Dân Chúa Âu Châu

Thưa cha,
Chúng con đang sống bên Pháp; thường xuyên đi dự thánh lễ Việt nam mỗi tháng 1 lần, ngoài ra những Chúa nhật khác tham dự thánh lễ trong các xứ đạo của Pháp. Mấy tháng sau này, chúng con có tham dự 2 lễ tang của người đồng hương: một người đã lớn tuổi và một trẻ em. Dịp này, chúng con cũng có chia sẻ với nhau về sự đau khổ của tang quyến cũng như cuộc đời. Người già cả có ra đi thì cũng dễ dàng chấp nhận, còn một em bé cũng bị quá vãng quá sớm thì thật là đau khổ.
Gia đình con cũng còn cha mẹ đã lớn tuổi và rất yếu, và một lúc nào thì các cụ cũng phải đi về với Chúa, và câu hỏi con muốn nêu lên là ý nghĩa của lễ an táng? Con cảm thấy ngay người Công giáo cũng coi là bình thường phải chôn cất theo nghi thức tôn giáo nhưng rất mù mờ về ý nghĩa của nghi thức đó?
Tammy Pham.


1. TRƯỚC CÁI CHẾT
Nói về sự chết luôn là một đề tài quan trọng, và chúng ta cần nhiều thận trọng; nhưng với người mang lòng tin, thì chúng ta biết Chúa Kitô có một cái nhìn mới về sự chết. Thật vậy khi có một người thân yêu qua đời, đó là thời gian đau khổ nhất của cuộc sống. Chúng ta nhận ra từ đó một chia cắt và làm khơi dậy nhiều vấn đề. Chúng ta bất lực và đôi khi phản kháng, nhất là cái chết còn kèm theo nhiều đau khổ về thể xác, hay cái chết liên quan đến những người còn trẻ. Chúng ta coi điều đó như một bất công, và ta tự đặt câu hỏi về ý nghĩa về cuộc sống và niềm tin vào Thiên Chúa. Chúng ta nhận thấy không có trở ngại nào cho đức tin lớn hơn là thực tại về đau khổ trên đời này. Chúng ta đặt câu hỏi: Thiên Chúa là Đấng yêu thương, lại để chúng ta phải chịu đau khổ trong những lúc vô cùng khốn khó. Tại sao một Thiên Chúa tốt lành lại chấp nhận cho tạo vật của Ngài, và ngay cả con cái của Ngài phải chịu đau khổ như vậy?
Trong nỗi hoang mang và đau buồn, còn phải soạn lễ an táng cho người quá cố, và đâu là ý nghĩa của nghi thức này?
2. TẠI SAO CẦN PHẢI CÓ NGHI THỨC AN TÁNG?
Chúng ta đang sống trong bối cảnh xã hội Âu châu. Bình thường, ta thấy có ít nhất ba trường hợp thường xảy ra cho một người qua đời:
- đôi lúc chúng ta thấy những người bấy lâu nay không đến nhà thờ, nhưng khi qua đời họ vẫn ao ước được đưa vào thánh đường chôn cất theo nghi thức an táng tôn giáo.
- có những người muốn diễn đạt một ý nghiã về sự hiện hữu của con người theo cách gợi hứng của lòng tin Kitô giáo.
- cuối cùng những Kitô hữu bình thường muốn tiếp nhận trong đức tin và niềm hy vọng về biến cố sự chết và tang chế mà nó kéo theo.
Theo một bản thống kê, như tình trạng ở bên Pháp hiện nay, dù người dân Pháp đi dâng Thánh lễ Chúa nhật chỉ vào khoảng độ 15%, nhưng khi có người qua đời thì 82% dân Pháp muốn được chôn cất theo nghi thức Kitô giáo.
Họ chờ đợi nơi Giáo hội cho một ý nghĩa về biến cố sự chết, một lời về người quá cố, đặt những cử chỉ tôn kính dành kẻ qua đời. Họ mong chờ nghe từ Giáo Hội cho lời hy vọng và đồng hành với họ trong sự bối rối cả người đang giáp mặt với tang chế.
3. NGHI THỨC AN TÁNG MANG LỢI ÍCH GÌ?
Nghi thức an táng mang mục đích vinh danh người quá cố và cầu nguyện cho họ, để diễn đạt nhân phẩm con người ngay lúc họ vừa mới qua đời. Đây cũng là cơ hội gặp gỡ mọi người trong gia đình cũng như bạn bè thân quyến của người quá cố. Đôi khi đó là dịp tìm về lại với nhau và hòa giải những tị hiềm xích mích. Nghi thức an táng giúp ta bắt đầu cuộc tang chế bằng cách làm bùng lên niềm hy vọng.
Đây cũng là thời gian thuận lợi để suy nghĩ về ý nghĩa cuộc sống và định mệnh con người. Nghi thức an táng mời gọi ta tĩnh tâm, cầu nguyện và mang lại cho ta một chứng từ về đức tin.
4. NHỮNG ĐIỀU CỤ THỂ NÊN LÀM.
Khi có một người trong gia đình qua đời, nên liên lạc báo tin cho linh mục tuyên úy hay cha sở. Các ngài có nhiệm vụ đồng hành với gia đình tang quyến trong giây phút đau buồn này. Riêng Thánh lễ an táng cũng còn phải sửa soạn cho chu đáo nữa. Cuộc sửa soạn này rất quan trọng cho gia đình có tang, vì đây là dịp để chia sẻ, lắng nghe, và liên đới.
Bình thường linh mục có trách nhiệm soạn nghi thức an táng với gia đình người quá cố nêu những điểm chính sau đây:
- cá tính người quá cố và hoàn cảnh cái chết của họ.
- ý nghĩa mà gia đình muốn nêu lên trong nghi thức an táng nhưng không quên sự hiện diện của cộng đoàn.
- lựa chọn những bài đọc trong Thánh lễ.
- soạn những lời nguyện trong Thánh lễ.
- đề nghị những bài hát thích hợp mà gia đình yêu thích.
- sự tham dự vào nghi thức của các thành viên trong gia đình (đọc bài đọc, hay những cử chỉ muốn có trong Thánh lễ như đốt nến v.v…)
- có thể cho một chứng từ về người quá cố: coi chừng không nên quá dài.
- … và những ý riêng của gia đình muốn có trong Thánh lễ và cần phải bàn với linh mục chủ lễ trước.
5. CHÚNG TA CHỜ ĐỢI GÌ?
Trong giây phút đau khổ khi đứng trước vấn đề sự chết, Giáo lý dạy chúng ta mang niềm hy vọng vào sự sống đời sau. Đó là cuộc sống sung mãn đi vào hiệp thông với Thiên Chúa đã được khởi hành dưới trần thế này. Cuộc sống vĩnh hằng còn là lời hứa đi vào mầu nhiệm «các thánh thông công», sự hiệp thông giữa loài người với nhau. Lịch sử cá nhân của từng người vẫn được tôn trọng nhưng giờ đây không còn những giới hạn làm ngăn chia chúng ta nữa.
Thánh Kinh dạy rằng cuộc sống vĩnh hằng sẽ xảy ra với Thiên Chúa và trước Thiên Chúa trong sự ca tụng. Đó là hình ảnh diễn đạt sự hiểu biết mầu nhiệm của Người một cách thâm sâu hơn!