Dân Chúa Âu Châu

BY: LM. THÊÔPHILÊ

 

IV. NGHI THỨC HIỆP LỄ.
 Trong cơ cấu Thánh Lễ hiện tại, cơ cấu nội tại của nghi thức Kinh Lạy Cha được phân chia dưới hình thức đối thoại gồm bốn phần: 1. Lời kêu mời của chủ tế cho một kinh nguyện đại đồng. 2. Tất cả cộng đoàn đọc hoặc hát Kinh Lạy Cha. 3. Vị chủ tế khai triển thêm ý nguyện cuối cùng: Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dự, và dẫn đến ý tưởng hạnh phúc ngày Cánh chung được hoan hô bằng câu tán tụng ca do toàn dân đáp.
1.Kinh Lạy Cha.
Kinh Lạy Cha có một vị trí ưu tiên trong phụng vụ. Trong Thánh lễ, chúng ta hát Kinh Lạy Cha sau khi kết thúc Kinh Tạ Ơn. Sau khi đã giao hòa với Chúa Cha nhờ lễ phẩm mới là Mình và Máu Chúa Kitô, cộng đoàn ngỏ lời với Chúa Cha trong cùng một tâm tình như Đức Giêsu (Ga 20,17), và theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần (Roma 8,15).
Kinh Lạy Cha được đưa vào Thánh Lễ để chuẩn bị rước lễ đã có trong truyền thống Rôma khoảng từ thế kỷ thứ 4. Sở dĩ kinh này được dùng để chuẩn bị rước lễ là vì những lý do sau đây:
1)    Trước hết kinh này có lời cầu xin Chúa ban cho “lương thực hằng ngày”. Lương thực này không những ám chỉ các nhu cầu vật chất, mà còn ám chỉ lương thực Thần linh là Thánh Thể, dấu chỉ tượng trưng cho tiệc Cánh chung trong nước Thiên Chúa.
2)    Kinh Lạy Cha cũng xin ơn tha tội để tâm hồn được trong sạch hầu xứng đáng tham dự vào tiệc Thánh.
3)    Kinh Lạy Cha còn mời gọi tín hữu tha thứ lỗi lầm cho nhau và giao hòa với nhau, đó là điều kiện và là hiệu quả của việc tham dự vào bí tích Thánh Thể: “Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”.
 2. Kinh khẩn xin (Embolismus).
 Tiếng Hy Lạp Embolismus có gốc em- ballein = đặt vào trong, xen vào giữa. Từ này chỉ tháng nhuận, thêm vào năm âm lịch theo những khoảng thời gian tương đối đều đặn, để bù vào sự chênh lệch giữa năm dương lịch với năm âm lịch.
 Trong phụng vụ, lời nguyện phụ là lời nguyện xen giữa hai lời nguyện khác. Trong thực tế, từ ngữ này chỉ lời nguyện sau Kinh Lạy Cha trong Thánh Lễ nhằm triển khai ý nguyện cuối: “Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ...“để cầu xin ơn bình an cho những ngày đang sống và để biểu lộ niềm hy vọng hồng phúc về ngày Chúa đến trong vinh quang. Cuối lời nguyện phụ này, cộng đoàn cùng tung hô:“Vì Chúa là vua uy quyền và vinh hiển muôn đời“. Lời tung hô này ban đầu được đặt tiếp liền với Kinh Lạy Cha để tránh lời kết thúc đề cập đến sự dữ.
 Các lời nguyện sau đây cũng được gọi là “lời nguyện phụ“: Các lời nguyện cầu cho người qua đời được xen vào Kinh Tạ Ơn II và III. Cũng vậy các lời nguyện khai triển kinh Communicantes và hanc Igitur mà trong một vài dịp nào đó, được thêm vào trong Lễ Quy Rôma (Kinh Tạ Ơn I).
3. Chúc bình an.
 Nghi thức chúc bình an gồm có lời nguyện xin ơn bình an, lời nguyện công khai duy nhất dâng lên Đức Kitô trong Thánh Lễ, tiếp đó linh mục và các tín hữu chúc bình an cho nhau, cuối cùng là Kinh “Lạy Chiên Thiên Chúa”, kết thúc bằng lời cầu “xin ban bình an cho chúng con”.
 Một khi đã được hòa giải với Thiên Chúa và với nhau, nhờ tái diễn hy lễ của Đức Kitô, và một khi đã cùng nhau hát Kinh Lạy Cha và theo chiều hướng ý nguyện thứ năm: “Và tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”, các tín hữu có thể trao cho nhau bình an trước khi đóng ấn mới quan hệ giữa họ với nhau qua việc hiệp lễ. Bình an là hoa trái tuyệt hảo của mầu nhiệm Vượt Qua (Ga 14,27; 20,19.20.26).
 Để chuẩn bị hành động đầy ý nghĩa bác ái giao hảo này, nhân danh cộng đoàn, chủ tế lớn tiếng đọc Oratio ad pacem: Cầu xin bình an và hiệp nhất cho Hội Thánh, cho tất cả gia đình nhân loại. Sau lời Amen của toàn thể, chủ tế chúc bình an cho họ và cộng đoàn đáp chúc lại. Vì công thức này thật ra chưa phải là một lời thỉnh mời trao đổi, nên liền sau đó phó tế hoặc vị chủ tế còn thêm: “Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau”.
 Theo truyền thống, cử chỉ hoặc dấu hiệu bình an là cái hôn chúc bình an. Tự nó, cái hôn đã rất có ý nghĩa, nhưng vì không phải ở đâu cũng quen cử chỉ ấy, nên có thể sử dụng nhiều cách chúc bình an khác. Trong vấn đề này, thái độ tinh tế và kính trọng những tập quán của người khác chính là dấu hiệu chúc bình an tốt nhất.
4. Cử chỉ bẻ bánh.
 Trong lúc cử hành Thánh lễ, sau lời chúc bình an, đang khi đọc kinh Lạy Chiên Thiên Chúa, chủ tế bẻ bánh Thánh Thể. Bẻ bánh là là một cử chỉ chuẩn bị hiệp lễ, cần thực thi với lòng sùng kính đặc biệt, vì đó là lặp lại cử chỉ của Chúa. Tính cách biểu tượng của cử chỉ này được nhấn mạnh qua ba lần kêu cầu Chiên Thiên Chúa, Đấng đã nộp mình vì chúng ta, Đấng chúng ta hưởng dùng, như là Chiên Vượt Qua mới.
 Bẻ bánh là một trong những danh xưng cổ nhất để chỉ Thánh Thể (Lc 24,35; Cv 2,42). Theo nghi thức bữa ăn của người Do Thái, sau khi đọc lời chúc tụng, vị chủ tọa bẻ bánh chia cho các thực khách. Đức Giêsu đã thi hành những cử chỉ này trong hai lần Người làm cho bánh hóa nhiều (Mt 14,9;15,36; Ga 6,11), và lúc Người thiết lập bí tích Thánh Thể (Lc 22,19). Từ đó nghi thức bẻ bánh trở thành biểu tượng để chỉ Đức Kitô – Người tôi trung dâng hiến mạng sống mình để chúng ta được sống dồi dào: Người tự trao nộp để được bẻ ra (qua đau khổ) và phân phát cho mọi người. Như vậy bẻ bánh trở thành động tác cốt lõi của phụng vụ Kitô giáo (Cv 2,46;20,7.11;27,35). Bẻ bánh là biểu tượng của hiệp nhất như Thánh Phaolô ghi trong thư 1Côrintô: “Khi ta nâng chén tạ ơn mà cảm tạ Thiên Chúa, há chăng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào thân thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh và tất cả chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (10,16-17). Bẻ bánh trong Thánh lễ đồng tế càng cần thiết và ý nghĩa hơn: một tấm bánh Thánh Thể duy nhất, phân phát cho các vị đồng tế và ít là vài tín hữu, sẽ diễn tả biểu tượng hiệp nhất rõ ràng hơn.
 5. Hòa lẫn Mình và Máu Thánh
 Trong phần nghi thức Hiệp lễ, sau lời chúc bình an Cha chủ tế sẽ bẻ bánh trên dĩa thánh và lấy một miếng nhỏ bỏ vào chén rượu và đọc thầm: “Xin Mình và Máu Chúa Kitô hòa lẫn với nhau mà chúng con sắp lãnh nhận cho chúng con được sống muôn đời”. Quy chế sách lễ Rôma không giải thích tập tục này nên nhiều người cảm thấy không cần thiết hoặc không hiểu rõ ý nghĩa cho lắm nhưng lại đồng ý giữ vì muốn trung thành theo truyền thống xưa cũ. Theo các nhà chuyên môn về phụng vụ, tập tục này được hiểu nhiều cách như sau:
 - Người ta nghĩ rằng lúc ban đầu, trong Thánh lễ do Đức Giáo Hoàng cử hành một mẫu bánh Thánh được giữ lại và mang cho các linh mục ở Rôma. Những vị này vì lo việc mục vụ nên không thể tham dự Thánh Lễ do ĐTC chủ tế. Cử chỉ trên biểu lộ tính cách hiệp nhất của Linh mục đoàn ở Rôma với vị chủ chăn của Giáo Hội.
 - Những mẩu bánh Thánh được lưu trữ dành cho những người hấp hối. Khi những mẩu bánh trở nên khô cứng và người ta phải thay đổi, và để dùng dễ dàng hơn nên người ta làm cho mềm ra bằng cách thấm vào Rượu Thánh.
 - Có lối cắt nghĩa khác dựa vào biểu tượng: Bánh và Rượu biểu trưng Mình và Máu Chúa Kitô. Trên bàn thờ Bánh và Rượu được để riêng ra nhưng khi cả hai được trộn chung vào Chén mang ý nghĩa “Sự Phục Sinh đã nối kết mãi mãi cho cuộc sống vĩnh cửu tâm hồn và thể xác Chúa Kitô”. (Lucien Deiss, La Messe, Paris 1989).
6. Kinh Lạy Chiên Thiên Chúa.
 Đây là lời tung hô Đức Kitô, hát ba lần liên tiếp vào lúc bẻ bánh trong Thánh Lễ. Thực ra, đây chỉ là một cách lập lời cầu khẩn trong Kinh Vinh Danh. Công thức này lấy lại những lời ông Gioan Tẩy Giả giới thiệu Đức Giêsu khi Người đến chịu phép rửa tại sông Gio- đan: “Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1,29). Ngoài ra lời kinh này còn nói lên hy lễ của Người Tôi Tớ đau khổ như lời Ngôn Sứ I-sa-i-a đã loan báo (Is 53,4.6.7.).
Trong nhạc Gregôriô, cũng như trong truyền thống lễ Missa ngày xưa, kinh này là một đoản khúc đầy cảm kích và diễn tả lòng khiêm tốn chứa chan tình yêu mến. Các nhà sáng tác nhạc luôn quan tâm đến khía cạnh đó. Kinh này được đưa vào Thánh Lễ theo nghi thức Roma hồi đầu thế kỷ thứ VII.
 Có khi người ta trưng bày hình tượng Chiên Thiên Chúa trên bàn thờ hay nơi nào khác ở nhà thờ vào thứ bảy trong tuần lễ áo trắng tức là thứ bảy trong tuần bát nhật Phục Sinh. (Tiếng La Tinh Octavus có nghĩa là thứ tám. Các đại lễ của dân Ít-ra-en thường được cử hành suốt một tuần và ngày thứ tám kết thúc những ngày lễ ấy một cách trọng thể. Trong sách Lê-vi có ghi những chỉ dẫn như sau: «Ngày 15 tháng 7 là lễ Lều kính Đức Chúa, trong vòng bảy ngày. Ngày đầu tiên phải họp nhau để thờ phượng Ta. Các ngươi không được làm một công việc nặng nhọc nào. Trong vòng bảy ngày, các ngươi phải tiến dâng lễ hoả tế lên Đức Chúa. Ngày thứ tám, các ngươi phải họp nhau để thờ phượng Ta, và phải tiến dâng một lễ hỏa tế lên Đức Chúa: đó là một buổi họp long trọng, các ngươi không được làm công việc nặng nhọc nào» (23,34-36; xem thêm 2 Sử biên niên 7,9.
Trong phụng vụ của Giáo Hội, ngày thứ tám vẫn là ngày Thánh kết thúc một đại lễ, nhưng từ Octavus cũng chỉ cả tám ngày mừng lễ. Ngày nay, chỉ còn Tuần Bát Nhật lễ Giáng Sinh và lễ Phục Sinh. Ngày thứ tám Lễ Giáng Sinh là ngày 1 tháng 1, lễ trọng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa; Ngày Thứ tám Lễ Phục Sinh là ngày Chúa nhật áo trắng.
Lễ Lều: Xưa kia người Do Thái gọi là «Lễ mùa gặt» hay là «ngày lễ». Nguồn gốc là một lễ về ruộng đất của người Canaan. Lễ mừng vào tháng 9 khi hái quả xong. Tại sao gọi là Lễ Lều? Có lẽ ban đầu là những nhà chòi bằng lá được cất lên để canh mùa nho chín. Nhưng «lều» cũng làm ta gợi nhớ lại những ngày lưu trú trong sa mạc dân ở trong những ngôi lều. VÌ lý do đó khiến người ta thêm cho lễ nhà nông một ý nghĩa kỷ niệm lịch sử của cuộc Xuất Hành trong 40 năm trường, dân Do Thái sống dưới lều khi di chuyển trong bán đảo Sinai. Phụng vụ Kitô giáo không giữ lại gì về lễ này). Đó là những tượng nổi bằng sáp đắp hình con chiên đang nằm, một chân tựa vào cây Thánh Giá dựng đứng. Đó là tục lệ của phụng vụ Rôma gắn liền với nến Phục Sinh: các tín hữu có thói quen thu lượm những mẩu sáp vào ngày thứ bảy tuần thánh để dùng chống lại ma quỉ. Về sau, cứ bảy năm một lần, Đức Giáo Hoàng làm phép trọng thể những tượng Chiên Thiên Chúa. Thói quen này là một hình thức tôn kính Đức Kitô chịu chết và Phục Sinh.