Dân Chúa Âu Châu

BY: LM. THÊÔPHILÊ

 

7. Hiệp Lễ.
 Sau khi bẻ bánh xong, nghi thức hiệp lễ được bắt đầu với một chuẩn bị nho nhỏ: một kinh riêng dành cho linh mục. Đây là lời nguyện riêng nên đọc thầm. Cộng đoàn cũng chuẩn bị rước lễ nhưng không phải bằng cách lắng nghe những lời chủ tế đọc mà là cầu nguyện thầm lặng riêng.
 Sau công việc riêng lẽ này, chủ tế khai mở nghi thức bằng cách nâng cao Mình Thánh và đọc câu tung hô thỉnh mời: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng gánh tội trần gian. Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa” (Ga 1,29; Khải Huyền 19,9). Rồi vị chủ tế cùng với giáo dân bày tỏ lòng kính sợ khiêm cung, tức là chỉ dám tiến tới bàn tiệc Thánh với tâm tình của viên sĩ quan bách quân xưa: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh” (Mát-thêu 8,8).
 Phụng vụ ngày nay khuyến khích giáo dân rước Mình Thánh được truyền phép trong chính Thánh Lễ mà họ tham dự. Đó là thói quen lâu đời trong Giáo Hội. Tới thế kỷ thứ 18? Vì muốn nhấn mạnh đến sự hiện diện thực sự của Chúa trong phép Thánh Thể bao lâu hình bánh và rượu còn giữ nguyên bản chất, nên mới bắt đầu có thói quen dùng Mình Thánh đã được truyền phép sẵn trong các Thánh Lễ trước để cho rước lễ. Thói quen này làm mất tính cách duy nhất của Thánh Lễ, nghĩa là làm lu mờ mối tương quan mật thiết giữa việc truyền phép và rước lễ. Vì thế huấn thị về việc tôn thờ Thánh Thể ban hành năm 1968 quy định: “Để biểu thị cách rõ rệt hơn ý nghĩa hiệp lễ là tham dự vào lễ hy sinh được cử hành, phải liệu sao cho các tín hữu rước Mình Thánh được truyền phép trong chính Thánh Lễ đó” (#31). Vì thế dùng Mình Thánh đã được 1 truyền phép trong các Thánh Lễ trước không đi ngược lại truyền thống phụng vụ tốt đẹp, mà còn trái với ý muốn của Giáo Hội nữa. Tuy nhiên nói thế không có nghĩa là không được dùng Mình Thánh đã được truyền phép ở các lễ trước để cho rước lễ. Vì dầu sao những hình bánh đó cũng có sự hiện diện thực sự của Chúa. Truyền thống phụng vụ và mong muốn của Giáo Hội chỉ nhằm mục đích làm nổi bật ý nghĩa tượng trưng và tính cách duy nhất của một hành vi phụng vụ mà thôi.
Ngoài ra rước lễ dưới hai hình thức cũng là một điều đáng khuyến khích. Đó cũng là thói quen lâu đời trong Giáo Hội. Tới thế kỷ thứ 13, vì những lạm dụng gây bất kính đối với Chúa vì sợ lây bệnh truyền nhiễm, nên thói quen rước lễ dưới một hình thức mới bắt đầu phát triển. Ngày nay Giáo Hội qua qui chế tổng quát #240 vẫn khuyến khích các tín hữu rước lễ dưới hai hình thức: “Xét về phương diện dấu chỉ thì rước lễ dưới hai hình thức trọn hảo hơn. Vì rước lễ theo hình thức này sẽ làm sáng tỏ hơn dấu chỉ của bữa tiệc Thánh Thể. Đàng khác hình thức này cũng biểu thị rõ rệt hơn ý định của Giao ước mới và vĩnh cửu được thiết lập trong Máu Chúa Kitô, đây cũng là hình thức biểu thị rõ rệt hơn Bữa Tiệc Thánh Thể và Bữa Tiệc Cánh Chung ở trong Nước Thiên Chúa”. Rước lễ dưới hai hình thức biểu lộ được đầy đủ hơn ý nghĩa của dấu chỉ Bí Tích. Vì trong bữa Tiệc Ly, Chúa đã truyền không những “Hãy cầm lấy mà ăn”, nhưng còn “Hãy cầm lấy mà uống” nữa. Chén cũng là dấu chỉ Giao ước mới (Lc 22,20), là bảo chứng và khát vọng về Bữa Tiệc Thiên Quốc (Mc 26,29), và là dấu chỉ của sự hiếp nhất với sự đau khổ của Chúa Kitô (Mc10,38-39). Bởi vậy khi rước Máu Thánh, không phải chỉ chịu lấy chút rượu mà thôi, nhưng biểu lộ niềm khát vọng về Bữa Tiệc đời đời, quyết tâm dấn thân cho giao ước mới và hiệp thông với sự đau khổ của Chúa Kitô.
 V. NGHI THỨC KẾT LỄ:TỪ CỘNG ĐOÀN ĐƯỢC PHÂN TÁN RA ĐI.
 Kết thúc các cuộc họp hẳn nhiên phải có lời chào tạm biêt và hẹn gặp lại. Điều này cũng gợi lên tính cách hiệp nhất trong tinh thần của những người cùng tham dự chung một biến cố, rồi họ phải tản mác dấn thân vào sinh hoạt khác. Cuộc họp Thánh Lễ cũng giữ thói quen trên. Lời chào kết thúc Thánh Lễ được phát triển dần dà theo dòng thời gian và kết nên thành một nghi thức phụng vụ. Nghi thức kết lễ gồm năm phần với tầm quan trọng khác nhau, nhưng tất cả đều có ý nghĩa:
1) Thông tin về những tin tức liên quan đến cộng đoàn.
2) Lời nguyện Hiệp Lễ.
3) Phép lành.
4) Giải tán.
5) Bài ca tạ lễ.
1. Thông tin về những tin tức liên quan đến cộng đoàn.
 Khi bài ca hiệp lễ vừa chấm dứt, bàn thờ cũng được thu dọn gọn gàng. Tất cả những vật dụng trưng trong bữa tiệc cần phải được thu xếp. Những dấu chỉ còn lại như Mình Thánh Chúa và Chén Thánh cũng cần được cất đi với lòng cung kính. Mình Thánh Chúa thường được đưa vào Nhà Tạm, còn Chén Thánh cần được lau sạch. Cử chỉ cuối cùng này không phải là một cử chỉ phụng vụ, nên cũng có thể lau Chén Thánh sau Thánh Lễ.
 Khi đã xong mới tới phần thông tin. Đây cũng là một nghi thức, nên khuyên mọi người ngồi xuống để nghe được một cách chăm chú hơn. Người ta đặt vấn đề là nên thông tin đến cộng đoàn ngay lúc này hay là làm sau lời nguyện hiệp lễ. Quy chế tổng quát chỉ thị: “Đọc Lời Nguyện Hiệp Lễ xong, nếu có gì cần loan báo thì loan báo cách vắn tắt” (#123). Tại sao phần này cũng được coi là một nghi thức? Thông tin đã được biết đến như một nghi thức xưa cổ, nhắc nhở cộng đoàn không chỉ là một cộng đoàn đến lo việc phụng vụ nhưng còn là tình hiệp thông huynh đệ. Chúng ta đọc thấy trong Tin Mừng Luca các tông đồ cũng đã làm: “Các tông đồ trở về thuật lại cho Đức Giêsu những việc các ông đã làm” (9,10).
2.Lời nguyện hiệp lễ.
 Lời nguyện hiệp lễ cũng rất xưa cổ. Lời nguyện này luôn luôn cầu xin cùng Thiên Chúa Cha. Trong phần Nhập Lễ lời tổng nguyện gom thành phần dân chúa lại, thì ở đây lời nguyện Hiệp Lễ nối kết lại mọi tác động và lời nói kết thành cuộc cử hành. Lời nguyện Hiệp Lễ mang hai phần và như là lời cầu nguyện xin: Nhắc nhở ta về ân huệ nhiệm mầu mà ta vừa lãnh nhận, và tiếp là lời cầu xin cho ân huệ đó biến đổi cuộc sống hằng ngày của chúng ta và xin đừng kết án. Thật thế, chúng ta xin cho mình đừng phản bội ân huệ vừa lãnh nhận. Phụng vụ Đông phương ở lúc này thường nhắc lại chuyện người gian phi xám hối trên Thập Giá: “Hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên Thiên đàng” (Lc 23,43). Lời nguyện Hiệp Lễ sửa soạn cho bữa tiệc chấm dứt và loan báo sự ra đi. Vị chủ tế cầu xin cho những hiệu quả của mầu nhiệm vừa lãnh nhận được thể hiện trong đời sống Kitô hữu, và cộng đoàn tán thành bằng lời Amen hoan hỷ. Bữa tiệc của Chúa đến đây kết thúc. Ví dụ Lời nguyện Hiệp lễ thứ tư sau Chúa nhật thứ II mùa phục sinh:” Lạy Chúa xin phù trợ chúng con là đoàn dân của Chúa. Chúa đã lấy bánh bởi trời mà nuôi dưỡng chúng con, xin cũng giúp chúng con từ bỏ nếp sống cũ và hân hoan bước vào đời sống mới nhờ kết hợp với Đức Kitô Phục sinh. Người hằng sống và hiển trị muôn đời... “