Gương Thánh Nhân
- Viết bởi Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Thánh Phanxicô Sales (1567-1622)
Lược sử
Cha của Phanxicô dự định cho chàng là một luật sư để có thể thế chỗ ông trong nghị viện tỉnh Savoy nước Pháp. Vì lý do đó Phanxicô được gửi đến Padua để học luật. Sau khi đậu bằng tiến sĩ, chàng trở về nhà, và đúng lúc ấy, chàng ngỏ ý muốn đi tu làm linh mục. Dĩ nhiên, cha mẹ chàng chống đối kịch liệt, và phải mất một thời gian khá lâu sau khi Phanxicô kiên trì thuyết phục thì ông bà mới đồng ý. Sau khi được thụ phong linh mục, Cha Phanxicô được bầu làm giáo trưởng của Địa Phận Geneva, sau này nơi đó là trung tâm phát xuất tà thuyết Calvin. Ngài được sai đi để hoán cải những người theo tà thuyết này, nhất là ở quận lỵ Chablais. Qua lời giảng và qua việc phân phát những tài liệu nhỏ do ngài viết để giải thích giáo lý thật của Công Giáo, ngài rất thành công.
Khi 35 tuổi, ngài là Giám Mục của Geneva. Trong khi điều hành giáo phận, ngài tiếp tục rao giảng, nghe xưng tội và dạy giáo lý cho trẻ em. Sự nhân từ của ngài đã đưa được nhiều linh hồn về với Chúa. Ngài thực hành câu châm ngôn của chính ngài là: "Một muỗng mật ong thì thu hút nhiều ruồi hơn một thùng dấm."
Ngoài hai tác phẩm nổi tiếng của ngài là "Khởi Đầu Đời Sống Đạo Đức" và "Luận Án về Tình Yêu Thiên Chúa", ngài còn viết nhiều cuốn sách nhỏ và rất nhiều bài báo. Vì những văn bản này mà ngài được đặt làm quan thầy của báo giới Công Giáo. Văn bản của ngài, đầy dẫy những nét nhân hậu, nhắm đến người giáo dân. Ngài muốn họ hiểu là họ cũng được mời gọi để trở nên thánh. Như ngài viết trong cuốn "Khởi Đầu Đời Sống Đạo Đức": "Đó là điều sai lầm, hoặc đúng hơn là một tà thuyết, khi nói rằng việc đạo đức không thích hợp với đời sống của một binh sĩ, một thương gia, một thái tử hay một phụ nữ có chồng... Đã có nhiều người mất sự trọn lành trong cái khô khan của thế gian."
Mặc dù sự bận rộn và cuộc đời ngắn ngủi của ngài, Cha Phanxicô đã cộng tác với một vị thánh khác, Jane Frances de Chantal, trong việc thành lập tu hội Nữ Tu Dòng Thăm Viếng. Các nữ tu này thi hành nhân đức mà Đức Maria đã làm gương khi đến thăm người chị họ là bà Êligiabét: khiêm tốn, đạo đức và giúp đỡ lẫn nhau. Lúc đầu các nữ tu tiếp tay một cách giới hạn trong công việc bác ái đối với người nghèo và bệnh nhân. Ngày nay, trong khi một số nữ tu điều hành các trường học, một số nữ tu khác dành trọn cuộc đời để chiêm niệm.
Lời Bàn
Thánh Phanxicô de Sales đã coi trọng lời Ðức Kitô: "Hãy học cùng tôi, vì tôi hiền lành và khiêm nhường thật." Như chính thánh nhân thú nhận, ngài phải mất 20 năm mới chiến thắng được tính tình nóng nẩy của ngài, nhưng không ai cho rằng ngài có tính xấu đó mà chỉ thấy trong lối đối xử của ngài tràn ngập sự ân cần và bản chất tốt lành của ngài. Vì bản tính hiền lành và vui vẻ ấy mà ngài được gọi là "Thánh Lịch Thiệp.
Lời Trích
Thánh Phanxicô dặn dò chúng ta: "Người có đức hiền lành Kitô Giáo thì thương yêu và dịu dàng với người khác: Họ có khuynh hướng tha thứ lỗi lầm của người khác; sự thiện hảo của tâm hồn họ được bộc lộ trong sự hoà nhã dịu dàng có ảnh hưởng đến lời nói cũng như hành động của họ, giúp họ nhìn bất cứ vấn đề gì trong đường hướng bác ái và đem lại sự thoải mái."
Suy niệm 1: Dự định
Cha của Phanxicô dự định cho chàng là một luật sư để có thể thế chỗ ông trong nghị viện tỉnh Savoy nước Pháp. Thế nhưng ngài lại chọn nếp sống tu trì theo Thiên Ý.
Người tính không bằng trời tính. Vào thời Cựu Ước, con cái loài người dự tính xây một tháp có đỉnh cao chọc trời, nhưng bất thành do Chúa làm cho ngôn ngữ bất đồng (St 11,1-10).
Vào thời Tân Ước, vua Hêrôđê dự tính giết hài nhi Giêsu, nhờ vào việc các nhà chiêm tinh tìm được chỗ chính xác và báo lại. Nhưng Chúa lại báo mộng cho họ đi lối khác về xứ (Mt 2,12.16).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn sống theo sự hướng dẫn của Chúa quan phòng.
Suy niệm 2: Ơn gọi tu trì
Thánh Phanxicô ngỏ ý muốn đi tu làm linh mục. Dĩ nhiên, cha mẹ chàng chống đối kịch liệt, và phải mất một thời gian khá lâu sau khi Phanxicô kiên trì thuyết phục thì ông bà mới đồng ý.
Ơn gọi tu trì là một ơn gọi nhưng không. Điều này có nghĩa là tự sức mình, không ai cảm thấy mình xứng đáng với ơn huệ cao cả đó. Thiệp mời của các vị tân chức cũng như của các tân khấn sinh đều cùng có một nội dung ấy.
Vì là một ơn gọi nhưng không, nên dầu con người muốn mà Chúa không muốn thì cũng không được. Và ngược lại, dầu là một ơn gọi nhưng không, nhưng nếu Chúa muốn mà con người không muốn thì cũng không được. Do đó có hai yếu tố làm nên ơn gọi tu trì. Đó là Chúa chọn gọi và con người đáp trả.
* Lạy Chúa Giêsu, lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, xin Chúa hãy sai nhiều thợ gặt đến.
Suy niệm 3: Hoán cải
Thánh Phanxicô được sai đi để hoán cải những người theo tà thuyết Calvin, nhất là ở quận lỵ Chablais.
Ngài rất thành công qua lời giảng và qua việc phân phát những tài liệu nhỏ do ngài viết để giải thích giáo lý thật của Công Giáo, nhưng đồng thời cũng nhờ vào đức tính hiền lành nhân hậu ngài tập được trong suốt 20 năm.
Công việc hoán cải tha nhân quả vất vả và đòi nhiều công sức, nhưng cũng mang lại niềm vui khi gặt hái được thảnh quả, vì chẳng những người có liên quan mà cả thiên đàng cũng hớn hở vui mừng.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn coi trọng việc hoán cải bản thân cũng như tha nhân.
Suy niệm 4: Nhân từ
Sự nhân từ của Thánh Phanxicô đã đưa được nhiều linh hồn về với Chúa. Ngài thực hành câu châm ngôn của chính ngài là: "Một muỗng mật ong thì thu hút nhiều ruồi hơn một thùng dấm".
Thánh Phanxicô đã chiến thắng được tính tình nóng nẩy của ngài, nhờ ngài coi trọng lời Đức Kitô: "Hãy học cùng tôi, vì tôi hiền lành và khiêm nhường thật." Ai ai cũng thấy trong lối đối xử tràn ngập sự ân cần và bản chất tốt lành của ngài. Vì bản tính hiền lành và vui vẻ ấy mà ngài được gọi là "Thánh Lịch Thiệp."
Thánh Phanxicô dặn dò chúng ta: "Người có đức hiền lành Kitô Giáo thì thương yêu và dịu dàng với người khác: Họ có khuynh hướng tha thứ lỗi lầm của người khác; sự thiện hảo của tâm hồn họ được bộc lộ trong sự hòa nhã dịu dàng có ảnh hưởng đến lời nói cũng như hành động của họ, giúp họ nhìn bất cứ vấn đề gì trong đường hướng bác ái và thoải mái".
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống đức hiền lành như là phương thế cứu mình và cứu người.
Suy niệm 5: Báo chí
Thánh Phanxicô viết nhiều cuốn sách nhỏ và rất nhiều bài báo. Vì những văn bản này mà ngài được đặt làm quan thầy của báo giới Công Giáo.
Báo chí là một phương tiện truyền thông rất quan trọng và cũng là một con dao hai lưỡi. Báo chí trong tay người tốt sẽ giúp độc giả thấm nhiễm điều hay lẽ phải, và có thể trở nên tốt.
Nhưng báo chí dưới ngòi bút của kẻ xấu lại gây độc hại cho người non dạ và thiếu bản lãnh. Chưa nói đến trường hợp nguy hiểm mà người ta thường đánh giá là báo nói láo ăn tiền.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết tự chủ và cẩn trọng trong việc chọn lựa sách báo.
Suy niệm 6: Bận rộn
Mặc dù sự bận rộn và cuộc đời ngắn ngủi của ngài, Cha Phanxicô đã cộng tác với một vị thánh khác, Jane Frances de Chantal, trong việc thành lập tu hội Nữ Tu Dòng Thăm Viếng.
Bận rộn với những công việc chính đáng thì thật quý hóa vô cùng, vì tránh được hiện trạng “nhàn cư vi bất thiện”, có nghĩa là ở dưng là cội rễ mọi sự dữ (Hc 33,28), cũng như tránh được việc bị người người chê cười khinh bỉ do tính lười biếng (Hc 22,1).
Đức Giêsu vốn bận rộn với công việc rao giảng Tin Mừng đến mức chẳng có thì giờ ăn uống và nghỉ ngơi (Mc 6,31;10,13). Nhưng Ngài vẫn không sao lãng một việc tối ưu là cầu nguyện cùng Thiên Chúa, cho dầu phải dậy sớm hoặc thức khuya (Mc 1,35;Lc 6,12).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng lười biếng nhưng luôn chuyên chăm làm việc, nhất là việc cầu nguyện.
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
- Viết bởi Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Tôi Tớ Thiên Chúa Juan de Padilla (1492 - 1542)
Ao ước loan truyền phúc âm của Cha Juan de Padilla thì lớn hơn nỗi lo sợ cái chết. Ngài nhắc nhở cho chúng ta biết không ai có thể lựa chọn cái chết, nhưng chúng ta có thể lựa chọn lối sống của chúng ta.
Lược sử
Khi rao giảng Tin Mừng của Đức Kitô, Cha Gioan không biết mình sẽ đến đâu, nhưng ngài tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ ban cho ngài sức mạnh để chu toàn ơn gọi của một nhà thừa sai. Ơn gọi của ngài đã dẫn đến cái chết vì đạo ở Kansas, là một phần của Tân Thế Giới được khám phá vào năm ngài chào đời.
Cha Gioan xuất thân từ một thành phố thuộc phía nam Tây Ban Nha, là nơi ngài nhập dòng Phanxicô. Năm 1526, ngài đến Mễ Tây Cơ để hoạt động truyền giáo trong các tiểu bang Hidalgo và Jalisco. Năm 1540, ngài tháp tùng Coronado trong chuyến thám hiểm New Mexico. Năm kế đó, ngài đi với đoàn thám hiểm đến Kansas, ở đây ngài gặp gỡ người thổ dân Quivira. Sau khi đoàn thám hiểm trở về Mễ Tây Cơ, Cha Gioan vẫn tiếp tục ở lại hoạt động. Ngài bị một vài người Quivira giết chết chỉ vì ngài muốn đến truyền giáo cho người Kaws, là kẻ thù truyền kiếp của người Quivira. Ngài là người đầu tiên trong số tối thiểu 79 tu sĩ Phanxicô tử đạo ở Hoa Kỳ.
Suy niệm 1: Đức tin
Khi rao giảng Tin Mừng của Đức Kitô, Cha Gioan không biết mình sẽ đến đâu, nhưng ngài tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ ban cho ngài sức mạnh để chu toàn ơn gọi của một nhà thừa sai.
Tin là sống niềm tín thác vào chương trình tình thương và quan phòng của Thiên Chúa. Do đó dầu không biết mình sẽ đến đâu, nhưng Cha Gioan vẫn lên đường theo tiếng gọi trời cao. Nhờ vậy ngài đã chu toàn được sứ mạng thừa sai và ơn gọi tử đạo của mình.
Một mẫu gương sáng chói trong lãnh vực này là tổ phụ Ápraham với danh xưng là “Cha của các kẻ tin” (Rm 4,11). Theo vết chân ngài, nhiều người đã sống và chết trong niềm tin (Dt 11), mà Đức Giêsu đã khai mở và kiện toàn (Dt 12,2).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống niềm tin hằng tuyên xưng, vì đức tin không hành động là một đức tin chết (Gc 2,17).
Suy niệm 2: Ơn gọi
Ơn gọi của Cha Gioan đã dẫn đến cái chết vì đạo ở Kansas, là một phần của Tân Thế Giới được khám phá vào năm ngài chào đời.
Cuộc sống kitô hữu là một ơn gọi, vì đó là một cuộc sống trong Thần Khí vốn nối kết với thần trí tín hữu, nhằm giúp lắng nghe lời Thiên Chúa và đáp trả với tình con thảo (Rm 8,16).
Vì ơn gọi kitô hữu phát xuất từ Thần Khí, vốn tỏ mình ra nơi mỗi người mỗi cách vì ích chung, nên cho dầu có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí duy nhất (1Cr 12,4-13).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nhận ra ơn gọi của mình và hết mình chu toàn.
Suy niệm 3: Truyền giáo
Năm 1526, Cha Gioan đến Mễ Tây Cơ để hoạt động truyền giáo trong các tiểu bang Hidalgo và Jalisco.
Sở dĩ Đức Giêsu không có nơi gối đầu, không bao giờ định cư một chỗ, mà Ngài phải luôn lên đường, là vì sứ mạng truyền giáo không cho phép. Thật vậy, địa bàn hoạt động là cả năm châu bốn bể, và thời gian phục vụ thì chỉ vỏn vẹn trong vòng ba năm tại thế, bấy nhiêu thì làm sao mà đủ.
Chính vì thế mà trước lúc rời xa các môn đệ về trời, Ngài đã để lại lệnh truyền này cho họ: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nối tiếp các tông đồ thực thi sứ mạng truyền giáo đã lãnh nhận trong bí tích Rửa Tội.
Suy niệm 4: Gặp gỡ
Năm kế đó, Cha Gioan đi với đoàn thám hiểm đến Kansas, ở đây ngài gặp gỡ người thổ dân Quivira.
Có những cuộc gặp gỡ gây kinh hoàng, như lần Thiên Chúa đến gặp dân ở núi Sinai với các hiện tượng kèm theo: sấm chớp, mây mù, núi rung chuyển và nghi ngút khói, khói bốc lên như khói lò lửa (Xh 19,16-19).
Tuy nhiên có những cuộc gặp gỡ thật thân tình, như lần Thiên Chúa gặp Môsê mặt giáp mặt như hai người bạn (Xh 33,11), hoặc gặp ngôn sứ Êlia trên núi Khôrếp trong cơn gió hiu hiu (1V 19,12).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn kiếm tìm Chúa khi Chúa còn cho chúng con gặp gỡ.
Suy niệm 5: Kẻ thù
Cha Gioan bị một vài người Quivira giết chết chỉ vì ngài muốn đến truyền giáo cho người Kaws, là kẻ thù truyền kiếp của người Quivira.
Kẻ thù luôn có trong đời, cho dù không do lỗi mình mà do lòng ghen ghét của người. Đavít vốn là ân nhân của vua Saun, nhưng lại bị vua thù ghét và tìm giết. Đức Giêsu vốn là Đấng Cứu Thế mới hạ sinh, nhưng lại cũng bị vua Hêrôđê thù ghét và tìm giết.
Ngay trong lãnh vực gia đình, Cain cũng ra tay sát hại Aben em ruột mình, chỉ vì lòng đầy hận thù ghen ghét. Giacóp cũng bị chính anh ruột Exau manh tâm hãm hại, nên đành phải trốn xa nhà, do lòng anh tích chứa hận thù ghét ghen.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn làm chủ lòng mình, đừng để cho lòng hận thù ghét ghen chế ngự tâm can.
Suy niệm 6: Tử đạo
Cha Gioan là người đầu tiên trong số tối thiểu 79 tu sĩ Phanxicô tử vì đạo ở Hoa Kỳ.
Các vị tử đạo là gương mẫu anh hùng mà chỉ quyền năng Thiên Chúa mới có thể thực hiện được. Thiên Chúa không đến giải cứu chúng ta vào những giây phút cô đơn "đặc biệt". Ngài luôn luôn hỗ trợ người mạnh cũng như kẻ yếu.
Suy nghĩ về những người tử đạo vì đức tin đôi khi làm chúng ta bồn chồn. Làm sao họ có thể làm như vậy được? Họ có bình thường không? Ao ước loan truyền phúc âm của Cha Gioan thì lớn hơn nỗi lo sợ cái chết.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết rằng: không ai có thể lựa chọn cái chết, nhưng chúng con có thể lựa chọn lối sống của chúng con.
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
- Viết bởi Lm Vũ Thành
Thánh Mattheô Alonso Liciniana (Đậu) Linh mục
- Lễ ngày 22 tháng 01
Cha Matthêu Anphongsô Leziniana sinh ngày 26-11-1702 tại Nave del Rey và nhập tu viện Đa Minh Sancta-Crux ở Segovia. Năm 1723, ngài khấn trọn đời rồi tiếp tục học thần học và tu đức.
Về tuổi trẻ của ngài, chúng ta không được biết gì nhiều. Năm 1729, tỉnh dòng Phi Luật Tân tuyển mộ các vị thừa sai để làm việc tại đây. Cha Matthêu xin ghi tên, nhưng sau lại rút lui. Ngài cảm thấy xấu hổ nên xin làm linh mục và phục vụ tại một tỉnh dòng khác.
Một cơn bệnh làm cho ngài suy nghĩ nhiều đến việc từ chối đi truyền giáo. Dịp may lại đến để cha có thể chuộc lại lỗi cũ, ngày 4-7-1729 cha và hai thầy khác nhập đoàn 27 người thừa sai đi Phi Luật Tân.
Đoàn truyền giáo tới Manila tháng 10-2730. Cha Matthêu được chỉ định đi Bắc Kỳ. Ngày 13-2-1731, cha khởi hành đi với hai tu sĩ khác bằng tầu buôn Hòa Lan. Ngày 18-1-1732, cha tới Bắc Kỳ và được đưa tới nhà Đức Chúa Trời ở Trung Linh để học tiếng Việt trong năm tháng.
Tại đây cha được đặt tên là Đậu. Trong thời kỳ này giáo dân tại đây đang bị bách hại do sư Tình cầm đầu. Cha Đậu phải trốn tránh nay đây mai đó, 7 tháng lưu lạc.
Từ năm 1733 cha được chỉ định coi Nam Thượng, rồi thêm ba huyện là Giao Thủy, Vụ Thiên và Chấn Đinh, sau đó lại thêm Phú Thái và Nam Chân. Tại đây đang có loạn nổi lên làm cuộc rao giảng đạo phải lén lút, khi đi bộ, khi đi thuyền như các dân chài.
Hồi ấy các cha thường đi làm phúc các họ một năm hai lần. Dù đang cơn bắt bớ, Cha Đậu rất nhiệt thành với việc tông đồ. Người chứng thứ mười hai đã làm chứng về lòng nhiệt thành bất kể gian nguy của ngài rằng có một lần họ khuyên ngài đừng đến một làng nguy hiểm thì ngài trách mắng và khuyên bảo họ như sau:
"Nếu vì sợ bị bắt mà không đi làm phúc cho bổn đạo thì cha đến xứ này để làm gì? Nếu chúng con sợ vất vả thì còn làm được cái gì nữa? Nếu sợ chết nữa thì theo cha làm chi. Cha đi một mình vậy".
Suốt trong 10 năm làm việc tông đồ cha trốn thoát khỏi tay kẻ thù đến bốn năm lần. Một lần khác, hay tin ở làng Kẻ Bái có một người chối đạo, tên là Chinh Nam, và trở thành kẻ thù của người Công Giáo, Cha Đậu mạnh mẽ đến gặp ông ta và dùng lời lẽ khôn ngoan đã khuyên được ông ta trở về và làm cho giáo dân ở đó được an tâm.
Ngoài ra tại Bắc Kỳ lúc đó có nhiều thiên tai và dịch tễ, Cha Đậu tỏ ra nhiệt thành bác ái không sợ bị bệnh tật nữa. Người chứng thứ 34 nói về lòng bác ái của cha như sau:
"Một năm tại làng tôi có dịch tễ, Cha Đậu tới cả ngày cả đêm không kể thời tiết xấu. Dù bị bệnh, ngài phó thác nơi Chúa, vẫn tiếp tục đi săn sóc các bệnh nhân khác. Cha Đậu còn sốt sắng khuyên bảo những người rượu chè và cờ bạc. Ngài có tài khuyến dụ họ bỏ được các thói xấu đó".
Tóm lại, trong 10 năm cha vừa trau dồi nhân đức bằng việc cầu nguyện hãm mình, vừa sốt sắng làm việc tông đồ và xả thân cứu giúp người nghèo khó.
Ngày 29-11-1743, một giáo dân tên là Đào Tất Đạt đã đi tố giác nơi cha ở. Sáng sớm đang khi Cha Đậu làm lễ thì lính nhà quan ùa đến Lục Thủy tìm bắt ngài. Cha Đậu vội cầm mình thánh trốn vào trong thì bị tên lính túm tóc đánh vào hông làm ngài té xuống đất. Tên này còn đá lên đầu cha làm máu chảy ra.
Mấy tên lính khác lột áo ngài và đem chia nhau. Đồng thời họ cũng bắt luôn Thầy Ignatiô Nguyễn Văn Quí, còn cha phó Giuse Đinh thì chạy trốn kịp, và hai thầy khác là Sien và Dan cũng cởi trói trốn ra được.
Cha Đậu và Thầy Ignatiô Quí bị trói và dẫn đến nhà quan phủ Lê Phong tại Vị Hoàng. Tới nơi vào nửa đêm, quan phủ chỉ hỏi tên tuổi rồi cho lính xích chân tay và cấm không cho ai được đến gần.
Ít ngày sau, quan phủ cho giáo dân hay là sẽ thả cha nếu họ chịu nộp một số tiền lớn. Giáo dân gom được 90 lạng bạc giao cho quan. Quan vui vẻ nhận nhưng để mặc giáo dân chờ đợi trong thất vọng.
Có một đêm, một người lính Công Giáo đến đòi bẻ xích để cha trốn đi, nhưng cha đã không chấp nhận một sự tự do như thế vì nguy hiểm cho người lính. Sau cùng họ giải cha đi Hà Nội, cha cứ tưởng giờ tử đạo đã đến nên dọn mình suốt cả đêm. Cha bị dẫn đi trong thành phố như những tên tội phạm, trẻ con và dân chúng hai bên đường chế diễu.
Ngày 18-12-1743, cha được giao cho quan Đề Lĩnh, con rể của chúa Trịnh, đang trị nhậm Kẻ Chợ. Ban đêm cả hai vợ chồng tới tra vấn và xem cho biết mặt mũi người Âu Châu ra sao.
Khi quan hỏi tên tuổi, thời gian cha ở Bắc Việt, đến đây làm gì và giảng dậy những gì, Cha Đậu đã thưa lại tên ngài là Mateo, đến Bắc Việt được 12 năm và là thầy cả của đạo thánh Đức Chúa Trời, đạo chân thật, đến xứ này để giảng về Chúa chân thật và về ba bậc cha, đó là Cha Trời Đất, cha của quốc gia, và cha gia đình. Sau đó ngài đọc cho quan nghe 10 điều răn.
Quan Đề Lĩnh lại hỏi tại sao có lệnh vua quan cấm đạo mà còn đến? Cha Đậu trả lời là chính vì có lệnh cấm mới không dám xuất hiện công khai, phải lén lút gặp gỡ giáo dân ban đêm để có thể giảng đạo và khuyên nhủ người ta theo con đường thiện hảo. Dân chúng nghe tin có người Âu Châu trong tù cũng tuốn đến xem.
Dầu vậy cha vẫn bị đối xử như một người trộm cướp có sức mạnh chịu mọi sự cực hình tra tấn. Bốn tháng trời bị giam giữ trong nhà tù của quan, Cha Đậu không ngừng rao giảng đạo cho những người đến thăm. Thấy cha giảng vất vả, lính canh tháo gông để cha dễ dàng nói về đạo hơn.
Cha bị tra vấn cả thảy 7 lần, mãi tới ngày 3-4-1744 cha mới được đưa ra tòa lần đầu tiên cùng với các đồ đạo như thánh giá, ảnh đạo và sách nguyện mà chúng đã tịch thu. Một trong ba quan án trỏ vào cây thánh giá hỏi ngài:
"Cái gì đây?"
Cha Đậu trả lời: "Đó là Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, đã xuống trần làm người và chịu khổ để đền tội cho nhân loại vì tổ phụ con người đã bất tuân lệnh Chúa Trời đất, và vì không ai chuộc được lỗi tầy trời ấy nên Con Chúa Trời đã làm người chịu chết chuộc tội và có thể làm cho con người được lên trời".
Sau đó quan còn hỏi những bức ảnh Đức Mẹ, Thánh Giuse, v.v... và nghe đọc sách nguyện. Quan lại hỏi về luật trong đạo.
Cha Đậu trả lời:
"Tôi có nhiều sách in chữ Hán do các tiến sĩ ở Bắc Kinh, cũng như mấy cuốn sách in bằng chữ An Nam nữa, mà nếu quan có đọc thì chắc sẽ không bắt tôi giam tù như thế này".
Sau đó quan hỏi về quê quán và đời sống bên nước Tây Ban Nha như có nhà cửa, tòa án không, người đàn bà có theo đạo như vậy không, v.v....
Ngày 12-4 cha lại bị đem ra trước tòa và quan án hỏi:
"Ông có dám đánh cây thánh giá không?"
- "Bẩm quan tòa, tôi là đạo trưởng đến đây để rao giảng luật đạo đức chân thật của Chúa, bởi vậy tôi không khi nào chối đạo và đánh vào ảnh tượng là một trọng tội. Luật mà tôi giảng dậy là chân thật và công bằng, giúp người ta thoát bỏ con đường tội lỗi để trau dồi đức hạnh trong việc tôn kính ba bậc cha".
- "Ba bậc cha là những ai?"
- "Trước hết là Thiên Chúa cao cả, Cha của mọi thần thánh, rồi mỗi nước có vua và các quan, sau cùng là cha mẹ và các tổ tiên. Con người đã nhận bao nhiêu ân huệ từ ba bậc cha này".
Cha Đậu được đưa ra khỏi tòa và họ bắt đầu tra vấn Thầy Ignatio Quí trong hai tiếng đồng hồ. Sau đó lại gọi Cha Đậu trở lại và hỏi có biết Thầy Hoi, Thầy Xa, Thầy Thiên, và Thầy Kiên không, đồng thời đe dọa là không được nói dối. Cha Đậu trả lời:
- "Không biết. Tôi chỉ biết tên Ignasio, Luca, Giovani và Giuse".
- "Quê quán của mấy người này ở đâu?"
- "Tôi không biết."
Họ liền bàn luận với nhau về phép Rửa Tội. Cha Đậu liền nhân cơ hội nói với họ đầy đủ về các bí tích: "Chúa chúng tôi là Đức Giêsu Kitô đã lập ra 7 nghi thức gọi là bí tích, phép Rửa Tội là một trong 7 bí tích đó. Đức Kitô đã truyền cho các môn đệ phải đi khắp thế giới để làm phép Rửa Tội và giảng luật cứu rỗi".
- "Trong 13 năm qua ông ở những đâu?"
- "Tôi đi nhiều nơi khác nhau, chỉ có tỉnh Nam Định là ít mà thôi".
- "Có phải là ban đêm đàn ông đàn bà ngủ chung với nhau không?"
- "Đây là một lời vu khống tầy trời nhắm làm hại người Công Giáo chúng tôi".
- "Ông có phù phép gì mà làm cho người ta tin thế? Ông có vợ không? Chịu vất vả như thế này ông được thưởng gì chứ?"
- "Tôi đã dâng hiến trọn đời cho Chúa và giảng dạy người ta chỉ làm điều lành chứ không được làm những điều ám hại, và cuối cùng tôi chỉ mong phần thưởng trên nước trời."
- "Ai đã dẫn ông tới Bắc Kỳ? Ông sống bằng cách nào?"
- "Người Trung Hoa đã dẫn tôi vào. Tôi chỉ sống bằng của bố thí của giáo dân. Trong thời giặc giã thì tôi ở Nam Chan."
Sau đó các quan soạn ra một bản án như sau: "Tuân theo các lệnh của chúa, chúng hạ thần đã xem xét bản tâu trình của đại quan Lê Phương, tổng đốc tỉnh Nam Định, và đô đốc Điều, người đã bắt và giao nộp tên đạo trưởng Đậu và một số đồ đạo.
Chúng hạ thần ký nhận và chịu trách nhiệm rằng đạo trưởng Đậu, còn có tên là Mateo, từ năm Nhâm Tí 1732 cho đến nay đã sống tại Giao Thủy và dậy dỗ dân chúng những điều chẳng nên và dụ hoặc những người dân đơn sơ.
Vì vậy quan Lê Phương và quan Điều đã sai Đào Tất Đạt truy lùng chỗ ở. Sau khi dò thám ra nơi ở đã sai binh sĩ đến bắt giam và tịch thu đồ đạo. Họ đã bắt giữ đạo trưởng Mateo và thầy Nguyễn Văn Quí cùng với sách luật và tượng ảnh. Sau khi xem xét kỹ lưỡng các sự việc kể trên, chúng hạ thần quyết định rằng đạo trưởng 'Hoa Lang' Mateo đáng tội chết và Nguyễn Văn Quí phải đầy chăn voi cho vua và công việc nặng nhất sẽ dành cho y.
Các đồ đạo thì phải thiêu hủy. Đối với quan Lê Phương và quan Điều vì đã có công với quốc gia sai lính bắt được đạo trưởng nên sẽ trọng thưởng 70 nén bạc. Đó là bản án chúng hạ thần đệ trình lên chúa châu phê.
Ấn ký ngày 20-3-1744 (Âm Lịch), năm thứ năm của Minh Vương".
Tuy nhiên bản án trên đã không được thi hành, và vì có loạn nên 6 tháng sau bản án được đổi sang lưu đồ chung thân. Bản án được châu phê, nhưng ít ngày sau gặp thời kỳ hạn hán nên chúa Trịnh ra lệnh giảm các án, Thầy Quí được trả tự do sau khi nộp một số tiền, còn Cha Đậu thì bị tù chung thân.
Ngày 30-5-1744 cha được chuyển sang ngục Đông, nơi Cha Tế đang bị giam giữ. Cũng như Cha Tế, ngài thường ra nhà bà Gạo dùng cơm và được khá nhiều tự do.
Trong tù, cha ăn mỗi ngày một bữa, tiền còn lại đem cho người nghèo, đồng thời cha còn dậy ba chú học tiếng Latinh, và giảng dậy cho những người đến thăm cha, trong một căn nhà riêng cạnh nhà tù. Ngày lễ có tới 150 người đến dự, có khi họ còn bí mật võng cha đi thăm kẻ liệt. Có lần cả hai cha được đưa đến nói truyện với một quan trong triều về đạo và tặng quan một cuốn sách.
Khi Cha Tế được tin về án xử thì vui mừng, còn Cha Đậu thì buồn. Giáo dân làm bản kiến nghị để tù nhân kháng cáo lần cuối khi đi qua phủ chúa Trịnh, Cha Đậu cũng xin đi theo để chứng kiến việc hành quyết và đồng thời đưa cho quan bản kiến nghị.
Trong bản kiến nghị ngài hỏi tại sao bạn ngài bị chém đầu còn ngài thì không, trong khi cả hai cùng là đạo trưởng, nếu chém đầu thì phải chém cả hai, còn nếu tha một thì phải tha cả người kia, và cuối cùng ngài yêu cầu được cùng chung một số phận với người bạn.
Chúa Trịnh thấy hành động táo bạo như vậy liền ra lệnh làm một bản án cho Cha Đậu cùng bị chém. Bản án được viết như sau: "Các quan do chúa Trịnh chỉ định, xét lại bản án do cấp dưới đã trình lên như sau: Tên này trước kia đã bị kết án tử và bây giờ án được lập lại.
Vậy ngoại nhân thứ nhất Francis Gil (cha Tế) là một đạo trưởng đạo 'Hoa Lang', tên ngoại nhân thứ hai Mateo (cha Đậu) cũng là đạo trưởng đạo 'Hoa Lang'. Tên sau này án được chuyển sang tù chung thân nhưng vừa được đổi thành xử trảm. Ấn ký ngày 10-12 năm thứ năm Minh Vương.
Quan án:
Phương Hùng, Nghĩa Hậu, Liêm Ngũ Lục, và Trung Hầu".
Thế là hai cha cùng bị đem đi với 8 tên tội phạm khác ra nơi xử.
Một nhân chứng tường thuật buổi hành quyết như sau: Hai cha đi vào chỗ thứ ba và bốn, giữa 8 tên tội phạm khác, bị xích lại với nhau thành một hàng. Trời mưa đổ xuống trên đầu trần các ngài, thỉnh thoảng các ngài giơ tay lau nước mưa, nét mặt vẫn hân hoan. Tới nơi các ngài quì xuống cầu nguyện một lát. Sau đó được đưa tới mô đất có trải chiếu sẵn, các ngài lại nằm phục xuống một lúc rồi quì lên, nghiêng đầu chờ lệnh xử trảm. Giáo dân xin hai cha ban phép lành. Các ngài xin họ đọc kinh Tin Kính và sau đó Cha Đậu tính giảng lần cuối cùng, nhưng một tên lính ngăn lại nói: "Chúa Trịnh kết án vì giảng đạo sai lầm này sao ngươi còn muốn tiếp tục?"
Cha Đậu liền nói: "Tôi đến Bắc Việt là để giảng đạo của Chúa trời đất để mọi người dân cư trong nước này được biết Ngài là Chúa thật. Tôi quyết tâm rao giảng vì biết rằng các vị ở đây chưa biết Chúa trời đất và chưa phân biệt được điều lành điều xấu và không biết cái gì sẽ xảy ra cho đời sau".
Một tên lính khác lại nhắc lại:
"Vua gớm ghét đạo này, sao còn cả gan nói nhảm nữa?"
Cha Đậu lại nói:
"Với cái chết vì đức tin, chúng tôi sẽ được phần thưởng trên nước trời. Cái chết của chúng tôi làm chứng cho cả thế gian về sự thật và sự thánh thiện của đạo Công Giáo trong ngày phán xét. Chính vì vậy chúng tôi không sợ hãi gì cách chết này mà người ta dành cho chúng tôi".
Vào lúc 4:00 giờ chiều ngày 22-1-1745, đầu của hai vị anh hùng tử vì đạo rơi xuống. Một tên lính thét lên:
"Rồi đây đói kém và thiên tai sẽ đổ xuống trên chúng ta. Tại sao cứ phải giết các đạo trưởng không hề trộm cắp giết người? Chúng ta đều biết rõ họ là đấng thánh".
Lòng tôn kính các đấng anh hùng tử đạo đã lôi kéo nhiều người đến mộ các ngài để cầu nguyện và xin ơn. Khi về họ còn mang theo nắm đất để kính nhớ các ngài. Cả những người lương cũng đến cầu nguyện nữa.
Một người tên là Giuse Can đã thề là kể chuyện có thật sau đây:
"Thầy già Khiêm đã kể cho tôi nghe chuyện tên lý hình Chân Nhuệ, đã bắt Cha Đậu trước đây, bị đau ốm lâu dài. Sau khi nghe biết Cha Đậu đã chết vì đạo thánh thì ông ta hối cải cầu xin với Cha Đậu phù hộ, ông ta được khỏi bệnh cách lạ lùng. Ông ta đã từ bỏ thần phật để theo đạo do Cha Đậu rao giảng".
Một trường hợp khác được kể lại là người giữ chùa bị đau nặng dù đã cầu đảo các thần phật và chạy chữa thuốc men nhưng vẫn không khỏi. Một người Công Giáo đến thăm, lặng lẽ nhúng miếng vải đã được thấm máu đào của Cha Đậu vào ly nước rồi cho bệnh nhân uống mà không nói gì cả. Bệnh nhân vừa uống hết ly nước thì cảm thấy khỏe mạnh. Ông từ giữ chùa sau đó mới được biết liền xin trở lại đạo.
Nguồn: (Trích Từ Dòng Máu Anh Hùng Tập I-III của Lm Vũ Thành)
- Viết bởi Hạnh các Thánh
Thánh Phanxicô Gil de Federich (Tế) Linh mục
- Lễ ngày 22 tháng 01
Phanxicô Tế (Francois Gil de Federich), Sinh 1702 tại Tortosa, Catalunha, Tây Ban Nha, Linh mục thừa sai dòng Ða Minh, thuộc địa phận Ðông Ðàng Ngoài, bị xử trảm ngày 22/01/1745 tại Thăng Long dưới đời chúa Trịnh Doanh, được phong Chân Phước ngày 15/04/1906 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 22/01.
Các lệnh cấm đạo năm 1750, 1754, và 1765
Cuối năm 1748, Trịnh Doanh đi thăm các trại lính thấy khẩu đại bác có chữ Âu Châu muốn biết xem là chữ gì liền ra lệnh tìm người Âu Châu.
Cha Paleceuk Dòng Tên được đưa đến để giải thích các chữ viết, đồng thời khuyến khích chúa Trịnh tin dùng người Âu Châu làm cố vấn.
Ngay lúc đó Trịnh Doanh ra lệnh phóng thích 7 người Công Giáo đang bị giam giữ ở Kinh Ðô và xin Cha Paleceuk tìm các chuyên viên toán học và thiên văn.
Bề trên Dòng Tên ở Macao sai Cha Simonelli và 6 vị thừa sai với đầy đử dụng cụ thiên văn và toán học đến. Trong thời gian này giáo dân bắt đầu tổ chức lễ lạy công khai, nhiều quan trở lại đạo và lương dân thân thiện với Công Giáo như trước.
Nhưng không biết vì lẽ gì Trịnh Doanh lại đổi ý, ngày 3-7-1750 lập lại các lệnh cấm đạo cũ. Năm 1751 khi đòan thừa sai từ Macao đến để làm việc theo lời yêu cầu đã bị từ chối không cho phép xuống đất. Sau cha Dòng Tên đã lẻn xuống được, còn cha trưởng đoàn phải trở về Macao.
Ngày 26-10-1754, Trịnh Doanh công bố một lệnh cấm đạo mới.
Nội dung như sau:
"Hội đồng các quan truyền lệnh cho các huyện như sau:
Ðạo 'Hoa Lang' lầm lạc nghịch lại lý trí, mê hoặc lòng dân và còn truyền bá lan rộng đạo lý sai lầm. Các năm trước hội đồng đã gửi các sắc lệnh ngăn cấm để chặn sự xâm nhập của đạo này, nhưng vẫn còn có người tiếp tục làm hư hại người khác.
Vì vậy quan trấn các phủ huyện phải bí mật điều tra. Nếu bắt được đạo trưởng thì phải giải họ về kinh, các tín hữu thì phải trừng phạt, hoặc lưu đầy, hoặc tạp dịch trong các chuồng thú vật, hoặc đánh đòn. Nếu các quan chểnh mảng nhiệm vụ này sẽ bị trừng phát, ai nhiệt thành sẽ được trọng thưởng".
Lệnh trên được bí mật gửi cho các quan, nhưng khi các vị thừa sai biết được đã ra lệnh ngưng các buổi hội họp, sửa đổi nhà thờ thành nhà ở, treo cờ, dựng cây nêu... Còn các vị thừa sai thì tạm thời trốn tránh. Kết quả Cha Ðóa bị bắt với 4 người nhà. Cha Cai và 4 người nhà khác cũng bị bắt tại Bố Chính, các chủng sinh tại Thanh Hóa một số bị bắt. Ðịa phận Ðông Ký có một thầy giảng bị bắt tại Xứ Bắc và Cha Alonso dòng Ða Minh cũng bị bắt.
Ngày 15-9-1765, Trịnh Doanh kết án một nhà sư và ra lệnh giải tán một số chùa chiền, nhưng vì sợ dân chúng phản loạn cho là bắt đạo Phật nên Trịnh Doanh ra lệnh cấm luôn cả đạo Công Giáo. Các vị thừa sai chỉ nhắc đến những vụ bắt bớ do quan lại muốn làm tiền, không có ghi lại sắc lệnh. Kết quả là Cha Orta người Ý thuộc Dòng Tên và Cha Ðóa Dòng Ða Minh bị bắt tại Thanh Hóa. Ngoài ra Cha Gioan Hiên và nhiều cha khác đi làm lễ Phục Sinh cũng bị bắt. Khi Trịnh Doanh chết cuộc bắt bớ mới tạm yên.
Linh Mục Francis Gil de Federich TếÐứng đầu sổ 117 Thánh Tử Vì Ðạo Việt Nam là Cha Tế và Cha Ðậu, hai linh mục thừa sai người Tây Ban Nha thuộc Dòng Ða Minh. Cha Tế có tên Tây Ban Nha là Gil De Federich, sinh năm 1702 tại Tortosa trong một gia đình đạo đức. Khi được rửa tội, cha mẹ đặt cho nhiều tên thánh khác nhau, tên trong sổ bộ là Francis. Năm 15 tuổi, cậu Gil gia nhập tu viện Ða-Minh tại Tortosa và năm sau, 1718, được tuyên khấn. Thầy Gil tiếp tục học thần học và thụ phong linh mục năm 1727, lúc 25 tuổi.
Hai năm trước khi làm linh mục, Cha Gil đã ghi tên xin đi sang tu viện của dòng ở Phi Luật Tân nhưng bề trên không chấp nhận. Qua năm 1729, Cha Gil lại xin một lần nữa, đơn của ngài được chuyển về Rôma để cứu xét. Ý nguyện của cha được bề trên chấp thuận. Cha cùng với 24 người khác tới Manilla tháng 11-1730. Mặc dù đang cơn bắt đạo, Cha Gil vẫn mong muốn được truyền giáo tại Trung Hoa hay Việt Nam. Cha được bề trên gửi đi Bắc Kỳ và tới nơi ngày 28-8-1735.
Sau 4 tháng học tiếng Việt tại Lục Thủy, Cha Gil được đặt cho một tên Việt Nam là Tế, với nhiệm vụ coi sóc 40 họ đạo trong ba huyện Giao Thủy, Chân Ðinh và Vụ Tiên thuộc trấn Xứ Nam. Tên mà bề trên đặt cho ngài đã trở thành điềm báo cuộc tử đạo, tế hiến chính mạng sống mình cho Thiên Chúa. Trong thời gian làm việc truyền giáo Cha Tế tỏ ra rất nhiệt thành, đặc biệt về lòng bác ái. Mỗi khi có người mời đi kẻ liệt, dù ốm đau hay nguy hiểm, ngài cũng đi ngay.
Ngày 3-8-1737, Cha Tế làm lễ kính thánh Ða Minh tại Lục Thủy Hạ, đang khi còn cám ơn thì có một toán người ập đến lục soát. Giáo dân không kịp giúp cha chạy trốn. Cha bảo họ trốn đi, còn ngài thì ra nộp mình với lòng tin tưởng là Thánh Giuse sẽ giúp. Ngài nói với bọn người đến bắt:
- "Các ông tìm ai? Chính tôi đây là người các ông muốn."
Sư Tình ra lệnh trói cha lại đem xuống thuyền. Tại bờ sông họ còn thấy mấy giáo hữu liền bắt đem theo. Cha Tế nói với sư Tình:
"Các ông đã bắt tôi rồi, tại sao còn bắt giữ những người này? Xin hãy thả họ ra".
Như một mệnh lệnh, bọn sư Tình liền cởi trói và trả tự do cho mấy người giáo dân. Sư Tình đem Cha Tế về giam tại nhà mình ở Thủy Nhai Thượng, chờ giáo dân mang món tiền kếch sù đến chuộc. Sư Tình hỏi Cha Tế: "Ngươi có sợ không?"
Ngài bình thản trả lời:
"Tôi không sợ mà chỉ lo cho giáo dân".Ðể có thể bóc lột số tiền của giáo dân, sư Tình làm cho họ hoảng sợ bằng cách sai hai tên lính cầm giáo đi hai bên đến nhà giam trói ngài vào cột và đặt bản án ngay bên cạnh như là tội nhân bị hành quyết. Một lần khác ông cho điệu Cha Tế đi đến nhà hội của làng, cho nhiều người giả làm triều đình xét xử.
Cha Tế không chút sợ hãi, bình thản lợi dụng cơ hội để giảng đạo cho lương dân. Con trai của sư Tình là Tri Bá đến nhạo cười: "Tôi là một người Công Giáo xấu, tên là Dominic, vụ của cha sẽ ổn thỏa với giá 500 lượng bạc".
Giáo dân thấy vậy thì quyết định đi thẳng với quan trên bằng món tiền lớn hơn. Quan tỉnh là người quỉ quyệt, muốn làm tiền cả đôi bên. Ông nhận tiền của giáo dân, hứa sẽ thả Cha Tế trên đường đưa về phủ. Chính quan đến nhà sư Tình để dẫn giải cha, đồng thời bắt cả cha con đầy tớ sư Tình vì tội chứa chấp đạo trưởng. Quan phủ đã giải các tù nhân về kinh đô để lấy công trạng.
Những ngày bị giam giữ khổ sở và cuộc hành trình đã làm Cha Tế ốm nặng, quan phải kiếm thuốc và cho phép người nhà của cha săn sóc. Ngày 23-8 họ tới kinh đô Hà Nội. Sau đây là cuộc thẩm vấn của các quan: "Ông có biết đạo Kitô bị cấm trong nước không? Sao còn đến đây?"
- "Tôi đến để giải thoát các linh hồn khỏi hư mất".- "Nếu vua ra lệnh chém đầu thì ông còn làm gì được?"- "Tôi sẵn sàng chịu sự khổ đó".
Sau đó cha bị giao cho lính canh, họ để cha nằm dưới đất cả lúc trời mưa. Một người y tá Công Giáo từ Lục Thủy đến thăm cha, thấy vậy đi mua cho cha một trái dưa để uống lấy sức. Các gia nhân tại phủ tỏ ra tử tế và săn sóc cha. Ðể trả công, cha giảng đạo cho họ.
Tại đây cha viết vội mấy lời gửi bề trên: "Con tin rằng Chúa đã để con bị sốt nặng để chia sẻ với cuộc thương khó của Chúa. Những khốn khổ của nhà tù con coi là nhỏ mọn. Thay vì buồn, con cảm thấy vui và sẵn sàng đón nhận những cực khổ như là hồng ơn Chúa gửi đến cho riêng con".
Ngày 30-8, cha được chuyển sang ngục Ðông. Trên đường sang ngục Ðông, trẻ con lấy cành tre làm thánh giá, ném dưới chân ngài để chế diễu. Cha Tế chỉ sốt sắng lượm lên hôn kính. Tại ngục Ðông cha cũng chịu nhiều khốn khó.
Các tù nhân cũng tàn bạo với ngài. Tưởng chừng ngài sắp chết, bà Kinh, một người Công Giáo thường săn sóc cha, liền đi mời Cha Ngai, giả làm thầy thuốc và đút tiền để được vào thăm cha. Mấy tên lính canh tù muốn làm tiền giáo hữu nên đeo thêm gông và xích cho cha rồi bảo họ nếu muốn cha được miễn trừ thì phải cho tiền. Khi cha khỏe lại đã cấm các giáo dân đừng làm thế nữa.
Lính coi ngục làm khó dễ, các giáo dân phải cậy nhờ một bà người lương tên là Gạo, nhà ở gần đó, săn sóc cha. Sau này bà được ơn trở lại và rửa tội, lấy tên thánh là Rosa. Trong lời khai trước ủy ban điều tra phong chân phúc, bà đã nói: "Chị của tôi đã phải tha nợ cho mấy tên lính để họ tử tế với cha và cho phép cha ra nhà. Lần khác khi mang thức ăn cho cha họ đã không chịu cho tới khi tôi đưa cho họ món tiền".
Việc to tát bà Gạo có thể giúp cha là cung cấp giấy tờ viết thư và chuyển thư của cha cho bề trên. Sau hai tháng bị giam cha được phép ra nhà bà Gạo để dùng cơm, và tiếp xúc với giáo dân tại kinh đô. Suốt trong 7 năm bị giam cầm, Cha Tế vẫn tiếp tục giúp các giáo dân.
Cuối tháng 10-1737, tòa án bắt đầu xét xử cha công khai. Cha bị dẫn đi, tay mang xích, cổ đeo gông. Trên đường đi, trẻ con lại vất những thánh giá bằng lá tre vào ngài và cười chế nhạo. Một đứa lớn hô to: "Xem kìa, ông cha sẽ chối đạo để giữ cái đầu khỏi bị chém".
Cha Tế liền quay mặt lại nhìn nó và nói: "Không đâu con, cha đã không và sẽ không bao giờ chối bỏ đức tin đâu. Chỉ có chúng con mới làm những điều trái nghịch là đi hành hạ người tù nhân ốm yếu không bao giờ làm hại ai. Hơn nữa chúng con còn chế diễu thánh giá là dấu chỉ ơn cứu rỗi cho mọi người".
Cha Tế và ba người giáo dân cùng với sư Tình bị điệu ra trước tòa án. Quan án bắt đầu thẩm vấn Cha Tế: "Ông bị bắt tại nhà của ai trong 4 người này?"
- "Tại nhà sư Tình. Tôi không hề vào nhà ba người kia".- "Ông từ đâu đến?"- "Từ Tây Ban Nha".- "Ðã bao lâu ông ở tại Bắc Kỳ?"- "Khoảng chừng hai năm".- "Ai đã mang ông vào?"- "Tôi không còn nhớ tên".- "Vậy ông đã ở những đâu trong hai năm qua?"- "Tôi không có nơi ở nhất định. Tôi thường đi từ nơi này sang nơi khác".- "Ai đã nộp ông cho tòa án này?"- "Ông quan".- "Ông quan đã bắt ông tại nhà ai?"- "Tại nhà sư Tình".- "Ông đã ở nhà ấy bao nhiêu ngày?"- "Mười hay mười một ngày gì đó".- "Ông có dậy đạo cho người ấy không?"- "Không".- "Vậy ông đã làm những gì?"- "Tôi làm những việc không liên quan gì tới quan tòa cả".
Viên ký lục đã làm sai lạc lời khai của ngài mà nói là cha đã ở nhà sư Tình hai năm. Sau đó cha được dẫn về nhà tù và hôm sau lại bị dẫn đến nhưng quan án lại cho ngài về tù vì là ngày lễ nghỉ. Trên đường về, họ dẫn cha qua đền thờ tổ tiên của quan và bắt cha lạy.
Cha từ chối nên bị họ đánh đập bất tỉnh. Cha lên cơn sốt 15 ngày vì những vết thương hành hạ. Sau đó giáo dân cho lính canh nhiều tiền để cha được ở cả ngày đêm tại nhà bà Gạo. Khi khỏe lại, cha liền bị dẫn đến tòa án.
Vào cuối năm theo niên lịch Bắc Việt, các quan có thói quen giải quyết hết các vụ kiện, nhưng năm đó vì có sứ Trung Hoa sang nên họ không xét vụ của cha. Ðến tháng 10, một cha Việt Nam đến nhà bà Gạo dâng lễ.
Sau đó chính ngài xin bề trên gửi các đồ lễ đến để dâng lễ. Năm ấy các quan viết án cho ngài như sau: Cha Tế bị bắt tại Xứ Ðông và bị lên án chém đầu. Còn sư Tình và con trai bị án phát lưu chăn voi cho chúa Trịnh 6 năm. Án được viết ngày 10-7-1738, vua châu phê ngày 12 và ấn định ngày thi hành án lệnh là ngày 22-7.
Sư Tình bỏ tiền mua chuộc các quan để xét xử lại. Nhưng án không thay đổi. Sư Tình tiếp tục kháng cáo và tìm ra được lẽ để thanh minh.
Ngày 20-7-1739, cha lại bị đem ra tòa lần nữa: "Dựa vào quyền gì mà ông đến nhà sư Tình? Trước đó ông ở đâu?"
- "Tôi đến nước này đã 4 năm, hai năm bị giam tù, hai năm khác thì đi nơi này nơi nọ để rao giảng đạo Kitô. Còn nói đã đi những đâu thì tôi không muốn nói".
- "Vậy những lời khai năm trước là đúng?"- "Những gì tôi đã nói là đúng như vậy. Bây giờ tôi không nói gì thêm".- "Ông là một người phản bội, nói láo, bây giờ không muốn nói lại?"- "Không đúng như vậy, nhưng tôi không buộc phải khai lại".
Ngay lúc ấy, sư Tình chụp cơ hội xin nói. Ông đã tóm lược lại các việc xẩy ra nhưng bỏ hẳn phần cha Tế bị giam giữ tại nhà ông.
Ðể tránh rắc rối cho những người ở Lục Thủy Hạ, Cha Tế nói: "Những gì tôi khai năm ngoái là thực và tôi không buộc phải khai là sư Tình đã bắt tôi tại Lục Thủy Hạ. Bởi vì các ông chỉ muốn trừng phạt những người đã tiếp tôi và thưởng công cho kẻ bắt tôi. Ðiều ấy bất công và vô lý".
- "Như vậy chém đầu ông cũng là nghịch công lý?"- "Hiển nhiên là như vậy. Nhưng nếu quí quan ra lệnh chém đầu tôi vì đức tin thì tôi rất hài lòng".
Quan án ra lệnh nếu Cha Tế không khai thêm sẽ cho đánh 30 đòn. Cha Tế muốn chịu đòn hơn là nói gì thêm. Quan cho đặt thánh giá dưới đất rồi ra lệnh cho mọi người đạp lên. Dù phản đối, họ cũng khiêng ngài qua. Nhưng cha đã nhấc thánh giá lên và hôn kính. Sư Tình thì lợi dụng cơ hội này để nhục mạ ảnh đạo, nhảy nhót trên tượng và đồng thời tố cáo ngài còn giữ nhiều đồ đạo tại nhà tù. Trong phiên xử hai hôm sau, ngày 22-7, quan ép buộc cha Tế cung khai mấy người giáo dân, nhưng cha nhất định không chịu. Sau đó quan liền hỏi về các ảnh đạo.
Quan cầm tượng thánh giá lên hỏi: "Người trên thánh giá này là ai?"
- "Ðó là hình ảnh của Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, đã làm người và chịu chết trên thánh giá để chuộc tội nhân loại".
- "Còn hình kia là gì?"
- "Ðó là ảnh Mẹ Thiên Chúa, đã cưu mang đấng chịu đóng đinh".
- "Người ta đi đâu sau khi chết?"
- "Khi chết rồi, xác ở dưới phần mộ, còn hồn thì hoặc lên trời hoặc phải xuống địa ngục tùy theo công trạng trong đời sống".
- "Ðiều ông nói về linh hồn chỉ là tưởng tượng. Ai nói rằng sự vật qua đi như thế?"
- "Thiên Chúa đã nói vậy".
- "Thật vậy ư? Ông đã nghe thấy tiếng Chúa chưa?"
- "Mặc dù không nghe chính Thiên Chúa nói, nhưng chắc chắn là ngài đã dậy như vậy".
Một tên lính hầu mang tới một cái gậy, đặt ngay trước mặt cha Tế, cha lại tưởng họ đánh mình nên đưa đầu gối ra, nhưng quan lại nói: "Gậy không phải để tra tấn. Ta ra lệnh cho ông cầm lấy và đánh vào những tượng ảnh này".
Cha Tế rùng mình vội cầm gậy vất đi thật xa. Tên hầu lại lấy về và đặt trước mặt sư Tình. Ông liền cầm ngay lấy và giơ gậy đánh vào bức ảnh Ðức Mẹ bằng ngà voi. Cha Tế chạy vội lại, dùng thân mình làm thuẫn cản lại, lấy tay che lên đầu Chúa Giêsu và Mẹ Maria trong ảnh rồi nói: "Sư Tình, hãy đánh lên tay tôi".
Quan thấy vậy thì cười và nói: "Các người Kitô bị lừa dối bởi những tượng ảnh này".
Thế là có cuộc giằng co giữa Cha Tế và sư Tình. Quan cho lệnh ngừng cuộc giằng co lại và nói: "Thế thì tượng phải đau vì những cái đánh này lắm nhỉ?"
- "Ðức Bà Maria và Con của Ngài ở một nơi không còn đau đớn nữa. Nếu chúng tôi tôn kính ảnh tượng này cũng chỉ vì đó là hình ảnh nhắc nhở chúng tôi đến các Ngài".
Phiên tòa chấm dứt. Tên lính canh ngục đòi tiền ngài để đưa cho tóan lính áp giải. Một người giáo dân nói ngài chỉ nên đưa một phần ba. Vì thế tên lính canh nghiệt ngã cấm mọi người đến thăm ngài trong ba ngày. May nhờ có người lương mang gạo đến. Thấy sức khỏe ngài yếu liệt, bề trên sai Cha Minh đến ban các bí tích cuối cho ngài. Tuy nhiên Cha Tế lại khỏe lại.Các quan thấy khó giải quyết, không biết phải xử thế nào đối với ba người giáo dân ở Lục Thủy Hạ. Vua cho một quan khác đến xử vụ kiện dai dẳng này. Ngày 20-9, cha lại bị đưa ra trước tòa để tra hỏi: "Ông ở nước này bao nhiêu năm rồi? Có phải ông bị bắt khi mới tới không? Ông có rao giảng đạo Kitô không?"
- "Tôi đã ở đây bốn năm và giảng đạo hai năm".
- "Có thật ông đã ở trong nhà sư Tình 10 ngày?"
- "Tôi đi đây đó để giảng đạo, nơi thì 10 ngày, nơi khác 15 ngày. Tôi chỉ ở nhà sư Tình có 10 ngày".
- "Ðạo đã bị cấm, tại sao ông còn đến đây?"
- "Vua chúa không có quyền cấm như thế, vì vua chúa không có quyền tuyệt đối ra lệnh như ý thích".
- "Ông có học biết thiên văn không?"
- "Không".
Ngài bị đem ra đem vào nhiều lần và hỏi đi hỏi lại để có bằng chứng là cha bị bắt tại nhà mấy giáo dân, và như thế có lý do để tha sư Tình. Cha Tế từ chối không nói gì thêm mà chỉ xin trả tự do cho các giáo dân. Họ yêu cầu cha ký vào biên bản. Ðọc trong bản án thấy viết là bị tố cáo vì rao giảng tà đạo, cha không chịu ký. Họ cho sửa lại là đạo 'Hoa Lang' nghịch với luật, cha mới ký vào.
Thế rồi nội chiến xẩy ra và người ta quên bẵng vụ án của ngài. Lúc đó Cha Tế là người duy nhất có mặt ở Hà Nội để giúp giáo dân. Trong thời gian bị giam tù, Cha Tế đã rửa tội được 122 người. Nội chiến kéo dài ba năm. Một hôm chúa Trịnh chợt có ý muốn hỏi Cha Tế có cách nào chấm dứt được loạn lạc, với ẩn ý muốn cha nói với người tây phương giúp.
Cuối tháng 9, cậu của vua cho lệnh đưa Cha Tế đến và hỏi: "Tôi thấy đạo của cha hợp lý, những điều tôi nghe rất phù hợp với sách tôi đã đọc. Chỉ có điều là đạo không chấp nhận những tôn giáo khác. Ngày mai cha mang đến cho tôi xem cuốn sách về đức tin Kitô để tôi thấu đáo và có thể nói với chúa Trịnh cho cha. Cha cũng mang đến một học giả người Việt để có thể giải nghĩa được các chữ Việt".
Trở lại nhà giam, cha được giáo dân cho biết là quan chỉ muốn xem đạo có cách nào diệt được giặc không thôi. Ngày hôm sau, cha viết thư cho ông hoàng: "Theo đức tin của chúng tôi, chỉ có một phương thế duy nhất chữa trị các cái xấu đó là cầu xin Thiên Chúa cho hòa bình và hứa rằng chính quyền sẽ không bao giờ bắt bớ đạo thật nữa.
Nếu vua muốn chấm dứt chiến tranh thì hãy thôi bắt bớ giáo dân và đạo thật, vì đấy chính là nguồn gốc của mọi sự dữ trong nước". Ông hoàng có nói lại với ba quan và họ hứa sẽ nói với chúa Trịnh để cho phép tự do hành đạo. Ngay lúc đó có tin đồn là giáo dân tỉnh Nam đi theo giặc, dự tính trên lại rơi vào tình trạng cũ.
Riêng giáo dân Hà Nội nhất định chuộc cha ra bằng mọi cách. Họ đem tiền đến bà dì của chúa Trịnh để xin trả tự do cho cha. Ðọc bản khiếu nại, Cha Tế không hài lòng về lời lẽ nói cha chỉ là thương gia bị gán ghép tội theo đạo Kitô.... Suốt trong năm đó cha rửa tội thêm được 31 người lớn và 23 trẻ em.
Năm 1744, hồ sơ của cha được xét lại và họ giam cha ngặt hơn. Ngày 3-3-1744, cha và 4 giáo dân được đưa ra tòa án. Trên đường đi, viên ký lục đòi lấy cỗ tràng hạt của cha. Tại tòa án, các quan xem xét cỗ tràng hạt rất kỹ lưỡng.
Quan hỏi hai ảnh mắc vào đó là gì. Cha thưa là hình hai vị tử vì đạo. Quan bắt ép cha dầy đạp tràng hạt dưới chân. Cha đã mạnh mẽ nói là không khi nào cha làm điều lầm lỗi ấy. Lúc ấy quan hỏi sư Tình có làm điều ấy không? Sư Tình chỉ chờ có thế đã vội vã cầm lấy tràng hạt ném xuống đất, sửa soạn đạp lên, tức thì Cha Tế lăn xả vào để lấy lại. Một tên lính hầu túm lấy tóc cha lôi ra.
Không làm gì được, Cha Tế hét lên: "Tại sao các ngươi bách hại đạo Chúa Kitô? Chính các ngươi là căn cớ của bao nhiêu tai họa giáng xuống trên nước này".
Các quan liền viết án xử trảm cha Tế, còn các giáo dân được trả tự do, cha con sư Tình được tha bổng. Cha Tế được đưa về nhà tù, lòng đầy niềm hy vọng giờ lãnh triều thiên tử đạo đã tới gần.
Ngày 30-5-1744, lính canh áp giải một tù nhân khác, đó là Cha Ðậu, người cùng Dòng với Cha Tế. Hai người lính dũng cảm của đức tin hân hoan được gặp nhau, nâng đỡ nhau bằng các bí tích và cầu nguyện. Trong hai năm ấy cha rửa tội được 32 người lớn và 41 trẻ em.
Tháng 8 năm sau vì có hạn hán nên chúa Trịnh cho rước Phật Bà Quan Âm, đồng thời ân xá cho nhiều tù nhân, nhưng vẫn giam giữ hai cha trong tù. Lợi dụng thời gian này, hai cha biến nhà tù thành nơi giảng đạo. Giáo dân lại nói với cha về đề nghị của quan cai ngục là sẽ trả tự do cho cha bằng giá tiền mua chuộc. Cha Tế cương quyết không để cho giáo dân phải tốn một xu.
Một tín hữu báo tin là các quan đã làm án ngày 19-1-1745, ngày 21 sẽ công bố, và ngày hôm sau hành quyết. Giáo dân tính cử đại diện đến gặp chúa Trịnh. Cha Tế rất buồn nói với các thầy giảng: "Chúng ta phải khuyên bảo giáo dân trở lại và trung thành với đức tin, nếu trong hoàn cảnh này chúng ta tỏ ra khiếp sợ để cho họ sửa án và mua chuộc mạng sống bằng tiền bạc thì lương dân họ sẽ thêm tin vào đạo của họ hơn và giáo dân sẽ không còn muốn chịu khổ vì đức tin nữa".
Vì vậy cha truyền lệnh cho họ hủy bỏ toan tính đó. Dân chúng rất đau buồn, nhưng cha Tế lại vui mừng hớn hở. Ngài dùng những ngày còn lại để cầu nguyện và sửa soạn tâm hồn. Sau khi lần hạt chung với họ lần cuối, cha khuyên nhủ: "Anh chị em quí mến, cũng như Chúa Kitô trong bữa tiệc ly, tôi muốn khuyên anh chị em theo lời của Chúa, anh chị em hãy yêu thương nhau như ruột thịt, hãy vững mạnh trong đức tin mà anh chị em tuyên xưng và hãy sẵn sàng chịu mọi sự khó và nhất là đặt niềm cậy trông vào một Chúa mà thôi. Hãy ước ao những sự trên trời và hãy khinh chê những của cải vui sướng chóng qua đời này".
Mọi người cúi mình hôn xiềng xích của ngài. Ngài lại nói với họ: "Tử đạo là một ơn đặc biệt do Chúa ban nhưng không, chứ không phải do công trạng hay xứng đáng gì".
Khoảng ba giờ sáng, hai cha dâng lễ, rồi đến chào các lính coi tù cũng như các bạn tù. Giáo dân được phép vào rất đông để thăm cha lần cuối. Cha Ðậu không được chung một vinh dự nhưng đã xin quan cho theo ra tới pháp trường. Theo lẽ các tù nhân khi đi ra nơi hành quyết thường được dẫn qua phủ chúa để có thể kháng cáo lần chót. Lợi dụng cơ hội này giáo dân làm một bản kiến nghị nhờ Cha Ðậu mang theo đưa cho quan khi tới phủ chúa. Mặc dù Cha Tế không đồng ý nhưng Cha Ðậu vẫn làm theo ý của giáo dân.
Cha Tế hân hoan đi đầu vì được giống Chúa Kitô. Trong đám tù nhân có người xin cha tha tội. Ði ngang qua phủ chúa, Cha Ðậu liền đưa bản kiến nghị. Chúa Trịnh thấy Cha Ðậu dám bạo gan như thế thì nổi giận ra lệnh xử trảm ngài luôn một lúc với Cha Tế. Khoảng sau trưa, đoàn người đến Ðồng Mơ, nơi hành quyết. Vừa tới nơi, hai cha quì xuống hôn mảnh đất.
Cha Tế vì yếu sức nên ngồi xuống đất chờ đợi, trong khi lính sửa soạn việc hành quyết. Hai cha nói giáo dân cho mỗi người lính đao phủ một số tiền. Hằng ngàn người im lặng đứng xung quanh. Quan giám sát lên tiếng: "Cụ Tế, tôi rất kính trọng cụ và rất đau buồn phải làm việc này như quan án đã ra lệnh, xin cụ hiểu cho, tôi không làm gì khác hơn được. Xin cụ quì thẳng lên để tôi trói vào cọc".
Giây và xích ở tay chân được cởi ra. Hai tên lính cầm gươm đồng loạt chém đầu hai vị tử đạo. Hôm ấy là ngày thứ Sáu, 22-1-1745.
Thông thường mỗi khi có vụ xử tử, lúc chém đầu mọi người chạy mất vì sợ hồn kẻ chết nhập vào, nhưng lần này trái lại họ đến gần hơn và ngay sau đó tuốn vào thấm máu đào, lấy những vật dụng và xiềng xích của hai vị làm kỉ niệm.
Giáo dân phải canh chừng để không ai lấy trộm thi thể hai đấng thánh. Tối hôm đó, Cha Phêrô Xavier tắm rửa xác các đấng và an táng tại Lục Thủy Hạ, mặc dầu các xứ khác như xứ Kẻ Bùi, Trung Linh, và Trung Lễ đòi quyền được cất xác các ngài.
Một tuần sau, mộ của các ngài được mở ra để táng trong nhà thờ theo lệnh của đức giám mục, nhưng lạ thay, xác các ngài không bốc mùi thối gì, giáo dân còn ngửi thấy thoang thoảng một mùi thơm lạ lùng.
Ngày 20-05-1906, các Ngài được Đức Piô X suy tôn lên bậc chân phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn lên hàng Hiển Thánh.
- Viết bởi Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Thánh Vinh Sơn ở Saragossa (c. 304)
Nếu chỉ cậy dựa vào sức con người thì quả thật không ai có thể trung tín với Thiên Chúa ngay cả khi không bị tra tấn hoặc bị đau khổ.
Khi Ðức Giêsu có ý định bắt đầu "hành trình" của Người đến sự chết, Thánh Sử Luca viết Người "quyết tâm" đi về Giêrusalem. Ðây là sự can đảm không lay chuyển đặc biệt của các vị tử đạo.
Những gì chúng ta biết về Thánh Vinh Sơn là từ nhà thơ Prudentius. Các "hành vi" của thánh nhân đã được tự do tô điểm bởi trí tưởng tượng của người biên soạn. Nhưng Thánh Augustine, trong một bài giảng về Thánh Vinh Sơn, đã nói về sự tử đạo của ngài. Tối thiểu chúng ta được biết chắc chắn về tên của ngài, về chức vụ phó tế, về cái chết và nơi chôn cất ngài.
Theo truyền thuyết (và cũng như các vị tử đạo tiên khởi, điều ngài được tán tụng phải xuất phát từ đời sống anh hùng của ngài), Thánh Vinh Sơn được phong chức phó tế bởi một người bạn của ngài là Thánh Giám Mục Valerius ở Saragossa Tây Ban Nha. Vào năm 303, các hoàng đế Rôma ban chỉ dụ chống đối hàng giáo sĩ, và chống đối giáo dân vào năm kế tiếp. Phó Tế Vinh Sơn và Ðức Giám Mục Valerius bị giam ở Valencia. Sự đói khổ và tra tấn không làm gì được các ngài.
Ðức Valerius bị đi lưu đầy, và hoàng đế Dacian dồn mọi sự tức giận lên Phó Tế Vinh Sơn. Mọi hình thức tra tấn đều được sử dụng. Nhưng kết quả chỉ làm Dacian thêm rối trí. Chính ông ra lệnh đánh đập các lý hình vì sự thất bại của họ.
Sau cùng ông đề nghị nếu Phó Tế Vinh Sơn giao nộp sách thánh để đốt theo như chỉ dụ của hoàng đế thì ông sẽ tha cho. Nhưng thánh nhân cương quyết không nhượng bộ. Sự tra tấn tiếp tục, nhưng dù nằm trên vỉ sắt được nung nóng, người tù nhân vẫn can đảm chịu đựng, đến nỗi chính lý hình cũng phải nản chí. Sau cùng Phó Tế Vinh Sơn bị ném vào một xà lim dơ bẩn -- ở đây ngài đã hoán cải người cai tù. Dacian tức điên người, nhưng lạ lùng thay, ông lại ra lệnh cho tù nhân được tĩnh dưỡng đôi chút.
Các tín hữu đến thăm Phó Tế Vinh Sơn, nhưng ngài không còn thì giờ để nghỉ ngơi ở trần thế, khi họ đặt ngài lên chiếc giường êm ả thì ngài đã đi vào nơi an nghỉ đời đời.
Lời Bàn
Các vị tử đạo là gương mẫu anh hùng mà chỉ quyền năng Thiên Chúa mới có thể thực hiện được. Chúng ta biết sức người không thể chịu đựng nổi các tra tấn như Thánh Vinh Sơn mà vẫn trung tín với đức tin. Nếu chỉ cậy dựa vào sức con người thì quả thật không ai có thể trung tín với Thiên Chúa ngay cả khi không bị tra tấn hoặc bị đau khổ. Thiên Chúa không đến giải cứu chúng ta vào những giây phút cô đơn "đặc biệt". Ngài luôn luôn hỗ trợ người mạnh cũng như kẻ yếu.
Lược sử
Suy niệm 1: Can đảm
Khi Đức Giêsu có ý định bắt đầu "hành trình" của Ngài đến sự chết, Thánh Sử Luca viết Ngài "quyết tâm" đi về Giêrusalem. Đây là sự can đảm không lay chuyển đặc biệt của các vị tử đạo.
Bị giam giữ, bị tra tấn, nhưng thánh nhân cương quyết không nhượng bộ. Sự đói khổ và tra tấn không làm gì được ngài. Mọi hình thức tra tấn đều được sử dụng, nhưng dù nằm trên vỉ sắt được nung nóng, người tù nhân vẫn can đảm chịu đựng, đến nỗi chính lý hình cũng phải nản chí.
Chúng ta biết sức người không thể chịu đựng nổi các tra tấn như Thánh Vinh Sơn mà vẫn trung tín với đức tin. Nếu chỉ cậy dựa vào sức con người thì quả thật không ai có thể trung tín với Thiên Chúa ngay cả không bị tra tấn hoặc bị đau khổ.
* Lạy Chúa Giêsu, xin thương ban ơn can đảm cho chúng con, để chúng con luôn tín trung với Chúa, dầu phải gặp bao nghịch cảnh vì đức tin.
Suy niệm 2: Trí tưởng tượng
Những gì chúng ta biết về Thánh Vinh Sơn là từ nhà thơ Prudentius. Các "hành vi" của ngài đã được tự do tô điểm bởi trí tưởng tượng của người biên soạn.
Trí tưởng tượng là một ơn Chúa ban mà người biên soạn đã vận dụng để tô điểm cuộc đời của Thánh Vinh Sơn. Có thể có những chi tiết thiếu trung thực, nhưng cuộc tử đạo thì hoàn toàn chính xác. Tất cả không gây nguy hại mà chỉ giúp thêm lòng mộ mến.
Dầu là ơn Chúa ban, nhưng trí tưởng tượng cũng có thể bị lạm dụng, để phỉnh phờ và làm tác hại người nhẹ dạ cả tin, như trong ngành bói toán, rút quẻ (Hc 34,5). Vì thế tiên tri Giêrêmia đã lên tiếng khuyên răn đừng nghe theo (Gr 23,16).
* Lạy Chúa Giêsu, xin ban ơn đức tin và lòng mến Chúa cho chúng con, để không nghe theo những điều hão huyền, vì đức luôn thắng mệnh.
Suy niệm 3: Anh hùng
Cũng như các vị tử đạo tiên khởi, điều Thánh Vinh Sơn được tán tụng phải xuất phát từ đời sống anh hùng của ngài.
Người anh hùng là người không sợ chết (Tl 8,21). Các vị tiền bối cũng như Thánh Vinh Sơn quả là bậc anh hùng vì đã chấp nhận chết vì đạo. Ông Giuđa Macabê cũng được tôn lên làm bậc anh hùng, vì bảo vệ Lề Luật thánh mà phải ngã gục (1Mcb 5,63;9,21).
Đức Giêsu vốn là Thiên Chúa, Đấng anh hùng siêu vượt (Is 42,13;Xp 3,17), nên Ngài đã bằng lòng chịu chết (Pl 2,8), để đem lại ơn hòa giải giữa con người với Thiên Chúa (Cl 1,22).
* Lạy Chúa Giêsu, chúng con không cả dám mong làm bậc anh hùng, nhưng chỉ ước thà chết chứ không làm mất lòng Chúa, xin thương giúp chúng con.
Suy niệm 4: Phó tế
Thánh Vinh Sơn được phong chức phó tế bởi một người bạn của ngài là Thánh Giám Mục Valerius ở Saragossa Tây Ban Nha.
Chức vụ phó tế được hình thành vào thời Giáo Hội sơ khai, khi các tông đồ muốn thông chia trách nhiệm phục vụ bàn ăn, để dành toàn thì giờ cho việc cầu nguyện và công tác rao truyền lời Chúa (Cv 6,1-6).
Ngày nay một trong các phận vụ phó tế là phụ giúp các giám mục và linh mục trong việc cử hành mầu nhiệm thánh, nhất là thánh lễ, trao Mình Thánh Chúa, chứng kiến và chúc lành cho đôi hôn phối, công bố và rao giảng Tin Mừng, chủ tọa lễ nghi an táng và đặc biệt là việc bác ái (Sách Giáo Lỳ số 1570).
* Lạy Chúa Giêsu, xin thương phù giúp các phó tế chu toàn chức vụ Chúa đã an bài sắp đặt trong Giáo Hội Ngài.
Suy niệm 5: Sách thánh
Hoàng đế Dacian đề nghị nếu Phó Tế Vinh Sơn giao nộp sách thánh để đốt theo như chỉ dụ của ông thì ông sẽ tha cho. Nhưng thánh nhân cương quyết không nhượng bộ.
Trong các Sách Thánh, Chúa Cha, Đấng ngự trên trời, âu yếm đến với con cái của Người và đối thoại với họ. Vì lý do đó, Hội Thánh luôn tôn kính Kinh Thánh như chính Mình Thánh Chúa, Hội Thánh không ngừng lấy Bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Thiên Chúa và Mình Thánh Chúa Kitô để ban phát cho các tín hữu (Hiến Chế về Mặc Khải số 21).
Hội Thánh xác nhận rằng toàn bộ Cựu Ước cũng như Tân Ước, với tất cả các thành phần đều là Sách Thánh (Hiến Chế về Mặc Khải số 11). Dù có khác biệt nhau mấy đi nữa, các Sách Thánh vẫn là một do tính duy nhất của chương trình Thiên Chúa mà Đức Kitô Giêsu là trung tâm điểm và là trái tim, được rộng mở từ cuộc Vượt Qua của Người (Sách Giáo Lý số 112).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con theo gương Thánh Vinh Sơn quyết tâm bảo vệ và sống chết vì Sách Thánh.
Suy niệm 6: Hoán cải
Phó Tế Vinh Sơn bị ném vào một xà lim dơ bẩn -- ở đây ngài đã hoán cải người cai tù. Dacian tức điên người, nhưng lạ lùng thay, ông lại ra lệnh cho tù nhân được tĩnh dưỡng đôi chút.
Cũng như Thánh Vinh Sơn, thánh Phaolô bị giam cầm trong ngục tù, nhưng cũng hoán cải và rửa tội được cho cả nhà viên cai ngục (Cv 16,33).
Trên thánh giá, Đức Giêsu cũng hoán cải được người đội trưởng khiến ông cất tiếng “Ông này là Con Thiên Chúa” (Mt 27,54). Và theo truyền thuyết, Ngài cũng làm cho người lính dùng lưỡi đòng đâm cạnh sườn Ngài được trở thành tín hữu.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con cố tâm hoán cải tha nhân, vì nhờ đó mà tạo được niềm vui cho cả triều thần thiên quốc (Lc 15,7.9).
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
- Viết bởi Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Hầu như chúng ta không biết gì nhiều về vị thánh nữ nổi tiếng này, ngoại trừ ngài rất trẻ -- khoảng 12 hay 13 tuổi khi ngài chịu tử đạo vào hậu bán thế kỷ thứ ba. Nhiều giả thuyết được đưa ra về cái chết của ngài như bị chém đầu, bị thiêu hoặc bị xiết cổ.
Truyền thuyết nói rằng Thánh Anê là một thiếu nữ xinh đẹp mà nhiều thanh niên muốn kết hôn. Trong những người bị khước từ lời cầu hôn, có một người đã đi tố cáo ngài là Kitô Hữu với nhà chức trách. Ngài bị bắt và bị giam trong nhà gái điếm.
Truyền thuyết kể rằng có một người bị mù vì đã nhìn ngài với ước muốn dâm dục, và sau khi được ngài cầu nguyện cho, họ đã sáng mắt. Ngài bị kết án, bị xử tử và được chôn gần Rôma, trong một hang toại đạo mà sau này được mang tên của thánh nữ.
Vào thế kỷ thứ tư, Constantia, con gái của hoàng đế Constantine đã xây một đền thờ để tôn kính ngài. Huy hiệu của ngài trong các tranh ảnh là hình con chiên, vì tên của ngài gần giống như chữ Latinh, agnus, có nghĩa là con chiên.
Suy niệm 1: Tuổi tác
Hầu như chúng ta không biết gì nhiều về vị thánh nữ nổi tiếng này, ngoại trừ ngài rất trẻ -- khoảng 12 hay 13 tuổi khi ngài chịu tử đạo vào hậu bán thế kỷ thứ ba.
Cũng giống như Thánh Maria Gôrétti trong thế kỷ gần đây, sự tử đạo của các thiếu nữ đồng trinh là một ấn tượng mạnh mẽ đối với xã hội ngày nay đang nô lệ cho chủ nghĩa duy vật.
Như Thánh Agatha, là người đã chết trong hoàn cảnh tương tự, Thánh Anê tiêu biểu cho sự thánh thiện mà không lệ thuộc vào tuổi tác, tài năng hay sự cố gắng cá nhân. Đó là món quà mà Thiên Chúa ban cho mọi người.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hiểu: sự thánh thiện không lệ thuộc vào tuổi tác, để mỗi người luôn ganh đua tiến lên đỉnh trọn lành.
Suy niệm 2: Tố cáo
Thánh Anê là một thiếu nữ xinh đẹp mà nhiều thanh niên muốn kết hôn. Trong những người bị khước từ lời cầu hôn, có một người đã đi tố cáo ngài là Kitô Hữu với nhà chức trách.
Quả là một hành vi tiểu nhân. Vì bị từ chối mà đi tố cáo người mình yêu. Xét cho cùng, đây không phải là một tình yêu đích thực, vì chỉ nhằm sở hữu cho mình chứ không chủ đem lại hạnh phúc cho người.
Phải nói thêm, đây là một hành vi vị kỷ cao độ, đến mức chủ trương cái gì không thuộc về mình thì cũng không muốn thuộc về người khác, cái gì mình không có được thì cũng quấy phá để tha nhân không có.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn sống vị tha đến mức sẵn sàng thí mạng cho tha nhân.
Suy niệm 3: Gái điếm
Anê bị bắt và bị giam trong nhà gái điếm.
Chắc hẳn ý đồ của nhà chức trách muốn dùng môi trường gái điếm để làm ô uế tấm thân Thánh nữ Anê theo cách gần mực thì đen, vì thế cho bắt giam ngài trong nhà gái điếm. Nhưng thanh giã tự thanh. Ngài quả là đóa sen tỏa ngát hương thơm với sắc màu hấp dẫn, ngài sống gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Ngài vẫn giữ được tấm thân và tâm hồn trinh trong cho đến chết.
Đức Giêsu cũng đã từng đồng bàn và cận kề với những người tội lỗi. Ngài hòa đồng đến mức người Pharisêu khó chịu và lên án Ngài là bạn của quân thu thuế và tội lỗi. Thế nhưng Ngài không bị đồng hóa mà ngược lại cảm hóa cả Dakêu và Nicôđêmô, cũng như thánh hóa Matthêu thành tông đồ và thánh sử.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn sống thánh đến mức không ngại tiếp cận với người tội lỗi mà vận dụng mỗi cơ hội đó để cảm hóa họ thành người tốt.
Suy niệm 4: Cầu nguyện
Truyền thuyết kể rằng có một người bị mù vì đã nhìn Anê với ước muốn dâm dục, và sau khi được ngài cầu nguyện cho, họ đã sáng mắt.
Đời sống cầu nguyện vốn là lương thực nuôi sống tâm linh người tín hữu, và đồng thời cũng giúp họ phát huy năng lực cứu giúp tha nhân. Không lạ gì người bị mù lại được sáng mắt chỉ nhờ vào lời cầu nguyện của thánh nữ
Cũng bằng lời cầu nguyện, cả hai thầy trò ngôn sứ Êlia và Êlisa đã cải tử hoàn sinh cho cậu bé trai con bà góa xứ Xarépta và con bà Sunêm (1V 17,20-22;2V 4,33). Tông đồ Phêrô cũng dùng lời cầu nguyện mà cứu sống bà Talitha ở Giaphô (Cv 9,40-41). Phaolô cầu nguyện, đặt tay và chữa khỏi cơn sốt và bệnh kiết lỵ cho thân sinh ông Púpliô (Cv 28,8).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chuyên cần cầu nguyện, không nhằm chữa bệnh tha nhân nhưng ít là để giữ mình khỏi sa chước cám dỗ (Mc 14,38).
Suy niệm 5: Đền thờ
Vào thế kỷ thứ tư, Constantia, con gái của hoàng đế Constantine đã xây một đền thờ để tôn kính thánh nữ.
Đền thờ là nơi thánh thiêng, ở đó phàm nhân đến để tỏ lòng sùng bái và xin ơn. Cuộc đời thánh thiện của thánh nữ Anê lại được kết thúc bằng cuộc tử đạo, khiến nhiều người ái mộ đến mức đã xây một đền thờ dành để tôn kính ngài.
Đền thờ bằng đá chỉ có giá trị thật sự khi giúp con người hướng đến việc xây dựng và tô điểm đền thờ tâm hồn, nơi Thiên Chúa ưa thích ngự trị (Ga 1,4), như Đức Giêsu đã cho biết là đã đến giờ phải thờ phượng trong thần khí và sự thật (Ga 4,23).
Bởi lẽ đền thờ bằng đá vốn đã được thay thế bằng một đền thờ đích thực không do tay phàm nhân làm nên (Mc 14,58), một đền thờ bằng xương bằng thịt tức là Thân Thể Đức Giêsu (Ga 2,21).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con siêng năng đến nhà thờ lãnh nhận Mình Thánh Chúa, để xây đắp và trang điểm đền thờ tâm hồn.
Suy niệm 6: Chiên
Huy hiệu của thánh nữ Anê trong các tranh ảnh là hình con chiên, vì tên của ngài gần giống như chữ Latinh, agnus, có nghĩa là con chiên.
Tên là người. Anê vốn hiền lành đến mức có một người vì đã nhìn ngài với ước muốn dâm dục mà bị mù, ngài đã tha thứ, cầu nguyện và người đó được sáng mắt. Chính vì sự hiền lành này mà Anê thật xứng với huy hiệu là chiên, vì một đặc tính của chiên là hiền lành đến mức câm nín trước thợ xén lông.
Bậc thầy của đức tính hiền lành không ai khác chính là Đức Giêsu. Ngài hiền đến mức vẫn giữ thái độ ôn hòa lặng lẽ ra đi, khi dân làng Ghêrasa và Samari chẳng những không đón tiếp mà xua đuổi Ngài (Lc 8,37;9,53). Ngài bình tâm đón nhận một cái tát nẩy lửa của một tên vô danh tiểu tốt, cũng như bao cái tát của bọn lý hình (Mt 26,67;Mc 14,65;Ga 18,22).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hãy chuyên chăm thực hành lời Chúa kêu mời: “Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành” (Mt 11,29).
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
- Viết bởi Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Thánh Sebastian (257? - 288?)
Thánh Sebastian gia nhập quân đội La Mã. Không một hoàng đế nào biết Thánh Sebastian là một Kitô Hữu và ngài đã bí mật giúp đỡ các vị tử đạo. Ngài bị kết án tử hình, và bị đánh đập bằng gậy cho đến chết.
Về phương diện lịch sử, không có gì chắc chắn về Thánh Sebastian, ngoại trừ ngài là một vị tử đạo Rôma, được sùng kính ở Milan ngay trong thời của Thánh Ambrôsiô và được chôn cất ở Appian Way, có lẽ gần Ðền Thánh Sebastian ngày nay. Việc sùng kính ngài lan rộng nhanh chóng, và ngài được nhắc đến trong vài sổ tử đạo ngay từ năm 350.
Truyền thuyết về Thánh Sebastian góp phần quan trọng cho nghệ thuật, có rất nhiều tranh ảnh về thánh nhân. Chỉ có một truyền thuyết mà các học giả ngày nay đồng ý là việc thánh nhân gia nhập quân đội La Mã và được Hoàng Ðế Diocletian giao cho việc chỉ huy đội vệ binh, sau này khi Diocletian đi sang miền Ðông thì Hoàng Ðế Maximian kế vị cũng giao công việc này cho thánh nhân. Không một hoàng đế nào biết Thánh Sebastian là một Kitô Hữu và ngài đã bí mật giúp đỡ các vị tử đạo. Sau cùng, ngài bị bắt gặp, bị đánh đập trước mặt Hoàng Ðế Maximian và được giao cho các cung thủ của Mauritanian để hành hình. Thân thể ngài ghim đầy những mũi tên và bị bỏ mặc cho chết dần mòn. Nhưng khi bà quả phụ Castulus đến tìm xác ngài để đem chôn thì thấy ngài còn sống và bà đã săn sóc, giúp ngài bình phục. Sau khi khoẻ mạnh, thay vì hèn nhát trốn tránh, ngài đã đứng chờ ở chỗ hoàng đế hay đi qua và lớn tiếng lăng mạ ông vì sự tàn nhẫn đối với Kitô Hữu. Lần này thánh nhân bị kết án tử hình, và bị đánh đập bằng gậy cho đến chết.
Suy niệm hạnh Thánh Sebastian
Lược sử
Về phương diện lịch sử, không có gì chắc chắn về Thánh Xêbaxianô, ngoại trừ ngài là một vị tử đạo Rôma, được sùng kính ở Milan ngay trong thời của Thánh Ambrôsiô và được chôn cất ở Appian Way, có lẽ gần Đền Thánh Xêbaxianô ngày nay. Việc sùng kính ngài lan rộng nhanh chóng, và ngài được nhắc đến trong vài sổ tử đạo ngay từ năm 350.
Truyền thuyết về Thánh Xêbaxianô góp phần quan trọng cho nghệ thuật, có rất nhiều tranh ảnh về thánh nhân. Chỉ có một truyền thuyết mà các học giả ngày nay đồng ý là việc thánh nhân gia nhập quân đội La Mã và được Hoàng Đế Diocletian giao cho việc chỉ huy đội vệ binh, sau này khi Diocletian đi sang miền Đông thì Hoàng Đế Maximian kế vị cũng giao công việc này cho thánh nhân. Không một hoàng đế nào biết Thánh Xêbaxianô là một Kitô Hữu và ngài đã bí mật giúp đỡ các vị tử đạo. Sau cùng, ngài bị bắt gặp, bị đánh đập trước mặt Hoàng Đế Maximian và được giao cho các cung thủ của Mauritanian để hành hình. Thân thể ngài ghim đầy những mũi tên và bị bỏ mặc cho chết dần mòn. Nhưng khi bà quả phụ Castulus đến tìm xác ngài để đem chôn thì thấy ngài còn sống và bà đã săn sóc, giúp ngài bình phục. Sau khi khoẻ mạnh, thay vì hèn nhát trốn tránh, ngài đã đứng chờ ở chỗ hoàng đế hay đi qua và lớn tiếng lăng mạ ông vì sự tàn nhẫn đối với Kitô Hữu. Lần này thánh nhân bị kết án tử hình, và bị đánh đập bằng gậy cho đến chết.
Suy niệm 1: Lịch sử
Về phương diện lịch sử, không có gì chắc chắn về Thánh Xêbaxianô, ngoại trừ ngài là một vị tử đạo Rôma, được sùng kính ở Milan.
Yếu tố lịch sử vốn quan trọng trong nhiều lãnh vực thuộc xã hội loài người, nhưng xét về phương diện sống đức tin thì nó chỉ là điều thứ yếu. Vì thế thánh Xêbaxianô được mọi người sùng kính, chính vì ngài là một vị thánh tử đạo.
Xét về khía cạnh lịch sử, thánh Têphanô chỉ được nhắc đến như là một trong bảy vị được chọn để thay Nhóm Mười Hai lo việc ăn uống cho cộng đoàn tiên khởi, nhưng lại được tôn vinh, nhờ vào việc ngài chịu tử đạo (Cv 6-7).
Đức Giêsu lại là một nhân vật nổi bật tuyệt vời trên khắp thế giới cả đời lẫn đạo, nên vấn đề giá trị lịch sử của Ngài đã được đặt ra, để xem Ngài có thật sự hiện hữu hay không. Và quả thật Ngài đã được chứng minh là chào đời vào thời vua Hêrôđê (Mt 2,1) và bị quan Philatô kết án tử hình thập giá (Mt 27,26).
* Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con sống vào thời đại không còn thắc mắc về giá trị lịch sử của Chúa nữa. Xin giúp chúng con đáp trả bằng việc sống thánh để được chết lành.
Suy niệm 2: Tử đạo
Về phương diện lịch sử, không có gì chắc chắn về Thánh Xêbaxianô, ngoại trừ ngài là một vị tử đạo Rôma, được sùng kính ở Milan.
Tử đạo là một phương cách nên thánh bảo đảm nhất, vì qua việc đổ máu thì mọi tội lỗi đều được thứ tha và ơn cứu chuộc sẽ tuôn đổ chan hòa (Dt 9,22). Do đó mọi tín hữu nói chung đều khao khát được ơn chết vì đạo theo gương các ngôn sứ (Mt 5,12).
Thánh Giáo Hoàng Xêbaxianô vốn là tôi tớ của mọi tôi tớ đã được mãn nguyện, khi được phúc tử đạo theo gương Thầy Chí Thánh: “Tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em” (Ga 15,20).
* Lạy Chúa Giêsu, ơn phúc tử đạo bằng việc đổ máu không hẳn Chúa dành cho chúng con, nhưng xin giúp chúng con biết vác thập giá hằng ngày để xứng đáng là người môn đệ của Chúa (Lc 14,27).
Suy niệm 3: Sùng kính
Việc sùng kính thánh Giáo Hoàng Xêbaxianô lan rộng nhanh chóng, và ngài được nhắc đến trong vài sổ tử đạo ngay từ năm 350.
Lòng sùng kính là một tâm tình đạo đức phát xuất từ một quả tim sùng mộ và một trí óc kính yêu. Dĩ nhiên phải ưu tiên tôn kính những gì liên quan đến Lời Chúa: Sách Thánh, các nghi thức như xông hương và hầu đèn, giảng đài, cung cách công bố, những lời xướng đáp... (Sách Giáo Lý số 1154).
Đức Giêsu là Chúa (1Cr 12,3) nên Lời Chúa là Lời Đức Giêsu (Ga 2,22) và cũng chính là Đức Giêsu (Ga 1,14). Không lạ gì, dân chúng hâm mộ háo hức và lũ lượt tuôn đến cùng Ngài (Mt 4,25;Mc 10,1), thậm chí muốn tôn Ngài lên làm vua (Ga 6,15).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con ghi nhận một yếu tố quan trọng trong việc sùng kính là ngoài con tim còn có trí óc nữa, để không biến việc sùng kính thành việc mê tín dị đoan.
Suy niệm 4: Nghệ thuật
Truyền thuyết về Thánh Xêbaxianô góp phần quan trọng cho nghệ thuật, có rất nhiều tranh ảnh về thánh nhân.
Thiên Chúa đã cho các nghệ nhân lòng trí dồi dào khôn ngoan để thực hiện mọi tác phẩm nghệ thuật (Xh 35,35). Nhưng Thánh Xêbaxianô là một tác nhân phụ giúp họ có ý tưởng để thực hiện nhiều sản phẩm nghệ thuật.
Phải cần lưu ý: có hai loại nghệ thuật được gọi là nghệ thuật thánh, như việc xây dựng nơi thánh với các chỉ thị cụ thể của Giáo Hội (Sách GL số 1181-1186) và của Thiên Chúa (Xh 25-27), và nghệ thuật đồi bại (Kn 15,4), như việc đúc bê vàng (Xh 32,4).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng nghĩ rằng thần linh giống như hình tượng do nghệ thuật và tài trí con người chạm trổ (Cv 17,29).
Suy niệm 5: Giờ
Khi bà quả phụ Castulus đến tìm xác Thánh Xêbaxianô để đem chôn thì thấy ngài còn sống và bà đã săn sóc, giúp ngài bình phục.
Theo chương trình quan phòng đầy tình thương và quyền năng của Thiên Chúa, mỗi người đều có “giờ” của mình. Vì thế cho dầu thân thể Thánh Xêbaxianô ghim đầy những mũi tên và bị bỏ mặc cho chết dần mòn, nhưng “giờ” của ngài chưa đến nên ngài đã được cứu sống và đã bình phục.
Thánh Phaolô tông đồ vốn bị ném đá và bị lôi ra ngoài thành vì người Dothái tưởng ngài đã chết. Nhưng khi các môn đệ xúm lại quanh ngài thì ngài đứng dậy và đi vào thành cách bình an vô sự (Cv 14,19-20), vì “giờ” của ngài chưa đến. Còn Đức Giêsu thì tự nguyện ra đi chịu chết vì “giờ” đã điểm (Mc 14,41).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn can đảm tuyên xưng đức tin ở mọi nơi mọi lúc, vì chưa đến “giờ” thì chẳng ai làm được gì.
Suy niệm 6: Dũng cảm
Sau khi khoẻ mạnh, thay vì hèn nhát trốn tránh, ngài đã đứng chờ ở chỗ hoàng đế hay đi qua và lớn tiếng lăng mạ ông vì sự tàn nhẫn đối với Kitô Hữu.
Ông Bơnagiahu, con ông Giơhôgiađa, con một người dũng cảm, nhiều thành tích, xuất thân từ Cápxơên. Chính ông đã hạ sát hai anh hùng Môáp. Chính ông đã xuống đập chết con sư tử ở trong giếng vào một ngày có tuyết (2Sm 23,20).
Ông Giuđa dũng cảm xông vào con thú đang đi giữa đội quân và chém giết hai bên tả hữu, khiến chúng phải giãn ra. Ông luồn xuống dưới bụng voi; đâm từ dưới lên và giết chết nó; con vật ngã xuống đất đè lên ông. Thế là ông chết ngay tại chỗ (1Mcb 6,45t).
* Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin mượn lời của hoàng hậu Étte để cùng dâng lên ý nguyện: xin ban cho chúng con lòng dũng cảm (Et 4,17r).
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
- Viết bởi Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Thánh Fabian (250)
Fabian là một giáo dân từ quê lên tỉnh khi giáo sĩ và dân chúng chuẩn bị chọn vị tân giáo hoàng. Theo sử gia Eusebius, có một con chim bồ câu từ trần nhà bay xuống, "đậu trên đầu Fabian giống hệt như Chúa Thánh Thần ngự trên Ðấng Cứu Thế dưới hình chim bồ câu."
Fabian là một giáo dân bình thường ở Rôma từ quê lên tỉnh vào một ngày khi giáo sĩ và dân chúng chuẩn bị chọn vị tân giáo hoàng. Có lẽ ngài đến Rôma cũng giống như nhiều người ngày nay đến Rôma trong thời gian tuyển chọn giáo hoàng: lo lắng cho tương lai của đạo, tò mò muốn biết vị tân giáo hoàng, hoặc tỏ lòng luyến tiếc vị giáo hoàng vừa quá cố. Hơn nữa, được nhìn thấy tất cả các vị chức sắc trong Giáo Hội cùng quy tụ lại để có một quyết định quan trọng cũng là điều thích thú. Ai sẽ là tân giáo hoàng? Ðó là người nhiều quyền thế? Là người có tài hùng biện? Là người dũng cảm?
Theo sử gia Eusebius của Giáo Hội, bỗng dưng có một con chim bồ câu từ trần nhà bay xuống, nhưng không đậu trên "bất cứ ai nổi tiếng". Theo Eusebius, bồ câu "đậu trên đầu Fabian giống hệt như Chúa Thánh Thần ngự trên Ðấng Cứu Thế dưới hình chim bồ câu." Ðiều đó phải có một ý nghĩa gì liên quan đến sự hoạt động của Chúa Thánh Thần, và mọi người đồng thanh tuyên bố Fabian "xứng đáng" là giáo hoàng.
Ðối với chúng ta, bồ câu tượng trưng cho sự hòa bình, và chim bồ câu ấy là điềm báo trước. Bắt đầu từ gần ngày Fabian được tuyển chọn, việc bách hại và đau khổ của Giáo Hội cũng chấm dứt. Hoàng đế Philip, thân thiện với Kitô Hữu và không những ông ngừng bách hại mà còn chấp nhận các nghi lễ của Kitô Giáo.
Trong thời gian hòa bình, Ðức Fabian đã có thể xây dựng cơ cấu Giáo Hội Rôma, ngài chỉ định bảy phó tế và giúp thu thập các chứng thư tử đạo.
Nhưng như ở bất cứ thời gian nào, những người có quyền thường không vui khi thấy các kẻ lạ mặt gia tăng và phát đạt. Có nhiều lần người ngoại giáo đã tấn công Kitô Hữu, và khi hoàng đế Philip từ trần thì thời gian bình an cũng chấm dứt. Hoàng đế mới là Decius, ra lệnh cho mọi Kitô Hữu phải khước từ Ðức Kitô bằng cách thờ cúng tà thần, hoặc tham dự các nghi thức ngoại giáo khác.
Sau một vài năm bình an, Giáo Hội vẫn chưa đủ mạnh. Nhiều người đã không đủ can đảm để tử đạo. Nhưng Ðức Fabian, một biểu tượng hoà bình nổi bật, đã đứng lên để can đảm làm gương cho mọi người trong đàn chiên. Ngài chịu tử đạo năm 250 và được chôn cất trong Nghĩa Trang Calixtus, là nơi chính ngài giúp tân trang.
Trong Nghĩa Trang Calixtus, ngày nay vẫn còn có một bia đá dùng để đậy mồ Thánh Fabian, bị vỡ làm bốn mảnh, có mang dòng chữ Hy Lạp, "Fabian, giám mục, tử đạo."
Lời Bàn
Chúng ta chỉ có thể tin tưởng bước vào tương lai và chấp nhận những thay đổi cần thiết để phát triển nếu chúng ta bám rễ vào quá khứ của một truyền thống sống động. Một vài mảnh đá ở Rôma nhắc nhở rằng, chúng ta là những người của thế kỷ 20 tiếp tục truyền thống đức tin sống động và can đảm thay đổi cuộc đời giống như Ðức Kitô, và làm chứng cho Ngài trong thế gian. Chúng ta đã có các anh chị là những người "ra đi trước chúng ta được ghi dấu đức tin" để dẫn đường cho chúng ta.
Lời Trích
"Máu các vị tử đạo là hạt giống của Giáo Hội" (Tertullian).
Suy niệm hạnh Thánh Fabian
Suy niệm 1: Lo lắng
Có lẽ Phabianô đến Rôma cũng giống như nhiều người ngày nay đến Rôma trong thời gian tuyển chọn giáo hoàng: lo lắng cho tương lai của đạo.
Thông thường người đời hay lo cho mạng sống, lấy gì mà ăn; và cũng lo cho thân thể, lấy gì mà mặc. Vì thế Đức Giêsu đã có lời khuyên: đừng lo lắng cho ngày mai, hãy tin tưởng vào Chúa quan phòng, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước hết (Mt 6,25.33-34).
Phabianô ngay khi còn là một giáo dân đã sốt sắng thực thi lời Chúa, đã biết lo lắng cho tương lai của đạo. Không lạ gì mọi người đã đồng thanh tuyên bố Phabianô "xứng đáng" là giáo hoàng, và cũng thật xứng là một thánh nhân.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thấy rằng: chúng con lo làm sao có hiệu quả bằng Chúa lo, để rồi toàn tâm toàn ý lo việc Chúa trên hết, còn việc đời thì để cho Chúa lo thay.
Suy niệm 2: Tân giáo hoàng
Ai sẽ là tân giáo hoàng? Đó là người nhiều quyền thế? Là người có tài hùng biện? Là người dũng cảm? Câu trả lời: tư tưởng Thiên Chúa thật khác xa tư tưởng loài người (Is 55,8-9;Mt 16,23).
Phabianô chỉ là một giáo dân bình thường ở Rôma. Nhưng theo sử gia Eusebius, chim bồ câu từ trần nhà bay xuống, lại không đậu trên "bất cứ ai nổi tiếng", mà "đậu trên đầu Phabianô", để rồi mọi người đã đồng thanh tuyên bố Phabianô "xứng đáng" là giáo hoàng.
Cũng thế, Phêrô vốn xuất thân từ nghề chài lưới, từng bị Chúa quở trách và nhất là phạm tội chối Chúa, thế nhưng ngài lại được Chúa chọn làm vị giáo hoàng tiên khởi của Giáo Hội.
* Lạy Chúa Giêsu, xin phù trì các đức giáo hoàng vững tay lèo lái con thuyền Giáo Hội vượt qua biển trần gian đến bến thiên đàng.
Suy niệm 3: Bồ câu
Bồ câu tượng trưng cho sự hòa bình, và chim bồ câu ấy là điềm báo trước. Bắt đầu từ gần ngày Phabianô được tuyển chọn, việc bách hại và đau khổ của Giáo Hội cũng chấm dứt.
Vào thời lụt đại hồng thủy, Nôe cũng sử dụng chim bồ câu để xem nước đã giảm trên mặt đất chưa. Từ cửa sổ trên tàu, ông thả chim. Chim trở về mang theo một nhành lá ôliu tươi trong mỏ, và ông biết được tin tốt lành là mọi sự đã được bình yên (St 8,10-11).
Đức Giêsu cũng được Thần Khí Thiên Chúa lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên đầu, sau khi Ngài chịu phép rửa ở sông Giođan, vì Ngài đích thật là Hoàng Tử thái bình (Is 9,5), chính Ngài lập nên hòa bình vô tận (Is 9,6;Mk 5,4).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn sống hiền hòa và đơn sơ như chim bồ câu (Mt 10,16), để mang an bình đến cho mọi người.
Suy niệm 4: Cơ cấu
Trong thời gian hòa bình, Đức Phabianô đã xây dựng cơ cấu Giáo Hội Rôma, ngài chỉ định bảy phó tế và giúp thu thập các chứng thư tử đạo.
Giáo Hội vốn vô hình nhưng đồng thời cũng mang tính hữu hình như bất cứ một xã hội nhân loại nào. Vì thế khía cạnh cơ cấu tổ chức không thể không có. Do đó vận dụng thời gian hòa bình, Đức Phabianô đã có thể xây dựng cơ cấu Giáo Hội Rôma.
Chính Đức Giêsu đã thiết lập một cộng đoàn có cơ cấu. Trước hết, Ngài tuyển chọn nhóm Mười Hai với Phêrô làm thủ lãnh (Mc 3,14-15). Nhóm Mười Hai là nền tảng của Giêrusalem mới (Kh 21,12-14).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn tôn trọng cơ cấu phẩm trật nhằm bảo toàn an sinh Giáo Hội
Suy niệm 5: Ngoại giáo
Có nhiều lần người ngoại giáo đã tấn công Kitô Hữu. Hoàng đế mới là Decius, ra lệnh cho mọi Kitô Hữu phải khước từ Đức Kitô bằng cách thờ cúng tà thần, hoặc tham dự các nghi thức ngoại giáo khác.
Ánh sáng và bóng tối là hai thế lực luôn đối nghịch nhau. Mặc dầu bóng tối không diệt được ánh sáng, nhưng lại rất ghét ánh sáng (Ga 1,5;3,20). Hình ảnh ấy phần nào giải thích được lý do vì sao người ngoại giáo thường tấn công Kitô Hữu.
Đức Giêsu là ánh sáng (Ga 8,12;12,46), và các kitô hữu cũng được mời gọi làm ánh sáng muôn dân (Mt 5,14). Vì thế bóng tối thế gian chẳng những ghét bỏ Ngài, mà còn bắt các đệ tử Ngài phải đồng chịu chung số phận (Ga 15,18-21).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con kiên tâm sống trong thế gian, nhưng đừng bao giờ thuộc về thế gian, cho dầu phải bị thế gian ghét bỏ.
Suy niệm 6: Làm gương
Sau một vài năm bình an, Giáo Hội vẫn chưa đủ mạnh. Nhiều người đã không đủ can đảm để tử đạo. Nhưng Đức Phabianô, một biểu tượng hòa bình nổi bật, đã đứng lên để can đảm làm gương cho mọi người trong đàn chiên. Ngài chịu tử đạo năm 250.
Làm gương là một bài giảng dạy tối ưu có sức thuyết phục mọi người. Ý thức được như thế, nên không riêng gì Đức Phabianô, mà cụ già Elada cũng chấp nhận tử đạo, để lại cho giới trẻ một tấm gương cao đẹp về cái chết tự nguyện và cao quý, vì đã trung thành với các Lề Luật đáng kính và thánh thiện (2Mcb 6,28).
Chính Thiên Chúa cũng trừng phạt cả nhóm Côrắc để làm gương cho đoàn dân đang lưu lạc trong sa mạc (Ds 26,10). Và Đức Giêsu cũng hạ mình rửa chân cho các môn đệ để nêu gương yêu thương và phục vụ lẫn nhau (Ga 13,15).
* Lạy Chúa Giêsu, giá trị của việc làm gương thật quá rõ rệt, xin giúp chúng con quyết tâm thực hiện.
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
- Viết bởi Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
(1613-1670)
Lược sử
Thánh Carôlô nghĩ rằng Thiên Chúa gọi ngài đi truyền giáo ở Ấn Độ, nhưng ngài chưa bao giờ được đặt chân đến đó. Thiên Chúa đã có những hoạch định khác tốt đẹp hơn cho ngài.
Gioan Carôlô Mácsiôni sinh ở làng Xêdê, phía đông nam của Rôma trong một gia đình nghèo. Khi niên thiếu, ngài đi chăn cừu và ao ước trở nên một linh mục. Nhưng ước mơ đó không thành tựu vì hoàn cảnh nghèo nên thiếu học thức (ngài chỉ biết đọc và biết viết căn bản), do đó ngài trở nên một thầy dòng Phanxicô năm 1635. Trong cuốn nhật ký, Carôlô cho chúng ta biết: "Thiên Chúa đã gieo vào tâm hồn tôi ao ước muốn trở nên một thầy dòng, với khao khát sống nghèo hèn và đi xin ăn vì tình yêu Thiên Chúa."
Thầy Carôlô đã làm các công việc như nấu ăn, giữ cửa, dọn lễ, làm vườn và đi xin ăn cho nhiều tu viện ở nước Ý. Câu chuyện sau cho thấy tinh thần Phúc Âm của thầy. Khi là người giữ cửa, cha bề trên ra lệnh cho thầy chỉ được phân phát thực phẩm cho các tu sĩ di chuyển ngang qua vùng mà thôi. Thầy vâng lời theo cách đó, và đồng thời của bố thí cũng vơi dần. Thầy cố thuyết phục cha bề trên về sự liên hệ giữa hai yếu tố này. Khi nhà dòng trở lại truyền thống phân phát thực phẩm cho bất cứ ai đến với họ thì của bố thí lại gia tăng.
Theo chỉ thị của cha giải tội, Thầy Carôlô viết cuốn nhật ký, Sự Vĩ Đại của Lòng Thương Xót Chúa. Ngài còn viết một vài cuốn sách khác về tâm linh. Trong nhiều năm trời, ngài biết tận dụng sự hướng dẫn tinh thần của các cha linh hướng khi họ giúp ngài phân biệt đâu là tư tưởng của thầy và đâu là tư tưởng của Thiên Chúa. Và chính thầy cũng được người ta tìm đến để xin hướng dẫn tinh thần. Khi Đức Clement IX hấp hối, ngài đã cho mời Thầy Carôlô đến để cầu nguyện và chúc lành cho đức giáo hoàng.
Thầy là người tin tưởng vững vàng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Cha Severino Gori đã nói: "Qua lời nói và hành động, thầy nhắc nhở cho chúng ta biết tất cả những gì chúng ta cần theo đuổi là sự vĩnh cửu". Ngài từ trần ở San Francesco a Ripa ở Rôma và được chôn cất ở đây. Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã phong thánh cho ngài vào năm 1959.
Suy niệm 1: Hoạch định
Thánh Carôlô nghĩ rằng Thiên Chúa gọi ngài đi truyền giáo ở Ấn Độ, nhưng ngài chưa bao giờ được đặt chân đến đó. Thiên Chúa đã có những hoạch định khác tốt đẹp hơn cho ngài.
Thời Cựu Ước, Thiên Chúa sắp đặt Môsê được thụ giáo một căn bản lãnh đạo ở đền vua Pharaô, để sau này trở thành người cầm đầu dân Ítraen (Xh 3,12). Giuse bị bán qua Aicập để rồi trở nên tể tướng triều đình Aicập, và giải quyết tốt đẹp nạn đói trong vùng (St 41,40).
Thời Tân Ước, các tông đồ dầu tiên xuất thân từ làng chài để rồi được Đức Giêsu sắp xếp trở thành những kẻ chài lưới người (Mt 4,19). Chiến sĩ Saolô lên đường bắt đạo Chúa thì lại được hoạch định thành Phaolô, một tông đồ dân ngoại (Cv 9,15).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nhận ra và hết mình sống theo chương trình Chúa đã hoạch định cho chúng con.
Suy niệm 2: Chăn cừu
Khi niên thiếu, Carôlô đi chăn cừu và ao ước trở nên một linh mục. Nhưng ước mơ đó không thành tựu vì hoàn cảnh nghèo nàn nên thiếu học thức (ngài chỉ biết đọc và biết viết căn bản), do đó ngài trở nên một thầy dòng Phanxicô năm 1635.
Chúa quan phòng dìu dắt bước đi của Carôlô từ một người chăn cừu đến chăn dắt nhiều tâm hồn trong ràn chiên của Chúa. Thậm chí khi Đức Giáo Hoàng Clement IX hấp hối, ngài cũng cho mời Thầy Carôlô đến để cầu nguyện và chúc lành cho ngài.
Thiếu niên Đavít cũng chăn chiên. Nhờ đó Đavít dùng dây phóng đá nhằm bảo vệ chiên để bắn gục tướng hùng Gôliát. Và sau này lên ngai vua để chăn dắt toàn quân dân Ítraen suốt bốn mươi năm trời.
* Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa giữ gìn các vị thay thế Thánh Phêrô mà Chúa đã trao quyền chăn dắt chiên con cũng như chiên mẹ của Chúa (Ga 21,15-17).
Suy niệm 3: Đi xin
Thầy Carôlô đã làm các công việc như nấu ăn, giữ cửa, dọn lễ, làm vườn và đi xin ăn cho nhiều tu viện ở nước Ý.
Thầy Carôlô đi xin ăn, nhưng không cho mình mà cho các tu viện. Một câu chuyện thật cảm động về thánh Phanxicô Átxidi. Khi bị nhổ một bãi nước bọt vào mặt, ngài thưa: đó là phần của tôi, còn bây giờ xin bố thí phần cho các anh em tôi.
Thánh Phaolô tông đồ cũng đã từng cử Titô và một số bạn đồng hành đến các giáo đoàn, để tổ chức những cuộc lạc quyên, nhằm giúp cho những phần tử gặp hoạn nạn và túng thiếu (2Cr 8,18). Công việc này chính ngài và Banaba đã từng làm trước đó cho dân miền Giuđê (Cv 11,29-30).
* Lạy Chúa Giêsu, xin chúc lành cho nhiều nhà hảo tâm đã giúp dỡ cho các vị mục tử đang đi xin nơi này nơi khác hầu có điều kiện phục vụ cộng đoàn.
Suy niệm 4: Vâng lời
Thầy Carôlô vâng lời cha bề trên chỉ được phân phát thực phẩm cho các tu sĩ di chuyển ngang qua vùng, và đồng thời của bố thí cũng vơi dần. Thầy cố thuyết phục cha bề trên về sự liên hệ giữa hai yếu tố này. Khi nhà dòng trở lại truyền thống phân phát thực phẩm cho bất cứ ai đến với họ thì của bố thí lại gia tăng.
Thái độ sống của thầy Carôlô thật tuyệt vời. Trước một lệnh truyền dầu không hay của bề trên, ngài vẫn vâng lời thực hiện, để rồi từ từ kiếm cơ hội trao đổi và thuyết phục, mãi cho đến khi được bề trên đồng ý và thay đổi lệnh truyền.
Để đánh giá thái độ vâng lời bề trên bất kể hợp lý hay không phải, chính Thiên Chúa cũng làm phép lạ cho cây chuối Giênađô trồng ngược theo lệnh bề trên, chẳng những không chết mà còn trổ được một buồng sai quả to lớn lạ thường.
* Lạy Chúa Giêsu, xin ban ơn khôn ngoan cho các vị bề trên, để các lệnh truyền đến từ các ngài đều đúng ý Chúa, hầu tạo điều kiện cho những người thuộc quyền dễ dàng vâng lời hơn.
Suy niệm 5: Hướng dẫn
Trong nhiều năm trời, Carôlô biết tận dụng sự hướng dẫn tinh thần của các cha linh hướng khi họ giúp ngài phân biệt đâu là tư tưởng của thầy và đâu là tư tưởng của Thiên Chúa. Và chính thầy cũng được người ta tìm đến để xin hướng dẫn tinh thần.
Đã được cho không thì cũng phải cho không (Mt 10,8). Carôlô chẳng những thấu hiểu lời Chúa dạy mà còn thực thi hết mình. Ngài đã được các cha linh hướng hướng dẫn tinh thần, nên ngài cũng sẵn lòng hướng dẫn tinh thần những ai tìm đến với ngài.
Philípphê được Chúa chọn làm tông tồ nên cũng đáp ơn bằng việc giới thiệu Nathanaen đến với Chúa (Ga 1,45). Ngài nhận được sự hướng dẫn của Chúa nên cũng vội vã chạy theo xe viên hoạn quan, để hướng dẫn đoạn Kinh Thánh vị này chưa hiểu và giúp vị này lãnh nhận phép rửa tội (Cv 8,31).
* Lạy Chúa Giêsu, xin hướng dẫn chúng con, để khi có điều kiện, chúng con cũng hướng dẫn tha nhân cần đến chúng con.
Suy niệm 6: Quan phòng
Thầy Carôlô là người tin tưởng vững vàng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Đời sống ngài đã trở nên thật kỳ diệu khi ngài cộng tác với ơn sủng của Thiên Chúa.
Chúa quan phòng luôn ban đủ ơn cho mỗi người để giúp họ nên thánh (2Cr 12,9). Carôlô đã xác tín điều đó khi nói: Các thánh nhân trở nên thánh trong phương cách bình thường, nhờ bởi sự trung tín lớn lao khi đáp ứng với ơn sủng của Thiên Chúa.
Các tông đồ nói chung đều là phàm nhân với nhiều lầm lỗi, nhưng đã trở thành thánh nhân, nhờ sống trong ơn nghĩa Chúa đến cùng. Riêng Giuđa Ítcariốt đã không sử dụng ơn Chúa cho nên, vì thế không được đứng trong hàng ngũ các thánh.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng phí phạm ơn Chúa quan phòng hằng ban, để sau này được về thiên đàng hưởng thiên nhan Chúa.
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
- Viết bởi Hạnh các Thánh
Ngày 17-01: Thánh Antôn Viện Phụ (Thế kỷ IV)
Thánh Antôn chào đời năm 250 tại Corma, gần Hieraclens, miền thượng Ai cập. Cha mẹ Ngài nổi danh giàu có lẫn đạo đức, đã lo lắng dạy dỗ Ngài sống đạo ngay từ nhỏ.
Khi được 18 tuổi thì cha mẹ Ngài qua đời. Sáu tháng sau ngày mất cha mất mẹ, tại một giáo đường, thánh nhân đã nghe đọc lời sách thánh: "Nếu con muốn nên trọn lành, hãy về bán hết của cải và đem phân phát cho kẻ nghèo khó rồi theo Ta" (Mt 19,21). Tưởng như Thiên Chúa nói riêng với mình đã về bán hết của cải và đem phân phát cho người nghèo khó.
Sau khi lo lắng gửi gấm em gái của mình cho một nữ tu viện, Ngài lui vào sa mạc để làm việc và cầu nguyện, Ngài theo đuổi một cuộc sống rất khắc khổ, chỉ ăn bánh với muối và uống nước ngày một lần sau khi mặt trời lặn. Để giữ được sự cô tịch trọn vẹn, Ngài còn ẩn thân vào một ngôi mộ bỏ trống. Thỉnh thoảng một người bạn mang bánh đến cho Ngài bánh đến cho Ngài nhưng ma quỉ đã tìm cách quấy phá để trục Ngài ra khỏi "căn phòng" và cuộc sống khắc khổ, chúng thường hay la hét và hiện hình kỳ quái. Phản ứng lại, thánh nhân thường cầu nguyện nhiều hơn và tăng gấp những việc hãm mình. Giận dữ vì các mưu mô bị thất bại, ma quỉ còn công khai hành hạ Ngài nữa.
Một ngày kia người bạn mang bánh đến, bỗng thấy thánh nhân nửa sống nửa chết, mình đầy thương tích. Nhưng khi vừa bừng tỉnh, thánh nhân liền chỗi dậy và la lớn: - Tôi còn sẵn sàng chiến đấu. Lạy Chúa, không, không gì có thể tách lìa con khỏi lòng yêu mến Chúa được.
Giữa những đau đớn vì các cuộc tấn công của ma quỉ, Ngài khinh bỉ trả lời: - Ồn ào vô ích. Dấu thánh giá và lòng tin tưởng vào Chúa là những thành trì kiên cố.
Thánh nhân luôn tin tưởng nơi Chúa. Ngày kia, được an ủi trong tâm hồn và cảm thấy là ma quỉ đã lùi bước, Ngài cầu nguyện: - Oi, lạy Chúa, Chúa ở đâu ? Sao Chúa không ở đây lau sạch nước mắt và thoa dịu những dày vò của con ?
Tiếng Chúa trả lờ i: - Cha ở gần con, cha giúp con chiến đấu. Bởi vì con đã chống trả lại ma quỉ, cha sẽ bảo vệ quãng đời còn lại của con. Cha sẽ làm cho tên con rạng rỡ trên trời.
Tràn đầy nghị lực, thánh nhân chỗi dậy tạ ơn Chúa. Muốn xa mọi người hơn nữa, Ngài vượt sông Nil đến trú ngụ trong một pháo đài hoang phế đầy những rắn rết. Nhưng sự thánh thiện của Ngài như một sức nam châm, vẫn thu hút nhiều người đến xin làm môn đệ. Thế là một phong trào ẩn tu nổi lên mạnh mẽ. Sa mạc mọc lên những mái tranh, từ đó không ngừng vang lên những lời kinh ca khen Chúa. Thánh nhân trở nên vị thủ lãnh của nếp sống ẩn tu.
Dầu vậy, thánh An tôn đã hai lần từ giã sa mạc. Vào năm 311 khi có cuộc bách hại của Alaximiô, Ngài nói: - Nào ta cùng đi chiến đấu với anh em ta.
Ngài lên đường đi Alexandria. Người ta thấy thánh nhân khích lệ các tù nhân nơi các trại giam, theo họ tới trước quan tòa và khuyên nhủ họ can đảm chết vì đạo, Ngài còn xuống hầm trú để an ủi các linh mục. Ngài thoát chết là một điều lạ lùng.
Cuộc bách hại chấm đứt được một năm, thánh nhân lại tìm về sa mạc. Số các môn sinh ngày càng tăng thêm đông. Sợ bị cám dỗ thành kiêu căng, và thấy gương các thánh tử đạo, thánh Antôn khao khát sống khắc khổ để đền tội. Ngài tiến sâu hơn nữa vào sa mạc. Sau ba ngày đi theo đoàn người buôn bán, Ngài dừng lại gần biển Đỏ, dưới chân núi Kolzim và dựng một căn lều vừa đủ để nằm để ở. Dân Bê-đu-anh (Bédouins) cho Ngài bánh ăn. Về sau các môn sinh tìm tới và mang cho Ngài một cái xuổng với một ít hạt giống, đây là nguồn gốc của tu viện thánh Antôn hay là Deir-el-Arat, một tu viện theo nghi lễ Cốp (Copte) ngày nay vẫn còn.
Lần thứ hai, thánh nhân trở lại Alexandria theo lời mời của đức giám mục Athanasiô, để chống lại lạc giáo. Dân chúng cả thành chen lấn nhau đi đón Ngài. Các lương dân cũng bảo nhau: - Chúng ta đi gặp người của Thiên Chúa.
Nhiều người cảm động vì những bài diễn thuyết và những phép lạ Ngài làm, đã xin lãnh bí tích rửa tội, người ta tưởng sẽ gặp một lão già tám mươi hoang dại, nhưng đã ngạc nhiên khi thấy Ngài rất lịch thiệp, xử dụng ngôn ngữ văn hóa và diễn tả tư tưởng rất uyên thâm. Các triết gia ngoại giáo ngạc nhiên hỏi Ngài:
- Ngài làm gì được trong sa mạc không có sách vở chi hết ? Thánh nhân trả lời:
- Thiên nhiên đối với tôi là một cuốn sách mở rộng.
Và người ta ngỡ ngàng về những điều thánh nhân đã khám phá được trong cuốn sách vĩ đại này của Đấng Tạo hóa.
Điều đáng kể dường như không phải những nhiệm nhặt Ngài theo đuổi, mà là tâm hồn trong trắng Ngài kết hiệp mật thiết với Chúa, Ngài nói: - Hư danh là kẻ thù nguy hiểm nhứt của chúng ta.
Danh tiếng của thánh Antôn lan rộng đến nỗi vua Constantinô và con cái ông đã viết thư tham khảo ý kiến Ngài, Môn sinh của Ngài hãnh diện lắm. Nhưng Ngài bảo họ:
- Đừng ngạc nhiên lắm khi thấy nhà vua là một con người viết thư cho một con người. Đáng ngạc nhiên là chính Thiên Chúa đã muốn viết luật cho loài người, và đã nói với chúng ta qua đức Giêsu Kitô .
Và trả lời cho lớp người vương giả ấy, Ngài dùng những lời cao thượng để khuyên họ biết khinh chê danh vọng mà nhớ tới cuộc chung thẩm.
Khi Ngài đã quá 90 tuổi, Thiên Chúa qua một thị kiến đưa ngài đến thăm thánh Phaolô ẩn tu trong sa mạc. Ngài còn được cho biết là sẽ sống tới tuổi 105.
Biết sắp tới giờ từ giã trần gian, Ngài đi thăm anh em Ngài lần chót. Ngài nói với họ về sự chết với niềm vui của người hồi hương. Họ đã khóc ròng, nhưng Ngài khuyên nhủ họ: - Hãy sống như phải chết mỗi ngày. Hãy cố gắng noi gương các thánh.
Thánh nhân trở lại núi với hai môn sinh. Trong căn phòng nghèo nàn của mình, Ngài đã phó linh hồn trong tay Chúa lúc 105 tuổi. Chúng ta biết được ân sủng giai thoại quý báu của đời thánh An tôn là nhờ thánh Athanasiô kể lại.
daminhvn.net
- Thánh Phaolô Ẩn Tu (233 - 345)
- Thánh Macrina (c. 340)
- Tôi Tớ Thiên Chúa, Gioan Người Làm Vườn
- Hạnh Các Thánh Tháng 1 - 2015
- Thánh Đaminh Phạm Trọng Khảm, Chánh Án (1780-1859)
- Thánh Luca Phạm Trọng Thìn, Chánh Tổng (1820-1859)
- Thánh Giuse Phạm Trọng Tả, Chánh Tổng (1800-1859)
- Thánh Hilariô, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh (St. Hilary)
- Chân phước William Carter (1548-1584)
- Thánh Grêgôriô ở Nyssa (330 - 395)