Gương Thánh Nhân
- Viết bởi Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Thánh Blaise (c. 316)
Lược sử
Chúng ta biết nhiều về sự sùng kính của Kitô Hữu đối với Thánh Blaise hơn là tiểu sử của ngài. Trong Giáo Hội Đông Phương, ngày lễ kính ngài được coi là một ngày lễ lớn. Công Đồng Oxford, vào năm 1222 đã cấm làm việc xác trong ngày lễ Thánh Blaise. Người Đức và người Đông Âu rất kính trọng thánh nhân, và trong nhiều thập niên, người Công Giáo Hoa Kỳ thường chạy đến với thánh nhân để xin chữa bệnh đau cổ họng.
Chúng ta được biết Đức Giám Mục Blaise chịu tử đạo ngay trong giáo phận của ngài ở Sebastea, Armenia, năm 316. Mãi cho đến 400 năm sau mới có huyền thoại viết về ngài. Theo đó, Thánh Blaise là một giám mục tốt lành, làm việc vất vả để khuyến khích giáo dân sống lành mạnh về tinh thần và thể xác.
Mặc dầu Chỉ Dụ Toleration, năm 311, đã cho phép tự do tôn giáo ở Đế Quốc Rôma hơn năm năm, nhưng ở Armenia, việc bách hại vẫn còn dữ dội. Hiển nhiên là Thánh Blaise buộc phải rời bỏ giáo phận và sống trong rừng núi. Ở đó ngài sống trong cô độc và cầu nguyện, làm bạn với thú rừng.
Một ngày kia, có nhóm thợ săn đi tìm thú dữ để sử dụng trong đấu trường và tình cờ họ đã thấy hang động của Thánh Blaise. Từ kinh ngạc cho đến sợ hãi, họ thấy vị giám mục đi lại giữa đám thú dữ một cách điềm tĩnh để chữa bệnh cho chúng. Nhận ra ngài là giám mục, họ bắt ngài về để xét xử. Trên đường đi, ngài ra lệnh cho một con sói phải thả con heo nó đang cắn giữ vì đó là của người đàn bà nghèo. Khi Thánh Blaise bị giam trong tù và bị bỏ đói, người đàn bà này đã đền ơn ngài bằng cách lẻn vào tù cung cấp thức ăn cho thánh nhân.
Ngoài ra, truyền thuyết còn kể rằng, một bà mẹ có đứa con trai bị hóc xương đã chạy đến ngài xin cứu giúp. Và sau lời truyền của Thánh Blaise, đứa bé đã khạc được chiếc xương ra khỏi cổ.
Agricolaus, Thủ Hiến xứ Cappadocia, tìm mọi cách để dụ dỗ Thánh Blaise bỏ đạo mà thờ tà thần. Lần đầu tiên từ chối, ngài bị đánh đập. Lần kế tiếp, ngài bị treo trên cây và bị tra tấn bằng chiếc lược sắt cào vào thân thể. Sau cùng ngài bị chém đầu.
Suy niệm 1: Sùng kính
Chúng ta biết nhiều về sự sùng kính của Kitô Hữu đối với Thánh Blaise hơn là tiểu sử của ngài. Trong Giáo Hội Đông Phương, ngày lễ kính ngài được coi là một ngày lễ lớn.
Trong mọi thời, cảm thức của dân thánh được diễn đạt bằng những hình thức đa dạng, quy tụ quanh đời sống bí tích của Hội Thánh, như lòng sùng kính các thánh (Sách Giáo Lý số 1674).
Óc thực tiễn của người dân Kitô có khả năng nhận định tổng quát về cuộc sống. Do đó, họ có thể hòa hợp một cách sáng tạo những gì thuộc về Thiên Chúa và những gì thuộc về con người... Nguồn khôn ngoan này là một nền nhân bản Kitô giáo khẳng định triệt để phẩm giá con Thiên Chúa của từng người (Sách Giáo Lý số 1676).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con khi thi hành các hình thức đạo đức, phải luôn tuân theo các chỉ thị của Đấng Bản Quyền.
Suy niệm 2: Chữa bệnh
Người Đức và người Đông Âu rất kính trọng thánh nhân, và trong nhiều thập niên, người Công Giáo Hoa Kỳ thường chạy đến với thánh nhân để xin chữa bệnh đau cổ họng.
Thánh Blaise được coi là một thí dụ điển hình về quyền năng của những ai tận hiến cho Đức Kitô. Như Đức Kitô đã nói với các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly, "Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, hãy xin bất cứ gì anh em muốn thì sẽ được ban cho" (Ga 15,7). Với đức tin, chúng ta có thể vâng theo sự dẫn dắt của Giáo Hội để được sự che chở của Thánh Blaise.
Thánh Phêrô đã chữa lành một người què, chỉ nhờ nhân danh Đức Giêsu (Cv 3,1-10; 4,10). Thế nhưng trong thực tế, lắm người đã chẳng xin gì nhân danh Đức Giêsu (Ga 16,24). Quả là một thiếu sót trầm trọng.
* "Qua lời cầu bầu của Thánh Blaise, là giám mục và là vị tử đạo, xin Thiên Chúa chữa con khỏi bệnh tật của cổ họng và khỏi mọi sự dữ. Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần" (Kinh cầu Thánh Blaise).
Suy niệm 3: Huyền thoại
Chúng ta được biết Đức Giám Mục Blaise chịu tử đạo ngay trong giáo phận của ngài ở Sebastea, Armenia, năm 316. Mãi cho đến 400 năm sau mới có huyền thoại viết về ngài.
Bốn thế kỷ đủ để những điều tưởng tượng xen lẫn với những dữ kiện có thậThánh Ai dám đoan chắc tiểu sử Thánh Blaise là có thật? Nhưng chi tiết của một đời người thì không cần thiếThánh
Do đó không nên bới lông tìm vết, càng không nên vạch áo cho người xem lưng. Tốt hơn, hãy dành quyền xét đoán cho Thiên Chúa (1Cr 4,4; Gc 4,12). Bằng không, hãy xét đoán ý ngay lành nơi tha nhân. Sai lầm vì đoán ý ngay còn hơn là sai lầm vì đoán ý gian. Các phán đoán đại lượng thường là những phán đoán gần sự thật hơn cả.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn nhìn mọi sự qua lăng kính của đức ái trọn hảo, vì nếu có vì thế mà đôi khi sai lầm, cũng chẳng sao, vì sự sai lầm đó không bao giờ gây nên một hậu quả đáng phàn nàn.
Suy niệm 4: Tốt lành
Thánh Blaise là một giám mục tốt lành, làm việc vất vả để khuyến khích giáo dân sống lành mạnh về tinh thần cũng như thể xác.
Một đặc điểm của Vị Mục Tử tốt lành theo Đức Giêsu, đó là phải hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên (Ga 4,11). Thánh Blaise thật xứng để được tôn vinh là một giám mục tốt lành.
Thánh Blaise chẳng những khuyến khích giáo dân sống lành mạnh về tinh thần cũng như thể xác, mà nhất là ngài còn bị đánh đập, bị treo trên cây và bị tra tấn bằng chiếc lược sắt cào vào thân thể, và sau cùng ngài bị chém đầu vì đoàn chiên.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các vị chủ chăn luôn sống tinh thần hiến tế vì đoàn chiên theo gương Chúa, để cũng được xứng danh là Vị Mục Tử tốt lành.
Suy niệm 5: Bạn hữu
Thánh Blaise buộc phải rời bỏ giáo phận và sống trong rừng núi. Ở đó ngài sống trong cô độc và cầu nguyện, làm bạn với thú rừng.
Vốn là Thiên Chúa, Đức Giêsu đã hạ mình xuống thế làm người và mặc lấy bản tính người để trở thành người trăm phần trăm (Pl 2,7) ngoại trừ tội lỗi (Dt 4,15), đến mức làm bạn hữu với người (Lc 12,4; Ga 15,15).
Theo gương đó, thánh Blaise lại hạ mình làm bạn với thú rừng. Nhờ chữa bệnh cho chúng, ngài đã gần gũi và thân thiết với chúng, đến mức ngài ra lệnh cho một con sói phải thả con heo nó đang cắn giữ, vì đó là của người đàn bà nghèo, và nó đã vâng lệnh.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn sống tự hạ chớ kiêu căng, để có thể gần gũi được với mọi hạng người, vốn là bạn và là anh em với nhau.
Suy niệm 6: Tử đạo
Agricolaus, Thủ Hiến xứ Cappadocia, tìm mọi cách để dụ dỗ Thánh Blaise bỏ đạo mà thờ tà thần.
Ngoài phương cách thông thường là tra tấn, người ta còn sử dụng đến cách thế dụ dỗ, cụ thể là được trả tự do và tha chết, như trường hợp thánh Phó Tế Vinh Sơn tử đạo mừng ngày 22/1, dưới thời hoàng đế Đaxianô.
Dưới thời hoàng đế Antiôkhô, vua dụ dỗ người con trai út trong số 7 anh em của cùng một bà mẹ. Vua hứa làm cho anh được giàu sang hạnh phúc, nếu anh bỏ tục lệ của tổ tiên. Ngoài ra, vua còn coi anh là bạn hữu và trao cho anh những chức vụ quan trọng (2Mcb 7,24).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con can đảm thà chết chứ đừng sa vào chước dụ dỗ mà bỏ Chúa, theo gương các vị anh hùng tử đạo.
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
- Viết bởi Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Suy niệm Lễ Dâng Hài Nhi Giêsu vào đền thánh
Lược sử
Vào cuối thế kỷ thứ tư, một phụ nữ tên Etheria đã hành hương đến Giêrusalem. Cuốn hồi ký của bà, được khám phá vào năm 1887, thật bất ngờ đã đem lại một nét đại cương về sinh hoạt phụng vụ ở đây. Trong các dịp lễ mà bà viết lại là lễ Hiển Linh, kỷ niệm ngày Đức Giêsu giáng sinh, và một cuộc rước để kính nhớ việc Dâng Chúa Trong Đền Thờ vào 40 ngày sau -- ngày 15 tháng Hai. (Trong luật Môisen, về phương diện lễ nghi, người phụ nữ phải coi là "ô uế" sau khi sinh con, và bà phải "thanh tẩy" bằng cách đến trình diện với tư tế và dâng của lễ trong đền thờ. Tiếp xúc với bất cứ ai đã chạm đến bí ẩn của sự sinh nở và sự chết, đều bị loại trừ khỏi viêc thờ phượng).
Ngày lễ này được lan tràn khắp Giáo Hội Tây Phương trong thế kỷ thứ năm và thứ sáu. Nhưng Giáo Hội Tây Phương mừng sinh nhật Đức Giêsu vào ngày 25 tháng Mười Hai, do đó lễ Dâng Chúa Trong Đền Thờ được dời sang ngày 2 tháng Hai -- 40 ngày sau Giáng Sinh.
Vào đầu thế kỷ thứ tám, Đức Giáo Hoàng Sergius mở đầu buổi lễ bằng một cuộc rước nến; cho đến cuối thế kỷ ấy việc làm phép và phân phát nến đã trở thành một phần của việc cử hành, bởi đó, cho đến ngày nay, ngày lễ này thường được gọi là Lễ Nến.
Suy niệm 1: Hành hương
Vào cuối thế kỷ thứ tư, một phụ nữ tên Etheria đã hành hương đến Giêrusalem.
Giêrusalem là một địa điểm hành hương mà không thiếu người khao khát đạt đến, dầu chỉ là một lần trong đời, nhưng không phải ai cũng thực hiện được ước mơ đó. Thật phúc cho ai có điều kiện làm cho ước mơ thành hiện thực.
Tuy nhiên nhiều Giáo Hội địa phương trên khắp thế giới cũng được chuẩn y có một số địa điểm hành hương mang giá trí vượt thời gian, hoặc mang tính tạm thời theo đặc ân của Tòa Thánh. Thiết tưởng đó cũng là một giải pháp nói lên mối quan tâm của Giáo Hội đối với hết thảy mọi người, đặc biệt những ai thành tâm thiện chí mà thiếu điều kiện.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hăng say đáp lại mối thịnh tình của Giáo Hội, để đừng bao giờ lãng phí bất cứ một cơ hội nào.
Suy niệm 2: Hồi ký
Cuốn hồi ký của bà Etheria, được khám phá vào năm 1887, thật bất ngờ đã đem lại một nét đại cương về sinh hoạt phụng vụ ở đây.
Cuốn hồi ký của bà Etheria về cuộc hành hương đã nói lên một điểm quan trọng. Thông thường người hành hương chỉ chú trọng đến những lợi ích cá nhân, hoặc để chiêm ngắm thánh tích như một khách du lịch đi thăm quan, hoặc để lãnh nhận những hồng ân, thậm chí phép lạ chữa bệnh.
Nhưng với bà Etheria, cuộc hành hương lại mang tính xã hội với cuốn hồi ký, vốn giúp đem lại một nét đại cương về sinh hoạt phụng vụ ở đây, để rồi mở đường cho việc cử hành Lễ Nến, với việc làm phép và phân phát nến cũng như rước nến.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn sống vị tha trong mọi tình huống cuộc đời.
Suy niệm 3: Ô uế
Trong luật Môisen, về phương diện lễ nghi, người phụ nữ được coi là "ô uế" sau khi sinh con, và bà phải "thanh tẩy" bằng cách đến trình diện với tư tế và dâng của lễ trong đền thờ.
Đối với Đức Giêsu, Đấng đến để kiện toàn Luật Môsê (Mt 5,17), tình trạng ô uế thể lý không quan trọng bằng tình trạng ô uế thiêng liêng, vốn đánh mất sự sống vĩnh cữu (1Ga 3,15), bị xéo ra ngoài (Kh 22,15), và phải chịu lửa đời đời làm hình phạt (Gđ 7).
Một số ô uế thiêng liêng được gợi lên cách cụ thể như sau: cướp bóc, ăn chơi vô độ (Mt 23,25), tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng (Mc 7,21-22).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn bảo vệ sự thanh sạch thể xác cũng như tâm hồn.
Suy niệm 4: Thanh tẩy
Trong luật Môisen, về phương diện lễ nghi, người phụ nữ được coi là "ô uế" sau khi sinh con, và bà phải "thanh tẩy" bằng cách đến trình diện với tư tế và dâng của lễ trong đền thờ.
Người phong hủi cũng bị xét là người bị ô uế (Lv 13,3). Vì thế khi chữa lành xong, Đức Giêsu cũng bảo bệnh nhân hãy đi trình diện tư tế và dâng của lễ, như là cách thanh tẩy mà ông Môisen đã truyền, để làm chứng cho người ta biết là anh đã được khỏi bệnh (Mt 8,4).
Bệnh thân xác cũng thật đáng quan tâm để được cứu chữa như Đức Giêsu đã từng thực hiện (Mt 4,23). Nhưng Ngài muốn hướng đến việc thanh tẩy tâm hồn hơn, nên không thiếu những lần Ngài đề cập đến việc tha tội mỗi khi chữa bệnh (Mt 9,2.5; Ga 9,2).
* Lạy Chúa Giêsu, xin cứu giúp chúng con luôn sống theo ý hướng của Chúa.
Suy niệm 5: Dâng Chúa Trong Đền Thờ
Giáo Hội Tây Phương mừng sinh nhật Đức Giêsu vào ngày 25 tháng Mười Hai, do đó lễ Dâng Chúa Trong Đền Thờ được dời sang ngày 2 tháng Hai -- 40 ngày sau Giáng Sinh.
Theo phúc âm Thánh Luca, Hài Nhi Giêsu được tiếp đón vào đền thờ bởi hai người lớn tuổi, là ông Simeon và bà Anna. Họ biểu hiện cho dân Israel đang kiên nhẫn trông chờ; họ xác nhận Hài Nhi Giêsu là đấng Messiah họ trông đợi từ lâu.
Ngược lại, vua Hêrôđê lại tìm giết (Mt 2,16), nhưng bất thành. Còn các đầu mục Dothái cùng toàn dân bị xúi giục lại thực hiện ý đồ sát hại đó, bằng việc mượn tay chính quyền Rôma qua quan Philatô kết án tử hình thập giá Đức Giêsu (Mt 27,20-26).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nhận thức rằng: Chúa đã đến và đang trông chờ chúng con ở Bí Tích Thánh Thể, để chúng con hăm hở tìm đến Chúa.
Suy niệm 6: Lễ Nến
Vào đầu thế kỷ thứ tám, Đức Giáo Hoàng Sergius mở đầu buổi lễ bằng một cuộc rước nến; cho đến cuối thế kỷ ấy việc làm phép và phân phát nến đã trở thành một phần của việc cử hành, bởi đó, cho đến ngày nay, ngày lễ này thường được gọi là: andlemas (Lễ Nến).
"Chính Đức Kitô đã nói, 'Ta là sự sáng thế gian.' Và chúng ta là ánh sáng, chính chúng ta, nếu chúng ta tiếp nhận ánh sáng từ Ngài... Nhưng làm thế nào để chúng ta tiếp nhận ánh sáng ấy, làm thế nào để ánh sáng ấy bùng lên? ...
Hình ảnh cây nến nói với chúng ta: qua sự cháy, và sự tàn lụi. Một ánh lửa, một tia đức ái, một hy sinh không thể tránh như cây nến tinh tuyền, thẳng tắp đang tuôn trào nguồn ánh sáng của nó, và đã tự tan biến trong sự hy sinh âm thầm" (Đức Phaolô VI).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con ý thức và nhất là thực hiện sứ mạng làm ánh sáng muôn dân mà chính Chúa đã nhắc nhở (Mt 5,14).
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
- Viết bởi Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
Ngày 2 tháng 2: Dâng Chúa Trong Ðền Thánh Lc 2,22-40
: Dâng Chúa Trong Ðền Thánh Lc 2,22-40
CHÚA GIÊSU: QUÀ TẶNG TÌNH YÊU CAO QUÍ
Hôm nay Giáo Hội mừng kính lễ dâng Chúa Giêsu trong đền thánh. Theo luật Do Thái, mọi con trai đầu lòng đều thuộc về Thiên Chúa. Do đó, cha mẹ con trẻ phải chuộc lại đứa bé tùy theo khả năng của gia đình mình hoặc một con chiên tinh tuyền hoặc một cặp bồ câu. Những của lễ này được dùng dâng hiến cho Thiên Chúa thay thế các em.
MẸ MARIA VÂNG THEO LỀ LUẬT:
Như mọi người dân Do Thái, Mẹ Maria cũng hoàn toàn vâng theo lề luật. Vì thế, khi Chúa Giêsu đã đúng ngày luật định, Mẹ Maria và thánh cả Giuse đã đưa Chúa Giêsu lên đền thờ Giêrusalem để dâng cho Thiên Chúa:” Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”( Lc 2,23 ). Theo tục lệ, của lễ dâng tiến cho Chúa thay thế con trẻ là một cặp chim gáy hay một cặp bồ câu non ( Lc 2,24). Tuy nhiên, đối với Mẹ Maria, Mẹ ý thức rất rõ ràng dâng Chúa là vĩnh viễn vì đó là khởi đầu cho lễ hy sinh mà Chúa Giêsu sẽ hoàn tất trên núi Canvê để cứu chuộc nhân loại.
THÁNH LỄ HÔM NAY MANG HAI Ý NGHĨA:
Nhìn bề ngoài, chúng ta thấy Chúa vâng phục lề luật và cha mẹ của Người làm theo luật dậy, nhưng thực ra Chúa Giêsu đến gặp dân của Người. Vì thế, ngay tại Giêrusalem, cụ già Simêon, một người công chính và nữ ngôn sứ Anna, được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, đã tới đền thánh và chính Simêon đã được linh hứng sẽ không chết trước ngày được gặp Đấng Cứu Thế. Do đó, khi thấy Chúa Giêsu, Thánh Thần soi sáng, các Ngài đã nhận ra con trẻ mà các Ngài đang ẵm trên tay, đang thấy ở trước mặt lại chính là Chúa của mình, đồng thời các Ngài rất vui sướng loan báo cho những người khác. Thánh lễ dâng Chúa vào đền thánh còn có một ý nghĩa khác nữa, Chúa được Chúa Thánh Thần công bố là vinh quang của Israen và là ánh sáng soi đường cho muôn dân, muôn nước trên mặt đất này. Chính vì thế, khi người Kitô hữu quy tụ trong nhà thờ do tác động của Chúa Thánh Thần, chắc chắn dân Chúa sẽ gặp Người, sẽ nhận ra Người lúc bẻ bánh, trong khi chờ đợi Người đến trong vinh quang. Qủa thực, Chúa Giêsu là quà tặng cao quí nhất Thiên Chúa Cha dành cho nhân loại.
Lạy Thiên chúa toàn năng hằng hữu, Con Một Chúa đã mang kiếp người phàm và hôm nay được tiến dâng trong đền thánh. Chúng con khiêm tốn nài xin Chúa cho tâm hồn chúng con cũng nên trong sạch hầu xứng đáng dâng mình trước thánh nhan( Lời nguyện nhập lễ, lễ dâng Chúa Giêsu trong đền thánh ).
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
- Viết bởi Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Thánh An-ga (801-865)
Lược sử
Thánh An-ga sinh trưởng trong một gia đình quý phái gần Amiens, sau đó trở thành một tu sĩ dòng Biển Đức ở Corbie. Ba năm sau, ngài tháp tùng Vua Harold của Đan Mạch trở về nước sau thời gian lưu đầy và ngài đã phát động công cuộc truyền giáo ở đây. Tuy nhiên không đạt được những thành quả đáng kể. Vua Bjorn của Thụy Điển xin các nhà truyền giáo đến hoạt động, và Thánh An-ga đã đến đây, phải chịu đau khổ vì nạn hải tặc và những gian truân trên đường. Ngài thành lập Giáo Hội Kitô Giáo đầu tiên ở Thụy Điển. Chưa đầy hai năm sau, ngài được gọi về để làm tu viện trưởng ở New Corbie và là Đức Giám Mục đầu tiên của Hamburg. Đức Giáo Hoàng Grêgôriô IV đặt ngài làm Đại Diện Tòa Thánh ở các quốc gia Scandinavia. Sau khi hoàng đế Louis từ trần, ngân quỹ giúp đỡ cho công cuộc tông đồ miền bắc chấm dứt. Và sau 13 năm gầy dựng Hamburg, Thánh An-ga phải chứng kiến cảnh tàn lụi của giáo phận khi giặc Northmen xâm lăng vào năm 845; nước Thụy Điển và Đan Mạch lại trở về ngoại giáo.
Khoảng năm 848, ngài được bổ nhiệm là Đức Tổng Giám Mục của Bremen, và Đức Giáo Hoàng Nicôla I đã sát nhập Hamburg vào làm một với Bremen. Bởi đó, Thánh An-ga lại trở lại Thụy Điển và Đan mạch để phát động công cuộc truyền giáo khác và đã thành công trong việc hoán cải Erik, Vua của Jutland. Nhật ký của Thánh An-ga để lại cho thấy ngài là một người thuyết giảng phi thường, là một linh mục khiêm tốn và khổ hạnh. Ngài tận tuỵ với người nghèo và người đau yếu, noi gương Đức Kitô trong việc rửa chân và phục vụ tha nhân.
Ngài từ trần cách êm ái ở Bremen, nước Đức, mà không đạt được ước nguyện là được tử đạo. Sau khi ngài từ trần, cả vùng Scandinavia lại rơi vào tay ngoại giáo mãi cho đến hai thế kỷ sau. Tên của ngài có khi còn được viết là An-ka.
Suy niệm 1: Truyền giáo
Ba năm sau, Thánh An-ga tháp tùng Vua Harold của Đan Mạch trở về nước sau thời gian lưu đầy và đã phát động công cuộc truyền giáo ở đây.
Vì sao Cha An-ga phải phát động công cuộc truyền giáo ở đây? Vì mối quan tâm chung của các vị chủ chăn vẫn thường dừng lại ở việc dưỡng giáo hơn là việc truyền giáo, do số lượng tín hữu gia tăng cần phải được chăm sóc, cũng như do một số vấn nạn nội bộ cần phải được giải quyết.
Tuy nhiên một thực tế thoạt xem như mâu thuẫn lại cho hay: một trong những phương cách dưỡng giáo hữu hiệu lại là việc truyền giáo. Thật thế để cho thì phải có và phải có rất dồi dào, để cuốn hút cách thuyết phục thì phải làm gương sáng, để không bị đồng hóa thì đã phải thánh hóa chính bản thân.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chuyển hướng dưỡng giáo bằng việc truyền giáo, để tránh nguy cơ vô tình lo dưỡng giáo mà lại trở thành phản giáo.
Suy niệm 2: Ngân quỹ
Sau khi hoàng đế Louis từ trần, ngân quỹ giúp đỡ cho công cuộc tông đồ miền bắc chấm dứt.
Ngân quỹ vật chất thật cần thiết để hổ trợ cho công cuộc truyền giáo, nhưng không phải là tất cả. Chính vì thế Vị Tông Đồ Trưởng đã ra một số chỉ thị cụ thể: "Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo. Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng” (Lc 9,3;Mt 10,9).
Vậy ngân quỹ tối cần là gì? Thưa đó chính là tinh thần và lòng mến Chúa cũng như yêu thương tha nhân. Có thế mới có thể xâm mình đi vào giữa sói (Lc 10,3), chấp nhận gian khổ (Rm 8,35-39), xem người trọng hơn bản thân đến mức sẵn sàng hiến mạng vì bạn (Ga 15,13;2Cr 12,14-15).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết tích lũy cho mình một kho tàng trên trời, một vốn liếng vững chắc cho tương lai tức các việc lành phúc đức để được sự sống đời đời (Mt 6,19-20;1Tm 6,17-19).
Suy niệm 3: Thuyết giảng
Nhật ký của Thánh An-ga để lại cho thấy ngài là một người thuyết giảng phi thường, là một linh mục khiêm tốn và khổ hạnh.
Đã là một thuyết giảng phi thường, chắc hẳn Thánh An-ga phải có được lợi khẩu vốn là một đặc ân Chúa thương ban, nhưng đồng thời cũng không thiếu phần cọng tác tích cực của thánh nhân, bằng việc suy nghĩ, nhất là soạn bài rất kỹ lưỡng.
Ngoài ra phải kể đến gương sống vốn là một bài giảng không lời, nhưng lại có hiệu năng thuyết phục thính giả gấp ngàn lần một bài giảng mang tính thuần lý thuyết không được biện minh bằng việc làm.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hằng ý thức về tầm quan trọng của việc: lời nói phải luôn đi đôi với việc làm.
Suy niệm 4: Khiêm tốn
Nhật ký của Thánh An-ga để lại cho thấy ngài là một người thuyết giảng phi thường, là một linh mục khiêm tốn và khổ hạnh.
Truyền thống Hội Thánh luôn ghi nhận khiêm tốn là một trong mười hai hoa trái của Thánh Thần: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân từ, lương thiện, hiền hòa, khoan dung, trung tín, khiêm nhu, tiết độ và thanh khiết (Sách Giáo lý Công Giáo số 1832).
Người trí thức chân chính và đích thực phải là một người khiêm tốn, nhờ đó không bao giờ tự mãn về mớ kiến thức thủ đắc của mình, nhưng ngược lại càng hiểu biết thì càng nhận ra sự hiểu biết của mình chỉ là hạt cát trong bãi biển mênh mông vô tận, vì thế càng phải luôn trau dồi và học hỏi thêm mãi.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con học được tấm gương hiền lành và khiêm nhường của Chúa.
Suy niệm 5: Khổ hạnh
Nhật ký của Thánh An-ga để lại cho thấy ngài là một người thuyết giảng phi thường, là một linh mục khiêm tốn và khổ hạnh.
Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn (Mt 26,41), nhất là còn mang thương tích của tội nguyên tổ nữa, nên cần phải được chế ngự và được điều khiển bằng tinh thần khổ hạnh.
Thật vậy con đường tiến đến hoàn thiện phải ngang qua Thập Giá. Không thể nào đạt được sự thánh thiện, nếu không có từ bỏ và chiến đấu nội tâm. Sự tiến bộ thiêng liêng đòi phải có tu luyện và khổ chế (Sách Giáo Lý Công Giáo số 2015).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết tận dụng phương cách khổ hạnh để mỗi ngày mỗi được hoàn thiện hơn.
Suy niệm 6: Phục vụ
Thánh An-ga tận tuỵ với người nghèo và người đau yếu, noi gương Đức Kitô trong việc rửa chân và phục vụ tha nhân.
Một đặc điểm của tinh thần phục vụ tha nhân, đó là phải quên mình, vì có quên mình thì mới dám liều mình thực hiện công việc, và có liều mình thì mục tiêu mới đạt được hiệu quả cao. Một phụ nữ tay yếu chân mền như Giuđích, làm sao một thân một mình cả dám vào trại địch, để chém được đầu tướng quân Hôlôphẹc giải cứu toàn dân, nếu thiếu yếu tố ấy?
Phục vụ là quên mình, nhưng cao điểm phục vụ phải là phục vụ đến quên mình (Mc 10,45). Đức Giêsu chẳng những nêu bật tiêu chí này, mà còn thực hiện bằng cái chết cứu đời và cứu người trên thập giá. Theo gương ấy, thánh Maximiên Cônbê đã sẵn sàng chết thay cho một người bạn tù.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn tìm vui trong việc phục vụ hơn là được phục vụ.
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
- Viết bởi Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
THÁNH GIOAN BỐTCÔ (1815-1888)
Lược sử
Chính nguyên tắc giáo dục của Thánh Gioan Bốtcô đã được sử dụng rộng rãi trong các trường học ngày nay. Đó là một hệ thống ngăn ngừa, loại bỏ các hình phạt thể xác và đưa các học sinh vào một môi trường lành mạnh ít có cơ hội phạm tội. Ngài cổ võ việc thường xuyên lãnh nhận bí tích Hòa Giải và Thánh Thể. Ngài pha trộn phương cách dạy giáo lý và sự hướng dẫn của một người cha, nhằm kết hợp đời sống tâm linh và công việc, việc học và việc chơi đùa.
Được khuyến khích đi tu để có thể giúp cho các trẻ em, Gioan thụ phong linh mục năm 1841. Công việc phục vụ giới trẻ của ngài khởi sự khi ngài gặp một em mồ côi và giúp em chuẩn bị Rước Lễ lần đầu. Sau đó ngài quy tụ các người trẻ lại và chỉ dạy họ về giáo lý.
Sau thời gian làm tuyên úy cho một trại tế bần của các thiếu nữ, Cha Gioan mở nhà trường Thánh Phanxicô "de Sales" cho các em trai. Một vài người bảo trợ giầu có và quyền thế đã giúp đỡ tài chánh, nên ngài có thể mở hai trường dạy nghề, trường dạy đóng giầy và dạy may quần áo.
Vào năm 1856, số các em theo học tại hai trường đã lên đến 150 em, và có thêm một máy in để xuất bản các tài liệu giáo lý. Sự quan tâm của ngài đến việc giáo dục và xuất bản khiến ngài xứng đáng là quan thầy của các người tập sự trẻ tuổi và các nhà xuất bản Công Giáo.
Tiếng tăm của Cha Gioan ngày càng lan rộng và, vào năm 1850, ngài phải tự huấn luyện các người trẻ muốn theo đuổi con đường của ngài vì lúc ấy thật khó để duy trì ơn thiên triệu. Năm 1854, một cách bán chính thức, Cha Gioan và những người theo ngài đồng ý đứng dưới tên tổ chức Thánh Phanxicô "de Sales".
Với sự hỗ trợ của Đức Giáo Hoàng Piô IX, Cha Gioan quy tụ 17 người và thành lập dòng Salesian vào năm 1859. Hoạt động của dòng nhắm đến việc giáo dục và công cuộc truyền giáo. Sau này, ngài tổ chức dòng Salesian nữ để giúp đỡ các thiếu nữ.
Ngài từ trần năm 1888 lúc bảy mươi hai tuổi.
Suy niệm 1: Giáo dục
Chính nguyên tắc giáo dục của Thánh Gioan Bốtcô đã được sử dụng rộng rãi trong các trường học ngày nay.
Thánh Gioan Bốtcô giáo dục toàn thể con người -- thể xác và linh hồn. Ngài tin rằng tình yêu Đức Kitô và sự tin tưởng của chúng ta vào tình yêu ấy phải thấm nhập vào tất cả sinh hoạt của chúng ta -- học hành, chơi đùa, làm việc.
Theo ngài, mọi sự giáo dục đều dạy một triết lý sống; nếu không bởi lời nói thì bởi sự đề nghị, sự gợi ý, và bởi môi trường. Mỗi một phần của giáo dục đều có liên hệ với nhau. Nếu tất cả sự tổng hợp ấy không đem lại một cái nhìn tổng quát về đời sống, thì đó không phải là giáo dục.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con ý thức về tầm quan trọng của gia đình như là môi trường giáo dục đầu tiên và căn bản nhất.
Suy niệm 2: Hình Phạt
Giáo dục, đó là một hệ thống ngăn ngừa, loại bỏ các hình phạt thể xác và đưa các học sinh vào một môi trường lành mạnh ít có cơ hội phạm tội.
Thương con cho roi cho vọt. Lời cổ nhân dạy chắc hẳn không sai, nhưng phải lưu ý về mặt tiêu cực vốn có là: một hình phạt mà thiếu vắng tình thương thì chỉ có kết quả trước mắt và tức thời chớ không thể lâu dài và tận căn được.
Nhà tù là một biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chận các hiện tượng tiêu cực quấy rối xã hội hơn là nhằm cảm hóa nội tâm con người. Vì thế không một tôn giáo nào chủ trương xây dựng nhà tù cho các tín đồ sai phạm.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thật thận trọng trong việc sử dụng hình phạt, tốt nhất là hãy phạt chính mình hơn là phạt tha nhân.
Suy niệm 3: Môi trường
Giáo dục, đó là một hệ thống ngăn ngừa, loại bỏ các hình phạt thể xác và đưa các học sinh vào một môi trường lành mạnh ít có cơ hội phạm tội.
Môi trường xã hội có một ảnh hưởng rất quan trọng đối với tâm tánh con người. Để nói lên điều đó, Đức Giêsu đã tách riêng người câm điếc ra khỏi đám đông, rồi mới chữa lành (Mc 7,33), đúng như câu nói: gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.
Quả vậy, các tông đồ vốn có nhiều khuyết điểm và thiếu sót, nhưng nhờ sống với Đức Giêsu nên đã được nên thánh. Còn Giuđa Ítcariốt dầu ở bên Chúa, nhưng lòng thì gắn kết với các đầu mục Dothái vốn chống đối Chúa, nên cuối cùng đã phản bội Chúa.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con can đảm xa lánh môi trường xấu và tận dụng môi trường tốt, để mỗi ngày chúng con càng nên tốt hơn.
Suy niệm 4: Giới trẻ
Công việc phục vụ giới trẻ của ngài khởi sự khi ngài gặp một em mồ côi và giúp em chuẩn bị Rước Lễ lần đầu. Sau đó ngài quy tụ các người trẻ lại và chỉ dạy họ về giáo lý.
Giới trẻ thường bị lãng quên trong xã hội loài người. Có thể nói chính thánh Bốtcô là người đầu tiên dành mối quan tâm đặc biệt đến giới trẻ. Ngài quy tụ các trẻ lang thang bụi đời, dày công giáo dục chúng chẳng những thành nhân mà còn thành thánh nhân nữa.
Dĩ nhiên bước đầu nào cũng lắm chông gai và chướng ngại. Chính ngài đã từng bị các anh em linh mục chống đối và gây nên không ít khó khăn. Nhưng nhờ kiên trì và nhất là nhờ ơn Chúa trợ giúp, ngài đã vượt qua và mở hướng cho hậu thế sau này.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp cho giới trẻ gặp được nhiều vị lãnh đạo tốt, để tốt hóa thế giới trong tương lai nhờ vào các chứng nhân tốt ấy.
Suy niệm 5: Tiếng tăm
Tiếng tăm của Cha Gioan ngày càng lan rộng và, vào năm 1850, ngài phải tự huấn luyện các người trẻ muốn theo đuổi con đường của ngài vì lúc ấy thật khó để duy trì ơn thiên triệu.
Hữu xạ tự nhiên hương. Tiếng tốt vốn đồn xa. Không lạ gì lối sống tốt lành của Đức Giêsu đã lôi cuốn đủ mọi thành phần, đến mức muốn ẩn mình không cho ai biết thì cũng không được (Mc 7,24), thậm chí lợi dụng trời còn tối, Ngài đến nơi hoang vắng để cầu nguyện thì mọi người cũng đi tìm và đến gặp (Mc 1,37).
Trước đó tiếng tăm khôn ngoan của vua Salômôn cũng đã làm cho mọi dân tộc khắp thiên hạ kéo tới lắng nghe (1V 5,14), kể cả nữ hoàng Sơva cũng tìm đến thử tài và rồi bái phục (1V 10,1tt).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chú tâm lắng nghe lời cổ nhân, để luôn sống cho phải đạo: mua danh phải ba vạn, mà bán danh thì chỉ ba đồng thôi.
Suy niệm 6: Truyền giáo
Cha Gioan quy tụ 17 người và thành lập dòng Salesian vào năm 1859. Hoạt động của dòng nhắm đến việc giáo dục và công cuộc truyền giáo. Sau này, ngài tổ chức dòng Salesian nữ để giúp đỡ các thiếu nữ.
Khi nói đến việc truyền giáo, chúng ta thường nghĩ đến thánh Phanxicô Xavie vốn là bổn mạng, với việc rời bỏ quê hương xứ sở, để đến một phương trời xa lạ, bất đồng ngôn ngữ cũng như phong tục tập quán.
Nhưng đừng quên rằng: thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu cũng được tôn vinh là thánh bổn mạng của các xứ truyền giáo, cho dầu ngài chỉ đóng khung trong bốn bức tường tu viện. Điều này có nghĩa là vẫn định cư ở tại địa phương, nhưng dùng đời sống chứng nhân để cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo.
* Lạy Chúa Giêsu, cảm tạ Chúa đã cho chúng con những phương cách truyền giáo trong tầm tay chúng con, xin giúp chúng con sáng suốt chọn lựa và sống.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng bao giờ nằm lì trong tội, nhưng hãy vội chỗi dậy, để đáp lại tình thương hãi hà hằng tha thứ của Chúa.
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
- Viết bởi Hạnh các Thánh
Thánh Tôma Dương Thái Khuông, Linh mục (1780-1860)
- Lễ ngày 30 tháng 01
Tôma Khuông sinh năm 1780 tại Nam Hào, Hưng Yên. Ngài là Linh mục dòng Ða Minh, bị xử trảm ngày 30.01.1860 tại Hưng Yên dưới đời vua Tự Ðức.
Vì Chúa bỏ vinh sang
Đọc lịch sử Giáo Hội, chúng ta thấy không lạ gì mẫu gương của thánh Phanxicô thành Assisi hay thánh Tôma thành Aquinô đã từ bỏ dòng dõi quí tộc giàu sang để vâng nghe tiếng gọi của Thiên Chúa, đã theo gương đức Kitô, Thầy Chí Thánh, Đấng Chủ Tế muôn loài chấp nhận trở nên nghèo khó không chốn nương thân để loan báo Tin Mừng Cứu Độ.
Thánh Tôma Khuông cũng vậy, ngài đã quên đi dòng dõi quyền quý sang trọng, để theo tiếng Chúa kêo gọi và trở thành chứng nhân cho Đức Kitô, chứng nhân cho một tôn giáo mới mẻ đối với dân tộc Việt Nam, một tôn giáo bị miệt thị và chịu bách hại nặng nề.
Quả thật, chỉ có Thiên Chúa mới khiến được cha hy sinh như thế. Và cũng thật quý báu biết bao tấm lòng của cha đã sẵn sàng đáp lại tiếng kêu gọi đó, đến nỗi hiến dân chính mạng sống mình cho tình yêu Thiên Chúa.
Phản đối bạo động
Tôma Khuông sinh khoảng năm 1780 (thời Trịnh Nguyễn) tại làng Nam Hòa xứ Tiên Chu, tỉng Hưng Yên. Con đường danh vọng rộng mở cho cậu bé thông minh xuất sắc này, vì cha cậu đã từng làm Tuần Phủ ở Hưng Yên. Nhưng cậu đã nghe theo tiếng gọi linh thiêng và xin vào nhà đức Chúa Trời. Sau đó cậu theo học tại chủng viện và thụ phong linh mục.
Trong trách nhiệm coi sóc các linh hồn, cha Khuông nổi tiếng là một linh mục khôn ngoan, thánh thiện, khéo giao thiệp và nhiệt thành với xứ vụ truyền giảng Tin Mừng. Sống trong giáo phận Dòng Đaminh đảm trách, cha Khuông muốn liên kết sâu xa hơn với dòng, cha đã gia nhập dòng ba Đaminh và cổ động nhiều giáo hữu cùng tham gia để thánh hóa đời sống mỗi ngày.
Trải qua ba thời bách hại của các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, cha Tôma Khuông đã khôn khéo thân thiện với quan chức địa phương để tiếp tục thi hành việc mục vụ.
Nhiều lần cha bị bắt giữ, nhưng nhờ những quan hệ này, cha được trả tự do. Tuy nhiên từ năm 1858, cuộc bách hại của vua Tự Đức gia tăng mãnh liệt, công việc của cha gặp nhiều khó khăn hơn. Ap lực của quân Pháp đã khiến vua Tự Đức tức giận và nghi ngờ tới công giáo tiếp tay với thực dân, nên thẳng tay đàn áp họ.
Một vài làng Công Giáo có tổ chức một số thanh niên để tự vệ trước sự càn quét của quân lính nhà vua. Cha Khuông khi đó đã gần 80 tuổi, hoàn toàn không hưởng ứng chủ trương này.
Năm 1859, thấy một giáo dân Cao Xá tổ chức võ trang, cha liền ngăn cản và quyết định lánh sang đại phận Đông Đàng Ngoài (Hải Phòng). Quyết định này khiến cha bị bắt và được lãnh phúc tử đạo.
Khi cha đến đầu cầu làng Trần Xá, cha thấy quân lính đã đặt sẵn ở đó một Thánh Giá buộc mọi người đi qua phải đạp lên. Là một linh mục của Chúa Kitô, cha nhất định quay lưng trở lại tìm lối đi khác. Thái độ dứt khoát đó, khiến quân lính nhận ra và chận cha lại. Khi cha khẳng khái từ chối việc bước qua Thánh Giá, lính liền bắt trói cha cùng với người tín hữu đi theo cha.
Sau 15 ngày giam giữ, cha Tôma Khuông và bốn giáo hữu khác có địa vị, được áp giải tới quan Tổng đốc xét xử. Quan tím mọi cách ép buộc cha làm nhân chứng tố cáo:
Những người Kitô hữu ở Cao Xá thông đồng với tàu Pháp – Tây Ban Nha đang bỏ neo ngoài cửa biển, âm mưu nổi loạn chống lại nhà vua. Cha Tôma thẳng thắn trình bày lập trường của giáo hội:
"Đạo Công Giáo không những cấm các tín hữu chống đối chính quyền mà còn khuyến khích họ cầu nguyện và góp phần giúp quê hương được an ninh thịnh vượng".
Bấy giờ quan không nói gì đến vấn đề này nữa, chỉ bắt cha bỏ đạo, bước qua Thập Giá và yêu cầu cha khuyên các tín hữu khác làm như vậy để được tự do về nhà. Khi đó người tôi trung của chúa trả lời:
"Tôi nay đã 80 tuổi rồi, lại là linh mục công giáo, tôi luôn luôn nhắc nhở các tín hữu trung thành giữ đạo thánh Chúa. Giờ đây nếu tôi khuyên họ chối đạo thì tôi thật bất xứng và chẳng đáng làm linh mục. Tôi và các bạn toi không mong ước gì hơn là được hy sinh mạng sống vì đạo Chúa".
Thánh giá và vinh quang.
Lòng khao khát mong mỏi trên của vị anh hùng đức tin đã được thể hiện. An trảm quyết do quan Tổng đốc đệ vào kinh được vua Tự Đức chuẩn y. Và ngày 30.1.1860 cha Tôma Khuông bị điệu ra pháp trường Hưng Yên.
Trên đường tới đồi Canvê của mình, mọi người thấy vị cha già khả kính chống cây gậy mà cha đã cẩn thận cột thêm một thanh ngang cho giống hình Thánh Giá, bước đi chậm rãi. Cha vui vẻ chào giã biệt những người đang ngậm ngùi thương tiếc tiễn đưa.
Cây Thánh Giá, biểu tượng suốt đời cha đã tin tưởng và công bố; cây thánh giá mà cha không bao giờ giày đạp cho dù phải chịu muôn nỗi gian khổ và cả cái chết, thì giờ đây, với cách biểu hiện đơn giản đó, cha muốn nói với mọi người rằng:
Cho đến phút cuối cùng của cuộc đời, Thánh Giá vẫn mãi mãi là niềm an ủi và là chỗ dựa vững chắc cho người Kitô hữu. Đến nơi xử, cha Khuông quỳ gối trang nghiêm cầu nguyện trước cây Thánh Giá đó rồi cuối đầu lãnh nhận lưỡi gươm đem lại vinh phúc ngàn thu.
Ngày 29.4.1951 cùng với 24 vị tử đạo khác tại Việt Nam, cha Tôma Khuông được Đức Piô XII suy tôn lên hàng Chân Phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.
Nguồn: Thư viện Đa Minh
- Viết bởi Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Thánh Tôma Aquinas (1225-1274)
Lược sử
Mọi người đều đồng ý rằng Thánh Tôma Aquinô là tiếng nói trổi vượt của truyền thống Công Giáo về lý lẽ và về sự mặc khải của Thiên Chúa. Ngài là một bậc thầy vĩ đại của Giáo Hội Công Giáo thời trung cổ, và được vinh danh với tước vị Tiến Sĩ Hội Thánh và Tiến Sĩ Thiên Thần.
Lúc 5 tuổi, ngài được cha mẹ cho vào tu viện Biển Đức ở Monte Cassino với hy vọng ngài sẽ thích lối sống ấy và trở nên 1 tu viện trưởng. Tại tu viện, các thầy giáo đều ngạc nhiên về sự tiến bộ của ngài, và mọi bạn cùng lớp đều thua kém ngài về việc học cũng như việc trau dồi nhân đức.
Khi đến tuổi khôn được lựa chọn con đường cho chính mình, Thánh Tôma đã khước từ mọi sự của thế gian và quyết tâm chọn Dòng Đa Minh trái với ý định của cha mẹ. Năm 1239, lúc mười bảy tuổi, ngài gia nhập Dòng Đa Minh ở Naples. Theo lệnh của bà mẹ, ngài bị các anh em bắt cóc và giam ở nhà trên một năm trời. Gia đình còn đi xa hơn nữa bằng cách dùng một cô gái điếm đến dụ dỗ ngài. Nhưng tất cả mọi cố gắng ấy đều vô hiệu, Thánh Tôma vẫn kiên trì với ơn gọi. Như một phần thưởng cho sự trung tín này, Thiên Chúa đã ban cho ngài ơn thanh sạch tuyệt đối, mà nhờ đó ngài xứng đáng với tước vị là "Tiến Sĩ Thiên Thần."
Sau khi tuyên khấn ở Naples, ngài theo học ở Cologne với vị thầy nổi tiếng là Thánh Albert Cả. Ở đây ngài có biệt danh là "bò câm", vì ngài to con và thường im lặng, nhưng thực sự ngài là một người rất giỏi. Vào năm hai mươi hai tuổi, ngài được bổ nhiệm để dạy học tại hai thành phố. Đồng thời ngài cũng bắt đầu công bố các sáng tác của ngài. Bốn năm sau, ngài được gửi đến Balê. Vào năm ba mươi mốt tuổi, ngài đậu bằng tiến sĩ.
Ở Balê, ngài được vinh dự làm bạn với Vua Louis (sau này được phong thánh). Năm 1261, Đức Urbanô IV gọi ngài về Rôma để dạy học, và ngài nhất quyết từ chối mọi vinh dự của một chức sắc trong giáo hội. Không những Thánh Tôma có tài viết, mà ngài còn có tài giảng thuyết với nhiều kết quả tốt đẹp.
Sự đóng góp lớn lao của ngài cho Giáo Hội Công Giáo là các trước tác. Sự đồng nhất, sự hài hòa và sự liên tục của đức tin và lý lẽ, của mặc khải và kiến thức loài người, được thấy đầy dẫy trong các văn bản của ngài.
Tập "Summa Theologica" là công trình sau cùng của ngài đề cập đến toàn thể thần học Công Giáo, nhưng không may chưa được hoàn tất. Ngài ngưng sáng tác sau khi cử hành Thánh Lễ vào ngày 6 tháng Mười Hai, 1273. Được hỏi lý do, ngài trả lời, "Tôi không thể tiếp tục... Tất cả những gì tôi viết, đối với tôi dường như chỉ là cọng rơm so với những gì tôi được thấy và những gì tôi được mặc khải." Ngài từ trần ngày 7 tháng Ba, 1274.
Thánh Tôma là một trong những thần học gia vĩ đại và ảnh hưởng đến mọi thời đại. Ngài được phong thánh năm 1323 và được Đức Giáo Hoàng Piô V tuyên xưng là Tiến Sĩ Hội Thánh.
Lời Bàn
Chúng ta có thể coi Thánh Tôma Aquinas như một gương mẫu xuất chúng của Công Giáo trong ý nghĩa sâu rộng, toàn bộ và bao quát. Một lần nữa chúng ta phải quyết tâm sử dụng đến lý lẽ, là món quà của Thiên Chúa, để học hỏi và hiểu biết. Ðồng thời, chúng ta cũng phải cảm tạ Thiên Chúa vì ơn ích do sự mặc khải của Ngài, nhất là qua Ðức Giêsu Kitô.
Lời Trích
"Do đó chúng ta phải nói rằng sự nhận biết bất cứ chân lý nào đều cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa, để sự hiểu biết đó được Ngài thúc đẩy đến hành động. Nhưng họ không cần một khai sáng mới ngoài sự khai sáng tự nhiên của họ, để hiểu biết chân lý trong mọi sự, ngoại trừ một vài chân lý vượt quá sự hiểu biết tự nhiên" (Summa Theologica, 1-2, 109, 1).
Suy niệm 1: Lý lẽ
Mọi người đều đồng ý rằng Thánh Tôma Aquinô là tiếng nói trổi vượt của truyền thống Công Giáo về lý lẽ và về sự mặc khải của Thiên Chúa.
Phải quyết tâm sử dụng đến lý lẽ, là món quà của Thiên Chúa, để học hỏi và hiểu biết. Đồng thời phải chân nhận như thánh Tôma là sự nhận biết bất cứ chân lý nào đều cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa, để sự hiểu biết đó được Ngài thúc đẩy đến hành động.
Một điểm quan trọng là phải biết sử dụng lý lẽ thật đúng thì mới gặt hái được nhiều lợi ích cho cả bản thân và tha nhân. Ngược lại nếu dùng sai thì sẽ gây không thiếu những tai hại cho chính mình và thế giới.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đáp trả hồng ân Chúa ban cho món quà quý giá là lý lẽ bằng việc luôn dùng nó cho nên và đúng ý Chúa.
Suy niệm 2: Mặc khải
Mọi người đều đồng ý rằng Thánh Tôma Aquinô là tiếng nói trổi vượt của truyền thống Công Giáo về lý lẽ và về sự mặc khải của Thiên Chúa.
Cần thiết phải có sự mặc khải của Thiên Chúa, vì nếu chỉ dựa vào ánh sáng của lý trí, con người rất khó nhận biết Thiên Chúa, đúng như tâm tình của Thánh Tôma: “Tất cả những gì tôi viết, đối với tôi dường như chỉ là cọng rơm so với những gì tôi được thấy và những gì tôi được mặc khải”.
Câu chuyện Thánh Augúttinô đi dọc theo bờ biển để suy nghĩ về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một xác minh. Một sứ thần dưới dạng một cô bé đã cho câu trả lời: Trí óc hạn hẹp con người không tài nào thấu hiểu được các mầu nhiệm của Thiên Chúa.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con khiêm tốn nhận ra tính hữu hạn của lý trí con người.
Suy niệm 3: Vinh danh
Thánh Tôma Aquinô là một bậc thầy vĩ đại của Giáo Hội Công Giáo thời trung cổ, và được vinh danh với tước vị Tiến Sĩ Hội Thánh và Tiến Sĩ Thiên Thần.
Ngài nhận được vinh dự Tiến Sĩ Hội Thánh nhờ vào các trước tác thần học có tầm ảnh hưởng đến mọi thời đại. Ngài xứng đáng với tước vị Tiến Sĩ Thiên Thần, nhờ giữ được đức thanh sạch tuyệt đối, trước mọi nỗ lực dụ dỗ của một cô gái điếm để kiên trì với ơn gọi
Ngoài ra ngài cũng có biệt danh là "bò câm", vì ngài to con và thường im lặng, nhưng thực sự ngài là một người rất giỏi. Vào năm hai mươi hai tuổi, ngài được bổ nhiệm để dạy học tại hai thành phố. Và năm 1261, Đức Urbanô IV gọi ngài về Rôma để dạy học.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng bao giờ tìm hư danh và cũng đừng làm gì vì hư danh.
Suy niệm 4: Ý định
Thánh Tôma đã khước từ mọi sự của thế gian và quyết tâm chọn Dòng Đa Minh trái với ý định của cha mẹ, là muốn ngài vào tu viện Biển Đức ở Monte Cassino với hy vọng ngài sẽ trở nên một tu viện trưởng.
Để thực hiện ý định, mẹ ngài lệnh các anh em bắt cóc và giam ngài ở nhà trên một năm trời. Thậm chí gia đình còn đi xa hơn nữa bằng cách dùng một cô gái điếm đến dụ dỗ ngài.
Thật khó hiểu cách xử trí của một bậc làm cha làm mẹ như thế, khi bất chấp thủ đoạn để đạt được ý định của mình, khi chủ trương mục đích biện minh cho phương tiện.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các bậc phụ huynh luôn cổ võ ơn gọi riêng của từng đứa con cũng như đặc biệt chăm sóc đến ơn kêu gọi tu trì.
Suy niệm 5: Ơn gọi tu trì
Tất cả mọi cố gắng nhằm đánh đổ ý hướng của Tôma đều vô hiệu, ngài vẫn kiên trì với ơn gọi tu trì.
Ơn gọi tu trì là một hồng ân cao quý đến mức lắm người thèm khát nhưng không phải ai cũng đạt được ước nguyện, đúng như Chúa đã từng khẳng định: “Kẻ được gọi thì nhiều mà người được chọn thì ít” (Mt 20,16). Thái độ kiên trì của Tôma quả thật xứng đáng.
Một khi Chúa đã chọn và con người hết mình đáp trả, thì Chúa sẽ bù đắp thích đáng, dù con người có hèn kém thế nào đi nữa (1Cr 12,9) để hoàn thành chương trình của Chúa, như một Cha Thánh Gioan Vianê.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các bậc tu trì luôn kiên trì bền chí đến cùng dầu phải vượt qua bao thử thách.
Suy niệm 6: Tuyên khấn
Sau khi tuyên khấn ở Naples, Tôma theo học ở Cologne với vị thầy nổi tiếng là Thánh Albert Cả.
Lời khấn là một lời hứa có suy tính và tự do dâng lên Thiên Chúa, về một điều thiện tốt hơn và có thể thi hành được. Vì thuộc về đức thờ phượng, lời khấn buộc phải được chu toàn (Sách Giáo Lý số 2102).
Qua việc chu toàn lời khấn, họ dâng lên Thiên Chúa điều họ đã hứa và thánh hiến. Sách Công Vụ Tông Đồ cho thấy thánh Phaolô luôn lo lắng chu toàn điều đã khấn (Cv 18,18;21,23).
* Lạy Chúa Giêsu, khấn là khó nhưng sống lời khấn còn khó hơn. Xin Chúa giúp họ luôn chu toàn.
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
- Viết bởi Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Thánh Angela Merici (1470 - 1540)
Ở khắp nơi trong thành phố, đâu đâu ngài cũng thấy các em gái nghèo nàn, không có học vấn và cũng không có tương lai.
Vào lúc 56 tuổi, Angela Merici từ chối lời yêu cầu của Ðức Giáo Hoàng. Ngài biết Ðức Clêmentê VII muốn ban cho ngài một vinh dự lớn lao và một cơ hội vĩ đại để phục vụ khi đức giáo hoàng yêu cầu ngài nhận trách nhiệm lãnh đạo một dòng nữ tu chuyên về điều dưỡng. Nhưng Angela biết công việc điều dưỡng không phải là điều Thiên Chúa muốn mời gọi ngài thi hành.
Ngài mới từ Ðất Thánh trở về. Khi trên đường đến đó ngài bị bệnh nặng và bị mù. Tuy nhiên, ngài nhất quyết tiếp tục cuộc hành hương và thăm viếng các thánh địa với tất cả lòng sùng kính hơn là muốn chiêm ngưỡng bằng cặp mắt. Trên đường về ngài được chữa lành và được sáng mắt. Ðiều ấy chắc chắn đã nhắc nhở ngài rằng không thể nhắm mắt trước nhu cầu của những người chung quanh, và đừng đóng cửa lòng trước lời mời của Thiên Chúa.
Ở khắp nơi trong thành phố, đâu đâu ngài cũng thấy các em gái nghèo nàn, không có học vấn và cũng không có tương lai. Trong thế kỷ mười lăm và mười sáu của Thánh Angela, vấn đề giáo dục phụ nữ là dành cho người giầu và cho các nữ tu. Angela là người có học thức. Cha mẹ ngài chết sớm khi ngài mới mười tuổi và sau đó ngài phải sống với người chú. Ngài thực sự bối rối khi thấy chị của ngài từ trần mà không được lãnh nhận các bí tích. Trong một thị kiến ngài được đảm bảo là chị của ngài được an toàn trong bàn tay Thiên Chúa -- và cũng qua thị kiến ấy ngài tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa.
Khi chú ngài từ trần, trở về nhà ngài nhận thấy các em gái trong vùng không có một chút học vấn. Nhưng ai sẽ dạy các em? Thời ấy thật khác biệt. Phụ nữ không được phép làm nghề giáo và các cô chưa chồng thì không được tự ý đi ra ngoài -- dù để phục vụ người khác. Nữ tu là các phụ nữ có kiến thức nhưng họ không được phép bước chân ra khỏi tu viện. Thời đó không có dòng nữ tu chuyên về giáo dục như ngày nay.
Ðể giúp đỡ các em, Angela nghĩ ra một phương cách mới. Ngài quy tụ một nhóm các cô thuộc dòng Ba Phanxicô, đi ra đường phố và tụ tập các em gái lại để dạy học cho các em. Các cô không có tiền cũng như không có quyền thế, họ chỉ có tấm lòng tận tụy cho việc giáo dục và cho Ðức Kitô. Sống trong chính nhà của mình, họ gặp gỡ để cầu nguyện và dạy học. Họ thành công đến nỗi Angela được yêu cầu đưa sáng kiến ấy để thực hiện ở các thành phố khác, và đã làm nhiều người kinh ngạc, kể cả đức giáo hoàng.
Mặc dù ngài từ chối đức giáo hoàng, nhưng có lẽ thỉnh cầu của đức giáo hoàng đã gợi ý cho ngài thấy rằng cần phải chính thức hóa tổ chức của ngài. Mặc dù chưa bao giờ là một nữ tu, Hội Thánh Ursula của Angela là nhóm nữ tu đầu tiên hoạt động ngoài khuôn khổ nhà dòng và là dòng nữ đầu tiên chuyên lo giáo dục.
Thánh Angela Merici từ trần năm 1540, khi ngài khoảng bảy mươi tuổi.
Lời Bàn
Như với nhiều vị thánh khác, lịch sử hầu như chỉ lưu tâm đến hoạt động của các ngài. Nhưng chúng ta phải luôn nhớ rằng, đức tin và đức ái sâu xa của các ngài là động lực thúc đẩy và là nguồn can đảm giúp các ngài đáp ứng với nhu cầu không cùng của con người trong xã hội.
Lời Trích
Khi sự thay đổi trở nên khó khăn đối với nhiều người, có lẽ thật hữu ích khi nhớ lại lời của thánh nữ nói với các nữ tu: "Nếu theo thời gian và vì nhu cầu, các chị phải vâng theo các quy luật mới và thay đổi một vài điều, thì hãy thi hành với sự thận trọng và hãy để ý đến lời khuyên bảo."
Suy niệm 1: Vinh dự
Đức Giáo Hoàng Clêmentê VII muốn ban cho Angela Merici một vinh dự lớn lao khi yêu cầu ngài nhận trách nhiệm lãnh đạo một dòng nữ tu chuyên về điều dưỡng.
Vinh dự cá nhân cũng cần thiết, nhưng không quan trọng bằng vinh danh Thiên Chúa. Chính vì thế Angela đã từ chối, vì biết công việc điều dưỡng không phải là điều Thiên Chúa muốn mời gọi ngài thi hành.
Chính Đức Giêsu cũng truyền dạy mọi người phải ưu tiên làm vinh danh Thiên Chúa (Mt 6,8), đến mức không cần người đời tôn vinh (Ga 5,41), vì được người khen do đẹp lòng người, mà bị Thiên Chúa chê do mất lòng Chúa, thì đâu còn giá trị gì.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống châm ngôn: thà làm mất lòng người đời hơn làm mất lòng Thiên Chúa.
Suy niệm 2: Sùng kính
Thánh Angela Merici nhất quyết tiếp tục cuộc hành hương và thăm viếng các thánh địa với tất cả lòng sùng kính hơn là muốn chiêm ngưỡng bằng cặp mắt.
Thánh Angela Merici đã để lại cho hậu thế một mẫu gương về lòng sùng kính. Lòng sùng kính phải được thể hiện cụ thể trong hành động, vì con người vốn có hồn và có xác.
Đức Giêsu vốn hiền lành tuyệt vời nhưng Ngài cũng không chấp nhận được những việc làm bất kính đối với nơi cầu nguyện (Ga 2,15). Ngược lại những hành vi cúi mình, chấp tay, quỳ đứng cũng như ngồi trang nghiêm trong nhà thờ, chẳng những giúp thể hiện mà còn làm phát huy lòng sùng kính nữa.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn trân trọng thực hành các hình thức bày tỏ lòng sùng kính được phép tại địa phương.
Suy niệm 3: Xức dầu
Thánh Angela Merici thực sự bối rối khi thấy chị của ngài từ trần mà không được lãnh nhận các bí tích. Nhưng sau đó trong một thị kiến ngài được đảm bảo là chị của ngài được an toàn trong bàn tay Thiên Chúa.
Nhiều tín hữu đạo đức chẳng những bối rối mà còn xót xa khi thấy người thân lìa đời mà không lãnh nhận được các bí tích cuối cùng, cụ thể là bí tích xức dầu bệnh nhân, vì không hưởng được các ơn riêng là:
Giúp kết hiệp với Đức Kitô chịu khổ nạn, Được ơn sức mạnh, bình an và can đảm đón nhận Thiên Ý, Tha tội trong trường hợp không xưng tội được, Hồi phục sức khoẻ nếu hữu ích cho phần rỗi, Chuẩn bị bước vào đời sống vĩnh cửu.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn sống lành thánh trong sạch, để khi đột xuất lìa đời mà không kịp được Xức Dầu, thì cũng thanh thản lên đường.
Suy niệm 4: Nhu cầu học vấn
Thánh Angela Merici nhận thấy các em gái trong vùng không có một chút học vấn... Ngài quy tụ một nhóm các cô thuộc dòng Ba Phanxicô, đi ra đường phố và tụ tập các em gái lại để dạy học cho các em.
Như với nhiều vị thánh khác, lịch sử hầu như chỉ lưu tâm đến hoạt động của các ngài. Nhưng chúng ta phải luôn nhớ rằng, đức tin và đức ái sâu xa của các ngài là động lực thúc đẩy và là nguồn can đảm giúp các ngài đáp ứng với nhu cầu không cùng của con người trong xã hội.
Khi sự thay đổi trở nên khó khăn đối với nhiều người, có lẽ thật hữu ích khi nhớ lại lời của thánh nữ nói với các nữ tu: "Nếu theo thời gian và vì nhu cầu, các chị phải vâng theo các quy luật mới và thay đổi một vài điều, thì hãy thi hành với sự thận trọng và hãy để ý đến lời khuyên bảo."
* Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một đức ái siêu vượt để chẳng những thấy mà còn đáp ứng các nhu cầu chính đáng của tha nhân.
Suy niệm 5: Tấm lòng
Các cô không có tiền cũng như không có quyền thế, họ chỉ có tấm lòng tận tụy cho việc giáo dục và cho Đức Kitô.
Bà góa nghèo đến mức bỏ vào hòm cúng đền thờ tất cả những gì mình có để nuôi sống, cho dầu đó chỉ là một số tiền rất khiêm tốn nhưng lại biểu lộ một tấm lòng cao cả, khiến Đức Giêsu phải ghi nhận và lớn tiếng biểu dương (Mc 12,43).
Banaba lại giàu có của cải và đồng thời cũng giàu có tấm lòng. Ông có một thửa đất, nhưng sẵn sàng bán đi, lấy hết tiền đem trao cho các tông đồ theo lời mời gọi của các ngài, để các ngài phân phát đồng đều cho những tín hữu thiếu thốn (Cv 4,36-37).
* Lạy Chúa Giêsu, xin thương ban cho chúng con một tấm lòng vàng, để dầu giàu dầu nghèo, chúng con vẫn luôn sống hết mình cho tha nhân.
Suy niệm 6: Gợi ý
Dù Thánh Angela Merici từ chối đức giáo hoàng, nhưng có lẽ thỉnh cầu của đức giáo hoàng đã gợi ý cho ngài thấy: cần phải chính thức hóa tổ chức của ngài.
Gợi ý thì không mang tính quyết định, vì thế đương sự được gợi ý có thể chọn theo hay từ chối không làm theo. Tuy nhiên nếu đương sự khiêm tốn và khôn ngoan chọn làm theo sự gợi ý như là chính quyết định của mình, thì kết quả sẽ vô cùng tuyệt mỹ.
Thật vậy, mặc dù chưa bao giờ là một nữ tu, Hội Thánh Ursula của Angela là nhóm nữ tu đầu tiên hoạt động ngoài khuôn khổ nhà dòng và là dòng nữ đầu tiên chuyên lo giáo dục. Họ thành công đến nỗi Angela được yêu cầu đưa sáng kiến ấy để thực hiện ở các thành phố khác, và đã làm nhiều người kinh ngạc, kể cả đức giáo hoàng.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con trân trọng sự gợi ý đến mức luôn làm theo, hầu đạt được thành quả khả quan.
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
- Viết bởi Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Thánh Timôtê (c. 97?): Qua Tân Ước, những gì chúng ta biết được về cuộc đời Thánh Timôtê thì giống như của một giám mục bận rộn ngày nay. Ngài được vinh dự tháp tùng Thánh Phaolô, và cả hai đều được ưu tiên rao giảng phúc âm và chịu đau khổ.
Thánh Timôtê có cha là người Hy Lạp và mẹ là người Do Thái tên là Eunice. Là kết quả của một hôn nhân "hỗn hợp", nên ngài bị người Do Thái coi là bất hợp pháp. Chính bà ngoại thánh nhân, bà Lois, là người đầu tiên trở lại Kitô Giáo. Sau đó, Timôtê được Thánh Phaolô rửa tội khoảng năm 47, và sau đó cùng tiếp tay với ngài trong công cuộc tông đồ. Chính ngài và Thánh Phalô cùng sáng lập Giáo Hội Côrintô. Trong 15 năm làm việc với Thánh Phaolô, Timôtê trở nên người bạn trung tín nhất của Phaolô. Ngài được Thánh Phaolô gửi đi truyền giáo – thường phải đương đầu với những xáo trộn trong các giáo đoàn mà Thánh Phaolô thành lập.
Khi Timôtê đang ở với Phaolô thì bị bắt tại Rôma. Trong một thời gian, chính Timôtê cũng bị tù (Dt 13,23). Và Thánh Phaolô đã bổ nhiệm Timôtê làm đại diện cho ngài ở Êphêsô.
Timôtê quá trẻ so với trách nhiệm nặng nề phải đảm trách. ["Đừng để ai coi thường anh vì sự trẻ trung" (1Tim 4,12a)]. Một vài đoạn khác cho chúng ta biết dường như Timôtê hay bẽn lẽn. Và một trong những câu của Thánh Phaolô thường được trích dẫn là câu viết cho Timôtê: "Đừng chỉ uống nước lã, nhưng hãy dùng thêm chút rượu, vì anh đau dạ dày và ốm yếu luôn" (1 Tim 5,23).
Titô (c. 94?): Titô có nét đặc biệt là người bạn thân và là môn đệ của Thánh Phaolô cũng như tiếp tay trong công cuộc truyền giáo. Ngài là người Hy Lạp, hiển nhiên xuất thân từ Antiôkia. Mặc dù ngài là Dân Ngoại, Thánh Phaolô đã không để ngài phải chịu cắt bì ở Giêrusalem. Titô được coi như người hòa giải, người quản đốc, người bạn rất tốt. Trong lá thư thứ hai gửi giáo đoàn Côrintô, Thánh Phaolô cho chúng ta thấy tình bạn sâu đậm giữa ngài với Titô, và tình đồng đội giữa hai người khi rao giảng Tin Mừng: "Khi tôi đến Troas… Tinh thần tôi không được khuây khỏa vì không gặp được Titô, người anh em của tôi. Do đó tôi từ giã họ và tiếp tục đến Macedonia… Ngay cả khi đến Macedonia, thể xác chúng tôi cũng chưa được yên, mà phải chịu đau khổ đủ mọi cách -- xung đột bên ngoài, lo sợ bên trong. Nhưng Thiên Chúa, Đấng an ủi những kẻ yếu hèn, đã an ủi chúng tôi bằng cách sai Titô đến…" (2 Cr 2,12a-13;7,5-6).
Trong Thư Gửi Titô, lúc ấy Titô được coi như quản đốc của cộng đồng Kitô Giáo trên đảo Crete, có trách nhiệm tổ chức, chấn chỉnh những lạm dụng và bổ nhiệm các giám mục phụ tá.
Lời Bàn
Qua đời sống của Thánh Titô, chúng ta có được chút hiểu biết về đời sống Giáo Hội thời tiên khởi: hăng say trong việc tông đồ, kết hợp mật thiết với Ðức Kitô, triển nở tình bạn. Tuy nhiên, luôn luôn có những vấn đề của bản tính con người và những chi tiết không hấp dẫn chút nào trong đời sống hàng ngày: cần phải sống bác ái và kiên nhẫn trong "sự cãi cọ với người khác, lo sợ trong tâm hồn". Qua tất cả những điều ấy, tình yêu của Ðức Kitô đã gìn giữ họ.
Suy niệm 1: Bận rộn
Qua Tân Ước, những gì chúng ta biết được về cuộc đời Thánh Timôtê thì giống như của một giám mục bận rộn ngày nay.
Một bài học hậu thế phải ghi nhận và sống, đó là phải biết sắp xếp để dầu bận rộn vẫn luôn chu toàn bổn phận. Một Đức Hồng Y đã thu xếp thời khóa biểu: làm tất cả việc thiêng liêng từ sáng sớm vì biết rằng sau giờ điểm tâm sáng thì bận rộn đến giờ ngủ khuya.
Thời Giáo Hội Sơ Khai, khi có tiếng kêu trách trong việc phân phát lương thực hằng ngày, vì số lượng tín hữu càng ngày càng thêm đông, Nhóm Mười Hai đã cắt đặt thêm Nhóm Bảy người để lo việc ăn uống, hầu các ngài chuyên tâm cầu nguyện và phục vụ Lời Chúa.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hiểu rằng: không phải không có thì giờ để làm việc, mà vì không biết sắp xếp thời khóa biểu hợp lý để làm việc.
Suy niệm 2: Đánh giá
Là kết quả của một hôn nhân "hỗn hợp", nên Thánh Timôtê bị người Do Thái coi là bất hợp pháp.
Người đời thường sai lầm do việc đánh giá theo ngoại diện. Người đồng hương đã không nhận ra Thiên tính của Đức Giêsu, vì xét Ngài là con của bác thợ mộc Giuse (Mt 13,55). Các thân nhân thấy Ngài không ăn uống thì cho là mất trí (Mc 3,21).
Thấy Đức Giêsu đồng bàn ăn uống với người thu thuế, người Do thái lại đánh giá Ngài là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi. Còn Gioan Tẩy Giả không ăn không uống thì cho là bị quỷ ám (Mt 11,18-19).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con có đánh giá ai, thì hãy học theo gương Chúa để luôn đánh giá tận bên trong.
Suy niệm 3: Hợp tác
Timôtê được Thánh Phaolô rửa tội khoảng năm 47, và sau đó cùng tiếp tay với ngài trong công cuộc tông đồ. Titô có nét đặc biệt là người bạn thân và là môn đệ của Thánh Phaolô cũng như tiếp tay trong công cuộc truyền giáo.
Phải kể đến một nhân vật hợp tác nổi bật với Thánh Phaolô là Thánh Banaba. Quả là nổi bật, vì hai ngài được chính Thiên Chúa chọn lựa, để hướng việc truyền giáo đến dân ngoại (Cv 13,2).
Cùng tiếp tay với hai ngài, đó chính là Gioan cũng gọi là Máccô (Cv 13,5;15,37), dầu cũng có một chút trục trặc, để rồi Xila được chọn đi cùng Phaolô, còn Máccô thì đi cùng Banaba (Cv 15,39-40).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn biết từ bỏ ý riêng để việc hợp tác đạt được nhiều kết quả.
Suy niệm 4: Bạn hữu
Trong 15 năm làm việc với Thánh Phaolô, Timôtê trở nên người bạn trung tín nhất của Phaolô. Thánh Phaolô cũng cho chúng ta thấy tình bạn sâu đậm giữa ngài với Titô, và tình đồng đội giữa hai người khi rao giảng Tin Mừng.
Là bậc thầy, Thánh Phaolô lại sống và làm việc cũng như cư xử với các môn đệ mình như những người bạn. Thật đáng khâm phục khi ngài đã họa lại mối liên hệ bằng hữu giữa Đức Giêsu và các tông đồ.
Thật vậy dựa vào tình bạn mà Phêrô mạnh dạn lên tiếng cản đường Chúa lên Giêrusalem để chịu chết. Cũng như Gioan không ngần ngại tựa đầu vào ngực Chúa ở bàn tiệc ly để dò hỏi xem ai là kẻ phản bội.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng để thứ bậc trở thành rào cản cho các mối tương quan bằng hữu giữa chúng con với nhau.
Suy niệm 5: Trẻ trung
Timôtê quá trẻ so với trách nhiệm nặng nề phải đảm trách. Vì thế ngài được khuyên bảo: "Đừng để ai coi thường anh vì sự trẻ trung" (1Tim 4,12a).
Qua trường hợp của Thánh Timôtê, một bài học để đời và cũng động viên mọi người. Đó là tài năng không lệ thuộc vào tuổi tác, đúng như câu khen ngợi vốn nghe thường ngày: tuổi trẻ tài cao.
Trong lãnh vực đạo đức, cũng không thiếu những vị thánh trẻ như một Đôminicô Saviô mất lúc 15 tuổi, thậm chí anh dũng tử đạo như một Anê và một Maria Gôrétti vào lứa tuổi thứ 12.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống được châm ngôn các ngài là thà chết chứ không thà phạm tội
Suy niệm 6: Lạm dụng
Trong Thư Gửi Titô, lúc ấy Titô được coi như quản đốc của cộng đồng Kitô Giáo trên đảo Crete, có trách nhiệm tổ chức, chấn chỉnh những lạm dụng và bổ nhiệm các giám mục phụ tá.
Qua đời sống của Thánh Titô, chúng ta có được chút hiểu biết về đời sống Giáo Hội thời tiên khởi: hăng say trong việc tông đồ, kết hợp mật thiết với Đức Kitô, triển nở tình bạn.
Tuy nhiên, luôn luôn có những vấn đề của bản tính con người và những chi tiết không hấp dẫn chút nào trong đời sống hàng ngày, cụ thể là việc lạm dụng chức quyền.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn biết tận dụng chứ đừng lạm dụng những ơn Chúa hằng thương ban cho chúng con.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các tâm hồn tận hiến luôn được bền đổ đến cùng.
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
- Viết bởi Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Toàn thể cuộc đời của Thánh Phaolô có thể nói hệ tại ở một biến cố -- ngài được gặp Đức Giêsu trên đường đi Đamát. Ngay khoảnh khắc đó, mọi sự hăng say của một người nhiệt huyết như ngài đều trở nên vô ích, như quả đấm ngàn cân của một tay quyền anh bị hụt hẫng. Có lẽ ngài chưa bao giờ được gặp Đức Giêsu, mặc dù chỉ lớn hơn Đức Giêsu vài tuổi. Nhưng ngài ghét cay ghét đắng những gì Đức Giêsu chủ trương khi ngài bắt đầu bắt bớ Giáo Hội: "... đi vào từng nhà và bắt bỏ tù những người đàn ông cũng như đàn bà" (Cv 8,3b). Bây giờ, chính ngài được "đi vào", được chiếm ngự, mọi năng lực của ngài được khai thác cho một mục đích -- trở nên một nô lệ cho Đức Kitô trong sứ vụ hòa giải, thành một khí cụ giúp người khác cảm nhận được Đấng Cứu Thế.
Câu nói đã xác định lập trường đức tin của ngài: "Ta là Giêsu, người mà ngươi đang bách hại" (Cv 9,5b). Một cách huyền nhiệm Đức Giêsu đã đồng hóa với dân của Ngài -- là những người mà Thánh Phaolô trước đây đã từng săn đuổi như các tội nhân. Ngài nhìn thấy nơi Đức Giêsu, sự hoàn tất một cách huyền nhiệm những gì ngài đang theo đuổi cách mù quáng.
Từ đó trở đi, công việc của ngài là "giúp mỗi người trở nên hoàn thiện trong Đức Kitô. Vì đó mà tôi phải vất vả chiến đấu, nhờ sức lực của Người hoạt động mạnh mẽ trong tôi" (Cl 1,28b-29). "Vì tin mừng được loan báo cho anh chị em không chỉ bằng lời nói, mà còn trong quyền năng và trong Thánh Thần và với niềm xác tín sâu xa" (1 Th 1,5a).
Cuộc đời Thánh Phaolô trở nên sự rao truyền không mệt mỏi và ngài sống sứ điệp thập giá: qua sự rửa tội, người Kitô chết cho tội lỗi và được mai táng với Đức Kitô; họ là người chết đối với những gì sai trái và không giúp đưa đến sự cứu chuộc thế gian. Họ được tạo thành một tạo vật mới, được chia sẻ vinh quang của Đức Kitô và một ngày nào đó họ sẽ được sống lại từ cõi chết như Người. Qua Đức Kitô phục sinh, Thiên Chúa Cha tuôn đổ Thánh Thần trên họ, biến họ trở nên hoàn toàn mới.
Do đó thông điệp vĩ đại cho thế giới của Thánh Phaolô là: Bạn đã được Thiên Chúa cứu chuộc, không do bởi bất cứ gì bạn thi hành. Đức tin cứu độ là món quà tặng cho những ai tận hiến cho Đức Kitô một cách tuyệt đối, tự nguyện và cá biệt, mà sự tận hiến ấy mang lại kết quả trong "công việc" nhiều hơn là những gì Luật Lệ mơ tưởng.
Lời Bàn
Quả thật Thánh Phaolô là người khó hiểu. Lối văn của ngài phản ảnh kiểu cách tranh luận của một giáo sĩ Do Thái trong thời ấy, và tư tưởng của ngài đã vượt đến đỉnh núi trong khi chúng ta còn lẽo đẽo ở bên dưới. Nhưng có lẽ, sự khó khăn của chúng ta sẽ vơi bớt đi nếu chúng ta áp dụng lời khuyên của ngài vào đời sống hàng ngày.
Lời Trích
"Tình yêu thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả" (1 Côrintô 13:4-7).
Suy niệm 1: Biến cố
Toàn thể cuộc đời của Thánh Phaolô có thể nói hệ tại ở một biến cố -- ngài được gặp Đức Giêsu trên đường đi Đamát.
Đời người không thiếu những biến cố. Biến cố vui buồn sướng khổ. Điều quan trọng là đón nhận, đọc ra và chấp hành theo Thiên Ý. Thánh Phaolô đã làm được công việc này. Ngài đã mở ra một trang sử mới cho đời ngài và cho hoạt động Giáo Hội.
Biến cố Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Giêsu cũng được Ngài đón nhận và thực thi cách hoàn hảo đến mức đã mở ra một kỷ nguyên mới cho toàn thể nhân loại và thế giới.
Suy niệm 2: Nô lệ
Thánh Phaolô trở nên một nô lệ cho Đức Kitô trong sứ vụ hòa giải, thành một khí cụ giúp người khác cảm nhận được Đấng Cứu Thế.
Từ thân phận làm nô lệ cho đủ thứ đam mê (Tt 3,3), chẳng hạn như lòng nhiệt thành mù quáng đối với Luật Môsê, đến mức ghét cay ghét đắng những gì Đức Giêsu chủ trương, để rồi bắt đầu bắt bớ Giáo Hội, ngài đã trở nên một nô lệ cho Đức Kitô.
Từ thân phận làm nô lệ cho thế gian và ma quỷ qua tội nguyên tổ cũng như tội mình làm (Ga 8,34), chúng ta đã được Đức Giêsu giải thoát và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái (Cl 1,13), nhờ vào bí tích Rửa Tội và Giải Tội.
* Lạy Chúa Giêsu, cùng Thánh Phaolô, chúng con xin dâng lời tri ân cảm tạ Chúa.
Suy niệm 3: Khí cụ
Thánh Phaolô trở nên một nô lệ cho Đức Kitô trong sứ vụ hòa giải, thành một khí cụ giúp người khác cảm nhận được Đấng Cứu Thế.
Thánh Phaolô quả là khí cụ chính Chúa đã đích thân tuyển chọn (Cv 9,15), nhưng không phải dễ dàng được tiếp nhận. Khanania ở Đamát tỏ ra ái ngại (Cv 9,13), và các tông đồ phải nhờ vào sự bảo lãnh của Banaba (Cv 9,27).
Bản thân ngài là thế, còn lối văn và tư tưởng của ngài thì thật khó hiểu, vì lối văn phản ảnh kiểu cách tranh luận của một giáo sĩ Do Thái trong thời ấy, và tư tưởng lại vượt đến đỉnh núi trong khi chúng ta còn lẽo đẽo ở bên dưới.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con làm vơi bớt đi các khó khăn đó, bằng cách chủ yếu áp dụng lời khuyên của ngài vào đời sống hàng ngày.
Suy niệm 4: Rao giảng
Cuộc đời Thánh Phaolô trở nên sự rao truyền không mệt mỏi và ngài sống sứ điệp thập giá.
Sau khi được kêu gọi, Thánh Phaolô đã đáp lại lệnh truyền ra đi rao giảng của Đức Giêsu (Mt 28,19). Hơn thế ngài còn xem việc thi hành sứ mạng rao giảng như là niềm vui trong đời, khi ngài thốt lên: Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng (1Cr 9,16).
Chí hướng này đã là động lực tiềm ẩn thôi thúc ngài mãi lên đường theo tiếng gọi của dân ngoại (Cv 16,9). Bất chấp những lời van xin ở lại, ngài vẫn miệt mài ra đi (Cv 18,20). Thậm chí thành lập được giáo đoàn, ngài cũng chuyển giao để rồi tiếp tục lên đường (Rm 15,20;1Cr 3,6-10;Tt 1,5).
* Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con lòng nhiệt thành truyền giáo như gương thánh Phaolô.
Suy niệm 5: Thập giá
Cuộc đời Thánh Phaolô trở nên sự rao truyền không mệt mỏi và ngài sống sứ điệp thập giá.
Thập giá Thánh Phaolô phải vác lấy theo gương Đức Giêsu, chính là những khổ đau ngài trải qua trong cuộc đời, đặc biệt trên bước đường truyền giáo (2Cr 11,24-33) và cuối cùng bị cầm tù và bị giết chết.
Tuy nhiên ngài vui mừng vác lấy thập giá với ý thức: “Những gian nan thử thách Đức Giêsu còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1,24).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con can trường vác lấy thập giá đến đỉnh đồi Canvê với Chúa, để cùng được phục sinh vinh quang với Chúa.
Suy niệm 6: Tận hiến
Đức tin cứu độ là món quà tặng cho ai tận hiến cho Đức Kitô một cách tuyệt đối, tự nguyện và cá biệt.
Mọi tín hữu đều được gọi sống đức ái hoàn hảo, nhưng những ai tự nguyện sống đời tận hiến, thì buộc tuân giữ đức vâng phục, nghèo khó và khiết tịnh trong đời sống độc thân vì Nước Trời (Sách Giáo Lý số 915).
Nhờ đời sống tận hiến để thánh hóa trần gian, các thành viên tu hội đời tham dự vào nhiệm vụ phúc âm hóa của Hội Thánh, “ngay giữa đời và từ môi trường đời”, nơi đó họ hiện diện và tác động như “men trong bột” (Sách Giáo Lý số 929).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các tâm hồn tận hiến luôn được bền đổ đến cùng.
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
- Thánh Phanxicô Sales (1567-1622)
- Tôi Tớ Thiên Chúa Juan de Padilla (1492 - 1542)
- Thánh Mattheô Alonso Liciniana (Đậu) Linh mục
- Thánh Phanxicô Gil de Federich (Tế) Linh mục
- Thánh Vinh Sơn ở Saragossa (c. 304)
- Thánh Anê (c.258?)
- Thánh Sebastian (257? - 288?)
- Thánh Fabian (250)
- Thánh Carôlô ở làng Xêdê (1613-1670)
- Thánh Antôn Viện Phụ (Thế kỷ IV)