Hỏi để sống đạo
BY: LM. THÊÔPHILÊ
Kính thưa cha:
Vào thời kỳ bắt đạo năm 1798, những lần Đức Mẹ hiện ra tại La Vang với những di tích nào? Đã được Tòa Thánh xác nhận chưa?
Nguyễn Thị Thoa (Nürnberg)
Tài liệu về Đức Mẹ La Vang rất nhiều qua sách vở, báo chí và các trang Web. Tất cả giúp cho chúng ta hiểu rõ hơn về sự kiện cũng như sứ điệp của Đức Mẹ La Vang. Qua câu hỏi, chị ghi đúng niên hiệu 1798, chứng tỏ chắc hẳn chị cũng biết ít nhiều về Đức Mẹ La Vang. Vì thế, phần giải đáp xin được chú trọng đến các tài liệu, các chứng tích (thư chị ghi là những di tích) và giáo quyền nói gì về Đức Mẹ La Vang. Câu trả lời cũng xin được mượn ý đến từ cuốn sách mới nhất về Đức Mẹ La Vang. Có thể nói cuốn Đức Mẹ La Vang, tài liệu Thánh Mẫu học, do Linh mục Trần Thanh Phong biên soạn và phát hành năm 2003 ở Việt Nam được coi như tài liệu đầy đủ nhất cho đến hôm nay.
1. CHỨNG TÍCH NÀO VỀ ĐỨC MẸ HIỆN RA TẠI LA VANG?
Ở điểm này, chúng ta chỉ có thể tìm thấy những chứng tích trước tiên đến từ truyền thuyết truyền khẩu, và tiếp theo truyền thuyết được viết lại với hai tài liệu cổ xưa nhất.
1.1. Theo truyền thuyết truyền khẩu: Đức Mẹ hiện ra tại La Vang vào thời vua Cảnh Thịnh bách hại đạo, nhưng niên hiệu nêu lên ở đây chỉ phỏng đoán chứ sắc dụ bách hại đạo ban hành ngày 24.1.1795. Vì vậy khi nói "thời vua Cảnh Thịnh" cũng khó biết được năm chính xác. Theo truyền khẩu dân gian, vào khoảng năm 1798-1802 trong cuộc bách hại quyết liệt ở vùng Dinh cát, Quảng Trị, giáo dân các họ đạo Cổ Vưu, Thạch Hãn, Hạnh Hoa... đã chạy vào rừng phường La Vang trốn tránh. Tại đây, ban đêm họ họp nhau cầu nguyện và lần hạt. Bỗng nhiên họ thấy một bà đẹp đẽ mặc áo choàng hiện ra gần một cây đa đại thụ. Bà bồng Chúa hài nhi, và hai bên có hai thiên thần cầm đèn chầu. Bà an ủi và dạy họ bẻ lá cây chung quanh đó nấu nước uống sẽ được lành bệnh. Bà còn hứa từ nay về sau ai chạy đến cầu khẩn ở chốn này sẽ được nhậm lời ban ơn phù hộ. Sau đó Bà còn hiện đến với họ nhiều lần như vậy.
1.2. Truyền thuyết được viết lại. Lúc ban đầu truyền khẩu được rao đi từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sau này, gần non một thế kỷ, truyền thuyết truyền khẩu kể trên đã được một vị thừa sai thuộc Hội thừa sai Ba Lê ghi lại: Notre Dame de La Vang, trong Annales de la société des Missions Etrangères, số 24, tháng 11-12, trang 273-277 xuất bản năm 1901. Lược dịch như sau: "La Vang nằm giữa nơi rừng rú, cách thành Quảng Trị và cộng đồng Kitô hữu phồn thịnh Cổ Vưu vài cây số. Truyền thuyết kể lại rằng khoảng 100 năm nay, các Kitô hữu Cổ Vưu, trốn sự bách hại, đã đến ẩn náu trong nơi được bao bọc bởi một khu rừng lớn này; những người can đảm này rất đạo đức. Mỗi buổi tối, họ tụ họp nhau lại trong một túp lều tranh nghèo hèn dùng làm nhà nguyện. Và ở đó, trước một ảnh to tướng Đức Thánh Nữ Trinh, họ sốt sắng cầu nguyện...
Một buổi tối vào lúc họ rút về, một bà có một sắc đẹp làm say lòng người đã hiện ra với họ; bà mặc áo trắng và có ánh sáng bao quanh; hai đứa trẻ xinh đẹp, mỗi đứa cầm một bó đuốc, đứng gần hai bên bà.
Bà đi đi lại lại nhiều lần trước những người kitô hữu đang rất đỗi vui mừng - chân bà chạm đất như thể chiếm hữu nó - rồi bà đứng lại và bằng một giọng rất dịu dàng, đã nói lên những lời này mà tất cả mọi người nghe và truyền thuyết đã trân trọng giữ lại: "Này các con, những gì các con đã xin Mẹ, Mẹ sẽ ban cho các con. Và từ nay về sau hễ ai chạy đến cầu khấn cùng Mẹ ở chốn này, Mẹ sẽ nhậm lời". Nói xong như vậy, bà biến mất và sau bà, một luồng ánh sáng bao quanh bà..." (Đức Mẹ La Vang, tài liệu Thánh Mẫu học, Việt Nam 2003, trang 86-87, chú thích 88 và 90).
Cũng trong năm 1901, đã có xuất hiện La Vang sự tích vãn. Cuốn sách được Đức cha Hồ Ngọc Cẩn sửa chữa và tái xuất bản, Trường An, Huế 1932. Trong sách có 3 truyền thuyết truyền khẩu được soạn bằng văn vần:
a) Truyền thuyết về cây Đại thụ (nơi những lời khẩn cầu được nhậm lời một cách lạ lùng)
b) Truyền thuyết về Túp lều tranh - Nhà Nguyện "Chúa Bà" đầu tiên.
c) Truyền thuyết về Đức Mẹ hiện ra:
Thơ rằng Chúa Cả Ba Ngôi
Hộ phù giáo hữu, vài lời thông tin
Rằng Đức Mẹ hiện xuống Thánh Đền
Bồng Thánh Tử trông nên là trọng
Đội mão vàng sang quá là sang
Rất oai vang chữa người bệnh hoạn
Hóa phép lạ cứu kẻ gian nan…
Ngoài lời truyền thuyết truyền khẩu tiên khởi, cũng như hai văn bản cổ xưa nhất thuật lại chuyện Đức Mẹ La Vang hiện ra, còn có một số câu chuyện truyền thuyết kể lại những sự kiện lạ lùng xảy ra. Ba câu chuyện nổi tiếng nhất là chuyện cô bán vải; chuyện các lá cây Đức Mẹ La Vang chữa bệnh hữu hiệu, và chuyện ngôi chùa của ba làng. (Xem Đức Mẹ La Vang, tài liệu Thánh Mẫu học, Việt Nam 2003, trang 114-118).
2. GIÁO HỘI NÓI GÌ VỀ ĐỨC MẸ LA VANG.
Cho đến nay, Giáo Hội chỉ mới nhìn nhận những lần Đức Mẹ hiện ra cho cô bé chăn cừu Bernadette ở Lộ Đức năm 1858. Giáo hội cho một "quyết định khẳng định cho tám nơi khác như Fatima (Bồ Đào Nha), Beauraing (Bỉ), Akita (Nhật), Syracuse (Ý), Zeitoun (Ai cập), Manila (Phi Luật Tân) và Bêtania (Venezuela). Có một số nơi, Giáo hội hoàn toàn phủ định; ngoài ra Giáo hội không ra một quyết định nào liên quan đến hàng trăm trường hợp về việc Đức Mẹ hiện ra. (xem Đức Mẹ La Vang, tài liệu Thánh Mẫu học, Việt Nam 2003, trang 91, chú thích 102 cho biết điều này đến từ nghiên cứu của tác giả Mary Page do Marian Library, International Marian Resarch, Đại học Dayton). Chúng ta có thể xếp Đức Mẹ La Vang ở trường hợp Giáo hội không có một quyết định nào. Thế nhưng, một số ĐGH cũng đã nói đến Đức Mẹ La Vang chứng giám sự kiện La Vang không trái ngược với đức tin Công giáo.
Thật vậy, ngày 22.8.1961 ĐGH Gioan XXIII đã nâng đền thờ Lavang lên "Vương Cung Thánh Đường" qua tông thư "Magnos nos".
Đặc biệt, ĐGH Gioan Phaolô II thường nhắc nhở đến Đức Mẹ La Vang. Trong lễ phong thánh 117 vị tử đạo Việt Nam (19.6.1988) ở Rôma, vào phần kết thúc huấn từ Ngài nói: "Ngôi đền Thánh này có thể biểu lộ mọi sinh hoạt thiêng liêng... còn giúp cho sự hòa hợp đất nước và nhờ đó đời sống công cộng cũng như chân lý của Tổ Quốc sẽ được tăng triển". Sau buổi lễ Phong Thánh, sau khi đọc kinh Angelus Ngài lại nói: "Anh chị em thân mến, như thường lệ, hôm nay chúng ta đi viếng các đền thánh Đức Mẹ trên khắp thế giới. Cuộc hành hương này không thể không dừng lại tại Việt Nam, giải đất được thêm phì nhiêu vì nhờ máu của 117 vị tử đạo vừa được phong lên bậc hiển Thánh. Chúng ta dừng lại để tưởng nhớ đền Thánh La Vang, thuộc Giáo Tỉnh miền Trung Việt nam".
Vào ngày 25.11.1992, trong buổi triều yết chung một lần nữa, ĐGH Gioan Phaolô II đề cập đến đền Thánh Đức Mẹ La Vang thuộc tổng giáo phận Huế: "… trong khi Giáo hội ở Việt nam đang chuẩn bị mừng lễ kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ La Vang hiện ra, tôi mời gọi các bạn luôn đào sâu đức tin của các bạn, hiệp nhất cùng các tín hữu công giáo của quê hương các bạn, để chuẩn bị một tương lai còn tốt hơn nữa cho các thế hệ mai sau của người Việt nam. Xin Đức Mẹ La Vang đến giúp đỡ các bạn và trong hành trình đức tin, xin Mẹ đi trước tất cả dân công giáo Việt nam đã được hiến dâng cho Trái tim Vô Nhiễm của Mẹ năm 1960".
Sự hiện diện của Đức cha Têphanô Nguyễn Như Thể làm cho chúng ta nhớ đến đền thánh Đức Mẹ La Vang, thuộc tổng giáo phận Huế, trong miền trung Việt nam. Cho Nữ vương các thánh tử đạo, Đức Trinh nữ Maria Diễm, Phúc được tôn kính trong thành phố này từ 200 năm nay, chúng ta phó thác toàn thể cộng đồng Công giáo Việt nam, để cộng đồng này có thể sống và lớn lên trong bầu khí tự do và hòa bình, và góp phần đặc biệt vào việc thăng tiến dân sự và tiến bộ đạo đức của xứ sở".
Trong đại hội Giới Trẻ Thế Giới tại Denver thuộc tiểu bang Colorado Hoa Kỳ vào ngày 15.8.1993, Ngài lại nói đến Đức Mẹ La Vang ở phần cuối thông điệp gửi đến toàn thể giới trẻ: "Tôi xin phó thác toàn thể cộng đồng Công Giáo Việt Nam dưới sự bảo trợ của Đức Mẹ La Vang, Ngài là Mẹ yêu thương đã hiện ra vào năm 1798... Giờ đây, sắp sửa đến ngày kỷ niệm 200 biến cố nói trên; ước gì thời gian chuẩn bị lễ đệ nhị bách chu niên này cũng là thời gian tăng cường đức tin sốt sắng và hăng say sống đời Công Giáo, là thời gian liên kết với Giáo Hội bên quê nhà". Ngày 26.10.1994 tại Rôma, trong buổi triều yết chung, Đức Gioan Phaolô lại nhắc đến lễ kỷ niệm 200 năm.
Trong dịp tiếp kiến 14 vị Giám Mục Việt nam về Rôma "viếng mộ hai thánh Tông đồ" (Ad limina) ngày 24.12.1996, ĐTC Gioan Phaolô II đã nói: "Tôi xin phú dâng anh em nơi sự che chở hiền mẫu của Mẹ Chúa Kitô, Đức Mẹ La Vang, Đấng mà các anh em sắp mừng kỷ niệm 200 năm vào tháng 8.1998. Chớ gì Mẹ là vị hướng đạo cho anh em và cho các tín hữu của anh em trên con đường dẫn tới Chúa Giêsu, con của Mẹ..."
Vào dịp đại hội lần thứ 24, vào tháng 8.1997, Đức Gioan Phaolô II ủy quyền cho ĐHY Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh gởi thông điệp chào mừng: "Nhân dịp đại hội hành hương ba năm một lần tại đền Đức Mẹ La Vang, ĐTC chia sẻ niềm vui hiệp thông lời cầu nguyện của cộng đồng dân Chúa tại tổng giáo phận Huế và trong cả nước Việt Nam, chia sẻ lời cầu nguyện và niềm vui của các vị chủ chăn, cùng đi với họ tới La Vang tôn kính và ngợi khen Đức Trinh Nữ Rất Thánh, Đấng an ủi và nâng đỡ họ trong thời kỳ gian nan thử thách. ĐTC cũng khuyến khích các tín hữu sống đức tin cách kiên cường và can đảm, trong tinh thần hiệp thông sâu đậm với Giáo Hội. Như thế, các tín hữu sẽ xây dựng Giáo Hội là thân thể sống động của Chúa Kitô".
Ngày 16.12.1997, Ngài lại viết: "Trong khi bắt đầu cử hành năm Toàn xá kỷ niệm 200 năm Đức Trinh nữ Maria hiện ra tại La Vang, tôi nhiệt tình chia vui và tạ ơn Thiên Chúa với các Giám mục Việt nam và các tín hữu giáo phận các Ngài. Tại đền thánh này, vốn được tín hữu Việt nam quý mến, vang lên một sứ điệp hy vọng mà Mẹ Thiên Chúa đã gửi cho con cái Người vào năm 1798, giữa những thống khổ về tinh thần cũng như thể xác, khi Mẹ nói "Các con hãy tin tưởng, hãy vui lòng chịu khổ. Mẹ đã nhậm lời các con kêu xin. Từ nay về sau hễ ai chạy đến cầu khấn cùng Mẹ ở chốn này, Mẹ sẽ nhậm lời ban ơn theo ý nguyện"
Và ngày 15.8.1999 dịp kết thúc năm toàn xá kỷ niệm 200 Đức Mẹ La Vang, Ngài còn viết như sau: "Nhân dịp bế mạc năm Thánh Mẫu và cuộc hành hương 3 năm một lần, lần thứ 25 đến đền thánh Đức Mẹ La Vang, tôi hiệp ý cầu nguyện cùng với các tín hữu Việt nam và những người hành hương đã chạy đến nhờ sự cầu bàu từ mẫu của Đức trinh nữ Maria, xin Mẹ rất thánh này cùng đồng hành với Giáo hội Công giáo Việt nam trong cuộc hành trình đến với Chúa và giúp đỡ Giáo hội này trong chứng từ mà Giáo hội này phải đưa ra ở ngưỡng cửa thiên niên kỷ thứ ba… Đặc biệt gần gũi với các bạn bằng ý nghĩ trong thời điểm này, thời điểm mà Giáo hội trong đất nước các bạn tôn kính Mẹ Đấng cứu độ, tôi phó thác các bạn vào sự cầu bầu của Đức Mẹ La Vang, và tôi thân ái ban phép lành Tòa Thánh cho chính Ngài và cho tất cả các vị Mục tử, cũng như cho các khách hành hương sẽ dừng chân tại đền thánh trong tinh thần năm Toàn xá, và cho các tín hữu Công giáo Việt nam…".
TẠM KẾT.
Rất có thể chúng ta cảm thấy hơi thất vọng khi nhìn thấy chứng tích về Đức Mẹ La Vang quá ít, nhưng phải chăng chứng tích quan trọng hơn cả và được thấy cụ thể qua lòng sùng kính Đức Maria ngay từ khi Đức Maria hiện ra tại La Vang? Thêm nữa dù Giáo hội chưa cho một quyết định chính thức, nhưng qua các chứng từ của các Đức Giáo Hoàng cũng đủ cho thấy câu chuyện về Đức Mẹ hiện ra không đi ngược lại giáo lý của Giáo hội. Và cho đến ngày hôm nay, nhiều tác giả còn đang cố gắng đào sâu tìm hiểu ý nghĩa của sứ điệp La Vang, ví dụ như tác giả cuốn Đức Mẹ La Vang, tài liệu Thánh Mẫu học, Việt Nam 2003, trang 614, đề nghị đó là một "linh đạo hy vọng cho một thế giới mà nhiều người đang sống trong tuyệt vọng…"
BY: NGUYỄN TRỌNG ĐA
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Tôi hơi thắc mắc về việc sử dụng thánh ca được chấp thuận trong phụng vụ khi cử hành Thánh lễ. Trong giáo xứ của chúng tôi, ca trưởng thường dùng các bài sáng tác riêng của ông cho Kinh Vinh Danh, Thánh Thánh Thánh, Tung hô sau truyền phép và Tung hô Amen trước kinh Lạy Cha. Ông thích sử dụng đàn piano hơn, do đó, đàn organ ít được dùng trong Thánh lễ. Ông cũng cho chơi đàn trong lúc thinh lặng trong Thánh Lễ, mà tôi thấy là làm chia trí cho giây phút cầu nguyện riêng. Khi linh mục tiến đến bàn thờ ở đầu Thánh Lễ, ca trưởng tiếp tục cho hát bài ca nhập lễ, đôi khi kéo dài đến hai phiên khúc, ngay cả khi rõ ràng là vị linh mục phải chờ đợi cho ca đoàn hát xong. Theo tôi hiểu, mọi thánh ca phụng vụ phải được Giám mục phê duyệt, và đó là lý do tại sao có một imprimatur (được phép in) trong các sách thánh ca và sách lễ của chúng ta. Tôi nói có sai không, thưa cha, và tôi nên học để chấp nhận thánh ca riêng của ca trưởng ấy không? - P. B., Winter Garden, bang Florida, Mỹ.
Đáp: Câu hỏi này đã được giải quyết ở nhiều cấp độ tại Mỹ rồi.
Tài liệu có thẩm quyền nhất là bản dịch cuốn Qui chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma được chấp thuận cho nước Mỹ. Số 393 của tài liệu này nói:
"Phải chú ý đến vai trò cao cả của hát ca trong cử hành, như là thành phần cần thiết hay trọn vẹn của phụng vụ. Ủy ban Phụng tự thuộc Hội Ðồng Giám Mục Mỹ có quyền phê chuẩn, trước khi ấn hành, các giai điệu thích hợp, nhất là cho các bản văn phần Thường Lễ, cho các lời đáp và tung hô của giáo dân, và cho các nghi thức đặc biệt xảy ra trong năm phụng vụ".
Các bản dịch qua các ngôn ngữ khác có các qui định tương tự cho các Ủy ban phù hợp của mỗi Hội đồng Giám mục. Điều này là bởi vì sự chấp thuận các qui định ấy là thẩm quyền của Hội đồng Giám mục Quốc gia, và một số Hội đồng có các chính sách riêng của mình.
Các Giám mục Mỹ đưa ra qui định trong văn kiện năm 2007 "Sing to the Lord, Hãy hát mừng Chúa", gồm các hướng dẫn cho các nhà soạn nhạc, nhạc sĩ, nhạc công, ca viên. Văn kiện này nói:
"107. Hội Đồng Giám Mục Mỹ đã ủy quyền cho Ủy ban Phụng tự trách nhiệm giám sát việc xuất bản các sách phụng vụ, vốn trình bày và hướng dẫn các nghi thức cải cách, được triển khai trong các năm kể từ Công đồng chung Vatican II. Trong ánh sáng của trách nhiệm này, "Các Hướng dẫn cho việc xuất bản các công cụ giúp tham dự Thánh lễ" đã được triển khai cho các nhà xuất bản để in các tài liệu cho việc tham gia cộng đoàn.
"108 Các bài thánh thi, thánh ca, và lời tung hô được viết cho cộng đoàn phụng vụ được phê duyệt để sử dụng trong phụng vụ bởi vị Giám mục giáo phận, mà trong đó chúng được xuất bản, để đảm bảo rằng các văn bản này thực sự thể hiện đức tin của Giáo Hội, với độ chính xác thần học, và thích hợp với bối cảnh phụng vụ.
"109. Nhà soạn nhạc, là người đặt nhạc cho bản văn phụng vụ, phải tôn trọng sự toàn vẹn của văn bản đã được phê duyệt. Chỉ khi có sự chấp thuận của Ban Thư ký Hội Ðồng Giám Mục Mỹ về Phụng Tự, các sự sửa đổi nhỏ mới được thực hiện cho bản văn phụng vụ đã được phê duyệt".
Trong số các "sự sửa đổi nhỏ" này, vốn có thể được cho phép, văn kiện đã tiên liệu khả năng đưa thêm lời vào (lời đưa thêm hoặc lời khẩn nguyện không có trong sách lễ) trong bài ca "Lạy Chiên Thiên Chúa" khi linh mục bẻ bánh. Đề xuất này được coi là trái với qui tắc phụng vụ phổ quát, và Thánh bộ Phụng Tự đã yêu cầu sửa lại bản văn để loại trừ khả năng này.
Vì vậy, vào tháng 9-2012, số 188 của văn kiện "Sing to the Lord" đã được sửa đổi thành như sau:
"188. Bài ca Agnus Dei (Lạy Chiên Thiên Chúa) đi kèm với các nghi thức Bẻ bánh. "Như là một quy định, ca đoàn hay ca viên hát đối đáp hay đọc lớn tiếng kinh "Lạy Chiên Thiên Chúa", và giáo dân đáp lại. Lời khẩn cầu này đi kèm với nghi thức Bẻ bánh, và vì lý do này, bài ca có thể được lặp đi lặp lại, bao lâu còn cần để kèm theo việc bẻ bánh. Lần cuối cùng được kết thúc bằng câu: "dona nobis pacem, Xin ban bình an cho chúng con" (QCTQSLR, số 83). Bài ca Agnus Dei không nên được kéo dài không cần thiết (xem QCTQSLR, số 83 ), và cũng không được thêm lời nào vào bài ca này".
Một tuyên bố giải thích sự thay đổi đã làm sáng tỏ một điểm khác, với một tầm nhìn về việc soạn nhạc cho sự thực hiện bản dịch mới của Sách Lễ Rôma:
"Các nhạc sĩ đặt nhạc mới cho các phần của Lễ Quy từ Sách Lễ Rôm bị cấm đưa thêm bản văn cho bài ca "Lạy Chiên Thiên Chúa". Do đó, mọi phần nhạc mới cho Lễ Quy phải tuân theo và thích hợp với sự thay đổi này".
Tương tự như vậy, điều này nói rằng sự thay đổi của điều 188 "có hiệu quả ngay tức thì, và ảnh hưởng đến tất cả phần nhạc hiện nay và tương lai của bài ca "Lạy Chiên Thiên Chúa".
Do đó, nếu ca trưởng của giáo xứ của bạn đã đệ trình các bài do ông sáng tác cho giáo quyền xem xét và đã được phê duyệt, các bài thánh ca ấy được phép sử dụng. Nếu không, ông không được tiếp tục sử dụng chúng trong phụng vụ, cho đến khi ông có giấy phép hợp pháp.
Điều này không có nghĩa là không có bài sáng tác nào được duyệt nữa. Thật vậy, văn kiện "Sing to the Lord" có lời khuyên cho các nhà soạn nhạc:
"81. Giáo Hội cần các nghệ sĩ, và các nghệ sĩ cần Giáo Hội. Trong mọi thời đại, Giáo Hội đã kêu gọi các nghệ sĩ sáng tạo để mang lại tiếng nói mới cho việc chúc tụng Chúa và cầu nguyện. Trong dòng lịch sử, Thiên Chúa vẫn tiếp tục thở hơi Thần Khí sáng tạo của Ngài, làm cho trở nên cao quý việc làm của trái tim và bàn tay của các nhạc sĩ. Các hình thức thể hiện thì thật là nhiều và đa dạng.
"82. Giáo Hội đã bảo vệ và cử hành các lối diễn tả ấy trong nhiều thế kỷ. Trong thời đại chúng ta, Giáo Hội vẫn tiếp tục mong muốn đưa thêm cái mới vào cái cũ. Giáo Hội hân hoan kêu gọi các nhà soạn nhạc và người viết văn hãy sáng tác với tài năng đặc biệt của mình, để cho Giáo Hội có thể tiếp tục gia tăng kho báu về thánh nhạc".
Cuối cùng, liên quan đến các yếu tố khác như việc sử dụng đàn piano và lựa chọn chơi đàn trong phút thinh lặng suy niệm, điều này là tốt nhất được giải quyết bởi cha xứ trong một tinh thần phục vụ việc phụng tự thánh và sự tôn kính phải lẽ. (Zenit.org)
BY: NGUYỄN TRỌNG ĐA
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Trong một số quốc gia, chúng ta lần chuỗi Mân Côi và đọc Kinh cầu các thánh trong giờ chầu Thánh Thể. Khi chúng ta tin rằng Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã sống lại trọn vẹn, hiện diện trong Phép Thánh Thể, có đúng chăng nếu chúng ta lần chuỗi Mân Côi hay đọc Kinh cầu kính Đức Mẹ Maria? Khi Chúa Kitô hiện diện trước mặt chúng ta, tại sao chúng ta lại đi đường vòng để nhờ Mẹ Maria mà đến với Chúa Giêsu, thay vì cầu nguyện trực tiếp với Chúa Giêsu? Thưa cha, con sẽ rất biết ơn khi nghe cha chỉ bảo, bởi vì con quả thật là bối rối khi thấy điều này xẩy ra trong nhà thờ giáo xứ con. Con yêu mến Đức Mẹ và thường cầu nguyện với Đức Mẹ, nhưng đôi khi con cảm thấy rằng chúng ta đặt nặng tầm quan trọng cho Mẹ hơn cho Chúa Giêsu. - T. N., Manathavady, Ấn Độ.
Đáp: Đây là một câu hỏi thường được đặt ra, và chúng tôi đã trả lời trong nhiều dịp, và lần trả lời nhiều và rõ ràng nhất là vào ngày 26.10.2010.
Để tổng hợp lại, chúng tôi nhắc lại rằng vào ngày 15.1.1997, Thánh Bộ Phụng tự trong số 2287/96/L, đã trả lời một thắc mắc, trong đó Thánh bộ nói rõ ràng là được phép công khai lần chuỗi Mân Côi trong giờ chầu Mình Thánh Chúa. Tài liệu nói trên cũng nói đến các động cơ đằng sau việc đọc kinh như thế.
Chúng tôi có thể nói thêm rằng không có gì mâu thuẫn trong việc lần chuỗi Mân Côi trước phép Thánh Thể. Mặc dù chuỗi Mân Côi bề ngoài là một kinh nguyện kính Đức Mẹ, nó cũng tập trung một cách sâu sắc vào Chúa Kitô, qua việc chiêm ngắm các mầu nhiệm. Do đó, thật là có ý nghĩa khi trong "năm sự sáng", do Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đặt ra, có việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể.
Đôi khi người ta quên rằng việc đọc kinh khi lần hạt, chẳng hạn việc đọc kinh Kính Mừng nhiều lần, là trên hết giúp linh hồn đi vào chiêm ngắm mầu nhiệm. Bản thân các mầu nhiệm là các điểm nổi bật trong đời sống của Chúa Cứu Thế, và một số mầu nhiệm đụng đến vai trò của Đức Mẹ Maria trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa cho loài người.
Vì vậy, thật ra việc lần chuỗi Mân Côi trong bất cứ tình huống nào cũng luôn đem chúng ta đến gần Chúa Kitô hơn, và không bao giờ đặt tầm quan trọng cho Đức Mẹ hơn là cho Chúa Kitô. Nếu chúng ta cho là Mẹ quan trọng hơn Chúa, thì điều này có nghĩa rằng chúng ta cần học hỏi cách thức cầu nguyện như Giáo Hội, và chính Đức Mẹ, mong muốn cầu nguyện với Chúa ra sao. (Zenit.org)
BY: NGUYỄN TRỌNG ĐA
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Thật không may, một số giáo dân có thói quen xấu là rời nhà thờ ra về ngay sau khi Rước lễ. Tôi ước tính khoảng 30%, tương đương khoảng 225 người, ra về sớm. Nhà thờ của chúng tôi có sức chứa 750 người, vì vậy sự vắng 30% số người dự lễ là rất dễ nhận biết. Xin cha cho một lập luận thần học về lý do tại sao việc rời nhà thờ như thế không phải là hành vi thích hợp. - D. S., Port Charlotte, bang Florida, Mỹ.
Đáp: Đây là một vấn đề "muôn thuở", nhưng người ta phải giải quyết nó bằng sự kiên nhẫn, bằng cách hãy lên tiếng "lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện" (opportune et inopportune, 2 Tm 4, 2) như Thánh Phaolô nói, cho đến khi kết quả tốt đạt được.
Câu hỏi này làm tôi nhớ đến câu chuyện của một linh mục thánh thiện. Linh mục này có cùng vấn đề như thế với một trong các giáo dân mộ đạo của mình. Họ tham dự thánh lễ hàng ngày nhưng lại rời nhà thờ ra về ngay lập tức sau khi rước lễ. Cha đã giải quyết vấn đề bằng cách bảo hai chú giúp lễ cầm đèn nến sáng đi hai bên ông ấy, khi ông ấy đi ra khỏi nhà thờ và cùng đi với ông cho đến khi ông lên xe ra về.
Sau ba ngày sự việc cứ diễn ra như thế, ngưởi giáo dân lịch lãm ấy cảm thấy bối rối và lấy làm lạ, nên xin cha xứ giải thích sự việc. Cha trả lời rằng bởi vì Chúa Kitô vẫn còn hiện diện trong ông khi ông rời khỏi nhà thờ, nên sự hiện diện của ông cần được tôn vinh bằng đèn nến thắp sáng. Không cần phải nói thêm gì nữa, kể từ đó người ấy không bao giờ ra về sớm nữa.
Giai thoại này có thể được sử dụng như là một điểm khởi đầu cho vị linh mục, để giải thích với giáo dân về tầm quan trọng của việc tạ ơn vì hồng ân của Thánh Lễ, của việc được Lời Chúa dưỡng nuôi, của việc tham dự vào hy tế độc nhất của Chúa Kitô, và của việc Rước lễ.
Điều này cũng đòi hỏi phải một khoảng thời gian thực sự thinh lặng sau bài thánh ca hiệp lễ, linh mục, phó tế và các thừa tác viên khác cần làm gương cho giáo dân, bằng cách ngồi thinh lặng chiêm niệm trong 2-3 phút.
Vào lúc này, linh mục có thể giúp giáo dân bằng suy niệm một lời kinh tạ ơn ngắn gọn. Điều này đặc biệt là có hiệu quả trong các Thánh lễ dành cho thiếu nhi, vì trong khi lời kinh được hướng tới cách rõ ràng cho trẻ em, nó cũng có ích cho người lớn nữa.
Một điểm khác cần được nhấn mạnh là tầm quan trọng của việc tham dự trọn Thánh Lễ. Có nhiều hình ảnh tạo hình để minh họa cho điều này, nhưng đa số có thể hiểu một việc đơn giản là nếu ông chủ của họ, hoặc thị trưởng địa phương chẳng hạn, triệu tập họ đến dự một cuộc họp, họ sẽ không dám ra về, trước khi người chủ ấy chính thức kết thúc buổi họp. Thậm chí điều này còn là đúng hơn khi người cha người mẹ, anh chị em ruột hoặc người bạn thân mời chúng ta dành thì giờ ở bên họ.
Nếu chúng ta ứng xử như vậy trước các người khác và các mối quan hệ, thì điều này cần phải đúng hơn nhiều khi người chủ của chúng ta là Chúa Cha tạo dựng nên ta, Chúa Con chết và phục sinh vì chúng ta, và Chúa Thánh Thần ban sự sống cho chúng ta.
Chúng ta hãy bỏ phép lịch sự qua một bên, và trở về với sự tạ ơn. Thánh Lễ mà chúng ta cùng cử hành với nhau với tư cách là Giáo Hội, và với tư cách là một cộng đoàn thờ phượng được hiệp nhất với Chúa Kitô qua vị linh mục. Do đó, thánh lễ mà chúng ta cử hành với tư cách cá nhân Kitô hữu.
Trong cùng một cách thức như vậy, việc tạ ơn của chúng ta cho Thánh Lễ không thể được giản lược vào lĩnh vực cá nhân, nhưng phải được thực hiện với tư cách Giáo Hội. Việc tạ ơn tập thể này được làm qua vị linh mục trong lời nguyện kết lễ, mà tất cả đồng thanh thưa "Amen".
Cuối cùng, Thánh Lễ được kết hiệp mật thiết với đời sống và sứ mạng của Kitô hữu. Nghi thức kết lễ (phép lành và lời chúc đi bình an) sai chúng ta ra về để thông chuyển cho anh chị em mình những gì chúng ta đã nhận được. Do đó, nếu chúng ta rời nhà thờ ngay sau khi Rước Lễ, thì chúng ta mất đi thành phần quan trọng của đời sống thiêng liêng của chúng ta.
Về một quan điểm vật chất, người ta cũng có thể thấy liệu có động lực hữu hình nào làm cho người ta rời nhà thờ sớm chăng. Sợ bị kẹt xe ở bãi xe chăng? Giờ hai thánh lễ quá gần nhau chăng? Nếu thực sự có sự bất tiện liên quan như thế, thì một mình thần học là không hiệu quà trong việc thay đổi thói quen của người ta, cho đến khi các bất tiện ấy được giải quyết trước đã. (Zenit.org)
BY: NGUYỄN TRỌNG ĐA
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi 1: Trong Thánh lễ, khi Kinh Cáo Mình (Confiteor) được đọc, tôi nhận thấy là trong các nhà huấn luyện hoặc cộng đoàn tu sĩ, nếu cộng đoàn chỉ toàn là người nam, họ đọc: "Tôi thú nhận…và cùng anh em"; và nếu cộng đoàn chỉ toàn là người nữ, họ đọc: "Tôi thú nhận…và cùng chị em". Thưa cha, cách đọc như thế là đúng không? - T. P. Shillong, Ấn Độ.
Hỏi 2: Trong Thánh lễ, sau Kinh Cáo Mình, tôi nhận thấy, khi đọc "Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội, và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời", linh mục giơ tay ra như là ban phép lành hoặc xá giải. Thưa cha, linh mục làm như thế có thích hợp không? - A.P., Margate, Florida, Mỹ.
Đáp: Câu hỏi đầu tiên liên quan đến đặc thù của tiếng Anh. Trong nhiều ngôn ngữ, hình thức giống đực thường có chức năng đôi và có thể chỉ cho các người nam hoặc một nhóm người có nam lẫn nữ. Vì vậy, chẳng hạn trong tiếng Latinh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ý, chỉ cần dùng từ tương đương với "anh em" là chỉ cho cả cộng đoàn có nam lẫn nữ.
Trong tiếng Anh, "brethren, anh em" có thể phục vụ mục đích này, và trong thực tế có thể được sử dụng trong nghi thức sám hối. Tuy nhiên, có lẽ vì lý do văn phong, nó không được đưa vào như một phần của kinh "Cáo Mình". Vì vậy, trong bản dịch tiếng Anh, chúng ta nói "brothers and sisters, anh chị em".
Một thích ứng ngữ cảnh được dự kiến trong các chữ đỏ, khi Thánh Lễ được cử hành chỉ với một người giúp lễ. Trong trường hợp này, linh mục và người giúp lễ nói "to you my brother, và cùng anh" ở số ít. Vì vậy, tôi nghĩ rằng về mặt lý thuyết một cộng đồng nam tu sĩ có thể sử dụng "cùng anh em", khi không có phụ nữ nào có mặt ở đó..
Một vấn đề khác là liệu về mặt mục vụ, có nên để cho các cách diễn tả phụng vụ trở thành tập quán luôn chăng. Nếu không, trong một số dịp, có người nam hoặc người nữ bên ngoài cộng đoàn hiện diện trong thánh lễ nữa, thì sự thay đổi có thể dễ dàng dẫn đến sự nhầm lẫn.
Trường hợp là khác hẳn, cho một cộng đồng nữ, vì trong Thánh Lễ ít nhất có một người anh em luôn luôn có mặt, đó là vị linh mục cử hành thánh lễ. Do đó, công thức tiêu chuẩn cần được sử dụng. Như một quy định chung, linh mục không thay đổi giới tính cho các lời chào phụng vụ, nếu ngài cử hành thánh lễ cho cộng đoàn nữ.
Liên quan đến câu hỏi thứ hai, Qui chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, số 51, nhắc nhở chúng ta: "Tiếp theo, vị tư tế mời mọi người sám hối. Sau một chút thinh lặng, tất cả cộng đoàn đọc công thức thú tội chung, và vị tư tế đọc lời xá giải để kết thúc. Lời xá giải này không có hiệu quả của bí tích thống hối..." (bản dịch của cha Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, giáo phận Nha Trang).
Không cử chỉ nào được quy định trong các chữ đỏ, cho nên nó được coi như là linh mục sẽ vẫn chắp hai tay. Bất kỳ cử chỉ nào, có thể ngụ ý rằng đó là lời xá giải có hiệu quả của bí tích thống hối, thì cần phải tránh, nhằm không tạo sự nhầm lẫn cho các tín hữu. (Zenit.org)
BY: NGUYỄN TRỌNG ĐA
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Thưa cha, cha xứ của con đã ra quy định rằng bất cứ ai đi lễ trễ sau bài Tin Mừng thì không được rước lễ. Theo ngài, lý do là Chúa Giêsu là "Ngôi Lời đã làm người"; vì vậy chúng ta phải nhận ra Chúa Giêsu trong Lời Chúa trước khi nhận ra Chúa trong khi Rước Lễ. Tuy nhiên, một linh mục, là giáo sư phụng vụ, có ý kiến khác. Ngài nói rằng các người đến trễ trong Thánh Lễ với một lý do chính đáng (ví dụ, vì kẹt giao thông, chăm sóc con cái bị bệnh, vv…) sẽ không bị khước từ Rước lễ. Xin cha vui lòng làm sáng tỏ hơn về vấn đề này. - B. E., Kuala Lumpur, Malaysia.
Đáp: Trước đây, chúng tôi đã trả lời câu hỏi về việc đi lễ trễ trong mục Giải đáp này vào các ngày 4 và 18.11.2003.
Lúc ấy cũng như bây giờ, tôi đồng ý với linh mục thứ hai: một người đến trễ lễ mà không do lỗi của họ thì không nên bị từ chối Rước lễ.
Tôi cũng cho là thiếu khôn ngoan khi đưa ra một qui định rào cản; tôi tiếp tục nhấn mạnh rằng các tín hữu cần tham dự trọn cả thánh lễ.
Có thể rằng một số tín hữu cho rằng bài Tin Mừng là thời điểm cuối, nên cảm thấy thoải mái khi có thói quen đến nhà thờ cho kịp bài đọc thứ hai, và như thế bảo đảm rằng Thánh Lễ ấy là "hợp lệ".
Đúng là Thánh Lễ là một tổng thể, và chúng ta phải nhận ra Chúa Giêsu trong Lời Chúa trước khi nhận ra Chúa trong Bí Tích Thánh Thể. Nhưng điều này bao gồm toàn bộ phần Phụng Vụ Lời Chúa, chứ không chỉ Tin Mừng mà thôi.
Trong khi có một luận lý nhất định trong việc lựa chọn bài Tin Mừng như một thời điểm như vậy, các lý do đưa ra không có căn cứ đầy đủ từ quan điểm thần học, giáo luật và luân lý, để hỗ trợ một cản trở cho việc Rước lễ.
Cha xứ có bổn phận hướng dẫn và hiểu được lương tâm của các tín hữu được trao phó cho cha. Trong khi tôi không đồng ý với đề xuất của ngài rằng bài Tin Mừng là một điểm phân giới để cho phép tín hữu Rước lễ, ít nhất tôi nhìn nhận rằng ngài đã cố gắng hết sức để thực thi nghĩa vụ thánh thiêng của mình.
Vì vậy, trách nhiệm về quyết định có nên Rước lễ hay không, trong trường hợp đặc biệt của người đến trễ, là trước tiên thuộc về cá nhân tín hữu ấy, hơn là thuộc về cha xứ, vì ngài không thể chú ý tới từng người đến trễ được.
Do đó, thật là đương nhiên cho các người đến muộn xem xét lương tâm của mình, cũng như lý do đằng sau việc đi lễ trễ của mình. Nếu lý do là bỏ bê hay lười biếng, thì tốt hơn họ nên tham dự một Thánh lễ đầy đủ khác nếu có thể được. Ngay cả các người đến trễ mà không do lỗi của họ, họ nên tham dự một Thánh lễ đầy đủ khác, mặc dù họ ít bị ràng buộc để làm như vậy trong lương tâm.
Đồng thời, có một số yếu tố khách quan cần được xem xét bên cạnh lý do đến trễ. Người nào đến sau khi đã hết phần Truyền phép, thì chắc chắn không tham dự Thánh lễ, bất chấp lý do nào cho sự chậm trễ của họ. Một người như vậy không nên rước lễ, và nếu ngày ấy là một ngày Chúa Nhật, người ấy có nghĩa vụ tham dự một Thánh Lễ khác.
Quả là đúng rằng người ta có thể Rước lễ ngoài Thánh Lễ, vì Thánh Lễ không phải là một điều kiện tiên quyết cần thiết cho việc Rước Lễ. Tuy nhiên, điều này sẽ không biện minh cho việc chỉ đến đúng giờ Rước lễ trong thánh lễ ngày thường. Và trong nghi thức Rước lễ ngoài Thánh lễ, người ta phải tham dự toàn bộ các phần trong nghi thức này, trong đó có phần Phụng Vụ Lời Chúa nữa.
(Zenit.org)
BY: LM. PHANXICÔ XAVIÊ NGÔ TÔN HUẤN
Hỏi: Xin cha giải đáp thắc mắc sau:
1. Có được phép đem tro người chết thả ngoài sông, hồ hay biển được không?
2. Khi rước Lễ, có thể chỉ rước Mình Thánh hay Máu Thánh được không?
3. Các tu sĩ nam hay nữ có được phép rửa tội và chứng hôn không?
Trả lời:
1. Có được phép bỏ tro người chết xuống hồ, sông hay biển?
Trước hết, phải nói lại một lần nữa là việc chôn xác kẻ chết là một việc đạo đức được khuyến khích và tôn trọng từ xưa đến nay trong Giáo Hội và trong mọi nền văn hóa nhân loại. Riêng trong Giáo Hội Công Giáo, việc đạo đức này được đặc biệt tôn trọng vì niềm tin "xác loài người ngày sau sống lại" (Kinh Tin Kính), cho nên phải được chôn cất cho xứng đáng với niềm tin này. Vì thế, ở khắp nơi trong Giáo Hội đều có các nghĩa trang được làm phép để chôn người chết cho con cháu, thân nhân đến viếng thăm quanh năm, và đặc biệt trong tháng cầu cho các linh hồn (tháng 11). Ai viếng thăm nghĩa trang và cầu cho các linh hồn mà xác đang còn nằm ở đây thì được ân đại xá nhưng phải nhường lại ân huệ này cho các linh hồn thân nhân hay các linh hồn khác có xác đang nằm trong nghĩa trang. Đây là việc đạo đức mà các tín hữu được khuyến khích siêng năng làm để cầu cho các linh hồn còn đang được thanh tẩy trong nơi Luyện tội ( Purgatory)
Trước đây, có thời Giáo Hội đã cấm thiêu xác người chết (cremation) vì có bè rối (heretics) chủ trương đốt xác kẻ chết để thách đố Giáo Hội xem còn lấy gì để tin xác kẻ chết sẽ sống lại như Giáo Hội dạy. Sau này bè rối đó tan và từ sau Công Đồng Vaticanô II (1962-65) đến nay, Giáo Hội lại cho phép đốt xác nhưng phải tin rằng dù xác chết tan trong lòng đất hay tan thành tro bụi khi đem thiêu, thì vẫn được quyền năng của Thiên Chúa cho sống lại hiệp cùng linh hồn để vào Nước Trời hưởng hạnh phúc Thiên Đàng hay bị phạt trong nơi gọi là hỏa ngục. (hell) trong ngày cánh chung. (Mt 25, 31-46).
Giáo Lý và giáo luật của Giáo Hội đều dạy phải tôn kính thi hài của người quá cố được an táng trong nghĩa trang Công giáo để chờ ngày sống lại.
Nếu chọn hỏa táng (cremation) thì việc này không được làm trái với niềm tin của Giáo Hội về sự sống lại của kẻ chết. (giáo luật số 1176; SGLGHCG số 1684-1690). Nghĩa là phải tin rằng dù xác kẻ chết đã ra tro bụi, thì vẫn được sống lại cùng với linh hồn trong ngày sau hết như đã nói ở trên. Vì thế, tro của người hỏa táng cũng phải được tôn kính như xác chôn ngoài nghĩa địa. Nghĩa là phải cất giữ tro này ở nơi xứng đáng, hoặc ở tư gia hay trong nhà thờ nào có nhận cất giữ tro của người hỏa táng. Nghĩa là không được phép mang tro này ra trải ngoài sông, ao hồ hay biển cả, như những người không có niềm tin vào sự sống lại của kẻ chết đang làm. Vì không tin, nên họ đã trải tro của thân nhân họ ra sông, hồ hay biển cả, vì cho rằng con người là hư không, chết là hết, nên thả tro ra sông, biển để nói lên sự hư không này của thân phận con người.
Ngược lại, vì người Công Giáo tin xác loài người sẽ sống lại, nên xác chết phải được giữ gìn trong nghĩa trang hay trong các hộp tro để cho con cháu, thân nhân viếng thăm và cầu nguyện. Vậy nếu đem tro của người chết trải ra ngoài sông, biển thì lấy đâu ra nơi cụ thể để viếng thăm đặc biệt trong tháng cầu cho các linh hồn. Nghiêm trọng hơn nữa là nếu đem trải tro người chết ra sông, hay biển thì vô tình chia sẻ niềm tin của những người không tin có sự sống lại của thân xác hay sao ?
2. Có được phép chỉ rước Máu Thánh Chúa Kitô trong Thánh lễ ?
Từ xa xưa, việc rước lễ của giáo dân chỉ trong giới hạn rước Mình Thánh Chúa mà thôi, vì Giáo Hội dạy rằng Chúa Kitô hiện diện trọn vẹn trong hình bánh,và chỉ có linh mục cử hành Thánh lễ được rước cả hai Mình và Máu Thánh Chúa.
Nay vì muốn diễn tả cách trọn vẹn ý nghĩa Thánh lễ, về một phương diện, là bữa ăn cuối cùng của Chúa Giêsu với 12 Tông Đồ. Trong Bữa Ăn lịch sử này, Chúa đã lập Bí tích Thánh Thể khi biến bánh và rượu thành Mình Máu Người cho các Tông Đồ ăn và uống lần đầu tiên. Vì thế, ngày nay Giáo Hội cho phép giáo dân được rước cả hai hình thức Thánh Thể là bánh và rượu đã được truyền phép (consecrated) trong Thánh lễ. Nhưng ở các Giáo Hội địa phương (Giáo phận) các Giám mục vẫn có toàn quyền để cho phép rước Thánh Thể cả hai hình thức hay một hình thức như cũ.
Tuy nhiên, ở nơi nào cho rước cả hai hình thức Thánh Thể, thì giáo dân, hoặc chọn rước cả hai hay chỉ Mình Thánh mà thôi. Nghĩa là không được chọn rước một hình thức là Máu Thánh mà không rước Mình Thánh. Nói rõ hơn, rước Mình Thánh thì được, nhưng không được phép chỉ rước Máu Thánh không thôi.
Tuy nhiên, trong trường hợp một bệnh nhân không thể rước Mình Thánh vì không nuốt được chất đặc nào qua miệng, thì có thể chỉ cần rước Máu Thánh là đủ.
Riêng hàng tư tế, tức linh mục và Giám mục, thì buộc phải rước cả hai hình thức Thánh Thể khi chủ tế hay đồng tế Thánh Lễ.
3. Tu Sĩ có được phép rửa tội, xức dầu và chứng hôn không?
Trước khi trả lời câu hỏi này, cần phân biệt như sau:
Tu sĩ (religious) là những người có ba lời khấn khó nghèo, khiết tịnh (chastity) và vâng phục trong một tu hội hay nhà dòng được thành lập đúng theo giáo luật.
Giáo sĩ (clerics) là những người có chức thánh như phó tế, linh mục và giám mục. Giáo sĩ chỉ có hai lời khấn là khiết tịnh (độc thân) và vâng phục mà thôi. Giáo sĩ không phải là tu sĩ. Nhưng nam tu sĩ có thể trở thành giáo sĩ nếu có các chức thánh nói trên, mặc dù vẫn thuộc hàng tu sĩ, vì có ba lời khấn trong tu hội hay nhà dòng liên hệ. Giáo sĩ thì thuộc về một địa phận dưới quyền của một Giáo mục, và được gọi là các linh mục triều (diocesan priests), trong khi các tu sĩ linh mục thì được gọi là các linh mục dòng (religious priests),
Liên quan đến câu hỏi đặt ra, nếu chỉ là tu sĩ (religious) có lời khấn dòng mà không có chức phó tế, linh mục hay giám mục, thì không ai được phép cử hành bất cứ bí tích nào. Phải nói rõ điều này vì ở một địa phương kia, có cha xứ đã cho một nữ tu rửa tội cho trẻ em ở nhà thờ trước sự chứng kiến của cha xứ! và cả hai đã bị bề trên liên hệ khiển trách nặng, vì đã làm việc hoàn toàn sai trái về kỷ luật bí tích của Giáo Hội.
Nhưng nếu tu sĩ cũng là giáo sĩ (nam tu sĩ), nghĩa là có chức linh mục hay giám mục thì vẫn có năng quyền để cử hành các bí tích như mọi giáo sĩ. Dĩ nhiên, linh mục triều hay dòng, muốn làm mục vụ trong giáo hội địa phương (giáo phận), thì phải có phép của đấng bản quyền địa phương, nghĩa là phải xin năng quyền (faculties) của tòa giám mục.
Tuy nhiên trong trường hợp khẩn cấp, nguy tử, thì tu sĩ (nam nữ) hay giáo dân đều có thể được phép rửa tội ở bất cứ nơi nào, nhưng phải theo đúng công thức của Giáo Hội, nghĩa là phải có nước và đọc công thức Chúa Ba Ngôi.
BY: LM. THÊÔPHILÊ
Thưa cha,
Con xin gửi đến cha một phần của bài báo do ông Phạm Quốc Việt trích dịch mang tựa đề "Học giả đương thời thách thức và phản kháng những chi tiết liên quan đến sinh nhật của Chúa Giêsu", được đăng trên Internet, do một người bạn gửi cho.
"Bài báo do tờ Washington Post đăng lên ngày 22.12.2001 dưới nhan đề là "Modern scholars challenge details of Jesus’ birth" Không ngại ngùng bị gán cho cái tên là "Kẻ ăn trộm thành Belem", Bà Paula Fredriksen, một giáo sư của trường đại Học Boston, chuyên khảo cứu về Thiên Chúa Giáo từ thuở mới thành lập, tuyên bố thẳng thừng là: "Jesus sinh ra tại Nazareth chứ không phải tại Bethlehem như bài hát đạo mừng Giáng Sinh mà chúng ta đã từng nghe từ trước đến nay. Tôi không thấy một học giả nào coi kinh thánh viết về chỗ sinh hạ của Jesus là đáng tin tưởng cả, mọi người đều tin là Jesus sinh ra tại Nazareth".
Đó là một trong những khám phá mới để chống lại với truyền thuyết của thánh Matthew và thánh Luca. Chúa Giêsu không được sinh ra tại một hang lừa nhưng sinh ra trên sàn đất trong nhà của một người bà con. Ba vua ngày xưa chỉ được chế tạo ra như các thầy phù thuỷ để mà chọc cười chứ không phải là vua hay các nhà khoa học nào cả. Và những nhà viết sử thời trước tạo ra truyền thuyết Đức Mẹ đồng trinh để đối lại với chuyện dã sử mà người Rôma đã dựng chuyện tương tự cho vua Caesar Augustus của họ… Các học giả ngày nay cho rằng có nhiều sai biệt giữa câu chuyện viết bởi 2 thánh sử này và tin tưởng rằng Chúa Giêsu sinh ra tại Nazareth chứ không tại Bethlehem.
Thứ nhất là ai cũng nói là Giêsu Nazareth chứ không ai nghe nói là Giêsu thành Bethlehem hay Giêsu thành Capernaum cả, cũng như người ta luôn luôn nói rằng vị viết ra sách Acts là Paul of Tarsus gọi như thế vì ông này sinh ra tại Tarsus.
Thứ hai là các người viết thánh sử đều viết khoảng nửa thế kỷ sau ngày Chúa Giêsu chết. Do đó, một là họ không biết gì về chi tiết lịch sử hai là có lẽ họ chỉ dựa vào lời tiên tri Micah trong các sách Do Thái để lại, tiên đoán là Đấng Thiên Sai sẽ sinh ra tại Bethlehem, để đặt câu chuyện cho hợp với lời tiên tri hầu nuôi dưỡng lòng tin cho cộng đồng Kitô giáo lúc thiếu thời. Luca kể về chuyện Maria và Giuse di chuyển từ Nazareth đến Bethlehem theo lệnh bắt buộc tổng kiểm tra dân số của người Rôma. Trong khi đó thì Matthew kể tất cả câu chuyện bắt nguồn từ Bethlehem y như là Bethlehem là quê hương xứ sở chính thực của Maria và Giuse và chỉ nhắc đến Nazareth vào đoạn chót mà thôi. Đa số các học giả đều đoan chắc rằng Chúa Giêsu sinh ra vào khoảng năm thứ 4 trước Tây Lịch (4-BC), trong khi Luca đã thực sự sai lầm kể chuyện Chúa Giêsu sinh ra vào năm thứ 6 sau Tây Lịch (6-AD)…"
Thưa cha, câu hỏi con đặt ra là các tác giả đặt lại vấn đề như trên, thì chúng ta phải nghĩ làm sao?
Một người hoang mang (Đức)
Tôi không được đọc toàn bộ bài báo cũng như bản văn gốc, nhưng chỉ đọc qua một phần của bản dịch do bạn gửi (vì không ghi tên nên cho tôi gọi là bạn cho tiện). Tôi hiểu nỗi hoang mang của bạn, nhưng thật ra ngôn ngữ nhà báo bao giờ cũng có những từ "dao to búa lớn" và thật kêu để khêu gợi tính tò mò của độc giả. Lấy giờ đọc lại kỹ hơn, chúng ta thấy những vấn nạn họ đưa ra không có gì ghê gớm lắm đâu, và những vấn đề đó có thể giúp mình tìm hiểu sâu xa hơn.
Đọc đoạn trích dẫn, tôi thấy ít nhất có hai vấn đề bài báo nêu ra làm bằng chứng điều tác giả muốn xác định: khác biệt giữa hai thánh sử Mátthêu và Luca khi viết lại thời thơ ấu của Đức Giêsu; và nơi Người sinh ra là Nazareth. Nói chung những khó khăn trên đến từ Tin Mừng thời thơ ấu của Đức Giêsu.
1. TIN MỪNG THỜI THƠ ẤU.
Văn bản Tin Mừng thời thơ ấu của Đức Giêsu thường gây nỗi hoang mang với những dữ kiện như ngôi sao soi dẫn các nhà thông thái, các lần Thiên thần xuất hiện... Người ta cho điều này mang nhiều việc kỳ diệu. Thật ra vấn nạn Tin Mừng thời thơ ấu gây ra thuộc lãnh vực kỹ thuật văn chương nhiều hơn.
Tin Mừng Máccô ra đời khoảng năm 65, bắt đầu từ việc Gioan tẩy giả giảng dạy, Chúa chịu phép rửa, chịu cám dỗ, rồi tiếp dẫn đến việc Chúa sống lại. Đó là truyền thống lúc ban đầu, còn gọi là Kerygma (Lời rao giảng tiên khởi). Tin Mừng Mátthêu và Luca xuất hiện vào khoảng năm 80, theo cùng một bố cục của Máccô, nhưng họ thêm vào đó hai chương đầu ghi lại thời thơ ấu Đức Giêsu. Sự kiện đã xảy ra được 80 năm, tức là 50 năm sau biến cố Phục Sinh. Điều này cũng thường thấy xảy ra theo luật chung của lịch sử. Người ta chỉ viết tìm viết lai lịch, nhất là về tuổi ấu thơ khi họ nhận ra tầm quan trọng của đương sự.
11. Những dị biệt giữa Mátthêu và Luca.
Theo Luca, mọi việc bắt đầu từ Nazareth với Đức Maria qua trình thuật Truyền tin: "Thiên Chúa sai sứ thần Gabriel đến một thành miền Galilê, gọi là Nazareth" (1,16). Sau đó, Đức Maria lên Bethlehem vì lệnh kiểm tra dân số. Tại đây, Đức Giêsu sinh ra, 40 ngày sau được dâng tại Đền thánh và gia đình trở lại Nazareth: "Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Nazareth, miền Galilê" (2,39).
Theo Mátthêu, mọi việc lại khởi đầu ở Bethlehem. Tác giả không nói việc Truyền Tin cho thánh Giuse xảy ra ở đâu. Đức Giêsu cũng sinh ra ở Bethlehem; sau đó các nhà chiêm tinh hành trình tìm Chúa, rồi xảy ra việc tàn sát các hài nhi. Thánh gia phải trốn lánh qua Ai Cập một cách vội vã. Khi Hêrôđê mất, gia đình trở về nhưng Giuse còn sợ nên không trở về miền Giuđê nhưng qua sinh sống bên Galilê, ở làng Nazareth: "Nhưng vì nghe biết Áckhêlao đã kế vị vua cha là Hêrôđê, cai trị miền Giuđê, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Galilê, và đến ở tại một thành kia gọi là Nazareth, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: Người sẽ được gọi là người Nazareth" (2,22-23). Theo Mátthêu, gia đình Đức Giêsu đã cư ngụ ở Bethlehem, và nếu đến Nazaretht ở cũng vì tránh trở về Giuđê.
Ngoài ra, nếu xếp các sự kiện theo Luca như vậy phải đặt việc tàn sát các hài nhi và cuộc lánh qua Ai cập vào lúc nào. Nếu đặt vào từ lúc sinh ra cho đến 40 ngày sau sẽ không đủ thời gian qua Ai cập rồi trở về; nếu đặt vào thời điểm sau đó cũng không ổn vì theo Luca sau khi dâng Hài nhi tại Đền Thánh, gia đình lại trở về Nazareth. Khi đối chiếu Matthêu-Luca, có điểm dị biệt thật sự về Nazareth.
Trước vấn nạn này, có tác giả đưa ra giả thuyết cho Đức Maria ở Nazareth và thánh Giuse ở Bethlehem; và Đức Maria đã sinh Đức Giêsu tại một gian phòng ở nhà thánh Giuse. Giả thuyết này có thể giải thích được điểm dị biệt nhưng lại không ăn khớp với các điểm khác. Vì thế đúng hơn nên nhìn nhận có sự lẫn lộn về địa lý khi Mátthêu ghi ở câu 2,23: "… và đến ở tại một thành kia gọi là Nazareth, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: Người sẽ được gọi là người Nazareth". Câu này đưa Nazareth như dấu chỉ quan trọng vì được Thánh Kinh nói đến, thật ra Nazareth là một thị trấn không tên tuổi trong Cựu ước, cũng như không được các sử gia thời bấy giờ biết đến; Nazareth chỉ là một làng nhỏ nằm trong những ngọn đồi miền Galilê có từ thế kỷ thứ VIII trước công nguyên. Những ngọn đồi Galilê được biết đến như phần đất được trao cho bộ tộc Zabulon và Issakar ghi trong sách Giosuê 19,10-23. Dân làng sống trong hang, vì thế làng gồm khoảng 20 nhà hang, với máy ép và bồn chứa lúa đục trong đá. Thêm nửa câu "… để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ .." cũng không thấy Cựu ước nói đến ở đoạn nào cả. Vì thế câu này thường coi như được tác giả Tin Mừng soạn ra cho bối cảnh.
Ngoài ra, từ "người Nazareth" tương ứng với một từ Hípri mang ý nghĩa "chồi gốc, nẩy mầm", và tương quan giữ hai từ cho ý nghĩa thừa tự, nên có tác giả theo chú giải đến từ thánh Giêrôminô liên tưởng đến lời sấm theo Ngôn sứ Isaia 11,1: "Từ gốc tổ Giesê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non". Lc 18,37 cũng cho liên hệ rõ rệt giữa "người Nazareth" và "con vua Đavít". Trong Tin Mừng Đức Giêsu thường gọi là "người Nazareth" (Ga 19,19). Sau này, thánh Phaolô được coi như đứng đầu nhóm người Nazareth (Cv 24,5). Sau này khoảng năm 135, nhóm Kitô hữu giữ luật Do thái cũng được gọi là Nazareth như giám mục Epiphane thành Salamine ghi trong tác phẩm Panarion (XIX,1).
Với những liên hệ vừa nêu trên cho nên có nhiều lý chứng để có thể nói có một làng người Nazareth ở miền Galilê và từ đó mang tên là Nazareth. Một vài chỉ số giúp nhận giả thuyết này: sự lẫn lộn về thời gian thánh Giuse về định cư tại Nazareth được quy lại nơi sự việc Luca không rõ ràng; và nhìn nhận ở miền Giuđê cũng có một làng của người Nazareth, không xa với làng Bethlehem. Điều này cũng có thể dễ dàng chấp nhận, vì trong một văn bản Tin Mừng Luca cổ được giáo phụ Justin (qua đời khoảng năm 163) xác nhận không có từ Galilê như trong văn bản hiện tại: "Bởi thế, ông Giuse từ thành Nazareth, miền Galilê lên thành vua Đavít tức là Bethlehem, miền Giuđê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đavít. Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai" (Lc 2,4-5). Trong khi đó, văn bản Luca cổ ghi như sau: "Thời bấy giờ, César Auguste hạ lệnh tất cả mọi người về xứ sở của mình đóng tiền cho vị tổng trấn và nhìn nhận phục tùng César. Vì lý do đó ông Giuse và bà Maria đang mang thai từ Nazareth trở về Bethlehem để được nhìn nhận trong xứ sở của mình". Giả thuyết này vững khi sau này, giáo phụ Eusèbe trong bộ sử cũng ghi gia đình Đức Giêsu có gốc gác ở các làng mạc Do Thái từ Nazara, và Kokhaba ở miền Batanê (Golan). Kokhaba nguyên từ Híp ri có nghĩa "ngôi sao" gợi ý đến ngôi sao thiên sai được loan báo trong sách Dân số 24,17: "Tôi thấy nó, nhưng bây giờ chưa phải lúc, tôi nhìn, nhưng chưa thấy nó kề bên; một vì sao xuất hiện từ Giacóp, một vương trượng trỗi dậy từ Ítraen…" Điều này xác nhận một số làng mạc thường mang tên rút ra từ niềm hy vọng của dân chúng (theo Etienne Nodet, Histoire de Jésus, Cerf, Paris 2003, tr. 108-129).
Chúng ta vừa duyệt xét qua một điểm mâu thuẫn giữa Mátthêu và Luca, chứng tỏ có sự độc lập không ảnh hưởng lên nhau giữa truyền thống đến từ Mátthêu và truyền thống đến từ Luca. Và khi các truyền thống ấy gặp gỡ nhau còn chứng tỏ có thêm một truyền thống xa xưa hơn nữa.
1.2. Những tương đồng giữa Mátthêu và Luca.
Khi hai Tin Mừng độc lập lại gặp nhau ở một số điểm, hẳn truyền thống dị biệt phải lệ thuộc vào một truyền thống chung.
- Đức Maria, một trinh nữ thụ thai bởi Chúa Thánh Thần.
- Tên cha mẹ Đức Giêsu là Giuse và Maria.
- Giuse thuộc dòng dõi Đavít, một sự kiện rất quan trọng trong xứ Palestine; Hai tác giả cùng đồng ý nhưng kể lại một cách khác nhau.
Mátthêu là người Do thái, viết Tin Mừng cho người Do thái mang não trạng đông phương nơi phụ nữ không được lưu ý, vì thế tác giả chỉ nói thiên thần xuất hiện báo tin cho ông Giuse. Luca là người Hy lạp viết Tin Mừng cho người Hy lạp, nên để ý nhiều hơn đến phụ nữ và thuật việc báo tin cho Đức Maria.
Những điểm cả hai bản văn đều đồng ý, cho biết họ hẳn lệ thuộc một truyền thống trước đó. Vì Mátthêu và Luca viết Tin Mừng vào khoảng năm 80, nên chắc chắn đã có một nguồn tài liệu lưu hành ở Palestine, một sự việc đã từng được nói đến trong giáo hội ở Palestine vào khoảng các năm 50 - 60, nghĩa là 20 đến 30 năm trước khi có Tin Mừng Mátthêu và Luca.
2. GIA ĐÌNH VÀ NƠI SINH.
Đức Giêsu, tiếng Hípri gọi J ‘hoshua = Giavê cứu chữa; tiếng Aramê= Jesua hay Jesu. Cha tên Joses (Giuse). Trong Tin Mừng, thiên hạ cho Đức Giêsu là con ông Giuse (Lc 3,23; 4,22; Ga 1,45; 6,42). Mátthêu và Luca còn cho biết thêm ông Giuse, chồng bà Maria, nhưng không phải cha ruột Đức Giêsu, bởi vì bà Maria thụ thai do sự can thiệp của Chúa Thánh thần (Mt 1,16.18; Lc 1,26-38).
Mẹ tên Mirjam (Maria). Nguyên gốc Hípri "Mirjam", và thời Tân ước là một tên gọi rất thông thường. Trong Cựu ước, chị ông Môsê và Aarôn tên "Myriam, con gái ông Amran và bà Giôkebét thuộc chi họ Lêvi" (Ds 26,59; Xh 2,18); cũng vì vậy các nhà chú giải cho tên có nguồn gốc Ai cập "Meri" có nghĩa người được sủng ái. Từ nguyên Hípri "Mirjam" có nguồn gốc "Ra’ah" (= thấy) mang nghĩa người có thiên nhãn. Luca ghi hai lần tên Maria nhưng không cho biết chi tiết về gia đình, nhân đức và tình cảm của Người. Vì có nhiều phụ nữ cùng mang tên Maria, nên trong Tân ước thường thấy các tác giả thêm tên chồng hay tên quê quán vào để dễ phân biệt: Maria Magdala, Maria Bêtania (em bà Mátta), Maria Salômê...
Theo Tin Mừng Mátthêu 2,1, Đức Giêsu sinh tại Bethlehem thời "vua Hêrôđê trị vì", đó là Hêrôđê cả, bố vua Hêrôđê ÁckhêLao (Mt 2,22). Tin Mừng Luca cũng mang công thức tương tự duy chỉ có một chút xíu khác biệt, tác giả nói rõ thêm "vua Hêrôđê, cai trị vùng Giuđê". Luca 3,23 lại ghi "khi Đức Giêsu khởi sự rao giảng, Người trạc ba mươi tuổi". Người bắt đầu sứ vụ vào năm 27, vậy năm sinh sẽ là năm thứ 4 trước công nguyên. Ngày sinh của Đức Giêsu không thể nào biết rõ hơn. Tin Mừng Mátthêu 2,1 và Luca 1,5.26 chỉ nói trống dưới thời vua Hêrôđê. Ngày tháng sinh cũng không rõ. Đối với các thánh sử cũng như các cộng đòan tín hữu tiên khởi vấn đề ngày tháng năm sinh không quan trọng. Thời đó, 3 đại Lễ người Kitô hữu mừng kính hằng năm là lễ Vượt Qua, lễ Phục Sinh và lễ Hiện Xuống (Origène, Contra Celsum VIII,12.13). Niên lịch chúng ta hiện dùng được soạn bởi tu sĩ Dionisius theo lệnh Đức Giáo hoàng Gioan I vào năm 525. Ông dựa theo những dữ kiện Tin Mừng, và tính Đức Giêsu ra đời vào năm 753 theo niên lịch La mã. Vì thế năm 754 theo lịch La mã khởi đầu niên lịch Kitô giáo. Tuy nhiên, ngày nay các sử gia đều cho rằng tác giả đã tính sai đi mấy năm.
2.1. Nơi sinh.
Theo Mátthêu và Luca Đức Giêsu sinh ra tại Bethlehem xứ Giuđê. Duy có một chút khác biệt, theo Mátthêu (2,11) khi Đức Giêsu ra đời, cha mẹ đã ở Bethlehem (miền nam); còn theo Luca (1,26.39; 2,4) hai ông bà sinh sống tại Nadarét (miền bắc), phải đi về Bethlehem làm kiểm tra thực hiện thời ông Quirinius làm tổng trấn xứ Syrie. Theo Luca, Nazareth là nơi cư ngụ của cha mẹ Ngài; Theo Mátthêu, đó là nơi lánh nạn để khỏi phải đến ở Giuđê. Nhưng cả hai đồng ý với nhau ở điểm Đức Giêsu sống thời thơ ấu ở Nazareth.
Hôm nay, một số sử gia đặt lại vấn đề với 3 lý do chính:
- Dường như Gioan không biết nơi Đức Giêsu sinh ra, và tại sao?. Khi ông Philipphê gặp ông Nathanaen và nói mình đã gặp được Đấng mà ông Môsê và các Ngôn sứ loan báo là «Đức Giêsu, con ông Giuse, thành Nazareth»; Nathanaen đáp lại: «từ Nazareth làm sao có cái gì hay được». Ở đoạn dân chúng tranh luận về nguồn gốc của Đấng Kitô, và ông Nicôđêmô muốn bênh đỡ cho Đức Giêsu liền bị nhóm Pharisêu trả lời: «Cả ông nữa, ông cũng là người Galilê sao? Ông cứ nghiên cứu, rồi sẽ thấy: không một ngôn sứ nào xuất thân từ Galilê cả?» (7,52). Qua hai đoạn vừa nêu, Gioan đã bỏ hai cơ hội để cho biết Đức Giêsu sinh ra ở Bethlehem; nhất là trong trình thuật tranh luận về nguồn gốc của Đấng Mêsia (7,40-42), tác giả nêu lên sự tranh cãi trong đám dân chúng "Ông này là Đấng Kitô." Nhưng có kẻ lại nói: "Đấng Kitô mà lại xuất thân từ Galilê sao? Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Đấng Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Đavít và từ Bethlehem, làng của vua Đavít sao?". Điều này chứng tỏ Gioan không biết đến truyền thống cho Đức Giêsu thuộc dòng dõi Đavít; sau này trong trình thuật Thương Khó, Gioan lại còn xác định câu Đức Giêsu trả lời Philatô «nước tôi không thuộc về thế gian này» (18,36).
- Tại sao Đức Giêsu lại thường được gọi Giêsu Nazareth (Mc 1,24; Mt 21,10-11), và Nazareth là một làng nhỏ chẳng có tiếng tăm gì (Ga 1,46).
- Tổng trấn Quirinius thật sự có làm tổng trấn xứ Xyri, nhưng yếu tố lịch sử do Luca đưa ra không đúng lắm. Quirinius không thể nào làm kiểm tra khi Hêrôđê cả còn thời Đức Giêsu sinh ra. Theo lịch sử, Quirinius làm tổng trấn Xyri khi Áckhêlao bị người La mã hạ bệ năm thứ 6 sau công nguyên; Quirinius chỉ thực hiện cuộc kiểm tra 10 năm sau khi Hêrôđê cả qua đời năm 750 theo lịch Rôma, năm thứ 4 trước công nguyên.
Với những lý do trên, nên có một số tác giả nghĩ rằng Đức Giêsu sinh trưởng tại Nazareth. Và hai tác giả Nhất Lãm ghi Đức Giêsu sinh ra tại Bethlehem cho ý nghĩa thần học nhiều hơn, đáp ứng câu sấm Ngôn sứ Mikha 5,1: "Phần ngươi, hỡi Bêlem Êpratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ítraen...". Giả thiết không vững, vì khi đọc các bản văn Do Thái đương thời, chẳng ai quan tâm về nơi chốn Đấng Thiên Sai phải sinh ra. Ngược lại, như Gioan ghi: "Đấng Thiên Sai, khi Ngài đến, thì người ta không biết từ đâu mà đến" (7, 27). Đây là một quan niệm cổ xưa được nhiều văn bản Do thái chứng thực. Người Do thái đợi chờ Đấng Thiên Sai như một người trưởng thành, một vị chỉ huy trận mạc, cho nên tuổi thơ, nơi sinh ra không quan trọng. Vì vậy không phải vì sấm ngôn Mikha nên các tác giả sắp xếp Đức Giêsu sinh ra ở Bethlehem, nhưng vì Đức Giêsu sinh ra ở Bethlehem nên người ta đi truy tìm lại sấm ngôn Mikha. Khi người Do thái đọc câu sấm Mikha họ hiểu Đấng Thiên Sai là hậu duệ Đavít. Ngài sinh ra ở Bethlehem theo nghĩa thuộc dòng dõi Đavít. Họ không đọc sấm ngôn Mikha như sự loan báo về nơi chốn Đấng Thiên Sai phải sinh ra.
Đức Giêsu thuộc dòng dõi Đavít là một đề tài thần học quan trọng trong Mátthêu. Dù vậy, không thể kết luận nó được tác giả bịa ra, vì Phaolô cũng nhắc tới trong thư gửi Rôma 1,3: "xét như một người phàm, Đức Giêsu Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Đavít". Sau này, hai bảng gia phả theo Mátthêu 1,1-17 và Luca 3,23-38, dòng dõi Đavít cũng được lấy làm yếu tố chung. Vào thế kỷ thứ II, giáo phụ Hégésippe khi nói đến các con cháu ông Giuđa còn được gọi "Người anh em của Đức Giêsu theo xác phàm". Hégésippe ghi những người bà con của Đức Giêsu bị kết án trước hoàng đế Domitien (81-96) như thuộc "dòng dõi Đavít ". Những chứng từ này cho biết gia đình Đức Giêsu thật sự xuống từ dòng dõi Đavít, và việc Người sinh ra từ Bethlehem cũng thuộc truyền thống.
kính sợ Thiên Chúa
LM. THÊÔPHILÊ
Thưa cha,
Tại sao Thánh Kinh dùng từ «kính sợ» khi nói đến tương quan giữa Thiên Chúa với loài người? Phản ứng đầu tiên của con là cho từ này quá tiêu cực không nói lên được sự tin tưởng Thiên Chúa là Cha. Và như thế xem ra như có hai Thiên Chúa hoàn toàn khác nhau giữa Cựu ước và Tân ước.
H.Lydie59.
Cụm từ «kính sợ Thiên Chúa» có thể gợi lại cho một số anh chị em tín hữu những kỷ niệm không mấy tốt đẹp; và đôi khi nó được dùng quá đáng làm sai đi khuôn mặt Thiên Chúa. Nhìn lại trong Cựu ước, Thiên Chúa lại mang hình ảnh kẻ thích trả thù, hay nổi giận, ghen tương và trừng phạt không nương tay, hoàn toàn đối chọi với hình ảnh Thiên Chúa là Tình yêu do Đức Giêsu mạc khải. Nếu vậy, chẳng lẽ có hai Thiên Chúa sao? Vì thế cần phải tìm hiểu rõ ý nghĩa cụm từ «kính sợ Thiên Chúa», hầu mang ý tưởng về Thiên Chúa đúng đắn hơn. Chỉ có một Thiên Chúa với tình yêu mạnh mẽ đã chọn lựa một dân tộc và sống tương quan giao ước mật thiết với họ.
Ai trong chúng ta lại không bị chinh phục với những biểu lộ của sức mạnh thiên nhiên như bão tố, động đất, lũ lụt…, cho dù đôi lúc khoa học đã giải thích được hiện tượng tự nhiên đó. Đối với người thời cổ đại, họ cho những hiện tượng do các thần biểu lộ. Người Do thái mang cùng một não trạng và họ nhìn những hiện tượng thiên nhiên diễn tả vẻ uy nghiêm và sức mạnh của Thiên Chúa. Quyền uy Thiên Chúa được hoàn thành qua dòng lịch sử như biến cố Xuất hành. Trường hợp này Thiên Chúa dùng sức mạnh biểu dương tình yêu của Người dành cho dân tuyển chọn. Vì thế, dân Do thái cho là điều bình thường khi phải tỏ lộ lòng kính sợ và kính trọng Thiên Chúa vì những điều Người thực hiện cho họ vượt trên sức mạnh của con người. Và cũng từ đó, nhận ra thân phận yếu đuối và thấp kém của mình và họ hướng lòng về Thiên Chúa với tâm tình tôn thờ và kinh ngạc thán phục.
Vượt trên thái độ tôn kính vì những biểu lộ về cái lớn lao của Thiên Chúa. Chúng ta còn cần biết qua việc Thiên Chúa cứu độ, cũng như qua mối tương quan giao ước, điều này cũng đòi hỏi phía con người sự trung tín cho đời sống luân lý. Phương diện về lòng «kính sợ» Thiên Chúa trên bình diện này được gắn liền vào ý thức Thiên Chúa thánh thiện và thân phận con người tội lỗi. Ở đây cần gạt bỏ tư tưởng ý thức một cách bệnh hoạn về tội lỗi, vì tội lỗi trước hết là khả năng con người có để có thể lựa chọn, nhưng họ lại lựa tránh qua một bên chương trình cứu độ mà Thiên Chúa trao ban cho họ. Từ đó sinh ra một tinh thần kính sợ trước tất cả những gì có thể gây nên đổ vỡ trong cuộc sống của họ. Bình thường tâm trạng kính sợ này kèm theo lòng ước muốn và tình yêu Thiên Chúa. Nếu như Thiên Chúa chọn dân Ítraen chỉ vì yêu thương chứ không phải căn cứ vào những công trạng của họ, và đối lại họ cũng diễn đạt cho Người một tình yêu bao gồm mọi chiều kích và khả năng con người của họ.
Trong mối tương quan với Thiên Chúa, sự kính sợ được cân bằng bởi lòng tin tưởng. Khi biểu lộ cho riêng một ai đó, Thiên Chúa kêu gọi họ đừng sợ. Đức tin giúp con người bỏ tình cảm sợ hãi, tại vì sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa mang đến sự bảo đảm cho ta. Đó là trường hợp của Đức Maria trong qua biến cố truyền tin (Lc 1,26-38).
Trong Tin Mừng, các môn đệ cũng mang tâm trạng kính sợ khi họ nhận xét ra một hành vi kỳ diệu Đức Giêsu làm, như lúc Người đi trên mặt nước (Mt 14,22-33), khi Người biến hình (Mc 9,2-10)… Tâm trạng kính sợ được đồng nhất hóa với tâm tình kinh ngạc trước cái siêu việt của Thiên Chúa. Bởi vậy, khi nói các Kitô hữu tiên khởi sống «trong sự kính sợ Thiên Chúa», có nghĩa họ cố gắng mang một cuộc sống hợp với ơn gọi làm con của Thiên Chúa, và sống trong tinh thần tôn kính Thiên Chúa đã hoàn thành quyền năng cứu độ của Người trong Đức Giêsu Kitô.
Chúng ta có thể đọc qua một số đoạn Thánh Kinh tiêu biểu về việc kính sợ Thiên Chúa:
- kính sợ trước sự hiện diện của Thiên Chúa: ông Môsê (Xh 3,6); dân Do thái (Xh 20,18-19); Đức Maria (Lc 1,30); Các mục đồng (Lc 2,9); các tông đồ (Lc 5,9-11).
- Lời mời gọi «Đừng sợ» đưa vào sự tin tưởng: các tổ phụ Ítraen (St 15,1); dân đau khổ: (Is 41,10.13-14); các tông đồ (Mc 6,50; Mt 6,25-34; 10,26-31).
- như sự biểu lộ tình yêu Thiên Chúa: Đnl 6,2.5.13; Lc 1,50.
- như ân huệ của Thánh Thần Chúa: Is 11,2
- như nguyên lý khôn ngoan: Châm ngôn 1,7
- như việc đạo đức: Huấn ca 1,11-20.
Tóm lại, «kính sợ Thiên Chúa» là tôn trọng tính siêu việt của Thiên Chúa trong những tương quan của chúng ta đối với Người. Tâm tình này không có gì ngược với tình yêu, nhưng hoàn toàn đối chọi với bản năng tự kiêu của con người. Mang lòng kính sợ Thiên Chúa đưa chúng ta nhìn thấy lại địa vị thụ tạo trước cái bao la của Thiên Chúa.
Về phương diện thiêng liêng, linh mục Guy Marie Oury cho rằng «lòng kính sợ Thiên Chúa đi ngược với xu hướng tự nhiên coi mình như trung tâm vũ trụ và coi mọi sự đều là vệ tinh của chính mình; lòng kính sợ Thiên Chúa đặt con người vào đúng chỗ của mình, vì chính Thiên Chúa mới là hàng đầu, với bản thể vô biên… Khi con người khám phá ra điều đó và nhận thực tại đó, con người run sợ và có một cảm nhận thiêng liêng như một kinh nghiệm cơ bản và cần thiết».