Dân Chúa Âu Châu

3. Phép lành: Chúa hiện diện trên đường đời của chúng ta.
 Nghi thức giải tán là phần kết của một buổi cử hành phụng vụ Thánh Lễ. Nghi thức giải tán gồm lời chào của linh mục và phép lành như công thức chào biệt gởi đến cộng đoàn.
 Phép lành là yếu tố quan trọng nhất của nghi thức kết lễ. Trước khi sai các môn đệ đi để làm nhân chứng và loan báo Tin Mừng Phục Sinh, Chúa Giêsu đã “giơ tay chúc lành cho các ông, và đang khi chúc lành thì Người rời khỏi các ông và được rước lên trời” (Lc 24,50-51). Trước khi các tín hữu trở về với thế giới của mình để loan báo Tin Mừng Phục Sinh của Chúa Kitô cho mọi người, linh mục cũng giơ tay lên, ghi dấu Thánh giá và cầu xin phép lành của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần ngự xuống trên họ. Các tín hữu đã qui tụ lại trong thánh đường là cung thánh bằng gạch đá. Giờ đây họ phải tản mác vào cung thánh vũ trụ. Họ đã liên kết với nhau thành một cộng đoàn huynh đệ. Giờ đây họ ra đi để đem đến cho những người anh chị em sống tản mác giữa trần gian ánh sáng của Thánh Giá mà họ đã được ghi dấu. Họ đã qui tụ lại thành một cộng đoàn chúc tụng, giờ đây họ ra đi làm cho lời ca tụng ấy vang dội khắp cùng bờ cõi trái đất.
 Phép lành cuối lễ cũng biểu lộ mối tương quan giữa linh mục và cộng đoàn. Ngài được thụ phong không phải để thống trị trên cộng đoàn, mà là để đem lại phép lành của Thiên Chúa cho họ bằng cách ghi dấu Thánh giá của Chúa Kitô. Thực ra không phải linh mục ban phép lành, nhưng ngài chỉ xin Thiên Chúa chúc lành cho họ mà thôi: “Xin Thiên Chúa toàn năng là Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần ban phúc lành cho anh chị em”.
Dấu Thánh Giá làm ở cuối lễ như lời cầu chúc. Thiên Chúa tụ họp chúng ta lại thì giờ đây Người phái ta đi nhân Danh Người làm nhân chứng những gì chúng ta vừa sống qua. Người đồng hành cùng chúng ta trên mọi nẻo đường.
Ngoài công thức đơn giản “Xin Thiên Chúa toàn năng là Chúa Cha..”, chủ tế có thể sử dụng một trong hai hình thức long trọng là Phép lành trọng thể hoặc Lời nguyện trên dân. Khi sử dụng một trong hai hình thức này thì xin phó tế hoặc linh mục mời gọi: “Anh chị em hãy sẵn sàng đón nhận phép lành của Chúa”. Sau đó chủ tế giơ tay trên dân rồi đọc lời nguyện ban phép lành hoặc lời nguyện trên dân. Cử chỉ giơ tay trên dân là dấu chỉ truyền thống khi cầu xin quyền năng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần ngự xuống trên dân.
3.1. Phép lành trọng thể.
Sách lễ Roma đưa ra những mẫu ban phép lành trọng thể cho: Mùa Vọng, mùa Giáng Sinh, ngày Đầu Năm, Lễ Hiển Linh, Lễ Tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa, Vọng Phục Sinh, Chúa Nhật Phục Sinh, mùa Phục Sinh, Lễ Chúa Lên Trời, Lễ Hiện Xuống, có năm hình thức cho mùa thường niên, Lễ Đức Mẹ, Lễ Thánh Phêrô và Phaolô, Lễ các tông đồ, Lễ các Thánh, Lễ Cung Hiến Thánh Đường, Lễ cầu hồn, Lễ hôn phối.
Các công thức ban phép lành này đều gồm ba phần và mỗi phần đều kết thúc bằng lời tung hô “A-men” của dân chúng. Ví dụ một mẫu trong lễ Hôn Phối:
-Xin Thiên Chúa là Cha hằng hữu gìn giữ... luôn hòa thuận yêu thương nhau. Xin Đức Kitô ban cho... được bình an và cho gia đình hằng yên vui đầm ấm.
 - A-men.
- Chúc... được hồng phúc có con nối dõi tông đường và được bạn hữu mến thương giúp đỡ và sống hòa hợp với mọi người.
 - Amen.
 - Chúc...trở thành nhân chứng tình yêu của Thiên Chúa Giữa thế gian: Luôn rộng lòng tiếp đón người khổ đau nghèo đói, để ngày sau chính họ sẽ đền ơn và mời đón vào nhà Cha trên Trời.
 - Amen.
- Và xin Thiên Chúa toàn năng là Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần ban phúc lành cho anh chị em.
 - A-men.
3.2. Lời nguyện trên dân.
 Trước đây những lời nguyện này được sử dụng thường xuyên trong phụng vụ, nhưng sau đó thì được giới hạn vào những ngày của mùa Chay mà thôi. Những lời nguyện này được phục hồi trong phụng vụ mới và sách Lễ Roma đưa ra 26 công thức khác nhau. Những lời nguyện này cũng có thể đọc cuối giờ cử hành phụng vụ lời Chúa, cuối giờ Kinh hoặc cuối buổi cử hành bí tích. Trước khi đọc, phó tế hoặc linh mục mời gọi: “Anh chị em hãy sẵn sàng đón nhận phúc lành của Chúa”. Và sau khi đọc lời nguyện thì linh mục thêm “Và xin Thiên Chúa toàn năng là Chúa Cha, là Chúa Con, và Chúa Thánh Thần ban phúc lành cho anh chị em”.
Ví dụ mẫu lời nguyện số 2 như sau:
“Lạy Chúa, xin ban ân sủng dồi dào, phù trợ cộng đoàn tín hữu Chúa Đây, xin cho hết mọi người được hồn an xác mạnh, biết yêu thương nhau hết dạ hết lòng và luôn sống hiệp thông với Chúa. Chúng con cầu xin...”.
4. Giải tán cộng đoàn: Cộng Đoàn được sai đi.
 Trong các lễ nghi trong Đông phương, những công thức giải tán được sử dụng là:
Tại Antiôkia và Ai cập: Hãy đi bình an.
Byzantin: Chúng ta hãy ra đi bình an.
Đông Syria: Chúng ta hãy ra đi trong bình an của Chúa Kitô.
Dân chúng đáp lại: Nhân danh Chúa.
 Phụng vụ Rôma có vẻ thực tế hơn, và sử dụng công thức pháp luật là: “Ite, missa est”. Theo nguyên ngữ, chữ missa đến từ động từ mittere có nghĩa là giải tán. Từ thế kỷ thứ 4 trở đi, chữ missa được sử dụng ám chỉ hành vi phụng vụ vừa được cử hành, tức Thánh lễ. Như vậy, Ite missa est có nghĩa là: hãy ra về, cuộc họp đã kết thúc. Hôm nay, câu này được dịch ra Việt ngữ: “Lễ đã xong chúc anh chị em ra về bình an”!
 Vị chủ tế hôn kính bàn thờ lần cuối, rồi cùng đoàn giúp lễ ra về. Phụng vụ Antiokia đề nghị một công thức giải tán hết sức cảm động như sau:
 “Hãy nghỉ an, hỡi bàn thờ thánh thiện của Chúa. Không biết rồi đây ta sẽ còn được trở lại với ngươi nữa hay không. Nguyện xin Chúa cho ta được nhìn thấy ngươi nơi cộng đoàn các trưởng tử ở trên trời. Tất cả niềm tin tưởng của ta là ở nơi giao ước này.
 Hãy nghỉ an, hỡi bàn thờ thánh thiện và xá tội. Xin cho Mình Thánh và Máu xá tội mà ta lãnh nhận được từ nơi ngươi trở nên ơn tha thứ cho những lỗi phạm của ta, xá giải mọi tội lỗi của ta, bảo đảm cho ta trước tòa án đáng khiếp sợ của Chúa và của Thiên Chúa đến muôn đời.
 Hãy nghỉ an, hỡi bàn thờ thánh thiện, bàn ban sự sống, hãy cầu cùng Chúa Kitô cho ta để ta luôn tưởng nhớ đến ngươi bây giờ và cho tới muôn đời”.
 Ý nghĩa việc giải tán được coi như lệnh truyền nhắc nhở chúng ta đoạn cuối Tin mừng theo thánh Mát- thêu: “Anh em hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ...” (28,19). Cộng đoàn giờ được sai đi trong Chúa Kitô và với Chúa Kitô. Đấng Phục Sinh hiện diện trên mọi nẻo đường thế giới. Huấn dụ Eucharisticum Mysterium số 38 ghi: “Sự kết hiệp thiêng liêng với Chúa Kitô là cùng đích của mầu nhiệm này. Nhưng không phải chỉ tìm thể hiện sự kết hợp đó duy ở phần đỉnh chóp của cử hành Thánh Thể: mà còn phải mãi kéo dài mãi ra trong đời sống Kitô hữu, thậm chí những tín hữu của Chúa Kitô phải không khi nào thấy mỏi mệt chiêm ngưỡng trong đức tin hồng ân đã lãnh nhận, hầu nhờ đó, cùng với sự hướng dẫn của Thánh linh, họ sống ngày ngày cuộc sống của mình trong tâm tình tạ ơn tràn trề, và làm trổ sinh cho dồi dào những hoa cùng trái của cây bác ái nữa vậy”.