Dân Chúa Âu Châu

BY: LM. THÊÔPHILÊ

Ít lâu nay trong truyền thông, chúng ta thường nghe nói tới Giáo Hội Ngũ Tuần. Họ có ảnh hưởng quan trọng, nhất là tại Hoa Kỳ với tổng thống Bush như thành viên. Giáo Hội này khai sinh ra từ đâu và tại sao có ảnh hưởng như vậy?
1. MỘT GIÁO HỘI PHÁT TRIỂN VÀ CÓ ẢNH HƯỞNG LỚN.
Giáo hội Ngũ Tuần không ngừng phát triển và gây ngạc nhiên không ít. Theo một thống kê ghi trong cuốn Bách Khoa về thế giới Kitô giáo của David Barret, thuộc viện đại học Oxford xuất bản năm 2001, chỉ trong khoảng thập niên 1980 đến 1990, Giáo phái Ngũ Tuần đã tăng số tín đồ lên 4 lần. Từ 51 triệu, tín đồ Ngũ Tuần đã lên tới 193 triệu và có mặt trên khắp mọi lục địa trong 130 quốc gia.
Tại Á châu, tín đồ Ngũ Tuần tại Đại Hàn chiếm 25% tổng số người Kitô giáo. Ở Việt Nam, Giáo hội Ngũ Tuần có mặt vào khoảng thập niên 1970, và hiện nay đã có khoảng 200 chi hội được phân bố trong 9 giáo hạt có mặt tại Bắc, Trung và Nam, và 3 giáo hạt cho người dân tộc như Kơho, Êđê, H’mông...Tại Ấn Độ, theo một thống kê năm 1996, 41% những người theo Giáo hội Ngũ Tuần đến từ Công Giáo; 31% đến từ các giáo hội Tin Lành và 28% đến từ các tôn giáo ngoài Kitô giáo, nhất là đến từ Ấn Độ giáo (Eglises d’Asies, Paris, số tháng 9.1996).
Tại Âu châu, Giáo hội Ngũ Tuần tại Ý còn đông hơn con số tín hữu các Giáo Hội Tin Lành cổ điển; nhưng tại hai lục địa châu Mỹ La tinh và Phi châu phong trào tôn giáo Ngũ Tuần được coi như phát triển mạnh mẽ nhất. Tại châu Mỹ La tinh như Ba Tây, Chí Lợi và Guatemala con số tín đồ theo Giáo hội Tin Lành cho 20 năm ở cuối thế kỷ XX gia tăng 10%, và trong đó 2/3 là thuộc Giáo hội Ngũ Tuần. Tại Phi châu, hầu như mọi giáo phái thoát thai ra từ Tin Lành đều mang dấu Giáo hội Ngũ Tuần, và cho tới năm 2000, tín đồ Ngũ Tuần tại Phi châu chiếm đa số, đông hơn Giáo hội Công Giáo và Tin lành.

William J. Seymour

được xem là người khởi phát Phong trào Ngũ Tuần.

 

Nguồn gốc: Giáo Hội Ngũ Tuần được khai sinh ra tại thành phố Los Angeles vào năm 1906. Ông William Joseph Seymour là một mục sư người da đen thuộc Giáo hội Methodiste. Ông theo học tại Trường Thánh Kinh Topeka thuộc bang Kansas với một nhà thuyết giảng Methodiste da trắng tên Charles Fox Parham. Tại đây đã xảy ra một biến cố khác thường vào ngày 01.01.1901: một phụ nữ được ơn nói “tiếng lạ” như thời Giáo Hội tiên khởi tại Giêrusalem ghi lại trong chương 2 của sách Công Vụ các Tông đồ. Sau kinh nghiệm này, mục sư Seymour năng nổ cầu nguyện xin được ơn chịu “phép rửa trong Thánh Thần” với ơn nói “tiếng lạ”, nhưng lời cầu nguyện của ông chưa được toại nguyện. Mục sư Seymour thành lập một cộng đoàn chuyên về cầu nguyện ở thành phố Los Angeles cho những người da đen làm nghề giúp việc. Và chính tại tại nguyện đường toạ lạc ở Azuza Street vào năm 1906, mục sư Seymour và một người bạn được ơn nói “tiếng lạ”.
Chúng ta cần biết sơ qua bối cảnh kinh tế và xã hội thời bấy giờ ở Hoa Kỳ để hiểu rõ sự phát triển của Giáo Hội Ngũ Tuần ngay từ lúc đầu. Tin đồn “tiếng lạ” được loan ra nhanh chóng giữa các cộng đoàn người kiều cư. Họ là thành phần thất vọng với ảo ảnh thành công của thành phố Los Angeles. Giờ đây người da đen và da trắng đều trộn lẫn như thể ngang hàng nhau, trong một bối cảnh kỳ thị chủng tộc đang lên tới cao điểm. Phong trào Ngũ Tuần đưa dấu chỉ huynh đệ không phân biệt màu da hay chủng tộc qua những buổi cử hành phụng vụ; và cũng có một số người da trắng không chấp nhận dưới quyền điều khiển của mục sư da đen, cho nên họ tách rời khỏi nhóm mục sư Seymour. Nhưng chỉ trong vòng 5 năm sau đó, mục sư Seymour đã gieo được hạt nhân “phong trào hoà bình theo niềm tin tông truyền” trên khắp nước Hoa Kỳ.
Sứ điệp chính của Phong trào là cổ võ biến cố Ngũ Tuần không thuộc về quá khứ, nhưng là một kinh nghiệm cho ngày hôm nay, và có thể xảy đến cho mọi tín hữu Kitô giáo một khi họ sống sám hối và cầu nguyện. Biến cố Ngũ Tuần biểu lộ qua các ơn đặc biệt như nói “tiếng lạ”, chữa lành, nói tiên tri và phá bỏ hàng rào chủng tộc. Phong trào quy chiếu vào Thánh Kinh nhưng họ không đọc Thánh Kinh theo thuyết bảo thủ, nhưng trung thành theo tinh thần Lời Chúa và đi vào kinh nghiệm xúc cảm với Thiên Chúa. Ngoài ra tín đồ Ngũ Tuần còn có thêm dấu nét riêng biệt là năng động làm thừa sai mang Tin Mừng đến cho mọi người.
Đợt sóng phát triển thứ hai. Năm 1908, Phong trào lan qua Ai cập, Nam Phi, Na Uy, Hoà Lan... và chỉ trong vòng 2 năm họ đã có mặt trên 50 quốc gia. Vào khoảng thập niên 1950, Giáo Hội Ngũ Tuần lại có thêm một cơ hội phát triển khác. Tại các nước đệ tam, thấy xuất hiện đám người nghèo ở các làng mạc kéo về thành phố sống chui chúc ở các thành phố, và làm thành những thành phố rất đông dân cư. Giáo Hội Ngũ Tuần đã đến với những người bị bật rễ với những lối sống riêng biệt qua lời hát, điệu vũ. Tất cả kết lại với nhau như một bảo đảm cho cuộc sống thiêng liêng, xã hội và vật chất. Ơn đoàn sủng chữa lành giữ vai trò quan trọng như ơn nói “tiếng lạ”. Giờ đây Giáo hội Ngũ Tuần khai sinh ra thêm về mặt tổ chức địa phương. Các Giáo hội địa phương lấy cảm hứng về phụng tự từ các Giáo Hội Ngũ Tuần nguyên thuỷ, nhưng bây giờ mỗi Giáo hội đều tự lập. Từ đây khai sinh ra nhiều Giáo hội khác bắt nguồn từ Giáo hội Ngũ Tuần của mục sư Seymour. Tại Ba Tây, giới công nhân kiều cư tại thành phố Sao Paulo đã tự lập nên Giáo hội với các mục sư thoát ra từ lòng cộng đoàn của họ để sau này trở thành Giáo hội “Ba Tây cho Chúa Kitô”. Tại Đại Hàn, Giáo Hội Ngũ Tuần khai sinh từ năm 1958 mang tên “Giáo hội Yodo của Tin Mừng”. Hôm nay, được coi như chi hội Ngũ Tuần lớn nhất thế giới.
Chúng ta cũng không thể chối cãi có một số ảnh hưởng của Giáo hội Ngũ Tuần trên các Giáo hội Kitô giáo. Đó là sự phát sinh ra các phong trào Thánh Linh Công Giáo và Tin lành. Một số tín hữu Kitô giáo đã nhận linh đạo Ngũ Tuần nhưng không ly khai với Giáo hội của mình. Nhóm Thánh Linh đầu tiên do Mục sư Louis Dallière thuộc Giáo hội Tin Lành Cải Cách Pháp được thành lập vào năm 1930, mang tên “Hiệp hội cầu nguyện”. Năm 1961, Mục sư Larry Ckristenson thành lập trào lưu Thánh Linh thuộc Giáo hội Tin Lành hệ phái Luther. Phong trào Thánh Linh trong Công Giáo được khai sinh vào năm 1967 trong khu xá đại học Công giáo tại thành phố Pittsburg, bang Pensylvanie. Vào năm 1973, có những cuộc đàm thoại về Thần học được tổ chức tại thành phố Malines (Bỉ) do Đức Hồng Y Suenens khởi xướng; và năm 1974 một tài liệu ra đời xác định các Nhóm Canh Tân Thánh Linh Công giáo đồng ý không hẳn có mối liên hệ bắt buộc giữa ơn nói “tiếng lạ” và phép rửa trong Thánh Thần. Và thần học của các nhóm Thánh Linh Công giáo theo linh đạo Ngũ Tuần giải thích phép rửa trong Thánh thần theo hai chiều hướng: Đây là sự ý thức về ân sủng đã nhận được, tức là phép rửa trong Thánh Thần không độc lập với các bí tích. Lối giải thích thứ hai gần với tư tưởng của Ngũ Tuần hơn, cho rằng phép rửa trong Thánh Thần có phần nào độc lập với các bí tích. Họ dựa vào thánh Thomas Aquin cho rằng có những sứ vụ đặc biệt do Thánh Thần gieo vào lòng người nhận phép rửa trong một khúc quanh quan trọng nào đó trong cuộc sống Kitô hữu. Và phép rửa trong Thánh Thần là một trong những sứ vụ đó. Cả hai lối giải thích đã sửa đổi học thuyết của Giáo hội Ngũ Tuần cho phù hợp với thần học Công giáo về bí tích.
Các nhánh rẽ hay đợt phát triển thứ ba. Đợt sóng thứ ba xảy ra vào thập niên 1970, với sự phát riển mạnh mẽ của ngành truyền thông xã hội. Phong trào Ngũ Tuần phát sinh trong thời đại này thường được gọi là nhóm “Tân Ngũ Tuần”, vì họ đã dùng các phương tiện truyền thông để thu nhập các tín đồ và tài chánh. Ví dụ điển hình nhất là “Giáo hội hoàn vũ Nước Trời” tại Ba Tây được thành lập vào năm 1977 bởi một nhân công của viện xổ số quốc gia tên là Edir Macedo. Với tài ăn nói, ông đã thu thập được 3 triệu tín đồ, và trở thành Giáo hội Ngũ Tuần đứng hàng thứ 2 tại Ba Tây. Họ có đài truyền hình quốc gia số 3, hơn 30 đài truyền thanh và một số báo chí. Ngoài ơn nói “tiếng lạ, đặc điểm của “Tân Ngũ Tuần” là các phép lạ và mang cuộc chiến chống lại ma quỷ trong các buổi phụng tự. Nhóm “Tân Ngũ Tuần” còn khác với hai đợt sóng đầu là họ chấp nhận quyền hành chính trị, tức là nhận quyền nhất thời chứ không chỉ chờ đợi ngày Chúa Kitô trở lại. Vì thế, đã có tín đồ Ngũ Tuần ra tranh cử, và tại châu Mỹ La tinh cũng như tại Hoa Kỳ, Giáo hội Ngũ Tuần giữ vai trò quan trọng trong các cuộc bầu cử.
Tóm lại, chúng ta thấy Giáo hội Ngũ Tuần được thành hình qua ba đợt phát triển trong thế kỷ XX. Chính vì sự phân tán ra thành nhiều mảnh Giáo hội khác nhau lại trở nên một trong những nguyên nhân chính cho Giáo hội Ngũ Tuần bành trướng. Cũng vì thế, người ta không gọi Giáo hội Ngũ Tuần nhưng Các Giáo hội Ngũ Tuần (Croire Aujourd’hui số 161, tháng 10.2003).
Những lý do thành công. Theo Jean Paul Willaime, một chuyên gia về các Giáo hội Tin lành và giám đốc nghiên cứu tại “École Pratique des Hautes Etudes”, giải thích trong tập san “Actualités des Religions số 19 tháng 9.2000” sự thành công dựa vào lý do xã hội và văn hoá. Trong một xã hội Âu châu mất những điểm mốc, một số các tín đồ ưa thích cảm nhận một Thiên Chúa gần gũi, cụ thể, nơi mà các Giáo hội cổ điển chỉ qui chiếu một cách trừu tượng. Trong Giáo hội Ngũ Tuần, có một tương quan thực nghiệm vào Thiên Chúa, làm cho người tín hữu cảm nhận ngay tức khắc hành động thần thiêng cũng như hiệu quả của nó.
Thêm nữa, trong Giáo hội Ngũ Tuần mọi người có quyền lên tiếng không phân biệt phái tính, giai cấp xã hội hay khả năng tri thức. Tính cách cảm xúc của phong trào chạm đặc biệt đến giới phụ nữ và họ nói tiên tri nhiều hơn phái nam... Trào lưu Ngũ Tuần còn giúp cho giới nghèo được tái lập lại căn tính của họ đã bị xã hội và kinh tế ruồng bỏ. Đây là một hình thức lấy lại nhân phẩm và là cơ hội để tái định hướng vào xã hội. Điều này đã được thấy rõ xảy ra tại Phi châu và châu Mỹ La tinh. Ngũ Tuần là một phong trào rất uyển chuyển, và tiếp nhận mọi nền văn hoá địa phương.
Ngoài ra, chúng ta có thể thấy thêm những lý do sau đây:
- Đó là những Giáo hội tự trị, theo người bản địa với cơ cấu riêng, với nền thần học bản địa và phụng tự theo bản xứ.
- Họ thành công xây dựng nền thần học nhưng không đánh mất cội nguồn của họ là nền văn hoá truyền khẩu. Giáo hội Ngũ Tuần còn hình thành một sự hoà đồng chủ nghĩa với những nền văn hoá tiền-Kitô giáo và những nền văn hoá ngoài Kitô giáo của người dân bản xứ. Ví dụ như tại châu Mỹ La tinh, họ đã nhận những nghi thức điều trị của người thổ dân dân bản xứ vào linh đạo của họ. Tại Phi châu, thì nhận lãnh nghi thức điều trị của các thầy lang băm chữa bệnh; và tại Á châu, họ lấy lại những yếu tố của đạo Saman.
- Đây là những Giáo hội còn mới mẻ, vì thế các mục sư, tín đồ, phụng tự đều phản ánh nét văn hoá sống động và tươi trẻ.
- Sự thành công cũng đến từ việc sử dụng những hình thức phượng tự mẫu như thị kiến, xuất thần, múa nhảy trong Thánh thần, khóc trong vui mừng, chữa lành và làm nhân chứng. Các nhà chuyên môn nhận thấy tinh thần của Giáo Hội Ngũ Tuần làm lộ ra giữa tính hiện đại một “linh đạo nguyên thuỷ” như sự bật lại của những thế kỷ duy lý ở Âu châu.
2.NIỀM TIN CỦA TÍN ĐỒ NGŨ TUẦN.
Sứ điệp của Giáo hội Ngũ Tuần thường tóm lại với sự khẳng định: “Đức Giêsu cứu, ban phép thánh tẩy, chữa lành và Ngài trở lại”. Đức Giêsu cứu chúng ta khỏi những tội lỗi và dẫn đưa ta về cuộc sống vĩnh cửu. Ngài ban phép thánh tẩy trong Chúa Thánh thần và điều đó biểu lộ qua ơn nói “tiếng lạ”. Đức Giêsu chữa lành những bệnh tật của chúng ta; vì thế các buổi phụng tự của tín đồ Ngũ Tuần thường kết thúc bằng lời cầu nguyện cho những bệnh nhân với sự đặt tay trên đầu. Và Đức Giêsu sẽ trở lại, vậy chúng ta cần phải sửa soạn cho ngày tái lâm đó.
Với dấu nét riêng biệt năng động làm thừa sai mang Tin Mừng đến cho mọi người và đặt trọng tâm vào cảm nghiệm, nên Giáo hội Ngũ Tuần không xây dựng một nền thần học đòi hỏi nhiều tri thức, nhưng họ đặt vào niềm tin dể hiểu dựa vào việc hiểu Thánh Kinh ngay tức khắc. Chung chung, các Giáo hội Ngũ Tuần đều đồng ý vào những điểm sau đây:
- Chỉ có một Thiên Chúa mạc khải thành 3 nhân vật. Thiên Chúa tự mạc khải cho loài người qua Lời không sai lầm của Ngài là Thánh Kinh. Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria. Ngài sống cuộc đời không tội lỗi, bị chết treo trên thập giá, ba ngày sau Ngài sống lại từ cõi chết và lên Trời để cầu bàu cho chúng ta. Ngài sẽ trở lại thế gian này vào ngày tận thế để đưa Giáo hội (Ngũ Tuần) về và thiết lập Nước Thiên Chúa.
- Con người mang thân phận tội lỗi và sống dưới sự giận dữ của Thiên Chúa. Họ có thể được Đức Giêsu cứu rỗi qua lòng tin. Sự cứu rỗi nhưng không, là hoa trái ân sủng của Thiên Chúa. Vì được cứu rỗi, nên người tín đồ phải đi trong sự thánh thiện và hoàn thành những việc đạo đức không phải để được cứu rỗi nhưng đó là dấu chỉ của đức tin.
- Phép thánh tẩy chỉ được trao ban cho người trưởng thành, hoặc những ai theo tiến trình cá nhân để đến gặp gỡ Thiên Chúa. Đối với trẻ nhỏ, đa số các Giáo hội Ngũ Tuần chỉ có nghi thức dâng đứa bé như lời chúc phúc làm trong một buổi phụng tự.
- Ngoài phép Rửa bằng nước, còn có sự chờ đợi phép Rửa trong Thánh Thần. Nói phải chờ đợi vì không ai biết trước việc này sẽ xảy đến bao giờ cho mình. Dấu chỉ được phép Rửa là tự nhiên người đó bộc phát nói “tiếng lạ”. Đây là đặc sủng nói được ngôn ngữ lạ đã thấy xảy ra như sách Công vụ các Tông đồ ghi lại nơi 2,14. Theo thánh Phaolô đây là thứ ngôn ngữ không ai hiểu được (1 Cr 12,10; 28,30; 13,1,8; 14,1-40; Rôma 8,26), một thứ ngôn ngữ cấu âm không rõ ràng và khó nghe nhân vì trạng thái xuất thần, và ngay cả người nói cũng không tự hiểu mình nói gì.
-Niềm tin vào sự chữa lành và việc thực hành những ân huệ thiêng liêng như ơn nói tiên tri, thị kiến, mạc khải, phép lạ... là điểm quan trọng trong học thuyết của Giáo hội Ngũ Tuần. Điều này cũng giải thích lý do sự bành trướng của phong trào Ngũ Tuần, vì trên thế giới đã có nhiều người được chữa lành sau khi được đặt tay, và từ đó dân chúng đã đi theo.
- Người Ngũ Tuần cho rằng suy tư thần học không cần thiết. Chỉ cần mình Chúa Thánh Thần mới giúp cho ta qua việc học hiểu Thánh Kinh.
3.GIÁO HỘI NGŨ TUẦN HÔM NAY.
Người ta ước lượng Giáo hội Ngũ Tuần Truyền thống tức là những người còn giữ theo đợt sóng đầu với nhóm của Mục sư Seymour, có khoảng 193 triệu tín đồ được chia ra làm thành ba luồng thần học:
- Nhóm theo tư tưởng của Weslay: Weslay sáng lập ra giáo hội Methodiste vào thế kỷ thứ 18. Theo nhóm này, “Phép rửa trong Thánh Thần’ là kinh nghiệm thứ Ba sau kinh nghiệm thứ nhất là Sự Trở Lại, và kinh nghiệm thứ hai là Thánh Hoá.
- Nhóm theo hệ phái Tin Lành Calvin, và Báp-tít: Phép rửa trong Thánh Thần là kinh nghiệm thứ Hai. Kinh Nghiệm “Thánh Hoá” chỉ là điều toả ra trong thời gian những khả năng tiềm tàng của sự Trở lại.
- Nhóm Qui Nhất là nhóm chối bỏ giáo thuyết về Thiên Chúa Ba Ngôi.
Những Giáo hội Ngũ Tuần thoát ra từ đợt sóng thứ Hai gồm cả các phong trào Thánh linh trong các Giáo hội Tin Lành và Công Giáo. Họ là những Kitô hữu lấy theo linh đạo Ngũ Tuần nhưng không chối bỏ Giáo hội của mình. Người ta ước lượng, đợt sóng thứ hai qui tụ được khoảng 80 triệu người không kể các Nhóm Thánh Linh trong Giáo hội Tin lành và Công Giáo nhưng theo linh dạo Ngũ Tuần.
Những Giáo hội Ngũ Tuần ra từ đợt sóng thứ Ba qui tụ khoảng 30 triệu tín đồ và phần nhiều đều ở Mỹ châu:
- Phong trào Niềm Tin “Faith Movement”, với Rhema Church. Phong trào này nhấn mạnh đến sức mạnh của lời nói, sức khoẻ và sự giàu sang đưa con người đến hạnh phúc thiêng liêng. Nguy hiểm là đặt Thần Khí vào địa vị của chúng ta để hoàn thành những ước mơ duy vật và quá tự yêu mình.
- Nhóm “trùng hưng” đặt nặng vấn đề trên mối tương giao giữa cá nhân với nhau hơn là đối với cơ cấu. Họ muốn trùng hưng Giáo hội sơ khai bằng cách phục hưng lại những thừa tác vụ được ghi trong chương 4, thư của thánh Phaolô gửi giáo đoàn Êphêxô.
- Nhóm “Dominion Movement” muốn theo chế độ thần quyền. Họ muốn tái lập Nước Thiên Chúa trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
- Nhóm “Power Encounter Move-ment” chỉ nhấn mạnh vào những cuộc chữa lành và những dấu chỉ khác thường.
KẾT LUẬN.
Giáo hội Ngũ Tuần là một phong trào thức tỉnh Tin Mừng. Những người này tin rằng ân đoàn sủng có từ thời Giáo hội tiên khởi không phải là một biến cố khác thường. Đó là ơn mà mọi tín hữu có thể chờ đợi và xin nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Sự xuống ơn tức khắc và cảm nhận được bởi giác quan được gọi là Phép rửa trong Thánh Thần.
Ơn nói “ngôn ngữ” đối với người tín hữu Ngũ Tuần là dấu chỉ thực tế khởi đầu và hiển nhiên về Phép rửa trong Thánh Thần. Ơn nói “ngôn ngữ” luôn còn là một yếu tố quan trọng trong niềm tin của người Ngũ Tuần.
Chúng ta thấy những tín hữu Ngũ Tuần tiên khởi phần đông đều xuất thân từ Giáo hội Methodiste, số còn lại đến từ hệ phái Tin lành Calvin và Nhóm Báp-tít. Họ giữ tư tưởng về Giáo hội học, cũng như học thuyết về ân sủng của Giáo hội gốc. Cho đến hôm nay, không bao giờ có sự hiệp nhất của các Giáo hội Ngũ Tuần về những vấn đề trên.