Dân Chúa Âu Châu

BY: LM. THÊÔPHILÊ

Thưa cha,
Bên Việt nam, chúng con biết có rất nhiều tôn giáo, nhưng chung thì ai cũng gọi là đạo, như đạo Phật, đạo Lão, đạo Thiên Chúa, đạo thờ ông bà, đạo Cao Đài, đạo Hòa Hảo…, nhưng qua đây đọc một số bài tôn giáo lại thấy xuất hiện "giáo phái", vậy các giáo phái này có phải là đạo không?
Một độc giả.

Bạn để ý thật đúng, bên Tây phương khi một tác giả nói đến từ "giáo phái" thường có tính tiêu cực, thậm chí có người còn thấy nhiều nguy hiểm một khi ai đó bị vướng mắc vào đó. Tôi biết 1 trường hợp cụ thể xảy ra trong một gia đình Việt Nam ở tại Pháp. Cha mẹ và người con gái của hai ông bà này đã cãi nhau đi đến việc từ nhau. Chuyện xảy ra vì cô con gái tìm ra "chân lý" theo "giáo phái" Giêhôva, và một hôm cô về nhà yêu cầu cha mẹ phải dẹp bỏ bàn thờ cúng tổ tiên…
Người Việt Nam chung chung thường rất cởi mở về vấn đề tín ngưỡng, nhưng cũng có những người cực đoan trong các tôn giáo muốn áp đặt lên trên những người khác niềm tin của mình, và hậu quả là "đạo" bị lợi dụng cho các mưu đồ để đàn áp kẻ khác không cùng niềm tin theo mình. Đó là những trường hợp của những nhóm người cực đoan, chứù bình thường người Việt cởi mở nhiều về vấn đề tôn giáo và dùng từ "đạo" khi nói về một tôn giáo nào đó.
Ngược lại Tây phương lại thích nêu ra những quy tắc và xếp thành triết lý, tôn giáo hay giáo phái. Và các nhà xã hội học Tây phương về tôn giáo đã đưa ra môït số quy tắc để gọi một nhóm tín ngưỡng nào đó là một giáo phái. Dưới đây, chúng ta sẽ duyệt qua các quy tắc nêu ra và đối chiếu với Giáo Hội Công giáo.
1. Người ta sinh ra không thuộc vào một giáo phái, vì thành viên của giáo phái thường là một người trưởng thành tự nguyện xin gia nhập vào nhóm. Từ đây họ thật sự hoàn toàn dấn thân cho giáo phái. Vấn đề cụ thể được đặt ra là khi trong mộït gia đình, người vợ hay chồng không mang cùng niềm tin vào giáo phái thì theo thống kê hầu như cuộc sống gia đình hoàn toàn đổ vỡ. Ngoài ra còn vấn đề các con cái nữa có phải theo giáo phái hay không? Vì thế các giáo phái thường phải giáo dục con cái của họ trong khuôn khổ riêng của họ mà thôi. Một cuộc sống như trên rất dễ gây hoang mang và ý kiến bất đồng trong nhóm, cho nên một trong những điều nhóm phải giữ là họ sống quan sát và canh chừng nhau. Các nhà chuyên môn gọi đó là tiến trình tâm lý của một nhóm sống thu hẹp cần phải giữ.
2. Giáo phái có một tương quan rất chặt chẽ về sự thật. Sự thật này được mạc khải bởi người sáng lập bất di bất dịch, ngoại trừ có những mạc khải mới. Vì vậy, những thành viên giáo phái cho mình là những người nắm giữ sự thật. Họ là những người hoàn hảo vì giáo phái chỉ bao gồm những người hoàn thiện. Họ là những kẻ trong sạch, những người được cứu rỗi rồi.
Trong điểm này, nhiều khi người Công giáo cũng bị lầm lẫn khi chúng ta tuyên xưng Giáo hội Thánh Thiện. Thật vậy, nhưng có điểm khác biệt lớn lao là Hội Thánh Công giáo nhìn nhận là bao gồm cả những thành viên tội lỗi nữa. Giáo Hội kêu gọi và mời gọi chúng ta theo và sống Tin Mừng, nhưng Giáo Hội không bao giờ bắt buộc mọi tín hữu phải anh dũng chịu tử vì đạo cả. Hơn nữa, Giáo Hội Công Giáo cũng tuyên xưng và nắm giữ sự thật, nhưng cùng lúc chúng ta thấy rõ trong Giáo Hội có rất nhiều xu hướng khác nhau với cách sống đa nguyên về giáo thuyết.
3. Trong một giáo phái, các thành viên thường mang liên hệ cảm xúc với nhóm và nhất là với người sáng lập hay người điều khiển nhóm. Mọi tinh thần phê phán phải bị dẹp bỏ. Ở trong nhóm thì chấp nhận phục tùng, còn ra ngoài đời phải nhiệt tình lôi kéo những người khác vào trong nhóm. Với một tinh thần như thế, nên một khi có ai muốn rời khỏi nhóm thì người đó sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nhóm làm mọi cách để kìm giữ không cho một thành viên tìm cách tách rời khỏi giáo phái. Ngược lại, chúng ta đều biết người tín hữu Thiên Chúa giáo có hoàn toàn tự do để tách rời Giáo hội; và đây là dấu chỉ quan trọng cho thấy hình thức của Giáo hội không phải là một giáo phái.
4. Quyền hành nằm trong tay lãnh tụ, và luật lệ là chỉ được giải thích bởi lãnh tụ mà thôi; và trên nguyên tắc mọi thành viên trong giáo phái đều ngang nhau. Trong Giáo hội thì theo trật tự đẳng cấp và mỗi thành phần có một quy chế riêng.
5. Mối tương quan với thế giới theo Giáo phái thường là trốn tránh và loại trừ, vì họ đồng hóa thế giới với ma quỷ. Ngược lại Giáo hội thường mang mối tương quan tích cực và năng động về văn hóa, nghệ thuật, chính trị, kinh tế và xã hội. Thế giới là một thực chứng cho dù có sự xấu ở trong thế giới.
Sau khi duyệt qua vài nguyên tắc cơ bản của người Tây phương cho đó là một giáo phái, thiết nghĩ chúng ta cũng có thể lượng định lại cách sống đạo của mình có cởi mở hay khép kín như một giáo phái?
Và cũng xin mời bạn đón đọc những chủ đề của Dân Chúa Aâu châu năm 2004 này, trong đó có một số bài liên quan đến các Giáo phái lớn đang hiện hành.