sám hối và cầu nguyện. Biến cố Ngũ Tuần biểu lộ qua các ơn đặc biệt như nói “tiếng lạ”, chữa lành, nói tiên tri và phá bỏ hàng rào chủng tộc. Phong trào quy chiếu vào Thánh Kinh nhưng họ không đọc Thánh Kinh theo thuyết bảo thủ, nhưng trung thành theo tinh thần Lời Chúa và đi vào kinh nghiệm xúc cảm với Thiên Chúa. Ngoài ra tín đồ Ngũ Tuần còn có thêm dấu nét riêng biệt là năng động làm thừa sai mang Tin Mừng đến cho mọi người.
Đợt sóng phát triển thứ hai. Năm 1908, Phong trào lan qua Ai cập, Nam Phi, Na Uy, Hoà Lan... và chỉ trong vòng 2 năm họ đã có mặt trên 50 quốc gia. Vào khoảng thập niên 1950, Giáo Hội Ngũ Tuần lại có thêm một cơ hội phát triển khác. Tại các nước đệ tam, thấy xuất hiện đám người nghèo ở các làng mạc kéo về thành phố sống chui chúc ở các thành phố, và làm thành những thành phố rất đông dân cư. Giáo Hội Ngũ Tuần đã đến với những người bị bật rễ với những lối sống riêng biệt qua lời hát, điệu vũ. Tất cả kết lại với nhau như một bảo đảm cho cuộc sống thiêng liêng, xã hội và vật chất. Ơn đoàn sủng chữa lành giữ vai trò quan trọng như ơn nói “tiếng lạ”. Giờ đây Giáo hội Ngũ Tuần khai sinh ra thêm về mặt tổ chức địa phương. Các Giáo hội địa phương lấy cảm hứng về phụng tự từ các Giáo Hội Ngũ Tuần nguyên thuỷ, nhưng bây giờ mỗi Giáo hội đều tự lập. Từ đây khai sinh ra nhiều Giáo hội khác bắt nguồn từ Giáo hội Ngũ Tuần của mục sư Seymour. Tại Ba Tây, giới công nhân kiều cư tại thành phố Sao Paulo đã tự lập nên Giáo hội với các mục sư thoát ra từ lòng cộng đoàn của họ để sau này trở thành Giáo hội “Ba Tây cho Chúa Kitô”. Tại Đại Hàn, Giáo Hội Ngũ Tuần khai sinh từ năm 1958 mang tên “Giáo hội Yodo của Tin Mừng”. Hôm nay, được coi như chi hội Ngũ Tuần lớn nhất thế giới.
Chúng ta cũng không thể chối cãi có một số ảnh hưởng của Giáo hội Ngũ Tuần trên các Giáo hội Kitô giáo. Đó là sự phát sinh ra các phong trào Thánh Linh Công Giáo và Tin lành. Một số tín hữu Kitô giáo đã nhận linh đạo Ngũ Tuần nhưng không ly khai với Giáo hội của mình. Nhóm Thánh Linh đầu tiên do Mục sư Louis Dallière thuộc Giáo hội Tin Lành Cải Cách Pháp được thành lập vào năm 1930, mang tên “Hiệp hội cầu nguyện”. Năm 1961, Mục sư Larry Ckristenson thành lập trào lưu Thánh Linh thuộc Giáo hội Tin Lành hệ phái Luther. Phong trào Thánh Linh trong Công Giáo được khai sinh vào năm 1967 trong khu xá đại học Công giáo tại thành phố Pittsburg, bang Pensylvanie. Vào năm 1973, có những cuộc đàm thoại về Thần học được tổ chức tại thành phố Malines (Bỉ) do Đức Hồng Y Suenens khởi xướng; và năm 1974 một tài liệu ra đời xác định các Nhóm Canh Tân Thánh Linh Công giáo đồng ý không hẳn có mối liên hệ bắt buộc giữa ơn nói “tiếng lạ” và phép rửa trong Thánh Thần. Và thần học của các nhóm Thánh Linh Công giáo theo linh đạo Ngũ Tuần giải thích phép rửa trong Thánh thần theo hai chiều hướng: Đây là sự ý thức về ân sủng đã nhận được, tức là phép rửa trong Thánh Thần không độc lập với các bí tích. Lối giải thích thứ hai gần với tư tưởng của Ngũ Tuần hơn, cho rằng phép rửa trong Thánh Thần có phần nào độc lập với các bí tích. Họ dựa vào thánh Thomas Aquin cho rằng có những sứ vụ đặc biệt do Thánh Thần gieo vào lòng người nhận phép rửa trong một khúc quanh quan trọng nào đó trong cuộc sống Kitô hữu. Và phép rửa trong Thánh Thần là một trong những sứ vụ đó. Cả hai lối giải thích đã sửa đổi học thuyết của Giáo hội Ngũ Tuần cho phù hợp với thần học Công giáo về bí tích.
Các nhánh rẽ hay đợt phát triển thứ ba. Đợt sóng thứ ba xảy ra vào thập niên 1970, với sự phát riển mạnh mẽ của ngành truyền thông xã hội. Phong trào Ngũ Tuần phát sinh trong thời đại này thường được gọi là nhóm “Tân Ngũ Tuần”, vì họ đã dùng các phương tiện truyền thông để thu nhập các tín đồ và tài chánh. Ví dụ điển hình nhất là “Giáo hội hoàn vũ Nước Trời” tại Ba Tây được thành lập vào năm 1977 bởi một nhân công của viện xổ số quốc gia tên là Edir Macedo. Với tài ăn nói, ông đã thu thập được 3 triệu tín đồ, và trở thành Giáo hội Ngũ Tuần đứng hàng thứ 2 tại Ba Tây. Họ có đài truyền hình quốc gia số 3, hơn 30 đài truyền thanh và một số báo chí. Ngoài ơn nói “tiếng lạ, đặc điểm của “Tân Ngũ Tuần” là các phép lạ và mang cuộc chiến chống lại ma quỷ trong các buổi phụng tự. Nhóm “Tân Ngũ Tuần” còn khác với hai đợt sóng đầu là họ chấp nhận quyền hành chính trị, tức là nhận quyền nhất thời chứ không chỉ chờ đợi ngày Chúa Kitô trở lại. Vì thế, đã có tín đồ Ngũ Tuần ra tranh cử, và tại châu Mỹ La tinh cũng như tại Hoa Kỳ, Giáo hội Ngũ Tuần giữ vai trò quan trọng trong các cuộc bầu cử.
Tóm lại, chúng ta thấy Giáo hội Ngũ Tuần được thành hình qua ba đợt phát triển trong thế kỷ XX. Chính vì sự phân tán ra thành nhiều mảnh Giáo hội khác nhau lại trở nên một trong những nguyên nhân chính cho Giáo hội Ngũ Tuần bành trướng. Cũng vì thế, người ta không gọi Giáo hội Ngũ Tuần nhưng Các Giáo hội Ngũ Tuần (Croire Aujourd’hui số 161, tháng 10.2003).
Những lý do thành công. Theo Jean Paul Willaime, một chuyên gia về các Giáo hội Tin lành và giám đốc nghiên cứu tại “École Pratique des Hautes Etudes”, giải thích trong tập san “Actualités des Religions số 19 tháng 9.2000” sự thành công dựa vào lý do xã hội và văn hoá. Trong một xã hội Âu châu mất những điểm mốc, một số các tín đồ ưa thích cảm nhận một Thiên Chúa gần gũi, cụ thể, nơi mà các Giáo hội cổ điển chỉ qui chiếu một cách trừu tượng. Trong Giáo hội Ngũ Tuần, có một tương quan thực nghiệm vào Thiên Chúa, làm cho người tín hữu cảm nhận ngay tức khắc hành động thần thiêng cũng như hiệu quả của nó.
Thêm nữa, trong Giáo hội Ngũ Tuần mọi người có quyền lên tiếng không phân biệt phái tính, giai cấp xã hội hay khả năng tri thức. Tính cách cảm xúc của phong trào chạm đặc biệt đến giới phụ nữ và họ nói tiên tri nhiều hơn phái nam... Trào lưu Ngũ Tuần còn giúp cho giới nghèo được tái lập lại căn tính của họ đã bị xã hội và kinh tế ruồng bỏ. Đây là một hình thức lấy lại nhân phẩm và là cơ hội để tái định hướng vào xã hội. Điều này đã được thấy rõ xảy ra tại Phi châu và châu Mỹ La tinh. Ngũ Tuần là một phong trào rất uyển chuyển, và tiếp nhận mọi nền văn hoá địa phương.
Ngoài ra, chúng ta có thể thấy thêm những lý do sau đây:
- Đó là những Giáo hội tự trị, theo người bản địa với cơ cấu riêng, với nền thần học bản địa và phụng tự theo bản xứ.
- Họ thành công xây dựng nền thần học nhưng không đánh mất cội nguồn của họ là nền văn hoá truyền khẩu. Giáo hội Ngũ Tuần còn hình thành một sự hoà đồng chủ nghĩa với những nền văn hoá tiền-Kitô giáo và những nền văn hoá ngoài Kitô giáo của người dân bản xứ. Ví dụ như tại châu Mỹ La tinh, họ đã nhận những nghi thức điều trị của người thổ dân dân bản xứ vào linh đạo của họ. Tại Phi châu, thì nhận lãnh nghi thức điều trị của các thầy lang băm chữa bệnh; và tại Á châu, họ lấy lại những yếu tố của đạo Saman.
- Đây là những Giáo hội còn mới mẻ, vì thế các mục sư, tín đồ, phụng tự đều phản ánh nét văn hoá sống động và tươi trẻ.
- Sự thành công cũng đến từ việc sử dụng những hình thức phượng tự mẫu như thị kiến, xuất thần, múa nhảy trong Thánh thần, khóc trong vui mừng, chữa lành và làm nhân chứng. Các nhà chuyên môn nhận thấy tinh thần của Giáo Hội Ngũ Tuần làm lộ ra giữa tính hiện đại một “linh đạo nguyên thuỷ” như sự bật lại của những thế kỷ duy lý ở Âu châu.
2.NIỀM TIN CỦA TÍN ĐỒ NGŨ TUẦN.
Sứ điệp của Giáo hội Ngũ Tuần thường tóm lại với sự khẳng định: “Đức Giêsu cứu, ban phép thánh tẩy, chữa lành và Ngài trở lại”. Đức Giêsu cứu chúng ta khỏi những tội lỗi và dẫn đưa ta về cuộc sống vĩnh cửu. Ngài ban phép thánh tẩy trong Chúa Thánh thần và điều đó biểu lộ qua ơn nói “tiếng lạ”. Đức Giêsu chữa lành những bệnh tật của chúng ta; vì thế các buổi phụng tự của tín đồ Ngũ Tuần thường kết thúc bằng lời cầu nguyện cho những bệnh nhân với sự đặt tay trên đầu. Và Đức Giêsu sẽ trở lại, vậy chúng ta cần phải sửa soạn cho ngày tái lâm đó.
Với dấu nét riêng biệt năng động làm thừa sai mang Tin Mừng đến cho mọi người và đặt trọng tâm vào cảm nghiệm, nên Giáo hội Ngũ Tuần không xây dựng một nền thần học đòi hỏi nhiều tri thức, nhưng họ đặt vào niềm tin dể hiểu dựa vào việc hiểu Thánh Kinh ngay tức khắc. Chung chung, các Giáo hội Ngũ Tuần đều đồng ý vào những điểm sau đây:
- Chỉ có một Thiên Chúa mạc khải thành 3 nhân vật. Thiên Chúa tự mạc khải cho loài người qua Lời không sai lầm của Ngài là Thánh Kinh. Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria. Ngài sống cuộc đời không tội lỗi, bị chết treo trên thập giá, ba ngày sau Ngài sống lại từ cõi chết và lên Trời để cầu bàu cho chúng ta. Ngài sẽ trở lại thế gian này vào ngày tận thế để đưa Giáo hội (Ngũ Tuần) về và thiết lập Nước Thiên Chúa.
- Con người mang thân phận tội lỗi và sống dưới sự giận dữ của Thiên Chúa. Họ có thể được Đức Giêsu cứu rỗi qua lòng tin. Sự cứu rỗi nhưng không, là hoa trái ân sủng của Thiên Chúa. Vì được cứu rỗi, nên người tín đồ phải đi trong sự thánh thiện và hoàn thành những việc đạo đức không phải để được cứu rỗi nhưng đó là dấu chỉ của đức tin.
- Phép thánh tẩy chỉ được trao ban cho người trưởng thành, hoặc những ai theo tiến trình cá nhân để đến gặp gỡ Thiên Chúa. Đối với trẻ nhỏ, đa số các Giáo hội Ngũ Tuần chỉ có nghi thức dâng đứa bé như lời chúc phúc làm trong một buổi phụng tự.
- Ngoài phép Rửa bằng nước, còn có sự chờ đợi phép Rửa trong Thánh Thần. Nói phải chờ đợi vì không ai biết trước việc này sẽ xảy đến bao giờ cho mình. Dấu chỉ được phép Rửa là tự nhiên người đó bộc phát nói “tiếng lạ”. Đây là đặc sủng nói được ngôn ngữ lạ đã thấy xảy ra như sách Công vụ các Tông đồ ghi lại nơi 2,14. Theo thánh Phaolô đây là thứ ngôn ngữ không ai hiểu được (1 Cr 12,10; 28,30; 13,1,8; 14,1-40; Rôma 8,26), một thứ ngôn ngữ cấu âm không rõ ràng và khó nghe nhân vì trạng thái xuất thần, và ngay cả người nói cũng không tự hiểu mình nói gì.
-Niềm tin vào sự chữa lành và việc thực hành những ân huệ thiêng liêng như ơn nói tiên tri, thị kiến, mạc khải, phép lạ... là điểm quan trọng trong học thuyết của Giáo hội Ngũ Tuần. Điều này cũng giải thích lý do sự bành trướng của phong trào Ngũ Tuần, vì trên thế giới đã có nhiều người được chữa lành sau khi được đặt tay, và từ đó dân chúng đã đi theo.
- Người Ngũ Tuần cho rằng suy tư thần học không cần thiết. Chỉ cần mình Chúa Thánh Thần mới giúp cho ta qua việc học hiểu Thánh Kinh.
3.GIÁO HỘI NGŨ TUẦN HÔM NAY.
Người ta ước lượng Giáo hội Ngũ Tuần Truyền thống tức là những người còn giữ theo đợt sóng đầu với nhóm của Mục sư Seymour, có khoảng 193 triệu tín đồ được chia ra làm thành ba luồng thần học:
- Nhóm theo tư tưởng của Weslay: Weslay sáng lập ra giáo hội Methodiste vào thế kỷ thứ 18. Theo nhóm này, “Phép rửa trong Thánh Thần’ là kinh nghiệm thứ Ba sau kinh nghiệm thứ nhất là Sự Trở Lại, và kinh nghiệm thứ hai là Thánh Hoá.
- Nhóm theo hệ phái Tin Lành Calvin, và Báp-tít: Phép rửa trong Thánh Thần là kinh nghiệm thứ Hai. Kinh Nghiệm “Thánh Hoá” chỉ là điều toả ra trong thời gian những khả năng tiềm tàng của sự Trở lại.
- Nhóm Qui Nhất là nhóm chối bỏ giáo thuyết về Thiên Chúa Ba Ngôi.
Những Giáo hội Ngũ Tuần thoát ra từ đợt sóng thứ Hai gồm cả các phong trào Thánh linh trong các Giáo hội Tin Lành và Công Giáo. Họ là những Kitô hữu lấy theo linh đạo Ngũ Tuần nhưng không chối bỏ Giáo hội của mình. Người ta ước lượng, đợt sóng thứ hai qui tụ được khoảng 80 triệu người không kể các Nhóm Thánh Linh trong Giáo hội Tin lành và Công Giáo nhưng theo linh dạo Ngũ Tuần.
Những Giáo hội Ngũ Tuần ra từ đợt sóng thứ Ba qui tụ khoảng 30 triệu tín đồ và phần nhiều đều ở Mỹ châu:
- Phong trào Niềm Tin “Faith Movement”, với Rhema Church. Phong trào này nhấn mạnh đến sức mạnh của lời nói, sức khoẻ và sự giàu sang đưa con người đến hạnh phúc thiêng liêng. Nguy hiểm là đặt Thần Khí vào địa vị của chúng ta để hoàn thành những ước mơ duy vật và quá tự yêu mình.
- Nhóm “trùng hưng” đặt nặng vấn đề trên mối tương giao giữa cá nhân với nhau hơn là đối với cơ cấu. Họ muốn trùng hưng Giáo hội sơ khai bằng cách phục hưng lại những thừa tác vụ được ghi trong chương 4, thư của thánh Phaolô gửi giáo đoàn Êphêxô.
- Nhóm “Dominion Movement” muốn theo chế độ thần quyền. Họ muốn tái lập Nước Thiên Chúa trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
- Nhóm “Power Encounter Move-ment” chỉ nhấn mạnh vào những cuộc chữa lành và những dấu chỉ khác thường.
KẾT LUẬN.
Giáo hội Ngũ Tuần là một phong trào thức tỉnh Tin Mừng. Những người này tin rằng ân đoàn sủng có từ thời Giáo hội tiên khởi không phải là một biến cố khác thường. Đó là ơn mà mọi tín hữu có thể chờ đợi và xin nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Sự xuống ơn tức khắc và cảm nhận được bởi giác quan được gọi là Phép rửa trong Thánh Thần.
Ơn nói “ngôn ngữ” đối với người tín hữu Ngũ Tuần là dấu chỉ thực tế khởi đầu và hiển nhiên về Phép rửa trong Thánh Thần. Ơn nói “ngôn ngữ” luôn còn là một yếu tố quan trọng trong niềm tin của người Ngũ Tuần.
Chúng ta thấy những tín hữu Ngũ Tuần tiên khởi phần đông đều xuất thân từ Giáo hội Methodiste, số còn lại đến từ hệ phái Tin lành Calvin và Nhóm Báp-tít. Họ giữ tư tưởng về Giáo hội học, cũng như học thuyết về ân sủng của Giáo hội gốc. Cho đến hôm nay, không bao giờ có sự hiệp nhất của các Giáo hội Ngũ Tuần về những vấn đề trên.
BY: LM. THÊÔPHILÊ
Thưa cha,
Cuốn phim “Thương Khó Đức Giêsu” được trình chiếu, và cũng có người khen chê. Xin cha cho biết cuốn phim có thật sự theo sát sách Phúc âm cho 12 giờ cuối cùng của cuộc đời Chúa Giêsu dưới dương thế này không?
Một nhóm độc giả muốn biết.
Trước khi trả lời một cách chi tiết hơn, tôi xin nói chung chung cuốn phim do đạo diễn Mel Gibson thực hiện đã giữ được sự trung thực với các sách Tin Mừng về sự Thương khó của Đức Giêsu. Dĩ nhiên, đạo diễn không thể nào theo sát hết 100% được. Câu hỏi trên đây của quý vị có thể coi như xoay quanh vấn đề thương khó của Đức Giêsu trước lịch sử. Những tài liệu nào đã ghi lại biến cố trên? và hôm nay, chúng ta có thể biết rõ những điều gì đã xảy ra cho Đức Giêsu nhìn theo phương diện lịch sử.
1. NHỮNG NGUỒN SỬ LIỆU NGOÀI TIN MỪNG.
Đó là những sử liệu đến từ Flavius Josèphe trong bộ “Do thái thời cổ đại” XVIII, 63 – 64: “Thời đó có một hiền nhân tên là Giêsu, nếu coi ông là người thì ông là một người thông thái. Ông đã làm nhiều phép lạ, là thầy dạy những ai vui nhận chân lý. Ông lôi cuốn được nhiều người Do thái và cả nhiều người Hy lạp. Ông là Đấng Kitô. Rồi khi ông bị Phi-la-tô phạt đóng đinh vào thập giá vì những lời tố cáo của các vị đứng đầu trong chúng ta, thì những người lúc trước đã yêu mến ông vẫn không bỏ cuộc. Vì sau ba ngày ông lại hiện ra với họ như người còn sống; các ngôn sứ của Chúa đã nói về những điều này và còn có hàng ngàn điều lạ lùng khác về ông nữa. Cho tới nay, nhóm người được gọi là Kitô hữu đã theo ông vẫn không biến mất” (Antiquités XVIII)”; chứng từ của Tacít khoảng năm 100 nói về cuộc hỏa hoạn khổng lồ xảy ra hơn một tuần lễ ở thành Rôma. Người ta cho rằng kẻ chủ mưu trong vụ hỏa thiêu chính là Hoàng đế Néron. Ông muốn xóa đi thành phố Rôma cổ xưa để xây dựng lại một thành phố mới mang tên của chính ông ta. Tiếng đồn vang dội và Néron không thể nào ngăn chặn nổi. Cuối cùng ông vu khống cho cộng đồng Kitô giáo ở Rôma đã gây ra cơn hỏa hoạn. Từ đó khai mào cuộc bắt bớ các Kitô hữu kéo dài hơn 3 thế kỷ. Họ bị bách hại và tra tấn khốc liệt (Sử Biên niên XV,44).Tiếp đến, chúng ta còn đọc thấy trong chứng từ đến từ “Talmud de Babylone”. Kinh Talmud thuộc truyền thống Babylone Do Thái giáo khoảng thế kỷ thứ II cũng có nói đến cái chết của Chúa Giêsu, với lý do là Ngài đã lừa dối dân và khiến họ lạc lối: “Truyền thống kể lại như sau: Trước hôm ngày lễ Vượt qua, người ta đã đóng đinh ông Giêsu. Một vị quan tuyên cáo đã đi trước ông trong vòng bốn mươi ngày nói: “ông sẽ bị ném đá chết vì ông đã thực hành ma thuật, lường gạt và làm cho Ít-ra-en lầm lạc. Hỡi những ai biết cách nào chống đỡ hãy đến và làm chứng cho ông.” Nhưng họ không tìm thấy một ai làm chứng cho ông và ông đã bị đóng đinh trước hôm ngày lễ Vượt qua.” (Talmud de Babylone Sanhédrin, 43a). Đọc Tin Mừng, chúng ta biết vụ kết án Đức Giêsu được diễn ra thật vội vã, nhưng theo chứng từ Talmud, việc này được sửa soạn tỉ mỉ với phiên tòa cùng các quan án. Đức Giêsu bị giết chết “trước ngày lễ Vượt Qua” lại trùng hợp với Tin Mừng theo Gio-an.
Đọc chứng từ Talmud, chúng ta rút ra được những điều như sau:
* Vụ kết án Đức Giêsu là việc làm của người Do thái. Điều này chứng minh tác giả viết đoạn này đã không biết những điều ghi trong Tin Mừng. Ông chỉ lấy lại tin tức đến từ các Kitô hữu.
* Tác giả ghép tội Đức Giêsu làm Ma thuật theo truyền thống các phép lạ, như chúng ta thấy trong Máccô 3, 22 “bị quỷ vương ám”....
* Đức Giêsu đưa người Do thái theo con đường lầm lạc. Ý tưởng này được gợi hứng từ sách Đệ Nhị Luật 13, 2- 12.
* Đức Giêsu bị ném đá, hành quyết theo truyền thống người Do thái.
Nhưng cuối cùng Ngài bị treo trên thập giá. Trong đoạn này sách Talmud có điều tương phản. Tác giả hẳn muốn lấy điều lịch sử chấp nhận Đức Giêsu bị đóng đinh. Ông đặt vào trong một vụ án tương đương đến từ người Do thái. Đức Giêsu bị kết án lường gạt lẽ ra Ngài bị ném đá bởi người Do thái, nhưng vì việc Ngài bị đóng đinh theo truyền thống La mã, đều được ai ai cũng chấp nhận nên tác giả không thể chối bác được.
2. TÂN ƯỚC.
Nguồn sử liệu Kitô giáo như các Ngụy Thư như “Công vụ Philatô” hay “Tin Mừng theo thánh Phêrô” quy trách nhiệm cho người Do thái về vụ án Đức Giêsu. Nếu chỉ đọc Tân Ước, chúng ta cũng sẽ biết rất ít về vụ án như đã ghi trong Công vụ các Tông đồ và các thư của thánh Phaolô. Theo tác giả Công vụ và thánh Phaolô, chính người Do thái đã đóng đinh Đức Giêsu (1Thêxalônica 2, 15; Công vụ 2, 36; 3, 15; 4, 10; 5, 30). Thư thứ nhất gửi Ti-mô-thê (6, 13-14) ghi lại chứng từ của Đức Giêsu trước Philatô như sau: “Trước mặt Thiên Chúa là Đấng ban sự sống cho mọi loài, và trước mặt Đức Giêsu Kitô là Đấng đã làm chứng trước tòa tổng trấn Phongxiô Philatô bằng một lời tuyên xưng cao đẹp, tôi truyền cho anh em hãy giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền, không chi đáng trách cho đến ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta xuất hiện”.
3. TIN MỪNG.
Bốn cuốn Tin Mừng là những nguồn sử liệu duy nhất ghi lại nhiều chi tiết về vụ án và sự thương khó của Đức Giêsu từ khi Ngài bị bắt cho đến khi được chôn cất. Vấn đề đặt ra với câu hỏi Tin Mừng đáng cho chúng ta tin không? Đó là vấn đề sử tính của Tin Mừng. Muốn trả lời câu hỏi này một cách chín chắn cần phải tránh hai thái cực. Nhóm thứ nhất cho Tin Mừng chỉ là huyền thoại mang mục đích hộ giáo và thần học – nhóm thứ hai ngược lại, coi bộ Tin Mừng như những thiên phóng sự được ghi lại đúng những điều đã xảy ra.
Trình thuật Thương khó là một thể văn hoàn toàn khác biệt với các phần đầu của Tin Mừng. Trong đó những đoạn tiếp nối nhau đôi khi rất giả tạo. Soạn giả liên kết các trình??? vào với nhau cho phù hợp văn chương. Ngược lại, các trình thuật Thương khó theo rất sát thứ tự lịch sử: Đức Giêsu bị bắt, bị kết án và sau cùng bị đem đi giết.
Ngoài ra, những trình thuật Thương khó mang nhiều chi tiết không thể nào các tác giả có thể tự mình bịa đặt ra như đoạn Đức Giêsu bị đánh đòn và bị đóng đinh; những nhân vật rất bình thường, không quan trọng như ông Simôn thành Cyrênê vác đỡ thập giá cho Đức Giêsu với hai người con trai là ông Alexandre và Rufus (Máccô 15, 21); có thêm nhân vật Giuse thành Arimathia đem xác Đức Giêsu đi chôn cất; các chi tiết khác như tên gọi những nơi: “Vườn Cây Dầu” (Máccô 14, 32); “Nền đá” được gọi là Gápbatha (Gioan 19, 13); “Núi Sọ gọi là Golgotha (Gioan 19,17; Máccô 15,22). Sau hết là tấm biển “Vua dân Do thái”. Đây là một tước hiệu tạm bợ, không đến từ các cộng đoàn Kitô giáo, nhưng dân thành Giêrusalem đều biết vì nó được treo cho mọi người thấy. Đọc Tin Mừng về sự Thương khó, chúng ta có cảm tưởng chỉ một mình Đức Giêsu bị đóng đinh. Thật ra Ngài bị đóng đinh chung với những người khác.
Những chi tiết vừa kể chắc chắn được lưu hành trong cộng đoàn Kitô giáo tiên khởi ở Giêrusalem. Đối với họ vụ án Đức Giêsu thật khó quên. Vì thế, các sử gia cũng không thể nào bỏ qua được. Nói vậy không có nghĩa chúng ta cứ đọc các trình thuật thương khó như một bản tường trình mà không xem xét lại. Các trình thuật Thương Kùhó không thuần túy là thiên phóng sự vì cả 4 trình thuật không hoàn toàn giống nhau. Chúng ta cũng biết các tác giả Tin Mừng biên soạn theo mục đích riêng cho nên các ngài không làm phóng sự kể lại đúng như sự việc đã xảy ra.
Trước hết một vài Tin Mừng mang những chi tiết không thấy ghi trong các cuốn Tin Mừng khác. Những chi tiết này lại quan trọng như việc Đức Giêsu được đưa tới nhà Thượng tế Khanna vào lúc ban đêm. Một vài trình thuật nói về việc xảy ra ở đồi Canvê theo Tin Mừng Gioan 18, 12.19-24; 19, 25-37: Đức Giêsu bị trói; Đối đáp giữa Đức Giêsu và Thượng tế rồi Khanna cho giải Người đến thượng tế Caipha; Đức Giêsu với thân mẫu...
Có những đoạn các Tin Mừng đều nói tới nhưng không hoàn toàn giống nhau. Theo Gio-an, các bà “môn đệ” đứng dưới chân thập giá (Gioan 19,25). Theo Máccô họ đứng xa xa và nhìn lại (Máccô 15,40). Làm cách nào hòa giải hai thời biểu khác nhau giữa Nhất Lãm và Gioan. Theo Nhất Lãm, Đức Giêsu bị hành quyết đúng vào ngày lễ Vượt Qua. Trước đó Ngài đã dự Tiệc ly với các môn đệ (Máccô 14,12); Gioan cho Đức Giêsu chết và được chôn cất ngày Vọng Lễ Vượt Qua (18,28; 19, 31.42). Khác biệt không có nghĩa do các tác giả bịa đặt ra. Các sử gia cho rằng Tin Mừng Gioan gần sát với điều thật sự xảy ra hơn; và các dữ kiện đó đến từ các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi tại Palestine.
4. ĐỂ TRẢ LỜI CHO MỘT NHU CẦU
Trình thuật Thương khó trong Tin Mừng giữ một chỗ quan trọng. Đó là dấu chỉ một lời mời gọi và một nhu cầu. Chúng ta sống ở thế kỷ XXI, thập giá mang một biểu hiệu hay vật đó là một vật dụng đạo đức. Đối với người thời xưa, thập giá gợi lên hình ảnh nhục nhã và ghê rợn. Thánh Phaolô trong thư 1Côrintô 1, 23 cho “là ô nhục không thể chấp nhận được và dân ngoại cho là điên rồ”.
Người Do thái hoàn toàn bác bỏ kỳ vọng của các môn đệ cho Đấng bị đóng đinh trên đồi Golgotha là Đấng Thiên Sai và là Con Thiên Chúa. Đó là điều phạm thượng. Phía dân ngoại, nhất là người Hy lạp lại càng không chấp nhận một đấng đại diện cho Thần Linh, một vị thần sự lại mang bản án của người nô lệ. Người đó lại cho mình là kẻ soi sáng thế gian, là điều không tương đối với đám dân chúng Hy lạp. Họ nhạy cảm về triết lý hơn là một điều lạ lùng đến từ Phương Đông.
Tin Mừng viết cho Kitô hữu qua hành động truyền giáo. Vì thế, họ không thể nào thuyết phục được kẻ khác vào đạo giáo của mình, nếu như chính họ không chắc chắn phù hợp theo chương trình của Thiên Chúa. Các trình thuật Thương khó là lời giảng huấn nên họ cần phải học hiểu.
5. THEO CHƯƠNG TRÌNH CỦA THIÊN CHÚA PHÁC HỌA TRONG KINH THÁNH
Không một thánh sử nào có ý nghĩ phải loại bỏ sự nhục nhã và sự kinh rợn, cho dù đôi lúc các ông ngần ngại nhấn mạnh như việc Đức Giêsu bị đánh đòn. Họ chỉ nói phớt qua và không đi vào chi tiết tỉ mỉ. Dưới ánh sáng phục sinh, các tác giả nhấn mạnh nhân vật chịu đựng đau khổ không phải đồ chơi của một định mệnh đui mù. Đức Giêsu biết trước thân phận dưới trần thế. Các lời tiên báo về sự Thương khó đều cho biết như vậy (Máccô 8,31; 9,31; 10,33). Dầu vậy, Đức Giêsu không phải bị chịu đựng, nhưng chấp nhận hoàn toàn tùy phục Thiên Chúa. Hơn thế nữa, khi đọc toàn thể trình thuật Thương khó, chúng ta sẽ nhận thấy mọi cố gắng trình bày các biến cố xảy ra không như một thất bại, nhưng được vâng theo chương trình của Thiên Chúa diễn đạt trong Sách Thánh mà người Kitô hữu đã lãnh nhận từ Ítraen.
Lý chứng Kinh Thánh mang nhiều hình thức: Lời mời gọi dựa vào một đoạn trích dẫn Cựu Ước để giải thích một dữ kiện nào đó. Ví dụ việc mua thửa vườn của người thợ gốm (Mátthêu 27, 9-10); bắt thăm chia áo (Gioan 19, 24). Đôi khi sự trích dẫn nằm ngay trong một bài trình thuật. Tức là các tác giả vay mượn lời Kinh Thánh “Đây là máu giao ước” Máccô 4, 24); hay “Lạy Chúa, Lạy Chúa, sao Ngài lại bỏ con” (Máccô 15, 34). Đôi khi dự kiện được trình bày với một chút thay đổi cho phù hợp với lời Kinh Thánh - Theo Mátthêu 27, 34 “Đức Giêsu được uống rượu pha mật đắng” – “Mật đắng” do Mátthêu thêm vào (Máccô 15,22) cho phù hợp như lời Thánh vịnh 69, 22 như lời sấm về Đấng Thiên Sai.
6. THEO Ý HƯỚNG TỪNG TÁC GIẢ TIN MỪNG.
Các cộng đoàn Kitô hữu sơ khai có biết và cho lưu hành những truyền thống về các trình thuật Thương khó. Khi biên soạn Tin Mừng, các tác giả lấy những tài liệu đó và áp dụng vào cho thính giả của mình. Họ nhấn mạnh đến những điểm muốn cho người nghe biết và hiểu. Về vấn đề thương khó, Mátthêu và Luca hoàn toàn dựa trên tài liệu của Máccô. Những điều các ông thêm vào cần phải được sử dụng rất cẩn thận về phương diện sử tính.
Những điều Mátthêu thêm vào:
- Bà vợ ông Philatô và một số khác can thiệp khi Đức Giêsu bị đưa ra tòa án La mã (27,19) - và khi Philatô rửa tay trước đám đông (27,24) chứng tỏ ông biết rõ truyền thống của người Do thái.
- Mátthêu 27, 52-53 “Mồ mả bật tung” - mang ý biểu tượng
Những điều Luca thêm vào:
- Đức Giêsu bị điệu ra trước Hêrôđê Antipas (23, 8-12). Các bà khóc trên đường lên Núi Sọ (23,27-31) với nhiều trích dẫn Cựu Ước. Luca mang xu hướng giúp thánh hóa và khích lệ cộng đoàn của ngài qua đoạn Người Trộm Lành (23,39-43). Lời kinh cuối của Đức Giêsu (23,46) “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha” và đám dân sám hối (23,48).
MỘT VÀI VẤN NẠN.
Dù các trình thuật Thương khó trong Tin Mừng mang cùng một cấu trúc với một số nét rõ rệt, nhưng hôm nay cũng còn một vài vấn nạn xem chừng các sử gia vẫn chưa thấu hiểu rõ ràng. Những lý do chính để các thủ lĩnh Do thái quyết định ra lệnh bắt Đức Giêsu và trao cho quyền hành La mã giết rất mơ hồ. Đức Giêsu bị Philatô kết án về tội chính trị vì Ngài tự nhận mình là vua dân Do thái như ghi trên tấm biển treo ở đầu thập giá. Phía Do thái có thật sự mang cùng ý hướng này không?
Chúng ta cũng có thể nêu lý do tại vì Đức Giêsu đã chủ trương thay lề luật Môsê. Đọc kỹ Tin Mừng không thấy có đoạn nào chắc chắn về điều này để bắt Ngài và kết án chết. Ngoài ra có hai trình thuật cho thấy khá rõ các thủ lĩnh Do thái quyết định đi bắt Đức Giêsu: khi Đức Giêsu vào thành Giêrusalem và được dân chúng tung hô như một ông vua. Các sử gia cho rằng trình thuật này có thật nhưng không đồng ý ở điểm “dân chúng tung hô như một ông vua”, vì nếu có chắc rằng chính quyền La mã sẽ can thiệp vì họ không thể để cho dân làm một việc họ cho là khôi phục lại nền quân chủ Ítraen. Có chăng cũng chỉ là tiếng tung hô của một đám dân chúng nhỏ cộng thêm vào đó với các môn đệ.
Biến cố thứ hai đưa đến việc bắt Đức Giêsu là câu chuyện xảy ra tại Đền Thờ khi Ngài đuổi các con buôn đang bán súc vật cho việc hiến tế trong Đền Thánh, và các tay đổi tiền (đổi tiền La mã lấy đồng Do thái để dâng Đền Thờ).
Các sử gia theo cùng một ý như việc Đức Giêsu vào thành. Quân La mã giữ an ninh trật tự phía ngoài Đền thờ, nên không thể cho xảy ra một biến cố thật lớn như ta đọc trong Tin Mừng. Hành động của Đức Giêsu rất là giới hạn, và gợi lại việc các ngôn sứ chỉ trích nặng nề việc phụng tự bề ngoài không có bề sâu. Một việc phụng tự làm cho con buôn trở thành quan trọng vì phải có súc vật và đồng tiền dâng cúng. Ngoài ra còn có các lời của Đức Giêsu loan báo việc thiêu hủy Đền Thờ mà người Do thái lập lại trong vụ án (Máccô 14, 58).
Chúng ta thấy Đức Giêsu hành động và nói đều phù hợp với viễn tượng tương lai theo Ngài: Nước Thiên Chúa trên trần gian có cần đến của lễ toàn thiêu bằng súc vật để đền tội thế gian không? Các thủ lĩnh Do thái chắc chắn không hài lòng những việc Đức Giêsu làm, nhưng dân chúng cũng không mấy thiết tha theo ý Ngài vì họ rất gắn bó vào Đền Thờ và những nghi thức. Rất sớm các môn đệ và những Kitô hữu sơ khai đã gọi Đức Giêsu là Đấng Kitô (Phaolô vào khoảng năm 50). Dữ kiện này cho biết Đức Giêsu đã làm và có một thái độ như Đấng Thiên Sai.
Vấn nạn ở chỗ Đức Giêsu bị người Do thái bắt vì tự coi và được coi như Đấng Mêsia, tại sao các môn đệ Ngài lại không bị họ đi truy lùng bắt giết. Khi biến cố vừa xảy ra tất cả các môn đệ đều bỏ trốn và không một ai bị truy lùng. Tới thời hoàng đế Hêrôđê Agrippa trị vì tại Giêrusalem, cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi mới bị bách hại (Cv 12,1-3).
BIẾN CỐ THƯƠNG KHÓ XẢY RA LÀM SAO?
1. Bị bắt.
Đám đông bắt Đức Giêsu tại vườn “Cây Dầu” được biết do “các Thượng tế, kinh sư và các kỳ mục sai đến” (Mc 14, 43), tức là do Hội đồng cộng tọa ở Giêrusalem. Tác giả nhấn mạnh ở điểm này nêu trách nhiệm vụ kết án giết chết Đức Giêsu đến từ người Do thái. Hội đồng cộng tọa là một nhóm, nhưng thật ra chính vị Thượng tế hoặc các Thượng tế cũ gồm những cựu Thượng tế và thân nhân các gia đình quý tộc thuộc dòng tư tế. Trong Hội đồng, nhóm này mới thật sự có quyền hành. Họ có quyền cho lính đi bắt giam dưới quyền hành trực tiếp của vị cai quản Đền Thờ. Ông này là nhân vật số hai sau Thượng tế. Đức Giêsu bị nhóm này bắt theo sự Giu-đa chỉ điểm vì ông này biết nơi Đức Giêsu và các môn đệ ngủ qua đêm.
2. Vụ án Do thái.
Đức Giêsu bị quân lính thuộc Đền Thờ bắt không cần quân đội La mã tham gia như Gioan ghi (18, 3.12). Theo Gioan, ngoài đám thuộc hạ thủ lĩnh La mã còn có viên chỉ huy và toán quân La mã. Những biến cố tiếp theo cho thấy Đức Giêsu bị nằm trong tay quyền hành của người Do thái.
Sau khi so sánh giữa Nhất Lãm và Gioan, chúng ta rút ra được kết luận như sau: Trước hết Đức Giêsu bị dẫn đến nhà riêng vị Thượng tế đã về hưu là ông Khanna, bố vợ Thượng tế năm đó là Caipha. Tại nhà Khanna có mặt một số thành viên Hội đồng cộng tọa và họ cùng quyết định những điều phải làm kế tiếp. Chính tại nơi nhà Khanna, Đức Giêsu bắt đầu bị hành hạ trong khi chờ đợi trời sáng.
3. Vụ án La mã.
Sáng hôm sau, Đức Giêsu bị đưa ra tòa án của Philatô. Ông là người thực sự có quyền kết án (Gioan 18,31). Theo các Tin Mừng, Đức Giêsu bị kết án vì tội chính trị. Có điều khá ngạc nhiên không thấy ông Philatô phản ứng khi Đức Giêsu nhìn nhận Ngài là “Vua dân Do thái”, vì đây là tội phản bội rất quan trọng.
Ở đây vai trò đám dân chúng cũng không có gì là sử tính cho lắm. Đám đông chỉ tham dự vào vụ án, theo Mátthêu và Máccô, đoạn có mặt ông Baraba thiếu sử tính vì là việc khá bất bình thường.
Trong Tin Mừng Gioan, Philatô đi qua đi lại và nói chuyện với đám dân chúng cũng không có nhiều sử tính vì trong cuộc trao đổi có quá nhiều biểu tượng cũng như đề tài thần học và tranh luận, nên cấu trúc như thể giả tạo.
4. Nơi Pháp đình.
Vụ án xảy ra trong dinh còn gọi là pháp đình nơi viên tổng trấn cư ngụ mỗi lần ông lên Giêrusalem, nhất là vào thời điểm các lễ lớn của người Do thái. Các nhà khảo cổ tranh luận xem hôm nay dinh thự đó nằm ở nơi đâu. Một số người cho là pháo đài Antonia nằm ở phía Tây Bắc Đền Thờ. Một số khác cho là dinh thự của Hêrôđê trên một ngọn đồi hướng Tây thành Giêrusalem tức là phía Nam hiện tại cửa Joffa. Giải pháp thứ hai hiện thời được các sử gia coi như chắc hơn.
Césarée nơi ở thường trực của quan tổng trấn là dinh thự cũ của Hêrôđê cả. Dinh thự ở Giêrusalem mang điểm thuận lợi nằm trên cao, rất lý tưởng để canh giữ, dò xét mọi việc xảy ra trong thành phố và tại Đền Thờ. Hai ông Philon và Josèphe có những dữ kiện thấy gần giống như vậy. Trong Tin Mừng Gioan 19, 13 nơi quan tổng trấn ngồi xử án có tên gọi bằng tiếng Aramê là Gápbatha (nền đá). Gốc của nó chỉ định một cái gì cao. Những chi tiết này đưa dinh thự Hêrôđê gần sát với thực tế hơn thành lũy Antonia.
5. Quyết định của vụ án.
Vụ án trước quan tổng trấn Philatô kết thúc bằng việc kết án tử hình. Người ta không thấy rõ được tâm trạng của Philatô vào lúc đó. Một đàng, ông dường như có cảm tình với Đức Giêsu nên ông do dự. Nhiều sử gia cho rằng điểm này do một tác giả Kitô giáo viết lên với mục đích lên án chính người Do thái muốn giết Đức Giêsu, vì ngay cả người La mã cũng mang cảm tình đối với Đức Giêsu. Trong lịch sử khi viết về Philatô các sử gia thường đưa ra hình ảnh một Philatô rất cứng rắn. Ông Philon còn đi xa hơn cho rằng Philatô là một người rất bạo động, thích tra tấn và có nhiều vụ hành quyết mà không được xử án trước. Chung chung Philatô ít nhân nhượng trước người Do thái.
Đức Giêsu rất có thể được xử án chung cùng một lúc với một số người khác, nhất là Tin Mừng ghi còn có hai người khác bị đóng đinh với Ngài (Máccô 15, 27). Nhưng điều gì đã đưa Philatô đi đến quyết định giết Đức Giêsu? Philatô đã làm theo ý của các thủ lĩnh tư tế vì ông thấy có lợi ích chính trị và giữ được trật tự công cộng. Như vậy các thủ lĩnh tư tế Do thái thấy thiện chí của Philatô; cả đôi bên thường đồng ý với nhau.
Ngoài ra, còn trình thuật kể câu chuyện Đức Giêsu bị đưa qua gặp Hêrôđê Antipas, tiểu vương vùng Galilê nhưng lại có mặt tại Giêrusalem vào lúc đó. Trình thuật này có thể đến từ một ký ức xa xưa được lưu hành trong cộng đoàn tiên khởi. Các sử gia cho rằng Lu-ca thêm vào trong phần Thương khó với mục đích biện giáo: Đức Giêsu là một người bị kết án vô tội (Lc 23, 14-15).
6. Đóng đinh.
Đức Giêsu bị Philatô kết án đóng đinh. Người Hy lạp hay người Do thái cũng có đóng đinh tội phạm, nhưng việc này thường coi như truyền thống của người La mã. Ông Philatô giao Đức Giêsu cho lính. Họ thuộc một nhóm riêng biệt gồm những thành phần đến từ các tỉnh nhưng không phải là người Do thái. Nhiệm vụ nhóm này hành tội đánh đập tội nhân trước khi đưa đi đóng đinh.
Đánh đòn bằng roi là một việc làm man rợ: Tội nhân bị đánh trước đám công chúng. Đức Giêsu bị đánh đòn ngay tại nơi Ngài bị xử án. Rồi từ đó lính mới mang Ngài đến nơi bị đóng đinh. Có một chi tiết đến từ ký ức cộng đoàn sơ khai ở Giêrusalem: Đức Giêsu yếu quá để mang thanh gỗ ngang, nên lính đã bắt một ông tên là Simon quê ở Kyrênê. Khi Máccô cho biết ông này còn có hai người con là Alexandre và Rufus (Máccô 15, 21), tác giả cố ý cho độc giả biết hai nhân vật này được các Kitô hữu tại Rôma biết tới. (Tin Mừng Máccô được biên soạn tại Rôma).
7. Núi Sọ (Golgotha) ở đâu?
Theo Tin Mừng, Đức Giêsu và hai người khác bị đóng đinh ở một nơi mang tên Golgotha, một ngọn đồi có hình dáng một cái sọ. Ngày nay có một Vương Cung Thánh đường gọi là “Mộ Thánh” được xây cất từ hồi đầu thế kỷ thứ IV. Tin Mừng Gioan nói ở gần đó có một thửa vườn. Từ dinh thự Philatô đi thẳng lên tới Golgotha chỉ khoảng chừng 400 thước.
8. Phút cuối cùng.
Tại nơi xử tử, họ cho Đức Giêsu uống rượu pha với mộc dược theo truyền thống Do thái. Đức Giêsu bị đóng đinh hoàn toàn trần truồng vào thanh gỗ ngang trước rồi mới được đưa lên gắn vào thanh gỗ đứng. Một tấm biển có thể được gắn trên đầu thập giá, nhưng cũng có thể treo trên cổ tội nhân. Đối với Đức Giêsu, tấm biển ghi là “Vua dân Do thái”. Tin Mừng Gioan cho tấm biển được ghi bằng ba thứ tiếng mang ý nghĩa thần học nhiều hơn là sự thật. Vương triều của Đức Giêsu là cho toàn thế giới (18, 37), vì ai đi qua đó cũng có thể đọc và hiểu.
Sau đó lính cho Đức Giêsu uống dấm. Do thái gọi là posca tức là một thứ nước trộn với dấm và trứng. Thứ dấm này thường được các quân lính và nông dân dùng. Cho tội nhân uống dấm hiển nhiên làm cho họ đỡ khát nhưng còn làm cho cái chết chậm lại. Đức Giêsu chết nhanh hơn hai người tội nhân kia vì Ngài không bị đập xương chân. Bình thường các quân lính đập bể hai ống xương chân để tội nhân chết ngay.
9. Chôn cất.
Theo luật La mã, một khi kẻ bị đóng đinh chết họ cứ để trên thập giá. Trường hợp Đức Giêsu, một số nhà quý tộc Do thái xin phép Philatô hạ xác xuống trước khi ngày Sa-bát bắt đầu. Philatô đồng ý. Ngoài ra theo Tin Mừng, người chôn cất Đức Giêsu có tên là Giuse thành Arimathia, còn được biết dưới tên Ramathaim. Thành này nằm ở phía Tây Bắc Giêrusalem khoảng 30 cây số, là quê hương của ngôn sứ Samuen (1Samuen 1,1). Giuse không là môn đệ của Đức Giêsu nhưng thuộc thành phần quý tộc Do thái (Máccô 15, 43; Luca 23, 50).
Lòng đạo đức đã thúc giục ông tuân giữ Lề Luật (Đệ nhị luật 21, 22-23) chôn cất tội nhân trước khi mặt trời lặn. Luật Mishna ghi rõ những điều phải làm khi chôn cất và cũng có ghi trong Cựu Ước (1Vua 13, 22; Giêrêmia 22, 18 – 19; 26, 23). Bị đóng đinh cũng không được chôn cất trong phần mộ của gia đình. Đó là trường hợp của Đức Giêsu. Theo Mác-cô, Đức Giêsu không được rửa xác và cũng không được xức dầu. Xác được quấn vào trong một khăn liệm và đặt vào trong một ngôi mộ nào đó. Tảng đá chận trước cửa để khỏi bị súc vật chạy vào.
Lễ Vượt qua là một ngày nghỉ, người ta chỉ đi đứng tối thiểu theo Luật đã ghi. Xác Đức Giêsu được đặt rất gần nơi bị đóng đinh.
- Đức Mẹ hiện ra tại La Vang với những di tích nào?
- Có được xử dụng thánh ca mà không cần phê duyệt không?
- Lần chuỗi trong giờ chầu Thánh Thể có được không?
- Việc rời nhà thờ ngay sau Rước lễ là sai như thế nào?
- Đọc "anh em" hay "chị em" trong Kinh Cáo Mình được không?
- Người đi lễ trễ sau bài Tin Mừng có được rước lễ không?
- Có được phép đem tro người chết thả ngoài sông, hồ hay biển được không?
- Chúa Giêsu sinh ra tại một hang lừa ?
- Kính sợ Thiên Chúa